KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

PHẦN I: DIÊM-PHÙ-ĐỀ

Chương 1: Phạm vi, khoảng cách và những sản vật trong cõi Diêm-phù-đề.

Chương 2: Tinh xá.

  1. Trưởng giả Ca-lan-đà cúng dường TINH xá cho đức Phật
  2. Tu đạt mua vườn xây tinh xá

Chương 3: Núi

  1. Núi Côn lôn nơi năm trăm La-hán ở
  2. Mười núi chúa ở cõi diêm-phù-đề

Chương 4: Cây

  1. Cây cối nước Quang Minh phát ra pháp Âm
  2. Cây Thần dược
  3. Cây Đại dược
  4. Mười lăm loại cây lớn có lợi ích
  5. Đại tượng tàng hương
  6. Hương ngưu đầu chiên đàn
  7. Cây ở núi Tu di
  8. Loài cây độc

Chương 5: Sông và biển

  1. Bốn con sông lớn
  2. Năm con sông lớn
  3. Tám đức của biển

Chương 6: Châu báu

  1. Châu Minh-nguyệt ma-ni
  2. Biển lớn sanh ngọc quý
  3. Ánh sáng quý báu lớn
  4. Sự khác biệt hình thể và thọ mạng của người uống sữa nhiều hay ít.

PHẦN II: UẤT ĐƠN VIỆT

PHẦN I: CÕI DIÊM-PHÙ-ĐỀ

CHƯƠNG I: PHẠM VI, KHOẢNG CÁCH VÀ NHỮNG SẢN VẬT TRONG CÕI DIÊM-PHÙ-ĐỀ

Phạm vi của cõi Diêm-phù-đề gồm có mười sáu nước lớn, tám vạn bốn ngàn thành phố, do tám vị quốc vương và bốn vị thiên tử trị vì. Phía Đông của cõi Diêm-phù-đề có thiên tử nước Tấn, nhân dân rất giàu mạnh. Phía Nam có thiên tử nứơc Thiên Trúc, vùng này nổi tiếng là nhiều voi quý. PhíaTây có thiên tử nước Đại Tần, vùng này có rất nhiều vàng ngọc bích. Phía Bắc có thiên tử nước Nhục chi, vùng đất có rất nhiều ngựa quý hiếm.

Trong tám vạn bốn ngàn thành phố ấy có sáu ngàn bốn trăm dân tộc, nói vạn thứ tiếng, cùng sinh sống ở đó. Năm mươi sáu vạn ức thị trấn, sản vật gồm có sáu ngàn bốn trăm loài cá, bốn ngàn năm trăm loài chim, hai ngàn bốn trăm loài thu, vạn loại cây cối, tám ngàn loài thảo mộc, bảy trăm bốn mươi loài cây thuốc, bốn mươi ba loại hương thơm, một trăm hai mươi mốt loại vật quý trong đó có bảy loại thuần báu.

Trong quốc nội gồm có hai ngàn năm trăm quốc độ, một trăm tám mươi quốc độ sống bằng ngũ cốc, hai ngàn ba trăm hai mươi quốc độ sống bằng cách ăn động vật biển như cá, ba ba,giải.vv…

Năm vị vua lớn, mỗi vị trị vì năm trăm thành phố. Vị vua thứ nhất tên là Tư-lê, nhân dân trong nước thờ phụng Tam bảo, không tin theo tà giáo. Vị vua thứ hai tên là Ca-la, quốc độ có nhiều thứ báu quý. Vị vua thứ ba tên là Bất-la, quốc độ sản xuất ra bốn mươi ba loại hương và bạch lưu ly. Vị vua thứ tư tên là Xà-da, quốc độ trồng rất nhiều cây Tất-bát và Hồ-tiêu. Vị vua thứ năm tên là Na-phả, quốc độ có bạch châu và lưu ly bảy màu. Nhân dân ở nhiều thành phố trong năm nước lớn, da đen, hình tướng thấp, nhỏ. Cách đây sáu mươi lăm vạn dặm, thì ở đó chỉ có nước biển mà không có loài người sinh sống. Năm nước lớn này cách núi Thiết vi một trăm bốn mươi vạn dặm. Vùng người Trunga-quật-ma-sát ở, cách phía Đông nước Xá-vệ tám mươi vạn dặm, đây là một trong những nơi được Đức Phật giáo hóa.

Nước Câu-di-na-kiệt cách phía Đông Nam nước Ca-duy-la-vệ một ngàn dặm.

Nước Xá-vệ cách Đông Nam nước Ca-di-la-vệ hai ngàn hai trăm dặm, nơi Đức Phật thành đạo, cách Đông Nam thành Vương-xá hai trăm dặm.

Nước Duy-na-ly cách phía Đông nước Ca-duy-la-vệ một ngàn tám trăm dặm.

Nước Nại-nữ cách phía Nam thành Duy-na-ly ba dặm.

Nước Câu-thiểm-di cách phíaTây Nam Ca-duy-la-vệ một ngàn hai trăm dặm.

Nước Diệp-ba cách phía Đông nước Ca-duy -la-vệ một ngàn hai trăm tám mươi dặm. Nước Nan cách phía Đông nước Ca-duy-la-vệ ba ngàn hai trăm dặm.

Nước Xá-vệ cách phíaTây nước Ca-duy-la-vệ năm trăm dặm.

Nước Ba-la-nại cách phíaTây của nước Ca-duy-la-vệ chín trăm sáu mươi dặm.Tại Thánh địa Đức Phật chuyển Pháp luân cách phía Bắc của nước Ba-la-nại khoảng hai mươi dặm, ở đây có một giống cây tên là Hương-tịnh là nơi Đức Phật hàng phục ma quân.

Nước Ba-la-nại-tư cách phía Nam nước Xá-vệ khoảng một ngàn bốn trăm dặm, giữa hai nước có dòng sông Hằng chảy theo hướng Đông Nam. Núi Kỳ-xà-quật bao gồm năm ngọn núi lớn, đức Phật đã giảng kinh ở ngọn núi giữa, nước Xá-vệ cũng nằm dưới chân ngọn trung tâm

(Trích kinh Thập Nhị Du)

– Hỏi: Các đại thành như Xá-Bà-đề, Ca-tỳ-la, Ba-la-nại mỗi mỗi đều có cung điện của nhà vua, vì sao chỉ gọi thành này là thành Vươngxá?

– Đáp: Có người nói; “Quốc vương nước Ma-kiệt-đà sanh một người con, một đầu nhưng hai khuôn mặt và bốn cánh tay. Người lúc bấy giờ cho là điềm không lành. Nhà vua bèn xé đầu và thân của người con quẳng ra ngoài đồng vắng. Lúc ấy có một nữ quỷ La-sát tên là Lêla, lượm thân thể ráp lại và đem về nuôi. Về sau người con đó trưởng thành, có sức mạnh chinh phục tất cả các nước khác, ông ta bắt cả thảy một vạn tám ngàn vị quốc vương nhốt vào trong năm ngọn núi này, nhờ có thế lực, nên ông ta đã cai trị cõi Diêm-phù-đề,vì vậy gọi nơi này là Vương-xá”.

