KINH KIM CANG TAM-MUỘI BẢN TÁNH THANH TỊNH BẤT HOẠI BẤT DIỆT

Hán dịch: Mất tên người dịch, nay phụ vào dịch phẩm đời Tam Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại giảng đường Trùng các của tinh xá Đại lâm, thuộc nước Tỳ-da-ly, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm năm ngàn vị hội đủ. Đó là các Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Xálợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên… là những bậc mọi người đều biết. Chúng Bồ-tát có một vạn tám ngàn vị. Đó là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Phạm Đức, Bồ-tát Quang Đức, Bồ-tát Tinh Đức, Bồ-tát Sư Tử Vương, Bồ-tát Sư Tử Tạng, Bồ-tát Diệu Âm Thanh, Bồ-tát Bạch Hương Tượng, Bồ-tát Kim Cang Tràng, Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ-tát Tu-di Tướng, Đại Bồ-tát Di-lặc… đều là những bậc thượng thủ. Những vị Bồ-tát ở phương khác đến có: Bồ-tát Tuệ Đức, Bồ-tát Tinh Đức, Bồ-tát Thường Trang Nghiêm, Bồ-tát Phổ Quang, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Mãn Nguyệt, Bồ-tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Diệu Âm, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Tịnh Âm Thanh… một vạn tám ngàn vị Đại Bồ-tát hội đủ như vậy.

Phạm, Thích, Hộ thế Thiên vương và vô số Thiên tử đều vân tập đến. Có Long vương Nan-đà, Long vương Bà-nan-đà cùng với bốn đại Long vương và trăm ngàn quyến thuộc của chúng rồng, đều cầm ngọc Như ý để cúng dường Đức Phật.

Càn-thát-bà vương, A-tu-la vương, Ca-lâu-la vương, Ma-hầula-già vương, Đại lực quỷ vương cùng vô số quyến thuộc của các chúng ấy không thể tính kể, đều bưng trầm thủy kiên hắc và hương tạp chiên-đàn hải thử ngạn để cúng dường Đức Phật.

Các Phạm vương ở phương khác tên là Quảng Mục Tự Ích Võng Minh cùng với mười ngàn Phạm vương hội đủ, cùng mang hoa trời Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la, rải trên chỗ Đức Phật và đại chúng. Các vị Phạm vương tung rải hoa trời tươi đẹp, mềm mại, tinh khiết, rất đáng ưa thích, tạo thành tràng hoa che trùm bên trên Đức Phật, hiện rõ, phát ra ánh sáng làm trang nghiêm giảng đường Trùng các, giống như bảy báu làm trang nghiêm cõi nước thanh tịnh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ tinh xá Đại lâm bước ra, đi đến giảng đường, bước lên pháp tòa, tự trải tọa cụ, rồi ngồi kiết già nhập vào Tam-muội Diệt ý, thân tâm không lay động. Từ nơi Tam-muội Diệt ý xuất thì nhập vào Tam-muội Sư tử hống ý. Từ nơi Tam-muội Sư tử hống ý xuất, thì nhập vào Tam-muội Sử tử phấn tấn vương. Từ nơi Tam-muội Sử tử phấn tấn vương xuất, thì nhập vào Tam-muội Đại quang minh vương. Từ nơi Tam-muội Đại quang minh vương xuất, thì nhập vào Tam-muội Đại bi vương tướng. Từ nơi Tam-muội Đại bi vương tướng xuất, thì nhập vào Tam-muội Vô duyên từ tưởng. Từ nơi Tam-muội Vô duyên từ tưởng xuất, thì nhập vào Tam-muội Thắng ý từ. Từ nơi Tam-muội Thắng ý từ xuất, thì nhập vào Tam-muội Đại không. Từ nơi Tam-muội Đại không xuất, thì nhập vào Tam-muội Như tướng. Từ nơi Tam-muội Như tướng xuất, thì nhập vào Tammuội Giải thoát tướng. Từ nơi Tam-muội Giải thoát tướng xuất, thì nhập vào Tam-muội Bất hoại bất diệt vương. Từ nơi Tam-muội Bất hoại bất diệt vương xuất, thì nhập vào Tam-muội Kim cang. Từ nơi Tam-muội Kim cang xuất, thì nhập vào Tam-muội Đại không Niếtbàn tướng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn từ nơi các Tam-muội phóng khởi khắp thân phóng ra ánh sáng. Ánh sáng ấy như đám mây nhập vào kim diện rồi phóng ra từ đỉnh đầu của Đức Phật, như cờ Kim cang trụ giữa hư không, chiếu khắp pháp đại hội và giảng đường Trùng các thuộc thành Tỳ-da-ly, giống như trăm màu ngọc báu. Lúc đó, đại chúng đều trông thấy tướng như vậy, Bồ-tát Di-lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai bên phải, nhiễu quanh Phật bảy vòng, đảnh lễ nơi chân Phật, gối bên phải quỳ sát đất, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai Đại Tiên hôm nay, vì sao nhập vào Tam-muội thù thắng? Ánh sáng ấy hiện rõ, từ xưa chưa từng có, chắc chắn sẽ vì các Pháp vương tử giảng nói về địa hành và quả vị của Pháp vương.

