KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 44

 

1. CHUYỆN CHÀNG ẢO THUẬT

Thuở xưa có một chàng ảo thuật tên bạt-đà (Đời Lương dịch là Nhân Hiền) bác thông kinh điển lại rất khéo tay, được nhíều người yêu mến danh tiếng càng lẫy lừng, rất nhiều người theo anh ta xin học.

Một hôm, Bạt-đà gặp Phật thấy tướng mạo Phật đoan nghiêm liền nghĩ: “Ta sẽ thử thỉnh Phật, nếu ông ta không thọ thỉnh tức đã biết ý ta, còn thọ thỉnh thì không biết ý ta muốn thử vậy”.

Phật biết được tâm niệm Bạt-đà, nhưng vì muốn hoá độ nên Đức Phật im lặng nhận thỉnh. Thấy Phật đồng ý Bạt-đà cho rằng: “Phật chưa chứng ngộ nên đã trúng kế của mình”.

Anh ta vào thành Vương xá, nơi chỗ đất sạch hoá thành một giảng đường, bên trong có lộng hoa rực rỡ, dưới mỗi gốc cây quanh giảng đường đều có trải toà sư tử giành cho các vị Tỳ-kheo. Bên trong giảng đường có toà sư tử cao bốn trượng 9 thước giành cho Đức Như Lai, lại có đủ thứ thức ăn được bày trí đẹp đẽ.

Bấy giờ Tứ Thiên vương và Trời Đế thích cùng 3 vạn hai ngàn vị Trời đến trước Bạt Đà nói:

– Ngươi có phước lớn mới được thỉnh Như lai đến giảng đường cúng dường. Ta sẽ giúp ngươi cúng dường cho được đầy đủ.

Nói xong, Đế thích liền hiện ra một cung điện đẹp như cung Trời Đao Lợi. Phật, Bồ Tát và các Tỳ-kheo vào trong giảng đường. Khi Phật ngự trên toà sư tử của Bạt Đà tạo thì Đế thích cũng thấy Phật ngồi trên toà của mình tạo. Bạt-đà nghe Phật thuyết pháp liền diệt trừ tâm tự cao, dập đầu lễ Phật và bạch rằng:

– Bạch Đức Thế tôn, xin Ngài hãy tha thứ lỗi lầm của con. Nói xong, Bạt- đà định diệt giảng đường hoá hiện. Đức Phật làm cho Bạtđà không diệt được. Nhân đó Ngài thuyết bài pháp “Tất cả đều như huyễn”.

(Trích kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền )

2. PHƯỚC BÁO CỦA SỰ THÀNH THẬT

Xưa, ở chân núi Nhi Liên có một anh chàng tên A-nan-bàn-để rất giàu có. Khách buôn ở khắp nơi đều đến ông để vay tiền. Những người ăn xin hễ đến chỗ ông thì đều được no đủ.

Có năm trăm khách buôn đi biển thuyền chìm, người chết gần hết, số sống sót được là nhờ bám vào những tấm ván của con thuyền vỡ. Tất cả châu báu tìm được đều bị chôn vùi dưới lòng biển sâu thẳm.

Thoát nạn trở về, họ đều đến nhà A-nan-bàn-để dự tiệc. Lúc mọi người ăn uống, A-nan-bàn-để ra giếng múc nước, thì ông vớt được một cái tráp châu báu, bên trong có ghi đầy đủ tên họ.

Những người khách buôn ăn xong, đều tỏ vẻ buồn bã. A-nan-bànđể hỏi:

– Tại sao các ông lại buồn như thế?

– Chúng tôi gồm năm trăm người cùng đi biển, không may thuyền chìm, người chết gần hết, còn mấy người đây, tất cả châu báu tìm đượcđều bị mất hết, bạn bè chẳng còn ai. thấy tráp châu báu Ngài có được đều là của chúng tôi đã mất. Không biết tại sao lại ở trong giếng của Ngài?

A-nan-bàn-để đáp:

– Các vị đi buôn bán sinh sống, nếu thành thật thì của cải không bao giờ mất. Tôi từ vô số kiếp đến nay, chưa lúc nào mà không thành thật, cũng không gạt gẫm chiếm đoạt tài sản của bất cứ người nào nên châu báu của ai bị mất đềutrôi vào giếng của tôi. Các vị hãy căn cứ theo tên họ của mình, mà lấy lại châu báu.

(Trích kinh Thí Dụ)

3. THOÁT CHẾT NHỜ MỘT CÂU KINH

Xưa có một người tên là Hiền Trực, từng ba lần tham dự bát quan trai. Trong Kinh có câu: “Mắt Trời không nháy”, Hiền Trực đọc rồi không quên. Nhưng người này rất giỏi về nghề trộm. Anh ta trộm đồ ngay trước mặt người mà người không hề hay biết. Nhà vua mất ngọc, cho triệu tập quần thần để bàn luận. Một vị đại thần tâu:

– Thần nghe nói có một người tên Hiền Trực, rất giỏi ăn trộm, rất có thể hắn đã trộm ngọc

Vua cho người đế bắt Hiền Trực về điều tra, nhưng anh ta một mực chối cãi. Vua là người nhân từ, không nỡ xử oan người nên lại triệu tập quần thần để bàn luận. Một vị đại thần tâu:

– Nên tìm cách để hắn tự thú. Bệ hạ hãy gông hắn lại rồi đem ra chợ rao rằng sẽ giết hắn. Sau đó cho hắn uống rượu say rồi tháo gông ra, dẫn đến một ngơi nhà lớn cho kỹ nữ đến múa hát. Hãy ra lệnh các kỹ nữ nói với Hiền Trực đây là thiên đường, còn các kỹ nữ là thiên nữ hầu hạ hắn ta. Vì đời trước hắn trộm ngọc vua mới được sanh lên Trời.

Vua y theo kế đó thi hành. Hiền Trực nghe các kỹ nữ nói vậy im lặng suy nghĩ: “Ta nghe trong kinh nói: “Mắt Trời không nháy”, còn những cô gái này mắt lại nháy. Có lẽ ta trộm ngọc của vua nên đọa vào địa ngục nếu không phải là vua giăng bẫy để ta tự thú tội?” Nghĩ vậy Hiền Trực liền nói:

– Tôi được sanh lên Trời nhờ không trộm ngọc!

Các kỹ nữ tâu lên vua những lời ấy. Vua cười to và bảo:

– Gã này nhất định không trộm ngọc của ta!

Vua bèn thả cho đi còn ban thưởng vàng bạc châu báu.

Thật ra người này có trộm ngọc của vua nhưng do trước kia có tụng một câu kệ nên chẳng những khỏi tội mà còn được ban thưởng.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ )

4. CÔNG ĐỨC PHÓNG SANH

Ngày xưa, có một anh chàng tên là Từ-la.

Một hôm, anh đi vào chợ thấy một con ba ba bị bắt đem ra chợ bán. Từ-la động lòng thương xót, nước mắt trào ra. Người bán ba ba thấy vậy hỏi:

– Tại sao anh khóc?

– Tôi không chịu nổi khi nhìn thấy con ba ba này!

– Anh điên rồi ư! Người bán ba ba cười lớn.

– Hay là anh bán con ba ba này cho tôi!

– Được, chỉ cần anh trả tôi trăm vạn tiền.

Từ-la dẫn người bán ba ba về nhà, đem đứa con nhỏ đi cầm được tám mươi vạn.

Từ-la đưa hết số tiền cho người bán ba ba rồi nói:

– Tôi đã vét hết tiền trong nhà nhưng chỉ được bấy nhiêu. Tôi muốn kiếm đủ số nhưng không còn cách nào nữa!

– Anh không đủ tiền trả thì hãy đi làm thêu kiếm tiền trả cho đủ.

Người bán ba ba nói.

– Được! Từ-la đáp.

Được ba ba, Từ-la cho xe chở ba ba thả xuống sông. Ba ba nói:

– Ít hôm nữa sẽ có một trận lụt rất lớn, khi ấy anh hãy trèo lên cây và gọi tôi.

Vài hôm sau quả nhiên có một trận lụt rất lớn, người dân chết gần hết. Từla trèo lên cây gọi ba ba. Vừa dứt tiếng thì ba ba xuất hiện. Từ-la ngồi trên lưng ba ba. Đi được vài dặm, Từ-la thấy cô gái sắp chết trên một chiếc bè. Thấy Từ-la, cô gái kêu cứu. Từ-la nói với ba ba:

– Cô gái này tội nghiệp quá, chúng ta hãy cứu cô ấy. Ba ba đồng ý. Đi được vái dặm nữa, anh thấy người bán ba ba hôm trước đang ở trên chiếc bè. Ông ta cất tiếng kêu cứu. Ba ba nói:

– Nặng quá rồi tôi không thể chở thêm được nữa. Từ-la nói:

– Ông ta cũng đáng thương, dù thế nào chúng ta cũng phải cứu giúp.

Ba ba lại phải chở thêm người nữa. Đi được mấy mươi dặm,thấy mấy con sâu đang bị nước cuốn. Từ-la lại vớt mấy con sâu ấy. Ba ba chở tất cả đến nước Na-kiệt. Đến nơi, cô gái đem vàng tạ ơn Từ-la. Người bán ba ba nói:

– Tiền bán ba ba trước đây anh vẫn chưa trả hết, giờ được vàng anh hãy trả cho tôi.

Từ-la không chịu. Người bán ba ba tìm đến vua nước Na-kiệt tâu rằng:

– Từ-la trộm vợ người ta rồi đem đi bán. Nay hắn đem vàng bạc đến ở nước này.

Vua Na-kiệt cho bắt Từ-la xử chém. Nhưng khi vị quan hạ bút viết tờ trình, thì tự nhiên có con bướm bò lên cây bút, làm ông không viết được chữ nào. Vua nghe việc ấy hỏi Từ-la:

– Ngươi có tu tạo công đức gì không?

