KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 11

  1. Đời trước cúng dường bốn vị tiên nhơn, đời sau làm vua.
  2. Làm thân chú bác nhưng ý không đồng nên lập hạnh sai khác.
  3. Làm núi thịt để bố thí chúng sanh.
  4. Làm thân ưu bà tắc cứu ba ba, rắn và cáo.
  5. Làm thân sư tử kết bạn với khỉ.
  6. Làm thân voi trắng thị hiện lợi ích chúng sanh.
  7. Xưa làm thân rồng khuyên bạn nhẫn nhục.
  8. Làm thân gấu cứu người lạc đường.
  9. Làm thân nai chúa chịu chết thay cho nai mẹ mang thai.
  10. Làm thân nai chúa oai đức, rơi vào lưới được thợ săn thả ra.
  11. Làm thân nai chín màu để cứu người chết đuối.
  12. Làm thân nhạn chúa thợ săn bắt và được tha, xin báo ân đất nước.
  13. Làm thân chim oanh vũ dập tắt lửa núi để báo ân.
  14. Làm thân chim sẻ chúa nhổ xương miệng cọp.
  15. Làm thân cá lớn cứu nạn đói khát.
  16. Làm thân ba ba chúa hóa độ đồng loại và những nguời lái buôn.

 

1. ĐỜI TRƯỚC CÚNG DƯỜNG BỐN VỊ TIÊN NHÂN, ĐỜI SAU LÀM VUA:

Trong vô số kiếp xưa, có năm vị tiên nhân ẩn cư trong rừng núi. Trong đó có bốn người làm chủ, một người làm thị giả, chuyên cung cấp, hầu hạ chưa từng sơ sót. Người này thường hái trái cây múc nước cung cấp đúng giờ giấc. Một hôm đi hái trái cây, quá mệt mỏi, ông ta đã ngủ say không về đúng giờ. Mặt trời đã xế bóng, bốn vị tiên nhơn không có thức ăn, trong lòng bực tức mới nguyền rủa.Vị thị giả nghe được liền quay lại, ngồi dưới gốc cây, tự trách mình: “Ta đã hầu hạ bao năm rồi mà nay cúng dường trái giờ ăn của bốn vị tiên nhân, thế là mất đi quy cách của đạo giáo, mất đi sự cung kính”. Nghĩ vậy, cảm thương mà chết.

Khi sanh ra, thị giả thường mang giày bằng bảy báu. Một hôm ông ta ngồi chơi gác chân lên, chiếc giày liền rơi xuống nước, mất một chiếc.

Sau khi mạng chung, ông ta sanh vào một nhà ngoại đạo làm Hung-chú-tử. Năm hơn mười tuổi, Hung-chu-tử cùng bọn trẻ chơi đùa ở bên đường. Khi ấy có vị Phạm-chí đi qua, ngắm nhìn bọn trẻ lem luốc, thấy Hung-chú-tử dung mạo kỳ lạ khác người, đáng làm bậc đế vương.

Phạm-chí bảo Hung-chú-tử: “Ngươi có tướng làm vua chớ nên chơi với bọn chúng”.

Chú bé đáp:”Tôi là kẻ Hung-chú-tử, làm sao có tướng đế vương?”

Phạm-chí nói: “Theo như kinh điển mà ta đã học, thì dung nghi và thân thể của ngươi rất phù hợp với sấm thư, ngươi sẽ làm đế vương. Khi vua của nước này băng hà, chắc chắn người kế vị sẽ là ngươi.

Hung-chú-tử đáp: “Nếu như đúng với lời của ông thì ta sẽ nhớ và đền ơn ông thật nhiều!”

Phạm-chí nói xong vội sang nước khác. Sau đó chẳng bao lâu, nhà vua băng hà nhưng không có người kế vị, vì thế quần thần chia nhau đi tìm hiền sĩ để làm người kế vị. Sứ giả đi tìm khắp nơi trong nước. Một hôm, trên đường đi tìm, sứ giả từ xa trông thấy một cậu bé có tư chất khác thường liền cấp báo với quần thần, chuẩn bị xa giá nghinh đón.

Khi nhìn thấy Hung-chú-tử, trăm quan đều vui mừng phấn khởi, bèn rước về cung. Hung-chú-tử được tắm bằng nước hương thơm, mặc triều phục, đội mão báu,mang kiếm lên cung điện, quay mặt về phía Nam xưng đế. Từ khi Hung-chú-tử lên làm vua, đất nước được an ổn, nhân dân vui vẻ.

Bấy giờ vị Phạm-chí xem thiên văn, quan sát địa lý, biết được

Hung-chú-tử đã lên ngôi. Ông liền đến cung điện xin yết kiến nhà vua. Khi gặp vua, ông nhìn chằm chằm vào nhà vua và nhắc lại: “Xin nhà vua nghĩ xét lại lời hứa cũ!”.

Nhà vua nói: Đúng thế! Ngươi sẽ được thỏa nguyện.

Phạm-chí thưa: “Tôi chỉ xin hai điều; thứ nhất là việc ăn uống, đi lại, nằm ngồi, y phục đều phải giống như vua. Thứ hai là xin được tham dự bàn việc quốc chánh. Khi vua quyết định một việc gì thì phải có sự đồng ý của tôi, không được tự quyết.

Nhà vua nói: “Được thôi!”.

Vua dùng chánh pháp trị nước, không gây oan uổng cho muôn dân. Thế nhưng Phạm-chí kia kiêu mạn, xem nhẹ bậc trọng thần, nên quần thần vô cùng oán hận, cùng nhau can gián nhà vua.

Quần thần tâu: “Thưa đại vương, Ngài là bậc quân vương cao cả, xin Ngài nên luận bàn việc nước với các bậc lão thần, chớ riêng tin kẻ đạo sĩ kia. Nếu như tin dùng thì làm cho hắn càng xem thường vương pháp, lấn lướt các quan. Khi các nước lân cận nghe được tin này, họ không những cười nhạo chúng ta mà còn xảy ra cái họa cướp nước”.

Nhà vua nói: “Ngày trước, ta cùng hắn có lời thề ước, lẽ nào có thể bỏ đi được sao?”

Quần thần can gián: “Nếu vậy, khi Ngài ăn cơm chớ nên ăn chung với hắn, như thế mới sửa đổi được hắn”.

Nhà vua nghe theo lời can gián của quần thần, “chờ khi Phạm-chí đi khỏi cung, vua liền ăn cơm trước”.

Phạm-chí biết được điều ấy, tức giận, trách nhà vua rằng: “Đại vương vốn đã thề ăn chung, tại sao nay lại một mình ăn trước như thế?”

Phạm-chí bèn mắng: “Ngươi là kẻ Hung-chú-tử”.

Nhà vua ra lệnh, chỉ cấp lương thực, đồ dùng rồi đuổi Phạm-chí ra khỏi nước.

Đường xa, Phạm-chí một mình rảo bước, chịu đựng tiết trời nóng lạnh nên vô cùng mệt mỏi, thân hình tiều tụy, lần bước qua nước khác. Ông đến nhà của một vị Phạm-chí bạn, ngày xưa từng lui tới.

Vị Phạm-chí kia hỏi: “Ông từ đâu đến đây, tụng tập theo phái nào, học theo kinh điển gì, có nhớ hết chăng?”

Ông đáp: “Tôi từ phương xa đến, vì đói lạnh ngặt nghèo nên quên hết những gì đã học được”.

Phạm-chí kia thầm nghĩ: “Người này chẳng tài cán chi, nên để ông ta làm ruộng”.

Nghĩ xong, Phạm-chí kia liền cấp cho ông ta một người đầy tớ và những nông cụ làm ruộng.

Trong việc cày cấy, làm rất khổ nhọc, ông sai khiến người đầy tớ kia, ban đất cho bằng phẳng, sai dịch khắp nơi. Người đầy tớ buồn bã, muốn mượn dòng nước để kết liễu đời mình. Thế nhưng, khi đến bên bờ sông thì nhặt được một chiếc giày bảy báu, lòng thầm nghĩ: Phạm-chí bắt ta làm việc quá cực khổ, ta phải tuân theo, nay đem chiếc giày này dâng cho ông, có lẽ ông sẽ khoan thứ cho ta.

Nghĩ vậy xong liền mang chiếc giày về trao cho Phạm-chí. Ông ta vô cùng mừng rỡ và nghĩ rằng: “Chiếc giày bảy báu này rất có giá trị, nếu dâng lên nhà vua thì những lỗi lầm của ta sẽ được xoá bỏ”.

Phạm-chí liền mang chiếc giày về nước cũ dâng lên nhà vua, đồng thời tha thiết tỏ bày ăn năn những lỗi lầm trước kia, cầu xin nhà vua ân xá cho mình.

Nhà vua bảo: “Được rồi”.

Nhà vua đưa Phạm-chí vào trong màn khuất, cho ngồi tòa riêng rồi họp các quần thần và phán: “Các khanh có thấy vị Phạm-chí trước kia không?”

Quần thần tâu: “Thưa đại vương, không thấy”.

Vua nói: “Giả sử các khanh thấy thì sẽ làm gì?”

Tất cả đều lên tiếng: “Nếu thấy Phạm-chí kia thì phải dùng năm thứ độc để trị tội ông ta”.

