PHẬT NÓI KINH LỰC SĨ DỜI NÚI
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa nơi rừng Đại thọ, vùng đất người lực sĩ, thuộc nước Câu-di-na-kiệt, cùng với đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Ngài sắp diệt độ.

Bấy giờ nhân dân trong nước cùng nhau ra ngoài tập họp đông đảo. Đức Phật hỏi A-nan:

–Vì sao nhân dân trong nước tập họp đông đảo?

Hiền giả A-nan bạch Thế Tôn:

–Cách đây không xa có tảng đá lớn, vuông vức sáu mươi trượng, cao mươi trăm hai mươi trượng, chận trên đường ra vào, làm trở ngại người đi lại. Năm trăm lực sĩ đồng tâm bàn luận: “Sức lực chúng ta thật hiếm có trên đời, không dùng vào việc có ích thì nuôi sống để làm gì? Chúng ta cùng hợp tác lập công để lại cho đời sau”.

Họ cùng nhau hợp sức reo hò đẩy tảng đá ấy, đã hết sức mệt nhọc mà tảng đá vẫn không nhúc nhích. Âm thanh reo hò vang động gần xa, thế nên mọi người tụ tập đến xem.

Đức Phật bảo A-nan:

–Hãy mặc y phục nghiêm trang, để xem công việc ấy.

A-nan vâng lời, rời chỗ ngồi, lạy sát chân Phật, một mình ở sau Phật, hầu Ngài đi tới.

Mọi người và năm trăm lực sĩ thấy Đức Phật từ xa đi đến, than thể màu vàng ròng, uy nghi rực rỡ, đoan chánh thù diệu, sắc tướng thanh tịnh trang nghiêm, toàn thân như tướng hảo của Bậc Đại sĩ, hàng phục sự suy tàn không có u ám. Tâm Ngài trong sáng, các căn an tịnh, vui vẻ điều hòa, là Bậc Tối Tôn trong trời người, ánh sang chiếu rực rỡ như núi báu, như ánh sáng của đuốc lớn soi sáng tới chỗ tối tăm. Như núi đá lớn không có tuyết phủ. Như ánh sáng mặt trời chiếu vào buổi sáng. Như ánh sáng trăng thu vượt hơn các sao. Như vua Chuyển luân ở giữa các vật báu, quần thần và bốn bộ chúng.

Như cây trỗ hoa rực rỡ sum suê. Ánh sáng của Ngài tươi đẹp vô lượng, vượt trên cả Thánh, phàm.

Năm trăm vị lực sĩ và vô số người chiêm ngưỡng thần biến của Đức Phật đều rất hoan hỷ, thiện tâm phát sinh cùng nhau nghênh tiếp. Họ đều gieo năm vóc xuống đất lạy sát chân Đức Phật, nhất tâm kính cẩn, trật tự, cùng đứng qua một bên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các lực sĩ:

–Này quý vị, vì sao thân thể mệt nhọc, sắc diện tiều tụy vậy?

Đáp:

–Tảng đá lớn này vuông vức sáu mươi trượng, cao một trăm hai mươi trượng, chúng con muốn cùng nhau di chuyển, kể từ ngày đầu đã cố gắng đem hết sức mình, đến nay qua một tháng rồi vẫn không thể di chuyển được, rất là xấu hổ, bị thiên hạ cười chê. Thế nên chúng con mệt nhọc kiệt lực, hình tướng tiều tụy.

Đức Phật hỏi:

–Quý vị làm việc này có hy vọng gì?

Các lực sĩ trả lời:

–Kính bạch Đấng Đại Thánh, sức lực của chúng con không ai có thể vượt qua. Chúng con đều muốn dời tảng đá đi để làm lợi ích cho đời, công lao được khen tặng, danh tiếng lưu truyền đến con cháu, và cũng làm cho đường xá của nhà vua được bằng phẳng, các nước ở xa quy phục.

Đức Phật bảo các lực sĩ:

–Các ngươi thật đáng thương, nhưng không thể thực hiện việcnày được. Ta sẽ vì các ngươi di chuyển tảng đá ấy để các ngươi được toại ý nguyện, làm cho các ngươi được ghi công, chớ có xấu hổ, sợ hãi gì cả.

Các vị lực sĩ hoan hỷ thưa:

–Xin vâng!

Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn sửa lại pháp phục, dùng ngón chân cái của chân bên phải ấn vào, nâng tảng đá, đẩy lên trời Phạm thiên, rồi đưa bàn tay phải ra đỡ lấy, ném tảng đá ba lần lên hư không, cách đất bốn trượng chín thước, rồi hứng để trên bàn tay, lại dùng ba ngón tay bóp nát tảng đá, thổi tiêu tan hết. Khi ấy khắp cả cõi tam thiên đại thiên đã hiện ra sáu cách chấn động.

Các lực sĩ thấy Đức Phật hiển lộ thần thông, biến hóa uy linh, liền rất sợ hãi, lông tóc đều dựng đứng, cùng bạch Thế Tôn:

–Ngón tay nâng tảng đá lên thế này là sức lực nhờ vào sự nuôi nấng chăm sóc từ cha mẹ của Đại Thánh phải không? Hay là sức từ thần túc, từ trí tuệ, từ ý muốn hành động?

Đáp:

–Sức lực này do nuôi nấng chăm sóc chứ không phải sức nào khác. Nếu ta thi triển diệu lực thần túc thì có thể di chuyển cả cõi tam thiên đại thiên thế giới của Phật độ này, đem đặt yên ở nơi tram ngàn Phật độ khác mà không làm cho người ta nghĩ về sự di chuyển, không làm khốn đốn cho chúng sinh, cũng không hại tới các loài côn trùng trong đất.

Các lực sĩ hỏi:

–Sức do nuôi nấng chăm sóc thì có hình trạng thế nào?

Đức Thế Tôn đáp:

–Sức một trăm con bò thường bằng sức một con trâu. Sức một trăm con trâu bằng sức một con trâu xanh. Sức một trăm con trâu xanh bằng sức một con trâu mao. Sức một trăm con trâu mao bằng sức một con trâu trúc. Sức một trăm con trâu trúc bằng sức một con voi cỏ. Sức một trăm con voi cỏ bằng sức một con voi thường. Sức một trăm con voi thường bằng sức một con voi đen. Sức một tram con voi đen bằng sức một con voi trắng. Sức một trăm con voi trắng bằng sức một con rồng. Sức một trăm con rồng bằng sức một lực sĩ đáng sợ. Sức một trăm lực sĩ đáng sợ bằng sức một đoạn lực sĩ. Sức một trăm đoạn lực sĩ bằng sức một băng đọa lực sĩ. Sức một tram băng đọa lực sĩ bằng sức một đại phá hoại lực sĩ. Sức một trăm đại phá hoại lực sĩ bằng sức một bán nhân thừa lực sĩ. Sức một trăm bán nhân thừa lực sĩ bằng sức một nhân thừa lực sĩ. Sức một trăm nhân thừa lực sĩ bằng sức một đại nhân thừa lực sĩ. Không có sức lực nào trong số này bằng sức lực của Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác do nuôi nấng chăm sóc mà có.

Đức Phật bảo các lực sĩ:

–Các ngươi nên biết, đây là sức của Đức Như Lai do nuôi nấng chăm sóc mà được.

Các lực sĩ bạch Đức Thế Tôn:

–Đại Thánh đã biểu hiện sức do nuôi nấng mà có được, vậy còn sức mạnh của thần túc thì như thế nào?

Đức Phật bảo các lực sĩ:

–Nhớ lại trước đây, Ta cùng Hiền giả Đại Mục-kiền-liên du hóa đến các nước, gặp lúc đói kém, các Tỳ-kheo khất thực không được, Mục-liên bạch Phật: “Lúa gạo đắc đỏ, nhân dân quá đói kém, hiện nay các Tỳ-kheo khất thực không được gì cả, nên sức lực suy yếu, không thể giảng pháp tụng kinh. Càng ngày họ càng suy nhược, sợ không toàn mạng. Ngày xưa, khi trời đất mới được tạo thành, từ đất sinh ra chất ngon ngọt tự nhiên, người ăn vào thì khỏe mạnh, bốn đại điều hòa, người đời sau do phước mỏng nên chất ngon ẩn vào trong đất. Nay con muốn lật mặt đất lên để lấy ra chất ngon ngọt ngày xưa. Tỳ-kheo và muôn dân trong nước đều được cứu mạng, khiến cho được no đủ để tụng kinh hành đạo”. Đức Phật bảo Mục-liên:

“Hãy ngừng lại! Giả như ông muốn lật mặt đất lên thì các loại côn trùng trong đất tất bị nguy hại. Hơn nữa, mọi người do phước mỏng nên không thể hưởng thụ được chất ngon ngọt ngày xưa trong đất”. Mục-liên thưa: “Hay là con đưa chúng Tỳ-kheo và người dân bị đói sang cõi Uất-đơn-việt, giúp cho họ được ăn lương thực tự nhiên?”. Đức Thế Tôn bảo: “Người chứng thần túc thì có thể đến cõi đó, còn những người chưa bay được thì làm sao đi tới?”. Mục-liên đáp: “Người không có thần lực, con sẽ giúp đỡ làm cho họ đi tới được bình an”. Thần biến uy đức của Mục-liên là như vậy. Tính ra cõi Diêm-phù-đề rộng dài hai mươi tám vạn dặm, thế đất trên rộng dưới hẹp.

