KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 37

 

CHƯƠNG ƯU-BÀ-TẮC

1. SA-MÔN ỨC NHĨ VÀO BIỂN THẤY ĐỊA NGỤC

Tại nước A-thấp-ma-già A-bàn-địa có vị vua một tụ lạc tên TátBạc. Trong nước, có cư sĩ rất giàu, của báu nhiều vô số, chỉ thiếu con cái mà thôi. Vì thế, ông cầu khẩn thần linh nhưng không được toại ý. Đến lúc được có con, người vợ biết mình mang thai. Bà ta lợi căn có bốn trí bất cộng:

  1. Biết người nam yêu mình
  2. Biết người nam không yêu mình
  3. Biết mình mang thai
  4. Biết đứa con do ai ban cho.

Bà ta báo tin cho cư sĩ. Cư sĩ rất vui mừng. Khi đủ tháng, bà sinh ra một bé trai tai đeo khoen vàng. Đứa bé rất xinh đẹp, ai thấy cũng vui thích. Cư sĩ mời các vị Bà-la-môn đến nhà xem tướng đứa bé, thầy tướng bảo:

– Đứa bé này thật có phước đức oai lực, nên đặt tên cho đứa bé hai chữ Nhĩ Hoàn; và vì đời trước đã xuất gia nên gọi là Sa-môn Nhĩ Hoàn. Việc đáng giá không phải thế gian làm được có đến một ức nên đặt tên là Sa-môn Ức Nhĩ.

Cậu bé được năm người mẹ nuôi nấng, bảo bọc:

  1. Mẹ lo việc bồng ẵm
  2. Mẹ lo tắm rửa
  3. Mẹ lo bú mớm
  4. Mẹ lo việc dạy dỗ. Mẹ đùa giỡn giúp vui.

Đứa bé này có phước lực, lại chóng lớn. Cư sĩ liền dạy cho nó văn chương toán số. Nó biết rõ giá trị đồ vật đắt rẻ. Nơi tụ lạc này có nhiều khách buôn ghé đến. Mọi người khắp nơi đến tụ lạc hỏi: Nơi đây, ai là người có đức sâu dày có thể chỉ dạy chúng tôi những điều thiệc ác.

Mọi người chỉ Sa-môn Ức Nhĩ. Các khách buôn liền đến đấy, nhận làm chủ nhân. Các khách buôn này thấy Sa-môn Ức Nhĩ có oai lực lớn, nghĩ rằng: Nếu Sa-môn này đóng vai Tát Bạc dẫn nhiều người đi biển, chắc chắn sẽ được an ổn trở về, nên họ thưa:

– Bạch Sa-môn Ức Nhĩ! Sao Ngài không đi biển lớn?

Ức Nhĩ đáp:

– Ta đi biển lớn làm gì? Ngoài biển có biết bao cái đáng sợ. Trăm nghìn người đi, chỉ một người trở về thôi.

Các khách buôn dùng lời khích lệ Ức Nhĩ, nói:

– Biết bao nhiêu người nhờ Ngài mà được sống còn.

Ức Nhĩ nhận lời; khi sắp đi, đến từ giã cha mẹ, Ức Nhĩ trình bày ý muốn đi biển của mình. Cha mẹ Ức Nhĩ muốn giữ con ở lại nên nói toàn những việc ghê sợ để khiến Ức Nhĩ đổi ý, nhưng Ức Nhĩ không chịu nghe lời. Cha mẹ ông liền bảo các nhà quý tộc giúp mình giữ Ức Nhĩ ở lại. Bấy giờ, các quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều giúp ông bà ngăn giữ, rốt cuộc Ức Nhĩ vẫn không nghe theo. Cha mẹ biết ý con đã quyết nên thuận cho đi. Thế là Ức Nhĩ cưỡi voi, rung chuông, thông báo cho khắp tụ lạc:

– Sa-môn Ức Nhĩ sắp đi biển lớn. Ta là Tát bạc, ai muốn đi theo thì đi.

Ức Nhĩ có phước đức, năm trăm khách buôn đều vui lòng đi theo.

Sửa soạn thuyền xong, cho hạ thủy. Mỗi ngày cắt đứt một sợi dây. Đến ngày thứ bảy gặp gió Y-lặc (đời Lương dịch là: Tùy hảo phong) cắt đứt sợi dây thứ bảy, thuyền trôi đến chỗ cồn báu nhanh như tên bắn. Ức Nhĩ bảo các khách buôn lấy châu báu chất đầy thuyền, đừng cho quá nặng. Lại gặp gió Y Lặc thổi đến, thuyền lướt nhanh hơn tên bắn, về hướng tụ lạc của vua Tát-bạc ở cõi Diêm-phù-đề. Có hai con đường. Sa-môn Ức Nhĩ hỏi các khách buôn muốn đi đường nào, mọi người đều nói:

– Nên đi đường bộ.

Đêm đến, đoàn ở nơi đầm trống. Ức Nhĩ nói với các khách buôn:

– Ta thường nghe nói bọn giặc hay tới cướp các khách buôn. Nếu chúng giết Tác-bạc trước thì các khách buôn không biết phải làm thế nào. Nếu chúng không giết người dẫn đường thì phải nhờ vào tiền vật, hoặc nhờ vào sức mình, hoặc nhờ sức người khác, chắc chắn thắng được giặc. Ta sẽ đi ngủ chỗ khác, lúc nào đi, các ngươi hãy gọi ta.

Mọi người đều đồng ý. Ức Nhĩ dẫn lừa qua chỗ khác ngủ.

Nửa đêm, các khách buôn lên đường đi. Ai nấy đánh thức nhau nhưng cuối cùng không gọi Ức Nhĩ. Cuối đêm, Trời nổi mưa to gió lớn. Ức Nhĩ thức giấc, gọi các khách buôn nhưng không ai đáp lại, lập tức đuổi theo. Đường nhiều cát đất. Gió thổi mạnh, nước mưa chảy tràn ngập, lừa ngửi mùi dấu chân tiến bước. Đến lúc này, bụng đói cồn cào, Ức Nhĩ đi về phía trước thấy có một cái thành. Ức Nhĩ muốn được ăn nên đứng nơi cửa thành, buột miệng la to: Ăn, ăn!

Tức thời có vô số quỷ đói chạy đến hỏi:

– Ăn cái gì? Ai cho ăn?

