KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 23

 

1. BẠT ĐÀ LA ĐẮC ĐẠO:

Bấy giờ, Đức Phật trú tại thành La-duyệt, có Tỳ-kheo-ni tên Bạtđà-la. Một hôm, cô ra ngoài khuôn viên Tỳ-kheo, tọa thiền dưới gốc cây. Khi nhập định, quán thấy kiếp xưa của mình liền mỉm cười. Các Tỳ-kheo trông thấy, hỏi nguyên do.

Cô đáp: Tôi đã quán thấy thân cũ của mình trong chín mươi mốt kiếp về trước. Vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thi có một đồng tử tên Bạt-lama-đề-bà giàu có, của cải nhiều vô số. Một hôm, đồng tử này cầm cây dù báu đi ra ngoài, cùng lúc ấy có người vợ của vị trưởng giả xinh đẹp tuyệt vời, đi ngang qua đồng tử, đa số dân chúng đều ngắm nhìn cô ta.

Đồng tử thầm nghĩ: Ta đang che dù bằng các thứ báu, cũng đi ngang qua con đường này, thế mà không ai để ý, họ chỉ lo nhìn cô ấy.

Giờ đây, ta phải tìm cách để khiến cho mọi người chú ý đến ta.

Nghĩ thế, đồng tử cầm dù báu đi sang xứ khác, đến chỗ Đức Phật Tỳ-bà-thi đứng phía sau Phật, ông cầm dù che cho Ngài suốt bảy ngày đêm rồi phát nguyện: Con nguyện, với công đức cúng dường Đức Thế tôn hôm nay, mong đời sau con được trở thành một giai nhân tuyệt sắc, khiến cho người nào trông thấy con cũng đều ngơ ngẩn.

Sau đó, đồng tử qua đời, tái sanh làm thân thiên nữ ở tầng Trời thứ ba mươi ba, hưởng được năm điều thù thắng:

  1. Sống lâu.
  2. Sắc đẹp tuyệt vời.
  3. Niềm vui tột bực.
  4. Thần túc vô song.
  5. Công đức ngày càng tăng.

Vì vậy, bất cứ vị Trời nào khi trông thấy Thiên nữ này, họ thầm hi vọng được sánh đôi cùng cô ta. Tất cả các vị Trời trong cõi thứ ba mươi ba cùng nhau tranh giành. Khi thân Trời đã mãn, thiên nữ sanh vào cõi người, làm con gái của Bà-la-môn Nhã-đạt-đa, cô có nhan sắc xinh đẹp mặn mà. Cứ thế, qua lại trong cõi Trời và cõi người, cô luôn luôn xinh đẹp, gặp các Đức Phật cô đều cúng dường, cầu mong làm người nữ.

Sau đó, cô sanh vào nhà Bà-la-môn, thân thế thuộc hạng thấp hèn, phải làm tớ gái cho đồng tử Nguyệt Quang, tên là Cơ-la. Vợ của đồng tử tên Ma-nô-ha-la, nhan sắc lông lẫy. Một hôm, bà bảo Cơ-la: Mày ra ngoài cửa đợi, nếu thấy có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đến thì mời họ vào đây, ta muốn cúng dường.

Cơ-la vừa vâng lời bước ra, cô gặp một vị Bích chi Phật đang đứng khất thực ở trước cửa. Cô liền thỉnh Ngài vào và thưa: phu nhân tôi muốn cúng dường.

Thấy tướng mạo của vị Bích chi Phật xấu xí, phu nhân bảo Cơ-la: Hãy mời Sa-môn này ra khỏi đây, ta không cúng dường đâu!

Cơ-la năn nỉ: Xin phu nhân hãy mở lòng từ, đừng chê hình tướng của Sa-môn, nếu được vậy thì công đức cúng dường không đếm xuể. phu nhân một mực nói: Ngươi mau đuổi Sa-môn này ra, ta quyết không cúng dường đâu.

Cơ-la thưa: Nếu bà không cúng dường thì tôi sẽ cúng phần ăn hôm nay của tôi cho ông ta, bà đừng tiếc nhé!

Phu nhân liền trao phần ăn cho Cơ-la, cô đem phần ăn đặt vào bát của Phật. Thọ trai xong, Ngài bay lên Hư không. Cơ-la trông thấy thế, lòng vui mừng hớn hở, cô phát nguyện: Nguyện với công đức cúng dường này, con sẽ không rơi vào đường ác, khiến cho con đời sau, sanh ra luôn được gặp những bậc Thánh như Ngài, thuyết pháp cho con nghe mau được giải thoát.

Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt-đa ở thành Ba-la-nại trông thấy Đức Phật bay lên Hư không, nhà vua bảo quần thần: Nơi đó có cúng dường.

Cùng lúc, trưởng giả Nguyệt Quang đang họp với năm trăm vị thương gia ở hội trường lớn. Từ xa trong thấy Đức Bích chi Phật ôm bát bay lên Hư không, có vị thương gia nói: Vị Thánh này chắc đang thọ trai ở nhà ông.

Bấy giờ, phu nhân của Đại Nguyệt Quang bảo Cơ-la: Phần công đức đó ngươi hãy cho lại ta, xem như ta đã cúng dường, ta sẽ trao phần thức ăn khác cho ngươi.

Cơ-la không chịu. Bà ta lại dỗ dành: Nếu ngươi chịu, ta sẽ cho ngươi hai phần ăn.

Cơ-la một mực không chịu.

Phu nhân năn nỉ: Ta sẽ cho ngươi ba phần, năm phần, mười phần, hai mươi phần cho đến trăm ngàn phần.

Cơ-la đáp: Tôi không đổi đâu.

Phu nhân hăm doạ: Nếu ngươi không đồng ý ta sẽ cắt tai mũi và tay chân của ngươi.

Nhưng Cơ-la kiên quyết không chịu đổi.

Phu nhân liền dùng gậy đánh cô ta. Bà đánh xong thì trưởng giả Nguyệt Quang về tới. Trông thấy Cơ-la bị đánh vỡ đầu, áo quần tơi tả, cô đang khóc lóc thảm thiết, trưởng giả hỏi đầu đuôi cớ sự. Cơ-la trình bày mọi việc. Ông liền phế bỏ phu nhân xuống làm nô tỳ, đưa Cơ-la lên làm đệ nhất phu nhân. Ông cho năm trăm thể nữ hầu hạ và lấy trăm ngàn châu báu để trang điểm cho cô ta.

Vua Phạm-ma-đạt-đa nghe tin người tớ gái của trưởng giả Nguyệt quang dâng thức ăn cho vị Bích Chi Phật ấy, liền lấy trăm ngàn lượng châu báu thưởng cho Cơ-la, lại đem ruộng nương ban cho trưởng giả Nguyệt Quang.

Bạt-đà-la kết luận: Vua Phạm-ma-đạt-đa lúc ấy nay là Ca-tỳ-lama-xà-la. Đồng tử Nguyệt Quang nay là Đại-ca-diếp. Cơ-la chính là tôi. Nay gặp Phật, được chứng quả A-la-hán

(Trích kinh Bạt-đà-la Tỳ-kheo-ni)

2. PHƯỚC BÁO CÚNG DƯỜNG ÁO CỦA THÚC LY:

Tại nước Xá-vệ, có một người con gái con của trưởng giả, tướng mạo rất xinh đẹp. Khi chào đời, toàn thân cô được bao bọc bằng vải lụa trắng mềm mại. Cha mẹ lấy làm lạ, nhưng thầy tướng số bảo rất tốt, nên đặt tên cho cô ta là Thúc-ly (đời Lương dịch là Bạch). Thúc-ly trưởng thành thì mảnh lụa cũng lớn theo. Vì có nhan sắc xinh đẹp nên bao nhiêu người xa gần trong nước đều tranh nhau đến cầu hôn, nhưng Thúc-ly không đồng ý, chỉ xin cha mẹ cho phép được xuất gia. Song thân vì thương con nên không nỡ trái ý, họ liền tìm vải lụa tốt để may năm y áo cho con.

Thúc-ly thưa:

Tấm y hiện con đang mặc là đủ rồi không cần phải may nữa. Xin cha mẹ cho phép con đến chỗ Đức Phật.

Thúc ly đến đảnh lễ Đức Phật, cầu xin xuất gia.

Phật bảo:

Lành thay! Tức thời tóc cô ta tự rụng, mãnh lụa trắng đang mặc hoá làm ca sa. Đức Phật chuyển qua bà Đại-ái-đạo giáo giới cho cô ta làm Tỳ-kheo-ni. Nhờ sự tinh tấn tu tập nên chẳng bao lâu cô chứng quả A-la-hán.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Đức Thế tôn, Thúc-ly do có công đức gì mà khi sanh ra thì có lụa quấn thân, xuất gia chóng được đạo quả?

Phật dạy: Trong quá khứ, vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thi, có một vương quốc, phần đông vua quan, dân chúng đều thiết trai cúng dường Đức Phật. Bấy giờ có một người phụ nữ tên là Đàn-nị-già, nhà quá nghèo khó, chỉ có một tấm vải mà hai vợ chồng cùng mang chung. Nếu chồng đi ra ngoài thì người vợ phải khoả thân mà ở nhà, ngược lại vợ ra ngoài thì chồng cũng thế. Một hôm có một vị Tỳ-kheo đi hoá duyên đến nhà họ, Ngài trong thấy cô liền khuyên:

Phật hiện đời khó gặp, thân người khó được, cô nên nghe chánh pháp và phát tâm cúng dường.

Người vợ vào nhà thưa lại với chồng mình:

Bên ngoài có vị Sa-môn, ông ta khuyên chúng ta nên gặp Phật, nghe pháp, bố thí cúng dường.

Chồng nói:

Nhà mình nghèo quá, dù có lòng mong muốn như thế nhưng lấy gì để cúng dường đây?

Vợ nói: Thôi thì ta đem tấm vải này cúng dường vậy.

Người chồng băn khoăn:

Hai vợ chồng mình cùng dùng chung một tấm vải dể ra vào tìm cách mưu sinh. Giờ đây nếu dem cúng dường thì chắc là hai ta phải chết thôi!

Vợ khuyên chồng:

Anh ơi! Con người có sanh ắt phải có chết, không bố thí cũng sẽ chết, bố thí rồi dầu cho có chết đi đời sau chúng ta còn hi vọng, không bố thí mà chết thì đời sau càng nguy khốn hơn.

Người chồng vui vẻ nói:

Được! Chúng ta chấp nhận lấy cái chết, hãy đem bố thí đi!

Người vợ quay ra nói với Sa-môn:

Bạch Đại đức, xin Ngài hãy chú nguyện cho con.

Tỳ-kheo đáp: Nếu cô muốn cúng dường thì hãy ra đây đối mặt dâng cúng để tôi chú nguyện cho cô.

