KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 40

 

1. SIÊU THUẬT ĐƯỢC PHẬT ĐỊNH QUANG THỌ KÝ

Vào thời Đức Phật Định Quang, ở nước Bát-ma-đại, bốn chúng đệ tử Phật đông vô số, họ đều được cúng dường đầy đủ các thứ cần dùng. Bấy giờ, gần núi Tuyết có Phạm chí tên Da-nhã-đạt, rất giỏi thiên văn địa lý, tinh thông thư sớ văn tự. Ông ta có một người đệ tử tên Lôi Vân rất thông minh hiểu rộng, thông suốt mọi việc. Phạm chí Da-nhã-đạt rất yêu quý người đệ tử này, nên hết lòng dạy dỗ không lìa xa nữa bước.

Một hôm, Phạm chí Lôi Vân nghĩ: “Những điều cần học ta đã học hết, nay ta muốn báo ơn thầy nhưng ta lại quá nghèo. Muốn có phẩm vật dâng thầy ta nên đến nước Bát-ma-đại để xin phẩm vật để cúng dường thầy.” Người thầy nghĩ: “Đứa đệ tử này ta rất yêu quý, giả như có chết ta còn không muốn rời, huống là bỏ ta mà đi!” Ông ta bèn làm một câu văn gồm năm trăm chữ rồi bảo Lôi Vân học thuộc. Chỉ ít hôm sau Lôi Vân đã học xong câu văn ấy. Bấy giờ Da-nhã-đạt bảo năm trăm đệ tử:

– Phạm chí Lôi vân này đã thông thạo các môn, đã có thể lập danh.

Da-nhã-đạt liền đổi tên Lôi Vân là Siêu Thuật. Mấy hôm sau Siêu Thuật lại thưa thầy:

– Những lời thầy dạy con đã học thông suốt, những học thuật trong sách vở con cũng đều xem qua, nay đã đến lúc con phải báo ơn thầy.

Thầy đáp:

– Con nhận định như vậy là đúng!

Siêu Thuật lễ tạ thầy rồi ra đi. Bấy giờ gần thành Bát-ma-đại có tám vạn bốn ngàn Phạm chí cùng tụ hội tại nhà một một nơi, bàn tổ chưc một đại lễ cùng thi tài nghị luận. Vị đệ nhất thượng tòa đọc tụng thư sớ không ai hơn. Nên được năm trăm lượng vàng, một gậy vàng, một bình sữa bằng vàng và một ngàn con bò. Nếu ai thắng nổi vị thượng tòa này sẽ được phần thưởng ấy

Siêu Thuật thấy vậy nghĩ: “Ta cần gì phải đến xin từng nhà, chi bằng đến đó để cùng vị thượng tòa tranh tài.”

Nghĩ vậy Siêu Thuật liền đi thẳng đến chỗ ấy. Các Phạm chí xa thấy Siêu Thuật vội kêu lên:

– Tuyệt quá! Lễ cúng tế hôm nay được lợi lớn, nên Phạm thiên mới đích thân đến đấy.

Tất cả Phạm chí trong hội đều đứng dậy nghinh đón Siêu Thuật:

– Quý hoá thay! Đấng Phạm thiên đã đến!

Siêu Thuật đáp:

– Thôi đi các hiền giả, tôi chẳng phải là Phạm thiên. Các vị há không nghe phía Bắc núi Tuyết có bậc thầy của Đại Phạm chí tên Danhã-đạt ư? Ta là Siêu Thuật đệ tử của vị ấy.

Siêu Thuật lại quay sang nói với vị thượng tòa:

– Nếu Ngài giỏi các môn học thuật thí xin hãy cùng tôi tranh luận.

Vị đệ nhất thượng tòa liền tụng ba tạng kỹ thụât không sót một chữ. Siêu Thuật nói:

– Tôi sẽ nói một câu năm trăm chữ!

Vị thượng tòa đáp:

– Tôi không hiểu được!

Siêu Thuật lại tụng ba tạng kỹ thuật vả một câu năm trăm chữ nói về tướng của bậc đại nhân. Tất cả các Phạm chí đều khen là điều, lạ xưa nay chưa từng có,và đây là lần đầu tiên mới nghe về tướng của bậc đại nhân. Họ thỉnh Siêu Thuật lên toà cao nhất. Vị thượng tòa kia vô cùng tức giận và thề:

– Người này đã chiếm đoạt địa vị của ta, ta thề về sau ông ta sanh ra ở bất cứ nơi nào và muốn làm việc gì ta cũng đều theo phá hoại.

Bấy giờ, họ liền cúng dường Siêu Thuật đúng như pháp. Siêu Thuật nói:

– Tôi chỉ lấy tiền vàng tiền bạc mỗi thứ năm trăm miếng, còn bao nhiêu tôi xin trả lại thí chủ, còn bình vàng tôi xin biếu cho một người nữ, một ngàn con bò trả lại cho thí chủ. Tôi không quen tham nhiều, cũng không tích chứa tài sản.

Sau đó, Siêu Thuật đi đến nước Bát-ma-đại. Gặp năm trăm Phạm chí tuổi cao đức trọng ở cửa thành phía đông, Siêu Thuật cúng cho mỗi vị một đồng tiền vàng. Nhằm ngày nắng gay gắt, vua Quang Minh thỉnh Đức Định Quang Như Lai và chúng Tỳ-kheo đến cung nhận cúng dường. Vua cúng dường thức ăn và nhiều y phục cho các Tỳ-kheo. Vua lại ra lệnh quét dọn sạch sẽ, treo tràng phan bảo cái, rưới nước thơm trên đất, trỗi kỹ nhạc tưng bừng. Bấy giờ Siêu Thuật thấy một cô gái tên Thiện Vị cầm 7 cành hoa và một chiếc bình đi lấy nước. Siêu Thuật nói với cô ta:

– Tôi muốn mua hoa?

– Tôi không bán, tôi để dâng lên Phật!