Nhà vua liền đưa chiếc giày bảy báu ra cho quần thần xem, rồi bảo Phạm-chí bước ra cho họ gặp mặt.

Vua nói: “Phạm-chí đem chiếc giày bảy báu này để đổi lấy chức cũ”.

Quần thần đáp: “Tội của Phạm-chí sánh với núi cao và biển sâu, nay chỉ đem một chiếc giày, làm sao bù đắp cho đủ? Nếu được cả đôi thì tội ấy mới có thể tha.

Nhà vua đồng ý với quần thần, lại đuổi Phạm-chí đi và bảo tìm thêm một chiếc giày nữa. Phạm-chí buồn bã,trở lại chỗ cũ, hỏi người đầy tớ: “Chiếc giày ấy trước đây ngươi nhặt được ở đâu?”

Người đầy tớ thuật lại việc cũ, rồi dẫn ông ta đến chỗ lượm giày. Hai người đến bên cạnh dòng nước nhưng tìm mãi cũng chẳng biết được nơi lượm giày cũ. Đứa đầy tớ bỏ đi.

Phạm-chí nghĩ: “Chiếc giày chắc chắn là theo dòng nước phía trên trôi xuống”.

Thế là, ông ta lội ngược dòng lên phía trên, gặp được một đoá hoa sen trôi theo dòng nước lớn, bị cá ngậm vào trong miệng. Hoa sen ấy có hơn ngàn cánh. Phạm-chí nghĩ: “Tuy không tìm được chiếc giày nữa nhưng nay lấy đoá hoa này dâng lên nhà vua, biết đâu nhà vua sẽ tha tội và ân sủng như trước”.

Ông ta vừa cầm lấy đoá hoa thì trông thấy bốn vị tiên nhân ngồi dưới gốc cây.

Các tiên nhân hỏi: “Ông từ đâu đến?”

Phạm-chí đáp: “Tôi đắc tội với vua, tuy đã dâng một chiếc giày báu nhưng vẫn không được tha thứ. Cho nên lội ngược dòng đến đây tìm nhưng vẫn chưa được”.

Tiên nhân bảo: “Ông là người có học thức nên biết việc mà tiến thoái. Vua nước ấy là đệ tử ta, trước đây ngươi được nhà vua sủng ái, cho ăn chung mâm, cùng bàn luận việc nước. Tại sao trong một sớm ngươi lại mắng chưởi nhà vua là Hung-chú-tử? Tội của ngươi đáng giết. Nay nếu chẳng gặp nhau, tỏ bày mọi sự dưới cây thì làm sao biết được thân trước kia của nhà vua là thị giả của chúng tôi, vì gác chân nên đánh rơi chiếc giày báu xuống nước”.

Phạm-chí cầm chiếc cầm chiếc giày, cúi đầu cảm tạ. Về đến bổn quốc, Phạm-chí đem chiếc giày còn lại dâng lên vua. Nhà vua được giày rất vui mừng, các đại thần cũng tha tội cho ông, ông lại được nhà vua sủng ái như trước.

Phật dạy: “Vị vua trước kia nay chính là ta, bốn vị tiên nhân là đức Phật Câu-lưu-tần, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Phật Ca-diếp, đức Phật Di-lặc. Phạm-chí lúc ấy, nay chính là Điều-đạt.

(Trích kinh Ngũ Tiên Nhân)

2. LÀM THÂN CHÚ BÁC NHƯNG Ý KHÔNG ĐỒNG LẬP HẠNH CŨNG SAI KHÁC:

Ngày xưa có hai vị Bồ-tát là hai anh em chú bác, mỗi người mang theo của cải trong nước, đi sang nước khác tu theo đạo lõa thể.

Người em nói: “Nay chúng ta đi vào nước người thì phải theo phong tục của họ mà xử sự cho thích hợp. Người có trí thường nói: Phải nên khiêm tốn, giấu đi cái hiểu biết của mình, giả vờ như một kẻ ngu đần”.

Người anh nói: “Lễ nghi không được thiếu, đức hạnh không thể lùi, há lại lõa thể, làm mất đi cái lễ nghi của ta xưa nay hay sao?”

Người em nói: “Các bậc tiên Thánh thà mất thân chứ không thể mất hạnh, từ lúc đầu thì quở trách nhưng rồi thì cũng phải khen ngợi cái vĩ đại của đạo quyền biến”.

Nói vậy xong, cả hai đều đến nơi trú xứ của đạo lõa thể.

Người anh nói: “Trước hết em thử vào trong đó để xem xét thực hư như thế nào rồi ra báo cho ta biết.

Người em nói: “Em xin vâng lời của anh”.

Thế là một tuần trôi qua, người em cho người ra báo cho anh biết tình hình.

Người anh nói: “Nếu như vậy thì ta phải theo cái nghi thức của kẻ phàm tục”.

Bỗng nhiên người anh lại nói: “Nay ta bỏ loài người mà lại theo loài súc vật, hành động đó há là bậc quân tử ư? Em có theo thì cứ theo nhưng ta thì không”.

Theo tục lệ của nước này, vào đêm ba mươi mỗi tháng, họ quay quần bên nhau, cùng vui đùa, dùng dầu mè thoa lên đầu, dùng phấn trắng vẻ lên thân, dùng các thứ xương kết thành chuỗi và đeo lên cổ, dùng hai viên đá đánh vào nhau để làm nhạc cụ, nam nữ nắm tay nhau vui chơi ca hát.

Bồ-tát cũng theo tục lệ ấy, mọi người trong nước đó đều rất hân hoan,vua thương dân kính.Vị vua nước đó đem hết của cải gấp cả mười lần ban cho Bồ-tát.

Đến lượt người anh đánh xe vào nước, ông ta bảo dùng pháp nghiêm trị, liền trái với lòng dân. Nhà vua nổi giận, dân chúng xem thường. Người anh không những bị đoạt lấy của cải mà còn bị đánh đập chê trách, nhờ người em xin cho mới được buông tha.

Bấy giờ cả hai anh em cùng nhau trở về bổn quốc, mọi người ra tiễn chân người em chật cả đường, còn người anh thì bị mắng nhiếc tới tấp. Quá xấu hổ, người anh nổi giận nói: “Vì sao họ lại thân thiện với em mà thù ghét ta? Em thì được ban ân huệ còn ta bị tịch thu, há chẳng phải do lời gièm pha hay sao?”

Cuối cùng người anh thốt lên lời thề: “Từ nay về sau, chúng ta sanh ra đời nào cũng thù oán mà tàn hại lẫn nhau, ta không tha cho ngươi đâu”.

Người em Bồ-tát rơi lệ buồn bã, thề rằng: “Nguyện cho tôi, hễ sanh ra đời nào cũng được gặp Phật, nghe pháp, gần gũi và hầu hạ các bậc Sa-môn, bốn ân trùm khắp, thấm nhuần tất cả chúng sanh. Từ đây về sau, dù anh có làm hại em, nhưng em vẫn đối xử với anh như chính mình, luôn luôn không trái lời nguyện này”.

Bấy giờ Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, người em lúc bấy giờ nay chính là ta, người anh là Điều-đạt.

(Trích kinh Khổng Tước Vương và kinh Vô Cực Tập quyển năm)

3. LÀM NÚI THỊT ĐỂ CỨU CHÚNG SANH:

Vô lượng A-tăng-kỳ kiếp quá khứ, bấy giờ cõi này tên Vô-cấuTu-di, thọ mạng của con người là một trăm tuổi. Lúc ấy có vị Phật ra đời hiệu là Hương-Liên-Hoa. Nhằm thời kì tượng pháp của đức Phật đó, ta làm vị Chuyển luân Thánh vương, hiệu là Nan-trở-họai, có một ngàn đứa con, thế lực rất lớn mạnh, thống nhiếp cả cõi Diêm-phù-đề. Ta đều khuyến hoá chúng khiến phát tâm vô thượng Bồ-đề, muốn cho chúng ở trong thời kỳ tượng pháp được xuất gia tu đạo Bồ-đề, làm cho giáo pháp của Phật để lại thêm rạng rỡ. Chỉ có sáu đứa con không chịu phát tâm Bồ-đề xuất gia tu hành, ta phải dùng lời khéo léo để khuyên nhủ nhưng chúng một mực không chịu xuất gia. Ta đã nhiều lần gạn hỏi, khuyên chúng phát tâm vô thượng.

Bấy giờ sáu người con đáp: “Nay nếu phụ vương có thể cho chúng con cai trị cõi Diêm-phù-đề, sau đó chúng con sẽ phát tâm vô thượng chánh giác”.

Ta nghe xong lời ấy, lòng vui vẻ thầm nghĩ: “Ta đã cảm hoá người ở Diêm-phù-đề rồi, nay ta sẽ chia cõi Diêm-phù-đề này làm sáu phần cho sáu vị hoàng tử con ta, để chúng nó phát tâm vô thượng Bồ-đề, sau đó ta sẽ xuất gia tu đạo”.

Nhà vua liền đem cõi Diêm-phù-đề chia làm sáu phần, ban cho sáu hoàng tử. Phân chia xong, Ngài đi xuất gia.

