KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 49

 

CHƯƠNG ĐỊA NGỤC

1. DUYÊN XƯA CỦA VUA DIÊM LA

Vua Diêm La đời trước là vua nước Tỳ-sa cùng chiến đấu với vua Duy-đà-thỉ, do thua trận, nên lập thệ:

– Nguyện làm chủ địa ngục, có 18 đại thần, thống lãnh 1.000.000 người tai to mặt lớn.

Họ đều mang tâm oán hận và cùng lập nguyện:

– Sau này sẽ giúp vua trị tội bọn kia.

Đức Phật bảo:

– Vua Tỳ-sa là vua Diêm-la ngày nay, 18 đại thần là các vua nhỏ, 1000.000 người là những người hầu hai bên, làm nô lệ cho Tỳ Sa-môn Thiên vương ở phương Bắc.

(Trích kinh Vấn Địa Ngục. Kinh Tịnh Độ Tam-muội ghi: thống lãnh tất cả 13bốn địa ngục)

2. ĐỜI SỐNG CỦA VUA DIÊM-LA

Phía Nam cõi Diêm-phù-đề có ngọn núi Kim Cang to lớn. Bên trong có cung vua Diêm-la ngang dọc 6.000 do-tuần. (Kinh Vấn Địa Ngục ghi: Ở trong địa ngục, thành ngang dọc 30.000 dặm, được xây bằng vàng bạc). Đêm ngày ba thời đều có vạc đồng tự nhiên hiện ra phía trước. Nếu vạc vào trong cung thì vua thấy sợ hãi, bỏ đi ra ngoài. Nếu vạc đi ra ngoài thì vua đi vào trong cung. Có bọn ngục tốt bắt vua nằm trên vạc cháy đỏ, lấy móc sắt kéo miệng ra, rồi đổ nước đồng vào, từ cổ đến chân đều bị thiêu đốt. Sau khi thọ khổ, vua trở lại vui chơi với thể nữ. Các đại thần cũng được sung sướng như vậy.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 9)

3. VUA DIÊM-LA TRA HỎI KẺ TỘI

Có ba sứ giả: một là già, hai là bệnh, ba là chết. Nếu có chúng sanh nào ba nghiệp đều ác, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ rơi vào địa ngục. Vua Diêm-la hỏi:

– Ngươi bị thiên sứ gọi về, phải không? Ngươi có thấy sứ giả thứ nhất không? Khi làm người, ngươi có thấy ai đầu bạc, răng rụng, mắt thấy mờ mờ, da nhăn, lưng gù, chống gậy, vừa đi vừa rên không? Kẻ tội trả lời:

– Có thấy.

– Sao ngươi không tự nghĩ: “Ta cũng sẽ như vậy?”- Lúc ấy, tôi buông lung, không thể tự biết.

– Nay ta sẽ cho ngươi biết cái khổ của sự buông lung. Không phải lỗi của cha mẹ, anh em, Đế thích, tổ tiên, Sa-môn, trí thức, nô bộc v.v… mà là do ngươi làm ác, phải tự chuốc khổ.

Lại hỏi:

Ngươi có thấy sứ giả thứ hai không? Khi làm người, ngươi có từng thấy ai mắc bệnh trầm kha, tiêu tiểu tại chỗ, ăn uống phải nhờ người, gân cốt đau nhức, khóc than rên rỉ, không nói năng được không?

– Có thấy.

– Sao không tự nghĩ: “Ta cũng sẽ như vậy?”Lại hỏi:

– Ngươi có thấy sứ giả thứ ba không? Ngươi có thấy ai thân hoại mạng chung, các căn không còn, cơ thể thẳng đờ giống như cây khô, vứt nơi gò mã, bị chim muông ăn không?-

– Có thấy.

– Sao không tự nghĩ: “Ta cũng sẽ như vậy?”

Hỏi xong, Diêm-la giao cho ngục tốt, đưa kẻ tội vào đại địa ngục.

(Kinh Hữu Chúng Sanh Tam Thế Trị Ác ghi: Đưa ra năm sứ giả và hỏi năm lần. Đó là: sanh, già, bệnh, chết và nghiệp ác đời trước ).

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 19. Kinh Lâu Thán phần lớn cũng giống như vậy).

4. MƯỜI TÁM ĐỊA NGỤC VÀ TÊN CÁC VỊ CHỦ NGỤC

Mười tám tiểu vương la:

  1. Ca Diên quản ngục cày xới.
  2. Khuất Tuân quản ngục núi đao.
  3. Phí Tiến Thọ quản ngục cát nóng.
  4. Phí Khúc quản ngục phân nhơ.
  5. Ca Thế quản ngục tai đen.
  6. Cái Thoa quản ngục xe lửa.
  7. Thang Vị quản ngục vạc nước sôi.
  8. Thiết Ca Nhiên quản ngục giường sắt.
  9. Ác Sanh quản ngục núi Cái.
  10. Hàn Thủy (tên vua Kinh Khuyết) quản ngục rên siết.
  11. Tỳ Ca quản ngục lột da.
  12. Diêu Đầu quản ngục súc sanh.
  13. Đề Bạc quản ngục đao binh.
  14. Di Đại quản ngục cối sắt.
  15. Duyệt Đầu quản ngục băng giá.
  16. Thiết San (tên vua Kinh Khuyết) quản ngục đục xương.
  17. Danh Thân quản ngục giòi trùng.
  18. Quán Thân quản ngục đồng sôi.

