KINH DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG NHƯ LAI BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy.

Một thời, Đức Thế Tôn du hóa nơi các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng ở cạnh cây Tiếng nhạc, tám ngàn vị đại Tỳ-kheo, ba vạn sáu ngàn vị Đại Bồ-tát, và các quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, tám bộ Thiên, Long, loài người và loài không phải người, đại chúng vô lượng như vậy, cung kính vây quanh Đức Thế Tôn để được Đức Thế Tôn thuyết pháp cho.

Lúc ấy, Pháp vương tử Mạn-thù-thất-lợi vâng theo uy thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, gối bên phải quỳ xuống sát đất, hướng về Đức Phật, cong mình, chắp tay thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con xin Thế Tôn nói về tướng loại như thế này, đó là danh hiệu, bản nguyện to lớn và công đức thù thắng của chư Phật, làm cho người nghe tiêu trừ những chướng ngại do nghiệp lực tạo ra. Là vì con muốn tạo lợi lạc cho mọi người trong thời kỳ pháp Phật tương tự xuất hiện.

Đức Thế Tôn tán dương Đồng tử Mạn-thù:

–Lành thay, Mạn-thù! Ông đem lòng thương rộng lớn thỉnh cầu Như Lai nói về danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư Phật để cứu vớt những kẻ bị nghiệp chướng buộc thắt, tạo lợi lạc cho mọi người trong thời kỳ pháp Phật tương tự. Ông hãy nghe kỹ, suy nghĩ rất khéo, Như Lai sẽ giảng nói cho.

Mạn-thù bạch Phật:

–Dạ, xin Phật chỉ dạy, chúng con thích thú mà nghe.

Phật nói:

–Này Mạn-thù! Phía Đông, cách thế giới hệ này gồm những thế giới hệ bằng số cát hơn mười sông Hằng, có một thế giới hệ tên Tịnh lưu ly, Đức Phật ở đó tên là Dược Sư Lưu Ly Quang gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Mạn-thù! Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, xưa kia, khi hành hạnh Bồ-tát, đã phát ra mười hai đại nguyện, cốt làm cho mọi người thực hiện mọi sự mong ước.

Đại nguyện thứ nhất: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì bản thân có ánh sáng rực rỡ, chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng ba mươi hai tướng tốt của bậc đại trượng phu, và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

Đại nguyện thứ hai: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng lớn lao và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sinh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

Đại nguyện thứ ba: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được hưởng những vật dụng vô tận, không để cho ai có sự thiếu thốn.

Đại nguyện thứ tư: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều khiến được ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo Thanh văn, Duyên giác đều được xây dựng bằng pháp Đại thừa.

Đại nguyện thứ năm: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạm hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn ba loại giới pháp. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.

Đại nguyện thứ sáu: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thua kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, hủi lác, điên cuồng, đủ thứ bệnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bệnh khổ.

Đại nguyện thứ bảy: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bệnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bệnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Đại nguyện thứ tám: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nao bị hành hạ do cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Đại nguyện thứ chín: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cởi mở mọi thắt buộc của ngoại đạo. Sa vào rừng rậm ác kiến thì sẽ được dan ra, đem đặt vào chánh kiến, và dần dần làm cho họ thực tập các hạnh Bồ-tát, để thực hiện một cách mau chóng tuệ giác vô thượng.

Đại nguyện thứ mười: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cộng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

Đại nguyện mười một: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà tạo mọi nghiệp ác, nhưng nghe được danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm bậc nhất, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ.

Đại nguyện mười hai: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thư y phục thượng diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng, hương hoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.

Mạn-thù! Đó là mười hai đại nguyện tối thượng, nhiệm mầu, củaĐức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, đã lập ra khi còn tu tập hạnh Bồ-tát.

