SỐ 295
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Địa-bà-ha-la, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI

Bấy giờ, phu nhân Ma-da lại bảo Đồng tử Thiện Tài:

–Này thiện nam! Vua chánh niệm ở cõi Tam thập tam thiên này có con gái tên là Thiên Chủ Quang, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát mới phát tâm học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Đồng tử Thiện Tài cung kính nhận lời dạy ấy, đảnh lễ sát chân, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng lưu luyến, tạ từ ra đi. Đến Thiên cung gặp đồng nữ kia, Thiện Tài cung kính đảnh lễ, đứng chắp tay thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả khéo dạy bảo, xin cúi xin chỉ giáo cho.

Thiên nữ đáp:

–Này thiện nam! Ta đã chứng pháp giải thoát vô ngại niệm thanh tịnh trang nghiêm của Bồ-tát. Này thiện nam! Nhớ thuở quá khứ, trong kiếp Tối thắng thanh tịnh liên hoa, ta đã cúng dường chư Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Từ khi các Đức Như Lai ấy mới xuất gia, ta đã kính ngưỡng phụng thờ, hộ trì, cúng dường, xây dựng Tăng-già-lam, sắm đủ các vật dụng.

Lại nữa, các Đức Phật ấy từ khi còn làm Bồ-tát ở trong thai mẹ cho đến ngày đản sinh, đi bảy bước, rống tiếng sư tử, làm thái tử ở trong cung, hướng đến cội Bồ-đề thành Chánh đẳng giác, chuyển bánh xe chánh pháp, hiện thần biến của Phật, giáo hóa điều phục chúng sinh, tất cả những việc làm của các Đức Như Lai như vậy, từ khi mới phát tâm cho đến lúc pháp diệt, ta đều nhớ rõ không có sai xót, hiện tại luôn nhớ không quên.

Lại nhớ thuở quá khứ, trong kiếp Thiện địa, ta đã cúng dường mười hằng sa các Đức Như Lai. Lại thuở xưa, trong kiếp Diệu đức, ta đã cúng dường các Đức Như Lai nhiều như số vi trần của một thế giới. Trong kiếp Vô sở đắc, ta đã cúng dường tám mươi bốn ức trăm ngàn triệu các Đức Như Lai. Trong kiếp Thiện Quang, ta đã cúng dường các Đức Như Lai nhiều như số vi trần của cõi Diêm-phù-đề. Trong kiếp Vô lượng quang, ta đã cúng dường hai mươi hằng hà sa các Đức Như Lai. Trong kiếp Tinh tấn đức, ta đã cúng dường một hằng sa các Đức Như Lai. Trong kiếp Thiện bi, ta đã cúng dường tám mươi hằng hà sa các Đức Như Lai. Trong kiếp Thắng du, ta đã cúng dường sáu mươi hằng hà sa các Đức Như Lai, trong kiếp Diệu nguyệt, ta đã cúng dường bảy mươi hằng hà sa các Đức Như Lai.

Này thiện nam! Nhớ lại hằng hà sa kiếp như vậy, ta thường gần gũi chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Từ chỗ các Đức Như Lai đó, ta được nghe pháp Vô ngại niệm thanh tịnh trang nghiêm giải thoát của Bồ-tát, thọ trì tu hành luôn không gián đoạn, tùy thuận nhập vào pháp ấy. Như kiếp trước đây, có các Đức Như Lai từ lúc mới phát tâm Bồ-tát cho đến khi pháp diệt cùng tất cả thần biến của các vị, bằng lực tịnh nghiêm giải thoát, ta tùy ý nhớ lại rõ ràng, thuận theo hành trì, chưa từng biếng nhác, phế bỏ.

Này thiện nam! Ta chỉ biết pháp Vô ngại niệm thanh tịnh giải thoát này. Còn các Đại Bồ-tát ra khỏi đêm tối sinh tử, trí tuệ sáng suốt, lìa xa si ám, chưa từng mê muội, không còn các triền cái, thân hình khinh an, thông hiểu đúng đắn tánh của các pháp, thành tựu mười lực, khai ngộ chúng sinh, ta làm sao có thể biết hạnh công đức ấy mà nói cho ông.

