PHẬT THUYẾT HẢI LONG VƯƠNG KINH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 10: THỈNH PHẬT

Bấy giờ, Hải Long vương bạch Đức Thế Tôn:

-Nguyện xin Đức Phật gia thêm lòng thương xót các trời, rồng, thần và vô lượng người khiến cho được yên ổn, kính thỉnh Ngài vào biển cả, đi đến trong cung của con, hạ cố đến bữa ăn đạm bạc. Vì sao? Vì trong biển lớn có rồng, quỷ, thần, thần Hương âm và vô số loài chúng sinh khác. Thấy Đức Như Lai rồi, họ đều gieo trồng cội gốc đức đều sẽ đi đến pháp hội và do nghe pháp âm mà đoạn trừ nguồn gốc của sinh tử không đáy. Toàn cung rồng chúng con đều nhờ ân đức ấy, trên trời nhân gian nhờ đó mà được độ thoát. Đức Như Lai thị hiện lòng đại đạo của Phật khắp nơi khiến cho thân chúng con gần gũi với đạo phẩm pháp.

Đức Phật thương xót vua rồng, lặng yên nhận lời mời ấy để cho vô lượng người đều sẽ được gieo trồng rộng rãi mọi cội gốc đức. Vua rồng biển thấy Đức Phật nhận lời mời thì rất vui mừng, cúi đầu lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi cùng với quyến thuộc bỗng nhiên biến mất. Vua rồng trở lại biển lớn, nhóm họp dân rồng mà bảo họ:

-Sáng ngày mai, ta sẽ thỉnh Đức Phật, Đức Phật rủ lòng thương đã hứa, các ngươi phải đồng lòng chuẩn bị vật phẩm cúng dường.

Vua rồng biển lại bảo Yến Cư, thần Vô Thiện, Cuông Hoặc Phược Bổ Ly Câu Cẩm rằng:

-Các ông nên biết! Đức Như Lai giáng thần, sẽ đi đến biển này. Các ông phải đích thân thống lãnh các quyến thuộc tập hợp đến cung của ta mà hiến dâng bữa ăn cho Đức Thế Tôn.

Vua rồng lại ra lệnh cho các Long Vương tên là Chủ Độ Vương, Hoan Vô Lượng Vương, Ly Cấu Vương, Diệm Quang Vương, Hý Lạc Vương, Thanh Tịnh Vương, Diệu Diệu Ý Vương, Hiện Chư Nan Vương và chúng trăm ngàn vua rồng khác đều phải đến hội tại nội cung của ông để phụng hầu Đức Như Lai. Vua rồng lại lệnh cho rồng con Uy Thu:

-Con hãy đến kính cẩn tuyên đọc lệnh của ta cho vua rồng Vô Phần, để vua ấy lệnh cho các hải cung đến cúng dường Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Uy Thủ tức thời lãnh mạng. Long vương lại lệnh cho con là Cường Uy đi đến đỉnh núi An minh mời vua rồng Hoan Hỷ, vua rồng Ca Hoan Hỷ và Thiên đế Thích đi đến biển lớn, tụ họp ở nội cung của mình để cúng dường Đức Như Lai. Tức thời Cường Uy lãnh mệnh, tuyên lệnh như vậy.

Khi ấy, vua rồng biển hóa làm đại điện, được tạo thành bằng lưu ly xanh biếc, kim cương, vàng ròng xen lẫn nhau, dựng lên tràng phan, tạo giao lộ bằng vàng với chuỗi ngọc báu, lan can làm bằng bảy báu rất rộng lớn, với biết bao hương thơm dùng để đốt xông và tung lên hoa đủ màu bay lả tả như tuyết. Ở trong đại điện hóa lập nên tòa Sư tử cao bốn trăm tám mươi dặm, làm thành bằng mọi thứ báu, trải vô số trăm ngàn tấm lụa ngũ sắc của trời làm tua nơi tòa Sư tử để làm chỗ ngồi cho các Bồ-tát và chúng Tỳ-kheo, từng cái đều trang nghiêm mỹ lệ, thềm bực đặc biệt. Bữa ăn cúng Phật gồm không biết bao nhiêu món vị. Đồ ăn thức uống thiết lễ cúng dường thanh tịnh đã đủ. Bấy giờ, sáng sớm vua rồng biển cùng quyến thuộc sửa soạn kính cẩn đứng ở mười hai hộc núi của dãy núi An minh, từ xa thỉnh Đức Thế Tôn bằng kệ tụng:

Tuệ đặc thù không lường
Với pháp được tự tại
Trí biết rõ mọi việc
Như “không” Thánh vô hạn.
Lìa cấu mắt thanh tịnh
Ở đời là Tối thượng
Đến lúc mời Thế Tôn
Xin thương mà hứa khả.
Tiếng thanh tịnh như Phạm
Nhân hòa, lời nhu nhuyến
Như ai loan sầm vang
Vì chúng hiện cam Ịộ.
Trừ ngần ấy bụi trần
Vì chúng, thầy thuốc giỏi
Bấu loài người, nguyện đến
Nay chính là đúng lúc.
Tâm điều nhu tịch nhiên
An hòa chí nhu nhuyến
Tự độ, cứu chúng sinh
Nhân dân, xin Ngài cứu
Khai hóa mọi lê dân
Khiến vượt khỏi bốn dòng
Qua bờ kia được yên
Mời Ngài, đã đến lúc
Ưa bố thí nhân từ
Học đạo giới thanh tịnh
Sức nhẫn nhục tối thượng
Đã được đại tinh tấn.
Diệt trừ thiền thoát môn
Trí tuệ khắp vô lượng
Lời dạy như ánh trăng
Thưa ngài đã đến lúc
Dẫu trí phân biệt đường
Lôi tà mãi đã đoạn
Bảy Giác ý, lực, căn
Hóa hiện dùng bồ đề.
Bình đẳng bốn Ý chỉ
Bốn Thần túc, ý định
Tổng trì thông suốt khắp
Thời đến, xin Ngài đến
Ba mươi hai tướng tốt
Vi diệu trăm công đức
Vì bảo tồn đức nghĩa
Nên hiện ruộng phước lớn.
Được tôn xưng Chúng Hựu
Như mầm xuân tươi tốt
Thêm từ, xin xót thương
Đại Bi, xin Ngài đến
Chí như núi Tu-di
Tâm bình đẳng như đất
Trừ ái và tôi sân
Như giảng nói không.
Nhân Tôn chẳng tự ti
Cống cao chưa từng có
Về  với không thoát môn
Kính thỉnh, nay là lúc
Biết nghĩa phân biệt liền
Hiểu cốt yếu tùy thuận
Rõ kinh pháp suốt thông
Tâm, hành luôn như thế.
Thâu đạt bản tánh người
Quan sát các nghĩa tuệ
Lạy dưới chân Tối Thắng
Đến lúc, mời Ngài đến

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ xa nghe vua rồng khải bạch thời đã đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo đắp y mang bát, đi đến biển lớn khai hóa chúng sinh và tề tựu về Long cung thọ thực Tỳ-kheo ứng đáp:

-Thưa vâng!

Tức thời, Đức Thế Tôn cùng những vị Bồ-tát, chúng Tỳ-kheo và quyến thuộc vây quanh vọt lên hư không, thân phóng ánh sáng lớn, mưa xuống hoa trời, trăm ngàn nhạc cụ hòa nhau tấu lên, rồi tập họp ở bờ biển, đi đến vườn Hân lạc. Vườn ấy có loài hoa Tư-di tên là Ý lạc, Đức Phật dừng ở đó.

Vua rồng biển đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu dưới chân Đức Phật, kính cẩn trình bày xong rồi lui về đứng một bên. Vua rồng tự nghĩ rằng: “Ta muốn hóa làm thềm bậc báu từ bờ biển xuống đến đáy biển để cho Đức Phật, chúng Tỳ-kheo và các Bồ-tát theo đó xuống biển đến trong cung của ta như thuở xưa Đức Thế Tôn hóa làm thềm báu từ trời Đao-lợi xuống đến cõi Diêm-phù-lợi”. Vừa khởi ý niệm này, ông liền từ bờ biển hóa làm ba thềm báu vàng, bạc và lưu ly xuống đến cung điện sâu vi diệu đẹp đẽ.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dùng năng lực uy thần biến hóa nước trong biển lớn biến mất mà các loài sống trong biển chẳng bị hoạn nạn. Thân Đức Phật phóng ánh sáng soi đến biển lớn và đến khắp tam thiên đại thiên thế giới. Thân các loài sống trong biển ấy nhờ ánh sáng này đều có lòng từ mẫn nhu hòa nhân ái, chẳng nhiễu hại lẫn nhau, nhìn nhau như cha như mẹ, như anh, như em như con không khác. Bấy giờ, người trời cõi Dục, người trời cõi sắc theo hầu Đức Thế Tôn, muôn nghe đạo hóa và còn muôn chiêm ngưỡng cung điện trang nghiêm của Long vương.