Siêu Thuật liền lấy năm trăm tiền bạc xin đổi năm cành hoa. Cô gái vì tham tiền nên đồng ý. Đi được mấy bước người nữ ấy lại nghĩ:“Người này dung mạo khôi ngô tuấn tú lại không tiếc tiền bạc”.

Cô bèn gọi Siêu Thuật lại hỏi

– Chàng mua hoa làm gì?

– Tôi mua cúng dường Phật!

– Cho tôi gửi hai cành hoa này lên Phật, tôi nguyện đời sau được làm vợ chàng!

– Bồ Tát không có tâm tham tiếc, nếu có vợ thì đạo tâm tôi sẽ bị trở ngại!

– Tôi sẽ không bao giờ làm trở ngại hạnh nguyện của chàng. Nếu chàng có đem tôi bố thí tôi cũng bằng lòng

Siêu Thuật đồng ý, rồi đem hoa đến cúng dường Đức Phật Định Quang.

Đức Phật Định Quang nói:

– Bồ Tát làm việc gì cũng không hề tham tiếc.

Siêu Thuật đáp kệ:

Cha mẹ cùng chư Phật
Như Trời trăng chiếu sáng
Không thể đem cho người
Thứ khác đều cho được.

Lại nói tiếp:

Phải chịu nhiều kiếp khổ
Thí đầu mắt tay chân
Vợ con nước tài sản
Ngựa xe kẻ hầu hạ.

Lại nói:

Núi lớn bừng lửa dữ
Ức kiếp đều chịu được
Không thể hoại đạo tâm
Cúi xin Phật thọ ký.

Sau đó, Siêu Thuật trải tóc lên đất và nói kệ:

Phá tâm ái kiêu mạn
Hay diệt dục nộ si
Cúi xin ánh từ quang
Soi sáng cho tâm con
Xưa con từng nguyện ước
Nay đã được gặp Phật
Xin cúng năm cành hoa
Cầu được bất thối chuyển
Còn đây hai cành nữa
Do một ngọc nữ cúng
Bậc Đạo sư Vô thượng
Hãy bước qua tóc con.

Phật đáp kệ:

Ma-nạp phát đại tâm
Rộng độ vô số chúng
Thệ nguyện phát rộng sâu
Trồng các cội công đức
Trong vô số kiếp sau
Ở đời ác năm trược
Thành Phật hiệu Thích Ca
Độ vô số chúng sanh
Rực rỡ ba hai tướng
Thù thắng trong loài người.

Đức Phật bước qua tóc Siêu Thuật, bay lên Hư không lấy năm cành hoa, hai cành của ngọc nữ bám vào hai vai Phật. Từ đó Siêu Thuật phá bỏ tà kiến thờ thiên đế, thần lửa của Phạm chí, hành chánh kiến bằng pháp bình đẳng, không còn ở trong ba đường ác và 8 nạn.

Đức Phật bảo: Siêu Thuật lúc ấy chính là ta, cô gái bán hoa là

Cù-di vậy

(Trích kinh Tu Hành Bổn Khởi)

2. GIẤC MƠ CỦA PHẠM CHÍ BẢO HẢI

Phạm chí Bảo Hải bạch Phật:

– Cúi xin Đức Như Lai cùng chư Tỳ-kheo thọ nhận cúng dường của con trong bảy năm. Đức Phật nhận lời. sau đó Phạm chí nghĩ: “Nay ta đã khiến cho trăm ngàn ức na-do-tha chúng sanh phát tâm Bồ-đề nhưng ta không biết sở nguyện của Chuyển luân Thánh vương như thế nào? Nhân vương, Thiên vương, Thánh văn, Duyên giác đều cầu Vô thượng Bồ Bề, nếu đời sau ta được thành Phật thì khi ta ngủ xin các vị Trời, ma phạm, cùng chư Phật ứng mộng cho ta biết.”

Đêm hôm ấy, lúc ngủ Phạm chí thấy có ánh sáng, lại thấy chư Phật trong hằng sa thế giới, mỗi vị đều trao cho mình một hoa sen. Những hoa sen này rất vi diệu. Trên mỗi đài hoa thấy hình vầng mặt Trời, trên mặt Trời có bảo cái bằng bảy báu, mỗi mặt Trời đều phóng ra sáu mươi ức tia sángvào trong miệng Phạm chí. Phạm chí thấy ánh từ nơi mình phát ra chiếu khắp cả trăm ngàn do-tuần, thân mình trong suốt, thấy cả tim gan. Phạm chí lại thấy sáu mươi ức na do tha trăm ngàn Bồ Tát đang ngồi nhập định trên đài sen và có tia sáng mặt Trời vây quanh thân mỗi vị. Ở giữa mỗi hoa sen đều phát ra các thứ kỹ nhạc. Lại thấy vua nước mình máu chảy đầy thân, đầu mặt giống heo, ăn các thứ côn trùng, kêu chạy khắp nơi, rồi lại đến ngồi dưới gốc cây y lan. Lại có vô số chúng sanh đến ăn thịt vua, chỉ còn lại xương vụn. Cứ như thế cho đến rất nhiều thân về sau, thân nào vua cũng đều thọ nghiệp như thế cả. Lại thấy các vương tử đang mổ xẻ heo, voi, trâu, chó, cọp báo v.v… để ăn thịt, lấy máu bôi vào thân rồi ngồi dưới cây y lan. Lại có vô lượng chúng sanh đến ăn thịt họ, xương thịt tan nát. Hoặc thấy các vương tử dùng hoa tu mạn na làm anh lạc, cưỡi xe trâu cũ rách, đi về hướng Nam. Lại thấy Tứ Thiên vương, Đế thích, Hoàn nhơn, Đại Phạm Thiên vương đến bảo Phạm chí nên lấy hoa sen quanh mình, trứơc tiên cho Chuyển luân vương, sau đó cho mỗi thiên tử một hoa, số còn lại cho các tiểu vương, kế đến cho con của ngươi và các người khác.