Từ-la kể lại mọi việc. Vua liền cho giết người bán ba ba. (Trích kinh A-nan Hiện Biến)

5. MẦM CÚNG DƯỜNG

Ở thành Đại -nguyệt-thị-phất-ca-la có một người họa sĩ tên Thiên Na. Thiên Na đi vẽ thuê ở phía Đông nước Đa-sát-thi-la suốt mười hai năm dành dụm được ba mươi lượng vàng. Được một số vàng, anh về lại quê nhà. Đi được một đoạn Thiên Na thấy chúng Tăng, liền khởi lòng tin thanh tịnh mới đến hỏi vị Duy na:

– Chúng Tăng ăn một ngày khoảng bao nhiêu tiền?

– Khoảng ba mươi lượng vàng.

Thiên Na bèn đưa hết số tiền có được cho vị duy na xin cùng một bữa ăn và hẹn hôm sau sẽ đến.

Thiên Na về nhà, vợ hỏi:

– Ông đi làm suốt mười hai năm, giờ về nhà ông được những gì?

– Tôi được ba mươi lượng vàng nhưng tôi đã mở hội cúng dường chúng Tăng để gieo trồng hạt phước!

Nghe vậy, vợ Thiên Na giận dữ trói chồng lại giải lên quan trình bàymọi việc. Quan hỏi Thiên Na:

– Có tiền không cho vợ con ăn lại cho người khác ăn à?

– Tôi đời trước do không tu tạo phước đức nên đời này mới bần cùng khốn khổ như thế. Thấy chúng Tăng là ruộng phước điền, mà không gieo hạt để đời sau hưởng quả thì sẽ tiếp tục nghèo khổ. Sự nghèo khổ cứ bám theo tôi mãi như thế, hết kiếp này sang kiếp nọ, biết bao giờ thoát khỏi. Nghĩ vậy mà tôi không ngần ngại đem hết tiền cúng cho chúng Tăng.

May thay, vị quan đây là một ưu bà tắc, nên nghe xong ông cởi chuỗi anh lạc cùng ngựa xe ban tặng cho Thiên Na, lại còn giao anh ta cai quản một tụ lạc. Quan nói với Thiên Na:

– Ngươi đã cúng dường chúng Tăng, chúng Tăng chưa ăn, đó là hạt chưa gieo mà mầm đã nảy. Còn quả lớn thì may sau anh sẽđược hưởng.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 11)

6. TRỌNG XÁC CŨ

Xưa có một người đã chết, thần hồn trở lại vuốt ve hài cốt của mình. Có người thấy vậy hỏi:

– Anh đã chết, tại sao lại còn yêu quý ve vuốt bộ xương khô này.

– Đây là thân trước kia của tôi, là thân không giết hại, không trộm cắp, không dâm dục, không nói hai, không nói ác, không nói thêu dệt, không ganh ghét, không sân hận, không si mê v.v… nên sau khi chết tôi được sanh lên cõi Trời muốn gì có nấy vui sướng tột đỉnh. Vì vậy mà tôi rất yêu quý nó.

( Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển hạ)

7. VỎ QUÍT DÀY CÓ MÓNG TAY NHỌN

Xưa ở vùng Bắc Thiên Trúc có người thợ điêu khắc rất khéo. Anh ta làm một cô gái bằng gỗ hết sức xinh đẹp, lại cho trang sức quần áo giày dép giống như người thật. Người gỗ này cũng làm được những việc giống như những người thường như đi tới lui rót rượu tiếp khách… chỉ có điều là không nói được.

Cùng thời ấy, ở Nam Thiên Trúc có người họa sĩ rất tài giỏi. Người thợ điêu khắc nghe danh liền dọn một bữa tiệc thịnh soạn rồi mời người họa sĩ đến. Ngưới họa sĩ đến, thợ điêu khắc cho người gỗ ra rót rượu đãi khách. Vui chơi suốt ngày mà anh họa sĩ không biết đó là người gỗ, anh ta khởi tâm dục, lòng mãi tơ tưởng đến người con gái ấy.

Tối đến, anh thợ điêu khắc mời chàng họa sĩ ở lại và cho cô gái gỗ ở bên hầu hạ.

Vào phòng ngủ cô gái gỗ đứng bên đèn, anh họa sĩ gọi cô gái đến nhưng cô không đến. Anh liền bước tới nắm tay. Lúc ấy anh họa sĩ mới phát hiện racô gái ấy bằng gỗ. Anh ta hổ thẹn vô cùng nghĩ: “Gã điêu khắc này gạt ta, ta phãi trả đũa mới được!”

Nghĩ vậy, anh liền vẽ lên bức tường hình tượng mình đang treo cổ chết.

Vẽ xong, anh đóng cửa chui xuống gầm giường.

Sáng hôm sau, mặt Trời đã lên cao, nhưng cửa phòng anh họa sĩ vẫn đóng kín, người thợ đêu khắc nhìn vào khe cửa, thấy anh họa sĩ đang treo cổ tự tử, thợ điêu khắc sợ hãi tưởng anh hoạ sĩ đã chết, liền phá cửa nhảy vào, lấy dao chặt sợi dây.

Bấy giờ, anh hoạ sĩ từ gầm giường bò lên. người thợ điêu khắc biết mình bị lừa hết sức hổ thẹn. Anh họa sĩ nói:

– Anh gạt tôi được thì tôi cũng gạt anh được vậy!

Cả khách lẫn chủ đều bị mắc lõm cả.

Cả hai người đều nhận ra những trò dối gạt ở đời nên cùng từ giả gia đình, xuất gia học đạo.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 4)

8. KHI VUA BÁO ÂN

Có một vị vua mắc bệnh suốt mười hai năm. Tất cả các thầy thuốc giỏi trong nước đều bó tay.

Bấy giờ ở nước chư hầu của vua có một thầy thuốc giỏi. Vua nghe danh liền cho mời thầy thuốc đến. Vị thầy thuốc này trị bệnh cho vua chỉ trong thời gian ngắn bệnh vua khỏi hẳn. Vua muốn báo ân vị thầy thuốc liền truyền lệnh cho vua chư hầu (cai trị nước của người thầy thuốc) phải ban thưởng voi, ngựa, trâu, dê, ruộng, vườn, nhà cửa, đầy tớ và các loại trang sức… cho người thầy thuốc. Vua chư hầu phụng chỉ.

Lúc ấy vị thầy thuốc đứng bên vua bệnh nghĩ: “Ta đã trị vua hết bệnh, tức đã lập được công to không biết vua ban thưởng cho ta vật gì đây?”

Hai ngày sau, vua khoẻ hẳn, vị thầy thuốc xin vua về nước. Vua đồng ý và ban cho một con ngựa gầy và một cỗ xe cũ kỹ. Vị thầy thuốc than thở và hối hận, nghĩ: “Ta đã hết lòng trị vua hết bệnh, công to như thế mà vua chẳng hề nghĩ đến việc báo đáp, không chút quan tâm, để ta về tay không thế này”.

Vị thầy thuốc than thở, ôm lòng buồn hận không nguôi.Về nước thấy một bầy voi, anh ta hỏi người giữ voi:

– Voi của ai vậy?

Đây là voi của ông thầy thuốc. Người chăn voi đáp.

– Ông thầy thuốc ấy sao có được bầy voi này?

– Bầy voi này là vua báo đáp công ơn ông ấy đã trị bệnh cho mình.

Vị thầy thuốc lại đi tiếp thấy rất nhiều ngựa trâu, dê. Anh ta hỏi, người chăn dê đáp:

– Là của ông thầy thuốc đã trị vua hết bệnh.

Đi thêm một đọan nữa, vị thầy thuốc lại thấy một căn nhà rất to lớn có lầu gác nguy nga hơn hẳn những căn nhà nơi này. Anh ta hỏi người giữ cửa:

– Nhà ai vậy?

– Đây là nhà của ông thầy thuốc! Người giữ cửa đáp.

Người thầy thuốc vào trong thấy một người phụ nữ rất đẹp, ăn mặc trang sức toàn những đồ quý giá. Thầy thuốc hỏi:

– Cô là phu nhân của ai vậy?

– Tôi là vợ của người thầy thuốc.

Vị thầy thuốc thấy vua báo đáp công trị bệnh của mình như thế rất hối hận vì đã trách nhầm vị vua tốt.

(Trích Tạp Thí Dụ quyển 4)

9. CÔNG ĐỨC TRÌ TRAI

Xưa có một người cư sĩ mở hội thỉnh Phật và chúng Tăng đến cúng dường. Lúc ấy có người bán đến, cư sĩ liền giữ người ấy lại ăn cơm và khuyên trì trai nghe Kinh. Đến tối người bán sữa mới trở về. Đến nhà, vợ nói:

– Thiếp đợi chàng về ăn cơm từ sáng đến giờ!

Anh chồng nghe vậy đành phải phạm trai. Nhờ công đức anh ta trì trai nữa ngày mà đến kiếp thứ 7 anh được sanh lên cõi Trời. Khi sanh lại nhân gian thì tự nhiên vật chất đầy đủ. Nếu anh ta trì trai một ngày trọn vẹnthì sẽ được sáu mươi vạn năm thức ăn tự nhiên đầy đủ, lại được năm điều lợi: 1- Ít bệnh; 2- Thân tâm yên ổn; 3- Ít dâm; 4- Ít ngủ; – Sau khi chết được sanh lên Trời và thường biết túc mạng.

( Trích Chư Kinh Yếu Sự)

10. CÚNG DƯỜNG MỘT QUẢ HA-LÊ-LẶC, VỀ SAU ĐƯỢC LÀM THÁI TỬ CẢ HAI NƯỚC

Xưa, có một người cày ruộng, quá trưa không thấy người nhà mang cơm đến, anh ta rất trông ngóng. Lúc ấy có một Đạo nhân lạc đường đi đến chổ người cày ruộng khất thực. Người cày ruộng nói:

– Xin Ngài đợi một lát nữa.

Nhưng đợi mãi không thấy người nhà mang cơm đến, vị Đạo nhân nói:

– Tôi xin một ít nước súc miệng.