Ức Nhĩ nói:

– Ta không có ăn. Ta đi đường đói quá, nghĩ mình có ăn cho nên buột miệng thốt lên như thế, chứ chẳng có gì ăn đâu.

Lũ quỷ đói nói:

– Đây là thành quỷ đói. Đã trăm nghìn vạn năm rồi, nay chúng tôi mới nghe xướng lên tiếng ăn. Do đời trước chúng tôi không bố thí, tham lam quá đỗi nên bị đọa làm quỷ đói. Giờ ông định đi đâu?

Ức Nhĩ nói:

– Ta muốn đến tụ lạc của vua Tát-Bạc.

Quỷ bảo:

– Đi theo đường này.

Ức Nhĩ đi về phía trước, lại gặp một cái thành khác. Do nghĩ đến uống, nên gọi to: “nước”. Sự việc lại xảy ra như trước. Đi một đoạn nữa, Ức Nhĩ gặp cây Ba-la. Đêm đến, Ức Nhĩ ngủ dưới cây này. Cây lay động, lá rơi xuống, Ức Nhĩ ăn lá non, còn lá già cho lừa ăn. Đến khuya, có cặp trai gái từ giường bước ra, hình dáng đẹp đẽ, đội mũ báu Trời, vui đùa với nhau. Ức Nhĩ suy nghĩ: Ta không nên dòm ngó việc riêng của họ.

Sáng ra, chiếc giường biến mất, có con chó chạy đến ăn hết thịt người con trai chỉ còn lại xương. Ức Nhĩ thầm nghĩ: Người này trước kia làm việc gì mà nay phải chịu quả báo như thế? Đêm lành ngày dữ. Ta chờ hỏi xem.

Đến tối, lại có chiếc giường đẹp, cặp trai gái đang vui chơi. Khi ấy, Ức Nhĩ đến hỏi. Người con trai nói:

– Ông có biết con nhà đồ tể mổ, giáp… ở tụ lạc của vua Tát-Bạc, nước A-thấp-ma-già A-bàn-địa không? Có vị trưởng lão Ca-chiên-diên thường tới lui nhà tôi. Tôi thường cung cấp đồ ăn thức uống, y phục, thuốc thang. Trưởng lão thường bảo tôi: “Chớ làm điều ác mà sau phải chịu nhiều đau khổ”. Lúc ấy, tôi đáp: “Ông bà nhiều đời đã sống bằng nghề này, nay tôi không tiếp nối, làm sao sống được”.Ca-chiên-diên lại bảo: “Ngươi làm điều ác như vậy là ban ngày nhiều hay ban đêm nhiều?” Tôi nói: “ban ngày nhiều”. Ngài liền bảo tôi: “Ban đêm, ngươi hãy thọ ngũ giới, sẽ được điều lành nhỏ”. Tôi vâng lời Ngài, nên nay chịu quả báo này.

Ức Nhĩ đi một đọan nữa, lại thấy có 2 cây Ba-la, liền dừng ngủ ở đấy và ăn lá cây như trước. Đôi trai gái ban ngày đến vui chơi với nhau. Đêm lại, cả giường và người con gái đều biến mất. Loài trùng trăm chân bò ra ăn thịt người con trai, chỉ còn lại xương. Ức Nhĩ hỏi:

– Ngươi làm điều gì mà nay chịu quả báo này?

Cậu trai đáp:

– Cậu trai tên Mổ, Giáp ở tụ lạc của vua Tát-Bạc thuộc nước Athấp-ma-già A-bàn-địa phạm dâm với vợ người khác. Trưởng lão Cachiên-diên thường tới lui nhà tôi, dạy rằng: “Chớ làm điều ác mà sau này phải chịu quả báo khổ”. Tôi đáp: “Tôi không thể tự kiềm chế, biết phải làm sao!” Trưởng lão lại hỏi: “ Ngươi làm việc này nhiều vào lúc nào? ” Tôi nói: “Ban đêm nhiều”. Trưởng lão bảo: “Ban ngày ngươi lãnh thọ năm giới, có thể được điều lành nhỏ ”.

Tôi nghe theo lời dạy ấy cho nên chịu quả báo này.

Sau đó, Ức Nhĩ lại thấy cả rừng cây, nước ao trong xanh, liền cho lừa uống nước, tắm rửa. Bên ao này có nhà tốt đẹp bằng nhiều của báu. Ức Nhĩ ngước nhìn, rồi nghĩ: Ta đói khát sắp chết, biết tìm thức ăn, thức uống ở đâu? Nghĩ xong, Ức Nhĩ bước vào nhà, nói kệ kinh Phật:

Đói là bệnh nặng nhất
Đi là khổ hơn hết
Rõ pháp thật như vậy
Niết-bàn vui hơn cả.

Vào nhà, Ức Nhĩ thấy một người nữ ngồi trên giường ngà, dưới chân giường có cột hai con quỷ đói. Cô ta nhận ra Ức Nhĩ, nhân đó hỏi han:

– Sa-môn Ức Nhĩ đi đường không mệt, không đói khát ư?

Ức Nhĩ đáp:

– Tôi đói lắm, xin quý nhân cho tôi thức ăn.

Cô gái nói:

– Tôi cho ông ăn, nhưng ông đừng cho hai con quỷ đói này ăn nhé!

Nói xong, cô đưa nước cho Ức Nhĩ rửa tay và cho thức ăn. Cô muốn Ức Nhĩ biết nhân duyên này nên tạm rời nhà giây lát. Lúc bấy giờ, hai con quỷ đói chìa tay ra van nài:

– Cho tôi xin một miếng, cho tôi xin nửa miếng. Bụng tôi đang đói cồn cào như lửa đốt.

Ức Nhĩ cho mỗi con một miếng nhưng thức ăn biến thành máu mủ, nghẹn nôn trở ra toàn mùi dơ thối. Cô gái nói:

– Tôi đã dặn ông đừng cho chúng ăn, sao lại cứ cho?

Ức Nhĩ đáp:

– Này quý nhân, tôi không biết nên mới cho.

Lúc ấy, lại có một cô gái đến xin:

– Thưa quý nhân, cho tôi xin thức ăn.Quý nhân nói:

– Hãy ăn những thứ ngươi thường ăn.

