KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

(NHỮNG MẪU CHUYỆN CỦA THIÊN NHƠN CÕI TRỜI DỤC GIỚI VÀ SẮC GIỚI)

  1. Đế Thích thọ giới với Dã can.
  2. Đế Thích giữ giới không báo thù.
  3. Nhờ quy y Tam bảo, Đế thích từ trong thai lừa trở lại thân cũ.
  4. Thiên tử Tất-bính-lê đời trước tu hạnh bố thí.
  5. Thần mặt trời hỏi về hạnh xưa của thần mặt trời, thần mặt trăng.
  6. Thiên tử trời Đao-lợi hết phước nhờ gặp Phật được sanh làm người.
  7. Thiên nhơn duỗi tay ban nước cam lộ cứu năm trăm lái buôn.
  8. Nhờ quy y Tam bảo Thiên tử chuyển thân lợn làm thân người.
  9. Thiên nữ và đóa hoa sen kỳ diệu.
  10. Thiên Bảo nữ có lời nói vi diệu.
  11. Lộc Ngưu đánh đàn cầm, Thiên nữ ca múa.

1. ĐẾ THÍCH THỌ GIỚI VỚI DÃ CAN:

Ngày xưa, trong núi Túng-đà nước Tỳ-gia có con Dã can. Một hôm bị sư tử rượt, nó rớt xuống giếng ở gò hoang. Qua ba ngày ở dưới giếng, nó vui vẻ chấp nhận cái chết nên ngâm bài kệ:

Tất cả vạn pháp đều vô thường
Tiếc không đem thân đãi sư tử
Vì tội gì nay thân gặp nguy?
Tiếc thay thân này chết vô ích
Khi không mà chết đã đáng giận
Còn làm dơ bẩn nước giếng người
Con nay sám hối Phật mười phương
Xin hãy xót thương tấm lòng thành
Đời trước đã gây bao nghiệp ác
Nay xin trả hết chẳng còn vương
Từ nay nguyện gặp bâc minh sư
Chuyên tâm tu tập đến thành Phật.

Bấy giờ có vị Đế thích nghe được bài kệ ấy mới cùng tám mươi ngàn vị chư Thiên theo hướng âm thanh, bay đến bên giếng, lên tiếng thưa:

– Tôi từ lâu không nghe được lời dạy của Thánh nhân, trôi lăn mãi trong chốn tối tăm, không gặp được bậc minh sư dẫn dắt. Những lời kệ vừa rồi chẳng phải là lời nói tầm thường, xin Ngài hãy đem giáo pháp dạy cho tôi.

Dã can đáp:

– Thiên đế không được sự dạy bảo, thật không biết phép tắc. Pháp sư ở dưới, mình ở trên, hình thức đầu tiên đã không cung kính. Thế mà đòi học hỏi giáo pháp cao xa.

Nghe xong, Đế thích liền thả tà áo xuống kéo Dã can lên và đảnh lễ sám hối, rồi quay sang bảo các vị Trời:

– Nhớ thuở xưa, tôi từng thấy người ở nhân gian, mỗi khi muốn nghe chánh pháp thì trước hết trang trí một tòa cao sạch đẹp, rồi mới thỉnh pháp sư lên thuyết pháp.

Khi ấy các vị Trời, mỗi người đều cởi áo quý của mình xếp làm tòa cao. Sau đó Dã can lên tòa dạy rằng:

– Ta lên tòa thuyết pháp có hai lý do lớn, một là thuyết pháp giáo hóa thiên nhơn có phước vô lượng; hai là vì báo ân nuôi dưỡng. Vì vậy lẽ nào ta lại không nói.

Đế thích thưa:

– Tôi cứu Ngài thoát khỏi mối nguy dưới giếng, công lao ấy thật nhiều, tại sao Ngài thuyết pháp báo ân lại không nhắc đến việc này?

– Đối với sanh tử ở mỗi người mỗi khác. Có người tham sống, có người thích chết. Có hạng người ngu si không biết sau khi chết sẽ sanh lại kiếp khác, sống trái xa Phật pháp, không gặp được bậc minh sư, chỉ làm toàn những việc ác như, trộm cắp, tà dâm, dối gạt. Những người này tham sống, sợ chết. Sau khi chết họ sẽ bị rơi vào địa ngục.