Cô thưa:

Con chỉ có một tấm vải này che thân, ngoài ra không còn miếng nào khác, vì thân người nữ hèn mọn nhơ bẩn không tiện cưỡi ra ở đó.

Thế rồi cô ta trở vào trong, xa xa cúi xuống cưỡi tấm vải trên thân rồi vói tay đưa ra cho vị Tỳ-kheo. Khi chú nguyện xong, Tỳ-kheo đem tấm vải về trình lên Đức Phật biết. Ngài tự tay nhận lấy mảnh vải nhơ nhớp ấy. Bấy giờ, nhà vua cùng hội chúng tông thấy, lòng dạ hẹp hòi, khởi tâm chê trách Đức Phật sao lại đi nhận lấy miếng vải dơ xấu ấy.

Biết được ý nghĩ của hội chúng, Ngài liền tuyên bố trước mọi người:

Ta quán sát trong hội chúng đây, người đại bố thí thanh tịnh không ai bằng chính là người bố thí tấm vải này.

Đại chúng nghe qua ai cũng cảm thấy ngạc nhiên. Hiểu ra, phu nhân nhà vua vui vẻ, liền cưỡi chiếc áo ngoài bằng trân bảo anh lạc mà mình đang khoác trên người để tặng cho Đàn-nị-già. Nhà vua cũng hoan hỉ, cưỡi chiếc áo cẩm bào của mình sai người đem tặng cho chồng cô ta và bảo họ đến dự hội.

Phật bảo A-nan: Cô gái Đàn-nị-già nghèo khổ lúc ấy nay chính là Tỳ-kheo-ni Thúc-ly. Bấy giờ, do lòng thanh tịnh, nên suốt kiếp sanh ra nơi nào cô cũng thường có tấm lụa quấn thân, không thiếu thốn thứ gì.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 7)

3. BẠT ĐÀ CA TỲ LA GẶP NẠN VUA:

Vua Ba-tư-nặc nước Kiều-tất-la nghe tin Bạt-đà-ca-tỳ-la xuất gia, ông liền cho người mời vào cung. Nhà vua cùng ở chung với cô trong suốt bốn tháng an cư. Nhà vua còn vào trong khu vườn căn dặn người gác cổng:

Ngươi hãy canh cửa cho kỹ đừng để Tỳ-kheo-ni đó ra ngoài.

Người gác cổng thầm nghĩ:

Hẳn là vị Tỳ-kheo-ni này thích ở đây, cô ta sẽ không bỏ đi.

Một hôm người gác cổng có việc đi vắng, Tỳ-kheo-ni liền mặc áo phu nhân chạy ra cổng, theo đường tắt đến Kỳ-hoàn để nghe Phật thuyết pháp. Đức Phật thoáng thấy cô ta, Ngài liền gọi:

Thiện lai! Bạt-đà-ca-tỳ-la! Chiếc áo phu nhân trên người liền rớt xuông, tóc tai tự rụng, trên mình khoác áo ca sa làm Tỳ-kheo-ni. Cô đến cúi đầu đảnh lễ Đức Phật, Ngài liền thuyết pháp tứ như ý túc cho cô nghe, cô chứng được thần túc thông.

Nhà vua nghe Bạt-đà-ca-tỳ-la bỏ trốn, ông sai binh lính đến bao vây chúng Tỳ-kheo và các phòng của Tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni Bạt-đàca-tỳ-la liền bay lên Hư không, nhà vua ngước mặt lên nhìn thì phát sanh lòng sợ hãi và hối hận:

Tại sao ta lại làm ô nhiễm Tỳ-kheo-ni A-la-hán như thế!

Lòng xấu hỗ, nhà vua quỳ xuống sám hối cô ta. Trong chúng Tỳkheo-ni biết chuyện của cô liền đuổi cô ra khỏi chúng.

Cô nói:

– Tôi không có tâm ái dục.

Các Tỳ-kheo-ni nói:

Bốn tháng an cư, cô ở chung với vua trong cung, sao cô lại nói tôi không có tâm ái dục?

Họ bèn đem việc bạch lên Đức Phật, Ngài đã biết nhưng cố tình hỏi:

– Này Tỳ-kheo-ni! Lúc xảy ra chuyện cô có cảm nhận một chút khoái lạc nào không?

Cô đáp:

Bạch Thế tôn, làm sao con cảm nhận được, con cảm thấy lúc ấy như sắt nóng áp vào thân vậy.

Phật bảo:

– Nếu tâm không có chút khoái cảm thì không có tội.(Trích luật Thập Tụng và Thiện Tụng thứ mười hai)

4. HOA SẮC BỊ BÀ-LA-MÔN CƯỠNG BỨC:

Bấy giờ, Đức Phật ở tại thành Xá-vệ, một hôm trong ấp Ưu-thiệnna có một cư sĩ trẻ tuổi ra ngoài dạo chơi. Đang trên đường trông thấy một cô gái tên là Liên-hoa-sắc, nhan sắc xinh đẹp như hoa lá mùa xuân, vóc người đầy đặn. Đôi lời hỏi han, hai bên đem lòng ái mộ. Thế là hai người cưới nhau.

Không bao lâu người vợ mang thai, người chồng đích thân đưa vợ mình về ngoại để sanh nở. Đến ngày khai hoa, người vợ sanh ra một người con gái. Vì vợ mình mới sanh nở nên không thể gần gũi việc gối chăn, người chồng liền tư thông với mẹ vợ.

Liên hoa biết chuyện, lòng bất mãn muốn bỏ đi. Thế nhưng cắt đứt đạo vợ chồng thì sợ liên lụy tới cha mẹ, phần thì xót thương con dại nên cô đành nuốt chịu cơn tủi nhục mà trở về nhà chồng, nuôi con được tám tháng rồi bỏ đi.

Cô đến nước Ba-la-nại, vì đói khát mệt lã nên cô ngồi cạnh dòng sông. Bấy giờ có một vị trưởng giả đi dạo chơi trông thấy, ông đem lòng yêu mến liền hỏi:

Cha mẹ, dòng họ nàng ở đâu, hiện giờ nàng thuộc về ai, sao một mình nàng ngồi tại đây?

Liên-hoa đáp:

– Tôi là con gái họ đó… giờ thì không thuộc về ai cả.

Trưởng giả lại hỏi:

– Nếu không thuộc về ai thì nàng có chịu làm chánh thất của ta không?

Cô đáp:

– Con gái thì phải có chồng, sao mà không được!

Trưởng giả liền đưa cô về nhà cưới làm vợ chánh. Liên hoa sắc sắp xếp việc nhà trên dưới đều vui vẻ. Vợ chồng yêu quý nhau được tám năm. Một hôm trưởng giả bảo với vợ:

– Ta có số tiền cho vay ở ấp Ưu-thiện-na, đến nay đã tám năm rồi mà chưa thu lãi. Tính ra số lời cũng khá nhiều. Nay tôi phải tạm xa nhà một thời gian để đi lấy tiền.

Người vợ nói:

– Phong tục của ấp đó người nữ rất phóng túng, nay ông đến đó ắt sẽ làm mất tiết tháo của bậc trượng phu.

Chồng nói:

– Tôi tuy ngu muội nhưng cũng không đến nỗi loạn như thế.

Vợ nói:

– Nếu như vậy thì ông cứ đi nhưng ông phải thề một câu?

Chồng nói:

– Được, nếu trái lời thề thì tôi sẽ mất mạng.

Thế rồi ông từ giã vợ để đế ấp Ưu-thiện-na. Vì phải thu lãi nhiều nơi nên ở đó suốt cả một năm tròn. Lòng nhớ chuyện gối chăn ngày càng sâu đậm, ông liền nghĩ:

Nếu ta tà dâm mới trái với lời thề, còn nếu lấy vợ lẽ thì không đến nỗi là bội tín.

Thế là ông cho người dò la, gặp một cô gái có nhan sắc thanh nhã, xinh đẹp trông rất đàng hoàng, lòng ông ta càng yêu mến, liền đến cầu hôn. Người cha thấy trưởng giả giàu có, thông thái nên vui vẻ gả con.

Việc thu tiền lãi đã xong, trưởng giả đưa vợ bé về quê và sắp xếp cho cô ta ở chỗ riêng rồi mới về nhà. Thế là từ đó, ông tối đi sớm về khác hẳn lúc xưa. Lấy làm lạ, Liên-hoa Âm thầm dò hỏi. Kẻ hầu đáp:

– Ông nhà nay có vợ lẻ.

Tối đến, đợi chồng về, Liên-hoa liền hỏi:

– Ông có vợ mới sao lại giấu không cho tôi gặp mặt?

Chồng đáp:

– Tôi sợ nàng giận nên mới sắp xếp cho cô ta ở bên ngoài.

Liên-hoa nói:

Có thần minh chứng giám, tôi không phải là người có sự đố kị hẹp hòi như thế đâu, ông hãy đưa cô ấy về đây để cùng nhau lo liệu việc nhà.

Trưởng giả nghe vợ nói thế liền đem vợ bé về. Ngờ đâu, người ấy chính là con gái của Liên-hoa nhưng hai mẹ con lại không biết nhau. Nhân lúc cô bé gội đầu, Liên-hoa để ý, nhìn tướng mạo mới nghi ngờ. Bà liền hỏi thăm quê quán và họ hàng cha mẹ, cô bé đáp rõ lai lịch của mình. Biết là con gái của mình, Liên hoa kinh hoàng, chết lịm cả người. Cô than thở:

Trước đây ta cùng mẹ chung chồng, bây giờ lại cùng chồng với con gái, sanh tử mê lầm cho đến mức này, nếu không cắt đứt ái dục, xuất gia học đạo thì sự điên đảo như thế biết bao giờ mới chấm dứt.

Liên-hoa liền giao phó việc nhà rồi âm thầm ra đi. Khi đến cổng Tinh xá Kỳhoàn thì đói khát mệt lã, bà ngồi nghỉ dưới gốc cây. Lúc ấy, đại chúng đang vây quanh Đức Thế tôn để nghe thuyết pháp. Liên-hoa trông thấy đại chúng đang ngồi thì cho đó là lễ hội, đến đó sẽ có thức ăn. Nghĩ thế, cô ta lần bước vào Tinh xá, gặp Đức Thế tôn đang thuyết pháp. Nghe pháp âm, Liên-hoa-sắc liền tỏ ngộ, không còn biết đến đói khát nữa.

Bấy giờ, Đức Phật quán sát khắp hội chúng xem ai đáng được độ. Thấy Liên-hoa sắc sắp chứng quả nên Ngài thuyết pháp Tứ đế. Nghe xong, ngay chỗ ngồi, Liên-hoa-sắc xa lìa trần cấu, chứng được pháp nhãn thanh tịnh.

