KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 19

  1. Y-ly-sa xan tham được Trời Đế Thích cảm hoá
  2. Phước báo của việc quét dọn Tinh xá Phật
  3. Tỳ-la-tư-na có chút phước đắc đạo
  4. Tỳ-kheo Bạt-cừ xin cánh và hạt châu của rồng
  5. Nhân duyên Da-xá phạm giới dâm
  6. Nan-đề bị dục nhiễm trói buộc
  7. Tiền kiếp của Xiển-đà
  8. Hai vị Ma-ha-la kết làm thông gia
  9. Chuyện xưa của thường-Hoan và Vô-Thắng
  10. Do trì giới được sanh lên Trời
  11. Bảy việc thành bại ở bờ sông
  12. Tỳ-kheo gặp bọn giặc cướp
  13. Chuyện quỷ trong đêm
  14. Tỳ-kheo gặp nạn được sơn thần cứu
  15. Công đức của người trì kinh
  16. Phật cấm Tỳ-kheo tu tập một mình nơi rừng vắng
  17. Tỳ-kheo mất chánh niệm sanh tâm cuồng loạn
  18. Sa-môn Trân Trọng cứu mẹ
  19. Rồng cúng dường châu cho Sa-môn
  20. Sa-môn đốt cỏ biến thành xương trâu
  21. Sa-môn đi khất thực bị chủ nhà vu khống
  22. Sa-môn gặp quỷ
  23. Sa-môn thuyết pháp cho quỷ nghe
  24. Sa-môn độ thợ săn

 

1. Y-LỢI-SA XAN THAM ĐƯỢC TRỜI ĐẾ THÍCH CẢM HOÁ:

Xưa có Bà-la-môn tên Y-lợi-sa, gia đình giàu có, của cải nhiều vô số nhưng lại tham lam keo kiệt, không dám tiêu xài. Bấy giờ, bên cạnh nhà ông có gia đình của một ông lão nghèo nàn, nhưng đời sống lại thoải mái, tiệc tùng liên miên, khách khứa lui tới rất đông đảo. Bàla-môn này thầm nghĩ: “Nhà ta giàu có, tiền của vô số nhưng đời sống lại thua lão già này”

Nghĩ xong, ông ta liền giết con gà và nấu một nồi cơm rồi đem lên xe, chở đến nơi vắng vẻ. Khi đến nơi, ông ta vừa xuống xe muốn dọn ra ăn, bỗng đâu trời Đế thích hóa làm con chó chạy đến. Bà-la-môn nhìn quanh, thấy con chó, ông liền bảo: “Nếu mày treo ngược mình lên trên không trung được thì ta sẽ cho ngươi ăn”.

Chó liền treo mình ngược lên không trung. Thấy thế, ông ta hốt hoảng và gượng nói: “Nếu như mày làm cho con mắt rớt xuống đất thì tao sẽ cho mày ăn”.

Mắt chó lập tức lồi ra, rớt xuống đất. Thấy thế, ông ta hoảng bỏ chạy.

Bấy giờ trời Đế thích hóa làm thân của Bà-la-môn, đánh xe trở về nhà. Ông ta bảo với người gác cửa: “Bên ngoài, nếu có kẻ nào đến xưng là ta thì ngươi hãy đánh đuổi họ ra, đừng cho vào nhà”.

Chiều xuống, Bà-la-môn lần về nhà. Y theo lời chủ dặn, vừa thấy ông ta vào người gác cổng liền đánh đập, mắng nhiếc và đuổi đi.

Lúc ấy, trong nhà, trời Đế thích lấy tất cả của cải đem bố thí khắp nơi, còn Bà-la-môn kia cũng chẳng được về nhà mình mà tài sản trong nhà đã cạn, vì vậy ông ta phát điên lên.

Thấy vậy, Trời Đế-thích hóa ra một người đi đến hỏi thăm ông ta: “Này ông! Tại sao ông lại buồn như thế?”

Bà-la môn than thở: “Tài sản của tôi đã mất hết rồi, làm sao không buồn được?”

Đế-thích nói: “Thông thường, những thứ trân bảo khiến cho người ta phải chịu nhiều phiền muộn. Tài sản ấy là của chung năm nhà,(1) không có chắc chắn gì, đâu chỉ một mình ông mà cất chứa cho nhiều, không chịu bố thí? Như thế, sau khi chết ắt phải làm thân ngạ quỷ, thường gặp cảnh đói lạnh. Nếu thoát kiếp ngạ quỷ, được làm người thì sanh vào hạng thấp hèn. Vì ông không hiểu lý vô thường nên giàu có mà keo kiệt, tham muốn của cải lại không dám tiêu xài. Vậy thì ông mong muốn điều gì?”

Nhân đó, Trời Đế-thích nói pháp Tứ Thánh đế cho ông ta nghe, nhờ vậy mà ông tỉnh ngộ.

Bấy giờ, Trời Đế-thích biến mất, Bà-la-môn trở về nhà. Ông ta tỏ ra hối hận những việc làm trước kia của mình, nên hết lòng bố thí, cuối cùng ông ta được đạo qủa giải thoát.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển năm)

2. PHƯỚC BÁO CỦA VIỆC QUÉT DỌN TINH XÁ:

Ngày xưa, bên cạnh Tinh xá Kỳ-hoàn có một gia đình nghèo sinh sống. Người ấy rất muốn cúng dường đức Phật và chúng Tăng, nhưng vì nhà nghèo qúa nên chẳng biết lấy gì để dâng cúng.

Bấy giờ, người ấy vào quét dọn trong tinh xá Kỳ-hoàn, làm việc với tâm rất thành kính, không biết mệt mỏi.

Lúc ấy, có vị trưởng giả,ở bên cạnh nhà nghèo này. Một hôm dạo chơi, ông ta thấy thấp thoáng trong cái ao lớn có mấy chục gian nhà bảy báu, liền đến hỏi: “Ai xây cung điện này mà đẹp tuyệt vời như thế?”

Người này đáp: “Cung điện này, do có bậc hiền giả nghèo khó, không có đồ cúng dường nên đã phát tâm quét dọn tinh xá của Phật. Phước báo ấy đáng được sanh vào đây, nên xây cung điện nàylà để dành cho người ấy”.

Trưởng giả nghe vậy, cảm thấy vui vẻ, thầm nghĩ: “Ta sẽ tìm cách chiếm đoạt ngôi nhà ấy”.

Ông liền đi tìm người quét tinh xá và nói: “Ngươi có những vật quý báu hãy cho ta nhé! ta sẽ cho ngươi năm trăm lượng vàng”

Người ấy đáp: “Xưa nay tôi nghèo khốn, làm gì có vật quý?” Trưởng giả nói: “Chỉ cần ngươi hứa cho ta là được rồi!” Người ấy đáp: “được thôi”.

Vị trưởng giả liền đem cho người ấy năm trăm lượng vàng. Hiền giả nghèo này nhận được vàng liền đem bố thí khắp nơi, và được đức Phật giảng pháp cho nghe, vị ấy liền đắc đạo.

(Trích Chư Kinh Trung Yếu Sự)

3. CÔNG ĐỨC XUẤT GIA:

Một thời Phật đang cư trú tại thành Tỳ-xá-ly. Đến giờ khất thực, Ngài đắp y ôm bát cùng với A-nan vào thành. Lúc ấy, trong thành Tỳxá-ly có vị cư sĩ tên là Tỳ-la-tư-na đang mở tiệc đãi khách, cùng nhau vui chơi thỏa thích năm món dục lạc suốt bảy ngày. Ông ta dặn dò người gác cửa đóng cửa đừng cho ai vào. Khi ấy, đức Phật và A-nan tuần tự khất thực, gần đến nhà Tỳ-la-tư-na. Nghe tiếng ca hát vọng ra, Ngài hỏi Tôn giả A-nan, Tôn giả liền đem việc ấy bạch Phật, Ngài bảo: “Vị trưởng giả này, sau bảy ngày sẽ chết, thần thức sanh vào địa ngục khóc la. Tại sao? Bởi căn lành ông ta tạo trước đây, giờ đã hết, lại không gieo tạo phước mới, cho nên chết sanh vào địa ngục”.

Tôn giả A-nan bạch Phật: “Thế tôn có cách nào giúp cho cư sĩ kia qua bảy ngày mà không chết chăng?”

Phật bảo: “Chẳng còn cách nào khiến cho ông ta thoát chết cả, chỉ có thể cứu ông ta thoát khỏi địa ngục thôi. Nếu vị trưởng giả này chịu cạo tóc xuất gia học đạo, mặc ba pháp y, phát lòng tin kiên cố nơi đạo pháp mới mong thoát khỏi địa ngục”.

Tôn giả thưa: “Vậy thì để con vào khuyên ông ta xuất gia”

Bấy giờ các nhà thuộc dòng họ Thích ở trong thành Tỳ-xá-ly, thường cùng Tôn giả A-Nan đàm đạo. Vì vậy, khi Tôn giả đến nhà họ, Ngài sai người vào báo tin. Giả sử trong nhà, mọi người còn ngủ nghỉ hay bận các công việc khác, khi nghe Ngài đến thì cho người rước thẳng vào. Vì sao? Bởi Tôn giả có lời nói dịu dàng, không làm tổn hại đến ai.

Bấy giờ, Tôn giả đến nhà vị trưởng giả ấy, Ngài bảo người gác cổng: “Ông hãy vào báo tin cho chủ biết, có ta đến thăm”.

Người gác cổng lập tức vào báo tin. Lúc ấy, trưởng giả kia liền bỏ cuộc vui, chạy ra đón tiếp đảnh lễ, thưa với Tôn giả: “Thỉnh Ngài vào trong nhà để ban phúc lành cho gia quyến chúng con”.

Tôn giả đáp: “Đức Như Lai đã thấy rõ, không hề dối gạt, Ngài xác nhận, chỉ trong vòng bảy ngày nữa trưởng giả sẽ mạng chung, thần thức sanh vào địa ngục khóc la”.

Trưởng giả nghe tin ấy hoảng hốt, khóc lóc thảm thiết, thưa với A-nan: “Tôn giả có cách nào cứu giúp con thoát chết”.

Tôn giả bảo: “Không có biện pháp nào để giúp ông thoát chết, chỉ có cách cứu ông thoát khỏi địa ngục thôi”.

Trưởng giả liền hỏi phương cách. Tôn giả đáp: “Nếu ông chịu xuất gia tu tập thì sẽ thoát khỏi địa ngục”.

Bấy giờ trưởng giả thầm nghĩ: “Để ta giao phó việc nhà xong, ta sẽ đến chỗ của đức Phật xin xuất gia học đạo”.

