KINH MA-HA SÁT ĐẦU

(CŨNG GỌI LÀ KINH QUÁN PHẬT HÌNH TƯỢNG)

Hán dịch: Đời Tây Tần, Sa-môn Thích Thánh Kiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tất cả chúng sinh, chư Thiên, muôn dân, trưởng lão đều nên lắng nghe:

–Phàm được làm người là khó, đạt được đạo Vô thượng cũng vậy. Mạng người khó được, Phật ra đời khó gặp. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trải qua vô số kiếp, lúc còn làm Bạch y, đã dày công tích đức, mỗi đời luôn tự chế ngự tâm ý, lần lượt nơi năm đường, không tham của cải, châu báu mà còn đem cả thân mình bố thí, cho đến khi làm Thái tử, nửa đêm ngày mồng tám tháng tư, lúc sao mai vừa mọc, hạ sinh liền đi bảy bước, đưa tay phải lên mà nói: “Trên trời dưới trời, ta sẽ vì muôn dân mà làm thầy”. Khi Thái tử ra đời, trời đất đều chấn động lớn. Phạm thiên nơi tầng trời thứ bảy, Đế Thích, Thiên vương, nơi cõi trời Đao-lợi, tầng trời thứ hai (trong sáu tầng trời cõi Dục) và Tứ Thiên vương, tầng trời thứ nhất đều giáng hạ, cầm mười hai loại nước hương thơm và nhiều thứ hoa, để tắm rửa thân thể của Thái tử. Thái tử nguyện sẽ thành Phật, đem đạo pháp mở bày dẫn dắt cho hàng trời, người.

Đức Phật bảo muôn dân trong thiên hạ:

–Chư Phật nơi mười phương đều lấy ngày mồng tám tháng tư vào lúc nửa đêm làm ngày Đản sinh. Chư Phật nơi mười phương đều lấy ngày mồng tám tháng tư vào lúc nửa đêm làm ngày xuất gia vào núi tu hành học đạo. Chư Phật nơi mười phương đều lấy ngày mồng tám tháng tư vào lúc nửa đêm làm ngày đắc Phật đạo. Chư Phật nơi mười phương đều lấy ngày mồng tám tháng tư vào lúc nửa đêm làm ngày nhập Niết-bàn.

Phật lại nói:

–Sở dĩ dùng ngày mồng tám tháng tư, vì sự giao mùa giữa mùa Xuân và mùa Hạ, tai họa và oan chướng đều hết sạch, vạn vật sinh sôi nẩy nở khắp nơi, khí độc chưa chuyển động, thời tiết không lạnh không nóng, điều hòa, dễ chịu, nên Phật sinh vào ngày ấy. Mọi người dân trong thiên hạ cùng nhớ nghĩ đến công đức của Phật thì nên tắm hình tượng Đức Phật như khi Phật còn tại thế, do đó nên chỉ rõ cho mọi người.

Phật nói:

–Khi ta còn làm Bồ-tát ở đời, ba mươi sáu lần trở lại làm Thiên vương, Đế Thích, ba mươi sáu lần trở lại làm Kim luân vương, ba mươi sáu lần trở lại làm Hoàng đế Phi Hành. Ngày nay, các Hiền giả, ai có tâm tốt, ý thiện, nhớ nghĩ ân đức của Phật Thíchca Mâu-ni, thì hãy dùng hương hoa tắm rửa hình tượng Đức Phật, để cầu phước báo bậc nhất. Chư Thiên, Quỷ thần luôn chứng minh cho điều ấy.

Phật bảo:

–Thân người khó được, kinh Phật khó được nghe. Tự mình có thể làm giảm bớt tài sản của năm nhà, dùng để tắm rửa hình tượng Đức Phật, muốn cầu đạt đạo vô vi để độ đời sẽ được như ý nguyện, mãi mãi không cùng với sinh tử hội ngộ đều có thể được. Muốn cầu lập thân tinh tấn dũng mãnh như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thì có thể được. Muốn cầu như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, là bậc Không thoái chuyển, tướng mạo đầy đủ, bay đi khắp nơi để giáo hóa tất cả muôn loài thì có thể được. Muốn cầu chứng đắc A-la-hán, Bích-chi-phật đều chi có thể được. Muốn cầu cắt đứt, đóng kín gốc rễ nơi ba đường ác, sinh lên cõi trời, người đều có thể được. Muốn cầu làm Phạm thiên nơi tầng trời thứ bảy và Đế Thích Thiên vương nơi cõi trời Đao-lợi, tầng trời thứ hai đều có thể được. Muốn làm Hoàng đế Phi Hành có thể được. Muốn trở nên giàu sang ở thế gian, có thể được. Muốn cầu sinh trong nhà của cải giàu có trăm ngàn muôn ức, có thể được. Muốn cầu có trăm ngàn con cháu, có thể được. Muốn cầu sống lâu, không bệnh tật có thể được. Người đời thà mất một miếng thịt trên thân chứ không muốn mất một đồng tiền. Con người sinh ra không mang một đồng tiền theo, chết đi cũng không mang một đồng tiền ra đi. Của cải vật chất vẫn lưu giữ lại ở đời, chết phải nhận lấy khổ sở, phiền não. Giữ gìn tiền đó để dùng tắm rửa hình tượng Phật, khi chết hay sống thì phước đó không có đoạn tuyệt.