Phạm chí giật mình thức giấc, nhớ lại những việc trong mộng, biết được nguyện thấp kém ưa thích sanh tử của Thánh vương, lại biết các vương tử cầu Thánh văn thừa nên mộng thấy họ dùng hoa tu mạn na làm anh lạc cưỡi xe trâu đi về phía Nam. Ông tự nghĩ: “Tại sao ta lại mộng thấy những việc ấy? Chư Phật trước dùng ta để khuyến dạy giáo hoá chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề đều khiến họ an trụ trong tam phước mà phát tâm Bồ-đề. Nay ta được thỉnh Phật và chúng Tăng nhận sự cúng dường trong suốt bảy năm”.

(Trích kinh Bảo Phạm chí Thỉnh Như Lai )

3. NGHE PHÁP HẾT BUỒN KHỔ

Phạm chí ở nước Xá-vệ gieo trồng hoa màu trên một khoảnh đất rộng, hạt nảy mầm xanh tốt, ông ta đến xem, trong lòng hết sức vui mừng vô cùng hài lòng. Nhưng đêm hôm ấy, có một trận mưa đá lớn đổ xuống, hoa màu hư hoại hết. Kế đó, con gái ông ta lại đột ngột qua đời. Gặp những chuyện đau buồn xảy ra dồn dập, ông ta khóc lóc thảm thiết. Bấy giờ, các Tỳ-kheo vào thành khất thực, chứng kiến những việc ấy, bèn trở về bạch Phật. Lát sau, Phạm chí cũng đến đảnh lễ Đức Phật. Ngài biết được những suy nghĩ của ông ta, liền bảo:

– Trên đời này có năm điều không ai có thể tránh khỏi: Đó là bị hao hụt, bị mất mát, bị ốm đau, bị già và bị chết. Nếu người biết thực hành theo Đạo đế như bố thí, trì giới v.v… mới có thể tránh khỏi.

Phạm chí nghe xong, thấy rõ lý Tứ đế, xin được quy y Tam bảo, làm nam cư sĩ. Các Tỳ-kheo thấy thế bèn bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Ngài đã khai mở tâm ý cho Phạm chí ấy, khiến cho ông ta ra về với tâm hoan hỷ.

Phật bảo:

– Không chỉ ở đời này mà vào thời quá khứ. Ở cõi Diêm Phù lợi có năm vị vua. Trong số đó, Kiệt Tham là ông vua bạo ngược tham tàng. Một hôm quần thần, dân chúng trong nước kéo đến, tay kiếm lăm lăm bảo:

– Tên vua bạo ngược kia! Nếu biết điều thì hãy mau cút đi. Bọn ta không muốn giết ông cũng không muốn làm hại đến bá tánh.

Vua hoảng sợ, Vội vàng lên xe trốn ra khỏi nước. Từ đó, ông làm nghề bện cỏ để sống. Quần thần dân chúng liền tôn em trai của Vua Kiệt Tham lên ngôi. Vị vua mới rất thông minh chánh trực. Thời gian sau, Kiệt Tham dâng sớ lên vua, xin được cai quản một tụ lạc để có lợi tức sinh sống. Vua đồng ý. Về sau, ông ta lại nài xin thêm hai tụ lạc, rồi dần xin đến nữa nước. Vua đều chấp thuận. Trải qua một thời gian khá lâu, Kiệt Tham khởi lòng tà, dấy binh đánh em, chiếm lại nước cũ.

Ông ta lại kéo binh đánh chiếm nước thứ hai, rồi lần lượt đánh chiếm hết cả năm nước, bốn phương đều quy phục, từ đó ông ta đổi hiệu là Đại Thắng.

Đế thích muốn thử lòng, xem ông ta có biết đủ hay không, bèn hóa thành một cậu bé Phạm chí họ Câu-di. Cậu bé xỏa tóc một tay cầm gậy vàng, một tay ôm bát vàng đến trước cung vua xin vào yết kiến. Vua cho vời hỏi duyên cớ. Cậu bé tâu:

– Tôi từ vùng ven biển đến đây, trông thấy một nước rất lớn, dân chúng sống sung túc. Nước ấy có rất nhiều của quý. Ngài có muốn đi đánh chiếm nước ấy không?

– Hay lắm!

– Vậy Ngài nên trang bị sẳn thuyền bè quân lính. Bảy ngày sau tôi sẽ đến dẫn đường.

Nói xong Phạm chí bỏ đi. Đến ngày hẹn, mọi thứ đều đả sẳn sàng. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng cậu bé. Nhà vua buồn bực, bất an. Khi ấy dân chúng trong nước kéo đến ngồi quanh vua. Thấy vua khóc, họ cũng khóc. Thấy vua buồn họ cũng buồn. Bỗng vua nảy ra một ý và nói:

Ham muốn không thể dừng
Đã được lại muốn thêm
Tham cầu không biết chán
Bao giờ được yên vui.

Nay ai có thể giải toả được nỗi lòng của ta, ta sẽ cho người ấy một ngàn tiền vàng.

Bấy giờ, Uất-đa-một thiếu niên trẻ tuổi – hứa sẽ đáp ứng được yêu cầu của vua sau bảy ngày. Đến ngày hẹn, Uất-đa đến thưa với mẹ:

– Thưa mẹ, con muốn đi giải trừ nỗi ưu phiền của vua!

Người mẹ khuyên:

– Con chớ có đi! Làm được điều ấy không phải dễ.

Nhưng người con cương quyết:

– Mẹ đừng lo, con có thể làm được!

Uất-đa liền đến chỗ vua, Sau một hồi đối đáp, anh ta bèn nói một bài kệ. Vua Đại thắng liền ban thưởng cho Uất-đa một ngàn tiền vàng.

Vua Đại Thắng khi ấy nay chính là Phạm chí trồng hoa màu. Còn thiếu niên Uất-đa nay chính là Ta.

(Trích kinh Nghĩa Túc quyển thượng)

4. PHẠM CHÍ MA NHÂN ĐỀ GẢ CON CHO PHẬT

Phạm chí Ma Nhân Đề sanh được một con gái nhan sắc mặn mà. Vua, Thái tử, Đại thần, Trưởng giả đến cầu hôn con gái đều bị ông từ chối. Ông ta thấy Phật sắc vàng ba mươi hai tướng liền nghĩ: “Chỉ có người này mới xứng với con ta”. Ông bèn trở về nhà nói với vợ:

– Nay ta đã chọn được rể, chàng rể ấy còn đẹp hơn cả con mình.