Này thiện nam! Thành Ca-tỳ-la có thầy của đồng tử tên là Biến Hữu, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát mới phát tâm học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Nhờ nghe pháp ấy, Đồng tử Thiện Tài được thiên căn phát triển rộng lớn, chẳng thể nghĩ bàn, vui mừng phấn khởi, cung kính đảnh lễ sát chân Thiên Chủ Quang, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng luyến mộ, từ biệt ra đi. Từ Thiên cung hướng về thành Ca-tỳ-la, Đồng tử Thiện Tài đến chỗ Biến Hữu, đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, chắp tay cung kính, đứng một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Biến Hữu đáp:

–Này thiện nam! Ở đây, có Đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ học trí tuệ và văn tự của Bồ-tát, ông nên đến đó hỏi, vị ấy sẽ giảng nói cho.

Thiện Tài liền đến chỗ Đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ, cung kính đảnh lễ, đứng qua một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Đồng tử bảo Thiện Tài:

–Này thiện nam! Ta đã đắc pháp giải thoát Thiện tri chúng nghệ của Bồ-tát. Ta luôn hành trì xướng niệm nhập vào chữ căn bản giải thoát ấy. Như khi xướng chữ a, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Bồ-tát oai đức các biệt cảnh giới. Khi xướng chữ la, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Bình đẳng nhất vị tối thượng vô biên. Khi xướng chữ ba, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Pháp giới vô dị tướng. Khi xướng chữ giả, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Phổ luân đoạn sai biệt. Khi xướng chữ đa, ta nhập vào Bátnhã ba-la-mật môn tên là Đắc vô y vô thượng. Khi xướng chữ la, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Ly y chỉ vô cấu. Khi xướng chữ trà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Hạnh bất thoái chuyển. Khi xướng chữ bà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Kim cang tạng. Khi xướng chữ đồ, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Phổ luân. Khi xướng chữ sa, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Hải tạng. Khi xướng chữ tha, ta nhập vào Bát-nhã ba-lamật môn tên là Phổ sinh an trụ. Khi xướng chữ na, ta nhập vào Bátnhã ba-la-mật môn tên là Viên mãn quang. Khi xướng chữ da, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Sai biệt tích tụ, khi xướng chữ sử tra, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Phổ ánh sáng dứt các phiền não. Khi xướng chữ ca, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Sai biệt nhất vị. Khi xướng chữ bà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Bái nhiên mưa pháp. Khi xướng chữ ma, ta nhập vào Bátnhã ba-la-mật môn tên là Đại lưu thoan kích chúng phong tế trĩ. Khi xướng chữ già, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Phổ thượng an lập. Khi xướng chữ sa tha, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Chân như tạng biến bình đẳng. Khi xướng chữ xả, ta nhập vào Bátnhã ba-la-mật môn tên là Nhập thế gian hải thanh tịnh. Khi xướng chữ thất giả, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Nhất thiết chư Phật chánh niệm trang nghiêm. Khi xướng chữ đà, ta nhập vào Bátnhã ba-la-mật môn tên là Quán sát viên mãn pháp trụ. Khi xướng chữ sa, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Nhất thiết chư Phật giáo thọ luân quang. Khi xướng chữ khư, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Tịnh tu nhân địa hiện tiền trí tạng. Khi xướng chữ xoa, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Dứt các nghiệp hải tạng uẩn. Khi xướng chữ sa đa, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Quyên chư hoặc chướng khai tịnh quang minh. Khi xướng chữ hoại, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Tác thế gian liễu ngộ nhân. Khi xướng chữ phả, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Trí tuệ luân đoạn sinh tử. Khi xướng chữ bà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Nhất thiết cung điện cụ túc trang nghiêm. Khi xướng chữ sa, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Tu hành giới tạng cát biệt viên mãn. Khi xướng chữ sa ma, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Tùy mười phương hiện kiến chư Phật. Khi xướng chữ ha bà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Quán sát nhất thiết vô duyên chúng sinh phương tiện thâu nhận linh sinh hải tạng. Khi xướng chữ ha, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Tu hành thủ nhập nhất thiết công đức hải. Khi xướng chữ già, ta nhập vào Bát-nhã ba-lamật môn tên là Trì nhất thiết pháp vân kiên cố hải tạng. Khi xướng chữ tra, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Mười phương chư Phật tùy nguyện hiện tiền. Khi xướng chữ nã, ta nhập vào Bát-nhã bala-mât môn tên là Bất động tự luân tụ tập chư ức tự. Khi xướng chữ sa phả, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mật môn tên là Hóa chúng sinh cứu cánh xứ. Khi xướng chữ sa ca, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Đầy đủ các địa hiểu rõ không chấp trước, ánh sáng soi khắp không trở ngại. Khi xướng chữ xà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Tuyên thuyết nhất thiết Phật pháp cảnh giới. Khi xướng chữ đa sa, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Nhất thiết hư không pháp lôi biến hống. Khi xướng chữ sá, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Hiểu chư mê thức vô ngã minh đăng. Khi xướng chữ đà, ta nhập vào Bát-nhã ba-la-mât môn tên là Nhất thiết pháp luân xuất sinh chi tạng.