Người cày ruộng cởi giải áo của mình, đựng một quả ha-lê-lặc dâng lên vị đạo nhân. Vị đạo nhân thọ nhận. Anh ta chỉ có một đồng tiền cũng đem cúng dường đạo nhân. Vị đạo nhân nói:

– Ông có tâm cúng dường sẽ cảm ứng được quả báo tốt đẹp. Tôi muốn truyền năm giới cho ông. Ông có giữ được không?

– Con còn phàm phu tục tử, sợ khó giữ trọn năm giới, chỉ xin thọ một giới không giết hại chúng sanh.

Về sau, người cày ruộng mạng chung được sanh làm Thái tử. Một hôm, Hoàng hậu cùng đoàn tuỳ tùng ra bờ sông vui chơi, hát múa. Tỳ nữ bồng Thái tử xuống bờ sông chơi, sơ ý Thái tử tuột khỏi tay Tỳ nữ rớt xuống sông và bị cá nuốt mất.

Bảy ngày ở trong bụng cá, nhưng Thái tử không đói khát. Theo dòng nước chảy, cá trôi xa hơn một ngàn dặm, vào địa phận của Vua nước dưới. Người đánh cá bắt được nó đem ra chợ bán. Hôm đó Vua nước dưới sai người đi chợ mua cá. May thay, họ mua được con cá ấy. Khi lấy dao làm cá, Thái tử ở trong bụng cá nói lớn: “Các người xẻ từ từ, chớ làm tôi bị thương!”. Họ vội vàng mổ bụng cá ra. Thấy đứa bé khôi ngô tuấn tú không ai bằng, cả nước rất vui mừng.

Vua nước trên mất con nghe tin, nghĩ “Đứa bé đó chắc là con mình”, liền sai người đến đòi con.

Vua nước dưới nói: Đứa bé này Ta lấy được trong bụng cá, đây là Trời ban cho ta. Ta không thể cho ai được!

Hai nước tranh giành nhau, kiện lên Vua lớn. Vua phán: Nếu Vua

nước trên không sanh đứa bé này, đứa bé không bị cá ăn, thì Vua nước dưới làm sao có được. Nếu Vua nước dưới không được đứa bé, thì Vua nước trên biết con ở đâu mà tìm. Có lẽ hai nước có duyên với nhau. Vì thế các ngươi nên xây một cung điện ở giữa hai nước cho Thái tử. Nhân đó họ đặt tên cho Thái tử là Lưỡng Quốc. Từ đó Thái tử ở trong cung điện này, nhưng mọi thứ vẫn y theo phép tắc của một Thái tử thông thường.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Người cày ruộng cúng dường một quả ha-lê-lặc và một đồng tiền vàng thuở xưa, nay chính là Thái tử Lưỡng Quốc.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ).

11. CÚNG DƯỜNG VỚI TÂM THIỆN HAY ÁC, ĐỀU CÓ QUẢ BÁO TƯƠNG ƯNG

Xưa, có một vị Đạo nhân thọt chân đến nhà một gia đình nọ khất thực. Gia đình này từ lâu đã có niềm tin với Phật pháp. Nhìn chân Ngài như vậy, họ vô cùng thương xót, xin được cúng dường Ngài suốt một năm. Nhưng Đạo nhân từ chối, chủ nhà nói: “Xin Ngài rũ lòng thương, thường đến nhà con khất thực”.

Lúc từ biệt, cả chủ lẫn khách đều rơi nước mắt. Khi vị Đạo nhân đi rồi, chủ nhà dọn dẹp giường chiếu, bổng thấy vàng và nhiều của báu. Từ đó, gia đình họ trở nên giàu có.

Nhà bên cạnh thấy gia đình kia bỗng nhiên giàu có, liền đến hỏi nguyên nhân. Chủ nhà thật tình trình bày chuyện vừa qua. Nghe xong ông ta khởi tâm ác, mong được nhiều trân bảo. Ông vội đi tìm Đạo nhân thọt chân để cúng dường, nhưng tìm khắp nơi vẫn không thấy. Bỗng gặp một Đạo nhân bình thường, ông ta liền trói Đạo nhân, rồi chặt một chân của Ngài. Cúng dường được một thời gian ngắn, ông lại bức đuổi Đạo nhân đi. Khi Đạo nhân đi rồi, ông ta cũng dọn dẹp giường chiếu. Nhưng vì cúng dường với tâm ác nên cảm ứng quả báo bị rắn độc, bò cạp, ong bay đến cắn đốt cả nhà. Hiện đời họ chịu ác báo, đời sau sẽ đọa vào địa ngục.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

12. ĂN TRỘM, VÌ THÔNG MINH NÊN ĐƯỢC CƯỚI CÔNG CHÚA

Xưa, có hai chị em, người chị có một người con trai. Hai cậu cháu đều cung cấp lụa là, gấm vóc, sa tan và các loại vải quý khác cho quan phủ.

Một hôm, hai cậu cháu bàn bạc: “Chúng ta dệt vải khổ cực tất cả đều đem nộp vào kho Vua và cũng biết được các loại vải tốt xấu trong kho. Chúng ta nên trộm lấy vải để thoát cảnh nghèo cùng”.

Đêm đó, hai cậu cháu đục tường chui vào ăn trộm các vật báu. Người giữ kho thấy vật báu trong kho bị mất, liền tâu Vua. Vua ra lệnh:

– Các ông chớ nói việc này ra bên ngoài khiến kẻ trộm nghĩ rằng, Ta nhiều việc nên không kiểm soát hết. Đợi hôm sau kẻ trộm chắc chắn sẽ đến, các ông hãy canh giữ nghiêm mật, nếu bắt được trói lại, đừng để chúng tẩu thoát.

Người giữ kho phụng mệnh, tăng thêm lực lượng phòng giữ cẩn mật. Hôm sau, quả nhiên hai cậu cháu lại đến ăn trộm. Khi ở bên ngoài, người cháu nói với cậu:

– Cậu tuổi già sức yếu, nếu bị bắt không thể tự thoát được, Cậu cứ theo lỗ hổng hôm trước mà vào. Nếu có bị phát hiện, cháu khoẻ mạnh có thể chạy thoát để cứu Cậu.

Người Cậu vừa chui vào lỗ hổng liền bị người giữ kho bắt. Nghe tiếng người giữ kho vang lên, người cháu sợ người khác biết được, liền chặt lấy đầu cậu rồi đi.

Sáng mai, người giữ kho tâu Vua mọi việc, Vua ra lệnh:

– Các ông hãy đem thây người chết để giữa ngã tư đường, người nào khóc, nhận tử thi đó chính là người thân của kẻ trộm.

Vài ngày trôi qua, có một khách buôn từ phương xa đến nước này. Trong lúc người, ngựa chạy nhốn nháo nghẽn cả đường, người cháu chở hai xe củi để trên tử thi. Lính gác thấy vậy tâu Vua. Vua ra lệnh:

– Nếu thấy người nào đốt, hãy trói lại, đem đến đây.

Người cháu bảo một đứa bé cầm đuốt nhảy múa, mọi người thấy lạ đến xem và lấy lửa đốt củi, củi cháy hừng hực thiêu rụi thây chết. Lính gác không biết được người nào, liền tâu Vua. Vua ra lệnh:

– Phải tăng cường lực lượng canh giữ chặt chẽ hài cốt của kẻ trộm.

Người cháu lại làm rượu nguyên chất, mang đến chỗ các lính gác mời họ uống. Đói khát mấy ngày, lính gác thấy rượu và thức ăn liền ăn uống no say. Khi tất cả đều say khước, người cháu lấy bình rượu nhặt xương đem đi. Lính gác tỉnh lại không thấy hài cốt liền tâu Vua. Vua nói:

– Các ông canh giữ cẩn mật, nhưng cuối cùng không bắt được kẻ trộm. Tên trộm này thật là gian xảo, Ta phải dùng mưu mới bắt được!.

Vua bảo mọi người trang sức cho công chúa toàn bằng anh lạc, châu báu, rồi cho công chúa ở trong phòng bên dòng sông lớn, lại bảo tất cả hậu vệ phải quan sát kỹ lưỡng, chắc sẽ có người ham sắc-lợi đến bắt công chúa. Rồi Vua bảo công chúa:

– Nếu bắt được kẻ trộm, hãy gọi lính gác đến trói.

Đêm đến, người cháu lén đến bờ sông, thả một cây khô xuống sông, la lớn rồi chạy trốn. Lính gác cho rằng có người đến, ra bờ sông xem xét thì chỉ thấy khúc cây khô. Vài ngày qua, lính gác thấy không có biến động gì liền lăn ra ngủ say sưa. Người cháu ngồi trên cây đến phòng công chúa. Công chúa nắm áo anh ta. Anh ta nói:

– Cô hãy nắm tay, đừng nắm áo.

Người cháu đã chuẩn bị sẵn một cánh tay người chết đưa cho công chúa nắm. Công chúa nắm tay la lớn, lính canh thức giấc, thì người cháu đã trốn thoát.

Lính gác tâu Vua. Vua nói:

– Mưu kế của kẻ trộm này có một không hai, đã lâu rồi mà chúng ta chưa bắt được, phải làm sao bây giờ?.

Công chúa liền mang thai, mười tháng sau hạ sanh một bé trai khôi ngô tuấn tú. Vua sai nhũ mẫu bồng đứa bé đi khắp nước, nếu người nào gọi đứa bé thì bắt đem về. Nhũ mẫu bồng đứa bé đi suốt ngày nhưng không có ai gọi đứa bé. Bấy giờ, người cháu làm thợ nướng bánh, đang đứng bên lò. Vì đứa bé đói khóc, nhũ mẫu bồng đứa bé đến lò mua bánh cho bé ăn. Người cháu thấy đứa bé liền gọi nó và cho bánh. Nhũ mẫu về tâu Vua:

– Thần bế đứa bé đi suốt ngày không một ai đến gần. Khi đi ngang qua lò bánh, người nướng bánh cho đứa bé bánh và gọi nó.