Quý nhân vừa dứt lời, liền xuất hiện ba nồi nước sôi. Cô gái ấy cởi áo nhảy vào nồi, da thịt chín nhừ, chỉ còn xương tủy. Một luồng gió lạnh thổi cô gái ra khỏi nồi, sống trở lại, mặc áo rồi ăn thịt chín nhừ của mình, ăn xong lại bỏ đi.

Lại có cô gái khác đến nói:

– Thưa quý nhân, cho tôi ăn.

Quý nhân bảo:

– Hãy ăn những thứ ngươi thường ăn.

Nói xong, cô gái kia biến thành con dê đực ăn cỏ. Ức Nhĩ hỏi quý nhân:

– Việc này thế nào?

Quý nhân hỏi:

– Ông có biết tụ lạc của vua Tát-bạc trong nước A-thấp-ma-già A-bàn-địa không?

Ức Nhĩ đáp:

– Có biết.

Quý nhân nói: Con quỷ bị cột ở đầu giường tôi là chồng tôi, còn con quỷ bị cột ở cuối giường tôi là con trai tôi. Có trưởng lão Ca-chiêndiên thường lui tới nhà tôi nhận y phục, thuốc thang do tôi cúng dường. Hai người này nỗi giận, nói với tôi: “Ta vất vả kiếm sống mà mi cứ đem cho hắn, hắn chẳng phải cực nhọc gì cả”. Vì cha con ông ấy tham lam keo bẩn, không thích bố thí nên đọa làm quỷ đói. Do nghiệp ác khẩu nên thức ăn vào miệng biến thành máu mủ.

Ức Nhĩ hỏi:

– Còn cô gái này sao lại tự ăn thịt mình?

Quý nhân đáp:

– Nó là dâu tôi. Khi tôi đưa đồ bảo nó đem cất thì nó ăn hoặc cho người khác ăn. Tôi tìm hỏi, nó bảo: “Con không ăn cũng không đưa cho người khác ăn. Nếu con ăn hoặc cho người khác ăn thì con phải tự ăn thịt mình”. Vì lẽ đó, nó phải chịu tội tự ăn thịt mình. Cô gái thứ hai là nô tỳ của tôi. Tôi sai xay giã đồ vật thì nó tự ăn hoặc cho người khác ăn. Khi hỏi thì nó bảo: “Không tự ăn, cũng không cho người khác ăn. Nếu con tự ăn hoặc cho người khác ăn thì đời sau phải làm dê ăn cỏ”.

Do nhân duyên này, nay nó phải làm dê đực ăn cỏ.

Ức Nhĩ lại hỏi:

– Còn chị làm gì?

Quý nhân đáp:

– Tôi phạm tội nhẹ. Đến đời sau tôi sẽ sanh về cõi Trời Tứ Thiên vương. Ông hãy vì tôi đi qua tụ lạc của vua Tát Bạt nói với con gái tôi rằng: “Ta có gặp cha mẹ, chị dâu và nô tỳ của cô; trong số những người này, chỉ có mẹ cô được hưởng phước, còn mấy người kia đều thọ tội. Mẹ cô nhờ tôi đến dặn cô chớ làm điều ác mà đời sau phải chịu nhiều đau khổ. Nếu cô không tin thì mẹ cô bảo ở chỗ nào đó có chôn cất nhiều tiền của, hãy lấy của ấy cho tôi làm phước, cúng dường chúng Tăng và Ngài Ca-chiên-diên, số còn lại dùng để sinh sống”.

Dặn dò xong, quý nhân hỏi Ức Nhĩ:

– Ông sắp đi phải không?

– Vâng, tôi sẽ đi.

– Ông hãy nhắm mắt ngủ, trong khoảnh khắc sẽ tới tụ lạc của vua Tát-Bạc.

Lúc bấy giờ, các khách buôn đã về đến trước. Mọi người trong tụ lạc hỏi họ có gặp Sa-môn Ức Nhĩ không? Họ đáp:

– Giữa biển đã bị lạc mất Sa-môn. Cả ấp đều khóc như đám tang cha mẹ.

Ức Nhĩ nghe vậy nghĩ rằng: Nếu nay gặp ta, họ lại náo động, ta không nên về tụ lạc. Nghĩ xong, Ức Nhĩ từ từ đi đến nhà quý nhân. Sau khi chào hỏi, Ức Nhĩ đem những lời mẹ cô dặn nói lại với cô.

Cô này quát:

– Thôi đi, này ông kia. Ông là gã điên khùng. Cha mẹ ta đều bố thí làm phước, chết sẽ sanh lên Trời, làm sao bị đọa trong loài quỷ đói được?

Ức Nhĩ liền bảo:

– Mẹ cô có nói, ở chỗ nào đó có cất chứa nhiều vàng bạc, dặn cô lấy đó cúng dường.

Cô gái nghe lời mở kho, được rất nhiều tiền của, liền tin lời Ức Nhĩ nói và làm theo lời mẹ cô dặn. Cô thỉnh trưởng lão Ca-chiên-diên về thuyết pháp. Ức Nhĩ ngay tại chỗ ngồi đắc các pháp thanh tịnh và pháp nhãn vô cấu, được vô sở úy, lạy trưởng lão Ca-chiên-diên, và thưa:

– Bạch Đại Đức! Con xin quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Con muốn được xuất gia, thọ giới cụ túc trong pháp thù thắng này.

Ngài Ca-chiên-diên hỏi:

– Cha mẹ ngươi có cho phép ngươi xuất gia không?

Ức Nhĩ thưa:

– Chưa cho phép.

Ngài Ca-chiên-diên nói:

– Theo pháp của ta, nếu cha mẹ không bằng lòng thì không được xuất gia, thọ giới cụ túc.

Ức Nhĩ trở về nhà lễ lạy cha mẹ. Cha mẹ Ức Nhĩ nói:

– Trước đây, vì cha mẹ sầu khổ nên cặp mắt hoàn toàn mất hết ánh sáng. Nay nghe tin con từ biển trở về an ổn, vui buồn ứa lệ, mắt lại được sáng ra.

Qua năm, sáu ngày, Ức Nhĩ thưa với cha mẹ:

– Xin cho con xuất gia.