Lại nữa, có người nói; “Trong thành vua Ma-dà-đà ở trước đây bị lửa cháy, cứ mỗi lần cháy là mỗi lần dựng lại, mãi như thế đến bảy lần, nhân dân trong nước quá mệt mỏi. Nhà vua bèn triệu tập các người tài trí để hỏi ý kiến. Có người nói phải nên dời cung điện, nhà vua thấy năm ngọn núi bao quanh như thành, liền lập cung điện và ở đó, nên gọi thành này là thành Vương-xá vậy”.

Lại nữa, vào thời xa xưa, nước này có vị vua tên là Bà-tẩu, vì nhàm chán pháp thế gian nên bỏ cung điện xuất gia tu học làm vị Tiên nhân.

Lúc bấy giờ có Bà-la-môn tại gia cùng tranh cãi với các tiên nhân xuất gia. Bà-la-môn tại gia nói: “Trong lễ tế trời phải giết vật và ăn thịt.”

Vị tiên nhân xuất gia nói: “Không có phép này”.

Hai bên cùng nhau tranh cãi. Có Bà-la-môn xuất gia nói: “Ở đây có một vị đại vương xuất gia làm tiên nhân, các người tin tưởng không?”

Bà-la-môn tại gia nói: “Tôi tin tưởng”.

Tiên nhân xuất gia nói: “Ta nhờ người này làm chứng, hôm sau sẽ hỏi”.

Bà-la-môn tại gia đến chỗ tiên nhân Bà-tẩu để hỏi chuyện và bảo với Bà-tẩu: “Ngày mai tranh luận, Ông hãy giúp tôi”.

Thế rồi ngày mai đến giờ tranh luận, các vị tiên nhân xuất gia hỏi Bà-tẩu rằng: “Khi tế trời có nên giết vật để cúng tế và ăn thịt hay không?”.

Tiên nhân Bà-tẩu nói:” Theo pháp Bà-la-môn thì nên sát sanh và ăn thịt, bởi vì con vật đó được chết trong khi tế trời, cho nên nó được sanh lên trời”.

Các vị tiên nhân xuất gia nói: “Ông nói hoàn toàn không đúng, ông là người đại vọng ngữ”.

Rồi họ chưởi mắng Bà-tẩu rằng: “Ngươi là kẻ có tội, nên trừ bỏ ngươi đi”.

Khi ấy tiên nhân Bà-tẩu tức thời bị chôn xuống đất khỏi mắt cá. Đó là bước ban đầu xử kẻ phạm tội nặng.

Các vị tiên nhân xuất gia nói: “Ngươi hãy nói thật lòng, nếu như ngươi cố tình nói dối thì thân của ngươi sẽ bị vùi vào trong đất mà chết”.

Bà-tẩu đáp: “Tôi biết vì tế trời mà giết vật ăn thịt là không có tội”.

Lập tức Bà-tẩu bị lấp đất đến ngang đầu gối, cứ như vậy lấp dần đến eo lưng rồi tới cổ.

Tiên nhân xuất gia nói: “Ông nay còn nói dối thì phải chuốc lấy quả báo hiện tiền thế đấy, còn nếu như ngươi nói thật lòng thì dầu ngươi bị chôn dưới lòng đất chúng tôi cũng cứu ngươi lên và tha tội chết cho ngươi”

Bà-tẩu thầm nghĩ: “Ta là hạng người quý trọng, không nên nói hai lời, vả lại trong pháp bốn bộ kinh Vệ-đà cũng có pháp khen ngợi việc tế trời, dù ta có chết thì cũng chỉ một mình ta, đâu có đáng kể gì”.

Thế rồi Ba-tẩu vẫn một mực nói: “Theo pháp tế trời, giết vật ăn thịt không có tội”.

Thế là toàn thân Bà-tẩu bị chôn vùi dưới lòng đất.

Từ đó về sau, thường theo pháp tế của tiên nhân Bà-tẩu, mỗi khi tế trời đều giết vật để cúng tế và ăn thịt, đang lúc cầm dao giết dê thì hô rằng: “Bà-tẩu giết ngươi”. Con của Bà-tẩu tên là Quảng-xa, nối ngôi vua cha, Ông ta cũng nhàm chán pháp thế gian nhưng không đi xuất gia.

Quảng-xa nghĩ: “Cha ta vì xuất gia mà bị chôn sống trong đất, còn trị vì thiên hạ lại tạo thêm nhiều tội nặng, ta nay phải tính sao đây?”.

Trong lúc suy nghĩ như thế, nhà vua liền nghe ở trong hư không nói rằng: “Ngươi hãy đi đến nơi nào mà cảm thấy ít có và khó gặp nhất, thì hãy làm nhà và ở đó”.

Không bao lâu, nhà vua đi săn, gặp một con nai chạy nhanh như gió, nhà vua bèn rượt theo, các quan thị tùng không ai đuổi kịp. Nhà vua chạy mãi nhìn thấy trước mặt có năm ngọn núi bao quanh hùng vĩ, đất ở đó rất đẹp đẽ, khắp nơi đều có thoảng mùi hoa hương của cõi trời, có nhạc trời tấu vang.

Nhà vua nghĩ: “Nơi này thật hiếm có, chưa từng thấy bao giờ, ta hãy làm nhà ở trong đó”.

Nhà vua bèn bỏ thành quách cung điện cũ và ở lại trong núi này. Từ đây về sau, các vua lần lượt nối nhau cùng ở chốn này, cho nên gọi là thành Vương xá.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển ba)

 

CHƯƠNG II: TINH-XÁ

1. TRƯỞNG GIẢ CA-LAN-ĐÀ KIẾN TẠO TINH XÁ CHO PHẬT:

Có một vị trưởng giả giàu có, tên là Ca-lan-đà, nhớ tiếc mà nằm ngồi không yên vì khu vườn của mình trước đây đã cúng dường cho ngoại đạo lõa thể Ni-kiền-tử, không cúng được cho đức Phật và chúng Tăng.

Lúc bấy giờ có một vị tướng quân đại quỷ tên là Bán-sư, thừa oai lực của đức Phật, triệu tập Dược-xoa để đánh đuổi bọn Ni-kiền-tử ra khỏi khu vườn.

Họ bảo: “Bọn ngoại đạo loã thể kia không biết xấu hỗ”. Quỷ soái thừa lệnh, đánh đuổi bọn Ni-kiền-tử và bắt chúng mang những đồ vật ra khỏi khu vườn.

Ngoại đạo Ni-kiền-tử bị đánh, hốt hoảng bỏ chạy và nói: “Người nào mà bạo ác hại ta như thế?”.

Quỷ soái đáp: “Trưởng giả Ca-lan-đà sẽ lấy lại vườn trúc để xây dựng Tinh xá cúng dường đức Phật, tướng quân đại quỷ Bán-soái được sai đuổi bọn ông ra khỏi đây.”

Ngày hôm sau Ni-kiền-tử trách mắng trưởng giả Ca-lan-đà rằng: “Nếu Trưởng giả lòng vui thì ta đành phải xin đi thôi”.

Trưởng giả đáp: “Bọn quỷ thần bạo ác, ôm lòng sân hận, sợ ắt sẽ làm hại các ngươi, chi bằng các ngươi lánh đi nơi khác để tìm nơi yên ổn mà ở”.

Nghe lời ấy xong, bọn Ni-kiền-tử nổi giận, ngay hôm đó chúng cùng nhau dọn đi nơi khác.

