KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

  1. Hai vợ chồng Ngài Ca-diếp xuất gia đắc đạo.
  2. Ngài Ca-diếp khất thực nhà nghèo.
  3. Ngài Ca-diếp kết tập Tam tạng.
  4. Ngài Ca-diếp vào núi Kê Túc đợi Phật Di Lặc ra đời.
  5. Bốn vị đại Thanh văn không nhập Niết-bàn cho đến khi Phật pháp diệt tận.
  6. Tân-đầu-lô bị đuổi đến Câu-da-ni
  7. Hai nhân duyên khiến năm người Kiều-trần, Câu-lân.v.v… được đắc đạo trước tiên.
  8. Ba anh em Ca-diếp được Đức Phật hóa độ mà ngộ đạo.
  9. Nhờ cắt phần ăn của mình cúng dường Sa-môn, cậu bé được sanh lên trời.
  10. Ngài Tu-bồ-đề từ lúc mới sanh cho đến khi xuất gia.
  11. Vì khởi dục tâm đối với Ngài A-na-luật, thiếu niên biến thành người nữ.
  12. A-na-luật hóa độ dâm nữ sanh khởi chánh tín.
  13. Lấy tên khều đèn cúng Phật, kẻ cướp được phước báu vô lượng
  14. A-na-luật cúng dường thức ăn cho vị Duyên-giác mà bảy đời đắc đạo.
  15. Nhóm A-na-luật hóa độ chị em trưởng giả Bạt-đề.

 

1. HAI VỢ CHỒNG Ngài CA DIẾP XUẤT GIA ĐẮC ĐẠO:

Cha Ngài Ca-diếp tên là Ni-câu-luật-đà, người nước Ma-kiệt, thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Nhờ phước đức đời trước, nên đời này ông được giàu sang, có nhiều châu báu lạ kỳ nhất nước. So với quốc vương, của cải ông chỉ kém một phần ngàn thôi.

Vợ chồng ông hiếm hoi, không có con cái. Cạnh nhà có vị thần đại thọ. Bấy giờ, vì muốn có con, hai vợ chồng giết bò dê để cúng tế, nhiều năm vẫn không toại nguyện. Cho nên, ông ta nổi giận, mới ra hạn bảy ngày, nếu không có hiệu nghiệm, sẽ đốn cây, quăng ra giữa đường, rồi lấy lửa đốt.

Nghe nói vậy, vị thần kinh sợ, báo tin lên Thiên vương. Thiên vương bảo thần hãy tâu lên trời Đế thích. Đế thích dùng thiên nhãn xem xét cõi Dục, thấy chưa có ai xứng đáng làm con của vị Bà-la-môn kia, liền báo cho Phạm vương biết. Phạm vương quan sát khắp nơi, thấy có một Phạm thiên sắp mạng chung, mới bảo Phạm thiên ấy:

– Ngươi nên sanh xuống cõi Diêm-phù-đề, làm con của Ni-câuluật-đà.

Phạm thiên thưa:

– Người Bà-la-môn phần nhiều theo tà kiến. Nếu có sanh xuống đó, tôi cũng không chịu làm con ông ta.

Phạm vương bảo:

-Vị Bà-la-môn kia đời trước có phước đức rất lớn, nên chúng sanh cõi Dục không ai xứng đáng làm con ông ta được. Nếu ngươi sanh xuống đó, ta sẽ sắc cho trời Đế thích ủng hộ ngươi, không để ngươi lạc vào tà kiến.

Phạm thiên vâng lời.

Đế thích liền báo cho thọ thần. Thọ thần về nói trưởng giả chớ nổi giận, bảy ngày sau sẽ có con. Đúng bảy ngày người vợ mang thai, mười tháng mới sinh. Đức bé sinh ra thân màu vàng ròng sáng rỡ.

Thầy tướng bói rằng:

– Cậu bé này nhờ phước đời trước nên có uy đức lớn, có chí xuất trần, không ham việc đời. Nếu sau này xuất gia, cậu bé sẽ chứng Thánh đạo.

Nghe vậy, cha mẹ cậu bé rất lo buồn, sợ con mình xuất gia, nên khi con được mười lăm tuổi, hai ông bà định cưới vợ cho con.

Hiểu ý cha mẹ, Ca-diếp thưa:

– Chí con thích thanh tịnh, cha mẹ đừng cưới vợ cho con.

Cha mẹ không chấp thuận.

Ca-diếp lại thưa:

– Nếu vậy thì không được cưới người con gái tầm thường, mà phải là người có nước da màu vàng tía, xinh đẹp không ai sánh bằng, con mới ưng chịu.

Ca-diếp nghĩ rằng việc đó không thể nào có được.

Cha mẹ cho người đi khắp nuớc tìm kiếm người con gái như thế. Các Bà-la-môn liền lập kế, đúc một thần nữ bằng vàng, dung mạo đẹp đẽ, sáng rỡ kì diệu, như tượng thiên nữ, đem đi khắp các nước rao to rằng:

– Con gái nhà ai thấy thần vàng này, lễ lạy cúng dường, về sau xuất giá sẽ gặp chồng giỏi có thân màu vàng ròng, tướng mạo đẹp đẽ, trí tuệ bậc nhất.

Các cô gái trong thôn xóm thành ấp, nghe lời rao này rất đỗi vui mừng, đều ra tiếp đón lễ lạy cúng dường. Riêng có một cô gái, thân màu vàng ròng, vô cùng xinh đẹp, cứ ở yên trong phòng, không chịu ra đón chào. Những cô gái kia can rằng:

– Hễ ai thấy thần vàng đều được như ý nguyện. Sao chỉ có mình chị không ra đón chào?

Cô ta đáp:

– Chí tôi thích vắng lặng, không ham muốn gì khác.

Các cô kia lại nói:

– Đành rằng như thế nhưng chị ra xem thử đi, có mất mát gì đâu.

Nói xong, các cô ây liền dẫn cô ta ra xem. Ánh sáng thân cô còn sáng hơn thần vàng.

Các Bà-la-môn trở về thưa với trưởng giả. Trưởng giả nhờ người mai mối đến nhà cô gái kia nói rõ ý mình. Cha mẹ cô trước đây đã nghe danh của Ca-diếp cũng đồng ý. Cả hai bên đều ưng thuận.

Nghe tin này, cô ta rất lo lắng, vì cha mẹ ép bức nên khó làm theo ý mình.

Khi cô ta về nhà Ca-diếp, hai người bàn với nhau là mỗi người có thể làm theo chí nguyện của mình, tuy là vợ chồng nhưng hoàn toàn không có ân ái, rồi cũng thề ước mỗi người ngủ riêng một giường, không được xúc chạm nhau.

Bấy giờ, hai người làm theo lời thề ước. Cha mẹ Ca-diếp biết con mình tuy ở cùng phòng với vợ mà ngủ khác giường. Người cha liền sai người dẹp bớt một giường. Thế là, hai người phải nằm chung giường.

Người vợ lại thề với chồng:

– Khi tôi ngủ thì chàng đi kinh hành.

Một hôm, khi người vợ đang ngủ, cánh tay thòng xuống đất, có con rắn độc to lớn muốn bò đến cắn. Ca-diếp trông thấy, động lòng thương xót, lấy y nhấc tay nàng để lên giường. Ngay lúc ấy, nàng chợt thức giấc, liền nổi giận, nói với Ca-diếp:

– Trước đây, tôi đã ra điều kiện, sao chàng lại vi phạm.

