KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 42

 

1. TRƯỞNG GIẢ MÂN TRÀ NGHE PHÁP, TỎ ĐẠO

Ở thành Bạt Đề có một đại cư sĩ tên Mân Trà (luật Sa-di Tắc nói là Văn Trà) giàu có và quyền uy, chu cấp theo mong cầu của mọi người. Hôm nọ, kho của ông bị lủng một lỗ lớn như trục bánh xe, lúa đậu trong kho theo lỗ thủng tràn ra ngoài, vợ ông lấy tám đấu gạo nấu cơm đãi bốn bộ binh và khách bốn phương. Mọi người ăn no mà cơm vẫn không hết. Con trai của ông lấy một ngàn lượng vàng chia cho bốn bộ binh và người hành khất ở khắp mọi nơi, nhưng vàng cứ theo sự mong cầu của mọi người không bao giờ vơi. Con dâu của ông lại lấy hương xoa chu cấp theo sự mong cầu của tất cả mọi người nhưng hương cũng không hết. Đứa tớ trai mỗi ngày cày được bảy luống, thâu được rất nhiều lúa gạo, đứa tớ gái lấy tám đấu lúa cho ngựa của bốn bộ binh ăn, nhưng vẫn không hết. Thấy vậy, mọi người trong nhà cư sĩ ai cũng giành, đó là phước của mình (Trích luật Tứ Phần và luật Thập Phần quyển 4).

Mân trà đến đảnh lễ và thưa Phật, Phật bảo:

– Đó là phước đức của tất cả mọi người trong nhà.

Thuở xưa ở thành Vương xá có hai vợ chồng người thợ dệt sanh được một đứa con. Khi con đến tuổi trưởng thành, họ lo bề gia thất và thuê tôi trai tớ gái ở với đôi vợ chồng mới cưới này.

– Hôm nọ, cả đại gia đình cư sĩ cùng nhau quây quần ăn cơm, bổng có một vị Bích chi Phật đến nhà khất thực. Thấy vậy, mỗi người đều trích một phần ăn của mình dâng cúng cho Ngài. Vị Bích chi Phật bảo:

– Các ngươi thành tâm bớt một ít phần ăn của mình dâng cúng cho ta, tuy không nhiều nhưng ta đã được no đủ. Mọi người đều nghe theo lời Ngài. Ăn xong, Ngài bay lên Hư không hiện mười tám món thần biến, sau đó mới giả từ.

Sau khi mạng chung, quyến thuộc của người thợ dệt sanh lên cõi Trời Tứ Thiên vương, cho đến cõi Trời Tha Hoá Tự Tại, lần lượt bảy lần sanh lên cõi Trời, bảy lần sanh xuống nhân gian, nay vẫn còn phước sanh trong một gia đình này. Nghe xong, Mân Trà xin Phật và chư tăng tu pháp bố thí bất nghịch ý, tuỳ theo thời tiết mà dâng cúng tất cả những vật dụng cần thiết cho Phật và chư tăng.

Khi ông dâng phẩm vật cúng dường, các Tỳ-kheo không dám nhận, thưa Phật. Phật bảo:

– Cho phép các ông tuỳ ý thọ nhận.

Về sau, chư Tỳ-kheo đi khất thực, trưởng giả sai người mang vàng bạc đến tận nơi để cúng dường nhưng phần đông các Tỳ-kheo đều giữ giới nên không nhận, họ lại mang vàng bạc trở về.

Trưởng giả bảo:

Ta đã xả bỏ tất cả, không nên mang về.

(Trích luật Sa-di Tắc, luật Tứ Phần, luật Thập Tụng)

2. CƯ SĨ ÚC GIÀ THỌ TRÌ GIỚI

Cư sĩ Úc Già lúc ở trong rừng cây thành Tỳ-Xá Ly, đắm đuối với đám thể nữ vây quanh mình. Bỗng nhìn ra xa, ông thấy đức Thế tôn đang ngồi kiết già thiền định dưới một gốc cây, ánh sáng như núi vàng, ông liền buông thả đám thể nữ, chạy đến đức Thế tôn. Nhân đó, Phật giảng pháp Tứ đế cho ông nghe. Nghe xong, ông đắc pháp vô uý, đầu mặt đảnh lễ dưới chân đức Thế tôn, xin quy y Tam bảo, làm Ưu bà tắc, vâng giữ năm giới.

