SỐ 294
KINH LA-MA-GIÀ
Hán dịch:  Đời Tây Tấn, Sa-môn Thánh Kiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

–Một thời, Đức Phật ngự tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ, nơi giảng đường Thiện thắng, lầu gác Trang nghiêm, cùng với Đại Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, và các vị Bồtát: Quang Minh Tràng, Tu-di Sơn Tràng, Bảo Tràng, Vô Ngại Tràng, Hoa Tràng, Tịnh Tràng, Nhật Quang Tràng, Tĩnh Chánh Tràng, Ly Trần Tràng, Thế Tĩnh Tràng, Địa Oai Đức Tràng, Bảo Oai Đức, Đại Oai Đức, Kim Cang Trí Oai Đức, Tịnh Oai Đức, Pháp Nhật Oai Đức, Công Đức Sơn Oai Đức, Trí Diễm Oai Đức, Phổ Hiện Thắng Oai Đức, Trì Địa Tạng, Hư Không Tạng, Liên Hoa Tạng, Bảo Tạng, Nhật Tạng, Công Đức Tịnh Tạng, Pháp Ấn Tạng, Thế Tịnh Tạng, Bất Kiêu Mạn, Liên Hoa Thắng Tạng, Thiện Tịnh Nhãn, Thanh Tịnh Nhãn, Tịnh Nhãn Tạng, Vô Trước Nhãn, Phổ Tập Nhãn, Thiện Quán Nhãn, Ưubát-la Hoa Nhãn, Kim Cang Nhãn, Bảo Nhãn, Hư Không Nhãn, Thiên Nhãn, Phổ Nhãn, Thiên Quan, Pháp Giới Diễm Trí Thiên Quan, Đạo Tràng Thiên Quan, Chiên-đàn Quang Thiên Quan, Phật Tạng Thiên Quan, Sơn Dũng Thiên Quan, Thế Tịnh Thiên Quan, Oai Nghi Thiên Quan, Vô Năng Thắng, Chư Phật Sư Tử Tòa Phú Quán, Phổ Pháp Giới Hư Không Quang Quán, Phạm Thắng Kế, Long Thắng Kế, Phật Biến Hóa Diễm Kế, Nhất Thiết Nguyện Hải Ma-ni Kế, Như Lai Viên Quang Thù Kế, Hư Không Chưởng Châu Bảo Kế, Như Lai Diệu Dụng Vương Võng Kế, Như Lai Pháp Luân Hương Kế, Nhất Thiết Tam Thế Hương Kế, Đại Quang, Ly Cấu Quang, Bảo Quang, Ly Trần Quang, Diễm Quang, Pháp Quang, Tịch Quang, Nhật Quang, Du Hý Quang, Thiên Quang, Công Đức Tướng Quang, Trí Tướng Diễm, Pháp Tướng Diễm, Thần Thông Diễm Tướng, Quang Diễm Tướng, Hoa Tướng Diễm, Châu Tướng Diễm, Bồ-đề Diễm Tướng, Phạm Tướng Diễm, Phổ Quang Diễm Tướng, Phạm Âm, Hải Âm, Biện Tài Âm, Thế Vương Âm, Sơn Tướng Kích Âm, Nhất Thiết Pháp Giới Phổ Âm, Nhất Thiết Pháp Hải Lôi Âm, Điều Phục Ma Giới Âm, Đại Bi Vân Lôi Âm, Nhất Thiết Thế Gian Tịch Âm, Pháp Giới Tuệ, Trí Dũng, Công Đức Tu Dũng, Công Đức Nha Dũng, Xưng Dũng, Phổ Diễm Dõng, Đại Từ Dũng, Trí Hải Dũng, Như Lai Chủng Tánh Dũng, Quang Thắng, Diệu Thắng, Dũng Thắng, Thế Tịnh Thắng, Pháp Thắng, Nguyệt Thắng, Hư Không Thắng, Bảo Thắng, Tinh Thắng, Trí Thắng, Thọ Vương Ấn Thắng, Pháp Vương Ấn, Thế Vương Ấn, Phạm Vương Ấn, Sơn Vương Ấn, Tiên Nhân Hiền Lực Vương Ấn, Thắng Vương Ấn, Tịch Hương, Vô Cực Hương, Địa Hương Âm, Hải Lôi Hương Âm, Pháp Diễm Hương Âm, Hư Không Hương Âm, Chúng Sinh Công Đức Hương Âm, Chúng Sinh Thiện Căn Hương Âm, Ma Giới Hương Âm, Trí Sơn Quang, Hư Không Ý, Tịnh Ý, Vô Trước Ý, Giác Ngộ Ý, Tam Thế Diễm Ý, Quang Ý, Phổ Minh Ý, Pháp Giới Diễm Ý, các vị Đại Bồ-tát như vậy cả thảy là năm trăm vị hội đủ.

Tất cả các vị Bồ-tát này cùng tu hạnh Phổ hiền và đều đầy đủ cảnh giới không chấp trước, hiện khắp mười phương vô lượng cõi Phật, thân nhiều vô cực, ở trong khắp chúng hội chư Phật, từ lâu tu tập nơi cõi Tịnh Nhãn vô ngại, tâm không ngừng nghỉ, tích tập tất cả công đức chư Phật, quyết định sáng rõ đạo Bồ-tát; kết tụ vô lượng ánh sáng, thân nhập tất cả biển pháp trí, thường hành không vướng mắc, không chỗ thọ nhận, tâm chứng tuệ lớn, thân trường thọ vô lượng vô kiếp, bốn biện tài không cùng tận, trí tuệ như hư không, không nương tựa, không đắm, tùy theo những gì chúng sinh ưa thích thì hiện sắc thân như ý họ, mắt trong suốt không chướng ngại, như mặt trời trong hư không, ánh sáng đều chiếu tỏa rộng khắp tất cả pháp giới.

Lại có năm trăm Thanh văn đã thông đạt Tứ đế từ lâu, đã tỏ rõ

về bản tế và thâm nhập pháp tánh, lìa xa biển sinh tử, tùy thuận chúng Thánh đệ tử của Đức Như Lai, tâm được giải thoát đối với các kết sử ràng buộc nơi các cõi, ở trong biển pháp Phật tâm không nghi hoặc. Có vô số chư Thiên vương cùng đến với pháp hội. Lại nữa, các vị ở trước chư Phật đã từng trồng các gốc đức, vì khắp chúng sinh luôn làm người bạn thân thiết, từ lâu đã thọ tâm giới đầy đủ các công đức, siêu việt hơn cả hàng trời, người mà không có tâm cao ngạo, tất cả phiền não đều đã chấm dứt, tâm trí giải thoát như hư không, đối với pháp Phật không còn nghi hoặc, đã thâm nhập nơi biển trí tuệ của chư Phật, tùy thuận oai nghi của các bậc Thánh – Như Lai, thừa hành lời dạy của chư Phật để thành tựu chúng sinh, gìn giữ hạt giống Phật pháp không để cho đoạn tuyệt, nhờ căn lành này nên thường sinh vào nhà Phật, an lạc sâu xa nơi môn chân thật của Nhất thiết chủng trí.

Bấy giờ, chư Bồ-tát, đại chúng Thanh văn, chư Thiên, Thiên ma, Thích Phạm và các Thần tiên, mỗi mỗi đều cùng với quyến thuộc của mình cung kính vây quanh và cùng tâm niệm: Về công hạnh của Đức Như Lai, về cảnh giới Phật, về sự biến hóa thần thông tự tại của Phật, về diệu lực của Như Lai, về sự gia trì của Như Lai, về sức vô úy của Như Lai, chỗ trú của Như Lai, Tam-muội của Như Lai, công đức thù thắng vi diệu của Như Lai, thân Như Lai, trí tuệ vô bờ bến của Như Lai mà tất cả trời người không thể lường tính, không thể phân biệt, không thể mở bày, không thể thấy biết, không thể nói rõ, cũng không thể giải nói đúng như thật, ngoại trừ lực gia trì của Phật, năng lực tự tại của Phật, năng lực trí tuệ của Phật, năng lực biện tài của Phật, năng lực oai thần của Phật, năng lực Tam-muội của Phật, năng lực thần thông của Phật, năng lực bản nguyện của Phật, năng lực căn lành quá khứ, năng lực thân cận Thiện tri thức, năng lực tín tâm thanh tịnh, năng lực trụ phương tiện, năng lực ưa cầu căn lành thanh tịnh thù thắng vi diệu, năng lực của thân tâm giác ngộ chánh trực và nguyện lực của Nhất thiết trí. Cho nên, Đức Thế Tôn biết rõ những điều chúng sinh mong muốn những niềm tin, những sự hiểu biết của họ mà tâm vẫn nhất như. Thế Tôn dùng âm thanh không vướng mắc để thức tỉnh cho tất cả những người biết đạo. Thế Tôn giảng nói về đạo, khéo nói vô vàn công hạnh của các địa, vô vàn căn tánh, vô vàn sự tư duy và biết tất cả cảnh giới của bậc trí tuệ, mỗi mỗi đến tư duy về công đức của Như Lai và nguyện tuyên nói:

Xưa kia, khi Đức Như Lai còn là Bồ-tát, hành nguyện theo nghiệp thiện, chỗ tu tập trước nhất là trí nguyện thù thắng Ba-la-mật, thị hiện thần thông của các Bồ-tát, phương tiện trang nghiêm với các âm hưởng siêu tuyệt trang nghiêm hạnh Bồ-tát, sinh ra biển tròn đầy trang nghiêm cho cửa Bồ-đề của Bồ-tát, thị hiện con đường tự tại của Bồ-tát, sinh khởi biển trang nghiêm của Bồ-tát, trang nghiêm thần thông diệu dụng của Như Lai, trang nghiêm pháp luân tự tại của Như Lai, trang nghiêm mười phương cõi nước của Như Lai, trang nghiêm sự hiện thân khắp mười phương để điều phục chúng sinh mà không hiện thân tâm của Như Lai, trụ nơi cung thành chánh pháp của chư Như Lai, công đức thù thắng thị hiện rộng khắp tất cả các đạo. Như Lai Pháp vương vì tất cả chúng sinh mà thị hiện các nẻo, dùng ánh sáng thanh tịnh với sức thần thông tự tại. Như Lai là ruộng phước tối thượng của tất cả chúng sinh. Như Lai vì tất cả chúng sinh nói công đức của sự bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí hóa độ tất cả muôn loài. Cúi xin Đức Như Lai thương xót chúng sinh mà hiển hiện đầy đủ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của chư Bồ-tát nên dùng thân đại Bi, môn đại Bi, tâm đại Bi, bản nguyện lực đại Bi, tùy thuận đại Bi, tất cả đều rộng lớn như pháp tánh, rốt ráo như hư không để nhập Tam-muội Sư tử vương Phấn tấn, vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh vui thích pháp thanh tịnh. Nhập vào Tam-muội rồi, lúc ấy các lầu gác, giảng đường nơi rừng Kỳ-đà bỗng nhiên sáng rực rỡ trang nghiêm và rộng lớn. Kim cương cõi Phạm thiên trang nghiêm nơi đất, châu báu và các thứ báu xen lẫn làm tăng vẻ đẹp; mưa xuống ngọc Như ý và các loại hoa thơm lạ. Khi đó, ánh sáng xuyên suốt cả trong lẫn ngài khu rừng Kỳ-đà, có cây lưu ly với thân, cành, hoa, được tạo thành do các báu. Ánh sáng muôn màu ấy của Như Lai quay vòng trở lại giữa khu rừng khiến ai cũng thích ngắm nhìn. Châu ngọc dùng làm mành lưới với vàng Diêm-phù-đàn giăng khắp đây đó, che phủ phía trên.

Lại dùng những châu báu bậc nhất để trang nghiêm lầu gác, với ngọc ma-ni sáng rực làm trụ minh châu và ánh sáng ấy chiếu thẳng xuyên suốt cả vườn rừng. Cửa vàng, rèm ngọc, lan can ngọc báu, bốn phía đường đi đều do các báu tạo thành. Ma-ni bảo vương hóa thành diệu hoa báu. Từ trên phóng ra ánh trân châu; hàng cây, tầng cấp, diềm nhà, lưới giăng, hàng hiên, cờ phướn, lọng báu đầy khắp cõi hư không. Nơi phía trước của sổ có cây báu hóa sinh, giống như rừng cây Sa-la thẳng tắp tự nhiên, quả như linh báu phát ra các âm thanh vi diệu. Dưới gốc cây, chảy ra dòng nước lưu ly thơm dịu, trong mát, uốn lượn quanh tinh xá Kỳ hoàn. Nhờ thần lực và sức bản nguyện của Phật nên vô lượng, vô số những phẩm vật cúng dường nhiều như số vi trần không thể nghĩa bàn nơi a-tăng-kỳ cõi Phật thanh tịnh trong mười phương thế giới, thảy đều hiện khắp nơi rừng Kỳ-đà.

Lại có sông Công đức hương nước trong chảy uốn quanh cõi tịnh, có vô lượng hoa báu theo dòng chảy hóa sinh không thể cùng tận. Hoa và nước đều phá tan âm thanh diễn nói hạnh báo ứng của Bồ-tát. Cây hoa nở rộ tỏa mây hương phủ khắp. Trong những lọng hương có mây lầu gác không thể nghĩ bàn, vô số vòng hoa anh lạc không thể nghĩ bàn đều rủ thòng xuống, có vô số ngọc ma-ni báu tự nhiên tuôn ra, Y phục mềm mịn, các cờ báu khói hương phướn lọng đều đầy đủ.

Lại có vô số mây hoa báo tỏa dịu khắp hư không, tất cả những cờ phướn và các lọng hoa, những cờ treo linh báu đều phát ra âm thanh vi diệu diễn nói tất cả danh hiệu chư Phật, hiển hiện tướng pháp luân thanh tịnh. Lại có Sư Tử Như Ý Châu Vương với biển âm thanh diễn nói rộng khắp biển bản nguyện của chư Phật; Ma-ni bảo vương nơi tất cả pháp giới cùng tỏa chiếu trang nghiêm.

Khi ấy trên không trung nơi rừng Kỳ-đà có vô số chẳng thể nghĩ bàn các mây cây thơm che rợp. Vô số các loại vật cúng dường như vậy đầy đủ nơi các cõi Phật. Các việc trang nghiêm như thế nhiều vô lượng, vô biên không thể nói hết.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài từ cõi nước phương Đông cầu Thiện tri thức, dần dần đi đến cõi nước ở phương Nam, chuyển qua phương Tây, từ xa trông thấy Trưởng giả Thiện Thắng nơi thành Quật-đầu-ma nên khởi ý muốn đến thành kia. Vừa đi trên đường, Thiện Tài vừa tư duy trong hiện tại, tâm không phân tán, luôn luôn an trú trong chánh định. Tuy đang đi, Thiện Tài vẫn vui với chánh pháp, tâm không hối hận, không hề lay chuyển, dũng mãnh tiến bước, không sợ đường hiểm, luôn nghĩ đến Thiện tri thức và tu đạo chánh giác. Vì thân tâm đạt đạo an lạc không cùng tận nên ở giữa đường suy nghĩ: “Ta phải làm thế nào đạt được cảnh giới thù thắng? Bây giờ ta phải làm sao để chóng đến chỗ Thiện tri thức, để hỏi về đạo Bồ-tát và tu hạnh Bồ-tát. Ở nơi Thiện tri thức, tạo nhân duyên cho Phật đạo, được các Ba-lamật, thu tóm khắp tất cả, xa lìa các chướng ngại, vào pháp giới không chấp trước, khắp vì tất cả chúng sinh đoạn trừ những nghiệp nơi cõi ác đạo, để trừ bỏ tâm ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, diệt trừ tất cả bụi bặm phiền não, phá dẹp tất cả lưới kiến chấp, thành tựu mũi tên pháp thiện, đem cung Từ bi để bảo vệ chánh pháp, thành tựu nhân quả. Vì sao? Vì nếu gặp được Thiện tri thức, chắn chắn sẽ được thành tựu các công đức thiện. Thiện tri thức có thể là bậc Nhất thiết trí, là nền tảng vững chắc, thân tâm chánh định, dung mạo không thay đổi. Cầu Thiện tri thức với oai nghi thuận hợp, không có tướng hung bạo. Dần dần Thiện Tài đến thành Quật-đầu-ma, thấy Trưởng giả Thiện Thắng đang ở giảng đường Trùng các cửa của thành kia. Đến nơi, Thiện Tài thấy mình như người lội trong biển rộng, không thấy đâu bờ bến. Có trăm ngàn vạn ức các Đại trưởng giả vây quanh, tất cả đều hoan hỷ ở hai bên Trưởng giả Thiện Thắng, mỗi mỗi đều muốn nghe pháp. Như người hoa tiêu vì những khách buôn mà nói về những nơi có châu báu trong biển, trưởng giả Thiện Thắng có tài phân biệt về châu báu trong biển Phật pháp, vì tất cả chúng sinh giảng pháp không chấp trước, phân biệt.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu kính lễ thưa:

–Bạch Đại Thánh! Từ lâu con đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng chưa biết thế nào là hành đạo Bồ-tát, tu hạnh Bồ-tát.

Trưởng giả Thiện Thắng bảo Thiện Tài:

–Hay thay! Hay thay! Thiện nam! Ông đã phát tâm Bồ-đề nên mới có thể khéo hỏi về kho báu đại trí tuệ vì nhằm đạt được pháp nghĩa sâu xa này, vì để đoạn tận tất cả hạt giống khổ não, nghi hoặc. Nay đồng tử hỏi ta để đến bờ Nhất thiết trí, vì không có tâm hủy hoại, hướng thẳng Đại thừa, làm cho xa lìa tất cả sự sợ hãi nơi địa Thanh văn, Bích-chi-phật, thẳng nẻo Phật đạo, tu các pháp môn Tam-muội vắng lặng, khéo tu tất cả các hạnh Bồ-tát, nguyện đạt thần thông diệu dụng chuyển pháp luân bất thoái, làm thanh tịnh các nghiệp đạo và nhanh chóng hồi hướng về tâm Nhất thiết trí. Ở nơi hạnh Bồ-tát mà tu hành như thật và vì đạo Bồ-tát nên đồng tử đến đây hỏi ta. Người thực hành hạnh này, thấy khắp mười phương không có ngăn ngại, khéo biết pháp môn đối trị của biển Nhất thiết trí và vì trang nghiêm tất cả hạnh Bồ-tát nên đến đây hỏi ta.

Thiện nam! Ta ở tại giảng đường Trùng các nơi bờ biển của thành Quật-đầu-ma này, ngày đêm thường thuyết giảng pháp môn Đại Từ đại Bi và hạnh thanh tịnh của Bồ-tát.

Thiện nam! Ta ở cõi Diêm-phù-đề này, thấy các chúng sinh nghèo khổ nên muốn khiến họ được nhiều sự lợi lạc, sau đó sẽ vì họ mà thuyết giảng về nghĩa Không sâu xa này. Tùy theo sở nguyện của họ, sẽ khiến họ được đầy đủ. Hoặc dùng thực phẩm để giúp đỡ họ, hoặc dùng tài sản pháp để giúp đỡ họ, hoặc dùng hành nghiệp công đức giúp đỡ họ, hoặc dùng trí tuệ giúp đỡ họ, hoặc dùng căn lành tránh trực giúp đỡ họ. Nếu cần dùng căn tánh Bồ-tát để giúp đỡ họ thì dùng căn tánh Bồ-tát mà giúp đỡ, cần tâm Bồ-tát để giúp đỡ họ thì dùng tâm Bồ-tát mà giúp đỡ, nếu cần dùng sự từ bỏ nghi hoặc để phát tâm Bồ để tức dùng pháp từ bỏ nghi hoặc để giúp đỡ họ, nếu cần sự vui thích để phát tâm Bồ-tát thì dùng pháp hoan hỷ để giúp đỡ họ, nếu cần dùng đại Bi để phát tâm Bồ-tát thì dùng đại Bi để giúp đỡ họ, nếu cần dùng sự dứt trừ sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não, pháp vô thường để phát tâm Bồ-tát thì dùng pháp khổ, không, vô thường để giúp đỡ họ. Hoặc vì chúng sinh nào đó mà cần phải trụ nơi biển sinh tử với tâm không mệt mỏi, thì cùng ở nơi biển sinh tử để giúp đỡ họ. Hoặc có chúng sinh cần dùng bốn Nhiếp pháp mới phát tâm Bồ-tát thì dùng bốn Nhiếp pháp để giúp đỡ họ. Hoặc cần dùng biển công đức của Nhất thiết trí mà phát tâm Bồ-tát, thì dùng pháp tùy thuận với biển công đức trí tuệ mà giúp đỡ họ. Hoặc có chúng sinh cần dùng tất cả pháp môn đối trị của biển chánh pháp nơi chư Phật ba đời mới phát tâm Bồ-tát thì dùng biển chánh nơi chư Phật ba đời mà giúp đỡ họ.

Thiện nam! Ta dùng bao nhiêu pháp thâu nhận như vậy chỉ vì tạo lợi ích cho chúng sinh, làm cho tất cả chúng sinh được pháp lợi lạc nên ở nơi bờ biển này.

Thiện nam! Ta ở nơi bờ biển này biết khắp tất cả các thứ châu báu trong biển và chỗ sinh ra của chúng, biết cả nguồn gốc, tánh chất và giá trị hơn kém, cùng tướng trong sáng của châu báu; biết được ánh sáng báu và có thể khéo phân biệt chúng; biết rõ tát cả công xảo kỹ thuật; biết rõ các cung điện khác nhau của tất cả các rồng, rồng chúa và rồng con, cũng có thể khéo diệt trừ các rồng ưa đánh nhau và có tướng ác đáng sợ, biết rõ tất cả thôn xóm, cung điện của La-sát chúa, cũng có khả năng diệt trừ những La-sát tranh chấp mang đến sự sợ hãi, khéo biết tất cả chỗ của những thứ quỷ mị, các quỷ thần xấu ác, cũng có thể diệt trừ các nạn sóng biển vùi dập; cũng biết tất cả màu nước của những dòng nước chảy, suối nguồn, cũng có thể khéo xem biết thiên văn và những sự biến dị thiên tai khác thường. Ngày đêm luôn xem xét, không một khoảnh khắc nhỏ nào đánh mất tâm thường cứu độ, thấu tỏ không mảy may sai lạc, khéo nhận biết những sách về toán số, thống kê, binh thư, biết cách sử dụng tùy lúc; biết rõ tất cả các tướng thay đổi không dừng trong từng sát-na, hoặc hợp hoặc tan; hoặc biết tính toán các việc nơi thế gian.

Thiện nam! Ông nay nên biết, ta do biết pháp môn Mười minh của tất cả chúng sinh này nên an trú thanh tịnh nơi bờ vô úy và khiến cho các chúng sinh kia đều được an ổn. Tôi thường dùng chánh pháp để an ủi, vỗ về họ. Nếu trong cõi Diêm-phù-đề có các thương gia buôn bán, muốn đến biển lớn tìm cầu châu báu mà xưng tên ta thì được rất nhiều châu báu và an ổn may mắn vui vẻ trở về. Nếu có chúng sinh được nghe tên ta thì những cấu uế của thân tâm cho đến bụi bặm nơi y phục, vĩnh viễn được tiêu trừ, huống gì là phiền não. Nếu có chúng sinh mắt nhìn thấy ta, thường được pháp hỷ thanh tịnh vô thượng, nghe pháp không chán, thân tâm an lạc. Nhờ được pháp lạc này nên ta thường vì khắp tất cả nỗi khổ của chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề mưa xuống các trận mưa pháp lớn, khiến họ được an vui. Nếu có chúng sinh nào nghe ta thuyết pháp ắt được an ổn vượt qua biển khổ sinh tử, thoát khỏi sự sợ hãi, chắc chắn được an vui nơi biển Nhất thiết trí, vĩnh viễn xa lìa khát ái, không còn lo âu về khổ nạn, thường trụ nơi biển ánh sáng giải thoát khắp ba đời.

Thiện nam! Ông nay nên biết, ta có thể hòa nhập vào tất cả tâm chúng sinh và biển tâm hành, làm cho chúng sinh kia tu về cõi tịnh. Ta nhận biết khắp tất cả biển cõi tịnh nơi mười phương, tùy ý vãng sinh, được sự vô ngại. Lại có thể làm trang nghiêm tất cả biển nghiệp căn tịnh, có thể thanh tịnh tất cả biển hạnh chúng sinh, làm khiến họ được ở nơi biển nghỉ ngơi, an lạc, vắng lặng.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn diệt tướng kích âm thanh Bồtát Hỷ tràng, lấy Từ, Bi, Hỷ, Xả để đối trị còn chư Đại Bồ-tát đã thành tựu vô lượng công đức nơi biển trí tuệ, khéo có thể phân biệt tất cả biển hạnh thế giới, đoạn trừ tất cả biển nghiệp phiền não, thành tựu tất cả các biển pháp giới, thâu tóm tất cả biển chúng sinh và thế giới, nhập vào tất cả biển trí tuệ thù thắng, không bao giờ bỏ tất cả biển chúng sinh và thế giới, nhập vào tất cả biển trí tuệ cao siêu, không bao giờ bỏ tất cả biển chúng sinh, tâm ấy như đất, khéo hay tùy thuận tất cả biển chúng sinh, có thể giáo hóa rộng khắp tất cả biển chúng sinh, khéo tùy thuận biển oai nghi của tất cả chúng sinh. Các Đại Bồtát hành pháp sâu xa như vậy, ta làm thế nào để có thể biết, có thể nói về hạnh công đức kia?

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ, nhiễu quanh trăm vòng rồi từ tạ trưởng giả Thiện Thắng, ra đi về hướng Tây.

Trưởng giả Thiện Thắng khen ngợi:

–Hay thay! Hay thay! Thiện nam! Ông nay hãy nên chánh niệm tư duy, chánh thọ Tam-muội. Ông hãy từ đây đi dần về phía Tây, hướng đến thành Danh văn, qua khỏi thành này sẽ có một nước tên Nan nhẫn, đô thành tên Ca-lăng-đề. Cách thành này không xa sẽ có rừng Công đức, trong khu rừng ấy có Tỳ-kheo-ni tên Sư Tử Phấn Tấn, thân màu vàng ròng, đoan nghiêm bậc nhất. Đồng tử hãy đến chỗ vị Tỳ-kheo-ni ấy để hỏi về hạnh Bồ-tát, hỏi về giới Bồ-tát, hỏi về các pháp môn.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài từ giã lui ra, nhẹ nhàng dời bước, dần dần đi đến rừng Công đức, ven bờ suối Nhật quang, thấy vị Tỳ-kheoni đang ngồi thiền định đoan nghiêm, có năm trăm đồng tử tướng mạo xinh đẹp làm thị giả, và có năm trăm đồng tử bảo vệ các đồng nữ, cùng trăm ngàn Thiên nữ đứng hầu hai bên.

Bên bờ suối Nhật quang có một vườn cây tên Vương viên. Vào trong vườn này thấy có một đại thọ tên Nhật Nguyệt Quang, phóng ra ánh sáng chiếu tỏa hàng trăm do-tuần để trang nghiêm cho vườn cây, hóa thành lầu gác trang trí bằng bảy báu, phía trên có ánh sáng.

Lại thấy cây đại thọ tên Phổ Quang Minh, cành lá cao vời phủ khắp tam thiên đại thiên thế giới, hình dáng như chiếc lọng, chảy ra các dòng nước có ánh sáng thanh tịnh.

Lại thấy rừng báu tên Hoa tạng, cây vươn cao vô tận, hoa nở như hoa Thiên thọ vương, nóp có ánh sáng rực rỡ như cung điện trời, sắc trắng muốt như núi Tuyết.

Lại thấy cây đại thọ tên là Mỹ vị với hoa vàng, quả vàng và hương thơm êm dịu, rất thích hợp với mọi người.

Lại thấy một cây tên là Thế tịnh quang, màu sắc sáng chói, vô lượng, vô biên ma-ni chiên-đàn dùng làm trái, có a-tăng-kỳ các lưới ngọc đan nhau che phủ trên cây giống như cung điện vua trời.

Lại thấy một cây tên là Thiên y, thường hiện ra vô lượng a-tăngkỳ số các y phục báu.

Lại thấy các cây tên là Âm nhạc, cành lá va chạm nhau phát ra tiếng du dương như Phạm âm.

Lại thấy các cây tên là Phổ hương trang nghiêm, mùi hương thấm nhuần khắp nơi không có chướng ngại.

