KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 39

 

1. NGUỒN GỐC NGOẠI ĐẠO LẬP TÀ KIẾN

Thời Phật còn tại thế, một hôm Ngài bảo Bồ-tát Văn Thù rằng:

– Ông có muốn nghe việc thế gian kiến lập ngoại đạo không? Vào thời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Câu-tôn-đà-bạt-đà-la. Bấy giờ ở trong thế giới đó không có cát sỏi, không có tên ngoại đạo, chỉ có pháp Đại thừa. Sau khi Đức Phật ấy vào Niết-bàn, chánh pháp sắp diệt, có Tỳ-kheo Phật Tuệ ở vùng A-lan-nhã được một vị thiện tín cư sĩ phát tâm cúng dường một tấm y vô giá, Tỳ-kheo nhận lấy tấm y đó. Lúc bấy giờ có bọn thợ săn thấy nảy sanh lòng tham, muốn đoạt lấy tấm y.

Đêm ấy, chúng dẫn Tỳ-kheo vào trong núi sâu, đánh cho bầm dập rồi lột lấy y áo, treo Ngài trên cây. Bấy giờ có một vị Bà-la-môn đi hái hoa, đến A-lan-nhã thì gặp một con cọp, người này hoảng sợ chạy vào trong núi chợt gặp Tỳ-kheo kia bị đánh đập tan nát thân hình loã lồ, treo lủng lẳng trên cây. Vị này thấy thế kinh sợ la lên:

-Sa-môn này trước kia đắp Ca-sa mà nay sao thấy loã lồ như thế, hẳn Ca-sa chẳng phải là nhân giải thoát, tự treo mình khổ hạnh đó là đường lối đúng đắn, người kia đâu phải bỏ pháp lành. Ngay đây ta phải phân minh rõ ràng, đây là nguyên nhân của đạo giải thoát phá huỷ chánh pháp.

Vị này liền cắt tóc, cởi y áo làm Sa-môn loã hình. Đạo loã thể bắt nguồn từ đó.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo kia tự mình mở trói được, liền lấy vỏ cây, nhặt vải vụn thấm nhơ để che thân, kết cỏ đuổi ruồi. Lại có Bà-la-môn khác đi hái hoa nhìn thấy Tỳ-kheo này, ông thầm nghĩ:

– Tỳ-kheo này cởi bỏ y phục tốt đẹp, che thân bằng những thứ ấy, dùng phất trần như thế phải chăng là thiện pháp xả ly hay sao? Phân biệt cho chính đáng để biết thì đây là đạo giải thoát, ông ta liền học theo pháp ấy. Từ đó hàng xuất gia của Bà-la-môn ra đời.

Một buổi chiều, vị Tỳ-kheo xuống khe nước tắm, do gội rửa vết thương trên đầu, Tỳ-kheo liền lấy áo ướt che lên vết thương, rồi lấy những mảnh y phục rách rưới của những kẻ chăn bò vứt để che thân. Lúc ấy có người tiều phu trông thấy, ông thầm nghĩ:

– Tỳ-kheo này trước đây đắp ca sa quý báu mà giờ đây lại xả bỏ tất cả, chắc có lẽ đã nhận thấy được Ca-sa không phải là nhân giải thoát, vì vậy ông ta mới mang y phục rách nát như thế, rồi lại ngày đêm tắm rửa ba lần, tu tập khổ hạnh, như vậy há chẳng phải thiện pháp xả ly chăng? Nhưng nghĩ cho chính đáng rõ ràng thì đây là đạo giải thoát. Tiều phu ấy liền học theo pháp này, cho nên phái khổ hạnh Bà-la-môn xuất hiện từ đó.

Tỳ-kheo tắm gội xong, trên thân mang nhiều vết lở loét, ruồi muổi bâu vào, ông liền dùng tro trắng thoa lên vết thương rồi xin vải để che thân. Bấy giờ có người thấy Tỳ-kheo như thế liền bảo rằng đây chính là đạo, liền học theo Tỳ-kheo ấy, vì thế từ đó đã phát sanh thêm một phái Bà-la-môn bôi tro.

Bấy giờ Tỳ-kheo đốt lửa hơ vết thương, vết thương càng đau nhức không thể chịu nổi cho nên ông đâp đầu vào núi. Bấy giờ có người thấy, tự bảo rằng:

– Tỳ-kheo này trước kia đắp Ca-sa quý giá mà nay lại như thế, há phải thiện pháp xả ly hay sao? Biết chắc rằng lao đầu vào núi là đạo giải thoát, thế là đạo lao đầu vào vách núi để thờ thần lửa phát xuất từ đó. Cứ như thế, chín mươi sáu phái của Bà-la-môn ra đời đều do từ các hành động của Tỳ-kheo này mà sanh ra vọng tưởng, để rồi mỗi người phát sanh ra cái kiến chấp của mình, giống như các nước nhìn nhau rồi khởi lên suy đoán vọng tưởng điên đảo, khi vọng tưởng ấy đã sanh thì các nước lại dấy binh sát hại lẫn nhau. Sự phát sanh khác nhau của ngoại đạo cũng như thế.

(Trích kinh Ương-Quật-Ma-La quyển 4)

2. PHẬT ĐỘ LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO

Thời bấy giờ, bọn lục sư ngoại đạo tham đắm lợi dưỡng của thế gian, tự xưng là độc tôn. Bọn này nghe đức Thế tôn xuất thế, phước đức hơn người, vì vậy họ họp lại rồi cùng nhau lập thệ nguyện:

– Chúng ta nay đều phải đồng tâm nhất trí, lời nói không bao giờ trái nhau, lúc ấy mới mong thắng được ông ấy.

Thế là họ sai người đến thăm dò, xem đức Như Lai có giống như mọi người xưng tụng về Ngài không. Khi đến, nhìn thấy tướng hảo của đức Thế tôn, mắt nhìn mãi không tạm rời, rồi trình lại cho bọn lục sư ngoại đạo biết:

– Tướng hảo của Cù-đàm thật hiếm có ở trên đời, oai thần toả sáng hơn cả vầng nhật nguyệt, như tôi thấy thì không thể nào thí dụ được.

Bọn lục sư ngoại đạo lại nghĩ:

– Người này xuất thân từ trong dòng dõi vua chúa đương nhiên là thân tướng đẹp đẽ, có gì phải lạ lùng đâu? Ngày nay chúng ta nên sai một người nữa đến dò xem Như Lai có bệnh nóng nảy hay không?

Thế nhưng người thăm dò lại về thưa:

– Cù-đàm ở trong chúng như là đấng Thánh chúa sư tử, vua trong các loài thú, không điều gì lo sợ.

