KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 38

 

1. ƯU BA TƯ CẮT THỊT CỨU TỲ-KHEO BỊNH

Nước Tỳ-nữu-càn không có Phật pháp, dân chúng phần đông đều tin theo tà kiến. Có một phụ nữ tên Ưu-ba-tư-na (Trong luật Tăng Kỳ ghi tên là Tất-lạt-phu hay Lạt-tỳ, luật Sa Di tắc ghi là Tu-tỳ) một hôm có việc phải đến nước Xá-vệ.

Khi ấy việc triều chính đã xong, vua Ba-tư-nặc theo những vị Ưubà-tắc tín tâm đến Tinh xá nghe giảng về công đức của Phật. Vì muốn gặp Phật, Ưu-ba-tư-na đến Tinh xá Kỳ-hoàn. Phật đang giảng ngũ giới cho đại chúng, Ưu-ba-tư-na xin Phật thọ ngũ giới. Phật nhận lời và còn dạy cho cô tụng kinh Pháp Cú.

Một hôm vào nữa đêm, Ưu-ba-tư-na đang tụng kinh thì có Tỳ Samôn-Thiên vương cùng vài ngàn Dạ-xoa trên đường đến Nam phương tỳ-lũ-lặc-xoa, nghe tiếng tụng kinh liền dừng lại lắng nghe và khen:

– Ồ! pháp yếu chị tụng hay quá.

Ưu-ba-tư-na ngạc nhiên hỏi:

– Ngài là ai mà tôi chỉ nghe tiếng nói từ trên không vọng xuống chứ không nhìn thấy hình dáng.

– Tôi là quỷ vương Tỳ Sa-môn, vì muốn nghe kinh nên dừng lại trên Hư không.

– Ngài là Trời, tôi là người tại sao lại gọi nhau là chị em.

– Phật là bậc Pháp vương cũng là đấng cha lành của Trời người, cùng được nếm pháp vị từ một bậc thầy nên gọi nhau là chị em.

Nghe xong Ưu-ba-tư-na rất vui mừng. Thường ngày Ưu-ba-tư-na hay sai người ở vào rừng lấy củi. Một hôm, đang ở trên cây, thấy Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng năm trăm Tỳ-kheo đang tinh cần thiền định cách đó không xa, người lấy củi trở vế thưa với chủ. Ưu-ba-tư-na vô cùng vui mừng tháo hai chiếc vòng vàng thưởng cho người kia.

– Người ở thưa, Đức Thế tôn có gởi đến cô lời chúc tốt đẹp và nói về năm việc cần làm.

Ưu-ba-tư-na lại tháo chuỗi anh lạc quý tặng thêm. Người ấy lại thưa:

– Lúc quý Ngài rửa tay chuẩn bị thọ trai, tôi có đem lời của cô xin thỉnh hai vị tôn giả cùng năm trăm vị đệ tử, hôm nay quý Ngài sẽ đến nhà mình thọ trai.

Nghe xong, Ưu-ba-tư-na liền thả tự do và ban cho người kia nhiều châu báu. Sau đó cô bảo gia quyến cùng láng giềng chuẩn bị buổi lễ cúng dường.

Khi tôn giả cùng chư vị Tỳ-kheo đắp y ôm bát an tọa trên tòa, Ưu-ba-tư-na đến đảnh lễ, tự tay bưng nước rửa tay và dọn nhiều thức ăn thơm ngon cho quý Ngài. Sau buổi thọ trai, Ưu-ba-tư-na thưa với Ngài Xá-lợi-phất:

– Trong nhà này có một vị thần rất thân thiết với con. Khi con có việc gì cần làm thì vị ấy đều mách bảo. Ngài còn chỉ rõ đây là A-la-hán, đây là Thánh, đây là phàm, đây là người trì giới, đây là kẻ phá giới, đây là người trí, đây là kẻ ngu. Con có một người chồng và bốn đứa con, tất cả đều tin theo những điều sai quấy. Nếu thấy con cúng dường Tam bảo, giúp đỡ người nghèo khổ họ sẽ nổi giận không ưa. Nhưng con vẫn cố gắng làm lành bố thí không nản lòng và đã thành tựu quả vị Tu-đà-hoàn.

Ngài Xá-lợi-phất bảo:

– Thật là hiếm có, chiều nay đức Thế tôn sẽ đến rừng Tỳ-càn-đặc, cô nên đến gặp Phật. Bây giờ chúng tôi xin trở về.

Chúng Tăng về rồi, Ưu-ba-tư-na chuẩn bị những thứ cần dùng rồi đến chỗ Phật. Sau một vòng đi thăm chỗ ở của chúng Tăng, cô gặp một vị Tỳ-kheo bịnh nằm trong hang cỏ liền hỏi thăm bịnh của Ngài cần điều trị như thế nào.

Vị Tỳ-kheo bảo:

– Tứ đại không điều hòa, cơ thể đau nhức không chịu được,thầy thuốc bảo phải uống nước cốt thịt tươi.

