KINH HẮC THỊ PHẠM CHÍ

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa bên bờ sông Ni-liên. Phật ở đó một tháng, biến hóa mười tám lần độ ba anh em Ca-diếp và ngàn đệ tử.

Phật quay sang du hóa đến thành La-duyệt-kỳ, dừng lại một năm thuyết pháp chỉ dạy cho dân chúng trong nước, lúc đó mới thành Phật hai năm, rồi đến nước Xá-vệ, mở rộng và làm cho hưng thịnh đạo, mở bày cứu độ trời, người, thế gian, dân chúng. Khi ấy, ở Hương sơn có Phạm chí tên là Ca-la, chứng được bốn thiền, đầy đủ năm thông, thấy nghe thấu suốt, thân có thể bay đi, tự mình xem xét tâm niệm, biết rõ kiếp sau của người. Phạm chí giảng thuyết nghĩa kinh, cảm động các trời Đế Thích, Phạm thiên và Tứ Thiên vương, các hàng Quỷ, Thần, Rồng, Diêm-la vương đều đến nghe kinh, lời nói của Phạm chí thanh nhã, âm thanh dịu dàng, giống như Phạm âm. Ngày ngày Phạm chí luôn suy nghĩ đến việc thọ nhận, không vì việc đó mà lười biếng, danh tiếng thấu tận phương xa, khắp nơi quy tụ nghe đạo.

Bấy giờ, vua Diêm-la đang ngồi nghe kinh pháp, mà nước mắt đổ như mưa. Phạm chí đưa mắt xem kỹ, sự than buồn đó có dụng ý gì. Khi ấy, Phạm chí mới hỏi vua Diêm-la:

–Vì sao ông khóc, nước mắt đổ như mưa?

Diêm-la đáp:

–Sự việc đúng như thật, không thể nói dối. Nay thầy nói kinh nghĩa lý sâu diệu, lời lẽ sắc bén giống như hoa sen, sáng như ngọc minh nguyệt, nhưng thân mạng của thầy thì sắp hết, chỉ còn hơn bảy ngày nữa. Bỗng nhiên tôi lo sợ tội lỗi đến đến đời sau, cho nên không kìm chế được, phải than khóc. Lại nữa, mạng thầy sẽ bị đọa xuống địa ngục, ngay trong bộ giới của tôi.

Hôm nay, tôi đến đây, một lòng thọ pháp, nhưng lại phải bắt thầy, tra khao năm loại cực hình, suy nghĩ việc này lại càng thêm lo, không thể hiểu rõ được.

Phạm chí trong lòng ngạc nhiên, trầm ngâm, rồi nói với vua Diêm-la:

–Ta chứng được bốn thiền, thành tựu năm thần thông, một mình đi trong bốn cõi, vượt hơn trời Phạm thiên, không bị ngăn ngại, không có tội lỗi gì để khiển trách. Nguyên nhân nào ta phải đọa vào địa ngục Diêm giới?

Diêm vương thưa:

–Khi tuổi thọ hết, lúc sắp chết, điều ác sẽ khởi lên, nào sân, si, oán giận. Do cái hại của ý ham muốn, làm mất ý nghĩa những hạnh vốn đã làm, cho nên thầy sẽ đi tới Diêm giới.”

Phạm chí nghe nói như vậy, hoảng hốt lo âu, không biết kế gì, sắp bày phương tiện gì để cứu nạn này, ông âu sầu buồn chán, trong lòng nóng như lửa đốt, than ngắn thở dài ngồi đứng không yên. Các trời Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương và các thần hỏi:

–Ôi, chuyện gì làm thầy không an ổn, mà thở dài vậy?

Phạm chí đáp:

–Mạng sống của ta sắp hết, còn có bảy ngày nữa thôi. Vả lại, nếu đối đầu với việc ác, tâm thiện của ta sẽ loạn. Vấn đề là như vậy, nên ta lo sợ trở lại con đường ác. Đúng là sự việc trái ngang ta không tự thắng mình.

Bấy giờ, ở Hương sơn, có một số thần hiền lành đến chỗ Phật học hỏi, lãnh nhận kinh điển, họ bảo Phạm chí:

–Đạo Phật hưng thịnh ở đời, thầy không biết sao?

Phạm chí đáp:

–Thân ta chìm đắm nơi cõi người, lam sao biết được.

Các vị thần lại nói:

–Phật vì cứu độ tất cả ba cõi, nên sẽ độ những người chưa được độ, cứu thoát ai chưa được cứu thoát, đem an vui cho những ai chưa được an vui, tất cả đều được cứu độ để vượt qua nguy ách, khiến đến đạo vô vi, vĩnh viễn lang yên. Sao thầy không đến chỗ Phật, có thể giải tỏa được ưu tư lo lắng, được yên ổn lâu dài, không lo sợ, để cho đạo đức cùng nối kết nhau.

Phạm chí nghe nói như vậy, lòng vô cùng vui mừng, như tối được thấy sáng, cả hai tay, một tay cầm cây Ngô đồng, một tay cầm cây Hợp hoan nở hoa tươi đẹp (cây cát tường) rồi bay đến chỗ Phật. Trong thời gian Phạm chí chưa đến, Phật bảo Ma-di: “Thế Tôn vì lòng lành rộng lớn, cứu tất cả những nỗi buon khổ, độ tất cả mọi loài, chưa từng quên bỏ.”