Bọn lục sư ngoại đạo lại nghĩ:

– Người ngu ít trải qua việc đời, say đắm nơi ánh hào quang của ông ta, vịêc ấy là lẽ thường tình thôi, đâu có gì lạ. Nhưng ông ta xuất thân từ chốn vương cung, ngày đêm đều có sáu muôn ngàn thể nữ theo hầu, cùng nhau vui chơi, ông chưa hề theo thầy học đạo.

Thế rồi họ lại sai một người thông thái đến nghe pháp, xem nghĩa lý được đức Phật nói có giống với bọn phàm phu hay không?

Người ấy sau khi nghe xong về bạch với lục sư ngoại đạo rằng:

– Đạo lý của đức Phật thuyết giảng thông suốt cả cổ kim, điều đã biết trước thì không có bờ mé, cái thấy lại vô cùng, đoán nghĩa phân tích không bị rườm rà, không bị trùng lặp.

Lục sư ngoại đạo lại nghĩ rằng:

– Trên đời này có nhiều nhà lý luận, rất giỏi biện tài, đương nhiên những lý lẽ không thể không tìm tòi tra cứu.

Họ lại tiếp tục sai người đến xem mọi người trong hội chúng nghe pháp có im lặng hay náo loạn?

Người ấy đến quan sát xong lại về bẩm báo:

– Những lời của Đức Cù-đàm nói ra như vị cam lồ, mọi người trong chúng hội đều khát khao được nghe, không có trạng thái chán nản.

Bọn lục sư lại nghĩ:

– Chúng hội vân tập nghe pháp chỉ lúc ban đầu thôi, đến một lúc lâu ắt sẽ giải tán không còn ai.

Thế rồi họ lại sai người đến giỏi hơn đến xem xét thử nghĩa lý của Ngài giảng là thâm thuý hay là cạn cợt.

Nghe xong, người ấy trở về bẩm báo:

– Những lời Cù-đàm nói ra như biển cả không thấy bờ bến, những điều chúng tôi thấy biết thì chỉ là nước trong vết chân trâu. Giờ đây tôi chỉ muốn đến xin làm đệ tử của ông ấy.

Thế là trước sau những người được sai đi thám thích tung tích của đức Phật đều cùng nhau đến chỗ của Ngài, lại có vô số chúng sanh cùng tranh nhau đi đến. Bấy giờ Đức Phật nói kệ:

Ta là tối Chánh giác
Hết thảy pháp không vướng
Nhất thiết trí, không sợ
Đương nhiên không cần thầy.
 
Các đệ tử của bọn lục sư nghe đức Thế tôn thuyết kệ như thế, những người có tâm vững chắc thì ở lại cầu học đạo, những vị còn do dự thì trở về bạch cùng với Lục sư rằng:

– Đức Phật là đấng tối cao trong ba cõi, pháp của Ngài nói nhiếp cả mười phương, thế thật chẳng ai sánh kịp, chúng ta nên giải tán để tự tìm chí hướng an ổn cho chính mình.

Ta đã không cần thầy
Lấy cô đơn làm bạn lữ
Một mực cầu làm Phật
Tự nhiên thông Thánh đạo.

(Trích kinh Lục Sư Kết Thệ)

3. LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO TRANH TÀI VỚI ĐỆ TỬ PHẬT:

Bấy giờ, có vị quốc vương tên Đa Phước, thái tử tên Tăng Phước, nhà vua thờ bọn lục sư ngoại đạo làm thầy, Thái tử lại có tín tâm tôn thờ Phật đạo, hai cha con mỗi người tôn thờ một giáo chủ.

Hiện thời trong nước ấy không có hàng Sa-môn xuất gia, duy chỉ có một vị cư sĩ áo trắng làm thầy. Trong nước lại có năm trăm ngoại đạo thường hay ganh ghét cư sĩ có danh đức này. Họ cùng nhau tâu vua:

– Trong nước ta tôn thờ hai đạo khiến cho lòng người không cùng chí hướng, nay xin nhà vua cho phép chúng tôi cùng với vị thầy đó thi thố, mỗi bên tự hiển hiện kỳ đức của mình, nếu như bên nào thua thì phải chịu làm nô tỳ.

Nhà vua chuẩn tấu cho bọn họ. Vậy là ngày hôm ấy, bọn ngoại đạo cùng vị thầy này giao kết với nhau, trước tiên nhà vua đưa đề tài thi thố về tài nghệ, cả hai bên đều đồng ý.

Bọn Phạm chí ngoại đạo này đều là những tay thiện xạ, họ liền vào trong núi, cả năm trăm người mỗi người bắn một con nai, kỹ thuật bắn là xuyên thủng từ mắt trái đến sừng.

Hiền giả cũng vào trong núi ngồi niệm Phật, cầu oai thần trợ giúp để làm sáng tỏ đạo lớn. Bỗng nhiên từ dưới đất vọt lên một chú nai năm sắc, ông vui mừng dắt nai về. Bọn ngoại đạo biết việc ấy liền sai người theo dõi đợi hiền giả này ra đi lập tức đến nhà của ông ta nói dối với vợ ông rằng:

– Chồng bà nay muốn bỏ nhà làm đạo sĩ, chỉ cần ngồi trên con nai này thì nhà cửa tự tan nát.

Người vợ nghe như thế rất phẩn nộ, liền đem con nai cho bọn ngoại đạo.

Hiền giả ấy trở về nhà thì không thấy bóng nai đâu liền hỏi người vợ, vợ đáp:

– Con vật xui xẻo tôi đã cho mất rồi.

Người chồng rất buồn bã, ông lại trở vào trong núi, chí thành sám hối bổng đâu có minh nguyệt thần châu từ dưới đất vọt lên, hiền giả liền đem minh châu đến nhà của Phạm chí để bán. Khi vừa đến cửa, vợ Phạm chí nói:

– Nhà tôi cũng có vật quý báu, chúng ta cùng nhau trao đổi.

Vợ Phạm chí dẫn nai ra, hiền giả nói:

– Nhà vua sai tôi quản lý con nai này, sao bà trộm nó, tội bà thật không thể lường được.

Vợ Phạm chí hối hận trả con nai lại.