Ưu-ba-tư-na liền bảo:

– Ngài chớ xin người khác, ngày mai con sẽ đem đến.

Hôm sau nhằm ngày mười lăm, ngày luật pháp của nước này không cho sát sanh. Ưu-ba-tư-na cho người đi mua thịt khắp nơi mà không có. Cuối cùng cô bảo người hầu dọn một phòng kín, cô vào trong tắm gội sạch sẽ rồi tự cắt thịt đùi của mình, tẫm vào những loại cỏ thuốc, lấy vải lụa thêu gói lại, nấu một bát canh ngon đem dâng cho Tỳ-kheo bịnh.

Tỳ-kheo uống xong thứ thuốc ấy, bịnh liền khỏi.

Hôm ấy người chồng về nhà, thấy sắc diện vợ thay đổi liền hỏi:

– Sao hôm nay mình có vẻ tiều tuỵ thế?

– Dạ em bịnh, Ưu-ba-tư-na trả lời.

Người chồng lập tức cho mời thầy thuốc đến khám bịnh cho vợ, nhưng không ai biết cô bịnh gì cả. Cuối cùng người chồng tra hỏi người hầu, cô ấy đành thuật lại sự việc. Nghe xong, người chồng tức giận ra ngả tư đường la lớn: “Sa-môn thích tử lại ăn thịt người, chẳng khác gì vua Tuấn Tuc”. Nhân đây Phật chế gới các vị Tỳ-kheo không được dùng các lọai thịt bất tịnh.

Ưu-ba-tư-na áy náy kể lại nguyên nhân mình tự cắt thịt rồi bảo với chồng:

– Nếu mình thương tôi thì có thể thỉnh Phật cùng chúng Tăng đến nhà mình thiết lễ cúng dường, đó là một việc làm tốt. Nếu không được như vậy tôi sẽ tự vẫn.

Người chồng thương vợ nên vào rừng thỉnh Phật hôm sau đến nhà thọ trai.

Hôm sau, tại nhà Ưu-ba-tư-na, sau khi cùng chúng Tăng an tọa, Phật hỏi Ưu-ba-tư-na đâu, người chồng đáp bịnh. Phật bảo hãy gọi cô ấy ra. Người chồng vào phòng bảo Ưu-ba-tư-na:

– Thầy của mình cho gọi mình đến.

– Em đau quá không thể đứng dậy được, Ưu-ba-tư-na trả lời.

Phật liền bảo Ngài A-nan vào giúp cô ấy. A-nan vào bảo với Ưuba-tư-na Phật cho gọi cô đồng thời nâng luôn cả chiếc giường có Ưu-batư-na đang nằm đến chỗ Phật. Vừa nhìn thấy ánh hào quang của Phật, Ưu-ba-tư-na khỏi bịnh, bình phục như trước (Luật Tăng kỳ ghi, Tỳ-kheo nhập định từ tâm, vết thương liền lành). Cô đứng lên đảnh lễ Phật. Phật thuyết pháp, cô nghe xong chứng quả A-na-hàm, chồng cô cùng quyến thuộc từ bỏ những điều sai quấy, thọ năm giới, làm đệ tử Phật. (Trích kinh Ưu-ba-tư-na và kinh Hiền Ngu)

2. PHƯỚC BÁU CHÍ TÂM CÚNG PHẬT

Ở thành Duy-da-li có một người nữ tên A-phàm-hòa-lợi. Một hôm nghe Phật đến giáo hóa, cô vui mừng cùng với năm trăm người nữ đến đảnh lễ. Nghe Phật thuyết pháp, tâm được khai ngộ. Cô liền xin thỉnh Phật ngày mai đến nhà cúng dường trai diên. Khi ấy năm trăm trưởng giả trong thành cũng đến thỉnh Thế tôn cúng dường. Phật bảo ngày mai đã nhận lời thỉnh của A-phàm-hòa-lợi.

Các trưởng giả liền bảo với A-phàm-hòa-lợi:

– Phật là đấng chí tôn nay đến đây giáo hóa, chúng tôi phải được cúng dường Ngài trước. Quý cô hãy đình ngày cúng của mình lại.

A-phàm-hòa-lợi bảo:

– Quý Ngài chớ đem sức mạnh cùng thế lực của mình để lánh áp hàng nữ lưu yếu đuối chúng tôi. Nếu như quý Ngài có thể thỏa mãn bốn mong muốn của tôi thì chúng tôi sẽ nhường cho quí Ngài cúng dường trước. Một là khiến cho tâm tốt của tôi không thay đổi, hai là khiến cho tôi sống lâu không chết, ba là khiến cho tài sản của tôi không bị hao hụt, bốn là khiến cho Phật ở lại đây lâu.

Các vị trưởng giả bảo:

– Hay lắm, nay cô đã có thể ngộ được lý vô thường. Những điều mong cầu của cô chúng tôi không thể làm được nên bằng lòng để cho cô cúng dường trước.