Trong vườn lại thấy có ao, suối và lưới bảy báu giăng phủ phía trên. Bốn phía ao có bốn dòng kênh, chia làm tám chi, liên tục đưa vào nước có tám thứ công đức trong suốt, tràn đầy. Bùn dưới đáy ao bằng bột Ngưu đầu chiên-đàn cùng các châu báu trang nghiêm, cát bằng hoàng kim, phun lên nước thơm này. Tiếng suối reo như nhạc trời làm vui lòng đại chúng. Các châu báu được dùng làm lan can. Bên bờ được trải cát vàng, thường phóng ra các thứ ánh sáng muôn màu lấp lánh. Hoa sen trắng, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen xanh chen nhau đua nở trên mặt nước. Có các cây báu thành hàng thẳng tắp, trang hoàng chung quanh bờ ao, dưới mỗi cây đều có vô lượng tòa báu sư tử, vô lượng y trời cùng những ngọc báu quý đẹp dùng làm đồ trang sức, đốt hương vô giá xông tòa Sư tử. Các mành trướng hương trắng sạch tương sáng, lưới báu phủ lên trên, rũ xuống những linh vàng phát ra tiếng hòa diệu.

Lại có vô lượng những giường, màn báu xung quanh tòa cao, dưới mỗi một gốc cây cũng như vậy.

Ở giữa những cây đại thọ có vô lượng tòa Sư tử Liên hoa bảo tạng; lại ở giữa các cây có tòa Chúng hương tạng; ở giữa những cây có các thứ tòa Hương vân tạng; ở giữa các cây có tòa Sư tử Bảo tụ tràng; ở giữa các cây có tòa Nhất thiết thế gian phổ quang ma-ni thanh tịnh tàng; ở giữa các cây có tòa Nhạo kiến sư tử bảo tạng và vô lượng hương vi diệu dùng làm tọa cụ. Nơi những tòa báu này, mỗi mỗi tòa đều có vô lượng trăm ngàn những sàn tòa nhỏ để chung quanh. Mỗi mỗi tòa nhỏ dùng vô lượng châu báu để trang nghiêm. Trên mỗi một tòa có vô lượng ngọc quý đầy đủ tất cả như khu vực chứa đầy báu lớn. Dưới mỗi một tòa có ánh sáng thù thắng chiếu khắp rừng Vương viên và rừng Nhật quang. Trong ánh sáng ấy, mưa xuống y báu và những vàng bạc, châu báu mềm mại, khả ái, dùng để trải trên mặt đất, ví như biển lớn đều đầy đủ các bảo vật.

Nơi suối Nhật quang này có nước hương Chiên-đàn, bước nhẹ thì gót chân lún xuống, tùy theo sự vận chuyển của chân, khi nhấc chân lên thì trở lại như cũ. Trong ao ấy có nhiều loại chim đủ màu sắc: chim Hồng, chim Nhạn, Uyên ương, chim Thúy, Khổng tước. Mỗi loại chim tự quay lại nhìn bóng mình trong nước rồi cùng hót lên âm thanh êm dịu, hài hòa, chúng bay lượn trong không trung và tụ tập nơi rừng Chiên-đàn. Tại rừng Vương viên này có nước suối Nhật quang sinh ra vô tận loại hoa thanh tịnh có hương thơm vô giá. Tung những loại hoa này lên trên không, chúng vượt xa hơn ao nơi rừng Hỷ kiến của trời Đế Thích. Cây báu, linh báu, cành lá hoa quả đều không đánh tự kêu, phát ra âm thanh thượng diệu. Có các Thiên nữ đẹp đẽ như hoàng hậu trời Tự tại. Rừng Vương viên này sáng rực gấp bội, vượt hẳn các cung trời. Các cung nữ ấy trổi nhạc, ca hát vang khắp Vương viên, làm hoan hỷ tất cả các cõi trời và ở giữa các cành cây hiện ra những y phục.

Ở bốn bên rừng có Tứ Thiên vương, tất cả đều là Bồ-tát quyền biến, thống lãnh bốn binh chủng để hộ vệ. Các lâu đài có lọng hoa, gấm trời và các cung điện, nhà cửa cũng có binh chủng bảo vệ mọi người. Vườn này trang nghiêm giống như vườn Bảo lâm hoan hỷ rực rỡ của trời Đế Thích. Khắp nơi đều sạch đẹp, nhìn mãi không chán, vượt hẳn giảng đường Thiện tịnh trang nghiêm của trời Đại phạm, và với quả báo của trời người trong ba cõi không thể sánh bằng. Vô lượng Phạm vương với mắt sáng suốt do quả báo thanh tịnh cũng không thể thấy hết rừng Công đức và suối Nhật quang này. Giả sử tập họp trăm ngàn Phạm cung cũng không sánh bằng rừng và suối kia được, vì nó trang nghiêm, vi diệu không thể nói hết.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài thấy biết bao ánh sáng vi diệu trang nghiêm nơi vườn rừng này, tất cả đều là bản nghiệp thanh tịnh hạnh của Bồ-tát. Công đức chân thật này là sự thành tựu của nguyện lực và căn lành, siêu vượt quả báo của ba cõi thế gian, do ở nơi các Đức Như Lai trong a-tăng-kỳ kiếp không thể nghĩ bàn trồng các cội công đức, không đắm chấp nơi thế gian, xa lìa đoàn thực; cũng như nhà ảo thuật hiện bày các sắc tượng. Tu tất cả nghiệp thanh tịnh, không chấp trước nơi hạnh thù thắng, không gì có thể hủy hoại được. Đó là Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn là vị Bồ-tát đã hiểu rõ tánh, tướng các pháp như huyễn hóa, vốn tu công đức, trưởng dưỡng căn lành, thành tựu năm lực mà không có chỗ tham chấp.

Rừng Vương viên này rộng mênh mông và trang nghiêm thanh tịnh, có thể dung chứa tất cả hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ca-lâu-la, Ma-hầu-la-già, Người và chẳng phải người trong khắp tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều vân tập vào Vương viên này mà vẫn không chật chội. Vì sao? Vì tất cả đều nhờ sức oai thần của Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn; thần thông biến hóa chẳng thể nghĩ bàn đều từ bản nguyện của Bồ-tát phát sinh.

Đồng tử Thiện Tài thấy tất cả những tòa Sư tử dưới tàng các cây báu, trên mỗi một tòa có Tỳ-kheo-ni tên Sư Tử Phấn Tấn đoan nghiêm thù thắng vi diệu, oai nghi đỉnh đạc, tâm hoàn toàn vắng lặng, điều phục các căn như đại Long tượng, như ngọc Như ý làm vừa tâm tất cả các sở nguyện, tâm không vướng mắc như hoa sen, như sư tử chúa hùng dũng thu phục muôn thú. Vì an trụ bất động nên được giới vô tướng. Tâm ấy thanh tịnh tiêu trừ phiền não cũng như mùi hương hạng nhất có thể xua trừ hết những mùi hôi. Như đại Dược vương làm trang nghiêm các thứ thuốc chữa trị được mọi căn bệnh. Như vua lương dược, người có thiện tâm được gặp thì có thể trừ hết bệnh tật, kẻ bất thiện trông thấy thì trở thành độc hại. Đại Bồ-tát cũng như vậy, thuyết pháp vi diệu cho người có duyên hay kẻ vô duyên, người có duyên thấy thân, nghe tiếng của Bồ-tát thì được Đà-la-ni vô ngại, còn chúng sinh vô duyên thì tăng thêm hạnh ác, chúng sinh vô ký thì được tâm thiện như trời Ba-lâu-na trang nghiêm vi diệu, bố thí khắp thế gian, khiến tất cả đều được thanh tịnh cũng trưởng dưỡng căn lành như ruộng phước tốt.

Đồng tử Thiện Tài thấy những đại chúng trên tòa này, hoặc thấy trời Tịnh cư và quyến thuộc vây quanh, thấy trời Ma-hê-thủ-la và quyến thuộc vây quanh. Các Thiên chúng này nhất tâm chiêm ngưỡng Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn mắt không tạm rời. Lúc đó, vị Tỳ-kheo-ni này vì các chúng trời Tịnh cư và chúng trời Ma-hê-thủ-la thuyết giảng pháp môn vô tận, pháp hành vô thọ.

Lại thấy nơi tòa này có Thiên tử Dục Lạc, cùng quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chiêm ngưỡng, nhìn vị Tỳ-kheo-ni mắt không tạm rời. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Âm thanh vang danh thanh tịnh sáng khắp.

Lại thấy nơi tòa này, có Thiên vương Tự Tại, Thiên tử, Thiên nữ và quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni này mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni ấy vì chúng trời Tự Tại thuyết giảng pháp môn Danh tự tự tại, thanh tịnh của Bồ-tát.

Lại thấy nơi tòa này, có Thiên vương Hóa Lạc, Thiên tử, Thiên nữ và quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni này mà mắt không tạm rời. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng pháp cho họ nghe pháp môn Tất cả pháp thanh tịnh trang nghiêm.

Lại thấy nơi tòa này, có Thiên vương Đâu-suất, Thiên tử, Thiên nữ và quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni này mắt không tạm rời. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng pháp cho họ nghe pháp môn Tạng tâm an lạc trở về tự tại vô ngại Đà-la-ni.

Lại thấy nơi tòa này, có Thiên vương Dạ-ma, Thiên tử, Thiên nữ và quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni này mắt không tạm rời. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo-ni này vì họ mà thuyết giảng pháp môn Sinh ra vô lượng sự thanh tịnh trang nghiêm vi diệu.

Lại thấy nơi tòa này, có Thích Đề-hoàn Nhân cùng quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni này mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng pháp cho họ nghe pháp môn Nhẫn bất tịnh chán lìa nơi vô thường, khổ, không, vô ngã.

Lại thấy nơi tòa này, có Long vương Giải Không Sa-già-la, Long vương Thập Quang Minh cùng quyến thuộc vây quanh; có Long vương Nan-đà, Long vương Bạt-nan-đà, Long vương Ma-na-tư, Long vương Y-an-bàn-na, Long vương A-nậu-bà-đạt-đa mỗi Long vương lại cùng với Long tử, Long nữ và quyến thuộc vây quanh, nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni lại thuyết pháp cho họ nghe pháp môn Phương tiện thiện xảo cứu hộ tất cả.

Lại thấy nơi tòa này, có Thiên vương Đề-đầu-lại-tra, thống lãnh chúng Càn-thát-bà cùng qyến thuộc nam nữ lớn nhỏ vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Hoan hỷ vô tận.

Lại thấy nơi tòa này, có Ma-hầu-la-già, A-tu-la vương, cùng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Pháp giới trang nghiêm minh tuệ chóng thành.

Lại thấy nơi tòa này, có Ca-lâu-la vương Đại Thiên Thế Lực, cùng quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn qua biển sinh tử không sợ hãi.

Lại thấy nơi tòa này, có Khẩn-na-la vương Thiện Âm, cùng quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Bản hạnh thanh tịnh không chấp trước.

Lại thấy nơi tòa này, có Ma-hầu-la-già vương Kim Giác Vân Kết, cùng quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Chư Phật hoan hỷ cùng khắp.

Lại thấy nơi tòa này, có vô lượng nam nữ, đồng nam, đồng nữ cùng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳkheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Vô thắng.

Lại thấy nơi tòa này, có các La-sát vương thường ăn tinh khí chúng sinh, chúng cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mà mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheoni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Quán từ bi rộng khắp.

Lại thấy nơi tòa này, có tất cả chúng Thanh văn xuất gia đều vân tập đông đủ nơi pháp hội, vị Tỳ-kheo-ni ấy thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Ánh sáng trí tuệ siêu việt.

Lại thấy nơi tòa này, có những chúng xuất gia thích pháp Duyên giác đều đến nơi pháp hội đông đủ. Vị Tỳ-kheo-ni ấy thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Công Đức Phật sáng trong.

Lại thấy nơi tòa này, có các chúng xuất gia thích pháp Đại thừa, cùng quyến thuộc vây quanh đều đến nơi pháp hội đông đủ. Vị Tỳkheo-ni ấy thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Quang minh trí tuệ Tam-muội phổ môn.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát mới phát tâm, cùng hàng tuyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Đại nguyện tròn đủ của tất cả chư Phật.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Nhị địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Hư không sáng trong Tam-muội nhập pháp giới chủng trí.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Tam địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Trang nghiêm tịch tĩnh.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Tứ địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Cảnh giới uy lực của Nhất thiết chủng trí.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Ngũ địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Hoa tạng thanh tịnh rộng khắp.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Lục địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Xuất thế thanh tịnh tạng.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Thất địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Cùng khắp nương tựa địa tạng thanh tịnh.

Lại thấy nơi tòa này có Bồ-tát Bát địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Cảnh giới của tất cả hư không Pháp thân hóa hiện khắp pháp giới.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Cửu địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Sức thanh tịnh trang nghiêm vô ngại không chấp trước.

Lại thấy nơi tòa này, có Bồ-tát Thập địa cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Tammuội tịnh danh viên mãn vô chướng ngại.

Lại thấy nơi tòa này, có lực sĩ Kim cang cùng hàng quyến thuộc vây quanh đều nhất tâm chăm chú, nhìn vị Tỳ-kheo-ni ấy mắt không tạm rời. Vị Tỳ-kheo-ni này thuyết giảng cho họ nghe pháp môn Trí tuệ trang nghiêm Na-la-diên Kim cang tướng Tam-muội.

Tùy theo sự ứng hợp thọ nhận giáo hóa của tất cả đại chúng, tất cả chúng sinh, tất cả cảnh giới, tất cả bà con của họ đã trồng căn lành như vậy; tùy theo những điều mong muốn, những sự thực hành, những đạo quả và sự ưa thích nghe nhiều giáo pháp của các chúng sinh mà vì họ nuôi lớn căn lành, vì họ làm tăng trưởng căn lành, vì họ trang nghiêm căn lành; tùy theo chỗ thích ứng của họ mà Bồ-tát khai thị, nói rõ tuệ giác vô thượng, chuyển bánh xe pháp không thoái chuyển, làm cho chúng sinh đạt đến không thoái chuyển. Vì sao? Vì đó là đều do vị Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn thành tựu pháp môn Phổ Nhãn trí tuệ quang minh xả ly, thành tựu pháp môn pháp giới vô tướng thanh tịnh và pháp giới thông đạt vô ngại của tất cả chư Phật. Vị Tỳ-kheo-ni này thành tựu pháp môn Bí tạng thanh tịnh vô ngại giải thoát, thành tựu pháp môn tạng thanh tịnh tròn đầy không thể nghĩ bàn, thành tựu pháp môn kiến tạng thanh tịnh hoan hỷ rộng khắp, thành tựu vạn ức không thể tính đếm Bát-nhã ba-la-mật, thành tựu Phổ nhãn Bát-nhã ba-lamật, thành tựu Bát-nhã ba-la-mật không thể hủy hoại của tất cả pháp giới Phật.

Bên dòng suối Nhật quang nơi rừng Vương viên này, tất cả đại chúng chư Đại Bồ-tát đã đều gieo trồng căn lành từ lâu, có duyên nên được vị Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn này thuyết pháp, giáo hóa dẫn đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm họ hoàn toàn vắng lặng, đạt không thoái chuyển.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài biết Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn từ lâu xa đã thành tựu hết tất cả pháp môn Toàn diện như vậy nên mới hiện khắp các sắc thân để tự trang nghiêm và làm cho dòng suối Nhật quang, rừng Vương viên, các cây báu và các tòa Sư tử đều hiện ra những việc vô cùng hy hữu; đường kinh hành, thiền thất và những thứ cần dùng, vật báu, giường, nằm trong vườn rừng đều có đủ. Đồng tử thấy tất cả đại chúng và quyến thuộc của họ đều ngồi trong vườn ấy. Nhờ thần lực công đức của Bồ-tát nên thảy đầy đủ tám thứ âm thanh để thuyết pháp vi diệu.

Đồng tử Thiện Tài được thấy những sự thể vô cùng kỳ lạ, hy hữu không thể nghĩ bàn; lại nghe tám thứ âm thanh nhiệm mầu cùng vô số diệu âm thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn tuyên dương tán thán về vô lượng pháp môn pháp không. Nhờ pháp môn này mà thân tâm được thấm nhuần êm dịu. Pháp môn này gọi là Chánh pháp đối trị vô tỉ.

Đồng tử được pháp môn này thì thân tâm hoan hỷ, hoát nhiên đại ngộ, thành tựu tất cả các đại pháp môn, cung kính chắp tay nhiễu quanh trăm ngàn vòng rồi đến trước chỗ Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn đảnh lễ. Trong khoảnh khắc chưa ngẩng đầu lên thì đồng tử thấy vị Tỳ-kheo-ni này đã hiện thân khắp tất cả tòa báu sư tử, phóng ra ánh sáng lớn màu vàng ròng rực rỡ chiếu khắp khu rừng Vương viên cùng các hàng cây, giống như vầng mây sáng chói. Do diệu lực của ánh sáng ấy nên khiến các hàng cây thảy đều xoay về phía bên phải nhiễu cô số vòng. Các cây này hàng hàng cùng nối tiếp nhau, đều phóng ra ánh sáng chiếu lên thân Tỳ-kheo-ni.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài trông thấy tướng ấy xong, chấp tay đứng yên, lại cung kính bước đến, đứng qua một bên, thưa:

–Bạch Đại Thánh! Con trước đây đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Kính xin Đại Thánh Từ bi thương xót, vì con mà giảng nói. Con nay chưa biết làm thế nào để học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát?

Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn nói:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Ta nay đã biết pháp môn “Nhất thiết chủng trí phổ năng khai hiện vô để” (Nhất thiết

chủng trí có thể mở bày hiện rõ khắp vô tận).

Đồng tử Thiện Tài thưa:

–Đại Thánh! Thể tánh của pháp môn ấy như thế nào?

Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn đáp:

–Này thiện nam! Đây là pháp môn nêu Trí tuệ của bậc Đại Thánh trong ba đời với ánh sáng trang nghiêm.

Đồng tử Thiện Tài thưa:

–Đại Thánh! Cảnh giới của pháp môn đó hiện bày như thế nào?

Đáp:

–Này thiện nam! Nhập vào pháp môn này thì có thể vào sâu nơi chánh thọ hiện tiền phân biệt, vào sâu nơi Tam-muội tất cả các pháp chẳng sinh chẳng diệt bình đẳng nơi rừng pháp trang nghiêm. Trụ nơi Tam-muội ấy tức đạt được thần thông như ý tự tại ngay nơi cõi Diêmphù-đề này thị hiện ở tại cõi trời Đâu-suất. Vô lượng thế giới khắp mười phương nhiếu như số vi trần, cũng đều ở tại cõi trời Đầu-suất. Nơi các chốn ấy, mỗi mỗi trụ xứ của Phật đều thị hiện vô lượng, vô số thân tướng. Từ nơi tự thân hiện ra vô lượng, vô số ý sinh thân nhiều như số vi trần nơi biển cõi Phật, đều cung kính lễ bái, tu các phước nghiệp. Lại hiện ra vô lượng, vô số mây hoa tạp sắc nhiều như số vi trần không thể nêu bày không thể nói hết.

Hiện ra vô số mây anh lạc tạp sắc không thể nêu bày không thể nói hết. Hiện ra vô số mây tóc mượt báu tạp sắc, vô số mây hương bột, hương xoa tạp sắc. Hiện ra vô số mây cờ phướn lọng lụa tạp sắc. Hiện ra vô số mây màu báu, lưới báu tạp sắc. Hiện ra vô số mây tòa báu. Tất cả đều không thể nêu bày hết, không thể nói hết. Trước mỗi một tòa ngồi có vô số mây đèn sáng rực trang nghiêm không thể nêu bày, không thể nói hết, mỗi một ánh đèn sáng có các thứ châu báu để trang nghiêm; cho đến vô số mây gồm tất cả vật dụng trang nghiêm tạp sắc không thể nêu bày không thể nói hết để cúng dường Như Lai. Lại hiện ra vô số mây nước hương tạp sắc không thể nêu bày không thể nói hết. Từ trong mây nước hương hiện ra vô số mây hoa sen báu xen lẫn không thể nêu bày không thể nói hết. Từ nơi vô số mây hoa sen báu xen lẫn, hiện ra vô lượng mây anh lạc trời trang nghiêm và dầy đủ ánh sáng báu nơi các vật dụng trang nghiêm; cho đến mây đầy đủ phẩm vật cúng dường của tất cả chư Thiên cõi trời A-ca-nị-tra; lại từ nước hương ấy sinh ra không thể nói hết các thứ mây đầy đủ các phẩm vật của Chuyển luân thánh vương và các Tiểu vương trong tất cả thế gian; lại từ nơi nước hương ấy sinh ra không thể nói hết các Long thần, Bát bộ, cho đến tất cả không thể nói hết các thứ mây phẩm vật cúng dường để cúng dường Đức Như Lai. Tất cả chư Bồ-tát hiện bày khắp chỗ ở nơi cung trời Đâu-suất, hóa thân cỡi voi trắng giáng thần vào thai mẹ, đản sinh ở cung vua, xuất gia học đạo, đến cội Bồđề, thành Chánh đẳng giác, chuyển pháp luân thanh tịnh, rồi lên cõi trời Đao-lợi vì mẫu hậu mà thuyết pháp. Bồ-tát ở cõi trời hay trong nhân gian đều biến hiện tự tại, cho đến nhập Niết-bàn. Ở chỗ các Đức Phật trồng những cội đức, nhờ diệu lực của nhân duyên nơi bản nguyện này mà hóa hiện sinh thân biến hóa khắp các nơi để cúng dường chư Phật. Các vật phẩm cúng dường cũng như vậy, bao nhiêu phẩm vật cúng dường này cũng duyên từ số kiếp lâu xa với sức tu tập đại nguyện trang nghiêm pháp giới sinh ra. Nếu có chúng sinh biết ta đã tu tập, cúng dường như vậy thì đều ở nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được không thoái chuyển. Hoặc có chúng sinh đến chỗ của ta, ta sẽ vì họ thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật, chỉ dạy để họ được lợi ích an vui.

Thiện nam! Ông nay nên biết! Ta thường không dấy khởi tướng chúng sinh, không đắm chấp chúng sinh, vì chúng sinh không có tướng. Ta biết tất cả âm thanh, ngôn ngữ nhưng không chấp trước nơi âm thanh, vì âm thanh không có tánh và tướng. Ta thấy tất cả tướng đẹp chói sáng của chư Phật nhưng không chấp trước nơi tướng đẹp ấy. Vì sao? Vì ta biết rõ Pháp thân không có sắc tướng. Ta thọ trì tất cả pháp luân của chư Phật nhưng cũng không chấp trước nơi tướng của pháp luân. Vì thâm tâm ta hiểu rõ tánh tướng của các pháp vốn là chân như, thật tế. Ở trong mỗi một niệm có thể hiện bày tràn đầy khắp pháp giới hư không nhưng ta cũng không chấp trước tướng pháp giới, vì biết rõ tướng của tất cả các pháp đều như huyễn hóa.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn Khai hiện rộng khắp không bến bờ nơi Nhất thiết chủng trí của Bồ-tát.

Thiện nam! Ông nay nên biết! Chư Đại Bồ-tát không chấp trước nơi cảnh giới của tất cả Bồ-tát và pháp giới cứu cánh. Các vị có thể dùng một thân ngồi kiết già mà hiện bày đầy khắp trong tất cả thế giới mười phương. Nơi tự thân đều có thể thị hiện những việc trang nghiêm tốt đẹp nơi mười phương cõi nước của chư Phật. Trong mỗi một sát-na có thể hiện bày khắp mười phương, đảnh lễ cúng dường chư Phật. Nơi tự thân đều có thể thị hiện nguyện lực biến hóa của thần thông. Có thể dùng sợi lông buộc khắp các núi Tu-di trong mười phương, nâng lên, đem đặt nơi vô lượng thế giới ở phương khác. Nơi mỗi mỗi lỗ chân lông có thể hiện khắp các tướng của kiếp thành hoại nơi tất cả thế giới trong mười phương. Trong khoảng một sát-na có thể hiện khắp nơi mười phương với số kiếp không thể nêu bày, không thể nói hết để thâu nhận chúng sinh. Các bậc Đại Bồ-tát trọn không lìa bỏ hết thảy nẻo hành hóa của biển rtí sâu rộng nơi mình. Ta làm sao có thể biết và có thể nói về hạnh nguyện, công đức kia?

Này thiện nam! Từ đây đi về phương Nam, có nước tên là Hiểm nạn, đô thành tên Bảo trang nghiêm, trong thành đó có một người nữ tên là Bà-tu-mật-đa, ông nên đến đó hỏi thế nào là học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu kính lễ nơi chân Tỳ-kheo-ni Sư Tử Phấn Tấn, chiêm ngưỡng thật lâu, rồi từ biệt đi đến phương Nam.

Đồng tử Thiện Tài được ánh sáng của trí tuệ lớn tỏa chiếu vào

tâm mình, nuôi lớn đầy đủ tất cả thiện căn, muốn dùng tâm ấy để giáo hóa các chúng sinh. Đồng tử nhất tâm tư duy về thật tướng của các pháp, kiến lập tạng ngôn ngữ nơi tất cả pháp thủy thanh tịnh Đà-la-ni, rộng tu, thọ trì tất cả pháp luân Đà-la-ni, thành tựu năng lực tư duy, để chúng sinh trở về nương dựa vào nguyện lực đại Bi nơi tất cả thế gian. Tạo phương tiện quán sát pháp giới mau chóng tròn đầy của Nhất thiết chủng trí, tư duy về pháp môn ánh sáng, nguyện quán sát khắp tất cả pháp tịnh. Các lực thông tuệ trang nghiêm khắp mười phương và đầy đủ nơi tất cả pháp giới. Thành tựu rốt ráo mọi sự nghiệp, công hạnh, nguyện lực của chư Bồ-tát và đầy đủ các thần thông lực.

Thiện Tài dần dần đi đến đô thành Bảo trang nghiêm của nước Hiểm nạn tìm hỏi nữ Tôn giả Bà-tu-mật-đa hiện đang ở đâu. Những người trong thành này suy nghĩ: “Tôi chưa hề nghe có người nữ nào ở đây có trí tuệ sâu xa, khéo thâu giữ các căn, thân tâm vắng lặng. Nay đồng tử này oai nghi đỉnh đạc, tâm tư an nhiên, điều phục các căn, xa lìa buông lung, điên đảo vọng tưởng, luôn tỉnh thức trong hiện tại, quán sát thấu đáo, nói năng hòa nhã, không vướng mắc ở hình sắc, chánh niệm tư duy pháp tướng sâu xa, dứt bỏ biếng nhác, tâm như biển rộng. Đây chẳng phải là người nhiễm dục, không có tư tưởng về dục tình, không sa nơi bùn lầy dục vọng, không lệ thuộc theo các căn, vượt hẳn cõi ma, không bị tất cả các ma ràng buộc. Đồng tử này đầy đủ các công đức như vậy, do đâu vì sắc đẹp mà hỏi cô gái này làm gì? Hiện trong thành này có rất nhiều người thậm chí chưa nghe tên người nữ ấy, huống hồ là biết!

Có một người hỏi:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Nay ông chắc đạt nhiều lợi ích mới có thể hỏi Tôn giả Bà-tu-mật-đa. Theo như ý ông hỏi, ắt trước đây ông đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhất là ở nơi tất cả chúng sinh chắc chắn có thể bẻ gãy mũi têm dâm, nộ, si, không ôm tưởng bất tịnh, không tham đắm bất tịnh, hiểu rõ tất cả những sự ràng buộc chấp trước. Thiện nam! Hiện Tôn giả Bà-tu-mậtđa đang ở trên lầu Trang nghiêm, trong vườn Hoan hỷ, phía Bắc thành này.