Nghĩ xong, trưởng giả thưa: “Bảy ngày hẳn còn dài. Hôm nay, Tôn giả hãy cho con ở lại vui chơi thỏa thích rồi sáng mai con sẽ đến”. Hôm sau đến giờ, Tôn giả đắp y, tôm bát vào thành khất thực, Ngài ghé qua nhà, nhắc nhở trưởng giả: “Một ngày đã trôi qua, chỉ còn sáu hôm nữa thôi, giờ đây ông hãy xuất gia đi!” Trưởng giả đáp: “Con sẽ đến sau”.

Cứ thế, ông ta xin nán đi nán lại để hưởng thú vui năm món dục. Hôm sau, cũng như vậy, tôn giả đến nhà thúc giục, nhưng trưởng giả cứ hẹn lần, không thể dứt khoát được.

Thế là hằng ngày, Tôn giả vẫn đến khuyên ông ta. Hết ngày thứ sáu, đến sáng ngày thứ bảy, tôn giả đến nhắc lại, ông mới chịu giao phó nhà cửa, từ giã vợ con thân quyến, rồi theo A-nan đi đến chỗ Phật.

Phật bảo tôn giả A-nan cạo tóc và trao giới Cụ túc cho ông ta. Thọ giới xong, vừa qua ngày thứ bảy, ông ta qua đời, thần thức sanh vào cõi trời Tứ thiên vương.

Tôn giả A-nan hỏi Phật: “Bạch Thế tôn, Tỳ-kheo ấy chết sanh vào cõi nào?”

Phật dạy: “Tỳ-kheo Tỳ-la-tư-na sau khi mạng chung, thần thức sanh về cõi trời Tứ thiên vương. Ở cõi ấy, khi kiếp số đã mãn thì sanh qua tầng trời thứ ba mươi ba. Cứ thế, xoay vần trong cõi nhân thiên trải qua chín kiếp, việc thọ sanh lên xuống đó sẽ chấm dứt. Thân sau cùng của ông ta sẽ sanh làm người, cạo tóc xuất gia học đạo, có lòng tin kiên cố nên chứng quả vị Bích-chi-Phật, hiệu là Tỳ-la-tư-na. Tại sao? Bởi ông ta đã thọ giới Cụ túc, do tinh tấn tu hành, nên sau khi mạng chung được như thế. Này A-nan, đó là quả báo Phạm hạnh phát sanh phước đức”.

(Trích kinh Tỳ-la-tư-na Cư Sĩ Ngũ Dục Ngu Lạc)

4. BẠT CỪ XIN LÔNG CHIM VÀ HẠT CHÂU CỦA RỒNG

Bấy giờ, đức Thế tôn đang cư trú ở tinh xá Khoáng dã trong thành Vương-xá, lúc đó có năm trăm vị Tỳ-kheo đều xin vật liệu xây cất nhà ở. Vì xin nhiều quá nên mỗi khi người chủ bán hàng thấy Tỳ-kheo đến, họ liền đóng cửa tiệm lại về nhà lánh mặt. Tỳ-kheo biết được liền đi tắt ngỏ khác để chận đường họ, rồi nói quả báo, phước đức, khiến cho họ phải phát lòng tin, thậm chí còn vò đầu cưỡng ép họ: “Này ông, ông nên làm việc bố thí, vì sao? Vì phước đức của sự bố thí sẽ khiến cho ông khoẻ mạnh và sống lâu, lại thêm nhiều công đức, hưởng được quả báo tốt đẹp”.

Chủ bán hàng nghe lời đó phát sanh lòng tin, đem cúng cho một ít. Về sau, chủ bán hàng gặp Tôn giả Xá-lợi-phất, họ đem sự việc than phiền với Tôn giả. Nghe xong, Tôn giả thuyết pháp khiến cho họ vui vẻ. Sau đó, Tôn giả trở về tinh xá, bạch lại Phật.

Phật bảo: “Những Tỳ-kheo doanh sự ấy không chỉ mới đời này. Vào thời quá khứ có Tỳ-kheo tên Bạt-cừ, ông này chuyên tu trong rừng vắng, ở đó có loài chim Thích-huân-đa cư ngụ, sớm tối chúng làm náo động, khiến cho Bạt-cừ bực bội.

Bấy giờ, Tỳ-kheo này trở về chỗ đức Phật, đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Đức Phật ấy ân cần hỏi thăm: “Ông ở trong rừng tu tập có yên ổn không”.

Bạt-cừ đáp: “Con tu tập ở trong rừng luôn được yên ổn, khoẻ mạnh và an lạc. Chỉ có điều là có loài chim Thích-huân-đa thường kêu réo inh ỏi, làm náo loạn khiến cho con không nhiếp tâm được”.

Phật hỏi: “Ông có muốn tất cả chúng nó đừng đến nữa không”.

Ông ta đáp: “Bạch Thế tôn, con rất muốn”.

Vậy thì lúc chúng nó về tổ, ông hãy đến xin chúng mỗi con một chiếc lông”.

Bạt-cừ vâng lời, cứ theo xin mỗi con chim một chiếc lông, mỗi con đều cho một chiếc, ngày nào ông cũng làm như vậy. Thế là đàn chim phải dời tổ đi nơi khác, nhưng mới dời đi một đêm mà tìm không được nơi an ổn nên chúng phải quay lại chỗ cũ.

Bạt-cừ lại theo chúng xin lông, đàn chim họp nhau lại nói: “Samôn này cứ theo xin lông chúng ta hoài, sợ không bao lâu chúng ta sẽ trụi lũi, không thể nào bay được. Nay ông ấy thường ở trong rừng này, chúng ta nên tìm nơi khác ở”. Thế rồi đàn chim đành phải tìm đến nơi khác.

Các Tỳ-kheo đem sự việc bạch Phật.

Phật dạy: “Tỳ-kheo ấy không chỉ ngày nay mới kém cỏi, phá rối tiếng chim đáng ghét kia. Vào thời quá khứ, trong rừng nọ có con voi lớn cư ngụ. Một hôm, có trận cuồng phong nổi dậy, quật ngã gốc cổ thụ, voi ấy nghe tiếng cây đổ thì kinh hoảng bỏ chạy. Khi tâm vừa bớt sợ hãi, nó đến núp dưới một cội cây khác, cây ấy cũng ngã tiếp, nó lại bỏ chạy. Bấy giờ, có vị Trời nhìn thấy long tượng kinh hãi bỏ chạy như thế, thầm nghĩ: “Con voi này chạy thục mạng như điên cuồng”. Ông ta liền nói kệ:

Gió cuồng thổi ngã cây
Voi sợ chạy mất hồn
Nếu cây đổ khắp nơi
Voi sẽ trốn vào đâu?

Phật dạy: “Long tượng lúc bấy giờ là Tỳ-kheo Bạt-cừ”.

Phật lại nói tiếp: “Này các Tỳ-kheo, trong thời quá khứ, có năm trăm vị tiên, ẩn tu trong núi Tuyết. Trong số đó có một vị tiên nhân thích sống riêng nơi có dòng suối đẹp, hoa quả tốt tươi. Cách chỗ đó không xa, có dòng nước Tát-la, nơi rồng trú ngụ. Bấy giờ, rồng thấy vị tiên nhân này oai nghi điềm đạm, sanh lòng cảm mến, mới đến gần làm bạn. Trong lúc vị tiên nhân này đang ngồi kiết già thì con rồng đến quấn vào thân vị ấy bảy vòng, dùng đầu của mình che lên đảnh tiên nhân. Ngày nào rồng cũng đến làm như thế, chỉ trừ giờ ăn mà thôi. Tiên nhân vì rồng quấn thân, ngày đêm cứ ngồi mãi không được nghỉ ngơi, thân thể ngày càng tiều tuỵ, lại sanh bệnh lở loét.

Bấy giờ, có người ở trong vùng muốn đến cúng dường vị tiên nhân. Khi đến, nhìn thấy thân thể của tiên nhân bị ung nhọt lở loét lại

thêm gầy ốm, ông ta hỏi: “Tại sao Ngài bị như thế?” Tiên nhân trình bày cặn kẽ sự việc.

Cư sĩ lại hỏi: “Ngài có muốn rồng đừng đến nữa không?” Tiên nhân đáp: “Muốn chứ”.

Người ấy nói: “Trên cổ của rồng có hạt châu anh lạc, Ngài nên xin nó hạt châu ấy. Loài rồng có tánh bỏn xẻn, chắc chắn không cho đâu”.

Khi rồng đến, tiên nhân liền theo xin hạt châu. Rồng nghe tiên nhân xin châu, trong lòng không vui, lặng lẽ bỏ đi. Sáng hôm sau, tiên nhân nói kệ bảo rồng:

Châu ma ni sáng tuyệt
Anh lạc trang nghiêm thân
Nếu rồng chịu bố thí
Ta cùng kết bạn thân

Rồng nói kệ đáp:

Sợ mất châu ma ni
Như cầm gậy đuổi chó
Châu quý vật khó tìm
Càng không thể cho ai
Món ngon và các báu
Có được từ ma ni
Thế nên không thể thí
Thôi đừng tha thiết xin
Xin hoài tình thân dứt
Từ nay giã biệt nhau.

Bấy giờ vị Trời ở trên hư không nói kệ:

Sở dĩ sanh chán ghét
Đều do quá tham cầu
Phạm chí tướng tham hiện
Rồng liền ẩn hang sâu.

Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo doanh sự, rồng là loài súc sanh, còn ghét chuyện xin nhiều, huống gì là loài người? Tỳ-kheo các ông, chớ nên xây cất nhiều quá, rồi đi xin khắp nơi không biết chán, khiến cho cư sĩ Bà-la-môn tín tâm kia, phải khổ sở cúng dường.

(Trích luật Tăng Kỳ quyển bảy, luật Di Sa Tắc quyển ba)

5. NHÂN DUYÊN DA XÁ PHẠM GIỚI DÂM:

Bấy giờ, đức Thế tôn cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo du hóa đến nuớc Bạt-kỳ, cư ngụ trong thành Tỳ-xá-ly. Nước đó gặp năm mất mùa, dân chúng đói khát, người chết la liệt. Vì vậy, chúng Tỳ-kheo đi khất thực vô cùng khó khăn.

Lúc đó trong thành, nhà trưởng giả tên là Da-xá giàu có. Da-xá từ lâu đã đi xuất gia, hôm nay về lại quê hương, gặp lúc khất thực khó khăn, nên ông ta nhiều lần trở về nhà khất thực.

Mẹ ông bảo: “Thật khổ cho con tôi! Nhà ta của cải vô số, con mặc tình sử dụng. Vợ con còn đó, hãy về chung sống cùng nó, con cứ tự tiện lấy của cải mà cúng dường Tam bảo”.

Tuy bà ta nhiều lần khuyên nhủ nhưng Da-xá không nghe theo. Bà lại bảo: “Nếu con không thích hưởng thú vui ở đời thì mẹ chỉ xin con để lại cho mẹ một đứa cháu nối dòng, lỡ sau này mẹ có chết đi thì của cải nhà ta không bị vua quan tịch thu”

Da-xá đáp: “Nếu mẹ muốn có người nối dõi, con xin vâng lời”.

