KINH LƯU LY VƯƠNG

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Thuở ấy, Phật du hóa đến thành Ca-duy-la-vệ, vào tinh xá do dòng họ Thích dựng lên dưới bóng cây Ni-câu-loại, cùng với năm trăm Tỳ-kheo, thị giả là Tôn giả A-nan, Kim cang lực sĩ Lâu-do, thảy đều hội đủ.

Trong thành có năm trăm trưởng giả thuộc dòng họ nổi tiếng Xá-di, vì Đức Thế Tôn mà tạo dựng giảng đường, họ giao ước với nhau: Giảng đường làm xong sẽ thỉnh bậc Chánh giác đến để thiết lễ cúng dường. Các hàng Sa-môn, Phạm chí, Trưởng giả, Cư sĩ cùng toàn thể dân chúng không ai được quyền lên giảng đường này trước Đức Phật, nếu ai vi phạm sẽ phạm tội khó lường. Vua nước Xá-vệ có một thái tử tên là Duy-lâu-lê, lúc mới sinh có được ngọc báu lưu ly nên lấy đó đặt tên hiệu. Lúc ấy, thái tử chỉ huy các vệ sĩ đi viếng thăm bên họ ngoại vừa về, khi vào thành trông thấy giảng đường cao rộng, trang nghiêm, toàn bộ đều đẹp đẽ trong đời ít có, liền lên nơi ấy để nghỉ và hóng mát. Người trông coi giảng đường liền đến thưa với các vị trong tộc họ nổi tiếng kia:

–Thái tử nước Xá-vệ vào nghỉ trong giảng đường.

Các vị trong tộc họ kia nghe thế lấy làm tức giận, nên nói:

–Đó là tài sản của tộc họ chúng ta, ông ấy có đức khác lạ gì

mà dám lên giảng đường? Chúng ta vốn tạo nên giảng đường này là cho Đức Phật, sẽ là nơi dâng cúng thức ăn cho Đức Thế Tôn và hàng Thánh chúng. Cúng dường xong rồi sau đó chúng ta mới được vào, thế mà có kẻ đến trước Thế Tôn, đặt thân thể ở đó.

Nói rồi, liền sai sứ giả đến trách mắng, xua đuổi kẻ kia ra khỏi nơi ấy không được chậm trễ. Những nơi nào kẻ kia đặt chân đến hãy xóa sạch dấu chân đi. Bậc thềm nào kẻ ấy giẫm lên lập tức thay cái mới.

Thái tử Lưu Ly nghe tiếng mắng nhiếc liền biến sắc, trong lòng nổi lên sự oán hận độc ác, bảo quan thái sử:

–Hãy nghi nhớ thật kỹ điều này, không lâu ta sẽ lên ngôi vua và sẽ giết hết loại ấy.

Quan thái sử là A-tát-đà (đời Tấn gọi là Vô Tín), có khả năng xem thiên văn, nghiên cứu những điều tai họa, quái lạ, chép những điều ấy vào trong đai áo. Ôm nỗi hận độc trong lòng, thái tử ra lệnh cho đám quân hầu trở về, không tiếp tục viếng thăm bên ngoài nữa. Vua cha của thái tử Lưu Ly là Ba-tư-nặc cùng với hoàng hậu là Mạtlợi, xa giá cùng với đoàn tùy tùng đến vườn cây thái tử Kỳ-đà, vua xuống xe, dẹp bỏ lọng, cởi mũ, cởi kiếm, buông roi ngựa, cởi giày, trừ bốn đội quân, đi bộ vào con đường tắt nhỏ, cùng với hoàng hậu Mạt-lợi, cung kính đảnh lễ Phật rồi ngồi sang một bên.

Thái tử Lưu Ly về cung điện, không thấy ai cả, hỏi kẻ tả hữu:

–Phụ vương và thái hậu bây giờ ở đâu? Tả hữu tâu là vua đến chỗ Đức Phật.