Ca-diếp trả lời:

– Vì cánh tay nàng thòng xuống đất, rắn độc sắp cắn, nên tôi cứu

nàng chứ không cố ý xúc chạm. Nói xong, Ca-diếp chỉ cho vợ thấy con rắn, người vợ mới vỡ lẽ. Thế là hai vợ chồng bàn với nhau:

– Tại sao chúng ta không xuất gia tu hành?

Cả hai liền giã từ cha mẹ, vào núi xuất gia tu hành.

Bấy giờ, có vị Bà-la-môn dẫn năm trăm đệ tử vào ở núi ấy, gặp vợ chồng Ca-diếp liền đi theo. Thấy vậy, Ca-diếp bỏ vợ, đem năm trăm lạng vàng đổi lấy y điệp-nạp, sống riêng trong một khu rừng.

Vợ Ngài ở lại với Bà-la-môn, xin được làm đệ tử. năm trăm đệ tử của Bà-la-môn thấy cô ta hình dáng xinh đẹp, ngày nào cũng hành dâm. Cô ta cảm thấy bực dọc, không chịu đựng nổi, mới thưa với Thầy. Thầy liền lấy giới luật khuyên ngăn đệ tử tiết chế lòng dục.

Về sau, Ngài Ca-diếp gặp Phật ra đời, nghe thuyết pháp và được hóa độ, đắc quả A-La-hán. Ngài nghe tin vợ mình còn ở bên Phạm chí, liền đưa nàng đến gặp Phật. Đức Phật thuyết pháp cho bà nghe, bà đắc quả A-La-hán, tóc trên đầu tự rụng, pháp phục tự quấn trên thân, thành Tỳ-kheo-ni, đi giáo hóa khắp nơi.

Gặp lúc vua Ba-tư-nặc đi dự đại hội, các Tỳ-kheo-ni được vào trong cung giáo hóa các phu nhân và dạy họ giữ một ngày trai. Tối đến, nhà vua trở về cung, triệu các phu nhân, không một ai chịu đến, đều nói là trì trai. Nhà vua nổi giận, bảo sứ hỏi ai dạy các phu nhân trì trai.

Sứ tâu:

– Tỳ-kheo-ni ấy.

Nhà vua ra lệnh Tỳ-kheo-ni phải chịu hành dâm 90 ngày thay cho các phu nhân.

Đây đều là nhân duyên đã thề nguyện trước kia, nên tuy đắc quả A-La-hán, vẫn không tránh khỏi.

( Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 4 )

2. NGÀI CA DIẾP KHẤT THỰC NHÀ NGHÈO:

Ngài Ca-diếp thường tránh nhà giàu, chỉ khất thực nhà nghèo. Một hôm, vào thành Vương-xá, Ngài gặp một bà lão vô cùng nghèo khó, sống cô độc một mình, không có bà con thân thích, ở chốn hang cùng ngõ hẻm trên đống phân lớn, xung quanh toàn là phẫn tiểu và khoét thành hang để ở. Mỗi khi ốm đau bệnh hoạn, bà thường nằm trong đó, không có cơm ăn áo mặc, chỉ dùng tấm phên nhỏ che thân, mạng sống gần kiệt.

Có một tớ gái của trưởng giả đem đổ nước cơm hôi thối không chịu nổi. Bà lão theo xin, rồi lấy hủ bể đựng những thứ ấy.

Ngài Ca-diếp thương xót đến xin bà một ít. Bà lão nói kệ:

– Nước cơm hôi lắm.

Ca-diếp từ bi, nài nỉ xin cho được. Bà lão vui vẻ lấy đưa cho. Sợ bà lão không tin là Ngài có thể ăn được thứ ấy, Ngài liền thị hiện thần thông uống hết bát nước cơm trước mặt bà. Bà lão rất vui mừng, từ xa chăm chú nhìn Ngài. Ngài Ca-diếp hỏi:

– Bây giờ, bà muốn cái gì?

Lúc ấy, bà lão chán cảnh khổ ở đời, nghe trên trời sung sướng nên muốn được sanh lên trời. Vài ngày sau, bà mạng chung, sanh lên cung trời Đao-lợi thứ hai, liền nhớ đến ân đức của Ngài Ca-diếp, muốn tìm gặp Ngài để cúng dường.

Nghe việc này, Thích-đề-hoàn-nhân cùng với thiên hậu đem thức ăn trăm vị đựng đầy trong bình nhỏ, đi xuống căn nhà dột nát, thay đổi hình dáng giống như người già nghèo khổ dệt chiếu.

Ngài Ca-diếp đi khất thực trông thấy họ rồi đến xin. Hai vợ chồng thưa:

– Chúng con nay nghèo khổ, tự cắt bớt phần mình cúng dường hiền giả để chúng con được phước.

Ngài Ca-diếp đặt bát xuống. Họ mở nắp bình ra, mùi thơm xông khắp thành. Ngài Ca-diếp nghi ngờ, mới nhập định. Trong chốc lát, hai vợ chồng trở lại thân cũ, vui mừng, rồi bay đi.

( Trích kinh Ma-ha Ca-diếp Độ Bần Mẫu )

3. NGÀI CA DIẾP KẾT TẬP TAM TẠNG:

Chư Thiên lễ chân Ngài Ca-diếp, nói kệ tán thán:

Đại đức biết chăng
Thuyền pháp sắp vỡ
Thành pháp sắp đổ
Biển pháp sắp cạn
Cờ pháp sắp ngã
Đèn pháp sắp tắt
Người nói pháp sắp đi
Người hành đạo ít dần
Người ác thêm nhiều
Nên dùng đại từ
Gầy dựng Phật pháp.

Tâm Ngài Ca-diếp như biển lớn, trong suốt không gợn sóng. Lát sau Ngài đáp:

– Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ ngu tối, không biết gì cả. Rồi Ngài suy nghĩ: Nay ta làm thế nào để khiến cho Phật pháp cửu trụ ba A-tăng-kỳ kiếp? Chỉ có cách kết tập Tam tạng mới có thể làm cho Phật pháp trụ lâu ở đời, người đời sau có thể thọ trì. Đức Phật đời đời khổ nhọc, thương xót chúng sanh, muốn họ học được pháp này nên đã giảng nói rõ ràng. Chúng ta cũng phải có trách nhiệm khai hóa chúng sanh.

Ngài liền lên đỉnh núi Tu-di, đánh chuông, gõ kiền chùy, nói kệ rằng:

Các đệ tử Phật
Nếu nghĩ đến Phật
Nên báo ân Phật
Chớ nhập Niết-bàn.

Tiếng kiền chùy này và lời kệ của Ngài Ca-diếp vang khắp ba ngàn đại thiên thế giới thảy đều nghe biết. Những đệ tử Phật đã có thần lực đều vân tập đến chỗ Ngài Ca-diếp. Ngài Ca-diếp dùng thiên ngữ bảo:

– Đức Phật nhập Niết-bàn, các đệ tử biết pháp cũng diệt độ theo, nên Phật pháp sắp diệt, chúng sanh đời sau rất đáng thương xót, vì mất đi mắt trí tuệ, ngu si tối tăm. Chúng ta nên thay Phật giáo hóa, đợi kết tập pháp tạng xong, thì tùy ý diệt độ.