(Trích kinh Vấn Địa Ngục).

5. BA MƯƠI ĐỊA NGỤC VÀ TÊN CÁC VỊ CHỦ NGỤC

  1. Vua Bình Triều chủ quản đại địa ngục A-tỳ.
  2. Vua Phổ Bình chủ quản ngục lớn thừng đen.
  3. Vua Đồ Đô chủ quản ngục cối sắt.
  4. Vua Phụ Thiên chủ quản ngục hiệp hội..
  5. Vua Thánh Đô chủ quản ngục núi lớn.
  6. Vua Huyền Đô chủ quản ngục thành lửa.
  7. Vua Quảng Vũ chủ quản ngục đao kiếm.
  8. Vua Vũ Dương chủ quản ngục kêu la.
  9. Vua Bình Dương chủ quản ngục Bát lộ.
  10. Vua Đô Dương chủ quản ngục đâm chém.
  11. Vua Tiêu Dương chủ quản ngục than nóng.
  12. Vua Đĩnh Úy chủ quản ngục kêu gào.
  13. Vua Quảng Tấn chủ quản ngục Đại A-tỳ.
  14. Vua Cao Đô chủ quản ngục xe sắt.
  15. Vua Công Dương chủ quản ngục lửa sắt.
  16. Vua Bình Giải chủ quản ngục phân nhơ.
  17. Vua Trụ Dương chủ quản ngục thiêu đốt.
  18. Vua Bình Khưu chủ quản ngục xa lìa.
  19. Vua Liên Thạch chủ quản ngục đá núi.
  20. Vua Lang Da chủ quản ngục Đa hoàn.
  21. Vua Đô Quan chủ quản ngục cày xới.
  22. Vua Huyền Tích chủ quản ngục trùng bay.
  23. Vua Thái Nhất chủ quản ngục mặt Trời.
  24. Vua Hợp Thạch chủ quản ngục xay xát.
  25. Vua Lương Vô chủ quản ngục băng giá.
  26. Vua Vô Nguyên chủ quản ngục chày sắt.
  27. Vua Chính Trị chủ quản ngục cột sắt.
  28. Vua Cao Viễn chủ quản ngục máu mủ.
  29. Vua Đô Tấn chủ quản ngục đá nung.
  30. Vua Nguyên Đô chủ quản ngục bánh xe.

Trên đây là 30 địa ngục vô cùng thống khổ. Vị thần minh lắng nghe chính xác, ghi chép rõ ràng về tội và phước, không cần thứ lớp. Một tháng sáu lần tâu trình, một năm gồm bốn kỳ. Trong bốn kỳ đó đều chọn ngày Bát vương. Ngày Bát Vương là ngày Thiên vương đi tuần để xem xét thuộc hạ của mình. Người có phước được tăng tuổi thọ, kẻ có tội bị giảm tuổi thọ, quyết định thọ mạng ngắn dài mảy may không sai chạy. Người dân mờ mịt, không biết, không lo làm thiện sẽ đọa địa ngục.

( Trích kinh Tịnh Độ Tam-muội)

6. NĂM VỊ QUAN CẤM NGƯỜI TẠO TỘI

Năm vị quan là:

  1. Quan Tiên cấm sát sanh
  2. Quan Thủy cấm trộm cắp
  3. Quan Thiết cấm tà dâm
  4. Quan Thổ cấm nói hai lưỡi
  5. Quan Thiên cấm uống rượu

(Trích kinh Tịnh Độ Tam-muội)

7. CHẾT RỒI VỀ ĐÂU

Các phía Đông, Tây, Nam của thành vua Diêm-la đều có địa ngục. Trong ngục tối om, có mặt Trời, mặt trăng nhưng không chiếu sáng, chỉ toàn màu đen. Khi con người chết đi, thần thức đi vào Trung ấm. Trung ấm là đã xả tử ấm nhưng chưa tới giai đoạn sinh ấm. Người có tội theo thân Trung ấm vào thành Nê-lê.

Thành Nê-lê (đời Lương dịch là thành Kỳ-hệ, cũng gọi là thành Bế) là nơi tập trung các tội nhân trong thời gian chưa thọ tội. Ngọn gió mát thổi đến, tùy theo nghiệp nặng nhẹ mà thọ thân lớn nhỏ. Ngọn gió hôi thổi đến khiến người có tội thọ thân thô xấu. Ngọn gió thơm thổi đến khiến người có phước thọ thân xinh đẹp.