Cha mẹ bảo:

– Trước đây, cha mẹ cầu khẩn mới sinh được con. Nghe tin con chết ngoài biển, cha mẹ buồn phiền, mắt bị mù lòa. Nay con trở về, cha mẹ quá vui mừng, mắt được sáng lại. Con nay như được sống trở lại. Con vâng lời cha mẹ thì nên ở nhà phụng dưỡng. Thọ mạng cha mẹ chỉ còn vài giờ nữa. Con có thể đợi đến khi cha mẹ qua đời rồi hãy xuất gia, lúc đó, cha mẹ không còn ân hận. Ức Nhĩ đáp: Vâng.

( Trích luật Thập Tụng, quyển 4 )

2. CÔNG ĐỨC TRÌ GIỚI

Xưa có vị Ưu-bà-tắc đến cư trú ở nước Xá-vệ. Vợ ông vô cùng xinh đẹp, tiếng vang khắp cả nước. Bạn bè muốn nhìn ngắm nàng ấy, nhưng ông ta nhất định không cho.

Một hôm, có một người đem việc này tâu vua. Vua muốn gặp nhưng không biết làm sao? Một vị quan tâu:

– Vợ chồng họ đều giữ năm giới, tự tay sắm sửa vật dụng cúng dường đạo sĩ. Bệ hạ nên giả làm đạo sĩ ôm bát đến cửa nhà họ, chắc chắn sẽ được trông thấy nàng.

Vua làm theo lời vị quan, cải dạng, mặc y phục đạo sĩ, lén đến nhà họ. Cô ta trông thấy đạo sĩ liền cúi đầu làm lễ. Sau khi ngắm nhìn nàng, vua trở về nói với quần thần:

– Cô nàng thật đẹp, bóng dáng cô nàng đã làm tim ta rung động, không biết làm sao để chiếm được nàng đây?

Quần thần đều tâu:

– Người này từ nước ngoài đến, đáng lẽ phải đến gặp vua, nay kiêu mạn không đến tức là phạm tội. Cách thành Xá-vệ hơn nghìn dặm, có một ao lớn, trong đó mọc hoa sen năm màu. Trong ao có ba thứ nạn: Rắn độc, quỷ thần và thú dữ. Người phạm tội đáng chết bị sai đi hái hoa thường bị chết chìm ở đó.

Vua liền gọi Ưu-bà-tắc đến hỏi:

– Khanh là ai lại đến thi lễ?

Cư sĩ đáp:

– Thần là dân của đại Vương- Vì sao không đến?

– Vì thần là kẻ đại ngu si, tự biết có tội.

– Ta phạt khanh đến ao hái hoa, bảy ngày phải trở về. Nếu trễ kỳ hạn, ta sẽ trị tội khanh nặng hơn.

Cư sĩ vâng lời rồi từ tạ trở về, kể lại đủ mọi việc cho vợ nghe. Người vợ thưa với chồng:

– Chàng nay có tội là do sắc đẹp của thiếp. Chàng đã biết Đức

Phật dạy rõ, ba cõi không chỗ nương, chỉ có giới mới đáng nương tựa. Ngày chàng lên đường, tâm luôn nghĩ đến Tam bảo, miệng tụng thập thiện,không được gián đọan. Nếu chàng không trở về, thiếp sẽ xuất gia, lấy giới tự vui, chứ không tái giá.

Cô ta sắp xếp lương thực cho chồng. Cư sĩ từ giã vợ lên đường. Đi được nửa đọan đường, cư sĩ gặp quỷ ăn thịt người hỏi:

– Ngươi là ai?

– Là đệ tử Phật.

– Những người phạm tội đều giao cho chúng tôi nhưng dối nói là hái hoa. Hiền giả thật sự không phạm tội, chỉ bị người ác sàm tấu.

– Thân người khó được, chỉ còn thần hồn mà thôi.

– Ông là đệ tử Phật, lại vô tội nên ta không làm hại ông. Nhưng còn hai nạn khác, e ông không thoát khỏi, biết phải thế nào?

Quỷ lại nói tiếp:

– Ta sẽ thay ông hái hoa để cứu mạng ông khiến ta được phước vô lượng lâu dài. Ông hãy đứng đây chờ.

Nói xong, quỷ đi ngay, trong chốc lát liền trở về, đưa hoa sen đẹp năm màu cho cư sĩ. Cư sĩ thấy nặng không thể nhấc lên được. Quỷ đến cầm hoa và dìu cư sĩ đi. Trong khoảnh khắc bằng co duỗi cánh tay, cả hai đã đến cửa cung, quỷ từ biệt trở về. Cư sĩ tự vào cổng. Thấy cư sĩ về sớm, vua lấy làm lạ hỏi rõ đầu đuôi, cư sĩ như thật trình bày. Vua rất kinh sợ, hổ thẹn nói:

– Quỷ là loài không có nhân nghĩa, luôn hại chúng sanh mà còn giúp người hiền thiện. Ta đây mới là kẻ vô nghĩa, không phân biệt được thiện ác, không bằng loài quỷ kia.

Vua tự trách lỗi mình, cúi đầu xin quy y xin làm đệ tử Phật, vâng giữ năm giới, thực hành sáu độ. Bấy giờ, nước được thái bình, vợ chồng cư sĩ càng thêm tinh tấn, chứng quả bất thối chuyển.

(Trích kinh Thí Dụ quyển )

3. PHƯƠNG TIỆN KHÉO LÉO CỦA VỊ ƯU BÀ TẮC

Sau Phật nhập Niết-bàn một trăm năm, có vị Quốc vương thờ Thiên thần, cúng tế rất lớn. Mỗi lần cúng, ông bảo người đầu bếp giết trâu, dê, heo, chó, gà v.v… mỗi loại cả trăm con. Người đầu bếp tâu:

– Hạ thần giữ giới của Phật, không được sát sanh.

Quan trù giám giận dữ, tâu vua trị phạt người ấy. Vua phán:

– Trái lệnh ắt phải chết.

Đầu bếp tâu:

– Tôi là đệ tử Phật, thọ trì năm giới, thà chịu chết, chứ không trái lời Phật dạy mà sát sanh. Nếu tuân lệnh vua sẽ phạm giới sát, khi chết đọa vào địa ngục, hết tội mới sanh làm người, phải thường chết yểu; còn giữ giới, chết được sanh thiên, vui hưởng phước Trời tùy theo sở nguyện. Nếu phải chết thì thân của thần đây sẽ được chuyển thành thân Trời. Vì thế, thần xin chịu chết chứ không sát sanh.