Đồng tử Thiện Tài nghe người ấy nói xong thì hết sức hoan hỷ

phấn chấn, vội đi đến chỗ đó, đứng bên cổng vườn, chắp hai tay quán sát bên trong khu vườn. Đồng tử thấy cung điện, nhà cửa rộng rãi, sạch sẽ, trang nghiêm. Mười loại tường báu bao vòng xung quanh, mười hàng cây Đa-la quý được trồng thẳng tắp, mười loại hào báu có nước trong vắt, nước ấy có đủ tám thứ công đức, lại có hoa sen xanh, hoa sen trắng, hoa sen đỏ, hoa sen vàng chen nhau đua nở tươi đẹp phủ đầy trên mặt nước. Đáy hào được trải cát vàng, hai bên bờ đều dùng châu báu trang hoàng tráng lệ. Ánh sáng rực rỡ sắc màu xen nhau tỏa chiếu khắp vườn rừng; lầu gác, cung điện báu thanh tịnh trang nghiêm. Cửa sổ màn gấm, gió thoảng hương thơm làm vui lòng mọi người; những mành lưới đan nhau như những vòng tròn hoặc nửa vòng tròn để tăng thêm vẻ đẹp. Có lực sĩ Kim cang đứng giương mắt giơ chày, những sư tử báu đập đuôi gầm tiếng, tráng sĩ vua thú đứng thành hàng hầu bên cổng. Bốn góc của thành có trụ minh châu, những cửa khuyết phóng ra các thứ ánh sáng. Trời mưa hoa châu báu gom tụ đến đầu gối. Đất sạch bằng lưu ly như treo trên hư không, có ngọc vương Như ý lấp lánh dưới đất. Kênh ngòi bằng vàng ròng tuôn chảy dòng nước thơm đẹp, hoa sen hoàng kim nở tươi tốt trên kênh đó. Từ nơi đài hoa sen phun lên nước có âm thanh vi diệu để diễn bày phân tán khắp dòng pháp âm để mười phương đều nghe. Có cây chuối sắc vàng phóng ra ánh sáng lớn, nơi nào cũng tích tụ châu báu nhiều như núi gò. Mây hương trầm thủy quyện tỏa uyển chuyển thành vòng hương hoa, hương bột tỏa ngát khắp cung thành. Những loài chim khác nhau phát ra tiếng hót êm dịu. Màn trướng báu to lớn rũ xuống những hoa vàng, linh báu ma-ni và các báu xen lẫn nhau. Màn lưới bằng vàng Diêm-phù-đàn làm bờ tường giăng kín cung thành. Đốt trăm ngàn vạn ức hương báu vô giá, khói hương xông ngào ngạt đầy khắp hư không. Vô lượng chư Thiên cúng dường và đứng hầu quanh thành hành, âm nhạc cõi trời không đánh tự kêu, những cái bình cát tường đựng ngọc Như ý từ đất vọt lên. Lại, mưa ra vô lượng mây hoa báu cõi trời, vô lượng mây hương báu cõi trời, vô lượng mây tràn phan, bảo cái, vô lượng mây Thiên y anh lạc, vô lượng mây âm thanh kỹ nhạc cõi trời. Các thứ mây phẩm vật cúng dường như vậy, mỗi mỗi đều phóng ra vô lượng hào quang giăng khắp hư không, chiếu đến mười phương cõi. Vô lượng vạn ức kho tàng kim cang báu đầy ắp trong cung. Mỗi mỗi vật báu trong vườn đều được chạm trổ điêu khắc những hoa văn, ánh sáng chiếu rọi giao thoa lẫn nhau xuyên suốt không bị trở ngại.

Lại có vô lượng mười loại vườn báu dùng để bao quanh với trân bảo tốt đẹp trang nghiêm thanh tịnh vô cùng. Tôn giả Bà-tu-mật-đa đoan chánh vi diệu, đẹp như hoa nở, đầy đủ tướng tốt, thân toàn sắc vàng ròng, không cao, không thấp, không mập không gầy, mắt xanh biếc như hoa sen xanh; mái tóc mượt mà, xanh đen mướt rất đẹp, uy nghi tề chỉnh, tiến thối đường hoàng. Tay chân tươi mát, có trăm ngàn hình bánh xe Thiên hậu của trời Lục dục cũng không thể so sánh được. Tiếng hay vượt xa Phạm âm; hiểu rõ các ngôn ngữ, khéo biết công xảo, kỹ thuật của thế gian. Thâm đạt tất cả những căn bản luận và tướng nghị luận tường tận rốt ráo. Biết giỏi chữ nghĩa, khéo thông biện cảnh giới như huyễn của chánh trí phương tiện thiện xảo. Biết rõ pháp môn phương tiện và pháp giới phương tiện của Bồ-tát. Đầy đủ các tướng tốt, thân trang nghiêm bằng anh lạc, mão mão bằng ma-ni báu, phóng ra ánh sáng lớn, minh châu tâm vương dùng làm tràng hoa. Quyến thuộc bản nguyện đều vây quanh, thành tựu công đức viên mãn không thể hoại diệt, đầy đủ kho báu công đức không cùng tận. Thân phát ra ánh sáng chiếu khắp tất cả. Đó là ánh sáng lợi ích, ánh sáng êm dịu, ánh sáng vui tươi, ánh sáng khai tâm, ánh sáng trang nghiêm đạo tâm Bồ-tát. Bồ-tát dùng ánh sáng này để nghiêm tịnh tâm tất cả chúng sinh. Nếu người nào gặp được ánh sáng đây sẽ được lìa năm dục, nhổ sạch các gốc khổ.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài đến gặp Tôn giả Bà-tu-mật-đa, chắp tay thưa:

–Bạch Thánh giả! Trước đây tôi đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng chưa biết thế nào là học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát?

Tôn giả đáp:

–Thiện nam! Ta chỉ biết một ức pháp môn lìa dục vô cấu trang nghiêm tròn đủ của Bồ-tát. Thiện nam! Nếu trời thấy ta làm thân biến Thiên nữ khắp mọi nơi, đeo chuỗi ngọc trời sáng chói để tự trang sức.

Nếu phi nhân gặp ta, thì ta làm thân hình đồng nữ trang sức bằng sắc đẹp tuyệt vời của từ tâm thanh tịnh.

Nếu phi nhân gặp ta, thì ta hiện thân nữ phi nhân xinh đẹp đặc biệt, ở khắp chốn phi nhân.

Nếu có chúng sinh đi đến chỗ ta mà sinh tâm dâm, nộ, si là điều này không bao giờ có, mà được chánh pháp vô thọ của Bồ-tát, thường vì chúng sinh thuyết pháp môn thanh tịnh giải thoát ly khổ.

Người nghe tên ta thì được pháp quán nhàm chán xa lài, chóng được thành tựu công đức Tam-muội, thân tâm vắng lặng không có chướng ngại.

Người thấy thân ta liền được Tam-muội hoan hỷ. Người nghe tiếng ta, liền được Tam-muội về tạng âm thanh vô lượng.

Người nghe tên ta liền được quy y Phật, Pháp, Tăng và được Tam-muội phổ hiện sắc thân của cõi nước chư Phật.

Nếu có chúng sinh cùng ở chung với ta, liền được Tam-muội ánh sáng giải thoát.

Nếu có chúng sinh chăm chú chiêm ngưỡng ta, liền được Tammuội tịch tĩnh trang nghiêm.

Nếu có chúng sinh thấy ta ra oai liền được Tam-muội dẹp trừ ngoại đạo.

Nếu có chúng sinh quán sát ta thì được Tam-muội Ánh sáng của tất cả cảnh giới chư Phật.

Nếu có chúng sinh nói chuyện cùng ta thì liền được Tam-muội thủ hộ và thâu nhiếp tất cả Tạng chúng sinh.

Nếu có chúng sinh gãi cho ta thì liền được Tam-muội hoa tạng kết tập tất cả công đức.

Nếu có chúng sinh gần gũi ta thì liền được một ức pháp môn vô nhiễm lìa dục trang nghiêm của Bồ-tát và sự vô trước vô cực sáng trong của cảnh giới Nhất thiết trí.

Đồng tử Thiện Tài bạch Thánh giả:

–Xưa kia Ngài ở chỗ nào? Tu công đức gì? Trồng căn lành gì?

Có những nghiệp nào đạt pháp môn này?

Tôn giả đáp:

–Thiện nam! Thời quá khứ có Đức Phật hiệu Vô Nhiễm Chấp

Hạnh Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Bấy giờ, Đức Như Lai Vô Nhiễm Chấp Hạnh xuất hiện ở đời, vì thương xót mà muốn đem lại sự lợi ích cho tất cả chúng sinh nên đi đến thành Phổ hiền. Vừa đến cõi ấy, lúc Đức Phật nhấc chân lên thì cõi nước thành ấp chấn động sáu cách. Lúc bước chân xuống thì những gò nỗng, hầm hố đều tự bằng phẳng, trên hư không trong sáng tự nhiên nghiêm tịnh. Khi Đức Thế Tôn dẫm chân đến then cửa thì ngay lúc đó, mặt đất lại chấn động, ngói gạch tường vách hóa thành bảy báu, rãi các thứ hao báu xếp thành vòm trên hư không, làm cho màn lưới che cả cung thành. Trăm ngàn vạn ức nhạc cụ của chư Thiên được trang sức bằng những châu báu, treo tại hư không, không ai đánh mà tự phát ra âm thanh. Vô lượng chư Thiên mỗi người đem kiệu riêng của họ xếp hàng đứng hầu trong không trung và đảnh lễ nơi chân Phật; mưa các hoa trời để cúng dường Phật. Khi Đức Phật vào thành, phóng hào quang vàng rực rỡ giống như núi vàng. Vào lúc ấy, ta sống trong thành kia, làm vợ của trưởng giả cũng tên Bà-tu-mật-đa. Thấy sắc thân Phật tướng tốt chói sáng, đầy đủ thần thông, ta liền được khai phát căn lành đời trước. khi đó, ta cùng người chồng trưởng giả vội vàng đến chỗ Phật và mở ngọc báu vô giá đang đeo để rãi lên trên Đức Phật. Ngọc báu được rãi để ở trên hư không, ta cung kính đảnh lễ Phật.

Bấy giờ, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi làm thị giả Đức Phật, đồng tử bảo ta: “Thiện nữ! Ngươi hãy mau phát tâm đạo Vô thượng”. Khi ấy ta mới phát tâm đạo Vô thượng Bồ-tát.

Tôn giả Bà-tu-mật-đa bảo Thiện Tài:

–Ta chỉ đạt được một ức pháp môn vô nhiễm lìa dục trang nghiêm vô trước. Chư Đại Bồ-tát với trí tuệ phương tiện hóa độ chúng sinh bằng pháp môn Đại hải thâm quảng Tam-muội. Sức trí tuệ lớn không thể bị các cảnh giới làm hư hoại, ta phải làm thế nào để có thể biết và có thể nói về hạnh công đức kia được?

Thiện nam! Từ đây ông đi về phương Nam, nơi ấy có thành lớn tên Thiện tịch. Trong thành ấy có trưởng giả tên Bất Kiêu Cao Quý Đức Vương. Vị đại trưởng giả này ngày đêm sáu thời luôn luôn cúng dường bảo tháp Chiên-đàn. Ông hãy đến đó để hỏi: “Thế nào là học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?”

Đồng tử Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Bà-tu-mật-đa rồi từ biệt đi về phương Nam. Đồng tử đi bộ dần dần thì đến thành lớn kia và đến gặp trưởng giả thưa:

–Bạch Thánh giả! Trước đây tôi đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng chưa biết thế nào là học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát.

Trưởng giả đáp:

–Ta chỉ thành tựu pháp môn thật tế không diệt độ của Bồ-tát. Trụ nơi pháp môn này, ta biết rõ chư Phật Như Lai không Bát-biếtbàn, không nhập diệt độ. Ba đời Như Lai tuyệt đối không Niết-bàn và không có tướng Niết-bàn, trừ chư Phật phương tiện để độ chúng sinh giả dối không thật nên thị hiện Niết-bàn. Vì muốn làm cho Xá-lợi của Phật được lưu bố khắp nơi, làm cho tất cả chúng sinh đều được nhập luật hạnh.

Thiện nam! Nếu người nào có thể biết Như Lai hoàn toàn không Bát-niết-bàn, thì người đó có thể mở bảo tháp chiên-đàn. Thiện nam! Bây giờ ông có thể đến đó lễ bái cúng dường.

Đồng tử Thiện Tài đi đếm bảo tháp cung kính đảnh lễ và mở tháp Chiên-đàn. Khi mở cửa tháp, niệm niệm tương tục, đồng tử đắc pháp môn Vô tận Phật tánh viên quang minh tịnh vô tận Tam-muội.

Thiện nam! Tâm ta trong từng khoảng sát-na luôn nhập chánh định và ở trong chánh định nên đạt vô lượng, vô số Viên quanh minh tịnh Tam-muội, trong mỗi mỗi niệm, ta nhập Thắng tấn địa.

Đồng tử Thiện Tài bạch Thánh giả:

–Pháp môn này cảnh giới thế nào?

Trưởng giả đáp:

–Thiện nam! Khi ta nhập Tam-muội này là nhập khắp tất cả đạo môn Tam-muội. Nhờ thần lực Tam-muội cho nên được thấy mười phương vô lượng chư Phật Ca-diếp Như Lai Ứng cúng, Chánh biến tri. Mười phương vô lượng mỗi hằng hà sa số vi trần biển thế giới đều cùng danh hiệu Ca-diếp Như Lai, Câu-na-hàm Mâu-ni Phật cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới biển đều đồng danh hiệu Câu-na-hàm Mâu-ni Phật. Thi-khí Như Lai cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới đều đồng danh hiệu Thi-khí Như Lai. Tỳ-bà-thi Như Lai cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới biển đều đồng danh hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai. Đế-xá Như Lai cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới biển đều đồng danh hiệu Đề-xá Như Lai. Phất-sa Như Lai cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới biển đều đồng danh hiệu Phất-sa Như Lai. Vô Thượng Thắng Phật cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới biển đều đồng danh hiệu Vô Thượng Thắng Phật. Vô Thượng Liên Hoa Phật cùng mười phương vô lượng hằng hà sa số vi trần thế giới biển đều đồng danh hiệu Vô Thượng Liên Hoa Phật. Vô lượng chư Phật như vậy trình tự nối tiếp nhau liên tục không gián đoạn. Trong tướng lông trắng giữa chân mày của một Đức Như Lai ảnh hiện ra tất cả mười phương vô lượng tất cả chư Phật. Trong tướng lông trắng giữa chân mày của vô lượng tất cả chư Phật nơi mười phương ảnh hiện ra một Đức Phật. Ánh sáng chân lông của tất cả chư Phật cùng nhau phản chiếu cũng lại như vậy. Ngồi nơi tháp Chiên-đàn, trong khoảng một sát-na, ta đều trông thấy chư Phật Thế Tôn, tâm tâm tương tục không hề có một khoảng cách gián đoạn. Cũng trong khoảng sát-na được thấy hết số vi trần trong cõi Diêm-phù-đề, và cũng thấy hai số vi trần trong trăm ngàn vạn ức cõi Diêm-phù-đề, cho đến mười phương hằng hà sa vô lượng vô lượng thế giới chư Phật nhiều như cát bụi, vượt qua hơn cả số này. Ta được thấy vô lượng, vô biên vi trần chư Phật, cho đến được thấy không thể nói số vi trần biển thế giới chư Phật. Và thấy tâm chư Phật từ lúc mới phát tâm, du hý thần thông tự tại vô ngại. Cũng thấy tất cả pháp môn bất nhị phân minh công đức, thành tựu diệu hạnh và đại nguyện thanh tịnh. Cũng thấy mãn nguyện Ba-la-mật, thanh tịnh Ba-la-mật, thành tựu lần lượt tất cả các địa Bồ-tát, đắc phổ nhãn thanh tịnh, thần thông du hý, nuôi lớn căn lành, hàng phục bốn ma, thành tựu chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật, thành đạo Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, phóng đại quang minh. Các đại chúng đây đều thấy tướng tâm tâm tương tục này không hề có một khoảng cách gián đoạn.

Khi ấy Trưởng giả Cao Quý Đức Vương bảo Đồng tử Thiện Tài: –Thiện nam! Ông có thấy trong tháp Chiên-đàn này có vô lượng ánh sáng thanh tịnh viên dung thần thông và thanh tịnh trang nghiêm của chư Như Lai chăng? Và đều nhập vào pháp môn Tỳ-la Ma-dà Tam-muội thần thông pháp luân bất nhị đó không? Chư Phật Như Lai do thần thông lực của pháp môn Minh tịnh bất nhị này mà hiện tất cả mọi nơi, chuyển pháp luân vi diệu để Đại viên cảnh trí sáng trong được sung mãn khắp pháp giới.

Đồng tử Thiện Tài thưa:

–Bạch Thánh giả! Nay con đã thấy tất cả cảnh giới thanh tịnh thần thông diệu dụng của chư Phật và nghe âm thanh thuyết pháp của chư Phật thấu tỏ, phân minh rõ ràng, không hủy hoại nhĩ căn, thọ trì không quên, chánh niệm tư duy không mất nghĩa lý. Vì người khác giảng nói theo thứ lớp biện biệt chỉ bày giáo pháp tạo lợi ích an vui.

Trưởng giả Cao Quý Đức Vương bảo:

–Ta dùng diệu lực trí tuệ phân tích giáo pháp của Phật, truyền trao các chúng sinh. Ta thấy Đức Phật Di-lặc và trăm ngàn Đức Phật thời vị lai; trăm ngàn vạn ức Đức Phật, A-súc-bà, Tần-bà-la, a-tăng-kỳ Phật, ta đều nhớ biết rõ ràng. Cũng thấy hằng hà sa vô lượng vô lượng số vi trần thế giới chúng sinh thời vị lai phát tâm Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát, thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đầy đủ sáu Ba-la-mật, du hý thần thông giáo hóa chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật. Dùng cỏ Cát tường trải ngồi nơi cội Bồ-đề, hàng phục bốn ma, thành Chánh đẳng giác, chuyển pháp luân vô thượng, phóng ra ánh sáng lớn, thị hiện Niết-bàn, cho đến thị hiện chánh pháp, tương pháp và kiếp số thành hoại, tâm tâm tương tục sáng rõ tất cả. Như thấy cõi nước mười phương thế giới này trong thời vị lai cũng lại như vậy. Cũng thấy trong hiện tại, Đức Như Lai Tỳ-lô-giá-na A-la-hán Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô lượng, vô số chư Phật, từ lúc mới phát tâm cho đến ngồi nơi đạo tràng chuyển pháp luân vô thượng và thị hiện Niết-bàn, chánh pháp tượng pháp, kiếp số thành hoại, trụ thế lâu mau. Như thế giới nagy và mười phương cũng vậy. Mười phương ba đời tất cả cõi Phật, khi kiếp hỏa nổi lên thì nơi tháp Chiên-đàn ánh sáng càng hiển lộ gấp bội và nghe ba đời chư Phật trong mười phương đã thuyết pháp, đang thuyết pháp, sẽ thuyết pháp. Do năng lực trí tuệ, tôi đều có thể thọ trì điều mà tất cả thế gian, Thanh văn, Duyên giác và tiểu Bồ-tát không thể sánh kịp.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn bất sinh bất diệt thật tế trang nghiêm bình đẳng Bồ-tát này. Chư Đại Bồ-tát nơi một niệm đều biết pháp Phật ba đời vốn chân lý bình đẳng, trong khoảng một sát-na trang nghiêm vô lượng môn biển cảnh giới Tam-muội, trụ nơi thật tế, không có tướng của ngã, ngã sở, cũng không hai ý, trụ nơi Phật trụ, ở nơi tất cả kiếp mà không có tưởng kiếp, trụ nơi pháp giới hoan hỷ trang nghiêm thanh tịnh. Trí tuệ như thật của Hiền thánh ba thừa bình đẳng không hai. Không tham đắm thế gian và quả thế gian, pháp ấn thọ và thọ ký của tất cả ba đời Như Lai đều đầy khắp pháp giới, thường trụ bất diệt. Tất cả Đức Như Lai âm thanh sung mãn, pháp giới vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, không thể nói hết được. Ta phải làm thế nào để có thể biết, có thể nói về hạnh công đức kia được?

Thiện nam! Ở phương Nam này có ngọn núi độc nhất tên Kim cang luân trang nghiêm cao hiển, ở đó có vị Bồ-tát tên Quán Thế Âm trụ trên đỉnh núi. Ông hãy đến đó để thỉnh hỏi thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Đồng tử Thiện Tài cúi đầu cung kính đảnh lễ Trưởng giả Cao Quý Đức Vương xong, nhiều quanh trăm vòng, quyến luyến chiêm ngưỡng rồi từ biệt, đi về phương Nam.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài chánh niệm tư duy về lời dạy của vị Trưởng giả kia, tùy thuận theo kho tàng giải thoát của Bồ-tát, chánh niệm vào các sức nhớ nghĩ của Bồ-tát, nương nhờ nơi oai thần Phật và sức bản nguyện của Phật, do Tam-muội chánh định nên trong từng niệm không có khoảng cách gián đoạn. Luôn nhớ nghĩ về vô lượng chư Phật nơi bảo tháp Chiên-đàn, thương khóc như mưa, tìm đường mà đi, lần lượt phân biệt được tất cả chư Phật và pháp của chư Phật. Ở trong nhất tâm, nhớ nghĩ về lực của định tuệ trang nghiêm về thần thông chư Phật, để tự nuôi lớn căn lành giác ngộ, chánh niệm tư duy về tất cả việc không thể nghĩ bàn của chư Phật. Dần dần đồng tử đi đến ngọn núi độc nhất ở đây, leo lên từng bước một và nhớ nghĩ Đức Quán Thế Âm, chánh niệm không xả. Nhìn từ xa thấy Bồ-tát đang kinh hành tại sườn núi phía Tây, đâu đâu cũng có suối chảy, hoa lá, cỏ cây, rừng rậm. Có ao nước trong xanh và nhiều hoa vàng, cỏ thơm mềm mại, tươi tốt, sạch đẹp, tất cả đều từ công đức của Bồ-tát sinh ra.

Lên đến đỉnh núi, Đồng tử Thiện Tài thấy Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi nơi tòa Kim cang tám cạnh, tòa phát ra ánh sáng trang nghiêm không gì so sánh được cùng vô lượng Bồ-tát và quyến thuộc vây quanh lắng nghe Bồ-tát thuyết pháp. Khi ấy, toàn thân Bồ-tát màu vàng ròng, tây cầm hoa sen đại Bi trăm báu, thuyết giảng kinh Đại Từ Bi để khuyến phát và thâu nhận tất cả chúng sinh nhập vào pháp môn Phổ môn thị hiện.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài trông thấy như vậy rồi nên vô cùng mừng rỡ, phấp chấn, không nén được sự phấn kích trong tâm vì thấy việc chưa từng có. Đồng tử chắp tay chiêm ngưỡng, mắt không tạm rời, suy nghĩ: “Thiện tri thức tức là Như Lai. Thiện tri thức tức là chánh nhân của Phật đạo. Thiện tri thức là mây pháp báu. Thiện tri thức là kho tàng hạnh công đức. Thiện tri thức là mười lực vi diệu. Thiện tri thức khó thấy, khó gặp, tối thắng không gì sánh được và khó có thể lường xét. Thiện tri thức là hành nơi chánh nhân của mười hai hạnh Đầu-đà. Thiện tri thức là kho tàng trí tuệ vô tận. Thiện tri thức là mầm cây sinh công đức. Thiện tri thức có thể khai phát, mở bày, hướng dẫn tất cả cửa trí tuệ. Thiện tri thức có thể làm cho tất cả chúng sinh được vào cảnh giới giác ngộ của Phật tánh vô thượng, rốt ráo thanh tịnh của Nhất thiết trí.

Đồng tử Thiện Tài tán thán Thiện tri thức xong rồi thì dần dần đi đến gần. Lúc trông thấy Thiện Tài, Bồ-tát Quán Thế Âm khen ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Đồng tử đã đến đây chuyên cầu Đại thừa, thâu giữ chúng sinh, cứu giúp muôn loài, sinh tâm nhu hòa, tâm ngay thẳng, tâm sâu xa, tâm ưa cầu Phật pháp, tâm đại Bi. Hướng về hạnh Phổ hiền, phát tất cả đại nguyện hạnh thanh tịnh, thành tựu tất cả đại nguyện trang nghiêm, thường ưa thọ trì tất cả mây báu Phật pháp, tâm không suy giảm, tăng trưởng căn lành, tu các công đức không có nhàm chán. Thuận theo Thiện tri thức, không trái với lời dạy của họ. Theo biển trí tuệ mênh mông của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, tâm hạnh thành thục, chứng đắc năng lực Tam-muội quang minh của chư Phật, thân tâm nghiêm tịnh không có vẩn đục, vĩnh viễn xa lìa biếng trễ, không bao giờ thoái chuyển. Thường gặp chư Phật, sinh tâm hoan hỷ, chấm dứt các việc ác, tu các hạnh lành, thành tựu trí tuệ, tâm không chướng ngại, sạch như hư không, chóng đạt pháp môn đối trị lìa khổ, trụ nơi ánh sáng theo cảnh giới của chư Như Lai giữ gìn thành pháp rộng nêu giáo pháp.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài đến chỗ Bồ-tát Quán Thế Âm, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Bồ-tát, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính, rồi đứng lui về một phía và thưa:

–Bạch Đại Thánh! Trước đây con đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng chưa biết thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Bồ-tát nói:

–Lành thay! Lành thay! Thiện nam! Nay ông đã có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thiện nam! Ta đã thành tựu pháp môn Tam-muội Tỳ-la-ma-già đại Bi (Hoa Nghiêm Tam-muội).

Thiện nam! Pháp môn này là hạnh Bồ-tát. Tất cả công đức trí tuệ của Bồ-tát đều nhập trong pháp môn này. Nhờ sức của Tam-muội nên không di chuyển khỏi tòa này mà vẫn hiện bày khắp tất cả những sắc thân thanh tịnh. Đem hạnh quang minh thanh tịnh của pháp môn hiện khắp nơi mười phương thế giới, giáo hóa thành tựu đầy đủ cho chúng sinh trong sáu nẻo. Thường ở chỗ tất cả chư Phật tùy duyên ứng hóa luôn hiện tiền. Hoặc dùng bố thí giúp đỡ những người bỏn sẻn; hoặc dùng giữ giới giúp đỡ người phá giới; hoặc dùng nhẫn nhục giúp đỡ những người sân hận; hoặc dùng tinh tấn giúp đỡ những người biếng trễ; hoặc dùng Thiền định giúp đỡ những người tâm tán loạn; hoặc dùng trí tuệ giúp đỡ những người ngu si. Dùng sáu pháp hòa kính khéo để tùy thuận chúng sinh. Dùng bốn Nhiếp pháp để thâu phục giáo hóa chúng sinh. Phóng ra lưới ánh sáng lớn để diệt trừ sự đau khổ bức bách do phiền não của chúng sinh. Dùng Phương tiện ba-la-mật để thực hành bố thí, ái ngữ, lợi ích và đồng sự mà hóa độ chúng sinh. Dùng tất cả lưới ánh sáng với âm thanh vi diệu khắp mười phương tất cả chúng sinh mà diễn nói pháp giải thoát của bậc Thánh. Thành tựu tất cả các Ba-la-mật, tùy thuận chúng sinh, nếu cần dùng uy nghi, hình sắc của chư Phật hoặc Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác để hóa độ, thì đều vì họ mà hiện thân như vậy, ngồi nơi tòa Kim cang, tay cầm hoa trắng để thuyết pháp giải thoát của bậc Thánh là pháp môn Bản hạnh đại bi Tỳ-ma-la-già của Bồ-tát. Nếu có chúng sinh cần hình sắc uy nghi của sáu nẻo để được độ thoát thì hiện thân nơi sáu đường, ngồi tòa Kim cang, tay cầm hoa trắng để thuyết pháp giải thoát của bậc Thánh là pháp môn Bản hạnh đại bi Tỳ-ma-la-già của Bồ-tát, khiến cho các chúng sinh kia đều được an vui. Dùng sắc thân vi diệu hiện bày tự tại, hiện thân đồng loại hóa độ khắp tất cả, tùy theo uy nghi của họ, cho đến đồng tâm để thâu nhận chúng sinh.

Thiện nam! Ta thường thực hành pháp môn Bản hạnh đại bi này là Tỳ-ma-la-già của Bồ-tát làm viên mãn Tam-muội trí tuệ quang minh. Ta ở nơi quá khứ đã phát thệ nguyện thanh tịnh nên tròn đủ nguyện lực. Do quả của lực thệ nguyện thanh tịnh mà tu tập an trụ nơi pháp môn này. Thế nên môn Tam-muội này gọi là pháp môn Đại bi gồm đủ hạnh Bồ-tát Tỳ-ma-la-già Tam-muội. Ta giáo hóa tất cả chúng sinh, vì các chúng sinh mà làm ngôi nhà vững chắc cho họ nương náu, làm chỗ cho họ trở về nương tựa và được che chở an ổn. Vì các chúng sinh làm chiếc cầu vĩ đại, làm hòn đảo lớn. Vì các chúng sinh làm ngọn đuốc soi đường lớn, làm bậc thầy chỉ lối đạt đến cứu cánh giác ngộ. Vì hóa độ chúng sinh nên ta phát nguyện rộng lớn. Nếu người nào được nghe thấy ta đều được hoan hỷ. Ta muốn khiến cho tất cả chúng sinh trong năm đường vĩnh viễn xa lìa sự sợ hãi nơi nẻo hiểm nạn, sự sợ hãi nơi tâm ý bị bức bách do phiền não, sự sợ hãi ngu si, sự sợ hãi trói buộc, sự sợ hãi giết hại, sự sợ hãi bần cùng, sự sợ hãi đời sống thiếu thốn, sự sợ hãi do tranh cãi kiện tụng, sự sợ hãi đám đông, sự sợ hãi chết chóc, sự sợ hãi bị đọa vào bốn đường ác, sự sợ hãi các nẻo luân hồi, sự sợ hãi về không đồng ý, sự sợ hãi vì yêu mà không yêu, sự sợ hãi tất cả điều ác, sự sợ hãi thân bị bức bách, sự sợ hãi tâm bị bức bách, sự sợ hãi sầu lo, sự sợ hãi biếng trễ, sự sợ hãi tham sắc tà dâm, sinh, già, bệnh, chết, ưu bi khổ não, mong cầu không toại ý, khổ vì yêu thương phải chia lìa, khổ vì oán ghét mà gặp gỡ. Ta vì muốn giải thoát tất cả biển khổ mênh mông về sự sợ hãi cho tất cả chúng sinh nên phát nguyện rộng lớn, trụ nơi pháp môn Tịnh tuệ ánh sáng này.

