KINH LĂNG-GIÀ A-BẠT-ĐA-LA BẢO

Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Đại sư Cầu-na-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM (Phần 1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trên đỉnh núi Lăng-già tại bờ biển Nam, nơi có đủ các thứ hoa báu trang nghiêm, cùng với các đại Tỳ-kheo Tăng và chúng Đại Bồ-tát từ các cõi Phật đến, các Đại Bồ-tát ấy đều đủ sức tự tại, vô lượng chánh định, thần thông diệu dụng. Đại Bồ-tát Đại Tuệ làm thượng thủ, được tất cả chư Phật đích thân làm pháp quán đảnh, cảnh giới của tâm tự hiện bày, khéo lãnh hội ý nghĩa về mọi chúng sinh, mọi tâm sắc, vô lượng pháp môn, cho đến năm pháp của tự tánh và hai thứ vô ngã đều được từng loại phổ hiện, đều thông đạt trọn vẹn.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ cùng Bồ-tát Ma-đế đã từng dạọ khắp tất cả cõi Phật, thừa oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, chắp tay quỳ gối, cung kính dùng kệ tán thán:

Thế gian sinh diệt lìa
Như hoa đốm trên không
Trí chẳng trụ hữu, vô
Mà khởi tâm đại Bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức
Trí chẳng trụ hữu, vô
Mà khởi tâm đại Bi.
Xa lìa chấp đoạn, thường
Pháp thế gian như mộng
Trí chẳng trụ hữu, vô
Mà khởi tâm đại Bi.
Biết nhân, pháp vô ngã
Phiền não và Nhĩ diệm
Thường trong sạch, vô tướng
Mà khởi tâm đại Bi.
Niết-bàn chẳng thể lập
Chẳng có Niết-bàn Phật
Chẳng có Phật Niết-bàn
Lìa năng giác, sở giác.
Hoặc có hoặc không có
Cả hai thảy đều lìa
Pháp thiền quán tịch tĩnh
Vốn lìa sự sinh khởi.
Chẳng đời này đời sau
Gọi là chẳng thủ, xả.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ nói kệ tán thán Phật xong, tự xưng tên họ:

Con tên là Đại Tuệ.
Thông đạt pháp Đại thừa
Một trăm lẻ tám câu
Dùng kệ hỏi Thế Tôn.
Chính bậc Thế Gian Giải
Nghe Bồ-tát nói kệ
Quan sát tất cả chúng
Bảo các Phật tử rằng:
Chư vị! Các Phật tử
Nay cho mặc tình hỏi
Ta sẽ vì các ông
Thuyết cảnh giới tự giác.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ kính vâng lời Phật, đảnh lễ nơi chân Phật, chắp tay cung kính, dùng kệ hỏi:

Thế nào niệm trong sạch
Thế nào niệm tăng trưởng
Tại sao thấy si hoặc
Si hoặc sao tăng trưởng?
Cách giáo hóa cõi Phật
Chúng sinh và ngoại đạo
Thế nào thọ, vô thọ
Tại sao gọi vô thọ.
Phật tử là nghĩa gì
Giải thoát đến nơi nào
Ai trói ai giải thoát
Cảnh giới thiền ra sao.
Tại sao có ba thừa
Mong Phật giải thích cho
Duyên khởi từ đâu sinh
Sao nói tác, sở tác.
Sao có pháp đồng dị
Giảm bớt và tăng trưởng
Sao gọi định vô sắc
Và gọi chánh định diệt.
Thế nào là tưởng diệt
Vì sao có xuất định
Tại sao sinh sở tác
Tinh tấn và trì thân.
Thế nào hiện phân biệt
Các địa từ đâu sinh
Vượt ba cõi là ai
Thân này là thân gì.
Vãng sinh đến nơi nào
Bồ-tát Tối Thắng Tử
Nhân gì đắc thần thông
Và Tam-muội tự tại.
Sao gọi tâm Tam-muội
Cúi xin vì con nói
Chữ “Tạng” là nghĩa gì
Sao gọi ý và thức.
Sinh diệt là thế nào
Sở kiến trả về được
Năng kiến trả về đâu
Thế nào là tâm lượng
Chủng tánh phi chủng tánh
Làm sao kiến lập tưởng
Nghĩa ngã và phi ngã
Sao nói chẳng chúng sinh.
Sao gọi thuyết thế tục
Cách nào chẳng sinh khởi
Đoạn kiến và thường kiến
Chư Phật và ngoại đạo.
Tại sao chẳng trái nhau
Phật tánh vốn bất nhị
Tại sao đời vị lai
Nhiều bộ phái khác nhau.
Nhân gì lập nghĩa không
Sao nói sát-na hoại
“Thai tạng sinh” là gì
Thế pháp sao chẳng động.
Nhân gì như mộng huyễn
Như thành Càn-thát-bà
Như bóng trăng trong nước
Thế gian như dương diệm
Sao lại nói Giác chi
Và bảy Bồ-đề phần
Quốc độ sao hỗn loạn
Tại sao chấp hữu kiến.
Thế nào chẳng sinh diệt
Thế pháp như hoa đốm
Cách nào giác thế gian
Thuyết pháp lìa văn tự.
Lìa vọng tưởng là ai
Sao dụ như hư không
Những thứ pháp như thật
Và tâm Ba-la-mật.
Nhân gì độ các Địa
Đến nơi vô sở thọ
Và hai thứ vô ngã
Làm sao cảnh trí sạch.
Trí tuệ có những gì
Giới tánh có bao nhiêu
Hạt trân châu ma-ni
Thật tánh từ đâu sinh.
Ai lập ra ngữ ngôn
Và chủng tánh chúng sinh
Nơi sáng và kỹ thuật
Do đâu mà hiển bày.
Kệ tụng có mấy thứ
Tụng dài và tụng ngắn
Tất cả có mấy thứ
Thế nào gọi là luận.
Sao có sự ăn uống
Và sinh những ái dục
Tại sao gọi là vua
Chuyển luân và Tiểu vương.
Cõi trời có bao nhiêu
Hộ vệ quốc độ nào
Thế nào gọi là địa
Tinh tú và nhật nguyệt.
Người tu hành giải thoát
Mỗi môn có mấy thứ
Đệ tử có mấy loại
Sao gọi A-xà-lê.
Phật có bao nhiêu hạng
Sự sinh có mấy loại
Ma và các ngoại đạo
Mỗi mỗi có mấy thứ.
Tự tánh và bản tâm
Có mấy thứ riêng biệt
Những số lượng nêu bày
Niệm thông minh là gì.
Cúi xin Phật khai thị
Hư không và gió mây
Cây cỏ và rừng rậm
Tất cả là thế nào
Tại sao lại bắt lấy
Những loài voi, ngựa, nai
Thế nào là thấp hèn
Nhân gì mà thấp hèn
Làm sao thâu sáu thứ
Sao gọi Nhất-xiển-đề
Nam nữ, phi nam nữ
Từ đâu mà sinh khởi
Thế nào phát tâm tu
Sao lại tu lui sụt
Thiền sư dùng pháp gì
Dạy cho những người nào
Chúng sinh vào các cõi
Tướng nào thuộc loại nào
Thế nào là giàu sang
Nhân gì được giàu sang
Thế nào là Thích chủng
Nhân gì được Thích chủng
Thế nào dòng Cam Giá
Xin Thế Tôn giải thuyết.
Những tiên nhân khổ hạnh
Truyền thọ như thế nào
Sao thân Phật hiển hiện
Khắp thời gian, không gian
Có đủ loại chúng sinh
Và Bồ-tát nhiễu quanh
Tại sao chẳng ăn thịt
Tại sao cấm ăn thịt
Những loại nào ăn thịt
Nhân gì phải ăn thịt
Sao hình thành nhật nguyệt
Tu-di và Liên hoa.
Cây đàn dáng trống cơm
Và đủ loại hương hoa.
Cõi nước rất thù thắng
Trùm khắp cả thế giới
Như lưới báu Đế Thích
Tất cả những châu báu.
Cây đàn dáng trống cơm
Và đủ loại hương hoa
Sáng chói lìa nhật nguyệt
Mỗi mỗi đều vô lượng
Thế nào là hóa Phật
Thế nào Báo thân Phật
Thế nào Như như Phật
Thế nào Trí tuệ Phật
Tại sao nơi Dục giới
Chẳng thành Đẳng chánh giác
Sao cõi Sắc cứu cánh
Lìa dục, đắc Bồ-đề
Chư Phật nhập Niết-bàn
Ai duy trì chánh pháp
Như Lai và chánh pháp
Được trụ thế bao lâu
Thành tựu và kiến chấp
Mỗi loại bao nhiêu thứ
Từ giới luật Tỳ-kheo
Thanh văn và Duyên giác
Cho đến bậc Bồ-tát
Nhân duyên gì kiến lập
Nhân gì nhiều biến đổi
Tại sao Vô sở thọ
Thế tục thông là gì
Tại sao xuất thế gian
Thế nào là bảy địa
Cúi xin Phật diễn thuyết.
Tăng-già có mấy loại
Thế nào phá hoại Tăng
Y Phương luận là gì
Do từ nhân duyên gì
Sao lại Phật Thế Tôn
Thuyết những lời như thế:
Ca-diếp, Câu-lưu-tôn
Câu-na-hàm là ta
Cớ sao nói đoạn, thường
Có ngã và vô ngã
Sao không tất cả thời
Đều diễn nghĩa chân thật
Mà lại vì chúng sinh
Phân biệt thuyết tâm lượng
Tại sao cõi Ta-bà
Núi Kim cang, Thiết vi
Tất cả đều sung mãn
Như trái Yêm-ma-la
Phật nghe bài kệ hỏi
Về môn độ Đại thừa.
Và diệu tâm chư Phật;
Lành thay những câu hỏi.
Đại Tuệ hãy lắng nghe
Nay ta vì các ông
Theo thứ lớp giải đáp:
Pháp sinh và bất sinh
Các loại đến Niết-bàn
Sát-na chẳng tự tánh.
Từ Phật tử, ngoại đạo
Thanh văn và Duyên giác
Bồ-tát ba-la-mật
Và hạnh cõi Vô sắc.
Mỗi mỗi việc như thế
Núi Tu-di, biển cả
Các bộ châu, quốc độ
Tinh tú và nhật nguyệt
Cõi trời A-tu-la
Sức thiền Tam-ma-đề
Giải thoát được tự tại.
Giác chi, Như ý túc
Và các phẩm trợ đạo;
Từ những thân năm ấm
Cho đến định diệt tận
Gồm vô lượng thiền định.
Phật từ Tam-muội khởi
Thuyết pháp độ chúng sinh.
Tâm là thức thứ tám,
Ý là thức thứ bảy,
Và ý là thứ sáu
Năm pháp và vô ngã
Năng tưởng và sở tưởng
Tự tánh hiện nhị kiến.
Các thừa và chủng tánh
Vàng, bạc, châu Ma-ni
Cho đến Nhất-xiển-đề
Nhiều loại với nhất Phật
Trí Nhĩ diệm chứng đắc.
Chúng sinh hữu hay vô
Những cầm thú voi, ngựa
Tại sao bị bắt lấy
Do nhân duyên thành tựu.
Năng tác và sở tác
Tòng lâm cùng mê hoặc
Tâm lượng chẳng hiện hữu
Chư địa chẳng đến nhau.
Biến hiện thọ, vô thọ
Y phương và công xảo
Nội ngoại trong năm minh
Đại địa, núi Tu-di
Biển cả, nhật nguyệt tinh
Chúng sinh thượng, trung, hạ
Quốc độ và sắc thân
Mỗi mỗi bao vi trần.
Thước tấc và số dặm
Số ngắn đến số dài.
Nói chung những câu hỏi
Danh từ các số lượng
Diễn tả sự hiện hữu
Không gian và thời gian
Nên hỏi những việc này
Đâu cần hỏi việc khác.
Thanh văn và Duyên giác
Bồ-tát cho đến Phật
Mỗi thân bao nhiêu trần
Số lượng của bốn đại
Thân năm uẩn con người
Vua chúa trên thế gian
Cho đến Chuyển luân vương
Đều ham giữ tài sản
Làm sao được giải thoát
Nghĩa hẹp và nghĩa rộng
Như chỗ hỏi của ông
Việc Phật tử nên hỏi.
Muốn mỗi mỗi tương ưng
Phải xa lìa kiến chấp.
Thành tựu lìa ngôn thuyết.
Nay ta sẽ khai thị
Kỹ càng từng lớp một
Phật tử hãy lắng nghe.
Trăm lẻ tám câu này
Như chỗ chư Phật thuyết.