Sau khi đuổi bọn ngoại đạo Ni-kiền-tử ra khỏi khu vườn, trưởng giả Ca-lan-đà liền xây dựng Tinh xá, tạo lập Tăng phòng, các vật dụng tiện nghi đầy đủ nghiêm trang. Công việc đã hoàn tất, trưởng giả bèn đi đến nơi đức Phật đang cư ngụ để thỉnh Ngài và chúng Tăng.

Đức Phật chấp nhận lời thỉnh mời của trưởng giả, và Ngài ở lại đó thuyết pháp giáo hóa, không ai mà không vui mừng.

(Trích từ Trung Bổn Khởi quyển thượng)

2. TU-ĐẠT-ĐA MUA VƯỜN ĐỂ TẠO LẬP TINH XÁ:

Tu-đạt-đa bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, nhân dân trong thành Xá-vệ phần nhiều tin theo ngoại đạo, Như Lai đại từ mẫn, xin Ngài thương xót quang lâm đến thành Xá-vệ để giáo hóa họ.

Phật dạy: “Ở trong thành Xá-vệ không có tinh xá thì làm sao mà đến đó?”

Tu-đạt bạch Phật: “Đệ tử sẽ xây dựng, xin Ngài chấp nhận cho.”

Đức Thế Tôn im lặng, Tu-đạt lại bạch: “Xin Ngài cho Tôn giả Xá-lợi-phất đến để phác họa mô hình của Tinh xá và chỉ đạo việc xây dựng”

Đức Phật liền sai Ngài Xá-lợi-phất cùng đi với trưởng giả Tu-đạtđa. Hai người đi khắp nơi, nhưng không chọn được khu đất nào cho vừa ý, chỉ có khu vườn của Thái tử Kỳ-đà đất đai bằng phẳng, cây cối xum xuê, không xa thành phố lắm. Tu-đạt-đa đến thưa chuyện với Thái tử Kỳ-đà, Thái tử cười và nói: “Khu vườn này tôi muốn dùng nó để vui chơi”.

Tu-đạt-đa ân cần năn nỉ Thái tử nhường lại.

Thái tử nói: “Nếu như có thể đem vàng ròng rãi kín mặt đất của toàn bộ khu vườn thì ta sẽ giao vườn cho”.

Trưởng giả Tu-đạt-đa nói: “Thưa Thái tử, tôi xin chấp nhận giá mà thái tử vừa đưa ra”.

Thái tử nói: “Ta nói cho vui vậy thôi chứ không bán đâu”.

Tu-đạt thưa: “Ngài là Thái tử, không nên nói chơi”.

Thế rồi hai người cùng nhau tranh cãi.

Lúc bấy giờ vị Thủ-đà-hội thiên từ trên trời bay xuống hóa làm một người, đi đến hòa giải. Ông ta nói: “Đã làm một Thái tử thì không nên nói sai, giá cả đã quyết định thì nửa chừng không nên vì tiếc mà rút lại.Thái tử bèn phải giao khu vườn lại cho trưởng giả Tu-đạt.

Khi ấy Tu-đạt liền sai người đem voi chở vàng đến lót, tám mươi khoảnh vườn trong chốc lát đã gần đầy, chỉ còn lại một ít đất chưa có vàng lót (1).Tu-đạt suy nghĩ nên lấy vàng kho nào vừa đủ lót chỗ đất còn lại đây?.

Thái tử Kỳ-đà hỏi: “Ngươi chê đắt thì để đó”.

Tu-đạt nói: “Thưa Thái tử không phải”.

Thái tử Kỳ-đà tự nghĩ: “Đức Phật hẳn là một vị có đức độ lớn lao mới khiến cho người này xem nhẹ vàng bạc như thế chứ!”

Nghĩ vậy xong, Thái tử Kỳ-đà liền bảo với Tu-đạt rằng: “Nay đất ở trong vườn thuộc về Ông còn vườn cây này của ta, tự ta dâng cúng Đức Phật (2). Bèn cùng nhau khởi công.

Bọn lục sư ngoại đạo biết được việc này chúng liền kéo đến tâu với nhà vua rằng: “Trưởng giả Tu-đạt đã mua khu vườn của Thái tử Kỳ-đà để xây dựng tinh xá cúng dường đức Cù-đàm, xin bệ hạ cho phép đệ tử của chúng tôi so tài với các Sa-môn đệ tử Cù-đàm, nếu như Samôn thắng thì mới cho tạo lập tinh xá, còn như không thắng thì không đươc xây dựng”.

Nhà vua liền cho triệu Tu-đạt đến và nói: “Nay bọn luc sư ngoại đạo nói: “Ông mua vườn muốn tạo lập tinh xá để cúng dường đức Cùđàm thì họ yêu cầu Sa-môn đệ tử Cù-đàm phải đồng ý so tài với họ, nếu như thắng họ thì mới cho xây dựng tinh xá, giả như không thắng thì không được xây dựng”.

Tu-đạt về đến nhà lòng buồn rười rượi, ngay cả áo quần dơ bẩn cũng không thèm thay.

Sáng hôm sau, đến giờ tôn giả Xá-lợi-phất đắp y trì bát từ tốn đến nhà Tu-đạt, nhìn thấy trưởng giả âu sầu thảm não như vậy, Tôn giả hỏi: “Sao Trưởng giả lại buồn rầu như thế?”.

Tu-đạt kể lại chuyện cho tôn giả Xá-lợi-phất nghe và nói rằng: “Bọn lục sư này xuất gia đã lâu, vốn đã có tài năng lại siêng học tập pháp thuật nên khó ai mà sánh kịp, nay con không biết Tôn giả có thể so tài cùng họ được không?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp: “Cho dầu môn đồ của bọn lục sư có đầy dẫy cả cõi Diêm-phù-đề hay nhiều như là rừng tre nứa đi nữa thì cũng không thể động vào đầu sợi lông chân của ta được, họ muốn so tài cách nào ta đều đồng ý cả”.

Nghe nói thế, Tu-đạt vui mừng, liền tắm gội bằng nước hương thơm, thay áo mới rồi đến gặp nhà vua.

Tu-đạt tâu lên vua: “Thần đã hỏi Sa-môn đệ tử Phật và họ đã đồng ý”.

Vua bảo với bọn lục sư: “ Nay cho phép các Ông so tài với Samôn đệ tử của Phật”. Nhận đươc lệnh xong, bọn lục sư bèn loan tin cùng toàn thể dân chúng trong nước, sau một tuần họ sẽ cùng với Sa-môn tranh tài ở bên ngoài thành.

Nhân dân trong nước Xá-vệ số nhiều đến mười tám ức người, nước ấy dùng lệnh trống để triệu tâp dân chúng, nếu đánh trống đồng thì có tám ức người tụ tập đến. Nếu đánh trống bạc thì mười bốn ức người tập trung đến. Nếu đánh trống vàng thì tất cả nhân dân đều vân tập đến.

Kỳ hẹn bảy ngày đã đến, tiếng trống vàng được trổi lên, tất cả mọi người đều tập họp trong một khu đất bằng và rộng, riêng đồ chúng của bọn lục sư gồm có ba ức người. Lúc bấy giơ nhà vua cùng với bọn lục sư được nhân dân trong nước làm một tòa cao để ngồi. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng được trưởng giả Tu-đạt làm một tòa cao.