Bà mẹ vội vã vào trong báo tin cho con dâu, chị ta nói: “Thưa mẹ, vậy thì tốt quá”

Thế rồi chị ta trang điểm để cùng Da-xá hội ngộ. Chỉ trong một lần cùng nhau hoan lạc, chị đã mang thai. Về sau, chị sanh ra một bé trai, nhân việc trên đặt tên cho con là Tục-chủng. Người đời không chỉ gọi chú bé này như thế, mà tất cả các thứ tài sản trong nhà cũng gọi là Tục-chủng.

Da-xá hay tin, trong lòng hết sức hỗ thẹn, liền đem việc bạch Tôn giả Xá-lợi-Phất. sau đó cả hai vị cùng đi đến chỗ của đức Phật. Da-xá bạch rõ mọi chuyện lên đức Phật.

Phật dạy: “Này Da-xá! Trong chúng Tăng chưa hề xảy ra việc này, ông là kẻ ngu si, đã mở ra cánh cửa đại tội”.

Phật lại nói: “Không chỉ hôm nay ngươi ở trong giáo pháp của ta gây nên những tội lỗi như thế. Trong thời quá khứ, ông sanh vào cõi trời Quang-Âm, bấy giờ thế giới này mới hình thành, có một người tánh tình thô tháo, tham đắm dục lạc. Ban đầu dạo chơi xuống đây, người ấy nếm thử mùi vị của qủa đất này, lại cùng với các chúng sanh khác kết giao qua lại, sanh lòng nhiễm trước, khiến cho thân thể nặng nề, khởi sanh dục vọng nên mất thần thông và ánh sáng của người trời, không còn bay lên được nữa. Từ đó mới có ngày tháng. Chúng sanh thô tháo ấy nay chính là ông.

Lại nữa, mẹ ông không phải ngày nay mới dụ dỗ con mình, trong quá khứ đã từng dụ dỗ các Tỳ-kheo như vậy. Bấy giờ có vua tên là Đạidanh-xưng, ở thành Ba-la-nại nước Câu-thi. Vua này thường lấy việc bố thí, trì giới để cảm hóa muôn dân. Một hôm, đệ nhất phu nhân của vua ngắm sao trời, trông thấy một con nai chúa sắc vàng, từ hướng Nam bay vụt lên hư không rồi biến mất.

Phu nhân thầm nghĩ: “Ước gì ta có được bộ da nai chúa ấy để làm mền đắp, dù có chết cũng không hối tiếc, còn không được thế thì làm phu nhân của nhà vua để làm gì?

Bà ta liền cởi bỏ tất cả những thứ trang sức anh lạc quý báu, mặc những áo quần cũ rách, vào phòng nằm rũ rượi.

Khi bãi triều trở vào cung, tìm phu nhân nhưng không nhìn thấy đâu cả, nhà vua mới hỏi người hầu

Người hầu đáp: “Phu nhân đang nằm rũ rượi ở trong phòng”.

Nhà vua vội đến hỏi: “Ai đã xúc phạm aí khanh vậy?”

Bà im lặng không đáp, nhà vua sai người hỏi nhưng bà cũng không chịu nói lời nào. Nhà vua mới sai người hầu cận thân tín của phu nhân tìm cách thuyết phục bà. Cuối cùng bà đáp: “Không ai xúc phạm ta cả, chỉ vì có tâm sự riêng không nói được mà thôi. Vừa rồi, trông thấy một con nai chúa có bộ lông sắc vàng, ta rất muốn được bộ lông của nó để làm mền đắp”.

Vị hầu cận ra tâu lại với nhà vua, vua bảo với quần thần: “Trong các khanh, ai có thể bắt được con nai ấy?”

Thế rồi, nhà vua cho triệu tập tất cả thợ săn lại bảo với họ: “Các ngươi hãy mau tìm cho được con nai sắc vàng kia”.

Các thợ săn đều tâu: “Đại vương, con nai này chúng tôi thật chưa từng nghe đến tên nó huống gì là thấy!”

Nhà vua nổi giận, truyền lệnh giam họ vào ngục. Trong số đó có một thợ săn tên là Nại-xà, sức lực rất mạnh, đuổi kịp cả muôn thú, chim đang bay trên không, ông ta bắn trăm phát đều trúng. Ông ta suy nghĩ, mình vô tội mà bị giam cầm, bèn thưa với vua: “Tâu đại vương, có người nào nhìn thấy con nai ấy không?”

Vua đáp: “Ông nên đích thân hỏi phu nhân”.

Phu nhân đáp: “Ta đứng ở trên lầu cao trông thấy nó từ phương Nam bay lên hư không rồi biến mất về phía Bắc”.

Thợ săn này khéo xem tướng của loài cầm thú. Ông ta biết được con nai đó cư ngụ ở phương Nam, đi kiếm ăn ở phương Bắc. Vì vậy, ông đi về phương bắc tìm nó.

Bấy giờ thợ săn mang cung tên lần về phương Bắc, đến núi Tuyết sơn gặp nơi các vị tiên nhân ẩn tu. Ông ta cất giấu những dụng cụ săn bắn, rồi đến gặp các vị tiên nhân, làm lễ chào hỏi. Họ mời ông ta ngồi, đem trái cây thiết đãi. Thợ săn hỏi: “Quý vị ẩn tu nơi đây đã bao lâu rồi?”

Các tiên nhân đáp: “Đã được vài năm”.

Thợ săn lại hỏi: “Có bao giờ các vị thấy việc gì lạ không?”

Đáp: “Ở phía Nam núi này có cây tên Ni-câu-luật to lớn, thường ngày có con nai chúa sắc vàng bay đến ăn lá ở trên cây”.

Vị tiên nhân chỉ đường cho ông ta. Đến nơi, thợ săn nhìn thấy có cây cổ thụ cành lá sum xuê, tàng cây che mát cả vùng. Trong chốc lát, ông trông thấy con Nai giống như nhạn chúa, từ hư không bay đến, dừng lại trên cây để ăn lá. Khi ăn no, nai liền bay đi.

Thợ săn trở về cung tâu với nhà vua: “Con nai đó không thể dùng lưới, tên mà bắt được, và cũng không có cách nào khác.

Vua bảo: “Khanh hãy đến thưa với phu nhân”.

Phu nhân bảo: “Ngươi hãy lấy mật bôi lên lá, sau đó giăng lưới khắp dưới gốc cây. Khi đánh hơi được mùi mật, nai ăn lá dần đến gốc cây và sẽ rơi vào lưới, ngươi hãy bắt sống mang về”.

Thợ săn theo lời, từ xa, biết được sự vịêc, tiên nhân than thở: “Ôi tai hoạ thảm khốc thay! Con nai ấy tuy có thể bay lên hư không nhưng không cách nào thoát khỏi bàn tay kẻ ác.

Tiên nhân nói kệ:

Ác nhất nơi thế gian
Không gì bằng hương vị
Dối gạt được người đời
Cho đến thú rừng hoang
Nai vì mê hương thơm
Phải chịu khổ đau này

Thợ săn dùng mật bôi lên lá cây. Nai đến ăn, sa vào lưới, bị thợ săn bắt đem về.

Nhà vua nghe tin, cho người đốt hương đón tiếp nai. Phu nhân trông thấy vội chạy đến ôm chầm lấy nai chúa. Vì phu nhân khởi tâm ô nhiễm khiến cho sắc lông vàng của nai chúa biến mất. Nhà vua hỏi phu nhân: “Sắc lông vàng của nai chúa này đột nhiên biến mất, phải làm sao đây?”

Phu nhân nói: “Bây giờ con nai nay này là đồ vô dụng rồi, thôi hãy thả nó đi”.

Phật dạy: “Nai chúa sắc vàng ấy chính là Da-xá. Vị phu nhân là mẹ của Da-xá, từng chịu nhiều đau khổ, tham đắm đến ngày nay”.

(Trích luật Tăng Kỳ quyển một)

6. PHẬT NÓI TÚC NGHIỆP CỦA NAN ĐỀ:

Lúc bấy giờ, đức Phật cư trú ở thành Xá-vệ, trong chúng có Tỳkheo Nan-đề đi đứng nằm ngồi thường trong thiền định, trải qua bảy năm sau đó tâm bị loạn động, định lực bị mất, vì vậy ông một mình ngồi cội cây để tu tập thiền định, mong tìm lại được định lực trước kia. Nào ngờ, việc tu tập của ông bị ma vương dò xét để tìm cách phá hoại. Bấy giờ ma vương hóa làm một cô gái xinh đẹp không ai sánh bằng, nàng ta đi đến trước mặt Nan-đề bảo rằng: “Tỳ-kheo! Hãy cùng em hoan lạc đi”.

Nan-đề bảo: “Này ác ma! Hãy mau biến đi, mau cút khỏi đây!”

Nan-đề tuy miệng nói nhưng mắt lại không dám nhìn cô ta. Một lần, hai lần, ba lần ông ta đều đuổi như thế. Cô gái liền thoát bỏ y phục, khỏa thân, đứng trước mặt Nan-đề. Nan-đề nhìn thấy tấm thân nỏn nà của cô thì lửa lòng rạo rực. Khi ấy, cô gái liền lùi bước, Nan-đề lại gọi: “Cô ơi! hãy nán lại tý đã!”

Cô gái nhanh chóng lẻn vào trong hào ở Kỳ-hoàn rồi ẩn mất. Bên cạnh hào có thây ngựa mới chết, Nan-đề vì lửa dâm dục quá mạnh liền hành dâm với thây ngựa.

Khi lửa dục lắng xuống, Nan-đề mới nghĩ lại biết mình đã làm việc xấu, liền cỡi bỏ ba pháp y, đi dến Tinh xá Kỳ hoàn thưa chuyện với các Tỳ-kheo là mình đã phạm trọng tội. Các Tỳ-kheo hỏi nguyên do, Nan-đề kể rõ sự việc cho họ nghe.

Sau khi nghe xong, các vị đến bạch lên đức Phật: “Bạch đức Thế tôn, Nan-đề lâu nay tu hành thanh tịnh, tại sao lại bị nữ sắc mê hoặc?”

Phật dạy: “Nan-đề không chỉ hôm nay mới bị nữ sắc mê hoặc, trong qúa khứ đã từng như thế rồi. Vào thời quá khứ, ở phía Nam nước A-bàn-đề có người họ Ca-diếp theo ngoại đạo xuất gia. Ông ta rất thông minh, học thức uyên bác, thường giúp vua trị nước và chấp pháp trị những kẽ gian tặc. Ngoại đạo này thầm nghĩ: “Ta là người đã xuất gia tại sao lại cùng nhà vua tham dự việc triều chính?”

Nghĩ thế, ông ta liền đến tâu với nhà vua: “Tâu đại vương, nay tôi muốn xuất gia”.

