KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 21

(THÁNH VĂN LÀM VIỆC ÁC, TĂNG BỘ 20)

  1. Nhân duyên kết án giữa Điều-đạt và Đức Phật
  2. Điều-đạt muốn hại Phật và đệ tử của Ngài
  3. Điều-đạt học rộng và tu thần túc chỉ vì lợi dưỡng
  4. Điều-đạt và Câu-già-lợi khen ngợi lẫn nhau
  5. Điều-đạt giành chúng Tăng không được, lại mất cả quyến thuộc
  6. Chồn hoang-tiền thân của Điều-đạt
  7. Muốn hại Cù-di, Điều-đạt đoạ địa ngục
  8. Đề-bà-đạt-đa xưa làm dã can phá vỡ bình, mất mạng
  9. Đề-bà-đạt-đa xưa làm khỉ vớt mặt trăng trong giếng
  10. Đời trước, Đề-bà-đạt-đa giết sư tử sắc vàng
  11. Bốn Tỳ-kheo Đề-xá.v.v… chịu tội từ nhẹ tới nặng
  12. Tỳ-kheo Thiện Tinh phản nghịch Như lai

 

1. NHÂN DUYÊN KẾT OÁN GIỮA ĐIỀU-ĐẠT VÀ ĐỨC PHẬT:

Bấy giờ, Điều-đạt có ý nghĩ xấu muốn phá hại phỉ báng Đức Như Lai, tự cho mình đã đắc đạo. Mọi người quở trách ông ta. Trời, rồng, quỷ thần, Đế thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương đều khuyên bảo Điều-đạt:

– Ngươi muốn phá hại Phật, chẳng khác gì lấy tay ném mặt Trời, mặt trăng.

Nghe vậy, Điều-đạt vẫn không đổi ý. Các Tỳ-kheo đem việc ấy bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn! Vì sao Điều-đạt có tâm hiềm hận, sâu nặng như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Điều-đạt đối với ta không chỉ riêng đời này mà nhiều đời đã như thế. Vào thời quá khứ, có một nữ Phạm chí xinh đẹp vô cùng không ai sánh kịp. Theo phép thơi ấy thì các Phạm chí, giả sử muốn đem con gái ban cho người nào thông thuộc kinh điển thì phải thỉnh năm trăm bạn đồng học cúng dường ba tháng để xem xét kiến giải của họ. Lúc ấy, trong năm trăm người, có một người hiểu biết rộng nhưng đã lớn tuổi, gầy yếu, mặt xấu, mắt lờ. Nhìn thấy người này, cha mẹ cô gái đều buồn bã và chính bản thân cô cũng vậy. Cô tự nghĩ: đâu thể làm vợ một người xấu xí như quỷ thế này, phải tính sao đây?

Khi ấy, từ xa có một Phạm chí trẻ tuổi, tướng mạo đĩnh đạc, thông minh trí tuệ, nghe tin nhà nữ Phạm chí kia thỉnh các bạn đồng học để chọn người gả con gái của mình. Phạm chí trẻ tuổi này đi đến đó vấn nạn các Phạm chí kia. Tất cả đều không đối đáp được vì trí tuệ của năm trăm người ấy không sao bì kịp. Thấy Phạm chí này, cha mẹ và cô gái đều rất vui mừng, và nghĩ rằng: Nay mình đã tìm được chàng rễ tài giỏi như ý nguyện.

Thế rồi, Phạm chí lớn tuổi đến thương lượng với Phạm chí trẻ tuổi: Tôi nay đã già, gia đình kia từ lâu hứa gả con gái họ cho tôi, thì cô ấy là vợ tôi. Bây giờ, tôi giao cho cậu tất cả những gì mà tôi có được để cậu nhường cho tôi cô ấy. Cậu hãy thương xót tuổi già mà đừng làm tôi đau khổ.

Phạm chí trẻ tuổi đáp: Chúng ta không nên vì tình riêng mà vượt qua phép tắc. Tôi phải cưới cô ấy thôi.

Ba tháng trôi qua, cô gái được gả cho Phạm chí trẻ tuổi. Phạm chí già cho rằng, Phạm chí trẻ đã làm nhục mình để được vợ, nên đem lòng độc ác, đời đời kết oán với người kia, không hóa giải được.

Phạm chí trẻ tuổi thường tu hạnh từ, còn Phạm chí già thường kết lòng độc hại.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Phạm chí già lúc ấy, nay là Điều-đạt, Phạm chí trẻ chính là ta, còn người nữ đó là Cù-di.

(Trích Sanh kinh quyển 1)

2. ĐIỀU ĐẠT MUỐN HẠI PHẬT VÀ HÀNG ĐỆ TỬ CỦA NGÀI:

Điều-đạt và vua A-xà-thế cùng nhau bàn tính việc hại Phật và hàng đệ tử của Ngài. Khi ấy, nhà vua ra lệnh dân trong nước không được cúng dường Phật.

Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo-ni Bà-hòa-đề v.v… dẫn các đệ tử của mình đi đến các nước khác, chỉ có Đức Phật và năm trăm Ala-hán còn ở lại núi Kỳ-xà-quật. Điều-đạt đến tâu vua rằng:

– Các đệ tử Phật nay đã giải tán hết rồi, chỉ còn năm trăm người ở lại bên Phật. Xin bệ hạ ngày mai thỉnh Phật vào thành, tôi sẽ cho năm trăm con voi lớn uống rượu say, xua nó giẫm đạp họ chết hết. Sau đó, tôi sẽ làm Phật hóa độ mọi người.

Nghe vậy, nhà vua vui mừng, liền đi thỉnh Phật. Đức Phật biết được âm mưu của Điều-đạt, vẫn đáp:

– Tốt lắm!

Nhà vua trở về báo cho Điều-đạt biết. Hôm sau, đến giờ thọ trai, Đức Phật và các vị A-la-hán đến cửa thành. Bấy giờ, bầy voi say liền rống lên, cất vòi, húc ngã tường thành, quật ngã cây cối, xông về phía trước. Người trong thành đều run sợ. Khi đó, năm trăm A-la-hán bay lên Hư không, chỉ có tôn giả A-nan ở lại bên Phật. Bầy voi say giăng hàng ngang xông đến chỗ Phật. Đức Phật đưa ngón tay hiện ra con sư tử cùng rống lên làm chấn động cả đất Trời. Bầy voi say phục xuống đất, không dám ngóc đầu lên, ngay đó tỉnh rượu, rơi lệ, hối lỗi. Vua và thần dân ai nấy đều kính phục. Đức Thế tôn và các vị A-la-hán từ từ bước vào cung điện nhà vua, thọ trai xong và chú nguyện. Sau đó, nhà vua bạch Phật:

– Trẫm vì bẩm tính ngu tối, nghe theo lời gièm pha của Điều-đạt, nên tạo tội nghịch ác, cúi mong Đức Thế tôn rũ lòng từ bi, tha thứ cho sự ngu muội của trẫm.