Về nhà, ông bảo với hàng quyến thuôc: Các ngươi nên biết, ta đã theo đức Thế tôn quy y Tam bảo, vâng giữ năm giới làm ưu bà tắc. Nếu ai muốn an vui thì tu hạnh bố thí để tạo phước, còn nếu ai không muốn thì trở về gia đình mình sinh sống. Ta sẽ trả lại tự do cho các ngươi.

Lúc đó, đệ nhất phu nhân thưa:

– Ông đã theo đức Phật, trọn đời vâng giữ giới luật, có người kia thương tôi, xin cho chúng tôi nên vợ chồng.

Cư sĩ liền cho mời người ấy đến, cầm tay trái của người đàn ông kia bắt vào tay phải của phu nhân và cầm một bình vàng trao cho hai người, bảo:

– Ta cho đại phu nhân của ta làm vợ anh.

Nghe vậy, anh ta kinh sợ, rợn tóc gáy, hỏi:

– Úc Già! Ngài không định giết tôi đấy chứ?

– Không. Ta đã vâng giữ năm giới, trọn đời tu hành phạm hạnh nên mới đồng ý cho phu nhân làm vợ anh, không bao giờ hối tiếc.

(Trích Trung A-hàm quyển 9)

3. NGƯ THÂN THỪA HƯỞNG GIA NGHIỆP

Ngày xưa có một anh chàng nọ giàu có thường thích bố thí, sau anh sanh được một người con trai nhưng không có tay chân, thân thể giống như con cá, gọi là Ngư Thân.

Khi cha mẹ qua đời, anh thừa hưởng gia nghịêp, nhưng chỉ nằm trong nhà không được gặp một ai. Thuở ấy, Lực Sĩ làm quan nấu ăn cho vua nhưng lúc nào cũng thấy đói thiếu. Hôm nọ, anh ta lén kéo mười sáu xe củi đem đi bán để tự nuôi thân, nhưng vẫn không đủ ăn, phải đến dân chúng xin nhưng vẫn chật vật.

Nghe vậy, Ngư Thân mời Lực Sĩ vào nhà để cùng gặp.

– Vừa vào đến nhà, nhìn thấy thân hình Ngư Thân, Lực Sĩ suy nghĩ: Lực Sĩ tôi như vầy mà không bằng người không tay, không chân này. Nghĩ rồi ông liền đi đến chỗ Phật, xin Phật giải bày điều nghi ngờ của mình.

Phật bảo:

-Vào thời Phật Ca-diếp, Ngư Thân và vị vua này cùng phát tâm dâng cúng cho Phật một bữa ăn. Lúc đó ông là một người nghèo theo giúp việc cho vua. Ngư Thân đã sắm sửa đầy đủ mọi vật nhưng đến lúc đi lại từ chối, nói: Hôm nay ta bận việc nên không thể cùng đi được, nếu đi thì chẳng khác gì mất tay, mất chân ta.

Người đi nay là vua. Người không đi nay là Ngư Thân. Người giúp việc nay chính là ngươi.

Nghe Phật nói, Lực Sĩ mới hiểu tường tận sự việc, liền xuất gia làm Sa-môn, tu tập, đắc quả A-la-hán.

(Trích kinh Cựu Thí Dụ, quyển thượng)

4. TÀI SẢN CỦA BA ANH EM XÀ LỢI

Thuở xưa, trong thành Thạch Thất có ba anh em nọ cực kỳ giàu có, voi ngựa và thất bảo rất nhiều: người anh cả tên Xà Lê, người thứ hai là Bổ Đà và đứa em út Bà Ba Na. Trong thành có một vị Bà-la-môn giữ giới pháp của rồng y Bát La, vì mong cầu giàu sang.