Cõi Cù-da-ni rộng dài ba mươi hai vạn dặm, thế đất hình như nữa mặt trăng. Cõi Phất-vu-đãi rộng dài ba mươi sáu vạn dặm, thế đất hình tròn. Cõi Uất-đơn-việt rộng dài bốn mươi vạn dặm, thế đất hình vuông. Bốn cõi này đều có núi vây bọc chung quanh. Tất cả dân chúng trong các cõi này đều khiến có được thần túc như Mục-kiền-liên, số người với từng cõi như vậy đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới, thì tất cả thần túc của họ cũng không bằng thần lực của Đức Như Lai. Đem thần túc này nhân lên một trăm lần, một ngàn lần, một vạn lần, ức lần, hoặc lớn hơn ức vạn lần, tính toán đến không thể nào so sánh, ví dụ được nữa thì đó là sức thần túc của Đức Như Lai.

Các lực sĩ lại bạch:

–Thưa Đại Thánh, Ngài đã biểu hiện sức của thể lực, sức của thần túc. Ngưỡng mong Ngài thị hiện sức của trí tuệ.

Đức Thế Tôn bảo:

–Tính ra biển lớn sâu ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, rộng lớn vô hạn. Núi chúa Tu-si ở trong biển lớn cao ba trăm ba mươi sáu vạn dặm. Phần núi nằm trong đáy biển cũng là ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, bốn sườn núi cũng đều như thế. Nước nơi biển lớn này nếu có thể uống hết không còn chút nào thì cũng không thể lường tính được trí tuệ của Hiền giả Xá-lợi-phất, cũng không thể làm cho giảm bớt được. Giả như nhân dân khắp trong bốn cõi đều có trí tuệ như Hiền giả Xá-lợi-phất, số người với từng cõi như vậy đầy khắp cả trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả trí tuệ của họ cũng không so bằng sức của trí tuệ nơi Đức Như Lai. Nhân trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần, lớn hơn cả vạn ức lần, tính toán không thể so sánh, không thể ví dụ, đó là sức trí tuệ của Đức Như Lai.

Các lực sĩ lại bạch:

–Thưa Đại Thánh, Ngài đã hiện sức của thể lực, sức của thần túc, sức của trí tuệ. Ngưỡng mong Ngài thị hiện sức của ý hành.

Đức Thế Tôn bảo:

–Giả như làm cho mây nổi lên che khắp bốn cõi và mưa lớn giăng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, những chỗ mưa đến và đi qua gồm có bao nhiêu là thân cây, cành, nhánh, lá, hoa, quả, nước trong chậu, núi, đá, cỏ, lau, các loài vật, loài người; các loài biết bò, đi, hít, thở; tất cả các giọt nước chứa trong các loại lớn, loại nhỏ ở trên thảy cùng chảy về biển rộng, đất có thể phân biệt, tùy theo loại mà gọi tên, và đều biết cách làm cho phục hồi trở lại, không mất tính chất ban đầu của nó. Ý lực của Đức Như Lai đều biết, đều rõ như thế không trở ngại gì cả. Đó là sức mạnh nơi ý hành của Đức Như Lai.

Các lực sĩ lại bạch:

–Thưa Đại Thánh, Ngài đã hiện sức về thể lực, sức của thần túc, sức của trí tuệ, và sức nơi ý hành, vậy Ngài còn có gì khác lại vượt hơn những sức này không?

Đức Thế Tôn đáp:

–Sức lực của Như Lai do sự nuôi dưỡng chăm sóc, sức thần túc của Hiền giả Đại Mục-kiền-liên, sức trí tuệ của Hiền giả Xá-lợi-phất, sức ý hành của hàng Thanh văn, Duyên giác không thể so sánh với mười Lực của Đức Như Lai, rộng xa vô hạn.

Các lực sĩ hỏi:

–Mười Lực là gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Lực thứ nhất là nhận thấy hết một cách vi diệu mọi nẻo về tà chánh, gần xa, xứ và phi xứ, hữu hạn và vô hạn, sự việc có thế nào đều thấy rõ như vậy, biết rõ như vậy.