Vua nói:

– Ta cho ngươi kỳ hạn bảy ngày, nếu không tuân lệnh sẽ cho voi giày chết. Nếu ngươi không chết thì lời ngươi nói mới thật. Sau bảy ngày, vua thấy thân vị Ưu-bà-tắc này giống như thân Phật, liền ra lệnh xua năm trăm con voi đến giày vị Ưu-bà-tắc. Vị Ưu-bà-tắc làm như cách của Phật, đưa năm ngón tay hoá thành năm ngọn núi. Trong mỗi ngọn núi, có một con sư tử nhẩy ra. Voi thấy sư tử hoảng sợ nằm phục xuống đất, như thời Phật tại thế. Lúc ấy vua liền tin Phật, từ bỏ việc tế tự, theo người đầu bếp thọ trì năm giới của Phật, khiến dân chúng trong và ngoài nước cũng đều thọ trì Phật pháp. Vị Ưu-bà-tắc này được phong làm Quốc sư.

( Trích kinh Thí Dụ quyển 6 )

4. VỊ ƯU BÀ TẮC BỊ MA THỬ

Có một vị Ưu-bà-tắc cùng nhóm khách buôn đi xa để tìm kế sinh sống. Gặp lúc Trời tuyết lạnh, ban đêm cư sĩ bị lạc bạn phải trú trong hang đá. Lúc đó, có thần núi biến thành hình cô gái đến thử vị Ưu-bàtắc này, nói rằng:

– Tuyết trắng phủ đầy núi, chim thú đều ẩn trốn, chỉ một mình tôi không có chỗ nương cậy. Xin ông thương xót cho!

Ưu-bà-tắc dùng hai tay bịt tai lại nói:

– Người tệ ác không biết hổ thẹn mới nói những lời dơ bẩn như thế. Dù nước trôi hay lửa cháy, ta cũng không muốn nghe lời ngươi nói. Ta có vợ mà còn không ham muốn, huống gì tà dâm, tình dục lạc mỏng manh khổ sở rất đáng sợ hãi.

Nghe nói vậy, thần núi dùng hai tay nhấc bổng vị Ưu-bà-tắc này đưa đến chỗ nhóm khách buôn.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 17)

5. VỊ ƯU BÀ TẮC GẢ CON CHO NGOẠI ĐẠO

Có vị Ưu-bà-tắc gả con gái mình cho nhà nọ. Lúc sắp đưa con đi, cha mẹ cô bắt con phải xả giới. Cô gái hỏi:

– Tại sao cha mẹ đoạt giới của con?

Cha mẹ cô nói:

– Phép gả con gái cho người khác như vàng ròng ném vào phân bò, lại còn dùng giới làm gì? Cô gái nói:

– Như người đi xa, đến đầm trống lớn không có người, nên càng phải trang bị lươngthực. Nhà người kia thờ quỷ, e quỷ hại con, nên càng phải trì giới để giữ cho ý chí kiên định hơn. Vàng ròng trong phân bò, đem rửa sạch, có thể dùng lại được. Sao lại ví giống như phân bò?

Cha mẹ cảm nhận được lời nói của con mình mới đem tượng Phật cho cô. Cô đặt tượng ấy vào cái hộp trang nghiêm, sớm chiều lễ lạy chiếc hộp. Người chồng thấy vậy hỏi. Người vợ đáp:

– Tượng Phật này có thể khiến cho đầu không bạc, nhan sắc thường xinh đẹp.

Người chồng nghe vậy, cùng vợ cúng dường, sau khi chết, cả hai đều sanh lên Trời, không trở lại ba đường ác.

( Trích kinh Thí Dụ quyển 10 )

6. CÔNG ĐỨC TINH TẤN

Xưa có cư sĩ với lòng tin thanh tịnh, lúc mới thọ giới rất siêng năng ít ai sánh bằng. Sau đó tuổi già suy yếu, ông rời xa bạn hiền, ở một mình trong núi, ý chí trở nên chậm lụt, chuyên lo việc ruộng vườn, không để tâm vào Phật pháp, trở lại thành phàm phu. Trong núi ấy, có một đạo sĩ Phạm chí, khát nước muốn xin nước uống. Vì việc ruộng nương cần kíp, ông không cho đạo sĩ nước uống. Đạo sĩ oán giận. Vị Phạm chí này có thể khiến người chết đứng dậy và sai khiến quỷ thần, nên triệu quỷ giết người và ra lệnh cho nó:

– Kẻ kia làm nhục ta, ngươi hãy đến giết hắn!

Trong núi có một vị A-la-hán biết được liền đi ra đồng. Người làm ruộng thấy Sa-môn, vui mừng làm lễ và mời ở lại thọ trai. Sa-môn nói:

– Hôm nay, từ tối đến sáng, ông nên đốt đèn, quy hướng tam tôn, tụng giới, giữ miệng, nhiếp ý với bài kệ:

Thương nghĩ chúng sanh

An ổn lâu dài

Sa-môn từ biệt, người chủ ruộng y theo lời dạy, niệm Phật, tụng giới tới sáng không ngừng nghĩ. Sáng ra, con quỷ giết người rình tìm cơ hội sơ hở để giết người chủ ruộng. Nhìn thấy ông ta có lòng từ bi, nó không có cơ hội nào để giết được. Theo phép của quỷ thần, hễ người ta sai mình giết người nào thì mình liền muốn giết người đó. Nhưng ông ấy có cái đức không thể giết được thì phép kia buộc trở lại giết mình. Con quỷ giết người liền sân hận muốn hại Phạm chí. Vị A-la-hán dùng oai thần che vị Phạm chí, khiến quỷ không trông thấy. Người chủ ruộng ngộ đạo, Phạm chí được sống. Quỷ không mắc tội sát sanh. Người chủ ruộng ngay lúc ấy thọ Tam quy, tinh tấn niệm Phật, cả nhà được toàn mạng.

(Trích kinh Đọa Lạc Ưu-bà-tắc, lại trích kinh Thí Dụ quyển )

7. LÚC SẮP CHẾT, DO TÂM LUYẾN ÁI BỊ ĐỌA LÀM SÂU

Có vị cư sĩ trì giới rất tinh tấn, kết bạn với vị Sa-môn đã chứng thần thông, dứt bỏ gánh nặng, không còn sanh tử. Một thời gian sau, cư sĩ mắc bệnh nguy kịch, uống thuốc gì cũng không lành. Người vợ buồn khổ, nói với chồng:

– Cùng là vợ chồng, nhưng chỉ riêng anh chịu khổ, có cách nào chia bớt để bệnh nhẹ hơn? Giả như anh mất đi, em biết nương vào đâu, con cái côi cút không biết ai để cậy nhờ?