– Có hạng người trí tuệ, quy kính Tam bảo, gặp được minh sư, bỏ ác làm lành, hiếu thảo dưỡng nuôi cha mẹ, kính hầu sư trưởng, quyến thuộc hòa thuận, kính nhường kẻ dưới. Người này chán sống, ưa chết. Sau khi chết họ được sanh lên cõi trời.

– Như lời Ngài dạy thì việc cứu Ngài toàn thân mạng chẳng có công lao gì cả, vậy xin Ngài nói cho tôi nghe về vấn đề bố thí thức ăn và bố thí pháp.

– Đem thức ăn uống cho người chỉ cứu được mạng sống trong một ngày, đem vật quý giá cho người chỉ giúp cho họ thoát khỏi sự thiếu thốn trong một đời. Làm như thế là kéo dài sanh tử, tạo nhân duyên ràng buộc mãi không thôi. Thuyết pháp giáo hóa gọi là bố thí pháp. Đem giáo pháp giáo hóa có thể giúp cho chúng sanh thoát khỏi những khổ đau trong cõi nhân gian. Một là thành tựu bậc A-La-hán, hai là thành Bích-chi-Phật, ba là thành Phật. Bậc Tam thừa này đều do nghe pháp, vâng theo tu hành mà thành tựu. Cũng có hạng chúng sanh do nghe pháp thoát khỏi đường ác, thọ hưởng phước báo an vui ở cõi trời, cõi người. Cho nên Phật từng dạy, đem pháp bố thí công đức vô lượng.

Đế thích lại hỏi:

– Hình dáng này của Thầy là thân nghiệp báo hay là thân ứng hóa?

– Là thân tội lỗi nghiệp báo, chẳng phải thân ứng hóa.

– Con nghĩ Ngài là bậc Thánh nhân Bồ-tát ứng hiện cứu giúp chúng sanh. Con chỉ vừa được nghe thầy dạy thân này là do nghiệp báo, chưa biết nguyên nhân, xin được nghe chỉ dạy:

Dã can kể:

– Trong kiếp quá khứ, ta sanh làm con của một gia đình nghèo dòng Sát-đế-lợi trong thành nước Ba-la-nại-ba-đầu-ma. Thuở nhỏ thông minh, hiếu học. Năm mười hai tuổi, ta theo bậc minh sư vào trong núi sâu, hết lòng hầu hạ không quản nhọc nhằn, siêng năng cố gắng học tập. Thầy cũng sớm hôm ân cần dạy bảo, không bỏ phí thời gian. Trải qua năm mươi năm, tất cả chín mươi sáu môn học như Kinh, thi, kí, luận, y dược, chú thuật, xem tướng tốt xấu, thiên tai họa phước… ta đều thông suốt. Trở thành một người trí tuệ tài cao, danh vang khắp chốn, ta mới suy nghĩ: “ Ta được như hôm nay đều là nhờ ân giáo hóa của Thầy, công ân ấy thật khó báo đền. Nhà ta vốn nghèo thiếu, không có gì cúng dường Thầy, chỉ có cách nên bán thân mình để báo đáp “.

Thầy ta biết được bảo:

– Kẻ đạo sĩ sống trong chốn núi rừng, xin ăn nuôi thân, thật không có gì thiếu thốn. Con đâu cần bán đi thân thể quý báu để cúng dường ta. Con hãy đem trí tuệ và biện tài con đã học truyền trao lại cho người dân trong thiên hạ, làm cho ngọn đèn pháp sáng tỏ, công phu giáo hóa ấy hẳn quá đủ báo đền công ơn ta rồi.

Lúc ấy ta nghe lời Thầy, ở lại trong núi, xin ăn nuôi thân. Không bao lâu vua băng hà, quần thần tập hợp hơn năm trăm học sĩ để tranh luận so tài, hễ ai thắng sẽ được chọn làm vua. Qua kỳ so tài, anh chàng nhà nghèo là ta được lên làm vua. Lên ngôi, ta đem nhiều của cải trong nước cúng dường thầy mình và cha mẹ.