Thái tử nghe nói, liền sai thuộc hạ của mình không được cởi giáp, thẳng đến tinh xá. Nên biết, ngay khi ấy, chính thái tử đã sát hại những cận thần, tùy tùng của vua cha hơn năm trăm người trong cùng một lúc, trừ những người giữ các dụng cụ của vua như: mũ, lọng, kiếm, roi, giày, cùng các đồ trang sức, ngoài ra khong còn một ai.

Trong lúc ấy, Đức Thế Tôn vì vua và hoàng hậu giảng nói về giáo pháp vô thường nơi thế gian, ái dục, sum họp rồi biệt ly. Vua nghe đạt pháp không thoái chuyển. Hoàng hậu thấy được Dấu đạo (Tu-đà-hoàn). Phật giảng nói kinh xong, vua đảnh lễ và lui ra, không thấy những người hầu cận, còn thi thể thì la liệt, chỉ có hai người trông coi áo mũ vua là còn sống, do chạy trốn trong lùm cây, trở ra gặp vua. Vua hỏi:

–Các quan đâu roi?

Hai người ấy thưa:

–Thái tử ép buộc các quan nhập chung với đám quân của thái tử trở về cung rồi.

Vua nói với hoàng hậu Mạt-lợi:

–Con ta làm điều bất hiếu, mưu tạo phản, vốn biết thế này ta nên lánh đi, đem nước giao cho tinh xá. Những người trong họ hầu cận thương vua và hoàng hậu sức khỏe yếu đuối, đi bộ khó khăn, còn dùng xe để đi thì xe hư xấu không dùng được, thế là phải đi bộ lần đến bên thành. Trước đó, thái tử Lưu Ly cho bày năm trăm quân trấn giữ cửa thành và bảo lính coi cửa:

–Nếu vua cha đến thì không cho vào.

Vua Ba-tư-nặc nói:

–Nếu không vào được, chúng ta nên thế nào?

Trả lời:

–Đại vương nên ra khỏi nước.

Vua Ba-tư-nặc nghẹn ngào rơi nước mắt, dùng lời kệ than:

Như lời Đức Phật dạy
Xét suy thật đúng lý
Hưng, suy cùng sang hèn
Tất cả không gì bền.
Thà giữ giới, nhớ đạo
Không tham nhiều bỗng lộc
Nay được nghe giảng pháp
Không mong nhiều đất đai.
Chiếm ngôi, mặc buông lung
Tham bẩn vội làm vui
Nghe pháp nhờ giải thoát
Bụi bẩn tiêu trừ hết.

Bấy giờ, những kẻ xem có tới hàng ngàn người, nghe lời vua than thì tám trăm người đều phát tâm Bồ-đề, an trụ không thoái chuyển, có vẻ lo lắng không vui. Hoàng hậu Mạt-lợi tâu vua:

–Xin chớ buồn phiền, chúng ta hãy về bên nước vua cha của thiếp.

Vua và hoàng hậu khởi hành, bảy ngày bảy đêm đến thôn Đâu-tát, thành Ca-duy-la-vệ, gặp lúc ban đêm cửa thành đóng, không thể vào được, mọi người đói khát không biết đi về đâu, xin ăn thì không có nơi chốn, bèn dừng lại bên sông, gần chỗ những người rửa rau, nhặt những rau cải rơi vãi để ăn. Nhà vua ăn rồi bị trúng độc, đau ruột rồi qua đời. Hoàng hậu quá đau xót, cất tiếng khóc lớn. Người giữ cổng làng hỏi:

–Ai đó?

Đáp:

–Ta là hoàng hậu.

Lại hỏi:

–Nhà vua ở đâu?

Hoàng hậu đáp:

–Thật là đau xót, vua vừa mất bên bờ sông.

Người giữ cổng làng liền chạy đi báo với những người thuộc dòng họ cao quý Xá-di. Những người ấy nghe tin dữ vội vàng, kinh ngạc theo đường chạy đến, đưa tặng quan tài lo việc tẩm liệu theo đúng pháp để trà-tỳ. Mọi người đều gọi tên, mến tiếc, ai cũng thương cảm.