Đức Phật cùng các vị Bồ-tát và đại Thanh văn, chư Thiên, rồng, thần, thần Hương Âm, thần núi Phượng hoàng, thần Điềm nhu, Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương từ cây hoa Tư di trong vườn Hân lạc muốn đi đến cung vua rồng. Đức Phật bước lên bậc thềm báu ở chính giữa, các chúng Bồ-tát trụ ở thềm bên phải, các đại Thanh văn trụ ở thềm bên trái, sáu mươi ức Đế Thích dẫn đường ở trước, sáu mươi ức Phạm thiên ở trên hư không đều cầm lọng báu, sáu mươi ức trời ở phía sau Đức Phật mưa xuống hoa trời, sáu mươi ức người trời cõi Dục tấu các nhạc cũ cúng dường Đức Phật, sáu mươi ức chúng ma đều ở trước Đức Phật vẫy nước thơm tưới đất, sáu mươi ức hoàng hậu rồng ở giữa hư không đều hiện nửa thân mình, tay cầm chuỗi ngọc tung xuống Đức Phật, sáu mươi ức thần núi đều tấu nhạc cụ ca ngợi công đức của Đức Phật, sáu mươi ức thần Hương Âm, tay cầm lọng hoa dâng lên trên Đức Phật, sáu mươi ức thần Vô Thiện đều đem ngần ấy trăm ngàn loại áo để che lên trên Đức Phật, vua rồng Vô Phần cùng hàng ức trăm ngàn quyến thuộc, ở trên hư không đều dùng hoa hương, tạp hương, bột thơm… trỗi mọi nhạc cụ trang nghiêm các rồng và đem các hoa trời để cung dường Đức Phật… đủ loại như vậy, sáu vạn vua rồng đều cúng dường Đức Phật, muốn yết kiến Đức Thế Tôn và vua rồng biển.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Vô Lượng Thọ của thế giới An lạc hiệu là Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đại sĩ đã cùng với vô lượng số ức các Bồ-tát vì Đức Phật Thế Tôn mà thị hiện sự cúng dường trang nghiêm của mình làm cho vật phẩm cúng dường trang nghiêm trước đó bị che khuất biến mất, không ai có thể biết.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Nan Đãi của thế giới Diệm khí hiệu là Đại sĩ Pháp Anh, Pháp Đạo.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Vô Nộ của thế giới Diệu lạc hiệu là Đại sĩ Hương Thủ, Chúng Hương Thủ.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Nguyệt Biện của thế giới Chiếu minh hiệu là Đại sĩ Sư Tử, Sư Tử Âm.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Thiện Mục của thế giới Bất tuần hiệu là Đại sĩ Đạo Ngự, Chư Pháp Tự Tại.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Phổ Thế của thế giới Quang diệu hiệu là Bảo Trường, Bảo Diệm.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Bảo Thủ của thế giới Lạc ngự hiệu là Tuệ Bộ, Tuệ Kiến.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Phổ Quán của thế giới Quang sát hiệu là Vũ Vương, Pháp Vương.

Có hai vị Bồ-tát ở cõi Phật của Đức Như Lai Tôn Tự Tại của thế giới Ái kiến hiệu là Thoái Ma, Hậu Ma Vương…

Nói tóm lại, khắp mười phương đều có vô lượng số ức những Bồ-tát như vậy đều đến khen ngợi vua rồng trong biển, muốn diện kiến Đức Như Lai để cúng dường phụng sự. Đến đây, Đức Thế Tôn dùng sức Đại đạo chư Phật cảm động để làm gương soi đạo đức, dùng uy lực rộng lớn của Phật khuyên hóa không hý luận để cúng dường chư Phật. Đức Phật phóng ánh sáng lớn soi suốt mười phương vô lượng thế giới dùng “âm thanh của tiếng gầm đại sư tử” của Phật mà giảng nói giáo hóa. Hàng trăm ngàn chư Thiên đều tấu âm nhạc, mưa xuống hoa trời, diệt trừ các đường ác, bố thí cho tất cả sự yên ổn. Có Tam-muội tên là “Lập ư đại ai hoan duyệt quần manh”, Đức Phật vào chánh thọ Tam-muội rồi, Ngài tạo tác ánh sáng trang nghiêm cho biển lớn chẳng thể nghĩ bàn.

Đức Phật từ thềm báu giáng thần xuống cung điện trong biển, tự nhiên âm nhạc vang khắp mười phương vô lượng thế giới. Uy thần của Đức Phật và sự cảm động của Như Lai đều có thể thấy khi Đấng Năng Nhân Như Lai xuống đến biển lớn. Lúc ấy, hàng ức trăm ngàn ngọc nữ, hoàng phi cùng thê thiếp của thần Vô Thiện, thần Phượng Hoàng, thần Sơn, thần Điềm Nhu, thần khác… đều mang theo nhạc cụ đi nghênh đón Đức Phật. Họ điều hòa các âm nhạc mà ca tụng công đức của Đức Phật:

Bố thí, giới thanh tịnh
Sức nhẫn lòng từ tôn
Tinh tấn, nghĩa siêng năng
Lễ ưa thiền, giải thoát
Lòng tịnh tuệ trí sáng
Nghiêm minh hiển uy thần
Hiện tại bày giải thoát
Nên đến trừ câu trần
Bố thí cam lộ an
Đạo ngự hết nhơ uế
Đức nhiều như hư không
Biển tuệ mời xuống biển!
Lời cốt yếu đầy đủ
Giảng khen Độ vô cực
Thí mắt sáng thanh tịnh
Người trên của tất cả
Ngợi khen nghĩa sâu xa
Thương người, sáng không sánh
Thờ cúng, tuyên dương khắp
Hàng phục các ngoại đạo.
Thí pháp không keo kiệt
Giảng kinh sạch dục trần
Ngợi khen ánh tuệ thật
Đạo phô diễn trân quý
Thấy Đế, chớ chẳng nhận
Chánh quán đoạn kết sử
Như núi vững, chẳng động
Cúi đầu thầy dẫn đường
Chư Thiên, Kim sí điểu
Chân-đà-la, Tu-luân
Ca-lâu, Cưu-bần-trầ
Nguyện cúi đầu dưới chân
Ba mươi hai tôn tướng
Hiện vô tỷ diệu lành
Thể mềm sắc vàng tía
Móng dưới chân an bình
Tiếng hãy như ai loan
Tiếng ấy vượt Phạm thiên
Âm vượt ba ngàn cõi
Cúi đầu Nhu nhuyến âm ĩ
Căn điều, tâm tịch mịch
Giống như ánh chớp trăng
Nói thật, luôn bình đẳng
Xin cúi đầu ưa pháp!
Khổ già, bệnh, độ xong
Cứu tất cả giải thoát
Mọi mã đều phục hàng
Diệt trừ sinh hiện tận
Vô trước, trần lao tan
Được chư Thiên tôn kính
Chí tôn, cứu hộ khắp
Đạo sư khai hóa chúng.

 

Phẩm 11: MƯỜI ĐỨC SÁU ĐỘ

Lúc ấy, công chúa và các hoàng phi, hoàng hậu của vua và các hoàng hậu thần Vô thiện, thần Phượng hoàng, thần núi, thần Điềm nhu… cùng khen ngợi Đức Phật xong, tất cả đều phát ý đạo Vô thượng Chánh chân. Họ cởi chuỗi ngọc trên thân để tung lên trên Đức Phật. Đức Phật cùng đại chúng đều xuống đến biển lớn. Đến ngôi thành trong biển ấy, Đức Phật đi thẳng đến đại điện trang nghiêm của vua rồng biển, ngồi lên tòa Sư tử. Các vị Bồ-tát và chúng Tỳ-kheo đều lần lượt ngồi vào tòa ngồi trong cung điện ấy.