Nghe vậy, người chồng càng quyến luyến yêu thương. Vận số đã mãn, người chồng qua đời. Thần hồn hóa thành con sâu chui vào mũi người vợ. Người vợ khóc rống lên, không nín được.

Lúc ấy, vị Sa-môn đến gặp bà ta, cố ý muốn khuyên giải để bà bớt sầu khổ. Thấy Sa-môn đi đến, bà ta càng xúc động. Khi được hỏi nguyên nhân, bà ta trả lời:

– Bạch Hòa thượng! Chồng con đã mất.

Bỗng nhiên, con sâu theo nước mũi rớt xuống đất. Bà cảm thấy xấu hổ, muốn lấy chân giẫm lên. Sa-môn bảo:

– Đừng, đừng! Chớ giết! Con sâu ấy là hậu thân của chồng con.

Bà ta hỏi Sa-môn:

– Khi còn sanh tiền, chồng con tụng kinh trì giới tinh tấn khó ai bì kịp, tại sao sau khi mạng chung, chuyển thân làm loài sâu này?

Sa-môn đáp:

– Do tâm luyến ái quá mạnh nên nay đọa làm sâu.

Sa-môn nói kinh cho sâu nghe: Ngươi tinh tấn tụng kinh trì giới, phước ấy đáng lẽ sanh lên cõi Trời, gặp các Đức Phật. Chỉ vì tâm tưởng ân ái nhớ thương, nên đọa làm loài sâu này. Thật đáng xấu hổ.

Nghe vậy, con sâu tỉnh ngộ, liền tự trách mình. Chốc lát, nó chết đi, được sanh lên Trời.

(Trích kinh Cư Sĩ Vật Cố Vị Phụ Tỷ Trung Trùng)

8. NHỜ TRÌ GIỚI SÁT, ĐƯỢC QUẢ BÁO KHÔNG CHẾT

Xưa có người nọ chỉ có một đứa con, đặt tên là Bạc-câu-la. Khi con vừa lên bảy, vợ ông qua đời, ông liền lấy vợ lẽ. Bà này rất ghét con của bà trước. Khi đang hấp bánh trong nồi, đứa bé đòi ăn. Bà ta liền ôm đứa bé bỏ vào nồi, đậy nắp lại muốn cho nó chết. Đứa bé ở trong nồi, ăn bánh, không chết. Bà lại ôm nó để trên vỉ sắt nóng, ở trên vỉ nó cũng ăn bánh và không bị chết. Sau đó, khi đứa bé đang giặt quần áo bên bờ sông, bà ném nó xuống sông sâu bị cá nuốt chửng. Trải qua bảy ngày, người cha thỉnh chúng Tăng mở đại hội. Khi ấy, ông ta mua được một con cá, chở xe đem về nhà. Lúc sắp mổ bụng cá, đứa bé bên trong nói:

– Từ từ, đừng làm tổn thương đầu con.

Đứa bé này trước đây thọ một giới không sát sanh nên nay được năm thứ không chết.

(Trích kinh Thí Dụ)

9. TRÌ GIỚI, TỤNG KINH, THẮP ĐÈN SÁNG LIÊN TỤC, QUỶ KHÔNG HẠI ĐƯỢC

Thuở xưa, gia đình nọ có năm anh em. Người cha dạy con trì giới, riêng người con cả không vâng lời. Cậu ta đem đồng tiền đến thầy tướng bói quẻ. Thầy tướng bảo:

– Đến lúc trăm tuổi, cậu rất giàu sang.

Lại bảo:

– Điều đó là xấu ác, nhất định không tốt. Hạn định mười ba ngày sau, cậu sẽ chết.

Nghe vậy, cậu ta vô cùng lo sợ. Thầy tướng bảo:

Vị Thầy bình thường ở thế gian không thể cứu được, chỉ có Đức Phật đang ở trong núi Kỳ-xà-quật mới dự biết được điều chưa xảy ra, cậu có thể đến hỏi Ngài.

Cậu ta liền đến hỏi Phật. Đức Phật bảo:

– Oán đối đời trước nay sắp đến bắt ngươi. Nếu muốn thoát khỏi họa này, ngươi phải quy y Tam bảo thọ trì năm giới, lại phải sắm thêm đèn sáp, thắp sáng suốt mười ba ngày.

Cậu ta liền thọ trì năm giới, thắp đèn sáng liên tục, đọc tụng kinh kệ suốt ngày đêm, niệm “Nam mô Phật, quy mạng Phật”, chí tâm không xao lãng. Qua khỏi ngày mười ba, cậu ta được thoát nạn.

Đêm ấy,có hai con quỷ cùng đến giết cậu ta. Một con đứng ngoài cách một trăm bước, sai con kia vào giết. Con quỷ đi vào, nhìn thấy đèn đuốc sáng rực, lại nghe tiếng niệm “Nam mô Phật, quy mạng Phật”, nên không dám bước tiến, quay trở ra nói với con quỷ kia:

– Người này không thể bắt được, cứ hô “Nam mô Phật, quy mạng Phật”. Tiếng ấy làm tôi đau đầu, tôi không thích nghe

Thế là, hai con quỷ dẫn nhau đi, không đến gần cậu ta nữa. Từ đó về sau, cậu được an ổn luôn.

(Trích Chư Kinh Yếu Sự)

10. HẬU QUẢ CỦA VIỆC TRẢ LẠI CẤM GIỚI

Thuở xưa, ở nước Ca-la-nại, có vị Bà-la-môn tên Chấp Trì, thọ cấm giới của Phật không hề trái phạm. Ít lâu sau, Chấp Trì sang nước khác, thấy mọi người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, ông ta liền dính mắc vào những việc đó. Gặp người thích điều ác, ông cùng họ luận bàn; gặp người uống rượu, ông cũng uống theo. Một thời gian sau, ông nghĩ lại, hối hận đã phát nguyện thọ giới, muốn đem trả lại Phật. Ông đến bạch Phật:

– Trước đây, con thọ năm giới, có nhiều điều ngăn cấm, không được tự do. Phật pháp cao quý, kẻ phàm như con không thể kính giữ được. Giờ đây, con xin bỏ giới, thưa Ngài có được không?