Họ liền trang điểm cho con gái, đeo các anh lạc quý báu rồi dắt cô ra khỏi thành. Người vợ thấy Phật tướng mạo đường đường, sáng rỡ bèn nói với chồng:

– Chỉ uổng công thôi, việc hôn nhân của con chúng ta không thành đâu.

Bà nói kệ:

Kẻ dâm lục tục đi
Kẻ sân theo nối bước
Kẻ ngu chân dẫm đất
Uy đức Thiên nhơn tôn.

Người chồng nói:

– Bà già ngu si, làm con phải lo lắng.Ông liền dắt con gái đến chỗ Phật, tay trái nắm cánh tay Ngài, tay phải cầm bình bát và nói.

– Nay tôi ban cho ngươi đứa con này làm vợ.

Cô gái thấy Phật liền khởi tâm say đắm. Phật liền nói kệ:
 
Ta thấy thiên ngọc nữ
Còn không khởi tà tâm
Nay thà ôm bình phẩn
Còn hơn đụng vào cô.

(Trích kinh Nghĩa Túc quyển thượng)

5. PHẠM CHÍ MẤT CON, VỀ SAU GẶP PHẬT ĐẮC ĐẠO

Xưa có Bà-la-môn xuất gia học đạo lúc còn nhỏ, nhưng đến năm sáu mươi tuổi vẫn không đắc đạo. Đúng theo pháp Bà-la-môn, nếu không đắc đạo phải trở về nhà, lấy vợ và làm cư sĩ. Về sau, vợ ông sanh được một đứa con trai xinh đẹp đáng yêu. Năm đứa bé lên bảy tuổi bỗng mắc bệnh nặng, qua một đêm thì chết. Phạm chí đau xót tiếc thương, gục ngất lịm nhiều lần bên xác con. Thân tộc khuyên nhủ mãi không được, cuối cùng phải đoạt xác đứa bé đem chôn ngoài thành. Phạm chí nghĩ: “Ta gào khóc mãi cũng chẳng ích gì, chi bằng đi xuống Diêm vương xin lại mạng sống con mình.”

Ông liền tắm gội sạch sẽ, trai giới thanh tịnh, cầm hoa hương ra đi. Đến đâu ông cũng hỏi thăm chỗ ở của Diêm vương. Đi được mấy ngàn dặm thì đến vùng núi sâu, gặp các Phạm chí ông lại hỏi thăm.

Các Phạm chí hỏi:

– Ông hỏi chỗ ở của Diêm vương để cầu xin điều gì?

– Con tôi mới chết, tôi muốn đến chỗ Diêm vương để xin lại mạng sống của nó.

Các Phạm chí thương xót cho sự ngu si của ông ta, liền bảo:

– Cõi Diêm vương, người sống không thể đến được. Ta sẽ chỉ hướng cho ông: Từ đây đi về phía tây hơn bốn trăm dặm sẽ gặp một con sông lớn, giữa sông có một toà thành, đây là chỗ dừng chân nghỉ của các vị ThiênThần khi đi tuần tra nhân gian. Vào ngày mùng bốn hàng tháng, Diêm vương thườngđi tuần tra, ắt đi qua thành này. Ông trai giới thanh tịnh, đến đó sẽ gặp.

Phạm chí nghe vậy vui mừng từ tạ ra đi. Khi đến giữa sông, ông trông thấy thành quách cung điện, nhà cửa rực rỡ như cõi Trời Đao Lợi. Phạm chí đến trước cửa, thắp hương quỳ gối chú nguyện, cầu xin Diêm vương trả lại mạng sống con mình. Diêm vương bảo người giữ cửa cho vào. Gặp Diêm Vương Phạm chí tâu:

– Tôi hiếm muộn, mãi mới sanh được một trai hy vọng tuổi già để cậy nhờ, nuôi nấng nó đến bảy tuổi thì lại bị chết. Cúi xin Diêm vương rủ lòng ban ân bố thí trả lại mạng sống cho con tôi.

Diêm vương nói:

– Được! Con ông hiện đang chơi đùa trong khu vườn phía đông.

Ông hãy đến đó mà dắt nó về!

Ông ta liền đến đó, trông thấy con mình đang đùa giỡn với những đứa trẻ khác, liền chạy đến ôm chầm lấy nó, vừa khóc vừa nói:

– Con ơi, Cha ngày đêm nhớ thương con, ăn ngủ không yên, con đâu biết được Cha Mẹ đã chịu cay chịu đắng đến thế nào?

Đứa trẻ hét toáng lên và mắng:

– Cái ông lão lẩm cẩm, ngu si không hiểu thấu đạo lý, chỉ ở nhờ trong chốc lát mà gọi ta là con. Chớ nhiều lời dối trá, chi bằng hãy mau đi cho khuất mắt. Tôi ở cõi này đã có cha mẹ rồi.

Phạm chí buồn bã khóc lóc rồi bỏ đi. Ông ta nghĩ: “Ta nghe Samôn Cù Đàm biết lý biến hoá thần hồn của con người, hay là ta đến hỏi Ngài”.

Phạm chí liền đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, trình bày mọi việc rồi thưa:

– Con tôi không chịu trở về, còn cho tôi là ông lão ngu si lẩm cẩm, chỉ ở nhờ trong chốc lát mà gọi nó là con. Nó nỡ cắt đứt tình cha con.

Vì sao lại như vậy?

Phật bảo:

– Ông khờ quá! Thần thức người chết vừa ra khỏi xác liền thọ thân khác. Cha mẹ vợ con nhân duyên hội tụ thì cùng nhau chung ở, ví như khách ngủ trọ sáng ra mỗi người đi một ngã.