Cú sinh, cú bất sinh, cú thường, cú vô thường, cú trụ dị phi trụ dị, cú sát-na cú phi sát-na, cú tự tánh cú phi tự tánh, cú không cú bất không, cú đoạn cú bất đoạn, cú biên cú phi biên, cú trung cú phi trung, cú duyên cú phi duyên, cú nhân cú phi nhân, cú phiền não cú phi phiền não, cú ái cú phi ái, cú phương tiện cú phi phương tiện, cú xảo cú phi xảo, cú tịnh cú phi tịnh, cú thành cú phi thành, cú ví dụ cú phi ví dụ, cú đệ tử cú phi đệ tử, cú sư cú phi sư, cú chủng tánh cú phi chủng tánh, cú tam thừa cú phi tam thừa, cú sở hữu cú phi sở hữu, cú nguyện cú phi nguyện, cú tam luân cú phi tam luân, cú hữu phẩm cú phi hữu phẩm, cú câu cú phi câu, cú duyên tự thánh trí hiện pháp lạc cú phi hiện pháp lạc, cú sát độ cú phi sát độ, cú thủy cú phi thủy, cú cung cú phi cung, cú thật cú phi thật, cú số cú phi số, cú minh cú phi minh, cú hư không cú phi hư không, cú vân cú phi vân, cú công xảo kỹ thuật minh xứ, cú phi công xảo kỹ thuật minh xứ, cú phong cú phi phong, cú địa cú phi địa, cú tâm cú phi tâm, cú thi thiết cú phi thi thiết, cú ấm cú phi ấm, cú chúng sinh cú phi chúng sinh, cú tuệ cú phi tuệ, cú Niết-bàn cú phi Niết-bàn, cú Nhĩ diệm (đối tượng của trí) cú phi Nhĩ diệm, cú ngoại đạo cú phi ngoại đạo, cú hoang loạn cú phi hoang loạn, cú huyễn cú phi huyễn, cú mộng cú phi mộng, cú diệm cú phi diệm, cú tượng cú phi tượng, cú luân cú phi luân, cú Càn-thátbà cú phi Càn-thát-bà, cú thiên cú phi thiên, cú ẩm thực cú phi ẩm thực, cú dâm dục cú phi dâm dục, cú kiến cú phi kiến, cú ba-la-mật cú phi ba-la-mật, cú giới cú phi giới, cú nhật nguyệt tinh tú cú phi nhật nguyệt tinh tú, cú đế cú phi đế, cú quả cú phi quả, cú khởi diệt cú phi khởi diệt, cú trị cú phi trị, cú chi cú phi chi, cú thiền cú phi thiền, cú mê cú phi mê, cú hiện cú phi hiện, cú hộ cú phi hộ, cú tục cú phi tục, cú tiên cú phi tiên, cú vương cú phi vương, cú thâu nhận cú phi thâu nhận, cú bảo cú phi bảo, cú ký cú phi ký, cú Nhất-xiển-đề cú phi Nhất-xiển-đề, cú nữ nam bất nam cú phi nữ nam bất nam, cú vị cú phi vị, cú sự cú phi sự, cú thân cú phi thân, cú giác cú phi giác, cú động cú phi động, cú căn cú phi căn, cú hữu vi cú phi hữu vi, cú vô vi cú phi vô vi, cú nhân quả cú phi nhân quả, cú sắc cứu cánh cú phi sắc cứu cánh, cú thiết cú phi thiết, cú tòng thọ cát đằng cú phi tòng thọ cát đằng, cú tạp cú phi tạp, cú thuyết cú phi thuyết, cú Tỳ-ni cú phi Tỳ-ni, cú Tỳ-kheo cú phi Tỳ-kheo, cú xứ cú phi xứ, cú tự cú phi tự.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Đó là một trăm lẻ tám câu mà Phật xưa đã từng nói, ông và các Đại Bồ-tát cần nên tu học.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Các thức có mấy thứ sinh, trụ, diệt?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Các thức có hai thứ sinh, trụ, diệt, chẳng phải suy nghĩ biết được. Hai thứ sinh gọi là lưu chú sinh và tướng sinh; hai thứ trụ gọi là lưu chú trụ và tướng trụ; hai thứ diệt gọi là lưu chú diệt và tướng diệt.

Này Đại Tuệ! Các thức có ba thứ tướng, gọi là chuyển tướng, nghiệp tướng và chân tướng. Nói tóm tắt có ba thứ thức, nói rộng có tám thứ tướng. Ba thứ thức ấy là: Chân thức, hiện thức và phân biệt sự thức. Đại Tuệ! Ví như gương sáng hiện những sắc tướng, chỗ hiện của hiện thức cũng như thế.

Này Đại Tuệ! Hiện thức và phân biệt sự thức, hai thức này tướng hoại và chẳng hoại làm nhân với nhau. Sự huân tập chẳng thể nghĩ bàn và sự chuyển biến chẳng thể nghĩ bàn là cái nhân của hiện thức. Nhận lấy các cảnh trần và huân tập vọng tưởng từ vô thủy là cái nhân của Phân biệt sự thức.

Này Đại Tuệ! Nếu mỗi mỗi sự hư vọng chẳng thật che khuất chân thức đều tiêu diệt thì tất cả căn thức đều diệt, ấy gọi là tướng diệt.

Này Đại Tuệ! Sao nói là tương tục diệt? Do cái nhân của tương tục đã diệt thì tương tục phải diệt. Đối tượng được nhân diệt thì đối tượng được duyên cũng diệt. Đối tượng được nhân và đối tượng được duyên đều diệt thì tương tục phải diệt. Vì sao? Vì có chỗ nương tựa. Nói nương tựa, là vọng tưởng huân tập từ vô thủy; nói duyên, là tự tâm hiện những cảnh vọng tưởng của thức.