Này thiện nam! Khi xướng các chữ căn bản giải thoát như vậy, ta nhập vào vô lượng, vô biên Bát-nhã ba-la-mật môn, đứng đầu là bốn mươi hai pháp Bát-nhã ba-la-mật này.

Này thiện nam! Ta chỉ biết có pháp Thiện tri chúng nghệ của Bồ-tát. Đối với tất cả pháp thiện xảo của thế gian và xuất thế gian, bằng trí tuệ, Đại Bồ-tát mới có khả năng thông đạt; hiểu biết phương pháp của các ngành nghề khác nhau; thâm hiểu văn tự, toán số, chú thuật; hiểu rõ y dược, giỏi điều trị các bệnh. Như có các chúng sinh bị ma ám, hoặc bị kẻ thù nguyền rủa bằng chú thuật, hoặc bị sao hạng xấu, hoặc bị thây chết nạp chạy, hoặc bệnh thần kinh gầy ốm Đại Bồtát đều có thể cứu chữa, làm cho lành bệnh. Bồ-tát còn biết rõ ngọc, châu, san hô, lưu li, ma-ni, xe cộ chỗ sinh ra tất cả kho báu; biết rõ phẩm loại chẳng đồng, giá trị cao thấp. Đối với thôn xóm, làng mạc, thành phố lớn nhỏ, cung điện, vườn cây, suối khe, ao đầm… tất cả những nơi có người ở, Bồ-tát đều có thể tùy phương cứu hộ. Bồ-tát còn giỏi quán sát thiên văn, địa lý, tướng người lành dữ, âm thanh chim thú, khí hậu thời tiết, năm được mùa hay mất mùa, cõi nước an hay nguy. Những ngành nghề ở thế gian như vậy, Bồ-tát đều thấu rõ tường tận nguồn gốc của nó; lại có khả năng thông đạt pháp xuất thế gian, là bậc tài ba biện luận nghĩa lí, quán sát thể tướng, tùy thuận tu hành. Những bậc trí như vậy không còn nghi hoặc, chướng ngại, si ám, đần độn, phiền não, luân hồi, không có gì là không chứng biết. Ta làm sao có thể biết, có thể nói hạnh công đức ấy.