Mạn-thù! Những đại nguyện tối thượng của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã lập ra khi còn tu tập hạnh Bồ-tát, và những công đức trang nghiêm của thế giới hệ thuộc Đức Phật ấy, Như Lai diễn tả trong một đại kiếp, hay hơn một đại kiếp, cũng không thể cùng tận. Thế giới hệ của Đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không nữ nhân, không có đường ác, không có cả đến cái tiếng thống khổ. Đất làm bằng ngọc lưu ly. Đường ngăn bằng dây vàng. Thành, cửa thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ, lưới giăng, toàn bằng bảy thứ quý báu. Y như thế giới hệ Cực Lạc ở phía Tây, công đức trang nghiêm không khác gì cả. Thế giới hệ ấy có hai vị Đại Bồ-tát, thứ nhất hiệu là Nhật Quang Biến Chiếu, thứ hai hiệu là Nguyệt Quang Biến Chiếu. Đó là hai vị đứng đầu chúng Bồ-tát nhiều vô số lượng của thế giới hệ ấy, thứ lớp kế vị thành Phật, và cùng có khả năng nắm giữ kho tàng ngọc báu chánh pháp của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Thế nên, Mạn-thù, những thiện nam hay thiện nữ có đức tin hãy nguyện sinh về thế giới hệ của Đức Phật ấy.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại bảo Đồng tử Mạn-thù:

–Có những kẻ không nhận thức cái lẽ thiện ác, chỉ giữ thói tham lẫn mà không biết bố thí và phước báo của bố thí. Ngu muội, không có trí tuệ, thiếu cả đức tin. Dồn chứa tài sản vàng ngọc cho nhiều, nỗ lực mà giữ. Thấy người xin đến, tâm họ không vui. Giả sử bất đắc dĩ mà bố thí, thì lúc đó đau tiếc sâu xa như cắt thịt mình. Lại còn lắm kẻ tham lẫn, dồn chứa tài sản mà đối với chính bản thân, cũng còn không hưởng dụng, huống chi có thể đem cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm hay kẻ đến xin. Những kẻ ấy, sinh mạng kết thúc ở đây thì sinh trong thế giới quỷ đói hay súc vật. Nhưng xưa kia, khi ở trong loài người, từng được thoáng nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên ngày nay, dẫu ở trong đường ác, vẫn thoáng nhớ danh hiệu của Đức Như Lai ấy, và ngay khi nhớ thì chết ở đường ác mà sinh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ nơi cõi ác mà không tham dục lạc, thích bố thí và ca tụng người bố thí. Có gì cũng không tiếc. Dần dan tiếp theo, đầu mắt, tay chân, máu thịt và những bộ phận khác của cơ thể, còn có thể đem cho người đến xin, huống chi là những thứ tiền tài sản vật khác.

Mạn-thù! Có kẻ dầu thọ giới pháp với Như Lai mà lại phá giới pháp ấy. Có kẻ không phá giới pháp mà phá quy tắc. Có kẻ đối với giới pháp và quy tắc tuy không hủy hoại, nhưng lại hủy hoại chánh kiến. Có kẻ không hủy hoại chánh kiến mà bỏ phế đa văn, nên đối với nghĩa lý sâu xa của kinh Phật nói không thể lý giải. Có kẻ tuy đa văn mà thượng mạn: vì thượng mạn che phủ tâm trí nên cho mình phải, bảo người trái, ghét chê cả chánh pháp, làm bè nhóm với ma. Những kẻ ngu si như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lại làm cho vô số người khác rơi xuống hố lớn nguy hiểm. Những kẻ ấy đáng lý bị trôi lăn vô cùng tận trong địa ngục, súc sinh và loài quỷ. Nhưng nếu được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì bỏ ngay tánh ác, tu các pháp thiện, và sẽ không sa vào các cõi ác. Giả sử có kẻ vẫn không thể bỏ ngay tánh ác, tu các pháp thiện, và phải sa vào các cõi ác đi nữa, thì nhờ uy lực nơi đại nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà khiến họ thoáng nghe được danh hiệu của Đức Phật ấy, sinh mạng kết thúc ở cõi ác, sinh lại trong loài người, được chánh kiến, tinh tiến, và ý thích khéo thuần hóa, nên thoát ly gia đình, đi đến phi gia đình, ở trong pháp Như Lai mà thọ giới, giữ giới, không có phạm giới lại chánh kiến, đa văn, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa lại lìa bỏ thượng mạn, không chê chánh pháp, không làm bạn ma, dần dần tu hành các hạnh Bồ-tát và đầy đủ một cách mau chóng.