Nhưng trong số các trưởng giả có một vị trẻ tuổi cảm thấy bị sĩ nhục khi phải cúng dường sau các cô kia nên khăng khăng không chịu nhường. Cậu ta liền ra lịnh cho người quản lý bãi chợ không cho mua bán gì cả.

Hôm ấy A-phàm-hòa-lợi sai người đi mua sắm thức ăn, chẳng mua được gì cả. Nhưng lạ thay khi mở kho ra thì trong ấy có đầy đủ các thức ngon vật lạ, chỉ thiếu than củi, song đã có dầu, sáp và bạch lạp thay thế. Cậu thanh niên kia lại ra lịnh không ai được ra khỏi thành thưa thỉnh Phật. A-phàm-hòa-lợi liền cho chim anh vũ đi thỉnh Phật đến thọ trai. Trưởng giả kia biết được, đem cung tên bắn chim, nhưng nhờ thần lực của Phật, mũi tên biến thành đóa hoa. Anh vũ thóat nạn bay đến Tinh xá thỉnh Phật cùng chúng Tăng. Lúc Phật vừa đặt chân đến cửa thành, Trời đất chấn động. Năm trăm trưởng giả, A-phàm-hòa-lợi và năm trăm người nữ mắt thấy tai nghe việc ấy đếu đắc pháp nhãn tịnh, xin Phật thọ trì năm giới.

(Trích kinh Trung Bổn Khởi quyển hạ)

3. PHƯỚC BÁU XÂY THÁP

Trưởng giả Tu-đạt ở nước Xá-vệ sanh được một đứa con gái út xinh đẹp nên rất yêu quý, đặt tên là Tô-man.

Một hôm trưởng giả dẫn Tô-man đến thăm Phật. Vừa nhìn thấy Phật, Tô-man vô cùng vui mừng, muốn đem hương thơm bôi vào thất của Phật. Khi ấy trong tay của Tô-man có quả Tân bà lạc, Phật xin, Tôman liền cho. Phật viết lên đó chữ hương rồi trả lại cho Tô-man.

Tô-man cùng cha trở về thành tìm mua, tùy theo số lượng Phật cần đem đến Tinh xá Kỳ-hoàn, đích thân đâm giã mỗi ngày.

Một hôm, vua nước Đặc-xoa-hòa-lợi sai thái tử đến xem xét nước Xá-vệ. Khi đến Tinh xá Kỳ-hoàn, thấy Tô-man xinh đẹp, thái tử liền xin cưới làm vợ.

Một thời gian, Tô-man mang thai, đến ngày cô sanh ra mười quả trứng. Sau đó mười quả trứng vỡ, xuất hiện mười cậu bé xinh đẹp khỏe mạnh khác thường. Nhưng lớn lên, cả mười cậu bé đều thích ra đồng săn bắn. Tô-man dạy con chớ làm như thế. Các cậu bé liền thưa:

– Săn bắn vui lắm mẹ ơi, nay mẹ ngăn cấm chắc là mẹ ghét chúng con rồi.

Tô-man bảo:

– Vì thương các con nên mẹ mới ngăn cản. Còn nếu ghét thì trọn đời mẹ không nói những lời này. Tội giết hại sinh mạng phải đọa vào địa ngục, không biết đến lúc nào mới có cơ hội thoát khỏi.

– Mẹ ơi, đây là những lời từ trong lòng mẹ thốt ra hay mẹ đã được nghe ai đó nói.

– Đó là những lời mẹ đã từng nghe Phật dạy.

– Ngài là người như thế nào, mong mẹ hãy kể về Ngài cho chúng con nghe.

– Ngài vốn là thái tử con vua Tịnh Phạn nước Ca-duy-la-việt. Vì nhàm chán sự sinh già bịnh chết nên xuất gia học đạo, chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Thân Ngài cao một trượng sáu, Tam minh, Lục thông đều thông suốt.

Những người con xin mẹ đến đảnh lễ Phật. Tô-man đồng ý dẫn con đến Tinh xá Kỳ Hòan đảnh lễ Phật. Được nghe Phật thuyết pháp, mười cậu bé đều đắc pháp nhãn tịnh, liền xin Phật xuất gia. Phật nhận lời, râu tóc các cậu đều rụng, pháp y mặc vào thân, siêng năng tu tập và đều đắc quả A-la-hán, dứt hết khổ đau trong đường sanh tử.