Bấy giờ, người trong tộc họ Thích là Thích-ma-nam cha của Cù-di, cũng với các hào tộc khác dùng kệ than:

Có con có của khác nào cơn sóng
Ta vốn không ngã đâu là của con?
Ngu si cậy dựa sang quý còn đâu?
Thái tử cướp ngôi, chết, sa địa ngục.

Trong tộc họ Thích có hai trăm năm mươi người nghĩ sâu về lẽ vô thường, đạt bất thoái chuyển, năm trăm người nữ chưa xuất gia chứng được pháp Nhẫn vô sinh. Lúc này, thái tử Lưu Ly nghe vua cha qua đời, liền thăng điện lên ngôi vua, quan thái sử là người theo đạo khác lấy thư viết từ trong đai áo, một bằng chứng khó quên, ghi những điều trái ý. Vua nghe rồi trong lòng càng nổi giận, phẫn chí, liền điều bốn đội quân đi đánh thành Ca-duy-la-vệ. Phật biết trước việc đó, nên từ tinh xá đi đến ngồi nơi một cội cây khô bên đường, trong giây lát quân của thái tử đến.

Bấy giờ, vua Lưu Ly từ xa trông thấy Đức Thế Tôn, bèn xuống xe voi, quỳ, cúi đầu hỏi Phật:

–Thưa Bậc Thiên Trung Thiên! Có bảy loại cây quý là Bồ-đề, Phụ-sai, Ni-câu-loại, Tất-bát, Ưu-đàm-bát, Tất-la, Đát-la, Kiền-nixá-la, bóng nó cao lớn, lại sum suê xanh tốt, sao Ngài lại chọn cây khô gai gốc này mà ngồi?

Phật bảo vua Lưu Ly:

–Tuy có bảy loại cây quý, bóng nó cao rộng, cành lá um tùm xanh tốt, nhưng xanh tốt đâu thể còn mãi, ta ngồi nơi cây khô gai gốc lại là an ổn, cũng để tỏ lòng thương xót những người thân quyến.

Vua suy nghĩ: Lời sấm truyền của người xưa nói: Đem quân chinh phạt, gặp vị Sa-môn, nên đem quân về, huống chi hôm nay lại gặp Đức Phật, làm sao tiến binh được? Bèn cúi đảnh lễ nơi chân Phật, rồi đem quân trở về.

Về đến thành Xá-vệ, sáng hôm sau, thị giả là Tôn giả A-nan, lực sĩ Lâu-do theo hầu Đức Phật Thế Tôn, trở lại vườn Ni-câu-loại, Phật bảo Tôn giả A-nan trải tòa ngồi rồi gọi bốn chúng cùng hội họp. Lúc này, sắc diện của Phật không còn chiếu sáng, sau gáy của Phật không có ánh sáng, y phục như cũng đổi sắc. Tôn giả A-nan ngồi xem xét thấy thế, liền sửa lại y phục, chân phải quỳ xuống đất, chắp tay bạch Phật:

–Con hầu Phật nhiều năm, chưa từng thấy có ba thứ biến đổi.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Sau bảy ngày nữa, dòng họ Thích cao quý ở thành Ca-duy-lavệ sẽ bị giết hại, nên ta hiện ra những tướng thay đổi như thế.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên tiến lên bạch Phật:

–Điều ấy đâu khó gì, con xin dùng sức thần thông chánh giác đã đạt được, có thể dùng bàn tay phải nâng nước của người Xá-di đặt trên không trung, trên không đến trời, dưới không chạm đất, vua Lưu Ly làm sao có thể giết được?

Phật bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Ta biết ông có uy đức thần thông đủ làm sự việc như thế, nhưng đây là tội từ nơi kiếp trước, ai có thể chịu thay được?