Mạn-thù! Có những kẻ tham lẫn ganh ghét, tán tụng bản thân, công kích kẻ khác, nên sẽ sa vào ba cõi ác, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt. Chịu khổ sở khốc liệt rồi, sinh mạng kết thúc ở đó mà đến sinh trong loài người, thì làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, lại luôn luôn mang nặng, chở nhiều, và đi theo đường phải đi; hoặc được làm người thì sinh nơi hèn hạ, làm tôi tớ người, bị người sai khiến, thường mất tự do. Nhưng nếu xưa kia, khi còn làm người, từng nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì do nhân lành ấy mà nay nhớ lại, chí tâm quy y; nhờ thần lực của Đức Như Lai mà thoát hết khổ sở, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ đa văn, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu, dứt hẳn lưới ma, đập vỏ vô minh, làm khô cạn sông phiền não, giải thoát hết thảy sinh lão bệnh tử, lo buồn khổ não.

Mạn-thù! Có những kẻ tánh thích chống đối, ly gián, tranh chấp, kiện tụng, gây bực tức và rối loạn cho bản thân và kẻ khác. Đem cả thân thể, lời nói và ý nghĩ mà tạo ra và thêm lớn đủ thứ nghiệp ác. Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau. Thưa cầu những vị thần rừng núi, cây cối, mồ mả; giết sinh vật lấy máu huyết cúng tế Dạ-xoa, La-sát; viết tên người mình oán, làm hình và ảnh của người, đem chú thuật xấu ác mà thư, ếm phù chú, dùng thuốc độc, chú quỷ khởi thi – dùng mọi cách này mà làm đứt sinh mạng người ấy, làm chết thân họ. Những người ấy nếu được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì mọi việc dữ trên không cách nào hại được. Lại cùng với kẻ kia, tất cả đôi bên đều khởi lên tâm Từ đối với nhau, tạo lợi ích an lạc mà không còn ý thức làm thương tổn hay tâm lý ghét giận. Đôi bên cùng vui đẹp. Đối với những thứ mình thụ hưởng, ai cũng thích vừa đủ thì thôi, không muốn lấn nhau, chỉ tạo ích lợi cho nhau.

Mạn-thù! Trong bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di, và những thiện nam, thiện nữ khác có đức tin thuần tịnh, nếu ai có khả năng thọ trì Bát quan trai giới, bằng cách hoặc cả năm hoặc ba tháng thọ trì giới ấy. Rồi đem căn lành này nguyện sinh về thế giới Cực lạc ở phía Tây, chỗ Phật A-di-đà, để được nghe chánh pháp của Ngài, nhưng chưa quyết định. Nếu nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì đến khi thọ mạng kết thúc, có tám vị Đại Bồ-tát, danh hiệu là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Đắc Đại The, Bồ-tát Vô Tận Ý Bồ-tát Bảo Đàn Hoa, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng và Bồ-tát Di-lặc, tám vị Đại Bồ-tát này lướt không gian mà đến, chỉ đường cho người ấy. Tức thì người ấy tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng các thứ ngọc, và đủ mọi màu sắc xen lẫn với nhau, của thế giới hệ Cực lạc. Cũng có người nhờ sự ấy mà sinh lên cõi trời. Tuy sinh lên cõi trời, nhưng căn lành xưa cũng chưa cùng tận, và không còn sinh lại tại các nẻo ác. Khi sự sống lâu trên cõi trời chấm hết thì sinh lại trong nhân gian. Bằng cách hoặc sinh làm Luân vương, thống lãnh cả bốn đại châu, uy đức tự tại, tạo dựng cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh vào mười nghiệp thiện. Hoặc sinh vào dòng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ, đại gia, nhiều tiền tài, lắm vàng ngọc, kho bồ tràn đầy, thân hình và tướng mạo đều đẹp đẽ, trang nghiêm, bà con và bạn bè cùng đầy đủ, trí tuệ thông minh, sức lực mạnh mẽ như đại lực sĩ. Nếu là phụ nữ mà được nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nhất tâm thọ trì, thì về sau không còn chịu lại thân tướng phụ nữ.