Phật dạy:

– Cách đây chín mươi mốt kiếp có Phật Tỳ-bà-thi ra đời. Sau khi

Phật nhập Niết-bàn, hàng đệ tử phân chia Xá-lợi xây dựng vô lượng tháp cúng dường. Năm tháng trôi qua, một ngôi tháp bị hư họai. Một bà lão thấy vậy phát tâm tu sửa. Một hôm có mười cậu thanh niên tình cờ đi ngang đây, thấy bà lão đang sửa tháp liền vui mừng cùng nhau phụ giúp cho đến khi hoàn thành và cùng phát nguyện làm mẹ con của nhau. Từ đó đến nay trải qua chín mươi kiếp, dù ở cõi Trời hay nhân gian, họ đều sanh chung làm mẹ con cùng hưởng phước báu an vui. Bà lão lúc ấy nay là Tô-man, mười thanh niên nay là mười vị A-la-hán.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 13)

4. NGƯỜI MẸ MẤT CON ĐƯỢC NGỘ ĐẠO

Một hôm, Phật ở vườn Cấp-cô-độc nước Xá-vệ. Trong nước có một phụ nữ sống cô độc nuôi một đứa con thơ, nhưng rồi đứa con duy nhất ấy cũng sớm bỏ cô ra đi. Cô buồn khổ khóc than, ôm thi thể con đi lang thang khắp nơi kêu cứu như người điên dại. Đi ngang Tinh xá Kỳ-hoàn, nghe nói Phật là bậc Thánh chí tôn của cả Trời người, có khả năng giảng giải đạo lý khiến cho người khác dứt buồn hết khổ, cô liền vào đảnh lễ, xin Phật tháo gở khổ đau cho mình. Phật bảo:

– Cô hãy mau vào thành, đi khắp các đường xem nhà nào ba đời không có người thân mất thì hãy xin họ ngọn lửa mang về đây, ta sẽ làm cho đứa bé sống lại.

Cô ấy vâng lời, vào thành hỏi thăm khắp nơi nhưng cuối cùng đành tay không trở về.

Phật bảo:

– Hễ đã là người sanh ra ở cõi đời này thì có bốn việc không thể tồn tại lâu: Nói đến thường thì ắt có vô thường, giàu sang thì ắt có lúc ngèo khổ, xum họp thì có lúc phải biệt ly, mạnh khỏe thì có lúc phải chết. Tại sao nay cô không tự lo cho mình, không tu tập bố thí, trì giới, tập ăn chay một tháng sáu ngày, tùy theo khả năng của mình giúp đỡ bố thí cho người nghèo khổ.

Cô gái thưa:

– Nay tình thương con dành cho đứa con này đã ăn sâu vào xương tủy, không còn tiếc gì đến thân mạng mình.

Phật muốn khai ngộ cho cô gái nên biến ra bốn hầm lửa lớn vây quanh cô. Khi ngọn lửa nóng táp vào thân, cô liền đưa thi thể con ra chắn lửa cho mình. Thấy vậy Phật liền bảo:

– Lúc nảy cô tự nói tình thương dành cho con đã ăn sâu vào xương tủy, thà bỏ thân mình chứ không để mất con. Giờ bị lửa bức bách, đau đớn khôn cùng thì phải nên hứng chịu một mình, sao lại đem thi thể con ra ngăn che cho mình. Đây chỉ là ngọn lửa nhỏ ở nhân gian không đáng nói, lửa dữ đốt nóng vô cùng trong địa ngục mới đáng sợ. Súc sanh khổ vì ngu si, ngạ quỷ khổ vì đói khát. Người có khả năng đem lại lợi lạc cho mình nên tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục để không bị rơi vào cảnh giới địa ngụ, ngạ quỷ khổ đau, được thọ hưởng phước báu cõi Trời người, từ từ tiến lên cảnh giới giải thoát an vui.

Cô gái nghe xong tự quở trách sai lầm của mình, buông bỏ tình luyến ái, dứt hết phiền não cấu uế, chứng quả Tu-đà-hoàn.

(Trích kinh Xuất Diệu)

5. NĂNG LỰC CỦA PHẬT

Có một gia đình từ Thiên Trúc đến nước Xá-vệ sinh sống. Người vợ sanh được hai đứa con, khi đứa con đầu được bảy tuổi, đứa con nhỏ còn bồng trên tay thì người mẹ lại mang thai. Đã gần đến ngày sanh, hai vợ chồng chuẩn bị một chiếc xe cùng hai con trở về quê hương, vì theo tập tục của nước Thiên Trúc, khi người phụ nữ sanh con thì phải trở về nhà cha mẹ mình.

Đi đến thành Xá-vệ, hai vợ chồng dừng lại bên đường cho trâu nghỉ. Khi ấy một con rắn độc từ đâu bò đến quấn vào chân trâu, khiến nó phải bứt dây vùng chạy. Người chồng đến cứu trâu, con rắn kia liền buông trâu ra, quay lại cắn người khiến cho người chồng chết ngay tại chỗ. Người vợ trông thấy kinh hãi gào khóc.