Ngài Ca-diếp chọn được một ngàn người, chỉ trừ tôn giả A-nan chưa đắc quả A-La-hán.

Vua Tần-Bà-sa-la từ lúc biết đạo thường ra lệnh trong cung cúng dường thức ăn cho một ngày người. Vua A-xà-thế cũng không bỏ lệ này.

Ngài Ca-diếp suy nghĩ: Nếu để một ngày vị này đi khất thực, sẽ gặp ngoại đạo cưỡng ép vấn nạn, làm hỏng pháp sự. Cho nên, Ngài đến thành Vương-xá tâu lên vua việc này.

Nhà vua nhận lời cung cấp thức ăn, mỗi ngày đem đến tận nơi.

Trong ba tháng an cư, Ngài Ca-diếp quán thấy chỉ có A-nan là người chưa hết phiền não. Ngài liền kể sáu tội đột-kiết-la mà A-nan đã phạm, phải sám hối trước tất cả chúng Tăng.

A-nan vâng lời, cởi giày, trịch bày vai phải, quỳ gối chắp tay sám hối.

Ở giữa tăng chúng, Ngài Ca-diếp đứng dậy, kéo tay A-nan ra ngoài, nói:

– Ông phải dứt hết lậu hoặc. Nếu chưa hết kiết sử, ông chớ đến đây.

Nói xong, Ngài Ca-diếp đóng cửa lại, hỏi các vị A-La-hán:

Ai có thể kết tập được pháp tạng Tỳ-ni?

Trưởng giả A-nê-lư-đậu thưa:

– Xá-lợi-phất là vị Phật thứ hai. Kiều-phạm-ba-đề tánh tình điềm đạm hòa nhã, đang tu thiền định có thể thông suốt tạng Tỳ-ni, hiện nay đang ở vườn Thi-lợi-sa-thọ trên trời.

Ngài Ca-diếp sai Tỳ-kheo hạ tòa lên đó truyền đạt ý của mình: Các vị A-La-hán dứt sạch lậu hoặc đều tập hợp ở cõi Diêm-phù-đề, vì Tăng chúng có pháp sự lớn, nay xin Tôn giả mau về dự.

Kiều-phạm-ba-đề sanh tâm nghi ngờ, hỏi rằng:

Có đấu tranh phá tăng ư? Phật đã diệt độ ư?

Tỳ-kheo thưa:

– Đức Đại sư đã diệt độHỏi:

– Hòa thượng Xá-lợi-phất của tôi nay ở đâu?

Thưa:

– Đã nhập Niết-bàn trước Đức Phật-Kiều-phạm-ba-đề hỏi:

– Mục-liên, A-nan, La-hầu nay đang làm gì?

Thưa:

– Mục-liên đã diệt độ. A-nan do còn phiền não kiết sử, sầu khổ khóc lóc, không nói nên lời. La-hầu đã đắc A-La-hán, không còn sầu khổ.

Kiều-phạm-ba-đề nói:

– Đức Đại sư và Hòa thượng của tôi đều đã diệt độ, nay tôi không thể trở xuống.

Nói xong, Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề liền nhập Niết-bàn.

Tôn giả A-nan suy nghĩ: Pháp tu nào cũng đòi hỏi dứt sạch lậu hoặc. Nếu tọa thiền, kinh hành mà định lực yếu, thì không bao giờ đắc đạo.

Đêm sau, quá mệt, muốn nằm xuống nghỉ, đầu chưa chạm gối, bỗng nhiên Tôn giả chứng ngộ, thành bậc đại A-La-hán.

Đêm ấy, A-nan đến tăng đường gõ cửa gọi Ngài Đại Ca-diếp.

Ngài Đại Ca-diếp hỏi:

– Sao ông lại đến đây?

Thưa:

– Con đã dứt sạch lậu hoặc trong đêm nay.

Ngài Ca-diếp nói:

– Ta không mở cửa cho ông đâu. Ông cứ theo lỗ khóa cửa mà vào.

A-nan liền theo lỗ khóa cửa vào sám hối. Ngài Đại Ca-diếp không quở trách nữa, lấy tay xoa đầu A-nan, nói:

– Ta cố ý làm như thế để cho ông đắc đạo, mà ông không hờn giận, thì ta cũng như thế.

Ngài Đại Ca-diếp bảo A-nan:

– Từ lúc Đức Phật chuyển pháp luân cho đến nhập đại Niết-bàn, tập hợp thành bốn bộ A-hàm: Tăng-nhất A-hàm, Trung A-hàm, Trường A-hàm, Tương ưng A-hàm. Đây gọi là pháp tạng Tu-đố-lộ.

Các vị A-La-hán lại hỏi:

– Ai có thể kết tập rõ ràng pháp tạng Tỳ-ni?

Cả đại hội đều nói:

– Trưởng lão Ưu-ba-li là người Trì luật đệ nhất trong năm trăm ALa-hán. Nay chúng ta hãy thỉnh tôn giả.

Tôn giả Ưu-ba-li nhận lời, ngồi tòa sư tử, nói rõ: Đức Phật nói Tỳni, kiết giới ở chỗ nào.

Bấy giờ, con của trưởng giả Ca-lan-đà là Tu-đề-đà lần đầu tiên phạm giới dâm dục, mới kết đại tội.

Các vị A-La-hán nghĩ:

– Ai có thể kết tập rõ ràng tạng A-tỳ-đàm?

Mọi người suy nghĩ: Trưởng giả A-nan là người hiểu nghĩa Tu-đala đệ nhất trong năm trăm A-La-hán. Nay chúng ta hãy thỉnh Tôn giả.

A-nan nhận lời, nói: Đức Phật ở thành Xá-Bà-đề thuyết pháp Ngũ bố, Ngũ tội, Ngũ trừ, Ngũ diệt. Do nhân duyên đó nên đời này thân tâm chịu vô lượng khổ, lại đọa vào ác đạo. Đây gọi là tạng A-tỳ-đàmtrước.

( Trích luận Đại Trí Độ quyển 2 )

4. NGÀI CA DIẾP VÀO NÚI KÊ TÚC ĐỢI PHẬT DI LẶC RA ĐỜI:

Ngài Ca-diếp kết tập pháp tạng xong, vào núi Kê Túc. Núi vỡ làm ba. Ở trong đó, Ngài kết cỏ trải trên đất, rồi suy nghĩ tự nhũ: Trước đây, Đức Như Lai đem y phấn tảo đổi cái y xấu của ta. Ta sẽ vì pháp tạng của Phật Di Lặc mà ở nơi đây.

Nhân đó, Ngài nói kệ:

Ta nhờ sức thần thông
Sẽ giữ được thân này
Dùng y phấn tảo che
Đến Di Lặc ra đời
Ta vì Đức Phật ấy
Giáo hóa các đệ tử.

Nói rồi, Ngài liền phát ba lời nguyện trong định:

1/ Như ta nhập Niết-bàn, dùng ba ngọn núi bọc thân như đứa con ở trong bụng mẹ mà thân thể không bị hư hoại.

2/ Nếu vua A-xà-thế đến, núi sẽ mở ra vì trước đã ước hẹn gặp nhau. Nếu A-xà-thế không gặp ta, sẽ ói máu nóng mà chết.

3/ A-nan đến, núi sẽ mở ra, Đức Di Lặc cùng với 960.000.000 đệ tử đến đây, thâu nhặt thân ta để chỉ dạy đồ chúng, khiến cho tất cả đều học theo công đức trì giới của ta.