Về sau, hai nước An-đà-la và Ma-la-Bà-da đánh nhau trong nhiều năm mà không phân thắng bại. Vua nước An-đà-la triệu tập quần thần bàn bạc nên làm cách gì để thắng nước Ma-la-Bà-da. Quần thần tâu:

– Chỉ có vua nước Ba-la-nại-ba-đầu-ma là người xuất thân từ gia đình nghèo khó, lại tu tập mười điều thiện, không phạm giới tà dâm, tuy có cung nữ nhưng họ đều đã lớn tuổi. Nay chúng ta hãy lùng khắp trong nước, không kể nhà giàu hay nghèo, chọn lấy một trăm cô gái trẻ tuổi, xinh đẹp có khả năng làm vừa ý người khác. Chúng ta đem theo nhiều vàng bạc và thể nữ đến cống hiến cho vua ấy. Nếu như ông ta nhận thì nhân đó chúng ta sẽ mượn binh lính. Có quân binh hùng hậu, ta ra sức chiến đấu, chắc chắn sẽ thành công.

Vua làm theo kế của quần thần. Được cống hiến, vua nước Ba-lanại-ba-đầu-ma rất thích thú, tuyển chọn ngay hàng trăm vạn binh hùng tướng mạnh giúp đỡ cho vua nước kia. Qua một trăm ngày chiến đấu gian khổ, người chết hơn phân nửa, cho đến khi vua nước Ma-la-Bà-da cùng quân lính đều bị chém đầu mới giành được thắng lợi.

Vua Ba-la-nại-ba-đầu-ma từ khi có thể nữ thì quên mất chí nguyện xưa. Suốt ngày đêm say đắm trong dục lạc, bỏ bê việc triều chính. Trăm quan kết bè kết đãng cùng nhau làm loạn. Con cái của người dân lương thiện bị bắt làm nô tỳ, mưa gió trái mùa, nạn đói xảy ra khắp nơi, giặc thù ở các nước lợi dựng thời cơ kéo đến xâm chiếm.

Ở nước Ba-la-nại-ba-đầu-ma ta chết đi, đọa vào địa ngục, chịu nhiều khổ sở độc hại. Nhờ sức trí tuệ học tập ở đời trước, nên ta biết được kiếp trước, trong lòmg hối hận tự trách, liền sửa lỗi trước phát tâm tu tập. Trong chốc lát ta bỏ thân địa ngục, sanh vào ngạ quỷ; lại tiếp tục sám hối tu mười điều thiện, trong chốc lát lại bỏ thân ngạ quỷ làm thân Dã can. Ta vẫn còn biết duyên đời trước nên tiếp tục tu mười điều thiện, vừa rồi gặp sư tử rượt mới bị rơi vào giếng này. Ta vui vẻ chấp nhận cái chết, mong được sanh lên cõi trời, lìa khổ được vui. Việc làm tốt của ngươi đã vô tình làm mất bổn nguyện của ta, khiến cho ta tiếp tục chịu cực khổ, lúc nào mới thoát khỏi kiếp khổ này đây. Cho nên ta nói, ngươi cứu mạng ta không có công lao gì cả.

Còn ta, sở dĩ lên tòa áo quý để được kéo lên khỏi giếng: Một là không muốn làm trái chí nguyện của Thiên đế, nếu chí nguyện không thành Ngài sẽ rất buồn khổ. Người đem lại khổ đau cho người khác dù sanh ở nơi đâu, mọi mong cầu của mình đều không thành tựu. Hai là chư Thiên muốn được nhge pháp. Nếu người xẻn pháp thì sanh ra đời nào cũng bị đui, điếc, ngọng, câm, các căn đều không toàn vẹn, sanh ở vùng biên địa, ngốc nghếch đần độn. Nếu sanh ở đô thị thì tâm trí mù mờ, chậm chạp, học hành không thông, tự chuốc lấy khổ đau. Ba là muốn giáo pháp được rộng khắp. Khai ngộ cho thiên nhơn tức là bố thí pháp. Lợi ích của việc bố thí pháp có thể giúp cho chúng sanh biết sau khi chết còn sanh lại kiếp khác, biết làm lành được phước, làm ác thì gặp tai ương, tu đạo thì đạt đạo. Sanh lại thân sau có trí tuệ sáng suốt, thường biết được đời trước. Nếu sanh lên cõi trời sẽ làm thầy chư Thiên. Nếu sanh trong nhân gian sẽ làm Kim luân vương, đem mười điều thiện cảm hóa thế gian, trí tuệ sáng suốt dần dần tròn đủ, thành tựu hạnh Bồ-tát, tiến lên bậc Vô sanh nhẫn. Bố thí của cải như ngọn đèn chỉ thắp sáng căn phòng nhỏ. Bố thí pháp như mặt trời chiếu soi khắp thiên hạ.)