Đại Bồ-tát làm thế nào để trụ vào Tam-muội Thủ-lăngnghiêm? Lấy gì làm trang nghiêm, lấy gì làm phương tiện? Tu tập trí tuệ gì mà an trụ nơi Tam-muội Kim cang, để có thể thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Lúc này, đại chúng nghe Bồ-tát Di-lặc hỏi Đức Phật về nghĩa lý ấy, thảy đều hết sức vui mừng, đồng thanh tán thán Bồ-tát Dilặc:

–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát là bậc Pháp vương tử, nên mới có thể hỏi Đức Phật về những ý nghĩa lớn như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Hãy lắng nghe! Lắng nghe và ghi nhớ kỹ, hôm nay Như Lai sẽ phân biệt giảng nói rõ cho ông về pháp hành nơi công đức của Bồ-tát địa.

Bồ-tát ở Địa thứ nhất, giống như ánh sáng mặt trăng nơi đầu tháng chưa hiện rõ, nhưng sau đó tướng ánh sáng ấy đều hiện bày đầy đủ.

Bồ-tát ở Địa thứ hai, giống như mặt trăng ngày mùng năm.

Bồ-tát ở Địa thứ ba, giống như mặt trăng của ngày mùng tám.

Bồ-tát ở Địa thứ tư, giống như mặt trăng ngày mùng chín.

Bồ-tát ở Địa thứ năm, giống như mặt trăng của ngày mùng mười.

Bồ-tát ở Địa thứ sáu, giống như mặt trăng của ngày mười một.

Bồ-tát ở Địa thứ bảy, giống như mặt trăng của ngày mười hai.

Bồ-tát ở Địa thứ tám, giống như mặt trăng của ngày mười ba.

Bồ-tát ở Địa thứ chín, giống như mặt trăng của ngày mười bốn.

Bồ-tát ở Địa thứ mười, giống như mặt trăng vào ngày rằm, tròn đầy. Có thể nhìn thấy được tướng ánh sáng hiện rõ trọn vẹn, tâm rất an nhiên, không hề lay động, không đắm chìm, không thoái lui, trụ vững vào Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm.

Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm rồi, giống như Nguyệt Thiên tử tạo cung điện bằng mười báu, sinh ra mười cây báu, dùng ngọc báu Nguyệt tinh ma-ni làm quả của cây. Nhờ diệu lực của ngọc ấy, nên cung điện của Nguyệt Thiên tử luôn ban phát sự mát mẻ trong sáng khắp cả cõi Diêm-phù-đề. Đại Bồ-tát an trụ vào Tammuội Thủ-lăng-nghiêm này cũng như vậy.

Di-lặc nên biết, Đại Bồ-tát trụ vững vào Tam-muội Thủ-lăngnghiêm này rồi, tu tập một trăm môn Tam-muội, sau đó mới nhập vào Tam-muội Kim cang.

Những gì là một trăm môn Tam-muội?