Phạm chí nghe xong tâm ý khai mở, thành tâm dập đầu xin làm Sa-môn. Phật bảo: “Lành thay”, râu tóc ông ta tự rụng, thân khoác pháp y, tức thành Tỳ-kheo, ngay đó đắc quả A-la-hán. (Trích phẩm Đạo Hành kinh Pháp Cú quyển 4)

6. TIÊU CỦA TÍN THÍ

Ngày xưa, có một Phạm chí rất giàu có lại có học thức nhưng không có lòng tin chân chánh, thường tranh luận cùng Sa-môn nhưng không thể thắng nổi. Một lần nọ, ông ta nghe nói Sa-môn thọ dụng của tín thí mà không tinh tấn tu hành, sau khi chết phải làm thân trâu ngựa để trả nợ cho tín thí. Ông ta liền ngấm ngầm sắp đặt mưu kế, đãi các sa- môn ăn để đời sau ông sẽ được hưởng lợi này. Người ấy ôm lòng độc ác như vậy mà đến chùa.

Trong chùa có năm trăm vị tu sĩ, ông ta đều thỉnh hết. Sau đó trở về nhà chuẩn bị các món ăn ngon hơn nữa, dự tính đời sau ta sẽ được 00 con trâu ngựa. Có một vị Thượng toà đã đắc quả A-la-hán, biết được tâm niệm của ông ta, liền cho gọi thầy Duy na đến dặn:

– Hãy bảo các Tỳ-kheo phải nên nhất tâm, mỗi người nói một câu kệ thì lợi ích càng tăng thêm.

Vị Thượng toà nói tiếp:

– Như vậy là chúng ta đã trả nợ xong, không phải làm thân trâu ngựa.

Phạm chí kinh hãi nói:

– Đạo nhân thật thần Thánh biết được ý nghĩ của tôi.

Lúc ấy, vị Thượng toà mới bảo các Thầy Tỳ-kheo:

– Các ông đã thọ trai xong, tâm từ nghĩ đến đạo, tụng một thời pháp, thì dầu nuốt núi Tu di cũng có thể tiêu được, nói chi là bữa ăn cỏn con này.

Phạm chí rất hổ thẹn. Vị Thượng toà nhân đó thuyết pháp, giảng rộng về giáo lý cốt lõi.Tâm vị Phạm chí được khai mở, liền ngộ đạo.

(Trích Chư Kinh Yếu Sự )

7. PHẠM CHÍ CÚNG DƯỜNG BÁT MẬT CHO PHẬT

Xưa, có Phạm chí vì không thấy Phật nên lén vào Tinh xá của Ngài. Đức Phật vì thương xót nên đến trước mặt ông ta. Phạm chí muốn chạy trốn nhưng không thể cất chân lên được. Phật dẫn ông ta đến chỗ của Ngài và thuyết pháp cho nghe. Nghe pháp xong, ông ta khởi tâm hoan hỷ xin quy y Tam bảo, lãnh thọ giới cấm, nhiễu quanh Phật rồi ra về.

Sau đó, Phạm chí lấy bát đựng đầy mật, hai tay bưng đến định dâng lên Phật. Phật bảo Tỳ-kheo lấy mật trong bát ấy đem phân chia cho chúng Tăng. Khi bát của Phật và chúng Tăng đã đựng đầy mật mà mật trong bát của Phạm chí vẫn còn đầy như cũ. Các Tỳ-kheo lại trao bát ấy cho Phật. Phật bảo Phạm chí:

– Tất cả các loài trùng, cua, cá, ba ba v.v… trong nước đều mong được thức ăn này.

Phạm chí vâng lời đem mật bố thí. Đức Phật mỉm cười, phóng ra hào quang năm sắc chiếu đến cõi Phạm thiên. Hào quang chiếu khắp năm đường, trở lại vây quanh thân Phật ba vòng. Thọ ký cho Bồ tát, thì ánh sáng vào đảnh. Thọ ký cho Duyên giác, thì ánh sáng vào từ miệng. Thọ ký cho Thánh văn, thì ánh sáng vào từ cánh tay. Thuyết về phước ở cõi Trời, ánh sáng vào từ rốn, thuyết về việc thọ thân, ánh sáng vào từ đầu gối. Thuyết cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, ánh sáng vào từ bàn chân. A-nan từ toà đứng dạy, chấp tay bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn. Đức Thế tôn không bao giờ cười mà không có lý do. Nay vì cớ gì mà Ngài cười như vậy, Phật bảo:

– Ông có thấy Phạm chí cúng dường mật cho Phật không?

– Bạch Đức Thế tôn! Con thấy.

– Phạm chí này trải qua hai mươi kiếp về sau không đoạ đường ác.

Quá hai mươi kiếp sẽ đắc quả Duyên giác, hiệu là Mật Cụ.

Các Tỳ-kheo thưa:

– Phạm chí này vì sao chỉ cúng một bát mật mà được nhiều lợi ích, còn chứng quả Duyên giác?

– Phạm chí này, chẳng phải chỉ ở trong đời này mà ở các đời quá khứ cũng đã làm như vậy.

Vào đời quá khứ, có Bà-la-môn nhập định nơi vắng vẻ thanh nhàn, được gặp thần tiên. Có người nói: “Vị nhân này có nhiều điều tốt lành khó bì nên đến đó để xin phước.” Có người bảo: “Nhờ thấy vị tiên mà có được phước để nuôi thân”.

Có một vị tiên chứng đắc ngũ thông, biết được tâm niệm của vị Bà-la-môn liền từ trong rừng bay vọt lên hư không đứng trước Bà-lamôn. Thấy vị tiên Bà-la-môn vô cùng vui mừng, liền dâng lên vị tiên nhân một bát đầy mật. Vị tiên thọ ký cho ông ta rồi bay lên hư không. Do nhờ công đức cúng dường này mà đời sau được làm Vua tên là Mật Cụ, thường dùng chánh pháp trị nước. Nên sau khi chết, vua được sanh lên Trời.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Vị tiên nhân bấy giờ chính là ta. Phạm chí lúc ấy chính là người Phạm chí này. Nhờ cúng mật mà Phạm chí ấy thọ hưởng phước cõi Trời. Do đời này cũng lại cúng dường cho Phật nên đời sau được đắc quả Duyên giác.