Vua hỏi: “Quốc sư lâu nay đã xuất gia, sao giờ lại nói tôi muốn xuất gia?”

Ông đáp: “Tâu đại vương, hiện giờ tôi tham dự các loại hình pháp

này thì làm sao gọi là xuất gia được? Nay tôi muốn xuất gia theo đạo Tiên”.

Nhà vua trả lời: “Việc ấy được thôi”.

Ngoại đạo Ca-diếp liền đến ngọn núi Bích-nham, kiến tạo Tinhxá, tu tập theo pháp Tiên, ông chứng được năm thần thông.

Một hôm, nhân lúc đi tiểu tiện, chất bất tịnh lưu xuất ra ngoài. Lúc ấy, có một con nai cái đến đến uống nước tiểu này. Uống xong, nai này liếm trở lại bộ phận sinh dục của mình. Vì vậy, ít lâu sau nai cái thụ thai, sanh ra một chú bé. Vị tiên nhân này nhân lúc đi ngang qua thấy nai mà sanh ra người thì lấy làm lạ. Ông ta thầm nghĩ: “Tại sao loài súc sanh lại sanh ra con người?”

Ông liền nhập định, quán sát mới biết đứa bé ấy là con của mình. Vì vậy ông ta đem về nuôi nấng. Chú bé này do nai mẹ sanh ra, trên thân có những nét vằn vện giống như nai mẹ, cho nên ông ta đặt tên nó là Lộc-ban.

Tiên nhơn suy nghĩ: “Kẻ làm băng hoại đạo đức không gì bằng nữ sắc”.

Nghĩ thế, ông đem những phương pháp tu thiền định và thần thông dạy cho Lộc-ban.

Ông nói kệ:

Hết thảy loài chúng sanh
Không ai mà không chết
Tùy theo nghiệp mình tạo
Tự chuốc lấy quả báo
Người thiện sanh lên Trời
Làm ác đọa địa ngục
Hành đạo tu phạm hạnh
Hết lậu chứng Niết-bàn.

Dặn dò những lời ấy xong, ông ta liền xả bỏ báo thân. Thế là đồng tử Lộc-ban theo lời dạy, tinh tấn tu hành phạm hạnh, chứng được năm thần thông. Một hôm, Thích-đề-hoàn-nhân cưỡi Long tượng trắng đi châu du thiên hạ, xem có ai hiếu thảo với cha mẹ, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, thường tu tập bố thí, trì giới phạm hạnh không? Quán sát khắp nơi, Thích-đề-hoàn-nhân trông thấy có một tiên nhân đồng tử tu tập phạm hạnh. Ông thầm nghĩ: “Nếu vị tiên nhân đồng tử này muốn cầu ngôi vị Đế thích hay Phạm-vương đều quá dễ dàng, vậy ta phải sớm phá hoại phạm hạnh của đồng tử này”.

Bấy giờ, Đế-thích nghĩ cách, ông cho đánh trống pháp, tập hợp hàng trăm ngàn thiên tử đến. Ông bảo: “Trong cõi Diêm-phù-đề có một đồng tử tiên nhân tên Lộc-ban, là người có công đức lớn, nay ta muốn phá hoại đức hạnh của ông ta”.

Các thiên tử nghe những lời ấy tỏ vẽ bất bình, họ thầm nghĩ: “Chúng ta phá hoại người như thế thì chúng trời sẽ bị giảm, ngược lại tăng thêm chúng A-tu-la”.

Có một thiên tử hỏi: “Giờ ai sẽ đảm đương công việc ấy”.

Có người đáp: “Đó là việc của thiên nữ làm”.

Đế-thích liền triệu các thiên nữ đến, chỉ trong phút chốc cả trăm ngàn thiên nữ đều tập trung đầy đủ. Trong đó có thiên nữ tên A-lamphù, cô ta có đầu tóc đủ bốn màu; xanh, vàng, đỏ, trắng, cho nên gọi là Tạp sắc. Đế-thích sai thiên nữ này xuống cõi Diêm-phù-đề để phá phạm hạnh của đồng tử Lộc-ban.

Tiên nữ thưa: “Tôi xưa nay đã phá hoại rất nhiều người, khiến cho họ mất phạm hạnh, thần thông. Nay xin Ngài hãy sai thiên nữ khác, xinh đẹp hơn để làm cho người ta yêu thích”.

Trong chúng trời, Đế-thích nhiều lần khuyên dụ, cuối cùng không từ chối được, vị thiên nữ này phải xuống cõi Diêm-phù-đề để phá hoại tiên nhân Đồng-tử.

Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, vị tiên nhân đồng tử xưa đâu phải ai khác, nay chính là Nan-đề tu tập thiền định. Thiên nữ A-lam-phù nay là vị đã đến phá hoại Nan-đề vậy”.

(Trích luật Tăng Kỳ quyển một)

7. XIỂN ĐÀ PHẢN CHỦ:

Bấy giờ, đức Phật đang cư trú ở nước Câu-xá-di, khi ấy có trưởng lão Xiển-đà tánh tình ương ngạnh, khó dạy. Các Tỳ-kheo nhiều lần khuyên can nhưng ông không chịu sửa đổi. Vì vậy, các Tỳ-kheo đem chuyện bạch Phật.

Phật dạy: “Vào thời quá khứ có một vị trưởng giả, trong nhà có nuôi một người đầy tớ tên A-ma-do. Người tớ này tánh tình hung ác, rất khó dạy dỗ.

Một hôm, trưởng giả này cùng các vị trưởng giả khác dạo chơi trong vườn hoa, họ cho những người hầu đứng đợi ngoài cổng vườn. Bấy giờ, A-ma-do đi đến, vô cớ đánh những người hầu ấy. Những người bị đánh chạy đến mách với chủ của mình. Các Bà-la-môn liền ra trách mắng A-ma-do, nhưng nó chẳng những không nghe mà còn nói: “Tôi không thèm nghe lời của các ông đâu, chỉ có chủ của tôi quở trách tôi mới nghe thôi!”

Nói rồi, hắn lại tiếp tục đánh những người hầu kia, các Bà-la-môn liền báo với chủ của nó. Chủ của A-ma-do có thiên nhãn, quan sát chỗ chúng đang đánh nhau, thấy ở dưới lòng đất có chôn cất vàng bạc, chỗ ấy không tốt, cho nên mới sanh ra chuyện đó. ông ta vội đến quở trách A-ma-do, khi ấy hắn mới chịu dừng tay.

Phật bảo: “Này các Tỳ-kheo, vị trưởng giả lúc ấy đâu phải ai xa lạ, nay chính là ta đây, còn A-ma-do ấy nay chính là Tỳ-kheo Xiểnđà”.

Phật dạy: “Lại nữa, vào thời quá khứ, có vị Bà-la-môn tên Phấtlô-hê học rộng, làm quốc sư thường dạy dỗ cho các đồng tử. Trong nhà ông có nuôi một người đầy tớ tên Ca-la-ha thường để sai hầu hạ các đồng tử. Đứa tớ này căn tánh lanh lợi, nghe dạy tới đâu đều ghi nhớ đến đó. Một hôm, hắn và các đồng tử gây lộn với nhau nên tự bỏ đi nước khác.

Khi đến nước khác, hắn lại dối xưng mình là con của Bà-la-môn Phất-lô-hê, tên Da-nhã-đạt-đa. Một hôm, gặp vị Bà-la-môn làm quốc sư của nước đó, nó thưa: “Tôi là con của Bà-la-môn Phất-lô-hê, cha tôi là quốc sư nước Ba-la-nại. Từ xa tôi đến đây là muốn theo quốc sư học giáo pháp của Bà-la-môn”.

Vị quốc sư ấy đáp: “Được thôi”.

Đứa tớ này thông minh, vốn đã từng nghe pháp, nay được nghe lại càng nhớ rõ. Vì vậy, hắn được vị quốc sư yêu mến và sai dạy năm trăm đồng tử. Ông ta bảo: “Ngươi hãy thay ta dạy dỗ năm trăm đồng tử còn ta phải vào cung”.

Nhà của quốc sư không có con trai, chỉ có một người con gái yêu quý, ông ta thầm nghĩ: “Mình nên đem con gái gả cho Da-nhã-đạt-đa và bắt nó ở rể, xem như con trong nhà”.

Nghĩ vậy, ông ta bảo: “Này! Da-nhã-đạt-đa, nay ngươi không cần phải trở về quê hương, ta sẽ gả con gái cho ngươi”.

Da-nhã-đạt-đa đáp: “Con xin vâng lời”.

Thế là hắn cùng chung sống với cô gái, cùng sinh hoạt như con cái trong gia đình, nhà này càng ngày càng giàu có. Thế nhưng hắn có tật xấu, mỗi khi ăn uống không vừa lòng thường hay giận dỗi, người vợ hết mực hầu chồng, luôn tìm cách để biết được nguồn gốc và sở thích cuả hắn, tiện bề hầu hạ nhưng cũng không được.

Bấy giờ Bà-la-môn Phất-lô-hê nghe tin hắn đang ở nơi đó mới thầm nghĩ: “Tên Ca-la-ha này trốn sang nước khác, nay ta nên qua bắt nó về”.

Ông ta liền lên đường đi đến nước này. Lúc ấy Da-nhã-đạt-đa đang du ngoạn vơí các đồng tử học trò của mình trong khu vườn. Trên đường về, hắn nhìn thấy người chủ cũ thì hoảng sợ. Hắn bảo các đồng tử: “Các con hãy về trước đi, mỗi người lo bài vở của mình nhé!”

Khi các học trò đi rồi, Ca-la-ha liền đến trước chủ cũ, cúi đầu đảnh lễ thưa: “Khi đến nước này, con nói với mọi người Ngài là cha của con. Nay con thờ Bà-la-môn quốc sư nước này làm thầy để học kinh điển, ông ta đã gả con gái cho con. Giờ đây, xin Ngài đừng nên làm lộ chân tướng của con, con sẽ làm nô tỳ hầu hạ Ngài”.

Vị Bà-la-môn chủ cũ khéo tùy thuận việc đời liền bảo: “Ngươi thật sự là con ta, cớ gì phải nói là phương tiện, hãy sớm lo liệu đi”.

Ca-la-ha liền đưa ông về nhà bảo với mọi người: “Cha ta đã đến”.

Người vợ vô cùng vui mừng, vội làm các món ăn ngon thiết đãi. Khi dâng thức ăn xong, nhân lúc rảnh, cô đảnh lễ cha chồng và thưa: “Con hầu hạ chồng con, nhưng mỗi khi dâng thức ăn thường không được vừa ý. Xin cha chỉ cho con biết, khi còn ở nhà anh ấy thường ăn những món gì? Con sẽ theo đó để tiện bề hầu hạ”.