Trời sắp tối, còn cách nhà không bao xa có một con sông chắn ngang. Sợ Trời tối sẽ gặp giặc cướp nên cô ấy liền bỏ xe lại dẫn hai con đi. Đến bờ sông, cô để đứa lớn ở lại trên bờ còn mình bồng đứa nhỏ lội qua sông. Nhưng mới đến giữa dòng thì ở đâu một con cọp lao đến vồ lấy đứa bé trên bờ, nghe tiếng con gọi mẹ thét lên, cô quay lại nhìn lên bờ. Quá kinh sợ, bất giác cô buông tay, đứa bé đang bồng rơi luôn xuống sông và trôi theo dòng nước đang chảy mạnh. Cô càng thêm đau khổ, tâm chí tán lọan. Lại do vì ngâm mình lâu trong nước nên đứa con còn mang trong bụng cũng bỏ cô ra đi. Cuối cùng cô một mình lội qua sông, thất thiểu về nhà. Trên đường đi, cô hỏi thăm mọi người về cha mẹ mình, thì có người bảo trongmột lần sơ ý để xảy ra hỏa hoạn, cả nhà cô đều chết cả. Cô lại hỏi thăm gia đình cha mẹ chồng thì được biết họ đều đã bị giặc cướp giết hại.

Buồn đau quá độ, cô mê muội không còn biết gì, khỏa thân chạy điên dại. Người đi đường trông thấy lấy làm quái lạ, cho là cô bị bịnh tà. Cứ như vậy, cô tình cờ đi đến Tinh xá, gặp lúc Phật đang thuyết pháp cho chúng hội. Vừa thấy Phật, tâm ý cô liền định tỉnh trở lại, không còn đau buồn. Tự nhận ra mình đang trần truồng, cô hổ thẹn phủ phục xuống đất. Phật bảo Ngài A-nan lấy y cho cô. Cô nhận y, đắp lên mình một cách chí kính. Sau đó Phật giảng kinh, chỉ cho cô thấy rõ nhân quả tội phước. Cô nghe xong, phát tâm Vô thượng, dự vào hàng bất thối, khổ đau tiêu tan như mặt Trời ra khỏi mây đen. (Trích kinh Phụ Nhân Ngộ Cô và kinh Hiền Ngu)

6. BÀI PHÁP VI DIỆU

Ở nước Bùi-phiến-xà có một phụ nữ tên Đề-vi thuộc dòng Bà-lamôn. Nhà cô giàu có, nhưng chồng mất sớm khi chưa có con. Từ đó cô sống đơn độc nghèo khổ không nơi nương tựa. Theo quy luật của Bàla-môn, nếu một người buồn chán muốn tự thiêu thì các Bà-la-môn sẽ cùng nhau đến giáo hóa khiến cho người ấy được sanh lên cõi Trời Nala-diên như mong ước. Người ấy phải thỉnh đủ một trăm vị Bà-la-môn thiết lễ cúng dường ăn uống, rồi cúng cho mỗi vị một con trâu cái và một con trâu nghé, phải đem của cải trong nhàra cúng dường cho năm trăm vị Bà-la-môn. Sau đó ra sông Hằng tự thiêu, những Bà-la-môn ấy sẽ chú nguyện khiến cho tất cả tội nặng nhẹ của người kia cùng lúc tiêu tan hết. Sanh ra đời sau, lục thân quyến thuộc đều được trường thọ, sung sướng vô cùng.

Đề-vi muốn tự thiêu nên tuân theo quy luật kia. Lúc cô đang chặt củi chuẩn bị tự thiêu thì có một vị Sa-môn tên Bát-đề-bà (Đời Lương dịch là Biện Tài), một người tinh tấn trì giới, có trí tuệ hiểu biết rộng, thường đem lòng từ giáo hóa dân chúng khiến cho họ bỏ tà quy chánh, bỏ ác làm lành, đến hỏi cô dùng củi làm gì.

Đề-vi đáp:

– Tôi muốn dùng củi tự thiêu để mong diệt trừ tội lỗi.

Biện Tài bảo:

– Tất cả những tội nghiệp do thân tạo trước đây đều tùy thuộc vào tinh thần, không can dự gì đến thân cả. Nay cô tự thiêu chỉ là uổng phí thân, đâu thể diệt trừ được cái tội do thân đã tạo ra. Hễ tâm nghĩ thiện thì thân sẽ thọ quả báu thiện, tâm nghĩ ác thì thân thọ quả báu ác. Những quả báu khác cũng như vậy. Tại sao lại đem cái nhân khổ đau để mong cầu diệt trừ tội lỗi, mong cầu quả báu tốt đẹp. Không cần thiết phải mong cầu như vậy, vì đối với lý không đúng. Cũng giống như có người bịnh đang bị những cơn đau hành hạ, lại gặp người xấu đến chửi mắng, đánh đập. Khi ấy cho dù có tâm tốt, người bịnh ấy có thể giữ tâm bình thản được không.

– Dạ việc ấy chỉ làm cho người bịnh ấy phẫn Uất-đau khổ hơn thôi.

– Nay cô cũng như vậy, chỉ vì những tội nghiệp do thân đã làm mà cô thiêu thân. Lúc lửa dữ bừng lên, thân thể bị thiêu đốt, hơi thở chưa tắt, tâm chưa tan hoại, trong lúc ấy, thân tâm đều bị lửa đốt. Thần thức chưa rời thân nên phải chịu sự đau đớn khôn cùng. Sau khi chết đi sanh vào địa ngục, đau đớn càng nhiều hơn gấp trăm ngàn vạn lần.