Lúc ấy tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới gốc cây nhập các thiền định và nghĩ rằng: “Bọn ngoại đạo này đã lâu học theo tà giáo, lòng kiêu mạn tự cao, xem mọi người như cỏ rác, ta nay nên dùng đức gì để hàng phục họ đây?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghĩ như thế xong liền phát nguyện rằng: “Nếu trong vô số kiếp ta là người có hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính các bâc Sa-môn, Bà-la-môn, thì hôm nay ta mới bước vào chúng hội tất cả mọi người đều phải đứng dậy làm lễ ta.”

Bọn lục sư thấy mọi người đã tề tựu đông đủ mà chỉ riêng Ngài Xá-lợi-phất chưa đến liền tâu vua rằng: “Tâu Đại vương, đệ tử của Cùđàm tự biết không có tài năng gì nên chúng hội đã tụ tập mà Ông ta sợ quá không dám đến”.

Nhà vua hỏi Tu-đạt: “Đã đến giờ so tài rồi, đệ tử Phật phải có mặt thôi!”

Khi ấy Tu-đạt đến chổ của tôn giả Xá-lợi-phất quỳ xuống bạch rằng: “Bạch Đại đức, đại chúng đã vân tập, xin Đại đức quang lâm”.

Lúc đó Tôn giả mới xả định, chỉnh đốn y phục, vắt tọa cụ lên vai trái, ung dung bước như sư tử chúa, đi đến trước hội chúng. Ngay lúc ấy, cả hội chúng và bọn lục sư bỗng đứng phắt dậy như ngọn gió lớn thổi qua cánh đồng trống, họ đồng vái chào. Tôn giả bước lên tòa của mình an tọa.

Lúc bấy giờ trong đồ chúng của lục sư ngoại đạo có một vị đệ tử tên là Lao-độ-sai rất giỏi về thuật huyễn hóa, hắn đứng trước hội chúng, đọc thần chú liền hóa ra một cây tự nhiên cao lớn, cành lá tốt tươi, hoa quả đủ loại, che phủ cả hội chúng.

Mọi người đều nói: “Cây này chính là do Lao-độ-sai biến ra”.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền dùng thần lực hóa ra một trận cuồng phong, xoáy bật ngược gốc cây rồi rơi xuống đất nát vụn.

Mọi người đều reo hò: “Xá-lợi-phất thắng”.

Lao-độ-sai lai tiếp tục đọc thần chú biến ra một cái ao, bốn phía ao đều làm bằng bảy báu, trong ao xuất hiện các loài hoa.

Tôn giả Xá-lợi-phất dùng thần lực hóa ra một con voi trắng sáu ngà, trên mỗi ngà có bảy hoa sen, trên mỗi hoa sen có bảy vị ngọc nữ. Voi trắng thông thả bước đến bên hồ uống hết nước, ao liền biến mất.

Lao-độ-sai lại hóa hiện ra một ngọn núi được trang nghiêm bằng bảy báu, bên ao có các loại cây cối và hoa trái thật xum xuê.Tức thời Tôn giả Xá-lợi-phất lại hóa ra một vị Kim cang đại lực sĩ, tay cầm chày kim cang, từ xa chỉ vào ngọn núi, núi liền tan vỡ không còn mãnh nào.

Lao-độ-sai lại hóa ra một con rồng có mười cái đầu, bay lượn giữa hư không phun ra các thứ báu, sấm chớp làm chấn động quả đất. Đại chúng thấy vậy đều kinh hãi. Lúc ấy Xá-lợi-phất lại hóa hiện ra một con chim chúa cánh vàng, xé xác rồng mà ăn thịt.

Lao-độ-sai lại hóa làm một con trâu, thân hình cao lớn, sức lực rất mạnh, chân to, sừng nhọn, vừa chạy vừa rống lớn, lao đến trước mặt Tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả lập tức hóa ra một con sư tử, vồ lấy thân trâu, phân thây mà ăn.

Lao-độ-sai lại biến làm một quỷ Dạ-xoa, thân hình cao to, trên đầu đội lửa đang hừng hực cháy, mắt đỏ như huyết, răng nanh dài nhọn, cả miệng lẫn mắt đều phun ra lửa, bay nhanh đến nơi Ngài Xá-lợiphất.

Tôn giả tức thời hóa làm một vị Tỳ-Sa-môn vương, Dạ-xoa hốt hoảng, liền muốn tháo chạy, thế nhưng tất cả bốn phía đều có lửa dữ bốc cháy, không sao thoát nổi, chỉ riêng Tôn giả Xá-lợi-phất là mát mẻ bình thường.

Lao-độ-sai bấy giờ mới chịu khuất phục, năm vóc sát đất đảnh lễ Tôn giả, cầu xin tha mạng, lòng hổ thẹn đã phát sinh, lửa liền biến mất. Đại chúng reo hò: “Xá-lợi-phất thắng, Lao-độ-sai thua”.

Lúc bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bay lên hư không, hiện bốn oai nghi với mười tám thứ thần biến. Hiện thần biến xong Tôn giả thâu nhiếp thần túc và ngồi lại chỗ cũ. Đại chúng trong thấy thần lực của Tôn giả Xá-lợi-phất ai nấy đều hoan hỉ. Nhân đó Tôn giả thuyết pháp giáo hóa, tùy theo phước hạnh của từng người mà mỗi mỗi đều thấy được dấu tích của đạo, ba ức đồ chúng đệ tử của bọn lục sư ngoại đạo đều theo Tôn giả Xá-lợi-phất xuất gia học đạo.

Sau khi công việc sánh tài đã xong, Tôn giả cùng Tu-đạt trở về khu vườn lên đồ án xây dựng Tinh xá. Tu-đạt tự tay cầm dây đo đạc, Xá-lợi-phất vui vẻ mỉm cười. Tu-đạt bạch cùng tôn giả rằng: “Vì sao Ngài cười?”.

Xá-lợi-phất đáp: “Ông mới khởi công xây dựng tinh xá ở đây mà cung điện ở trong cõi trời Lục dục đã dành cho ông rồi”. Nương vào đạo nhãn của Tôn giả Xá-lợi-phất mà trưởng giả thấy rõ được tất cả.

Trưởng giả Tu-đạt thưa Tôn giả Xá-lợi-phất: “Bạch tôn giả, trong cõi trời Lục Dục này nơi nào vui sướng nhất?”

Xá-lợi-phất đáp: “Cõi trời thứ tư ít ham muốn và biết đủ, ở đó luôn có bậc Bồ-tát còn một đời nữa được bổ xứ làm Phật sanh về nên lúc nào pháp Âm cũng được truyền dạy.

Tu-đạt bạch Tôn giả rằng: “Con nguyện sẽ sinh vào cõi trời thứ tư này”. Vừa nói lời ấy xong tất cả các cung điện đều biến mất, Tu-đạt lại cầm dây đo tiếp. Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất trở nên lo buồn. Trưởng giả Tu-đạt bèn hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: “Cớ sao Tôn giả buồn như thế”

Xá-lợi-phất đáp: “Ông nay có nhìn thấy đàn kiến đang sinh sống trong khu vườn này không? Trong quá khứ, thời đức Phật Tỳ-Bà-thi còn trụ thế cũng chính nơi khu vườn này ngươi đã xây dựng tinh xá cúng dường Phật và chúng Tăng. Đồng thời loài kiến này cũng sinh sống trong khu vườn ấy. Đến lúc đức Phật Ca-diếp ra đời chúng vẫn làm thân kiến. Ông đã trải qua chín mươi mốt kiếp làm thân trưỡng giả tạo lập tinh xá, xây cất phòng ốc để dâng cúng đức Phật và chúng Tăng, lấy loài cây chiên đàn quý hiếm chế thành bột hương để cúng dường”.