( Trích kinh A Dục Vương quyển 7 )

5. BỐN VỊ ĐẠI THANH VĂN KHÔNG NHẬP NIẾT-BÀN CHO ĐẾN KHI PHẬT PHÁP DIỆT TẬN:

Đức Phật kể lại:

Đức Phật Di Lặc cũng đem pháp Tam thừa dạy cho đệ tử của ta. Ngài Đại Ca-diếp sẽ giúp Phật Di Lặc trong việc giáo hóa. Ngài cùng với các Tỳ-kheo Quân-đồ-bát-thán, Tân-đầu-lô, La-vân là bốn đại Thanh-văn hẹn ước với nhau không nhập Niết-bàn để cho Phật pháp không mất, đợi đến khi Phật Di Lặc xuất hiện mới nhập Niết-bàn.

Lúc ấy, Ngài Đại Ca-diếp ở trong núi thuộc thôn Tỳ-đề nước Makiệt. Đức Phật Di Lặc cùng với mấy ngàn người đến nơi ấy. Các qủy thần.v.v… mở cửa động đá khiến mọi người thấy hang ngồi thiền của Ngài Ca-diếp. Bấy giờ, Đức Phật Di Lặc đưa ngón tay phải chỉ vào Ngài Ca-diếp và nói cho dân chúng biết:

– Lâu xa về thuở quá khứ, có đệ tử Đức Phật Thích Ca tên là Cadiếp, tu hạnh đầu-đà đệ nhất, nay vẫn còn ở đây.

Đức Phật Di Lặc lấy y Tăng-già-lê đắp lên thân Ngài Ca-diếp. Thân thể Ngài bỗng chốc phát ra ánh sáng. Vì lòng kính trọng, Đức Phật Di Lặc lấy các loại hoa cúng dường Ngài Ca-diếp.

( Trích kinh Di Lặc Hạ Sanh )

6. TÂN-ĐẦU-LÔ BỊ ĐUỔI ĐẾN CÂU-DA-NI

Trong thành Vương-xá, có cư-sĩ Thọ-đề gia nhập vào đoàn người đi biển. Khi trở về, ông được hưởng phần gỗ Chiên-đàn làm thành bát, bỏ vào đãy, treo trên cọc gỗ cao, rồi nói:

– Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào lấy được bát xuống mà không cần dùng đến thang hay gậy thì được nhận chiếc bát ấy.

Các Ngài Phú-lâu-na v.v… đều nói:

– Ông ấy muốn xem thử thần lực.

Rồi các Ngài lắc đầu bỏ đi.

Tân-đầu-lô họ Phả-la-đọa đi đến chỗ Thọ-đề. Thọ-đề nói:

– Hay lắm! Hãy đến đây, Phả-la-đọa. Ông có thể lấy được chiếc bát mà không cần dùng đến thang hay gậy không?

Tân-đầu-lô nhập định, duỗi tay lấy bát. Cư sĩ Thọ-đề đựng đầy cơm trong bát, trao cho Tân-đầu-lô. Ăn xong, Tân-đầu-lô đem bát đi.

Có một vị Tỳ-kheo thiểu dục tri túc hỏi:

– Ngài được bát này từ đâu?

Tân-đầu-lô kể lại sự việc trên. Tỳ-kheo thiểu dục quở trách Tânđầu-lô:

– Ông thọ nhận vật của ngoại đạo lõa hình, sao được gọi là Tỳkheo? Ở trước người chưa thọ đại-giới mà hiện Thánh pháp hơn người.

Sau khi quở trách, vị Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật nhóm tăng, hỏi Tân-đầu-lô:

– Ngươi thật có làm việc đó không?

Thưa:

– Thật có.

Đức Phật bảo Phả-la-đọa:

– Nay ta tẩn xuất ngươi, trọn đời không được ở cõi Diêm-phù-đề.

Tân-đầu-lô vâng lời Phật dạy, trở về phòng, trả lại giường chõng, ngọa cụ cho tăng, chỉ giữ lấy y bát, không còn ở Diêm-phù-đề nữa, mà hiện về Câu-da-ni giáo hóa bốn chúng, làm nhiều Phật sự.

( Trích bài tụng thứ sáu trong luật Thập Tụng quyển 2; Tăng-kỳ, Di-sa-tắc, Tứ-phần, phần nhiều giống nhau.)

7. HAI NHÂN DUYÊN KHIẾN NĂM NGƯỜI KIỀU-TRẦN, CÂU-LÂN V.V… ĐƯỢC ĐẮC ĐẠO TRƯỚC TIÊN:

Khi Đức Phật ở Tăng già-lam Ni-câu-lô-đà, nước Ca-tỳ-la, những người dòng họ Thích, muốn hỏi Đức Phật: Kiều Trần Như v.v… đời trước có nhân duyên gì, mà khi Như Lai xuất hiện ở đời, vừa đánh trống pháp, các vị ấy đã được nghe cam lộ trước tiên; Pháp vừa ban xuống, các vị liền được thấm nhuần ân huệ. Rồi họ cùng nhau khen ngợi không ngớt.

Nghe vậy, các Tỳ-kheo đem việc này bạch lên Đức Phật. Đức Phật bảo:

– Chẳng phải riêng ngày nay ta độ năm người ấy, mà từ lâu xa về trước, ta cũng đã cứu độ họ. Có lần ta lấy thân mình làm thuyền để cứu họ khỏi bị chết chìm, bảo toàn được mạng sống. Nay ta thành Phật, ta cũng cứu độ họ trước tiên.

Tỳ-kheo bạch Đức Phật:

– Việc ấy thế nào?

Đức Phật kể lại:

– Vào thuở quá khứ, ở cõi Diêm-phù-đề, có vua nước Ba-la-nại tên Phạm-ma-đạt. Bấy giờ có vị Tát-bạc tên Lặc-na-xà-da dạo chơi ngoài rừng thấy một người khóc lóc thảm thiết, lấy dây cột vào cây, đút đầu vô thòng lọng tự sát. Tát-bạc liền đến hỏi: Ông vì sao như thế? Và bảo tháo dây ra.

Ông ta thưa: Tôi nghèo cùng mắc nợ, người chủ nợ đến cưỡng đoạt, ngày đêm hối thúc. Trời đất mênh mông mà không có chỗ dung thân, nên tìm đến cái chết để tránh nỗi khổ này.

Tát-bạc liền bảo ông ta: Ông hãy nói rõ, mắc nợ bao nhiêu, tôi sẽ trả thay cho.

Nghe vậy ông ta nín khóc, vui mừng hớn hở, đi theo Tát-bạc đến chợ, tuyên bố với mọi người: Tôi muốn trả nợ.

Bấy giờ, các chủ nợ chen nhau đến đông vô số. Tát-bạc đem hết của cải ra trả vẫn chưa hết nợ. Vợ con Tát-bạc phải lâm vào cảnh nghèo cùng rách rưới, xin ăn để sống qua ngày.

Khi ấy, các người buôn khuyên Tát-bạc theo họ ra biển. Tát-bạc nói: Tôi nay nghèo khổ, chẳng còn gì cả, làm sao theo các ông được. Các người buôn nói: Bọn tôi cả thảy năm trăm người, hùn tiền để làm thuyền và mua sắm các thứ. Họ hùn được ba ngàn lượng vàng. Tát-bạc lấy một ngày lượng làm thuyền, một ngày lượng mua thức ăn, một ngày lượng còn lại chi tiêu trên thuyền, số dư ra thì cho vợ con.