Bấy giờ sáu vị vương tử trở mặt, dấy binh chinh phạt lẫn nhau. Khi ấy trong toàn cõi Diêm-phù-đề lúa mạ không lên, mưa gió thất thường, cây cối khô héo, không thể đơm hoa kết trái được. Dân chúng bị đói khát. Các loài chim thú cũng lâm vào cảnh đói kém, thân chúng rực lửa. Lúc đó ta xả bỏ thân này để lấy da thịt, xương máu bố thí cho chúng sanh khiến họ được no đủ.

Bấy giờ, ta gieo mình xuống, do nguyện lực xả thân nên thân ta lập tức biến thành núi thịt, cao một do tuần, ngang dọc đều bằng nhau. Khi ấy nhân dân trong nước cùng các loài chim muông cầm thú bắt đầu tụ lại ăn thịt uống máu. Do bổn nguyện nên thịt máu của thân ta ngày càng nhiều thêm và rộng lớn hơn, cao đến cả ngàn do tuần, ngang dọc bằng nhau cũng một ngàn do tuần. Các bên của núi thịt tự nhiên mọc ra đầu người có đầy đủ lông, tóc, mắt,tai, mũi, miệng, môi lưỡi. Trong mỗi đầu người lại cất tiếng nói: “Hỡi các loài chúng sanh, tuỳ ý các vị cứ lấy thịt dùng thoả thích, cứ uống máu ăn thịt cho đến lấy cả tai mắt mũi lưỡi răng vv, để ăn cho được đầy đủ. Sau đó, tất cả quý vị hãy phát tâm vô thượng Bồ-đề, hoặc phát tâm Thanh văn, Bích chi Phật, hoặc cầu lên trời hay giàu sang trong cõi người.

Vì bổn nguyện nên thân ta không hề vơi bớt, đến hàng vạn năm trong cõi Diêm-phù-đề, khiến cho mọi người, các loài quỷ thần, chim muông cầm thú đều được no đủ.

Các ông nên biết, ta ở trong vạn kiếp xa xưa đã xả bỏ vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thân máu thịt để cung cấp cho vô lượng vô biên chúng sanh, khiến cho họ được no đủ, ngay cả một niệm cũng không hề sanh tâm hối tiếc. Như vậy lần lượt, rộng khắp mười phương thế giới chư Phật như cát sông Hằng v.v… bỏ thân máu thịt để bố thí cho chúng sanh khiến tất cả được no đủ, đó là bố thí Ba-la-mật.

(Trích kinh Bi Hoa quyển chín, kinh Quá Khứ Hương Liên Hoa Phât Thế Giới phần nhiều giống nhau nhưng không nói Bồ-tát)

4. HIỆN THÂN ƯU BÀ TẮC GIÀU CÓ CỨU BA BA, RẮN VÀ CÁO:

Xưa kia có vị Bồ-tát hiện thân làm một Ưu-Bà-tắc giàu có, của cải được tích trữ cả muôn ức, thường phụng thờ Tam bảo, thương yêu chúng sanh.

Một hôm Bồ-tát dạo chơi, đi ngang qua chợ, thấy một con ba ba bị bày bán, Bồ-tát động lòng thương liền hỏi giá bao nhiêu?

Người bán hàng nghĩ Bồ-tát này có đức từ rộng lớn, thương yêu cứu vớt chúng sanh, của cải nhiều vô số, giá đắt rẻ đối với ông ta đâu thành vấn đề.

Chủ rùa liền đáp: “giá một trăm vạn tiền”, ông mua được thì tốt, nếu không thì tôi sẽ đem nó ăn thịt”.

Bồ-tát cầm ba ba và nói: “Được! Ta mua”.

Bồ-tát đem ba ba về nhà săn sóc vết thương cho nó, rồi đem thả vào nước. Nhìn nó bơi lội, Bồ-tát cảm khái, phát nguyện rằng: “Nguyện cho các loài chúng sanh, từ ngạ quỷ ở núi Thái cho đến kẻ bị giam cầm trong tù ngục của nhà vua, sớm thoát khỏi khổ não, tất cả đều được thân an mạng toàn như ngươi ngày nay.

Bồ-tát cúi lạy mười phương và chấp tay nguyện rằng: “Chúng sanh loạn lạc, chịu khổ đau vô lượng, nay ta nguyện làm đất, nếu hạn hán thì làm cho được thấm mát, vì lũ lụt mà đóng bè khô, kẻ đói được ăn, người khát được uống, lạnh được áo mặc, nóng được mát mẻ; vì người bệnh mà làm thầy thuốc, nơi tối tăm mà làm ánh sáng. Nếu khi cõi đời dơ bẩn điên đảo thì ta nguyện làm Phật cứu độ chúng sanh”.

Mười phương chư Phật khi nghe Bồ-tát phát nguyện như thế, các Ngài đều khen ngợi và tán thán rằng: “Lành thay! Chắc chắn người sẽ được như nguyện”.

Cuối đêm ấy, ba ba bò vào cắn cửa phòng của Bồ-tát, Ngài nghe nơi cửa có tiếng động lạ liền sai người mở cửa xem thì thấy ba ba. Người ấy trở vào thưa, Bồ-tát liền cho ba ba vào.

Bấy giờ ba ba bò vào, nói bằng tiếng người: “Con chịu ân sâu, mạng sống được vẹn toàn nhưng không có gì để đáp tạ. Nay con là vật sống dưới nước, biết lượng nước rất lớn, trận hồng thủy sắp xảy ra, chắc chắn sẽ dẫn đến sự nguy hại lớn, xin Ngài hãy chuẩn bị thuyền bè, lúc đó con sẽ đến rước đi”.

Bồ-tát đáp: “Tốt lắm!”

Sáng sớm, Bồ-tát vào cung bẩm báo sự việc cho vua.

Nghe xong, vua nói: “Bồ-tát là người từ trước đến nay có tiếng tăm, nay ta tin lời nói của Ngài”.

Nhà vua cho dời nơi ở từ thấp lên cao.

Tới giờ, ba ba đến đón Bồ-tát và nói: “Trận hồng thủy đã xảy ra, Ngài hãy mau lên thuyền, đi đến chỗ của con thì chắc chắn sẽ được an toàn”.

Thuyền chèo theo con ba ba, giữa đường gặp con rắn bơi lên thuyền, Bồ-tát nói: “hãy vớt nó lên”. Ba ba nói: “Hay lắm”

Bồ-tát nhìn thấy chú Cáo đang bị trôi thì nói: “Vớt nó”.

Ba ba nói: “Tốt lắm”.

Bồ-tát liền thấy một người đang bị trôi, người ấy tự vả vào má mà kêu to: “Trời thương, xin cứu mạng tôi”.

Bồ-tát thấy thế liền kêu hãy vớt họ, nhưng ba ba lại nói: “Cẩn thận chớ vớt, lòng người gian dối, ít khi giữ trọn chữ tín, vong ân bội nghĩa, chạy theo thế lực, ưa chuộng cái xấu xa ác độc”.

Bồ-tát nói: “Loài côn trùng ta còn cứu hết, cớ sao lại bỏ không cứu người? Như thế há là nhân từ ư? Ta không thể làm như vậy được!” Thế là Bồ-tát liền cứu ông ta lên thuyền.

Bấy giờ, đã đến nơi, ba ba nói: “Vui thay! Chúng ta đã đến chỗ cạn rồi”. ba ba liền nói lời từ tạ: “Giờ đây ân nghĩa đã trả xong, con xin lui bước”.

Bồ-tát nói: “Khi nào ta thành tựu đạo quả Như Lai vô sở trước chí chân đẳng chánh giác thì chúng ta chắc chắn sẽ còn gặp nhau”.

Ba ba đáp: “Hay lắm!” Nói xong liền từ tạ ra đi. rắn và Cáo cũng từ tạ mỗi con đi mỗi đường.

Bấy giờ Cáo đào hang làm chỗ ở, bỗng nhiên gặp được một trăm cân vàng tía của người xưa cất giấu, vui mừng nói: “Ta sẽ đem số vàng này đến để báo đáp ân đức cứu mạng của Bồ-tát”

Cáo liền chạy đến thưa với Bồ-tát: “Con là vật nhỏ mọn, sống ở trong hang, chịu ân cứu mạng của Bồ-tát. Nay con đào hang ở, gặp được một ngàn cân vàng. Hang này chẳng phải là nơi khai khẩn, cũng chẳng phải là nhà ở hay là trộm cướp. Con thành tâm đem nó tới đây xin dâng lên cho Ngài.

Bồ-tát suy nghĩ kỹ: “Nếu không lấy thì đối với người nghèo khó thật uổng phí vô ích, ta nên lấy để bố thí, cứu giúp chúng sanh, như thế chẳng tốt hay sao? Bồ-tát liền nhận số vàng này.

Bấy giờ gã bị trôi được Bồ-tát vớt lên thuyền nhìn thấy vàng thì nói: “Ông chia cho tôi một nửa”, Bồ-tát liền chia cho hắn mười cân.

Hắn lại nói: “Ông đào đất cướp vàng, tội ấy phải như thế nào? Nếu không chia phân nửa thì tôi sẽ báo quan”.

Bồ-tát nói: “Dân nghèo khốn khổ, ta muốn đem nó chia cho bình đẳng, nay ông muốn đoạt lấy há chẳng phải riêng tư đó ư?”

