kinh đồng

Phật Quang Đại Từ Điển

(經筒) ….. Cũng gọi Như pháp kinh đồng. Những ống hình tròn hoặc hình bát giác phần nhiều làm bằng gỗ, bên ngoài có vẽ hoa văn bằng mực kim nhũ, nếu chôn xuống đất, thì mạ vàng, bạc, hoặc đổi làm bằng sắt, sứ, đá, v.v… để khỏi bị mục nát. Ngài Tuệ tư ở thời Nguyên Ngụy, sợ rằng thời mạt pháp Phật giáo sẽ bị diệt mất, cho nên ngài chế tạo Kinh đồng để cất giữ kinh văn, với niềm hy vọng 5.600.000 năm sau, trước khi Phật Di lặc ra đời, các kinh điển Phật giáo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và lưu truyền tốt đẹp. Tương truyền, điều này được thấy trong văn phát nguyện của ngài, nhưng sự thật về việc này chưa khảo chứng được rõ ràng. Ở Nhật bản, cách chế tạo Kinh đồng được lưu hành phổ biến, lí do là để cầu siêu cho vong linh và kết duyên với chúng sinh. Trong đó, những Kinh đồng nổi tiếng và xưa nhất là những Kinh đồng do Đằng nguyên Đạo trường chôn ở núi Kim phong tại huyện Nại lương vào năm Khoan hoằng thứ 4 (1007). Ngoài ra, tại Nhật bản, Kinh đồng được thịnh hành nhất là thời đại Liêm thương và thời Túc lợi. Đời sau người ta đào được những Kinh đồng với nhiều hình dáng khác nhau. Kinh đồng ở thời kỳ đầu cao khoảng 20 đến 30 phân Tây, đường kính trên miệng rộng nhất là 15 phân, chế tạo rất khéo. Còn những Kinh đồng ở thời kì sau thì hình ngoài nhỏ hơn, kiểu dáng cũng sơ sài hơn. Chất liệu cũng có nhiều loại, hoặc bằng đồng, đồng xanh, đồng vàng, sắt, sứ, đá, v.v… Nắp Kinh đồng cũng có nhiều hình dạng và trên nhiều nắp có khắc chữ. (xt. Kinh Trủng).