Họ làm một chiếc thuyền lớn, ngay nơi bờ biển. Thuyền vừa làm xong liền ra khơi. Ở giữa biển, bỗng gặp gió dữ, thuyền bị vỡ tan tành. Mọi người không biết bám víu vào đâu. Trong đó, có năm người nói với Tát-bạc: Chúng tôi theo anh đến đây, nay sắp chết chìm, nguy hiểm ập đến, xin được cứu mạng.

Tát-bạc nói: Tôi nghe biển cả không chứa tử thi. Bây giờ, các anh hãy nắm lấy tôi. Tôi sẽ giết mình để cứu các anh, nguyện cầu thành Phật. Sau khi thành Phật, tôi sẽ dùng thuyền pháp vô thượng cứu độ các anh thoát khỏi sanh tử.

Nói xong, Tát-bạc lấy dao cắt cổ chết. Thần biển liền nổi gió, thổi tử thi tấp vào bờ. Năm người vượt qua biển cả được toàn mạng sống.

Tỳ-kheo nên biết: Lặc-na-xà-da lúc ấy chính là thân ta ngày nay.

Năm người kia là bọn ông Câu-lân v.v…

(Nhân duyên thứ nhất trích kinh Hiền Ngu quyển 10)

Lúc Đức Phật đang ở trong vườn Trúc tại La-duyệt-kỳ, tôn giả A-nan hỏi Phật:

– Năm người bọn ông Kiều Trần Như vì nhân duyên gì mà khi trống pháp vừa nỗi lên, liền được nghe trước nhất.

Đức Phật bảo:

– Vào đời trước, họ ăn nuốt thịt ta để được an ổn. Vì thế ngày nay, họ được pháp thực trước nhất cho đến khi giải thoát.

Trong kiếp quá khứ ở cõi Diêm-phù-đề này có một đại quốc vương tên Thiết-đầu-la-kiện-ninh thống lãnh tám vạn bốn ngàn nước ở cõi này. Bỗng có hỏa tinh xuất hiện, thầy tướng tâu nhà vua: Sắp hạn hán. Trời sẽ không mưa suốt mười hai năm.

Nhà vua rất lo buồn, tính số dân hiện tại, đếm số trong kho, mỗi người một ngày được một thăng còn chưa đủ, nên số người chết rất nhiều. Nhà vua suy nghĩ: phải làm cách nào để cứu sống nhân dân, mới lập lời thề:

– Nay người dân trong nước đói kém, không có thức ăn. Tôi xin bỏ thân mạng làm loài cá lớn, để lấy thịt này cứu giúp mọi người.

Vua leo lên cây, gieo mình xuống đất liền chết, hóa thành con cá ở giữa sông lớn. Thân cá to lớn, dài năm trăm do-tuần.

Lúc ấy, có năm người thợ mộc. Mỗi người đều mang theo búa rìu, đi tới bờ sông định chặt cây rừng. Con cá nói: Các ông cần thức ăn, hãy đến lấy thịt tôi mang về ăn cho no. Sau này thành Phật, tôi sẽ lấy pháp thực cứu độ các ông. Các ông hãy báo cho những người ở trong nước biết, hễ ai cần cứ đến lấy ăn.

Năm người thợ mộc vui vẻ, nói lại cho những người trong nước nghe, lần lượt báo khắp nhân dân khắp cõi Diêm-phù-đề. Mọi người tập hợp đến ăn thịt cá, thịt bên này hết, cá lật qua bên kia. Hễ thịt hết lại sanh thịt mới. Cứ thế xoay chuyển, cá đã đem thịt của mình cứu giúp mọi người liên tục mười hai năm. Những người ăn thịt cá đều khởi tâm từ, khi chết được sanh lên trời.

Vua Thiết-đầu-la-kiện-ninh lúc ấy chính là thân ta. Năm người thợ mộc là bọn ông Kiều Trần Như. Người dân ăn thịt cá nay là tám mươi ngàn chư Thiên và các đệ tử được cứu độ.

( Nhân duyên thứ hai trích kinh Hiền Ngu quyển 4 )

8. BA ANH EM CA DIẾP ĐƯỢC ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ MÀ NGỘ ĐẠO:

Ở Uất-bính-la-bà có vị Phạm chí tên Bính-la-diếp và năm trăm Phạm chí búi tóc đều gọi tôn giả Ương-già nước Ma-kiệt là A-La-hán.

Đức Phật đến chỗ Ca-diếp, rồi nói:

– Tôi muốn ngủ nhờ một đêm.

Thưa:

– Sẵn lòng. Nhưng ở thất này có con rồng độc, sợ nó hại ông thôi.

Đức Phật nói:

– Không sao! Ca-diếp nói:

– Tùy ý ông.

Đức Phật liền vào thất đá ngồi kiết già, thân ngay ngắn, ý chánh niệm. Nhìn thấy Đức Phật, rồng phun khói, Phật cũng phun khói. Rồng lại phóng lửa, Phật cũng phóng lửa. Bấy giờ, trong thất đá, khói lửa nổi lên. Từ xa trông thấy, Ca-diếp đáng thương cho Cù-đàm bị rồng hại.

Thật ra, Đức Phật đã hàng phục được rồng, nhốt nó vào trong bát.

Sáng sớm hôm sau, Đức Phật đem bát qua chỗ Ca-diếp, bảo:

– Rồng độc hiện ở trong bát này.

Ca-diếp suy nghĩ: Cù-đàm tuy đã đắc A-La-hán, có đại thần lực, vẫn chưa bằng ta, liền bạch Phật:

– Ông hãy ở lại đây, tôi cung cấp thức ăn.

Đức Phật nói:

– Nếu ông có thể tự mình cúng dường đúng giờ mỗi ngày, ta sẽ nhận lời.

Ca-diếp nói:

– Tôi sẽ tự đem thức ăn đến cho ông.

Thọ trai xong, Đức Phật vào thất đá nghỉ. Đêm ấy, Đức Phật nhập hỏa quang tam-muội, chiếu sáng thất đá kia.

Ca-diếp cùng đồ chúng nhiễu quanh, bạch Phật:

– Nay đã đến giờ, ông hãy về ăn. Thưa Sa-môn, tối hôm qua, vì sao trong đây có lửa lớn như thế?

Đức Phật bảo ca-diếp:

– Tối hôm qua, ta nhập hỏa quang tam-muội, khiến thất đá này bỗng nhiên sáng rực.

Ca-diếp khen ngợi uy đức lớn lao của Phật, nhưng vẫn cho là chưa bằng mình đã đắc A-La-hán.

Thọ trai xong, Đức Phật vào rừng ngủ.

Hôm sau, Ca-diếp lại rước Phật về dùng cơm. Đức Phật bảo:

– Ông cứ đi trước, ta sẽ qua sau.

Trước tiên, Đức Phật đến cây Diêm-phù-đề, hái quả cây này, ngồi nơi tòa của Ca-diếp. Ca-diếp về sau Đức Phật, nói :

– Vì sao ông đến trước?

Đức Phật nói:

– Quả này màu đẹp, mùi thơm, ông nên ăn thử.