Gã chết trôi ấy liền báo với quan. Bấy giờ Bồ-tát bị bắt nhưng không có cách nào để phân trần, chỉ biết hướng về Tam bảo, ăn năn tự trách, lòng thương mong cho chúng sanh sớm xa lìa tám nạn khổ, đừng một ai có sự oán kết như mình hôm nay.

Lúc Bồ-tát bị bắt, rắn và Cáo cùng nhau họp bàn, chúng nói:

“Việc này phải làm sao đây?” Rắn nói: “Tôi sẽ cứu Bồ-tát”.

Rắn liền ngậm một viên thuốc hay, bò vào trong lao ngục, thấy Bồ-tát gầy guộc và buồn bã nên thưa với Bồ-tát: “Ngài hãy mang theo viên thuốc bên mình, con sẽ vào cắn Thái tử, nọc độc rất mạnh, chẳng có ai cứu chữa được. Khi ấy Ngài đem viên thuốc này vào cung cho uống, lập tức khỏi ngay”.

Bấy giờ, Bồ-tát im lặng, rắn làm y như lời đã nói, cắn Thái tử. Thái tử bị rắn cắn sắp chết, nhà vua bèn ra lệnh: “Ai có thể cứu chữa được cho Thái tử thì ta sẽ phong cho người đó làm tướng quốc”. Thế là, lệnh vua được bố cáo cho mọi người tham gia điều trị.

Lúc ấy Bồ-tát nghe Thánh chỉ liền mang thuốc vào trị cho Thái tử, trong chốc lát thì Thái tử khỏi ngay.

Nhà vua vô cùng vui mừng liền hỏi nguồn gốc, Bồ-tát thuật hết câu chuyện cho nhà vua nghe. Nghe xong, nhà vua tự giận, trách lỗi của mình, liền ra lệnh bắt gã chết trôi kia xử tội chết, đồng thời ân xá tội nhân trong toàn nước và phong cho Bồ-tát làm tướng quốc.

Một hôm, Bồ-tát vào cung, nhà vua mời ngồi chơi đàm đạo. Vua hỏi: “Hiền giả thuyết sách gì, học theo đạo nào mà làm hai việc nhân từ bố thí cứu giúp chúng sanh?

Bồ-tát trả lời: “Tâu đại vương, tôi thuyết kinh Phật, thờ phụng Phật đạo.

Nhà vua hỏi: “Đức Phật có phép gì mầu nhiệm không?”

Bồ-tát đáp: “Có, tâu đại vương. Đức Phật thuyết bốn pháp; khổ, không, vô thường,vô ngã. Nếu mọi người thường nhớ nghĩ bốn pháp ấy thì sẽ được phước đức dồi dào”.

Nhà vua nói: “Hay lắm! Xin hiền giả nói cho ta hiểu”.

Bồ-tát liền thuyết bốn pháp yếu ấy cho nhà vua được rõ. Thuyết xong, vua nói: “Lành thay! Phật dạy vô thường lòng ta đã tin nhận, thân chúng ta đây còn không bảo tồn được, huống gì mà nói đến đất nước? Chỉ tiếc cho tiên vương ta, không nghe được giáo pháp khổ, không, vô thường vô ngã của bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác đã dạy”.

Nhà vua liền lấy hết của cải được chất chứa ở trong kho đem ra bố thí cho những người nghèo thiếu. Lòng nghĩ thương những người đã goá vợ lỡ thì, những kẻ mồ côi cha mẹ như con đẻ của mình. Con dân trong cả nước đều vui vẻ mỉm cười, vừa đi vừa ngước mặt lên trời tỏ lời khen ngợi: “Bồ-tát thuần hoá đã đến nơi này”. Bốn phương đều khen ngợi đức hạnh của Bồ-tát. Từ đó nhân dân tiến đến đời sống thái bình.

Phật dạy các Tỳ-kheo: “Vị Bồ-tát xưa, nay chính là thân ta, quốc vương nước kia nay là Bồ-tát Di-lặc, ba ba nay là A-nan, cáo nay là Xálợi-phất, rắn nay là Mục-kiền-liên, còn gã chết trôi được ta cứu nay là Điều-đạt vậy.

(Trích kinh Bố Thí Độ Vô Cực.)

5. HIỆN THÂN SƯ TỬ KẾT BẠN THÂN VỚI KHỈ:

Thuở xưa, Bồ-tát hiện thân làm Sư tử, cùng kết bạn thân với khỉ ở trong rừng. Một hôm, khỉ đem hai đứa con của mình gửi sư tử chăm sóc dùm.

Bấy giờ có con chim ó đói bay đi kiếm ăn, gặp lúc sư tử đang ngủ, chim ó liền bắt hai chú khỉ con bay lên đậu trên cây cao. Đến khi tỉnh dậy, sư tử không thấy khỉ con đâu cả, chợt nhìn lên cây thì trong thấy chim ó đang bắt giữ.

Sư tử nói với chim rằng: “Ta nhận lời của khỉ gửi gắm hai đứa con, nhưng bảo vệ nó không cẩn thận nên bị ngươi bắt đem đi. Nay ta đã phụ lòng tin của khỉ, cầu xin ngươi hãy trả khỉ con lại, ta sẽ thuận theo điều kiện của ngươi. Ta là vua trong các loài thú, ngươi là chúa trong các loài chim, địa vị quý trọng cùng với thế lực chúng ta ngang nhau, vì vậy xin ngươi hãy trả khỉ con lại cho ta!”

Chim ó nói: “Ngươi chẳng biết thời, giờ này ta đang đói, đâu cần luận bàn đến chuyện giống hay khác nhau về địa vị và quyền thế để làm gì?”

Sư tử biết chim ó không bằng lòng nên tự dùng vuốt nhọn móc lấy thịt ở vế đùi của mình đổi lấy khỉ con.

Lại nữa, về thời quá khứ, dân chúng mang nhiều thứ bịnh như: liệt, da vàng trắng. Bấy giờ, Bồ-tát hiện thân vào trong loài cá đỏ, cá tự lấy thịt mình đem bố thí cho những người bệnh nhằm cứu chữa cho họ.

Lại nữa, trong thời quá khứ, Bồ-tát làm thân chim ở trong rừng. Hôm nọ chim thấy một người lội vào nước sâu, nơi ấy chẳng phải là nơi người lội vào được, vì thế chẳng may bị vướng vào lưới của thủy thần không cách nào gỡ ra được.

Bấy giờ, chim liền bay đến núi hương lấy một cành cây cỏ thuốc mắc vào lưới, lưới ấy lập tức tự đứt rã, người ấy liền thoát khỏi lưới.

Cứ như thế, trong vô lượng kiếp, sanh ra đời nào Bồ-tát cũng cứu được rất nhiều chúng sanh. Đây gọi là Kinh Bổn Sanh.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển ba mươi ba)

6. HIỆN THÂN VOI TRẮNG LÀM LỢI ÍCH CHÚNG SANH:

Một hôm tôn giả Tu-bồ-đề hỏi đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, Bồtát thiện căn đã thuần thục, tại sao còn sanh vào loài voi ngựa?”

Đức Phật trả lời: “Bồ-tát thật sự có phước đức, đã thành tựu thiện căn, vì lợi ích chúng sanh mà hiện thân súc sanh, không phải vì nghiệp báo. Bồ-tát ở trong loài súc sanh, lòng từ thương xót kẻ oán tặc. Việc ấy những bậc A-La-hán và Bích-chi Phật không thể làm được. khi những kẻ oán tặc đến làm hại thì những vị đã chứng A-La-hán và Bích-chi Phật, tuy không hại lại nhưng tâm không thể thương yêu, cúng dường cung cấp cho họ”.

Giống như có vị Bồ-tát thị hiện một con voi trắng sáu ngà bị thợ săn bắn vào bụng. Lúc đó, Voi Bồ-tát dùng vòi quấn thợ săn, bảo vệ không cho những con voi khác làm hại.

Voi Bồ-tát nói với vợ mình: “Ngươi là vợ của Bồ-tát, tại sao ngươi sanh tâm làm hại, cái tội phiền não ấy là của thợ săn chứ không phải của ngươi. Muốn chứng được quả vị vô thượng Bồ-đề thì phải diệt trừ cái phiền não ấy. Giống như quỷ nhập vào người, người thầy trì chú để trị quỷ chứ không trị người”.

Bấy giờ Bồ-tát ôn tồn hỏi thợ săn: “Vì sao ông lại bắn tôi?” Thợ săn đáp: “Ta muốn lấy được ngà của ngươi”.

Tức thời, Voi liền kẹp vào đá nhổ ngà cho thợ săn, máu thịt của voi Bồ-tát ứa ra nhưng cảm thấy không chút đau đớn mà còn cung cấp lương thực, chỉ đường tắt cho thợ săn đi.

Bồ-tát thực hành từ bi như thế nhưng hàng A-La-hán và Bích-chi Phật không thể làm được.

Bấy giờ tôn giả Tu-bồ-đề bạch hỏi Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, tại sao Bồ-tát không dùng thân người để nói pháp cho họ nghe mà lại làm thân súc sanh?”