(Trích kinh Vấn Địa Ngục)

8. MẠNG CHUNG ĐƯỢC NGƯỜI NGHINH ĐÓN

Khi lâm chung, thần thức sanh lên Trời hay đọa địa ngục đều có người đón. Người bệnh khi sắp chết, tự nhiên thấy có người đến đón mình. Người đáng được sanh lên Trời thì thiên nhân đem áo Trời và kỹ nhạc đến đón. Người đáng được sanh về nơi khác thì thấy người tôn quý đến nói những lời hay đẹp. Người phải rơi vào địa ngục thì thấy binh sĩ cầm dao, thuẫn, mâu đánh đập, kéo lôi bao vây quanh mình. Mỗi người đều thấy những canh tượng khác nhau không thể diễn tả hết được. Tùy theo nghiệp mình tạo mà họ chiêu cảm quả báo. Trời không xử oan, bình đẳng không hề thiên vị. Căn cứ theo nghiệp họ đã tạo mà trừng trị.

(Theo kinh Tịnh Độ Tam Muội. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Người sắp chết thấy tướng trung ấm. Hành động ác nghiệp thì chịu khổ trong ba đường ác, hoặc nghe tiếng khổ, hoặc thấy Diêm-la đem binh gậy trói lại dẫn đi. Còn người tạo nghiệp lành thì thấy các việc tốt đẹp như: cung điện của Chư thiên, kỹ nữ xinh đẹp đùa giỡn vui chơi”)

9. DUYỆT XÉT TỘI PHƯỚC Ở NHÂN GIAN

Vào tám ngày trai, Chư thiên Đế-thích trấn giữ 32 vị thần. Đại vương Tứ trấn coi về số mệnh và ghi chép lại. Đại vương Ngũ la và sứ giả của Bát vương đi tuần hành, xem xét khắp nơi, rồi tâu trình lên Tứ vương vào ngày 1 và ngày 30. Sau đó, Tứ vương xét xử xem ai là người làm thiện tạo ác. Vua Địa ngục cũng sai Tiểu vương là quan phụ tá tra xét lại những tội đã ghi chép. Trước tám ngày trai, người phạm tội mà có phước lớn muốn cầu an ổn, thì cân nhắc theo phước đó mà xá tội cho. Còn sau ngày trai, hễ phạm tội nặng, người nhiều tội thì bị giảm thọ gọi là chết yểu. Năm tháng ngày giờ ở nhân gian có liên quan tới địa ngục. Địa ngục dựa vào những điều đã được ghi chép, sai bắt hồn theo danh sách đó. Quỷ ngục không có lòng từ, nếu chưa đến ngày chết mà cứ tạo ác khiến cho mạng sống mau hết. Người phước nhiều thì tuổi thọ càng tăng. Trời sai thiện thần bảo vệ người ấy, đi xuống địa ngục xoá sổ tội, khiến họ được tăng thêm tuổi thọ, sau sanh lên Trời.

(Trích kinh Tịnh Độ Tam Muội)

10. ĐỊA NGỤC: HÀN – NHIỆT – BIÊN ĐỊA

Hỏi: Sao gọi là địa ngục?

Đáp: Địa ngục rất nhiều, nay tóm lược có 3 loại: lạnh, nóng và Biên địa.

Địa ngục lạnh có 3: tiếng kêu rõ, tiếng kêu không rõ và không kêu. Đó là 3 dạng tiếng kêu gào thảm thiết.

– Tiếng kêu rõ: có 3 địa ngục: A phù đà, Nê la phù đà và A bà bà.

  1. Địa ngục A phù đà: do thân lạnh nên sanh ra giống như ung nhọt.
  2. Địa ngục Nê la phù đà: gió thổi khiến thân tội nhân căng phồng lên.
  3. Địa ngục A bà bà: rất lạnh, gió thổi khiến da thịt tội thân bong vỡ ra. Cả ba địa ngục này đều rên rỉ liên tục.

– Tiếng kêu không rõ: có 2 địa ngục: A tra tra hô tra hô và Ưu bát la.

1. Địa ngục A tra tra hô tra hô: rất lạnh, gió thổi khiến da thịt tội thân bong vỡ ra nên gọi là A tra tra hô tra hô.

2. Địa ngục Ưu bát la: gió lạnh thổi rất mạnh khiến da thịt tội nhân bong ra, tự nhiên có miếng sắt quấn quanh thân họ như hoa Ưu bát la. Do phỉ báng các bậc hiền Thánh đọa vào địa ngục này.

– Không kêu: có bốn địa ngục: Câu mâu đà, Tu kiền đề, Già phân đà lợi, Già ba đàm ma.

Các địa ngục này rất lạnh, gió thổi làm thân người tội căng phồng lên. Đây là bốn địa ngục khổ đau thống thiết. Do phỉ báng các bậc hiền

Thánh nên đọa vào bốn loại địa ngục này. Bất cứ lúc nào cũng phải chịu khổ. Những địa ngục lạnh cóng này đều ở trong bốn châu, dưới núi Thiết vi và những nơi tăm tối. Gió lạnh thổi đến làm thân tan rã. Ngọn lửa dữ thiêu đốt họ như đốt rừng tre, tiếng ho sặc vang khắp. Những chúng sanh thọ khổ ở đó đều là do phỉ báng bậc hiền Thánh. Như lời kệ Đức Thế tôn đã nói:

Nê la phù có trăm nghìn
A phù đà có ba lăm
Tâm miệng chê hiền
Thánh Đọa ác thú địa ngục.

Trên đây là tướng trạng của Địa ngục lạnh.

Hỏi: Thế nào là địa ngục nóng?