Lại cũng giống như trâu kéo xe mà lại không ưa chiếc xe mình đang kéo. Nó muốn làm cho xe hư, nhưng khi nó cố sức làm cho phần trước của xe bị hư thì phần sau của xe lại đè lên nó. Cũng như cô, nay tội báu chưa hết mà hủy thân thể thì cho dù có bỏ trăm ngàn vạn thân, nhân duyên tội nghiệp vẫn tương tục không dứt. Giống như trong một ngày ở địa ngục A-tỳ, một người chịu tội phải tám mươi lần chết đi sống lại, trải qua một kiếp như vậy tội mới hết. Huống gì nay cô chỉ một lần thiêu thân mà mong diệt hết tội.

– Vậy xin Ngài hãy dạy cho tôi phương pháp diệt tội.

– Cô nên biết, tâm niệm trước tạo tội như mây che mặt trăng. Tâm niệm sau khởi điều lành như ánh đuốc xua tan bóng tối. Nguồn gốc gây nên tội là do ý chủ đạo khiến cho thân, khẩu gây nên mười điều ác. Nay phải một lòng chí thành sám hối, sửa tà quy chánh, bỏ thân này thọ thân khác cho đến khi thành Phật.

Biện Tài trao cho Đề-vi gìn giữ mười điều lành. Đề-vi vui mừng vâng giữ, đồng thời chuẩn bị thức ăn cùng trân báu cúng dường và thỉnh Biện Tài ở lại giáo hóa.

Biện Tài bảo:

– Cô đã vâng giữ mười điều lành, đó chính là pháp lữ của cô, với lại cô hãy lấy việc dạy người khác để thể hiện sự báo ân. Cô đã nhận được chân lý rồi, tôi không nên lưu lại, vì tôi còn phải đi giáo hóa nơi khác.

Nói rồi Biện Tài từ giã ra đi, không hề nhận một món cúng dường nào.

(Trích kinh Tằng Hữu quyển hạ)

7. TIỀN THÂN CỦA PHẬT

Có một cô gái mang thai đã được mấy tháng. Một hôm gặp Phật cùng chúng Tăng, cô phát nguyện sau khi sanh xong sẽ đi xuất gia làm Sa-môn. Nhưng sau khi sanh, cô yêu thương con quá, không làm theo nguyện xưa. Năm đứa bé được bảy tuổi, cô bỗng nhiên tỉnh ngộ trở lại liền chuẩn bị thức ăn cho hai người, ba pháp y, rồi ôm bình dẫn con đến gặp Phật và thưa:

– Xin Phật thương xót cho con của con cũng được làm Sa-môn, về sau đắc đạo có thân tướng giống như Phật.

Được Phật nhận lời, cô lấy nước tắm gội cho con. Đúng ngay lúc ấy có chín con rồng từ trong bình xuất hiện phun nước tắm cho đứa bé. Tắm xong còn ít nước sót lại, cô gái rưới lên đầu đứa bé, nước ấy liền hóa thành lộng hoa, tràng phan báu che cho đứa bé. Đồng thời trên tòa báu có chư Phật hiện ra. Chư Phật mỉm cười phóng ra hào quang năm màu chiếu khắp mười phương cõi Phật. Sau đó hào quang ấy trở lại chiếu quanh thân Phật rồi biến vào đỉnh đầu đứa bé.

Khi ấy ngưòi mẹ bước lên dâng cơm cúng dường Phật và cho con mình ăn. Đứa bé liền phát tâm Vô thượng Bồ-đề, mười ức cõi Phật đều chấn động sáu cách, các cõi nước của chư Phật đều tự hiện ra. Phật đem phần cơm của cô gái cúng dường chia cho chư Phật và chư vị Tỳ-kheo. Tất cả đều được no đủ mà phần cơm vẫn còn nguyên. Cô gái cùng Chư thiên vui mừng đều đắc quả A-việt-trí. Khi ấy tóc rơi xuống, đứa bé trở thành vị Sa-môn, dự vào hàng bất thối. Đứa bé ấy chính là thân ta.

(Trích kinh Quá Thế Phật Phân Vệ)

8. NĂNG LỰC CỦA LÒNG THÀNH

Phật ở tại Tinh xá Kỳ-hoàn, vua Ba-tư-nặc cho đốt đèn khắp trong Tinh xá rộng một trăm sáu mươi dặm để cúng dường Phật cùng chúng Tăng. Dân chúng tranh nhau đến xem rất đông.