Vua nói:

– Sao không trói người ấy lại?.

Nhũ mẫu đáp:

– Vì đứa bé đói khóc, ông ta cho bánh và gọi nó, chắc không phải là kẻ trộm.

Vua lại ra lệnh cho nhũ mẫu bồng đứa bé đi và nhiều người theo sau dò xét. Nếu thấy ai đến gần thì bắt trói đem về. Người cháu lại làm rượu ngon, mời nhũ mẫu và những người đi theo vào nhà uống rượu. Khi mọi người uống say, người cháu bồng con đi. Tỉnh dậy, không thấy đứa bé, họ vội vàng về tâu Vua. Vua nói:

– Các ngươi ngu dốt, ham ăn háu uống, không bắt được kẻ trộm lại mất cả đứa bé.

Người cháu được con, bồng con đến nước khác. Đầu tiên anh đến gặp Vua nước này, thăm hỏi, đối đáp với Vua, dẫn Kinh thuyết nghĩa. Vua thấy thế rất vui mừng, ban cho anh làm quan lớn, nói:

– Người trí tuệ cả nước ta không bằng khanh. Khanh muốn cưới con gái của Trẫm hay con gái của các quan thì tuỳ ý.

Người cháu đáp:

– Tôi không dám, nếu Vua thương tình, thì tôi xin cưới con gái Vua nước kia.

– Được thôi! Trẫm sẽ theo ý Khanh.

Vua nhận người cháu làm thái tử, rồi sai sứ sang nước kia cầu hôn công chúa cho thái tử. Vua nước ấy nhận lời, nhưng lại nghĩ: “Đây là thái tử, hay là tên trộm gian xảo?”, liền sai sứ giả đến báo với Vua nước này. Nếu muốn đến rước công chúa thì thái tử và năm trăm kỵ mã phải trang sức nghiêm chỉnh. Người cháu nghe vậy vô cùng sợ hãi, sợ đến nước kia Vua sẽ bắt mình, liền tâu Vua:

– Thưa Phụ hoàng! Nếu đến rước công chúa, chúng ta phải phái đi năm trăm người, y phục, yên ngựa đều giống nhau, mới có thể rước được công chúa về làm vợ.

Vua nước kia ra lệnh mọi người làm thức ăn đãi khách. Khi đoàn người đến nơi, hai trăm năm mươi kỵ mã đứng trước, hai trăm năm mươi kỵ mã đứng sau, người cháu đứng ở giữa, vẫn ngồi trên ngựa không bước xuống. Vua đích thân đi vào giữa, bắt người cháu, nói:

– Ngươi có phải là tên trộm xảo trá mà từ lâu Ta bắt không được không?

Người cháu cúi đầu đáp:

– Thưa bệ hạ! Đúng vậy.

– Ngươi là người thông minh, thiên hạ không ai bằng. Ngươi sẽ được như sở nguyện, cưới con gái Trẫm làm vợ.

Người cháu lúc đó là ta, Vua nước kia là Xá-lợi Phất, người cậu là Điều Đạt, Vua nước này là Du Đầu Đàn, mẹ người cháu là mẫu hậu Ma-gia, công chúa là Câu-di.

(Trích kinh Sanh quyển 1)

13. DUYÊN ĐỜI TRƯỚC

Xưa, nước Kỳ-xà-quật có một người con gái đoan trang xinh đẹp, tài trí không ai bằng, tánh tình khoan dung hoà nhã, không bao giờ sân giận. Người nhà, bà con xa gần đều kính mến. Các nước đến cầu hôn hơn năm trăm người, nhưng cuối cùng nàng vẫn không chịu lấy chồng.

Bấy giờ, ở nước La-duyệt cũng có một người con trai khôi ngô tuấn tú, thông minh tài trí. Cả nước đều kính nể. Tuy có phu nhân, thê thiếp, kỹ nữ nhưng anh ta chẳng để ý đến. Anh ta thường nghĩ đến cô gái ở nước Kỳ-xà-quật mới đúng là đối tượng của mình, vậy mà ta chưa đến được. Nghĩ vậy, anh ta liền nói:

– Cả nhà này đều là những người luồn cúi, nịnh bợ chẳng phải là bạn đời của ta.

Trong chốc lát, anh ta đuổi tất cả mọi người ra khỏi nhà, rồi cưỡi ngựa trắng, cùng với hai nô bộc lên đường đến nước Kỳ-xà-quật. Vượt núi băng rừng suốt năm năm, trải qua ngàn vạn dặm mới đến nước Kỳxà-quật.

Lúc ấy, cô gái ở trong thâm cung tự nhiên cảm thấy trong lòng xao động, muốn ra ngoài dạo chơi, liền lén ra khỏi nhà. Bỗng gặp chàng trai nước La-duyệt, nàng vừa mừng vừa tủi không thể kiềm chế được. Biết đây là chồng mình, còn những người ta gặp trước đây chẳng phải là người có duyên đời trước với ta. Nàng liền đến bên chàng trai, quyến luyến không muốn xa lìa. Cha mẹ cô ta thấy vậy vô cùng buồn bã không biết làm sao, nói:

– Con gái ta lớn khôn không ngờ nó như thế.

Họ vội sai người canh giữ con gái không cho qua lại với chành trai kia. Nàng đau khổ áo não không biết làm sao. Chàng trai cũng nhớ nhung buồn khổ không kém.

Vì vậy, nàng chuyên cầu trai giới, tu hành suốt ngày đêm, đem tài sản cúng dường Phật và Tăng mong được gặp chàng. Hao tâm, kiệt sức, trải qua năm năm, nhưng nàng không nghe tin tức gì về chàng trai. Thấy không có cảm ứng, đến ngày tám tháng tư, nàng đến tháp Phật, đốt hương, lễ bái, phát nguyện:

– Con xin hy sinh thân mạng cúng dường Đức Thế tôn không thương tiếc, chỉ mong cho con được gặp người xưa.

Đức Phật khiến Tỳ-kheo-ni tác hợp cho hai người. Họ trở thành một đôi vợ chồng xinh đẹp.

Đức Phật bảo Ngài A-nan:

– Vì sao? Vì họ từ A-tăng-kỳ kiếp đến nay thường thề ước với nhau, nên mới như vậy.

(Trích kinh Tình Ly Hữu Tội)

14. HAI VỢ CHỒNG ĐÁNH CUỘC

Xưa, có hai vợ chồng cùng ăn ba cái bánh. Mỗi người ăn một cái, cái còn lại người chồng định chia đôi, nhưng người vợ nói: “Anh đừng chia! Tôi với anh đánh cuộc, chúng ta cùng im lặng, nếu ai lên tiếng trước thì thua”.

Hai vợ chồng im lặng đến nữa đêm. Bỗng có một tên trộm đục vách chui vào. Thấy hai người im lặng, kẻ trộm cho là họ quá sợ mình không dám lên tiếng. Hắn ta gom hết của cải trong nhà định vác đi.

Người vợ thấy vậy la lớn:

– Anh là đàn ông, sao để họ vác đi?.

Người chồng nói:

– Ta thắng rồi! Cái bánh này thuộc về của ta!

Mọi người biết chuyện, đến chê cười, cả hai vợ chồng nhà nọ đều quá ngu si.

(Trích kinh Bách Cú Thí Dụ quyển 2)

15. ANH CHỒNG NGỐC

Xưa, có một anh chàng thấy mũi vợ người khác đẹp, liền nghĩ: “Khuôn mặt vợ mình rất đẹp, chỉ tiếc cái mũi quá xấu. Hay ta cắt mũi cô này về thay mũi vợ mình”.

Nghĩ rồi, anh ta kéo cô kia đến chỗ vắng, cắt mũi cô ta. Cắt xong, anh vội vàng trở về nhà cắt mũi vợ mình để thay mũi cô kia vào, rồi lấy mũi vợ mình đặt vào mũi cô kia. Thế là hai bên đều mất mũi, mà không được gì cả.

Mọi người biết được đều mắng anh ta là người quá ngốc. (Trích kinh Bách Cú Thí Dụ quyển 1)

16. NGƯỜI LÀM THUÊ BIẾT ĐƯỢC TIẾNG CHIM

Xưa, có một người vô cùng nghèo khổ, nhưng ông ta có biệt tài hiểu được tiếng chim. Ông gánh thuê cho một khách buôn. Một hôm, chủ tớ dừng lại ăn cơm bên bờ sông. Bỗng có tiếng quạ kêu, người chủ vô cùng sợ hãi, còn người nghèo lại cười. Về đến nhà, chủ hỏi:

– Lúc chúng ta ăn cơm, nghe quạ kêu ta rất sợ, sao ngươi lại cười?

– Quạ nói với tôi trong người ông có Bạch châu rất đẹp, ông có thể giết ông ta để lấy châu. Tôi muốn ăn thịt người ấy. Nghe vậy nên tôi cười.

– Tại sao ngươi không giết ta?

– Đời trước, tôi tham của cải của người khác, nên nay chịu nghèo khổ, phải làm thuê gánh nặng. Nếu nay tôi giết ông lấy của, đời sau sẽ thọ khổ, biết lúc nào mới thoát khỏi. Vì thế tôi thề trọn đời không dám làm việc này nữa.

(Trích kinh Thí Dụ)

17. THOÁT NẠN NHỜ CHIM PHƯỢNG HOÀNG

Nước lũ tràn về nhận chìm tất cả. Mọi loài đều nương vào một gò đất để tránh nạn. Nước lại dâng lên đến gò đất, bỗng có một con Phượng hoàng bay đến, những người có trí bám vào cánh Phượng hoàng, nó lại đưa họ đến vùng cao nguyên, tránh được nạn nước. Những người còn lại chưa đến đỗi chết, bỗng thấy chim cốc bay đến, họ liền bám vào cánh chim cốc, nó lặn xuống nước, trong nháy mắt tất cả đều chìm xuống nước sâu.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

18. MUA TRÍ TUỆ TRÁNH ĐƯỢC TỘI LỚN

Xưa, có một người nghèo cùng khốn khổ không biết lấy gì để sinh sống, anh ta liền vào biển tìm châu báu. Trên đường trở về anh gặp một Thiện tri thức. Anh ta nói:

– Tôi nghèo khổ, nay được của báu này chắc đủ cho cuộc sống yên vui rồi. Nếu về nhà mẹ tôi không vừa ý, tôi sẽ bỏ nhà ra đi, còn vợ tôi không bằng lòng, tôi sẽ đi tìm châu báu lần nữa.