Đức Phật bảo vua A-xà-thế và các Tỳ-kheo:

– Ở đời có tám điều khiến người đời khởi tâm phỉ báng, tất cả do ham tiếng khen mà dẫn đến trọng tội. Tám điều ấy là: lợi (điều làm thỏa mãn), suy (điều không vừa ý), hủy (lời chê sau lưng), dự (lời khen sau lưng), xưng (lời khen trước mặt), cơ (lời chê trước mặt), khổ (đau khổ, buồn phiền), lạc (vui mừng, sung sướng). Từ xưa đến nay, không ai không bị tám điều này mê hoặc.

Đức Phật liền nói kệ (văn nhiều nên không ghi hết) Đức Phật lại bảo:

– Xưa có vị Quốc vương thích ăn thịt chim nhạn, thường bảo thợ săn giăng lưới bắt chim để mỗi ngày dâng lên vua một con. Một hôm, có một con nhạn chúa dẫn năm trăm con nhạn đáp xuống kiếm ăn. Chẳng may nhạn chúa sa lưới, bị thợ săn bắt được. Bấy giờ, cả bầy nhạn sợ hãi bay vụt lên, nhưng quanh quẩn mãi không chịu đi. Bỗng có một con nhạn luôn bám theo nhạn chúa, không kể gì đến cung tên, cất tiếng kêu la thảm thiết liên tục suốt ngày đêm không dứt. Thấy vậy, thợ săn cảm thương nghĩa tình của chim nhạn, liền thả nhạn chúa trở về với đàn. Cả bầy vui mừng quây quần bên nhạn chúa. Khi đó, thợ săn đem mọi việc tâu lên vua. Nhà vua cảm nghĩa tình của loài nhạn, nên không bắt chúng nữa.

Nhạn chúa lúc ấy chính là ta ngày nay, con chim nhạn kia là Anan, bầy nhạn năm trăm con nay là năm trăm vị A-la-hán, ông vua ăn thịt chim nhạn nay chính là Đại vương, thợ săn bấy giờ nay là Điều-đạt. Từ trước đến nay, ông ấy luôn có ý hại ta. Ta nhờ sức đại từ mà được thoát nạn, lại không có sự oán hờn, nên được thành Phật.

Nghe vậy, vua và quần thần rất vui mừng.

(Trích kinh Pháp Cú quyển 4)

3. ĐIỀU-ĐẠT HỌC RỘNG VÀ TU THẦN TÚC CHỈ VÌ LỢI DƯỠNG:

Xưa có Tỳ-kheo tên là Điều-đạt thông minh học rộng. Trong mười hai năm, tôn giả tọa thiền nhập định, tâm không dao động. Điều-đạt hành 12 hạnh đầu-đà không hề thiếu sót, khởi quán bất tịnh, quán niệm hơi thở. Các pháp bậc nhất của thế gian, nhẫn đến các pháp đảnh v.v… mỗi mỗi đều thông suốt. Kinh Phật đã thuộc tới hàng vạn quyển, nhiều đến nỗi voi chở không hết. Sau đó, tâm ý thay đổi lui sụt, dần dần ông ta sanh ra ác niệm, đắm trước lợi dưỡng thế gian, chỉ mong người cúng dường,. Điều-đạt đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên, bạch với Phật rằng:

– Cúi mong Đức Thế tôn dạy pháp thần túc cho con. Nghe xong, con sẽ cố gắng tu trì. Khi được thần túc, con sẽ dạo đến phương khác, giáo hóa khắp nơi.

Đức Thế tôn bảo:

– Nay ông chớ nghĩ đến pháp thần túc, sao không học bốn pháp: vô thường, khổ, không, vô ngã?

Khi ấy, Tỳ-kheo Điều-đạt liền nghĩ: sở dĩ Đức Như Lai không dạy pháp thần túc cho ta là vì sợ có người hơn mình mà xấu hổ. Điều-đạt bèn từ biệt Đức Như Lai, đi đến chỗ Ngài Xá-lợi-phất cầu học pháp thần túc. Lúc đó, Ngài Xá-lợi-phất bảo Điều-đạt:

– Nay ông chớ nghĩ đến pháp thần túc, sao không học bốn pháp: vô thường, khổ, không, vô ngã?

Điều-đạt suy nghĩ: Xá-lợi-phất này được xem là trí tuệ bậc nhất, nhưng ta xét thấy trí tuệ của ông ấy cũng như lửa đom đóm so với ánh sáng của mặt Trời, mặt trăng. Ta tụng đọc kinh điển không ai sánh bằng, còn chưa hiểu được pháp thần túc, huống nữa Xá-lợi-phất lại có thể hiểu được ư? Thế rồi, Điều-đạt từ biệt Xá-lợi-phất, đi đến chỗ Ngài Mục-kiền-liên cầu học pháp thần túc. Ngài Mục-liên bảo:

– Hãy thôi đi Điều-đạt! Người mới học đạo, trước nên học bốn pháp: vô thường, khổ, không, vô ngã, lại nên tinh tấn tu pháp Tứ thiền. Như thế mới được pháp thần túc.

Điều-đạt nỗi giận, tự nghĩ: Mục-liên này tự khoe thần túc của mình không ai sánh bằng. Sở dĩ ông ấy không dạy cho ta là vì sợ không bằng ta. Nếu ta được thần túc thì ông ấy mất danh dự. Nay ta đã đi khắp nơi học thần túc mà không ai chịu dạy cho ta, chỉ còn A-nan là em ta, là người học rộng nghe nhiều, đức hạnh đầy đủ. Nay ta sẽ đến đó học hỏi.

Điều-đạt nói với A-nan:

– Anh nghe em hiểu rành pháp thần túc, hãy nói cho anh nghe. Khi được thần túc rồi, anh sẽ đến phương khác, giáo hóa khắp nơi.

Bấy giờ, A-nan nói pháp thần túc cho Điều-đạt nghe.