Đức Phật im lặng không trả lời.

Ông ta nói chưa dứt lời, trong miệng tự nhiên xuất hiện các loại quỷ thần. Có con cầm chày sắt khỏ lên đầu ông. Lại có con lột hết quần áo ông, móc lưỡi ông. Có quỷ nữ dâm đãng lấy dao cắt bộ phận sinh dục của ông. Có con lấy nước đồng xối vào miệng ông. Trước sau, hai bên đều có quỷ tranh nhau đến mổ xẻ lấy máu thịt ông ăn uống. Tự nhiên lại có lửa thiêu đốt thân ông, muốn sống không được, muốn chết không được. Các quỷ giữ chặt ông ta, không cho nhúc nhích.

Thấy vậy, Đức Phật hỏi:

– Ông nay thế nào?

Chấp Trì bị cấm khẩu, không nói năng được, chỉ lấy tay tự đánh mình. Đức Phật dùng oai thần cứu độ Chấp Trì. Các quỷ thần trông thấy Thế tôn, mỗi con đứng qua một phía. Chấp Trì được sống lại, liền đứng dậy, cúi đầu bạch Đức Phật:

– Thân con bị năm giặc lôi kéo vào ba đường ác, vì muốn tạo tội nên trái bỏ giới đã lãnh thọ. Cúi xin Đức Thế tôn thương xót con. Từ nay, con xin cải tà quy chánh, vâng giữ pháp giới, mỗi tháng ăn chay sáu ngày, mỗi năm ăn chay ba tháng, đốt hương rải hoa, treo các thứ phan, lọng để cúng dường Tam bảo, không dám tái phạm.

Đức Phật bảo:

– Những điều ông vừa nói đều tốt lành. Chính mắt ông thấy quả báo: tự mình tạo tác, tự mình chuốc tội, chẳng phải do Trời ban.

(Trích kinh Đại Quán Đảnh quyển 3)

11. GIỮ GIỚI ĐƯỢC TRƯỜNG THỌ

Xưa, có người đã 0 tuổi không tin tội phước. Một hôm, người ấy mộng thấy con quỷ giết người muốn đến bắt đi. Thức dậy, vì quá sợ hãi, người này tìm thầy đoán mộng, Thầy bói giở quẻ đoán rằng:

– Chưa đầy mười ngày sẽ có con quỷ giết người đến hại ông. Nếu muốn giải trừ, kể từ nay, trong vòng mười ngày, ông phải thọ năm giới của Phật, thắp hương, đốt đèn, treo tràng phan bảo cái, quy y Tam bảo mới có thể thoát khỏi tử nạn này.

Người này làm theo cách ấy, một lòng kính tin. Con quỷ giết người đến nhà thấy người này làm việc công đức, không thể hại được, quỷ liền bỏ đi. Nhờ công đức này, người ấy thọ đến một trăm tuổi, chết được sanh thiên.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

12. CÚNG DƯỜNG CHƯ TĂNG ĐƯỢC GIÀU CÓ, AN LẠC

Xưa, có một nhà giàu, nô tỳ, vàng bạc châu báu nhiều vô kể. Gia đình gồm sáu người. Đức Phật và A-nan đi khất thực đến cửa nhà người ấy, cha mẹ, con cái, thê thiếp, cháu chắt đều hớn hở vui mừng thỉnh Phật vào nhà, lấy thảm trải đất, dọn thức ăn bằng bát vàng, bát bạc. Đức Phật kể lại:

– Vào đời trước, gặp thời đói kém, trong nhà túng quẫn, người này chỉ sống bằng rau cỏ. Một hôm, nấu canh vừa chín, bên ngoài có vị Đạo nhân khất thực, nhận ra là Sa-môn, cha mẹ liền bảo con: “Đem phần của ta cho Ngài”. Con cái, cháu chắt đều lấy phần của mình cúng dường, còn phần của mẹ để lại mẹ dùng. Cả sáu người đều đồng ý, mỗi người nhịn một ngày, chỉ tiếc là mình nghèo không có thức ngon vật lạ cúng dường. Nhờ phước đức này mà sinh lên cõi Trời hoặc trong loài người, họ thường được an ổn, sung túc. Vì phát tâm như nhau, đời đời cùng tạo nhân duyên, nay lại gặp nhau, cha mẹ, con cái lớn nhỏ đều giữ năm giới; khi mạng chung đều được sanh thiên, thọ phước vô lượng.

Nay nhờ gặp Phật, tất cả đều được đắc quả A-La-hán.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 1)

13. THẤY TỘI PHƯỚC, TINH TẤN TU HÀNH

Có người đi đường, thấy bên đường có một người chết. Quỷ thần lấy gậy đánh vào tử thi. Người đi đường hỏi:

– Sao lại đánh người chết?

Quỷ thần đáp:

– Đây là tiền thân của tôi, khi còn sống bất hiếu cha mẹ, bất trung với vua, không kính thờ Tam bảo, không nghe lời sư phụ, khiến tôi tạo tội, khổ đau khôn xiết. Tôi tức giận nên đánh nó.

Đi tiếp một đoạn, người đi đường lại thấy một người chết. Có vị Thiên nhân đến rải hoa trên tử thi ấy, rồi lấy tay vuốt ve. Người đi đường hỏi:

– Ông giống như thiên nhân, sao lại vuốt ve tử thi?

Thiên nhân đáp:

– Đây là tiền thân của tôi, khi còn sống hiếu thuận cha mẹ, trung tín với vua, kính thờ Tam bảo, vâng lời sư phụ. Thần thức của tôi được sanh thiên đều nhờ ơn của thân cũ này. Vì thế, nay tôi phải báo đáp.

Đi thêm một đoạn nữa, người đi đường cũng thấy một vị thiên nhân, y phục đẹp đẽ, đoan trang, thanh khiết, đang ăn táo chua bên đường. Người này hỏi:

– Ông giống như là thiên nhân, sao lại ăn táo chua?