Đến ngày thi, mỗi Phạm chí đều mang một con nai chết, bị mũi tên đâm vào mắt trái, đã dơ bẩn lại còn hôi thối, nhà vua thấy thế vô cùng tức giận. Đến phiên hiền giả dắt con nai thần và đem viên minh châu dâng trước điện nhà vua, hai vật này bay lên cùng nhau đùa giỡn phát ra ánh sáng rực rỡ như sao như điện. Người trong cung thấy vậy rất lạ, thích thú, năm trăm Bà-la-môn kia biết mình tranh không nổi nên chịu làm nô dịch, những bà vợ của họ đều làm kẻ tôi tớ.

(Trích kinh Thí Dụ quyển 8)

4. BÀ-LA-MÔN LUẬN SƯ

Ở Nam Thiên Trúc có vị luận sư dùng đồng niềng vào bụng, đốt lửa cháy trên đầu, đi vào nước Xá-vệ. Có người hỏi ông:

– Vì sao ông làm như thế?

Ông đáp:

– Tôi biết quá nhiều thứ, sợ bể bụng ra, còn đội lửa trên đầu là muốn soi sáng những nơi tối tăm.

Người ta lại bảo:

Ông là một Bà-la-môn ngu si, mặt Trời chói sáng khắp cả thiên hạ, sao ông lại nói là tối tăm?

Ông trả lời:

– Các ông không biết đó thôi, tối tăm có hai loại, đó là không có mặt Trời, mặt trăng, đèn đuốc, và tối tăm, vì không có trí tuệ sáng suốt.

Mọi người lại nói:

– Ông chưa gặp Tỳ-kheo Ha-sĩ đệ tử của đức Phật, sao lại dám thốt những lời như thế?

– Ông đáp:

– Nếu có gặp cùng nói chuyện thì đêm đen lại có mặt Trời toả sáng.

Lúc ấy nhân dân trong thành Xá-vệ muốn để Ngài Ha-đa đệ tử của Phật cùng nghị luận với ông ta. Bấy giờ Ngài Ha-đa nghe việc ấy trong lòng buồn bã, đi vào trong thành. Trên đường vào thành, gặp hai con dê đực cùng đánh nhau, Ngài liền lấy nó ví dụ cho mình:

– Một con dê là Bà-la-môn, một con là ta, ta lại không thắng.

Ông càng buồn, tiếp tục đi tới, lại gặp hai con trâu húc nhau, ông lại nghĩ:

– Một con là Bà-la-môn, một con là ta, nhưng rốt cuộc ta cũng thua.

Tiếp tục đi tới, ông lại gặp hai người đang đánh nhau, ông lại nghĩ như thế, lại cũng không thắng.

Khi sắp bước vào nghị luận, Ngài lại thấy có một người cầm một bình nước đầy, bình nước liền vỡ toang. Ông lại nghĩ:

– Ta toàn gặp những điều không lành.

Bất đắc dĩ ông vào bên trong gặp vị Bà-la-môn ấy, nhìn thấy tướng mạo, mắt mũi tự biết là mình không bằng. Ông mới ngồi chốc lát, mọi người đều lên tiếng:

– Ngài có thể cùng ông ta tranh luận không?

Ông đáp:

– Nay tôi có chút bất an, hãy đợi ngày mai.

Nói xong ông lại quay trở về trú xứ của mình.

(Trích luật Thập Tụng, chương 2, quyển 3)

5. NGƯỜI NƯỚC TRÍ HUYỄN THỜ QUẠ VÀ KHỔNG TƯỚC

Vào thời quá khứ, có một nước lớn tên là Trí Huyễn, ở vùng biên địa phương Bắc. Người ở trong nước này mang loài chim Quạ qua nước Ba-già-lê, vì ở đó không có loài Quạ này, và loài Quạkỳ diệu khác cũng không có. Người dân nước này thấy được Quạ thì vô cùng vui mừng hớn hở. Họ liền cúng dường phụng thờ, cho Quạ ăn những thứ hoa quả. Khi bắt được tin tức, các loài Quạ ở phương xa đều tụ tập bay về nước này nhiều vô số, vì vậy cả nước đều tôn thờ và phụng dưỡng.

Một hôm, có một người buôn từ nước khác đến, ông mang theo một con chim khổng tước đến. Mọi người trong nước ấy thấy chú chim quý, lông cánh mượt mà, bay nhảy nhanh nhẹn chưa từng có. Nghe khổng tước hót, mọi người rất phấn khởi vui mừng, vì thế họ bèn bỏ chim quạ mà yêu quý chim khổng tước. Trước đây nuôi quạ như thế nào thì bây giờ nuôi khổng tước đầy đủ như thế ấy, tỏ lòng tôn kính và nương tựa chim này. Thấy thế, quạ bèn bay mất, không biết chúng đến nơi nào. Lúc ấy có vị Trời nói kệ:

Khi chưa thấy mặt Trời
Đốm lửa cho là sáng.
Xưa phụng dưỡng loài quạ
Nước uống và hoa qủa
Nghe chim tước hót hay
Như Trời mọc giữa cây
Loài quạ mất cúng dường
Nhìn việc thấy hèn sang.
A-la-hán nói kệ:
Khi Phật chưa xuất thế
Phạm chí được cúng dường
Nay tiếng Phật tròn đầy
Phạm chí mất cúng dường.

Phật dạy:

– Khổng tước xưa chính là ta, loài quạ kia là các ngoại đạo,vị Trời chính là A-nan.

(Trích kinh Khổng Tước)

6. CHUYỆN PHÚ LAN NA CA-DIẾP

Thời Phật tại thế, trong nước Xá-vệ có một thầy Bà-la-môn tên Phú-lan- na-ca-diếp, đệ tử của ông gồm năm trăm người, vua quan dân chúng trong nước ai ai cũng tôn kính cúng dường ông. Khi đức Thế tôn vừa đắc đạo, Ngài dẫn chúng đệ tử cùng đi từ nước La-duyệt-kỳ đến nước Xá-vệ. Thấy thân tướng của Đức Thế tôn sáng rạng, đạo nghi thanh mỹ, tất cả vua quan dân chúng đều tôn kính. Phú-lan-na-ca-diếp nhìn thấy tình thế như vậy lấy làm ganh ghét, muốn huỷ nhục, hạ thấp đạo phong của Đức Thế tôn, ông tâu với vua Ba-tư-nặc:

– Những vị trưởng lão chúng tôi trước đây đều học tập với những bậc thầy giỏi trong nước, còn Sa-môn Cồ-đàm chỉ mới xuất gia học đạo chưa được bao lâu thật ra chẳng có chút thần Thánh gì mà nhà vua bỏ chúng tôi để đi theo ông ấy! Giờ đây tôi muốn so tài cùng với Phật, ai có uy đức lớn thì nhà vua sẽ vâng theo người ấy, như thế có được không?