Thiện tri thức nói:

– Gần đây trong thành có rất nhiều bậc Đại trí tuệ, ông nên đến đó mua trí tuệ, giá không quá một ngàn lượng vàng đâu.

Anh ta theo lời Thiện tri thức vào xóm thờ Phật, hỏi mọi người. Có người đáp:

– Phàm có việc gì đó nghi ngờ, nên bước tới bảy bước, bước lui bảy bước, làm như thế ba lần thì trí tuệ tự nhiên phát sanh.

Anh ta nghe xong trở về nhà, vừa bước vào nhà thấy mẹ đang ngủ với vợ mình. Anh ta cho rằng vợ mình đang ngủ với một người đàn ông nào khác, liền rút kiếm muốn giết người ấy. Nhưng trong lòng cảm thấy nghi ngờ, thấy ánh đèn xa xa mờ nhạt, anh ta nhớ đến chuyện mua trí tuệ hồi sáng, liền đi tới bảy bước, đi lui bảy bước, làm ba lần như vậy. Bỗng người mẹ tỉnh giấc, anh mới nhận ra đó là mẹ mình. Anh ta rất vui mừng nói:

– Thật là trí tuệ, sao chỉ đáng một ngàn lượng vàng?.

Nói rồi, anh ta liền đem ba ngàn lượng vàng đến tặng cho họ. (Trích kinh Thí Dụ quyển 4)

19. TRÍ KHÔN CỦA CON NGƯỜI

Xưa, có một người đi vào núi sâu, bỗng gặp một con quỷ dữ. Nó bắt anh ta để ăn thịt. Người ấy năn nỉ cầu xin:

– Xin ông tha cho tôi trong giây lát, tôi xin hỏi ông một việc rồi bị ông ăn thịt cũng không ân hận.

Quỷ tưởng là sự thật, liền chấp nhận cho người ấy nói lên điều mình mong muốn.

Người hỏi quỷ:

– Tại sao mặt, bụng, chân của ông trắng, còn những chỗ khác lại đen?

– Tôi rất sợ mặt Trời, nên thường đi ngược với hướng mặt Trời, vì thế thân tôi mới như vậy.

Nghe xong, người ấy chạy thẳng về phía mặt Trời, quỷ tức giận nhưng không làm gì được.

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển 4).

20. KẺ HAI VỢ

Xưa, một người có hai vợ. Khi ông đến chổ của vợ bé, bà ta nói:

– Tôi còn trẻ, ông già rồi. Tôi không thích sống với ông. Ông đến chỗ bà lớn mà ở.

Ông ta nhổ hết tóc bạc, rồi đến chỗ vợ lớn. Bà ta nói:

– Tôi già cả đầu bạc trắng rồi, ông còn trẻ tóc xanh nên đến bà nhỏ mà ở.

Cứ như thế, ông nhổ tóc bạc làm đầu đen, nhổ tóc đen làm đầu bạc, cho đến khi đầu ông bị trọc lóc thì cả hai bà đều ghét, đuổi ông ra khỏi nhà mình. Ông không có nhà cửa, ngồi ngoài đường buồn bã đói khát đến chết.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Vào thời quá khứ, ông ta làm thân chó. Chó ở giữa hai chùa phía Đông và phía Tây. Thường thường khi nghe kiền chuỳ chó chạy đến chùa và được ăn no. Một hôm hai chùa cùng đánh kiền chuỳ một lần, chó nghe tiếng kiền chuỳ muốn bơi qua sông để kiếm thức ăn. Nhưng nó đi gần đến chùa phía Tây lại sợ chùa phía Đông có thức ăn ngon hơn, liền trở lại chùa phía Đông, lại sợ chùa phía Tây có thức ăn ngon hơn. Cứ do dự nhứ thế, đến lúc cho mệt nhừ chết chìm giữa dòng sông.

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển 3)

21. QUẢ BÁO CỦA SỰ LỪA DỐI

Xưa, có một người nghe trên núi có Tiên. Anh ta liền đi vào núi, mong học đươc phép Tiên. Trên đường đi, Trời tối anh ta vào một nhà xin tá túc qua đêm. Chủ nhà hỏi chuyện:

– Anh định đi đâu?

– Tôi muốn đi học phép Tiên.

Chủ nhà có ác tâm liền nói:

– Tôi có cây Tiên, nếu ông làm cho tôi một năm, tôi sẽ cho ông cây Tiên, cần gì phải nhọc công đi học xa xôi.

– Tốt lắm, tôi đồng ý.

Một năm trôi qua, anh ta cật lực làm việc. Một hôm, chủ nhà lừa dắt anh ta lên núi, chỉ một cây trên ngọn núi cao, nói:

– Đó chính là cây Tiên, anh hãy leo lên cây đó, nếu tôi nói bay thì anh bay nhé.

Anh chàng leo lên cây, ở trên cây bay lượn trong Hư không, tự nhiên chứng được phép Tiên.

Chủ nhà thấy anh ta không chết, lại được phép Tiên, liền nghĩ: “Chắc cây này là cây tiên thật”.

Ít hôm sau, hai cha con ông ta cùng đến cây ấy, người con nhường cha lên trước, người con ở dưới nói:

– Ba hãy bay lên.

Người cha nghe con gọi liền nhảy lên. Tức thì ông ta rơi xuống gộp đá, thân thể nát tan như tro bụi.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

22. NHỜ QUỶ ĐƯỢC LÀM GIÀU, SAU BỊ QUỶ HẠI

Xưa, có người dẫn Quỷ Tỳ-Da ra chợ bán. Người mua hỏi:

– Bao nhiêu tiền?

– Hai trăm lượng vàng.

– Con quỷ này có gì đặc biệt mà ông đòi nhiều như vậy?

– Con quỷ này rất giỏi, làm được tất cả mọi việc. Tính ra một ngày nó làm việc bằng một trăm người. Nhưng nó có một tật xấu, ông nên đề phòng trước.

– Tật xấu gì?

– Nó muốn mình sai làm việc suốt ngày đêm không cho nghĩ ngơi. Nếu không có việc làm, nó sẽ trở lại hại chủ.

Người mua trả tiền xong, dắt quỷ về nhà. Ông sai nó cày ruộng, cày ruộng xong làm mọc, làm mọc xong sửa sang đất đai làm nhà, giả gạo, nấu cơm… Không cho nó nghĩ ngơi một chút nào. Vài năm sau, gia đình ông ta trở nên giàu có. Một hôm Chủ nhà có việc phải đi. Ông quên bảo Quỷ làm việc. Quỷ ở nhà làm việc không có thứ tự. Nó bắt con của chủ nhà bỏ vào nồi, rồi châm lửa nấu. Khi chủ nhà về đến, thì con mình đã chín rục. Ông ta vô cùng đau xót, nhưng không biết nói gì.

(Trích kinh Thí Dụ)

23. TIÊU DÙNG ĐÚNG CÁCH

Xưa, có một gia đình vô cùng giàu có. Vua ra lệnh cho họ ghi lại các tài sản đã chi phí. Chủ nhà dâng sớ lên Vua: Mỗi năm đã dùng ngần này để xây chùa, tạo tượng; ngần này cho việc trai hội, kinh sách, cung cấp cho người nghèo. Hiện tại còn tám mươi chín ngàn vạn.

Vua xem xong giận dữ nói:

– Ngươi tiêu xài thật hoang phí!

Người giàu đáp:

– Những vật đã dùng là những vật quý báu nhất trong kho, để cúng dường người trí, thần linh. Những vật còn lại đều có thể tiêu hao ngoài ý muốn như nước trôi, lửa cháy, chẳng phải chỉ riêng mình thần tiêu dùng. Nên thần dân mới dám tấu trình như vậy.

Vua nghe xong liền hiểu ra chỗ thật sự đáng tin cậy. (Trích kinh Thí Dụ)

24. LÀM ĐÚNG VIỆC MỚI CÓ LỢI ÍCH

Xưa, có một người phạm tội với Vua. Vua rất giận dữ, ra lệnh xẻo năm cân thịt ở cánh tay người đó, rồi nhốt vào trong phòng. Kẻ phạm tội đau đớn kêu la rất to. Vua nghe được liền hỏi:

– Ngươi có điều gì oan ức sao?

– Tâu bệ hạ! Thật chẳng phải là lỗi của thần dân.

Vua suy nghĩ hồi lâu, cảm thấy thẹn về sự nóng vội của mình, liền ra lệnh bù cho anh ta một trăm cân thịt. Nhưng người kia vẫn la hét như cũ. Vua hỏi:

– Ta đã bù cho nó một trăm cân thịt, tại sao còn kêu la dữ vậy?

Các vị cận thần đáp:

– Chúng thần chưa từng thấy cách xử trị này. Dù bệ hạ bù cho anh ta một ngàn cân thịt, cũng đâu có liên can gì đến sự đau đớn mà anh ta đã chịu đựng. Như có người chết một đứa con, người khác cho một ngàn đứa con, người đó làm sao không nhớ đến đứa con đã chết của mình được? (Trích kinh Bách Cú Thí Dụ quyển 3)

25. HỨA HÔN

Xưa, có hai người chơi thân với nhau, khi vợ họ mang thai, hai người hứa hẹn, nếu chúng ta sanh con trai và con gái sẽ kết làm sui gia với nhau.

Về sau, một người sanh con trai, người kia sanh con gái. Nhưng cha của người con trai mất sớm, chàng trai đã lớn nhưng vẫn chưa cưới vợ.

