KINH DUYÊN KHỞI THÁNH ĐẠO

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm mươi vị đại Tỳ-kheo và vô lượng chúng Đại Bồ-tát, cư ngụ tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo với đại chúng:

–Khi chưa chứng đắc Tam-bồ-đề, ta ngồi một cách an nhiên, tự tại ở nơi vắng vẻ, suy nghĩ: “Lạ thay! Thế gian chìm đắm trong bể khổ, đều không hiểu biết pháp xuất ly, thật đáng buồn thay. Nghĩa là, tuy có sinh có già có chết, mất nơi này sinh nơi khác, nhưng các hữu tình không thể biết một cách đúng như thật về pháp xuất ly khỏi sinh lão tử.”

Ta lại nghĩ: “Do đâu mà có già chết (lão tử), vậy già chết lại phát sinh từ đâu?” Khi theo lý suy nghĩ về việc ấy, ta liền sinh ra sự nhận xét một cách như thật như vầy: Vì có sinh nên mới có già chết; như vậy, già chết là do sinh làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có sinh? Vậy, sinh lại từ đâu mà có? Ta liền theo ý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét đúng đắn: Vì có hữu nên mới có sinh; như vậy, sinh là do hữu làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có hữu? Vậy, hữu lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét đúng đắn sau: Do có thủ nên mới có hữu; như vậy, hữu là do thủ làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có thủ? Vậy, thủ lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do có ái nên mới có thủ; như vậy, thủ là do ái làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có ái? Vậy, ái lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do có thọ nên mới có ái; như vậy, ái là do thọ làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có thọ? Vậy, thọ lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do có xúc nên mới có thọ; như vậy, thọ là do xúc làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có xúc? Vậy, xúc lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do có lục xứ nên mới có xúc; như vậy, xúc là do lục xứ làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có lục xứ? Vậy, lục xứ lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do có danh sắc nên mới có lục xứ; như vậy, lục xứ là do danh sắc làm duyên. Ta lại nghĩ: Do đâu mà có danh sắc? Vậy, danh sắc lại do đâu mà có? Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do có thức nên mới có danh sắc; như vậy, danh sắc là do thức làm duyên. Ta nghĩ tới thức, ý liền trở lại, không tiếp tục nữa. Ta cho rằng: Thức làm duyên mà có danh sắc, danh sắc làm duyên mới có lục xứ, lục xứ làm duyên mới có xúc, xúc làm duyên thọ, thọ làm duyên ái, ái làm duyên thủ, thủ làm duyên hữu, hữu làm duyên sinh, sinh làm duyên mà có già, chết, buồn rầu, đau khổ, phiền não phát sinh. Như thế, nhóm họp lại chỉ toàn là những đâu khổ lớn lao.

Ta lại nghĩ: “Vì không có nguyên nhân nên không có già chết; nguyên nhân diệt nên lão tử diệt theo.” Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có sinh nên không có già chết; do sinh diệt nên lão tử cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân nên không có sinh; nguyên nhân diệt nên sinh cũng diệt. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có hữu nên không có sinh; do hữu diệt nên sinh cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân nên không có hữu; nguyên nhân diệt nên hữu cũng diệt. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có thủ nên không có hữu; do thủ diệt nên hữu cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân nên không có thủ; nguyên nhân diệt nên thủ cũng diệt. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có ái nên không có thủ; do ái diệt nên thủ cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân gì nên không có ái; nguyên nhân gì diệt thì ái cũng diệt. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có thọ nên không có ái; do thọ diệt nên ái cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân gì nên không có thọ; nguyên nhân gì diệt nên thọ cũng diệt. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác rằng: Không có xúc nên không có thọ; do xúc diệt nên thọ cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân gì nên có xúc; nguyên nhân gì diệt nên xúc diệt theo. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có lục xứ nên không có xúc; do lục xứ diệt thì xúc cũng diệt. Ta lại nghĩ: Vì không có nguyên nhân gì nên không có lục xứ; nguyên nhân gì diệt thì lục xứ diệt theo. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Không có danh sắc nên không có lục xứ; do danh sắc diệt nên lục xứ cũng diệt. Ta lại nghĩ: Do không có nguyên nhân gì nên không có danh sắc; nguyên nhân gì diệt thì danh sắc diệt theo. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác rằng: Do không có thức nên không có danh sắc; do thức diệt nên danh sắc cũng diệt. Ta lại nghĩ: Do không có nguyên nhân gì nên không có thức; nguyên nhân gì diệt thì thức diệt theo. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác sau: Do không có hành nên không có thức; do hành diệt nên thức cũng diệt. Ta lại nghĩ: Do có nguyên nhân gì mà có hành; nguyên nhân gì diệt thì hành diệt theo. Ta liền theo lý suy nghĩ về việc này mà có nhận xét chính xác rằng: do không có vô minh nên không có hành, do vô minh diệt nên hành cũng diệt, do hành diệt cho nên thức diệt, do thức diệt cho nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục xứ diệt, do lục xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sinh diệt, do sinh diệt nên già chết, sầu buồn, đau khổ, phiền muộn đều diệt theo. Cứ như vậy, diệt trừ hoàn toàn mọi khổ đau lớn lao.