(Trích kinh Mật Cụ)

8. PHẠM CHÍ TỪ XA ĐẾN HỌC ĐẠO GẶP PHẢI NĂM VIỆC THIẾU SUY NGHĨ

Phạm chí ở nước La-duyệt Kỳ nghe nói dân chúng trong nước Xávệ, phần nhiều đều hiếu dưỡng, phụng thờ kinh điển, tu đạo và tôn kính Tam bảo, liền đi đến nước này để học hỏi. Khi đã gần đến Xá-vệ, Phạm chí trông thấy có hai cha con nhà nọ đang cày đất gieo hạt. Bỗng, có con rắn không biết từ đâu bò ra, cắn chết đứa con. Người cha vẫn tiếp tục gieo cày, không ngó lại nhìn con. Phạm chí thấy lạ, bèn hỏi nguyên do.

Người cày ruộng hỏi Phạm chí:

– Ông từ đâu đến?

– Tôi từ La-duyệt kỳ tới. Vì nghe nói ở nước này, dân chúng phần nhiều đều hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ Tam bảo cho nên tôi muốn đến đây để học hỏi. Còn cậu thanh niên kia là gì của ông vậy?

– Là con tôi.

– Là con ông? Vì sao ông không đau buồn mà vẫn cứ bình thản tiếp tục gieo cày như vậy?

– Con người có sanh thì có tử, vạn vật có thành thì có hoại, có gì mà phải buồn đau gào khóc. Nếu có bỏ ăn bỏ uống thì phỏng có ích gì cho người chết? Khi ông vào trong thành, hãy ghé qua nhà tôi nhắn tin dùm là con tôi đã chết, nên chỉ đem đủ một phần ăn ra cho tôi mà thôi.

Phạm chí nghĩ: “Người đâu mà không biết xét nghĩ. Con chết nằm đó mà tuyệt nhiên không đau buồn, lại nghĩ đến cái ăn”.

Khi vào thành Xá-vệ, Phạm chí đến thẳng nhà người cày ruộng, gặp vợ của ông cày ruộng liền báo tin:

– Con trai bà đã chết. Chồng bà nhắn chỉ đem cơm đủ một người ăn thôi.

Người vợ nghe xong, thản nhiên nói:

– Như khách đến ở nhờ, đến không làm khó, đi không níu kéo. Đứa con này cũng như vậy. Sanh là tự đến, chết cũng một mình ra đi, tôi không đủ sức níu kéo nó lại được, tuỳ theo hành nghiệp của nó đã tạo mà quyết định chỗ thác sanh.

Phạm chí đi nói với chị gái người chết. Người này cũng nói về lý vô thường. Phạm chí báo với vợ người chết. Người này cũng nói những dẫn dụ về vô thường. Ông ta báo với nàng hầu của người chết, nàng hầu cũng nói như vậy. Phạm chí thấy vậy, trong lòng rối bời, không biết ra làm sao nữa. Vì nghe nói dân chúng nước này hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ Tam bảo cho nên mới đến đây để học hỏi. Chưa gặp được điều tốt đẹp nào lại chứng kiến năm điều thiếu suy nghĩ, khiến cho thân tâm hoang mang, mỏi mệt. Ông ta bèn hỏi người qua đường chỗ ở của Phật. Họ cho biết Đức Phật hiện đang ở gần đây, trong rừng cây của thái tử Kỳ-đà, vườn ông Cấp-cô-độc. Phạm chí liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ Ngài rồi đứng sang một bên, lộ vẻ âu sầu, cúi đầu im lặng. Phật biết được ý nghĩ của ông ta, bèn bảo:

– Vì sao ông có vẻ không vui?

– Vì trái với tâm nguyện, cho nên con buồn bã.

– Ông buồn vì chuyện gì?

Phạm chí thuật lại mọi việc. Phật bảo:

– Không phải như ông đã nghĩ, thật ra năm người nầy rất có tình nghĩa. Vì biết được mạng sống vô thường nên người thân chết mà chẳng chút buồn đau. Người thế gian vì không hiểu được lý vô thường nên sầu khổ, gào khóc, như thế chỉ tự hại mình. Ví như người mắc bệnh sốt, không ý thức được, mê sảng nói nhảm. Khi thầy thuốc cho uống thuốc, liền hết sốt, không còn nói nhảm nữa. Người thế gian đau buồn ngu si sảng sốt không thể tự hiểu biết. Nếu họ hiểu được lý vô thường thì sẽ không còn đau khổ nữa, như được hết bệnh sốt. năm người này đều có thể đắc đạo. Phạm chí nghe Phật dạy xong liền tự trách mình: “Ta là kẻ ngu si mê ám, không biết đại nghĩa. Nay nghe Phật dạy, như kẻ mù được sáng mắt, như trong tối thấy được ánh sáng”. Ông liền khẩn thiết xin thọ năm giới rồi đảnh lễ Phật mà lui ra. (Trích kinh Ngũ Vô Phản Phúc)

9. BỐN ANH EM PHẠM CHÍ CÙNG CHẾT TRONG MỘT NGÀY

Bốn Anh em Phạm chí nọ đều chứng được ngũ thông. Nên biết được bảy ngày sau họ sẽ chết, nên cùng bàn luận rằng: Năng lực của ngũ thông có thể làm đảo lộn đất Trời; có thể nắm lấy mặt Trời, mặt trăng; có thể dời núi lấp sông. Không việc gì chúng ta không làm được, há lại không trốn được cái chết này ư?

Một người nói: Tôi sẽ vào trong biển lớn, trên không ló khỏi mặt nước, dưới không đụng đến đáy, ở chỗ như vậy thì quỷ vô thường làm sao mà biết được.

Một người nói: Tôi sẽ vào trong núi Tu di rồi khép kín quả núi, không để lại dấu vết thì quỷ vô thường làm sao mà biết được.

Một người nói: Tôi sẽ bay lên ẩn mình trong Hư không, quỷ vô thường làm sao mà biết được.