Một hôm, anh đi mua hàng, tình cờ đến nhà người con gái ấy, cha cô ta hỏi:

– Anh từ nơi nào đến? Gia đình ở đâu? Cha mẹ là ai?

Chàng trai thật lòng trả lời đầy đủ. Chủ nhà nghe xong rất kinh ngạc, nói:

– Cha con lúc còn sống có hứa làm sui với ta, khi hai trẻ còn trong bụng mẹ. Thời gian xa cách, ta luôn tìm kiếm, hỏi thăm, nhưng không biết cha con ở đâu nên ta chưa dám gả con gái mình cho người khác.

– Con thật hoàn toàn không biết gì về việc này.

– Con nên về hỏi lại những người thân cận có lẽ họ sẽ biết.

Chàng trai trở về nhà hỏi nhũ mẫu. Nhũ mẫu xác định việc ấy là thật.

Chàng trai đến nhà cô gái, giữa đường thấy một rãnh nước chảy vào trong một cái đầu lâu không lúc nào đầy. Sợ quá, vội đi về phía trước, thấy quả chín trên cây anh ta muốn hái ăn. Quả liền nói: “lấy ta, lấy ta”. Chàng trai vô cùng sợ hãi, vội vàng bỏ chạy, té nhào xuống đất. Lúc đến trước nhà người cô gái, chó chạy đến quỳ xuống liếm chân anh ta, chó con trong bụng kêu đến đây và muốn cắn anh ta. Chàng trai liền té xỉu xuống đất, hồi lâu mới tỉnh lại. Cha cô gái từ trong nhà đi ra, chàng trai thuật lại đầy đủ mọi việc. Ông ta thấy lạ, vào nói với con gái, người con gái thưa:

– Thưa cha! Giữa đường thấy rãnh nước chảy vào một đầu lâu, không lúc nào đầy là đời sau gom hết tài vật trân bảo của thiên hạ cung cấp cho một người cũng không đủ. Thấy quả chín trên cây muốn hái ăn, nhưng quả nói: “lấy ta, lấy ta” là người đời sau muốn cưới người chị, nhưng người em nói: “Sao không lấy ta! Sao không lấy ta!”. Chó chạy đến quỳ xuống liếm chân, chó con trong bụng kêu đến trước và muốn cắn là người đời sau nói với nhau miệng như máu mủ, tâm như dao bén. Ngoài thì tốt đẹp với nhau, nhưng trong lòng lại mưu đồ hại nhau. Tất cả đều nói về đời sau, không phải đời nay.

Chủ nhà liền gả con gái mình cho chàng trai, thực hiện đúng lời hứa hẹn năm xưa.

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển 2).

26. VAY TRẢ

Xưa có vị Bà-la-môn sanh được hai người con. Mỗi người lấy hai trăm vạn tiền đi buôn bán. Người con trưởng đánh bạc, hết sạch tiền, áo quần rách rưới, trở về nhà thưa với cha. Người cha nói:

– Con trở về là được rồi! Của cải có đáng là gì đâu?

Thế rồi ông may quần áo, cho ăn uống đầy đủ và an ủi người con trưởng.

Người con thứ trở về nhà thưa cha:

– Thưa cha! Con kiếm lời được hai trăm vạn tiền.

– Con hãy lấy sổ tính toán cho ta xem.

Ông kiểm tra sổ sách thấy mất mấy ngàn, ông liền trói người con thứ lại và đánh cho một trận.

Ba lần đi buôn như vậy, người con thứ thu lợi được sáu mươi vạn tiền nhưng trở về nhà lần nào cũng đều bị đánh. Còn người con trưởng đi ba chuyến mất 600 vạn tiền, ở lại nước khác không dám trở về. Có một thằng côn đồ cùng kết bạn với anh ta, anh nói với nó:

– Cha tôi có vàng, bạc, bạch châu, mỗi thứ một hòm, cất trên đầu giường. Ông hãy trở về thưa với cha tôi: “Con ông lỡ mất hết của cải không dám trở về”. Ngươi hãy thừa dịp giết chết ông ấy, lấy của cải đem về đây, chúng ta mặc tình tiêu xài.

Tên côn đồ đến nhà Bà-la-môn thuật lại những lời anh ta đã dặn.

Bà-la-môn nghe xong khóc nức nở, nói:

– Cần của cải để làm gì, trong khi con ta không chịu trở về?

Đãi khách ăn uống xong, người cha vô cùng buồn khổ nghẹn ngào. Người khách nói:

– Con ông bất hiếu, đem tiền ăn chơi bài bạc, lại còn bảo tôi đến giết ông lấy của. Thấy ông thương nhớ con, trọng đãi tôi rất hậu, thật sự tôi vô cùng cảm động.

– Thằng nhỏ này khờ quá!

Bà-la-môn liền đón con về. Về nhà, ông nói với con:

– Con lỡ tiêu hết tiền thì mau trở về. Sao lại nói những lời khờ khạo như thế!

Người cha lại may quần áo gởi cho người anh.

Phật nói:

– Người em sanh vào nhà này để trả nợ, còn người anh sanh vào nhà này để đòi nợ.

(Trích kinh Thí Dụ bộ mười quyển, quyển 6).

27. PHƯỚC AI NẤY HƯỞNG

Xưa, có ba người cùng đi buôn, tiền lãi có được chia nhau mỗi người được năm trăm vạn. Còn dư một tiền, nếu cho một người thì không công bằng, mà xé ra để chia thì không được. lúc ấy có một vị Samôn khất thực đi qua, ba người cùng phát tâm hoan hỷ đem đồng tiền ấy cúng dường vị Sa-môn. Vị Sa-môn nhận tiền chú nguyện: “Các ông đời này đời sau đều được hưởng phước cúng dường này”.

Về sau họ đều sanh vào nước La-duyệt và đều giàu có.

Nhờ phước báu đời trước, một người ở trong núi nhặt được vàng, một người cày ruộng được vàng, một người múc nước trong giếng được vàng.

Chuyện này đến tai Vua, Vua nghĩ: “Tất cả tài sản trong nước ta đều là của ta”, liền ra lệnh cho một vị tướng dẫn binh lính đến nhà người trong núi nhặt vàng. Vàng biến thành đá. Họ lại đến nhà người cày ruộng lấy vàng. Vàng hoá thành đất. Cuối cùng họ đến nhà người múc nước trong giếng để lấy vàng. Vàng biến thành ngói. Họ không lấy được tí vàng nào cả.

Vua đến hỏi Phật: Vàng của ba người này, tính ra là của con. Tại sao con cho người đến lấy thì vàng lại biến hoá như thế? Ba người này đời trước có công đức gì mà nay hưởng phước như vậy?

Phật bảo:

– Này Đại Vương! Phước ai nấy hưởng. Không phải vật của Đại Vương, Đại Vương không nên lấy.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 3)

28. BỐ THÍ ĐƯỢC BÌNH THẦN

Xưa, có một người nghèo cúng dường vị đạo nhân suốt một năm. Trước lúc đi, vị đạo nhân cho chủ nhà một cái bình bằng đồng, nói:

– Chiếc bình này là bình thần, nếu muốn gì cứ gõ vào miệng bình, thì sẽ được như ý nguyện. Và nhớ chớ cho Vua biết việc này.

Vị đạo nhân đi rồi, chủ nhà gõ vào miệng bình, quả nhiên mọi thứ đều như ý nguyện. Từ đó gia đình anh ta trở nên giàu có. Quên lời dặn của đạo nhân, họ đến yết kiến Vua. Vua hỏi:

– Vì sao ngươi được giàu có như vậy?

Người này thật tình thưa rõ mọi chuyện. Vua liền sai người đến đoạt chiếc bình. Từ khi chiếc bình thần bị vua lấy, gia đình sa sút đến cùng cực, ho bỗng nhớ đến vị đạo nhân, vội đi khắp nơi tìm kiếm. Gặp đạo nhân, họ trình bày tất cả sự thật. Đạo nhân nói:

– Ông hãy lấy một cái bình đựng đầy cây và đá, rồi mang đến trước cung Vua, đòi Vua trả bình lại.

Theo lời đạo nhân dặn, họ mang bình thẳng đến cung Vua, lớn tiếng đòi bình lại. Vua giận dữ, ra lệnh vài mươi người đến bắt chủ nhà. Chủ nhà liền mở miệng bình, gió thổi cây, đá bay khắp không trung. Những người đến bắt chủ nhà đều bị cây, đá đánh vào đầu, vào cổ. Vua lại ra lệnh một ngàn người đến bắt, thì gió lại nổi lên, thổi cây, đá đánh chết tất cả, xác chết đầy nghẽn cả đường.

Vua vô cùng sợ hãi, xin trả lại bình. Được bình chủ nhà giàu có trở lại như xưa. Họ lại tạo nhiều phước đức, vì thế khi chết được sanh lên cõi Trời.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ).

29. VÀNG LÀ RẮN ĐỘC

Đức Phật và Ngài A-nan vào thành Xá-vệ, gặp lúc Trời mưa lớn, nước mưa xối xuống đất, trong đất lộ ra nhiều vật báu. Đức Phật bảo Ngài A-nan:

– Đó là rắn độc.

Ngài A Nan thưa:

– Vâng, bạch Đức Thế tôn! Đó là rắn cực độc.

Người cắt cỏ dưới núi nghe vậy, nghĩ: “Ta chưa từng thấy rắn độc mà Sa-môn nói”, liền đến xem. Thấy vật báu, ông ta liền đem xe, kiệu đến, lấy túi đựng đầy vật báu chở về. Từ đó gia đình ông trở nên giàu có, xây nhà cửa vô cùng to lớn. Có người ganh tỵ tâu lên Vua:

– Nhà kia trước đây nghèo khổ, nay bỗng nhiên giàu có, chắc họ được kho báu lớn.

Vua cho gọi người ấy đến hỏi. Người ấy đáp:

– Tâu bệ hạ! Thần dân không có được kho báu.