– Hay lắm! Nhà vua đáp.

Thế là nhà vua đem chuyện ấy bạch Đức Thế tôn, Ngài đồng ý. Hai bên giao kết với nhau trong thời hạn bảy ngày sẽ cùng nhau tranh đấu tài đức. Nhà vua chọn khu đất rộng lớn bằng phẳng ở phía đông của thành rồi lập toà cao cho hai giáo chủ. Đến ngày hẹn, vua quan dân chúng đều tụ họp về nơi đấu trường, muốn tậ mắt chứng kiến hai vị cao đức cùng tranh tài.

Bấy giờ Phú-lan-na-ca-diếp cùng chúng đệ tử đến trước, họ cùng nhau ngồi lên toà cao, khi ấy Bàn Sư thần vương thấy thái độ vênh váo giả dối của họ liền thổi một trận gió lớn làm cho toạ cụ, tràng phan nghiêng ngã, mưa cát đá bay mịt mù, khiến cho mắt không thể mở ra được. Thế nhưng toà ngồi của Đức Thế tôn vẫn y nguyên không lay động. Lúc ấy, đức Phật cùng đại chúng thong thả từng bước đi đến, tất cả chúng Tăng im lặng theo thứ tự ngồi vào. Thấy thế nhà vua và quần thần thêm phần kính trọng, họ cùng nhau cúi đầu bạch Phật:

– Cúi xin Đức Thế tôn hiển thị oai thần để trấn áp và hàng phục tà kiến, khiến cho dân chúng cả nước có được niềm tin sáng suốt chánh chơn.

Trên toà cao Đức Thế tôn bỗng nhiên biến mất, Ngài ngự trên Hư không phóng ra ánh đại quang minh, lúc ẩn bên đông, khi hiện qua tây, cứ như vậy ẩn hiện bốn phía trên thân ra lửa, dưới thân hiện nước, nước lửa giao nhau, Ngài biến hoá ra mười hai tướng nằm ngồi trong không trung rồi biến mất, hiện lại ngồi trên toà cao. Trời rồng quỷ thần đều rải hoa thơm cúng dường Ngài, tiếng reo hò khen ngợi vang dội khắp cả Trời đất.

Phú-lan-na-ca-diếp thấy thế tự biết mình bất tài, không thể sánh kịp, bèn ngồi úp mặt không dám ngước mắt nhìn. Lúc ấy Kim cang đại lực sĩ cầm chày Kim cang, đầu chày phát ra lữa lớn để giộng lên đầu Ca-diếp và hỏi:

– Vì sao ngươi không biến hoá?

Ca-diếp thấy thế hoảng sợ, nhảy xuống ba chân bốn cẳng bỏ chạy, năm trăm đệ tử của ông cũng kinh hoảng bỏ chạy tán loạn.

Đức Thế tôn vẻ mặt vẫn thản nhiên, trở về Tinh xá Kỳ-viên, quốc vương và quần thần dân chúng đều vui vẻ cáo từ. Còn Ca-diếp cùng tất cả bọn đệ tử chịu nhục ra về, giữa đường lại gặp phải một Ưu-bà-di già tên Ma-ni mắng nhiếc:

– Bọn ông ngu si, không biết tự lượng sức mình muốn cùng Phật so phép thuật, ngu si dối trá không biết hổ thẹn, từ nay trở đi chớ vác mặt trên lui tới trên thế gian này nữa.

Ca-diếp hổ thẹn, dẫn đệ tử đến bên bờ sông và dối bảo họ:

– Giờ đây ta muốn lao dầu xuống nước chắc chắn sẽ sanh lên Trời Phạm thiên, nếu ta không trở về thì ắt có tin vui.

Các đệ tử đợi ông mãi không thấy về bèn bảo nhau:

Thầy mình chắc đã lên Trời rồi, giờ chúng ta phải nương tựa vào đâu đây? Thế là mọi người đều nhảy xuống nước theo thầy, không biết tội dẫn dắt đạo vào địa ngục. Ngày hôm sau quốc vương nghe tin ấy rất sợ hãi mới đến chỗ đức Phật thưa:

– Bạch đức Thế tôn, thầy trò Ca-diếp vì duyên cớ gì mà đến nỗi như thế?

Đức Phật bảo:

– Thầy trò Ca-diếp mang hai tội nặng. Thứ nhất ông ta bị ba độc tham sân si hừng hực trói buộc thế mà tự cho là đã chứng đạo. Thứ hai là huỷ báng Như Lai để mong cầu có được sự cung kính. Hai tội này đáng bị rơi vào địa ngục. Do tội lỗi bức bách nên khiến cho họ phải chết chìm. Thân chết thần hồn lại đi chịu quả báo khổ vô lượng.

Ngày xưa có hai con vượn chúa, mỗi con cai quản năm trăm con vượn. Một con vượn chúa sanh lòng đố kỵ, ganh ghét, muốn giết chú vượn chúa kia, ngầm có ý muốn một mình cai quản tất cả đàn vượn liền đến đánh nhau với chú vượn kia. Vượn này đánh mấy phen nhưng phen nào cũng không thắng nỗi vượn kia nên xấu hỗ ra về. Trên đường về có một eo biển lớn, gió lớn nên bọt sóng được tấp vào đó thành một hòn núi cao đến cả vài trăm trượng. Vượn chúa rất ngu si, thấy đống bọt tự cho là núi tuyết, rồi lại bảo các môn đệ của nó:

– Từ lâu ta đã nghe trong biển có núi tuyết, trong ấy có đủ các thứ vui chơi, trái cây ngọt ngào, ăn chơi thoả thích, hôm nay ta mới gặp được. Để ta vào trước xem thử, nếu quả thật là vui vẻ thì ta không trở lại, còn nếu không vui thì ta sẽ quay lại bảo với các ngươi.

Bấy giờ vượn chúa này leo lên trên cành cây cao nhất dùng hết sức để nhảy, lao mình xuống đám bọt biển ấy nên phải bị chết chìm dưới đáy biển. Đàn vượn còn lại không thấy vượn chúa quay về nên cùng bảo nhau ở trong đó chắc chắn là vui lắm. Thế là từng con lao xuống mà chịu chết hết cả bầy.

