KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Lời nói đầu
John Powers

Giải Thâm Mật, một trong những bộ kinh có ảnh hưởng vĩ đại nhất trong Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ, trình bày một kho tàng giáo lý phong phú đặt nặng trên phương diện triết lý và tu tập. Sự giải thích ý nghĩa của thắng nghĩa đế, A lại da thức (ālaya-vijñāna), và thuyết lý về Duy thức (vijñaptimātra) của nó, đã có một tầm mức ảnh hưởng vô cùng rộng lớn trong những quốc gia mà Phật giáo Đại thừa đã phát triển, bao gồm Ấn độ, Tây tạng, Mông cổ, Trung hoa, Đại hàn và Nhật bổn.

Những lời giảng dạy của đức Phật trong kinh cho thấy những nhận thức thường nhật và lối sống tập tục của chúng ta có một sự sai lầm căn bản. Trong khi triết lý truyền thống của Thiên chúa giáo cho rằng nguồn gốc của những phiền lụy của cuộc đời là tội nguyên (Anh: original sin), thì đức Phật, trái lại, dạy rằng vô minh, chứ không phải tội nguyên, mới là nguồn gốc đích thật của những phiền não của con người, bởi vì chính do vô minh mà chúng ta đã “vô tình” tạo tác những hành động gây thương tổn cho chính chúng ta và cho kẻ khác. Sự vô minh này đã che mờ tâm trí của tất cả phàm phu, và chỉ có thể thanh tẩy bằng những nỗ lực tu tập của từng cá nhân.

Kinh Giải Thâm Mật dạy chúng ta phương cách khai thác toàn diện thể lực và trí lực trong việc tu tập. Kinh này, toàn diện và đa diện, đã giảng giải chi tiết về thế giới quan, các giai bậc tu chứng, và những phương cách tu tập thiền định cần thiết cho sự chuyển hóa tâm thức, dù là đó là những vô minh vi tế nhất. Hành giả được hướng dẫn trên một lộ trình đưa đến sự quân bình tâm thức, trí tuệ thấu triệt chân tướng của sự vật, và thệ nguyện kiên cố đem lợi ích đến chúng sinh trong một tinh thần tuyệt đối vị tha.

Giống như nhiều bộ kinh khác, kinh văn tường thuật một loạt những nghi vấn và giải đáp giữa đức Phật và các đệ tử. Ngoại trừ trong đoạn văn đề cập đến ngài Tu Bồ Đề, tất cả những vị đệ tử đặt nghi vấn đều là các Bồ tát bậc cao. Những nghi vấn của họ và những lời giải đáp của đức Phật đạt đến tận cốt tủy của sự tu tập, hoặc những vấn đề được bàn luận, đã giải đáp trọn vẹn những ý nghĩa thâm sâu và vi tế.

Bối cảnh nơi đức Phật giảng pháp được mô tả là một cung điện vĩ đại bao trùm vô số cõi nước, được trang trí bởi những sự trang nghiêm siêu vượt tất cả mọi sự trang nghiêm. Cung điện vi diệu này phản ánh cảnh giới giác ngộ tối cao của đức Phật, và cũng phản ánh những thệ nguyện rộng lớn của những hành giả đã tu tập đến giai vị tối cao đến tham gia pháp hội.

Kinh văn có thể được phân làm năm phần. (1) Phẩm thứ hai, Đặc tính của thắng nghĩa đế, trình bày thắng nghĩa đế và phương cách để những hành giả tu tập có thể thấu hiểu. (2) Phẩm thứ ba, Đặc tính của tâm ý thức, phân tích tâm thức. (3) Phẩm thứ tư, Đặc tính của các pháp, và phẩm thứ năm, Vô tự tính, bàn luận về tính chất tương đối của hiện tượng và của sự tu tập, được nêu rõ bởi sự hiểu biết thấu đáo. (4) Con đường tu tập đưa đến sự chứng ngộ được trình bày trong hai phẩm thứ sáu, Phân biệt Du già, và phẩm thứ bảy, Địa và Ba la mật, chú trọng đến sự tu tập thiền định và phương pháp trừ diệt phiền não và chướng ngại đã làm xói mòn con đường tu tập. (5) Phẩm thứ tám, Thành tựu Phật sự, bàn luận về đặc tính của một vị Phật, mục tiêu tối hậu của sự tu tập thiền định.