Bấy giờ, vua rồng biển cùng quyến thuộc trong cung thấy Đức Phật đã an tọa xong thì tự tay dâng hiến thức ăn thức uống thanh tịnh. Họ đem vô lượng số vị ngon cúng dường Đức Phật và Tỳ-kheo tăng. Chư vị ăn uống xong, mang nước rửa tay rồi, họ ngồi trước Đức Phật nghe kinh cùng với chư Thiên, rồng, thần, thần Hương Âm, thần Vô Thiện, thần Phượng Hoàng, thần núi, thần Điềm Nhu, Đế-thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương và các Bồ-tát từ mười phương đến trong hội.

Lúc ấy, Đức Phật thấy chúng hội ngồi đã yên định thì từ thân phóng ra ánh sáng. Ánh sáng tên là Thiện độ thuyết pháp nhu hòa, soi hết các loài sống trong biển lớn, từ hạng thượng, trung đến hạng dưới cùng đều chính mắt thấy Đức Phật nên vô cùng vui mừng, nguyện ưa nghe pháp. Họ đều cung kính từ xa cúi đầu làm lễ Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vua rồng biển rằng:

-Người nương vào thế gian, tạo tác ngần ấy duyên, sự vận hành của tâm chẳng đồng, tội phước đều khác, do đó sự sống khác biệt. Này Long Vương! Vả lại quan sát chúng hội và biển cả thấy ngần ấy chủng loại hình mạo chẳng đồng. Các hình mạo đó đều là bức vẽ của tâm. Nhưng tâm không hình sắc, chẳng thể thấy. Tất cả các pháp dối trá như vậy, do mê hoặc khởi ra hình tướng đều không có chủ, tùy theo sự tạo tác ấy mà mỗi mỗi tự nhận lấy. Ví như vị họa sĩ vốn không tạo tượng, các pháp như vậy, chẳng thể bàn. Chúng tự nhiên như tướng huyễn hóa đều là sự tạo tác của tâm. Người sáng suốt thấy các pháp do mê hoặc khởi ra sắc tướng thì sẽ thực hành các thiện đức. Người ấy hiểu được tướng mê hoặc khởi ra thành các pháp, “ấm” là hạt giống của các “nhập” thì sẽ hoan hỷ vui lòng được đoan chánh đẹp đẽ.

Này Long Vương! Vả lại quan sát thân của Như Lai, do trăm ngàn phước mà được hợp thành, vượt khỏi chúng hội, lồng lộng hiện khắp. Trăm ngàn đức ấy do được tự tại mà khiến cho Phạm vương, Đế Thích bị che mờ biến mất. Quan sát thân Như Lai, mắt chẳng dám nhìn thẳng vào uy quang ấy. Quan sát sắc thân của các đại sĩ, tướng tốt trang nghiêm đầy đủ đều dùng đức thiện trang sức thân mình.

Đức Phật nói với Long vương:

-Sự trang nghiêm thanh tịnh của ông đều do phước mà thành. Sự trang nghiêm của các Đế Thích, Phạm vương, trời, rồng, quỷ thần, thần Hương Âm, thần Vô thiện, thần Phượng Hoàng, thần Núi, thần Điềm Nhu… đều do phước sinh ra. Hôm nay trong biển lớn này, có ngần ấy chủng loại thân thiện ác, lớn nhỏ, rộng hẹp, đẹp xấu, mạnh yếu, nhỏ nhoi đều từ tâm mình mà đạt được, vì ngần ấy hình mạo đều là hành vi tạo tác của thân, miệng, ý.

Vậy nên, này Long Vương! Tự hộ trì hành động của thân là cứu tế tội phước. Hãy học như vậy! Các ông do hộ trì hành động của thân, cứu tế tội phước, thực hành các điều thiện mà được thành Phật đạo, diệt bỏ tà kiến, chẳng trụ ở kiến chấp hữu thường, vô thường, phải cầu quả vị Phật, gieo trồng cúng dường, do cúng dường nên được sự cung kính của chư Thiên và loài người.

Đức Phật nói với Long Vương:

-Bồ-tát có một pháp đoạn dứt hết mọi tai nạn của tât cả đường ác. Những gì là một?

-Chuyên quan sát pháp vi diệu xem cái nào là chân lý nhập vào trong pháp là ưa quan sát nhiều pháp thiện, chẳng nghe các điều ác và mọi tư tưởng tà bậy, đã đoạn trừ ác pháp, phụng hành mọi điều thiện thì sinh ra nơi nào cũng cùng tánh hiền thiện với Phật và Bồ-tát.

Đức Phật dạy:

-Những việc thiện nào đã lập gốc đức để an ổn người trời? Chẳng vì gốc Thanh văn, Duyên giác? Lập gốc đạo thì chí đặt vào đạo Vô thượng chánh chân. Những gì gọi là kiến lập căn bản? Đó là làm mười việc. Những gì là mười?

-Thân chẳng sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

-Miệng chẳng nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói thêu dệt.

-Ý chẳng ganh ghét, sân hận, ngu si.

Đó là kiến lập căn bản.

Đức Phật nói với Long vương:

-Người chẳng sát sinh được mười pháp thiện tịch tĩnh. Những gì là mười?

  1. Thường bố thí yên ổn cho tất cả mọi người.
  2. Thường ưa tâm Từ.
  3. Đoạn dứt lòng sân hận.
  4. Sinh ở chỗ nào cũng thường không tật bệnh.
  5. Thường sông lâu.
  6. Được sự hộ trì của loài chẳng phải người.
  7. Nằm ngủ an vui chưa từng có ác mộng.
  8. Chẳng ôm lòng oán kết.
  9. Chẳng sợ đường ác.
  10. Sau khi chết được sinh nơi yên ổn.

Người chẳng sát sinh được pháp tịch tĩnh ấy. Dùng đức của gốc thiện chẳng sát sinh để chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân, hoặc khi thành Phật được tự tại đối với tuổi thọ vậy.

Đức Phật bảo Long vương rằng:

-Người chẳng trộm cắp được năm pháp tin tưởng. Những gì là năm?

  1.           Được giàu to, không có vua quan, nước, lửa, trộm cắp, oan gia, con hư có thể trộm lấy.
  2.           Được sự ái kính của mọi người.
  3.           Đến chỗ tịch nhiên, không có tai nạn.
  4.           Hoạn nạn, sợ hãi mãi mãi tiêu trừ.
  5.           Do chẳng chấp thủ phước nên chí luôn bố thí tuệ.

Gieo trồng mọi gốc đức, chí nguyện đạo Vô thượng chánh chân, do nương theo tuệ Vô kiến của Như Lai thành Tối chánh giác, khiến kiến lập thần thông.

Đức Phật nói với Long Vương rằng:

-Người chẳng phạm tà dâm được bốn đức an lạc của người trí sáng suốt. Những gì là bốn?

  1. Hộ trì các căn.
  2. Lìa các hý luận.
  3. Tất cả thế gian đều khen ngợi.
  4. Đã lìa khỏi tà dâm thì không dám xem thường thê thiếp của mình.

Đem gốc đức đó chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân, được tướng mã âm tàng của bậc Đại nhân.

Đức Phật nói với Long vương rằng:

-Người chẳng nói dối thì chư Thiên, loài người dùng tám pháp để khen ngợi. Những gì là tám?

  1. Được diện mạo thanh tịnh.
  2. Lời nói sẽ được sự tín nhiệm của tất cả mọi người.
  3. Tự thành tựu sự chứng đắc, trời người kính trọng.
  4. Tâm chí thành, không có tưởng tà vạy.
  5. Tâm ý thanh tịnh, không dua nịnh.
  6. Có nhiều vui vẻ, người không chán ghét.
  7. Hay nhận lời răn cấm, không có lời thô tháo. Sinh lên cõi trời hay nhân gian riêng được tín nhiệm, không có người nghi ngờ.
  8. Đem gốc đức lành của lời nói chí thành để chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân, do hạnh này nên thường được chí thành.

Đức Phật nói với Long vương rằng:

-Người chẳng nói hai lưỡi được năm sự chẳng biệt ly. Những gì là năm?