Đức Phật kết luận:

– Vượn chúa có lòng đố kỵ, ganh gét kia nay chính là Phú-lan-na Ca-diếp, năm trăm đệ tử của ông chính là đàn khỉ thuở xưa. (Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 4 và kinh Hiền Ngu)

7. TIÊN NHÂN TU HẠNH NHẪN NHỤC

Xưa có tiên nhơn Sằn-đề tu hạnh nhẫn nhục ở trong rừng sâu. Một hôm có vua Ca-lợi dẫn các cung nữ vào dạo chơi trong rừng, họ cùng nhau dừng lại ăn uống. Sau khi ăn uống xong, nhà vua ngủ thiếp đi, các cung nữ thấy nhà vua ngủ nên cùng nhau kéo vào trong rừng sâu hái hoa, bọn họ thấy vị tiên nhân này thì sanh lòng kính trọng, sau khi đảnh lễ xong họ đứng qua một phía. Bấy giờ vị Tiên nhân này nói hạnh nhẫn nhục và từ bi cho mọi người nghe. Lời nói của Ngài thanh tao khiến cho mọi người nghe không chán nên các cô đã quên mất giờ về.

Sau khi thức dậy, nhà vua không thấy các cung nữ của mình đâu liền tuốt kiếm ra khỏi vỏ và lần theo dấu đi tìm. Nhà vua thấy họ đang quây quần trước vị Tiên nhân, lòng đố kỵ nổi lên, ông trợn mắt và vung kiếm chỉ vị tiên nhân, hỏi:

– Ngươi đang làm gì?

Tiên nhân đáp:

– Tôi đang tu tập hạnh nhẫn nhục ở đây.

– Vậy thì giờ đây ta thử dùng kiếm bén xẻo tai mủi của ngươi, chặt đứt chân tay của ngươi, nếu ngươi không nổi giận mới chứng tỏ rằng là ngươi có tu hạnh nhẫn nhục hay không?

– Ngài cứ tự nhiên, vi tiên nhân đáp.

Nhà vua liền tuốt kiếm cắt đứt tai, mũi và chặt đứt chân tay của ông rồi hỏi tiếp:

– Tâm ngươi có dao động không?

– Tôi tu hạnh nhẫn nhục tâm không lay động, Tiên nhân đáp.

– Ngươi ở đây một mình, không có thế lực, tuy miệng nói không dao động nhưng ai có thể tin được? Nhà vua nói.

Lúc ấy vị tiên nhân liền phát lời thề nguyện:

– Nếu tôi thật tu hạnh nhẫn nhục thì máu tôi sẽ biến thành sữa.

Vừa phát nguyện xong, lập tức máu ông liền biến thành sữa. Nhà vua thấy thế hết sức kinh sợ bèn dẫn các thể nữ bỏ đi. Bấy giờ trong khu rừng, long thần thấy sự việc như thế nổi sấm chớp ầm ầm, đá núi đổ xuống khiến cho nhà vua bị hại chết không thể trở về cung.

(Trích Trí Luận quyển 4)

8. CÔNG ĐỨC CHÉP KINH

Xưa có vị tiên nhân tên Loa-văn, một lòng tinh tấn nhưng chỗ ở lại không có người phạm hạnh. Có người nói:

Như Ngài Loa-văn tuy có hạnh thanh tịnh nhưng không có chỗ ở thanh thanh tịnh hơn.

Loa-văn chép sách, gió mưa không thể làm hư hoại được, khiến cho người thế tục tu phạm hạnh như Sa-na-hàm, ở nhà quyến thuộc vây quanh, đó chẳng phải hạnh thanh tịnh ư? Cảnh giới thần túc không thể nghĩ bàn.

(Trích kinh Bà Tu Mật quyển 6)

9. NHÂN DUYÊN BỐN TIÊN NHÂN ĐẮC ĐẠO

Bấy giờ đức Thế tôn đang ở tại La-duyệt-kỳ để giảng nói chánh pháp, các Ni-kiền-tử lòng buồn bã. Lúc đó ở núi Lê-di có năm trăm vị tiên nhân, nhóm Ni-kiền-tử sai người đến hỏi:

– Thế gian này có Phật tự cho mình đắc đạo, thần thông đệ nhất, ông ta không bằng chúng ta mà tự cao tự đại, nay xin các đại sự hạ mình trợ giúp, đem chỗ cốt yếu của đạo đến tranh luận để huỷ diệt đạo của ông ta, được như thế thì danh tiếng của các Ngài sẽ vang xa.

– Hay lắm! Các tiên nhân đáp.

– Nay ta sẽ cho bốn vị tiên nhân đến vấn nạn Cù-đàm.

Thế rồi, nhóm Ni-kiền-tử đi rao khắp trong nước, bảy ngày sau sẽ có bốn vị Phật vào nước để hoá độ mọi người. Đến ngày hôm ấy, bốn người hiện thần thông biến hoá từ trên Hư không bay đến, mỗi người bay một hướng vào thành. Mọi người thấy thế liền bảo nhau đúng là Phật rồi. Ni-kiền-tử liền sai người đến thưa với Phật:

– Ngài có thể đến giảng đạo không?

– Trưa nay ta se đến, đức Phật đáp.

Nhóm Ni-kiền-tử vui vẽ nói:

– Cù-đàm sợ không sánh bằng nên dối không đến trước.

Mọi người đều cho là đúng.

Đức Phật liền khiến cho trên không trung bốc lửa, từ bốn phía bay đến. Bốn vị tiên nhân này bay lên hướng Nam thì lửa cũng bay theo hướng Nam, bốn bề nóng hừng hực làm cho họ kinh hoảng nằm mọp sát đất. Chỗ Phật hiện tại rất mát mẻ, bốn vị tiên nhân ấy vì quá nóng nên tìm đến chỗ mát thì đã đến ngay trước mặt của Phật. Đức Thế tôn liền thuyết pháp cho họ nghe, cả bốn người đều xin làm Sa-môn và chứng quả A-la-hán.

Xong việc, đức Phật vào thành, mọi người trong thành nói:

– Bạch đức Thế tôn, hồi sáng chúng con nhìn thấy có bốn vị Phật bay trên không trung.

Đức Phật liền đưa tay chỉ bốn người ơ hai bên Ngài và nói:

– Bốn vị Phật đó chính là bốn vị A-la-hán này.

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển )

10. TIÊN NHÂN MẤT THẦN THÔNG ĐOẠ VÀO ÁC ĐẠO

Xưa có tiên nhân tên Uất-đà-la-dà chứng được năm thần thông. Môt hôm ông bay vào cung vua để ăn uống, đại phu nhân của nhà vua tiếp đãi theo phép nước, đảnh lễ sát đất. Khi tay của phu nhân chạm vào ông ta liền mất thần thông.