Đức phât đáp: “Có khi chúng sanh nhìn thấy thân người thì họ không chịu tin nhận, nhưng thấy thân súc sanh thuyết pháp thì lại phát khởi được lòng tin và ưa thích, chịu sự giáo hóa của họ. Bồ-tát vì muốn đầy đủ lòng đại bi, muốn thực hành việc ấy thật sự, nên chúng sanh nhìn thấy họ thì có được niềm vui, kính phục họ và khiến cho chứng được đạo quả”.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển ba mươi ba)

7. BỒ-TÁT XƯA LÀM THÂN RỒNG KHUYÊN BẠN TU NHẪN NHỤC:

Ngày xưa, Bồ-tát cùng A-nan chịu tội xong, cả hai người đều thị hiện vào thân rồng.

Một hôm rồng nói với rồng bạn: “Chỉ có ta và ngươi ở trong biển, không có nơi nào trong này mà chúng ta không biết đến. Nay làm sao chúng ta lên được đất liền để dạo chơi đây?”

Rồng bạn nói: “Người đất liền khởi tâm ác, lỡ gặp phải thì khó mà thoát thân được”.

Rồng kia lại nói: “Chúng ta hãy hóa làm con rắn nhỏ, nếu như trên đường không gặp ai thì chúng ta theo đường cái dạo chơi. Nếu gặp người thì chúng ta chạy trốn, có gì đâu mà phải sợ!”

Vậy là cả hai con rồng bằng lòng cùng nhau lên đất liền dạo chơi. Khi ra khỏi nước chưa bao xa, trên đường đi chúng gặp một con rắn hổ mang có nọc độc, lúc nhìn thấy hai con rắn nhỏ, hổ mang khởi niệm hung ác, phun nọc độc ra định giết chết.

Thế nhưng hai con rắn do rồng hóa, một con muốn giết chết rắn hổ mang, còn con rắn kia thì từ mẫn, nhẫn nhục và khuyên bảo bạn đừng nên: “là bậc cao sĩ thì nên tha thứ cho chúng sanh ngu muội, hãy nhẫn những điều không thể nhẫn. Ấy là lời khuyên của bậc Thánh nhân”.

Rắn bạn liền nói kệ:

Tham dục làm người điên
Phá họai lòng nhân nghĩa
Kẻ ganh ghét muốn hại
Nhẫn nhục là yên ổn.

Rắn bạn nói kệ nhẫn xong, rắn kia nghe được cung kính nhận lãnh, không còn làm hại đến rắn hổ mang nữa.

Bấy giờ rắn bạn rủ rắn kia: “Chúng ta hãy trở về biển thôi!”

Cả hai cùng đưa nhau đi vũ lộng oai thần, chấn động cả đất trời, mây đen giăng phủ, mưa đổ ầm ầm như trút nước. Người và quỷ thần đều kinh hãi, khi đó rắn hổ mang mới hốt hoảng, nằm đờ như chết, không ăn cả bảy ngày sắp chết.

Rắn bạn xưa nay là A-nan, rồng khuyên nhẫn nhục nay là thân ta.

rắn hổ mang có nọc đôc nay là Điều-đạt

(Trích Kinh Độ Vô Cực quyển năm)

8. HIỆN THÂN GẤU CỨU NGƯỜI LẠC ĐƯỜNG:

Ngày xưa có một người vào rừng đốn củi, quá mệt mỏi nên ông ta quên cả đường về, gặp lúc trời đổ mưa to, vừa tối vừa đói lạnh, các loài côn trùng đôc thú muốn đến hại. Người này liền bỏ chạy, nấp vào một hang đá, trong hang đá có một chú gấu lớn đang trú ngụ, gấu thấy người đốn củi chạy đến lộ vẻ hốt hoảng.

Gấu bảo: “Ông chớ sợ hãi, trong đây ấm áp, hãy nghỉ tạm nơi này”.

Bấy giờ trời mưa suốt bảy ngày, trong thời gian ấy, gấu thường hái trái ngon, nước ngọt để cung cấp cho người đốn củi. Bảy ngày trôi qua, mưa đã tạnh, gấu liền dẫn người đốn củi đi và chỉ cho ông ta con đường tắt trở về. Trước khi từ biệt, gấu dặn dò người đốn củi: “Tôi đây mang nhiều tội lỗi oan trái, nếu ông về gặp ai hỏi thì đừng nói có gặp tôi nhé!”

Người đốn củi nói: “Vâng! Tôi hứa sẽ không nói”.

Trên đường về, người đốn củi gặp một người thợ săn, thợ săn hỏi liền hỏi: “Ông từ đâu đến có gặp con thú nào không?”

Người đốn củi đáp: “Tôi có gặp một con gấu lớn, nó là ân nhân cứu mạng nên tôi không chỉ cho ông đâu”.

Người thợ săn nói: “Ông là loài người thì nên làm thân quyến với loài người, có gì mà tiếc con gấu? Nay ông tuy bị lạc đường được gấu cứu, nhưng biết khi nào chuyện đó xảy ra lại với ông? Ông hãy chỉ cho ta, giết được nó, ta sẽ chia cho ông phần thịt nhiều”.

Bấy giờ lòng dạ của người đốn củi này thay đổi, hắn dẫn thợ săn đến chỗ của gấu, thợ săn bắn chết gấu và chia nhiều thịt cho người đốn củi. Người này vừa nhúng tay vào để lấy thịt thì bỗng nhiên hai cánh tay của ông ta rơi xuống đất.

Thợ săn thấy vậy liền nói: “Ông có tội gì vậy?”

Người đốn củi đáp: “Khi ta lâm họan nạn thì gấu nhìn ta như cha nhìn con, nay ta lại vong ân hẳn là quả báo tội lỗi”.

Thợ săn kinh hãi nên không dám ăn thịt của gấu, hắn đem về cúng dường cho chúng Tăng.

Bấy giờ, trong Tăng đoàn có vị thượng tọa đã chứng quả A-Lahán, được sáu thần thông nói với đại chúng rằng: “Con gấu này là một vị Bồ-tát, tương lai sẽ thành Phật, chớ nên ăn thịt nó”. Chúng Tăng liền đem xây tháp cúng dường,

Bấy giờ nhà vua nghe được chuyện này liền truyền chỉ khắp cả nước: “Kẻ vong ân kia không cho ở lại trong nước”. Nhà vua còn dùng các thứ nhân duyên để khen ngợi người biết ân.

(Trích Chư Kinh Trung Yếu Sự)

9. HIỆN THÂN NAI CHÚA CHẾT THAY CHO NAI MẸ ĐANG MANG THAI:

Thuở xưa khi đức Phật còn làm Bồ-tát, ở nước Ba-la-nại, các vị tiên nhân ở vườn Lộc-dã và các tiên nhân đã chứng năm thần thông đều đến khu vườn này du học, nơi đây không phải là nơi của những kẻ phàm phu.

Một hôm, vua nước này đi săn bắn, gặp một đàn nai cả ngàn con bị sa vào lưới vua, lúc ấy vua cho quân lính vây quanh một vòng. Đàn nai kinh hãi,có con thì không kêu la mà xông thẳng vào làn tên, có con thì chui xuống đất để giấu mình.

Đức Thích Ca Như Lai lúc bấy giờ làm một vị Bồ-tát hiện thân Nai chúa, lãnh đạo đàn nai. Lúc ấy nai chúa nói với đàn nai: “Các con hãy bình tĩnh, chớ nên sợ hãi, ta sẽ tìm cách đến cầu xin nhà vua, chắc chắn sẽ được cứu mạng, các con không hề gì đâu!”

Nai chúa đi đến quỳ xuống cầu xin nhà vua. Từ xa nhà vua trông thấy, bèn hạ lệnh cho quân sĩ không được bắn nai”.

Nai chúa thưa: “Nay xem ý của nhà vua, muốn giết cả đàn nai ngàn con để nấu hết trong một ngày. Thế nhưng thời tiết hiện giờ quá nóng bức, thịt không thể để lâu được, cúi xin nhà vua thương xót, một ngày giết một con để cung cấp thịt cho nhà bếp. Tự chúng tôi đến chịu chết chứ không phiền nhà vua phải sai người đến bắt, nếu được vậy thì việc cung cấp thịt cho nhà vua không ngừng mà đàn nai chúng tôi ngày càng gia tăng.

Nhà vua hỏi: “Ngươi là nai chúa trong đàn nai này phải không?” Nai đáp: “Tâu đại vương, thật đúng như vậy”. Nhà vua hỏi nai chúa: “Ngươi đã suy xét kỹ chưa?” Nai chúa đáp: “Đã suy xét kỹ rồi, tâu đại vương”.

Nhà vua liền thả đàn nai và thu quân trở vào thành.

Bấy giờ, nai chúa Bồ-tát cai quản đàn nai năm trăm con và nai Điều-đạt cũng quản lý năm trăm con. Cứ mỗi ngày sai mỗi con đi đến chỗ nhà vua để cung cấp thịt cho nhà bếp.

Một hôm, đến phiên nai Điều-đạt sai nai của mình quản lý đi đến cung cấp thịt cho nhà vua. Hôm đó nhằm phiên của một nai mẹ đang mang thai vài tháng phải đến cấp thịt cho nhà vua.

Nai mẹ đến xin chủ của mình: “Nay tôi sắp sanh mà gặp phải phiên đi cung cấp thịt cho nhà vua, nhưng phiên con tôi thì chưa đến, xin Ngài cho phiên kế tôi đi trước, tôi sẽ đi sau”.