  1. Thân chẳng biệt ly, không tán loạn.
  2. Quyến thuộc chẳng ly tán, chẳng cao ngạo với người khác.
  3. Được niềm tin không hoại, thấy duyên báo.
  4. Pháp không phá hoại người khác, lấy hành động làm trọng yếu.
  5. Được bạn bè hòa thuận do không lừa dối.

Dùng gốc đức đó để cầu Tối chánh giác thì được thành quyến thuộc không loạn của Như Lai. Tất cả mọi ma cùng với oán địch nhất định chẳng thể phá hoại quyến thuộc của Như Lai Đức Phật nói với Long vương:

-Người không ác khẩu được tám quả báo của ngôn từ thanh tịnh, sau khi mạng chung được sinh lên trời. Những gì là tám?

  1. Lời nói như thật.
  2. Lời nói nhu nhuyến.
  3. Lời nói ứng hợp.
  4. Lời nói hòa thuận.
  5. Lời nói có thể chấp nhận.
  6. Lời nói rõ ràng.
  7. Lời nói mà mọi người không ai chẳng tin theo, ưa thích.
  8. Lời nói chẳng lừa dối mọi người.

Do gốc đức này mà chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân thì được thành tựu âm thanh vượt trời Phạm của Như Lai.

Đức Phật nói với Long vương:

-Người chẳng nói lời thêu dệt thì được ba hạnh chân chánh. Những gì là ba?

Thường làm cho mọi người hiểu rõ những sự kính yêu bình đẳng.

Lòng luôn chuyên nhất vào chí thành, chẳng dùng nhiều lời.

Ở trên trời và nhân gian luôn được tôn trọng chẳng bị phiền toái thì được sự thọ ký của Phật, được thành Như Lai, lời nói không sai khác.

Đức Phật nói với Long vương:

-Người chẳng ganh ghét được năm uy thần. Những gì là năm?

  1. Thân, miệng, ý sáng suốt, các căn đầy đủ.
  2. Được của cải giàu có cùng cực, tiêu dùng tùy thích.
  3. Hàng phục các oán địch, ưa nghiệp sinh hoạt ăn uống vị ngon.
  4. Phước đức lồng lộng, được sự cung kính của các quốc vương, nhờ che chở.
  5. Có của báu vi diệu của riêng mình, nhờ gốc công đức thuở xưa nên sinh vào nhà thù thắng chẳng ganh ghét của cải người khác, do gốc đức đó, chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân, thành tựu ngang bằng Thế Tôn, ba cõi phụng thờ.

Đức Phật nói với Long vương:

-Người chẳng sân hận được tám pháp tâm hoan hỷ. Những gì là tám?

  1. Không hại niềm vui chắc thật, diệt trừ sân hận.
  2. Vui với tâm thành thật, chẳng ưa tâm tranh cãi.
  3. Ưa ngay thẳng an tường mà nhu hòa.
  4. Bình đẳng với Thánh hiền luôn mang tâm Từ.
  5. Đầy đủ tâm Bi, thấy người an vui.
  6. Đoan chánh đẹp đẽ, mọi người cung kính.
  7. Sinh lên cõi trời Phạm chẳng lấy làm khó.
  8. Tâm dùng phương tiện xót thương, nhu hòa với mọi người.

Đó là tám.

Do tám gốc đức đó, chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân thì được làm Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, người nhìn không chán.

Đức Phật nói với Long Vương:

-Người chẳng tà kiến được mười pháp đức. Những gì là mười?

  1. Chí tính chân thật, được gặp bạn lành.
  2. Tin quả báo thiện ác, nếu có mất mạng, chẳng làm tổn thương, xâm phạm người.
  3. Nghĩ, làm Phật đạo, tâm không sai khác.
  4. Chẳng thờ trời, thần, chí luôn chất phác.
  5. Xả bỏ dua nịnh, thuật thần chú.
  6. Cùng những người trời kết làm bạn bè.
  7. Chẳng cùng với địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh làm bạn lữ.
  8. Cùng với mọi công đức thù thắng, đạo Thánh lồng lộng làm tốì thượng.
  9. Lìa khỏi tà kiến, lìa khỏi tham sân, lìa khỏi ác kiến đều không ngăn ngại.
  10.   Đối với Thánh bình đẳng, phút chốc sinh lên cõi trời và nhân gian.

Đó là mười pháp đức.

Dùng gốc đức lìa khỏi tà kiến để chí nguyện nơi đạo Vô thượng chánh chân thì được gần đạo pháp của chư Phật, mau chóng chứng được thần thông, thành Như Lai.

Đức Phật nói với Long Vương:

-Bồ-tát lìa khỏi sát sinh, làm bố thí thường được giàu sang, sống lâu vô cùng.

Hành đạo Bồ-tát thì tất cả oán kết bên ngoài không thể đương đầu, đã lìa trộm cắp mà bố thí thì đã có nhiều của cải, người chẳng dám lấy.

Hành đạo Bồ-tát thì không thể phương hại, phế bỏ mà lại tụ họp tất cả pháp công đức, lìa khỏi tà dâm, bố thí thì đời sau thường giàu có, vợ không có tình trạng lỗi lầm. Ở tại nhân gian, không người dám xâm phạm, chẳng nhìn hình sắc con gái nhà khác. Người lìa khỏi vọng ngữ, bố thí thì thường giàu có lớn, chẳng bị bài báng, vì người thấp hèn đều nhờ ân ủng hộ.

Hành đạo Bồ-tát thì lời nói và việc làm tương ứng, chí nguyện kiên cường, lìa khỏi nói hai lưỡi, bố thí thì thường giàu có, quyến thuộc chẳng cách biệt.

Hành đạo Bồ-tát thì được tất cả quyến thuộc tánh ngay thẳng bình đẳng của Bồ-tát, đã không nói lời ác, bố thí thì thường giàu có lớn, lời nói ra có người thọ lãnh.

Hành đạo Bồ-tát vào với chúng hội không ai chẳng vui thích, không nói lời thêu dệt, bố thí thì thường giàu có lớn, lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Hành đạo Bồ-tát đoạn dứt tất cả nghi ngờ, lìa khỏi ganh ghét, bố thí thì thường giàu có lớn, đầy ắp vui mừng tốt đẹp, áo quần, ăn uống, giường nằm đầy đủ.

Hành đạo Bồ-tát rồi, mừng vui, gia thêm bcí thí thì được tôn quý, lìa khỏi lòng sân hận, bố thí thì thường giàu có lớn, uy nghi sáng ngời đoan chánh, lời đã nói ra thì mọi người yêu thích.

Hành đạo Bồ-tát, lòng không gia hại, các căn đầy đủ, lìa khỏi tà kiến, bố thí thì thường giàu có lớn trụ ở chánh kiến, sinh vào dòng họ danh tiếng, gặp được Phật Thế Tôn.

Hành đạo Bồ-tát chẳng lìa khỏi các Đức Phật, luôn được nghe pháp, phát tâm Bồ-tát.

Đức Phật nói với Long Vương:

-Đó gọi là Thập thiện trang nghiêm bố thí rộng lớn. Những ai đối với mười hạnh thiện này mà dùng giới trang nghiêm thì tự đủ nguyện, được các Phật pháp; dùng nhẫn trang nghiêm các tướng tốt, thành tựu âm thanh của Phật; dùng tinh tấn trang nghiêm thì hàng phục được ma oán; dùng đạo pháp của Phật trang nghiêm thì có sự giải thoát; dùng thiền trang nghiêm làm nơi hướng đến của tâm ý thì thanh tịnh; dùng trí tuệ trang nghiêm thì tiêu trừ các kiến chấp; hành Từ trang nghiêm thì phải dùng lòng nhân hòa chẳng hại chúng sinh; hành Bi trang nghiêm thì chẳng bỏ chúng sinh; hành Hỷ trang nghiêm thì không lòng lười chán; hành xả trang nghiêm thì được không chấp trước, đoạn dứt các nghi kết; hành ân trang nghiêm thì khuyên hóa được chúng sinh, hành Ý chỉ trang nghiêm thì dừng các thọ của thân, tâm pháp đầy đủ; hành Ý đoạn trang nghiêm thì đoạn trừ các pháp ác, đầy đủ đức lành; Thần túc trang nghiêm thì được thần thông nhẹ nhàng; năm Căn trang nghiêm thì được hạnh kiên cô ấy, dùng tinh tấn tăng thượng mà không buông lung, dùng tâm sửa trị trừ các trần lao; năm Lực trang nghiêm thì dùng lòng chât trực hàng phục giáo hóa mọi oán địch; Giác ý trang nghiêm thì hiểu rõ các pháp do nơi gốc chân như. Tám đường trang nghiêm thì mang lại chánh tuệ tịch nhiên trang nghiêm, diệt trừ tất cả các cáu bẩn trần lao; dùng quán trang nghiêm thì quán các pháp, xét kỹ đều không; thiện xảo trang nghiêm thì có số không số, hữu vi, vô vi đầy đủ yên ổn.