Nghe xong, Điều-đạt đến chỗ vắng vẻ, một lòng nhiếp niệm, từ thô vào tế, rồi từ tế trở về thô, dùng tâm nâng thân, rồi dùng thân nâng tâm, thân tâm hợp nhau, lần lần rời khỏi mặt đất. Ban đầu, cách mặt đất khoảng bằng hạt mè, rồi chuyển thành khoảng cách như hạt đào, dần dần rời khỏi mặt đất. Từ đất lên ngang giường, từ giường lên tới mái nhà, từ mái nhà lên đến Hư không. Ở trong Hư không, hiện ra 18 pháp thần biến, lên xuống tự do. Điều-đạt hóa làm một đứa bé dáng vẻ xinh đẹp, trên đầu có năm chỏm, mặt đẹp như hoa đào, ngồi trên đùi thái tử A-xà-thế, hoặc cười, hoặc khóc, giống như đứa trẻ. Nhưng thái tử vẫn biết đó là Điều-đạt, suốt ngày đùa giỡn, không biết nhàm chán, hoặc kêu la khạc nhổ, hoặc nhấc bổng thân mình, chuyền tay từ trái sang phải.

Thái tử suy nghĩ: Thần túc của Điều-đạt hơn cả Cù-đàm kia, có thể biến hóa ra vô số. Mỗi ngày, A-xà-thế cung cấp cho Điều-đạt năm trăm phần thức ăn, đúng thời cúng dường không để thiếu thốn.

Khi ấy, chúng Tỳ-kheo thấy A-xà-thế cung cấp cho Điều-đạt, liền bạch đầy đủ với Đức Phật. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Các ông chớ tham sự cúng dường như Điều-đạt. Điều-đạt đã tự chôn vùi mình, lại chôn vùi người khác. Cả hai đều mắc tội đọa. Ví như cây chuối, người ngu mong cầu lõi chắc thì không thể có được. Tre lau cũng như vậy. Như la mang thai, thì mẹ con đều mất mạng.

Xưa có bầy chim Thứu còn non nớt. Chim Thứu mẹ bảo chim non rằng: Nếu các con muốn học bay liệng giữa Hư không, khi nhìn thấy đất bằng cái mÂm, thì cẩn thận chớ bay lên nữa. Nếu bay quá cao, các con sẽ bị gió mạnh làm tổn hại, đầu một nơi thân một ngã. Lúc ấy, chim non không nghe theo lời chim mẹ dặn, bay cao quá nên bị gió cuốn đi làm nát thân mất mạng. Tỳ-kheo các ông chớ khởi ý này.

Các Tỳ-kheo nên biết: Giống như bầy rùa, rùa mẹ bảo với con mình rằng: Các con hãy tự bảo hộ, chớ đến chỗ đó. Nơi ấy có người thợ săn sẵn sàng bắt các con xẻ thành năm đoạn. Bấy giờ, rùa con không nghe lời rùa mẹ dặn, liền đi đến nơi đó, vui đùa với nhau, bị thợ săn bắt được. Có một vài con được an ổn trở về nhà. Rùa mẹ hỏi: các con từ đâu về? Rùa con trả lời: Các con cùng nhau đi đến chỗ đó xem, nhưng không thấy thợ săn, chỉ thấy sợi dây dài đuổi theo sau chúng con. Rùa mẹ bảo: Sợi dây này đuổi theo các con từ xưa đến nay. Tổ tiên, cha mẹ các con đều do sợi dây này mà mất mạng.

Các Tỳ-kheo nên biết: Giống như con chồn độc, ngày đêm rình kiếm phân nhơ, nuôi những con thú khác để lấy phân ăn, rồi ăn luôn phân của chính nó thải ra. Tỳ-kheo Điều-đạt tham sự cúng dường cũng lại như vậy.

Thuở xưa, phong tục của nước Đại-nguyệt-chi thường lấy cháo sữa để cho heo ăn. Bấy giờ, ngựa thuộc nhà quan nói với ngựa mẹ rằng: Chúng con đã hết lòng phục vụ nhà vua, không kể xa gần, đều hoàn tất nhiệm vụ, nhưng ăn thì toàn cỏ khô, uống chỉ có nước đọng. Ngựa mẹ nói với con mình: Các con chớ ham muốn loại cháo sữa kia. Chẳng bao lâu, các con sẽ thấy hậu quả trước mắt. Sắp đến Tết, mọi nhà đều trói heo lại, thả vào vạc nước sôi, bầy heo kêu la inh ỏi. Ngựa mẹ bảo con rằng: Các con còn nhớ tới món cháo sữa nữa không. Muốn nghiệm biết lời mẹ nói thì nên đến đó xem. Bầy ngựa con đến đó xem, biết được mới vỡ lẽ ra: vỗ béo để làm thức ăn cho nhà vua. Vì ậy, lúc ăn cỏ gặp lúa mạch, chúng cũng chẳng dám ăn.

Đức Phật nói kệ:

Chuối trổ buồng rồi chết
Tre lau cũng như vậy
La chết do mang thai
Kẻ sĩ mất vì tham.

(Trích kinh Xuất Diệu quyển 10)

4. ĐIỀU-ĐẠT VÀ CÂU-GIÀ-LỢI KHEN NGỢI LẪN NHAU:

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Điều-đạt là người hung hiểm, lại thường khen ngợi bừa bãi. Một hôm Tỳ-kheo Câu-già-lợi khen ngợi Điều-đạt, Điều-đạt cũng khen ngợi Câu-già-lợi. Hai người chỉ nói những lời nhảm nhí, không có ý nghĩa. Nghe vậy, các Tỳ-kheo bạch với Đức Phật. Đức Phật quán biết Tỳ-kheo Câu-già-lợi từ xa xưa đã tu theo chánh điển, vâng giữ giới luật, xuất gia vì lòng tin, nhưng thường khen ngợi Điều-đạt, Điều-đạt cũng khen ngợi Câu-già-lợi, điều trái cho là phải, điều phải cho là trái. Đức Phật bảo:

– Chẳng những đời này bọn ông ấy ngu si mà đời trước cũng như vậy.

Vào thời quá khứ, có kẻ huỳnh môn qua đời bỏ thân nơi cây khô. Khi ấy, chồn hoang, chim, quạ kéo đến ăn thịt, lại khen ngợi nhau.

Chim nói:

Thân ông như sư tử
Đầu óc như tiên nhân
Thịt ngon dường nai chúa
Như hoa đẹp, thơm thay!
Chồn hoang đáp lại:
Ông ở nơi cây này
Có trí tuệ bậc nhất
Chiếu sáng khắp mười phương
Như vàng tía tụ hội.

Hai bên cứ đối đáp qua lại. Lúc đó, vị đại tiên nhân nói: Chúng bay chỉ khen ngợi nhau bằng những lời rỗng tuếch, không thật. Này các Tỳ-kheo, chồn hoang lúc ấy chính là Điều-đạt, con chim kia là Câu-giàlợi, vị tiên nhân tức là Bồ-tát.