Lúc trưởng giả xây cất xong, trong tinh xá có tất cả một ngàn hai trăm phòng riêng bao gồm một trăm hai mươi khu khác biệt. Trưởng giả liền đến tâu với nhà vua rằng: “Tâu đại vương mong Ngài phái người đi thỉnh Phật về an trụ nơi tinh xá này”.

Nhà vua liên sai sứ đến thành Vương xá thỉnh Phật và chúng Tăng.

Sứ đến bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, nay Tinh xá đã xây dựng xong, xin Ngài từ bi quang lâm che chở cho nước Xá-vệ chúng con”.

Đức Phật nhận lời cầu thỉnh đó. Bốn chúng lần lượt vây quanh đức Phật, Ngài phóng ra ánh đại quang minh chấn động cả địa cầu rồi từ từ đi đến nước Xá-vệ.

Trên đường đi, Phật và đại chúng dừng lại ở các khách xá. Đức Thế Tôn lần lượt độ cho mọi người số đông không hạn lượng. Khi đến bên thành Xá-vệ, tất cả mọi người đều bưng các thứ cúng dường nghinh đón Như Lai. Đức Thế Tôn liền phóng hào quang lớn chiếu khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới, Ngài bèn dùng ngón chân ấn xuống mặt đất, cả đại địa liền chấn động, trong thành các kỷ nhạc không đánh mà tự trỗi lên. Bấy giờ người mù mắt liền sáng lại, người điếc được nghe, người câm được nói, người gù được thẳng, người tàn tật được lành mạnh. Mười tám ức người, nam nữ lớn bé đều thấy được điềm lành này, vui mừng khôn xiết, cùng nhau đến chỗ đức Phật. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn tuỳ bịnh mà cho thuốc, thuyết pháp cho họ nghe, mọi người đều giác ngộ.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 10, kinh Niết-bàn trong Tạp A hàm và các bản Luật đều giống vậy)

CHƯƠNG III: NÚI

1. NÚI CÔN LÔN NƠI NĂM TRĂM A LA-HÁN Ở:

Núi Côn lôn là quả núi nằm ở trung tâm cõi Diêm-phù-đề, quả núi toàn bằng đá quý. Bao quanh núi gồm có năm trăm hang động toàn bằng vàng ròng, nơi này thường có năm trăm vị La-hán cư ngụ.

Trong núi có ao A-nậu bao quanh, trong vùng đất bằng của núi có sông đi qua, bờ sông có bốn đầu con thú bằng vàng, miệng thường phun nước, mỗi dòng nước chảy quanh một vòng ra bốn phía,rồi tuôn ra biển. Nước từ miệng voi phun ra thành sông Hoàng hà.

Ao A-nậu chiều rộng hai mươi lăm do tuần, chiều sâu hai mươi mốt dặm. Trong ao có đài vàng rộng một do tuần, trên đài có hoa sen bằng vàng, cọng sen làm bằng bảy báu, vào ngày rằm mỗi tháng đức Phật thường thuyết giới cho năm trăm vị La-hán.

(Trích kinh Hưng Khởi Hạnh quyển thượng)

2. MƯỜI NÚI CHÚA Ở CÕI DIÊM-PHÙ-ĐỀ:

Cõi Diêm-phù-đề có cả thảy mười ngọn núi chúa.

  1. Núi chúa Tuyết sơn.
  2. Núi chúa Hương sơn.
  3. Núi chúa Kha lê la.
  4. Núi chúa tiên Thánh.
  5. Núi chúa Do càn đà.
  6. Núi chúa Mã nhĩ.
  7. Núi chúa Ni dân đà la.
  8. Núi chúa Chước ca la.
  9. Núi chúa Túc huệ.
  10. Núi chúa Tu di.

(Trích kinh Hoa Nghiêm quyển hai mươi hai).

3. TÁM NHÂN DUYÊN ĐỊA CẦU CHẤN ĐỘNG:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ở thành Xá-vệ, Ngài bảo các Tỳ-kheo rằng: “Có tám nhân duyên làm cho địa cầu chấn động”.

1. Chiều sâu của quả đất này có sáu mươi vạn tám ngàn do tuần, nhờ vào nước mà được duy trì; nước cũng nhờ vào hư không mà tồn tại. Có lúc gió trên hư không động nên nước chuyển động, khi nước chuyển động thì làm cho quả đất chấn động.

2. Hoặc một vị Tỳ-kheo khi đạt được thần túc, tự tại trong các dục, xem quả đất như trong lòng bàn tay, khiến cho quả đất chấn động.

3. Hoặc chư Thiên có thần túc lớn, có oai lực lớn có thể khiến cho cõi đất chấn động.

4. Hoặc các vị Bồ-tát ở trên cõi trời Đâu Suất muốn đản sanh trở lại nhân gian thì lúc ấy quả đất chấn động.

5. Hoặc Bồ-tát biết mình đang ở trong thai mẹ thì khi ấy địa cầu liền chấn động mạnh.

6. Hoặc Bồ-tát biết mình ở trong thai thai mẹ đã đủ mười tháng thì lúc ấy trái đất chấn động.

7. Hoặc Bồ-tát xuất gia, ngồi nơi đạo tràng, hàng phục ma oán, trọn thành chánh giác thì lúc ấy quả đất chấn động mạnh.

8. Khi đức Như Lai nhập vô dư Niết-bàn thì lúc ấy quả đất liền chấn động. Đây là tám nhân duyên làm cho quả đất chấn động. ( Trích kinh Tăng nhất A-Hàm quyển ba mươi ba).

CHƯƠNG IV: CÂY

1. CÂY CỐI Ở NƯỚC QUANG MINH PHÁT RA PHÁP ÂM:

Trong thời quá khứ có đức Phật hiệu là Sư Tử Hống Cổ Âm Vương, nước tên là Thiên-quang-minh, có cây bằng bảy báu, từ trong cây phát ra những thứ pháp âm như: Không, Vô tướng, Vô tác,Vô sanh, Vô sở hữu, Vô thủ tướng. Âm của các pháp được phát ra như vậy. (Trích chư kinh Vô Hành)

2. CÂY THẦN DƯỢC:

Có loại cây thần dược tên là: Ma-la-đà-tuỳ-chủ-yểm rất độc hại không ai dám sử dụng càn bậy. Bấy giờ một con rắn thần lớn, thân dài một trăm hai mươi trượng, nhân lúc đi tìm thức ăn giữa đường gặp một con vật đầu đen thân dài năm trượng. Lúc ấy rắn muốn cất đầu về phía trước để mỗ con vật kia, bỗng nhiên nghe mùi của thuốc liền quay đầu muốn chạy, thân rắn lại vướng vào cây thần dược và đứt ra hai phần. Nửa phần đầu của rắn bỏ chạy còn nửa phần đuôi thì rã nát và bốc mùi hôi thối. Thế nhưng khi các độc của cây thần dược gặp mùi hôi thối của rắn thì cũng ngay lập tức các thứ khí độc liền tiêu diệt. (Trích kinh Thiện Tín quyển hạ).