Người cuối cùng nói: Tôi sẽ trốn ở trong chợ đông đúc, quỷ vô thường cứ bắt đại một người cớ chi phải tìm tôi cho nhọc.

Bốn anh em bàn luận xong bèn dắt nhau đến từ giả Vua. Họ tâu:

– Thọ mạng của chúng tôi chỉ còn bảy ngày, nay muốn trốn số mạng. Nếu chúng tôi thoát được thì sẽ về hầu hạ đại vương. Nguyện Ngài luôn mạnh khỏe.

Nói xong, bốn người từ tạ ra đi, bảy ngày sau, cả bốn người đều chết, giống như trái chín phải rụng. Quan coi chợ tâu lên vua:

– Có một Phạm chí chết ở trong chợ.

Vua sực nhớ lại và nói:

– Bốn người đi trốn, một người đã chết ba người còn lại há tránh khỏi ư!

Vua liền xa giá đến chỗ Phật, đảnh lễ Ngài, ngồi qua một bên rồi bạch:

– Bạch Đức Thế tôn! Gần đây có bốn anh em nhà họ Phạm chí đều đắc ngũ thông. Họ biết được mạng sống của mình sắp hết nên đã cùng nhau đi trốn, không biết họ có thoát được không?

Phật đáp:

– Người đời có bốn điều không thể tránh khỏi, một là ở trung ấm thì không thể không thọ sanh; hai là đã sanh thì không thể không bị già; ba là đã già thì không thể không có bệnh; bốn là đã bệnh thì không thể thoát chết.

(Trích kinh Pháp Cú quyển 3)

10. PHẠM CHÍ BỎ VỢ ĐẸP, SAU HỐI HẬN

Một cư sĩ nam nọ có một người vợ không những xinh đẹp, có đức hạnh mà còn có khả năng biện tài nên ai ai cũng kính nể. Thế nhưng người chồng không yêu mến cũng không thích trông thấy cô ta, trái lại đem lòng yêu thương đứa tớ gái. Cô vợ thấy thế bèn nói với chồng:

– Nếu chàng không yêu mến tôi thì xin cho tôi được xuất gia.

Người chồng đồng ý. Cô liền xuất gia, làm Tỳ-kheo-ni, sau khi xuất gia cô ngày đêm nổ lực tu tập, không bao lâu đắc quả A-la-hán.

Về sau, người tớ gái mà Phạm chí nọ yêu quý đột nhiên qua đời, ông ta bèn kêu Tỳ-kheo-ni trở về. Cô không chịu, các Tỳ-kheo-ni đến bạch với Phật mọi việc. Phật bảo:

– Cư sĩ ấy đời trước cũng đã huỷ nhục người có đức hạnh này. Người nữ này có chí rất đặc biệt, nhưng thường bị quấy nhiễu. Đã vào được trong chánh pháp thì không nên huỷ hoại nó..

Phật lại nói:

Vào đời quá khứ, có vợ của một cư sĩ tên là Liên Hoa. Cô này vô cùng xinh đẹp nhưng lại không được chồng yêu quý, nhưng ông ta lại đem lòng yêu người tớ gái. Vì nghe lời cô tớ gái này nên đã bỏ vợ trong núi, và tìm cách giết hại.

Ông ta leo lên cây ưu Bát Đàm chọn hái những trái chín, bỏ lại trái xanh cho vợ. Người vợ hỏi:

– Vì sao chàng ăn trái chín, bỏ trái xanh cho tôi?

– Vậy nàng hãy leo lên cây đi.

Người vợ liền leo lên cây, ông chồng ở dưới kéo chà gai lấp xung quanh gốc cây để vợ không xuống được, phải chết trên đó.

Bấy giờ, Vua đi săn bắn ngang qua trông thấy một phụ nữ xinh đẹp ở trên cây liền hỏi:

– Nàng là ai?

Cô gái kể rõ mọi việc. Vua nghĩ: “Cư sĩ kia ngu si, không biết lý lẽ của bậc trượng phu”, bèn cho người kéo hết chà gai ra, cùng cô ta xa giá hồi cung và lập cô lên làm Hoàng hậu.

Người nữ này có rất nhiều tài, có trí tuệ biện luận không ai thắng nổi lại rất giỏi trong việc đánh bạc. Người nữ khắp nơi trong nước nghe tiếng, kéo đến cùng cô đánh bạc tranh tài nhưng không ai thắng nổi. Phạm chí rất giỏi đánh bạc, nghe tiếng tăm của Hoàng hậu như thế bèn nghĩ: “Người ấy chắc chắn là vợ cũ của ta chứ chẳng phải ai khác”, bèn muốn đến hoàng cung để xem.

Hoàng hậu nghe tả hình dạng người muốn đến cầu kiến, biết là người chồng trước kia của mình bèn xin phép vua cho ra để so tài đánh bạc. Hoàng hậu gặp Phạm chí liền nói một bài kệ. Phạm chí nghe xong vừa hổ thẹn, vừa hối hận vô cùng.

Phạm chí bấy giờ nay chính là cư sĩ nam, Hoàng hậu lúc ấy chính là người nữ đây, còn quốc vương chính là ta.

(Trích kinh Phu Phụ )

11. QUẢ BÁO DO TÙY HỶ VIỆC ÁC

Có một Phạm chí nọ vô cùng giàu có.Ông ta chỉ có một con trai tròn hai mươi tuổi, vừa lấy vợ chưa được bảy ngày. Vào tiết xuân tháng ba, hai vợ chồng dắt nhau ra hậu viên dạo chơi. Trong vườn có một cây Nại cao to, vừa trổ hoa rất đẹp, Cô vợ muốn hái nó nhưng nhìn quanh có ai để sai. Người chồng biết ý vợ liền leo lên cây, đã hái được một cái hoa lại muốn hái thêm một cái nữa, không may cành cây gãy, anh ta té xuống đất chết. Mọi người trong nhà chạy đến gào khóc kêu Trời đến chết đi sống lại. Cả dòng họ đều đau buồn. Nghe đã thương tâm, thấy càng đau lòng. Vợ chồng Phạm chí oán trách ông Trời không thương tình. Sau khi chôn cất người chết xong, họ trở về nhà than khóc không thôi. Bấy giờ Đức Thế tôn thương xót những kẻ ngu si ấy, bèn đến thăm hỏi. Người trong nhà thấy Phật liền trình bày sự việc đau buồn trên. Phật bảo với trưởng giả.