Nai Điều-đạt nổi giận mắng: “Tại sao không đi mau, ai chịu thay ngươi chết trước nào?”

Nai mẹ khóc la thảm thiết, đến trình bày cho nai Bồ-tát nghe mọi việc và cầu xin nai chúa thương tình để cho nai mẹ đi phiên sau.

Nai Bồ-tát hỏi: “Chủ ngươi có chịu nghe lời của ngươi trình bày không?

Nai mẹ đáp: “Chủ tôi không bằng lòng”.

Nai Bồ-tát an ủi: “Ngươi đừng sợ, nay ta sẽ thế ngươi đi nạp thịt cho bếp nhà vua”.

Nai chúa Bồ-tát liền triệu tập đàn nai cả ngàn con lại, ân cần dặn dò và khuyên nhủ: “Các con chớ lười biếng, kiêu mạn và cũng đừng nên xâm phạm vào lúa má mùa màng của nhà vua”.

Nai Điều-đạt giận mắng nai mẹ: “Nay đã đến phiên ngươi tại sao ngươi từ chối?”

Nai Bồ-tát bảo nai Điều-đạt: “Hãy thôi đi, đừng nói như vậy, nai mẹ thành thật xin chịu chết lần sau là vì thương xót bào thai nên chưa muốn chết. Bây giờ ta sẽ thay thế để cứu mạng thai nhi”.

Đàn nai đều thưa: “Chúng tôi xin chịu chết thay cho đại vương, đại vương còn sống thì chúng tôi còn ăn cỏ uống nước, để sinh sống, tự do đi lại, không lo sợ điều gì”. Nai chúa không đồng ý, vẫn đi đến nhà bếp của vua, đàn nai cũng chạy theo đến cung vua. Nai chúa tự xin nạp mình.

Đầu bếp thấy nai chúa liền đến tâu vua: “Tâu đại vương, nai chúa đến phiên vào bếp cấp thịt nhưng không rõ ý của đại vương có cho giết hay không?”

Nhà vua ra lệnh: “Mau đưa nai chúa đến đây!”.

Vua hỏi nai chúa: “Đàn nai ngàn con nay đã hết rồi sao, tại sao ngươi lại đến đây?”

Nai chúa tâu vua: “đàn nai ngàn con ít ỏi nay đã trở thành to lớn, số lượng mỗi ngày mỗi tăng, không hề giảm bớt”.

Đồng thời nai chúa trình bày rõ sự việc cho vua nghe. Nghe xong nhà vua khẩn thiết tự trách mình, hối hận vì tự mình không thấu đáo.

Vua nói: “Ta vì muốn ăn thịt của thú vật mà không phân biệt được điều phải quấy, đến nỗi phải giết chúng sanh một cách oan uổng như vậy”.

Nhà vua bảo các đại thần rao khắp trong nước: “Nếu có một ai bắn giết loài nai thì người ấy se bị tru lục”.

Nhà vua liền thả nai chúa trở về, đồng thời ra lệnh cho cả nước không được ăn thịt nai. Nếu kẻ nào ăn thịt nai sẽ bị bêu đầu. Nhân đó đặt tên vườn này là vườn Lộc-dã.

(Trích kinh Xuất Diệu quyển chín)

10. HIỆN THÂN NAI CHÚA UY ĐỨC MẮC LƯỚI ĐƯỢC THỢ SĂN THẢ RA:

Đức Phật dạy: “Vào thời quá khứ, dưới chân dãy núi Tuyết có một con nai chúa tên là Uy-đức. Nai chúa lãnh đạo đàn nai năm trăm con.

Một hôm có thợ săn đặt thóc giăng lưới, nai chúa đi trước dẫn đường, chân phải của nai bị vướng vào lưới. Khi ấy nai chúa nghĩ rằng: “Nếu như ta lộ vẻ mắc lưới thì đàn nai không dám ăn lúa. Vì vậy phải đợi cho đàn nai ăn hết lúa rồi nai chúa mới lộ vẻ bị mắc lưới. Ăn xong, đàn nai đều bỏ đi, chỉ có một con nai cái ở lại và nói kệ rằng:

Đại vương nên biết
Khi thợ săn đến
Hãy tìm phương tiện
Thoát ra lưới này.

Bấy giờ nai chúa cũng dùng kệ đáp:

Ta cố tìm cách
Nhưng sức đã kiệt
Dây lưới xiết dần
Không thể thoát nổi.

Nai cái nhìn thấy thợ săn đã đến liền nói kệ:

Ngươi dùng dao sắc
Giết chết ta trước
Sau đó xin thả
Nai chúa ta ra.

Thợ săn nghe nói sanh tâm thương xót, dùng kệ đáp rằng:

Ta trọn chẳng giết ngươi
Cũng chẳng giết nai chúa
Thả ngươi và nai chúa
Cứ mặc tình ra đi.

Thợ săn liền tháo lưới cho nai chúa.

Phật dạy: nai chúa ngày xưa nay chính là ta, đàn nai năm trăm con, nay chính là chúng Tỳ-kheo năm trăm người.

(Trích luật Thập Tụng, Tạp Tụng quyển 1)

11. HIỆN THÂN NAI CHÍN MÀU CỨU NGƯỜI CHẾT ĐUỐI:

Thuở xưa Bồ-tát hiện thân nai, lông gồm chín màu, sừng trắng như tuyết. Nai thường kết bạn với một con chim.

Một hôm nai đang ăn cỏ bên bờ sông Hằng thì gặp một người đang bị dòng nước cuốn trôi, thọat nổi thọat chìm, người ấy ngẩng đầu kêu cứu: “Thần núi thần sông, chư Thiên, Long thần sao không thương tôi”.

Nai nghe tiếng kêu cứu liền nhảy xuống nước bảo: “Ông hãy cưỡi lên lưng của tôi và nắm lấy sừng tôi, tôi sẽ đưa ông lên bờ.

Khi đã lên bờ, kẻ chết đuối kia nhảy xuống khỏi lưng nai rồi đi quanh nai ba vòng, khấu đầu cảm tạ, xin làm thân nô bộc để nai sai khiến.

Nai liền nói: “Ta không cần ngươi làm nô bộc cho ta, việc đã xong thì đường ai nấy đi. Còn như ngươi muốn báo đáp ân cứu mạng thì xin chớ nói ta ở đây, vì người tham cặp sừng của ta ắt họ sẽ tìm đến giết ta”.

Bấy giờ, hoàng hậu của vua nước này, đêm nằm mộng thấy thân nai chín màu thì giả bệnh không dậy nổi.

Nhà vua hỏi nguyên do thì hoàng hậu đáp: “Đêm qua thiếp nằm mộng thấy con nai có bộ lông chín màu, sừng trắng như tuyết, ý thiếp muốn được tấm da con nai này để làm nệm ngồi, còn đôi sừng của nó làm cán phất trần. Xin đại vương tìm gấp hai vật, nếu không thì thiếp sẽ chết”.

Nhà vua yết bảng khắp trong cả nước, nếu ai bắt được con nai kia thì vua sẻ chia nước để trị và ban cho chén vàng đựng đầy lúa bạc, chén bạc đựng đầy lúa vàng.

Kẻ chết nước trước kia nghe như vậy, muốn chọn lấy cái giàu sang nên nghĩ rằng: “Nai là loài súc sanh, chết sống ăn thua gì?”

Bấy giờ gã liền đến tâu vua và báo cho vua biết nơi ở của nai. Nhà vua rất vui mừng nói: “Nếu ông có thể lấy được bộ da và cặp sừng của nai đem về đây thì ta sẽ đền ơn ngươi một nửa đất nứơc.

Bất chợt trên mặt của gã kia nổi lên các thứ ung nhọt.

Gã nói: “Tâu đại vương, con nai này tuy là súc sanh nhưng nó có nhiều oai thần, đại vương cho nhiều binh lính đi bắt mới được”.

Nhà vua liền kéo binh lính rất đông đi đến bên bờ sông Hằng. Lúc ấy chú chim bạn của nai đang đậu ở trên cành cây, nhìn thấy binh lính nhà vua kéo đến chim liền gọi nai: “bạn ơi hãy thức dậy! nhà vua đến kìa”.

Nai vẫn ngủ say chưa tỉnh. Chim liền bay xuống mổ vào tai của nai, giật mình dậy thì nai kinh hãi, nhình quanh bốn phía nhưng không còn đường chạy nữa, đành phải đi đến bên xe của nhà vua.

Quần thần vây quanh muốn bắn nhưng nhà vua ra lệnh: “Đừng bắn! Con này phi thường hẳn là thiên thần đây”.

Nai nói: “Tâu đại vương, xin đừng bắn tôi, trước đây tôi từng cứu sống một người ở trong nước của đại vương”.

Nai lại quỳ xuống hỏi vua: “Tâu đại vương, ai nói cho đại vương biết là tôi đang ở đây?”

Nhà vua liền chỉ: “Là người mặt bị ung nhọt đứng bên cạnh xe”.

Nai ngẩng đầu lên nhìn thấy mặt của người này thì dòng nước mắt trào ra không thể ngăn được.