Đáp: Địa ngục này có ba loại: có người cai quản, ít người cai quản, không có người cai quản. Ba loại địa ngục này đều tra xét tội nhân.

– Địa ngục có người cai quản: có ba địa ngục: Hoạt, Hàng và Hắc thằng

1. Địa ngục Hoạt: Ngục tốt dùng dao búa bén lột da lốc thịt, chặt chém người tội ra từng mảnh như chặt cỏ cây. Khi tội duyên chưa hết, một cơn gió lạnh thổi đến khiến da thịt họ lành lặn như cũ. Lại vì tội ác nên tay người tội mọc ra móng sắt bén nhọn như dao. Đời đời kết oán nên cấu xé, chém chặt nhau như chặt tre lau. Vì hai bên kết lòng oán hận, nên chết đọa vào địa ngục này.

2. Địa ngục Hắc thằng: Ngục tốt quăng người tội xuống đất, rồi lấy dây đen trói lại, chặt ra từng khúc. Vì chém giết chúng sanh nên đọa vào địa ngục này.

Lại nữa, ngục tốt lấy lá đồng nóng đỏ quấn xiết người tội khiến xương thịt họ vỡ nát, máu mủ chảy tuôn. Vì dùng roi gậy đánh đập chúng sanh và người xuất gia, sống biếng lười mà nhận đồ ăn mặc của tín thí, nên đọa vào địa ngục này, tối tăm khổ sở vì bị khói hun. Thân bị treo ngược, bám chặt khói đen. Đó là do đốt lửa, hun khói những chúng sanh sống trong hang.

3. Địa ngục Hàng: Những người tội xếp hành như chợ bán thịt để lần lượt bị chặt đứt tay chân tai mũi và đầu. Khi sống làm đồ tể nên phải chịu cảnh khổ này. Lại nữa, họ phải kéo xe lửa trên đất sắt nóng, ngục tốt ngồi trên xe trợn mắt, thúc giục inh ỏi bắt phải chạy mau. Đó là do cưỡi voi ngựa, bắt chúng chở nặng, mệt nhọc, nên đọa địa ngục này. Kẻ phạm tội dâm vợ người bị đuổi lên cây kiếm, lửa tự nhiên thiêu đốt, phải chịu cảnh khổ này.

Địa ngục có người cai quản là có ngục tốt, riêng địa ngục hàng, do vì xếp hàng thọ tội mà không bị lửa thiêu.

– Địa ngục ít người cai quản: có 3 địa ngục: Chúng hợp, Đại khốc, Thiết lam.

1. Địa ngục Chúng hợp: Chúng sanh sợ ngục tốt của địa ngục, nên có vô lượng trăm ngàn người kéo nhau đi vào núi. Trước sau đều có lửa bốc cháy. Hai ngọn núi lớn tự nhiên khép lại như hai thớt cối, khiến máu chảy thành sông, xương thịt nát nhừ. Đó là do ưa thích nghiền nát chúng sanh. Lại nữa, họ bị lửa dữ thiêu đốt, bị chày giả nát trong cối sắt suốt cả trăm năm. Nhưng vì tội duyên chưa hết nên không chết hẳn. Đó là do dùng cối nghiền nát bò chét, chấy rận.

2. Địa ngục Đại khốc: Xung quanh núi sắt lớn lửa cháy hừng hực, bốn phía không có lối ra. Ngục tốt hung ác, nổi giận hỏi: “Muốn đến chỗ nào?” Rồi chúng dùng chày sắt đốt lửa đánh đập đầu người tội. Do vì làm khổ muôn dân, nên đọa vào địa ngục này.

– Địa ngục không có người cai quản: có hai địa ngục: Chích và Vô khuyết.

1. Địa ngục Chích: Núi sắt lớn bốc lửa dữ thiêu đốt người tội, rồi xẻng sắt xúc họ đưa lên lửa nướng cháy toàn thân. Khi mặt này vừa chín, xẻng sắt tự nhiên lật lại. Do vì đâm xuyên, giết người nên đọa vào địa ngục này.

2. Địa ngục Vô khuyết: Đất sắt bao quan, lửa cháy lan rộng cả trăm do tuần. Bốn phía bít bùng, lá đồng úp lên trên, lửa cháy liên tục. Những người tội chất đống như củi. Lửa cháy hừng hực thiêu đốt thân họ khiến đau khổ vô cùng. Do vì giết cha mẹ, các bậc Thánh hiền, ác tâm làm thân Phật chảy máu, gây loạn chúng Tăng, tạo mười điều bất thiện, nên đọa vào địa ngục này.

Hỏi: Thế nào là địa ngục biên địa?

Đáp: địa ngục Biên địa là ở bên dòng nước, cạnh núi, ven rừng, riêng mình chịu quả báo nên gọi là địa ngục biên địa.

(Trích Phẩm Y quyển 3 )

11. CÁC ĐỊA NGỤC TRONG NÚI KIM CANG

Ngoài tứ thiên hạ, có 80.000 thiên hạ vây quanh. Ngoài 80.000 thiên hạ, lại có biển lớn. Ngoài biển lại có núi Đại Kim Cang. Ngoài núi Đại Kim Cang còn có núi khác cũng tên Kim Cang (Kinh Lâu Thán ghi: núi Đại Thiết Vi).