Sau khi chứng quả, Liên-hoa-sắc đảnh lễ Đức Phật. Ngài thuyết pháp xong, mọi người đều ra về, riêng Liên-hoa-sắc đảnh lễ và bạch Phật rằng:

Bạch Đức Thế tôn, cho con được xuất gia tu học theo Phật pháp.

Đức Phật chấp thuận và bảo Tỳ-kheo-ni Bà-xà-ba-đề cho cô xuất gia, thọ giới cụ túc. Sau khi thọ giới xong, Liên-hoa tinh tấn tu tập nên chứng được đạo quả A-la-hán, đầy đủ tám pháp giải thoát, nhan sắc càng rạng rỡ, xinh đẹp hơn xưa.

Một hôm, cô vào thành khất thực, có vị Bà-la-môn trông thấy, khởi lòng ái nhiễm và nảy sinh ý nghĩ:

Tỳ-kheo-ni này hiện giờ ta không thể bắt được, ta phải đến chỗ của cô ấy tìm cách chiếm đoạt.

Hôm sau, Liên-hoa-sắc lại đi khất thực, Bà-la-môn nọ lẻn vào núp dưới giường cô ta. Hôm ấy, vì thuyết pháp suốt đêm nên quá mệt mỏi, cô trở về phòng mình nằm ngữa, ngủ say sưa. Bà-la-môn từ dưới gầm giường chui ra cưỡng bức cô, nhưng không được, Tỳ-kheo-ni vụt bay lên Hư không. Ngay lúc ấy, Bà-la-môn chết sanh vào đại địa ngục.

(Trích luật Di-sa-tắc quyển năm)

5. PHẬT HÓA THÂN ĐỘ DÂM NỮ LIÊN HOA:

Bấy giờ Đức Phật đang ngụ tại núi Kỳ-xà-quật thuộc nước Laduyệt-kỳ, nơi ấy có một dâm nữ tên là Liên-hoa phát khởi tâm lành muốn dứt bỏ trần duyên, xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Cô liền lên núi, đi đến chỗ của Phật đang cư trú.

Trên đường đi, cô gặp một dòng suối chảy, nhân lúc vốc nước uống và rửa tay chân, cô nhìn thấy gương mặt và hình dáng của mình hiện trong nước còn quá xinh xắn. Cô thầm nghĩ:

Nay ta đang còn tuổi xuân xanh, tại sao không hưởng thụ những thú vui của thế gian cho thỏa thích mà lại bỏ đi làm Sa-môn?

Nghĩ thế, cô bèn quay trở về nhà.

Biết Liên-hoa đã đến lúc đáng được độ, Đức Phật liền hóa ra một cô gái xinh đẹp tuyệt thế, hơn cả nhan sắc của Liên-hoa, đang ngược chiều đi đến. Khi Liên-hoa trông thấy đem lòng kính phục trước nhan sắc của cô ta.

Liên-hoa hỏi:

– Em từ đâu đến, chồng em và kẻ hầu hạ đâu, tại sao em lại đi một mình?

Hóa nhân đáp:

– Em từ trong thành ra và bây giờ muốn trở về nhà. Gặp nhau đây, tuy chúng ta không hề quen biết nhưng có thể cùng đi trở lại phía trên dòng suối.

Liên-hoa nói:

Hay lắm!

Thế là cả hai cùng đi về phía dòng suối, sau khi bày tỏ nỗi niềm hóa nhân liền gối đầu lên đùi của Liên-hoa đánh giấc. Trong chốc lát, bỗng nhiên hóa nhân tắt thở, thi thể lại trương phình thối rữa, bụng vỡ ra giòi bò lúc nhúc, răng thì mẻ, tóc lại rụng, cơ thể rã nát.

Thấy thế, Liên hoa hết sức hoảng sợ.

Cô nghĩ:

Sao người xinh đẹp này chỉ trong phút chốc vô thường lại cướp mất mạng sống. Người này còn như thế huống gì ta đây, há có thể sống lâu được hay sao? Ta nên đến chỗ Phật tinh tấn tu học mới được.

Liên-hoa đến chỗ Đức Phật, nàng đảnh lễ và bạch rõ câu chuyện vừa qua.

Phật dạy:

Người nữ có bốn việc không thể giữ gìn.

  1. Thời thanh xuân rồi cũng phải già.
  2. Mạnh khỏe rồi cũng chết.
  3. Họ hàng vui vẻ rồi cũng phải chia lìa
  4. Tài sản, của báu dành dụm rồi cũng phải phân tán.

Nghe pháp xong, tâm tư được thư thái, Liên-hoa chứng quả A-lahán.

(Trích kinh Liên Hoa Nữ)

6. NĂM TRĂM BÀ LA MÔN NỮ NGHE PHÁP NGỘ ĐẠO

Trong biển, veà phía Đông Nam của nước Xá-vệ có một cái đài, trên đài có mọc loại cây, trổ hương thơm, mùi gỗ rất tinh khiết. Nơi đây có năm trăm con gái Bà-la-môn theo ngoại đạo, họ có lòng tinh tấn tu tập nhưng lại không biết đến Phật pháp.

Một hôm, các cô bảo nhau:

Chúng ta sanh làm thân nữ, từ khi thơ ấu cho đến già nua thường có ba việc không được tự do. Ba việc ấy là: tuổi thọ ngắn ngủi, thân hình như huyễn hoá, seõ phải chịu tử vong. Chi bằng nay ta cùng nhau đến đài hoa kia để hái hoa thơm và tinh tấn trì trai, hàng phục Phạm thiên phải đáp ứng như lời cầu nguyện của chúng ta. nguyện sanh làm Phạm thiên, sống lâu không chết, lại thêm được tự do không điều gì ràng buộc, xa lìa chốn tội lỗi, không còn phải buồn lo nữa.

Thế rồi các cô cùng đua nhau đến đài hoa, hái hoa thơm dâng cúng Phạm-thiên, hết lòng trì trai để mong cảm được Tôn thần.

Bấy giờ Đức Phật thấy được lòng thành khẩn của các cô đến lúc phải được hoá độ. Ngài cùng đại chúng bay thẳng lên hư không, đến dài hoa ngồi dưới cội cây. Các cô thấy vậy vô cùng vui mừng bảo nhau:

Đó là phạm thiên, họ chúc mừng nhau là sở nguyện của chúng ta đã thành tựu.

Bấy giờ có mộtvị trời bảo các cô:

Đây chẳng phải phạm thiên, mà là đấng Tối Tôn trong ba cõi, cứu độ cho vô lượng chúng sanh, Ngài được xưng là Phật.

Nghe vậy các cô bạch Phật:

Bạch đức Thế Tôn, chúng con là những người nhơ uế, nay sanh làm thân nữ, vì mong cầu được tự do nên nguyện sanh làm Phạm-thiên.

Đức Phật bảo:

Các cô thông minh mới phát được lời nguyện này. Thế gian có hai việc, quả báo roõ ràng, làm thiện được phước, làm ác gặp hoạ. Cái khổ thế gian, niềm vui cõi trời. Phiền não hữu vi và tịch diệt vô vi, có được mấy ai chọn lựa tìm cầu sự chân thật ấy? Lành thay! Các cô lại có được chí khí đó.

Đức Phật liền nói kệ:

Ai hay chọn đất
Bỏ gương lấy trời
Nói một câu pháp
Như chọn hoa lành
Biết đời hư giả
Pháp huyễn nhân duyên
Trừ quỷ nở hoa
Không còn tử sanh.

Nghe xong bài kệ ấy, các cô nguyện tu học chánh pháp, cầu xin xuất gia làm tỳ kheo-ni, tức thời tóc tự rụng, pháp y đầy đủ, tinh tấn tu tập thiền định, chứng quả Alahán

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 3)

7. KHÔNG THUYẾT PHÁP CHO NGƯỜI KIÊU MẠN

Ưu-đà-di qua nước Kiều-taùt-la, đến nhà Bà-la-môn Ni Tỳ-nữuca-chiên-diên, oi trong vườnYểm-la. Khi ấy có các đệ tử của Bà-lamoân Ni vào trong vườn Yểm-la để kiếm củi, họ gặp Ưu-đà-di đang ngồi tónh toạ dưới goác cây, dung mạo tuấn tú, các căn điều tịnh, tâm ý an nhiên, rõ ràng thành tựu đệ nhất điều phục. Họ liền đến chào hỏi Ưu-đà-di rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ Ưu-đà-di thuyết pháp cho họ nghe, khuyên nhủ khích lệ xong, Tôn giả ngồi im lặng. Các thiếu niên kia nghe pháp lòng tràn đầy hoan hỉ, họ vội gánh củi về thưa với Bà-la-môn Ni:

Trong khu vườn Yểm-la có một vị Sa-môn thuộc phái Cù-đàm thuyết pháp rất hay.

Bà-la-môn Ni bảo:

Các con hãy đến thỉnh Sa-môn ngày mai đến đây thọ trai.

Các đệ tử vâng lời đến thỉnh, tôn giả nhận lời. Họ về thưa với chủ là tôn giả đã nhận lời.

Sáng hôm sau, Tôn giả đắp y, ôm bát đến nhà Bà-la-môn Ni. Từ xa trông thấy Tôn giả, họ trải toạ cụ đón tiếp Ngài vào. Bà tự tay dọn các thức ăn ngon để dâng cúng cho Tôn giả. Thọ trai xong, Tôn giả rửa bát, súc miệng rồi trở lại chỗ ngồi. Khi ấy, Bà-la-môn Ni mang giày, dùng khăn trùm đầu, trải riêng toà cao hơn để ngồi, lộ vẻ ta đây và bảo Tôn giả:

Tôi có điều muốn hỏi, không biết Ngài có rảnh để trả lời không?

Tôn giả đáp:

Đại tỷ! Hôm nay chẳng phải lúc.

Ngày hôm sau, các đệ tử của Bà-la-môn lại vào vườn kiếm củi, nghe Ưu-đà-di thuyết pháp rồi quay về bạch lại với thầy. Bà ta lại sai đệ tử đến thỉnh Ngài về thọ trai như trước.

Khi mời nói pháp thì Tôn giả lại nói:

Chẳng phải thời.

Các đệ tử của bà thưa:

Thầy ngồi không cung kính như vậy thì Sa-môn kia làm sao nói pháp.

Bà-la-môn nói:

Nếu như vậy thì ta phải thỉnh Ngài lần nữa.

Đệ tử vâng lời, lại thỉnh Tôn giả đến cúng dường như trước. Thấy Tôn giả thọ thực xong, Bà-la-môn Ni liền tháo giày, đắp y trang nghiêm, ngồi giường thấp hơn và cung kính bạch:

Bạch Tôn giả, nay con có điều muốn hỏi, chẳng hay Tôn giả có nhận lời giải đáp không?

Tôn giả đáp:

– Cô cứ hỏi đi, ta sẽ trả lời cho.