Đức Phật nói với Long Vương:

-Nói tóm lại, đức của Thập thiện đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy thì thành các Phật pháp. Do đầy đủ những điều đó nên đối với đức Thập thiện này trang nghiêm rộng khắp, thường phải tinh tấn. Ví như nước quận, huyện ấp, làng xóm, gò đông, trăm giống lúa, dược thảo, cây cối, hoa quả… gieo trồng, gặt hái đều do nơi đất mà tạo lập. Đức mười thiện cũng vậy, trên trời nhân gian đều nương nhờ vào đó. Những người học, chẳng học và được chứng quả, trụ ở đạo Duyên giác, đạo Bồ-tát mà hành đạo pháp của các Đức Phật đều do từ đó mà ra.

Đến đây, Long Vương bạch Đức Thê Tôn rằng:

-Sao gọi là thể nhập hạnh pháp môn Bồ-tát? Người vào pháp môn thì tiêu trừ tội của ấm cái đời trước. Đã trừ được phiền não thì đạt được siêu thoát.

Đức Phật nói với Long Vương:

-Bồ-tát có một pháp trừ các tội lỗi. Những gì là một?

-Luôn được sự ủng hộ, chẳng bỏ lời nói hối lỗi về những tội đứng đầu!

Lại có hai pháp trừ các tội lỗi. Những gì là hai?

  1. Thường quán pháp thanh tịnh.
  2. Chẳng tạo tội hiện tại.

Lại có ba pháp trừ các tội lỗi. Những gì là ba?

  1. Vào tuệ nhân duyên.
  2. Đầy đủ lòng vui vẻ.
  3. Nương pháp bản tịnh rõ biết vốn không.

Lại có bốn pháp trừ các tội lỗi. Những gì là bốn?

  1. Hiểu rõ đối với Không.
  2. Chẳng trụ ở Vô tướng.
  3. Hướng tới Vô nguyện.
  4. Tuệ không tạo tác.

Lại có năm pháp trừ các tội lỗi. Những gì là năm?

  1. Không ngã.
  2. Không nhân.
  3. Không thọ.
  4. Không mạng.
  5. Không thức.

Lại có sáu pháp trừ các tội lỗi. Những gì là sáu?

  1. Hoan hỷ thuần tín.
  2. Không có hoài nghi.
  3. Qua lại tiến dừng.
  4. Quan sát chân lý.
  5. Việc làm chí thành.
  6. Chẳng mất niềm tin chân chánh.

Đó là sáu pháp trừ các tội lỗi.

Long vương bạch Đức Phật rằng:

-Sao gọi là Bồ-tát đạt đến siêu thoát?

Đức Thế Tôn đáp:

-Bồ-tát có mười việc đạt đến siêu thoát. Những gì là mười?

  1. Thường hoan hỷ.
  2. Tâm tánh thanh tịnh.
  3. Phương tiện thiện xảo.
  4. Kiên cường tinh tấn.
  5. Quan sát người vật.
  6. Hành Bi vô cực.
  7. Tu đức không chán.
  8. Học rộng hiểu nhiều chẳng mệt.
  9. Phụng trì không buông lung.
  10.   Nghĩ đến đạo tràng.

Những việc đó khiến Bồ-tát được Phật tuệ, chẳng bỏ đạo tâm. Đó là mười việc, Bồ-tát thực hành thì đạt đến siêu thoát.

 

Phẩm 12: A-TU-LA YẾN CƯ ĐƯỢC THỌ KÝ

Đến đây, thần Vô Thiện Yến Cư bạch Đức Thế Tôn rằng:

-Sao gọi là Bồ-tát vượt lên trên các đức?

Đức Phật bảo thần Vô Thiện rằng:

-Bồ-tát có tám pháp vượt lên trên các đức. Những gì là tám?

  1. Ở đây, Bồ-tát lìa khỏi cống cao, vì tất cả mọi người, khiêm hạ cung kính nhận lời dạy bảo kính thuận, lời nói và hành động tương xứng, khiêm nhường thuận theo bậc tôn trưởng.
  2. Tất cả đức hạnh, các pháp là gốc.
  3. Các hạnh kiên cường, vượt các đức thiện.
  4. Ưa thích ngần ấy sự bố thí vi diệu.
  5. Thà mất thân mạng chẳng cầu tiện nghi của người khác.
  6. Thấy có người nguy hiểm sợ sệt thì ban cho vô úy.
  7. Người đến nương nhờ chẳng xả bỏ ai.
  8. Cầu tất cả nghiệp phước tuệ chẳng cảm thấy chán, đủ.

Đó là tám pháp.

Thần Vô Thiện lại hỏi Đức Phật rằng:

-Bồ-tát có bao nhiêu pháp hạnh để được thân to lớn? Gương mặt rộng đầy đặn? Quyến thuộc đông đúc? Ý nghĩ rộng vô cực?

Đức Phật bảo thần Vô thiện Yến Cư rằng:

-Bồ-tát có bốn việc được thân to lớn. Những gì là bốn?

  1. Chẳng nói việc làm tham lam ganh ghét của người khác.
  2. Tạo tác hình tượng của Đức Phật với căn tướng đầy đủ.
  3. Hòa hợp, ly biệt khuyên bảo khiến cho chí nguyện ở đạo Vô thượng chánh chân.
  4. Hướng đến chúng sinh, không làm tổn thương tướng mạo.

Đó là bốn việc được thân to lớn.

Bồ-tát có bốn việc để gương mặt rộng đầy đặn. Những gì là bốn?

  1. Dùng ngần ấy chuỗi ngọc mà dùng bố thí.
  2. Tất cả vật yêu thích đem bố thí mà chẳng tiếc.
  3. Luôn dùng mắt Từ chiêm ngưỡng Như Lai.
  4. Thấy người đoan chánh chẳng sinh lòng ganh ghét.

Đó là bốn việc được khuôn mặt rộng đầy đặn.

Bồ-tát có bốn việc được quyến thuộc đông đúc. Những gì là bốn?

  1. Lìa khỏi lời nói hai lưỡi.
  2. Chưa từng phá hoại quyến thuộc người khác.
  3. Thấy bè bạn người khác thì thay họ vui mừng.
  4. Chẳng bỏ tâm đạo, đồng thời giáo hóa người khác khiến họ phát ý đạo.

Đó là bốn việc.

Bồ-tát có bốn việc ý rộng vô cực. Những gì là bốn?

  1. Tâm ấy thanh tịnh mà không dua nịnh.
  2. Trừ ái dục cực nặng, ở chỗ trung gian mà không chán mệt.
  3. Chí nguyện ở pháp yếu thậm thâm vi diệu.
  4. Gốc ngọn của tất cả các pháp đều rỗng không.

Đó là bốn pháp Bồ-tát được ý rộng vô cực.