Giữa hai núi này, ánh sáng của mặt Trời, mặt trăng không chiếu đến. Ở đây có 8 địa ngục lớn là: Tưởng, Dây đen, Đè ép, Gào thét, Gào thét to, Thiêu nướng, Thiêu cháy.

(Kinh Lâu Thán ghi tên các địa ngục không giống nhau, văn nhiều nên không ghi ra đây)

Trong 8 địa ngục lớn này, mỗi địa ngục có mười sáu địa ngục nhỏ

(Kinh Vấn Địa Ngục ghi: địa ngục có ngay trên đất)

1/ Đại địa ngục Tưởng:

Có mười sáu địa ngục nhỏ tên là: Cát đen, Phân sôi, Đinh sắt, Đói, Khát, Một chảo đồng, Nhiều chảo đồng, Cối đá, Máu mủ, Múc lửa, Sông tro, Hòn sắt, Dao búa, Chó sói, Cây kiếm, Băng giá.

Chúng sinh trong các địa ngục này luôn giận dữ, tay mọc móng sắt, dùng móng bấu nhau, theo tay thịt rơi xuống, tưởng là chết rồi. Kế nữa, chúng sinh trong đó mang lòng độc hại, đâm chém nhau bằng dao kiếm, lột da cắt thịt vung vãi ra đất, tưởng là chết rồi. Gió lạnh thổi tới khiến sống trở lại. Họ tưởng rằng mình sống lại.

Thọ tội lâu ngày, tội nhân được ra khỏi địa ngục Tưởng, chạy khắp nơi cầu cứu, bỗng rơi vào địa ngục Cát đen. Tại đây, gió nóng thổi mạnh làm cát đen nóng bám vào thân, đốt da đau thấu xương. Trong thân nổi lửa chạy đốt quanh thân, thiêu cháy rụi. Vì tội duyên chưa hết nên không chết hẳn.

Thọ khổ lâu ngày, được ra khỏi địa ngục Cát đen, đến địa ngục Phân sôi, miếng sắt bằng phân nóng sôi tự nhiên đầy phía trước, khiến tội nhân phải ôm lấy những hòn sắt nóng này để thiêu đốt mình mẩy tay chân, lại khiến họ hốt sắt nóng bỏ vào trong miệng, chạy thẳng từ cuống họng đến bụng, Miếng sắt chạy tới đâu cháy rụi tới đó. Có trùng mỏ sắt rúc rỉa thịt đau thấu xương tủy, khổ sở vô cùng. Do tội duyên chưa hết nên không chết hẳn.

Thọ khổ lâu ngày, được ra khỏi địa ngục Phân sôi, đến địa ngục Đinh sắt. Ngục tốt xô tội nhân nằm trên sắt nóng, kéo thân người tội ra lấy đinh đóng vào tay chân rồi đóng khắp thân thể cả thảy năm trăm cây đinh. Tội nhân khổ sở đau đớn kêu rên mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Đinh Sắt, đến địa ngục Đói. Tội nhân bị xô ngã trên sắt nóng, nước đồng nóng chảy vào miệng, từ cổ họng xuống bụng không chỗ nào không cháy bỏng. Vì tội duyên chưa hết nên không chết hẳn.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Đói, đến địa ngục Khát. Tội nhân bị xô ngã trên sắt nóng, ngục tốt lấy hòn sắt nóng bỏ vào miệng tội nhân, từ môi lưỡi trở xuống đều bị cháy thiêu, khiến khổ sở đau đớn.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Khát, đến địa ngục Một chảo đồng. Ngục tốt giận dữ quắc mắt, nắm chân tội nhân giọng đầu vào trong chảo, theo nước sôi đảo lộn lên xuống, thân thể chín nhừ, khổ sở muôn bề mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Một chảo đồng, đến địa ngục Nhiều chảo đồng. Nơi đây, ngục tốt nắm chân tội nhân ném vào trong chảo, theo nước sôi lên xuống, toàn thân rã nát. Ngục tốt lại lấy móc sắt móc lên cho vào chảo khác. Tội nhân kêu rên khổ sở mà vẫn chưa chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Nhiều chảo đồng, đến địa ngục Cối đá. Ngục tốt quăng tội nhân vào cối đá nóng, kéo tay chân ra, lấy khối đá nóng to đè trên thân họ, xay nát xương thịt, khổ sở thống thiết mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Cối đá, đến địa ngục Máu mủ. Tội nhân ở trong máu mủ sôi rảo chạy khắp nơi. Nước sôi làm cho thân thể, đầu mặt tội nhân rả nhừ. Họ lại ăn máu mủ ấy, máu mủ chạy tới đâu đau tới đó, không thể chịu nổi, mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Máu mủ, vào địa ngục Múc lửa. Tại đây có từng khối lửa lớn bốc cháy hừng hực đuổi bắt tội nhân, tay cầm thăng sắt múc lửa đổ vào mình, thiêu cháy toàn thân, nóng bức khổ sở rên rĩ kêu khóc mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Múc lửa, đến địa ngục Sông tro. địa ngục này chu vi năm trăm do-tuần, nước tro sôi sục, mùi hôi nồng nặc, dậy sóng, phát ra âm thanh đáng sợ. Từ dưới đáy trở lên, sắt đâm ngang dọc. Trên bờ sông đó có rừng cây kiếm, cành lá hoa trái đều là dao kiếm. Tội nhân xuống sông theo sóng lặn hụp bị nhận chìm, gai sắt đâm thân từ trong ra ngoài, máu mủ chảy ra, thống khổ muôn bề mà vẫn không chết.