Ta lại nghĩ: “Ta nay chứng đắc được dấu vết của đạo xưa, đi theo con đường xưa, là dấu vết hành hóa từ xưa của các bậc Tiên đã đi qua.” Ví như có người đi giữa nơi rừng rậm hoang vắng nguy hiểm, đột nhiên bắt gặp dấu vết của đạo xưa, con đường xưa, là dấu vết hành hóa của các bậc tu tập từ xưa đã từng đi. Anh ta vội lần theo. Khi lần theo dấu vết, anh ta thấy thành quách xưa, nơi đóng đô của vua xưa. Nơi ấy có đủ vườn tược, ao rạch sạch sẽ, tươi tốt, thật đáng ưa thích. Thấy như vậy, anh ta suy nghĩ: Ta phải mau về báo cho vua biết việc này. Khi ấy, người nọ liền đến gặp vua, thưa: Đại vương! Đại vương nên biết! Do có việc đi ở nơi rừng rậm hoang vắng nguy hiểm, đọt nhiên thần gặp được dấu vết từng đi của đạo xưa, đường xưa, là dấu vết hành hóa của người xưa, thần vội lần theo dấu vết thì bắt gặp thành quách xưa, kinh đô của vua thời xưa. Nơi ấy, vườn tược, ao rạch đầy đủ, sạch đẹp, huy hoàng, thật đáng ưa thích. Tâu Đại vương, nếu như nay Đại vương đóng đô ở thành ấy, nhất định sẽ khiến cho đất nước được hưng thịnh, rộng lớn, yên ổn, giàu có, dân chúng sung túc. Khi đó, vua liền cho đóng đô ở thành ấy. Về sau, kinh đô nơi vua ở được hưng thịnh, rộng lớn, yên ổn, giàu có, muôn dân sung túc.

Ta cũng như vậy, nay cũng đã chứng đắc được dấu vết của đạo xưa, lối đi xưa là dấu vết hành hóa từ xưa của các bậc Tiên. Vậy, thế nào là dấu vết của đạo xưa, lối đi xưa là dấu vết hành hóa từ xưa của các bậc Tiên. Nên biết rằng: Đây chính là tám chi Thánh đạo. Đầu tiên là chánh kiến, kế đến là chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần (chánh tinh tấn), chánh niệm, chánh định, chỉ đến thứ tám. Như vậy, đây gọi là dấu vết của đạo xưa, lối đi xưa là dấu vết hành hóa từ xưa của các bậc Tiên mà khi xưa ta đã lần theo. Khi lần theo dấu vết, ta từng thấy lão tử, thấy nguyên nhân của lão tử, thấy sự diệt trừ lão tử, thấy được con đường tu tập để diệt trừ lão tử. Như thế, ta đã từng thấy sinh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục xứ, danh sắc, thức, hành; đã từng thấy nguyên nhân của hành, thấy hành diệt, từng thấy con đường tu tập để diệt trừ hành. Đối với pháp này, ta tự nhiên thông đạt.

Khi đã bày tỏ sự chứng đắc của mình rồi, Đức Thế Tôn bảo với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng với các hàng ngoại đạo, Sa-môn, các Bà-la-môn và những hàng xuất gia khác cùng vô lượng đại chúng:

–Này các Tỳ-kheo! Trong giáo pháp của ta, nếu ai có khả năng tu hành một cách nghiêm túc, thành tựu, chủ thể chứng đắc thì liền có khả năng chứng đắc chánh lý pháp thiện. Này các Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di, vô lượng đại chúng! Như trong giáo pháp của ta, nếu ai có khả năng tu hành một cách nghiêm túc, thành tựu, chủ thể chứng đắc thì liền có khả năng chứng đắc chánh lý pháp thiện. Như vậy, mới có khả năng làm tăng trưởng phạm hạnh và cũng sẽ tạo lợi ích lớn cho vô lượng chúng sinh, vì các hàng trời, người mà mở bày chỉ rõ nẻo thiện, đúng.

Khi ấy, các Tỳ-kheo và chư Đại Bồ-tát, vô lượng đại chúng nghe những lời Phật giảng nói, khen ngợi cho là chưa từng có, thảy đều hết sức vui mừng, tín thọ, phụng hành.