( Trích kinh Phật Thuyết Dã Hồ )

5. ĐIỀU-ĐẠT GIÀNH CHÚNG TĂNG KHÔNG ĐƯỢC, LẠI MẤT CẢ QUYẾN THUỘC:

Điều-đạt đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Ngài, rồi đứng qua một bên, bạch rằng:

– Con xem thấy Đức Như Lai nhan sắc thay đổi, các căn suy yếu, đã qua thời trai trẻ, già cả ốm gầy. Cúi mong Đức Như Lai đóng cửa tịnh thất, vui với thiền định, còn bốn bộ chúng đây xin giao lại cho con. Con sẽ dạy bảo giống như Ngài không khác. Con sẽ tuỳ thời cúng dường tứ sự cho Ngài, không để thiếu thốn.

Đức Phật bảo:

– Thôi đi, kẻ ngu si không nghĩ đến cái họa sau này. Đối với Tỳkheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, ta còn chưa giao, huống nữa kẻ tệ ác lười biếng như ngươi đâu đáng để giao phó cả hàng Thánh chúng này.

Sẵn lòng ganh ghét, nay nghe Đức Thế tôn nói vậy, Điều-đạt càng thêm tức giận:

– Như Lai ca ngợi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên mà lại xem thường đứa đệ tử này. Ta sẽ tìm cách hủy diệt cả thầy lẫn trò để chúng sanh cõi nước này không còn thấy hình, nghe tiếng những người này nữa.

Khi ấy, Điều-đạt liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Phật rồi lui ra. Như ý đã định, Điều-đạt đi khắp nơi, dùng lời hoa mỹ, trá ngụy, dối gạt làm mê kẻ phàm tục, dẫn dụ được mấy mươi người. Đến đâu, Điều-đạt cũng khuyên bảo bằng những lời như thế.

Một hôm, Đức Phật đang thuyết pháp cho đại chúng nghe, Điềuđạt bảo đệ tử của mình:

– Các ngươi chớ nghe Cù-đàm nói vì đó không phải là chánh pháp. Ta có rất nhiều kinh sâu nghĩa mầu, sẽ chỉ dạy cho.

Tuy nói như thế, nhưng thật ra Điều-đạt chỉ tìm cách hủy hoại Thánh chúng.

Biết được Âm mưu của Điều-đạt, Đức Phật bảo:

– Hãy thôi đi, Điều-đạt! Cẩn thận, chớ sanh tâm phá hoại, làm loạn chúng Tăng, sau sẽ chịu lấy quả báo khổ đau khó lường.

Điều-đạt vẫn cố chấp, không hề đổi ý, cho mình là đúng.

Đức Phật quán xét nhân duyên quá khứ, biết Điều-đạt không thể hồi tâm. Ngài kể lại:

Thuở xưa, Điều-đạt dẫn năm trăm đệ tử, Như Lai khi còn là Bồ-tát cũng dẫn theo năm trăm đệ tử cùng dạo chơi trên núi Bảo Tích. Môn-đồ của Bồ-tát nhân từ, nhu hòa, được dạy bảo theo chánh pháp, tu trì cấm giới, ra vào đi đứng có thứ lớp. Trái lại, đồ chúng của Điều-đạt ăn nói thô lỗ, lời lẽ chỉ làm cho người sân giận. Điều-đạt nói với đệ tử như oán thù tranh cãi. Đệ tử của Điều-đạt buồn chán, đều bỏ theo Bồ-tát.

Bồ-tát cho rằng:

– Ta có một ngàn đệ tử, phước đức đầy đủ, hơn hẳn người đời, không ai bì kịp.

Điều-đạt tức giận, liền phát lời thề:

– Nay người này dẫn dụ đệ tử của ta, phá hoại môn-đồ của ta. Dù có thành Phật, ta cũng phá hoại đồ chúng của ông ấy.

Quả như ngày nay không khác, Như Lai quán biết Điều-đạt chắc chắn phá hoại hàng Thánh chúng không còn nghi ngờ. Như Lai liền từ tòa đứng dậy, đành bỏ chúng đi.

Có năm việc không thể phá hoại, làm loạn chúng Tăng.

1. Khi Như Lai còn tại tiền, oai thần của Như Lai không bỏ thệ nguyện ban đầu.

2. Sau khi Như Lai diệt độ, giả sử có người nói: tôi nay thành Phật, đạt tới bậc tối Chánh giác, phải nên hỏi vị ấy: vào thời Phật Thích Ca, ông làm gì vậy.

3. Khi chưa có điều ác xảy ra.

4. Các Tỳ-kheo không tranh giành lợi dưỡng.

5. Hàng đệ tử có trí tuệ, thần túc sống hòa hợp với nhau.

Đức Như Lai dùng Túc mạng trí quán biết chắc chắn Điều-đạt sẽ phá hoại, làm loạn chúng Tăng, nên bỏ đi. Điều-đạt ở lại nói pháp cho chúng Tăng nghe. Nhìn vào đại chúng, Điều-đạt nói:

– Nếu những người nào thờ ta làm Thầy thì phải vâng lời ta dạy, tu tập theo năm pháp (Năm pháp này văn nhiều, không chép ra đây ). Nếu tu học năm pháp này, các Tỳ-kheo sẽ sớm được giải thoát, dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, đâu cần nhờ vào tám pháp trực hạnh của Cù-đàm.

Quay sang Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, Điều-đạt nói:

– Ta đạt được lợi ích lớn, thành bậc Như Lai tối tôn trong ba cõi. Bây giờ, ta bị đau lưng, muốn được nghĩ ngơi. Hai ông thay ta thuyết pháp cho đại chúng.

Điều-đạt nằm nghiêng bên phải sát đất, vừa mới thiu thiu, Thiên thần bắt Điều-đạt lật nghiêng bên trái sát đất. Thiên thần ghét những lời dối trá của Điều-đạt nên khiến tiếng ngáy vang to, mùi hôi xông khắp.

Mục-kiền-liên dùng sức thần túc bay lên Hư không, biến hóa mười tám cách: ngồi, nằm, kinh hành v.v… ẩn hiện tự tại.

Xá-lợi-phất bảo mọi người trong chúng hội:

– Thân Như Lai phước đức vô lượng, đầy đủ Nhất thiết chủng trí, thông đạt các pháp không có ngằn mé. Pháp của Như Lai là hiện tại được quả báo an lạc vô vi, là pháp tu của người trí, chẳng phải pháp hành của kẻ ngu. Thánh chúng của Như Lai đều thành tựu năm phần pháp thân, đáng được tôn kính, phụng thờ, cúng dường, là phước điền vô lượng của chúng sanh.