Bấy giờ không còn bay được nữa, ông liền xin nhà vua cho xe đưa về trú xứ của mình. Ông đi thẳng vào trong rừng để tu tập, tìm lại năm thần thông mà mình đã mất. Một lòng mong thành tựu, thế nhưng trên cây lại có con chim cứ hót mãi khiến cho tâm ý của ông rối loạn không sao định được.

Thấy không ổn, ông liền đi đến bên bờ suối để nhập định thì lại nghe tiếng cá quẩy làm động nước, thế là ông ta cũng không thể nhập định được, ông nổi giận, giết sạch bầy chim cá. Không bao lâu thì ông ta nhập được định và sanh vào cõi Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Sau khi ở cõi này mạng chung,ông lại đầu thai làm loài Phi li, thường lủi đi ăn sạch các loài chim cá, tạo ra vô lượng tội ác và sanh vào ba đường ác.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 17)

11. MẤT THẦN THÔNG VÌ NỮ SẮC

Bấy giờ vua Ưu-đà-diên dẫn các cung nhân thể nữ hầu cận vào dạo chơi trong rừng Uất-độc-ba-đà-sơn, trừ vua ra còn toàn thể là người nữ giới, họ cùng nhau vui hưởng dục lạc. Tiếng nói Thánh thót tuỵêt vời sánh như các thứ hương thơm nổi tiếng. Trong đám thể nữ, có người khoả thân mà ca múa. Đang vui chơi thì có năm trăm vị tiên nhân đang bay đến, thấy hình dáng yểu điệu và lời hát thanh tao, hương thơm phưởng phất làm cho họ say đắm mà mất hết thần túc, giống như chim gảy cánh rơi xuống giữa rừng.

Nhà vua nhìn thấy liền đến hỏi:

– Các ngươi là ai?

– Chúng tôi là Tiên nhân. Các vị ấy đáp.

Vua lại hỏi:

– Các vị đã đắc phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa?

– Chưa đắc. Họ trả lời.

– Các vị chứng sơ thiền chưa?

– Từng chứng nhưng đã mất.

Nhà vua nghe các vị ấy trả lời như thế liền nổi giận nói:

– Chẳng phải là các người có dục tâm nhìn thấy sức hấp dẫn của các cung nhơn ta mà mất thần túc sao?

Nói xong, nhà vua rút kiếm chém đứt hết chân tay của năm trăm tiên nhân.

(Trích luật Sao-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa quyển ba mươi ba)

12. SỰ NGUY HIỂM CỦA NỮ SẮC

Ngày xưa, Ưu-đà-la-ma-tử được nhà vua cúng dường thức ăn. Mỗi khi đến giờ, ông liền vận thần thông bay lên Hư không đến cung. Nhà vua rất ngưỡng mộ và đón tiếp ông, thỉnh ngồi trên long sàng rồi lấy những thức ăn của các tiên nhân thường ăn để cúng dường cho ông. Thông thường,sau khi cơm nước xong, ông rửa bát súc miệng và nói kệ chú nguyện rồi theo Hư không bay về.

Một hôm, nhà vua có quốc sự nên phải đi ra khỏi cung, ở nhà không có người dâng cơm nước cho tiên nhân ấy e sợ ông ta nóng tánh, hoặc nổi sân mà chú nguyện hại mình, hoặc chú nguyện cho mình mất ngôi. Vì thế nhà vua mới bảo con gái mình:

– Vị tiên nhân kia đến, con có thể theo như cách ta làm trước giờ mà cúng dường ông ta được không?

– Dạ được thua phụ hoàng. Công chúa đáp.

Nhà vua tha thiết dặn dò con gái mình phải hết lòng cúng dường xong, ông mới yên tâm đi kinh lý.

Hôm sau đến giờ ăn, vị tiên nhân đằng mây bay đến. Công chúa cẩn thận làm theo lời cha dặn, đích thân nghinh tiếp và đỡ ông lên long sàng. Thân thể của công chúa vừa mềm mại vừa mịn màng, vị tiên nhân vừa chạm vào tức thời mất thần túc. Sau khi ăn uống, rửa bát, súc miệng và nói kệ chú nguyện xong, tiên nhân muốn bay về nhưng không thể bay được. Sau vương cung có một hoa viên, ông liền vào trong vườn tu tập để tìm lại thần túc, nhưng lại tiếng voi ngựa, xe cộ nên không thể nhập định được.

Bấy giờ người trong thành lại nghĩ:

– Nếu như vị tiên nhân này mà đi trên mặt đất thì dễ dàng cho chúng ta thân cận, lễ bái.

Vị tiên nhân có trí thông minh, khéo dùng phương tiện, ông nói với công chúa rằng:

– Cô ra ngoài nói với mọi người trong thành biết, hôm nay ta sẽ đi bộ từ trong cung vua ra, các vị ấy muốn gì thì tuỳ ý.

Công chúa theo lời ông, liền ra nói cho dân chúng dọn dẹp đường sá sạch sẽ, chớ để sỏi đá nhơ bẩn, treo phướng, thắp hương, rải các loài hoa trang sức tươi đẹp.

Tiên nhân đi bộ ra khỏi cung chưa bao xa, liền trốn vào trong rừng rậm để nhập định tìm lại thần túc, nhưng bị các loài chim reo hót nên nhập định cũng không được.

Vị này liền bỏ khu rừng đi đến ngồi bên bờ suối, tu tập theo pháp cũ để tìm lại thần túc nhưng bị chướng ngại bởi tiếng của các loài cá, rùa nên không thể tu tập được.

Ông liền leo lên trên núi cao suy nghĩ rằng:

– Hôm nay sở dĩ ta mất pháp lành là do chúng sanh cả, bao nhiêu thiện pháp hạnh lành có được có thể khiến cho ta làm chúng sanh như vậy, có thể hại tất cả thế gian, những loài chim bay thú chạy, loài bơi lội dưới nước đều không thoát khỏi tay của ta.

Vừa phát lời thề độc ác này xong thì ông ta lìa bất động địa sanh lên cõi Trời Hữu Đảnh phi tưởng phi phi tưởng xứ, cửa cam lồ hé mở, ruộng vườn yên tịnh. Trong tám vạn kiếp ông ở trong thanh vắng nhàn hạ. Khi phước lành hết, ông lại sanh xuống trần gian, đầu thai làm con chồn trong rừng cầy Đáp-ba, thân dài năm mươi do tuần, hai cánh một cánh rộng khoảng năm mươi do tuần, tổng cộng thân dài một trăm năm mươi do tuần. Vì mang thân lớn nên nó giết hại tất cả các loài chúng sanh bay trên không, trên đất liền và trong nước, không có loài nào mà thoát khỏi cái chết. Khi mạng chung, ông ta phải đoạ vào địa ngục Atỳ.