Này Đại Tuệ! Ví như cục đất với vi trần có khác, cũng không có khác. Dùng vàng ròng làm ra những đồ trang sức cũng vậy. Đại Tuệ! Nếu cục đất với vi trần có khác thì cục đất chẳng do vi trần hợp thành, mà thật thì do vi trần hợp thành, nên nói chẳng khác. Nếu chẳng khác thì cục đất với vi trần chẳng có phân biệt.

Như thế, Đại Tuệ! Chân tướng của chuyển thức với tạng thức nếu là khác thì tạng thức chẳng phải cái nhân của chuyển thức; nếu là chẳng khác thì chuyển thức diệt, tạng thức cũng phải diệt, mà chân tướng của nó thật sự là chẳng diệt. Cho nên Đại Tuệ! Chẳng phải tự thức của chân tướng diệt, chỉ là nghiệp tướng diệt. Nếu tự thức của chân tướng diệt thì tạng thức cũng phải diệt. Đại Tuệ! Nếu tạng thức diệt thì chẳng khác gì đoạn kiến của ngoại đạo.

Này Đại Tuệ! Các phái ngoại đạo lập luận như thế này: “Cảnh giới thâu nhận diệt thì sự lưu chú của thức cũng diệt.” Nếu sự lưu chuyển của thức diệt thì sự lưu chú từ vô thủy phải đoạn dứt. Đại Tuệ! Ngoại đạo nói cái nhân sinh khởi của lưu chuyển, chẳng do nhãn thức, sắc không và sáng tối hòa hợp mà sinh, ngoài ra còn có các nhân khác.

Đại Tuệ! Cái nhân của họ nói như thắng diệu, như sĩ phu, như tự tại, như thời gian, như vi trần…

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có bảy thứ tánh tự tánh, gọi là tập tánh tự tánh, tánh tự tánh, tướng tánh tự tánh, đại chủng tánh tự tánh, nhân tánh tự tánh, duyên tánh tự tánh và thành tánh tự tánh.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có bảy thứ Đệ nhất nghĩa, đó là cảnh giới tâm, cảnh giới tuệ, cảnh giới trí, cảnh giới kiến, cảnh giới siêu nhị kiến, cảnh giới siêu tử địa (siêu việt phiền não) và cảnh giới Như Lai tự tại. Đại Tuệ! Đây là Đệ nhất nghĩa tâm nơi tự tánh của tánh cũng là chư Phật Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác (quá khứ, hiện tại, vị lai) thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian, cho đến pháp xuất thế gian tối thượng, do Tuệ nhãn của bậc Thánh soi vào tự cộng tướng mà kiến lập, kiến lập này chẳng đồng với lập luận theo ác kiến của ngoại đạo.

Này Đại Tuệ! Thế nào là lập luận theo ác kiến của ngoại đạo? Ấy là cảnh giới vọng tưởng của tự kiến chấp, chẳng biết do chấp nơi chỗ hiện bày của tự tâm, vì chẳng thông đạt về biên vực (tự tánh cùng khắp không gian thời gian, vốn chẳng có biên vực, vì khởi tâm chấp thật thành có biên vực). Đại Tuệ! Vì hàng phàm phu ngu si, ở nơi bất nhị của tự tánh tánh vô tánh (Đệ nhất nghĩa) lập ra nhị kiến luận.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Cái nhân vọng tưởng của ba cõi diệt thì các duyên của vô minh, ái nghiệp liền diệt. Nay ta sẽ thuyết giảng những cảnh huyễn hóa tùy theo kiến chấp nơi đối tượng được hiện bày của tự tâm.

Này Đại Tuệ! Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn muốn khiến nhân quả của hữu chủng, vô chủng cùng sự vật, thời gian có chỗ trụ… và những cái do chấp nơi ấm, giới, nhập nơi sinh và trụ biến hiện hoặc nói sinh rồi thì diệt, như sự vật hoặc tương tục hoặc sinh, hoặc hữu, hoặc Niết-bàn, hoặc đạo, hoặc nghiệp, hoặc quả, hoặc chân lý, hoặc thường trụ, đều là đoạn diệt luận. Vì sao? Vì những sự việc kể trên vốn là vô thủy (chẳng có sự bắt đầu), nên hiện tiền đều không thể nắm bắt.

Này Đại Tuệ! Ví như cái bình bể chẳng dùng được, như hạt giống cháy chẳng thể nẩy mầm. Như thế, Đại Tuệ! Nếu tánh của ấm, giới, nhập đã diệt, nay diệt, sẽ diệt, đều do kiến chấp vọng tưởng của tự tâm vô nhân mà có, thì sự sinh khởi chẳng có thứ lớp.

Này Đại Tuệ! Nếu lại nói cái thức vô chủng, hữu chủng do ba duyên kiến, tướng, thức hòa hợp sinh khởi, thì con rùa nên mọc lông, ép cát phải ra dầu, tông họ ắt phải tự hoại, vì trái với nghĩa quyết định. Cái thuyết hữu chủng, vô chủng có lỗi như thế, nếu theo đó kiến lập sự nghiệp đều là hư dối vô nghĩa.

Này Đại Tuệ! Cái thuyết ba duyên hợp sinh của ngoại đạo, lập ra phương tiện nhân quả tự tướng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai, tưởng hữu chủng, vô chủng từ xưa đến nay đã thành sự thật, giác tưởng xoay chuyển, thừa kế với nhau, là do lỗi nơi tập khí tự sinh kiến chấp mà thuyết như thế.

Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si, say mê tà tưởng, trí tuệ bị ác kiến nuốt mất, đem cái thuyết vô trí lại vọng xưng là Nhất thiết trí.

Này Đại Tuệ! Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn lìa kiến chấp về tự tánh, biết trong ngoài tâm hiện như mây nổi, như vòng lửa, như thành Càn-thát-bà, như dợn nắng, như bóng trăng trong nước, như mộng huyễn, những vọng tưởng hư dối từ vô thủy chẳng lìa tự tâm. Nếu nhân duyên vọng tưởng diệt hết, lìa chủ thể thuyết đối tượng thuyết, chủ thể quán đối tượng được quán của vọng tưởng, kiến lập thân của tạng thức, nơi cảnh giới thức có thọ dụng, thâu nhận và kẻ thâu nhận… Đối với những việc kể trên đều chẳng tương ưng, chẳng có tất cả cảnh giới ấy, lìa sinh trụ diệt, lìa tự tâm khởi, lìa tùy chỗ nhập mà phân biệt, Bồ-tát này được như thế thì chẳng bao lâu sẽ chứng đắc sinh tử và Niết-bàn bình đẳng, được đại Bi làm phương tiện khéo léo mà chẳng thấy có sự mở mang phương tiện.

Này Đại Tuệ! Nơi tất cả chúng sinh đều như huyễn, chẳng do nhân duyên, xa lìa cảnh giới trong ngoài, ngoài tâm chẳng thấy pháp khác, lần lượt nhập chỗ vô tưởng, từ cảnh giới Tam-muội của địa này đến địa kia, phân biệt quán xét, thấu rõ ba cõi như huyễn, sẽ chứng đắc Tam-muội như huyễn, siêu việt tự tâm hiện, trụ nơi Bát-nhã bala-mật, lìa bỏ phương tiện, lìa Kim cang dụ và Tam-ma-đề, liền vào thân Như Lai, liền vào thần thông biến hóa tự tại, từ bi làm phương tiện, đầy đủ trang nghiêm; vào tất cả cõi Phật và chỗ ngoại đạo, bình đẳng như như, lìa tâm, ý, ý thức, ấy là sự lần lượt chuyển thân của Bồ-tát, cho đến chứng đắc Pháp thân Như Lai, cuối cùng quy về vô sở đắc.

Cho nên, muốn hội nhập nơi Pháp thân Như Lai, phải xa lìa ấm, giới, nhập và nhân duyên làm phương tiện của tâm, chỉ với tâm thẳng quán xét lỗi nơi vọng tưởng tập khí hư dối từ vô thủy, sinh, trụ, diệt là vọng tưởng hư dối, Phật địa vô sinh, tư duy về ba cõi chẳng thật có, đến Thánh trí tự giác, tự tâm tự tại, tới chỗ hành vô sở hành, như hạt châu ma-ni tùy sắc (hạt châu tự chẳng có màu sắc, mà tùy màu sắc của người xem hiện ra màu sắc), nghĩa là tùy tâm lượng vi tế của chúng sinh mà biến hóa thân hình, nên các Địa lần lượt được tương tục kiến lập. Cho nên, này Đại Tuệ! Việc tự thành tựu pháp thiện phải siêng tu học.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nói tâm, ý, ý thức, tướng tự tánh của năm pháp là nẻo hành hóa của tất cả chư Phật, Bồ-tát, cảnh giới của đối tượng được duyên chẳng hòa hợp, hiển bày tất cả pháp do tự tâm hiện, thành tướng chân thật. Nhất thiết Phật ngữ tâm là Phật thuyết về cảnh giới tạng thức nơi Pháp thân, ở trụ xứ của chư Đại Bồ-tát tại núi Mala-da trong biển thuộc nước Lăng-già.