Hôm nọ, rồng hiện thân hỏi Bà-la-môn:

– Ông tước bỏ hương vị của lúa đậu, cực khổ tu theo pháp này, vì mong cầu điều gì?

– Tôi cầu giàu sang.

– Tôi có hai danh hiệu là Y Long Bát và Tài Vô Yểm. Đã gọi là Vô Yểm thì còn theo tôi cầu xin ư?

– Nếu Ngài không ban ân tuệ thì tôi chết.

Rồng phun vàng tử ma cho Bà-la-môn và bảo:

– Ở cửa thành có một trưởng giả, từ Thiên Trúc đến, rất mực giàu có, ông hãy đem vàng này cho ông ta để đổi lấy của cải.

– Khi trưởng giả thấy ông, liền bảo: Ông nên giấu vàng tử ma đừng để người khác thấy.

Bà-la-môn bảo với bà con trong ngũ thân cất giấu tất cả vàng bạc vào kho để ăn uống vui chơi. Nhưng khi cất vàng tử ma vào thì tất cả tạp vật ở trong kho đều vùi vào đất, trở về kho của rồng. Tất cả của cải của bảy nhà lân cận cũng đều như vậy.

Nghe vậy, ba anh em cư sĩ cùng nói với nhau:

Ba anh em chúng ta được tài vật rất đúng pháp nên của cải được bền lâu. Nếu lạm dụng của năm nhà thì sẽ bị chiếm đoạt.

Nghe vậy, mọi người cho là họ khoe khoang nên cùng nhau tập họp đến hỏi:

– Các ông nói của cải của các ông rất hợp với chánh pháp, lấy gì làm chứng?

Ba anh em nọ, mỗi người lấy ra mười cân vàng, chia thành sáu phần, đem cho nhân dân và những người mất tài vật trong bảy nhà, phần còn lại, họ đem đến suối rồng ném vào nước, nước vọt lên như vạc dầu sôi.

Long vương kinh sợ, sai long nữ đem trả vàng lại cho họ rồi từ tạ trở về. Của cải làm ra hợp pháp, hợp lý nên không bị năm nhà xâm chiếm. Người khinh thường trái pháp, cất giấu tài vật thì giống của cải bảy nhà kia.

(Trích kinh Tỳ Phương Thế Lợi.)

5. CƯ SĨ ĐẠI Ý XIN CHÂU MINH NGUYỆT

Vua Quảng Từ Ai trị vì nước Hoan Lạc Vô Ưu, trong nước có vợ chồng cư sĩ Ma-ha Đàn vợ là Chiên Đà, sanh được một cậu con trai thật kháu khỉnh, thế gian hiếm thấy.

Vừa mới lọt lòng, đứa trẻ đã phát nguyện: “tôi nguyện chia xẻ và cứu giúp những người cùng khốn, cô độc để họ được sống an vui.” Nhân đó, cha mẹ đặt tên cho đứa bé là Đại Ý.

Thấy con mình khác với những đứa trẻ khác, hai vợ chồng rất lo sợ, cho là Trời rồng, quỷ thần, định đi xem bói.

Biết được việc đó, Đại Ý thưa:

– Con là người chứ không phải Trời Rồng, Quỷ thần, chỉ vì nghĩ đến những người bần cùng, nguy ách nên muốn giúp họ. Nói xong, đứa trẻ im lặng.

Đến năm mười bảy tuổi, Đại Ý thưa bố mẹ:

– Con muốn cứu giúp những người nghèo khổ để họ có được cuộc sống an bình.

Hai vợ chồng suy nghĩ:

Lúc mới sanh ra con ta đã có nguyện này, nên bảo:

– Tài sản của bố mẹ nhiều vô số, con cư mặc y đem phân phát cho nguời nghèo, bố mẹ không ngăn cấm con.

Đại Ý thưa:

– Tuy tài sản của bố mẹ nhiều nhưng vẫn không đủ để con dùng. Con phải vào biển tìm của báu mới có thể giúp đỡ cho tất cả mọi người.

Bố mẹ cậu đồng ý.