(Trích Sa-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa quyển ba mươi ba)

13. ĐỀ BA DIÊN NA ĐẮM NHIỄM ÂM THANH

Lúc bấy giờ đức Phật chưa xuất thế, vua Trời Đế thích thường đến chỗ tiên nhân Đề-ba-diên-na để nghe pháp. Một hôm, ông cưỡi xe báu muốn đến chỗ tiên nhân, Xá-chi thầm nghĩ:

– Hôm nay Đế thích bỏ ta muốn đi đến chỗ cung nữ khác.

Thế rồi Xá-chi liền ẩn hình trên xe của Đế thích, do không thấy nên Đế thích đánh xe đến chỗ tiên nhân. Đến nơi, ngoái đầu nhìn lui, Đế thích thấy có Xá-chi, ông hỏi:

– Vì sao ngươi đến đây? Tiên nhân không muốn nhìn thấy người nữ, ngươi hãy về cung đi.

Xá-chi không chịu đi về, Đế thích liền lấy cộng hoa sen đánh, cô liền dùng lời nói ngọt ngào của người nữ để tạ tội với Đế thích. Bấy giờ Tiên Nhân nghe thấy tiếng dịu dàng ấy khởi tâm ái nhiễm, búi tóc liền rơi xuống, mất nhĩ thông.

(Trích Sa-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa quyển ba mươi ba)

14. TIÊN NHÂN HÀNH DÂM VỚI HỔ

Ngày xưa có vị tiên nhân tên Bạt-già-bà ở trong núi Tuyết, chuyên ăn trái cây uống nước suối để sống và tu tập hạnh từ bi, nhưng ông chưa đoạn sạch được các kiết sử phiền não. Một hôm, ở chỗ của ông có một con hổ cái, vị tiên nhơn này cùng hành dâm với nó, về sau hỗ mẹ mang thai. Đủ ngày tháng, cọp đến chỗ tiên nhân, sinh ra mười hai đứa con. Thấy thương xót, tiên nhân đem con đi tắm gội và nuôi dưỡng nó, cọp mẹ thương con thường đến cho con bú đúng thời. Tiên nhân đặt tên cho mỗi đứa con của mình là:

Kiết-già, Bạt-bà-già, Hổ, Sư tử, Đảm Trọng, Bà-la-đoạ-xà, Bộ Hành, Bà-la-nô, Kiền Thực, Ác Tánh, Sư Tử Đảm, và Kiền Hành.

Năm lên bảy tuổi, chúng có thể ăn rể cây và hoa trái. Cha mẹ đều đã qua đời nên lòng các con sầu não, không nơi nương tựa, chúng ngửa mặt lên Trời kêu khóc.

Thấy thế, Thần cây mới an ủi:

– Các con đừng khóc nữa, ngày đêm sáu thời tắm gội sạch sẽ rồi hướng lên Hư không đảnh lễ cầu xin Phạm thiên. Phạm thiên nghe được sẽ đến chỗ của các con để giải trừ si ám, sẽ ban cho con trí tuệ sáng suốt và sẽ cung cấp cho các con.

Trải qua mười hai năm vâng lời dạy của Thần cây, bấy giờ Trời Đế thích, Phạm thiên ở tầng Trời thứ ba mươi ba cùng vô số quyến thuộc đến cung cấp thức ăn cho chúng và hỏi:

– Vì sao suốt mười hai năm các con tinh cần khổ hạnh, đảnh lễ cúng dường ta là để cầu xin việc gì?

Chúng đều đáp:

– Chỉ xin Đại sĩ hãy ban cho con trí tuệ để chúng con biết được nghiệp thiện ác và việc thọ khổ hưởng vui.

(Trích kinh Đại Tập quyển 24)

15. THẤY SẮC ĐẸP MẤT THẦN THÔNG

Vào thời quá khứ lâu xa về trước có vị Tiên nhân tên Bát-kiếp đắc được năm thần thông. Mỗi khi được quốc vương cúng dường, ông thường vận thần thông bay đến vương cung để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, ông lại cởi mây bay về. Mỗi lần thiết bày yến tiệc cúng dường, nhà vua thường xoả tóc cho vị Tiên nhân này bước qua rồi cũng tự tay vua sớt cả trăm món thức ăn ra đãi ông, việc làm của nhà vua kéo dài đến cả năm. Một hôm nhà vua bận công việc phải đi xa, không tiếp đãi Tiên nhân được. Ông có cô công chúa đẹp tuyệt vời, trên đời không ai sánh kịp, lúc ấy chưa xuất giá nhà vua rất yêu quý cô. Vua bảo:

– Trẫm phụng sự tiên nhân không dám trái ý, hôm nay có công việc, trẫm phải đi xa, con hãy thay trẫm thiết đãi vị ấy giống như trẫm làm vậy.

Đến giờ, vị tiên nhân từ Hư không hạ xuống, bước vào điện. Công chúa thấy vị tiên nhân này đến liền cung kính đỡ ông ngồi lên giường. Bấy giờ, tiên nhân chạm vào thân thể mềm mại của cô gái, tâm dục khởi lên mạnh mẽ, không kịp kiềm chế, vì vậy thần thông của ông biến mất. Ông ta vội tư duy và kinh hành để mong tìm lại thần thông của mình nhưng không được, bèn đi bộ ra khỏi cung. Bấy giờ trên đường có mấy nhiều người ra chiêm ngưỡng. Sau khi nhà vua xong việc trở về nghe tin tiên nhân vì khởi niệm ái nên mất thần túc không thể bay được. Đêm ấy, nhà vua một mình đến nội cung, thấy tiên nhân, ông vội đảnh lễ và nói kệ:

Trẫm nghe đại Phạm chí
Xưa nay đều cúng dường
Nhưng Ngài học những gì
Cớ sao còn sắc dục.
 
Bát-kiếp đáp:

– Đại vương, tôi thật sự làm đúng như lời Thánh nhân dạy.

Vua nói:

Không xét trí hiện có
Khéo gìn giữ chánh niệm
Giả sử khởi dục tâm
Làm sao nhiếp nghiệp xưa.

Bát-kiếp đáp:

Ái dục mất nghĩa lợi
Tâm dâm bừng khởi dậy
Nay nghe lời vua nói
Xả ngay niệm ái dục.

Từ đó Tiên nhân hổ thẹn, tự trách tâm mình, ngày đêm tinh tấn tu tập để tìm lại thần thông.

Đức Phật kết luận, tiên nhân xưa kia nay chính là Xá-lợi-phất, vị quốc vương ấy nay chính là ta.