Bà thưa:

Thưa Tôn giả, tại sao nói khổ vui do mình tạo? Lại nói khổ vui do người khác gây ra? Khổ vui do mình và người khác gây tạo? Khổ vui chẳng do mình và người khác gây tạo?

Này đại tỷ, Ưu-đà-di đáp:

– A-la-hán nói khổ vui là dị sanh.

Bà hỏi:

– Thưa Tôn giả, nghĩa ấy thế nào?

Tôn giả đáp:

– Tất cả khổ vui đều do nhân Duyên sanh.

Tôn giả nói:

– Giờ Tôi hỏi lại, cô cứ theo sự hiểu biết của mình mà tự nhiên trả lời.

Cô có mắt không?

Bà đáp:

– Có, thưa Tôn giả.

Hỏi:

Có cảnh sắc không?

Đáp:

– Có, thưa Tôn giả.

Hỏi:

– Khi mắt tiếp xúc với cảnh sắc, nhãn thức sanh khởi thì bên trong có cảm nhận được khổ hay vui? Hoặc không khổ không vui chăng?

Bà đáp:

– Đúng vậy, thưa Tôn giả.

Tôn giả Ưu-đà-di nói:

Đây là A-la-hán nói, tất cả khổ vui đều do nhân duyên sanh ra.

Lúc Tôn giả Ưu-đà-di nói pháp này rồi Bà-la-môn Ni xa lìa trần cấu, chứng pháp nhãn thanh tịnh. Bà từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay cung kính bạch:

Bạch tôn giả, nhờ Ngài mà con nay đã thấu rõ Phật pháp. Kể từ đây con xin quy y Phật Pháp Tăng, trọn đời nương tựa Tam bảo.

(Trích kinh Ưu-đà-di Tọa Thọ Tịch Tịnh Điều Phục)

8. SAI MA LIÊN HOA BỊ KẺ ÁC HÃM HẠI:

Thuở xưa, trong vườn Câu-tát thuộc thành Xá-vệ có nhóm người dâm loạn phóng dật, chuyên làm chuyện hung ác. Bấy giờ các Tỳkheoni trong vườn đang ngồi dưới cội cây tu tập thiền định, tâm không hề 04 xao lãng. Trong chúng có Tỳ-kheo-ni Sai-ma là người có trí bậc nhất, Liên-hoa-tiên là người có thần túc bậc nhất. Tất cả đều có uy đức cao vời vợi.

Lúc đó, tiết Trời hơi nóng bức, có Tỳ-kheo-ni xuống tắm gội ở bờ sông. Bọn hung ác kia từ xa trông thấy Tỳ-kheo-ni liền khởi tâm bất thiện, lòng dục dấy khởi, muốn đến cưỡng bức. Lúc Tỳ-kheo-ni cởi bỏ y phục lội xuống nước tắm gội, bọn cướp ở trên bờ đem giấu y phục của cô ở nơi khác rồi muốn kéo cô lại để cưỡng bức. Vì xót thương họ nên Tỳ-kheo-ni liền móc đôi mắt của mình đặt ở trong lòng bàn tay để cho bọn ho thấy.

Cô nói:

Các ông yêu mến tôi phải chăng chỉ thích cái thân hình vẻ đẹp bên ngoài, giờ đây đã mù lòa còn gì là đẹp đâu?

Cô lại phơi bày lục phủ ngũ tạng và tay chân, mỗi thứ một bên cho họ thấy, rồi hỏi bọn họ:

Các ông thấy yêu thích tôi ở chỗ nào?

Thấy thế, bọn bất lương kia bỗng nhiên kinh hãi, nhận biết được đời là vô thường, ba cõi như bọt nước, thân mình hóa thành xương xẩu máu me bất tịnh, không còn gì để tham tiếc cả. Vì vậy chúng lấy y phục hoàn trả lại cho cô và cúi đầu sám hối những hành động nghịch ngợm vô liêm sỉ, nguyện bỏ tất cả những xấu xa tội lỗi. Họ quỳ xuống chấp tay xin thọ năm giới. Tỳ-kheo-ni dẫn họ đến chỗ Phật, bọn họ cúi đầu sát đất tự trách lỗi của mình.

(Trích Sanh Kinh quyển bốn và Tỳ Ni)

9. PHẬT ĐỘ BÀ TỲ ĐỂ LA:

Trong nhà trưởng giả Tu-đạt có một bà già làm nô tỳ tên Tỳđể-la. Bà là một người rất siêng năng, nên được giao phó giữ gìn gia nghiệp, coi sóc tất cả các kho cất chứa của cải. Trưởng giả thường hay cúng dường Tam bảo, cung cấp tứ sự, thuốc men cũng như tất cả các vật cần dùng khác cho Đức Phật và chúng Tăng. Thế nhưng bà tham lam, chê trách Tam bảo.

Bà nói:

Trưởng giả nhà ta sao quá ngu si mê muội, bị huyễn thuật của Samôn cầu không biết chán kia, có đạo nào như vậy không?

Bà nói xong liền buông lời nguyền đôc ác:

Ta nguyện không bao giờ nghe lại tên Phật Pháp Tăng.

Nghe thế, Mạt-lợi phu nhân liền nói:

Tại sao Tu đạt giống như hoa sen đẹp mà lại bị bốn con rắn độc vây quanh.

Bà liền bảo Tu-đạt:

Ông hãy gọi vợ của ông đến đây.

Vợ của trưởng giả Tu đạt đến, Mạt-lợi phu nhân bảo:

– Bà tớ già của nhà ngươi ác khẩu phỉ báng Tam bảo, sao ngươi không đuổi bà đi?

Vợ trưởng giả Tu-đạt đáp:

Thưa phu nhân, Đức Phật ra đời, nhiều nơi được thấm nhuần lợi ích huống gì bà tớ già ấy?

Nghe lời ấy phu nhân lấy làm hoan hỉ nói:

Tôi muốn thỉnh Phật, bà hãy bảo người tớ già ấy đến đây.

Sáng hôm sau Đức Phật đến, Trưởng giả Tu-đạt sai người tớ già mang một chiếc bình đựng đầy vàng và châu Ma-ni để trợ giúp nhà vua cúng dường Đức Phật và chúng Tăng.

Người tớ già trông thấy Đức Phật vào cửa thì lòng không vui, bà ta muốn lùi lại, theo lỗ chó mà chui ra ngoài. Bà lại đóng lỗ chó lại và bích hết tất cả các lỗ xung quanh, chỉ còn lỗ giữa chưa đống kịp. Bà già lại dùng quạt che mặt để đừng thấy Ngài, nhưng trước mặt bà luôn luôn có Phật, chiếc quạt của bà biến thành tấm gương trong suốt, nên bà quay đầu bốn phía thì nơi nào cũng thấy hình bóng của Đức Phật. Bà cúi đầu sát đất nhưng mười ngón tay đều biến thành hình Phật. Bà tớ già thấy Phật bằng tất ca các thí dụ. Túng thế, bà vội chạy vào nhà trốn vào trong lồng củi, lấy lụa trắng trùm đầu sợ thấy Đức Phật. Phật nhìn thấy suốt tám mươi vạn kiếp bà không phát khởi được thiện tâm nhưng có thể trừ được tội sanh tử, đồng thời Ngài cũng thấy rõ các thân khác của bà.

Phật nói:

– Bà tớ già này tội nặng, lại không có duyên với ta, Nhưng bà có nhân duyên lớn với La-hầu-la. Này La-hầu-la nay ông hãy hoá độ bà ấy.

Tôn giả La-hầu-la nương oai thần của Phật, nhập định như ý, hoá thân làm Chuyển luân Thánh vương. Một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo hóa làm một ngàn người con của Chuyển luân vương. Tôn giả A-nan làm quan Điển tạng, Nan-đà làm quan Chủ binh, bảy báu và bốn bộ binh đều đầy đủ. Bấy giờ Kim-luân-bảo vương ngự trên đài sen ở giữa Hư không bay thẳng đến nhà trưởng giả Tu-đạt. Khi ấy, có Dạ-xoa xướng lên:

– Thánh vương ra đời diệt trừ kẻ ác, tuyên dương thiện pháp.

Nghe lời ấy bà tớ già lòng rất khoan khoái nói:

– Thánh vương ra đời được châu Như ý, không cần mong cầu gì nữa, đây là điều đáng tuyên dương.

Bấy giờ, Thánh vương gióng chuông, đánh trống, cởi xe đại báu đến nhà Tu-đạt.

Bà ta trông thấy hết sức vui mừng, nói:

Thánh vương ra đời nhiều nơi được lợi ích, biết phân biệt thiện ác, hẵn sẽ không làm những điều tội lỗi. Còn Sa-môn kia thì chuyên mê hoặc lòng người.

Bà từ trong lồng củi chui ra, thành kính làm lễ, Thánh vương bèn sai vị quan chủ kho báu đến bảo bà:

– Đại tỷ có phước đời trước ứng hiện, vua là tướng Thánh vương, hôm nay Ngài muốn đem đại tỷ về làm ngọc nữ báu.

Bà tớ già thưa:

– Thân tôi hèn mọn giống như phẩn uế mà được Thánh vương hỏi thăm, lòng đã vui khôn xiết, đâu dám nhận làm ngọc nữ quý báu. Nếu người thương tưởng, xin hãy bảo với chủ phóng thích tôi khỏi kiếp đầy tớ thì ân đức ấy đã quá nhiều rồi.

Thánh vương lại bảo Tu-đạt:

– Bà lão nhà khanh có tướng quý cao sang tuyệt vời, giờ ta muốn đem bà về làm ngọc nữ báu của ta.

Tu-đạt đáp:

– Thần xin vâng lời của đại vương.

Nghe được phóng thích, bà lão vô cùng hân hoan. Thánh vương liền lấy châu Như ý soi mặt, khiến cho bà thấy mặt mình như ngọc nữ quý báu, lòng bội phần hoan hỉ.

Bà nói:

– Mấy ông Sa-môn cao giọng lắm lời, nói mình là người có đạo nhưng không chút hiệu nghiệm. Thánh vương ra đời làm lợi ích nhiều nơi, khiến cho kẻ già nua xấu xí này giống như ngọc nữ báu.

Nói xong, bà cúi đầu đảnh lễ Thánh vương. Lúc đó quan Điển tạng vâng lệnh vua, giảng pháp Thập thiện. Bà nghe pháp lòng rất vui mừng tán thán:

– Lời Thánh vương đã nói nghĩa nào cũng hay.

Bà đảnh lễ nhà vua và sám hối tội lỗi của mình. Biết tâm bà đã được điều phục, La-hầu-la hiện lại nguyên hình. Bà tớ già vừa ngẩng đầu lên thấy một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo liền nói:

Phật pháp thanh tịnh, chẳng bỏ chúng sanh, như con đây là kẻ xấu ác mà còn hoá độ.