3. CÂY ĐẠI DƯỢC:

Trên đỉnh núi Tuyết sơn có loài cây dược vương được gọi là: Chẳng phải từ gốc mà sanh ra mà cũng chẳng phải không từ góc mà sanh ra.

Cây này rộng sáu trăm tám mươi vạn do tuần, rể ăn sâu xuống tận Kim-cương-tế. Khi cây này sanh ra rễ thì rễ của tất cả các cây trong cõi Diêm-phu-đề cũng phát triển.

Nếu khi nào cây sanh cành lá hoa trái thì tất cả các cây trong cõi Diêm-phù-đề cũng đều sanh cành lá hoa trái. Giống cây này từ dưới rễ cũng có thể sanh ra thân cây và thân cây ấy cũng có thể sanh ra rể. Cho nên gọi cây ấy là không từ rễ sanh và cũng từ rễ mà sanh ra. Đăc biệt là ở bất cứ nơi nào cây này cũng đều phát triển tốt, chỉ trừ trong địa ngục sâu và trong thuỷ luân cây này không bao giờ sanh trưởng trong ấy. (Trích kinh Hoa Nghiêm quyển ba mươi).

4. MƯỜI LĂM LOẠI CÂY LỚN CÓ LỢI ÍCH:

Ngày xưa có vị vua tên là Vật liệp, trong nước có loại cây gọi làTu-ba-đề-hoàn, toả rộng năm trăm sáu mươi dặm, rễ ăn rộng tám ngàn bốn trăm dặm, cây cao bốn ngàn dặm và có năm loại quả hướng ra năm phía. Một phía trái nó dành cho quốc vương, hoàng tộc cùng các cung phi mỹ nữ. Một phía trái nó dành cho các đại thần bá quan văn võ cùng nhau. Một phía dành cho nhân dân trong nước. Một phía trái nó dành cho các Sa-môn đạo sĩ cùng ăn. Phía còn lại là trái dành cho các loài chim thú. Mỗi trái nặng hai thăng (hai kg), vị ngọt như mật. Cây không có người canh giữ mà quả không ai tranh giành. Lúc bấy giờ thọ mạng con người là tám vạn bốn ngàn tuổi, con người có chín thứ bịnh: lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, ái dục, ăn nhiều, tuổi già, người nữ đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.

(Trích A-nan Hiện Kinh)

5. ĐẠI TƯỢNG TÀNG HƯƠNG:

Trong nhân gian có loài hương tên là Đại tượng tàng. Thứ này do loài rồng đánh nhau mà sinh ra thứ hương này. Nếu đốt một viên thì ánh sáng lớn phát ra và có áng mây mổng che trùm phía trên, mùi vị nó như cam lộ. Suốt bảy ngày bảy đêm mưa nước hương thơm xuống, nếu mưa thấm ướt trên thân người, liền trở thành màu vàng, nếu cung điện lầu gác được mưa thấm thì cũng trở nên màu vàng óng. Nếu có chúng sanh nào ngửi được mùi hương này thì bảy ngày bảy đêm vui vẻ, tiêu diệt được tất cả bịnh tật, không bị chết yểu, lòng xa lìa tất cả các nguy hại sợ sệt, luôn tưởng nhớ đến chúng sanh mà thực hành hạnh đại từ bi.

Chẳng bao lâu ta biết được họ sẽ thuyết pháp khiến cho vô lượng chúng sanh đắc đạo quả bất thối chuyển.

( Trích kinh Hoa Nghiêm quyển 42)

6. HƯƠNG NGƯU ĐẦU CHIÊN ĐÀN:

Hương Ngưu đầu chiên đàn dược sanh ra từ núi Ly cấu. Nếu dùng hương này xoa lên thân thể thì lửa không thể đốt cháy.

(Trích kinh Hoa Nghiêm quyển bốn mươi)

7. CÂY Ở PHÍA NAM NÚI TU DI

Phía Nam của núi Tu-di có một loài cây cổ thụ lớn, cao bốn ngàn dặm, trên cây thường có loài chim Bát-xoa trú ngụ, nhưng cây không bao giờ lay động. Một hôm có một chú chim nhỏ, hình dạng giống loài chim Cun-cút đậu lại trên cây, bỗng nhiên cây giao động. Chim Bát-xoa thấy vậy ngạc nhiên bèn cất tiếng hỏi cây thần rằng: “Ông thật chẳng biết điều, thân ta vừa to vừa nặng, khi đậu lên trên thân ông thì chẳng chút giao động, vậy sao con chim nhỏ này đậu lên thì ngươi lại lay động như thế?”

Cây thần đáp: “Con chim đó tuy nhỏ nhưng nó đã nuốt một viên kim cương ở dưới đáy biển vào ruột, hạt kim cương này khi rơi xuống đụng vật gì thì vật ấy đều nát vụn, do vậy mà tôi rất sợ, không thể nào yên được”.

(Trích kinh Thí Dụ quyển bảy)

8. LOÀI CÂY ĐỘC:

Ở nước Xá-vệ, có một công viên, trong vườn mọc một cây độc, bất cứ nam nữ nào chơi trong vườn,rồi nghĩ chân ở dưới bóng cây này thì hoặc đầu đau nhức muốn xé vỡ ra, hoặc đau lưng hay chết ngay tại chỗ. Người giữ vườn thấy thế bèn dùng cây búa lớn và dài hơn một trượng, Ông ta đứng từ xa vói chặt bỏ nó. Thế nhưng sau đó chưa được mười ngày, cây sống trở lại như cũ. Như vậy trải qua một thời gian thì cành nối cành, lá nối lá đoàn viên như cũ. Vẽ đẹp của cây ai thấy cũng đều thích thú nên không biết sợ sệt, vì thế mà họ đua nhau đến chơi. Mọi người thân thuộc trong gia đình viên quan ấy vì ham vui dưới bóng cây đó nên đã chết hết, giờ đây chỉ còn lại kẻ giữ vườn đứng nhìn, ngày đêm buồn bã, than khóc mà bỏ đi.

Có người đã từng bảo với ông ta rằng: “Người tài trí bảo, cây này cần phải chặt đốn tận gốc rể của nó”. Thế nhưng khi Ông ta vừa muốn đào rễ thì lại sợ chết nên không làm được. Người giữ vườn suy nghĩ và tìm đến con đường xuất gia học đạo.

Đức Phật dạy rằng:

Đốn cây không hết gốc
Chặt rồi nó lại sanh
Ái dục không đoạn tận
Từng giờ khổ lại sinh”

Khi nghe đức Phật dạy lời ấy thì ông ta bừng tỉnh ra bèn tự trách mình, liền chứng được đạo quả Tu đà hoàn.

(Trích kinh Chặt Cây Độc)

CHƯƠNG V: SÔNG VÀ BIỂN

1. BỐN CON SÔNG LỚN:

Có bốn con sông lớn bắt nguồn từ ao A-nậu chảy ra biển. Đó là sông Hằng-già, Tân- đầu, Bặc-xoa, Tư-đà.