Lực thứ hai là đối với mọi sự báo ứng, các nơi chốn trải qua trong thời gian từ quá khứ đến hiện tại, vị lai, xét có thế nào đều biết rõ như vậy.

Lực thứ ba là đối với các pháp thiền định, chánh thọ, tiếp cận ba cánh cửa giải thoát, xét có thế nào thì đều biết rõ như vậy.

Lực thứ tư là thấy rõ các lực nơi gốc tâm vốn luôn thanh tịnh của các chúng sinh, xét có thế nào đều thấy tất cả.

Lực thứ năm là hiểu rõ về các loại chúng sinh với bao nhiêu loại ngôn ngữ, tâm niệm bất đồng, hình dáng khác nhau, xét có thế nào đều biết rõ như vậy.

Lực thứ sáu là phân biệt quần sinh với vô số chủng loại phức tạp, hình thái tình cảm khác nhau, xét có thế nào đều biết rõ như vậy.

Lực thứ tám là hiểu rõ con đường đưa đến sự trói buộc của dục và giải thoát, tùy theo nẻo nghiệp, ứng bệnh mà cho thuốc. Với Thiên nhãn nhận thấy người làm thiện ác, tất cả đều đưa đến kết quả họa phước.

Lực thứ chín là với đạo nhĩ nghe thông suốt tiếng nói của trời, người cho đến âm thanh của các loại côn trùng bò, bay, máy, cựa, không tiếng gì là không nghe, xét có thế nào biết rõ thế ấy.

Lực thứ mười là Đức Phật không còn các lậu. Diệt trừ tất cả, không còn bị phiền não trói buộc trở lại, tinh thần luôn minh mẫn, trí tuệ sáng suốt, tự biết chứng đắc, đạo hạnh thông đạt hoàn toàn, đã làm xong những việc cần làm, không còn sinh tử, thấy rõ được nguồn gốc của chúng sinh trong mười phương, không chỗ nào là không thấy tỏ. Sự việc có thế nào hiểu biết rõ thế ấy.

Các lực sĩ bạch Thế Tôn:

–Thưa Đại Thánh, Ngài đã biểu hiện sức do nuôi nấng chăm sóc, sức của thần túc, sức của trí tuệ, sức nơi ý hành và mười Lực, vậy còn có sức nào khác và vượt hơn các lực ấy không?

Đức Thế Tôn bảo:

–Tất cả các lực tuy cường thịnh đến trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần, nhưng tính ra là sức vô thường là mạnh hơn hết, sự tiêu diệt rất lớn. Tại sao? Thân Như Lai bằng kim cương, cũng thua vô thường, thân Ta sẽ bị hoại diệt. Vào giữa đêm nay, tại vùng đất của người lực sĩ, Ta sẽ diệt độ. Ngay giữa ngã tư đường sẽ tổ chức cúng dường xá-lợi và xây dựng tháp miếu để thờ. Tại sao? Là vì nơi ấy nhân dân bốn phương sẽ mang các hoa hương, trang trí dựng tràng phan, treo dải lụa, linh, lọng, đốt đèn để cúng dường, tất cả đều tập trung đến vì giáo pháp chân diệu.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Pháp có thế tất diệt
Hưng thịnh, sẽ suy tàn
Vạn vật đều vô thường
Quán sát vậy, an lạc.
Được trăm ngàn núi vàng
Phước lộc khó ví dụ
Không bằng cúng dường tháp
Hoan hỷ hướng đến chùa,
Được báu trăm ngàn kho
Phước thọ không thể tính
Không bằng cúng dường tháp
Hoan hỷ đi về chùa,
Dù trăm ngàn xe báu
Chở vật bằng vàng ròng
Không bằng cúng dường chùa
Hoan hỷ quy y Phật.

Khi Đức Phật thuyết kinh này, chúng lực sĩ năm trăm người nhận biết thế gian là vô thường, ba cõi khó bền vững, không có một vật gì là chắc thật, chỉ có đạo pháp là chỗ quy ngưỡng, nương tựa, không còn tự hào về bản thân nữa, đều phát đạo tâm vô thượng chánh chân. Ngay lúc ấy, họ đều đạt được pháp không thối chuyển.

Có vô số trăm ngàn trời, người xa lìa mọi thứ bụi bặm cấu uế đối các pháp, đắc pháp nhãn thanh tịnh.

Đức Phật nói kinh này, chúng hội đều hoan hỷ, cung kính đảnh lễ.