Ca-diếp suy nghĩ:

– Vị Sa-môn này có đại thần túc, nhưng vẫn chưa bằng ta đã đắc A-La-hán.

Thọ trai xong, Đức Phật trở về ngồi nơi rừng cũ, phóng ra các loại thần lực nhằm nhiếp phục Ca-diếp. Trời Tứ thiên vương, Thích đề hoàn nhân v.v… đều mang đồ vật đến cúng dường Phật. Ca-diếp và năm trăm đệ tử ném bỏ đồ thờ lửa, tịnh y, bình tắm xuống sông Ni-liên-thiền, rồi đến chỗ Phật. Đức Phật lần lượt thuyết pháp cho năm trăm người nghe. Ngay tại chỗ ngồi, họ liền sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, bạch với Đức Phật:

– Chúng con muốn được xuất gia.

Đức Phật bảo:

– Thiện lai Tỳ-kheo, gấp tu phạm hạnh, dứt trừ gốc khổ.

Đức Phật liền cho họ thọ giới cụ túc.

Em kế của Ca-diếp tên là Na-đề, sống ở hạ lưu sông Ni-liên-thiền, có 300 đệ tử. Em út của Ca-diếp tên là Già-da, sống ở núi Tượng-đầu, có hai trăm đệ tử. Hai người em thấy anh theo Phật, đều đến hỏi:

– Theo vị Sa-môn này tu học phạm hạnh là tốt hơn ư?

Ca-diếp đáp:

– Thắng diệu bậc nhất.

Hai người em của Ca-diếp dẫn đồ chúng của mình đến chỗ Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe. Ngay tại chỗ ngồi, tất cả đều ngộ đạo, đắc quả nhãn tịnh. Họ bạch với Phật:

– Chúng con muốn được tu học phạm hạnh trong Phật pháp.

Đức Phật bảo:

Thiện lai Tỳ-kheo, gấp tu phạm hạnh, dứt trừ gốc khổ. ( Trích phần 2 Luật Tứ Phần quyển 9 )

9. NHỜ CẮT PHẦN ĂN CỦA MÌNH CÚNG DƯỜNG SA-MÔN, CẬU BÉ ĐƯỢC SANH LÊN TRỜI:

Ở nước Xá-vệ, có trưởng giả tên Câu-lưu, không có con cái, đến thọ thần cầu con. Ở giữa không trung, có vị thiên nhân nói rằng:

– Trưởng giả quá nhiều phước, không ai có thể sanh vào, nên ông không có con. Có vị thiên vương thọ mạng đã hết, sẽ sanh vào nhà ông.

Sau đó, vợ chồng trưởng giả sinh ra đứa bé, đặt tên là Tu-bồ-đề, thông minh tuấn tú, nhân từ bác ái.

Tu-bồ-đề thưa với cha mẹ:

– Nay con muốn thỉnh Phật cúng dường.

Cha mẹ bằng lòng. Tu-bồ-đề liền đến thỉnh Phật, thiết lễ cúng dường. Tu-bồ-đề lại xin cha mẹ được làm Sa-môn. Cha mẹ cho phép.

Tu-bồ-đề theo Đức Như Lai về khu tịnh xá Kỳ-hoàn, làm Sa-môn. Đến khi đắc A-duy-nhan, thần thông đầy đủ, Tu-bồ-đề tùy cơ giáo hóa, hiện làm A-La-hán trong số các đệ tử Phật.

A-nan hỏi đức Phật:

– Ông Tu-bồ-đề này vốn tu công đức gì?

Đức Phật bảo:

– Từ vô số kiếp, ông ấy làm con nhà nghèo, gặp một Tỳ-kheo vào thành khất thực khắp nơi mà không được. Khi ấy, cậu bé thấy bát không, làm lễ thưa:

– Xin tôn giả theo về nhà con, con sẽ cúng dường.

Vị Tỳ-kheo theo cậu bé về nhà. Cậu bé nhịn phần ăn của mình cúng dường Tỳ-kheo. Thọ trai xong, Tỳ-kheo thị hiện bay đi. Cậu bé vui mừng, liền phát đạo tâm. Nhờ công đức này, chín mươi mốt kiếp sau, cậu bé được sanh lên trời. Đời này, cậu bé sinh xuống làm con trưởng giả.

Cậu bé lúc ấy nay chính là Tu-bồ-đề. Chỉ một lần bố thí, phước đức đã nhiều đến thế, huống nữa là bố thí nhiều lần.

( Trích kinh Phước Báo )

10. NGÀI TU-BỒ-ĐỀ TỪ LÚC MỚI SANH CHO ĐẾN KHI XUẤT GIA:

Xưa ở nước Xá-vệ có vị đại trưởng giả tên là Cưu-lưu, vô cùng giàu có, nhưng không có con. Ông đã cầu tất cả các vị thần vẫn không được toại ý. Ở giữa hư không, có vị thiên nhân bảo:

– Ông sẽ được đứa con phước báo. Có vị thiên vương sắp mạng chung sẽ sanh vào nhà ông.

Trưởng giả rất vui mừng. Sau đó bảy ngày, đệ nhất phu nhân biết mình mang thai. Khi đủ tháng, phu nhân sanh ra một đứa bé trai, đặt tên là Tu-bồ-đề, tướng mạo sáng suốt, biện tài bậc nhất, bác ái đa văn, kẻ sang người hèn đều tôn kính. Những điều nghe thấy, những công việc làm của Tu-bồ-đề dần dần đem lại pháp lạc giúp ích mọi người. Vì ganh ghét và muốn hại Tu-bồ-đề, các chú, bác của Tu-bồ-đề nói với người mẹ:

– Thằng này không chịu học hành, lo việc nhà cửa, chỉ ham chơi, lêu lỏng vô độ.

Người mẹ nói:

– Thằng này có phước đức, không giống người đời.

Có lần, Tu-bồ-đề đòi ăn, người mẹ bảo tớ gái rửa bát không.

Đứa tớ gái thưa:

– Không có bát.

Tu-bồ-đề cầm bát lên nhìn vào đó, tự nhiên thấy có cơm trăm vị thơm ngon. Mọi người cùng ăn đều cảm thấy an lạc. Chú, bác mới biết Tu-bồ-đề chẳng phải người thường. Họ phát tâm thỉnh Phật, Bồ-tát và đại chúng cúng dường. Sau khi cúng dường. Tu-bồ-đề xin cha mẹ được làm Sa-môn. Cha liền chấp nhận. Tu-bồ-đề theo Phật trở về tinh xá Kỳhoàn, làm Sa-môn. Cơ duyên đầy đủ, tôn giả đắc A-duy-nhan, là bậc A-La-hán trong hàng đệ tử Phật.

( Trích quyển 1 trong 10 quyển của kinh Thí Dụ )

11. VÌ KHỞI DỤC TÂM ĐỐI VỚI Ngài A-NA-LUẬT, THIẾU NIÊN BIẾN THÀNH NGƯỜI NỮ:

A-na-luật đã đắc quả A-La-hán, có dung mạo đẹp đẽ như người nữ. Khi đang đi một mình giữa đồng cỏ, có một thiếu niên thấy Ngài, cho là người nữ, tà tâm nổi lên, muốn đến ôm lấy. Khi biết Ngài là người nam, thiếu niên thấy thân mình biến thành người nữ. Cậu ta cảm thấy xấu hổ, uất ức, tự bỏ vào núi sâu, không dám trở về. Trải qua mấy năm, vợ con ở nhà không biết cậu ấy sinh sống ở đâu, cho là đã chết.