Nghe Xá-lợi-phất nói, các Tỳ-kheo suy nghĩ: Chúng ta ngu si, không biết lẽ chân, bỏ quả lấy hoa, quên gốc theo ngọn. Bây giờ, thọ lãnh được những lời dạy bảo của hai tôn giả này thật là hiếm có, chúng ta thà bỏ Điều-đạt mà nhập vào hội chúng của Như Lai, không sướng hơn sao?

Biết được tâm niệm của mọi người, Xá-lợi-phất liền đứng dậy. Khi ấy, năm trăm Tỳ-kheo đi theo tôn giả, còn Mục-kiền-liên đi sau cùng.

Lòng giận nổi lên, Tỳ-kheo Cù-ba-ly dùng chân phải đạp Điềuđạt, nói:

– Điều-đạt tệ ác, sao ông ngủ say thế? Hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn đệ tử của ông đi hết rồi!

Tỉnh dậy, Điều-đạt lo buồn khôn xiết.

(Trích kinh Điều-đạt Vấn Phật Nhan Sắc, luật Di-sa-tắc đại khái cũng giống như vậy ).

6. CHỒN HOANG – TIỀN THÂN CỦA ĐIỀU ĐẠT:

Thuở xưa, có một vị ma-nạp (đời Lương dịch là tiên nhân) ẩn cư trong núi rừng, đọc tụng kinh sách của hàng Sát-đế-lợi. Có một con chồn hoang thường ở bên cạnh để nghe vị này tụng kinh. Một thời gian sau, trong lòng có chỗ giải ngộ, chồn ta suy nghĩ: Ta hiểu được những lời lẽ trong các sách này xứng đáng làm vua trong các loài thú.

Đi giữa đường, bỗng gặp một con chồn hoang gầy yếu, nó toan muốn giết con chồn này. Chồn hỏi:

– Vì sao giết tôi?

Đáp:

– Ta là vua trong các loài thú, vì ngươi không phục ta.

– Xin đừng giết tôi, tôi sẽ phục tùng.

Khi ấy, hai con chồn cùng đi với nhau, lại gặp một con chồn khác. Hai bên cũng hỏi đáp như trên. Cứ như thế, chồn ta lần lượt hàng phục được hết thảy loài chồn.

Tiếp tục, chồn ta liền đem bầy chồn hàng phục hết thảy loài voi, lại đem bầy voi hàng phục hết thảy loài hổ, rồi đem bầy hổ hàng phục hết thảy loài sư tử. Đến giờ phút này, chồn ta nghiễm nhiên có quyền uy, làm vua trong các loài thú. Chồn ta suy nghĩ: Ta đã là vua trong các loài thú, chẳng lẽ lấy thú làm vợ?

Suy nghĩ xong, chồn ta bèn cưỡi voi trắng, bảo các bầy thú bao vây nước Ca-di tới mấy trăm ngàn vòng.

Thấy vậy, vị quốc vương sai sứ đi hỏi nguyên do. Chồn ta đáp:

– Ta là vua trong các loài thú, muốn cưới con gái nhà vua. Nếu không bằng lòng, ta sẽ hủy diệt nước này.

Sứ trở về tâu vua. Nhà vua triệu tập quần thần lại bàn tính việc này. Trong đó, chỉ có một đại thần không đồng ý, số còn lại đều nói là: Nên gả. Bởi vì họ nghĩ: cả nước chỉ có một con tuấn mã để cậy nhờ. Chúng ta có tuấn mã, bên kia có sư tử. Tuấn mã đánh hơi sư tử sẽ hoảng sợ nằm phục sát đất, nhất định không thể thắng được. Vậy chúng ta tiếc gì một cô gái mà để cả nước diệt vong?

Khi ấy, vị đại thần tài giỏi kia đưa ra kế sách sâu xa, tâu với vua:

– Thần xét từ xưa tới nay chưa từng nghe nhà vua gả con gái mình cho loài thú thấp hèn bao giờ. Thần tuy ngu tối, nhưng sẽ giết được con chồn này, khiến bầy thú tan rã.

Nhà vua hỏi đại thần cách thức thế nào, đại thần tâu:

– Chỉ cần nhà vua sai sứ định ngày đánh với nó, và yêu cầu bên kia một điều là: cho sư tử đánh trước rống sau, thì bên kia cho rằng: chúng ta sợ hãi, nên chúng sẽ bảo sư tử rống trước đánh sau.

Đến ngày khai chiến, nhà vua bảo mọi người trong thành đều phải bịt tai. Nhà vua nghe theo kế hoạch, sau đó xuất quân. Khi sắp giao chiến, quả thật chồn ta bảo sư tử rống trước. Nghe tiếng rống, tim chồn vỡ thành bảy mảnh, liền từ trên lưng voi rớt xuống đất. Cả bầy thú chạy tán loạn.

Sau đó, Đức Phật nói kệ:

Chồn hoang đầy kiêu mạn
Mong quyến thuộc đông nhiều
Đi đến thành Ca-di
Tự xưng là vua thú
Người kiêu mạn cũng thế
Hiện thống lãnh mọi người
Ở nước Ma-kiệt-đà
Tự xưng là pháp chủ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Vua nước Ca-di bấy giờ chính là ta, vị đại thần tài giỏi là Xá-lợiphất, vua chồn hoang là Điều-đạt.

(Trích chuyện chồn hoang mong làm vua, lại trích luật Di-sa-tắc quyển 4)

7. MUỐN HẠI CÙ-DI, ĐIỀU-ĐẠT ĐỌA ĐỊA NGỤC:

Tại thành La-duyệt, Điều-đạt rắp tâm mưu hại Phật. Về sau, sự việc bại lộ. Mười sáu nước lớn đều biết Điều-đạt sát hại Như Lai. Bấy giờ, vua A-xà-thế bảo Điều-đạt:

– Ngươi hãy ra khỏi nước, không được ở đây.

Nghe vậy, Điều-đạt lo lắng, oán kết trong lòng, bèn trở về nước mình, đường đột vào cung Bồ-tát, nói với Cù-di:

– Ta muốn cưới cô làm vợ chánh, xin hỏi Thánh nữ có bằng lòng không?

Cù-di nói:

– Ngươi hãy đưa tay phải ra trước, ta muốn nắm lấy.