Đến đây, thần Vô Thiện Yến Cư cùng ba vạn hai ngàn quyến thuộc đều dùng vô số chủng loại, tám ngàn hoa trời tung lên trên Đức Thế Tôn, dùng kệ khen rằng:

Loài người ở mười phương
Chẳng có thể lường xét
Khoảng thời gian giây lát
Cúng dường Đức Thế Tôn.
Giả sử người mười phương
Cúng dường tất cả đức
Ở tại trăm ngàn kiếp
Bố thí tâm bình đẳng.
Lòng từ chẳng thể sánh
Thực hành phước thương xót
Tịch nhiên rất ứng hợp
Đâu cúng dường báo đáp?
Đó là những phụng sự
Cúng dường Phật mười phương
Phát tâm không đồng đẳng
Trụ Chánh đế ứng hợp.
Ở đây con tự tại
Lập chí, không dua nịnh
Bản vô đã hiểu rõ
Phật đạo, tự được thành.
Đấng Nhân Tôn thương xót
Ba cõi, chứng ngã không
Mười lực thô đạt ngã
Hiểu tâm tánh hạnh con.
Nhu nhuyến không khiếp nhược
Lìa khỏi các kinh sợ
Bố thí giới thù thắng
Trì giới và nhẫn nhục
Tinh tấn với ý thiền
Vì ứng trụ trí tuệ
Thuận theo tâm từ mẫn
Thường giữ chí thành kính.
Chẳng vì con, thêm thương
Chẳng nhận sự thọ ký
Nhân Tôn con đảm đương
Riêng được Phật thọ ký
Chí con chẳng nghi ngờ
Là chẳng thành tự tại
Con rõ hết, rốt cùng
Ở đạo chí thanh tịnh.
Khi Đấng Nhân Tôn cười
Nguyệt Anh liền hỏi rằng.
Nay sao cười rạng rỡ?
Xin bậc Thánh giảng nói
Khi hóa độ, bảo rằng:
Nguyệt Anh lắng nghe kỹ
Tu sở dĩ hiện lên
Phóng vì ánh sáng lớn
Vì tùy hỷ Yến Cư
Chí nguyện tôn Đại đạo
Ba vạn hai ngàn người
Tùy tùng và quyến thuộc.
Trong số kiếp trăm ngàn
Thường hành đạo Bồ-tát
Tất cả chí tương đồng
Sẽ được đạo thành Phật
Sẽ cúng dường Thế Tôn
Nhiều như cát sông Hằng
Nhân dân được khai hóa
Số ấy lại nhiều hơn.
Kiếp ấy tên Hoan hỷ
Danh hiệu Tịnh Phục Tịnh,
Được Phật Ly Tịch Trần
Hiểu rõ không lo ngại
Yến Cư Quảng Phổ nầỵ
Sẽ được làm Pháp vương
Vượt trên lực tinh tấn
Hiệu là Đê Phiến Tràng.
Thế giới ấy tên gọi
Hân lạc nhân trang nghiêm
Nhật thực nhiều thừa thải
Ví như trời Đâu-suất
Tuổi thọ Đức Phật ấy
Bảy mươi ức vạn năm
Đầy đủ sáu mươi ức
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Còn các chúng Bồ-tát
Số hơn tám trăm ức
Trụ vững ở Tổng trì
Đã nghe đều thông suốt
Kia ở kiếp Hoan hỷ
Hiệu là Tịnh Phục Tịnh
Đều do sánh như vậy
Sẽ thành Phật đạo tồn
Khai hóa trăm ngàn người
Khiến trụ đạo Thế Tôn
Quán đủ đức thù thắng
Là đạo tâm Bồ-tát.
Yến Cư Vô Thiện thần
Nghe Đức Phật thọ ký,
Đại chúng bốn ngàn muôn
Đều phát tâm Bồ-tát
Chấn động ba ngàn cõi
Hoa trời rền mưa xuống
Hay thay! Nắm giữ đức
Giữ gìn ý và tâm.

Phẩm 13: VUA RỒNG VÔ PHẦN ĐƯỢC THỌ KÝ

Bấy giờ, vua rồng Vô Phần bạch Đức Phật rằng:

-Tất cả các pháp đều không chỗ trụ, cũng không có người thì sao có thọ ký? Ai sẽ thành tựu đạo Vô thượng chánh chân làm Tối chánh giác?

Đức Phật đáp:

-Đúng vậy! Đúng như lời nói của ông! Tất cả các pháp đều không chỗ trụ, cũng không có người. Tất cả các pháp cũng như vậy. Kẻ phàm phu ngu muội trụ nơi điên đảo, ngã, ngã sở, nhân, vô nhân, khởi lên tưởng về nhân.

Bồ-tát phát lòng đại Bi vì muốn trừ điên đảo, khử bỏ ngã, ngã sở, nhân nên mặc áo giáp giác đức. Những vị Chánh sĩ này hiểu rõ các pháp không ngã, ngã sở, nhân, nhưng vì khai hóa dẫn dụ nên trụ ở ngã, ngã sở, nhân, mạng, liên hệ đến lời nói của ông, ai được thọ ký? Các ông lý giải được con người rỗng không, vô ngã thì đã được thọ ký, quán tất cả các pháp bình đẳng… tịch tĩnh tức là thọ ký. Các cõi Phật bình đẳng… mà không chấp thủ, lòng thanh tịnh không cấu bẩn tức là thọ ký. Trí tuệ quan sát các Đức Phật… đạo của chư Phật chẳng hoại pháp giới tức là thọ ký. Đối với các ma… tất cả ma đối với trần hay vô trần hiểu rõ gốc của tâm rồi tức là thọ ký. Không danh, không tướng, không có sự ứng hợp nào chẳng ứng hợp, không niệm gì chẳng niệm, chẳng thọ, chẳng xả tức là thọ ký.

Đức Phật nói với Long vương:

-Ý thức của tâm ấy không chỗ trụ lập tức là thọ ký. Các pháp như vậy do không nhân duyên, các pháp vốn chân thật. Hiểu rõ các pháp bình đẳng không khác thì thành đạo Vô thượng chánh chân. Tìm cầu rốt ráo vốn không có thọ ký và thành Phật đạo, hoặc đang thọ ký hoặc thọ quyết rồi. Vì sao? Vì các pháp không hình dáng, gốc ngọn đều đoạn dứt hết đều không có chủ. Tất cả các pháp theo nhân duyên chuyển biến.

-Các pháp như hư không, không từ tướng sinh vậy.

-Các pháp không từ tướng sinh, không chỗ tướng đến.

-Các pháp không từ đâu đến, suy xét thì vốn rỗng không vậy.

-Các pháp không chỗ đến do chưa phát khởi vậy.

-Các pháp không chỗ trụ, chẳng có xứ sở vậy.

-Các pháp đều rỗng không do không thân

-Các pháp không chấp trước do không nương tựa.

-Các pháp không chỗ nương tựa nên chẳng động.

-Các pháp chẳng thể động vì không xứ sở.

-Các pháp tự nhiên không ngôn giáo.

-Các pháp không ngôn giáo vì không sắc tướng.

-Các pháp không sắc tướng vì không ý nghĩ.

-Các pháp không niệm vì không nhân duyên.

-Các pháp không nhân duyên nên không vận hành.

-Các pháp không vận hành do tịch nhiên.

-Các pháp tịch nhiên nên không chấp ấm.

-Các pháp không chấp ấm vì vốn thanh tịnh rỗng không.

-Các pháp thoát khỏi tướng vì không hai.

-Các pháp không hai.

-Các pháp là không hai vì vốn là một.

-Các pháp vốn là một nên lìa khỏi số lượng.

-Các pháp bình đẳng không sai khác vì giác ngộ bình đẳng.

Đức Phật nói với Long vương:

-Hiểu các pháp… không thọ ký thì chẳng thành Đẳng giác, vả lại, quan sát như vậy thì Như Lai hưng khởi Từ bi vô cực kiên cố và sức khuyến hóa các Bồ-tát. Như vậy, các pháp dùng vô lượng số là vì người giải nói, nhóm họp nên có số, đối với các pháp quán, không có pháp giải thoát người, cũng chẳng độ. Người như pháp thì người cũng “Như”, đạo cũng “Như”, Phật cũng “Như”, thọ ký cũng “Như”, các pháp cũng “Như”, vậy nên nói rằng Như Lai thấu rõ đến bản vô, trụ ở bản vô mà chẳng thể động nên nói rằng, bản vô vốn không hình tượng, vốn không hoại.

Hiểu rõ bản vô nên nói rằng Như Lai. Vì là Như Lai nên trụ bình đẳng với bản vô. Các pháp trụ bình đẳng như bản vô. Đó là địa vị trụ bình đẳng của Như Lai. Nếu Bồ-tát nghe lời nói đó chẳng sợ chẳng kinh, chẳng cho là khó mà nên đem địa vị trụ bình đẳng của Như Lai vì người giải nói.