A-na-luật đi khất thực ghé vào nhà này, người vợ khóc lóc, kể lại sự việc chồng mình đi không trở về, cầu xin Ngài ban cho phước lực để người chồng sống lại. A-na-luật im lặng, không đáp. Thương cho người vợ, Ngài vào núi tìm gặp người chồng. Người chồng liền hối lỗi tự trách, thân thể trở lại người nam, liền về nhà, vợ chồng gặp nhau. (Trích kinh Thí Dụ quyển hạ)

12. A-NA-LUẬT HÓA ĐỘ DÂM NỮ SANH KHỞI CHÁNHTÍN:

Lúc Đức Phật ở vườn Kỳ Thọ, bấy giờ A-na-luật đến nước Câutát-la. Trên đường không có một trú xứ Tỳ-kheo nào, chỉ thấy một ngôi nhà của người dâm nữ trẻ tuổi làm chỗ cho khách dừng chân. A-na-luật đến nói:

– Chị à, tôi muốn nghỉ nhờ một đêm.

Dâm nữ nhận lời.

Bấy giờ, có một cư sĩ trưởng giả cũng muốn nghỉ lại đây. Vì nhà chật, dâm nữ mời A-na-luật vào phòng trong. Khi ấy, Tôn giả ngồi kiết già, buộc niệm phía trước. Đốt đèn xong, đầu hôm, dâm nữ đến nói với tôn giả A-na-luật:

– Gần đây, các trưởng giả dòng Bà-la-môn có nhiều của báu đều đến hỏi tôi làm vợ, tôi nói với họ: Các ông xấu xí, tôi không thể làm vợ các ông. Nay tôi thấy tôn giả tướng mạo tuấn tú, có thể làm chồng tôi.

Lúc đó, A-na-luật im lặng không đáp.

Đến cuối đêm, dâm nữ cũng đến nói như vậy. Vì Tôn giả vẫn im lặng, dâm nữ cỡi bỏ y phục, đến gần, định ôm lấy. A-na-luật liền dùng thần túc, bay lên hư không. Thấy vậy, dâm nữ sanh lòng xấu hổ, vội mặc áo, chắp tay sám hối Tôn giả ba lần. Xin Ton giả ngồi lại chỗ cũ.

Khi ấy, A-na-luật trở về chỗ ngồi cũ, dâm nữ lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên. A-na-luật nói cho dâm nữ nghe các pháp môn vi diệu, quở trách dâm dục là bất tịnh, khen ngợi hạnh ly dục. Ngay tại chỗ ngồi, dâm nữ dứt các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Sau khi chứng quả Tu-đà-hoàn, dâm nữ xin được phép làm Ưu-Bà-di, thọ năm giới, làm đệ tử Phật, xin Tôn giả nhận sự cúng dường. Tôn giả im lặng nhận lời. Sau khi dâm nữ cúng dường đủ loại thức ăn, Tôn giả thuyết pháp khiến dâm nữ vui vẻ.

( Trích phần đầu quyển 8 của Luật Tứ Phần )

13. LẤY TÊN KHỀU ĐÈN CÚNG PHẬT, KẺ CƯỚP ĐƯỢC PHƯỚC BÁU VÔ LƯỢNG:

Ngài A-nan hỏi Phật:

– Thiên nhãn của A-na-luật có khác gì thiên nhãn của Phật?

Đức Phật bảo A-nan:

– Thiên nhãn của Như Lai, các bậc A-La-hán, Bích-chi Phật không thể biết được, huống chi Tỳ-kheo còn sanh tử như ngươi. Sao có thể biết ta, Như Lai, thấy suốt từ phía Đông này cách hằng sa cõi nước. Hằng là gọi ao Giang-hà-nậu cho đến biển lớn, rộng bốn mươi dặm, chính giữa là bức tường bằng cát, vuông vức đến tận đáy, chứa một trăm hai mươi hộc cát. Cứ qua một cõi rải một hột cát, rải hết số cát ấy, ta đều thấy rõ tất cả các loài người, vật, những nơi tối tăm, các loài ngu muội, chúng sanh bé nhỏ, trong chừng ấy cõi nước, khắp cả mười phương cũng đều như vậy. Thiên nhãn của A-na-luật sao có thể so sánh với thiên nhãn của ta được?

A-nan hỏi Phật:

– Do đời trước có nhân duyên gì mà A-na-luật có thiên nhãn như vậy?

Đức Phật bảo:

– Ngày xưa, sau khi Đức Phật Duy-vệ diệt độ, có một kẻ cướp trên đường ngang qua tháp Phật, muốn trộm lấy đồ vật trong chùa miếu. Bấy giờ, ngọn đèn trước Phật gần tắt, tối tăm, không thấy gì cả. Kẻ cướp dùng mũi tên khêu tim ngọn đèn, khiến đèn sáng lên. Trông thấy tượng Phật uy nghi rực rỡ, kẻ cướp trố mắt lên, lông tóc dựng đứng. Tự nghĩ thầm: Mọi người còn đem của báu cúng dường cầu phước, sao ta lại trộm lấy? Rồi kẻ cướp liền bỏ đi. Các tội ác trong chín mươi mốt kiếp dần dần tiêu diệt. Phước lành ngày càng tăng. Kẻ cướp lúc ấy chính là A-na-luật, nhờ phước khêu tỏ ngọn đèn mà thường sanh về cõi lành, đến khi gặp Phật, xuất gia đắc đạo, được thiên nhãn đệ nhất, huống chi lòng thành đem các trân bảo cúng dường. Thắp đèn cúng Phật được phước báu khó lường.

( Trích kinh Thí Dụ quyển 2 )

14. A-NA-LUẬT CÚNG DƯỜNG THỨC ĂN CHO VỊ DUYÊN GIÁC MÀ BẢY ĐỜI ĐẮC ĐẠO:

Khi Đức Phật ở trong vườn Lộc-dã, A-na-luật nói với các Tỳkheo:

– Nhớ thuở quá khứ, tôi là người nghèo cùng ở Ba-la-nại này, làm nghề gánh thuê để tự nuôi sống. Gặp lúc ngũ cốc khan hiếm, đói kém khổ sở, người chết rất nhiều, khất thực khó được. Có vị Bích-chi Phật tên Phi-lật-tra cũng ở chỗ này. Vị ấy dậy sớm, đi khất thực. Lúc ấy, tôi cũng dậy sớm, định đi gánh thuê, gặp Bích-chi Phật. Khi trở về, tôi cũng gặp vị ấy, mới suy nghĩ: Sáng sớm trở dậy, tôi đã thấy vị này, bây giờ còn thấy ở ngoài đường, chắc là chưa xin được gì. Thấy vị này đi theo sau tôi về nhà, tôi suy nghĩ, muốn cúng dường vị ấy. Tôi liền đem phần ăn của mình đến cho vị ấy, và thưa: Đây là phần của tôi, cúi xin Ngài thương xót mà nhận lấy thức ăn này. Vị Bích-chi Phật xớt vào bát phân nửa, rồi bảo: ngươi hãy ăn phân nửa, ta chừng này đủ rồi. Tôi thưa: Bạch tôn giả, tôi có nhà cửa, ăn lúc nào cũng được. Xin Ngài khởi từ tâm, nhận hết thức ăn cúng dường này. Vị Bích-chi vì lòng từ mẫn nhận hết phần ăn. Còn tôi, nhờ sự cúng dường này, được bảy đời sanh lên trời, làm thiên vương, bảy lần sanh xuống nhân gian cũng làm vua. Đời này, sinh vào dòng họ Thích, của cải giàu có vô lượng, xả bỏ tất cả để xuất gia, học đạo, chứng quả.