Này thiện nam! Sinh ra được chánh niệm hiện tiền và cứu hộ sự sợ hãi của tất cả chúng sinh trong ba đời bằng pháp môn chánh niệm pháp, pháp luân danh tự. Nhằm giải thoát sự luân chuyển của chúng sinh trong ba cõi nên ta nhập vào môn luận nghị, trụ nơi pháp môn này nên ta thị hiện vô số phương tiện hiển bày tất cả loại thân của chúng sinh, tùy duyên ứng hợp. Dùng phương tiện ấy để dập tắt nỗi sợ hãi của chúng sinh, làm cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đạt bất thối chuyển, cúng dường chư Phật, thọ trì chánh pháp.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn Đại bi thanh tịnh Tỳ-ma-la-già của Bồ-tát này. Còn như chư Đại Bồ-tát gồm đủ tất cả đại nguyện thanh tịnh của Bồ-tát Phổ Hiền, đạt thanh tịnh cứu cánh nơi hạnh Phổ hiền, không đoạn tuyệt tất cả dòng thiện căn, không diệt tất cả dòng Tam-muội, thường tu hạnh Nhất thiết trí chưa từng đoạn mất. Biết rõ tướng hành hoại của thế giới, diệt trừ những mầm mống bất thiện của chúng sinh, xuất sinh tất cả các dòng thiện căn, trừ diệt các dòng tâm sinh tử của chúng sinh, sản sinh dòng tâm thiện căn của chúng sinh. Ta làm sao có thể biết, có thể nói về hạnh công đức kia được?

********

Bấy giờ, ở phương Đông có một vị Bồ-tát tên Vô Dị Hạnh với hoa báu đỡ chân, đi trên hư không, đến núi Kim cang luân của thế giới Ta-bà. Khi Bồ-tát đặt chân lên núi ở thế giới Ta-bà thì mặt đất chấn động sáu cách và biến thành châu báu dùng để trang nghiêm. Các lỗ chân lông toàn thân của Bồ-tát đều phát ra ánh sáng làm phủ mờ cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và muôn sao. Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương và tất cả Thiên Long, thần Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Atu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân phi nhân và ánh sáng lửa ngọc, ánh sáng ngọc Ma-ni đều như mực đen. Ánh sáng từ Bồ-tát này chiếu khắp chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Diêm-la vương và các chỗ tối tăm, tiêu trừ các khổ, chấm dứt sự sợ hãi về bệnh khổ, phiền não và tất cả đều được an ổn. Mưa khắp nơi những trận mưa báu đầy khắp cõi Phật và mưa tất cả những phẩm vật cúng dường, đem những vật cúng dường này để cúng dường Đức Như Lai. Tùy theo chỗ tương ưng của các chúng sinh mà thấy sự hiện thân vì sự thị hiện của Bồ-tát biến hiện khắp sáu nẻo rồi đến núi Kim cang luân, đến chỗ Bồ-tát Quán Thế Âm.

Khi ấy, Bồ-tát Quán Thế Âm bảo Đồng tử Thiện Tài:

–Thiện nam! Ông có thấy Bồ-tát Vô Dị Hạnh nơi tòa này chăng? –Bạch Đại Thánh! Con đã thấy.

–Ông hãy đến đó hỏi thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Lúc này, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu cung kính đảnh lễ nơi chân Bồ-tát Quán Thế Âm, nhiễu quanh vô số vòng, chiêm ngưỡng không biết chán, nghĩ nhớ chân chánh những lời Bồ-tát dạy, thâm nhập biển trí tuệ rồi từ biệt lui ra. Đến chỗ Bồ-tát Vô Dị Hạnh cúi đầu kính lễ, nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi chắp tay đứng thưa:

–Bạch Đại Thánh! Trước đây con đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng chưa biết thế nào là học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Bồ-tát Vô Dị Hạnh nói:

–Thiện nam! Ta đã thành tựu pháp môn Thị hiện rộng khắp, mau chóng.

Bạch Đại Thánh! Bậc Thánh chứng đắc pháp môn này nơi Đức Phật nào? Từ đây đến cõi Phật đó bao xa? Đi mất bao lâu?

Thiện nam! Chỗ đó rất khó biết. Chỗ mà tất cả cõi Trời, Người, A-tu-la, Nhân và phi nhân đều không thể suy lường. Chỉ có hạnh siêng năng tinh tấn không thoái chuyển, gần gũi Thiện tri thức, được chư Phật thương tưởng thì mới có thể biết được. Nếu không đầu đủ thức thiện căn đã gieo trồng từ trước và trực tâm thanh tịnh, đầy đủ căn lành Bồ-tát khai mắt trí tuệ, nghe nhiều, biết nhiều, còn chưa được khai ngộ, chưa có thể thâm nhập trí tuệ Hiền thánh, huống gì ta tin hiểu hành xứ của Bồ-tát.

Đồng tử Thiện Tài thưa:

–Bạch Đại Thánh! Cúi xin hãy vì con mà nói về danh hiệu của Đức Như Lai ở nơi cõi nước kia. Con sẽ nương nhờ thần lực Phật và năng lực Thiện tri thức, tin ngũ căn lực, thành tựu thần thông lực mà được tin hiểu.

Bồ-tát Vô Hạnh đáp:

–Ta đã đến cõi Phật đó tên là Diệu thủ pháp tạng, Đức Phật hiệu Phổ Hiền Thủ. Ở nơi cõi Phật này ta đã đạt pháp môn Phổ hiện mau chóng này. Từ đó đến nay đã trải qua số kiếp nhiều như số cực vi trần nơi cõi Phật không thể nêu bày nói hết, ở trong một niệm ta đã đi nhiều như số cực vi trần nơi cõi Phật không thể nêu bày nói hết. Mỗi một bước đều có thể đi qua vô số thế giới nhiều như số cực vi trần nơi cõi Phật không thể nêu bày nói hết. Nơi các nước đã đi qua đều có Đức Phật hiện tiền. Ta đều dùng tất cả phẩm vật cúng dường vô tận của Bồ-tát để cúng dường hóa thân chư Phật. Vì sao?

Vì ta chứng đắc pháp môn Tam-muội Vô trước thanh tịnh pháp tánh sinh thân tướng ấn như thật. Nhờ công đức này mà ta có thể cúng dường Pháp thân giải thoát của Như Lai, dùng tất cả sự hy hữu của chư Bồ-tát để cúng dường chư Phật. Tùy theo căn lành đời trước của các chúng sinh mà thị hiện sắc thân thuyết pháp cho họ. Phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương, thích ứng tâm chúng sinh, tùy chỗ họ mong cầu đều được như ý. Thành tựu pháp tạng, phát ra âm thanh vi diệu, diễn nói chánh pháp làm lợi ích cho chúng sinh, đem Pháp thân vi diệu để độ thoát chúng sinh, cho đến mười phương cũng lại như vậy.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn hiện khắp mau chóng này của Bồ-tát. Còn các Đại Bồ-tát ở khắp mười phương không có nơi nào mà không đến, vô lượng cảnh giới không gì có thể hủy hoại. Pháp thân thanh tịnh đầy khắp pháp giới, phân biệt, biết rõ các nẻo sinh tử của chúng sinh, đầy khắp tất cả cõi, tùy thuận tất cả pháp, quán ba đời bình đẳng, thuyết pháp bình đẳng, tùy thuận thế gian, không chấp trước Phật đạo, đến khắp mọi nơi mà không vướng mắc, không chướng ngại, khéo thuyết thật tướng các pháp, bản tánh vắng lặng. Ta làm sao có thể biết, có thể nói về hạnh công đức của chư Bồ-tát đó được?

Thiện nam! Ở phương Nam này có thành tên Bà-la-bà-đề, nơi đó có vị trời tên Đại Thiên. Ông hãy đến đó để hỏi thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Lúc ấy, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ nơi chân Bồ-tát Vô Dị Hạnh, nhiễu quanh vô số vòng, chiêm ngưỡng quán sát rồi từ biệt, đi về phương Nam.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài chánh niệm tư duy hạnh Tỳ-la-magià không chướng ngại của Bồ-tát, luôn luôn chuyên tâm cầu cảnh giới trí tuệ của Bồ-tát Vô Dị Hạnh, nơi phát ra ánh sáng theo cảnh giới sắc thân thần thông trí tuệ là cảnh giới của tất cả công đức trang nghiêm. Đồng tử dũng mãnh tinh tấn, kiên cố hoan hỷ, xuất sinh vô lượng chẳng thể nghĩ bàn pháp môn hành trì, thần thông diệu dụng, được trí quyết định, thân tâm vui vẻ, hoan hỷ cùng khắp, đầy đủ các công đức, các địa Tam-muội, địa Đà-la-ni, địa đại nguyện, địa biện tài, các địa lực.

Dần dần đồng tử đi đến cửa thành Ba-la-đề-bà, tìm hỏi trời Đại Thiên hiện đang ở đâu? Lúc đó, có người nói:

–Thiện nam! Trời Đại Thiên hiện đang ở trên lầu, phía trong thành, thành tựu sắc thân thanh tịnh vi diệu, hóa hiện thuyết pháp cho đại chúng vây quanh.

Đồng tử Thiện Tài vào đến chỗ Đại Thiên, cúi đầu kính lễ, thưa:

–Bạch Thánh giả! Trước đây con đã phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác nhưng chưa biết thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát.

Khi ấy, Đại Thiên liền duỗi bốn cánh tay vốc lấy nước trong bốn biển đặt vào lòng bốn bàn tay mà không làm cho nước chảy ra ngoài và đưa cho Đồng tử Thiện Tài súc miệng, rửa mặt rồi cầm hoa sen bằng vàng tung lên chỗ Thiện Tài và nói:

–Hy hữu thay ! Thiện nam! Thật là đặc biệt và kỳ diệu mới có thể từ xa xôi đến đây cầu Thiện tri thức. Thiện nam! Các hạnh Bồ-tát khó thấy, khó nghe, sâu xa vi diệu không thể nghĩ bàn. Bồ-tát dũng mãnh tinh tấn, hình dung tươi đẹp, là hoa Phân-đà-lợi trong loài người, làm nơi về nương tựa của chúng sinh,bảo vệ, chở che cho tất cả muôn loài, làm lợi ích cho chúng sinh, luôn giúp đỡ không lìa bỏ, an ổn cho tất cả, chiếu khắp tất cả cõi nơi mười phương, hiển bày chánh đạo, xa lìa ngu si, làm đại Đạo sư, ủng hộ giữ gìn chánh pháp, dìu dắt chúng sinh được an lành không lo lắng. Đạt đến giờ giác, Bồ-tát chắc hẳn sẽ đến thành Nhất thiết trí. Thật là hy hữu, ba nghiệp Bồ-tát thành tựu viên mãn, làm thanh tịnh những gì khó thanh tịnh, đoạn trừ được việc ác. Đối với chúng sinh vạn loại thường dùng lời nói yêu thương, tùy phước duyên của họ đều ứng hóa hiện tiền, không bỏ lỡ cơ hội cứu độ nào.

Thiện nam! Ta chỉ thành tựu pháp môn lưới mây ánh sáng của Bồ-tát.

Đồng tử Thiện Tài thưa:

–Bạch Thánh giả! Pháp môn lưới mây ánh sáng này có cảnh giới thế nào?

Bấy giờ, Đại Thiên ở trước Thiện Tài tích tụ vàng trời cũng như núi chúa, chốt đống xà cừ, chất đống mã não, chất đống thủy tinh, chất đống kim tinh, chất đống ngọc Ma-ni mở bày dẫn dắt chúng sinh, chất đống ngọc ma-ni cán phát, chất đống ngọc ma-ni châu La, chất đống ngọc Ma-ni thủy quang, chất đống hổ phách, chất đống hổ phách tía, chất đống ngọc nhật tinh, chất đống báu Di-la-khư, chất đống báu tạp sắc, chất đống báu Tỳ-phú-la, chất đống lưới trân châu đỏ, chất đống ngọc Ma-ni chiên-đàn và chất đống các anh lạc trang nghiêm nơi các bộ phận trên thân, nhiều như núi Tu-di; tất cả hoa đẹp, hương thơm, hương xoa, hương bột, tất cả vòng hoa, tất cả áo trời, tất cả lọng báu, tất cả cờ phướn, tất cả nhạc cụ, tất cả giường, màn và các phẩm vật cúng dường nơi cảnh giới của năm dục, các châu báu như vậy chất cao như núi Tu-di.

Lại xuất hiện vô số trăm ngàn vạn ức các chúng đồng nữ nói với Đồng tử Thiện Tài: “Thiện nam! Ông có thể lấy tất cả những vàng bạc châu báu này để cúng dường Đức Như Lai và đem ban bố cho tất cả mọi loài, giúp đỡ chúng sinh làm cho họ đều tu Bố thí ba-la-mật, học Bố thí ba-la-mật, xả bỏ tất cả, đem tâm xả này dạy bảo khắp các chúng sinh đều được tu hành và làm cho họ có thể xả bỏ những gì khó xả bỏ nhất.”

Thiện nam! Ta đem vật này chỉ dạy cho đồng tử bố thí, dạy bảo cho tất cả cũng như vậy, làm cho họ dùng căn lành vô tham huân tu thân tâm, khiến cho chúng sinh tu hạnh Phật và Bồ-tát, gần gũi Thiện tri thức, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, xuất sinh căn lành, trưởng dưỡng căn lành, thành tựu đầy đủ tất cả căn lành và phát tâm tuệ giác vô thượng.

Thiện nam! Nếu có chúng sinh ham mê năm dục, thì vì chúng sinh đó mà thị hiện cảnh giới bất tịnh. Người tham đắm nơi cõi nước thì nói về sự vô thường.

Vì chúng sinh sân hận, sợ hãi, kiêu mạn, buông lung, oán thù tranh tụng như quỷ La-sát, sát sinh vô số, uống máu ăn thịt, những chúng sinh như vậy đều vì họ thị hiện, dạy bảo cho họ tu đại Từ bi, làm cho họ vĩnh viễn xa lìa sân hận, buông lung.

Nếu có người biếng nhác, nên vì họ thị hiện những nạn nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, vua ác, oán thù hóa hiện vô thường để cho họ phát khởi căn lành.

Thiện nam! Những hạng chúng sinh xấu ác như vậy thì dùng phương tiện trí tuệ diệt trừ các việc ác và tất cả chướng ngại oán địch nơi trí tuệ, thành tựu tất cả Vô ngại Ba-la-mật.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn lưới mây ánh sáng này của Bồ-tát. Còn chư Đại Bồ-tát diệt trừ phiền não như Thiên-vương Đaolợi tiêu diệt A-tu-la, chư Bồ-tát như nước, có thể dập tắt lửa phiền não dữ dội của chúng sinh, chư Bồ-tát như lửa, có thể thiêu rụi mọi đống củi phiền não của chúng sinh, chư Bồ-tát như gió, thổi tan những vướng mắc nơi tham ái của chúng sinh, diệt trừ tất cả tâm ái nhiễm si mê, chư Bồ-tát thành tựu các công đức lớn như vậy, ta làm sao có thể biết, có thể nói được?

Thiện nam! Phía Nam cõi Diêm-phù-đề này có nước tên Ma-dàđà, bên cội Bồ-đề, nơi trạo tràng vắng lặng có vị thần tên An Trụ. Ông nên đến đấy thỉnh vấn: Bồ-tát làm thế nào học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát. Lúc này, Đồng tử Thiện Tài đầu mặt cung kính đảnh lễ nơi chân Đại Thiên, lưu luyến rồi từ tạ, đi về hướng nước Ma-dà-đà, tới đạo tràng vắng lặng nơi ở của thần An Trụ.

Bấy giờ, mười ngàn Địa thần, mỗi người đều nói:

–Đồng tử này đến đây có thể cứu giúp tất cả chúng sinh tức là Như Lai tạng, có thể phá tan màn vô minh phủ bọc của chúng sinh, thường sinh vào nhà Pháp vương thù thắng vi diệu, xa lìa cấu nhiễm và không bị chướng ngại, đầu đội mão gấm báu cõi trời. Đồng tử này có kho báu đại trí tuệ, thu phục các luận sư của ngoại đạo, đem pháp của pháp luân vương, giáo hóa chúng sinh.

Khi ấy, một vạn vị thần An Trú Địa Thiên làm cho mặt đất chấn động, mưa nước hoa thơm, quét bằng gió thơm. Một vạn Thần Địa Thiên đồng thời phát ra âm thanh vi diệu, vang khắp tam thiên đại thiên thế giới, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Và có những cung điện quý giá dùng để trang nghiêm. Tất cả cây hoa đua nở sum suê tươi tốt, cành cây rũ xuống, những cây ăn quả đều có quả sum suê và cũng đều rũ xuống. Bao nhiêu nước thơm từ ao, sông, suối nguồn chảy vòng trở lại về vực, tiếng nước chảy xuống phát ra những âm thanh vui tươi. Châu báu các cõi trời trang nghiêm lầu gác. Kỳ lân, sư tử, voi quý, nai trắng, chim phụng, khổng tước những loài cầm thú khác nhau, mỗi loài cùng quyến thuộc đem đến những phẩm vật cúng dường, mỗi loài cùng quyến thuộc đem đến những phẩm vật cúng dường, mọi loài đều hoan hỷ phát ra âm thanh êm dịu. Vô lượng kho tàng châu báu tự nhiên vọt lên. Gió nổi lên bốn phương giống như kim luân, thổi đến những hoa đẹp nhiều màu sắc rải khắp đạo tràng. Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân đầy khắp giữa vườn rừng.

Khi đó, địa thần An Trụ bảo Đồng tử Thiện Tài:

–Thiện nam! Rất vui mừng vì ông đã đến đây! Ông có muốn thấy kiếp xưa của mình đã từng ở đây gieo trồng căn lành và quả báo phước đức chăng?

Đồng tử Thiện Tài cung kính đảnh lễ nơi chân địa thần An Trụ, nhiễu quanh vô số vòng rồi lui về đứng một bên, thưa:

–Bạch Thánh giả! Thưa vâng, con muốn thấy.

Địa thần An Trụ liền dùng ngón chân ấn xuống mặt đất thì có vô lượng, vô số kho báu vàng ngọc ma-ni mở ra trước mắt. Những chiếc bình cát tường tự nhiên vọt lên.

Này thiện nam! Do quả báu nơi hành bố thí từ xưa của ông nên mới có kho báu này, tùy theo ý ông nên dùng để bố thí.

Thiện nam! Ta đã thành tựu pháp môn Trí tuệ tạng bất khả hoại của Bồ-tát. Từ thời Đức Phật Nhiên Đăng đến nay, ta đã đạt được căn lành lớn, thường ở nơi đất này lần lượt ủng hộ chư Bồ-tát, làm cho họ thâm nhập cảnh giới trí tuệ đến tận cùng nguồn cội, đại nguyện viên thành, làm thanh tịnh hạnh Bồ-tát, xuất sinh tất cả Tam-muội, tu tất cả thần thông, đầy đủ tất cả thần lực công đức rộng lớn của Bồ-tát, đầy đủ thần lực oai đức lớn của chư Bồ-tát, thành tựu trí tuệ không thể suy lường của Bồ-tát, tâm ấy kiên cố không thể hủy hoại. Phóng ra lưới ánh sáng, dạo khắp cõi Phật, nghe chư Như Lai thọ ký chuyển pháp luân và tất cả chỗ Như Lai chuyển pháp luân cùng tất cả vòm mây kinh điển. Dùng đại pháp ánh sáng hóa độ khắp chúng sinh, thọ trì thần lực tự tại của chư Phật, giữ gìn sức chói sáng của đại pháp chư Phật, chỉ bày và giáo hóa đem lại hoan hỷ và lợi ích cho muôn loài. Ta chỉ biết pháp môn trí tuệ bất khả hủy hoại của Bồ-tát này.

Thiện nam! Vào thuở xưa, cách đây vô số kiếp nhiều như số vi trần của núi Tu-di, có kiếp tên Quang minh tịnh, thế giới tên Nguyệt tràng, Đức Như Lai hiệu Thiện Nhãn.

Thiện nam! Ta ở nơi kiếp Quang minh tịnh, chỗ Đức Phật Thiện Nhãn tư duy được pháp môn này và tu tập trưởng dưỡng thanh tịnh pháp môn này, tăng tiến thêm cao rộng, diễn nói pháp môn rộng khắp này. Thời gian ấy, ta thường được thấy Phật từ kiếp Quang minh đến Hiền kiếp, trải qua vô lượng, vô số kiếp đó đối với chư Phật trong mỗi kiếp ta đều gần gũi, cúng dường đầy đủ chư Phật như vậy, cho đến việc đi đến đạo tràng nơi cội Bồ-đề và các phẩm vật trang nghiêm ta đều được thấy. Ở nơi mỗi mỗi Đức Phật, ta được lắng nghe, lãnh hội, tu tập. Được pháp môn này, ở chỗ chư Phật ta luôn tu tập căn lành, do căn lành này, tạo nên nhân duyên nghe các pháp, đạt đến pháp môn tạng trí tuệ bất khả hoại của Bồ-tát.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn Tạng trí tuệ bất khả hoại của Bồ-tát. Còn chư Đại Bồ-tát ở nơi tất cả trụ xứ của chư Phật, thân cận cúng dường, chư Phật thuyết pháp đều được nghe và thọ trì. Tùy theo âm thanh của chư Phật lại vì người khác giảng nói, niệm niệm tương tục, được thể nhập vào tâm Phật, trụ nơi bí mật của Phật, được Pháp thân thanh tịnh, vượt khỏi trí tuệ bị ngăn che do vô minh của Bồ-tát, xuất sinh tất cả kho tàng hình tướng của chư Phật, khéo nói nghĩa lý, ghi nhớ không quên. Hiện khắp các sắc thân, đối với thân tướng bất nhị, các hạnh Bồ-tát vô lượng, vô biên như thế, ta làm sao có thể biết, có thể nói hết được?

Thiện nam! Cõi Diêm-phù-đề này có nước tên Vô não, đô thành ấy tên là Thắng nhẫn. Ở trong thành đó có một Dạ thiên tên Bà-sa-bàđà, ông hãy đến đó hỏi thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát và tu đạo Bồ-tát?

Lúc này, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ nơi chân thần An Trú, nhiễu quanh vô số vòng, quyến luyến chiêm ngưỡng rồi từ biệt. Dần dần đồng tử đi đến chỗ của Dạ thiên.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài chánh niệm tư duy đối với lời dạy của vị địa thần kia về pháp môn trí tuệ bất khả hoại của Bồ-tát. Tu tập, sáng rõ nẻo vào tùy ý nơi Tam-muội của Bồ-tát, quán sát cách thức luật nghi của Bồ-tát. Tâm đồng tử thấu suốt sự chỗ tự tại trong thần thông diệu dụng của chư Bồ-tát. Quán sát tất cả pháp tánh thanh tịnh, thâm nhập trí tuệ sâu xa và cảnh giới rốt ráo của Bồ-tát, thâm nhập pháp môn của Bồ-tát, tùy thuận quán sát pháp môn biển trí không hoại của Bồ-tát, quán sát pháp môn thanh tịnh bất hoại sâu rộng vô biên của Bồ-tát, quán sát pháp môn mây pháp, biển pháp trùm khắp của Bồ-tát.

Đồng tử đi mãi, dần dần đến nơi thành lớn Thắng Nhẫn và nhiễu quanh vô số vòng, đi vào bằng cửa Đông và đứng giữa thành. Lúc đó, mặt trời lặn không bao lâu, với suy nghĩ ái mộ bậc thầy, như người khát cần nước. Vâng theo lời dạy bảo của tất cả chư Bồ-tát nên đồng tử nhất tâm chắp tay, muốn thấy đại sư Dạ thiên Bà-sa-bà-đà. Ở chỗ Thiện tri thức, đồng tử tưởng nhớ Đức Như Lai là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Nhìn khắp cảnh giới, hiển hiện tất cả sắc thân cùng thần lực trí tuệ trong mười phương và đến khắp tất cả, ưa thấy Thiện tri thức ở cảnh giới thanh tịnh, thấy khắp tất cả pháp môn cảnh giới diệu tạng từ tâm của chư Thiện tri thức, được tất cả mắt trí tuệ chánh pháp, quán sát cảnh giới trí hải phổ nhãn của mười phương Tam-muội, không xuất không nhập, đồng tánh nhất như của tất cả pháp giới ánh sáng trí tuệ, mắt đại trí tuệ sâu rộng vô biên.

Đồng tử Thiện Tài trông thấy Dạ thiên kia trong hư không ở trên thành, ở lầu gác báu, nơi thế giới Hương liên hoa tạng trang nghiêm, ngồi trên hoa sen báu, toàn thân như vàng ròng, búi tóc trên đỉnh xinh đẹp với màu vàng ròng tươi sáng, mắt màu xanh biếc, phân biệt rõ ràng tinh tế, sắc tướng đoan nghiêm, đẹp thù thắng vi diệu bậc nhất. Những châu báu trang nghiêm thân hy hữu không gì sánh được. Ai trông thấy cũng hoan hỷ, nhìn mãi không chán. Dạ thiên mặc áo đỏ, trang sức bằng châu báu tốt đẹp, búi tóc trên đỉnh giống như Phạm vương.

Bấy giờ, Dạ thiên liền vì Đồng tử Thiện Tài thuyết thần chú Lê kế Phạm vương đỉnh Pháp thân ấn:

–Lặc đam, bà la bà sa na, đà la ni. Miên già phạm ma xà trà chấn na, xá lợi la, ma cưu trá, đà la ni. Miên già, chước ca la đà la ni, đa sa ha sa ha, xà sa ha.

Thiện nam! Nếu người nào được thần chú này thì các lỗ chân lông trên thân người ấy sẽ hiện ra khắp tất cả nhật, nguyệt, ngũ linh và hai mươi tám ngôi sao, cũng hiện ra tất cả ngôi sao chiếu sáng rực rỡ. Do ánh sáng này chiếu khắp vô lượng thế giới tất cả chúng sinh. Trong khoảng sát-na có thể thấy chúng sinh ở trong ba đường ác chịu tám nạn khổ. Nơi một lỗ chân lông đều thấy chỗ hóa sinh của chúng sinh: hoặc thấy chúng sinh ưa sinh cõi trời, hoặc có chúng sinh ưa đắc quả Thanh văn thừa, hoặc có chúng sinh thích đắc Duyên giác thừa, hoặc có chúng sinh ưa đắc Nhất thiết chủng trí thì nơi một lỗ chân lông đều hiển hiện tất cả. Hoặc có chúng sinh ưa thấy những loại phương tiện hình sắc, oai nghi, âm thanh thuyết pháp và các ngôn ngữ. Và ở nơi một niệm đều trông thấy tất cả sự vi diệu như vậy, pháp âm trong trẻo tùy chỗ thích nghe trải qua vô số kiếp. Cũng ở nơi lỗ mãnh tinh tấn tu các Tam-muội thần thông lực, cảnh giới thần lực tự tại của Bồtát, chỗ ở của Bồ-tát, ánh sáng của Bồ-tát, pháp môn thần thông phấn tấn của Bồ-tát. Thể hiện tất cả như vậy, tùy chỗ giáo hóa chúng sinh nơi lỗ chân lông mà đều được thấy nghe. Đây là bản hạnh sở đắc của Bồ-tát.

Đồng tử Thiện Tài được thấy nghe như vậy rồi, tâm rất hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Dạ thiên, nhiễu quanh vô số vòng, chắp tay cung kính và đứng qua một bên, bạch với Thiên thần:

–Trước đây con đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sinh tâm tin hiểu, nhờ Thiện tri thức được thấy chư Phật, nghe pháp công đức. Cúi xin Thiên thần, hôm nay vì con mà khai thị chỉ bày những sở hành của Bồ-tát và đạo Nhất thiết trí. Biếu có Bồ-tát hướng đến đạo này, sẽ được mười Lực, Thập địa Bồ-tát.