(1) Trong phẩm thứ hai, Đặc tính của thắng nghĩa đế, Bồ tát Giải Thâm Mật nêu rõ Thắng nghĩa đế là “bất nhị và không thể nghĩ bàn.” Thắng nghĩa đế thẩm thấu tất cả sự vật, nhưng không thể được diễn tả bởi ngôn ngữ, hoặc tư duy bởi ý thức. Nó chỉ có thể được thể ngộ bởi các bậc thánh, là những bậc đã kiến đế và có thể trực nhận thắng nghĩa.

Kế đến, cũng trong phẩm này, Bồ tát Pháp Dũng trần thuật một buổi bàn luận của các ngoại đạo, mà ngài đã chứng kiến, về thắng nghĩa của sự vật. Ngài than phiền về những quan điểm dị biệt, những sự nghi ngờ, và những quan điểm sai lầm của họ, và tán thán sự thông đạt và chứng ngộ thắng nghĩa đế của đức Phật , là “siêu vượt tất cả sự tranh luận.” Để trả lời, đức Phật dạy rằng thắng nghĩa đế, chỉ được thể ngộ bởi từng cá nhân, là vô tướng, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, xa lìa tất cả hý luận, và siêu vượt tất cả mọi tranh luận. Những kẻ còn bám víu vào dục vọng, hý luận và những sự thấy nghe hiểu biết thông thường, cùng những kẻ còn vướng mắc trong sự tranh luận, không thể nào mường tượng được thắng nghĩa đế là gì.

Kế đến, Bồ tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ cho rằng ngay đến các vị Bồ tát cũng có bất đồng về thắng nghĩa đế: có vị cho rằng đặc tính của thắng nghĩa và của pháp hữu vi là đồng nhất, có vị cho rằng chúng là khác biệt. Bằng một chuỗi lý luận, đức Phật chứng minh rằng tất cả các nỗ lực phân loại đều dẫn đến sai lầm, bởi vì thắng nghĩa là “sâu xa và vi tế, có một đặc tính hoàn toàn siêu vượt hai sự đồng nhất và khác biệt.”

Thắng nghĩa cần phải được thật chứng bởi thiền định vượt ngoài tất cả sự phân loại giới hạn và méo mó. Trong phần kế tiếp, đức Phật đặt hai câu hỏi cho ngài Tu Bồ Đề: Có bao nhiêu người tự phụ trong việc trình bày những tâm đắc tu học của họ? Có bao nhiêu người không tự phụ? Ngài Tu Bồ Đề thuật lại ngài đã từng mục kích một nhóm tỳ kheo tụ tập, đều là những người tu tập có trình độ cao, trình bày những sự hiểu biết của họ về những đặc tính khác nhau của sự vật, chẳng hạn như năm uẩn, sáu nhập, và bốn thánh đế. Bởi vì những người này không thể ngộ được tính chất phổ biến đồng nhất của thắng nghĩa … cho nên đó là những người tự phụ.” Đức Phật dạy rằng thắng nghĩa, thẩm thấu tất cả mọi sự vật, và không thể phân biệt trong tất cả pháp hữu vi, là “một đối tượng tu tập quán sát để thanh tẩy các uẩn.”

(2) Dùng sự bàn luận về thắng nghĩa như một cơ sở, phẩm thứ ba, Đặc tính của tâm ý thức, cung cấp một sự phân tích về đặc tinh của tâm thức, để chỉ rõ hành giả phương cách, từ trạng huống tham, sân và si trong hiện tại, vượt lên đến quả vị Phật đà. Để trả lời những câu hỏi của Bồ tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ, đức Phật dạy rằng tâm thái và tình huống chúng ta trong hiện tại đều chỉ là nghiệp quả của những hành động của chúng ta trong quá khứ. Mỗi hành động và tư tưởng tạo thành một tiềm năng tương ưng, được ký thác vào tâm thức của chúng ta. Đức Phật chỉ rõ có một “tạng thức” tích chứa những tiềm năng này cho đến khi chúng có cơ hội phát sinh quả báo. “Bồ tát thông đạt ý nghĩa bí mật của tâm ý thức”, không phải chỉ vì họ biết rõ sự vận hành tiềm ẩn của tâm ý thức, mà còn bởi vì họ đã siêu vượt sự bám víu của tâm ý thức, dù vi tế nhất, vào những đối tượng của chúng.