Nói xong bà xin thọ năm giới. La-hầu-la nói cho bà nghe pháp Tamquy. Bà vừa thọ giới lại nghe pháp này, trong khoảnh khắc chưa kịp ngẩng đầu thì đã chứng quả Tu-đà-hoàn. La-hầu-la liền đưa bà đến rừng Kỳ-đà yết kiến Đức Phật. Nhìn thấy Phật, bà hoan hỉ chấp tay làm lễ sám hối và cầu xin xuất gia.

Phật bảo Tôn giả La-hầu-la đưa bà lão đến chỗ Kiều-đàm-di. Đang trên đường đi, Tôn giả lại nói pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Nghe xong, tóc bà tự rụng biến thành Tỳ-kheo-ni đầy đủ Tam minh, Lục thông, bát giải thoát. Hay tin, Vua Ba-tư-nặc và Mạt-lợi phu nhân hết sức vui mừng, bạch Phật:

Bạch Thế tôn, như bà lão này đời trước có tội gì, lại do phước lành nào mà chứng được A-la-hán.

Phật dạy:

– Này đại vương trong kiếp quá khứ có Đức Phật hiệu là Bửu-CáiĐăngVương, vào thời tượng pháp sau khi Đức Phật đó diệt độ, lúc ấy có vua Tạp-bảo-hoa-quang. Vị vua này có người con tên Khoái-kiến xin cha cho phép xuất gia. Vua cha liền chấp thuận. Vương tử đi đến chỗ chúng Tăng để cấu xin xuất gia. Lúc đó có vị Tỳ-kheo thông minh đa trí, thấu rõ thật tướng, nhận ông làm đệ tử. Lại có Tỳ-kheo tên Đứchoa-quang, khéo thuyết pháp yếu để dẫn dắt hàng sơ học… khéo nói pháp yếu, thấu suốt bực sơ học. Tỳ-kheo vương tử tuy đã xuất gia nhưng lòng vẫn còn kiêu mạn. Nghe Hoà thượng giảng pháp mầu nhiệm thậm thâm, nghĩa Không Đại thừa của Bát-nhã ba-la-mật, vương tử hiểu lầm cho là tà thuyết. Sau khi Hoà thượng diệt độ, vương tử nói:

Đại hoà thượng của ta không hề có trí tuệ, chỉ biết tán thán việc rỗng không của hư vô. Ta nguyện đời sau chẳng thích nhìn thấy ông ta. Còn A-xà-lê có trí tuệ biện tài, ta nguyện đời này làm thiện tri thức.

Tỳ-kheo vương tử nói xong, ông ta ở trong chánh pháp lại nói phi pháp, phi pháp nói chánh pháp, rồi đem dạy cho hàng đệ tử thực hành theo tà kiến. Tuy trì giới, đầy đủ oai nghi, nhưng do hiểu biết sai lầm nên sau khi mạng chung nhanh như tên bắn, ông ta rơi vào địa ngục. Suốt tám mươi mốt kiếp thường chịu đau khổ tột cùng. Khi thoát khỏi địa ngục, ông sanh làm kẻ nghèo hèn, điếc ngu tăm tối, làm kẻ nô tỳ phải bị người sai khiến.

Hoà thượng bấy giờ nay chính là ta. A-xà-lê lúc bấy giờ nay là La-hầu-la. Tỳ-kheo vương tử chính là bà lão này.

(Trích kinh Quán Phật Tam Muội quyển sáu)

10. MẤT CON PHÁT CUỒNG:

Thuở xưa có Bà-la-môn sanh sáu người con trai nhưng chúng nối tiếp nhau lìa đời. Người mẹ quá thương con nên phát cuồng. Bà loã hình, xoã tóc chạy rông ngoài đường. Vừa thấy Đức Thế tôn, bà chợt nhớ lại bổn tâm, xấu hỗ vội ngồi xổm xuống đất. Phật bảo Tôn giả A-nan:

– Ông hãy lấy Uất-đa-la-tăng cho bà ta khoác vào để nghe pháp.

Tôn giả A-nan trao y cho bà. Bà đến trước Phật cúi đầu đảnh lễ. Ngài thuyết pháp khai thị cho bà có được niềm vui. Bà thọ tam quy trở thành vị Ưu-bà-tắc, rồi vui vẻ quay về.

Sau đó người con thứ bảy của bà lại qua đời. Bà không hề than khóc. Người chồng dùng kệ hỏi bà:

Sáu con lần lượt chết
Bà nhớ thương sầu não
Ngày đêm chẳng uống ăn
Dẫn đến phát điên cuồng
Nay con thứ bảy mất
Sao lại không buồn khổ?

Bà đáp:

Cháu con vô lượng số
Nhân duyên hoà hợp sanh
Đêm dài đã đi qua
Tôi và ông cũng thế
Dù chúng sanh nơi nào
Chỉ thêm tổn hại nhau
Nếu biết sống quan trọng
Đáng gì phải buồn lo
Tôi đã biết xa lìa
Cho nên không sầu não

Chồng hỏi:

Pháp ấy chưa hề nghe
Nay mới nghe bà nói
Bà nghe pháp ở đâu
Mà chẳng buồn nhớ con?

Vợ đáp:

Nay nhờ bậc Chánh giác
Tôi trọn lìa khổ não
Ngài nói pháp Tứ đế
An ổn hướng Niết-bàn
Chánh pháp tôi hiểu rồi
Quên nỗi buồn nhớ con.

Chồng nói:

Giờ tôi cũng sẽ đến
Vườn Am la di hi
Cậy nhờ Đức Thế tôn
Giải trừ nỗi nhớ con

Vợ bảo:

Ông xem bậc Chánh giác
Nhu hoà thân sắc vàng
Điều phục kẻ ương ngạnh
Độ khắp cả quần sanh.

Người chồng đến yết kiến Phật, Ngài nói kệ:

Pháp khổ tập diệt đạo
Trừ khổ hướng Niết-bàn
Được vậy liền thấy pháp
Chứng thành bậc Thánh văn.

Người chồng nghe pháp xong, tâm được thông suốt. Ông theo Phật xuất gia, một mình nơi vắng vẻ tu tập thiền định và chứng quả A-la-hán. Người vợ và cháu gái Đà-bàn-lê cũng xuất gia, dứt trừ tận cùng bờ bến khổ.

(Trích kinh Xuất Ly, A-hàm quyển ba)

11. CON GÁI CỦA CÔ ĐỘC MẪU XUẤT GIA:

Ngày xưa, tại thành Xá-vệ này có một bà mẹ sống cô đôc, có được một người con gái. Khi con lên mười bảy, nhan sắc xinh đẹp, nhưng vì nghèo khó, áo không đủ che thân, hàng ngày bà đi xin ăn để nuôi con. Con gái bà hiền thục lại thông minh, thông suốt các kinh thư. Cô là người biết lễ nghi, không ra khỏi chốn phòng khuê. Nhà ở cạnh cung thành, cô ước muốn được làm Hoàng hậu và được phụng thờ Phật pháp.

Một hôm, vua đi dạo chơi, gặp một con quạ đang kêu ở trên nhà của cô gái nghèo này. Nhà vua liền giương cung bắn quạ, quạ trúng phải tên nên bay vào nhà cô ta để núp. Kẻ hầu của vua đuổi theo đến nhà nhưng cô gái không ra diện kiến, chỉ nhổ mũi tên cho quạ bay đi và ném tên ra ngoài. Những người hầu của vua trông thấy ngón tay của cô, họ biết đây chẳng phải là kẻ tầm thường.

Trong năm ấy, hoàng hậu qua đời, nhà vua muốn tìm người kế ngôi Hoàng hậu nhưng không có người nào cho vừa ý. Vì vậy nhà vua ra thông cáo khắp thiên hạ để tìm người kế ngôi. Bấy giờ, những người hầu nhớ lại ngày trước nhà vua bắn quạ nên họ tâu với vua:

Tâu Bệ hạ, lúc trước Ngài bắn tên vào nhà một cô gái nghèo, tuổi vừa mười bảy, tuy hạ thần không thấy được hình dáng của cô ta nhưng có nhìn được ngón tay và nghe được giọng nói của cô dường như là bậc quý nhân.

Nghe tâu như vậy, nhà vua liền sai sứ đến thăm dò để triệu cả hai mẹ con vào cung, đồng thời sai thầy tướng đến để xem xét. Khi đến nơi, họ liền đi thẳng vào nhà. Trong nhà, người mẹ đi vắng chỉ còn lại một mình nàng. Sứ giả nhiều lần mời cô ra để diện kiến nhưng cô không chịu ra. Sứ giả bèn lên giọng:

Cô gái nhà nghèo này ra đây!

Nàng liền lên tiếng:

– Giàu hay nghèo đều là con người cả, ông là ai lại đường đột đến nhà tôi? Hãy mau mời ông ra khỏi đây ngay!

Sứ giả đáp:

– Nhà vua sai tôi đến đây, cô thuộc hàng hạ tiện sao dám đuổi tôi?

Cô đáp:

– Nhà vua có việc gì mà triệu tôi đến? Nếu bắt tôi làm nô tì thì nhà tôi đâu phạm vào pháp vua, còn nếu muốn tôi làm vợ thì bọn ông là sứ giả của tôi, sao các ông lại dám buông lời khinh chê nhà nghèo? Cậy vào thế lực mà đi bức hiếp người nữ thế sao? Người nữ tuy yếu đuối nhưng tôi tự có túc mạng, không dễ bị uy vũ khuất phục đâu! Các ông nên trở về tâu lại với vua như thế.

Bọn sứ giả đuối lý bèn trở về tâu lại với vua. Nhà vua liền ra lệnh cho trăm quan sửa soạn xa giá, đầy đủ lễ nghi, dẫn theo năm trăm thể nữ đến nghinh đón nàng. Sứ giả chuẩn bị bò, dê, heo, rượu làm sính lễ. Đồng thời trang bị xe hoa, treo rèm lụa cho năm con ngựa kéo, mười vạn binh tinh ntuệ đi trước dẫn đường, theo sau là hàng ngàn cổ xe, mười ngàn con ngựa quý, mười hai vạn người hộ tống, chuông trống rền vang khắp Trời, người xem kéo đến nhà cô rất đông đảo.