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Do bốn nhân duyên mà nhãn thức chuyển. Thế nào là bốn?

  1. Tự tâm bất giác hiện ra thâu nhận.
  2. Lỗi nơi tập khí hư dối từ vô thủy.
  3. Chấp trước tự tánh của tánh thức.
  4. Muốn thấy đủ thứ sắc tướng.

Ấy gọi là bốn thứ nhân duyên từ dòng suối chảy của tạng thức, sinh ra làn sóng của chuyển thức.

Như nhãn thức chuyển thì tất cả vi trần, lỗ chân lông nơi tất cả các căn đều sinh, các cảnh giới khác theo đó sinh khởi cũng như thế. Ví như gương sáng hiện các sắc tướng, ví như gió lớn thổi nước biển thì gió của cảnh giới bên ngoài thổi biển của tâm, nổi làn sóng thức cũng vậy. Bởi vì tướng đối tượng được tạo tác khác hay chẳng khác, do nghiệp duyên hòa hợp sinh tướng, lại chấp trước sâu vào, chẳng thể thấu tỏ tự tánh của các sắc, nên cái thân năm thức theo đó mà chuyển.

Này Đại Tuệ! Cái thân năm thứ thức kia đều do cái biết của tướng phần đoạn sai biệt mà có, nên biết đó là cái thân của ý thức. Cái thân chuyển kia chẳng tự cho là tướng của ngã chuyển, vì tự tâm hiện vọng tưởng chấp trước mà chuyển, nên mỗi mỗi tướng hư vọng cùng chuyển; do phần đoạn sai biệt, phân biệt cảnh giới gọi là chuyển. Như người tu hành vào thiền chánh định, chuyển tập khí vi tế mà chẳng tự biết, lại cho là thức diệt rồi mới nhập thiền định, thật thì thức chẳng diệt mà nhập chánh định. Vì chủng tử tập khí chẳng diệt nên cảnh giới chuyển mà thức chẳng diệt, chẳng vì không thâu nhận mà diệt.

Này Đại Tuệ! Bờ bến cứu cánh của tạng thức vi tế như thế, ngoài chư Phật và Bồ-tát trụ Địa ra, chỗ tu tập đạt được các Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo dù có sức trí tuệ của Tam-muội, tất cả chẳng thể suy lường thấu đạt được.

Ngoài tướng trí tuệ khéo léo phân biệt, phán đoán nghĩa cú, thắng tiến vô biên, thiện căn thuần thục, lìa vọng tưởng hư dối của tự tâm hiện, tĩnh tọa trong núi rừng, tu hành trải qua các bậc thượng, trung, hạ, được thấy vọng tưởng lưu chú của tự tâm, được pháp quán đảnh nơi vô lượng quốc độ của chư Phật, được sức tự tại thần thông Tam-muội, được biết các tri thức thiện, quyến thuộc Phật tử, những tâm, ý, ý thức kia, chúng sinh theo nghiệp ái vô tri vào biển sinh tử, cảnh giới tư tưởng hư vọng ấy… đều do tự tâm hiện bày. Đến đây, các thứ nhân duyên kể trên thảy đều đã siêu thoát. Cho nên này Đại Tuệ! Những người tu hành nên gần gũi bậc Tri thức tối thắng.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói kệ:

Ví như sóng biển cả
Là do gió thổi mạnh
Sóng to vỗ biển rộng
Chẳng có lúc ngừng nghỉ.
Biển tạng thức thường trụ
Gió cảnh giới lay động
Mỗi mỗi sóng của thức
Ào ạt mà nổi dậy.
Các thứ màu sắc đẹp
Các thứ đồ ăn ngon
Các thứ hoa quả tốt
Ánh sáng của nhật nguyệt.
Hoặc khác hoặc chẳng khác
Như biển nổi làn sóng
Bảy thức cũng như thế
Tâm cảnh hòa hợp sinh.
Như nước biển biến chuyển
Nổi đủ thứ làn sóng.
Bảy thức cũng như thế
Tâm cảnh hòa hợp sinh
Nói chỗ tạng thức ấy
Mỗi mỗi các thức chuyển.
Là do ý thức kia
Suy nghĩ nghĩa các tướng
Có tám tướng chẳng hoại
Vô tướng vốn vô tướng.
Ví như làn sóng biển
Nước biển chẳng sai biệt
Thức tâm cũng như thế
Chẳng thể có khác biệt.
Tâm gọi tích tập nghiệp
Ý gọi rộng tích tập
Thức do thức nhận biết
Hiện cảnh nói có năm.

Bồ-tát Đại Tuệ dùng kệ hỏi Phật:

Những sắc tướng xanh, đỏ
Do các thức sinh khởi
Nổi pháp như làn sóng
Nghĩa ấy xin Phật giảng.
Thế Tôn dùng kệ đáp:
Những sắc tướng xanh, đỏ
Làn sóng vốn chẳng có
Đều do tâm tích tập
Phàm phu nếu khai ngộ.
Nghiệp kia vốn chẳng có
Do tự tâm thâu nhiếp
Lìa năng nhiếp, sở nhiếp
Đồng như làn sóng kia.
Kiến lập thân thọ dụng
Là hiện thức chúng sinh
Nơi các nghiệp hiện kia
Đều như làn sóng nước.

Bồ-tát Đại Tuệ lại dùng kệ hỏi:

Tánh làn sóng biển cả
Ào ạt vẫn biết được
Tạng cùng nghiệp cũng vậy
Tại sao chẳng hiểu biết.

Thế Tôn dùng kệ đáp:

Phàm phu chẳng trí tuệ
Tạng thức như biển cả
Nghiệp tướng như làn sóng
Theo đó dụ cho hiểu.
Bồ-tát Đại Tuệ lại dùng kệ hỏi:
Mặt trời sáng soi khắp
Chúng sinh thượng, trung, hạ
Như Lai soi thế gian
Khai thị lời chân thật.
Tại sao chia nhiều thừa
Thuyết pháp nói chẳng thật?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Nếu nói với chân thật
Tâm họ chẳng chân thật
Ví như làn sóng biển
Như bóng gương, mộng, huyễn.
Tất cả cùng lúc hiện
Cảnh giới tâm cũng thế
Nay cảnh giới chẳng đủ
Là do nghiệp chuyển sinh.
Thức do thức nhận biết
Ý do ý cho vậy
Năm thức tùy cảnh hiện
Chẳng thứ lớp nhất định.
Ví như thợ khéo vẽ
Và học trò thợ vẽ
Bút màu vẽ hình tướng
Ta nêu cũng như thế.
Màu sắc vốn vô nghĩa
Chẳng phải bút hay lụa
Vì thỏa lòng chúng sinh
Vẽ đủ thứ hình tướng.
Dùng lời nói khai thị
Thật nghĩa lìa văn tự
Phân biệt nghĩa ban đầu
Tu hành đến chân thật.
Chỗ chân thật tự ngộ
Lìa năng giác, sở giác
Đây vì Phật tử nói
Kẻ ngu vọng phân biệt.
Thế gian đều như huyễn
Dù hiện chẳng chân thật
Thuyết pháp cũng như thế
Tùy sự lập phương tiện.
Lương y trị bệnh nhân
Tùy bệnh mà cho thuốc
Thuyết pháp chẳng ứng cơ
Nơi họ thành phi thuyết.
Tùy tâm lượng chúng sinh
Như Lai ứng cơ thuyết
Phi cảnh giới vọng tưởng
Thanh văn chẳng có phần.
Vì thương xót kẻ mê
Thuyết cảnh giới tự giác.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Nếu Đại Bồ-tát muốn biết hiện lượng của tự tâm, thâu nhận và kẻ thâu nhận đối với cảnh giới vọng tưởng, phải lìa phong tục tập quán thế gian. Ngày đêm sáu thời thường tự cảnh tỉnh, phương tiện tu hành, phải lìa ngôn luận của người ác kiến và các tướng thừa Thanh văn, Duyên giác, thông đạt tướng vọng tưởng của tự tâm hiện.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát kiến lập trí tuệ, nơi ba tướng của Thánh trí nên siêng tu học.

Thế nào là ba tướng của Thánh trí? Đó là tướng vô sở hữu, tướng Nhất thiết chư Phật tự nguyện xứ, tướng cứu cánh của Thánh trí tự giác. Tu hành được đến đây rồi, phải xả bỏ tướng bệnh của trí tuệ tâm, được lên Bồ-tát trụ Địa thứ tám, ấy là do quá trình tu tập ba tướng kể trên mà sinh khởi.