Tôn giả Mục-kiền-liên lại nói:

–Có thể dùng chiếc lồng sắt che phủ nước ấy, bên trên dùng mũ trụ chụp lại, khiến không còn thấy hình ảnh, rồi đem đặt nơi đất khác, lại xẻ bốn mặt của núi Tu-di, đặt vào đó rồi khép lại mỗi chốn yên mỗi chỗ. Lại nước nơi biển cả, lượng rất sâu rộng ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, con đem đất nước này đặt nổi giữa biển, khiến dân nơi nước ấy không thể ra vào. Lại đem cõi nước ấy đặt ở đỉnh núi Tu-di, có thể lật úp lại, khiến không thể hủy hoại được. Lại nhấn chìm tầng đất kim cương và đem bốn đội quân của vua Lưu Ly đặt ở mặt ngoài núi Thiết vi khiến cho hai phe thù oán không thể đánh nhau được.

Phật nói:

–Lành thay! Như Lai tin mười uy lực này của ông có thể giải quyết việc ấy, nhưng dòng họ Xá-di đời trước đã mắc tội thì ai có thể thay thế, chuộc các tội ấy?

Tôn giả A-nan thưa:

–Có thể dùng mưu trí bảo vệ nước ấy được yên ổn chăng?

Phật nói:

–Nếu người nước Xá-di có thể đồng lòng không cộng tác với kẻ thù bên ngoài để có cớ qua lại thì nước có thể bảo toàn.

Quan thái sử ba lần khuyên vua Lưu Ly nên lợi dụng lúc này đem quân đánh họ Xá-di. Vua nghe khuyên nổi giận truyền đem quân mã ra đi. Thế Tôn biết sự việc nên đến ngồi nơi cội cây khô. Như thế ba lần và ba lần vua Lưu Ly đều đem quân về. Đến lần thứ tư, Phật không thể ngăn cản được nữa. Bốn loại quân tinh nhuệ của vua Lưu Ly đến biên giới nước của người Xá-di. Những kẻ tài năng của dòng họ Thích cũng họp quân đem ra chống giữ. Những người mạnh khỏe, bắn cung giỏi trong họ: Có người bắn xa bốn mươi dặm, có người bắn xa hai mươi dặm, có người bắn xa mười dặm, hoặc bảy dặm. Do tài năng, họ bắn ra đều trung đích, không mũi tên nào sai, có thể bắn đứt một sợi tóc thành bảy phần, khi ở cách xa nhiều dặm bắn đều trúng cả, cứ theo tiếng mà trúng đích, chưa từng sai chạy.

Trong lúc giao chiến, họ bắn quân của vua Lưu Ly thủng rách cờ xí, hư lọng, gãy cán, càng xe, yên ngựa, xuyên thủng áo giáp, đứt dây cung nỏ, nhưng không làm hại tánh mạng, ngay cả với voi ngựa. Bắn trúng vòng xuyến bằng ngọc anh lạc đeo ở cánh tay, ngón tay, mà không phạm vào da. Bắn đứt râu tóc, tóc mai, lông mi mà không phạm đến cơ thể.

Vua Lưu Ly sợ hãi hỏi các quan:

–Quân địch cách đây bao xa mà bắn trúng như thế?

Có kẻ đáp:

–Hoặc cách bốn mươi dặm, hai mươi dặm, mười dặm, gần cũng bảy dặm.

Vua nghe càng lo, không thể tự chủ, ý định quyết đánh quân địch giờ thì e sợ, muốn rút lui.

Quan thái sử can:

–Đại vương đừng sợ, chắc chắn không thua. Người Xá-di đều theo giới của Phật, là những Thanh tín sĩ (Ưu-bà-tắc) có tâm Từ, không giết hại, chỉ dùng cung tên dọa người chứ không có ý sát hại, họ thà chết chứ không làm hại sinh mạng kẻ khác. Vậy hãy chỉnh đốn thế trận, đồng lòng tiến đánh. Tướng giữ trọng trách đạt thắng lợi nhưng chẳng bao lâu.

Các quan tâu:

–Xem cách bắn của quân địch, tấn cong từ xa, không hình, không ảnh, không thể dùng sức để chống lại. Sợ bị đánh bại khiến chúng tôi bị tiêu diệt, vì tên bắn như thế là không thể chống cự. Nay nếu nghe theo lời khuyên của vị quan nhỏ kia thì không thể được, lòng mọi người đều dao động.