  1. Tam-muội Tánh không vương.
  2. Tam-muội Không hải.
  3. Tam-muội Không giới.
  4. Tam-muội Diệt không ý.
  5. Tam-muội Đại không.
  6. Tam-muội Bất trụ không tướng.
  7. Tam-muội Bất kiến tâm tướng.
  8. Tam-muội Trí ấn không tướng.
  9. Tam-muội Hư không bất trụ tướng.
  10. Tam-muội Không vương bất hoại diệt tướng.
  11. Tam-muội Đại cường dõng mãnh lực vương.
  12. Tam-muội Hoa nghiêm.
  13. Tam-muội Phổ hiện sắc thân quang minh vương.
  14. Tam-muội Nhật quang.
  15. Tam-muội Nhật tạng.
  16. Tam-muội Nhật quang hách dịch.
  17. Tam-muội Phổ nhật.
  18. Tam-muội Tập âm thanh.
  19. Tam-muội Mặc nhiên quang.
  20. Tam-muội Diệt cảnh giới tướng.
  21. Tam-muội Động tướng.
  22. Tam-muội Đại động tướng.
  23. Tam-muội Biến động tướng.
  24. Tam-muội Phổ biến động tướng.
  25. Tam-muội Phổ dũng.
  26. Tam-muội Phổ hống.
  27. Tam-muội Phổ trang nghiêm.
  28. Tam-muội Sư tử tướng.
  29. Tam-muội Sư tử lực vương.
  30. Tam-muội Sư tử hống lực vương.
  31. Tam-muội Nhật diệu.
  32. Tam-muội Tuệ cự.
  33. Tam-muội Phổ môn.
  34. Tam-muội Liên hoa tạng.
  35. Tam-muội Bất hoại tịnh.
  36. Tam-muội Diệt độ ý.
  37. Tam-muội Bảo ấn.
  38. Tam-muội Động ma tướng.
  39. Tam-muội Kiên trụ chư không tướng.
  40. Tam-muội Phổ diệt ý.
  41. Tam-muội Khởi tĩnh ý.
  42. Tam-muội Trang nghiêm tướng hảo.
  43. Tam-muội Pháp vương vị minh.
  44. Tam-muội Pháp luân hiện.
  45. Tam-muội Kim cang tạng.
  46. Tam-muội Kim cang tràng.
  47. Tam-muội Kim cang ấn.
  48. Tam-muội Kim cang tụ.
  49. Tam-muội Đại từ vương.
  50. Tam-muội Vô hành từ.
  51. Tam-muội Đại bi thắng ý.
  52. Tam-muội Bất trụ Bi tướng.
  53. Tam-muội Nhật luân quang minh.
  54. Tam-muội Diệt chúng tướng hàng phục chúng ma.
  55. Tam-muội Thắng ý từ.
  56. Tam-muội Lưu ly quang chiếu.
  57. Tam-muội Thất bảo quang.
  58. Tam-muội Phật tập tạng.
  59. Tam-muội Công đức mãn thắng.
  60. Tam-muội Phương tiện tuệ.
  61. Tam-muội Vô tuệ tướng.
  62. Tam-muội Đại hải quang.
  63. Tam-muội Phật hải mãn.
  64. Tam-muội Phổ hải.
  65. Tam-muội Hải trí.
  66. Tam-muội Bất động tuệ.
  67. Tam-muội Quá khứ Phật ấn.
  68. Tam-muội Tập Đà-la-ni.
  69. Tam-muội Đà-la-ni ấn thọ.
  70. Tam-muội Bát biện tài.
  71. Tam-muội Cụ Phạm âm.
  72. Tam-muội Bạch hào hải.
  73. Tam-muội Trí tuệ quang.
  74. Tam-muội Hiệt tuệ.
  75. Tam-muội Chư Phật ấn văn.
  76. Tam-muội Bạch quang dũng xuất quang minh vương.
  77. Tam-muội Phương tiện tuệ tịnh Thủ-lăng-nghiêm.
  78. Tam-muội Tu-di đảnh.
  79. Tam-muội Phạm đảnh.
  80. Tam-muội Chúng thông quang.
  81. Tam-muội Thông tuệ quang.
  82. Tam-muội Cam lồ thắng.
  83. Tam-muội Tịnh ngũ nhãn.
  84. Tam-muội Thiên nhãn ấn.
  85. Tam-muội Tuệ nhãn ấn.
  86. Tam-muội Pháp ý châu.
  87. Tam-muội Hư không sắc.
  88. Tam-muội Tâm bất trước.
  89. Tam-muội Diệt ngôn thuyết.
  90. Tam-muội Vô tâm ý.
  91. Tam-muội Giới cụ tuệ.
  92. Tam-muội Đảnh thắng sĩ.
  93. Tam-muội Điều ngự ý.
  94. Tam-muội Bất kiến tuệ.
  95. Tam-muội Đoạn thập nhị nhân duyên.
  96. Tam-muội Kim cang quang tuệ.
  97. Tam-muội ma-ni diệm.
  98. Tam-muội Kim cang tọa hiển hiện.
  99. Chín mươi chín là Tam-muội Pháp luân vương hống lực.
  100. Tam-muội Thọ pháp vương ấn.

Di-lặc nên biết! Một trăm Tam-muội này như ánh sáng của ngọc ma-ni như ý chiếu soi tất cả, để nhập vào biển Tam-muội Thủlăng-nghiêm. Đại Bồ-tát trụ vững nơi một trăm Tam-muội này rồi, thì có được trí tuệ như mặt trời giữa hư không, các biển phiền não ấy giống như vạt khói mỏng làm chướng ngại.