Đại Ý đi đường biển đến một nước kia, gặp một vị Bà-la-môn rất mực giàu có, thấy Đại Ý mặt mày sáng sủa, dung mạo đoan chánh thì rất vui, nói:

– Ta rất quý mến cậu, cậu hãy ở lại đây, ta sẽ gả con gái cho.

Đại Ý thưa:

– Tôi vào biển định tìm châu báu nên chưa dám nhận lời, khi tìm được rồi tôi sẽ trở lại. Thế rồi Đại Ý lại đi tìm châu, khi được châu, cậu sai người đem về bổn quốc, còn mình tiếp tục đi tìm vật báu. Bổng thấy một cây cao, tàn lá rộng tám mươi do diên, Đại Ý trèo lên cây, nhìn ra xa, thấy một thành bằng bạc, trong đó, cung điện nhà cửa đều là Bạch ngân, thiên nữ đứng bên múa hát, hầu hạ. Có một con rắn độc quấn quanh thành ba vòng, thấy Đại Ý, nó ngóc đầu lên. Đại Ý nghĩ:

– Người bị rắn độc làm hại đều do không có thiện tâm. Nghĩ rồi, cậu ngồi xuống nhập định, trong khoảnh khắc, rắn gục đầu xuống nằm ngủ.

Đại Ý muốn vào thành, người giữ cửa vào thưa vua.

Vua đích thân ra nghinh đón Đại Ý và vui mừng nói:

– Xin hiền giả lưu lại đây ba tháng để tôi được cúng dường.

– Tôi đi tìm châu báu, không ở đây đuợc lâu.

– Trẫm sẽ tạm gác việc nước lại trong ba tháng, chỉ mong hiền giả ở lại đây.

Đại Ý nhận lời.

Vua cho sắm sửa tất cả các món ăn, thức uống, y phục, gường toà để cúng dường cho Đại Ý. Qua chín mươi ngày, vua đem rất nhiều châu báu dâng cho Đại Ý.

– Tôi không cần những món này nhiều, chỉ muốn xin hạt minh châu của nhà vua.

– Trẫm không tiếc hạt châu này, chỉ sợ đường xá gian nan hiểm trở, Ngài không thể mang theo được.

– Người có phước đức không sợ gian nguy.

Vua bảo:

– Người cầm hạt châu này thì vòng vàng châu báu sẽ tự xuất hiện theo ý muốn người đó trong khoảng hai mươi dặm. Nói rồi vua dâng châu và nguyện: Sau khi Ngài đắc đạo trẫm xin làm đệ tử và cúng dường nhiều hơn ngày hôm nay.

Đại Ý nhận châu rồi giả từ.

Từ thành này, Đại Ý đi về phía trước, thấy một thành vàng, trong thành có cây bằng thất bảo, gió reo tiếng nhạcvà thiên nữ gấp đôi thành trước. Thành ấy cũng có một con rắn độc quấn quanh thành sáu vòng. Thấy Đại Ý, rắn ngóc đầu lên nhìn. Như lần trước, Đại Ý ngồi xuống tư duy, rắn lại ngục đầu xuống.

Đại Ý muốn vào thành, người giữ cửa vào tâu vua. Vua đích thân ra nghinh đón như lần trước và cũng mời Ngài ở lại đây ba tháng để được cúng dường.

Đại Ý nhận lời. Nhà vua cũng cúng dường như ở thành trước. Ở lại đây hai tháng, Đại Ý từ tạ ra đi và nói với vua:

– Nghe nói nhà vua có châu minh nguyệt, hãy cho tôi đi. Vua cũng trả lời như lần trước:

– Người cầm hạt châu này thì châu báu sẽ tự xuất hiện theo ý muốn của mình trong bốn mươi dặm. Nói rồi vua hiến tặng châu minh nguyệt và phát nguyện:

Sau khi Ngài đắc đạo, trẫm xin làm đệ tử của Ngài, được cúng dường nhiều hơn ngày hôm nay, khiến cho đệ tử có thần túc không ai sánh bằng.

Nhận hạt châu rồi, Đại Ý giả từ.