Ý chí còn vững, vua Lưu Ly giận dữ ra lệnh thúc quân tiến đánh. Những người Xá-di ở bên ngoài thành chạy vào để bảo vệ thành trì, đóng cửa cố thủ. Bày trận bao vây đến ngày thứ bảy, cho biết rõ việc tới lui, nên kêu gọi giảng giải, yêu cầu quân trong thành nên quy hàng, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Những người dòng họ Thích cùng nhau bàn bạc:

–Nên chống cự để giữ thành, hoặc nên đóng cửa ẩn nấp, hay nên bí mật rút đi… Do dự chưa quyết, mọi người bỏ xăm, tìm cách để ổn định nhân tâm, nhiều người chịu bốc xăm, số ít không tham gia, ít phải theo nhiều, mở cửa giúp kẻ ác gây nên tai họa. Bên trong cùng bên ngoài ứng tiếp, muốn cho kẻ địch thắng, vì người khuyến thiện thì ít. Được mở cửa nên giặc tiến vào, trước là giết năm trăm người giữ cửa, chém giết không tiếc thương. Rồi bắt trói ba vạn người họ Thích đem chôn sống, chỉ chừa cái đầu, lại cho bầy voi giẫm đạp đến chết, sau đó dùng ngựa kéo cày xéo lên nơi ấy. Những người bị chết do hành vi tàn bạo ấy đều chứng quả Tu-đà-hoàn.

Thích-ma-nam là người từng giao du thân mật với vua Ba-tưnặc, nói với người trong nước:

–Hãy xét kỹ về lẽ vô thường, đó là chứng cớ của những nỗi khổ sở, độc hại. Mắc tội từ đời trước nên phải chịu quả báo, chớ mang oán hận. Người sống rồi cũng sẽ chết, cái còn rồi bỗng mất, bao nhiêu nỗi thống khổ như búa bổ xẻ năm chỗ hư ác, ngậm ngùi thương cảm, thở than, hưởng phước cùng lúc chịu tai họa một chốn. Dòng họ hơn bảy vạn người, có những người bị bắt sống, dùng khóa sắt gông cổ. Một ngàn người phụ nữ của dòng họ Thích bị chúng dùng giáo đâm xuyên qua người, phơi ra ở bên đường. Những người trẻ tuổi khác bị chúng dồn lại từng nhóm rồi dùng cung tên bắn chết.

Khi ấy, vua Lưu Ly trông thấy Thích-ma-nam và những người bị khổ, quay sang hỏi các quan:

–Đó là ai vậy?

Có kẻ đáp:

–Đó là Thích-ma-nam.

Thích-ma-nam đi đến, có điều muốn xin, vua bảo nói đi. Thíchma-nam nói:

–Vua là bậc đại vương còn hưởng thịnh vượng lâu dài, xin nghe những điều tôi nói.

Vua biết những nỗi niềm uẩn khuất, nên để cho thưa.

Thích-ma-nam nói:

–Xin vua bớt cơn giận, hãy ngăn chặn quân lính đừng để buông lung kiếm quá nhiều kẻ bị giết hại. Tôi xin nhảy xuống ao, chốc lát trở về, cùng vua từng có ân tình thân thiết, nhanh chóng nghe được quyết định. Chờ tôi ra khoi nước, sẽ bàn những điều tốt đẹp.

Tâm suy nghĩ miệng vua nói:

–Người khó ở trong nước được lâu, liền chấp thuận.