Sông Hằng-già bắt nguồn từ miệng voi vàng chảy ra, lượn quang ao A-nậu một vòng rồi đổ ra biển Đông.

Sông Tân-đầu bắt nguồn từ miệng trâu bạc, lượn quanh ao A-nậu một vòng rồi đổ ra biển Nam.

Sông Bặc-xoa bắt nguồn từ miệng ngựa lưu ly, chảy quanh ao Anậu một vòng rồi đổ ra biển tây.

Sông Tư-đà bắt nguồn từ miệng sư tử pha lê, chảy quanh ao A-nậu một vòng rồi đổ ra biển Bắc.

Bốn dòng sông lớn này, mỗi dòng lại có bốn con sông nhỏ trực thuộc, nghe nói bốn con sông nhỏ trực thuộc này cũng rất rộng lớn và đều co tên gọi. Bốn con sông nhỏ này mỗi sông lại có năm trăm nhánh sông khác trực thuộc, tổng công các nhánh sông nhỏ trực thuộc là gồm hai ngàn dòng sông đều đổ ra biển cả.

(Trích luận Tỳ-Bà-sa quyển hai)

2. NĂM CON SÔNG LỚN:

Sông Hằng chảy theo hướng Tây.

Sông Da-vân chảy theo hứong Nam.

Sông Sa-lục và A-di-thú đều chảy theo hướng Đông.

Cuối cùng là sông Mặc chảy theo hướng Bắc.

Tất cả năm con sông trên đều đổ ra biển. Từ khi khai thiên lập địa cho đến nay, mực nước của sông Vô-lạc không có sự thêm bớt, các tên cũ của sông đều bỏ đi mà gọi chung là biển

(Trích kinh Tám Đức Của Biển)

3. BIỂN LỚN CÓ TÁM ĐỨC:

Bấy giờ đức Phật du hoá đến nước Vô-Thắng. Ở đó, thường đến ngày rằm mỗi tháng Ngài thuyết giới và dạy cách thiền định cho các Tỳ-kheo. Một hôm, bỗng nhiên Ngài ngồi im lặng không thuyết giới. Tôn giả A-nan bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, có phải Ngài đang nhập định không?”

Đức Phật đáp: “Trong chúng Tỳ-kheo có vị tâm hạnh bất chánh, làm những việc sai trái, những việc ấy hạng người thấp hèn còn chưa đến nỗi phạm phải, vì trong đục lẫn lộn nên ta không thuyết giáo”.

Bấy giờ Tôn giả Mục-kiền-liên nhập định quán thấy người phạm giới, Tôn giả liền bảo người ấy: “Ông hãy đứng lên, nơi đây không phải là chỗ chứa những kẻ trần tục như ông”.

Tuy bị đuổi, nhưng vị ấy lại không đứng dậy, Tôn giả Mục-kiềnliên nắm tay ông ta lôi ra khỏi pháp hội và bảo: “Ông không có đức hạnh, tâm chất chứa sáu thứ tà kiến, sao lại dám đem thân nhơ bẩn như chuồng heo mà ngồi lên toà thiên hương, ông là kẻ bỏ đi, chẳng phải là Sa-môn”.

Khi ấy đức Phật dạy các Tỳ-kheo: “Các ông nên quán xét trong biển lớn có tám món công đức như sau:

1. Chiều rộng của biển mênh mông không bờ bến, chiều sâu không thể dò đến tận đáy, càng đi vào thì càng thấy sâu không một vật cản.

2. Thuỷ triều lên xuống đúng với chu kì.

3. Biển dung chứa những vật quý báu, không vật gì mà không có. Ngoại trừ thây chết đã hôi thối thì biển không dung nạp mà thôi.

4. Biển có nhiều của báu nhưng không tìm cầu thì không có được.

5. Khắp trong thiên hạ có cả thảy năm con sông lớn, khi đổ ra biển thì tên gọi cũ không còn nữa mà gọi chung là biển.

6. Tuy năm con sông lớn và muôn con sông nhỏ luôn chảy và có lượng mưa thường xuyên đổ xuống nhưng mực nước biển vẫn không thay đổi.

7. Trong biển có nhiều loại cá có thân to lớn, trong đó có loài thân dài bốn ngàn dặm, có loài thân dài tám ngàn dặm, có loài thân dài hai ngàn dặm, có loài thân dài mười sáu ngàn dặm, có loài thân dài hai mươi ngàn dặm, có loài thân dài hai mươi bốn ngàn dặm, có loài thân dài hai mươi tám ngàn dặm.

8. Nước biển cùng một vị mặn như nhau.

(Trích kinh Tám Đức Của Biển)

CHƯƠNG VI: CHÂU MA NI

1. CHÂU MINH NGUYỆT MA NI:

Châu minh nguyệt Ma-ni phần nhiều nằm trong não của rồng, chúng sanh nào có phước đức thì tự nhiên có được viên châu này. Cũng như các khí cụ dùng để trị tội trong địa ngục tự nhiên mà có.

Loại châu Ma-ni này cũng gọi là châu Như ý, thường sanh ra tất cả các vật quý báu, các thứ y phục, đồ ăn uống tuỳ theo ý muốn mà có được. Nếu người nào có viên minh châu này thì các chất đọc không thể hại được, lữa cũng không thể đốt cháy.

Có người bảo: “Viên minh châu này là vật kim cang trong tay của trời Đế thích, khi cùng giao trang với A-tu-la, kim cương bị vỡ và rơi xuống cõi Diêm-phù-đề”.

Lại có người nói: “Minh châu này là Xá lợi của các đức Phật trong thời quá khứ lâu xa, khi Phật pháp đã diệt thì Xá lợi của Phật biến thành châu này để làm lợi ích cho chúng sanh”. (Trích từ luận Đại Trí Độ quyển chín)

2. BIỂN LỚN SANH NGỌC QUÝ:

Trong biển lớn có bốn loại ngọc quý, tất cả các thứ quý báu đều sanh ra từ bốn loại ngọc quý này. Nếu như không có bốn loại ngọc quý này thì hết thảy vật báu dầ dầ sẽ tiêu mất. Các vị tiểu long thần không thể thấy được ngọc quý này, chỉ có Long vương Bà-già-la bí mật cất kỹ trong kho báu sâu kín, kho này có bốn tên gọi:

Chất chứa các kho báu.

Kho báu vô tận.

Xa lìa lửa dữ.

Chứa các thứ trang nghiêm.

(Trích kinh Hoa-nghiêm quyển ba mươi)

3. ÁNH SÁNG QUÝ BÁU LỚN:

Ở trong biển có bốn thứ báu lớn luôn toả ánh sáng rực rỡ:

  1. Nhật quang minh đại bảo.
  2. Ly cố quang minh đại bảo.
  3. Hoả châu quang minh đại bảo.
  4. Cứu cánh vô dư đại bảo.

Nếu trong biển lớn mà không có bốn thứ quý giá này thì trong bốn châu thiên hạ, núi Kim cang vi cho đến cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng đều tiêu mất.

Ánh sáng Nhật-tạng có thể biến nước biến thành sửa. Ánh sáng Ly-cố có thể biến nước sửa thành dầu tô. Ánh sáng Hoả-châu có thể đốt cháy dầu tô của biển. Ánh sáng cứu cánh vô dư có thể đốt hết sạch dầu tô trong biển.