Này thiện nam! Trong thôn xóm thành Bà-trớ-na của nước Makiệt-đề có Ưu-bà-di Hiền Thắng, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Đồng tử Thiện Tài cung kính đảnh lễ sát chân Chúng Nghệ, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng luyến mộ, từ biệt ra đi. Theo hướng thành ấy, Thiện Tài đến chỗ Hiền Thắng, đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, chắp tay cung kính, đứng một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Hiền Thắng đáp:

–Này thiện nam! Ta được pháp môn Vô y xứ đạo tràng của Bồtát, đã tự hiểu rõ, có thể nói cho người khác. Ta còn chứng đắc Tammuội vô tận, Tam-muội phi bỉ, tâm muội pháp hữu. Vì pháp có tận và không cùng tận nên có thể sinh ra vô tận nhãn từ tánh Nhất thiết trí, vô tận nhĩ từ tánh Nhất thiết trí, vô tận tỉ từ tánh Nhất thiết trí, vô tận thiệt từ tánh Nhất thiết trí, vô tận thân từ tánh Nhất thiết trí, vô tận ý từ tánh Nhất thiết trí, vô tận các loại tuệ sáng suốt từ tánh Nhất thiết trí, vô tận thần thông biến khắp từ tánh Nhất thiết trí, vô tận vô lượng công đức như biển sóng dữ từ tánh Nhất thiết trí, vô tận ánh sáng chiếu khắp thế gian từ tánh Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Ta chỉ biết pháp môn Vô y xứ đạo tràng này. Tất cả hạnh công đức vô trước của các Đại Bồ-tát, ta làm sao có thể biết mà nói cho ông.

Này thiện nam! Trong thành Ốc điền ở phương Nam, có trưởng giả tên là Kiên Cố Giải Thoát, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Thiện Tài đảnh lễ sát chân Hiền Thắng, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng luyến mộ, rồi từ biệt, hướng về phương Nam, đi đến thành ấy. Đến chỗ trưởng giả, Thiện Tài đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, cung kính chắp tay, đứng một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Trưởng giả đáp:

–Này thiện nam! Ta đã chứng pháp giải thoát vô trước niệm thanh tịnh của Bồ-tát. Từ khi được pháp giải thoát ấy cho đến nay, nguyện pháp sung mãn nên ta đã không học hỏi thêm ở mười phương chư Phật. Này thiên nam! Ta chỉ biết pháp tịnh niệm giải thoát ấy. Còn các Đại Bồ-tát ấy thì như Sư tử chúa ban cho chúng sinh sự không sợ hãi, an trụ vững chãi, phước tuệ đầy đủ, ta làm sao biết được hạnh công đức ấy mà nói cho ông.

Này thiện nam! Trong thành này có vị trưởng giả Diệu Nguyệt, nhà thường có ánh sáng, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Đồng tử Thiện Tài đảnh lễ sát chân Kiên Cố, đi nhiễu vô số vòng rồi từ biệt trưởng giả. Đến chỗ Diệu Nguyệt, Thiện Tài đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, cung kính chắp tay, đứng một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Diệu Nguyệt đáp:

–Này thiện nam! Ta đã đắc pháp giải thoát tịnh Trí quang minh của Bồ-tát. Này thiện nam! Ta chỉ biết có pháp này. Còn vô lượng pháp môn giải thoát của các Đại Bồ-tát chứng đắc, ta làm sao có thể biết, có thể nói hạnh công đức ấy.

Này thiện nam! Về phương Nam này có thành Xuất sinh. Ở đó, có trưởng giả Vô Thắng Quân, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Thiện Tài đảnh lễ sát chân Diệu Nguyệt, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng luyến mộ rồi từ biệt đi đến thành ấy. Đến chỗ trưởng giả, Thiện Tài đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, cung kính chắp tay, đứng một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nhưng

chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Trưởng giả đáp:

–Này thiện nam! Ta đã đắc pháp giải thoát vô tận tướng của Bồtát. Với pháp chứng này, ta thấy vô lượng Đức Phật đạt được vô tận tạng.

Này thiện nam! Ta chỉ biết pháp giải thoát vô tận tướng này. Còn trí tuệ vô hạng, biện tài vô ngại của các Đại Bồ-tát chứng đắc, ta làm sao có thể biết, có thể nói hạnh công đức ấy.