Nai nói: “Người này trước đây bị chết chìm trong nước, tôi đã không tiếc thân mạng của mình mà lao đầu vào dòng nước cứu cho thoát chết. Khi về, ông ta hứa là không nói cho ai biết, không ngờ gã lại phản bội. Chi bằng trước đây để cho gã trôi nổi trong dòng nước như khúc gỗ cho rồi”.

Vẻ mặt nhà vua thẹn thùng và nhiều lần hỏi gã ấy: “Ngươi chịu ân cứu mạng của nai tại sao lại phản bội muốn giết chết nai?”

Thế là, nhà vua ra lệnh cho cả nước: “Nếu người nào rượt đuổi con nai này thì sẽ bị tru di năm họ”.

Bấy giờ, đàn nai cả ngàn con đều trở lại nương náu nai chúa, ăn cỏ uống nước không xâm phạm lúa mạ, mưa thuận gió hòa, mùa màng được nhiều, người không tật bịnh, thiên hạ thái bình.

Phật dạy: “Nai chín màu bấy giờ nay là thân ta vậy, chim bạn của

nai nay là A-nan, quốc vương xưa nay là Duyệt-đầu-đàn phụ vương ta. Phu nhân của vua nay là Tôn-đà-lợi. Người chết đuối kia nay là Điềuđạt. Ta tuy có tâm tốt đối với gã ấy nhưng gả lại muốn hại ta. A-nan là người có thiện chí.

(Trích Kinh Cửu Sắc Nai)

12. HIỆN THÂN NHẠN CHÚA THỢ SĂN BẮT, ĐƯỢC THẢ, BÁO ÂN ĐẤT NƯỚC:

Vào thời quá khứ, bên cạnh thành Ba-la-nại có một ao nước, tên Vũ thành, trong ao có nhiều cá, rùa, ngỗng, chim nhạn và vịt… cùng sinh sống. Trong số đó có nhạn chúa tên là Trị quốc, lãnh đạo đàn nhạn cả năm trăm con.

Một hôm, có người thợ săn giăng lưới để bẫy đàn nhạn. Khi đó nhạn chúa đi trước dẫn đường, không may chân phải vướng vào lưới. Nhạn chúa thầm nghĩ: “Nếu như ta lộ vẻ chân bị mắc lưới thì đàn nhạn không thể ăn thóc được”. Vì thế, nhạn chúa đợi đàn nhạn ăn xong mới cho biết mình đã bị vướng lưới. Bấy giờ đàn nhạn bay đi hết, chỉ còn chú nhạn tên là Tô-ma không nỡ bỏ nhạn chúa ra đi.

Nhạn chúa bảo nhạn Tô-ma: “Nay ta giao chức trưởng đàn lại cho ngươi, ngươi hãy bay về lãnh đạo đàn nhạn đi!”

Nhạn đại thần Tô-ma đáp: “Tâu đại vương, tôi không thể làm như thế được”

Nhạn chúa lại hỏi: “Tại sao ngươi không làm như thế?” Chim nhạn Tô-ma đại thần dùng kệ đáp rằng:

Tôi nguyện theo Ngài
Sống chết không đổi
Thà chết cùng chúa
Hơn sống lìa nhau
Đại vương nên biết
Thợ săn đã đến
Người hãy tìm cách
Thoát khỏi lưới này.

Bấy giờ nhạn chúa cũng đáp kệ rằng:

Ta tìm phương tiện
Nhưng nay sức kiệt
Lưới càng thắt chặt
Không thể thoát thân.

Bấy giờ thợ săn đã đến, nhạn đại thần Tô-ma nói kệ rằng:

Lông thịt của đại vương
Cùng với ta không khác
Ngươi dùng dao giết ta
Thả chúa đừng hại đến.

Lúc ấy thợ săn nói với chim nhạn đại thần: “Ta không giết các ngươi đâu, giờ ta sẽ thả các ngươi cứ tùy ý mà bay đi”.

Bấy giờ thợ săn mở lưới cho nhạn chúa. Hai nhạn nói với nhau: “Người thợ săn này thật hiếm có, đã tha chết cho chúng ta, vậy chúng ta nên đem của cải đến báo đền ân đức đó”.

Thợ săn nghe vậy liền hỏi: “Các ngươi là loài súc sanh, đâu có vật gì để báo đáp ân của ta?”

Khi ấy, cả hai nhạn đều nói: “Vị vua cai trị nước Ba-la-nại này tên là Phạm-đức, giờ ông hãy đem chúng tôi đến dâng cho nhà vua, ta sẽ tìm cách đáp đền ân của ông”.

Thợ săn đặt hai chú nhạn lên vai, đi vào trong thành. Trên đường đi, mọi người thấy chim nhạn đẹp đẽ nên họ rất muốn mua nó. Thế là, thợ săn được nhiều người cho tiền, có người cho năm đồng, lại có người cho mười đồng, hai mươi đồng. Họ đều bảo: “Đừng nên giết nó”.

Trên đường vào cung, thợ săn thu nhận được rất nhiều tài vật. Khi đến cửa cung, thợ săn liền đặt nhạn xuống đất, nhạn nói với người giữ cửa: “Ngươi vào tâu với vua Phạn Đức, nhạn chúa Trị quốc nay đang ở ngoài cửa”.

Quan giữ cửa vội vào tâu vua. Nhà vua liền triệu vào, sai người bố trí giường vàng cho nhạn chúa. Lúc đó nhạn đại thần Tô-ma cũng đi theo, vào cung cùng chào hỏi nhà vua. Nhạn chúa thăng tòa nói kệ vấn an rằng:

Thân Ngài an ổn không
Đất nước giàu có chứ?
Trị nước như pháp chăng
Lòng bình đẳng trị chứ?
 
Vua Phạn Đức cũng dùng kệ đáp:

Tôi thường tự an ổn
Đúng pháp trị nhân dân
Đất nước luôn giàu có
Bình đẳng không thiên lệch.

Hai bên cùng nhau hỏi thăm xong, nhạn chúa thuyết cho vua nghe một trăm bài kệ. Nhà vua nghe kệ, lòng tự nghĩ: “Nhạn chúa này rất thông suốt”.

Bấy giờ nhà vua thấy nhạn đại thần Tô-ma im lặng liền hỏi: “Tại sao khanh im lặng không nói lời nào?”

Nhạn đại thần đáp: “Bệ hạ là vua của loài người, làm chủ của một đất nước, còn nhạn chúa đây là vua của nước Pha trạch, hai vua cùng nhau nói chuyện, hạ thần đâu dám xen vào”.

Nhà vua nói: “Ta có một khu vườn, hai vị có chịu ở đó không?” Nhạn chúa nói: “Tâu đại vương, không thể được”.

Vua hỏi: “Tại sao không được?”

Nhạn nói: “Bởi vì, khi nhà vua ngủ, không nhớ đến chúng tôi, sai người giết nhạn ăn thịt. Nếu như người giết không tìm thấy chim nhạn khác thì họ sẽ giết chúng tôi mang vào nhà bếp làm thức ăn cho nhà vua”.

Trở lại chuyện đàn nhạn, khi nhạn chúa đi vào cung vua thì cả đàn nhạn ở ao Vũ thành đều bay theo vào cung, nháo nhát kêu la áo não, chúng rủ cánh làm cho nước bay nhớp cả cung điện.

Nhà vua hỏi: “Đàn nhạn này là sao?”

Nhạn chúa đáp: “Đó là quyến thuộc của tôi”. Vua hỏi: “Vậy ngươi có muốn đi chăng?” Nhạn chúa đáp: “Vâng, Tôi muốn đi”.

Vua hỏi: “Giờ đây ngươi muốn những thứ gì?”

Nhạn đáp: “Tôi bị thợ săn bắt được, nhưng lại được tha mạng, đối với chúng tôi, ông ta đã làm được một việc rất hiếm có. Nếu như ban đầu ông ta giết một con, sau đó lại tuần tự giết con nữa, cứ như vậy thì ai có thể ngăn chặn được hành động của ông ta!

Nhà vua hỏi: “Giờ nhà ngươi muốn lấy gì để đền đáp ân tha mạng ấy?”

Cả hai nhạn đều nói: “Xin nhà vua cho ông ta các thứ vàng bạc, xa cừ, mã-não và cơm áo”. Nói xong cả hai nhạn đều bay lên hư không.

Phật dạy: “nhạn chúa lúc bấy giờ nay chính là thân ta. Đàn nhạn năm trăm con nay là năm trăm Tỳ-kheo. Thợ săn nay là voi giữ tài sản. Vua Phạn đức nay là vua Tịnh phạn, còn nhạn đại thần Tô-ma nay chính là A-nan vậy

(Trích luật Thâp Tụng, Tạp Tụng quyển một)

13. HIỆN THÂN OANH VŨ CHỮA LỬA BÁO ÂN:

Thuở xưa, Bồ-tát hiện thân oanh vũ, thường ngày đậu ở trên cây. Một hôm, gió thổi mạnh làm cho cây cọ xát vào nhau, tức thời lửa phát ra. Lửa cháy mạnh dần, lan đến ngọn núi.

Bấy giờ chim oanh vũ suy nghĩ: “Giống như chim bỏ nơi ở cũ, mà còn có lòng quay trở lại muốn báo ân, huống gì ta suốt ngày đêm ở đây mà không thể dập được lửa”.