Điều-đạt đưa tay ra, Cù-di bấu mạnh, tức thì, xương cổ tay của Điều-đạt bị nát ra, năm ngón tay chảy máu, ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Điều-đạt đi thẳng vào cung, ngồi trên giường Bồ-tát. Người trong cung thấy vậy, tóm lấy, ném xuống giường, làm xương chậu bên trái của Điều-đạt bi thương. Không thể đi được, Điều-đạt lên kiệu về cung của mình. Các Thích tử đều chê trách, đến bảo:

– Ngươi nay hãy đến sám hối Phật.

Nghe nói vậy, Điều-đạt giở trò xảo trá, bí mật làm móng tay sắt, thoa chất độc vào. Bên ngoài có vẻ nhu hòa, nhưng trong tâm đầy sân hận, Điều-đạt nhớ lại lời Phật. Sa-môn Cù-đàm thường nói như vầy: Thân không bị thương thì chất độc không có cách gì làm hại được. Không tội ác nào mà ta không dám làm, nay ta sẽ giả vờ đến sám hối, dùng móng tay cào nát bàn chân ông ta, chất độc thấm vào máu, tự ông ta phải chết.

Lên kiệu cùng mọi người đến chỗ Thế tôn, còn cách ba mươi bảy nhận, Điều-đạt bảo tùy tùng:

– Hãy để ta xuống, ta muốn đi bộ.

Ngay khi Điều-đạt bước xuống đất, tự nhiên lửa bốc cháy bao quanh thân, Điều-đạt đọa vào địa ngục.

( Trích kinh Điều-đạt Sanh Thân Nhập Địa Ngục )

8. ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA XƯA LÀM DÃ CAN PHÁ VỠ BÌNH, MẤT MẠNG:

Lúc Đức Phật ở thành Vương-xá, Đề-bà-đạt-đa muốn phá hòa hợp tăng. Các Tỳ-kheo can gián ba lần, Điều-đạt vẫn không từ bỏ ý định. Đức Phật bảo:

– Vào thời quá khứ, ở nước Ba-la-nại, có vị Bà-la-môn đào một

cái giếng ở giữa đồng trống để làm việc nghĩa, cung cấp nước cho người đi đường. Lúc Trời sắp tối, có bầy dã can đến uống hết nước. Dã can chúa không uống nước trong lòng đất, liền chui đầu vào cái vò để uống. Uống xong, nó nhấc chiếc vò lên cao rồi đập vỡ ra. Với ý tốt, bầy dã can đến can ngăn dã can chúa, nhưng nó không nghe theo. Cứ thế, nó phá vỡ cả thảy mười bốn chiếc vò.

Khi ấy, vị Bà-la-môn rình thấy dã can phá phách, liền làm một cái vò bằng gỗ bền chắc khó vỡ, chui đầu vào thì dễ, rúc đầu ra thì khó, đem đặt bên cạnh giếng rồi cầm gậy đứng rình. Bầy dã can kéo đến, cũng như lần trước dã can chúa uống nước xong, đập vò nhưng không vỡ được. Thấy vậy, ngay lúc đó, vị Bà-la-môn cầm gậy đi ra, đánh chết dã can.

Này các Tỳ-kheo, dã can chúa lúc đó chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, bầy dã can kia nay chính là các Tỳ-kheo can gián Đề-bà-đạt-đa.

( Trích luật Tăng-kỳ quyển 8 )

9. ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA XƯA LÀM KHỈ VỚT MẶT TRĂNG TRONG GIẾNG:

Lúc Đức Phật ở thành Vương-xá, các Tỳ-kheo vì Đề-bà-đạt-đa mà làm pháp yết-ma. Nhóm lục quần Tỳ-kheo liền đến gặp và nói chuyện với Đề-bà-đạt-đa. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Trong thời quá khứ, ở chỗ vắng vẻ, có năm trăm con khỉ đi vào rừng. Khi đến cây Ni-câu-luật, chúng thấy bóng mặt trăng chiếu xuống đáy giếng ở bên cội cây. Nhìn thấy ánh trăng, khỉ chúa nói với các bạn: Nay mặt trăng đã rơi xuống giếng, bọn ta phải cùng nhau vớt nó lên, đừng để cho thế gian này phải chịu cảnh đêm dài tăm tối. Chúng cùng bàn kế để vớt mặt trăng lên. Lúc đó, khỉ chúa bảo: ta đã nghĩ ra cách rồi. Ta sẽ nắm nhánh cây, các ngươi nắm lấy đuôi ta, lần lượt nắm đuôi nhau thành một xâu khỉ thì có thể vớt được mặt trăng. Nghe theo lời khỉ chúa, cả bầy khỉ lần lượt nắm lấy đuôi nhau, chỉ còn cách một chút nữa là tới mặt nước. Khi ấy, cả bầy khỉ quá nặng, cành cây yếu gãy, khiến tất cả đều rớt xuống giếng.

Này các Tỳ-kheo, khỉ chúa bấy giờ chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, còn bầy khỉ kia nay là nhóm lục quần Tỳ-kheo. (Trích luật Tăng-kỳ quyển 8)

10. ĐỜI TRƯỚC, ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA GIẾT SƯ TỬ SẮC VÀNG: Đức Phật bảo A-nan:

– Nếu có chúng sanh nào khởi một tâm ác đối với ba đời chư Phật, hoặc Bích-chi, hoặc A-la-hán và các Sa-môn đắp y hoại sắc v.v… thì chịu vô lượng tội. Vì sao? Vì y hoại sắc là hình thức tiêu biểu cho bậc hiền Thánh. Nếu ai phát tâm cung kính người đắp y hoại sắc sẽ được phước báu khó lường. Ta nhờ lòng tin cung kính những vị này nên được thành Phật.

Tôn giả A-nan hỏi Phật:

– Việc cung kính thuở ấy thế nào?

Đức Phật bảo:

– Thuở xưa, cách đây vô lượng kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có vị vua của một nước lớn (Kinh Báo Ân ghi là nước Ba-la-nại) tên là Đềtì, thống lãnh bốn vạn bốn ngàn vua nước nhỏ. Lúc đó, ở đời không có Phật pháp. Có vị Bích-chi Phật tọa thiền, tu hành trong núi. Các loài dã thú đều đến hầu cận. Trong đó, có một sư tử tên ca-la (đời Lương gọi là Kiên Thệ), toàn thân màu vàng kim rực rỡ, chỉ ăn hoa quả, rau cỏ, không làm hại đến các loài khác.