Bà-la-môn Phất-lô-hê nghe nói vậy, rất giận. Ông thầm nghĩ: “Con ơi là con, mày làm khổ con gái người ta rồi”.

Ông lại bảo con dâu: “Khi nào cha sắp đi, cha sẽ dạy cho con một bài kệ, lúc ăn cơm con đọc bài kệ này, chồng con sẽ không còn nói gì nữa”.

Đã đến ngày Phất-lô-hê trở về nước, lúc sắp đi, ông ta nói cho con dâu một bài kệ:

Một mình nơi xứ lạ
Lừa dối khắp mọi người
Xưa thường ăn món dở
Cớ gì nay lại chê?

Ông lại nói: “Giờ ta cho con bài kệ này, nếu lúc chồng con ăn món dở mà nổi giận thì hãy đến bên cạnh đọc nhỏ cho nó nghe”.

Dạy cô gái xong, Bà-la-môn trở về bổn quốc. Da-nhã-đạt-đa tiễn chủ đi rồi, mỗi khi đến giờ ăn lại nổi giận. Người vợ ghé bên tai đọc thử bài kệ ấy. Chồng nghe xong, tỏ vẻ không vui, thầm nghĩ: “Chà! Cái ông già quái quỹ này đã nói việc xấu của ta”.

Từ đó về sau, hắn thường nói lời hòa nhã, vì sợ vợ đem nói chuyện mình cho người khác biết.

Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, vị Bà-la-môn Phất-lô-hê trong thành Ba-la-nại bấy giờ nay chính là ta, người đầy tớ Ca-la-ha nay là Tỳ-kheo Xiển-đà. Lúc ấy ông ta đã từng cậy thế lực ta để lấn lướt người khác, tật xấu ấy ngày nay cũng không chịu chừa bỏ”.

(Trích luật Tăng Kỳ quyển tám)

8. HAI VỊ MA HA LA KẾT LÀM THÔNG GIA:

Bấy giờ, ở thành Xá-vệ có hai vị Ma-ha-la đều bỏ vợ con xuất gia tu hành. Sau bao ngày du hóa nhân gian, cả hai trở về thành Xá-vệ, cùng chung ở một phòng. Bấy giờ, cả hai nghĩ muốn về nhà thăm lại vợ con, nghĩ xong họ liền trở về nhà. Khi về đến, vợ trông thấy liền nổi giận, nói: “Ông là người bạc tình bạc nghĩa, vô cớ bỏ nhà ra đi học đạo, con gái nhà ta tuổi đã lớn mà vẫn chưa gả được. Giờ ông cần gì mà lại về đây, hãy mau đi khuất mắt, chứ không tôi bẻ chân ông đấy!”.

Bị vợ mắng, tiểu Ma-ha-la buồn bã bỏ về phòng. Cùng lúc ấy, đại Ma-ha-la cũng bị vợ đuổi đi. Khi trở về, thấy tiểu Ma-ha-la như thế, ông hỏi: “Sao bạn buồn vậy?”

Tiểu Ma-ha-la đáp: “Ông hỏi làm gì?”.

Đại Ma-ha-la lại nói: “Chúng ta cùng nhau ở chung phòng, việc xấu hay tốt mà không cho nhau biết, không nói cho nhau nghe thì nên nói với ai?”

Tiểu Ma-ha-la liền kể mọi việc cho ông ta nghe. Nghe xong, Đại

Ma-ha-la nói: “Việc này có gì đáng buồn đâu? Nhà tôi cũng vậy thôi!

Vậy thì cho con gái của bạn kết hôn với con trai tôi nhé!”

Tiểu Ma-ha-la đáp: “Được vậy thì qúy hoá quá!”

Tiểu Ma-ha-la vội vã trở về nhà báo cho vợ biết: “Tôi đã chọn chồng cho con gái mình rồi”.

Người vợ bảo: “Vậy thì quý qúa!”

Đại Ma-ha-la cũng trở về nhà bảo vợ: “Tôi đã chọn vợ cho con trai mình rồi”.

Vợ hỏi: “Người nào thế?”

Ông bảo: “Là con gái của tiểu Ma-ha-la”.

Bấy giờ, hai vị Ma-ha-la đã trở thành thông gia, ai cũng vui vẻ như kẻ nghèo gặp được của báu, lại càng kính yêu nhau hơn.

Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, hai vị Ma-ha-la đó không chỉ đời này mới làm như thế. Vào thời quá khứ, ở nước Ca-thi có một Bà-lamôn, chất đậu Ba-sa, nấu mãi không chín, đem bán cũng chẵng ai thèm mua.

Lại có một nhà Bà-la-môn khác, nhà có nuôi một con lừa, vì nó qúa cứng đầu nên đem bán cũng chẵng ai mua.

Bấy giờ chủ đậu thầm nghĩ: “Ta nên đem số đậu này đổi lấy con lừa kia”.

Nghĩ vậy xong, ông liền đi đến thương lượng với chủ lừa. Chủ lừa nghĩ: “Ta nên đem con lừa cứng đầu này đổi lấy số đậu kia”.

Chủ lừa đồng ý đem lừa đổi đậu. Thế là cả hai người vui vẻ, trao đổi lẫn nhau.

Chủ đậu nói kệ:

Pháp Bà-la-môn khéo bán mua
Đậu cất đã qua mười sáu mùa
Nấu đã hết củi đậu không chín
Lớn nhỏ nhà ông
Răng cũng thua.

Chủ lừa cũng đáp kệ:

Bà-la-môn ơi vui điều chi
Nó tuy dáng đẹp chẳng ai bì
Vác nặng đường xa ông nên biết
Duì nung lửa đốt cũng chẳng đi.

Chủ đậu nói kệ đáp:

Ta dùng gậy ngàn thu
Chùy bốn tấc đánh đầu
Hàng phục lừa ngang bướng
Có gì phải lo âu.

Bấy giờ lừa lên tiếng:

Hai chân trước đứng yên
Hai chân sau đá liền
Răng hàm trên ông gãy
Biết trước chớ than phiền.

Chủ đậu nói kệ đáp:

Ruồi muỗi trùng độc bám
Chỉ dùng đuôi bảo vệ
Ta chặt đuôi và cẳng
Cho mày nếm khổ đau

Lừa đáp lại:

Tổ tiên tôi xưa nay
Thường sống theo tánh này
Giờ tôi y như thế
Dù chết chẳng đổi thay.

Bấy giờ chủ đậu biết nó ngang bướng, không thể dùng lời gay gắt nên ông ta chuyển sang khen ngợi:

Tiếng kêu thật tuyệt vời
Mặt trắng như tuyết rơi
Cưới vợ cho con nhé!
Cùng nhau dạo khắp nơi.

Lừa nghe những lời ngọt ngào liền đáp:

Sức con đội tám đấu
Sáu trăm dặm một ngày
Bà-la-môn nên biết
Được vợ thích lắm thay.

Phật dạy: “Hai người chủ lúc bấy giờ nay chính là hai vị Ma-ha-la. Con lừa là con của Ma-ha-la, đã từng đem lòng dối gạt khiến cho cư sĩ Bà-la-môn phải đem tài của cung cấp”.

(Trích luật Tăng Kỳ quyển bảy)

9. QUẢ BÁO CỦA SỰ GANH TỴ:

Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: “Thuở xưa, vào thời đức Phật hiệu là Tận-Thắng, lúc ấy có hai vị Tỳ-kheo tên là Vô-Thắng và Thườnghoan. Tỳ-kheo Vô-Thắng đã chứng được lục thông còn Thường-hoan vẫn chưa dứt trừ hết kiết sử. Lúc đó có trưởng giả tên Đại-Ái, vợ tên là Thiện-Ấu xinh đẹp tuyệt vời. Họ là đàn việt của hai vị Tỳ-kheo này. Thế nhưng, Thiện-Ấu thường cúng dường cho Vô-Thắng rất chu đáo còn Thường-hoan thì rất ít. Vì vậy, Thường-hoan đem lòng ganh tỵ và phỉ báng Vô-Thắng. Ông ta vu khống Tỳ-kheo Vô-Thắng tư thông với Thiện-Ấu, do ân ái với nhau nên được cúng dường trọng hậu”.

Phật bảo Xá-lợi-phất: “Ông biết Thường-hoan là ai không? Chính là ta đấy! Còn nàng Thiện-Ấu là cô gái Bà-la-môn tên Chiên-sa.

Lúc đó vì Ta hủy báng A-La-hán Vô-Thắng nên bị đoạ vào địa ngục trong vô số kiếp. Nay tuy đã thành Phật nhưng vẫn còn dư báo, bị đồng nữ Cát-thiệt độn gỗ vào bụng giả mang thai đến phá hoại ta”.

Cô ta bảo: “Tại sao Sa-môn không nói việc nhà lại đi lo chuyện người khác? Giờ ông một mình vui sướng mà không hề biết đến nỗi khổ của tôi. Trước vì cùng ông chung chăn gối nên nay đã mang thai, gần đến ngày khai hoa. Bây giờ tôi cần có những thứ sữa dầu để nuôi nấng đứa bé, ông phải lo hết cho tôi”.

Bấy giờ đại chúng cúi đầu im lặng, Thích-đề-hoàn-nhân đang đứng hầu quạt cho đức Phật đứng ở phía sau, hóa làm con chuột chui vào trong áo cô ta, cắn khúc gỗ rơi xuống đất. Khi ấy, bốn chúng đệ tử và lục sư ngoại đạo hết sức phấn khởi, cười vui mừng rỡ. Họ đều mắng trách cô gái kia: “Ngươi là kẻ tử tội, dám phỉ báng bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Quả đất này vô tri mới có thể dung chứa được tội ác của ngươi.

Bấy giờ, mặt đất liền nứt ra, lửa bốc ngùn ngụt, cô gái lập tức bị rơi vào địa ngục. Đại chúng chứng kiến việc ấy, vua A-xà-thế kinh sợ dựng tóc gáy, liền đứng dậy thưa với Phật: “Bạch đức Thế tôn, cô gái này hiện giờ đang ở cõi nào?”

Phật dạy: “Đại vương! Cô gái đó đã rơi vào địa ngục Tỳ-nê-lê”.

Nhà vua lại hỏi: “Bạch Thế tôn, cô gái này không sát sanh, không trộm cắp, chỉ mang tội vọng ngữ, cớ sao phải rơi vào địa ngục?”

Phật dạy: “Đại vương, Pháp ta đã nói có ba loại; thượng, trung, hạ. Thân, khẩu, ý hành”.

Vua lại hỏi: “Như thế thì loại nào nặng nhất, loại nào trung bình, loại nào là thấp?”