Khi Đức Phật nói điều đó, ba ngàn Bồ-tát đều được pháp nhẫn, vua rồng A-nậu-đạt rất vui mừng, dùng chuỗi ngọc trắng giá trị tương đương cả cõi đời này dâng lên Đức Phật.

 

Phẩm 14: NỮ BẢO CẨM ĐƯỢC THỌ KÝ

Bấy giờ, Long vương có công chúa tên là Bảo Cẩm Ly Cấu Cẩm, đoan chánh đẹp đẽ, dung nhan tinh anh diễm lệ cùng với hàng vạn phu nhân của loài rồng đều dùng tay phải cầm chuỗi ngọc, một lòng chiêm ngưỡng Đức Phật chưa hề chớp mắt, lễ Đức Phật rồi an trụ.

Công chúa Bảo Cẩm và hàng vạn phu nhân đem chuỗi ngọc dâng lên Đức Phật Thế Tôn, đồng thanh khen rằng:

-Hôm nay, chúng con đều đồng tâm phát ý đạo Vô thượng chánh chân. Đời sau chúng con được làm Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, chúng con sẽ nói kinh pháp, hộ trì chúng Tăng như Đức Như Lai hôm nay.

Đến đây, Hiền giả Đại Ca-diếp nói với công chúa và các phu nhân rằng:

-Vô thượng Chánh giác rất khó đạt được, thân nữ thì không thể được thành Phật đạo!

Long nữ Bảo Cẩm nói với Tôn giả Đại Ca-diếp rằng:

-Tâm chí vốn tịnh, hành đạo Bồ-tát thì được làm Phật không khó! Việc phát tâm đạo thành Phật đó như quan sát lòng bàn tay! Vừa dùng khả năng phát khởi những tâm thông tuệ thì liền nhiếp lấy tất cả Phật pháp.

Long nữ Bảo Cẩm nói với Tôn giả Ca-diếp:

-Lại như điều Tôn giả nói, chẳng thể bằng thân nữ mà được thành Phật đạo, thì thân con trai cũng chẳng thể được. Vì sao? Vì tâm đạo ấy thì không nam không nữ. Như Đức Phật đã nói, suy xét đối với mắt thì không nam, không nữ, tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng như vậy không nam, không nữ. Vì sao?

Thưa Tôn giả! Vì mắt rỗng không, xét mắt đã rỗng không thì không nam, không nữ. Tai, mũi, miệng, thân, tâm đều rỗng không. Như vậy hư không và tịch tĩnh không nam, không nữ. Nếu có thể hiểu rõ, phân biệt cái gốc của mắt thì gọi là đạo. Tai, mũi, miệng, thân tâm cũng lại như vậy, suy xét đối với đạo thì không có pháp nam, nữ. Vậy nên, thưa Tôn giả Ca-diếp! Lại như các pháp đều ở tại tự nhiên, đạo cũng tự nhiên, tôi cũng tự nhiên.

Tôn giả Ca-diếp hỏi Long nữ:

-Nàng chính là đạo sao?

Long nữ đáp rằng:

-Thưa Tôn giả! Tôn giả cho là tôi chẳng phải là đạo ư?

Tôn giả Ca-diếp đáp rằng:

-Tôi chẳng phải Phật đạo mà chính là Thanh văn vậy!

Long nữ lại hỏi rằng:

-Ai khai hóa cho ngài?

Đáp rằng:

-Đức Như Lai!

Long nữ nói rằng:

-Giả sử Đức Như Lai chẳng thành Chánh giác thì có thể khai hóa cho Trưởng lão chăng?

Đáp rằng:

-Chẳng thể vậy!

-Vậy nên, Tôn giả nên biết rằng, ngay đó tức là đạo, không gì chẳng giác ngộ đạo!

Tôn giả Ca-diếp hỏi Long nữ rằng:

-Ngược lại là đạo ư?

Đáp rằng:

-Vâng, thưa Tôn giả Ca-diếp! Trái ngược tức là Đạo! Tại sao? Vì khác bản tịnh có thể hiểu rõ! Đạo thì không hiểu trái ngược. Trái ngược bản tịnh thì gọi là Đạo. Rỗng không là vốn không, phân biệt các trái ngược thì gọi là đạo. Giả sử các pháp có hợp có tan thì chẳng phải đạo vậy. Tất cả pháp bình đẳng thuận theo, ứng hợp thì mới là đạo.

Tôn giả Ca-diếp hỏi Long nữ rằng:

-Ai đem biện tài như thế này cho nhau?

Long nữ đáp rằng:

-Tôn giả Ca-diếp cho tôi biện tài! Vì giả sử Tôn giả chẳng hỏi đến tôi thì tôi nương vào cái gì mà phát khởi biện tài? Ví như Tôn giả Ca-diếp không có kêu lên thì nhờ vào đâu có tiếng vang đáp lại. Giả sử Tôn giả không hỏi về nghĩa Bồ-tát thì không có nhân duyên phát khởi biện tài.

Tôn giả Ca-diếp hỏi Long nữ:

-Nhân giả cúng dường được bao nhiêu Đức Phật?

Long nữ đáp rằng:

-Như Tôn giả đã đoạn trần lao rồi chứ?

Tôn giả Ca-diếp đáp:

-Tôi chẳng đoạn trần lao!

Long nữ lại hỏi:

-Tôn giả vẫn có trần lao nhơ uế sao?

Tôn giả Ca-diếp đáp rằng:

-Tôi không có trần lao, cũng chẳng đoạn vậy.

Long nữ lại hỏi rằng:

-Các trần lao đặt ở đâu?

Đáp rằng:

-Chẳng khởi, chẳng diệt, cũng không chỗ đặt! Hiểu được như đây là như bản vô vậy!

Lại hỏi:

-Bản vô chắc có thể biết sao?

Đáp rằng:

-Chẳng biết vậy!

Lại hỏi:

-Vì sao Tôn giả nói rằng, tuệ ấy như đạo, như sở tri, sáng tỏ vô vi, biết như đây là như hiểu được bản vô. Vậy nên gọi là tuệ cùng phàm phu bình đẳng.

Lại hỏi Long nữ rằng:

-Biện luận của Nhân giả là đoạn dứt tất cả lời nói?

Đáp rằng:

-Tôi không có cái để đoạn, cũng không có lời nói! Vì sao? Vì pháp giới không có cái để đoạn. Tất cả điều nói ra đều ứng với pháp giới.

Tôn giả Ca-diếp lại hỏi Long nữ rằng:

-Chúng ta đối với pháp phàm phu chắc chẳng có gì nghi ngờ ư?

Long nữ đáp rằng:

-Giả sử lập pháp tuệ phàm phu của Tôn giả đều khác thì tôi sẽ có nghi ngờ. Tôi gọi Tôn giả là phàm phu không khác, do vậy không nghi ngờ. Các pháp đều bình đẳng, không có nhiều nên đó gọi là bình đẳng. Như hư không thì đó gọi là bình đẳng.

Lại hỏi Long nữ rằng:

-Nàng đối với phàm phu ngang bằng Hiền thánh sao?

Đáp rằng:

-Tôi chẳng phàm phu, cũng chẳng phải Thánh hiền. Vì sao? Vì giả sử thân chúng tôi bình đẳng với phàm phu, chẳng hành đạo Bồ-tát mà giả sử bình đẳng Hiền thánh thì đoạn dứt Phật pháp.

Lại hỏi Long nữ rằng:

-Giả sử nàng chẳng bình đẳng như phàm phu, cũng chẳng bình đẳng Thánh hiền thì chắc bình đẳng với Đức Phật ư?

Long nữ đáp rằng:

-Chẳng như vậy! Vì sao? Vì thân tôi vốn chẳng bình đẳng đối với Phật pháp.

Lại hỏi Long nữ rằng:

-Giả sử nàng bình đẳng đối với Phật pháp thì chắc nàng đạt được Phật pháp rồi ư?

Long nữ đáp rằng:

-Tôn giả là bậc Trưởng lão, chắc Tôn giả tin Phật pháp có duyên quá khứ, vị lai và hiện tại sao? Có phương tiện ư? Có chỗ ở xanh vàng, đỏ, trắng, đen chăng?

Đáp rằng:

-Pháp của các Đức Phật không có hình mạo!