Một hôm, có người thợ săn cạo tóc, đắp ca-sa, đeo cung tên bên trong, đi xuống đầm, thấy sư tử đang nằm ngủ (Kinh Báo Ân ghi là liếm chân Tỳ-kheo), liền lấy tên độc bắn nó. Sư tử giật mình tỉnh giấc, định đuổi theo giết thợ săn. Nhưng thấy ông ta đắp y ca-sa, sư tử tự nhủ: chiếc y hoại sắc này là tướng tiêu biểu cho người hiền thiện. Nếu ta hại người ấy tức là ta có ác tâm đối với các bậc hiền Thánh. Nghĩ vậy, sư tử từ bỏ ý định. Thuốc độc ngấm vào cơ thể, biết mạng sống không còn bao lâu nữa, sư tử liền đọc chú: “Da la bà xa sa bà ha”. Vừa nói chú rồi, Trời đất chấn động mạnh, tuy bầu Trời không có mây nhưng tuôn mưa máu. Chư thiên sợ hãi, liền dùng thiên nhãn xem thấy người thợ săn giết sư tử, họ rãi hoa Trời làm mưa cúng dường xác chết. Khi ấy, thợ săn lột da sư tử dâng lên vua Đề-tì. Nhà vua nhớ lại trong kinh có chép: loài có da sắc vàng hẳn là bồ-tát. Nhà vua hỏi thợ săn: Khi sư tử chết, có điềm lành gì ứng hiện? Thợ săn kể lại sự việc trên. Nghe xong, nhà vua vui buồn lẫn lộn, lòng tin thêm mãnh liệt, liền triệu tập các đại thần, những bậc tài giỏi kỳ cựu để giải rõ ý nghĩa này.

Khi ấy, giữa rừng trống, có một vị tiên nhân tự xưng là Xa-ma giải thích ý nghĩa câu chú cho nhà vua nghe. “Da la” nghĩa là chỉ người cạo đầu, đắp y hoại sắc sẽ mau chóng giải thoát sanh tử. “Bà xa sa” là tướng của bậc hiền Thánh gần với Niết-bàn. “Bà ha” nghĩa là sẽ được tất cả Trời người kính ngưỡng.

Sau khi nghe tiên nhân giải thích, vua Đề-tì rất vui mừng, liền triệu các quốc vương tập trung tại chỗ này, làm xe bảy báu để giăng da sư tử nhằm biểu thị mọi người đều tỏ lòng quý kính, rồi đốt hương, rải hoa cúng dường. Sau đó, nhà vua lấy vàng làm áo quan, phủ kín da sư tử làm thành bảo tháp.

Sư tử thuở ấy do khởi thiện tâm đối với người đắp y hoại sắc nên vô số kiếp làm Chuyển luân Thánh vương.

Đức Phật bảo A-nan: Sư tử bấy giờ chính là ta, vị quốc vương kia nay là Di-lặc, tiên nhân là Xá-lợi-phất, còn người thợ săn trước kia chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 13)

11. BỐN TỲ-KHEO ĐỀ-XÁ V.V… CHỊU TỘI TỪ NHẸ TỚI NẶNG:

Đức Phật ở vườn Kỳ Thọ Cấp-cô-độc trong thành Xá-vệ, bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn địa ngục lớn: Một là địa ngục Đề-xá người thọ tội trong ngục này thân phát ra lửa bốc cao hai mươi khuỷu tay; Hai là địa ngục Cù-ba-lê, người thọ tội trong ngục này thân phát ra lửa bốc cao ba mươi khuỷu tay; Ba là địa ngục Điều-đạt người thọ tội trong ngục này thân phát ra lửa bốc cao bốn mươi khuỷu tay; Bốn là địa ngục Mạt-khư-lê người thọ tội trong ngục này thân phát ra lửa bốc cao sáu mươi khuỷu tay.

Đại địa ngục Đề-xá. Nếu có người muốn ông ta cầu an ổn, dùng nước trong hai mươi biển lớn rưới lên thân ông ta, thì nước biển ấy hết mà lửa vẫn không tắt. Giống như nấu đồng chảy, nếu có người dùng hai mươi giọt nước biển rưới vào đồng chảy thì nước kia mau hết. Tỳ-kheo Đề-xá bị lửa thiêu đốt không dứt. Nếu có người muốn ông ta được an ổn, lấy nước trong hai mươi biển lớn, rưới lên thân ông ta thì nước kia mau hết. Tỳ-kheo Đề-xá là người ngu, bắt các Tỳ-kheo phải nhịn đói một ngày. Việc này khiến cho Tỳ-kheo Đề-xá đọa vào địa ngục lớn.

Đại địa ngục Cù-ba-ly. Nếu có người muốn Tỳ-kheo này được an ổn, dùng nước biển lớn rưới lên thân Tỳ-kheo, thì nước biển kia mau hết. Thí như nấu đồng chảy trong hai ngày, nếu có người dùng ba mươi giọt nước biển rưới vào đồng chảy, thì nước kia hết sạch. Tỳ-kheo Cùba-ly là người ngu! Nếu có người muốn Tỳ-kheo được an ổn, dùng nước trong ba mươi biển lớn, rưới lên thân Tỳ-kheo, thì nước biển kia mau hết. Tỳ-kheo Cù-ba-ly là người ngu, phỉ báng hai Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Sau khi thân hoại mạng chung, ông ta phải sinh vào ba đường ác, đọa địa ngục Bát-đầu-ma. Như vậy, Tỳ-kheo Cù-ba-ly đọa vào địa ngục lớn.

Đại địa ngục Điều-đạt. Nếu có người muốn Tỳ-kheo này được an ổn, liền dùng nước trong bốn mươi biển lớn rưới lên thân Tỳ-kheo, thì nước biển kia mau hết mà lửa vẫn không tắt. Thí như nấu nước đồng chảy trong ba ngày. Nếu có người dùng bốn mươi giọt nước biển rưới vào đồng chảy, thì nước kia hết sạch, chẳng còn giọt nào.Tỳ-kheo Điều-đạt là người ngu. Nếu có người muốn ông ta được an ổn, dùng nước trong bốn mươi biển lớn, rưới lên thân ông ta, thì nước biển kia mau hết mà lửa vẫn không tắt. Sở dĩ như vậy là do kẻ ngu Điều-đạt muốn hại Đức Như Lai, giết Tỳ-kheo-ni đã chứng quả A-la-hán, phá hòa hợp tăng. Sau khi mạng chung, ông ấy phải sinh vào ba đường ác, đọa địa ngục A-tỳ. Tỳ-kheo Điều-đạt bị rơi vào đại địa ngục, thân phát ra lửa bốc cao bốn mươi khuỷu tay.

