kinh lượng bộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(經量部) …….. Phạm:Sautràntika. Cũng gọi Tăng ca lan đề ca (Phạm: Saôtràntika), Tu đa la luận bộ, Thuyết độ bộ, Thuyết chuyển bộ, Thuyết kinh bộ (Phạm:Sùtra vàdin), Kinh bộ. Một chi phái tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, do ngài Cưu ma la đà (Phạm: Kumàralabdha, cũng gọi Đồng thụ), người nước Đát xoa thủy la thuộc miền Bắc Ấn độ sáng lập vào cuối thế kỉ III. Ngài Thất lợi la đa (Phạm:Zrìlàta) trung hưng vào cuối thế kỉ IV. Là 1 trong 20 bộ phái Tiểu thừa. Vì phái này coi trọng Kinh và cho Kinh là Chính lượng nên gọi là Kinh lượng bộ. Bộ phái này lập Tâm vật nhị nguyên luận, phủ định thuyết Vạn vật thực hữu của Hữu bộ, mà chủ trương chỉ có Tứ đại và Tâm là thật có, cả 2 nương vào nhau mà thành tựu và tồn tại, khiến cho sự sống chết của mỗi cá thể nối nhau không dứt. Phái này cho rằng chỉ có hiện tại thật có, còn quá khứ, vị lại thì không thật, vì quá khứ là thực tại đã qua, vị lai là thực tại chưa đến, còn hiện tại cũng chỉ là sự tồn tại của một thứ chủng tử mà thôi. Đây chính là nguồn gốc thuyết Chủng tử của Duy thức đời sau. Giáo nghĩa của bộ phái này hàm chứa nhiều yếu tố của Phật giáo Đại thừa, có thể được coi là nền tảng của Trung quán… Tổ sư khai sáng của phái này là ngài Cưu ma la đà soạn luận Dụ man, khéo dùng thí dụ trong lúc thuyết pháp, cho nên được tôn xưng là Thí dụ sư, sau đó, thí dụ trở thành đặc trưng lớn nhất của phái này và được xem là nền móng của văn học Thí dụ (Phạm:Aupamya) trong Phật giáo Đại thừa sau này. [X. Thập bát bộ luận; Dị bộ tông luân luận]. (xt. Ấn Độ Phật Giáo).