(Trích kinh Hoa-nghiêm quyển ba mươi)

4. SỰ KHÁC BIỆT HÌNH THỂ VÀ THỌ MẠNG CỦA NGƯỜI UỐNG SỮA NHIỀU ÍT:

Có người hỏi: “Trong cõi Diêm-phù-đề khi đứa bé mới sanh ra cho đến lớn ba tuổi thì người mẹ bồng ẵm nuôi dưỡng, cho con bú hết bao nhiêu sữa?”

Bồ-tát Di-lặc trả lời: “Đứa trẻ đó uống của người mẹ hết một trăm tám mươi đấu sữa, trừ bốn phần thức ăn khi còn trong bụng mẹ.

Ở cõi Đông Phất-vu-đãi, khi đứa bé sanh ra cho đến lúc lên ba thì uống hết một ngàn tám trăm đấu sữa.

Ở cõi Tây-câu-da-ni, đứa bé sinh ra cho đến lúc lên ba uống hết của mẹ tám trăm đấu sữa.

Ở cõi Bắc-uất-đơn-viết, khi bé mới sinh ra thì họ đem đặt ngồi ở bên đường, người đi đường thấy liền đưa ngón tay cho bé mút, sau bảy ngày bé lớn thành người, cõi ấy không có sữa.

Chúng sanh trong cõi trung ấm uống hắp hơi gió để nuôi sống.

Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề thọ được một trăm tuổi.

Thọ mạng của con người trong cõi Đông Phất-vu-đãi là hai trăm năm mươi tuổi.

Thọ mạng của chúng sanh trong cõi Tây Câu-da-ni là năm trăm tuổi

Thọ mạng của con người trong cõi Bắc Uất-đơn-viết là một ngàn tuổi.

Thọ mạng của con người trong cõi trung ấm thân chỉ có bảy ngày.

Khuôn mặt con người trong cõi Diêm-phù-đề phần trên rộng, phần dưới hẹp.

Ở cõi Đông Phất-vu-đãi, khuôn mặt tròn trịa.

Ở cõi Tây Câu-da-ni Phần trên nhỏ, dưới rộng.

Ở cõi Bắc Uất-đơn-viết thì vuông vức.

Cõi Trung ấm thân giông như cõi trời Tha-hoá-tự-tại. (Trích kinh Chúng Sanh Vi Nhiên Tam Giới)

PHẦN II: CÕI UẤT ĐƠN VIỆT

Cõi Uất-đơn-viết chu vi rộng lớn,mỗi chiều gồm bốn mươi vạn dặm, có nhiều núi dồi, hai bên bờ sông có tròng nhiều cây cổ thụ và các loài hoa. Trên sông có thuyền làm bằng bảy thứ báu. Ở đó có ao tắm tên là Nan-đà, dòng nước mát mẻ, cát dưới ao bằng vàng. Xum quanh ao đều có bậc thềm làm bằng bốn thứ báu. Nếu thềm bằng vàng thì nấc thang bằng bạc. Thềm bằng bạc thì nấc thang bằng vàng. Thềm bằng lưu ly thì nấc thang bằng thuỷ tinh, thềm bằng thuỷ tinh thì nấc thang bằng lưu ly. Trong ao có trồng cá loài hoa sen, nếu cắt hoa thì nhựa nó ra như sữa đặc, mùi vị ngọt ngào như mật, ánh sáng chiếu khắp bốn mươi dặm, hương thơm cũng bay xa bốn mươi dặm.

Phía Đông của ao có sông Kỷ-vị, phía Nam có sông Tu-kiệt, phíaTây có sông Đị-thổ, phía Bắc có sông Thiện-chủng. Các dòng sông ấy đều có cây và hoa bằng bốn thứ báu.

Phía Đông của ao lại có vườn Thượng-hiền, hàng cây làm lang can cũng bằng bốn thứ báu, cây cối trong vườn tỏa nhiều hương thơm, có loài cây áo-mền, có loài cây anh-lạc, các loài cây này thường cho những thứ áo mền và anh lạc. trong vườn còn có cây Âm-nhạc, thường phát ra những thứ Âm nhạc. Có cây cao bảy dặm, có cây cao năm dặm, có cây cao bốn dặm, ba dặm, hai dặm.

Phía Nam ao có khu vườn nhà tên Dữ-hiền, phái Tây ao có khu vườn nhà La-việt, phía Bắc có khu vườn Thường-hữu-hoa. Các nơi ấy đều có cây cối tươi tốt và mức cao thấp của nó cũng giống như khu vườn phía Đông. Cõi phương bắc này có cây giao nhánh giữa ngã tư đường. Người trời ở trên, nam nữ riêng biệt, có gạo trắng thơm, không trồng tự mọc, gạo đủ tất cả các hương vị. Nếu muốn hành dâm, ý khởi liền gặp nhau, không cần nói năng, người nam đi trước, người nữ theo sau, cùng nhau đến khu vườn dạo chơi và hưởng khoái lạc. có khi ba ngày, có khi bảy ngày rồi tùy ý chia tay, chẳng lệ thuộc vào nhau. người nữ mang thai bảy tám ngày sau liền sanh, rồi đem bỏ em bé nơi ngã tư đường. Nếu có người xum quanh đến, dùng ngón tay cho bé mút ra sữa và uống. Bảy ngày sau em bé tự nhờ phước đức mà lớn lên bằng người hai mươi đến hai mươi lăm tuổi ở cõi Diêm-phù-đề.

Bốn phía đều bao quanh bởi sông A-nậu. Ở đó thường vào cuối đêm trời kéo mây và đổ mưa xuống, nước mưa có tám vị như người ăn uống. Nước mưa ấy rơi xuống mặt đất thì giống như bôi dầu, bụi đất không thể nổi lên, cỏ cây tươi tốt, hoa trái đều thơm. Như lúc hương đã thơm nồng thì có gió m,ạnh thổi qua, quét sạch vườn Thượng-hiền. Tiếp đó có ngọn gió Y-lam phát sanh, làm cho hoa rơi xuống vườn ngập đến đầu gối. Người trong cõi này đều vào vườn dạo chơi vui vẻ, không có điều gì vướng bận. Khi nào họ muốn ăn thì dùng gạo trăng thơm, đặt trên viên minh châu Diệm-vị. Khi cơm chín thì mọi người trong bốn phương đều đến tùy ý ăn, nhưng cơm ấy không bao giờ hết.

Lại có loài cây Tượng-đầu, cành lá công lên thành vòm làm thành con đường giao nhau. người dân thường lên ngủ ở trên đó, nam nữ riêng biệt. người ở cõi này có tóc xanh biếc, dài tám tấc, sắc mặt và chiều cao thấp như nhau. thọ mạng của cõi này đến một ngàn tuổi, khi chết lại sanh qua cõi trời Dục-giới. Hết phước cõi trời thì sanh vào nhà giàu sang ở cõi Diêm-phù-đề. Khi họ tiểu tiện thì mặt đất tự nứt ra để hứng lấy, việc xong thì đất tự khép lại. Khi mạng chung, họ mặc trang phục tốt đẹp, không có khóc lóc, thi thể đặt ở ngã tư đường bọc kín lại rồi đem để ở vùng biên giới phía Bắc.

(Trích kinh Lâu Thán quyển một)