Này thiện nam! Phía Nam thành này, trong xóm làng vi pháp có Bà-la-môn Thi-tỳ Tối Thắng, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Đồng tử Thiện Tài đảnh lễ sát chân Vô Thắng Quân, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng luyến mộ, rồi từ biệt đi về phía nam. Đến xóm làng kia, gặp Thi-tỳ Tối Thắng, Thiện Tài đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, cung kính chắp tay, đứng một bên thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nhưng chưa biết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Bà-la-môn đáp:

–Này thiện nam! Ta đã đắc pháp Thành nguyện ngữ của Bồ-tát. Bồ-tát quá khứ, hiện tại, vị lai đều dùng lời nói này nên trải qua tất cả các thời, không còn thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Này thiện nam! Nhờ trụ nơi pháp Thành nguyện ngữ nên mọi việc ta làm đều được viên mãn.

Này thiện nam! Ta chỉ biết có pháp môn Thành nguyện ngữ này. Còn các Đại Bồ-tát hành động không trái với pháp Thành nguyện ngữ, nói lời chân thật chưa từng hư dối, nhờ đó mà vô lượng công đức phát sinh. Ta làm sao có thể biết, có thể nói hạnh công đức ấy.

Này thiện nam! Về phương Nam, có thành Diệu ý hóa môn. Nơi đó có Đồng tử Đức Sinh và Đồng nữ Hữu Đức, ông nên đến đó hỏi: Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào?

Đồng tử Thiện Tài tôn trọng pháp, kính lễ sát chân Bà-la-môn, đi nhiễu vô số vòng, chiêm ngưỡng luyến mộ, rồi từ biệt đi dần về phương Nam. Đến thành ấy gặp, đồng tử và đồng nữ, Thiện Tài đảnh lễ sát chân, đi nhiễu, chắp tay đứng trước thưa:

–Bạch Thánh giả! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nhưng chưa bết Bồ-tát học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát như thế nào? Con nghe Thánh giả là bậc khéo dạy bảo, cúi xin rộng lòng chỉ giáo cho.

Đồng tử và đồng nữ bảo Thiện Tài:

–Này thiện nam! Chúng tôi chỉ chứng đắc pháp giải thoát Huyễn trụ của Bồ-tát. Nhờ trí thanh tịnh này nên chúng tôi thấy: Tất cả thế gian đều trụ trong huyễn, do nhân duyên sinh. Tất cả chúng sinh đều trụ trong huyễn, do nghiệp phiền não phát khởi. Tất cả pháp đều trụ trong huyễn, do duyên vô minh, hữu ái nối kết sinh ra. Tất cả tam giới đều trụ trong huyễn, do trí điên đảo tạo thành. Tất cả sự sinh diệt; sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não của chúng sinh đều trụ trong huyễn, do tưởng hư vọng phân biệt sinh ra. Tất cả cõi nước đều trụ trong huyễn, do tưởng, tâm, kiến điên đảo và vô minh sinh ra. Tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật đều trụ trong huyễn, do trí đoạn diệt sự phân biệt sinh ra. Tất cả Bồ-tát đều trụ trong huyễn, nhờ tự điều phục, giáo hóa chúng sinh, tâm trí thù thắng cùng các hạnh nguyện mà thành. Tất cả chúng hội Bồ-tát, sự biến hóa, điều phục, các việc làm bố thí đều trụ trong huyễn, do hạnh nguyện và trí tuệ tạo thành.

Này thiện nam! Tự tánh của cảnh huyễn chẳng thể nghĩ bàn.

Này thiện nam! Hai chúng ta đây chỉ biết pháp giải thoát của Bồ-tát như vậy. Còn các Đại Bồ-tát đã hoàn toàn đi vào vô biên các việc như lưới huyễn, chúng ta làm sao có thể biết, có thể nói hạnh công đức ấy.

Sau khi đồng tử và đồng nữ nói về sự giải thoát của mình như các thiện căn, lực chẳng thể nghĩ bàn làm cho Thiện Tài vui mừng, phấn khởi.