Bấy giờ, Đế thích cùng tám mươi ngàn chư Thiên đều xin Dã can cho thọ mười điều thiện, trước tiên dùng mười phương tiện (1) điều phục các căn. Đế thích lại thưa:

– Nay chúng con trở về thiên cung, bao giờ Hòa thượng bỏ thân nghiệp báo này được sanh lên trời?

– Có thể sau bảy ngày nữa ta sẽ bỏ thân này sanh lên cõi trời Đâu Suất, các ông cũng có thể phát nguyện sanh lên cõi ấy. Ở đó có nhiều Bồ-tát thuyết pháp giáo hóa.

Bảy ngày sau Dã can trút bỏ hơi thở cuối cùng, sanh lên Đâu Suất thiên cung, tiếp tục tu tập mười điều thiện.

(Trích kinh Vị Tằng Hữu, quyển thượng).

2. ĐẾ THÍCH GIỮ GIỚI KHÔNG BÁO THÙ:

Thuở xưa, một hôm vị Đế thích đến bạch Phật:

Nay con thọ giới cho đến lúc Phật pháp lưu hành ở đời, đến lúc con lìa bỏ cuộc đời, nếu có người làm hại con, con sẽ không gây đau khổ cho họ để trả thù.

Lúc ấy có A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la nghe Đế thích phát lời thọ giới như thế, liền cầm kiếm theo con đường ngược chiều với Đế thích xăm xăm đi tới. Đế thích từ xa trông thấy hô lớn:

– A-tu-la đứng lại, ta sẽ trói ngươi!

Ngay lập tức A-tu-la không thể cử động được.

Đế thích lại bảo:

– Nếu như ngươi hứa không làm loạn nữa ta sẽ thả ngươi ra.

A-tu-la-vương nói kệ:

Trong các cõi khổ đau
Nơi kẻ tham sinh về
Nơi người sân đọa đến
Nơi cho kẻ dối gian
Nơi cho người chê Thánh
Nếu tôi còn gây tôi
Sẽ đọa những chốn kia.

Thích Đề Hoàn Nhân nói:

– Ta thả ngươi ra, đi đâu tùy ý.

Sau đó Đế thích đến gặp Phật trình bày hết sự việc và được Phật ngợi khen.

(Trích kinh Thiên Đế Thích Thọ Giới).

3. NHỜ QUY Y TAM BẢO, ĐẾ THÍCH TỪ TRONG THAI LỪA TRỞ LẠI THÂN CŨ:

Ngày xưa có vị Đế thích năm tướng suy hao, tự biết số mạng sắp hết và sẽ sanh vào thai lừa ở một nhà đồ gốm, nên rất đau buồn, suy nghĩ: “Trong ba cõi chỉ có Phật mới có khả năng cứu người ra khỏi khổ nạn mà thôi”. Nghĩ xong, Đế thích vội đến gặp Phật, cúi lạy sát đất, chí tâm quy y Phật pháp và Thánh chúng. Khi còn cúi lạy, Đế thích mạng chung, thần thức sanh vào trong thai lừa. Khi ấy con lừa kia sút dây chạy phá đồ gốm. Người chủ rượt đánh, lừa bị hư thai. Ngay lúc ấy, thần thức của Đế thích liền nhập vào thân cũ, năm đức đầy đủ, trở lại ngôi Đế thích như cũ.