Vua ra lệnh khảo tra ông ta. Ông nhớ lại Đức Phật và Ngài A-nan gọi nó là rắn độc, thật là đúng. Vua lại hỏi. Chủ nhà đáp:

– Tâu bệ hạ! Nếu bệ hạ hứa không xử phạt thì thần dân sẽ nói sự thật.

Vua liền chấp thuận. Chủ nhà trình bày tường tận những việc đã làm, rồi nói:

– Tôi đã làm những việc như thế. Chắc sẽ mất mạng vì nó!

Vua thưởng cho chủ nhà năm trăm tiền vàng, nói:

– Ông hãy mau nói lại lời của Đức Phật và Ngài A-nan cho Trẫm nghe.

(Trích luật Thập Tụng bài tụng thứ 3, quyển 3)

30. KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ CỦA QUÝ

Xưa, có một ông lão sống một mình nghèo cùng khốn khổ, không có nghề nghiệp gì cả. Hôm nọ, ông đi chợ lượm đựoc một cái rìu. Cái rìu này làm bằng các thứ báu nhưng ông chẳng hề biết. Hàng ngày, ông vác rìu vào rừng đốn củi, đem ra chợ bán để kiếm sống qua ngày.

Đến một hôm, rìu của ông gần cùn, bỗng gặp một khách buôn nước ngoài, tên là Tát-bạc. Tát-bạc thấy chiếc rìu biết đó là rìu báu, liền nói với ông:

– Ông bán cái rìu này không?

– Tôi nhờ cái rìu này để sinh sống không thể bán được.

– Tôi sẽ đưa ông một trăm mét vải lụa, ông bán không?

– Tôi không thích bán.

– Tôi sẽ đưa ông hai trăm mét vải lụa!

Thấy ông ta buồn bã, Tát-bạc nói:

– Ông chê ít hay sao, mà không vui vậy? Tôi sẽ đưa ông năm trăm mét vải lụa!

Ông liền khóc lớn, Tát-bạc hỏi:

– Lụa ít nhưng lợi nhiều, vì sao ông khóc?

– Không phải vì lụa ít, mà tiếc nỗi tôi quá ngu si, cái rìu này vốn dài nửa thước, tôi đem chặt cây phá đất chỉ còn năm tấc, thế mà vẫn được năm trăm mét vải lụa, nên tôi rất tiếc.

– Ông đừng tiếc nữa, tôi sẽ đưa ông một ngàn mét vải lụa!

Ông ta liền lấy cuộn vải mang đi. Tát-bạc lấy củi đốt cây rìu, quả nhiên hết thảy cây rìu đều thành vật quý báu.

(Trích Chư Kinh Yếu Sự)

31. CẢ ĐỜI LƯỜI BIẾNG

Vào lúc sáng sớm, tôn giả A-Nan theo sau Đức Phật vào thành Xá-vệ khất thực bỗng thấy hai vợ chồng già nọ, lưng còng xuống như móc câu, đang lúi húi quét gom phân lại thành đống để đốt ở ngay đầu một con hẻm, rồi ngồi quanh đống lửa như hai con ngỗng già. Phật hỏi A-nan:

– Ông có thấy hai vợ chồng già kia không?

– Vâng, thấy! Bạch Đức Thế tôn! A-nan đáp.

Phật lại bảo:

– Hai vợ chồng già này nếu lúc còn trẻ, sức mạnh đang dồi dào mà siêng năng làm lụng, tích chứa tiền của thì có thể trở thành người giàu nhất trong thành Xá-vệ. Nếu họ xuất gia học đạo, tinh tấn tu tập thì có thể đắc quả A-la-hán. Nếu đến giai đoạn hai của thời kỳ trai tráng, siêng năng làm lụng, tích chứ tiền của thì họ có thể trở thành người giàu đứng thứ hai trong thành Xá-vệ. Nếu họ xuất gia học đạo, sẽ đắc quả A-na-hàm. Lúc trung niên, nếu họ siêng năng làm lụng, tích chứa tiền của họ sẽ là người giàu đứng thứ ba trong thành Xá-vệ. Nếu xuất gia học đạo, họ sẽ đắc quả Tư-đà- hoàn. Vậy mà cho mãi đến nay, khi tuổi đã già lụn, họ vẫn không có tiền của, vẫn không tìm được kế sinh nhai, vất vả tìm cầu miếng ăn cái mặc, cũng không bằng được người. Nhân đó Phật nói kệ:

Tuổi trẻ không lo tu
Chẳng tích chứa của tiền
Nay nằm co đất ngủ
Suy ngẫm nhớ chuyện xưa
Vì không tu Phạm hạnh
Chẳng tích chứa của tiền
Nay giống như ngỗng già
Bỏ xác nơi ao vắng.

(Trích kinh Tạp A-Hàm quyển 42 tập và kinh Tam Thời Quá)

32. CHẾT VÌ TRÁI LỜI HỨA

Một cư sĩ nọ, ở nước Duy-na-lê thỉnh Phật cúng dường. Sau khi Phật chú ngưyện, ông ta lại thỉnh Phật thuyết Pháp. Đức Phật mỉm cười, từ miệng phíng ra luồn hào quang xoay quanh thân Ngài ba vòng rồi trở vào đỉnh đầu. A-nan hỏi Phật duyên cớ. Phật đáp:

Ở nước nọ có năm trăm người vào biển tìm được ngọc, họ bèn chất tất cả ngọc lên thuyền chở về, còn họ thì về bằng đường bộ. Hôm ấy, họ đi đến một vùng núi sâu thì Trời đã tối, mọi người dừng lại nghỉ, dự tính sáng hôm sau sẽ lên đường sớm. Đến sáng, mọi người tiếp tục cuộc hành trình, nhưng có một người ngủ quên. Gặp lúc mưa tuyết rơi, ông ta lại bị lạc đường, quanh quẩn trong núi, vừa đói vừa rét, chỉ biết kêu Trời khóc than.

Thấy vậy, vị thần cây chiên đàn động lòng xót thương bảo:

– Hãy ở lại đây, ta sẽ cung cấp thức ăn y phục cho ông, đợi sang xuân mới có thể trở về.

Ba tháng mùa đông cũng trôi qua. Một hôm ông ta thưa với vị thần cây:

– Tôi đã thọ ơn cứu mạng của Ngài, vẫn chưa có dịp đền đáp. Nay bỗng chạnh lòng nhớ cha mẹ nơi quê nhà, ước ao được gặp mặt, xin Ngài cho phép tôi trở về.

Vị thần chấp thuận, còn cho ông ta vàng làm lộ phí và dặn:

– Đi một đoạn không xa, sẽ đến một làng nọ. Ong hãy theo đường đó mà trở về.

Lúc sắp lên đường, người ấy thưa:

– Mùi hương cây này tinh khiết, thật hiếm thấy trên đời. Nay tôi sắp đi xa, xin Ngài cho được biết tên cây.

– Không cần biết – Vị thần đáp.

Người kia khẩn khoản:

– Tôi đã nương bóng cây này suốt ba tháng, nay sắp phải rời xa, trong lòng quyến luyến. Khi trở về cố hương, tôi sẽ ca ngợi công đức của cây.

Vị thần đáp:

– Cây tên chiên đàn, gốc rễ cành lá có thể trị được bá bệnh. Nếu người đời biết được ắt khởi lòng tham mà làm việc trái đạo lý.

Khi người ấy trở về nhà, bà con xa gần đều đến chúc mừng. Một thời gian sau, nhà vua mắc phải chứng bệnh nhức đầu, mặc dầu đã cúng tế Trời đất thần núi, thần sông mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Có một vị danh y mách bảo:

– Chỉ có chiên đàn hương mới trị được bệnh của vua.

Vua truyền lệnh cho tìm khắp nơi nhưng không được, liền ban chiếu chỉ: “ nếu ai tìm được cây chiên đàn hương thì sẽ được phong tước hầu và được cưới công chúa.”

Nghe được tin này, người lạc đường trước kia liền tâu lên vua:

– Thần biết một chỗ có chiên đàn hương.

Vua liền sai sứ giả đi theo người ấy. Đến nơi, nhìn thấy cây to lớn, cành lá sum xuê, hoa quả tươi tốt hiếm thấy, sứ giả không nỡ chặt cây. Nếu không chặt thì trái lệnh vua và bệnh của vua không chữ khỏi, nhưng nếu chặt thì trong dạ xót xa, nên ông ta còn chần chừ chưa quyết, thì nghe tiếng thần cây từ trên không vọng xuống:

– Các ông cứ chặt cây nhưng hãy chừa gốc lại. Chặt xong, lấy máu người tô lên và ruột gan người phủ lên trên cây thì cây sẽ sống lại và tươi tốt như cũ.

Sứ giả nghe vậy liền cho người chặt cây.

Lúc ấy người dẫn đường đứng cạnh đó, cây ngã, cành cây quất chết ông ta.

Mọi người bàn với nhau:

– Chúng ta lấy máu và ruột gan của người này, làm theo lời vị thần đã dặn.

Cây sống lại. Sứ giả liền cho xe chở cây về cung. Thầy thuốc lấy cây điều chế thuốc cho vua. Vua khỏi bệnh, cả nước vui mừng. Vua ban lệnh cho cả nước:

– Nếu ai có bệnh thì hãy vào cung, vua sẽ cấp thuốc cho.

Người nào uống thuốc vua ban cũng đều hết bệnh. Từ đó, vua và dân chúng trong nước đều được khỏe mạnh, đất nước an vui thái bình.

(Trích kinh Chiên Đàn Thọ)

33. KHẨN VÁI TRỜI ĐƯỢC SANH THIÊN

Xưa có người đi qua vùng đầm trống, chợt trông thấy một con voi đen. Anh ta nghĩ: “Con voi này ắt đến hại ta. Ta phải giết nó”.

Trong khi ấy con voi cũng nghĩ: “Người này ắt giết ta. Ta sẽ làm cho hắn thất kinh mới được”.