Mạn-thù! Khi Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thành tưu tuệ giác Bồ-đề vô thượng, thì do năng lực từ đại nguyện xưa mà quán xét chúng sinh bị mọi bệnh khổ, như những bệnh gầy ốm, co quắp, tiêu khô, vàng nóng, hoặc bị trúng bùa ếm, thuốc độc, hoặc chết non, chết ngang trái. Muốn làm cho họ tiêu trừ những bệnh khổ ấy, chỗ cầu đạt được tròn đủ, nên bấy giờ Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nhập định tên là Diệt trừ mọi khổ não của chúng sinh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phong ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra Đà-la-ni vĩ đại sau đây: Nam-mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha: Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong hào quang diễn ra Đà-lani vĩ đại ấy rồi thì đại địa chấn động, phóng ra ánh sáng lớn, hết thảy bệnh khổ của chúng sinh đều được tiêu trừ, hưởng trọn niềm vui yên ổn. Mạn-thù! Nếu thấy nam tử hay nữ nhân, ai bị bệnh khổ, thì nên nhất tâm vì bệnh nhân ấy mà luôn luôn tinh khiết, tắm rửa, súc miệng, rồi đem thực phẩm, dược phẩm, hay nước không có trùng, trì chú này một trăm lẻ tám biến, cho họ uống, ăn, thì bệnh khổ họ đang có tiêu tan tất cả. Nếu có cầu gì, chí tâm tụng niệm thì cũng được như vậy, lại không bệnh, thêm tuổi, và sau khi sinh mạng kết thúc thì sinh về thế giới hệ của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, được pháp không thoái chuyển cho đến tuệ giác Bồ-đề. Vì vậy, Mạn-thù, nếu có nam tử nữ nhân nào đối với Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà chí tâm, tha thiết, cung kính, cúng dường, thì hãy thường trì chú này, đừng để bỏ phế, quên mất.

Mạn-thù! Nếu nam tử hay nữ nhân có đức tin thuần tịnh, được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, nghe rồi trì niệm. Sáng sớm đánh răng, tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, đem các thứ hương hoa, trong đó có hương đốt, hương xoa, và diễn tấu kỹ nhạc mà cúng dường hình tượng Đức Như Lai. Đối với kinh này, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, nhất tâm thọ trì, nghe học nghĩa lý. Đối với Pháp sư giảng giải kinh này, cũng nên cúng dường mọi vật dụng giúp sống thân thể mà mình có, hãy cúng dường đầy đủ, đừng để vị ấy thiếu thốn. Như vậy thì được chư Phật hộ niệm, chỗ mong cầu được mãn nguyện, cho đến thực hiện tuệ giác Bồ-đề.

Lúc ấy, Đồng tử Mạn-thù bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nguyện khi thời kỳ pháp Phật tương tự xuất hiện, thì dùng mọi cách làm cho những thiện nam hay thiện nữ có đức tin thuần tịnh được nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Cho đến trong lúc ngủ, con cũng đem danh hiệu Đức Như Lai thức tỉnh thính giác của họ. Bạch Thế Tôn! Đối với kinh này thì thọ trì đọc tụng hay tuyên thuyết, mở bày, chỉ rõ cho người, tự chép hay bảo người chép, cung kính tôn trọng, đem hiến cúng những thứ hương hoa, hương xoa, hương vụn, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, cờ phướn, lọng báu, và kỹ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc. Lấy tơ lụa có năm màu sắc làm bao mà đựng. Quét rưới chỗ thanh tịnh, trần thiết giá cao mà để. Thì khi ấy bốn đại Thiên vương, cùng tùy thuộc của họ, và vô số trăm ngàn Thiên chúng, đều đến chỗ đó mà cúng dường, hộ vệ. Bạch Thế Tôn! Những chỗ kinh bảo này lưu hành, có ai thọ trì được, thì vì bản nguyện, công đức, và danh hiệu được nghe, của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên biết người ấy không còn chết ngang trái, không còn bị những quỷ thần ác đoạt mất tinh chất. Đã bị đoạt thì được lại như cũ, thân tâm an lạc.