Đức Phật khen ngợi là việc lành. Trong lúc mạng chung nhờ phát tâm quy y Tam bảo mà trả xong tội nghiệp, không trải qua sự nhọc nhằn đau khổ. Sau đó Phật nói cho Đế thích nghe bài kệ. Nghe xong, Đế thích hiểu được sự thay đổi của tội phước, cội gốc của việc thịnh suy, cố gắng tu tập theo hạnh tịch diệt, đắc quả Tu-đà-hoàn.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển ba)

4. THIÊN TỬ TẤT BÍNH LÊ ĐỜI TRƯỚC TU HẠNH BỐ THÍ:

Một hôm, Thiên tử Tất-bính-lê đến bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Trong kiếp trước con làm vua Tất-bính-lê. Ngoài bốn cửa thành và càc ngã tư trong nội thành con đều bố thí tạo phước.

Ngày nọ, Đệ nhất phu nhân tâu:

– Đại vương tạo phước khắp nơi, còn thần thiếp thì không có nơi tạo phước.

Con bảo:

– Từ nay trẫm sẽ nhường cửa thành phía Đông cho phu nhân bố thí tạo phước.

Sau đó vương tử, đại thần, các tướng sĩ, dân chúng đều đến tâu như phu nhân vậy. Con lần lượt nhường cửa thành phía Nam, cửa thành phíaTây, cửa thành phía Bắc và các ngã tư trong nội thành cho họ bố thí tạo phước. Cho nên lúc ấy từ phu nhân đến thái tử, đại thần, tướng sĩ, dân chúng đều bố thí tạo phước. Cũng từ đó, trẫm không còn nơi tạo công đức bố thí như trước nữa.

Một hôm, những người con sai đi bố thí tạo phước trở về tâu:

– Tâu đại vương! Những nơi tạo phước đã bị phu nhân, thái tử, đại thần, tướng sĩ và dân chúng đến chiếm để bố thí tạo phước. Đại vương nay không còn nơi để bố thí tạo phước nữa.

Con bảo họ:

– Mỗi năm, những nơi khác đều đem phẩm vật đến nộp. Trẫm chia ra làm hai, một nữa nhập kho, còn một nữa đưa cho những người kia bố thí. Từ trước tới giờ trẫm đều bố thí như thế, thường được mọi người yêu kính, thọ hưởng phước báo tốt đẹp như ý và luôn cảm thấy an vui vô cùng. Nay trẫm đem quả báo phước đức này hòa chung vào phần công đức lớn của những người kia, thì công đức ấy sẽ nhiều vô luợng không thể tính biết được. Giống như năm sông lớn hợp thành một dòng thì nước sông ấy nhiều đến trăm, ngàn, vạn, ức đấu, hộc. Đó gọi là “hằng hà” không ai có thể lường biết được.

Sau khi thưa xong, được nghe Đức Phật thuyết pháp Thiên tử Tấtbính-lê vui mừng đảnh lễ rồi biến mất.

(Trích kinh Tất Bính Lê Thiên Tử Chư Phật Thuyết Kệ).

5. NHẬT THIÊN VƯƠNG HỎI VỀ HẠNH XƯA CỦA MẶT TRỜI, MẶT TRĂNG:

Một hôm, Nhật thiên vương cùng vô số thiên nhơn đến đảnh lễ Phật thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn! Do tu những hạnh gì được làm Thần mặt trời chiếu sáng khắp nơi. Do tu những duyên gì được làm Thần mặt trăng xua tan bóng tối màn đêm?

Phật bảo:

– Nếu có người làm được bốn việc:

  1. Thường ưa thích bố thí.
  2. Sửa đổi bản thân, cẩn thận hành động.
  3. Giữ giới không trái phạm.
  4. Sắm đèn cúng Phật và thắp sáng nơi ở của cha mẹ, Sa-môn, đạo nhân.

Đồng thời người ấy phải tu mười điều thiện (Không giết hại, không trộm cắp…) thì sẽ được làm Thần mặt trời.

Người nào làm bốn việc sau đây sẽ được làm Thần mặt trăng.

  1. Bố thí cho người nghèo khổ.
  2. Giữ gìn năm giới.
  3. Cung kính cúng dường Tam bảo.
  4. Cúng đèn thắp sáng chùa viện và nơi ở của vua, cha mẹ, thầy tổ.

(Trích kinh Nhật Siêu Tam Muội quyển hạ).