Đức Phật nói:

–Trong ngoài cõi Diêm-phù-đề có chư Thiên, Phạm thiên, Đế Thích, Quỷ thần, Long vương đều ủng hộ người tắm rửa hình tượng Phật. Do các nhân duyên ấy nên chứng được đạo Niết-bàn của Phật.

Phật nói:

–Đem các loại nước hương thơm để tắm rửa hình tượng Phật thì đạt được phước thanh tịnh, danh thơm khắp mười phương. Đem hoa tươi tốt cúng dường Phật thì đạt được phước là dung mạo đẹp đẽ không ai thể so sánh. Đem cờ lụa cúng dường Phật thì đạt được phước là theo chỗ mình sinh tự nhiên được y phục tốt đẹp, vô giá.

Đức Phật bảo:

–Ta đã dày công tích đức, hành thiện chí thành như Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ, nên mới được thành Phật. Tiền mà người tắm hình tượng Phật thu được nhiều hay ít phải chia ra làm ba phần:

  1. Tiền Phật.
  2. Tiền Pháp.
  3. Tiền Tỳ-kheo Tăng.

Tiền Phật dùng tạo hình tượng Phật bằng vàng, bằng đồng, bằng gỗ, bằng đất, bằng cách đắp tượng hay bằng cách vẽ, dùng đồng tiền Phật để làm những việc đó. Tiền cúng dường Pháp là để xây dựng tháp, lầu, tinh xá, có phòng trong ngoài, tường vách, hàng rào, gọi là tiền Pháp. Tăng Tỳ-kheo có vạn đồng tiền mà, tới ngàn vị thì chia đều ra. Nếu không có chúng Tỳ-kheo thì đem một phần tiền đó góp vào tiền pháp. Nếu có vài người thì cũng phân tiền đó làm ba phần, lấy ra một phần cho họ, còn lại thuộc tiền pháp và tiền tăng. Thậm chí chỉ hơn một đồng cũng không nên dùng sai lạc. Dù lấy một đồng để giúp đỡ ân nhân, thì cuộc sống cũng bị bần hàn, cùng cực, đến đời sau mãi mãi khổ nghèo. Thà dùng dao bén cắt thịt để cho ân nhân, chứ không lấy một đồng tiền tắm Phật dùng riêng cho ân tuệ. Thà uống nước đồng sôi, chớ không lấy một đồng tiền tắm Phật để cho phần ân tuệ. Thà tự ném thân mình trong lửa, chứ không lấy một đồng tiền tắm Phật cho vợ con, hoặc đem dùng chúng trong sinh họat ăn uống hàng ngày, thì ngay nơi đời hiện tại, phải nhận lấy sợ hãi, đời sau thần hồn phải chịu thống khổ. Ở đời có nhiều người phát tâm cầu đạt chỗ nguyện hàng ngày bố thí không tính nhiều, ít, đều hướng tới khiến được thêm nhiều, nhưng khi lo công việc xong thì mọi người trong nhà mỏi mệt, bữa ăn thịnh soạn, nhiều món dùng không hết thì nên để đâu.

Phật bảo:

–Ít nhiều đều phải đưa đến cấp cho Sa-môn trì pháp trong chùa, chúng Tăng tự phân chia. Người đem vật bố thí luôn muốn sinh lợi. Vậy làm thế nào để gieo trồng phước đến nơi thức ăn vào mùa xuân được phát sinh? Nếu đem thức ăn ấy phân chia hết về cho vợ con như là gieo trồng trên đá, cây khô héo không thể sống được. Nếu bố thí muốn được nhiều phước thì phải đem cúng dường chúng Tăng. Như thế là cho một mà được gấp vạn.

Pháp tắm Phật vào ngày mồng tám tháng tư là dùng cây Đô lương, Hoắc hương, Ngải nạp, hợp ba loại cỏ thơm đó mà giã rồi ngâm sẽ được nước màu xanh. Nếu ít thơm, có thể thêm vào bằng vỏ cây Cam đại tần, rồi lấy Uất kim hương bóp mà ngâm trong nước, cứ tiếp tục vò để tạo thành nước màu đỏ; nếu ít thơm hay không có đủ thì có thể dùng thêm vào bằng, Khưu long hương, đâm giã, sau đó ngâm trong nước, để tạo ra nước màu trắng, nếu ít thơm có thể dùng Hồ phấn làm cho đủ; nếu thiếu không đủ, có thể dùng bạch phấn thêm vào. Lấy Bạch phụ tử để thay vào, đâm giã, sau đó ngâm trong nước để tạo thành màu sắc vàng. Nếu Bạch phụ tử không đủ thì có thể dùng Chi tử thêm vào, để từ nước đen nhạt thành đen đậm, cuối cùng làm cho sạch sẽ. Bây giờ, được Tinh hoa thủy hay còn gọi là huyền thủy (nước tím đen). Dùng nước năm màu quan trọng đó mà rửa một cách cung kính.

Sau cùng, dùng nước sạch rửa tượng. Lấy lụa trắng bằng bông mới mềm mại lau tượng. Rồi, rửa lại lần nữa, gọi là nước thanh tịnh, phước của sự việc này, cùng với phước thứ nhất không khác.