Dạ thiên bảo Đồng tử Thiện Tài:

–Lành thay! Lành thay! Thiện nam! Ngươi biết cung kính Thiện tri thức, vâng theo lời dạy của họ. Nếu có Bồ-tát cung kính Thiện tri thức và vâng theo lời dạy của họ, sẽ chóng đạt đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thiện nam! Chỉ có ta là thành tựu pháp môn ánh sáng chiếu khắp tán hoại các pháp, phá ma và chúng sinh ngu ám của Bồ-tát.

Thiện nam! Đối với những chúng sinh tà kiến xấu ác, thì ta phát tâm đại bi. Đối với chúng sinh ngũ nghịch tạo nghiệp bất thiện, thì ta phát tâm đại Bi. Đối với chúng sinh tu nghiệp thiện thì ta phát tâm hoan tỷ. Đối với vãng sinh thiện ác ngang bằng thì ta sinh tâm vô nhị.

Đối với vãng sinh nhiễm ô, thì ta phát tâm thanh tịnh. Đối với vãng sinh tà kiến chấp ngã thì ta phát tâm bình đẳng. Đối với chúng sinh hạ tiện nhơ bẩn thì ta phát tâm hoan hỷ. Đối với chúng sinh đắm trước dục lạc thì ta sinh tâm thanh tịnh. Đối với chúng sinh ưa sinh tử luân hồi thì ta phát thiện tâm tùy thuận và biết rõ bánh xe sinh tử. Đối với chúng sinh ưa Thanh văn, Duyên giác thì ta phát sinh tâm an lập trụ nơi đạo giác ngộ Nhất thiết trí.

Thiện nam! Ta thường tư duy như vậy để giáo hóa tất cả chúng sinh, thành tựu pháp môn ánh sáng phổ chiếu hoại tán chúng sinh ngu si và phá ma của Bồ-tát. Sau nửa đêm, khi con người hoàn toàn vắng lặng là lúc mà tất cả quỷ thần rong ruổi hoành hành, lúc đạo tặc hoạt động là lúc Tỳ-kheo rời bỏ oai nghi, lúc khói mây bụi mù che phủ, tối tăm không thấy ánh sáng mặt trăng, mặt trời. Ta ở những nơi đó àm đôi mắt sáng dắt dẫn chúng sinh vượt qua con đường tăm tối.

Nếu có chúng sinh ở tại thành ấp, thôn xóm, phố thị hoặc núi non, đồng vắng, hoặc trong tám ngàn biển lớn, cho đến nơi thủy, bộ, tòng lâm, rừng núi, con đường nguy hiểm tối tăm sợ hãi. Nạn sấm sét gầm trời, nạn ác thú và người ngu sợ hãi, nạn giặc cướp nơi hoang dã, nạn bệnh dịch đói khát trong nước, nạn chiến tranh tàn phá ta dùng thần lực của Đà-la-ni để diệt trừ những tai nạn sợ hãi kia. Nếu có chúng sinh gặp tai nạn nơi biển, cuồng phong sống dậy, sóng lớn vùi làm cho những tHương Nhân rối mù không thấy đâu bờ bến. Những tai nạn nơi thủy, bộ như vậy, ta đều hiện diện ở đó để làm nơi nương tựa bình yên, hoắc làm hòn đảo để dừng chân, hoặc làm hình con tàu cứu vớt những người bị chìm dưới nước, hoặc làm người tài giỏi, hoặc làm người cá, hoặc làm hình voi chúa, hình ngựa chúa, hoặc làm hình voi con, hình con giải, ba ba, cá sấu, hình A-tu-la vương, hình Long vương thần biển, hoặc làm cẩu vương, hình muỗi mòng, ta hiện tất cả những loại hình tướng như vậy để làm nẻo quay về, làm phương tiện độ thoát tất cả nạn khổ. Nguyện cho chúng sinh lìa khổ ngũ ấm, đắc đạo giải thoát.

Tất cả nhân gian sống trong đêm dài tăm tối, nơi ngói sỏi, gai gốc, gò nỗng, đồi núi, rắn độc, sư tử, hổ beo, bò cạp, tất cả sự độc hại, nạn cuồng phong, lạnh, nóng. Những lúc ấy, ta làm hình mặt trời, mặt trăng, hình ngôi sao sáng, hình sao lưu, hình sao chổi, hoặc làm tiếng sấm sét vang rền, hoặc làm hình ánh sáng châu báu, hoặc làm hìng sao hỏa, hoặc sao thái bạch, hoặc các hình sao biến hiện khác lạ, hoặc các cung điện trời, hoặc làm hình Thiên vương, hoặc làm các hình Trời, Rồng, Thần hình tám bộ chúng, hoặc làm hình chuyển luân vương, hình các tiểu vương, vô số hình người. Hoặc làm hình Bồ-tát, hoặc làm hình Như Lai, dùng diệu lực Đà-la-ni và vô số phương tiện để bảo vệ cứu giúp chúng sinh. Nguyện cho chúng sinh thường được an ổn, được đại Bi che chở, được ở chỗ Phật ở, hoặc làm hình hang đá núi cao, hoặc làm hình khe suối, ao hồ, rừng cây, cỏ thuốc, cây hoa quả. Hoặc làm hình bóng râm che mát, hoặc làm những con đường, con hẻm đều bằng phẳng, hoặc làm hình những giống chim: Ca-lăngtần-già, Khổng tước chúa, hoặc làm hình cây thuốc chúa phóng ra ánh sáng, hoặc làm hình thần đất, thần núi, hoặc làm hình bó đuốc lớn tỏa sáng.

Nếu có chúng sinh ở nơi rừng núi hiểm nguy, đầm vắng, các chỗ sợ hãi, ta dùng thần lực Đà-la-ni để cứu giúp họ. Ta dùng vô số phương tiện như vậy để làm cho các chúng sinh thoát khỏi khổ lo và xa lìa biển sinh tử. Phát sinh tâm niệm này làm cho các chúng sinh vượt khỏi núi ngã mạn. Ta lại nguyện cho họ vượt qua dòng sinh tử, làm đuốc tuệ rạng ngời phá tan bóng tối vô minh, đốt cháy thôn xóm năm ấm, vượt khỏi đầm lầy sinh tử.

Thiện nam! Ta đối với chúng sinh ngu si nơi hiểm nạn sinh tử, dùng thần lực Đà-la-ni để tháo gỡ sự trói buộc, sự sợ hãi nơi lưới sinh tử, những lời nguyền rủa, mắng nhiếc, lưỡi đôi chiều, lời hung ác, lời phỉ báng quanh co, những lúc như vậy ta sẽ làm tiếng chim Ca-lăngtần-già cất tiếng hót vi diệu về Đà-la-ni, làm cho những chúng sinh đó được vui vẻ, thoát khỏi buồn khổ.

Nếu có những trẻ con hay đồng tử, thanh niên hay già cả đui mù, câm ngọng, lưng gù, tay chân co quắp, ghẻ lở, ung nhọt cho đến bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh, ta dùng thần lực Đà-la-ni làm đại y vương, hiện diện trước bệnh nhân để nói về các phương pháp trị bệnh giúp mỗi người được thuyên giảm.

Thiện nam! Ta lại suy nghĩ: Nếu thấy những chúng sinh tham

đắm nơi rừng gai góc năm dục, vướng chấp nơi những giáo thuyết điên đảo tà kiến, say đắm lãnh thổ, đất đai và sinh kiêu mạn… những nạn khổ tham chấp đủ thứ như vậy, bức bách thân người, không hiểu không biết thì ta luôn theo những chúng sinh ấy ở mọi lúc mọi nơi, họ nhớ việc gì và nghĩ việc gì thì ta đều dùng thần lực Đà-la-ni vì họ mà hiện thân chỉ dẫn, dắt dìu con đường chân chánh và đem lại cho họ sự an vui. Nhờ ân lực của ta, mà họ xa lìa được những nạn khổ, đến chỗ an ổn. Ta vì những người đó lại phát thệ nguyện: Làm cho các chúng sinh xa lìa ba đường ác, vĩnh viễn được giải thoát tất cả khổ đau, chuyên cầu trí tuệ, hướng đạo giác ngộ, không còn những buồn lo, thường được an ổn, đoạn hẳn sự ràng buộc của năm ấm.

Nếu có những quốc vương, vương tử, thiện nam, thiện nữ ở bên những đất nước nhỏ bé, lo sự cạnh tranh kiện tụng lãnh thổ, lo sự nghiệp đời sống, nhà cửa, ruộng vườn, lo về danh tiếng, địa vị và sự tự tại biết bao nhiêu nạn lo sợ, nguy ách như vậy, thì ta đều ở nơi đó mà dùng sức phương tiện của Đà-la-ni làm cho họ hòa đồng với nhau và được an ổn.

Ta lại phát nguyện làm cho các chúng sinh đoạn trừ được tất cả những chấp trước nơi năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, vượt qua dòng sông sinh tử, an trụ bên bờ gíc ngộ. Và nguyện cho chúng sinh được ở cảnh giới Nhất thiết trí Phật, vĩnh viễn không còn kiến thức sai lầm, phát sinh tất cả hạnh Phật an lạc.

Nếu có chúng sinh vướng mắc nới nghiệp làng xóm bị vô minh ràng buộc, sáu mươi hai tà kiến và những chấp trước sai lầm, chịu nhiều khổ não, thật đáng xót thương. Ta dùng phương tiện Đà-la-ni mà vì họ thuyết pháp, làm cho họ nhàm chán, rũ bỏ và dùng giáo pháp nhiếp phục họ. Ta suy nghĩ: Làm sao cho các chúng sinh an trụ đạo chánh pháp vô thượng. Và ta lại suy nghĩ: Nguyện cho các chúng sinh đều được xa lìa làng xóm trống rỗng của sáu nhập, siêu việt hoàn toàn cảnh giới sinh tử, ở an nơi thành Nhất thiết trí là chốn vắng lặng an vui.

Này thiện tam tử! Như người lầm phương hướng, tưởng Đông là Tây, tưởng Tây là Đông, tưởng Nam là Bắc, tưởng Bắc là Nam, bốn góc trên dưới cũng lại như vậy. Tất cả thế gian là người mê pháp, không biết chánh đạo cũng giống như vậy. Thiện nam! Ở đời có ba loại người:

  1. Cuồng.
  2. Si.
  3. Bệnh phong.

Ba loại người đấy bị độc hại hoành hành, tay cầm kiếm bén muốn chặt phương Đông, nhưng lại chặt phương Tây, muốn chặt phương Tây nhưng lại chặt phương Đông, muốn chặt phương Nam nhưng lại chặt phương Bắc, muốn chặt phương Bắc nhưng lại chặt phương Nam, bốn góc trên dưới cũng lại như vậy. Người báng bổ chánh pháp cũng giống như vậy, vì tâm họ điên đảo nên đối với chánh pháp mà tưởng là tà pháp, đối với tà pháp mà tưởng là chánh pháp. Đối với pháp thường mà tưởng là vô thường, đối với pháp vô thường mà tưởng là thường. Đối với pháp vui mà tưởng là pháp khổ, đối với pháp khổ mà tưởng là pháp vui. Đối với pháp bất tịnh mà tưởng là pháp tịnh. Đối với pháp vô ngã mà lầm tưởng là ngã. Nơi đất bằng phẳng mà tưởng là hiểm trở, nơi hiểm trở mà tưởng là đất bằng phẳng. Đời sung túc an vui mà tưởng là đói khát, thiếu thốn. Đời đói khát, thiếu thốn mà tưởng là sung túc an vui. Đời nhân dân đông đúc mà tưởng là hoang vu, đời hoang vu mà tưởng là đông đúc… Những tư tưởng ngu si này làm cho chúng sinh lầm đường, mê mời và mất tánh chúng sinh. Ta dùng vô số sức phương tiện Đà-la-ni, phóng ra ánh sáng lớn soi chiếu chỗ tối tăm. Người muốn ra đường, ta mở các cửa cho họ. Vì người ngu si, ta phóng ra ánh sáng lớn, mở mắt trí tuệ. Vì chúng sinh lạc đường, ta chỉ bày cho họ con đường đúng và dắt dẫn họ.

Nếu có chúng sinh muốn vượt qua dòng nước lớn, ta vì họ làm cây cầu, làm thuyền, làm bãi, làm bờ, làm đảo cho họ sang bờ bên kia. Người không biết về phương vực thì ta chỉ cho họ vùng đất bình yên. Nơi có gò nỗng, hồm hố thì ta hóa làm đất bằng phẳng, có cỏ mềm mại, hoặc hiện làm thành ấp, xóm làng và những hình sắc đẹp ban bố cho chúng sinh, làm cho họ được vui vẻ.

Ta hiện làm những dòng sông lớn nhỏ, dòng suối, vườn rừng, ao hồ có nhân dân đông đúc, an khang thịch vượng, khiến các chúng sinh cùng hướng đến nhau bằng tâm từ ái cũng như cha con, anh chị em, và phát nguyện: Ta đã bố thí cho chúng sinh tất cả ánh sáng trí tuệ an vui, làm cho họ vĩnh viễn rời xa bóng tối dày đặc vây phủ của vô minh, mê muội trong đêm dài si ái. Chúng sinh không có mắt, được mắt trí tuệ, làm cho khắp tất cả được thanh tịnh sáng suốt.

Nếu có chúng sinh chấp trước nơi tướng chúng sinh, nhân, ngã, ta làm cho họ xa lìa tư tưởng chấp chúng sinh, nhân, ngã, nếu có chúng sinh đối với vô thường nghĩ là thường, vô ngã nghĩ là ngã, khổ nghĩ là vui, bất tịnh nghĩ là tịnh, chẳng phải ấm nghĩ là trung ấm, chẳng phải ấm, giới, nhập mà nghĩ là ấm, giới, nhập, cỏ cây không có mạng mà nghĩ là có mạng sống, chúng sinh chẳng phải là cỏ cây mà nghĩ là cỏ cây, đối với việc chẳng phải nhân quả mà nghĩ là nhân quả, chẳng phải đạo hạnh tốt mà nghĩ là đạo hạnh tốt, giết hại để tế trời mà nghĩ rằng mong cầu an vui mãi mãi cho đến mười nghiệp ác tà kiến, ta Nguyện cho tất cả chúng sinh lìa bỏ những tư tưởng này.

Những chúng sinh bất hiếu với cha mẹ, không kính Sa-môn và Bà-la-môn, không có đền ân, không biết ân dưỡng dục, xa lìa chánh đạo, làm nghiệp bất thiện, đầy đủ mười sáu các ác luật nghi, phỉ báng chánh đạo, phá hủy luận bàn chân chánh, đắm say kiến thức sai lầm, phỉ báng Phật, Pháp, Tăng, đoạn diệt cỗ xe chánh pháp, hoại diệt chúng Bồ-tát, oán ghét Đại thừa, sát hại Bồ-tát, không ca ngợi Bồ-tát tăng. Tất cả những loại nghiệp bất thiện như vậy, làm cho đủ loại chúng sinh bị muôn vàn nỗi khổ bức bách thân, tâm ôm sầu não, đánh mất tâm trí vốn có, không biết pháp lợi ích, ngu si chê bai, tà kiến mê hoặc, không biết các phương chướng, ta vì những kẻ phi pháp, phi luật như vậy mà sinh tâm Từ bi sâu xa, khiến họ được che chở giúp đỡ.

Khi ấy, Dạ thiên Bà-sa-bà-đà vì các chúng sinh cuồng loạn chê bai giáo pháp, thuyết thần chú Tịnh điều phục trừ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp nghiệp chướng tội lỗi:

–Đê giám bạt la, bạc đà na dạ, tam ma mạt kỳ, tha ba da ngộ, tỳ ma lệ thâu đàn nại, tỳ ma la thâu đàn nĩ sí, thâu đàn ni di sa ha, ma ha thâu đàn na ma đê di sa ha.

Nếu có chúng sinh chê bai chánh pháp, hủy báng Bồ-tát tăng, phá hòa hợp tăng, đoạn tuyệt lời dạy của bậc Thánh trí tuệ về Đại thừa, oán ghét người tu hành hạnh Bồ-tát, không có tâm nhớ ân. Những người như vậy không được trượng phu đầy đủ thân nam.

Người bất hiếu với cha mẹ, sát nghịch cha mẹ, ở chỗ Thiện tri thức tranh tụng dối trá, giết hại tám hạng người cho đến A-la-hán, bất nhân bất nghĩa, trộm cắp vậy của Phật, vật của tháp, vật của Pháp, vật chiêu đề tăng, vật hiện tiền tăng, phạm bốn giới trọng, mười ba pháp tăng tàn, mười bất thiện đạo, năm tội vô gián thì những người này mau chóng thẳng đến nẻo ác đạo, bị vô minh che phủ và chìm đắm nơi biển khổ. Ta dùng nguyện lực đại trí tuệ sáng suốt để trừ bóng tối ngu si mê hoặc, tội nặng ám chướng nơi địa ngục vô gián, làm cho họ chóng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức dùng Đại thừa để tự trang nghiêm, đầy đủ hạnh Phổ hiền. Vì chúng sinh thuyết cảnh giới Như Lai Pháp vương, Như Lai mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, những việc thần thông, thành tựu tất cả đại trí tuệ địa. Nay ta thị hiện mười lực Như Lai, bốn vô sở úy, thần lực Đà-la-ni, an trụ tất cả chánh đạo chư Phật. Do thần lực Đà-la-ni này, có thể làm cho tất cả chư Phật nơi mười phương đồng một Pháp thân.

Thiện nam! Ta nay vì các chúng sinh trong đêm dài bệnh khổ, khổ não, nhiều bệnh gầy còm, bệnh tật, già yếu suy kém, tham tham bần cùng, nguy ách khốn khổ, nước mất nhà tan, làng quê trôi giạt, nghèo đói cô độc, thất thế yếu hèn không ai cứu giúp. Tất cả họ là đều do đời trước không có tâm Từ bi, quả táo của nghiệp ác bị lệ thuộc ơi kẻ khác, tám khổ suy não dùng làm y phục. Ta vì những người không chỗ quay về nương tựa này mà dùng phương tiện đại Bi cứu giúp họ. Người người ngèo khổ, ta dùng năng lực Đà-la-ni làm cho kho tàng của họ tự nhiên đầy tràn. Hoặc có kẻ tham lam keo kiệt, đến chết vẫn không xả nên làm quỷ giữ của. Ta vì những người tham đắm này mà dùng các phương tiện để giáo hóa, đắt dẫn họ, làm cho tất cả đều được giải thoát.

Lại phát nguyện: Ta sẽ vì các chúng sinh kia làm Tam-muội cứu giúp vĩ đại, dùng thuốc pháp bố thí. Người được uống thuốc này có thể tiêu trừ tất cả các bệnh phiền não, xa lìa nỗi sợ hãi về tám nạn khổ nơi sinh, già, bệnh, chết, mười hai luân chuyển: Vô minh, lão, tử và tất cả các khổ đều vĩnh viễn được đoạn trừ, xa lìa ác tri thức, gần gũi bạn lành, dùng giáo pháp thù thắng để giáo hóa tất cả chúng sinh, làm cho họ được an trụ ba nghiệp thanh tịnh, kính tin Pháp thân chân thật vi diệu Như Lai, được vĩnh viễn chấm dứt sinh, già, bệnh, chết, thường trú nơi cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh.

Này thiện nam! Ta thấy những chúng sinh tà kiến và bà con của họ làm luật nghi ác, thấy các chúng sinh xa rời chánh đạo, hướng đến chấp trước những kiến thức điên đảo, mê hoặc dối trá, những thân, miệng, ý nghiệp của họ làm vô số sự phóng dật bất thiện và sống theo pháp tà. Đối với phi chánh giác mà tưởng là chánh giác. Đối với chánh giác lại tưởng là phi chánh giác. Gần gũi bạn ác học theo pháp khổ hạnh như nhảy xuống vực sâu, đi đến hầm lửa, tự nhảy xuống từ đỉnh núi cao, thường đi khập khiễng một chân, đốt thân bằng năm cách, bôi đất tro nhơ nhớp trên thân, nằm trên gai góc, tự nhịn đói đến chết, mùa Đông mằm xuống vực sâu lạnh lẽo và chôn vùi dưới băng giá. Giữ giới của những loại gà, chó, trâu, nai… vô số những loại tà kiến như vậy mà muốn mong cầu giải thoát thì ta dùng đủ thứ phương tiện để đoạn trừ tà kiến cho họ, làm cho họ được an trụ trong chánh kiến và làm cho khắp trời người được an vui tối thượng.

Ta lại phát nguyện: Nguyện các chúng sinh ra khỏi thế gian, không đắm trước kiến thức sai lầm, ở yên nơi đạo Vô thượng Chánh chân, được không thoái chuyển, thành Nhất thiết trí, cứu cánh viên mãn hạnh nguyện vĩ đại của Bồ-tát Phổ Hiền, hướng đến Nhất thiết trí nhưng không lìa tất cả các địa vị Bồ-tát, không loại bỏ tánh chất khổ của tất cả chúng sinh để được giải thoát.

Bấy giờ, Dạ thiên Bà-sa-bà-đà muốn nêu lại ý nghĩa của pháp môn đã thuyết giảng, nên nương vào oai thần của Phật, quán sát khắp mười phương, tức vì Đồng tử Thiện Tài nói kệ:\

Diệu pháp ta thành tựu
Biết thời các địa môn
Chiếu trừ ngu si tối
Quán khắp tất cả pháp.
Pháp môn ta vắng lặng
Tu tâm Từ đạt được
Vô lượng, vô số kiếp
Đại bi giúp chúng sinh.
Thành tựu biển đại Bi
Xuất sinh ba đời Phật
Diệt trừ bao khổ não
Thiện Tài chóng rốt ráo.
Phật tử tâm hoan hỷ
Chấm dứt ác thế gian
Vượt hẳn khổ ba cõi
Được vui chư hiền thánh.
Xa lìa ác hữu vi
Trí Thanh văn giải thoát
Tròn đủ trí chư Phật
Phật tử được rốt ráo.
Ta dùng mắt thanh tịnh
Quán khắp cõi mười phương
Ở trong thế giới kia
Chư Phật ngồi nơi đạo tràng.
Thân trang nghiêm tướng tốt
Vô lượng chúng vây quanh
Phóng biển ánh sáng lớn
Giáo hóa khắp chúng sinh.
Thấy hết thảy muôn loài
Chết đây rồi sinh kia
Trôi lăn trong sáu nẻo
Nhận chịu bao khổ đau.
Ta dùng biển thiên nhĩ
Nghe khắp tiếng mười phương
Tất cả biển ngôn ngữ
Đều có thể thọ trì.
Ta dùng tị căn tịnh
Vô ngại trong biển pháp
Vào khắp các pháp môn
Thiện Tài đạt rốt ráo.
Ta thành tướng đại nhân
Lưỡi thanh tịnh rộng dài
Tùy thuận diễn nói pháp
Phật tử được cứu cánh.
Thanh tịnh diệu Pháp thân
Ba đời đều bình đẳng
Tùy theo chỗ ứng hóa
Hiện thân khắp mọi miền.
Tâm ta vô sở trước
Trong suốt như hư không
Thâu trọn cảnh giới Phật
Nhưng tướng cũng không hai.
Đều biết vô lượng cõi
Các biển tâm chúng sinh
Phân biệt các căn ý
Xa lìa pháp hư vọng.
Ta dùng sức thần thông
Dạo khắp vô lượng cõi
Che chở hết mọi loài
Điều phục các chúng sinh.
Trí tuệ tịnh hư không
Kho vô tận khó sánh
Cúng dường tất cả Phật
Lợi ích khắp chúng sinh.
Trí tuệ sạch rộng lớn
Biết rõ muôn biển pháp
Diệt trừ các si hoặc
Phật tử đạt cứu cánh.
Ta vào biển pháp Phật
Thông đạt pháp ba đời
Biết rõ Nhất thiết trí
Không thể đo lường được.
Trong mỗi loại hạt bụi
Đều thấy biển cõi Phật
Hoặc thấy Phật ba đời
Sức trí tuệ chân thật.
Thấy Phật Lô-xá-na
Đạo tràng thành Chánh giác
Mười phương cõi vi trần
Đều chuyển chánh pháp luân.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài bạch với Thiên thần:

–Thánh giả phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời gian ba lâu mới được pháp môn này? Và thời gian bao lâu mới có thể làm lợi ích cho chúng sinh như vậy?

Thiên thần đáp:

–Này Phật tử! Vào thuở xa xưa, số kiếp nhiều hơn số bụi như núi Tu-di và lại nhiều hơn số vô lượng, vô biên như vậy ở đây, lúc ấy, có một thế giới tên Thất bảo công đức tập, kiếp tên là Quang minh tịch tĩnh, có một đất nước tên là Bảo nguyệt quang minh, đô thành tên là Liên hoa quang, thuộc cõi Diêm-phù-đề. Trong kiếp này có năm trăm ức Đức Phật ra đời. Lúc đó, trong thành kia có Chuyển luân thánh vương tên Thiện Pháp Độ, dùng chánh pháp của Thánh Pháp vương để cao trị thế gian, bảy báu tự đến, làm vua bốn châu thiên hạ, tuổi thọ một kiếp, có oai lực tự tại, không cầm binh pháp mà vẫn tự nhiên thái bình. Vị vua này có vị bậc nhất phu nhân tên là Nhật Nguyệt Ý. Phu nhân vui chơi âm nhạc cho đến nửa đêm thì ngủ say, mộng thấy trong thành này có một Dạ thiên tên Tối Chánh Giác Tịch Tĩnh Quang Minh đến đứng chắp tay trước mặt bà và nói:

–Này thiện nữ! Người có biết không, ở phía Đông đại thành Liên hoa quang có khu rừng tên Tịch tĩnh quang vi diệu đức. Trong rừng này có cây Bồ-đề tên Nhất thiết Phật Tự Tại Quang và có Đức Phật Thế Tôn hiệu Nhất Thiết Pháp Lôi Âm Vương, ngồi nơi cội Bồđề thành Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu, phóng ra ánh sáng lớn tên Ma-ni vương phổ chiếu nhất thiết. Đức Phật Lôi Âm Vương xuất hiện ở đời, đến ngối nơi cội Bồ-đề và mới thành Chánh giác trải qua bảy ngày.

Lúc đó, Dạ thiên ngợi khen, phô diễn vô lượng công đức và thần thông tự tại của Đức Như Lai, làm cho phu nhân phát đạo tâm vô thượng, tánh thán những hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Ngay lúc trong mộng, vương phu nhân cung kính đảnh lễ Đức Phật và phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cúng dường Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng sắc vàng xúc cảm tâm phu nhân và chiếu khắp cung thành toàn cả sắc vàng, tức thì phu nhân tỉnh giấc. Lúc đó, Đức Phật ấy cùng thị giả Thanh văn, Bồ-tát và toàn thể đại chúng hiển hiện trước phu nhân. Phu nhân cúi đầu đảnh lễ Đức Phật và đại chúng, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, đồng thời phát nguyện:

–Nguyện cho công đức này đến đời vị lai làm bậc tối tôn, tối thắng trong cõi nhân thiên.

Thiện nam! Ngươi nên biết, vương phu nhân Nguyệt Ý khi ấy đâu phải người nào lạ, nay chính là ta vậy. Ta ở chỗ Đức Phật kia lúc mới phát đạo tâm đã được công đức trang nghiêm, trồng căn lành lớn vượt hơn cả những kiếp số vi trần núi Tu-di. Không đọa vào địa ngục, quỷ đói, súc sinh, Diêm-la vương và nơi gia đình hạ tiện. Các căn đầy đủ, diệt trừ các khổ, thường ở trong hàng trời người được quả báo tối thắng. Luôn luôn được gần gũi bạn lành, thường sinh nơi nhà chư Phật, Bồ-tát, không sinh kiếp ngũ trược.

Thiện nam! Ta được thiện lợi, ở chỗ Đức Phật kia sâu rộng căn lành, nuôi lớn căn lành nên trong tám mươi ức kiếp vi trần núi Tu-di thường được vui sướng mà vẫn chưa viên mãn căn lành, cũng chưa đạt được thần thông Tam-muội. Hơn tám mươi ức kiếp vi trần núi Tu-di, hơn kiếp này rồi, lại hơn một vạn kiếp nữa thì một kiếp tên Thanh tịnh vô ưu, có thế giới tên Thanh tịnh oai đức. Trong thế giới có năm trăm ức Phật xuất hiện ở đời, thành Đẳng chánh giác, đầy đủ mười hiệu. Cõi nước Đức Phật hoặc sạch hoặc nhơ, Lúc đó, ta vẫn theo trình tự cúng dường Đức Phật. Thế giới Đức Phật kia có một Tứ thiên hạ tên là Ly cấu tràng, đô thành tên là Trang nghiêm. Bấy giờ, ta là một nữ trưởng giả cực kỳ thông minh, tên Thắng Tuệ Quang, đoan trang xinh đẹp tuyệt vời. Trong đời đó, nữ trưởng giả gặp Đức Phật đầu tiên hiệu Tu-di Sơn Thiện Tịch Tràng. Có một vị trời tên Tịnh Giác Nguyện, do sức bản nguyện mà sinh vào thành kia. Và có Dạ thiên tên Thanh Tịnh Nhãn, Trong lúc ta ngủ ông vào vương cung, đến ngay chỗ Đức Phật mà nói:

–Đức Phật Tu-di Sơn Thiện Tịch Tràng vừa mới thành Chánh giác, phóng ra ánh sáng lớn đã trải qua bảy ngày.