6. THIÊN TỬ TRỜI ĐAO LỢI HẾT PHƯỚC NHỜ GẶP PHẬT ĐƯỢC SANH LÀM NGƯỜI:

Ngày xưa, trên cung trời Đao-lợi có một vị Thiên tử phước trời sắp hết, bảy tướng xấu hiện ra:

  1. Ánh sáng trên đỉnh đầu tắt.
  2. Hoa trên đầu héo.
  3. Sắc mặt thay đổi.
  4. Trên áo có bụi.
  5.  Nách ra mồ hôi.
  6. Thân thể gầy ốm.
  7. Không thích ngồi chỗ của mình.

Vị thiên tử ấy suy tư và biết được sau khi chết sẽ đầu thai trong bụng một con lợn ghẻ lở ở nước Câu-di-na-kiệt, nên rất buồn rầu mà không biết làm sao.

Lúc ấy có vị Trời mách:

– Nay Đức Phật đang ở đây giảng Kinh cho hoàng hậu Ma-da, chỉ có Đức Phật mới có thể cứu được tội của ông.

Thiên tử kia nghe xong liền tìm đến đảnh lễ, chưa kịp thưa, Phật đã hỏi:

– Tất cả vạn pháp đều vô thường, ông đã biết sao còn buồn khổ?

Thiên tử đem hết những điều mình lo lắng thưa với Phật. Phật bảo:

– Muốn thoát khỏi thân lợn phải tụng bài Tự quy y Tam bảo mỗi ngày ba thời.

Thiên tử vâng theo lời Phật sớm tối tự quy y. Sau bảy ngày Thiên tử mất, thần thức sanh làm con một vị trưởng giả ở nước Duy-da-ly. Ở trong thai mẹ ngày nào Thiên tử cũng tự quy y ba lần, vừa mới sanh ra cũng quỳ tự quy y Tam bảo. Người mẹ ẳm lên thì thấy thân hài nhi không hề có máu dơ bẩn. Cô tỳ nữ hầu cận sợ hãi tuôn chạy. Người mẹ cũng cảm thấy quái lạ, vì đứa bé mới sanh ra đã biết nói, nên nghĩ nó là yêu quái, muốn đem giết đi. Nhưng bà lại nghĩ:”Nhà ta hiếm con, nếu giết đứa bé này chồng ta sẽ bắt tội, chi bằng cho ông ấy hay rồi giết cũng không muộn”. Nghĩ xong bà ẳm đứa bé đến thưa trưởng giả:

– Ông ơi! Đứa bé trai này vừa mới sanh ra đã quỳ gối chắp tay quy y Tam bảo, cả nhà sợ hãi cho là yêu quái.

Trưởng giả liền bảo:

– Thôi, thôi chớ nghĩ như thế, đứa bé này thật chẳng phải người tầm thường, vì người ở đời sống đến trăm tuổi cũng không biết quy y Tam bảo, huống gì mới sanh ra nó đã biết niệm Nam mô Phật. Hãy tận tâm nuôi dưỡng chăm sóc nó, chớ có xem thường.

Đứa bé dần dần lớn lên. Năm gần bảy tuổi, một hôm đang cùng bạn bè chơi bên đường, thấy Ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi đến, đứa bé liền đến đảnh lễ. Các Tôn giả đều kinh ngạc trước hành động của nó. Nó liền thưa:

– Ngài không nhớ con sao?

Hỏi rồi cậu bé kể lại câu chuyện được gặp Phật ở thiên cung:

– Con vốn là Thiên tử, hết phước lẽ ra phải sanh vào đường ác, nhờ gặp Phật thương xót chỉ dạy quy y Tam bảo nên được sanh làm người.

Các vị Tỳ-kheo liền chú nguyện. Cậu bé Chiết-lê-kì lại thưa:

– Xin cho con được chuyển lời thỉnh Phật, thỉnh chư vị Bồ-tát cùng chúng Tăng v.v… đến nhà con để được cúng dường.