Bấy giờ, Phật nói tụng:

Sóng nước đập vào bờ
Chưa từng vượt lên trên
Có lúc thần nước loạn
Vỗ đập chảy vào bờ.
Theo cái nhìn vốn không
Phật xét người đáng độ
Cố sức độ được hết
Trọn không hề bỏ qua.

Lúc đó, Phạm chí bay đến chỗ Phật, đứng giữa hư không hướng về Phật.

Phật bảo Phạm chí Hắc Thị:

–Hãy buông bỏ, buông bỏ.

Phạm chí vâng dạ, làm theo lời Thế Tôn dạy, liền cắm cây Ngô đồng cầm ở tay phải về bên phải Đức Phật. Đức Phật bảo Phạm chí:

–Hãy buông bỏ, buông bỏ.

Phạm chí liền cắm cây Hợp hoan cầm trên tay trái qua bên trái Đức Phật. Đức Phật lại bảo lần nữa:

–Hãy buông bỏ, buông bỏ.

Phạm chí thưa:

–Tôi chỉ có hai cây, bỏ bên trái, bên phải Phật, tay không mà đứng, buông bỏ gì nữa?

Phật bảo Phạm chí:

–Phật không bảo buông bỏ vật ở trong tay mà Phật bảo buông bỏ cái đối tượng ở trước mặt cũng như sau lưng và chính giữa, khiến không còn nơi chốn thì mới vượt qua các hoạn nạn sinh tử. Do đó, Phật nói tụng:

Ông nên bỏ nguồn gốc
Cũng bỏ luôn cái ngọn
Không ở giữa, nơi chốn
Mới vượt qua sinh tử.
Trong, không có sáu nhập
Ngoài, đoạn không chấp cảnh
Nơi sáu căn từ bỏ
Mau chóng thành vô vi.

Phạm chí Hắc Thị nghe Phật nói như vậy, lòng tự suy nghĩ: “Không thấy ta biết có ta, biết rõ được tâm là vô tâm, vốn không có bệnh và thuốc. Tâm hẹp hòi được mở rõ, như mắt tối được sáng, như tai điếc nghe được, rõ ràng là người thấy, đúng là bậc Nhất thiết trí. Nay ta đã thấy đức hạnh của Phật là không thể lường.”

Phạm chí Hắc Thị liền hạ xuống, đến chỗ Phật cúi đầu dưới chân, rồi lui đứng một bên. Phật biết bản tâm của Phạm chí Hắc Thị mà phân biệt giảng nói, hiển bày đạo tràng, diễn nói về ba giải thoát môn. Ngay tức thời, Phạm chí Hắc Thị đạt quả vị bất thoái chuyển, không có sầu lo, ca ngợi công đức của Phật bằng kệ:

Ánh sáng như nhật nguyệt
Trí tuệ như biển lớn
Lòng thương không bến bờ
Mười phương điều tôn kính.
Chúng sinh trôi ba cõi
Trăm ngàn vạn ức lần
Tùy bệnh cho thuốc pháp
Xứng đáng đại biện tài.
Tuy hiện trong sinh tử
Xong rồi không trở lại
Khuyến hóa cho tinh tấn
Tội phước không thay đổi.
Nỗ lực siêng, tinh tấn
Chớ vì dục thiêu đốt
Hàng phục được bốn ma
Đạo Thánh không ngăn ngại.

Phạm chí bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Sự mê lầm của con quá lâu ngày, giờ đã hết. Nay xin Đức Thế Tôn thương xót, cho con được làm Sa-môn!

Đức Phật vừa đồng ý thì tóc trên đầu Phạm chí tự rơi xuống, thân mặc ca-sa, oai nghi tề chỉnh. Sau đó, biến lại thành Phạm chí đi đến chỗ Diêm vương và nói:

–Trước ông bảo ta mạng sống còn có bảy ngày rồi sẽ đọa nơi địa ngục. Nay ta làm Sa-môn thần thông đầy đủ, các lậu hoặc đã dứt hết, độ thoát bốn độc, các khổ đã vĩnh viễn trừ bỏ, giống như ngôi nhà to lớn, nhất thời tuổi thọ hơn bốn mươi chín ngày, các khổ đã tiêu, vượt ngoài những học thuật khác, tự tại ở đời, trải vô số kiếp.

Diêm vương đáp:

–Nhân giả dư phước, được gặp Phật đúng thời, Đức Thế Tôn tùy bệnh truyền pháp, diệt được dâm dục, giận dữ, ngu si, thần thông đều đủ, trong ngoài không nghi ngờ. Nếu không có chuyện đó thì thầy như chuột gặp mèo, như lúa bị hạn hán, vướng mắc tội bị bắt như cá cắn câu, đọa trong địa ngục không có thời hạn ra ngoài. Nay thầy đã giải thoát vĩnh viễn, nhiều đời được vui vẻ.

Khi Diêm vương nói điều ấy, có vô số “Người” đều phát khởi ý đạo.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo, Bồ-tát, Phạm chí Hắc Thị, các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A-tu-la, người nơi thế gian đều vui vẻ làm lễ và lui ra.