Đến nơi, sứ giả xuống xe, vào trước thông báo. Nàng nghe vậy cung kính đáp tạ:

– Cảm ơn sứ giả, trăm quan cũng như binh lính và nhân dân. Các vị đường xa nhọc nhằn hạ cố đến, tôi là con nhà thấp hèn, đâu phải dòng sang quý mà làm phiền các quan và binh lính, lại còn hạ thấp uy thế của nhà vua. Kẻ hèn mọn ngu muội này chỉ nhờ chút phước đức xưa nên được nhà vua chiếu cố, tự biết mình xấu xí. Nếu xét đức hạnh thì tôi không đủ lễ nghi của người con gái. Xét về Dung mạo, tôi không có sắc đẹp như hoa Đào, hoa Ưu đàm. Xét về âm thanh, không được trầm bổng dễ nghe. Lại không có trí sáng của bậc đại Thánh, không hiểu biết sâu rộng như bậc Thánh. Thân không được sáng tươi vàng chói mềm mại. Hơi thở không thơm tho như mùi gỗ chiên đàn. Lời nói không được dịu dàng hòa nhã, thanh tao, trung hậu, nhân từ. Việc làm không biết tiến thoái cao thấp. Dối gạt lệnh vua, uổng nhọc công người xem, sứ giả và trăm quan ai cũng đều mệt mỏi.

Nàng lại bảo với các thể nữ:

– Các em bạc phước, đọa làm thân nô tỳ, từ nay về sau chúng ta cùng nhau theo hầu vua, mỗi người nên chánh tâm, tu tập chánh hạnh, đừng để phạm vào nghi thức của nhà vua.

Năm trăm thể nữ đều vâng lời. Cô lại dặn dò hai trăm năm mươi thanh y:

– Con người vốn không có sự sang hèn, đạo ở chỗ tôn kính. Các em đều là những người hiền lành, chỗ khác biệt xưa nay chỉ là giai cấp thấp hèn, các em không nên tự ti mà hãy cố gắng tu tập thiện pháp.

Tất cả mọi người đều vâng theo lời ấy.

Bấy giờ trăm quan tiến dâng lễ của vua bao gồm: Một ngàn thỏi vàng ròng, hai ngàn thỏi bạch ngân, ngọc anh lạc, thuỷ tinh, lưu ly, minh nguyệt thần châu, san hô hỗ phách, ngàn đôi bạch tố, ngàn tấm lụa mềm, võng lụa gấm điều xanh tía, áo đầy đủ các màu, ngàn thứ hương chiên đàn.

Trăm quan dâng y Bách lĩnh cho phu nhân trang điểm. Nhận các thứ, trang điểm xong, cô bước ra làm lễ lên ngôi. Trăm quan trông thấy ai cũng vui mừng đều tung hô muôn măn đất nước hẳn thái bình, vì có được bậc mẫu nghi của muôn dân trăm họ. Thể nữ thanh y gần gũi thân tình bên nàng như con có được mẹ hiền. Nàng vén y lên xe, xe liền đứng yên, ngựa được thuần phục. Bầu Trời quang đãng, trăm chim kéo đến đông như mây tụ, quấn quýt bên xe cất tiếng hót buồn thương đưa tiễn. Trăm quan thần dân đều nói:

Đây chính là người cõi Trời giáng xuống, đất nước chắc chắn được bình yên.

Khi nàng đến cung vua, cửa tự nhiên mở ra. Năm trăm người hầu xuống xe vào cung. Trong cung tự nhiên phát ra hào quang năm sắc. Trên điện từ trong ra ngoài đều bừng sáng. Nàng vào cung làm lễ nhà vua. Nhìn thấy nàng, nhà vua kinh ngạc sững sờ vội bước xuống ngai vàng để đáp lễ. Ngay bệ rồng, nàng cứ phủ phục lạy vua, nhà vua quỳ mọp đáp lễ. Sau đó ông truyền lệnh đưa nàng vào cung.

Hoàng hậu sống hiền hoà nhu thuận, không làm tổn thương đến người khác. Nhà vua hết mực cung kính. Nàng nói năng từ tốn. Tuy ít trò chuyện nhưng lời thốt ra đều hợp với nghĩa khiến cho trong ngoài ai cũng kính phục. Hoàng hậu ở trong cung suốt bảy ngày bảy đêm nhưng không hề dính lưng xuống chiếu, mãi vui chơi với các phu nhân và thể nữ. Nhà vua rất muốn gặp nàng nhưng lòng nàng trinh trắng, thích yên tịnh, không muốn gặp gỡ trò chuyện với nhà vua.

Vua nói:

Nghĩa gia thất, đạo vợ chồng lấy việc ân ái làm thân mật. Phu nhân vào cung đã bảy ngày bảy đêm mà không cho ta gặp mặt là ý như thế nào? Nàng cho đó là đúng pháp hay sao?

Phu nhân sai thể nữ đáp lời vua. Bình sinh, nàng có hai điều nguyện, nay đã thành tựu được một nhưng vẫn còn một tâm nguyện chưa xong nên không thể cùng vua tương kiến. Vua hỏi:

– Vậy thì phu nhân đã được những gì còn những gì chưa được?

Phu nhân đáp: Thuở nhỏ thiếp có lời nguyện, được chồng làm quốc vương và phụng thờ Phật Thánh.

Vua bảo:

– Vậy nàng hãy cho ta gặp mặt một lần rồi sau đó sẽ đến gặp Phật.

Phu nhân đáp:

– Không được, thiếp chưa gặp được Phật quyết không thể gặp mặt bệ hạ.

Nhà vua nổi giận:

– Nàng vốn nghèo hèn, thuộc hạng ăn xin, sao dám trái ý trẫm?

Phu nhân đáp:

– Ngưòi vợ thuộc quyền chồng, mọi việc đều phải nghe theo, nhưng thiếp có lời thề xưa không thể trái. Bệ hạ tuy là bậc tôn quý nhưng không được ép uổng người cô thế.

Vua nói:

– Ta là chủ của muôn dân, ai phạm tội sẽ giết cần gì hỏi đúng sai!

Phu nhân đáp:

– Bệ hạ là cha mẹ của muôn dân, xử đoán phải dùng đạo lý, sao được tự ý vui hay giận. Điều đó kẻ phàm phu còn không làm huống gì bậc quân vương?

Vua nói:

– Nàng thuận theo ý ta thì được toàn mạng còn ngược lại sẽ chết.

Phu nhân nói:

Người nữ cũng có tâm hẹp hòi, nếu bệ hạ thuận theo thì thiếp mới cho gặp mặt, còn không thì thiếp chẳng cho gặp mặt.

Vua hỏi:

– Vậy thì làm sao thỉnh Phật?

Nàng đáp:

– Phật ở tại nứơc ta, bệ hạ thỉnh thì Ngài sẽ đến.

Nhà vua phân vân:

– Trẫm sợ trăm quan sẽ chê cười.

Nàng nói:

– Bệ hạ thỉnh Phật vào cung, Ngài lên điện trăm quan sẽ vui mừng, đời đời được hưởng phước, họ không chê cười bệ hạ đâu.

Nhà vua nói:

– Hay lắm.

Ông liền ra lệnh cho nhà bếp sửa soạn thức ăn mười vạn người, rồi sai thị nữ báo với Hoàng hậu hãy thỉnh Phật đến. Nhà vua đã chuẩn bị xong vật thực để cúng dường.

Hoàng hậu đáp:

– Làm vợ là phải vâng theo lời chồng, nhưng việc thỉnh Phật, Đại vương nên đích thân xa giá, tạm thời hạ mình, tỏ lòng thành kính đến yết kiến Đức Phật.

Vua bảo:

Nếu ta thỉnh Phật thì tự ta đi, còn nàng thỉnh Phật thì nàng nên đích thân đi chứ ta không đi đâu.

Hoàng hậu nói:

Đại vương là người chồng tôn quý của thiếp, uy thế của người nữ không bằng một ít lời nói của bệ hạ, xin Ngài hãy hạ bớt quyền uy, tạm đến yết kiến Đức Phật. Chẳng lẽ thiếp không phải là người nhà của Đại vương hay sao? Hay là chưa có nghĩa vợ chồng gia thất cho nên có sự khác biệt giữa thiếp và Đại vương hay sao?

Vua đáp:

– Vợ chồng chưa thành thân thì chưa phân biệt đạo nghĩa. Đây là tại ý nàng vậy.

Phu nhân im lặng, nét mặt sáng rỡ khác thường. Vì sợ muốn tự sát hoặc bỏ đi nên nhà vua hạ lệnh cho thị vệ canh phòng nghiêm ngặt, đội vệ binh đống chặt ở cửa cung, trong ngoài tuần tra cẩn mật đến nỗi chim bay cũng không thoát. Trong cung thể nữ luôn phiên hầu hạ, khiến cho mũi kim cũng không chịu buông xuống. Biết ý nhà vua không đến thỉnh Phật và không tin mình, nàng liền biến mất ngay trên điện, mọi người không thấy tăm hơi đâu cả. Khi ấy, một ngàn thể nữ cùng bảy mươi mốt vị phu nhân đều kinh sợ, bảo nhau tìm kiếm khắp nơi nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Nhà vua vô cùng hổ thẹn, rưng rưng nước mắt đứng lên nói:

– Giờ đây làm sao? Ta đã cứng rắn quá đến nỗi xảy ra chuyện để rồi hối tiếc. Bây giờ tìm cách nào để nàng quay trở lại.

Đệ nhị phu nhân thưa:

– Hoàng hậu chẳng phải hạng tầm thường như chúng tôi. Đại vương nên chiều ý người, không nên trái nghịch, vì buồn vui mà nặng lời với Hoàng hậu, bởi đây là người từ trên Trời hạ sanh xuống. Giờ đây, Đại vương đã làm cho Hoàng hậu bỏ đi, bảy mươi mốt người chúng tôi biết nương cậy vào ai đây?

Các thể nữ thanh y đều gào khóc như khóc người chết, các công khanh nam nữ cũng đều buồn thảm thở than: Giờ đây nước chúng ta sẽ nương cậy vào ai đây? Chim chóc kêu áo não, đất Trời lay động, nhà vua vì quá thương cảm mà muốn ngất đi, ông hướng lên Trời thở vắn than dài, lệ tuôn như mưa, dân chúng không ai chịu làm ăn, thành thị thôn quê đều vắng vẻ, họ cứ tụm năm tụm mười lại mà khóc lóc. Suốt bảy ngày bảy đêm, nhà vua nằm bất động không chịu ăn uống.

Bấy giờ, đệ nhị phu nhân tâu vua:

– Đại vương hãy tạm đến bái yết Đức Phật và thỉnh Ngài đến đây.

Nhà vua liền đến, cúi đầu làm lễ thưa:

– Con là Hà ca đạt lưu, vua nước A-tỳ-la-nại. Vì ngày đêm quá bận rộn việc nước nhà, không đến yết kiến Ngài được. Nhà vua nói như vậy ba lần rồi đảnh lễ.

Phật bảo:

– Việc nước nhọc nhằn, biết bao phiền phức, tổn đến tinh thần, chẳng hay quan dân trong nước có được bình an không?

Vua đáp:

Nhờ thấm nhuần ân của Ngài mà được bình an cả, giờ đây cúi xin Ngài ha cố đến cung điện của chúng con.