Phật bảo Mạn-thù:

–Đúng như vậy! Đúng như ông nói! Mạn thù, nếu có thiện nam, thiện nữ với đức tin thuần tịnh, muốn cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì trước hết, hãy tạo lập hình tượng, trần thiết tòa thanh tịnh mà đặt để. Rải các thứ hoa, đốt các thứ hương, đem các thứ cờ phướn mà trang hoàng chỗ ấy. Bay ngày đêm thọ Bát quan trai giới, ăn đồ ăn thanh tịnh. Tắm gội cho sạch và thơm, mặc y phục sạch sẽ. Nên phát sinh tâm không cấu uế, tâm không giận dữ, tác hại. Nghĩa là đối với hết thảy chúng sinh khởi lên tâm tạo lợi ích an lạc, Từ, Bi, Hỷ, Xả và bình đẳng. Rồi tấu nhạc và ca tụng, nhiễu quanh tượng Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai theo chiều hướng bên phải. Lại nên tưởng niệm bản nguyện và công đức của Đức Như Lai ấy, đọc tụng kinh này, tư duy nghĩa ý và diễn giảng, mở bày chỉ rõ. Như vậy thì mọi chỗ mong cầu đều toại ý: cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái.

Nếu ai bỗng nhiên bị mộng ác, thấy đủ cảnh tượng khủng khiếp, hoặc bị những giống chim quái dị đến tập hợp lại, hoặc chỗ ở có cả trăm sự quái dị xuất hiện; kẻ ấy nếu đem những vật dụng thượng diệu cung kính cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì những mộng ác và những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không an lành, ẩn mất tất cả, không thể tác hại. Nếu ai bị những sự hãi sợ như thủy tai, hỏa hoạn, khí giới, chất độc, chơi vơi giữa chừng, sa xuống chỗ hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rít, sâu, muỗi, nhặng, mà chí tâm tưởng niệm được Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, thì mọi sự hãi sợ đều thoát được cả. Nếu ai bị nước khác xâm lăng, quấy nhiễu, nội bộ trộm cướp, phản loạn, tưởng niệm cung kính Đức Như Lai ấy thì cũng thoát hết thảy.

Mạn-thù! Nếu có thiện nam, thiện nữ với đức tin thuần tịnh, cho đến hết đời, không thờ vị trời nào khác, chỉ nhất tâm quy y Phật, Pháp, Tăng, thọ trì giới pháp, như năm giới, mười giới, bốn trăm giới của Bồ-tát, hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo, năm trăm giới của Tỳkheo-ni. Nhưng đối với giới pháp của họ thọ trì, hoặc có kẻ phá phạm nên sợ đọa lạc nơi cõi ác. Nếu biết chuyên tâm trì niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, thì quyết chắc không phải lãnh chịu đời sống trong ba đường ác.

Nếu có nữ nhân nào, lúc gần sinh sản, chịu đựng đau đớn cùng cực, mà biết chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, ca tụng, cung kính, cúng dường Đức Như Lai ấy, thì mọi nỗi đau đớn tan biến tất cả. Đứa con sinh ra, mọi bộ phận của thân hình đều hoàn bị, sắc tướng của thân hình ấy đẹp và nghiêm, ai thấy cũng hoan hỷ, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ thông minh, yên ổn, ít bệnh, không có một kẻ không phải người đoạt mất tinh chất của đứa con đó.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