Này Đại Tuệ! Nói tướng vô sở hữu, là theo cách tu tập những tướng Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo mà sinh khởi. Nói tướng tự nguyện xứ, là nói chỗ chư Phật xưa tự nguyện tu mà sinh khởi. Nói tướng cứu cánh của Thánh trí tự giác, là đối với tất cả pháp tướng chẳng chấp trước, được tiến hành đến chứng đắc Tam-muội thân như huyễn của chư Phật mà sinh khởi. Đây gọi là ba tướng của Thánh trí. Nếu người thành tựu ba tướng của Thánh trí này, thì được đến cảnh giới cứu cánh của Thánh trí tự giác. Cho nên Đại Tuệ! Ba tướng của Thánh trí nên siêng tu học.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ biết tâm niệm của chúng Đại Bồ-tát đang nghĩ về kinh gọi là: Thánh Trí Sự Phân Biệt Tự Tánh, nên nương theo diệu lực từ oai thần của tất cả Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Phật thuyết kinh Thánh Trí Sự Phân Biệt Tự Tánh, y theo trí tuệ của Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, phân biệt nghĩa nơi một trăm lẻ tám câu, theo đó thuyết giảng về chỗ Đại Bồ-tát vào tự tướng và cộng tướng của tự tánh vọng tưởng. Vì phân biệt thuyết giảng về tự tánh vọng tưởng thì khéo quan sát được nhân, pháp vô ngã, tẩy sạch vọng tưởng, soi sáng các Địa, siêu việt tất cả Thanh văn, Duyên giác và thiền định của ngoại đạo, biết khắp cảnh giới thuộc nơi chốn hành hóa không thể nghĩ bàn của Như Lai, lìa bỏ năm pháp tự tánh. Dùng Pháp thân trí tuệ của chư Phật Như Lai khéo tự trang nghiêm, khởi cảnh giới huyễn, lên Thiên cung Đâu-suất, trời Sắc cứu cánh, trong tất cả cõi Phật, cho đến được Pháp thân thường trụ của Như Lai (như Phật Thích-ca từ Thiên cung Đâu-suất giáng sinh thành Phật).

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Có một thứ ngoại đạo, khởi vọng tưởng chấp trước đoạn diệt, xóa hết cái nhân giác tri, cho tất cả là hư vô, như thỏ không sừng, cho tất cả pháp cũng như thế. Ngoài ra còn có ngoại đạo căn cứ theo chỗ vi tế của Đà-la-phiếu (chân lý), vọng chấp các pháp mỗi mỗi sai biệt, sinh kiến chấp ấy, cho là không có sừng thỏ, thì lại nghĩ tưởng phải có sừng trâu. Đại Tuệ! Họ rơi vào nhị kiến hữu và vô, chẳng rõ cảnh giới tâm lượng của tự tâm, vọng tự thêm bớt, kiến lập thân thọ dụng, vọng tưởng có căn cứ số lượng. Đại Tuệ! Tất cả pháp tánh cũng như thế, lìa hữu, lìa vô, chẳng nên suy tưởng cho là thật có hay thật không.

Này Đại Tuệ! Nếu lìa hữu, vô mà cho thỏ không sừng là tưởng thật không, cho trâu có sừng là tưởng thật có, đều gọi là tà tưởng. Đại Tuệ! Theo cảnh giới Thánh trí, nên lìa nhị kiến đối đãi.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Người chẳng vọng tưởng thấy tướng vô sinh rồi, theo đó suy nghĩ quán xét, chẳng sinh vọng tưởng, nói là vô chăng?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Chẳng phải quán xét chẳng sinh vọng tưởng mà nói vô. Vì sao? Vì vọng tưởng do chấp thật mà sinh; như theo chấp thật có và không về sừng mà sinh ra vọng tưởng. Nếu chẳng chấp thật thì lìa hai tướng tương đối. Do quán Hữu nên nói thỏ không sừng, do quán Vô nên nói trâu có sừng. Đại Tuệ! Vì pháp tương đối chẳng phải chánh nhân, nên nói hữu nói vô, cả hai đều chẳng thành. Nói thành là do chấp pháp tương đối mà thành.

Này Đại Tuệ! Lại còn có ngoại đạo chấp trước việc sắc không sinh khởi kiến chấp, chẳng biết thực tế của hư không, nói lìa sắc lìa hư không, sinh khởi kiến chấp về biên vực của vọng tưởng.

Này Đại Tuệ! Hư không là sắc, thuộc về sắc chủng. Sắc là hư không, do chủ thể nhận thức, đối tượng được nhận thức mà kiến lập, phân biệt tánh sắc tánh không. Đại Tuệ! Phải biết lúc bốn đại chủng sinh khởi, tự tướng riêng biệt, chẳng trụ hư không, nhưng không phải chẳng có hư không.

Như thế, Đại Tuệ! Vì chấp pháp tương đối, quán trâu có sừng nên nói thỏ không sừng. Nếu đem sừng trâu phân tích thành vi trần, lại phân tích vi trần cho đến cực vi thì sát-na chẳng có chỗ trụ. Họ quán theo như thế nào mà nói là vô? Nếu quán các vật khác thì pháp cũng như vậy.

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Nên lìa sừng thỏ, sừng trâu, sắc tướng hư không, kiến chấp vọng tưởng. Các Đại Bồ-tát nên suy xét vọng tưởng do tự tâm hiện, Bồ-tát vào tất cả cõi nước, dùng phương tiện của tự tâm giáo hóa chúng sinh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Sắc cùng với tâm không
Sắc cùng nuôi dưỡng tâm
Thân thọ dụng kiến lập
Tạng thức hiện chúng sinh.
Tâm, ý và ý thức
Pháp tự tánh có năm
Vô ngã có hai thứ
Do Như Lai rộng thuyết.
Dài, ngắn và có, không
Lần lượt sinh lẫn nhau
Vì không lập nghĩa có
Vì có lập nghĩa không
Nếu phân biệt vi trần
Vọng sắc chẳng thể sinh.
Chỗ an lập tâm lượng
Không nên có ác kiến
Phi cảnh giới giác tưởng
Tưởng Thanh văn cũng thế
Cảnh giới của tự giác
Cứu thế phương tiện thuyết.

Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ vì trừ sạch dòng suối ý thức do tự tâm hiện, lại hỏi Như Lai:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao trừ sạch dòng suối ý thức do tự tâm hiện của tất cả chúng sinh? Ấy là pháp đốn hay tiệm?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Phi tiệm phi đốn, cũng tiệm cũng đốn. Nói tiệm, ví như trái Yêm-ma-la tiệm chín mùi; như đại địa tiệm dần dần sinh vạn vật, Như Lai trừ sạch dòng suối ý thức do tự tâm hiện của tất cả chúng sinh cũng như thế. Nói đốn, ví như gương sáng đốn liền hiện tất cả sắc tướng vô tướng; như ánh sáng mặt trời đốn liền soi tất cả sắc tướng, Như Lai trừ sạch dòng suối ý thức do tự tâm hiện của tất cả chúng sinh cũng như thế.

Này Đại Tuệ! Pháp Y Phật thuyết tất cả các pháp hiện bày nơi tự tướng và cộng tướng là tập khí do tự tâm hiện, vọng tưởng tương tục do tự tâm so sánh chấp trước, mỗi mỗi không thật như huyễn. Thật ra, mỗi mỗi so sánh chấp trước đều không thủ đắc.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Vì so sánh chấp trước duyên khởi tự tánh, sinh ra tướng vọng tưởng của tự tánh. Đại Tuệ! Như nhà ảo thuật, nương cỏ cây, ngói đá làm ra đủ thứ cảnh vật huyễn hóa, do đó sinh khởi bao nhiêu hình sắc, sinh khởi đủ thứ vọng tưởng, những vọng tưởng kia vốn chẳng chân thật.

Như thế, Đại Tuệ! Y theo tánh duyên khởi sinh khởi vọng tưởng, y mỗi mỗi vọng tưởng hình thành mỗi mỗi sự vật hiện thành, ấy gọi là Y Phật thuyết pháp.

Này Đại Tuệ! Nói hóa Phật là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ, lìa ấm, giới, nhập, giải thoát mọi thức tướng phân biệt, là do quán xét kiến lập, siêu việt kiến chấp về ngoại đạo và kiến chấp về cõi Vô sắc.

Này Đại Tuệ! Nói Pháp Phật, là lìa duyên dựa, lìa tất cả mọi đối tượng được tạo tác, tướng căn và số lượng đều diệt, chẳng phải tướng ngã chấp và cảnh giới nơi đối tượng bị chấp của phàm phu, Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo. Ấy là do tướng cứu cánh sai biệt của Thánh trí tự giác kiến lập. Cho nên, Đại Tuệ! Tướng cứu cánh sai biệt của Thánh trí tự giác nên siêng tu học và kiến chấp do tự tâm hiện cần phải diệt trừ.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có hai thứ tướng phân biệt thông với thừa Thanh văn, ấy là: Chấp tướng đắc Thánh tự giác sai biệt và tướng so sánh chấp trước tánh vọng tưởng nơi tự tánh.

Thế nào là tánh đắc Thánh tự giác sai biệt của Thanh văn? Ấy là cảnh giới chân đế, vô thường, khổ, không, vô ngã, lìa dục tịch diệt, dứt ấm, giới, nhập, tự, cộng tướng, ngoài bất hoại tướng, biết như thật về tâm được tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng xong, được đạo quả thiền định giải thoát Tam-muội. Nhưng chánh thọ giải thoát ấy chẳng lìa tập khí biến dịch sinh tử chẳng thể nghĩ bàn, đắc Thánh tự giác, ham trụ nơi thừa Thanh văn, ấy gọi là tướng đắc Thánh tự giác sai biệt của Thanh văn.