Được nhận lời, cậu bé trở về nhà thưa cha mẹ xin chuẩn bị đầy đủ thức ngon vật lạ để cúng dường. Cha mẹ thương con, đồng ý. Nhưng rất lấy làm lạ trước ý kiến cao xa và những hành động kỳ lạ của con mình. Họ đã tìm hiểu và biết được đời trước của cậu, cho nên sắm sửa đủ thứ thức ngon vật lạ quý hiếm nhất trên đời, ngoài sự mong ước của đứa bé.

Đến giờ, Đức Phật cùng chúng Tăng đều vận thần thông đến nhà cậu bé thọ trai. Thọ trai xong Phật giảng Kinh. Nghe xong cậu bé, vợ chồng trưởng giả, cùng quyến thuộc nội ngoại đều đắc qủa A-duy-việttrí.

(Trích kinh Chiết Phục La-hán)

7. THIÊN NHƠN DUỖI TAY BAN NƯỚC CAM LỘ CỨU NĂM TRĂM LÁI BUÔN:

Thuở xưa có vị đạo sư và năm trăm thương nhân cùng nhau đi buôn. Ngày nọ, họ lạc vào một cánh đồng mênh mông không tìm ra nước uống, thức ăn. Cả đoàn đói khát mệt lả và lo sợ nhưng không biết làm sao, nên cùng nhau hướng về Phật, về Tứ thiên vương.

Khi ấy vị đạo sư leo lên một chỗ cao nhìn ra xa thì thấy một khu rừng có bóng chim bay. Ông nghĩ, đến đó hy vọng sẽ có nước uống cho nên cả đoàn cùng nhau kéo đi. Không bao lâu họ đã đến nơi nhưng chỉ thấy cây cối, cỏ dại mọc bốn bề, nền đất sạch sẽ.

Vị đạo sư bảo mọi người:

– Chúng ta hãy cùng nhau đào đất ắt sẽ có nước.

Đoàn thương buôn vừa bàn xong thì có vị Thiên nhân từ trên trời nhìn thấy sự khốn khổ của họ. Trong chốc lát, Thiên nhân đã bay xuống trên một ngọn cây nơi đoàn thương buôn đang tụ tập, đồng thời duỗi cánh tay phải ra. Từ năm ngón tay ấy tuôn ra nước tám vị ngon ngọt ban cho đạo sư và năm trăm người lái buôn. Mọi người đã dùng no đủ mà nước vẫn không hết.

Sao có chuyện lạ như vậy? Số là những người này kiếp trước đã từng gần gũi hầu hạ Thiên nhân, gieo trồng phước đức nên khiến Thiên nhân nhớ đến và ban nước cam lộ cứu họ thoát nguy. (Trích kinh Thí Dụ, quyển ba).

8. NHỜ QUY Y TAM BẢO THIÊN TỬ CHUYỂN THÂN LỢN LÀM THÂN NGƯỜI:

Ngày xưa, ở cõi trời Tam thập tam, một vị Trời sắp hết phước sẽ có năm tướng xấu hiện ra như, hoa trên đầu héo, áo quần dơ bẩn, nách ra mồ hôi, ngọc nữ ít dần, không thích ngồi trên tòa của mình, vì cảm thấy buốt đau như thân có ung nhọt.

Một hôm, ở cõi này có vị Thiên tử phát hiện năm tướng xấu ấy xuất hiện trên thân nên buồn khổ rên rĩ. Đế thích nghe được hỏi:

– Bên cung trời kia ai đang rên rĩ buồn khổ thế?

Một vị Thiên tử đáp:

– Đó là tiếng than của một vị Thiên tử có năm tướng xấu hiện ra, xin Ngài hãy giúp đỡ vị ấy.

Đế thích liền đến hỏi vị Thiên tử kia:

– Cớ gì mà than khóc buồn thảm thế?

Vị Thiên tử đánh vào đùi mình và trả lời:

– Tôi sắp hết phước, những điều xấu nhất đã đến với tôi.

Đế thích liền nói bài kệ:

Tất cả hành vô thường
Có thành ắt có họai
Hễ sanh thì có chết
Vậy nên, chết là vui.

Thiên tử thưa:

– Tôi chưa từng nghe qua đạo lí này.

Đế Thích lại dạy:

– Tất cả ân ái đều có lúc chia lìa.