–Công đức của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai có được, Như Lai đã ca tụng, là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó mà lý giải, ông tin được không?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Uy đức cao cả, đối với Khế kinh Phật dạy, con không sinh tâm nghi ngờ. Tại sao? Vì thân thể, lời nói và ý nghĩ của Đức Như Lai, không động tác nào mà không thanh tịnh. Bạch Thế Tôn! Vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng, và Tu-di, ngọn núi chúa trong các ngọn núi, cũng có thể làm cho nghiêng đổ, nhưng lời nói của chư Phật thì không thể làm cho khác đi được. Tuy nhiên, bạch Thế Tôn! Có những kẻ đức tin không đủ, nghe nói chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật thì nghĩ, tại sao chỉ trì niệm một danh hiệu Phật của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà thu đạt bao nhiêu công đức và ích lợi vượt bậc như vậy. Vì sự không tin này mà quay lại phỉ báng. Những kẻ ấy suốt đêm dài sinh tử tất mất hết lợi lạc lớn, bị đọa vào cõi ác, trôi lăn không cùng.

Phật dạy Tôn giả A-nan:

–Những kẻ ấy nếu nghe được danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chí tâm thọ trì, không sinh nghi hoặc, mà vẫn đọa lạc nơi cõi ác là điều không có. A-nan! Đó là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó thể tin và hiểu. Nay ông tiếp nhận được, phai biết toàn là do uy lực của Như Lai. A-nan! Hết thảy Thanh văn, Độc giác và các vị Bồ-tát chưa bước lên mười địa, đều không thể tin và hiểu một cách đúng như sự thực, chỉ trừ các vị Bồ-tát còn một đời nữa là thành Phat mà thôi. A-nan! Thân thể loài người khó mà có được, sự tin tưởng tôn kính Tam bảo càng khó mà có được, nhưng nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại khó được hơn những sự khó được ấy. A-nan! Vô lượng hạnh Bồ-tát, vô lượng phương tiện thiện xảo, và vô lượng nguyện rộng lớn của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, Như Lai nói một cách đầy đủ, thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của Đức Phật này vẫn không cùng tận.

Lúc ấy, trong chúng hội có một vị Đại sĩ hiệu là Cứu Thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, gối bên phải quỳ xuống sát đất, cong mình, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Uy đức cao cả, khi thời kỳ pháp Phật tương tự xuất hiện, có những kẻ bị mọi thứ bệnh hoạn làm cho nguy khốn. Bệnh mãi, gầy ốm, ăn uống không được, cổ và môi đều khô nóng. Nhìn mọi phía đều đen tối. Tướng chết xuất hiện. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, kẻ quen biết khóc lóc vây quanh. Nhưng bản thân bệnh nhân thì tuy vẫn nằm chỗ của mình, mà lại thấy sứ giả của Diêm vương dẫn thần thức của mình đến trước vị vua chấp pháp này. Nguyên mọi người đều có vị thần cùng sinh, tùy việc họ làm, tội cũng như phước, ghi chép đầy đủ, và bấy giờ trao cả cho Diêm vương. Diêm vương tra hỏi kẻ ấy, tính việc họ làm, tùy tội và phước mà xử phán. Chính trong lúc này, thân thuộc hay kẻ quen biết của bệnh nhân, nếu biết vì họ mà uy y Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung thỉnh chư Tăng đọc tụng kinh này, đốt cây đèn bảy tầng, treo phướn thần “tiếp nối mạng sống” bằng năm màu, thì hoặc có kẻ nơi đây thần thức về được, và như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng; hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, khi thần thức về được thì như từ chiêm bao thức dậy, tự nhớ biết tất cả quả báo của nghiệp thiện nghiệp ác. Nhờ tự chứng kiến nghiệp báo, nên đến nỗi gặp phải tai nạn cho sinh mạng, cũng không tạo tác nghiệp ác. Vì vậy, những thiện nam, thiện nữ với đức tin thuần tịnh, hãy thọ trì danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy sức có thể mà cung kính cúng dường.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan hỏi Bồ-tát Cứu Thoát:

–Này Đại sĩ! Nên bằng cách nào cung kính cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai? Phướn và đèn “tiếp nối mạng sống” nên làm cách nào?