Lúc này, Thích-ma-nam vì người trong nước đang gặp tai nạn lớn, từ tạ để vào ao xỏa tóc quấn nơi cây, tự chìm vào ao nước, một lúc lâu vẫn không thấy nổi lên. Vua lấy làm lạ, liền khiến tả hữu mò tìm, kiếm dưới chỗ rễ cây thì gặp được thi thể, đem chôn nơi bờ ao. Vua thương tiếc, buồn bã nghĩ: “Vì dòng họ mà tự trầm, nghĩa cử như thế đó, ta là vua một nước, không dằn được cơn giận nhỏ, chẳng cứ lẽ tiến đánh gấp để mắc phải tội ác càng nhiều sao? Trước là ba ức người thảy đều bị mất mạng. Kế đó cũng ba ức người hy sinh theo. Những kẻ cứu được tự đột phá vòng vây chạy thoát để bảo toàn tánh mạng. Lại có ba ức người lo sửa nhà cửa để cúng dường, yến tiệc thích thú, ca nhạc tự vui, không biết rằng bên ngoài đang có tai ách cho tánh mạng, cũng không nghe biết để lo sợ trốn chạy, vẫn an nhàn như thường, không chút chuẩn bị.” Vua Lưu Ly chôn cất Thíchma-nam tử tế, giữ lại con cháu.

Sau khi đánh dẹp họ Xá-di, vua Lưu Ly lập người trưởng thượng lên ngôi, an ủi vỗ về xong, trơ về nước Xá-vệ.

Phật và các đệ tử đến thành Ca-duy-la-vệ, trông thấy những người dân bị thương tật, tàn phế rất nhiều. Lại thấy những phụ nữ không còn chi thể như tay, chân, tai, mũi, thân hình lõa lồ, gục trong các hầm hố, không có gì để che phủ, đời họ đau khổ như thế, kẻ bất nhân hại người thật tàn bạo.

Phật nói với các Tỳ-kheo:

–Vua Lưu Ly kia buông lung, ác độc, trái đạo, tội nhiều như thế, chỉ trong vòng bảy ngày sẽ bị lửa địa ngục thiêu chết. Đời này gây tội ác sẽ bị quả báo ngay trong đời này.

Quan thái sử tâu lời sấm, điều quái lạ đồng với lời Phật nêu. Vua rất sợ nên chèo thuyền ra biển, mong có thể tự thoát khỏi. Thuyền dừng giữa biển, đến ngày thứ bảy, từ trong nước tự nhiên lửa nổi lên, đốt cả thuyền và nhà vua, trong chốc lát biến thành tro than.

Đức Thế Tôn thương xót những người bị lõa lồ liền dùng oai thần, rung động đến cung điện Tử cam nơi cõi trời Đao-lợi. Vua trời Đế Thích, hoàng hậu, cùng những vị đứng đầu, vô số các vị Thiên tử, mỗi vị đều mang áo trời cùng đi xuống, dùng y phục phủ khắp những người bị lõa lồ. Phật vì những phụ nữ ấy, nói kệ:

Các người nhân đã thấy
Hiện thay đổi như thế
Hết cũ chớ tạo mới
Sau được giải thoát mãi.

Phật nói kệ xong, liền vì họ mà giảng nói chánh pháp. Những người đến xem, tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A-tu-luân (Atu-la), Ca-lưu-la (Ca-lâu-la), Chân-đà-la (Khẩn-na-la), Ma-hưu-lặc (Ma-hầu-la-già), Phạm chí, Cư sĩ, Trưởng giả, dân chúng, vô số trăm ngàn, nghe Phật giảng nói, năm trăm Tỳ-kheo, tâm ý thông rõ, các lậu diệt hết. Năm trăm Phạm chí, còn bao nhiêu người có mặt khác, thấy đất nước bị hủy hoại nên càng đau buồn cho những thương tật, tàn phế, hết thảy đều phát tâm xuất gia, tu theo đạo pháp, trở thành những Sa-môn. Năm trăm Thiên tử đạt được pháp Nhẫn vô sinh. Hai trăm A-tu-la, một ngàn Long vương đều phát tâm vô thượng đạo ý chân chánh. Các ngòi, rãnh, hầm hố với năm nhóm nam nữ bị khỏa thân chết, được sinh lên cung trời Đao-lợi. Một ngàn năm trăm người được thấy Dấu đạo (chứng quả Tu-đà-hoàn), một ngàn người chứng quả A-na-hàm.

Phật giảng nói kinh này xong tất cả những người được nghe đều cung kính đảnh lễ và lui ra.