Khi ấy, Nan-đà, một cô gái nghèo khổ không một túp lều dung thân, thấy cảnh nhộn nhịp ấy liền hỏi thăm mọi người mới biết được việc vua Ba-tư-nặc dùng cả ngàn hộc dầu đốt đèn cúng dường Phật. Cô tự trách mình vì nhân duyên gì mà nghèo khổ đến thế này. Sau đó cô vào phố, đến từng nhà xin được một ít thức ăn tạp nhạp và muốn bán thức ăn này để mua đèn. Sau đó cô bán được một đồng rồi đến quán mua dầu. Chủ quán hỏi cô đem một đồng dầu này làm phước đức gì. Khi nghe Nan-đà đáp muốn đốt đèn cúng Phật, chủ quán vui mừng lấy một ngọn đèn đầy dầu tặng cho cô. Cô gái nghèo vui mừng nhận lấy rồi đi nhanh đến Tinh xá Kỳ-hoàn.

Hôm ấy Phật bảo A-nan:

– Hôm nay có một vị đại trưởng giả tạo phước Vô thượng, nhưng không thể tự vào, con hãy ra mở cửa và dẫn người ấy vào đây.

Vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy như thế liền suy nghĩ: “Trong nước Xá-vệ này ta là người tôn quý hơn cả. Người cúng dường hôm nay há hơn cả ta ư? Tại sao Phật không khen ngợi ta mà lại khen vị trưởng giả ấy”.

Một lát sau Ngài A-nan dẫn cô gái nghèo đến chỗ Phật. Cô đốt lên ngọn đèn mình mang theo và ở trước Phật phát nguyện lớn vì tất cả chúng sanh cầu tri kiến Phật, khiến cho ánh sáng trí tuệ này tỏa khắp mười phương, làm tiêu tan chốn ác đạo tối tăm. Nguyện xong cô trở về.

Sáng hôm sau, tôn giả Mục-liên ra ngòai kiểm tra các ngọn đèn thì thấy cây đèn củA-nan-đà vẫn còn cháy, nên vội thổi đi, nhưng thổi hoài vẫn không tắt. Ngài liền vận thần lực đem nước của năm sông Hằng tưới lên, dùng gió mạnh thổi, đèn cũng không tắt. Ngài tìm đủ mọi cách, dùng hết thần lực của mình nhưng cũng không sao tắt được ngọn đèn ấy. Ngài cảm thấy sợ hãi.

Phật bảo Mục-liên:

– Người đốt ngọn đèn này có tấm lòng rất ân cần tha thiết, cho nên đèn vẫn cháy hoài như thế. Giả sử các vị A-la-hán như Xá-lợi-phất … cùng với Bích chi Phật đem công đức thần lực của mình cũng không thể dập tắt được ngọn đèn này, nếu có sai chim chúa Sí điểu lấy nước biển lớn đổ xuống cùng với chúa sư tử gầm thét lao đến mong dập tắt đèn cũng không thể đươc.

Khi mặt Trời đã lên, Nan-đà đến Tinh xá xem ngọn đèn hôm qua mình đã đốt. Thấy đèn chưa tắt, ánh sáng không hề giảm bớt, cô vô cùng vui mừng đến đảnh lễ Phật. Phật biết tâm cô mong cầu quả vị Vô thượng Bồ-đề, nên từ miệng, Phật phóng ra ánh hào quang năm màu rồi lần lượt giảng về giáo lí Tam thừa. Khi Phật trao pháp Thánh văn, pháp Bích chi Phật, pháp Bồ tát cho Nan-đà thì ánh hào quang của Phật lần lượt chiếu vào đỉnh đầu, vào khỏang giữa hai chân mày, vào hai mắt của cô.

Phật cười, ánh hào quang trong miệng Phật tỏa ra chiếu lên đến cõi Trời Ba mươi ba, tất cả chúng sanh đều thấy biết. Sau đó ánh hào quang trở lại, xoay quanh Phật ba vòng rồi biến mất vào miệng của Phật.

Khi ấy Ngài A-nan hỏi nhân duyên, Phật bảo:

– Này A-nan, cô gái đốt đèn cúng dường hôm nay nhờ công đức này mà sau khi mạng chung cô sẽ được chuyển thân nữ thành thân nam.

Từ nay về sau trải qua hai mươi kiếp không đọa vào đường ác, được sanh lên cõi Trời, lần lượt làm đến Kim luân vương. Sau hai mươi kiếp sẽ chứng quả vị Phật hiệu là Mạn-đà-ưu-ha.

(Trích kinh Bần Nư Nan-đà)

9. ĐỒNG NỮ TÁM TUỔI NGỘ ĐẠO

Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, trong nước có Thiện tín, con gái của một vị trưởng giả. Mới tám tuổi cô đã là một cô bé hiếu thảo, có lòng yêu thương, trí tuệ sâu rộng hơn người. Còn nhỏ mà đã có nguyện lớn, không thích can dự đến những chuyện thế tục, thường ngồi suy tư về sự vô thường biến đổi của vạn vật, tất cả rồi cũng đều đi đến sự hoại diệt. Người có sống đến vạn năm rồi cũng phải chết. Trời đất còn bị hủy hoại huống gì thân người. Đến khi mình phải lãnh chịu, những lầm lỗi ấy thật không thể nói sao cho hết. Sau khi chết thần hồn rơi vào đường ác, đau khổ thống thiết, một mình mình chịu, không biết nhờ đâu để thóat khỏi.