Đức Phật nhận lời. Trong chốc lát, Đức Phật ngự trên điện của nhà vua. Bấy giờ, Hoàng hậu cùng với bảy mươi mốt vị cung phi, ba ngàn năm trăm thể nữ đều ra đảnh lễ Đức Phật. Ban đầu nhà vua chưa nhìn thấy Hoàng hậu và các cung nữ, chỉ có Đức Phật nhìn thấy thôi.

Nhà vua lễ Phật nhưng lòng buồn bã.

Đức Phật bảo:

– Hoàng hậu mà Đại vương muốn tìm nay ở đây.

Trông thấy Hoàng hậu nhà vua vô cùng vui vẻ, các cung tần, thể nữ cũng rất hân hoan. Nhà vua liền bày thức ăn lên để cúng Phật. Thọ trai xong, Ngài theo lòng mong cầu của mọi người mà chú nguyện cho tất cả.

Nhà vua bạch Phật:

– Hoàng hậu vốn là con của một người mẹ góa, thuộc hạng cùng đinh, nay lại được làm Hoàng hậu, là bậc tôn quý trên mọi người, bậc mẫu nghi của muôn dân. Nàng lại có lòng nhân đức hiền từ, lời nói dịu dàng không làm tổn hại đến ai, lại có thể biến hóa ẩn hình mà cả quỷ thần rồng đều không biết ở đâu, đó là do tội phước gì mà có như vậy?

Phật dạy:

– Hoàng hậu xưa là Đại-ca-la-việt, là một gia đình giàu có, của cải rất nhiều nhưng lòng keo kiệt, không chịu bố thí, cho nên đời này gặp cảnh nghèo khó. Tánh tình ông ta lại háu sắc, thích giao hoan với người nữ, cho nên đời này phải mang thân nữ. Bên cạnh đó, Ca-la-việt còn thích ngao du với các vị tu hành, học hỏi kinh sách nên đời nay có được trí tuệ. Trong quá khứ, Ông còn gặp được năm trăm Đức Phật, nay lại gặp ta. Xưa Hoàng hậu cùng Đại vương kết làm thiện trí thức nên nay được thành chồng vợ. Lại trong đời quá khứ, Hoàng hậu từng cúng dường năm trăm Đức Phật nhưng vì tâm không kiên định, hay mê hoặc người đời nên nay rơi vào thân nữ. Trong ba mươi chín kiếp về sau, Hoàng hậu sẽ thành Phật. Đại vương cũng sẽ bảy lần sanh lên xuống Trời người. Khi Đại vương còn ở cõi Trời, Hòang hậu làm thiên nữ, hầu hạ Đại vương thường được vừa ý. Cả hai người phát nguyện cùng chết một lượt, đời đời theo nhau và được giải thoát. Đại vương tự hào vì chế ngự được những tâm ý vui buồn, hết thảy không còn sanh khởi.

Nghe những lời ấy, nhà vua rất vui mừng liền chứng được trí Aduy-việt. Đức Phật trao cho nhà vua nhận giữ năm giới, các cung phi mỹ nữ, quan dân lớn nhỏ trong cả nước đều vâng giữ năm giới. Còn Hoàng hậu đến trước thọ giữ mười giới, một năm ba lần trì trai một tháng sáu ngày trai giới. Hoàng hậu và ba ngàn năm trăm bảy mươi mốt cung phi mỹ nữ đều cùng nhau tu tập thiện pháp. Nhà vua dùng chánh pháp cai trị, khiến cho đất nước được thái bình. Ngoài ra còn dùng bảy báu, tạo lập chùa chiền tháp miếu để tu tạo phước đức. Vua quan tôn trọng lẫn nhau không phân biệt kẻ trong người ngoài. Dân chúng đều sống đến tuổi già mới mãn phần.

Giữa chốn phồn hoa, Hòang hậu đã nhận ra cuộc đời là vô thường, con người cứ lặn hụp mãi trong đêm dài ân ái, vô minh uế trược, sống không được danh hiền, chết lại làm quỷ nhơ nhớp. Chán ngán trần thế, Hoàng hậu lại thở vắn than dài, rồi quyết định thay đổi y phục, hình dáng xấu xí, tóc tai rối bời, đến tâu với nhà vua:

Tâu Đại vương, hết thảy sự sự vật vật trong vũ trụ không ra ngoài lẽ vô thường chi phối, rồi không ai thoát khỏi cái tử vong. Đại vương sở dĩ yêu quý thiếp là vì thiếp còn trẻ, nhan sắc mặn mà, da dẻ tươi thắm, hơi thở thơm tho. Thế nhưng những thứ đó cũng không ra ngoài lẽ vô thường, rồi chúng cũng tàn lụi. Vợ chồng hội ngộ với nhau kể ra cũng chẳng lạ lùng gì, tất cả đều là bất tịnh, ân ái như vậy rồi cũng già chết. Từ xưa đến nay cái già chết ấy không có kỳ hạn, vậy thì ai là người thay thiếp chống đở đây? Giờ thiếp đang lo sợ tai hại của cái chết, không thể nào thoát được, dù cho giàu sang hay nghèo hèn rồi cũng phải cùng chung một số phận, đều phải trương phình hôi thối, bất tịnh, nếu còn yêu tiếc nó thì có ích gì? Đại vương thử nghĩ, nam nữ đến với nhau có gì đáng lạ đâu. Điều thiếp nói là chân thật, chẳng phải là việc chưa từng xảy ra đâu!

Nhà vua nói:

– Khanh là người Trời, lời nói không bao giờ sai, mọi sự đều là như thế, nhưng tất cả già trẻ trai gái trong nước đều nương cậy vào khanh, mong khanh chiếu cố suy nghĩ lại.

Hoàng hậu thưa:

Thiếp là phận nữ nhơn không được quyền tự quyết nên tâu với Đại vương, xin hãy chấp thuận cho thiếp được tròn bổn nguyện xưa.

Vua bảo:

Nay Trẫm đã già, tuy có nhiều cung phi mỹ nữ trẻ trung, nhưng không người nào vừa ý trẫm cả, khanh hãy hầu trẫm thêm vài năm nữa, sau khi Trẫm băng hà sẽ đem mọi chuyện giao phó lại. Giờ Thái tử còn thơ bé, sao khanh nỡ bỏ ra đi! Và nếu đi thì khanh đi đâu?

Hoàng hậu thưa:

– Thiếp thấy sanh tử vô thường, chán sự đổi dời, muốn theo Phật xuất gia làm Sa-môn.

Vua nói:

– Khanh là mẫu nghi của một nước, ngôi vị cao tột, các cung phi,

thể nữ lớn nhỏ trong cung đều nương cậy vào khanh, sao khanh lại nghĩ ra phương cách ấy? Nếu kẻ sĩ phu xa gần nghe được tin này thì sẽ chê cười như bọn Sa-môn kia đó sao? Khanh là hàng nữ nhân, nếu đã quyết định thì nên suy nghĩ lại.

Hoàng hậu đáp:

– Mười phương chư Phật đều xuất thân từ hình tướng Sa-môn, vua Phất-ca-sa đã bỏ chín mươi chín vị phu nhân, tám mươi chín ngàn thể nữ để cầu làm Sa-môn. Trước sau không ít trai gái xin làm Sa-môn, đâu phải một mình thiếp đâu? Đại vương vì ân ái, tham muốn sắc đẹp, yêu mến thân hình của thiếp. Nhưng tấm thân đều là máu mủ xấu xa dơ bẩn, ngưòi nữ khó cùng ân ái. Người qua lại với hàng nữ nhân không thể không rơi vào tội lỗi. Thân thể nữ nhân nóng bức như nước sôi thiêu đốt con người khiến cho rơi vào trọng tội, muôn đời khó thoát được. Đời trước thiếp cũng là đàn ông, chỉ vì thích cùng với nữ nhân giao hoan, ân ái quá nhiều nên phai bỏ thân nam chịu làm thân nữ. Hàng nữ nhân đáng sợ, Đại vương há không biết sao? Nếu lòng Đại vương không khi nào xa rời người nữ thì ở đây hơn ba ngàn cung phi mỹ nữ cũng đủ cho Đại vương hoan lạc rồi. Đại vương hãy mau quyết định đừng nên sầu khổ. Thiếp đây dù có chết cũng quyết làm Sa-môn, Đại vương phải nên khích lệ chứ sao lại ngăn cản!

Vua nói:

– Nếu khanh đã quyết như vậy thì trẫm cần gì là quốc gia nữa?

Hoàng hậu đáp:

– Đại vương nên biết, sự vô thường là cái mong muốn cao tột của con người không? Ngôi vị quốc vương, trăm quan, cung phi mỹ nữ, châu báu cung thành đau phải riêng của Đại vương, những thứ của Ngài như thân thể, xương cốt, đầu não, ngũ tạng rồi sẽ tan rã, có chỗ nào đáng yêu tiếc đâu?

Vua nói:

Nếu giờ ta chấp nhận cho khanh xuất gia sợ rằng các cung phi thể nữ sẽ bỏ đi theo khanh hết.

Hoàng hậu thưa:

– Mỗi người đều có phước lực túc mạng của chính mình, chẳng phải ai cũng vậy đâu! Dù có tăng thêm hình phạt giao gậy thì việc cũng như thế thôi quyết không ngăn chặn được. Việc chính thức là thiếp mong mình được tròn nguyện. Đại vương hãy lấy ân tình, thương yêu và an ủi họ thì họ sẽ thân cận, chăm sóc Đại vương.

Vua nói:

– Những người đó mến mộ đức hạnh của khanh, một mình ta làm sao có thể khéo chăm sóc cho trọn được? Ta chỉ nhờ cậy vào khanh làm chánh hậu phụ ta nhiếp chính, giờ khanh lại bỏ ta mà đi, những người nữ đó có cầm dao giết chết, hoạ may họ mới sợ ta.

Hoàng hậu nói:

– Không phải vậy đâu thưa Đại vương, người nữ chủ yếu là nương tựa vào người đàn ông, Đại vương hãy lưu ý gần gủi thì họ sẽ được an lòng.

Nhà vua nói:

– Nay ta trong cậy vào khanh đó.

Hoàng hậu liền gọi tất cả hoàng phi thể nữ đến để khuyên lơn họ:

– Các vị hãy thường gần gủi chăm sóc, tôn kính Đại vương, không nên xem thường. Giờ đây tôi xin giã biệt các vị, mỗi người hãy cố gắng nỗ lực, sớm tối siêng năng, tinh tấn thực hành kinh pháp. Tôi nguyện sớm được chứng được đạo quả sẽ trở về độ các vị.

– Các cung phi thể nữ nghe thế, họ đồng nhau khóc to, tiếng khóc vang đến cõi Trời Đaolợi. Đế thích liền hạ xuống trao Ca sa cho Hoàng hậu, tự nhiên tóc tự rụng, thân mang Ca-sa, Hoàng hậu trở thành Tỳkheo-ni.