Đại địa ngục Mạt-khư-lê. Nếu có người muốn ông ta được an ổn, dùng nước trong sáu mươi biển lớn rưới vào thân ông ta, thì nước biển kia mau hết mà lửa vẫn không tắt. Thí như nấu đồng chảy trong bốn ngày. Nếu có người lấy sáu mươi giọt nước rưới lên đồng chảy thì nước ấy hết sạch. Tỳ-kheo Mạt-khư-lê cũng lại như vậy. Nếu có người dùng nước trong sáu mươi biển lớn rưới lên thân ông ta, nước biển kia mau hết mà lửa vẫn không tắt. Sở dĩ như vậy là do kẻ ngu Mạt-khư-lê này dạy cho một trăm người Câu-lê khiến họ làm theo tà kiến.

( Trích kinh Tứ Nê Lê )

12. TỲ-KHEO THIỆN TINH PHẢN NGHỊCH NHƯ LAI:

Đức Phật kể lại:

Một lần, ta ở thành Vương-xá. Tỳ-kheo Thiện Tinh làm thị giả cho ta. Vào đầu hôm, ta thuyết pháp yếu cho Trời Đế thích, theo phép thì đệ tử phải ngủ sau thầy. Vì ta ngồi lâu, Thiện Tinh khởi lên ác niệm.

Khi ấy, các trẻ em ở thành Vương-xá hễ khóc thì không nín. Cha mẹ chúng bảo: Nếu không nín, ta sẽ giao mày cho quỷ Bạc-câu-la.

Khi ấy, Thiện Tinh chống cự lại nên bị quỷ bắt, rồi đến nói với ta: Hãy mau vào thiền thất, quỷ Bạc-câu-la đến đấy!

Đế-thích thưa: Bạch Thế tôn, những người như vậy cũng được dự vào Phật pháp sao?

Ta bảo: Vì họ cũng có Phật tánh, sẽ được Vô thượng bồ-đề. Ta tuy thuyết pháp cho Thiện Tinh nhưng ông ta hoàn toàn không có lòng tin nhận. Ta ở thành Thi-bà-phú-la nước Ca-thi, Thiện Tinh làm thị giả cho ta. Ta vào thành khất thực, vô lượng chúng sanh thành kính khát ngưỡng, muốn thấy dấu chân của ta. Thiện Tinh đi sau xóa sạch dấu vẫn không xóa được, lại còn khiến chúng sanh khởi tâm bất thiện đối với ông ta. Khi ta vào thành, gặp một vị Ni-kiền-tử trong quán rượu uốn người, ngồi xổm trên đất, ăn hèm uống rượu.

Thấy thế, Thiện Tinh nói: Nếu thế gian có A-la-hán, thì người này là tối thắng. Vì sao? vì người này nói không có nhân quả.

Ta bảo: này kẻ ngu si, ngươi chẳng từng nghe nói: A-la-hán là người không uống rượu, không hại người, không dối gạt, không dâm dật. Người giết hại cha mẹ, ăn hèm uống rượu như thế, làm sao gọi là A-la-hán? Khi chết, người này nhất định sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ. Bậc A-la-hán vĩnh viễn xa lìa ba đường ác, vì sao gọi là A-la-hán?

Thiện Tinh thưa: Tính chất của tứ đại vẫn có thể thay đổi, nếu bảo người ấy nhất định phải đọa địa ngục thì không đúng.

Ta bảo: Này kẻ ngu si, ngươi chưa từng nghe chư Phật Như Lai nói lời chân thật, không có hai lời. Tuy ta thuyết pháp cho ngươi, nhưng ngươi không có lòng tin nhận.

Này các Thiện nam tử, một thời ta và Thiện Tinh ở thành Vươngxá, có một Ni-kiền-tử tên Khổ-đắc. Ông ta thường nói: Chúng sanh phiền não không có nhân duyên, chúng sanh giải thoát cũng không có nhân duyên.

Thiện Tinh nói: Nếu thế gian có bậc A-la-hán thì Khổ Đắc là tối thượng.

Ta bảo: Này kẻ ngu si, Ni-kiền-tử Khổ Đắc thật chẳng phải A-lahán, không thể hiểu rõ đạo quả A-la-hán.

Thiện Tinh lại hỏi: Vì sao A-la-hán lại sanh đố kỵ với A-la-hán?

Ta bảo: Này kẻ ngu si, ta không đố kỵ với A-la-hán, chỉ tự ngươi khởi ác tà kiến mà thôi. Nếu nói Khổ Đắc là A-la-hán, thì bảy ngày sau ông ấy sẽ bị cái họa ăn đồ ăn cách đêm đau bụng mà chết, đọa vào loài quỷ ăn đờm giãi. Những người đồng học sẽ đem tử thi ông ấy để vào rừng băng giá.

Thiện Tinh liền nói với Ni-kiền-tử: Thưa trưởng giả, hãy khéo suy nghĩ tìm mọi cách để khiến Thế tôn rơi vào vọng ngữ.

Khổ Đắc tuyệt thực, từ ngày đầu tiên đến ngày thứ sáu, hết ngày thứ bảy thì ăn mật đen, lại uống nước lạnh, đau bụng mà chết mang thân ngạ quỷ ăn đờm giải. Bạn bè đem tử thi ông ấy để trong rừng băng giá.

Vào rừng băng giá, đến bên tử thi, thấy thân Khổ Đắc, Thiện Tinh hỏi: Đại đức chết rồi sao?

Khổ Đắc đáp: Tôi đã chết rồi.

– Vì sao mà chết?

– Do đau bụng mà chết.

– Ai đưa tử thi Đại đức ra đây?

– Các bạn đồng học.

– Đem ra để ở đâu?

– Này kẻ ngu si, ngươi không biết đây là rừng băng giá sao?

– Mang thân gì?

– Tôi mang thân ngạ quỷ chuyên ăn đờm giải.

Đối trước Đức Thế tôn, Thiện Tinh thưa: bạch Thế tôn, Ni-kiền-tử Khổ Đắc sanh lên cõi Trời ba mươi ba.

Ta bảo: Này kẻ ngu si, A-la-hán không có chỗ thọ sanh. Vì sao nói Khổ Đắc sanh lên cõi Trời ba mươi ba?

Đức Như Lai và tôn giả Ca-diếp đến chỗ Thiện Tinh. Từ xa trông thấy, Thiện Tinh khởi tâm tà ác, đang sống mà rơi xuống địa ngục A-tỳ. Ví như người rớt xuống hầm xí, có thiện tri thức dùng tay mò bới, nếu vớ được tóc thì nắm kéo lên, còn như lâu quá tìm không thấy thì mới đành bỏ ý định. Cũng vậy, ta tìm một chút thiện căn của Thiện Tinh để cứu giúp, dù chỉ bằng mảy lông mà tìm cả ngày cũng không thấy. Cho nên ta không cứu được ông ấy khỏi địa ngục.

(Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 37)