Thôi đi, hãy nghe đây: vạn vật vô thường không thể gìn giữ lâu dài. Có sanh thì có tử, tội phước theo nhau. Cả ba nơi đều vì chàng thanh niên này mà khóc lóc. Sầu, có buồn đau thống khổ cũng không ích gì.

Rốt cuộc nó là con của ai? Ai là cha mẹ nó?

Bấy giờ Thế tôn liền nói kệ:

Mạng người như trái chín.
Thường sợ sẽ rụng rơi,
Đã sanh ắt có khổ,
Ai không chết bao giờ.
Do vì thân trung ấm
Thích ái dục, nhập thai
Thọ thân, mạng như chớp
Hằng lưu chuyển không dừng
Thân này là vật chết
Thần thức không dáng hình
Chết đây lại sanh kia
Tội phước mất đâu nào?
Đâu chỉ có một kiếp
Kẻ ngu ướt sống hoài
Mình làm, mình thọ quả
Thân chết, thức đâu tan.

Trưởng giả nghe kệ, tâm liền bừng ngộ, quên hết mọi ưu phiền, liền quỳ xuống bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn, Đứa trẻ này đời trước đã tạo ra tội gì mà lại yểu mạng như vậy? Cúi xin Ngài từ bi giải rõ cho.

Phật bảo:

– Vào thời quá khứ, có một đứa trẻ cầm cung tên vào rừng dạo chơi, nó thấy một con chim sẻ đậu trên cây liền có ý muốn bắn. ba người đứng gần đó thấy vậy bèn khích lệ nó:

– Nếu cháu bắn trúng, người đời sẽ tôn là cậu bé dũng kiện.

Đứa trẻ thích chí, liền giương cung lên bắn. Chỉ một phát, con chim trúng tên liền sa xuống chết. Cả ba người kia đều hết lời ca ngợi rồi mạnh ai nấy về. Trải qua vô số kiếp sanh tử, những người ấy sanh vào chỗ nào cũng đều cùng nhau thọ tội. Trong ba người ấy, một người có phước nên nay đang ở cõi Trời, một người sanh trong biển hoá sanh làm Long vương, người còn lại chính là ông. Đứa trẻ này trước đó sanh lên Trời làm con Phạm thiên, sau khi chết sanh xuống làm con ông, lại bị té từ trên cây xuống chết liền hoá sanh làm con Long vương, khi vừa sanh ra liền bị chim chúa cánh vàng quắp lấy ăn thịt. Ngày nay, cả ba nơi đêu sầu khổ khóc than khôn cùng. Do vì đời trước tuỳ hỷ việc làm ác cho nên ba người ấy giờ phải chịu cảnh sầu khổ khóc than.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển )

12. PHẠM CHÍ VÌ MẤT LỢI DƯỠNG NÊN GIẾT NGƯỜI NỮ, VU BÁNG CHO PHẬT

Ở nước Xá-vệ, từ quốc Vương cho đến đại thần, nhân dân đều kính thờ Đức Thế tôn, nên họ cúng dường tứ sự rất đầy đủ, không ngó ngàng tới hàng Phạm chí. Các Phạm chí bèn bàn mưu: sẽ giết một cô gái đẹp đem xác chôn dưới gốc cây rồi đổ tội cho Cù Đàm. Rồi đem tiếng xấu này rao khắp nơi, thế là bọn Phạm chí họ sẽ được trọng đãi.

Thế là bọn người ấy bèn ép dụ một cô gái đẹp, bảo cô ta ngày ngày đến chỗ Phật, khiến cho mọi người đều trông thấy. Sau đó họ giết cô gái rồi chôn xác dưới gốc cây. Sau đó kéo nhau tới trước cung Vua, kêu la oán thán:

– Một thiếu nữ đẹp nhất trong đám đệ tử của chúng tôi bổng nhiên mất tích, không biết sống chết ra sao.

– Vua hỏi:

– Cô ta thường đến chỗ nào?

– Cô ấy thường đến chỗ của Cù Đàm.

– Vậy các ông hãy đến đó mà tìm.

– Bọn Phạm chí liền đến vườn cây của Thái tử Kỳ-đà, đào một gốc cây lên, thấy xác cô gái được đặt trên một cái giường. Thế là họ đi khắp nơi rao bán:

– Sa-môn Cù Đàm thường tự xưng là người có giới đức bậc nhất mà nay lại lén lút tư tình với một cô gái rồi giết chết dấu đi để phi tang. Thế thì còn gì là phép Vua luật nước nữa?

Khi ấy, các Tỳ-kheo vào thành khất thực, đến đâu cũng bị dân chúng mắng:

– Bọn Sa-môn này đã phạm tội ác như vậy mà còn đáng được thọ nhận y thực nữa ư!

Các Tỳ-kheo đành ôm bát trở về bạch Phật. Phật bảo:

– Ta bị sự huỷ báng này không quá bảy ngày đâu.

Bấy giờ, nữ tín chủ Duy Diêm ở trong thành nghe nói các Tỳkheo đi khất thực không được, đều ôm bát không trở về, liền đến đảnh lễ Phật, chắp tay bạch:

– Con xin được cúng dường thức ăn cho Phật cùng chúng Tăng trong suốt bảy ngày.

Phật im lặng nhận lời. Sau đó Ngài bảo A-nan: Ông cùng chúng Tăng đi khắp nơi trong thành mà nói bài kệ:

Phật thân khẩu thanh tịnh,
Kẻ dối lừa đảo điên,
Quả báo khi chín mùi,
Ắt tự thọ sầu khổ.

Duy Diêm bấy giờ liền cúng dường thức ăn cho Phật cùng chúng Tăng.

(Trích kinh Xuất Nghĩa Túc quyển thượng)