Di-lặc nên biết! Như ao lớn A-nậu là nguồn phát sinh bốn con sông lớn khác. Bốn sông lớn này phân thành tám sông và tất cả các dòng sông nơi cõi Diêm-phù-đề đều chảy về biển cả. Do núi Ốc tiêu, nên nước nơi biển cả không tăng. Do kim cang luân nên nước nơi biển lớn không giảm. Kim cang luân này tùy lúc chuyển biến khiến cho nước trong biển cả có đồng một vị mặn. Một trăm Tammuội này cũng lại như vậy.

Bồ-tát Di-lặc nên biết, như vua Chuyển luân nhờ diệu lực của mười điều thiện, nên bảy báu luôn ứng hiện. Oai đức thù thắng của kim luân báu ấy đã thu phục khắp tất cả. Thần lực nơi ngọc báu ấy ứng hợp với nguyện vọng của chúng sinh, theo ý không bị trở ngại, nhờ một ngàn người con kia nên oai lực mạnh mẽ của vua được trang nghiêm. Vua Chuyển luân này khi muốn bước đi, dưới bàn chân liền phát sinh lớp lông mềm mại, nhẹ nhàng đi trong hư không, có mười hoa báu ở dưới chân vua.

Bồ-tát Di-lặc nên biết! Một trăm Tam-muội này, từ nơi Đạo chủng trí và mười pháp Ba-la-mật phát sinh, an ổn không mất, cũng lại không trụ vào pháp vô vi tịch tĩnh, trụ vào địa Nhĩ diệm. Địa Nhĩ diệm này không cần sự huân tập, không cần tu luyện, tự nhiên đạt được tám vạn bốn ngàn pháp môn Tam-muội. Những Tam-muội ấy giống như núi Kim cang không thể hủy hoại, an trụ rốt ráo trong hư không lớn, không có giới hạn, cũng lại hội nhập vào pháp giới vô tướng. Ở trong các pháp không thấy tướng đến, đi, trụ, diệt. Tâm ấy vắng lặng, liền được siêu vượt, nhập vào Tam-muội Kim cang. Tammuội Kim cang này như đảnh đầu của Phạm vương có ngọc báu nhân đà la, không thấy được sắc tướng, mà có ánh sáng. Do Tam-muội Kim cang này nên không còn thấy biển phiền não và biên vực kết sử.

Di-lặc nên biết! Như trời Tự tại có ngọc hỏa châu, không hình không tướng, nhưng có ánh sáng rực rỡ đáng quý, có thể mưa xuống hoa thơm, thích ứng với ý muốn của chư Thiên. Lại có thể hiển bày rõ ràng, phát ra ánh sáng vàng ròng, che trùm tất cả ánh sáng nơi thân chư Thiên.

Di-lặc nên biết! Ánh sáng của ngọc hỏa này, không có tâm, thức, nhằm phá tan tăm tối, nhờ năng lực của ngọc báu, nên tự nhiên tiêu diệt được sự tối tăm. Ánh sáng nơi thân chư Thiên lại gấp bội lần khi thường. Tam-muội Kim cang này cũng lại như vậy, không diệt phiền não kết sử, mà biển phiền não tự nhiên khô cạn, không đoạn trừ sinh tử, mà ba độc tự nhiên diệt.

Di-lặc nên biết! Ví như ngọc sáng trên trán của lực sĩ và ngọc báu sau khuỷu tay, luôn dùng chú thuật ẩn giấu ngọc báu này, khiến người khác không thấy. Ánh sáng lớn của Tam-muội Kim cương, ẩn giấu vắng lặng không thấy phiền não, nhưng núi phiền não tự nhiên nát vụn, không xem xét phiền não, nhưng diệt được bốn đại chủng, làm khô cạn các sông ái dục, đoạn trừ được gió vô thường.

Di-lặc nên biết! Như oai lực nơi tiếng rống lớn của sư tử làm chấn động khiến tất cả các loài thú tự nhiên hàng phục. Tam-muội Kim cang từ nơi Tỳ-bà-xá-na (Quán) xuất ra, nhập vào thiền định, nhưng gươm kim cang, nhập vào núi Kim cang không thấy dấu vết. Tam-muội Kim cang này không trụ, không sinh, không diệt, không hoại, không đoạn, không khác, không thoát, không đổi, nhập vào ánh sáng trí tuệ, hiển bày tánh sâu xa, hợp nhất cùng trí tuệ, không thấy pháp của thân tâm, sau đó thành tựu được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trí giác ngộ này không xa lìa, không sinh khởi, không có các tướng trạng, không gì có thể phá hoại, giống như núi Kim cang không thể lay động. Tam-muội Kim cang không thoái lui, không biến mất, nhập vào nơi chốn vắng lặng hoàn toàn hiển bày diệu dụng tự tại trong biển Tam-muội. Chư Phật Như Lai nhờ Tam-muội vương này, nhân nơi uy lực của Tam-muội mà soi chiếu khắp tất cả hư không pháp giới, để hiện bày diệu dụng trong cảnh giới giải thoát của bậc Thánh.