Này Đại Tuệ! Ham trụ đắc Thánh tự giác sai biệt của Đại Bồtát, chẳng phải là ham pháp môn diệt và ham chánh định, chỉ vì thương xót chúng sinh và theo đúng bản nguyện mà không thủ chứng. Đại Bồ-tát đối với tướng đắc Thánh tự giác sai biệt của thừa Thanh văn ham thích, chẳng nên tu học.

Này Đại Tuệ! Thế nào là so sánh chấp trước tánh vọng tưởng nơi tự tánh của thừa Thanh văn? Ấy là đại chủng xanh, vàng, đỏ, trắng, địa, thủy, hỏa, phong, chẳng do tạo tác mà sinh tự tướng, cộng tướng, chỉ là cái phương tiện của Phật thuyết. Người Thanh văn do đó khởi tự tánh vọng tưởng, Đại Bồ-tát đối với pháp ấy nên biết nên xả, liền nhập tướng vô ngã nơi pháp và diệt trừ kiến chấp nơi tướng vô ngã của nhân, lần lượt tiến đến các Địa, ấy gọi là tướng so sánh chấp trước tánh vọng tưởng nơi tự tánh của thừa Thanh văn.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết giảng về cảnh giới thường và chẳng thể nghĩ bàn của Đệ nhất thánh trí và cảnh giới của Đệ nhất nghĩa, chẳng phải là chỗ nêu giảng của những ngoại đạo về nhân duyên thường chẳng thể nghĩ bàn chăng?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Chẳng phải là nhân duyên đạt được thường chẳng thể nghĩ bàn của ngoại đạo. Vì sao? Thường chẳng thể nghĩ bàn của những ngoại đạo, chẳng do tự tướng thành. Nếu thường chẳng thể nghĩ bàn chẳng do tự tướng thành thì cớ sao được hiển hiện thường chẳng thể nghĩ bàn? Lại nữa, này Đại Tuệ! Chẳng thể nghĩ bàn nếu do tự tướng thành thì ắt phải là pháp thường, nếu do người làm ra thì chẳng thể thành thường chẳng thể nghĩ bàn, vì do làm mới có, chẳng phải thường có.

Này Đại Tuệ! Ta nói Đệ nhất nghĩa thường chẳng thể nghĩ bàn, tướng nhân thành Đệ nhất nghĩa là lìa tánh, phi tánh, nên đạt được tướng tự giác mà vô tướng. Cái nhân của Đệ nhất nghĩa trí, vì có cái nhân lìa tánh, phi tánh, ví như hư không không tạo tác, Niết-bàn tận diệt, nên chánh pháp ấy tự thường, chẳng do tạo tác thành thường. Như thế, chẳng đồng với định luận thường chẳng thể nghĩ bàn của ngoại đạo.

Này Đại Tuệ! Thường chẳng thể nghĩ bàn này do Thánh trí tự giác của Như Lai chứng đắc, nên thường chẳng thể nghĩ bàn của Thánh trí tự giác, cần phải tu học.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Pháp thường chẳng thể nghĩ bàn của ngoại đạo chẳng có tánh thường, vì có cái nhân của tướng khác, chẳng phải cái nhân của sức tướng tự thành. Lại nữa, này Đại Tuệ! Pháp thường chẳng thể nghĩ bàn của ngoại đạo có chỗ tạo tác, tánh phi tánh, vô thường, theo kiến chấp suy tư tự cho là thường.

Này Đại Tuệ! Pháp ta cũng dùng nhân duyên như thế, vì tánh phi tánh, chẳng lập chỗ tạo tác, chẳng có thường kiến, nơi cảnh giới của Thánh trí tự giác, nói cái thường ấy tự vô nhân (chẳng có sự bắt đầu).

Này Đại Tuệ! Nếu các ngoại đạo lập cái nhân tướng thành thường chẳng thể nghĩ bàn, lập cái nhân của tự tướng, nói tánh phi tánh, thì đồng như sừng thỏ, vì pháp thường chẳng thể nghĩ bàn của họ chỉ có ngôn thuyết vọng tưởng. Các ngoại đạo có cái lỗi như thế. Vì sao? Vì chỉ có ngôn thuyết vọng tưởng, cũng như sừng thỏ, chẳng phải do tự tướng vốn sẵn đầy đủ.

Này Đại Tuệ! Pháp thường chẳng thể nghĩ bàn của ta do tướng tự giác chứng đắc, lìa đối tượng được tạo tác, tánh phi tánh, nên tự vốn là thường, chẳng phải ngoài tánh phi tánh, suy nghĩ pháp vô thường cho là thường. Nếu ngoài tánh phi tánh, pháp vô thường suy nghĩ cho là thường, là cái thuyết thường chẳng thể nghĩ bàn của ngoại đạo, vì họ chẳng biết cái tướng của tự nhân thường chẳng thể nghĩ bàn vốn sẵn đầy đủ, nên xa cách với tướng cảnh giới chứng đắc nơi Thánh trí tự giác, họ chẳng nên thuyết.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Chúng Thanh văn sợ cái khổ của vọng

tưởng sinh tử mà cầu Niết-bàn, chẳng biết tất cả tánh sai biệt của sinh tử Niết-bàn là vọng tưởng, phi tánh, do cảnh giới của các căn thôi nghĩ, cho là Niết-bàn, chẳng phải chuyển tạng thức thành Thánh trí tự giác.

Thế nên, Phật đối với phàm phu nói có ba thừa, nói những tâm lượng vốn chẳng thật có, họ chẳng biết cảnh giới của tự tâm hiện của Như Lai nơi quá khứ, hiện tại, vị lai, mà so sánh chấp trước cảnh giới ngoài tâm hiện, nên thường lưu chuyển trong vòng sinh tử.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Tất cả pháp vốn vô sinh, ấy là quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật thuyết giảng. Vì sao? Nói tự tâm hiện, là tánh phi tánh, lìa phi hữu mà sinh. Đại Tuệ! Tất cả tánh vô sinh thì tất cả pháp như sừng thỏ, mà phàm phu ngu si, vì tự tánh vọng tưởng chấp cho là thật.

Này Đại Tuệ! Tất cả pháp vô sinh, là cảnh giới của Thánh trí tự giác, tất cả tướng tự tánh của tất cả tánh vốn vô sinh, chẳng phải hai thứ cảnh giới vọng tưởng nhị kiến của phàm phu, kiến lập tướng tự tánh của sắc thân và tài (sở hữu của thân). Đại Tuệ! Chuyển cái tướng chủ thể thâu nhiếp, đối tượng được thâu nhiếp của tạng thức mà phàm phu đọa vào nhị kiến của sinh, trụ, diệt, hy vọng tất cả tánh có sinh, sinh những vọng tưởng hữu và phi hữu, chẳng phải là Thánh hiền.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có năm thứ chủng tánh vô gián. Những gì là năm? Ấy là Thanh văn thừa vô gián chủng tánh, Duyên giác thừa vô gián chủng tánh, Như Lai thừa vô gián chủng tánh, Bất định chủng tánh và Các biệt chủng tánh (ngoại đạo chủng tánh).

Thế nào là Chủng tánh vô gián của Thanh văn thừa? Nếu có người nghe nói đến ấm, giới, nhập, tự cộng tướng, lúc ấy lỗ chân lông toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng yên vui và ham tu trí tướng, chẳng tu tướng duyên khởi phát ngộ, khởi tâm đoạn dứt tập khí phiền não, nhưng chẳng đoạn, chẳng độ biến dịch sinh tử chẳng thể nghĩ bàn, chỉ độ phần đoạn sinh tử, cho là sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, sau này chẳng thọ sinh nữa, như thật biết tu tập nhân vô ngã, cho đến chứng đắc Niết-bàn của Thanh văn, ấy gọi là Chủng tánh vô gián của Thanh văn thừa.

Này Đại Tuệ! Thế nào là Chủng tánh vô gián của Duyên giác thừa? Nếu có người nghe nói những khác biệt của nhân duyên vô gián, toàn thân lông dựng lên, rơi lệ dầm dề, đối với những tướng chẳng phải mười hai nhân duyên thì cảm thấy không thích, mỗi mỗi tự thân, mỗi mỗi thần thông, hoặc lìa hoặc hợp, đủ thứ biến hóa, lúc nghe thuyết này, tâm liền ngộ nhập. Nếu biết họ thuộc về Chủng tánh vô gián của Duyên giác thừa rồi, tùy thuận căn tánh của họ mà thuyết giảng pháp Duyên giác thừa, ấy gọi là tướng Chủng tánh vô gián của Duyên giác thừa.

Này Đại Tuệ! Chủng tánh vô gián của Như Lai thừa có bốn thứ:

  1. Tự tánh pháp vô gián chủng tánh.
  2. Lìa tự tánh pháp vô gián chủng tánh.
  3. Đắc tự giác thánh vô gián chủng tánh.
  4. Ngoài sát thù thắng (ngoài cõi nước thù thắng, có nghĩa là vô sở trụ) vô gián chủng tánh.