Thiên tử liền hỏi:

– Như vậy thì làm sao tránh khỏi sự âu lo? Nay đây tôi phải xa lìa những thứ tốt đẹp ở cung điện này. Sau khi chết tôi liền sanh vào thai lợn ở thành La-duyệt, thức ăn toàn những thứ tồi tàn, rồi tôi sẽ bị người ta mổ xẻ. Biết như vậy nên tôi rất đau khổ.

– Nay ông nên tự mình quy y Tam bảo để mong thoát khỏi kiếp lợn, vì Phật từng dạy bài kệ:

Những ai quy y Phật
Không đọa ba đường ác
Thọ hưởng phước Trời, người
Về sau chứng Niết-bàn.

Thiên tử chắp tay thành kính thưa:

– Đức Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí biết rõ hoàn cảnh của con. Nay con một lòng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xin cứu con thoát khỏi kiếp khổ.

Sau khi quy y xong, Thiên tử thấy mình không sanh vào thai lợn mà sanh làm con một vị trưởng giả sang trọng nhất ở thành La-duyệt-kỳ nên vui mừng khôn xiết.

(Trích Tăng Nhất A-hàm quyển 19).

9. THIÊN NỮ VÀ ĐÓA HOA SEN KỲ DIỆU:

Ngày xưa, có vị Thiên nữ ngồi trên đóa hoa sen lớn đến trăm do tuần. Đóa hoa này kỳ diệu hơn những hoa khác. Vì trong đó đầy đủ những thứ cần dùng, chỉ cần nghĩ đến là vật ấy từ trong hoa hiện ra.

Đồng thời mình đi, đứng hoa ấy đều theo.

Một hôm, Ngài Mục-kiền-liên hỏi Thiên nữ:

– Cô đã làm những hạnh lành gì mà được phước như vậy?

Thiên nữ đáp:

– Sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, để lại toàn thân xá lợi. Di chúc cho hàng đệ tử xây tháp bảy báu cao rộng bốn mươi dặm để tôn thờ. Lúc ấy con là một người nữ. Một hôm ra ngoài, thấy được tượng Phật trong tháp, con sanh lòng kính tin, nhớ đến công đức của Phật, nên cởi tràng hoa trên đầu mà cúng dường. Nhờ nhân duyên ấy nay được phước này. (Trích kinh Tạp Tạng).

10. THIÊN BẢO NỮ CÓ LỜI NÓI VI DIỆU:

Tự tại thiên vương có vị Thiên bảo nữ tên Thiện-khẩu. Mỗi lời cô nói ra đều vang lên trăm ngàn âm thanh khiến cho người nghe vui sướng. Trong mỗi âm thanh ấy lại sinh ra trăm ngàn âm thanh. Tùy theo mỗi loài đều nghe hiểu theo ngôn ngữ của mình. (Trích kinh Hoa Nghiêm quyển 29).

11. LỘC NGƯU ĐÁNH ĐÀN CẦM, THIÊN NỮ CA MÚA:

Vào thời quá khứ, ở nước Câu-tát-la có người đánh đàn cầm tên Lộc-ngưu. Ngày nọ trên đường đi, anh ta dừng nghỉ trong một cánh đồng hoang, bỗng thấy ở đó có sáu thiên cung rộng lớn.

Thiên nữ từ trong cung đến bảo Lộc-ngưu:

– Cậu ơi! Hãy đánh đàn để chúng ta ca múa.

Lộc Ngưu liền đánh đàn, sáu vị Thiên nữ ca múa. Bài ca đầu tiên có lời:

Nếu người nam kẻ nữ
Đem y đẹp bố thí
Nhờ nhân duyên lành này
Được sanh cõi tốt đẹp.
Đem của báu cúng dường
Sanh thiên theo ý cầu
Gặp cung điện ta ở
Dạo chơi trong hư không
Có thân trời vàng rồng
Cùng trăm thiên nữ đẹp
Quán sát phước đức này
Hồi hướng thân đẹp nhất.

… Lại có vị Trời khác cùng cung điện xuất hiện, ca múa (văn nhiều không chép)… Lộc Ngưu cũng đảnh lễ, nhưng vừa lễ xong, vị Trời ấy biến mất.

(Trích kinh Quá Khứ Đàn Cầm Nhân).