Đến lúc ra khỏi địa ngục Sông tro, được lên bờ kia, lại bị kiếm bén đâm chém thân thể rả nát. Lại có chó sói đến cắn, ăn thịt tội nhân. Trèo lên cây kiếm, lưỡi kiếm chĩa xuống. Bước xuống cây kiếm, lưỡi kiếm chĩa lên. Dùng tay vịn thì đứt tay, dùng chân đạp thì đứt chân, da thịt rơi vãi chỉ còn xương trắng liền với gân mạch.

Lúc bấy giờ, trên cây kiếm có chim mỏ sắt mổ đầu, ăn não tội nhân, khổ sở kêu khóc mà vẫn không chết, trở vào sông tro, theo sóng nổi chìm, bị gai sắt đâm thân khổ sở muôn bề, da thịt rả nát, máu mủ chảy ra, chỉ còn xương trắng lộ ra bên ngoài. Gió lạnh thổi tới khiến họ đứng dậy. Oán đối xưa đã đến, bất giác rơi vào địa ngục Hòn sắt. Địa ngục này có quỷ đuổi theo bắt tội nhân, lửa cháy khắp thân, tay chân chín nhừ, khổ sở muôn bề mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Hòn sắt, đến địa ngục Dao búa. Ngục tốt quăng tội nhân lên sắt nóng, lấy búa rìu sắt nóng chặt tay chân, thân thể, cả đến tai mũi, khiến họ khổ sở kêu khóc mà vẫn không chết.

Thọ tội lâu ngày, ra khỏi địa ngục Dao búa, đến địa ngục Chó sói. Nơi đây có bầy sói dữ tranh nhau cắn xé, thịt rơi xương nát, máu mủ chảy đầy, khổ sở muôn bề mà vẫn không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Chó sói, đến địa ngục Cây kiếm. Khi tội nhân vào rừng kiếm, gió dữ thổi đến khiến lá kiếm rơi khắp thân thể, đầu mặt tay chân rả nát. Có chim mỏ sắt mổ hai mắt tội nhân, thống khổ kêu gào mà cũng không chết.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Cây kiếm, đến địa ngục Băng giá. Gió lạnh thổi đến khiến mình mẩy họ đau buốt, da thịt rơi rã, đau khổ kêu la, sau đó mới chết.

Những tội nhân này do thân, khẩu, ý bất thiện nên phải đọa vào địa ngục Tưởng, vì quá sợ hãi, nên lông dựng ngược.

2/ Đại địa ngục Dây đen:

Có mười sáu địa ngục nhỏ vây quanh, mỗi ngục ngang rộng năm trăm do-tuần. Sao gọi là Dây đen?

Trong địa ngục này, ngục tốt bỏ tội nhân lên sắt nóng, kéo thân thể họ ra, lấy dây sắt nóng cột chặt lại, hoặc lấy rìu sắt chặt tội nhân ra làm trăm nghìn khúc, hoặc lấy dây sắt xiết lại, rồi cưa ra từng đoạn, hoặc treo trên dây sắt nóng cột ngang dọc khắp thân, bắt tội nhân đi giữa hai sợi dây. Gió dữ nổi lên, thổi dây sắt cuốn khắp thân thể đốt cháy da thịt, xương tủy sục sôi, khổ sở muôn bề. Do tội duyên chưa hết nên chưa chết hẳn, vì thế gọi là dây đen.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Dây đen, đến địa ngục Cát đen, cho đến địa ngục Băng giá, sau đó mới chết. Tội nhân này do có ác tâm đối với cha mẹ, Phật và Thánh văn nên phải đọa vào địa ngục Dây đen, khổ sở không cùng.

3/ Đại địa ngục Đè ép:

Có mười sáu địa ngục nhỏ vây quanh, mỗi ngục dài rộng năm trăm do-tuần. Sao gọi là Đè ép? Vì có hai núi đá lớn đối nhau. Người nào vào chỗ này, núi tự nhiên khép lại, ép thân người tội, xương thịt nát nhừ rồi mới nhả ra. Tội nhân khổ sở muôn bề mà vẫn chưa chết; lại có voi sắt lớn toàn thân lửa cháy rống lên chạy tới giẫm đạp tội nhân giày vò thân thể nát nhừ, máu mủ chảy ra, gào khóc rên la mà vẫn không chết. Ngục tốt lại quăng tội nhân nằm trên tảng đá lớn, rồi lấy đá lớn đè lên. Lại bắt tội nhân nằm trên đất, lấy chày sắt nện lên. Từ chân tới đầu da thịt nát nhừ, máu mủ chảy ra, chịu muôn cảnh khổ. Do tội duyên chưa hết nên chưa chết hẳn, vì vậy có tên Đè ép.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Đè ép, đến địa ngục Cát đen, rồi địa ngục Băng giá, sau đó mới chết. Những tội nhân này do tạo ba nghiệp ác, không tu ba hạnh lành nên đọa địa ngục Đè ép, chịu khổ không thể nói hết.