Thiên nhân đáp:

– Khi ta ở đời, hiếu thuận cha mẹ, trung tín với vua, kính thờ Tam bảo, tạo nhiều công đức. Chỉ vì tiếp đãi khách không đầy đủ mà nay tuy ta làm thiên nhân nhưng thường ăn không đủ no, do vậy phải ăn thêm táo chua.

Trong một ngày, người đi đường đã thấy ba hạng người như thế, liền trở về vâng giữ năm giới, tu thập thiện, hiếu thuận cha mẹ, trung tín thờ vua.

Cho hay: Đời sau, tội phước luôn theo đuổi người. (Trích Chư Kinh Yếu Sự)

14. CHẾT RỒI SỐNG LẠI

Có vị Ưu-bà-tắc, vốn thờ ngoại đạo, chán ghét các việc cúng tế nên xả bỏ tất cả, theo Phật pháp, tinh tấn giữ giới, siêng năng tụng kinh, thích bố thí, giữ gìn tâm ý, nhẫn nhục, thường có từ tâm. Vì bị bệnh nặng, khi sắp mạng chung, vị này dặn cha mẹ:

– Con bệnh, nếu không qua khỏi, trong vòng bảy ngày chớ liệm.

Đột nhiên, vị Ưu-bà-tắc qua đời. Giữ xác đã tám ngày, thân thuộc đều nói:

– Phải mau tẩm liệm!

Cha mẹ bảo:

– Không bị sình thối, hãy giữ đến mười ngày.

Vừa nói xong, mọi người liền thấy vị Ưu-bà-tắc mở mắt ra nhưng chưa thể cử động. Cha mẹ rất vui mừng. Chăm sóc đến ngày thứ mười, vị Ưu-bà-tắc có thể ngồi dậy nói chuyện.

Cha mẹ hỏi:

– Cả tuần nay, con đi đâu và thấy được những gì?

Người con kể lại:

– Quan binh dẫn con đến một thành lớn. Trong thành có ngục. Ngục tối đen, bốn phía là tường sắt. Cửa ngục đều nung sắt đỏ rực. Trong ngục, có người bị trói, ngồi giữa biển lửa, cháy suốt trên dưới, khói xanh bốc lên; hoặc có người lấy dao cắt thịt của mình ăn.

Diêm vương hỏi con:

– Ngươi là ai? Phạm những tội gì mà đến đây? Đây là nơi trị tội những người phạm tội ngũ nghịch, bất hiếu cha mẹ, không trung tín thờ vua.

Con trả lời:

– Thuở nhỏ, tôi bị người xấu mê hoặc, ngu si tin theo ngoại đạo, uống rượu sát sanh tế Trời đất. Ở chợ, thì tôi cướp bóc tiền của, cân non bán thiếu để ăn bớt. Sau đó, tôi gặp được minh sư dạy bảo Phật pháp, được Sa-môn, Đạo nhân truyền cho năm giới, thực hành mười điều lành. Từ đó đến nay không còn tạo ác, mong Diêm vương thương xót cho.

Nói rồi, con liền dập đầu lễ tạ.

Diêm vương đứng dậy chắp tay, bảo con:

– Thôi thôi! Cư sĩ không cần phải như vậy.

Diêm vương cùng ngồi với con, gọi quan lại đến, hỏi chuyện của con, rồi bảo:

Đây chính là đệ tử của Phật. Bọn bây phải theo ông ấy để được hoá độ. Khi thọ mạng hết, ông ấy sẽ chết, thần thức tự đi đầu thai. Nếu ông ấy sanh lên Trời, được Thiên thần nghênh đón; nếu sanh trong loài người được mọi người tiếp rước. Sao bọn bây lại dẫn ông ấy đến cái nơi trị tội ngũ nghịch này?

Quan lại thưa:

– Thế gian có nhiều hạng người, chẳng kiêng phép vua, chẳng sợ Trời đất, chẳng tuân ngũ hành, chẳng nể Trời đất quỷ thần, hoành hành trong thiên hạ, thần không thể không hỏi đến.

Có vị Sa-môn đã cạo tóc, mặc pháp y còn tự cao tự đại, dẫn theo nhiều đệ tử đi khắp mọi phương Trời, lại bày trò đóng kịch nên phải trị tội.

Diêm vương bảo:

– Hãy thôi đi, những người mặc pháp phục đáng được tôn kính, cần phải dè dặt. Họ là vua trong hàng Đế thích, Phạm vương, mặt Trời mặt trăng, dưới cho đến đế vương thần dân, những ai tôn kính họ thì được phước vô lượng; khinh mạn là tự chuốc lấy tội khổ.

Quan lại vội tra xét sổ bộ, xem thử tuổi thọ của vị Sa-môn đã hết chưa, rồi tâu với Diêm vương:

– Ông ta chưa tới số chết, còn hơn hai mươi năm nữa, nhưng vì đời trước ông ta phạm tội nên phải chịu số phận này để khiến cho bè đảng của ông ta biết hạ mình một chút.

Diêm vương nói:

– Người Phật tử tinh tấn giữ giới được Thiên thần tôn kính. Đức Phật vì lòng đại bi cứu độ tất cả, kể cả loài bò bay máy cựa. Thiên thần, địa thần, các loài quỷ, rồng đều kính trọng họ, há lại bắt họ phải theo vua quan, Trời đất, ngũ hành ư? Ân Phật như biển cả không thể hạn lượng.

Quan lại tâu:

– Đại vương cũng giữ giới của Phật ư?

Diêm vương bảo:

– Ta vì không thờ Phật nên theo tội mà làm vua ở ngục này. Nếu người đã vào chánh pháp, sau hối hận trở lại ngoại đạo, tuy thọ ngàn tuổi vẫn phải gặp chín nạn. Nếu Tỳ-kheo và các đệ tử trì giới nên siêng năng hành trì lục độ, lục suy, dứt bỏ 20 việc (xem Kinh văn), quán xét công đức của Phật giống như biển lớn, không thể tính kể.

Quan lại tâu:

– Quả đúng như vậy.

Vua bảo:

– Không phân biệt được chân ngụy, hãy mau sám hối, thả ông ta về.

Lúc đó, con từ trên cao rớt xuống, bỗng nhiên tỉnh lại.

Người con cùng cha mẹ đến Tinh xá Kỳ-hoàn, tự mình sám hối, thọ trì ngũ giới, tu hành thập thiện.

(Trích kinh Đệ Tử Tử Phục Sanh)