(3) Trong phẩm thứ tư, Đặc tính của tất cả các Pháp, đức Phật dạy Bồ tát Đức Bổn rằng tất cả các pháp đều có ba đặc tính: biến kế sở chấp tính, y tha khởi tính và viên thành thật tính. Những đặc tính này được trình bày bởi những thí dụ, nhắc nhở chúng ta rằng đức Phật không phải chỉ trình bày một triết lý trừu tượng, mà là chỉ dẫn chúng ta cách nào để chuyển biến tâm thức hướng đến sự giải thoát.

Trong phẩm thứ năm, Vô tự tính, Bồ tát Thắng Nghĩa Sinh hỏi dụng ý của đức Phật khi giảng dạy “tất cả pháp đều không có tự tính, tất cả pháp đều không sinh, không diệt, xưa nay vốn tịch tĩnh, xưa nay tự tính vốn là Niết bàn.” Sự giải đáp của đức Phật tiết lộ thêm về bản tính của các pháp; và sự khác biệt giữa một ý nghĩa đích thực và những ý nghĩa được mường tượng bởi sự hiểu biết thông thường.

(4) Trong phẩm thứ sáu, Phân biệt du già, những nghi vấn của Bồ tát Di Lặc nêu lên, đều tập trung vào vấn đề tu tập xa ma tha và tỳ bát xá na, hai nền tảng của sự tu tập thiền định Phật giáo. Xa ma tha là một năng lực, được phát triển xuyên qua sự tu tập định tâm, tập trung tinh thần vào một đối tượng mà không bị xao động. Đây là sự cần thiết cho sự tu tập thiền định bậc cao, bởi vì nó ngăn ngừa không cho phiền não phát động. Tỳ bát xá na liên quan đến việc quán sát đối tượng để xác định bản tính chân thật của các pháp. Sự tu tập này quan hệ đến phẩm thứ hai, bởi vì bản tính của các pháp là thắng nghĩa, là một sự quân bình giữa chân như và tính không. Xuyên qua sự tu tập tỳ bát xá na, hành giả diệt trừ căn bản của phiền não, và có thể trực nhận thắng nghĩa. Ở đây, đức Phật dạy rằng những ảnh tượng mà chúng ta quán sát đều là “duy thức.”

Phẩm thứ bảy, Địa và Ba la mật, vạch ra con đường dẫn đến sự giác ngộ, trải qua mười địa, mà các hành giả Đại thừa phải tu tập. Mỗi địa xác định sự tiến bộ về trình độ hiểu biết và trình độ tâm linh. Người đặt nghi vấn ở đây là Bồ tát Quán Tự Tại, tiêu biểu cho lòng từ bi. Sự tu tập chính yếu là sáu Ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ – đều là cốt tủy của sự tu tập Bồ tát hạnh.

(5) Do lòng từ bi kích động, Bồ tát dấn thân không biết mệt mỏi, không hề ngừng nghỉ, trên con đường tu tập tâm linh. Thành quả tối hậu cho những nỗ lực tu tập này là Phật quả, đây là trung tâm điểm của phẩm thứ tám, Thành tựu Phật sự. Xuyên qua sự giải thích những nghi vấn của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi của đức Phật, chúng ta biết rằng một hành động tràn đầy vô lượng từ bi của đức Phật không cần phải biểu hiện [cho chúng sinh thấy]. Hơn nữa, không có một chúng sinh phiền não nào được thanh tịnh hóa, bởi vì “tất cả pháp phiền não và pháp thanh tịnh đều không có tác dụng (vô tác) và không có tự tính (vô tự tính).” Nghe được điều này, các Bồ tát có chí hướng, một lần nữa, được nhắc nhở rằng mục tiêu tối hậu của con đường tu tập thiền định phải được bắt đầu và chấm dứt bằng sự hiểu biết thấu triệt bản tính của thắng nghĩa đế.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10