Bấy giờ, Dạ thiên dắt dẫn ta, ngay lúc đó, ta giật mình tỉnh giấc và thấy ánh sáng lớn tràn ngập khắp cung thất. Cha mẹ ta kinh ngạc, vui mừng bảo:

–Đây là ánh sáng gì mà sắc vàng rực rỡ chiếu sáng khắp nhà?

Ta liền thưa với mẹ:

–Trong giấc mộng, con thấy một Dạ thiên ca ngợi công đức thù thắng vi diệu của Đức Như Lai: “Có Đức Phật Thế Tôn tên Tu-di Sơn Thiện Tịch Tràng thành đạo quả Đẳng chánh giác trải qua bảy ngày”. Xin cha mẹ cùng các bà con hãy đến chỗ Phật cung kính cúng dường và nghe Phật thuyết pháp.

Cha mẹ hoan hỷ bằng tâm. Khi ấy, Dạ thiên đi trước dẫn đường, ta cùng cha mẹ và bà con quyến thuộc đều đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân ngài rồi lui về một bên. Trông thấy sắc thân vi diệu chói sáng của Đức Phật, ta liền đạt Tam-muội ánh sáng trí tuệ thanh tịnh chiếu khắp ba đời của Bồ-tát, được Tam-muội này rồi, ta nhớ về quá khứ kiếp lâu xa như vi trần của núi Tu-di đã được gặp chư Phật, chỗ thuyết kinh pháp thọ trì không quên và được pháp môn ánh sáng chiếu khắp các pháp làm hoại diệt ma quân và chúng sinh ngu si. Được pháp môn này rồi, ta lại nhớ những việc quá khứ với số kiếp nhiều như vi trần thế giới của mười thế giới. Lại thấy tất cả chúng sinh ở thế giới đó với nghiệp báo xấu tốt, lợi căn độn căn cùng tánh dục và âm thanh ngôn ngữ từ lâu đã tu nghiệp thiện, gần gũi Thiện tri thức, tùy duyên hóa độ, thị hiện sắc thân để làm lợi ích. Ta thấy những việc này như thấy việc trong hiện tại. Ta dùng thần lực Tam-muội này ở trong mỗi niệm, tăng trưởng pháp môn, tâm tâm tương tục. Có thể dùng một thân hiện đầy khắp thế giới nhiều như cát bụi trong mười phương, cho đến đầy khắp biển cát bụi của tất cả thế giới; lại nhiều hơn số cát bụi của tất cả thế giới kia cùng không thể nói, không thể nói thế giới. Trong những thế giới như vậy, ta đều thấy tất cả chư Phật, nghe Phật thuyết pháp, ta đều có thể nhớ nghĩ, phân minh, thọ trì. Biết rõ biển nguyện bản tịnh của Đức Phật kia và biết phát nguyện thanh tịnh của chư Phật trang nghiêm cõi Phật. Nay ta cũng muốn nghiêm tịnh tất cả biển thế giới chúng sinh, trở thành tịnh độ. Như trong hiện tại, tùy duyên chúng sinh cần được gặp ta thì ta liền vì họ thị hiện mà điêu phục và hóa độ. Từ thuở xa xưa cho đến ngày nay, trong từng sát-na liên tục, ta luôn nuôi lớn và tăng tiến tu tập pháp môn này. Pháp môn này cứu cánh rộng lớn như các pháp giới.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn ánh sáng chiếu khắp các pháp làm hoại diệt ma quân và chúng sinh ngu si. Chư Đại Bồ-tát cứu cánh vô lượng, vô biên biển hạnh nguyện Bồ-tát Phổ Hiền, thâm nhập tất cả các biển pháp giới, kiến lập trí tuệ tràng Tam-muội của tất cả chư Bồ-tát. An trụ trong thần thông, thành tựu viên mãn đại nguyện, giữ gìn, thọ trì biển công đức lớn của chư Phật Như Lai. Trong mỗi niệm đều trang nghiêm và giáo hóa tất cả chúng sinh, thành tựu trọn vẹn trí tuệ thanh tịnh trong sáng như trăng mùa thu.

Bồ-tát ở đời chiếu sáng khắp ba cõi, không đắm trước các tướng, dập tắt sự nóng đốt bức bách, thị hiện ba đời thần thông tự tại, chuyên chở chúng sinh, nở bày con đường chân chánh, ra khỏi ba đời, thanh tịnh viên mãn tất cả âm thanh, sung mãn tất cả pháp giới mười phương. Từ khi mới phát tâm cho đến Thập địa, trong suốt thời gian ấy, Bồ-tát đều được đầy đủ vô lượng công đức không thể nghĩ bàn các thần thông lực và ánh sáng trí tuệ. Ta làm sao có thể biết, có thể nói được hạnh Bồ-tát kia?

Thiện nam! Nước Ma-dà-đà ở Diêm-phù-đề này có một Dạ thiên tên Vi Diệu Công Đức Ly Cấu Quang Minh. Vị Dạ thiên đó là đại sư của ta, trước đây đã khiên ta phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chỉ dạy cho ta được lợi ích an vui. Nay ngươi hãy đến đó hỏi: Thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát? Tu đạo Bồ-tát?

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài dùng kệ ngợi khen Dạ thiên Bà-sabà-đà:

Con thấy thân tôn quý
Tướng tốt tự trang nghiêm
Siêu việt nôi thế gian
Cũng như núi Tu-di.
Pháp thân tịnh trong sáng
Ba đời đều bình đẳng
Giúp đỡ khắp chúng sinh
Người ấy vô sở trước.
Mở ánh sáng trong lành
Chiếu soi khắp mọi nẻo
Nơi một lỗ chân lông
Đều thấy muôn tinh tú.
Tâm tịnh không vướng mắc
Như mặt trời trong không
Vua pháp thâu giữ pháp
Trí tuệ sâu trong lắng.
Ánh sáng mỗi chân lông
Chiếu khắp mười phương cõi
Nơi tất cả chỗ Phật
Mây mưa pháp rải khắp.
Tất cả lỗ chân lông
Thị hiện thân biến hóa
Đầy khắp mười phương cõi
Phương tiện độ chúng sinh.
Khi mới hành Bồ-tát
Tịnh nghiệp khó nghĩ bàn
Trong mỗi lỗ chân lông
Hiển hiện mười phương cõi.
Người được biết, thấy, nghe
Được công đức lạc lạc
Chuyên cầu đạo giác ngộ
Ắt thành Phật chớ nghi.
Số kiếp bất tư nghì
Thường cầu Thiện tri thức
Thà tọa ba đường ác
Không bỏ tâm Bồ-đề.
Trăm ngàn kiếp vi trần
Ngợi khen tất cả đức
Kiếp số có thể tận
Công đức không thể cùng.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ nơi chân vị Dạ thiên, nhiễu quanh vô số vòng, quyến luyến chiêm ngưỡng, quán sát mà tâm không chán đủ rồi từ biệt đi về phương Nam, hướng đến nước Ma-dà-đà.

*********

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài nhất tâm tư duy lời dạy của vị Dạ thiên, đạo tâm ban đầu thanh tịnh viên mãn. Tư duy xong, liền được thâm nhập các Bồ-tát tạng và phát sinh biển pháp đại nguyện của Bồtát. Tịnh hóa đạo Ba-la-mật chư Bồ-tát, hạnh nguyện viên mãn thù thắng cùng tận của Bồ-tát, phát khởi, thành tựu và thâm nhập biển trí. Dùng Nhất thiết trí cứu giúp tất cả chúng sinh khắp mười phương, trưởng dưỡng thêm rộng lớn tâm đại Bi. Ở cõi chư Phật phát sinh các hạnh nguyện lớn Phổ Hiền.

Đồng tử Thiện Tài đi dần dần đến chỗ Dạ thiên Phổ Hiền Thậm Thâm Vi Diệu Công Đức Ly Cấu Quang Minh, cúi đầu đảnh lễ, nhiễu quanh vô số vòng rồi đứng về một phía, chắp tay cung kính, bạch Thiên thần:

–Trước đây con đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng chưa biết thế nào là tu hạnh Bồ-tát và đầy đủ các địa.

Dạ thiên nói:

–Hay thay! Hay thay! Đồng tử chính vì có khả năng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới hỏi về hạnh Bồ-tát và đầy đủ các địa.

Thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp thì có thể đầy dủ hạnh Bồ-tát đó là:

  1. Được tất cả Tam-muội của chư Phật hiện tại và thấy tất cả sắc thân Phật, phân minh rõ ràng.
  2. Được tịnh nhãn Tam-muội, thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của chư Phật để trang nghiêm thân.
  3. Được vô lượng, vô biên công đức tịnh nhãn, thấy biển lớn công đức trí tuệ sâu xa vi diệu của chư Phật.
  4. Thấy vô lượng, vô biên biển ánh sáng chư Phật chiếu khắp tất cả pháp giới.
  5. Vô lượng chẳng thể nghĩ bàn ánh sáng pháp Phật nơi một lỗ chân lông, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả vô số chúng sinh, làm cho các chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành biển ánh sáng chư Phật Như Lai, tâm Từ bi, bình đẳng rộng khắp, nơi mỗi niệm mỗi niệm đều thi hành Phật sự khắp mười phương thế giới. Đối với các chúng sinh, tùy duyên ứng hiện để độ thoát họ, làm cho vô lượng chúng sinh đều được giải thoát.
  6. Ở trong mỗi lỗ chân lông đều thấy tất cả biển ánh sáng ngọc báu ma-ni ánh sáng rực rỡ.
  7. Trong từng niệm hiện ra tất cả biển lớn biến hóa của chư Phật khắp đầy pháp giới, rốt ráo tất cả cảnh giới Phật, giáo hóa chúng sinh mà không chướng ngại.
  8. Hiện ra biển lớn âm thanh vi diệu của tất cả Phật vô trụ, chuyển pháp luân thanh tịnh ba đời của chư Phật, diễn nói tất cả biển kinh và biển mây pháp, nghĩa lý sâu xa không cùng tận.
  9. Rốt ráo biển âm thanh chư Phật, thâm nhập tất cả biển Như Lai và rốt ráo tất cả biển Như Lai.
  10. Thâm nhập thị hiện thần lực tự tại không thể nghĩ bàn của chư Phật để hóa độ chúng sinh trụ nơi vô lượng, vô biên biển danh xưng chư Phật.

Thiện nam! Đây gọi là mười pháp Bồ-tát. Nếu có Bồ-tát đầy đủ mười pháp này thì có thể viên mãn các hạnh Bồ-tát, cũng có thể tròn đủ hạnh nguyện Phổ hiền.

Thiện nam! Ta đã thành tựu pháp môn định lạc tinh tấn tịch diệt của Bồ-tát. Nhờ định lực này, ta đều thấy cõi Phật và tất cả chư Phật cùng biển quyến thuộc ba đời trang nghiêm. Ta thấy vô lượng, vô biên biển thần thông lực của chư Phật Như Lai. Biết thọ mạng ngắn dài cho đến vô lượng của chư Phật kia, biết vô lượng biển âm thanh vi diệu thanh tịnh của chư Phật. Chư Như Lai kia Pháp thân thanh tịnh vô lượng, vô biên đầy khắp pháp giới, cũng không chấp trước tất cả các tướng Như Lai mà nghĩ đến sự vô tướng tốt. Vì sao? Vì chư Phật Như Lai không tướng đến đi. Vì đã không còn tất cả tướng đến, đi, do không trụ chân lý như như ở ba đời. Cũng chẳng phải quá khứ, không trụ nơi hiện tại, không thấy vị lai. Vì diệt trừ tất cả tướng thế gain cho nên không thủ tất cả tướng đến và đi, cho nên gọi Như Lai là bất lai bất khứ. Chư Phật Như Lai không sinh, không khởi, không lùi, không hết, không diệt mất, không hiện hữu, cho nên gọi là Pháp thân. Chư Phật Như Lai không sinh khởi tánh nói năng, không diệt mất tánh nói năng, vượt qua tất cả ngôn ngữ, vì ngôn ngữ đoạn diệt. Thân chẳng phải thật diệt độ nhưng thị hiện diệt độ, cũng như tánh pháp và huyễn hóa đều không hoại diệt. Chư Phật Như Lai không thật không hư, chỉ vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh. Tất cả Như Lai không đến không đi mà xuất hiện ở đời. Chư Phật Như Lai không sinh không mất, không diệt, không trụ, không đến đây, không đến kia. Vì pháp tánh thanh tịnh nên không thể hoại diệt. Chư Phật Như Lai không tánh, không tướng, vì xa lìa tất cả sự nói năng ngôn thuyết nên chư Phật Như Lai dùng một tướng nhất như, đồng nhập pháp tánh điềm nhiên an lạc, không tưởng sinh diệt, không có mé nên vì rốt ráo tất cả tánh, tướng pháp giới.

Thiện nam! Ta biết rõ ràng những điều về Như Lai như vậy và chỉ đạt pháp môn định lạc tinh tấn tịch diệt này để sáng soi và tăng trưởng căn lành thêm rộng lớn. Thâm nhập và tùy thuận chân như vắng lặng sâu xa, hiện khắp cảnh giới, phân biệt rõ ràng tướng bình đẳng hay hư vọng, diễn nói đại pháp bình đẳng sâu xa, đem tâm đại Bi giúp đỡ tất cả mọi loài mà chưa từng xả bỏ.

Nhất tâm hoàn toàn vắng lặng, không có tưởng sinh hay diệt, tăng trưởng chánh thọ, nhập định tịch diệt, bắt đầu nơi Sơ thiền. Diệt trừ nghiệp ý, được trí lực vắng lặng, thâu giữ chúng sinh, hoan hỷ an lạc, nhập đệ nhị thiền. Xả ly sinh tử, Niết-bàn tịch diệt, quán tánh chúng sinh, tu đệ tam thiền. Vì đoạn diệt các khổ phiền não của chúng sinh mà không thấy có tướng chúng sinh, tu đệ tứ thiền. Tăng trưởng tâm nguyện giác ngộ Nhất thiết trí, phát sinh tất cả phương tiện quyền xảo vi diệu của biển định Bồ-tát. Thâm nhập tất cả các biển pháp môn, thành tựu du hý thần thông Bồ-tát, xuất sinh thần lực tự tại, trí tuệ trong sáng của Bồ-tát, thâm nhập pháp giới rộng khắp.

Này thiện nam! Ta chỉ biết tu tập pháp môn tịch diệt định lạc tinh tấn này của Bồ-tát, dùng các thứ phương tiện độ thoát chúng sinh.

Lúc nữa đêm thanh vắng, vì các người tại gia tham đắm năm dục, ta nói tướng bất tịnh. Vì người cho rằng cuộc đời là khoái lạc, nên ta nói tướng khổ não, tưởng trói buộc, bức bách, tưởng ăn bất tịnh, tưởng tâm cuồng si, tưởng quỷ La-sát. Vì người cho rằng vạn pháp thường còn nên ta nói về tưởng vô thường, tưởng khổ và không khổ. Quán những cái tưởng này rồi thì ta giáo hóa cho những chúng sinh đó biết nhàm chán năm dục, có tưởng chê trách thân tâm, tưởng tin về nhà cũng chẳng phải nhà mà xuất gia học đạo, ở chỗ vắng vẻ, tư duy tọa thiền, đoạn trừ tất cả chướng ngại và những tiếng xấu ác làm loạn đạo. Lúc đêm thanh vắng, để làm cho chúng sinh được tâm an ổn, nên ta thị hiện như vậy. Dùng sức quỷ thần diệt trừ sự sợ hãi của họ, làm cho họ phát sinh tâm đạo. Nếu có người muốn cầu xuất gia, ta sẽ vì họ mở cửa tâm chánh pháp, soi sáng con đường họ đi, xua tan bóng tối vô minh, làm cho họ không còn sợ hãi. Ta vì người đó ca ngợi Phật, Pháp, Tăng, khiến họ phát đạo tâm. Và ca ngợi sự gần gũi Thiện tri thức, tu hạnh công đức.

Thiện nam! Nay ta đem thần lực pháp môn này làm cho những chúng sinh chưa sinh pháp ác, phương tiện khiến không sinh; đã sinh pháp ác rồi, phương tịên khiến cho trừ diệt. Chưa sinh pháp lành, phương tiện làm cho sinh; đã sinh pháp lành, phương tiện làm cho tăng trưởng. Thực hành rộng rãi hạnh Bồ-tát, tu các pháp Ba-la-mật, đại nguyện đầy đủ, phát sinh tất cả trí tuệ Từ bi, mong sao cho chúng sinh được an vui chốn nhân thiên, trừ bỏ vọng tưởng, tăng trưởng pháp lành, tùy thuận giúp đỡ cho họ thành tựu hạnh pháp vô tận, vô biên, vô thọ.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn Bồ-tát tịch diệt định lạc tinh tấn. Chư Đại Bồ-tát đầy đủ nguyện Phổ hiền, đầy đủ sở hành của hạnh Phổ hiền, được đoạn trừ rốt ráo cảnh giới tối tăm và được thành tựu các căn lành, thần lực ánh sáng trí tuệ của cảnh giới Phật và công đức của Như Lai, tất cả tâm Phật không có chỗ chướng ngại, thoát khỏi bóng tối sinh tử, không còn bị ô nhiễm. Tất cả đều đầy đủ Nhất thiết trí, thâm nhập tất cả biển cõi chư Phật, hộ trì tất cả biển pháp chư Phật, thành tựu tất cả biển mây pháp vi diệu, trí tuệ của Như Lai có thể làm lợi ích khắp tất cả chúng sinh bị đắm chìm trong vô minh sinh tử. Nhờ ánh sáng trí tuệ chiếu soi màn đêm sinh tử tối tăm, thì ta làm sao có thể biết và có thể nói hết hạnh công đức kia?

Thiện nam! Cách đây không xa, về phía bên phải Đức Như Lai có một Dạ thiên tên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh. Ông hãy đến đó hỏi thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát?

Bấy giờ, Dạ thiên Phổ Hiền Thậm Thâm Vi Diệu Công Đức Ly Cấu Quang Minh, muốm lập lại ý nghĩa pháp môn này nên kệ nói rằng:

Thâm nhập định hiện tiện
Thấy khắp tam thế Phật
Mặt tịnh không bụi nhơ
Phân biệt biển chư Phật
Quán thân tịnh vi diệu
Thâm nhập tướng tốt Phật
Nhất niệm sức vô lượng
Biết khắp tánh pháp giới.
Thân tịnh ngồi nơi đạo tràng
Lô-xá-na Chánh giác
Trong pháp giới mười phương
Chuyển pháp luân tịnh diệu
Trí giác Phật tối thắng
Chấm dứt tướng không hai
Những tốt đẹp trang nghiêm
Hiển bày khắp chúng sinh.
Thân Phật khó nghĩ bàn
Đồng nhất thân hư không
Hiện khắp mười phương cõi
Một lúc đều giáo hóa
Phóng hào quang viên tịnh
Bao hàm các cõi Phật
Sắc sạch không nghĩ bàn
Chiếu khắp các pháp giới.
Nơi mỗi lỗ chân lông
Hiện vô lượng cõi Phật
Vô lượng sắc vi diệu
Chiếu khắp các thế giới
Hào quang bất tư nghì
Tự nơi chân lông hiện
Soi chiếu khắp chúng sinh
Diệt trừ bao phiền não.
Hóa Phật phát diệu âm
Vang đầy mười phương cõi
Thấy khắp cõi chư Phật
Đều như sấm chớp vang
Tiếng Như Lai vi diệu
Vang khắp cõi mười phương
Mưa pháp cam lồ khắp
Khiến phát Bồ-đề tâm.
Vô số kiếp tu hành
Giáo hóa các chúng sinh
Thấy khắp Lô-xá-na
Tất cả các cõi Phật
Bao nhiêu âm hưởng đời
Như Lai đều xa cách
Hiện khắp loài quần manh
Khiến chúng ở cảnh giới.
Tất cả các Bồ-tát
Sở hành không nghĩ bàn
Nơi một chân lông Phật
Nhất niệm đều biết hết
Gần đây có Dạ thiên
Tên Hỷ Mục Quán Sát
Ngươi đến đó để hỏi
Hạnh Bồ-tát thế nào?

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu kính lễ dưới chân Dạ thiên, nhiễu quanh vô số vòng, hướng về chỗ Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh. khi ấy Đồng tử Thiện Tài chuyên cầu Thiện tri thức, chánh niệm lời dạy của Thiện tri thức khó thấy khó gặp. Thấy được Thiện tri thức sinh tâm hoan hỷ, diệt trừ những ý tưởng loạn động. Thiện tri thức là đoạn tận nghi hoặc, có thể phá tan chướng ngại. Gặp Thiện tri thức nên biết là đã gần gũi bậc Nhất thiết trí. Gặp Thiện tri thức tức được thâm nhập biển pháp chư Phật. Gặp Thiện tri thức phát sinh tất cả tưởng chư Như Lai trong mười phương, được nghe những điều giảng nói của Thiện tri thức, thì nên biết là được tưởng chánh niệm pháp vân Đà-la-ni, thọ trì tất cả pháp Phật thanh tịnh, thấy tất cả tưởng chư Phật chuyển bánh xe pháp. Gặp Thiện tri thức là đầy đủ tất cả biển đại Từ cứu giúp chúng sinh. gặp Thiện tri thức nên sinh hoan hỷ, trí tuệ sáng suốt đều có thể chiếu khắp biển pháp giới chư Phật.

Lúc này, Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh dùng sức oai thần gia bị Đồng tử Thiện Tài và ngợi khen Thiện Tài:

–Hay thay! Hay thay! Thiện nam mới có thể cầu Thiện tri thức và đến chỗ Thiện tri thức thân cận cúng dường như vậy. Thiện tri thức tức là giác ngộ, cầu Thiện tri thức là đại tinh tấn.

Thiện nam! Thiện tri thức khó thấy, khó gặp, Năng lực Thiện tri thức không thể hủy hoại. Thiện tri thức du hóa khắp mười phương, diệt trừ sinh tử, chấm dứt tất cả phiền não, thành tựu biện tài. Thiện tri thức là thâm nhập tất cả vô lượng đại sự, trang nghiêm đạo chánh thuận. Thiện tri thức hiện đủ các pháp môn, có thể làm cho tất cả được không chướng ngại mà không xa lìa chỗ cũ, mà đến tất cả cõi Phật nơi mười phương, cầu Thiện tri thức thì nên sinh khởi tưởng này: Không đến không đi, không lay không động và không có tướng đến đi. Vì Nhất thiết trí cứu giúp chúng sinh nên cầu bạn lành.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài do gặp Thiện tri thức thì liền biết rõ vô lượng, vô biên các biển đại nguyện, được Nhất thiết trí, lợi ích chúng sinh, gần gũi bạn lành. Vì vô lượng, vô số hằng sa biển vi trần thế giới chúng sinh, tận cùng biển thế giới này và tận cùng biên tế thế giới này. Lại vượt hơn vô lượng, vô biên không thể nói, không thể nói ở địa ngục lớn này mà vì chúng sinh đó phát khởi Từ bi, hướng thẳng giác ngộ, diệt trừ vô lượng kiếp khổ của chương sinh. Dùng một âm thanh vang khắp tất cả thế giới nơi mười phương, tuyên giảng pháp vi diệu. Nếu có người nghe sẽ diệt vô lượng kiếp tội chướng sinh tử. Dùng hạnh nguyện đại Bi để tự trang nghiêm, tu hạnh Bồ-tát, ở trong mỗi niệm được tướng Nhất thiết trí, đầy đủ thần thông lực. Ở khắp mọi nơi thường gặp tất cả chư Phật Như Lai, gần gũi cúng dường, làm Thiện tri thức, dùng trang nghiêm Phật để trang nghiêm chính mình. Nghiêm tịnh khắp pháp giới chư Phật ba đời, không vào dòng sinh, không ở dòng tử, đầy đủ thần thông Phật. Không trụ pháp giới, không lìa pháp giới mà có thể qua lại khắp thế giới nơi mười phương, chỗ Thiện tri thức đầy đủ khắp pháp giới. Không chấp trước ngôn ngữ, trong từng khoảng sát-na luôn tu hạnh Bồ-tát, đầy đủ cảnh giới tánh, thành tựu Nhất thiết trí. Đầy đủ tất cả du hý thần thông Phật, trang nghiêm Phật đạo. Do pháp bình đẳng, thân tâm không lay động, giúp đỡ khắp chúng sinh, năng lực Thiện tri thức hiển hiện ba đời.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài đến chỗ Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh. Lúc đó, Dạ thiên ở trong đại chúng, ngồi nơi tòa Sư tử Bảo liên hoa, tư duy pháp môn chánh thọ Bồ-tát Phổ hiện quang tràng hỷ tịnh. Tất cả lỗ chân lông phát ra mây vi diệu. Người nào trông thấy mây này đều vui vẻ không chán. Mỗi mỗi lỗ chân lông hiện các mây báu, gọi đó là kết quả của sự thực hành hạnh trí tuệ, ích lợi cho chúng sinh, tránh xa nơi tranh tụng. Dùng tâm bình đẳng không đắm trước các pháp, đem trí tốt đẹp tối thượng cứu giúp các chúng sinh, hiển hiện ba đời, tu hạnh Bồ-tát. Tâm không bỏn sẻn, có thể bỏ được những gì khó bỏ nhất, bó thí hết tất cả, thân tâm bình đẳng không thể nghĩ bàn, đem phước bố thí bảo bọc chúng sinh. Đối với chúng sinh không khởi tâm đắm trước, không thấy tướng chúng sinh, không từ bỏ chúng sinh, đầy đủ hạnh khổ Bồ-tát ba đời. Tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới bị trói buộc bởi vô minh, sóng trong si mê phiền não tích tụ. Bồ-tát dùng thần thông đại Bi mở trói cho họ và ở nơi tất cả lỗ chân lông xuất ra tất cả vô số chúng sinh. Bồ-tát tự tại tùy duyên biến hóa mây thân, đem mây thân này biến khắp pháp giới hư không, ở trước chúng sinh thị hiện thần thông Tam-muội để giác ngộ họ, không ưa thích thế gian, xa lìa ba cõi, diệt trừ sinh tử như tránh hầm lửa, nhưng ở nơi tất cả chúng sinh lại thị hiện sinh tử. Hiện các thứ khoái lạc và tướng thành bại trong cõi trời, người. Vì các chúng sinh mà nói về pháp bất tịnh, làm cho họ đều biết tu hành, đoạn trừ vọng tưởng điên đảo. Vì các chúng sinh nói về pháp biến dịch khổ não, tất cả pháp thọ thân hữu vi đều là vô thường.

Nguyện cho các chúng sinh thâm nhập cảnh giới Phật, vĩnh viễm xa lài vô thường, trụ nơi giới Bồ-tát ba-la-mật không thể nghĩ bàn, thường thọ giới cấm thanh tịnh của chư Phật, không bao giờ hủy phạm. Tâm không nghi hoặc, chỉ cho các chúng sinh giới cấm đầy đủ, dùng hương giới xông ướp tất cả chúng sinh. Vì nơi mỗi chân lông sinh ra tất cả mây sắc thân vi diệu, dẫu cho bị cắt chặt tay chân và những bộ phận thân thể, bị đánh đập dữ dội hay mắng chửi ác độc, chê bai dối trá thì họ đến nhẫn thọ tất cả. Đối với chúng sinh đó không sinh tâm sân, không khởi ý hại, khen ngợi người xấu ác, không bao giờ hủy phạm, thân tâm cung kính rất là yêu mến, giống như cha mẹ thương yêu nhớ nghĩ đứa con một.

Tuy làm những hạnh này, Bồ-tát không sinh tâm cống cao kiêu mạn, hiển hiện các pháp chân như, pháp nhẫn, khéo biết hòa hợp các chúng sinh ác trong tất cả thế giới, trí tuệ biết sâu xa tánh hư không là tận hay vô tận. Thực hành nhẫn của Bồ-tát, đem tâm trí Phật đoạn trừ tất cả phiền não, chấm dứt tất cả kết sử tích tụ. Có khả năng gánh vác tất cả chúng sinh xấu ác của thế gian như bảo vệ đôi mắt.