Bồ-tát Cứu Thoát nói:

–Này Đại đức! Nếu bệnh nhân muốn thoát bệnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỳ-kheo Tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Đọc tụng kinh này bốn mươi chín lượt. Đốt bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo hình tượng Đức Như Lai ấy bảy vị. Trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Và đến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không đứt. Còn làm phướn năm màu thì dài bốn mươi chín gang tay. Nên phóng sinh đến bốn mươi chín giống khác nhau. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỷ dữ tác hại.

Đại đức A-nan! Nếu chủng tộc Sát-đế-lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, khi tai nạn dấy lên, như dân chúng bệnh dịch, nước khác lấn ép, nước mình phản nghịch, tinh tú quái dị, nhật thực nguyệt thực, gió mưa trái thời, quá thời không mưa, thì hàng Sát-đế-lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, lúc ấy, hãy phát khởi tâm Từ bi đối với tất cả chúng sinh, ân xá những người bị giam bị nhốt, và theo cách cúng dường tôi đã nói trên mà cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Nhờ căn lành như vậy, và nhờ năng lực từ bản nguyện của Đức Như Lai ấy, khiến cho quốc độ của họ tức khắc yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa thóc dồi dào, mọi người vô bệnh, vui vẻ. Trong quốc độ của họ không có những loại thần Dạ-xoa bạo ác, tác hại chúng sinh. Mọi hiện tượng dữ ẩn mất tất cả và tức thì. Còn hàng Sátđế-lợi, và những vị vua đã làm lễ quán đảnh, thì sự sống, tướng tốt, sức mạnh, vô bệnh và tự do, đều được tăng thêm. Nếu hoàng hậu, hoàng phi, đông cung, vương tử, đại thần, phụ chánh, thể nữ, trăm quan và dân chúng, bị bệnh làm khổ, và bị những tai nạn khác, cũng nên làm phướn thần năm màu và đốt đèn sáng liên tục, phóng các loại có sinh mạng, rải những bông hoa đủ màu, đốt những hương thơm nổi tiếng, thì bệnh hết, nạn khỏi.

Lúc này, Tôn giả A-nan lại hỏi Bồ-tát Cứu Thoát:

–Thưa Đại sĩ! Tại sao mạng sống đã hết mà có thể làm cho tăng thêm?

Bồ-tát Cứu Thoát nói:

–Đại đức không nghe Đức Thế Tôn nói có chín sự chết ngang trái hay sao. Vì chín sự chết này mà tôi khuyên làm phướn và đèn “tiếp nối mạng sống”, tu các phước đức. Nhờ tu các phước đức mà trọn đời không trải qua một cơn đau đớn, hoạn nạn nào cả.

Tôn giả A-nan hỏi:

–Chín sự chết ngang trái là gì?

Bồ-tát Cứu Thoát nói:

–Có kẻ bị bệnh tuy nhẹ, nhưng không thầy, không thuốc, không ai coi sóc. Gặp thầy thì lại bị cho thuốc không đúng, nên thật không đáng chết mà chết một cách ngang trái. Lại tin thầy bà yêu nghiệt của tà ma ngoại đạo thuộc phạm vi thế gian nói vớ vẩn về họa phước, nên đâm ra sợ hãi, dao động. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm thấy tai họa. Giết hại sinh vật mà giải tấu thần minh, van vái yêu quái để xin làm phước giúp đỡ, mong muốn thêm tuổi nhưng chung cục không thể đạt được. Ngu si mê lầm, tin theo cái thấy cong và ngược, nên làm chết mình một cách ngang trái, nhập vào địa ngục, không có kỳ hạn thoát ra. Đó là sự chết ngang trái thứ nhất. Thứ hai, một cách ngang trái bị phép vua giết. Thứ ba, săn bắn, chơi bời, đam mê tửu sắc, phóng túng vô độ, một cách ngang trái bị những kẻ không phải người đoạt mất tinh chất. Thứ tư, một cách ngang trái bị lửa đốt. Thứ năm, một cách ngang trái bị nước chìm. Thứ sáu, một cách ngang trái bị các giống thú dữ ăn thịt. Thứ bảy, một cách ngang trái bị rơi xuống sườn núi. Thứ tám, một cách ngang trái trúng chết do thuốc độc, ếm vái, chú thư, quỷ khởi thi. Thứ chín, chết một cách ngang trái vì đói khát nguy khốn, không được đồ ăn thức uống. Đó là sự chết ngang trái mà Đức Thế Tôn nói vắn tắt có chín thứ như vậy. Ngoài ra còn có vô số những sự ngang trái khác, khó nói cho đủ.