Long nữ đáp rằng:

-Giả sử pháp của chư Phật không có hình mạo thì sao theo tôi mong cầu?

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

-Phật pháp phải cầu ở đâu?

Đáp rằng:

-Phải ở trong sáu mươi hai kiến mà cầu?

Lại hỏi:

-Sáu mươi hai kiến phải cầu ở đâu?

Đáp rằng:

-Phải ở trong giải thoát của Như Lai mà cầu!

Lại hỏi:

-Giải thoát của Như Lai phải cầu ở đâu?

Đáp rằng:

-Phải ỏ trong ngũ nghịch mà cầu!

Lại hỏi:

-Ngũ nghịch phải cầu ở đâu?

Đáp rằng:

-Phải ở độ tri kiến mà cầu!

Lại hỏi:

-Lời nói này nghĩa là sao?

Long nữ đáp rằng:

-Không trói, không mở, không chấp thủ, không xả bỏ… đây là căn bản thanh tịnh. Đó là lời dạy sâu sắc của các pháp, chẳng phải ngần ấy lời nói.

Lại hỏi Long nữ rằng:

-Lời dạy đó chẳng trái lời nói của Đức Như Lai ư?

Long nữ đáp rằng.

-Đó là lời nói chân thật, chẳng bị trái lỗi với lời dạy của Đức Như Lai. Vì sao? Vì đạo của Như Lai không có chứng đắc, cũng không thể nắm giữ, cũng không lời nói. Tất cả lời nói ra đều là âm thanh vậy. Hiểu rõ gốc đạo cũng không âm thanh.

Thưa Tôn giả! Hiểu thấu đạo tịch nhiên không dấu tích. Vì gọi là dấu tích mà tự vướng vào dấu tích.

Tôn giả Ca-diếp lại hỏi:

-Giả sử đạo không dấu tích, như vậy so sánh với nhau sao gọi là thành Tối chánh giác?

Đáp rằng:

-Cũng chẳng từ thân, cũng chẳng từ ý mà được thành Tối chánh giác! Vì sao? Vì thân tâm tự nhiên mới thành đạo vậy. Tự nhiên ấy thì đều không giác ngộ. Tôi tức là đạo, chẳng vì là đạo mà thành Tối chánh giác.

Tôn giả Ca-diếp hỏi Long nữ rằng:

-Nhân giả thiết lập đạo này, sao chẳng chuyển bánh xe pháp?

Long nữ đáp rằng:

-Tôi chuyển bánh xe pháp vậy!

Tôn giả Ca-diếp hỏi rằng:

-Nhân giả chuyển bánh xe pháp thuộc loại nào?

Long nữ đáp rằng:

-Bánh xe không động, xa lìa tất cả những sự nương trụ. Pháp luân ấy gọi là Pháp giới trụ. Cái vốn không pháp luân là thuận với bản vô vậy.

Không đoạn dứt pháp luân là như vốn trụ thanh tịnh vậy.

Không chấp trước pháp luân là hiểu rõ tất cả các pháp, không chấp trước vậy.

Không có hai pháp luân là bình đẳng với tất cả pháp.

Không ngần ấy pháp luân là nhẫn một hạnh.

Pháp luân vô ngôn là hóa hiện các âm thanh đều không có tưởng, vào một vị.

Pháp luân thanh tịnh là tất cả không trần cấu.

Đoạn dứt các “pháp luân bất điều” là chẳng còn hữu thường, vô thường.

Pháp luân không loạn là giỏi quan sát báo ứng.

Pháp luân chí thành là không khởi, không diệt.

Pháp luân không vô là vô tướng, vô nguyện vậy.

Thưa Tôn giả Ca-diếp! Pháp luân đã như vậy thì chuyển chỗ nào?

Tôn giả Đại Ca-diếp nói rằng:

-Như biện tài của Nhân giả thì chẳng bao lâu sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân làm Tối chánh giác!

Long nữ đáp rằng:

-Giả sử khi ngài Ca-diếp thành Tối chánh giác thì tôi cũng sẽ thành Tối chánh giác.

Tôn giả Ca-diếp đáp rằng:

-Tôi nhất định chẳng được thành Tối chánh giác!

Long nữ đáp rằng:

-Rõ Pháp thân như vậy thì đạo trụ ở không chỗ trụ, không thể được đạt thành Tối chánh giác!

Khi Long nữ nói lời đó, năm trăm vị Bồ-tát chứng được Pháp nhẫn, đồng thời được Đức Phật khen rằng:

-Hay thay, hay thay! Ngươi nói pháp này hay lắm!

Bấy giờ, trong chúng hội trời, rồng, quỷ thần, thần Vô Thiện, thần Hương Âm… tự nghĩ: “Long nữ Bảo Cẩm đó khi nào sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân làm Tối chánh giác”?.

Đức Phật biết ý nghĩ của các trời, rồng, thần, thần Hương Âm… nên bảo các vị Tỳ-kheo rằng:

-Long nữ Bảo Cẩm này sau ba trăm lần chẳng thể kể kiếp sẽ được làm Phật hiệu là Phổ Thế Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thế giới tên là Quang minh, kiếp là Thanh tịnh. Ánh hào quang của Đức Như Lai ở thế giới Quang minh ấy luôn rất sáng. Đức Phật có chín mươi hai ức Bồ-tát và Ngài sống lâu mười tiểu kiếp.

Đến đây, một vạn hoàng hậu của vua rồng bạch Đức Phật rằng:

-Khi Đức Như Lai Phổ Thế được làm Phật thì chúng con nguyện vãng sinh về nước đó.

Đức Phật liền thọ ký cho họ sẽ vãng sinh về nước ấy.

 

Phẩm 15: TRỜI ĐẾ THÍCH

Bấy giờ, trời Đế Thích bạch Đức Thế Tôn rằng:

-Trời Đao-lợi này thường ôm nạn sợ sệt thần Vô Thiện. Khi trời cùng với thần Vô Thiện chiến đấu, tranh nhau mang sự oán kết ấy đều có mầm độc sân hận. Nguyện xin Đức Thế Tôn thương xót chúng sinh! Nhân các thần Vô Thiện đều đến trong hội với chư Thiên của cõi Đao-lợi, xin Ngài khiến chọ họ hòa thuận với nhau!

Đức Phật bảo thần Vô Thiện Yến Cư, thần Vô Thiện Cuống Trá Siêu Độ Ly Cấu Cẩm rằng:

-Này các ông! Lòng nhân từ ấy các Đức Phật đã ngợi khen! Người hay làm nhân từ thì đời này và đời sau được đầy đủ lợi ích. Thân mạng ấy rất ngắn, rồi sẽ đến đời sau, hội hợp thì có chia ly, đất nước giàu sang đều về với vô thường, thân của các ông cũng chẳng khỏi hoạn nạn này!

Phải quán sát đến đời sau mà hòa thuận đồng lòng, không được ôm sân hận! Tạo tội phước là sự đáp lại của nhân duyên.

Đến đây, Đức Thế Tôn vì họ nói lên lời Từ bi thắm thiết khiến cho thần Vồ Thiện và trời Đao-lợi đều hòa giải với nhau. Họ đều tự nói rằng:

-Bắt đầu từ hôm nay, chúng con sẽ là thân hữu hòa thuận với hành động bình đẳng đều mang lòng từ xót thương, không có ý sân nhuế!

Đức Phật dạy rằng:

-Hay thay, hay thay! Hành động các ông chính là cúng dường Như Lai bậc nhất! Vì các ông thực hành lòng từ vậy!

Khi Đức Phật nói lời nói đó là đã dạy họ tạo ra phước hòa thuận, chẳng tranh cãi. Đó gọi là Tam-muội Từ tâm. Có bốn việc tôn kính Như Lai? Những gì là bốn?

  1. Chẳng trái phạm giới.
  2. Thân, miệng, ý Bi.
  3. Chẳng đoạn dứt Tam bảo, chí nguyện ở Phật đạo.
  4. Theo đúng như pháp đã nghe mà vì người giảng nói.

Đó là bốn việc tôn kính Như Lai, là cúng dường vậy.

Đến đây, hai vạn ba ngàn chư Thiên, thần Vô Thiện ở trong hội, nghe nói lời này đều phát ý đạo Vô thượng chánh chân.

Pages: 1 2 3 4