KINH MẠT-LA VƯƠNG

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, có quốc vương hiệu là Mạt-la, cai trị đất nước phồn thịnh, dân chúng đông đúc, mạnh mẽ. Ở nước đó có tảng đá vuông vức, chu vi hàng chục dặm nằm trên đường đến cung vua. Quần thần cùng nhau bàn tán, tâu nhà vua nên dời tảng đá. Vua liền lựa chọn trong nước được chín ức người để đào, di chuyển, trải qua nhiều năm tháng, các lực sĩ đã mỏi mệt mà không di chuyển được.

Phật nghĩ: “Những người dân này ngu si, nên uổng công lao nhọc mà vẫn không di chuyển được tảng đá”, liền bảo Tôn giả Anan:

–Ông hãy cùng đi với ta đến đó.

Chỉ trong khoảng khảy móng tay, Phật và Tôn giả A-nan đã đến nước ấy. Khi đó, Phật giả làm Sa-môn, đắp y, đứng bên cạnh tảng đá, nói với dân chúng:

–Vì sao phải đào, di chuyển tảng đá này?

Ban đầu không ai trả lời. Phật hỏi như vậy đến ba lần, dân chúng tức giận nói:

–Chúng tôi đào tảng đá này rất cực khổ, trải qua nhiều năm.

Các ông là ai mà đến hỏi chúng tôi?

Nói xong, mọi người đều bỏ đi.

Khi ấy, Phật liền mỉm cười, dùng ngón chân hất tảng đá, rồi dùng tay nắm lấy, ném lên hư không, lại dùng tay hứng lấy, đem để dưới đất. Phật liền phóng ra ánh sáng, hiện tướng tốt. Chín ức người thấy oai thần của Phật đều khiếp sợ, cúi đầu thưa:

–Chúng con ngu si không phân biệt thật, giả. Ngài là vị trời, thần nào?

Phật bảo:

–Ta là Phật.

Mọi người hỏi:

–Ngài dùng những lực nào mà có thể nâng được tảng đá này?

Đáp:

–Ta có bốn lực. Đó là:

  1. Lực tinh tấn.
  2. Lực nhẫn nhục.
  3. Lực bố thí.
  4. Lực phụ mẫu.

Thế nào là lực tinh tấn? Nghĩa là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, giảng thuyết kinh pháp, hướng dẫn cho người và vật, chưa lúc nào biếng nhác. Đó là lực tinh tấn.

Thế nào là lực nhẫn nhục? Nghĩa là nếu có người làm hại, hủy hoại, hay làm nhục, nói xấu ta thì tâm ta vẫn như đất, đều nhận lấy tất cả. Đó là lực nhẫn nhục.

Thế nào là lực bố thí? Nghĩa là đem quốc gia, thành lũy, châu báu, vợ con, đầu mắt mà ban cho người, tâm không hề hối tiếc. Đó là lực bố thí.

Thế nào là lực phụ mẫu? Nghĩa là có thân này là do cha mẹ, nhờ ơn bú mớm, nuôi dưỡng. Nếu đem ban cho người những châu báu cất chứa từ dưới đất cho đến cõi trời thứ hai mươi tám cũng không bằng cung phụng và nuôi dưỡng cha mẹ. Đó là lực phụ mẫu.

Mọi người lại hỏi:

–Còn có những lực nào nữa không?

Phật bảo:

–Còn có bốn lực.

Thế nào là bốn? Đó là sinh, già, bệnh, chết. Đó là bốn lực.

Lại hỏi:

–Phật đang thường trụ ở đời phải không?

Phật bảo:

–Ta cũng sẽ nhập Niết-bàn.

Mọi người nói:

–Phật chính là bậc Thần thánh, thân tuớng tốt, màu vàng ròng, ở đời hiếm có mà còn Niết-bàn, huống chi là chúng ta.

Vua và quần thần, dân chúng chín ức người cùng lúc đều hiểu rõ, xin thọ năm giới, mười điều thiện, quy y Tam bảo, cắt đứt mọi ràng buộc của phiền não và liền đắc quả Tu-đà-hoàn.

Tôn giả A-nan sửa y phục, đảnh lễ Phật, thưa:

–Nhà vua và chín ức người này có công đức gì mà nay nghe kinh pháp liền mau hiểu rõ?

Phật nói:

–Thuở xưa, vào thời Phật Câu-lưu-tần, nhà vua và chín ức người trong nước đều đã lập chí nguyện, hoặc có người thọ năm giới, mười điều thiện, hoặc có người trì trai giới, hoặc có người thắp đèn, hoặc có người đốt hương, rải hoa, hoặc có người đọc tụng kinh, hoặc có người nghe kinh, nên ngày nay họ đến hội này nghe kinh liền hiểu. Các Tỳ-kheo nghe vậy đều vui mừng làm lễ Phật.