Phật dạy: “Đại vương, trong các tội, ý hành quan trọng nhất, khẩu hành bậc trung, thân hành là bậc hạ”. (Trích kinh Hưng Khởi Hạnh quyển hạ)

10. CÔNG ĐỨC TRÌ GIỚI:

Lúc bấy giờ, tại nước Kiều-tát-la có hai vị Tỳ-kheo, một người hay phạm giới, còn một người chuyên trì giới. Một hôm, cả hai cùng đến vấn an đức Phật. Trên đường đi gặp vũng nước có trùng, Tỳ-kheo phạm giới bảo: “Chúng ta cùng uống nước đi!”

Tỳ-kheo trì giới bảo: “Trong nước có trùng, làm sao uống được?”

Vị phạm giới nói: “Nếu không uống chúng ta sẽ chết mất, như thế sẽ không được thấy Phật, nghe pháp và gặp chúng Tăng”.

Vị trì giới bảo: “Dù có chết tôi cũng không uống”.

Lúc đó, vị phạm giới liền uống, còn vị kia vì kiên quyết không uống nên bị chết khát. Sau khi chết, thần thức của ông lập tức tái sanh vào tầng trời thứ ba mươi ba, được thân trời đẹp đẽ. Sau đó, ông xuống đảnh lễ Phật trước vị Tỳ-kheo kia. Đảnh lễ xong, ông đứng sang một bên. Phật giảng các pháp cho ông ta nghe, nên chứng được pháp nhãn tịnh, ông vội đảnh lễ Phật và thưa: “Con xin quy y Tam bảo, trọn đời làm vị Ưu-Bà-tắc.

Nói pháp xong, đức Phật im lặng, vị Trời lễ Phật rồi bỗng nhiên biến mất.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo uống nước cũng vừa đến, gặp lúc đại chúng đang vây quanh Phật, nghe pháp. Nhìn thấy vị Tỳ-kheo đến, Phật liền vén Uất-đa-la-tăng, để lộ cánh tay sắc vàng và bảo: “Ngươi là kẻ ngu si, vì muốn thấy nhục thân ta mà phạm giới, chẳng bằng người trì giới kia đã thấy pháp thân ta”.

Đức Phật liền nói kệ:

Tâm không khéo quán sát
Thấy thời không thấu suốt
Ngu như con thiêu thân
Tự đâm đầu vào lửa
Để rồi bị chết cháy
Mong thấy ta làm gì
Sắc thân đồ bất tịnh
Ngươi muốn thấy mà chi
Bên trong đầy máu thịt
Ngoài da mỏng bao bọc
Kia dù khát thiêu đốt
Hết lòng tôn kính giới
Thà chết giữ giáo pháp
Thấy ta ngươi chẳng bằng.

Phật nói kệ xong bảo với các Tỳ-kheo: “Từ nay, nếu ai không có đãy lọc nước thì không cho phép đi du hóa, người nào không tuân giữ là phạm giới. Nếu nơi có dòng nước sạch hoặc sông lớn, hoặc suối trong, từ chùa này sang chùa kia trong khoảng hai mươi dặm thì không phạm”.

(Trích luật Thập Tụng, phần Tạp Tụng quyển ba)

11. THỌ MẠNG CỦA NGẠ QUỶ:

Bấy giờ ở nước Ca-la có một ngạ quỷ đang đứng dựa cổng thành.

Tỳ-kheo Mãn-nguyện hỏi nó: “Ngươi làm gì mà đứng đây?”

Ngạ quỷ hỏi: “Bộ Ngài thấy tôi sao?”

Tỳ-kheo đáp: “Thấy chứ!”

Quỷ nói: “Chồng tôi vào thành đến giờ vẫn chưa thấy về, cho nên tôi đứng đây đợi ông ấy”.

Tỳ-kheo hỏi: “Chồng ngươi vào thành làm gì thế?”

Quỷ đáp: “Hiện giờ trong thành có vị đại trưởng giả mang bệnh ung thư lâu ngày, khối u đã vỡ, máu mủ tràn lan, chồng tôi đến lấy, cả hai cùng ăn để cứu mạng ông ấy”.

Tỳ-kheo hỏi: “Chồng ngươi vào thành bao lâu rồi?”

Quỷ đưa tay chỉ thành phố gần bờ sông rồi bảo: “Từ khi chồng tôi đi, thành phố ở bên sông này thành hoại cho đến nay là lần thứ bảy rồi. Chồng tôi vào thành đã ngần ấy thời gian”.

Như thế đó, ngạ quỷ sống bao lâu không thể đếm được và cũng không giới hạn”.

(Trích kinh Quần Ngưu Thiên Đầu)

12. TỲ-KHEO GẶP NẠN CƯỚP:

Thuở xưa, có năm trăm vị Tỳ-kheo đi ngang qua đầm lớn, gặp bọn giặc cướp. Chúng lột hết y phục của các Tỳ-kheo, dùng dây cỏ trói họ lại rồi bỏ đi.

Các vị Tỳ-kheo này muốn bứt cỏ đứng dậy nhưng lại sợ phạm giới. Họ thầm nghĩ: “Thà bỏ thân mạng, quyết không phạm giới”.

Bốn ngày trôi qua, nhân lúc nhà vua đi săn gặp cảnh tượng đó liền xuống ngựa đảnh lễ, hỏi nguyên do.

Các vị kể lại, nhà vua liền cởi trói cho họ và mời về cung cúng dường.

(Trích Kinh Thí Dụ quyển sáu)

13. TỲ-KHEO SỢ QUỶ:

Thuở xưa, có một ngôi chùa trên núi, trong căn phòng nọ, quỷ dữ thường đến quấy rối, chọc phá chúng Tăng. Vì vậy, gian phòng ấy chẳng ai dám ở cả.

Một hôm, có vị khách Tăng từ nơi khác đến, Duy na liền sắp xếp cho ông ta ở trong gian phòng ấy và bảo: “Trong gian phòng này có con quỷ dữ hay hiện ra quấy phá người”.

Vị khách Tăng cho mình là người có đạo lực trì giới nên nói: “Một con quỷ nhỏ làm gì được ai, tôi có thể hàng phục nó”.

Thế là vị khách tăng vào phòng. Hoàng hôn dần buông phủ, chợt đâu có một vị khách tăng khác cũng đến xin cư trú. Vị duy na cũng phân cho ông ta đến trú chung với vị khách trước, đồng thời cho ông ta biết ở trong phòng đó có quỷ. Người này quả quyết: “Tôi sẽ hàng phục nó”.

Bấy giờ, ở gian phòng kia vị khách Tăng đến trước đã đóng cửa tỉnh tọa đợi quỷ tới. Vị khách Tăng đến sau, vì trời quá tối, ông ta đập cửa đòi vào. Nghe tiếng đập cửa, vị tăng bên trong cho là quỷ nên không chịu mở. Thế là người bên ngoài hết sức đẩy cửa vào, người bên trong thì ráng sức đẩy ra. Vị tăng bên ngoài mạnh hơn, ông đẩy bay cửa xông vào. Vị tăng bên trong liền đánh ra, cả hai cùng đánh trả tơi bời. Đến khi trời hừng sáng, hai người thấy mặt nhau hóa ra là bạn đồng học cũ. Bấy giờ họ vô cùng xấu hỗ, mở miệng xin lỗi lẫn nhau. Chúng Tăng biết được, xúm lại ôm bụng cười cái chuyện quái gở ấy.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển chín mươi mốt)

14. TỲ-KHEO BỊ NẠN VUA ĐƯỢC SƠN THẦN CỨU:

Bấy giờ, đức Phật ở nước Xá-vệ, có một vị Tỳ-kheo tham thiền trong thất đất, bên vách đá. Lâu ngày, râu tóc, móng tay của ông đều ra dài, y phục lại rách nát.

Một hôm, vua Ưu-điền ra thành dạo chơi, mang theo mỹ nhân đi đến chân núi. Lúc ấy có một mỹ nhân ngoảnh đầu nhìn thấy một ngôi thất đất, trong đó có người, râu tóc dài thườn thượt, áo quần lại rách nát, hình thù như quỷ. Thấy thế, cô ta kinh hoảng thét lên: “Tâu bệ hạ, trong đây có quỷ!”

Nhà vua hỏi vói lại: “Nó ở đâu?”

Mỹ nhân đáp: “Ở trong nhà đất nơi cửa đá kia”.

Nhà vua rút gươm xông vào thì thấy Tỳ-kheo, ông hỏi: “Ngươi là ai?”

Tỳ-kheo đáp: “Tôi là Sa-môn”.

Nhà vua lại hỏi: “Sa-môn phái nào?”

Tỳ-kheo đáp: “Là đệ tử của Phật Thích Ca”. Vua hỏi: “Là bậc A-La-hán chăng?” Ông đáp: “Thưa không phải”.

Vua hỏi: “Ngươi đã chứng Tứ thiền chưa?” Ông đáp: “Thưa chưa”.

Vua hỏi: “Ông đã chứng tam thiền Nhị thiền hay chưa?” Ông đáp: “thưa chưa”.

Vua hỏi: “Đã chứng Sơ thiền chưa?” Ông đáp: “Tôi thật đã chứng Sơ thiền”.

Nhà vua chưa nguôi cơn giận, liền bảo với mọi người: “Kẻ huỳnh môn này có tâm dâm, là vị Sa-môn phàm tục, không có đạo hạnh chân chánh. Tại sao lại nhìn mỹ nhân của ta?”

Nhà vua ra lệnh cho các tùy tùng hãy mau giết chết Sa-môn này. Cận vệ liền thi hành. Đang lúc ấy, vị sơn thần thầm nghĩ: “Vị Tỳ-kheo này không có lỗi mà phải chết oan. Ta phải tìm cách cứu ông ta thoát khỏi nguy hiễm”

Sơn thần liền hoá ra con heo khổng lồ, chạy tới gần bên vua. Bọn cận vệ nhìn thấy liền gọi: “Đại vương có con heo lớn đang đến gần Ngài kìa”.

Nhà vua vội bỏ chuyện của Tỳ-kheo, rút gươm đuổi theo chú heo. Tỳ-kheo nhìn thấy nhà vua và binh lính đã chạy xa, ông liền đi khỏi ngôi thất ấy.

(Trích kinh Nghĩa Túc quyển thượng)

15. CÔNG ĐỨC TRÌ KINH:

Xưa có Tỳ-kheo chuyên tụng kinh A-Di-Đà và kinh Đại-Bát-Nhãba-la-mật, khi sắp mạng chung, ông gọi đệ tử đến bảo: “Phật A-Di-Đà và đại chúng đang đến”.

Nói xong, vị ấy cử động thân đảnh lễ, trong chốc lát thì viên tịch. Sau khi qua đời, vị đệ tử đem nhục thể của thầy hỏa táng thì còn nguyên cái lưỡi không bị cháy.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển chín)

16. PHẬT CẤM TỲ-KHEO Ở MỘT MÌNH NƠI VẮNG VẺ:

Bấy giờ, tại nước Kiều-tát-la, có vị Tỳ-kheo một mình tu trong rừng vắng. Khu rừng này thường có nữ phi nhân xuất hiện, vị phi nhân này cứ theo rủ Tỳ-kheo hành dâm, nhưng Tỳ-kheo trả lời: “Cô chớ nói như thế, tôi là người cắt đứt chuyện dâm dục”.