Nếu người nghe thuyết bốn việc này và lúc nghe thuyết về cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn thân, tài (ngã và ngã sở) kiến lập do tự tâm hiện, tâm chẳng kinh sợ, ấy gọi là tướng Chủng tánh vô gián của Như Lai thừa.

Này Đại Tuệ! Chủng tánh bất định là khi người nghe thuyết ba thứ chủng tánh kể trên, tùy theo lúc nghe chủng tánh nào thì ngộ nhập chủng tánh ấy, theo đó tu tập mà thành tựu. Như nghe thuyết thừa Thanh văn thì thành chủng tánh Thanh văn, nghe thuyết thừa Duyên giác thì thành chủng tánh Duyên giác, nghe thuyết thừa Như Lai thì thành chủng tánh Như Lai, ấy gọi là Chủng tánh bất định.

Này Đại Tuệ! Các biệt vô gián là những chúng sinh còn chấp thật về kiến giác như ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, tăng trưởng thiện căn, sĩ phu… mà cầu chứng Niết-bàn. Lại nghe lời thuyết pháp của ngoại đạo, cho tất cả tánh đều có kẻ tạo ác, nói đó là Niết-bàn, cho như thế là giác ngộ, đối với pháp vô ngã chẳng có phần, nên họ không thể giải thoát. Ấy là những người tu Thanh văn thừa mà thuộc về ngoại đạo chủng tánh vô gián, chẳng xuất luân hồi mà cho là xuất, ấy gọi là Chủng tánh vô gián các biệt.

Này Đại Tuệ! Người sơ trị địa nói kiến lập chủng tánh là vì muốn siêu nhập địa vô sở hữu, nên có sự kiến lập này. Người tự tu tự giác, phải dứt sạch tập khí phiền não, thấy pháp vô ngã, từ đắc Tam-muội của Thanh văn, cho đến năm thứ chủng tánh kia, cuối cùng đều sẽ chứng đắc Pháp thân tối thắng của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ:

Tu-đà-hoàn nhập lưu
Tư-đà-hàm vãng lai
A-na-hàm bất hoàn
Đến quả A-la-hán.
Gọi là thừa Thanh văn
Tam thừa và Nhất thừa
Phi thừa đúng ta thuyết
Phàm phu kém trí tuệ.
Chư Thánh xa lìa tịch
Pháp môn Đệ nhất nghĩa
Xa lìa giáo Nhị thừa
Trụ nơi vô sở hữu.
Sao lại lập tam thừa
Chư thiền pháp vô lượng
Vô sắc Tam-ma-đề
Thọ tưởng này tịch diệt
Cũng chẳng có tâm lượng.

Này Đại Tuệ! Nói Nhất-xiển-đề thật chẳng phải Nhất-xiển-đề. Nếu Nhất-xiển-đề là thật, thì ai chuyển được ai? Vậy thế gian làm sao giải thoát? Này Đại Tuệ! Có hai thứ Nhất-xiển-đề:

1. Xả bỏ tất cả thiện căn và xả bỏ phát nguyện của chúng sinh từ vô thủy. Sao nói xả bỏ tất cả thiện căn? Ấy là vì phỉ báng Bồ-tát tạng và nói lời ác: “Chẳng phải tùy thuận kinh luật mà được giải thoát.” Vì xả bỏ tất cả thiện căn nên chẳng thể chứng nhập Niết-bàn.

2. Bồ-tát vì độ tất cả chúng sinh được chứng Niết-bàn mà có bản nguyện phương tiện tự chẳng thủ chứng Niết-bàn. Đại Tuệ! Pháp Niết-bàn kia, gọi là pháp tướng chẳng Niết-bàn. Đây cũng thuộc về loại Nhất-xiển-đề.

Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tại sao nhất định chẳng thủ chứng Niết-bàn? Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Bồ-tát Nhất-xiển-đề! Biết tất cả pháp vốn đã là Niết-bàn, chẳng cầu thủ chứng Niết-bàn nữa, chẳng phải là xả bỏ tất cả thiện căn, thành Nhất-xiển-đề kia.

Này Đại Tuệ! Người Nhất-xiển-đề xả bỏ tất cả thiện căn, lại nhờ thần lực của Như Lai, cũng có thể tái phát thiện căn. Vì sao? Vì Như Lai chẳng xả bỏ tất cả chúng sinh. Do đó, nên nói Bồ-tát Nhấtxiển-đề chẳng thủ chứng Niết-bàn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát phải thấu hiểu ba thứ tự tánh. Thế nào là ba thứ tự tánh? Ấy là vọng tưởng tự tánh (Biến kế sở chấp), nhân duyên tự tánh (Y tha khởi) và thành tựu tự tánh (Viên thành thật). Đại Tuệ! Vọng tưởng tự tánh do chấp trước tướng sinh.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Sao nói vọng tưởng tự tánh từ tướng sinh?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Sự tướng của duyên khởi tự tánh, do tướng hành hiển bày tướng sự, đối với tướng so đo chấp trước, thành có hai tướng vọng tưởng tự tánh, do Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác phương tiện kiến lập, gọi là danh tướng chấp trước tướng và sự tướng chấp trước tướng. Nói danh tướng chấp trước tướng là chấp trước các pháp trong ngoài; sự tướng chấp trước tướng là theo việc trong ngoài của tự tướng cộng tướng sinh khởi chấp trước như thế. Ấy gọi là tướng của hai thứ vọng tưởng tự tánh, vì nương theo nhân duyên mà sinh nên gọi là duyên khởi tự tánh.

Thế nào là thành tựu tự tánh? Ấy là lìa vọng tưởng của hai thứ danh tướng và sự tướng, tức là cảnh giới thuộc đối tượng được hành hóa của Thánh trí tự giác do Thánh trí chứng đắc, ấy gọi là Thành tựu tự tánh, cũng gọi là tâm Như Lai tạng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này, nên nói kệ:

Danh, tướng và phân biệt
Với hai thứ tự tánh
Chánh trí và như như
Thành tựu năm pháp tướng.

Này Đại Tuệ! Ấy gọi là quan sát năm pháp tự tánh tướng kinh. Cảnh giới của đối tượng hành hóa nơi kinh này là ý nghĩa sâu xa nơi Thánh trí tự giác, chúng Đại Bồ-tát cần phải tu học.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát khéo quán hai thứ tướng vô ngã. Thế nào là hai thứ tướng vô ngã? Ấy là nhân vô ngã và pháp vô ngã.

Thế nào là Nhân vô ngã trí? Là lìa ngã và ngã sở, lìa tụ duyên của ấm, giới, nhập, lìa sự sinh khởi của vô minh nghiệp ái, sáu căn thâu nhận sáu trần sinh ra sáu thức, những chấp trước ấy đều phải lìa. Vì tất cả căn, thân (chánh báo), khí giới (y báo) đều do tự tâm hiện, là tướng của tự vọng tưởng, như dòng nước, như chủng tử, như đèn, như gió, như mây, sát-na lượt hoại. Thô đông như khỉ vượn, ưa chỗ bất tịnh như con ruồi, không biết đủ như gió thổi lửa, nhân tập khí hư giả từ vô thủy như bánh xe đạp nước, đủ thứ thân sắc, sinh tử luân hồi trong sáu đường như huyễn thuật và thần chú mà tùy cơ phát khởi trí tuệ, khéo biết tất cả tướng kia đều chẳng thật thì phá được nhân ngã chấp, ấy gọi là Nhân vô ngã trí.

Thế nào là Pháp vô ngã trí? Biết ấm, giới, nhập là vọng tưởng, tướng tự tánh, lìa ngã, ngã sở, những ấm, giới, nhập tích tụ, do dây trói của nghiệp ái lần lượt duyên nhau sinh khởi, nhưng thật tướng vốn chẳng lay động, các pháp cũng thế. Lìa tướng vọng tưởng nơi tự cộng tướng chẳng thật, do sức vọng tưởng của phàm phu sinh ra, chẳng phải Thánh hiền, vì tự tánh lìa tâm, ý, ý thức và năm pháp. Đại Tuệ! Đại Bồ-tát khéo quán tất cả pháp vô ngã, khéo tu pháp vô ngã, thì Đại Bồ-tát chẳng bao lâu sẽ chứng đắc Sơ địa, quán tướng của địa là vô sở hữu, quan sát mở mang giác tuệ, đến địa Hoan hỷ, lần lượt tiến lên, siêu việt tướng Cửu địa, chứng địa Pháp vân, ngay đó kiến lập vô lượng bảo trang nghiêm, ngồi Đại bảo liên hoa trong Đại bảo cung điện, đồng một loại như tượng vua, có các quyến thuộc Bồ-tát từ tất cả cõi Phật đến vây quanh, được tay Phật thực hành pháp quán đảnh, giống như sự quán đảnh của thái tử Chuyển luân thánh vương. Từ phàm phu tu tập, sinh khởi cảnh giới huyễn của tự tánh, tới quả vị siêu địa Phật tử, cho đến pháp Thánh trí tự giác, sẽ được Pháp thân tự tận của Như Lai, hiện pháp vô ngã, ấy gọi là tướng pháp vô ngã. Chúng Đại Bồ-tát cần nên tu học.

Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Phật thuyết pháp kiến lập và phủ định, khiến con và chư Đại Bồ-tát lìa kiến lập và phủ định của ác kiến nhị biên, chóng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế Tôn chấp thuận sự thỉnh cầu của Bồ-tát Đại Tuệ nên nói kệ:

Kiến lập và phủ định
Vốn chẳng có tâm lượng
Thân thọ dụng kiến lập
Tâm phàm chẳng thể biết
Ngu si chẳng trí tuệ
Chấp kiến lập phủ định.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn hiển bày đại nghĩa này nên bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Có bốn thứ phi hữu mà lại có kiến lập. Thế nào là bốn?

Tướng phi hữu kiến lập.
Kiến phi hữu kiến lập.
Nhân phi hữu kiến lập.
Tánh phi hữu kiến lập.

Ấy gọi là bốn thứ kiến lập. Còn nói phủ định nghĩa là nơi đối tượng được lập kia vốn là vô sở đắc, vì quan sát sai lầm mà khới tâm phủ định, ấy gọi là tướng kiến lập phủ định.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Thế nào là Tướng phi hữu kiến lập tướng? Ấy là: Tự, cộng tướng của ấm, giới, nhập vốn phi hữu mà khởi tâm chấp trước, cho là thế này thế kia, gọi là Tướng phi hữu kiến lập tướng. Tướng phi hữu kiến lập tướng này, là lỗi của vọng tưởng hư dối từ vô thủy, do đủ thứ tập khí kiến chấp mà sinh khởi.

Này Đại Tuệ! Kiến phi hữu kiến lập tướng là kiến chấp về ấm, giới, nhập, ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, nuôi dưỡng thiện căn (kẻ làm), sĩ phu (kẻ thọ nhận)… như thế gọi là Kiến phi hữu kiến lập tướng.

Nhân phi hữu kiến lập tướng là khi ý thức sơ khởi chẳng từ nhân duyên, lúc trước vốn chẳng sinh, lúc sau mới như huyễn mà sinh, vốn chẳng có vật làm nhân. Như nhãn thức do vọng tưởng về sắc, không, sáng tối mà sinh thức, thức sinh rồi liền diệt, ấy gọi là Nhân phi hữu kiến lập tướng.

Này Đại Tuệ! Tánh phi hữu kiến lập tướng là tự tánh của ba pháp vô vi hư không, Niết-bàn và trạch diệt (do sức trí tuệ mà chứng đắc pháp diệt) vốn chẳng có tự tánh, như lông rùa sừng thỏ, lìa có và không mà hiện, ấy gọi là Tánh phi hữu kiến lập tướng.

Kiến lập và phủ định là do vọng tưởng của phàm phu chẳng khéo quan sát về tự tâm hiện lượng, chẳng thấy chỗ thấy của Thánh hiền. Bậc Đại Bồ-tát nên siêng tu học, lìa hai thứ ác kiến kiến lập và phủ định.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát phải khéo biết tâm, ý, ý thức, năm pháp của tự tánh và hai thứ tướng vô ngã; vì sự yên ổn của chúng sinh, nên tiến đến cứu cánh. Như hạt châu như ý hiện ra đủ thứ sắc tướng, là do nhân duyên vọng tưởng phân biệt mà sinh khởi, đại chúng nơi tất cả pháp hội của Như Lai, nghe Phật thuyết giảng pháp như mộng huyễn, như ánh sáng, như bóng trăng trong nước, pháp ấy lìa sinh diệt đoạn thường và lìa Thanh văn, Duyên giác, được trăm ngàn Tam-muội, cho đến trăm ngàn ức na-do-tha Tam-muội. Đắc Tam-muội xong, dạo khắp các cõi Phật, cúng dường chư Phật, lên các Thiên cung hoằng dương Tam bảo, thị hiện thân Phật, có chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh. Dùng tự tâm hiện lượng để độ thoát chúng sinh, phân biệt diễn thuyết ngoài tánh vô tánh, khiến thảy đều xa lìa kiến chấp có và không…

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa ấy nên nói kệ:

Phật tử khéo quan sát
Thế pháp do tâm tạo
Thị hiện đủ thứ thân
Sức thần thông tự tại
Tất cả đều thành tựu
Sở tác vô chướng ngại.

Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn vì chúng con thuyết giảng về tất cả pháp tánh không, lìa tướng tự tánh vốn vô sinh, bất nhị, khiến chúng con và chư Bồ-tát giác ngộ, lìa hai thứ vọng tưởng có và không, vô sinh, bất nhị và lìa tướng tự tánh.

Này Đại Tuệ! Nói sơ lược có bảy thứ không là: Tướng không, tự tánh không, hành không, vô hành không, tất cả pháp lìa ngôn thuyết không, Đệ nhất nghĩa thánh trí đại không và Bỉ bỉ không.

Thế nào là Tướng không? Ấy là tự tướng cộng tướng của tất cả pháp là không, vì tướng tự, tha và cộng đều chẳng thể sinh, do vọng tưởng phân biệt đối đãi với nhau tích tụ mới có. Nếu quan sát phân tích thì cứu cánh là vô tánh. Vì vô tánh nên tướng chẳng trụ, nên nói tất cả tánh tướng là không, gọi là Tướng không.

Thế nào là Tự tánh không? Ấy là tự tánh của chính mình vốn vô sinh, tức tự tánh của tất cả pháp là không, nên nói tánh của Tự tánh là không.

Thế nào là Hành không? Ấy là hành ấm lìa ngã, ngã sở, do tác nghiệp tạo thành, nghĩa là từ nhân duyên hòa hợp mà sinh, ấy gọi là Hành không.

Thế nào là Vô hành không? Duyên nhau sinh khởi theo hành không như thế này, vì tự tánh vốn vô tánh, ấy gọi là Vô hành không.

Thế nào là tất cả pháp lìa ngôn thuyết không? Vì vọng tưởng tự tánh chẳng có ngôn thuyết, nên tất cả pháp lìa ngôn thuyết, ấy gọi là Tất cả pháp lìa ngôn thuyết không.

Thế nào là tất cả pháp Đệ nhất nghĩa thánh trí đại không? Vì người đắc Thánh trí tự giác thì tất cả kiến chấp tập khí đều không, ấy gọi là Tất cả pháp Đệ nhất nghĩa nơi Thánh trí đại không.

Thế nào là Bỉ bỉ không? Nghĩa là ở nơi kia chẳng có cái không kia, gọi là Bỉ bỉ không. Đại Tuệ! Ví như người mẹ của Lộc Tử là nữ cư sĩ Tỳ-xá, vì xây dựng tinh xá cho Tỳ-kheo ở, chẳng nuôi voi, ngựa, trâu, dê… Nay nói bỉ không, chẳng phải nơi kia không có chúng Tỳkheo, cũng chẳng phải tinh xá không, cũng chẳng phải Tỳ-kheo tánh không, cũng chẳng phải chỗ khác không có voi, ngựa, nghĩa là tự tướng của tất cả pháp, cái kia, ở nơi kia chẳng có cái kia, ấy gọi là Bỉ bỉ không. Nói chung, trong bảy thứ không, Bỉ bỉ không là cái không rất thô, ông nên xa lìa.

Này Đại Tuệ! Nói chẳng tự sinh chẳng phải vô sinh, ngoài trụ chánh định ra, gọi là vô sinh, nghĩa là lìa tự tánh tức là vô sinh. Sự lưu chuyển tương tục từng sát-na vốn lìa tự tánh và tánh dị thục hiện ra tất cả tánh đều lìa tự tánh, cho nên nói tất cả tánh lìa tự tánh.

Sao nói là Bất nhị? Tất cả pháp như âm, dương, dài, ngắn, trắng, đen… đều lìa tự tánh, vì các tướng làm nhân với nhau mới có, nên gọi là bất nhị, tất cả pháp cũng như thế. Cho nên pháp không, pháp vô sinh, pháp bất nhị, pháp lìa tướng tự tánh cần nên tu học. Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Ta thường nói pháp không
Xa lìa nơi đoạn, thường
Sinh tử như mộng huyễn
Mà tánh nghiệp chẳng hoại.
Hư không và Niết-bàn
Tịch diệt cũng như thế
Phàm phu chấp vọng tưởng
Bậc Thánh lìa hữu, vô.

Khi ấy, Thế Tôn lại bảo Đại Tuệ:

–Này Đại Tuệ! Pháp không, pháp Vô sinh, pháp Bất nhị, pháp lìa tự tánh… đều có ghi vào kinh giáo của Phật, tất cả kinh điển đều thuyết giảng về nghĩa này. Vì tùy thuận tâm hy vọng của chúng sinh mà phương tiện phân biệt thuyết giảng để hiển bày nghĩa lý chẳng phải ở nơi ngôn thuyết có sự chân thật. Như bầy nai khát nước, mê hoặc đuổi theo dương diệm cho là nước, nhưng dương diệm chẳng phải là nước thật. Các pháp của Phật thuyết giảng ghi trong kinh điển cũng như thế. Vì muốn khiến phàm phu phát tâm hoan hỷ, tinh tấn tu hành, chẳng phải có Thánh trí thật ở nơi ngôn thuyết. Cho nên phải nương theo nghĩa, chớ chấp vào ngôn thuyết.

Pages: 1 2 3 4