Thấy thế, cung phi thể nữ vô cùng hoan hỉ. Đế thích lại trao đủ Ca-sa và bình bát cho Hoàng hậu. Nhà vua thấy thế không một chút hiềm giận mà còn hớn hở cười to, nói:

– Các Hiền giả, công đức vòi vọi há chẳng vui sao? Ngay lúc ấy nhà vua nhận được dấu tích của đạo. Liền trở vào nội cung, lòng vô cùng thư thái, nhà vua cho triệu Thái tử vào giao đất nước cho Thái tử.

Nhà vua nguyện:

– Tôi nay phát nguyện làm Sa-môn, có ai chứng tri cho tôi không?

Đế thích liền thế phát, khoác Ca-sa cho nhà vua, y bát tự đầy đủ. Nhà vua đi theo Phật.

Bấy giờ, mười hai vị tiểu vương giao nước cho Thái tử, theo vua làm Sa-môn, họ tu tập cùng lúc chứng quả A-la-hán.

Đức Phật kết luận:

Này chư vị, A-ca-đạt-lưu xưa, nay chính là ta. Hoàng hậu lúc ấy, nay chính là Cù-di.

(Trích kinh Bần Nữ Vị Quốc Vương phu nhân)

12. THI LỢI MA QUÊN ĐÓI VÌ CHÚNG TĂNG:

Bấy giờ Đức Thế tôn đang ngự tại Tỳ-thiện-ly, Ngài bảo với các Tỳ-kheo:

Ta nghe trong chúng Tỳ-kheo-ni là người có phước đức bậc nhất phải không?

Chúng Tăng bạch Ngài:

Bạch Thế tôn, lúc này mọi dân chúng đói khát, Tỳ-kheo khất thực không có. Khi Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-ma vào thành khất thực gặp Tỳ-kheo liền hỏi:

Tôn giả khất thực có được gì không?

Tỳ-kheo liền đưa bát không cho cô ta xem. Thấy thế, Thi-lợi-ma liền lấy cơm trong bát của mình đưa cho Tỳ-kheo. Khi được thức ăn, Tỳ-kheo quay về Tinh xá, san xẻ thức ăn cho các Tỳ-kheo khác cùng ăn. Thấy có cơm, các Tỳ-kheo hỏi:

Trưởng lão khất thực ở đâu mà có được thức ăn ngon như thế?

Vị trưởng lão kia trả lời:

Thức ăn này là do Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-ma ở Tinh xá bên cạnh cúng dường.

Nghe vậy, mỗi ngày đến giờ đi khất thực, các Tỳ-kheo lại ôm bát đến xin Thi-lợi-ma. Cứ như thế, Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-ma lại lần lượt khất thực cúng dường đủ hết năm trăm vị Tỳ-kheo rồi sau đó mới dến lượt khất thực cho mình. Thế nhưng, đến lượt mình thì Trời đã quá ngọ, cô không thể khất thực được nữa đành phải ôm bát không trở về.

Sáng ngày hôm sau, đến giờ khất thực, các Tỳ-kheo lại đắp y, ôm bát đến đứng trước cổng Tinh xá của Tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni trong thấy liền vào báo với Thi-lợi-ma:

Các Tỳ-kheo đang ở ngoài cổng đợi cô đấy!

Nghe vậy, Thi-lợi-ma sai các đệ tử:

Các con hãy lấy y bát đến đây, thầy sẽ đi khất thực để cúng dường các bậc tôn đức Tăng. Như mọi lần trước, Tỳ-kheo Thi-lợi-ma lần lượt khất thực cúng dường đủ năm trăm vị Tăng, rồi sau đó mới khất thực cho mình. Nhưng đến lúc Trời đã quá ngọ, không còn khất thực được nữa nên cô ta đành ôm bát không trở về.

Đến ngày thứ ba cũng lại như thế, cô cũng lần lượt khất thực cúng dường cho năm trăm vị Tăng, nhưng còn sót một vị chưa có thức ăn. Thế rồi Tỳ-kheo này đi theo Thi-lợi-ma vào trong nhà nọ, vì ba ngày không được ăn gì, thân thể kiệt sức, vừa bước vào nhà nọ thì cô ta bị ngã quỵ bất tỉnh.

(Trích Luật Tăng Kỳ quyển 21)

13. BẠO CHÍ ĐỜI TRƯỚC LÀM VỢ CỦA BA BA:

Tỳ-kheo-ni Bạo Chí luôn mang tâm niệm xấu phỉ báng Đức Phật và chúng Tăng. Phật bảo:

Tỳ-kheo-ni Bạo chí không chỉ trong đời này mới làm như thế. Trong vô số kiếp về quá khứ, trong rừng sâu có một con khỉ chúa đang cư trú, ăn trái cây, uống nước suối để sống. Nó thường nghĩ đến việc cứu độ cho tất cả loài người các loài côn trùng nhỏ bé, khiến cho họ được an vui, ra khỏi trầm luân khổ đau. Nó kết bạn với con Ba ba, Ba ba nay thường đến chỗ khỉ ăn uống, luận bàn nghĩa lý chánh pháp. Vợ Ba ba thấy vậy cho là dâm đảng mới hỏi:

Ông đi đâu vậy?

Ba ba đáp:

– Tôi với khỉ cùng kết làm bạn thân, anh ấy rất thông minh, có trí tuệ và hiểu rỏ đạo lý.

Thế nhưng cô vợ vẫn không tin, cho nên cô giả vờ bệnh nặng nằm mẹp dưới đất, chữa trị không thuyên giảm. Cô bảo chồng:

– Bệnh của tôi rất nặng, nếu có được lá gan khỉ bạn thân của mình thì mới có thể cứu sống tôi.

Chồng đáp:

– Tôi đã kí thác thân mạng, làm sao mà nở lấy gan của anh ấy để cứu sống nàng được?

Vợ nói:

Vợ chồng cùng chung thân thể mà chẳng nghĩ cách cứu nhau, trái lại vì khỉ chồng kính trọng vợ. Thế rồi Ba ba chồng đến mời khỉ đến dùng cơm chung.

Khỉ đáp:

– Nhà tôi ở đất liền còn anh thì sống trong nước làm sao tôi có thể theo anh đi được?

Ba ba nói:

– Tôi sẽ cõng anh đi.

Khỉ nghe lời nên để Ba ba cõng. Khi ra giữa dòng Ba ba mới bảo:

– Vợ tôi bị bệnh nặng cần phải có lá gan của anh mới trị khỏi.

Khỉ nói: Sao anh không nói sớm, gan của tôi lỡ treo trên cây không mang theo đến đây. Anh hãy đưa tôi về lấy lá gan rồi chúng ta quay lại nhé.

Thế là Ba ba đưa khỉ trở lại chỗ cũ, khỉ nhảy lên cây vui mừng nhảy nhót. Thấy vậy Ba ba hỏi:

Anh hãy lấy lá gan xuống đây rồi cùng đi đến nhà tôi, sao anh lại trốn ở trên đó?

Khỉ đáp:Trong thiên hạ không ai ngu bằng mày, mày cùng tao kết bạn thân, đồng sanh cộng tử, thế mà ngược lại ngươi muốn hại ta sao?

Đức Phật kết luận: Vợ Ba ba xưa nay chính là bạo chí, Ba ba là Điều đạt còn khỉ chúa chính là ta vậy.

(Trích kinh Ba Ba Di Hầu)

14. BẠO CHÍ PHỈ BÁNG PHẬT:

Phật du hoá đến nước Xá-vệ-kỳ, vua Ba-tư-nặc thỉnh Phật và chúng Tăng vào cung cúng dường ngọ trai. Vừa đến cung vua, Tỳ-kheoni Bạo Chí lấy bát gổ buộc vào bụng để cho nó lớn như người có thai, nhân lúc Phật đi đến cô liền lôi kéo y của Phật rồi la lối om sòm:

– Ông là chồng tôi, tôi đã mang thai với ông sao ông không chịu cung cấp cơm áo? Việc này ông tính sao đây?

Lúc đó toàn thể đại chúng gồm cả Trời, Người, Đế thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương cùng với thiên chúng quỷ thần và nhân dân trong nước ai cũng kinh hoàng. Họ nghĩ:

Phật là đấng tôn quý trong ba cõi, tâm Ngài trong sạch hơn mani, ánh sáng trí tuệ còn vượt quá cả mạt Trời mặt trăng, ba cõi chẳng ai sánh bằng Ngài, hàng phục chín mươi sáu tà thuyết đưa họ về quy thuận, đức cao vòi vọi không gì sánh hơn. Hư không hữu tình không thể bợn nhơ thì tâm Phật còn trong sạch hơn thế, không có kẻ ngang hàng với Ngài. Tỳ-kheo-ni này là đệ tử của Phật, tại sao lại mang tâm niệm ác muốn huỷ báng Như Lai?

Thấy rõ tâm của chúng hội đồng thời muốn giải quyết những nghi ngờ, Phật liền nhìn lên trên không trung, lúc ấy Trời Đế thích kịp thời hạ xuống, hoá làm con chuột cắn đứt dây buộc bát gỗ nên bát liền rơi xuốn đất. Trong hội chúng nhìn thấy việc ấy, trong lòng ai cũng bực vui lẫn lộn, nhà vua không kiềm chế được tức giận nói:

Tỳ-kheo-ni này bỏ nhà lánh duyên trần để làm đệ tử Phật, thế mà đã không khen ngợi công đức vô cùng của Như Lai, ngược lại còn ganh ghét phỉ báng bậc đại Thánh vương. Nhà vua lập tức sai thị vệ đào hầm muốn chôn sống Bạo Chí. Bấy gờ Đức Phật giải thích chuyện xưa cho mọi người biết, can ngăn nhà vua chớ làm như thế.

Phật nói: Đây là do túc nghiệp của ta, chẳng phải hoạ riêng của cô ấy. Vào thời qúa khứ có một vị khách thương buôn, bán rất nhiều viên châu đẹp, viên nào cũng tròn sáng long lanh. Bấy giờ có một cô gái muốn mua hết số châu đem ra chợ bán, đang lúc trả giá không ngờ có một chàng trai đi đến nâng giá lên gấp đôi rồi mua hết số châu mang đi. Cô gái kia mua không được lòng rất oán hận, cô theo xin chàng trai nhường lại số châu nhưng chàng không chịu khiến cho cô ta giận giữ:

Ta trước đã mua số châu, ông liền đến chiếm đoạt riêng, ta đã theo năn nĩ nhưng ông không chịu nhường. Ông sỉ nhục ta, nguyện ta sanh nơi nào cũng theo ông để báo trả mối thù này.

Chàng trai mua châu lúc áy chính là ta, còn cô gái nọ nay chính là Bạo Chí, đây là do nhân duyên xưa, chẳng phải mới đời này. (Trích kinh Phẩm Sanh quyển 1)