Cô ta nói: “Nếu như không chịu thì tôi sẽ phá hết lợi dưỡng và làm cho ông phải đau khổ”.

Tỳ-kheo đáp: “Cô ưa làm gì tùy cô”.

Đêm xuống, Tỳ-kheo nằm nghỉ, quỷ cái kia dùng y quấn ông lại rồi đem bỏ vào trong cung vua, để nằm bên cạnh phu nhân. Khi thức

giấc, vua thấy Tỳ-kheo liền hỏi: “Ông là ai?” Tỳ-kheo đáp: “Tôi là Sa-môn”. Vua hỏi: “Sa-môn phái nào?” Tỳ-kheo đáp: “Sa-môn thích tử”.

Vua hỏi: “Vậy tại sao ngươi lại vào đây?”

Tỳ-kheo trình bày rõ sự tình, nhà vua nói: “Tại vì ngươi ở trong rừng vắng vẻ nên mới bị quỷ phá, thôi ngươi hãy về đi, ta hiểu biết Phật pháp nên không chất vấn ngươi đâu”.

Tỳ-kheo thoát nạn, trở về bạch rõ sự việc lên đức Phật. Nhân đó Phật cấm: “Tỳ-kheo không được ở trong rừng vắng”.

Lại nữa, cũng ở nước Kiều-tát-la, có vị Tỳ-kheo khác ở nơi vắng vẻ thường bị quỷ Tỳ-xá-già đến mời gọi: “Tỳ-kheo, hãy hành dâm với tôi”.

Tỳ-kheo đáp: “Cô đừng nói như thế, tôi là người cắt đứt chuyện dâm dục”.

Quỷ nói: “Nếu không cùng tôi hoan lạc thì tôi sẽ phá tất cả lợi dưỡng và làm cho ông phải chịu đau khổ”.

Tỳ-kheo bảo: “Tùy cô”.

Đêm đến, Tỳ-kheo đang ngủ, quỷ lấy y quấn ông lại, đem bỏ vào trong bồn rượu của quán rượu. Sáng ra, gia chủ phát hiện mới hỏi: “Ông là ai?”

Tỳ-kheo đáp: “Tôi là Sa-môn”. Chủ hỏi: “Sa-môn nào?” Ông đáp: “Sa-môn Thích tử”.

Chủ hỏi: “Tại sao Ông ở đây?”

Tỳ-kheo kể rõ sự việc, chủ quán bảo: “Thôi Ông đi đi”.

Nhân sự việc ấy, đức Phật chế giới: “Tỳ-kheo không được ở trong rừng sâu, nơi hoang vắng, chỗ đáng sợ, nơi chốn không người”.

(Trích luật Thập Tụng, Thiện Tụng quyển hai)

17. TỲ-KHEO THẤT CHÍ TÂM SANH CUỒNG LOẠN:

Ngày xưa, có Tỳ-kheo đi khắp nơi khất thực, tình cờ vào nhà dâm nữ. Khi thấy Sa-môn vào nhà, dâm nữ vui mừng hớn hở, vội ra chào hỏi nghinh tiếp, đảnh lễ mời ngồi.

Dâm nữ hỏi: “Nhân giả từ đâu đến đây?”

Tỳ-kheo đáp: “Tôi chủ yếu đi khất thực nên tuần tự đến đây”.

Dâm nữ liền sửa soạn những món tươi ngon, sắp đầy vào bát của Tỳ-kheo. Thọ nhận thức ăn xong, Tỳ-kheo từ biệt. Do được thức ăn ngon nên Tỳ-kheo rất vui mừng, không kiềm chế được lòng mình, cứ vài ngày tìm đến chỗ cũ khất thực.

Cô gái thầm nghĩ: “Chắc Tỳ-kheo này giữ giới pháp không ai bằng, ta nên sửa soạn món ăn ngon lạ béo tươi để dâng cho ông ta”.

Thế là Tỳ-kheo cứ theo đường cũ mà khất thực, nhưng vị này học vấn chưa sáng, hạnh giải không thông, các căn còn ám độn chưa hàng phục được nên khi thấy cô gái có nhan sắc thì động lòng tà, tâm mong muốn phát khởi. Thêm vào đó, khi nghe cô gái thốt ra những lời êm ái, dịu dàng thì lòng mong ước được cận kề.

Bấy giờ Tỳ-kheo nghe thấy những cữ chỉ, lời nói dâm loạn mê hoặc nên không thể kiềm chế được lòng mình, mê mẫn không còn biết gì nữa.

Những lời Thế Tôn từng dạy như Tỳ-kheo khi nhìn thấy nữ sắc thì nên quán người già thì giống như mẹ, trung niên thì như chị, còn nhỏ xem nhu em út, như con cái của mình. Quán bên trong thân, tất cả đều là những thứ dơ bẩn, chẳng có gì đáng yêu thích cả. Nhìn thấy bên ngoài thì đẹp như chiếc bình được chạm trổ nhưng bên trong lại chứa những thứ bất tịnh. Quán tấm thân này là vô thường giả hợp, vốn không phải thật có. Nhưng lúc ấy Tỳ-kheo này chẳng biết quán cái gì mà chỉ quán sắc đẹp nên tâm dục bấn loạn.

Ông bảo với dâm nữ:

Nàng trẻ trung thân hình thanh nhã
Nét đoan trang xinh đẹp tuyệt vời
Xin nàng hạ cố theo ta nhé
Mong chở che ai đến suốt đời.

Dâm nữ đáp:

Thiết nghĩ thân ông không sản nghiệp
Đã tu sao khởi ý lôi thôi
Ông làm việc ấy không biết thẹn
Thế thì cút xéo khỏi nhà tôi.

Vậy là ông ta bị đuổi, tìm về đến Tinh xá Kỳ-hoàn kể lại cho các Tỳ-kheo nghe. Tỳ-kheo đem chuyện bạch rõ lên đức Phật. Phật dạy: “Vị Tỳ-kheo này, đời trước từng làm kiếp ba ba sống trong nước, cô gái kia làm thân vượn. Hai bên có ý thích nhau nhưng không có kết quả mà lại dối mình, họ không vào trong chánh pháp được, lại còn tăng thêm phiền não. Nay cũng như thế, nguyện lực chẳng theo tâm, trái lại chuốc lấy sự nhục nhã”.

Đức Phật lại dạy tiếp: “Vào thời quá khứ có con ba ba sống bên cạnh dòng sông, cây cối um tùm. Trong khu rừng ấy có con vượn cũng đang sống trên cội cây đó.

Một hôm, ba ba trôi theo dòng nước, từ xa trông thấy chú vượn trên cội cây. Vì muốn kết làm bạn nên ba ba tiến đến hỏi han làm quen. Cứ thế, ngày nào chúng cũng gặp nhau, ba ba nhìn vượn không chán rồi khởi tâm ái nhiễm. Do vậy, ba ba bèn nói lời tỏ tình nên bị vượn mắng đuổi. Con vượn nay chính là dâm nữ, còn con ba ba nay là Tỳ-kheo khất thực này

(Trích kinh Thuyết Tỳ-kheo Phân Vệ)

18. SA-MÔN TRÂN TRỌNG CỨU MẸ THOÁT KIẾP NGẠ QUỶ:

Ngày xưa có vị cư sĩ tên Ưu-đa-la, có lòng tin Phật, vui nơi chánh pháp, gần gũi chúng Tăng. Ông thường trì mỗi tháng sáu ngày trai, giữ gìn tám giới pháp, bỏ ác làm lành, bảo vệ mạng sống của quần sanh. Vì vậy, ông được mênh danh là Trân Trọng. Những thứ vinh hoa phú qúy ông không màng đến, gái đẹp quốc bảo không hề làm loạn chí, rượu thịt không thấm môi, tín tâm kiên cố, hiếu thảo với cha mẹ, quá giờ không ăn, chuyên tâm học đạo, hương hoa phấn sáp thân không hề chạm, tay không cầm binh khí gậy gộc, sợ băng hoại đạo đức, xa kẻ ngu si, thân cận bậc hiền, lấy sự huyền diệu của Phật pháp để hướng dẫn mẹ. Thế nhưng, mẹ ông tin theo tà kiến, tham lam bỏn xẻn không chịu bố thí, nên ông thường lấy chánh pháp để khuyến dụ mẹ mình.

Sau khi mẹ lâm chung, ông xuất gia làm Sa-môn, tâm hành tịch diệt, tỉnh tọa dưới gốc cây, quán sát mười phương, thường tự suy nghĩ: “Từ ngày mẹ lâm chung đến nay đã hơn hai mươi năm rồi nhưng không biết hiện giờ sa đọa vào chốn nào. Nay ta phải tìm xem người đang ở đâu”.

Vì lòng mong muốn báo ơn sanh dưỡng nên chỉ trong chốc lát có một ngạ quỷ, thân hình lem luốc, nhìn thấy đáng sợ, tóc dài quấn thân, chân lê sát đất, lui tới rên la không ai cứu vớt, lết dần đến chỗ ông thưa: “Tôi kết bè với bọn ác, làm bạn với kẻ ngu, đã hai mươi năm không thấy Sa-môn, nay mới gặp Ngài. Tôi đang đói khát sắp chết, xin Ngài thương xót, cho tôi nước gạo để cứu lấy mạng sống nhỏ nhoi này”.

Sa-môn đáp: “Nước ngọt trong biển cả, há không đủ uống hay sao?”

Ngạ quỷ đáp: “Vừa muốn uống thì nước hóa ra mủ máu, hôi tanh vô cùng. Cơm ăn thì hóa thành than đỏ, thiêu cháy lưỡi miệng. Lại bị quỷ khóa chặt dây xiềng vào cổ, dùng gậy sắt nung đỏ để đánh đập. Không biết mang tội nặng gì mà nay phải đến nỗi này?”

Sa-môn đáp: “Lúc xưa ngươi làm người, trái lời Phật dạy, cùng kẻ ngu si kết thành bè đảng, theo điều sai quấy, lấy họa làm phước, bỏn xẻn không thí, tham lam qúa đỗi nên mắc phải quả báo này”.

Ngạ quỷ nức nỡ khóc: “Thật đúng như thế!”

Lại nữa: “Trước kia làm người, ta có một đứa con trai, là một vị Phật tử tại gia, thường thờ phụng Tam bảo, giữ gìn giới pháp, thực hành mười thiện nghiệp, trì sáu ngày trai, giữ tám giới pháp chưa hề thiếu sót, lại còn hiếu thảo vơí cha mẹ, lấy trí thờ Phật, noi gương đức hạnh cao qúy của Sa-môn như bóng theo hình. Nó còn thường khuyên ta bố thí, cúng dường Thánh chúng, nhưng vì không có trí tuệ chơn chánh nên tin những lời dụ dỗ của bọn ngu ác, nay phải chuốc lấy cái tai họa này, nguy hại khó lường”.