Thấy người ấy bỏ đi, voi liền đuổi theo sau. Người kia chạy được vài mươi dặm thì rơi xuống một cái hố sâu hun hút không thấy đáy. May thay, anh ta níu được một rễ cây mọc de ra thành hố, thân hình bị treo lơ lửng giữa khoảng không. Trong lúc anh ta đang tìm cách bám vào rễ cây lần xuống thì voi đã đứng trên miệng hố, đang thò vòi xuống khoắng tìm anh ta.

Giữa lúc nguy khốn ấy, anh ta nhìn xuống đáy hố thấy toàn mâu kích dựng lên tua tủa, nhìn lên lại thấy hai con chuột đang gặm rễ cây anh ta bám, lại có ba con rắn đen vươn cổ định mổ anh ta. Lại có một đàn ruồi, muổi bâu đến chích hai mắt anh ta. Người này nghĩ: “Hôm nay ta chết chắc rồi”. Bèn ngửa mặt lên Trời khẩn thiết cầu cứu.

Trời nhỏ từng giọt nuớc cam lồ vào miệng anh ta. Giọt thứ nhất nhỏ xuống, hai con chuột liền chạy đi; Giọt thứ hai nhỏ xuống thì rắn độc bò đi; giọt thứ ba nhỏ xuống thì voi đen bỏ đi; giọt thứ tư nhỏ xuống thì ruồi muỗi bay đi; đến giọt thứ năm thì hố sâu tự trở nên bằng phẳng.

Sau đó vị Trời giảng Pháp, người ấy được sanh lên Trời. (Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 7)

34. ĐẮP CÁT LÀM THÁP ĐƯỢC SANH THIÊN

Có năm trăm đứa trẻ cùng kết bạn với nhau, hàng ngày chúng thường cùng chơi đùa, rồi đến bờ sông vun cát đắp thành tháp, tự cho là đẹp. Tuy có tâm thiện, nhưng vì đời trước phước mỏng nên một hôm, đang lúc đắp cát, Trời bỗng đổ mưa to, nước sông dâng cao cuốn phăng cã bọn trẻ. Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Năm trăm đứa trẻ ấy đều được sanh lên cõi Trời Đâu Suất, đồng phát tâm tu hạnh Bồ Tát.

Đức Phật phóng hào quang chiếu sáng khiến cha mẹ của năm trăm đứa trẻ thấy nơi con mình sanh về. Ngài gọi những đứa trẻ ấy đến. Chúng liền đến trụ trong Hư không, rải hoa cúng dường Phật rồi hạ xuống bên chân Phật cuối đầu đảnh lễ thưa:

– Nương nhờ ân đức của Thế tôn, tuy chúng con mất thân mạng, nhưng được diện kiến Ngài Di-lặc.

Phật bảo:

– Lành thay! Các ngươi lập chùa tháp với lòng tín thành nên được sanh lên Trời gặp Bồ Tát Di-lặc.

Đức Phật thuyết kinh, năm trăm đứa trẻ rất vui mừng, tâm không thối chuyển nơi đạo. Chúng khuyên cha mẹ chớ có sầu lo, nên hết lòng tinh tấn tu học Pháp Phật. Tất cả cha mẹ của bọn chúng đều phát khởi đạo tâm. Năm trăm đứa trẻ cúi đầu đảnh lễ Phật, sau đó đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở về cung Trời Đâu Suất.

(Trích Sanh Kinh quyển 4)

35. PHƯỚC CÚNG DƯỜNG PHẬT

Xưa có mấy đứa trẻ đang cùng nhau đùa giỡn giữa đường, bỗng gặp Phật đi ngang. Một đứa trẻ đứng lại chào Ngài, sẳn có năm hạt đậu trong tay nó bèn dâng lên cúng dường Phật, nhưng chỉ có bốn hạt vào trong bát Phật, còn một hạt bị rơi xuống đất. Phật bảo:

– Nhờ phước cúng dường hôm nay, trong nhiều đời sau con sẽ được hưởng phước báu.

Về sau, đứa trẻ chết. Nó liền được sanh lên cõi Trời, đến tám mươi kiếp sau được làm Chuyển luân vương.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 1)

36. DÂNG HOA CÚNG PHẬT ĐƯỢC SANH THIÊN

Sau Phật Niết-bàn một trăm năm, có một thôn nọ chuyên nghề chăn nuôi trâu ngựa. Thôn ấy nằm gần vùng núi non ao đầm, cây cỏ tốt tươi, trong ao có hoa sen năm màu. Một đứa trẻ chăn trâu trong thôn xuống ao hái hoa sen đựng đầy giỏ, định đem đến dâng Phật. Trên đường đi, cậu bị một đàn trâu dẫm chết, thần thứ liền sanh lên cõi Trời Đao Lợi, ở trong cung điện có hoa sen năm màu rực rỡ. Vừa sanh lên cõi Trời, cậu bé liền nghĩ: “Chỉ có cung điện của ta là có hoa sen màu khác lạ. Nhưng theo phép của Chư thiên, phải quán nhân duyên đời trước, rồi mới hưởng thọ phước báo”.

Ngay lúc ấy, cậu bé bỗng gặp một vị thiên nhân.Vị này cho biết ông ta cũng vừa được sanh về cõi Trời này. Tất cả những người được sanh về đây đều cùng nhau vui chơi hưởng thọ, nhưng tại sao cậu bé này lại có vẻ lo lắng bất an. Cậu bé cho biết:

– Tôi vốn là đứa trẻ chăn trâu, hái hoa sen định rải cúng dường tháp Phật. Nhưng mới đi được nửa đường thì bị tai nạn, chết. Nhờ phước báo ấy mà nay được sanh về đây. Nay tôi hái hoa muốn đến rải lên tháp cúng dường và lễ bái Phật cho thỏa lòng mong ước.

Bấy giờ, năm trăm vị Trời đồng cầm hoa sen lần lượt đến rải trên tháp Phật. Nhờ phước báu này, đến khi Phật Di-lặc ra đời, các vị ấy đều được chứng đạo.

(Trích kinh Thí Dụ quyển )

37. HIỂU TIẾNG CHIM NÊN ĐƯỢC LÀM VUA

Xưa, có một người bố thí ba tiền và cầu xin ba điều: Đời sau được làm vua, hiểu được tiếng nói của loài chim và có trí tuệ sâu rộng. Sau khi chết, người sanh vào gia đình thường dân, tướng mạo xinh đẹp. Trong lần vua mở hội tuyển mộ nhân tài, người ấy được chọn làm tướng cận vệ cho vua. Một hôm, khi trông thấy một con chim én trong tổ, anh ta ngước lên nhìn và mỉm cười. Vua hỏi lý do. Anh ta đáp:

– Con én ấy bảo nó được một sợi tóc dài 10 trượng của con gái loài rồng, muốn rủ bạn bè đến xem.

Vua bảo:

– Nếu đúng thì tốt, còn không đúng thì ta sẽ giết ngươi đấy!

Vua liền cho người leo lên nhìn vào tổ én, quả thật nhặt được một sợi tóc dài. Từ đó nhà vua luôn tơ tưởng, muốn cưới cô gái Long vương làm vợ. Vua bảo người hầu cận:

– Khanh hiểu được tiếng chim, ắt có nhiều mưu chước. Ta cấp cho khanh đu thứ lương thực để khanh đi tìm cô gái có sợi tóc dài này. Nếu tìm được đem về, tasẽ trọng thưởng. Nếu tìm không được thì không những mạng khanh không giữ được mà cả nhà khanh cũng đều phải như thế.

Người cận vệ liều chết đi về phía bờ biển Đông. Anh ta trông thấy hai người đang tranh nhau một cái mũ, một đôi giày tàng hình và một cây gậy cứu người chết sống lại. Anh ta nói:

– Cần gì phải tranh giành như thế. Bây giờ ta sẽ bắn một mũi tên, vị nào nhặt được trước sẽ là chủ của ba món đồ ấy.

Cả hai đều đồng ý. Trong khi họ tranh nhau chạy nhặt mũi tên thì anh chàng cận vệ ung dung đội nón, mang giày và cầm gậy đi thẳng xuống biển đến cung rồng. Đến nơi, anh ta bỏ mũ tàng hình ra để long nữ trông thấy. Vừa trông thấy anh ta, Long nữ đã đem lòng yêu mến, liền cầm một bánh vàng theo anh ta trở lên đất liền. Hay tin, vua cho người ra đón nhưng chỉ cho một mình long nữ vào cung. Cô gai tiến vào, anh chàng cận vệ cũng đội mũ tàng hình theo Long nữ vào cung. Long nữ thấy vua xấu xí, liền cầm bánh vàng ném vua, vua bể trán chết ngay. Anh chàng cận vệ liền cưỡi mũ tàng hình cùng long nữ bước lên điện lớn tiếng nói:

– Ta xứng đáng làm vua, còn đây là Hoàng hậu. Ta sẽ làm bá chủ thiên hạ.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

38. KHÔNG BIẾT GIÁ TRỊ CỦA QUÝ

Xưa có một đoàn thương buôn, khi đi ngang qua con đường hiểm trở gặp phải bọn cướp, bị cướp hết của cải, trong đó có một cái y dệt bằng lông một con nai mang thai, mềm mại trơn láng có giá trị gấp trăm lần y thường. Y đó màu đen tía, nhìn vào không bắt mắt lắm. Bọn cướp không biết giá trị của nó, đem dùng làm khăn gói tất cả của cải rồi đem đến nơi khác phân chia

Tất cả bọn cướp đều tranh nhau lấy hết những vật tầm thường mà chúng cho là quý báu, chỉ còn lại cái y ấy.Có một tên trộm quá ốm yếu không tranh được vật ấy. Nó nài nỉ xin cái y ấy rồi đem ra chợ bán. Có một người giàu có biết đó là vật báu liền mua đúng giá. So ra chiếc y này bằng tổng giá trị mà bọn cướp đã chia. Bọn cướp hay tin vô cùng tiếc rẻ.

(Trích kinh Bách Cú Thí Dụ quyển 1)