( Trích kinh Trung A-hàm quyển 20 )

15. NHÓM A-NA-LUẬT HÓA ĐỘ CHỊ EM TRƯỞNG GIẢ BẠTĐỀ:

A-na-luật, Đại-ca-diếp, Mục-liên, Tân-đầu-lô cùng bàn luận:

– Nay trong thành Vương-xá có những người không tin ưa Tam bảo, chúng ta nên làm cho họ tin ưa.

Bàn xong, các tôn giả quán khắp gần xa, chỉ thấy chị em trưởng giả Bạt-đề không tin Tam bảo. Ba vị Thanh văn: A-na-luật, Đại-cadiếp, Mục-liên nói:

– Có thể giáo hóa Bạt-đề.

Khi ấy, nhà trưởng giả kia có bảy lớp cửa, ba nhóm kỹ nhạc. Mỗi khi ăn, bảy cửa đều đóng lại, mỗi bữa là một nhóm kỹ nhạc.

Tới bữa ăn, tôn giả A-na-luật đến trước xin. Trưởng giả hỏi: – Ông từ lối nào vào?

Đáp:

– Từ cửa vào.

Trưởng giả hỏi, người giữ cửa thưa:

– Cửa vẫn đóng như cũ, không thấy ai vào cả.

Trưởng giả liền lấy một miếng bánh mè để vào bát tôn giả. Tôn giả được bánh, liền đi.

Hôm sau, đến giờ ăn, tôn giả Ca-diếp lại tới xin, sự việc cũng như vậy. Tôn giả được một miếng cá ở trong bát. Chị của trưởng giả thắc mắc:

– Đáng lẽ Tỳ-kheo không thể vào, sao vẫn đến khất thực được?

Trưởng giả đáp:

– Em cũng nghĩ vậy.

Người chị nói:

– Vị Tỳ-kheo đến trước tên A-na-luật, con dòng họ Thích, bỏ cung điện ba mùa, thú vui năm dục, xuất gia học đạo. Vị Tỳ-kheo đến sau là Tất-ba-la-diên, con của dòng họ Ma-nạp nổi tiếng, bỏ chín trăm chín mươi ruọng vườn, nhà cửa, trâu cày, xuất gia học đạo, vì thương em mà đến đây khất thực.

Nghe xong, trưởng giả khởi tâm kính phục.

Lúc ấy, Mục-liên bay lên hư không thuyết pháp, chỉ dạy những điều lợi lạc, khiến trưởng giả ngay tại chỗ ngồi, xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, chứng quả Tu-đà-hoàn, thọ trì tam quy ngũ giới.

Ba vị Thanh-văn nói với trưởng giả Tân-đầu-lô:

– Chúng tôi đã giáo hóa được Bạt-đề khiến ông ta kính tin Phật pháp. Nay tất nhiên tôn giả đi giáo hóa bà chị ông ấy.

Sáng sớm, Tân-đầu-lô mang bát đến nhà trưởng giả. Bấy giờ, chị trưởng giả đang làm bánh, bỗng thấy tôn giả đến xin, liền nói:

– Tôi không cho ông đâu, cứ nhìn vào bát cũng chẳng được gì.

Tân-đầu-lô liền bốc khói nơi thân. Bà ta nói:

– Cả người ông bốc ra khói, tôi cũng không cho.

Tân-đầu-lô liền bốc lửa cả thân. Bà ta nói:

– Cả thân ông bốc lửa, tôi cũng không cho.

Tân-đầu-lô mới bay lượn giữa hư không. Bà ta nói:

– Bay lượn giữa hư không, tôi cũng không cho.

Tân-đầu-lô lộn ngược mình giữa không trung. Bà ta nói:

– Lộn ngược giữa không trung tôi cũng không cho.

Tân-đầu-lô suy nghĩ: Đức Thế Tôn không cho phép chúng ta cưỡng ép người để xin, rồi tự bỏ đi.

Cách thành Vương-xá không xa, có một tảng đá lớn, Tân-đầu-lô ngồi trên đó, bay vào thành Vương-xá với tảng đá dính nơi thân. Thấy vậy, những người trong thành đều kinh hãi. Sợ tảng đá rớt xuống đất, ai nấy đều bỏ chạy. Bay đến phía trên nhà chị trưởng giả, Tân-đầu-lô ngừng lại. Thấy thế, bà ta rất sợ hãi, nói:

– Ông chịu làm theo ý tôi, đưa tảng đá về chỗ cũ, tôi sẽ cho ăn.

Tân-đầu-lô đưa tảng đá về chỗ cũ, đến đứng trước mặt bà ta. Bà ta suy nghĩ: Ta không thể cho ông ta bánh lớn, phải làm bánh nhỏ để cho.

Tôn giả liền làm bánh nhỏ thành bánh to. Như thế ba lần, lần sau bánh lại to hơn lần trước.

Bà ta suy nghĩ: Ta muốn làm bánh nhỏ mà đều trở thành to. Bây giờ ta cứ cho đại một cái. Bà liền lấy một cái đưa cho. Mấy cái bánh dính với nhau và dính luôn trong cái chảo làm bánh. Lấy tay gỡ chảo bánh ra, tay cũng dính luôn vào. Bà ta nói Tân-đầu-lô:

– Nếu ông muốn lấy hết bánh, tôi cũng cho hết, không tiếc gì cả.

Ông cần tôi làm gì mà cái tay tôi dính lại thế Tôn giả nói:

– Tôi không cần bánh, không cần chảo, cũng không cần bà. Bốn người chúng tôi cùng bàn nhau, độ hai chị em bà. Ba tôn giả kia đã hóa độ em bà, còn tôi hóa độ bà, cho nên mới làm như thế.

Bà ta hỏi:

– Nay ông muốn tôi phải làm gì?

Tôn giả bảo:

– Chị em bà hãy mang bánh này theo tôi đến cúng dường Đức Phật và một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo.

Cúng dường xong, tất cả đều no đủ mà bánh vẫn chưa hết.

Hai chị em trưởng giả đem bánh đến bạch Phật:

– Số bánh ít ỏi này, cúng dường Phật và Tăng đều no đủ, vẫn chưa hết. Nay con phải đem bánh này để đâu?

Bà ta đem bánh để vào nước không có trùng.

Đức Phật bảo:

– Hãy đem để nơi đất mà cỏ không mọc được, hoặc trong nước không có trùng. Nước sôi có tiếng kêu xèo xèo như thả miếng sắt nóng vào chỗ ít nước. Bà liền sợ hãi, trở lại chỗ Phật. Đức Phật thuyết pháp cho bà nghe, bà đắc pháp nhãn tịnh, thọ tam quy ngũ giới làm đệ tử Phật.

Các trưởng lão đem việc này bạch Phật. Đức Phật quở trách các Tỳ-kheo: Từ nay không được phép thị hiện thần thông. ( Trích luật Di-sa-tắc quyển 30 )