Rồi trong cuộc sống hằng ngày, bỗng nhiên chúng ta khởi lên sân giận, sợ hãi, lo buồn, có khi lại vui mừng sung sướng. Những hiện tượng thay đổi bất thường này chúng ta không nhận ra được lúc nó đến và cũng không biết sau đó nó đi về đâu. Nhưng chúng cứ đến đi không hề dừng nghỉ. Vậy mà cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc của ta không biết đâu là tội phước nên cứ tham muốn không biết chán. Ta mới lên ba lên năm đả hứa gả cho người nam khác. Anh em bà con tổ chức tiệc tùng rượu thịt, nhận lễ vật cầu hôn. Rồi mai đây ta phải đến nhà người ta gánh chịu những khổ đau, bị ràng buộc, lệ thuộc không thể tự do. Nay ta phải làm sao đây? Vì cái vòng sanh, già lẩn quản đâu trừ ta ra. Nay còn trong trắng, phải phát nguyện cao xa, tìm kiếm sự an ổn cho riêng mình. Ở trong cung điện có nhiều thứ vui chơi cũng có thể thỏai mái an vui được rồi, không nên dẫm lên bùn nhơ, để phải rơi vào ba đường ác. Nếu không thấy được ánh sáng trí tuệ thì sẽ đau khổ mãi mãi.

Nghĩ rồi cô bé chí tâm thệ nguyện: “Tôi nguyện đem thân mạng này quy y Phật, Pháp, Tăng, có thần linh chứng biết cho lòng thành của tôi”.

Khi ấy, một vị Thiên thần trên Hư không hiện ra, bảo với Thiện Tín nếu muốn tự quy về cõi nước an ổn thanh tịnh ở phương tây thì trước hết nên hướng về mười phương đảnh lễ. Với lòng kính tin tha thiết, chắc chắn nguyện của cô sẽ thành.

Nói xong vị thần biến mất, Thiện Tín rất vui mừng liền vội tắm gội rồi đốt hương, rải hoa hướng về mười phương chắp tay đảnh lễ và nghĩ đến mọi người. Khi ấy vị Thiên thần lại hiện ra bảo:

– Cô nên hướng về phương tây đọc bài tụng này để khen ngợi Phật A-di-đà.

Thiện Tín liền hướng về phương tây làm như lời vị thần bảo. Khi ấy Trời đất chấn động, những chúng sanh gặp tai nạn khổ đau đều được thóat khỏi. Người đang bịnh được lành, khổ đau, lo buồn đều tiêu tan hết. Ai cũng được yên ổn an vui. Người mù được sáng mắt, người điếc nghe được, người câm ngọng có thể nói được. Người ác trở nên hiền lành, người chưa có lòng tin dều sanh lòng tin. Người hay phi nhân cầu mong gì cũng được như nguyện.

Sau khi đốt hương và đọc bài tụng, Thiện tín, chí tâm, nhắm mắt theo dõihơi thở, quán niệm về thân. Khi ấy Đế thích hóa làm một thanh niên đẹp trai chừng mười tám mười chín tuổi, tay đeo vòng vàng đến trước Thiện Tín dùng những lời khen ngợi, tán tỉnh mong lung lạc lòng cô. Thiện Tín nhất tâm dùng những lời thẳng thắn ngay thật trả lời, cô quở trách những sai quấy giữa nam và nữ. Đế thích hiện lại nguyên hình, vui mừng chắp tay hỏi thăm cô vì mong cầu điều gì mà làm những việc thế gian không ai làm được, xin hãy trình bày cho ông cùng nghe.

Thiện Tín nghe Đế thích khen ngợi càng thêm tin tưởng và vui mừng. Khi ấy, qủa đất lại chấn động, Nan-đà liền nói lại bài kệ và phát nguyện phụng thờ Phật pháp. Đế thích nghe xong vui mừng biến mất.

Thiện Tín đốt hương tự quy y chư Phật. Khi ấy Phật cùng đại chúng đều vận thần thông bay đến nhà Thiện Tín. Cha mẹ, anh em cùng bà con quyến thuộc của Thiện Tín thấy Phật bay trên Hư không thì đều rất vui mừng. Thiện Tín đến đảnh lễ và nhiễu quuanh Phật một trăm vòng. Phật mỉm cười, vô số ánh hào quang phát ra. Phật thuyết pháp, ánh hào quang xoay quang Phật một trăm vòng rồi trở vào đảnh đầu của Phật.

Phật trao hai mươi bốn giới cho Thiện Tín rội bảo: “Đây là ba ngàn tám trăm hai mươi bốn giới, là những hạnh cao cả của một vị Ưu bà di trong giáo pháp của ta.

Thiện Tín vui mừng, lần lượt đắc bảy trụ, ở trước Phật chuyển thân gái thành thân trai. Cha mẹ anh em của cô đều thọ ngũ giới. (Trích kinh Thiện Tín Ma Chúc)