Nghĩ xong, nhạn liền bay xuống biển, dùng đôi cánh của mình lấy nước biển rồi bay đến núi rưới lên, dập tắt ngọn lửa đang cháy, đồng thời dùng miệng phun nước khắp nơi.

Bấy giờ có một vị thiện thần, cảm được sự khổ nhọc của chim oanh vũ nên đến giúp chim dập tắt lửa.

(Trích kinh Tăng-già-la-sát quyển thượng)

14. HIỆN THÂN CHIM SẺ NHỔ XƯƠNG MIỆNG CỌP:

Thuở xưa, Bồ-tát hiện thân chim Sẻ chúa, lòng từ cứu chúng sanh như bảo vệ vết thương trên thân mình.

Bấy giờ có một con cọp vì ăn thịt loài thú nên bị mắc xương, đau đớn khốn cùng, sắp phải bỏ mạng. Chim sẻ thấy thế nên ngày nào cũng bay vào miệng cọp để gắp lấy xương ra, vì vậy miệng của khổng tước bị lở loét, thân hình tiều tụy.

Khi chim sẻ lấy hết xương trong miệng cọp rồi liền bay lên đậu trên cây lớn và nói kinh Phật cho cọp nghe: “Này con cọp, sát hại sanh vật là hành động bạo ngược, việc ác đó chẳng gì sánh bằng”.

Cọp nghe chim sẻ nhắc nhở liền nổi giận: “Mày vừa ra khỏi miệng tao, sao dám lắm lời thế?”

Chim sẻ thấy không thể cảm hóa được cọp liền vụt bay đi mất.

Đức Phật dạy: “Chim sẻ trước kia nay chính là ta, còn con cọp kia nay chính là Điều-đạt.

(Trích kinh Tước Vương)

15. HIỆN THÂN CÁ LỚN CỨU NẠN ĐÓI KHÁT:

Thuở xưa, Bồ-tát hiện thân một người nghèo khổ. Một hôm, Bồtát cùng với các vị thương buôn đi qua nước khác. Trên biển, Bồ-tát nhìn thấy cá lớn nuốt cá bé, tâm liền nghĩ: “Ta hãy đem thân mình thay cho cá nhỏ để chúng được sống trong chốc lát”.

Thế rồi, Bồ-tát liền lao đầu xuống nước, cá lớn được no còn cá nhỏ được sống.

Bồ-tát chết, thần thức hóa sanh làm một con cá kình lớn, thân dài mấy dặm.

Lúc ấy, sát bờ biển có một quốc gia, gặp trời hạn hán, nhân dân đói khát, ăn nuốt lẫn nhau. Biết việc ấy, cá kình chúa liền bơi đến nước ấy để cho mọi người ăn thịt mình mà bảo tồn được mạng sống của họ. Mấy tháng trời, cá kình bị cắt thịt ăn nhưng vẫn còn sống.

Bấy giờ có một vị thiên thần bay xuống hỏi: “Người vì tình thương mà chịu nỗi khổ sở đó ư? Sao không chết để xả bỏ cái đau đớn ấy?”

Cá đáp: “Nếu tôi chết, thần thức sẽ rời khỏi xác, chẳng bao lâu thân xác tôi bị thối rữa và sau đó dân chúng sẽ đói khát, trở lại ăn nuốt lẫn nhau. Tôi không nỡ nhìn thấy lại cảnh tượng ấy.”

Vị thiện thần nói: “Ngươi chắc chắn sẽ thành Phật cứu độ chúng sanh khổ”.

Bấy giờ có người cắt đầu nên cá liền chết, thần thức sanh làm một vị vương tử, trí tuệ sáng suốt như bậc Thánh lớn, bốn ân rộng khắp, lòng từ thấm nhuần, rộng độ muôn loài. Vương tử vì thương dân nghèo khổ nên nghẹn ngào, thốt chẳng nên lời. Song đất nước vẫn còn bị hạn hán, cho nên vương tử chánh niệm tỉnh giác, nghiêm trì trai giới, món ngon vật lạ cũng đều từ chối.

Vương tử cúi đầu sám hối tội lỗi: “Dân chúng làm ác, lỗi ấy do tôi, nay xin xả bỏ tấm thân này để cầu trời mưa cho dân chúng được thấm nhuần”.

Vì quá xót thương nhân dân đói khát nên ngày nào vuơng tử cũng than khóc, khác nào người con chí hiếu gặp phải tang cha hiền. Do lòng thành khẩn nên tiếng tăm của vương tử được bay xa.

Bấy giờ, đức Phật cùng năm trăm vị Tỳ-kheo đi đến nước ấy. Vương tử nghe tin, lòng vui mừng khôn xiết, liền ra nghinh đón, đảnh lễ sát đất, khóc lóc bày tỏ: “Con vì tâm hạnh nhơ uế, không phù hợp với lời dạy của Tam bảo bốn ân, gây nên khổ sở cho dân chúng, đất nước phải lâm vào cảnh khô hạn nhiều năm, lê dân đói khát, đau thương oan uổng. Nay cúi xin Ngài thương xót, cứu giúp cho nhân dân thoát khỏi mối họa, mọi tội lỗi con xin gánh chịu”.

Đức Phật nói: “Ông là bậc quân vương có nhân đức, thương yêu ban bố cho muôn dân, đức ấy sánh bằng trời Đế thích. Hết thảy chư Phật đều rõ biết và sẽ khiến cho ông được phước, chớ nên đau lòng quá!”

Nhà vua liền ra sắc lệnh cho dân chúng trồng lúa, mọi nhà đều tu tập, lúa sẽ được tốt tươi.

Bấy giờ nhà vua bảo: “Hãy đợi lúa chín”.

Quả thật năm ấy lúa được mùa, phủ đầy cả nước, hạt luá rất lớn, đong được vài đấu. Hạt gạo thơm dẽo, cả nước đều vui mừng, ca ngợi công đức của nhà vua. Khắp nhân dân giữ gìn giới pháp, quy y Tam bảo.

Sau khi mạng chung, thần thức của vua cùng các thần dân được sanh lên trời. Vị Bồ-tát nghèo lúc đó nay chính là thân ta.

(Trích kinh Lục Độ Tập quyển một)

16. HIỆN THÂN BA BA CHÚA CẢM HÓA ĐỒNG LOẠI CỨU SỐNG THƯƠNG BUÔN:

Thuở xưa, Bồ-tát từng hiện thân ba ba chúa, sinh sống trong biển lớn, cảm hóa được đồng loại. Con cháu và thần dân của ba ba chúa đều tu nhân tích đức. Riêng nhà vua tự mình vâng giữ và thực hành bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỉ, xả), thương xót chúng sanh như mẹ thương con.

Biển cả rộng lớn, bờ mé xa thẳm, đến nỗi chẳng có ai vượt qua được.

Bấy giờ ba ba chúa nổi lên trên mặt biển, bơi vào bờ nằm nghỉ, lưng ba ba rất chắc, lâu ngày khô ráo giống như đất liền. Lúc ấy, có đoàn người thương buôn từ nơi xa đi đến dừng nghỉ trên lưng ba ba. Họ cùng nhau chẻ củi nấu nướng, tất cả trâu ngựa xe cộ, đá quý đều an trí trên ấy.

Vì vừa bị đốt nóng, vừa bị chất nặng nên ba ba muốn lặn xuống nước nhưng sợ dìm chết đoàn thương buôn. Do đó ba ba đành phải cố gắng nhẫn chịu sự đau đớn, nhưng đến lúc nhẫn không nỗi liền lội vào vùng nước cạn để tìm cách dập tắt lửa độc mà không làm nguy hại đến đoàn người thương buôn.

Mọi người trên lưng ba ba lo sợ, cho là thủy triều chợt dâng lên, họ khóc la cầu cứu chư Thiên: “Trời Đế thích, Phạm vương, Tứ thiên vương, mặt trời mặt trăng, thần minh, xin các Ngài hãy dùng uy đức để thấy và cứu giúp chúng con”.

Lòng ba ba trào dâng niềm thương cảm, vì vậy mà nói với mọi người: “Các người hãy cẩn thận chớ kinh sợ như thế, tôi vì bị lửa đốt nóng quá nên mới lội vào trong nước để dập tắt cho đỡ nóng. Giờ này thì yên ổn rồi, không bị nguy hiểm đâu!

Nhóm thương buôn nghe vậy biết có hi vọng sống sót. Lúc ấy mọi người đều phát nguyện niệm: “Nam mô Phật”.

Bấy giờ ba ba khởi tâm đại bi và chở đoàn thương buôn vào bờ. Mọi người đều được thoát nạn, họ rất vui vẻ, từ xa lạy tạ, ngợi khen công đức và xem ba ba chúa là chiếc cầu cho nhiều người đi qua. Hành vi ấy là chiếc thuyền vượt qua ba cõi. Nếu như thành Phật thì sẽ cứu chúng sanh thoát khỏi hiểm nguy sanh tử.

Ba ba chúa đáp lại: “Lành thay! Lành thay! Nguyện sẽ được như lời các ông nói”. Thế rồi mỗi bên từ biệt ra đi.

Phật dạy: “ba ba chúa lúc bấy giờ nay chính là thân ta, năm trăm vị thương buôn là năm trăm đệ tử của ta như Xá-lợi-phất.v.v… (Trích Sanh Kinh quyển 4)