Đại đức A-nan! Diêm vương lãnh xét sự ghi chép về sách tịch của thế gian. Ai bất hiếu đối với cha mẹ, làm năm tội nghịch, hủy hoại Tam bảo, phá phép vua tôi, làm hỏng tánh giới, thì Diêm vương theo tội nặng nhẹ xét mà phạt. Vì lý do ấy, nay tôi khuyến cáo mọi người đốt đèn, treo phướn, phóng sinh, tu phước, làm cho họ qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn.

Lúc ấy, trong chúng hội có mười hai vị đại tướng Dạ-xoa, là đại tướng Cung-tỳ-la, đại tướng Phạt-chiết-la, đại tướng Mê-xí-la, đại tướng An-để-la, đại tướng Ngạch-nễ-la, đại tướng San-để-la, đại tướng Nhân-đạt-la, đại tướng Ba-di-la, đại tướng Ma-hổ-la, đại tướng Chânđạt-la, đại tướng Chiêu-đỗ-la, đại tướng Tỳ-yết-la. Mười hai vị đại tướng Dạ-xoa này, mỗi vị có bảy ngàn Dạ-xoa làm tùy thuộc, cùng lúc cất tiếng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con bây giờ nhờ uy lực của Thế Tôn mà nghe được danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, không còn nỗi sợ hãi về cõi ác nữa. Chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời quy y Phật, Pháp, Tăng, thệ nguyện gánh vác hết thảy chúng sinh, tạo cho họ cái lợi chân thật, cái vui lợi ích. Tùy thôn làng, thị thành, đô thành và trong rừng thanh vắng, của bất cứ xứ nào, hoặc có kinh này lưu hành, hoặc có kẻ trì niệm danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, thì chúng con, và tùy thuộc của chúng con, xin hộ vệ người ấy, làm cho họ thoát mọi khổ nạn, mọi ước nguyện đều được thỏa mãn. Hoặc ai bị bệnh khổ mà cầu thoát qua, thì cũng nên đọc tụng kinh này, dùng tơ sợi năm màu mà kết tên chúng con. Được toại nguyện rồi mới tháo kết ấy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tán dương các đại tướng Dạ-xoa:

–Lành thay! Lành thay! Các tướng Đại Dạ-xoa! Các người nghĩ báo ân đức của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì thường nên như vậy mà tạo lợi ích an lạc cho hết thảy chúng sinh.

Lúc này, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Pháp môn này nên gọi tên là gì và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Pháp môn này là “Nói về bản nguyện công đức của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, cũng gọi là “Nói về sự kết nguyện thần chú để tạo lợi ích cho chúng sinh của mười hai thần tướng”, lại cũng có tên là “Dứt trừ sạch hết thảy nghiệp chướng”, nên phụng trì như vậy.

Khi Đức Thế Tôn nói lời này rồi, các vị Đại Bồ-tát cùng các vị Đại Thanh văn, quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, Thiên chúng, Long chúng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu la, Khan-na-la, Ma-hầu-la-già, loài người và phi nhân, tất cả đại chúng, nghe những điều Phật dạy, ai cũng cực kỳ hoan hỷ, tín thọ phụng hành.