Tiếp tục đi về phía trước, Đại Ý lại gặp một thành Thuỷ tinh, cung điện, nhà cửa và tất cả mọi vật đều giống như trước, cũng có một con rắn độc quấn quanh thành chín vòng gục đầu ngủ, vua cũng ra nghinh đón, mời Ngài ở lại ba tháng.

Đại Ý nhận lời. vua tận tâm cúng dường, cho sắp đặc đồ ăn thức uống, y phục, kỷ nhạc.

Đại Ý ở đây chín mươi ngày rồi từ tạ vua, bảo: Nghe bệ hạ có hạt châu minh nguyệt, hãy cho tôi đi. Vua cũng đáp như trước:

– Người cầm hạt châu này, vàng bạc, vật báu sẽ xuất hịên tuỳ theo ý ngươi đó trong khoảng sáu mươi dặm. Nói xong vua đem châu dâng cho Đại Ý và phát nguyện: Nếu Ngài đắc đạo, trẫm xin làm đệ tử của Ngài để được cúng dường nhiều hơn hôm nay, khiến cho trẫm có trí tuệ không ai sánh bằng.

Nhận châu rồi, Đại Ý đi thẳng về phía trước lại gặp thành Lưu Ly, cũng có một con rắn độc quấn quanh thành mười hai vòng, gục đầu nằm ngủ. Vua ra nghinh đón và mời Đại ý ở lại đây ba tháng.

Đại Ý nhận lời. vua đích thân cung cấp thức ăn, đồ uống và trỗi kỷ nhạc để làm vui lòng Đại Ý.

Ở được hai mươi ngày, Đại Ý từ tạ vua và nói:

– Nghe nói bệ hạ có hạt châu minh nguyệt, hãy cho tôi đi.

Vua đáp:

– Người cầm hạt châu này thì vàng bạc, vật báu sẽ tự xuất hiện tuỳ theo ý nguyện người đó trong khoảng tám mươi dặm.

Trẫm thành tâm cúng dường minh châu, mong rằng sau này Hiền giả đắc đạo, trẫm sẽ là đệ tử, được cúng duờng nhiều hơn ngày hôm nay, khiến trẫm có trí tuệ lớn.

Nhận châu rồi, Đại Ý cáo từ và suy nghĩ: Ta vào biển cốt để tìm châu, nay đã được như nguyện. Nghĩ rồi, Đại Ý theo đường cũ trở về nước mình.

Lúc đi ngang qua biển cả, các thần biển thì thầm với nhau:

Biển của chúng ta tuy có rất nhiều trân bảo quý giá nhưng không có thứ nào sánh bằng những hạt châu này, chúng ta phải sai thuộc hạ đoạt lấy châu của Đại Ý.

Thần hoá thành người đến gặp Đại Ý, hỏi:

– Khanh được vật gì lạ quá, hãy cho ta mượn xem thử đi!

Đại Ý mở nắm tay ra, bốn hạt châu nằm trong lòng bàn tay. Từ xa nhìn thấy, thần biển hoá phép khiến châu rơi tỏm xuống nước. Đại Ý suy nghĩ:

– Các vua đã nói châu này rất khó giữ, ta may mắn mới có được, nay đã bị người đoạt mất. Ta không trở về nữa. Nghĩ rồi nói với thần biển:

– Ta khổ nhọc vượt gian hiểm mới có được những hạt châu này, nay ông lại bị ông đoạt. Nếu không trả lại thì ta sẽ tát cạn nước của biển này.

Thần biển nói:

– Chí khí cao kỳ! Biển sâu ba trăm ba mươi sáu vạn do diên, rộng không bờ mé, làm sao tát cạn được? Biển giống như mặt Trời không bao giờ rơi xuống đất, như gió không ai có thể xáo động hay trói buộc được. Giá như mặt Trời có thể rơi xuống, gió có thể tró buộc được nhưng nước biển thì không thể nào tát cạn được.