4/ Đại địa ngục Gào thét:

Có mười sáu địa ngục nhỏ vây quanh, mỗi ngục dài rộng năm trăm do-tuần. Sao gọi là Gào thét? Trong địa ngục này, ngục tốt ném tội nhân vào trong nồi lớn, rồi đặt vào nồi sắt có nước sôi sùng sục, luộc chín người tội khiến họ gào thét kêu la thảm khốc. Lại ném tội nhân vào cái chảo, chiên nướng lật qua lật lại, gào thét kêu la. Do tội duyên chưa dứt nên chưa chết hẳn, vì vậy gọi là Gào thét.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Gào thét, đến địa ngục Cát đen, cho đến địa ngục Băng giá, lúc ấy mới chết. Những tội nhân này do sân giận độc ác tạo các ác nghiệp, nên đọa vào địa ngục Gào thét này.

5/ Đại địa ngục Gào thét lớn:

Có mười sáu địa ngục nhỏ. Sao gọi là Gào thét lớn? Ở ngục này, ngục tốt bỏ tội nhân vào nồi sắt lớn, rồi đặt vào nồi sắt có nước sôi sùng sục, luộc chín người tội, lại ném lên cái chảo, chiên nướng lật qua lật lại khiến cho gào khóc kêu la, thống khổ muôn bề. Do tội duyên chưa dứt nên chưa chết hẳn, vì vậy gọi là Gào thét lớn.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi Đại địa ngục Gào thét lớn, đến địa ngục Băng giá, bấy giờ mới chết. Những tội nhân này do có nhiều tà kiến, bị lưới ái kéo lôi, làm các việc thấp hèn nên bị đọa vào Đại địa ngục Gào thét lớn.

6/ Địa ngục Thiêu nướng:

Có mười sáu địa ngục nhỏ. Sao gọi là Thiêu nướng? Ở địa ngục này, ngục tốt bỏ tội nhân vào thành sắt; trong ngoài thành đều có lửa cháy đỏ rực, thiêu đốt tội nhân; lại bỏ tội nhân trên lầu sắt, trong ngoài lầu cũng có lửa cháy đỏ rực; rồi lại quăng tội nhân vào chum sắt lớn, lửa cháy trong ngoài đỏ rực, thiêu đốt da thịt cháy rụi, chịu muôn cảnh khổ. Do tội duyên chưa dứt nên chưa chết hẳn, vì thế gọi là Thiêu nướng.

Thọ khổ lâu ngày, ra khỏi địa ngục Thiêu nướng, đến địa ngục Cát đen, cho đến địa ngục Băng giá rồi mới chết.

Do hay thiêu nướng chúng sanh nên phải đọa vào địa ngục này, chịu cái khổ bị thiêu nướng suốt thời gian dài.

7/ Đại địa ngục Thiêu nướng:

Có mười sáu địa ngục nhỏ, dài rộng năm trăm do-tuần. Ngục tốt bỏ tội nhân vào thành sắt, trong ngoài thành lửa cháy đỏ rực, thiêu đốt tội nhân, khiến da thịt cháy rụi, chịu muôn cảnh khổ. Có hầm lửa lớn, bốc cháy hừng hực. Hai bên hầm có núi lửa lớn. Ngục tốt đâm mũi chĩa vào người tội, rồi dựng đứng trong lửa. Lửa dữ thiêu nướng, da thịt cháy rụi. Do tội duyên chưa dứt nên chưa chết hẳn.

Thọ khổ lâu ngày ra khỏi Đại địa ngục Thiêu nướng, đến địa ngục Cát đen, cho đến địa ngục Băng giá, rồi mới chết.

Những tội nhân này do bỏ nghiệp thiện, tạo các nghiệp ác nên phải đọa vào Đại địa ngục Thiêu nướng.

8/ Đại Địa ngục Vô Gián:

Có mười sáu địa ngục nhỏ, mỗi ngục dài rộng năm trăm do-tuần. Ngục tốt lột da tội nhân từ chân tới đầu, rồi lấy da đó quấn thân tội nhân, cho bánh xe lửa các qua sắt nóng, rồi cán lên thân họ khiến cho da thịt rơi vãi, khổ đến muôn bề mà vẫn chưa chết. Lại có thành sắt nổi lửa bốn phía. Phía Đông nóng, tội nhân chạy sang phía Tây; Phía Tây nóng, chạy sang Đông, các hướng Nam, Bắc trên dưới cũng như vậy. Lửa cháy hừng hực khắp nơi không hở chỗ nào, tội nhân tuôn chạy, thân bị thiêu rụi, da thịt cháy rã, thống khổ cùng cực.