Khi Đức Phật giảng nói lời này, Bồ-tát Di-lặc liền đạt được một trăm pháp môn sáng. Lúc ấy, các Bồ-tát ở trong chúng hội, thân tâm hoan hỷ, đạt được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, số người đạt được một trăm pháp môn sáng là vô lượng: Phạm, Thích, Hộ thế và các Thiên tử, mưa xuống các hoa trời, tấu các thứ kỹ nhạc để cúng dường Đức Phật. Đại chúng đồng thanh tán thán Bồ-tát Di-lặc:

–Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam! Chỉ Bồ-tát mới có thể hỏi Đức Như Lai về ý nghĩa của trí tuệ lớn lao vô thượng như vậy. Chúng tôi nhờ Bồ-tát mà đạt được pháp vị cam lồ vô thượng, giữ gìn lợi ích lớn, nguyện xin Tôn giả vì chúng tôi mà thưa hỏi, chúng sinh nơi đời vị lai nghe, lãnh hội pháp này thì đạt được bao nhiêu phước?

Đức Phật bảo đại chúng:

–Hãy lắng nghe! Lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Về đời quá khứ nơi chín mươi mốt kiếp, có Đức Phật Thế Tôn tên là Bảo Hoa, đầy đủ mười danh hiệu. Bấy giờ, Đức Phật Bảo Hoa vì các Bồ-tát nên giảng nói về một trăm pháp như vậy. Lúc ấy, trong chúng hội có một ngàn Tỳ-kheo, nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng về Tam-muội ấy, thân tâm vui mừng, nhờ diệu lực nơi nhân duyên của căn lành tùy hỷ, nên thoát khỏi tội sinh tử trong năm trăm ngàn ức a-tăng-kỳ kiếp. Một ngàn Tỳ-kheo thời ấy không phải người nào khác, mà là một ngàn Đức Phật ở trong Hiền kiếp này.

Phật bảo đại chúng:

–Sau khi Phật diệt độ, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu bà di, các hàng trời, rồng, tám bộ chúng và tất cả những người khác, nếu được nghe nói về trí tuệ thù thắng của Đức Phật, thân tâm tùy hỷ, không dấy khởi tâm hủy báng thì ở trong trăm ngàn kiếp không bao giờ bị rơi vào ba đường ác, đời đời sinh ra bất cứ chỗ nào cũng thường gặp chư Phật và Bồ-tát làm quyến thuộc.

Nếu nghe pháp này, không dấy khởi tâm chê bai, nghi ngờ, thì sau khi mạng chung, nhất định được sinh lên cõi trời Đâu-suất, gặp Bồ-tát Di-lặc, nghe giảng nói về sự thực hành chuyển pháp luân sâu xa, không thoái chuyển. Nếu người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, ghi chép, đem vô số hương hoa, kỹ nhạc cúng dường, thì những người ấy sau khi mạng chung, nếu có thể chí tâm niệm Pháp thân của Phật, tức thời thấy được chín mươi ức Đức Phật, đều đến lấy tay xoa đầu thọ ký, tùy ý sinh đến cõi nước thanh tịnh của chư Phật, hiện bày diệu dụng trong biển Tam-muội Tự tại.

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc và Tôn giả A-nan:

–Các ông hãy khéo léo thọ trì, cẩn thận chớ để quên mất, cho đến khi giáo pháp bị diệt, phải nên giảng nói rộng khắp.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì? Giáo pháp trọng yếu này nên phụng trì như thế nào?

Phật bảo:

–Này A-nan! Kinh này gọi là “Biển Một Trăm Tam-muội Không Hoại, không Diệt” cũng gọi là “Tướng Kim Cang Vắng Lặng Không Lay Động”, cũng gọi là “Kinh Tam-muội Kim Cang Bản Tánh Thanh Tịnh Không Hoại, không Diệt”, phải nên giữ gìn.

Khi Đức Phật giảng nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng chúng đại Thanh văn, Bồ-tát Di-lặc và các Đại Bồ-tát, tám bộ chúng như trời, rồng và tất cả đại chúng đều hết sức vui mừng, đảnh lễ Đức Phật và lui ra.