(Trích kinh Tiên nhân Bát-kiếp)

16. TIÊN NHÂN NHIỄM ÁI DỤC BỊ DÂM NỮ CƯỠI CỔ

Ngày xưa, trong vùng núi thuộc địa phận của nước Ba-la-nại có một vị tiên nhân ẩn tu. Hôm ấy gặp rằm trung thu, ông ra ngoài tiểu tiện thì thấy hai con nai giao hợp, lòng dục của ông ta trổi dậy, tinh khí của ông chảy ra và dính trên tảng đá. Không bao lâu, nai kia đến uống nước tiểu của tiên nhân thì nó liền mang thai. Đủ ngày tháng, nai đến trước nhà tiên nhân sanh ra một người con, trên đầu có mọc sừng, chân giống như chân nai, sanh xong nai mẹ bỏ đi. Tiên nhân đi ra thấy con của nai sinh ra, ông suy nghĩ thì nhớ ra là duyên xưa của mình, ông phải bồng con vào nuôi dưỡng. Đến khi khôn lớn, ông ân cần dạy cậu học hành, thông suốt mười tám bộ kinh lớn, lại học toạ thiền, thực hành bốn tâm vô lượng, chứng được năm thần thông. Một hôm cậu bé lên núi gặp lúc Trời mưa to, đường trơn trợt, đi không vững nên trượt té, bị thương ở chân. Cậu bé nổi giận mắng rủa, trì chú khiến cho Trời ngừng mưa. Do phước đức của tiên nhân nên các vị Long vương, quỷ thần không còn làm mưa nữa, vì thế nên lúa gạo hoa màu đều phải chết khô, nhân dân đói nghèo không còn lối sống. Thấy thế, vua nước Ba-la-nại buồn lo sầu khổ, ra lệnh họp quần thần cùng nhau bàn bạc.

Trong đó có một vị đại thần rất giỏi bảo:

– Thần nghe nói có vị tiên nhân một sừng, vì leo núi bị thương chân nên ông đã trì chú khiến cho mười hai năm không mưa.

Nhà vua liền ra yết thị chiêu mộ nhân tài, nếu có ai khiến tiên nhân kia mất phép thuật thì ta sẽ chia nửa nước cho người ấy cai trị.

Bấy giờ trong nước của vua có một dâm nữ xinh đẹp tên là Thiến Đà đi đến theo lời mời của nhà vua. Cô nói:

– Nếu đó là người thì tôi có thể phá phép thuật ấy.

Nói xong, cô ta lấy mâm vàng, đựng vô số châu báu rồi thưa cùng vua:

– Tôi sẽ cưỡi thiên nhân đó đến đây.

Dâm nữ liền xin năm trăm cỗ xe chở năm trăm cô gái xinh đẹp, năm trăm xe nai chở nhiều thuốc hoan hỉ, thuốc này đều dùng các loài cỏ hợp lại chế ra, lại đem nhiều thứ rượu mạnh, màu sắc mùi vị như nước rồi đến cất ngôi nhà ở bên cạnh nhà của vị tiên nhân này, mặc áo bằng vỏ cây, đi dạo trong rừng giống như tiên nhân.

Tiên nhân một sừng đi chơi về thấy mọi người đầy đủ, các cô gái xinh đẹp đều ra hái hoa để cúng dường tiên nhân, thấy thế tiên nhân rất vui vẽ. Các cô lại dùng lời ngọt ngào chào hỏi tiên nhân rồi dẫn ông vào nhà ngồi trên nệm tốt, đem loại rượu ngon cho là nước mát, lấy thuốc hoan hỷ làm trái cây ăn. Tiên nhân ăn uống no say rồi bảo các cô:

– Từ khi ta sanh ra đến nay, ta chưa bao giờ được ăn trái cây ngọt và uống nước ngọt no say như thế này.

Các cô bảo:

– Chúng em một lòng làm thiện, cho nên Trời ban cho chúng em có được loại nước trái ngon như vậy.

Tiên nhân hỏi:

– Các cô làm sao mà da dẻ tươi tắn như thế?

– Các em thường ăn loại trái cây và nước ngọt này.

– Vậy các cô có ở lại đây không?

– Các em có thể ở lại.

Các cô gái bảo tiên nhân cùng đi tắm chung. Bàn tay cô gái mềm mại, chạm vào người ông ta, tâm ông rúng động liền hành dâm với các cô, tức thời mất pháp thuật.

Bấy giờ Trời bắt đầu mưa to, suốt bảy ngày bảy đêm, tiên nhân được thuốc hoan hỷ uống ăn bảy ngày, thức ăn và rượu cũng đã hết, cuối cùng các cô lấy nước và trái cây trong núi đưa cho ông ăn, mùi vị của nó không ngon nên ông lại đòi những món ngon lạ trước kia. Các cô cùng nhau bảo là đã hết, bây giờ chúng ta cùng nhau đi lấy, cách đây không bao xa, chúng ta có thể đến đó.

Tiên nhân nói tuỳ ý.

Họ cùng nhau dẫn đi, cách thành không bao xa, cô gái liền nằm lăn trên đất và nói:

– Em mệt quá không còn đi nổi nữa.

Tiên nhân nói:

– Nếu nàng không đi nổi thì hãy cưỡi lên cổ của ta, ta sẽ cỗng nàng đi.

Cô gái cho người báo tin trước với nhà vua, nói nhà vua tạm ra ngoài xem tài trí của tôi.

Nhà vua ra ngoài trông thấy vậy liền hỏi cô làm sao được như thế?

– Tôi dùng chút mẹo vặt chứ không có gì khác.

Nhà vua cho ông ta ở trong thành và cúng dường cung kính, đem những thứ ông ưa thích cho ông ta ăn và phong cho ông làm đại thần. Ở trong thành được vài hôm, thân hình ngày càng gầy ốm, ông liền nhớ đến thiền định, chán ngán dục lạc của thế gian này.

Thấy vậy nhà vua hỏi:

– Vì sao Ngài không vui?

– Tuy hưởng năm món dục lạc nhưng lòng luôn nhớ đến núi rừng.

– Tôi vì muốn trừ hoạn khô hạn, nào đâu giám cưỡng đoạt ý chí của Ngài. Nhà vua nói.

Nhà vua liền cho người đưa ông ta về núi. Đến nơi ông một lòng tinh tấn tu tập và không bao lâu chứng lại năm thần thông.

Đức Phất nói:

Tiên nhân xưa nay chính là ta. Dâm nữ kia nay là Thâu-đà-la.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 11)