Đại Ý cười, đáp:

– Ta nghĩ, xưa nay đã bao lần thọ thân, sanh tử, hoại diệt, nếu xương cốt gom chất lại một nơi thì sẽ cao hơn núi Tu di, máu huyết sẽ nhiều hơn nước năm sông bốn biển, không thể lấy gì thí dụ được. Thế mà ta còn muốn đoạn trừ tận gốc sanh tử, huống gì chỉ một cái biển nhỏ này lại tát không cạn? Ngày xưa ta đã từng cúng dường chư Phật, phát nguyện:

“Con nguyện luôn tu hành tinh tấn, chí nguyện dõng mảnh, kiên cường hướng về đạo, không ngại gian khó, cho dù có dời núi Tu di hay tát cạn biển cả con vẫn không bao giờ nản lòng.” Đại Ý lấy gàu tát nước.

Cảm được lòng chí thành, Tứ Thiên vương đến giúp Đại Ý.

Nước biển đã cạn đến hai phần ba, các thần biển đều rất kinh hãi, bàn nhau:

– Nếu không trả lại châu ấy thì sẽ xảy ra việc lớn: nước cạn, bùn tràn ra lấp hết cung điện của chúng ta.

Thần biển đem rất nhiều châu báu đưa cho Đại Ý nhưng Đại Ý không nhận, bảo:

– Ta không cần những thứ này. Trả châu Minh Nguyệt lại cho ta. Nếu không, ta không để các ông yên đâu.

Thấy Đại Ý quá cương quyết, thần biền đem châu Minh Nguyệt trả lại.

Lấy được châu quý, Đại Ý trở về cưới con gái của vị Bà-la-môn nước kia rồi về nước mình bố thí theo nhu cầu của tất cả mọi người. Từ đó về sau, đất nước không còn nguời nghèo khổ, đói lạnh. Sĩ, dân khắp nơi trên đất nước đều Khăn gói đi đến Đại Ý.

Bố thí như thế trải qua nhiều năm, ân đức thấm nhuần đến tất cả những loài côn trùng nhỏ nhít, sau khi xả báo thân này, Đại Ý sanh lên cõi Trời làm Đế thích hoặc sanh xuống nhân gian làm Phi Hành Hoàng Đế, tự tích luỹ công đức cho đến lúc thành Phật, được ba cõi tôn kính. Tất cả đều do công hạnh đời trước chứ không phải tự nhiên. Phật nói với chư Tỳ-kheo:

– Đại Ý thưở đó nay là ta, cư sĩ Ma-ha-đàn nay là Duyệt Đầu Đàn, thân mẫu chiên Đà thuở ấy nay là phu nhân Ma-da, vua nước Hoan Lạc Vô Ưu nay là Ma-ha Ca-diếp, con gái của vị Bà-la-môn nay là Câu-di, ông Bà-la-môn ấy nay là Di-lặc, vua trong thành Kim Ngân nay là Anan, vua trong thành vàng nay là Mục Kiền Liên, vua trong thành Thuỷ Tinh nay là Xá-lợi Phất, vua trong thành Lưu Ly nay là Tu-đà, Đệ tứ Thiên vương giúp Đại Ý tát nước biển nay là Ưu Đà, vị thần đoạt châu Minh Nguyệt thuở ấy nay là Điều Đạt, bốn người gác cổng thuở ấy nay là Tu-bạt, Bàn Đặt, Tô Át Phi, Câu Lưu, bốn con ắn độc quấn quanh bốn cửa thành nay là bốn thần cọng sát Tu-đà-lợi. A-nan bạch Phật:

Bạch Thế tôn! Vì công đức gì mà người cầm châu Minh Nguyệt đi đến đâu thì các vật báu theo tâm niệm người ấy trong khoảng mấy mươi dặm?

Vào thời Phật Duy Vệ, Đại Ý đã từng đem bốn viên châu này cúng dường Tam bảo xây tháp thờ Xá-lợi Phật và giữ trai giới trong bảy ngày. Lúc đó có năm trăm người cùng nhau xây dựng chùa: có người thắp đèn, có người đốt hương tán hoa, có người cúng dường cho các Tỳ-kheo Tăng, có người tụng kinh, giảng kinh. Nay tất cả mọi người đều đến pháp hội này.

(Trích kinh Đại Ý)