Nguyện cho tất cả chúng sinh thành tựu các đức nhẫn kim cang của chư Phật, hoàn toàn trong sạch không vết nhơ. Ở nơi mỗi mỗi lỗ chân lông hiển hiện sắc thân Như Lai thanh tịnh tùy duyên ứng hóa mà cứu độ chúng sinh, làm cho họ được trông thấy. Và ở nơi mỗi mỗi lỗ chân lông sinh ra các loại sắc thân nơi tất cả các nẻo, thị hiện dũng mãnh tinh tấn làm cho chúng sinh tu hành, như cứu lửa cháy trên đầu, chinh phục các ma oán và được không thoái chuyển thù thắng. Cứu giúp tất cả muôn loài, cứu vớt ra khỏi biển sinh tử, vĩnh viễn xa lìa những nỗi buồn lo và các nẻo vô minh sợ hãi, vượt qua núi sinh tử, vĩnh viễn xa lìa các biển ái dục, cung kính cúng dường tất cả chư Phật tâm không mỏi mệt; thọ trì và gìn giữ pháp luân chư Phật, nỗ lực tinh tấn diệt trừ chướng ngại, thâu nhiếp tất cả chúng sinh, làm cho họ đều được điều phục; nhập vào luật hạnh tâm không giải đãi; hiển bày tất cả cõi nước thanh tịnh chư Phật để giáo hóa chúng sinh, trang nghiêm tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những công đức này dều bắt nguồn từ quả báo Tinh tấn ba-la-mật sinh ra.

Mỗi mỗi lỗ chân lông xuất hiện tất cả các loại hình sắc, dùng các phương tiện để diệt trừ những ưu sầu khổ não của chúng sinh, làm cho họ được hoan hỷ, nhàm chán những mối họa năm dục, sinh tâm Hổ thẹn sâu xa, điều phục các căn, tu hành phạkm hạnh tối thắng vô thượng. Thanh tịnh ba nghiệp thân, miệng, ý, hiển hiện tất cả những dục vọng nơi thế gian mà chẳng lấy làm an vui. Thị hiện các loại hình sắc như vậy, làm cho chúng sinh hỷ lạc, thường thích thọ trì, sinh ra chánh pháp, tâm không tán loạn, an trụ thẩm sâu nơi cửu định, diệt trừ tất cả phiền não của chúng sinh, mang đến cho họ sự an lạc. Hiển hiện cảnh giới thần lực thông minh tự tại của các biển Tam-muội Bồ-tát, làm cho các chúng sinh than tâm hoan hỷ, dập tắt ngọn lửa phiền não, được niềm vui mát mẻ, tăng thêm pháp lành, ba nghiệp thân, miệng, ý thường được vắng lặng, các căn tươi vui, được pháp hỷ lạc.

Nơi mỗi mỗi lỗ chân lông thị hiện tất cả chỗ sinh ra trong năm đường, làm cho năm đường trong mười phương đều thấy thân kia đến chỗ chư Phật, tất cả các cõi Phật, đối với chư Phật, sư trưởng và Thiện tri thức, luôn cung kính cúng dường tâm không lười mỏi. Tất cả sự chuyển pháp luân Như Lai đều có thể thọ trì, không bao giờ nhàm chán, không sinh thoái chuyển, rốt ráo tất cả cõi biển chư Phật. Hóa độ chúng sinh, thị hiện tất cả biển pháp, hộ trì chánh pháp, không thấy pháp tướng mà luôn ở trong thật tướng. Thị hiện tất cả các môn Tammuội, thân tam thanh tịnh, đoạn trừ tất cả sự nghi hoặc của chúng sinh. dùng năng lực trí tuệ phân biệt tất cả biển tâm của chúng sinh. Dùng tuệ Kim cang phá từ các núi tà kiến của chúng sinh, tâm sinh mặt trời trí tuệ sáng trong, tròn đầy. Ở trong một niệm có thể phá tan bóng tối si mê che phủ chúng sinh, làm cho xa lìa Thanh văn, Bích-chi-phật địa và pháp nhị biên về có không và sự điên đảo nghi hoặc, tất cả đều hoan hỷ, được trí tuệ an vui, giáo hóa tất cả hướng về Phật đạo.

Lại ở nơi tất cả lỗ chân lông sinh ra tất cả thân chúng sinh nhiều như bụi trần, thị hiện các loại sắc thân không thể nghĩ bàn, tùy chỗ cần độ thì hiện ra nơi ấy. Ở trong một âm nói vô lượng âm, trong vô lượng âm diễn nói một âm. Tùy theo ngôn ngữ của những loại chúng sinh mà nói tất cả kho tàng công đức của chư Phật. Chỉ bày các việc làm ở thế gian là hữu tác hay vô tác, hữu ký vô ký. Hiển rõ tất cả quả báo hành nghiệp ba đời, không ưa thích ba cõi, ca ngợi pháp xuất thế, xa lìa ba cõi. Tất cả sự điên đảo, tà kiến, đói khát đều khiến cho họ xuất ly, hương đạo cam lồ, thẳng đến Nhất thiết trí, vượt hẳn các địa Nhị thừa sợ hãi, ở nơi pháp hữu vi hay vô vi, mà tâm không hề vướng mắc, ngược chiều sinh tử, hướng thẳng Niết-bàn nhưng không bỏ các hạnh, không lìa các thú, qua lại năm đường không nhàm chán, mỏi mệt. Phát tâm tinh tấn thù thắng, thành tựu bình đẳng, đem pháp chánh giác giáo hóa chúng sinh, đạt Nhất thiết trí.

Mỗi mỗi chân lông thị hiện sinh ra tất cả cõi Phật số nhiều như bụi trần. Thân biến hóa như mây, biến hiện trước tất cả các chúng sinh, tu hạnh Phổ hiền, trọn vẹn tất cả nguyện không thể cùng tận, khuyên răn, sách tấn chúng sinh hướng đến Nhất thiết trí. Trong khoảng một niệm, thị hiện tất cả tịnh hạnh, cung kính cúng dường vô số Đức Như Lai mà tâm không cảm thấy đủ. Xây dựng tháp tràng, dẹp trừ ngoại đạo, gìn giữ tất cả các hạnh Bồ-tát, tâm tâm nối tiếp, đầy đủ tất cả các Ba-la-mật. Mỗi mỗi biển bụi trần sinh ra tất cả các biển tánh các pháp, diễn nói biển âm thanh tất cả pháp, biến khắp cõi biển bụi trần trong mười phương. Đem âm thanh này trở lại tận cùng kiếp hải vi trần thế giới, nuôi lớn căn lành tất cả chúng sinh. Trụ lâu dài nơi tất cả vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ vi trần số biển cõi Phật, vô số vi trần số kiếp không thể nói hết được, vì các chúng sinh làm cho họ được tăng tấn, lại hơn số này trụ thọ bất diệt. Đến khi kiếp hoại, nương vào thần lực Phật nên Bồ-tát này được sự không hoại diệt của chư Phật xuất thế nơi vi trần số cõi nước chư Phật ba đời, và đều khiến họ đi đến đó cung kính cúng dường, gìn giữ và thọ trì chánh pháp luân Phật, an trú trong thần thông, thanh tịnh cõi nước Phật. Giáo hóa chúng sinh qua bờ giác ngộ, làm cho họ được khoái lạc, hoan hỷ, an vui.

Nơi mỗi mỗi lỗ chân lông xuất ra tất cả hóa thân, ứng hiện tất cả chúng sinh và nghiệp báo của chúng sinh hiện nơi tất cả lỗ chân lông. Và nơi mỗi mỗi lỗ chân lông mưa đầy đủ những vật dụng cúng dường chư Phật và ban bố cho chúng sinh. nhờ tâm lực Phật vương nên cảnh giới không hoại diệt, không thể cùng tận, kiên trụ như tướng, không lui sụt, không chìm đắm, tâm hạnh bình đẳng, không trụ không vướng mắc, phát sinh hạnh thanh tịnh hoan hỷ tuyệt đối. Dùng năng lực từ tâm diệt trừ tội ác chúng sinh, năng lực bản nguyện thiện thệ của Bồtát làm hoại diệt bốn ma, diệt trừ tất cả núi nghiệp phiền não, chấm dứt các pháp thế gian, tu đại Từ bi. Nơi hạnh Bồ-tát được không thoái chuyển, giúp đỡ tất cả chúng sinh có duyên lành trong mười phương thế giới, làm cho họ được tu hành các Ba-la-mật. Thị hiện công đức vô tận của Bồ-tát, đạt đến các Đà-la-ni Bồ-đề thắng diệu chuyển pháp luân của. Dùng thắng trí tuệ để hàng phục ngoại đạo, đầy đủ hạnh lực Ba-la-mật của Bồ-tát. Vì các chúng sinh mà hướng về Nhất thiết trí.

Mỗi mỗi lỗ chân lông thị hiện tất cả thân tướng bình đẳng với chúng sinh, làm cho ai cũng ưa nhìn; và ở nơi mỗi mỗi lỗ chân lông hiển hiện tất cả biển loại chúng sinh. Lại hiển hiện vô lượng, vô số vi trần số không thể nói mười phương thế giới, vi trần số các diệu sắc thân; hạnh lực trí tuệ của Bồ-tát đều hiển hiện tùy duyên của chúng sinh. Hiển hiện không thể nói hết biển lớn trí tuệ, khéo biết tất cả biển tâm chúng sinh, khéo biết tất cả biển căn cơ của chúng sinh, biết biển số tâm và các tâm của chúng sinh, thâm nhập rốt ráo pháp giới trí tuệ. Ở trong khoảng thời gian một niệm có thể sung mãn tất cả pháp giới, giải thoát nơi thế gian, ca ngợi pháp xuất thế gian, trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh, học tập sự an trú thần thông của chư Phật, tán thán nguyện lực thần thông của chư Phật. Đến chỗ chư Phật cung kính cúng dường, thọ trì gìn giữ mây chánh pháp luân, hiển hiện trí tuệ mười Bala-mật, làm cho các chúng sinh đều được nhiều hoan hỷ, diệt trừ nhiệt não bức bách, xa lìa sầu lo và tám pháp thế gian, xả bỏ các điều ác, điều phục các căn. Nơi Nhất thiết trí được không thoái chuyển.

Các Ba-la-mật khuyến tấn an vui, hóa độ chúng sinh. Chư Đại Bồ-tát dùng pháp thù thắng này, nổi sấm pháp lớn để tỉnh thức những chúng sinh mê ngủ. Dùng ánh sáng của sức thắng tuệ pháp trí, có thể làm chân chánh khắp các hạnh ác cuồng loạn, thấy được bản tánh tịnh hạnh của chư Phật. Ở mỗi mỗi lỗ chân lông đều hiển hiện như vậy mà không chướng ngại.

Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh Dạ thiên đã tu công đức, cầu Thiện tri thức, đến chỗ chư Phật thân cận cúng dường, tu tập những điều thiện, thực hành Bố thí ba-la-mật. Có thể bố thí những gì khó bố thí như: vương vị, thành ấp, đất nước, cung điện, quan lại, vợ con, nhân dân, quyến thuộc để xuất gia học đạo. Đó gọi là thực hành Thí ba-la-mật.

Hành Giới ba-la-mật là tu giữ giới thanh tịnh như giữ con mắt của chính mình. Dầu cho nhận chịu tất cả đau khổ của thế gian nhưng đối với sự giữ giới vẫn không hủy phạm. Những điều mà tất cả chúng sinh không thể thực hành thì Bồ-tát thực hành. Đó gọi là thực hành Thí ba-la-mật.

Hành Nhẫn nhục ba-la-mật bị tất cả chúng sinh sân hận mắng chửi, chê bai, đánh đạp, ép bức thân thể Bồ-tát đều kham nhẫn không tỏ vẻ sân hận. Bị tất cả chúng sinh đoạt mất những lợi lạc, làm tổn hại đến những người thân yêu… những sự khổ như vậy, Bồ-tát đều có thể nhẫn nhục. Giả sử dùng ba ngọn đèn lửa đốt cháy thân, chịu bao nhiêu đau đớn, tâm Bồ-tát vẫn rất hoan hỷ, ví như Tỳ-kheo được vào Đệ tam thiền thì thân tâm vui vẻ, tin sâu các pháp, kham thọ các pháp không sinh không diệt. Đó gọi là thực hành Thí ba-la-mật.

Hành Tinh tấn ba-la-mật là vì Nhất thiết trí nên chịu các khổ. Từng số phận thân thể bị lửa đốt vẫn không bao giờ sự hãi. Vì Nhất thiết trí nên hết sức nỗ lực như cứu cháy đầu, chuyên cầu giác ngộ, thân tâm vững bền không thể hủy hoại, không có ý niệm mệt mỏi, không bao giờ lui sụt. Đó gọi là thực hành Thí ba-la-mật.

Hành Thiền định ba-la-mật là thân tâm không tán loạn mà biến khắp mười phương, trọn vẹn thanh tịnh Thiền ba-la-mật. Dũng mãnh tinh tấn không bỏ Tam-muội, gọi là Thiền ba-la-mật. Được thanh tịnh rốt ráo hết cả các hạnh thanh tịnh, vào Tam-muội thù thắng, an trụ trong thần thông, vượt qua biển đại trí, niệm niệm tương tục, đều theo trình tự nhập định thanh tịnh, gọi là Thiền ba-la-mật. Tất cả biển Thiền định cứu cánh các biển Tam-muội, trình tự tương tục chưa từng đoạn tuyệt, gọi là Thiền ba-la-mật.

Hành Trí tuệ ba-la-mật là không vướng mắc bên này, không vướng mắc bên kia, ở trong pháp Không đạt giải thoát lớn đó là Đại Bồ-tát thanh tịnh viễn mãn Trí tuệ ba-la-mật. Trí tuệ tự nhiên phát sinh ra mặt trời trí tuệ thanh tịnh, thân tâm không chấp trước, nhập kho tàng trí tuệ cứu cánh, quán sát biển trí tuệ lớn là Trí tuệ ba-la-mật.

Không chấp trước pháp tướng, hành cảnh giới trí tuệ thanh tịnh thù thắng an lành là Trí tuệ ba-la-mật. Phát sinh biển trí tuệ nghĩa lý vi diệu là Trí tuệ ba-la-mật. Hành phương tiện là sinh ra tất cả các thân phương tiện, các lực thắng tấn của Phổ trí, Nhất thiết trí làm sáng tỏ trong pháp giới, gọi là Phương tiện ba-la-mật. Phương tiện trí tuệ thanh tịnh, sinh tánh pháp sinh thân, khoảnh khắc hơi thở ra vào, đắc được phương tiện thanh tịnh bản hạnh không hai, gọi là Phương tiện ba-la-mật. Các vị Bồ-tát bản nguyện rất sâu rộng, xuất sinh thân thanh tịnh, thể hiện đời sống trọn vẹn, giáo hóa chúng sinh. Đối với các chúng sinh và các hạnh lành, tâm thanh tịnh không đắm trước, gọi là hành Phương tiện ba-la-mật.

Hạnh Nguyện ba-la-mật sinh ra tất cả thân biển nguyện, thâm nhập tất cả các biển Tam-muội trí tuệ, vượt qua tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật địa, thị hiện sinh ra bản nguyện thanh tịnh. Ba-la-mật không xả đắc, tùy theo chỗ nguyện cầu, trí tuệ bản hạnh tịnh các nguyện thân, gọi là hành Nguyện ba-la-mật.

Hành Lực ba-la-mật là đầy đủ các công đức tự tại như ý, tu pháp trợ đạo, gọi là Lực ba-la-mật. Nhờ pháp trợ đạo mà lợi lạc chúng sinh, tu các công đức mà không vướng mắc nơi công đức, không thấy tướng công đức, gọi là Lực ba-la-mật. Nhân lực và quả lực đều đầy đủ cũng như biển lớn, gọi là Lực ba-la-mật. Hiển bày các dòng pháp và giảng nói về các trí lực, gọi là Lực ba-la-mật.

Hành Trí ba-la-mật: Trí ba-la-mật là danh tự thanh tịnh; Trí bala-mật là cảnh giới trí tuệ, Trí ba-la-mật chính hạnh nhanh chóng; Trí ba-la-mật ánh sáng hiện khắp nơi giống như hương thơm vi diệu, vật khác cũng được mùi thơm thấm vào; như âm vang của tiếng, tất cả đều vọng lại, gọi là trí Ba-la-mật. Ánh sáng rực rỡ, âm thanh thù thắng vi diệu, diễn nói nghĩa vị không cùng tận, bao hàm tất cả, gọi là Trí ba-la-mật. Trí ba-la-mật phát sinh đầy đủ bản hạnh, quả báo và tánh tướng thanh tịnh, gọi là Trí ba-la-mật. Trí ba-la-mật không dính mắc, không bảo hộ, là Nhất thiết trí, tập họp tất cả không chấp trước, trợ Bồ-đề phần, trí tuệ sáng suốt, đầy đủ thắng tấn địa, thâm nhập cảnh giới trí hạnh sâu xa, gọi là Trí ba-la-mật. Trí ba-la-mật thâm nhập vi diệu, biết pháp tánh và pháp trí, thâu nhận các pháp, trí tuệ tùy thuận, biết rõ tướng như thật của ruộng phước hay chẳng phải ruộng phước, gọi là Trí ba-la-mật. Trí của chư Như Lai vượt khỏi ba cõi, thông đạt ba đời, biết rõ tất cả hạnh nghiệp Bồ-tát, gồm thâu các trí mà không có chỗ ngăn ngại, cũng biết trụ xứ chánh trí Bồ-tát nên tu chánh hạnh. Và lại khéo biết rõ từ lúc mới phát tâm cho đến lúc và hướng đến các địa trên, với tâm phương tiện, khéo biết rõ hồi hướng, biết rõ các pháp như, nghiệp như, báo như, biết rõ pháp luân như, biết tướng pháp luân như, gọi là Trí ba-la-mật, thù thắng vi diệu vô trước, thâu nhận chánh pháp. Người thâu nhận chánh pháp biết hết tất cả pháp; Người biết hết tất cả pháp thì biết pháp Như Lai, biết pháp Như khứ, biết rõ nghiệp và cảnh giới nghiệp, biết rõ cõi và cảnh giới cõi, biết rõ các kiếp, biết rõ trí xa đời xuất sinh các trí Phật, biết trí Phật là chánh trí bình đẳng; Biết trí Bồ-tát, biết trí của trí Bồ-tát, biết trí trú Bồ-tát, biết trí của trí tuệ công đức Bồ-tát, biết trí hồi hướng tịnh tâm Bồ-tát; Biết trí các đại nguyện, trí chuyển pháp luân, biết trí phân biệt pháp, trí nhập biển pháp, trí biển trí phương tiện. Biết trí dòng pháp xoay vòng Đà-la-ni; biết trí các pháp hướnbg đến. Biết tất cả Trí bala-mật như vậy, sau xa không cùng tận, rộng lớn vô biên, cứu cánh không bờ bến.

Mười Ba-la-mật thắng trí này, ở nơi một lõ chân lông đều hiển hiện. Tất cả lỗ chân lông đều hiện rõ các thân biến hóa để hóa độ chúng sinh. Và nơi tất cả lỗ chân lông xuất sinh vô lượng mây thân. Đó là: Mây thân trời A-ca-nị-trá, mây thân trời Thiện hiện, mây thân trời Bất nhiệt, mây thân trời Quả thật, mây thân trời Biến tịnh, mây thân trời Vô lượng tịnh, mây thân trời Thiểu tịnh, mây thân trời Tịnh quả, mây thân trời Quảng quả, mây thân trời Vô lượng tịnh quả, mây thân trời Thiểu tịnh quả, mây thân trời Quang âm, mây thân trời Vô lượng quang âm, mây thân trời Thiểu quang âm, mây thân trời Đại phạm, mây thân trời Phạm phủ, mây thân trời Phạm phú-lâu-na, mây thân trời Phạm phú-lâu-cát-na, mây thân trời Phạm ấn, mây thân trời Phạm tự tại, Tha hóa tự tại Thiên vương cùng mây thân Thiên tử và Thiên nữ của họ. Hóa lạc Thiên vương tử cùng mây thân Thiên tử, Thiên nữ trời Hóa lạc. Đâu-suất-đà Thiên vương tử cùng mây thân Thiên tử, Thiên nữ trời Đâu-suất-đà. Diệm-ma Thiên vương tử cùng mây thân Thiên tử, Thiên nữ của họ. Thích Đề-hoàn Thiên vương tử cùng mây thân Thiên tử, Thiên nữ và ba mươi hai phụ thần. Đề-đầulại-trá Thiên vương tử cùng mây thân Thiên tử, Thiên nữ quyến thuộc. Tất cả mây nam nữ Càn-thát-bà, Tỳ-lâu-lặc-xoa Thiên vương cùng quyến thuộc Thiên tử, Thiên nữ của họ, mây thân nam nữ tất cả Cưubàn-trà, Tỳ-lâu-bác-xoa Thiên vương cùng Thiên tử, Thiên nữ quyến thuộc của họ. Tất cả mây thân nam nữ rồng, Tỳ-sa-môn Thiên vương cùng Thiên tử, Thiên nữ quyến thuộc của họ. Mây thân tất cả nam nữ Dạ-xoa, Khẩn-na-la vương cùng mây thân tất cả nam nữ Khẩn-na-la; Ma-hầu-la-già vương cùng tất cả mây thân nam nữ Ma-hầu-la-già; Ca-lâu-la vương cùng tất cả mây thân nam nữ Ca-lâu-la; A-tu-la vương cùng tất cả mây thân nam nữ A-tu-la; Diêm-la vương cùng tất cả mây thân nam nữ Diêm-la vương; cùng mây thân địa ngục ác thú, mây thân nhân vương, mây thân nam nữ, mây thân đồng nam, đồng nữ.

Từ nơi tất cả lỗ chân lông phát ra tất cả mây thân từ các cõi như vậy. Mây thân Thanh văn, Bích-chi-phật, Tiên nhân, thần đất, thần nước, thần lửa, thần gió, thần biển, thần sông, thần núi rừng, thần ngũ cốc, thần mùi vị, thần cỏ thuốc, thần công viên, thần ao suối, thần thành quách, thần đạo tràng, thần đêm, thần ngày, thần hư không, thần địa phương, thần đường, thần hình ảnh, thần Nhật tinh, thần các quỷ mị, thần Kim cang lực sĩ, thần bộ hành. Tất cả các thân thần như vậy vân tập biến khắp tất cả thế giới nơi mười phương. Vì tất cả chúng sinh trong pháp giới mà hiện thân Hỷ Kiến như vậy.

Bấy giờ, Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh từ lúc mới phát tâm đã thực hành các công đức, tích tập vô lượng các Ba-la-mật, lần lượt thọ sinh, chết nơi này sinh nơi kia, luân chuyển trong năm đường, theo tên họ mỗi loài, gần gũi cúng dường, nghe thọ chánh pháp, hành hạnh Bồ-tát tâm không ngăn ngại, được các Tam-muội. Lần lượt trông thấy chiêm ngưỡng tất cả sắc thân tướng tốt của chư Phật về, thấy cõi chư Phật và thấy các kiếp lần lượt thành hoại. Được trí tuệ thanh tịnh, thâm nhập pháp giới, quán sát chúng sinh, biết biển chúng sinh chết nơi này sinh nơi kia. Được thiên nhĩ thanh tịnh, trình tự đều nghe tất cả âm thanh. Vì nghe âm thanh nên được biết tâm trí chúng sinh khác và biết được tâm tâm sở của chúng sinh Thần túc vô ngại, an nhiên tự tại không vướng mắc thế gian, không thọ nghiệp đời sau, tận cùng cõi hư không, thân pháp thanh tịnh. Tu đạt thần thông, quả báo an tịnh tốt đẹp, sung mãn mười phương, tuần tự được các pháp môn của Bồ-tát, cứu cánh các biển pháp môn Bồ-tát, Bồ-tát tự tại, dũng mãnh tinh tấn. Bồ-tát bước đi một mình không sợ hãi, đến nơi Niết-bàn, xa lìa tướng sinh tử, thanh tịnh thù thắng vi diệu, tập họp các pháp môn công đức như ý, bình đẳng tất cả pháp giới, thị hiện tất cả mây thân công đức, thị hiện tất cả nây thân trí tuệ, diễn nói pháp âm khai thị giáo hóa, làm cho chúng sinh đều quay về nương tựa.

Khắp mọi nơi chốn đều thị hiện đại đạo; Ở trong phong luân tạo lay động phát ra âm thanh thị hiện thuyết pháp, làm cho chúng sinh thọ trì sự chỉ giáo đạt lợi ích an vui, tư duy không chấp trước. Đất rung, nước chảy, sóng biển, núi lửa cùng phát ra âm thanh. Tiếng chấn động nơi cung thành của chư Thiên, âm thanh vang rền nơi cung điện ngọc báu, hình sắc Thiên vương với tiếng ca múa, tiếng Long vương nổi mây sấm chớp. Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già tất cả thần vương, các loại âm thanh ở mười núi báu. Âm thanh của Chuyển luân thánh vương và các tiểu vương, âm thanh của tất cả mọi người nam nữ, âm thanh của Phạm vương, âm thanh của chư Thiên ca tụng, âm thanh của nhạc trời, âm thanh của ma-ni bảo vương thần châu, âm thanh của Dạ thiên, âm thanh của Thanh văn, âm thanh của Duyên giác và Bồ-tát, âm thanh của Như Lai, âm thanh của hóa thân Như Lai đã phát ra. Vô số các loại âm thanh như vậy, vì các chúng sinh mà phân biệt giảng nói.

Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh từ lúc mới phát tâm, nơi cảnh giới công đức, những gì khó đạt đều có thể đạt được. Bao nhiêu hạnh khổ khó hành mà có thể thực hành. Những hạnh như vậy, Dạ thiên đều nương vào thần lực Phật nên đạt được tất cả công đức mây thân biến hóa. Nơi mỗi mỗi mây thân thuyết mây pháp không chấp trước thanh tịnh này, không hề dứt mất hay gián đoạn. Trong mỗi một niệm du hành khắp mười phương thế giới, tu nơi tịnh độ, lại khiến vượt qua vô lượng, vô biên thế giới, vô lượng, vô biên chúng sinh đang chịu khổ trong đường ác; thành tựu mọi an lạc nơi cõi trời, người để cứu độ vô lượng, vô biên chúng sinh thoát khỏi biển sinh tử; vô lượng, vô biên chúng sinh an trụ nơi địa Thanh văn, Bích-chi-phật; vô lượng, vô biên chúng sinh xa lìa địa Thanh văn, Bích-chi-phật, được không thoái chuyển của chư Bồ-tát, hành bất khả tư nghì pháp môn Hỷ tràng tự tại rộng lớn. Trong mỗi một niệm làm cho vô lượng, vô biên chúng sinh trụ nơi địa Như Lai.

Lúc này, Đồng tử Thiện Tài đã được thấy nghe, chứng kiến và hiểu rõ những việc kỳ đặc như vậy nên chánh niệm tư duy, phân biệt quán sát, hội nhập nơi Thiền định trí tuệ, an trụ bình đẳng. Vì sao? Vì Thiện Tài cùng vị Dạ thiên kia, thân đời trước đồng tu hành nên được chư Phật hộ niệm. Vì thành tựu các căn lành như huyễn không thể nghĩ bàn, nên đạt đầy đủ căn lực của Bồ-tát không thể nghĩ bàn. Vì thành tựu các căn lành của Bồ-tát nên sinh nơi nhà của Như Lai, thuộc dòng họ của Như Lai, được ân lực của Thiện tri thức, được thần lực giải thoát của tất cả Như Lai hộ trì, được diệu lực nơi bản nguyện của Đức Tỳ-lô-giá-na nên thành tựu mọi căn lành, thọ nhận các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tài chứng đắc pháp môn Hoan hỷ tịnh quang minh đại hải tràng của Bồ-tát, đạt được thần lực của tất cả Như Lai trong mười phương, đạt được pháp môn Bồ-tát tràng Tỳ-la-ma-già của Dạ thiên kia. Được pháp môn đó rồi, thâm nhập, quán sát Tammuội Phổ chiếu mười phương quang minh pháp hải.