Nói lời ấy xong, ngạ quỷ nước mắt đầm đìa, tha thiết cầu xin: “Samôn thương xót cứu vớt thân tôi”.

Sa-môn hỏi: “Nay muốn chuyển được nghiệp ngạ quỷ này thì phải dùng đức gì đây?”

Ngạ quỷ đáp: “Ngài hãy lấy bình đựng nước, trong để nhành dương, dùng pháp phục chú nguyện lên và sửa soạn đầy đủ các thức ăn để cúng dường, nhờ Tỳ-kheo tăng đọc tên chú nguyện cho tôi. Như thế không bao lâu khiến ch tôi có ăn có mặc. Giả sử tôi đã xả bỏ báo thân trong loài ngạ quỷ, phước đức của tăng chú nguyện tôi đều hưởng được”.

Sa-môn làm theo lời quỷ, lấy bình nước trong, để cành dương, sắm sửa thức ăn pháp y, dâng lên cúng dường, nhờ đại tăng chú nguyện. Bấy giờ trong ao nước lớn mọc một đóa hoa sen, mùi hương bát ngát, lá hạt sum xuê. Thế là, sở nguyện được tùy tâm, năm trăm người bạn thấy thế lấy làm lạ, họ bảo: “Người này chỉ một mình mà có phước đức gì trợ giúp, sớm thoát khỏi tội nặng, sở nguyện được tùy tâm như thế?”

(Trích Kinh Ưu-đa-la Mẫu)

19. RỒNG CÚNG DƯỜNG CHÂU MA NI CHO SA-MÔN:

Thuở xưa, có vị Sa-môn theo đoàn thương buôn qua biển, giữa chừng thuyền bị chao đảo, không tiếp tục đi được, mọi người la lên: “Trong thuyền chắc chắn có người không thanh tịnh, hãy mau xét thẻ đuổi ra”.

Sa-môn bị đuổi, tự mình lao đầu xuống biển. Lúc ấy có Long vương dùng hoa sen bảy báu đỡ lấy Sa-môn, rồi đưa về long cung. Samôn nhìn thấy lâu đài cung điện, tòa nhà bảy báu. Long vương mời Samôn vào rồi cúi đầu đảnh lễ thưa: “Con bị bệnh nhức đầu, nay đã hơn sáu trăm năm rồi, con luôn tìm đạo nhân để chữa trị nhưng đến hôm nay mới gặp được, xin Ngài hãy trị cho con”.

Sa-môn đáp: “Tôi không biết y dược thì làm sao chữa trị cho Ngài?”

Long vương nói: “Trong biển này có nhiều thần y nhưng họ không chữa khỏi bệnh của con, chỉ vì chưa nghe được pháp dược”.

Sa-môn liền thuyết pháp, chỉ trong chốc lát thì bệnh của Long vương liền khỏi. Ông vô cùng vui mừng, thiết lễ cúng dường Sa-môn suốt chín mươi ngày. Một hôm, ông thưa: “Lâu nay Ngài vì con mà khổ nhọc, con thật ngại ngùng, giờ đây thuyền ấy đã trở về, con xin tiểnbiệt Ngài”.

Long vương chọn ba viên châu ma ni, một viên cúng dường đức Phật, một viên cúng dường chúng Tăng, còn một viên cúng dường Samôn. Long vương sai long thần đưa tiễn, chốc lát đến thuyền. Bạn bè thấy vậy vừa sợ vừa mừng, cùng nhau trở về bổn quốc. Mọi ngươì theo Sa-môn đến chỗ Phật, Ngài nói pháp cho họ nghe, tất cả đều phát đạo tâm, độ thoát vô lượng.

(Trích kinh Thí Dụ quyển chín)

20. SA-MÔN ĐỐT CỎ BIẾN THÀNH XƯƠNG TRÂU:

Ngày xưa, khi A-nan làm chấp sự, có một vị Sa-môn chứng quả Ana-hàm. Một hôm, ông ta đang đốt cỏ ở trên núi làm dơ bẩn pháp y. Bấy giờ có người mất trâu, họ kiếm tìm khắp nơi nhưng không có. Người ấy nhìn thấy có đống lửa đang cháy, liền tìm đến đó, nhìn thấy trong đống than lửa đều là xương trâu, bình bát biến thành đầu trâu, pháp y biến thành da trâu. Người ấy liền lấy xương cột lên đầu thầy rồi dẫn đi khắp nơi trong nước để cho mọi người đều trông thấy.

Bấy giờ có vị Sa-di thấy đã đến giờ ngọ nên ra đánh kiền chùy, nhưng không thấy thầy đến. Sa-di liền vào phòng ngồi nhập định, quán thấy thầy mình bị làm nhục. Ông ta vội chạy đến đảnh lễ hỏi: “Sao thầy bị như thế?”

Sa-môn đáp: “Đấy là tội xưa ta đã gieo tạo”.

Sa-di nói: “Thầy hãy tạm về ăn cơm”.

Cả hai người liền bứt dây vận thần thông bỏ đi. Sa-di chưa đắc đạo, chưa đoạn trừ được tâm sân, nên khi ngoảnh lại, thấy thầy mình bị bọn cư sĩ cùng với mọi người trong nước làm nhục. Sa-di nghĩ nên sai rồng nổi mưa cát đá, chấn động cả cõi nước, khiến cho mọi người kinh hãi. Suy nghĩ vừa dứt, bốn bề mưa cát nổi lên làm cho thành phố, nhà cửa đều sụp đổ.

Vị Sa-môn bảo: “Trong đời quá khứ, có một kiếp ta làm nghề mổ bò nên hôm nay ta bị quả báo này. Còn con, cớ gì mà tạo tội? Con hãy về đi, đừng theo ta nữa. Tội phước như thế, hãy nên cẩn thận. (Trích kinh Thí Dụ quyển thượng)

21. SA-MÔN KHẤT THỰC BỊ VU KHỐNG:

Ngày xưa có vị Sa-môn đi khất thực, đến nhà buôn bán châu báu, gia chủ đang sửa soạn cơm cúng dường cho vị Sa-môn. Cùng lúc ấy, người nhà đem về một viên minh châu vô giá, để bên cạnh vị Sa-môn.

Bấy giờ có con ngỗng đến nuốt mất viên minh châu nhưng chủ nhà không thấy, nhân đó hỏi Sa-môn, nhưng Sa-môn đáp là không lấy.

Chủ nhà lại hỏi Sa-môn: “Vậy thì nãy giờ thầy có thấy vị nào đến đây không?”

Sa-môn đáp: “Không thấy”.

Chủ nhà nổi giận: “Tôi vừa đặt viên minh châu xuống đây, ngoài thầy ra không có ai khác, sao thầy lại chối, vậy thì minh châu biến đi đâu?”

Chủ nhà liền đánh Sa-môn, máu chảy rất nhiều. Sa-môn cố gượng lên nói: “Tôi không có giấu viên minh châu mà!”

Chốc lát sau, chú ngỗng lại ra uống máu của Sa-môn, bị chủ nhà buông gậy đánh trúng, ngỗng liền chết ngay. Ông ta tiếp tục giáng gậy đánh Sa-môn tiếp, Sa-môn liền bảo: “Ông hãy dừng tay, nghe tôi nói đây; viên minh châu ấy bị con ngỗng nuốt”.

Chủ nhà đem ngỗng mổ lấy viên minh châu ra và nói với Sa-môn: “Sao thầy không chịu nói sớm để phải đến nỗi như thế!”

Sa-môn đáp: “Tôi giữ giới Phật, không được sát sanh, nếu như tôi nói ra thì ông sẽ giết nó, giờ nó chết rồi, tôi mới dám nói cho ông biết. Giả sử nó còn sống, dù cho ông đánh chết, tôi cũng không nói”.

Chủ nhà tự thân sám hối với Sa-môn, nhưng Ngài không giận, sắc mặt không đổi.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển một)

22. SA-MÔN BỊ QUỶ PHÁ:

Ngày xưa có vị Sa-môn thường ở trong núi tu tập. Một hôm, có một con quỷ hoá là người không đầu đi đến. Sa-môn quát to: “Quỷ không đầu thì không biết đau đầu, không mắt tai thì không thấy, không nghe được”.

Quỷ lại hóa làm người không có thân. Sa-môn bảo: “Quỷ không có thân thì không biết đau ngứa, không có ngũ tạng thì không biết bệnh hoạn”.

Quỷ lại hoá làm người không có tay chân. Sa-môn nói: “Không có tay chân thì không thể di chuyển được, cũng không thể bắt người được”.

Quỷ biết Sa-môn thủ chí nên nó biến mất. (Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển một)

23. SA-MÔN GIÁO HOÁ QUỶ:

Có vị Sa-môn hành đạo, gặp con quỷ ăn thịt người, quỷ vội chạy đến ôm ông ta. Sa-môn nói: “Hôm nay ta và ngươi gặp nhau nhưng lòng hai ta cách xa như trời đất. Lòng ngươi hiếu sát còn ta hiếu sinh, ngươi trái với đạo”.

Nghe thế, quỷ liền buông Sa-môn ra và cúi đầu sám hối: “Tôi là kẻ ngu si không bằng Ngài”.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển một)

24. SA-MÔN ĐỘ THỢ SĂN:

Xưa có vị Sa-môn, ngày đêm tinh tấn hành đạo, không hề biếng nhác, nhưng vì còn mang tấm thân, cần phải ăn uống, nên ông đi khất thực.

Một hôm, ông đến chỗ thợ săn khất thực, tên này bạo ngược, định giương cung bắn, Sa-môn nói: “Hãy khoan, đừng bắn nơi khác, bắn ngay cái bụng của ta đấy”.

Nói xong, ông phanh bụng ra rồi bảo thợ săn bắn. Thợ săn thấy cử chỉ ấy rất kì quái nên hạ cung xuống, đi đến hỏi: “Thông thường, người ở đời rất sợ cái chết, còn ông, sao lại bảo tôi bắn bụng?”

Sa-môn đáp: “Cái bụng này muốn ăn, vì vậy không tránh khỏi nguy hiểm, cho nên phải bắn nó”.

Thợ săn nói: “Tôi lên đỉnh núi săn bắn, không tránh cọp sói cũng vì cái bụng này. Nay nhờ phước duyên xưa đến, bỗng nhiên được tỉnh ngộ”.

Sa-môn liền nói cho ông ta nghe nỗi khổ trong ba đường và niềm vui Niết-bàn. Thợ săn biết tội giết hại chúng sanh rất nặng, liền phát Bồ-đề tâm, thọ lãnh giới pháp.

(Trích kinh Thí Dụ quyển 10)