Tội nhân ở trong đó lâu ngày, cửa mới mở ra, liền chạy qua chỗ khác. Các đốt xương đều phát ra lửa. Khi họ chạy sắp đến cửa, cửa tự nhiên đóng lại. Do tội duyên chưa hết nên chưa chết hẳn. Lại nữa, tội nhân trong đó mắt thấy toàn đồ xấu, tai nghe toàn tiếng dở, mũi ngửi toàn mùi hôi, thân bị khổ bức, ý nghĩ pháp ác, chịu khổ trong từng sát na, nên gọi là Đại Địa ngục Vô gián.

Thọ khổ lâu ngày rồi mới chết. Vì gây tội nặng nên phải đoạ vào đường ác, mãi cho đến địa ngục Băng giá, rồi mới chết. Vì gây tội nặng nên sinh vào đường ác, đọa Đại địa ngục Vô Gián, chịu vô lượng tội. Tám đại địa ngục này, mỗi ngục có mười sáu địa ngục nhỏ.

12. GIỮA NÚI KIM CANG CÓ MƯỜI ĐỊA NGỤC

Giữa hai núi Kim Cang lớn có ngọn gió lớn nổi lên, tên là Tăngkhư. Khi gió ấy thổi đến, các núi trên địa cầu cách đó 10 dặm cho đến một trăm dặm khắp bốn châu và 80.000 cõi nước đều bị cuống hút vào không trung, nát vụn ra. Cũng như tráng sĩ, tay cầm đường cát, rải vào Hư không. Hai ngọn núi này có tác dụng ngăn gió ấy lại. Nếu gió ấy thổi đến thì hết thảy sông suối biển hồ trong bốn châu thiên hạ đều khô cạn. Nếu gió thổi qua những nơi dơ bẩn sẽ xông lên mùi hôi khủng khiếp. Nếu gió này thổi đến bốn châu thiên hạ, đập vào mắt thì chúng sanh phải mù. Thế nhưng, hai ngọn núi này cũng có nhiều lợi ích. Đó là phước báu do chúng sanh tu tập mà có được.

Lại nữa, giữa hai ngọn núi này có mười địa ngục. Đó là: Hậu Vân, Vô Vân, A A, Nại Hà, Dương Minh, Tu-càn-đề, Ưu-bát-la, Câu-vậtđầu, Phân-đà-lỵ, Bát-đầu-ma.

Hậu Vân là tội nhân trong địa ngục này tự nhiên hóa sanh, giống như những lớp mây dầy đặc.

Vô Vân là sinh thân của chúng sinh giống như khối thịt.

A A là tội nhân trong ngục khổ đau thống thiết, rên a a.

Nại Hà là tội nhân trong ngục thọ khổ, đau đớn khôn kể, không nơi nương tựa.

Dương Minh là tội nhân trong ngục khổ đau thống thiết, muốn kêu la nhưng không được, cứ bập bẹ như tiếng dê kêu.

Tu-càn-đề hoa là thân chúng sanh trong ngục này tối đen như màu hoa Tu-càn-đề.

Ưu-bát-la hoa là thân chúng sanh trong ngục này xanh như hoa Ưu-bát-la.

Câu-vật-đầu hoa là thân chúng sanh trong ngục này hồng như hoa Câu-vật-đầu.

Phân-đà-lỵ hoa là thân chúng sanh trong ngục này trắng như hoa Phân-đà-lỵ.

Bát-đầu-ma hoa là thân chúng sanh trong ngục này đỏ như hoa Bát-đầu-ma.

Thí như một thùng gỗ đựng đầy 64 hộc tiêu. Có người trăm tuổi lấy từng hạt tiêu bỏ ra, cứ như thế cho đến hết. So với thời gian ấy, thời gian tội nhân thọ khổ trong địa ngục Hậu Vân còn lâu hơn thế nữa. Thời gian tội nhân thọ khổ trong địa ngục Vô Vân gấp hai mươi lần địa ngục Hậu Vân; Trong địa ngục A A gấp hai mươi lần địa ngục Vô Vân; Trong Địa ngục Nại Hà gấp hai mươi lần địa ngục A A; Trong địa ngục Dương Minh gấp hai mươi lần địa ngục Nại Hà; Trong địa ngục Tu-càn-đề gấp hai mươi lần địa ngục Dương Minh; Trong địa ngục Ưu-bát-la gấp hai mươi lần địa ngục Tu-càn-đề; Trong địa ngục Câu-vật-đầu gấp hai mươi lần địa ngục Ưu-bát-la; Trong địa ngục Phân-đà-lỵ gấp hai mươi lần địa ngục Câu-vật-đầu; Trong địa ngục Bát-đầu-ma gấp hai mươi lần địa ngục Phân-đà-lỵ.

Thời gian gấp hai mươi lần địa ngục Bát-đầu-ma gọi là một Trung kiếp. Hai mươi Trung kiếp là một Đại kiếp.

Trong địa ngục Bát-đầu-ma, lửa cháy hừng hực. Tội nhân cách xa một trăm do-tuần vẫn bị lửa thiêu đốt; cách sáu mươi do-tuần thì hai tai đều điếc; cách năm mươi do-tuần thì hai mắt đều mù.

Tỳ-kheo Cù-ba-lỵ vì ác tâm phỉ báng hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, khi chết đọa vào địa ngục Bát-đầu-ma này.

(Trích kinh Trường A-hàm. Kinh Lâu Thán phần lớn cũng giống như vậy)