Đồng tử Thiện Tài liền đứng dậy chắp tay cung kính nói kệ ca ngợi vị Dạ thiên:

Vô lượng, vô số kiếp
Thâm nhập pháp tối thắng
Hiển bày Pháp thân mầu
Tùy duyên mà ứng hiện.
Biết rõ tâm muôn loài
Vô minh điên đảo hoặc
Dùng vô số phương tiện
Độ thoát các chúng sinh
Pháp thân thường tịnh diệu
Dập tắt bao nhiệt não
Không hai, thị hiện hai
Vì độ thoát chúng sinh.
Ấm nhập và thế giới
Tất cả không vướng mắc
Các hạnh và sắc thân
Giải thoát tất cả nghiệp
Không chấp pháp trong ngoài
Vượt thoát biển sinh tử
Trí tuệ sáng thanh tịnh
Xua tan tối tử sinh.
Hỷ Mục căn không chấp
Diệt trừ các nghi hoặc
Chúng sinh ưa vui đời
Nên hiện mười phương Phật
Sức Tam-muội vô ngại
Nơi mỗi mỗi chân lông
Hiện các mây hóa thân
Tâm niệm sinh Tam-muội.
Tâm niệm, lực Tam-muội
Cúng dường Phật mười phương
Cứu độ các chúng sinh
Tất cả pháp rốt ráo
Quán sát các biển nghiệp
Hạnh nghiệp tự trang nghiêm
Diễn thuyết đạo vô ngại
Vì khiến chúng thanh tịnh
Đủ tướng tốt trang nghiêm
Cũng giống như Phổ Hiền
Tùy chúng sinh đáng độ
Hiển bày vô ngại thân.

Đồng tử Thiện Tài nói kệ khen ngợi xong, bạch Thiên thần:

–Thánh giả phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã bao lâu mới đạt được pháp môn này? Thời gian ấy như thế nào?

Bấy giờ, Dạ thiên dùng kệ đáp:

Ta nhớ đời quá khứ
Vô lượng, vô số kiếp
Bấy giờ, có một kiếp
Tên là Tịch tĩnh âm
Thành có Chuyển luân vương
Sắc thân thanh tịnh diệu
Đủ ba mươi hai tướng
Tám mươi vẻ trang nghiêm
Thân vi diệu viên mãn
Sắc vàng Diêm-phù-đàn
Hào quang chiếu tất cả
Tự tại dạo hư không.
Chuyển luân có ngàn con
Thân đoan chánh dũng mãnh
Có một ức Đại thần
Trí tuệ đều hiền minh
Có mười ức Thể nữ
Đoan nghiêm như Thiên hậu
Dịu dàng đủ Từ bi
Phụng sự hầu Đại vương.
Khi đó vua Chuyển luân
Dùng chánh pháp trị nước
Thống lãnh khắp gian san
Cả bốn châu thiên hạ
Vua bỏ nước, vinh hoa
Xuất gia cầu Phật đạo
Ta là hậu Thánh vương
Đầy đủ tiếng Phạm âm
Thân tỏa chiếu sắc vàng
Sáng soi bốn vạn dặm
Khi mặt trời lặn tắt
Nữa đêm thường yên lắng.
Bấy giờ, ta mộng thấy
Thần hiện giáng điềm lành
Nghe Phật xuất thế gian
Hiệu là Công Đức Hải
Hiển bày sức tự tại
Đầy khắp cõi mười phương
Phóng biển lưới ánh sáng
Chiếu tất cả cõi nước.
Vô lượng thân tự tại
Sung mãn cõi mười phương
Đủ loại thân biến hóa
Sức quả báo hào quang
Đầy khắp hằng hà sa
Chiếu cùng muôn vạn nẻo
Đất chấn động sáu cách
Tự nhiên phát diệu âm.
Như Lai hiện nơi đời
Chúng sinh đều hoan hỷ
Tất cả lỗ chân lông
Muôn vàn hóa thân Phật
Đầy khắp cõi mười phương
Tùy duyên giảng nói pháp
Ta mộng thấy như vậy
Như Lai sức tự tại.
Giảng nói pháp sâu mầu
Thân tâm nhiều an lạc
Mười ngàn thân Dạ thiên
Đầy khắp trong hư không
Ca ngợi Như Lai ấy
Khai thị ta giác ngộ
Trời kia đã bảo ta:
“Hiền Tuệ, ngươi nên biết
Phật đã hiện nước ngươi
Ngàn muôn kiếp khó gặp.
Nghe vậy xong vui mừng
Liền thấy ánh sáng trong
Quán sát từ đâu đến
Chỗ thọ vương đạo tràng
Ta thấy thân Như Lai
Như núi chúa Tu-di
Tất cả trong chân lông
Phóng nhiều ánh sáng lớn.
Thấy Phật sức tự tại
Tâm sinh nhiều hoan hỷ
Liền phát nguyện rộng lớn:
Ta nguyện như Thế Tôn
Phu nhân, vua giác ngộ
Quyến thuộc và Thể nữ.
Ta mộng ánh sáng Phật
Hỷ lạc cả toàn thân
Tức thời cùng Đại vương
Vô lượng na-do-tha
Bốn binh chúng quyến thuộc
Đi đến chỗ Như Lai
Ta nơi hai vạn năm
Thường cúng dường Như Lai
Bảy báu đầy thiên hạ
Tất cả đều cúng dường.
Đức Phật vì ta dạy
Kinh Công Đức Phổ Vân
Biển đại nguyện trang nghiêm
Lãnh hội độ chúng sinh
Ta phát thệ nguyện lớn
Vị lai làm Dạ thiên
Những người tâm phóng dật
Đều khiến xa các ác.
Khi ta mới phát tâm
Vô thượng đạo Bồ-đề
Trong hữu vi sinh tử
Chưa từng có mất quên
Từ đây lại cúng dường
Ngàn muôn vạn ức
Phật An vui trong sinh tử
Lợi ích khắp chúng sinh.
Một, Phật Công Đức Hải
Thứ hai, Công Đức Đăng
Thứ ba, Phật Bảo Diễm
Thứ tư, Phong Tuệ Trí
Thứ năm, Thiên Hoa Tạng
Sáu, Vô Ngại Nguyệt Âm
Thứ bảy, Pháp Nguyệt Vương
Tám, Viên Mãn Trí Vương
Thứ chín, Phật Bảo Diệm
Vô lượng thiên nhân tôn
Thứ mười, Nhật Âm Thanh
Ta đều đã cúng dường
Các Đức Phật như vậy
Mười ức na-do-tha
Vẫn chưa được tuệ nhãn
Cứu cánh biển sinh tử.
Tuần tự lại có kiếp
Tên là Thiên diệu thắng
Thế giới tên Bảo quang
Năm trăm Phật ra đời
Trước, Phật Viên Mãn Nguyệt
Thứ hai, Minh Tịnh Nhật
Thứ ba, Phật Quang Tràng
Bốn, Tu-di Sơn Vương
Thứ năm, Hoa Diệm Hải
Sáu, Trí Tuệ Hải Tràng
Thứ bảy, Nhiên Đăng Phật
Thứ tám, Thiên Đức Tạng
Thứ chín, Quang Minh Tràng
Thứ mười, Phổ Trí Vương
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường
Chưa lìa khổ năm ấm
Không vui tưởng rằng vui
Đối pháp không sinh nghi
Cũng không nghi chánh pháp.
Tuần tự lại đến kiếp
Tên trang nghiêm Phạm âm
Bấy giờ, có thế giới
Tên Liên hoa đăng vân
Có vô lượng Đức Phật
Và chư Phật quyến thuộc
Ta đều đã cúng dường
Nghe, thọ trì chánh pháp
Phật đầu, hiện Bảo Sơn
Thứ hai, Công Đức Hải
Pháp giới Tu-di Tràng
Thứ tư, Pháp Tu-di
Thứ năm, Phật Pháp Tràng
Thứ sáu, Địa Oai Thần
Thứ bảy, Phật Pháp Lực
Thứ tám, Hư Không Tuệ
Thứ chín, Pháp Viêm Sơn
Thứ mười, Chiếu Minh Sơn
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường
Vẫn chưa rõ chân lý
Tận cùng hết biển pháp.
Tuần tự lại đến kiếp
Tên là Hoan hyu đưuc
Bấy giờ, có thế giới
Tên là Quang coang đưuc
Kiếp đó có tám mươi
Na-do-tha chư Phật
Ta đều cúng dường khắp
Kính lễ Đấng Tối Thắng
Một Càn-thát-bà Vương
Hai, Thọ Mạng Thọ Vương
Ba, Tu-di Công Đức
Thứ tư, Phật Bảo Nhãn
Năm, Tỳ-lô-giá-na
Sáu, Hiền Thánh Trang Nghiêm
Thứ bảy, Pháp Thắng Vương
Thứ tám, Minh Tịnh Đức
Thứ chín, Thế Gian Vương
Mười, Nhất Thiết Pháp Vương
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường
Vẫn chưa được diệu trí
Thâm nhập các pháp nôn.
Kế tiếp lại có kiếp
Tên là Tịnh bất hoại
Bấy giờ, có thế giới
Tên Phổ quang trang nghiêm
Có mười Phật ra đời
Trừ vô lượng phiền não
Dùng công đức trang nghiêm
Nghiêm tịnh các chúng sinh
Có ngàn Phật xuất thế.
Vô lượng đức trang nghiêm
Diệt trừ phiền não cấu
Khiến tất cả thanh tịnh.
Đầu tiên: Phật Vô Tránh
Thứ hai, Vô Ngại Lực
Thứ ba, Pháp Giới Quang
Thứ tư, Phạm Kế Vương
Năm, Ba-lâu-na Thiên
Thứ sáu, Sinh Chúng Quy
Bảy, Viên Mãn Nhẫn Đăng
Tám, Cụ Túc Pháp Đăng
Chín, Quang Minh Nghiêm Hải
Thứ mười, Oai Thần Vương
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường
Vẫn chưa hiểu chân pháp
Trải qua tất cả cõi.
Kế đến lại có kiếp
Tên là Đăng hương sát
Bấy giờ, có thế giới
Tên là Thanh tịnh khởi
Một ức Phật ra đời
Nghiêm tịnh tất cả kiếp
Chư Phật có thuyết pháp
Ta nghe đều trọ trì
Đầu tiên: Pháp Xưng Vương,
Thứ hai, Pháp Thân Hải
Thứ ba, Dũng Mãnh Đỉnh
Bốn, Công Đức Pháp vương
Thứ năm, Thắng Pháp Vân
Thứ sáu, Thiên Thủ Quan
Thứ bảy, Trí Diệm Phật
Thứ tám, Hư Không Lực
Thứ chín, Phổ Thắng Khởi
Thứ mười, Diệu Đức Thủ
Cúng dường chư Phật xong
Thành tựu Tám chánh đạo
Tiếp theo lại có kiếp
Tên Minh tonh kim cang
Bấy giờ, có thế giới
Gọi là Bảo tràng vương
Năm trăm Phật ra đời
Các Đức Như Lai ấy
Ta đều đã cúng dường
Cầu pháp môn Vô ngại.
Đầu tiên: Viên Mãn Đức
Thứ hai, Tịch Nhiên Âm
Thứ ba, Công Đức Hải
Thứ tư, Oai Thần Vương
Thứ năm, Pháp Tối Vương
Thứ sáu, Tu-di Tướng
Thứ bảy, hiệu Pháp vương
Thứ tám, Công Đức Vương
Thứ chín, Công Đức Sơn
Thứ mười, Quanh Minh Vương
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường
Và ta đều nghiêm tịnh
Tất cả đạo tối thắng
Vẫn chưa được đầy đủ
Cứu cánh pháp nhẫn sau.
Kế tiếp lại có kiếp
Tên là Thắng xưng âm
Bấy giờ, có thế giới
Gọi là Tịch tĩnh âm
Tám mươi na-do-tha
Các Đức Phật ra đời
Ta đều đã cúng dường
Nơi đó tu Chánh đạo
Đầu tiên: Hiệu Hoa Tụ
Thứ hai, Nhật Hải Tạng
Thứ ba, Công Đức Khởi
Thứ tư, Thiên Châu La
Thứ năm, Ma-ni Tạng
Thứ sáu, Kim Sơn Vương
Thứ bảy, Bảo Tụ Phật
Thứ tám, Tịch Tĩnh Tràng
Thứ chín, Phật Pháp Tràng
Thứ mười, hiệu Tài Thủ.
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường.
Kế tiếp lại có kiếp
Tên Thiên thủ công đức
Bấy giờ, có thế giới
Gọi là Thiện hoa đăng
Sáu ức na-do-tha
Các Đức Phật ra đời
Ta đã từng cúng dường
Tất cả chư Phật ấy
Đầu tiên: Tịch Tĩnh Tràng
Thứ hai, Trí Ấn Vương
Thứ ba, hiệu Bách Đăng
Bốn, Công Đức Vân Vương
Tịch tĩnh Quanh Minh Vương
Thứ sáu, Minh Tịnh Nhật
Thứ bảy, Pháp Đăng Vương
Tám, Công Đức Thủ Vương
Chín, Thiên Công Đức Tạng
Mười, Trí Tuệ Vân Lôi
Các Đức Phật như vậy
Ta thảy đều cúng dường
Chưa đạt Vô sinh nhẫn
Rốt ráo các pháp môn.
Kế tiếp lại có kiếp
Tên Vô trước diệm quang
Bấy giờ, có thế giới
Tên Vô lượng thắng nghĩa
Có ba mươi sáu ức
Na-do-tha Phật hiện
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã cúng dường.
Thứ nhất: Phổ Sơn Vương
Thứ hai, Hư Không Tâm
Thứ ba, hiệu Tập Trí
Thứ tư, Trang Nghiêm Tạng
Thứ năm, Pháp Hải Âm
Thứ sáu, Trì Âm Thanh
Thứ bảy, Hóa Âm Thanh
Thứ tám, Hóa Vân Hải
Chín, Công Đức Âm Hải
Thứ mười, Diệu Âm Tràng
Mười một, Phổ Oai Đức
Mười hai, hiệu Pháp Hải
Mười ba, Tập Âm Thanh
Mười bốn, Công Đức Hải
Mười lăm, Đăng Minh Thủ
Mười sáu, Bảo Diệm Thủ
Mười bảy, Đăng Minh Phật
Mười tám, Công Đức Diệm
Mười chín, Phật Nguyệt Thiên
Hai mươi, Công Đức Thắng.
Các Đức Phật như vậy
Ta đều đã được gặp
Đấng Thế Tôn phước trí
Khi xuất hiện ở đời
Ta làm Công Đức Thiên
Cúng dường Đấng Tối Thắng
Khi Phật vì ta dạy
Trang nghiêm nguyện biển lớn
Niệm lực Đà-la-ni
Đều có thể thọ trì
Ta được mắt sáng sạch
Tam-muội Đà-la-ni.
Ở trong mỗi mỗi niệm
Đều thấy vô số cõi
Sinh ra kho đại Bi
Thâm nhập mây phương tiện
Tâm tịnh như hư không
Đều sinh từ trong mộng
Mới phát tâm Bồ-đề
Rộng lớn như hư không
Cứu cánh không bờ bến
Vì hóa độ chúng sinh
Tận cùng kiếp vị lai
Nguyện cầu lực chư Phật
Quán sát các chúng sinh
Ngược Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Bị ngu si che phủ
Phiền não khởi hư vọng
Các tà kiến tham dục
Vô lượng các nghiệp ác
Tất cả trong các nẻo
Thọ đủ báu bất thiện
Hết thảy nơi các cõi
Thân thọ đủ các nghiệp
Họa sinh, già, bệnh, chết
Vô lượng khổ bức bách
Ta phát tâm vô thượng
An lạc các chúng sinh
Khiến đến chỗ chư Phật
Đầy đủ lực Như Lai
Trọn vẹn mây nguyện lớn
Thường thấy tất cả Phật
Tu tập nơi chánh đạo
Các công đức hoàn hảo
Nhất tâm cầu rộng khắp
Vô lượng mây công đức.
Tam-muội La-ma-già
Đầy khắp các thế giới
Ba-la-mật rộng lớn
Mười phương, cõi Thanh văn
Tất cả trụ xứ Phật
Nghe La-ma-già này.
Hạnh Phổ hiền viên mãn
Thâm nhập pháp giới tịnh
Thâu giữ tất cả pháp
Đầy đủ tất cả địa
Biển phương tiện ba đời
Tu tập hạnh Vô ngại
Nhất tâm đủ trí Phật
Trí tuệ đều thông đạt.

Lúc này, Dạ thiên nói kệ xong, thì cung kính đảnh lễ tất cả chư Phật, lúc chưa ngẩng đầu lên, Dạ thiên liền thấy tướng bánh xe ngàn căm dưới chân Đức Như Lai. Quán ngược trở nên tất cả tướng tốt của Đức Như Lai, thân tâm thấy rõ tướng tốt của Đức Phật, nhưng không chấp trước nơi các tướng tốt đó. Do tâm rộng lớn, Dạ thiên liền nghe mùi hương năm phần Pháp thân của Phật, thành tựu tất cả các Ba-lamật, các trụ địa của Bồ-tát, tận cùng nơi biển pháp Phật. Xa lìa tất cả pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc trong ba đời, trụ địa rốt ráo nơi hạnh rộng lớn của Bồ-tát Phổ Hiền, làm thanh tịnh viên mãn đại cảnh giới của địa. Nơi khoảng một niệm, hiện khắp vô lượng cõi Phật trong mười phương, đầy đủ mười pháp môn. Mỗi một pháp môn đầy đủ vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ các biển pháp giới, chấm dứt những khổ đau, tất cả đều tin tưởng sâu xa. Này Phật tử! Những công đức này ta đã tu tập từ thuở lâu xa, tin hiểu thọ trì và hành đầy đủ hạnh Phổ hiền.

Thiện nam! Bấy giờ, Chuyển luân thánh vương Trí Tuệ, kiếp kiếp tương tục, luôn tiếp nối vương vị, nhận được dòng dõi Phật, sinh trong nhà dòng họ Thích, không đoạn mất hạt giống vắng lặng, tốt đẹp của Như Lai. Người đó đâu phải là ai xa lạ, nay chính là Đồng tử Vănthù-sư-lợi vậy. Phu nhân Hiền Tuệ Ngọc nữ của Chuyển luân thánh vương thì nay là ta. Vị Dạ thiên khi ấy làm cho ta giác ngộ trong giấc mộng, nay chính là hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền.

Thiện nam! Lúc tỉnh mộng rồi, thấy ánh sáng Phật, ta mới phát tâm Vô thượng chánh đẳng, chánh giác. Sau khi phát tâm, ta ở nơi vô lượng, vô số kiếp nhiều như vi trần nơi cõi Phật, không đọa vào đường ác, thường sinh lên cõi trời hoặc nơi cõi người, thọ nhận mọi an lạc, luôn được gặp chư Phật. Trong thời gian ấy, trải qua vô lượng kiếp cho đến khi gặp Đức Như Lai Báo Ứng Thủ Công Đức Tràng, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đạt được pháp môn Phổ quang hỷ tràng. Được pháp môn này rồi, thị hiện vô số thân để điều phục chúng sinh, tùy thuận mở bày, dẫn dắt làm cho họ được thân cận Thiện tri thức. Hoặc là người, trời, cho đến tất cả các loài khác ở nơi đời vị lai nghe danh hiệu Phật và pháp môn Phổ quang hỷ tràng cùng tên Tam-muội Tỳ-la-magià, mà thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép cũng được vượt qua vô lượng số kiếp nhiều như vi trần nơi cõi Phật các tội lỗi trong biển sinh tử, không đọa nơi đường ác, thường sinh lên cõi trời hay trong loài người hưởng thọ an lạc, thường gặp chư Phật nghe pháp, lãnh hội ghi nhớ không bao giờ quên mất.

Thiện nam! Ta ở chỗ Đức Phật Bảo Quang Công Đức Diệm đạt được pháp môn Phổ quang hỷ tràng tấn tốc. Đạt pháp môn này rồi, ta nhất tâm chuyên cầu các Thiện tri thức, các căn và thân tâm hoan hỷ, ta du hóa khắp nơi để điều phục chúng sinh, làm cho họ nhập nơi hạnh luật.

Thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn Phổ quang hỷ tràng và Tammuội Tỳ-la-ma-già này với cảnh giới quang minh thù thắng thanh tịnh viên mãn. Còn các Đại Bồ-tát trong mỗi một niệm đều không lìa Thiện tri thức, hội nhập nơi biển lớn trí tuệ phương tiện, nhờ nơi Thiện tri thức nên phát sinh và nuôi lớn các pháp môn nhanh nhạy, ứng hợp, phát triển tất cả biển thệ nguyện bao la, trong tất cả kiếp không lìa bỏ căn lành, niệm niệm tương tục, thân cận Thiện tri thức, cầu công đức vi diệu, cứu hộ chúng sinh, đều đầy đủ tất cả đạo nơi hành dụng của Bồ-tát Phổ Hiền.

Bấy giờ, Dạ thiên Hỷ Mục Quán sát Chúng Sinh vì Đồng tử Thiện Tài nên hiển hiện cảnh giới của thân tướng trang nghiêm và pháp môn giáo hóa tất cả thế gian của Bồ-tát. Trong tướng lông trắng giữa chân mày phóng ra ánh sáng lớn tên là Phổ tuệ diệm đăng thanh tịnh tràng, với vô lượng ánh sáng chiếu khắp tất cả thế giới rồi nhập vào trên đỉnh đầu Thiện Tài và bao trùm toàn thân đồng tử. Khi ấy, Đồng tử Thiện Tài liền được Tam-muội Tỳ-la-ma-già viên mãn. Được Tam-muội này rồi thì nơi mỗi một thân hiện bày đầy khắp pháp giới, nơi tất cả đất, nước, gió, lửa nhiều như vi trần, các châu báu nhiều như vi trần, hương vi trần, Kim cang vi trần, ngọc ma-ni vi trần, vi trần cực vi tế, tất cả vi trần trang nghiêm, trong mỗi mỗi biển vi trần như vậy đều thấy sự thành hoại các thế giới nhiêu như vi trần nơi cõi Phật, tướng thành hoại của bốn đại: phong luân, thủy luân, kim cang luân, địa luân. Các thứ trang nghiêm, những núi vây quanh, vô lượng biển lớn, cung điện chư Thiên, những cây báu xen nhau, các thứ trang nghiêm những cung điện Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩnna-la; Các cung điện thành quách của nhân và phi nhân, các chốn địa ngục, ngạ quỷ, Diêm-la vương; chết đây sinh kia, đều biết rõ nhân quả nơi các pháp. Trong mỗi mộ thân hiện khắp nhiều thân nơi tất cả pháp giới, thấy khắp tất cả cõi nước của chư Phật, tùy chỗ ứng hóa, độ thoát mọi thứ nghiệp báo tốt xấu của chúng sinh. Dùng âm thanh vi diệu thuyết pháp khắp mọi nơi, làm cho pháp âm này nhập vào từ nơi lỗ chân lông, khiến các chúng sinh đều được pháp hạnh. Thấy mỗi mỗi cõi và thấy tất cả thế giới nhiều như số vi trần nơi các cõi, thấy vô lượng, vô biên tất cả biển chư Phật Như Lai, vào sâu nơi căn lành, ở chỗ chư Phật, trụ nơi tất cả pháp giới. Lại ở chỗ vô lượng Đức Phật đắc vô lượng pháp môn, vượt khỏi sinh tử, an trụ trong thần thông. Ở mỗi mỗi trụ xứ Phật, tự nhớ từ lúc mới phát tâm, tu bản hạnh Bồ-tát, chứa nhóm các căn lành, thọ quả báo nơi tất cả cảnh giới. Ở mỗi mỗi trụ xứ Phật, được nghe chư Phật chuyển pháp luân, ghi nhớ không quên nên luôn bảo vệ chánh pháp, dùng sức của bản nguyện căn lành nên đều thấy tất cả chư Phật ba đời, vượt qua dòng sinh tử.

Thiện nam! Các Đại Bồ-tát thành tựu vô lượng, vô biên công đức lớn như vậy, ta làm sao có thể biết và có thể nói về hạnh công đức ấy.

Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh bảo Đồng tử Thiện Tài:

–Ta dùng diệu lực của pháp môn Phổ quang hỷ tràng này nên thường được thấy chư Phật liên tục không gián đoạn. Do nghĩa ấy nên biết khắp mọi nơi để giữ gìn pháp Phật, lưu hành khắp cõi hư không, tâm không hề mỏi mệt. Làm thế nào có thể hộ trì tất cả chánh pháp chư Phật? Nhờ thần lực nơi bản nguyện của Đức Phật Tỳ-lô-giá-na và diệu lực nơi oai thần của Đại Bồ-tát Quán Thế Âm, đem chú Đà-la-ni Bách bảo liên hoa ủng hộ người thọ trì, đọc tụng, hành theo chánh pháp.

Lúc ấy, Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh nương vào thần lực của Phật, liền thuyết chú Đà-la-ni Bách Bảo Liên Hoa:

–Đa điệt tha, mạc lợi sí, ba xà la mạc lợi xí xa ma tha di tỳ xa ma tha di. Ba lạp ba đàn ni sí kế tha bà ni sí sa ha. Thiền đầu sí, mạn đầu sí sa ha. Xa bì đa bát đầu ma, vô chí sí sa ha. Nhân đà la ba ni sí sa ha. Mạn đàn di sa ha. Du xà di sa ha.

Nếu có người thọ trì chú này sẽ, không đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đối với thân hiện tại không bao giờ bị chết oan, không gặp sự ngược đãi của vua quan hay bị trói buộc giam cầm trong ngục tù, thường hưởng thọ tất cả sự thanh tịnh an vui. Nếu có người được Đà-la-ni này, nên biết người đó thường được gặp chư Phật không rời, nghe Phật thuyết pháp, chuyển chánh pháp luân, cũng thường được ấn biện tài nơi biển âm thanh của pháp thanh tịnh vô tận Đà-la-ni. Nếu có người được nghe Đà-la-ni này, đầy đủ tất cả tịnh hạnh của Bồ-tát, chắc chắn vượt qua biển sinh tử, đến bờ giác ngộ.

Đồng tử Thiện Tài nghe Đà-la-ni này xong, cung kính đảnh lễ nơi chân Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh, nhiễu quanh vô số vòng, nhất tâm tư duy, chánh niệm về pháp môn Viên mãn tịnh tràng của Bồ-tát. Suy nghĩ, phân biệt, định tâm quán sát ghi nhớ lời dạy của Thiện tri thức, hội nhập và vâng theo lời dạy của Thiện tri thức.

Khi ấy, Dạ thiên bảo Đồng tử Thiện Tài:

–Thiện nam! Trong đại chúng của Đức Phật ở đây có một Dạ thiên tên Phổ Phú Chúng Sinh Oai Đức. Đồng tử hãy đến đó thỉnh vấn thế nào là Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát?

Lúc này, Đồng tử Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ nơi chân Dạ thiên Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sinh rồi từ biệt. Đồng tử đi đến chỗ Dạ thiên Phổ Phú Chúng Sinh Oai Đức, cầu Thiện tri thức, tâm không hề chán đủ, liền được phát sinh căn lành từ đời trước nơi tất cả cảnh giới. Nhờ năng lực của cảnh giới này nên thấy khắp cả chư Phật, Bồ-tát, các bậc Thiện tri thức trong mười phương. Oai nghi tề chỉnh, không hề kiêu mạn, sinh tâm cung kính sâu xa đối với Bồ-tát và Thiện tri thức, niệm niệm tương tục, không chút thay đổi, hoàn toàn quy kính các bậc Thiện tri thức.

Các vị Bồ-tát kia từ khi mới phát tâm, đã có thể thọ nhận làm bậc Pháp khí, cho đến mười Địa. Họ cầu Thiện tri thức như ta không khác, thường được sự che chở, ủng hộ của Thiện tri thức, nghe Thiện tri thức nói những điều mật ngữ thì luôn ghi nhớ, không bao giờ quên. Vì sự thành tựu giác ngộ nên tu tất cả căn lành, tạo công đức trang nghiêm, đầy đủ các phương tiện, đều do đời trước từng thân cận Thiện tri thức.

Bấy giờ, Dạ thiên tên Phổ Phú Chúng Sinh Oai Đức phóng ra ánh sáng tỏa chiếu tên là pháp môn Luật nghi thị hiện trang nghiêm, điều phục tất cả chúng sinh. Người đạt được pháp môn này thì có đầy đủ các tướng tốt để trang nghiêm thân. Đem thân tướng tốt đẹp này thị hiện tất cả các tướng ánh sáng. Hiện bày ánh sáng rồi, nơi tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra tất cả ánh sáng chiếu khắp mọi nơi chốn, dùng tất cả ánh sáng ấy làm quyến thuộc. Ánh sáng này tên là Phổ tri diễm Tỳ-la-ma-già Viên mãn minh tịnh Tam-muội cảnh giới. Lại nữa, ánh sáng này chiếu khắp vô lượng, vô biên, không bờ bến, chiếu đến tất cả mười phương thế gian rồi nhập vào đỉnh đầu Thiện Tài hiện khắp nơi thân. Lúc đó, Đồng tử Thiện Tài liền được Tammuội Cực diệu thanh tịnh Tỳ-la-ma-già. Khi được Tam-muội này, có vô lượng, vô biên các chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tất cả đại chúng thảy đều hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật và lui ra.