SỐ 292
KINH ĐỘ THẾ PHẨM
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên tòa Sư tử Liên hoa tạng tại giảng đường Phổ quang của đạo tràng Pháp nhàn thuộc nước Ma-kiệt. Đức Phật đã thấu tỏ về chân đế, không còn nhị hành, đã vượt qua pháp vô tưởng. Sự đi ở của Đức Phật đều đạt đến bình đẳng, tất cả chư Phật đi ở, tới lui không hề ngăn ngại, cũng không hề bị che chướng. Pháp của chư Phật không hề thoái chuyển, sự hành dụng không một ai có thể sánh kịp, phụng kính chỗ thấy không thể nghĩ bàn. Thị hiện bình đẳng khắp ba đời, thân ấy hiển hiện trùm khắp thế giới, phân minh các pháp, tuệ hết do dự, đầy đủ các pháp, ngồi nơi gốc Bồ-đề, thông suốt kinh điển, dứt nghi Chánh giác, không nghĩ đến thân. Tất cả Bồ-tát ở đây chí nguyện đến đạo tuệ và có hạnh Phật không hai, lấy việc cứu độ qua bờ bên kia là việc bậc nhất, thành tựu cửa giải thoát mà Như Lai kiến lập. Cõi nước của chư Phật không có hạn lượng, chỗ hành bình đẳng, pháp, cảnh tu tập rộng lớn như không, mười phương cõi nước không thể tính đếm trăm ngàn ức na-do-tha vi trần số chư Bồ-tát ở đây cũng là như vậy. Các Bồ-tát Đại sĩ này đều là những vị Nhất sinh bổ xứ, vị lai sẽ thành đạo Vô thượng Chánh giác. Mỗi một vị đều ở cõi Phật nơi mười phương khác nhau, đều đến cõi này tham dự pháp hội. Tất cả đều là những bậc Khai sĩ, đều mở

mắt tuệ và cửa công đức vô lượng, khai hóa tất cả chúng sinh các cõi, thuận theo luật mà dẫn đạo bằng phương tiện quyền xảo, biết rõ tùy thời. Trú pháp Bồ-tát trong các lầu gác, giảng đường của tất cả thế giới, vượt lên trên tuệ định mà quán cõi diệt độ. Vâng kính đạo tuệ, trừ bỏ tất cả ngôn từ, hành ấm và chỗ đáng trừ bỏ. Các vị biết rõ nhân duyên thích ứng thích ứng thu giữ hóa độ chúng sinh vào vô lượng đạo. Vào trong ấy nhưng chỗ làm, họa phước và báo ứng của tất cả chúng sinh đều không thể hủy hoại. Phân biệt đúng thời, chỗ dùng quán sát luôn vô sở đắc, biết rõ chí tánh của chúng sinh các cõi, thấu rõ các căn, thức tỉnh kẻ cần thức tỉnh, tùy theo nhân duyên, tùy bệnh cho thuốc. Quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật ban tuyên nghĩa lý chương cú thì luôn lãnh thọ phụng hành. Bồ-tát đã nhận sự thọ ký ấy rồi thì luôn hành bình đẳng, sáng rõ chánh tà, chỗ sẽ quay về là vào trong đời này mà độ đời với vô lượng pháp, tự vào chỗ chánh chân, đều đã quán rõ và thông giải hữu vi cùng vô vi không có hai. Quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật đều vào đạo tràng của tất cả Như Lai, một thời ngự đạo, đạt bình đẳng giải, thành Tối chánh giác. Các vị đều thị hiện tâm nhàn, tâm an, đã rõ Phật đạo, không lìa bỏ chúng sinh phát tâm. Vào tâm một chúng sinh thì có thể vào khắp chỗ biết, chỗ thích của tất cả chúng sinh. Tự ở trong trí tuệ ấy mà thân Bồ-tát không hề lay chuyển, đạt đến phổ trí và các tâm thông tuệ. Trú nơi quả vị ấy mà không hề thoái chuyển, nẻo hành hóa của Bồ-tát tinh tấn không hề chán mệt, tới lui khắp cùng là Tuệ không chỗ hành. Vì tất cả mọi người mà ở tại sinh tử trong vô số kiếp, biết rõ và kiến lập khó tính kiếp số, khó mà thấy gặp. Chư Bồ-tát đích thực rất khó gặp, thường chuyển pháp chưa từng chán mệt, khai hóa chúng sinh làm cho họ nhập vào luật giáo. Quá khứ, hiện tại, vị lai, chư Như Lai nghiêm tịnh cõi ấy, tác thành chúng sinh, đầy đủ bản hạnh, thệ nguyện đã tròn, công hạnh thù thắng. Chư Bồ-tát và các Học sĩ khác như vậy đều có thể tham vấn mười phương chư Phật với kiếp số vô hạn và tán thán vô cùng. Nguyên sơ của họ không có bờ mé, siêu vượt các chúng. Các vị ấy là: Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Nhân, Bồ-tát Phổ Hóa, Bồ-tát Phổ Trí, Bồ-tát Phổ Nhãn, Bồ-tát Phổ Quang, Bồ-tát Phổ Quán, Bồ-tát Phổ Minh, Bồ-tát Phổ Anh, Bồ-tát Phổ Giác. Các vị như vậy nhiều như số vi trần không thể tính đếm trăm ngàn ức na-do-tha cõi nước chư Phật. Bồ-tát Phổ Hiền có chí nguyện thù thắng, thệ nguyện ấy đã thành tựu. Mỗi khi chư Phật xuất thế thì Bồ-tát đều đến thỉnh cầu, biết rõ tùy thời và đều nắm giữ pháp nhãn giáo hóa của chư Phật, không để cho sự giáo hóa của tất cả Như Lai bị đoạn mất. Chư Phật ra đời thì liền được thọ ký danh hiệu, cõi nước, thành Tối chánh giác. Đã được vắng lặng rồi thì trụ nơi pháp luân, thị hiện làm Phật, không dính mắc vào cõi Phật, nghiêm trị tất cả thế giới hung ác, uế trược khó trị, diệt trừ các họa phước ngăn ngại của chúng Bồ-tát, nhập vào pháp giới chánh đế không bị ngăn ngại. Lúc đó, Bồ-tát Phổ Hiền liền dùng Chánh thọ Tam-muội Phật tạng vào khắp chỗ du hóa của mười phương chư Phật, không một chỗ nào không khắp biến; pháp, cảnh, giảng đường không một chỗ nào mà không thấu triệt. Cõi hư không ấy đều không bờ mé, mười phương cõi nước đều chấn động sáu cách. Ánh sáng lớn ấy không đâu là không tỏa chiếu, vang lên âm thanh lớn không đâu mà không nghe thấu. Bồ-tát Phổ Hiền từ trong Tam-muội thấy chư Bồ-tát đều đến pháp hội nên rất vui mừng hân hoan. Bồ-tát Phổ Trí thấy chư Bồ-tát đến vân tập cũng sinh vui mừng và đến trước Bồ-tát Phổ Hiền mà hỏi:

–Lành thay, Phật tử! Nay chư Bồ-tát mười phương vân tập đến vì khát ngưỡng kinh điển và ngưỡng nhờ Đại sĩ, như tối được sáng. Xin Đại sĩ vì họ mà giảng thuyết về hạnh Bồ-tát từ đầu đến cuối, làm cho họ không còn nghi ngờ, người cuối cùng cũng đều được khai thị, như bệnh được thuốc, như mù được sáng.Vì sao gọi chỗ nương tựa của Bồ-tát gọi là vô sở trước? Sao gọi là Bồ-tát chưa từng có tưởng? Sao gọi là hành? Sao gọi là bạn lành? Sao gọi là tinh tấn? Sao gọi là Khuyến tín? Sao gọi là hóa độ chúng sinh? Sao gọi là cấm giới? Sao gọi là thọ ký? Sao gọi là Bồ-tát không cầu tướng ngắn ngủi? Sao gọi là nhập Như Lai? Sao gọi là được vào tánh hạnh chúng sinh? Sao gọi là được vào các thế giới? Sao gọi là nhập vào kiếp số các niệm không chỗ nào mà không thấu đạt? Sao gọi là là diễn thuyết thông việc ba đời? Sao gọi là được nhập vào ba xứ? Sao gọi là chỗ phát tâm không chán mệt, không thiếu sót? Sao gọi là Bồ-tát biện biệt phân minh? Sao gọi là Bồ-tát đạt đến Tổng trì? Sao gọi là Bồ-tát tuyên diễn Phật đạo?

Bồ-tát Phổ Hiền vì nhân duyên thỉnh hỏi của Bổ-tát Phổ trí và muốn làm cho những người vân tập đến đều được hiểu rõ nên khen ngợi:

–Lành thay các hội Bồ-tát! Hãy cùng lắng nghe!

Bồ-tát có mười Pháp sự có chỗ nương tựa mà không vướng mắc.

Những gì là mười?

  1. Nương vào tâm Bồ-tát khiến cho không trái mất.
  2. Nương vào bạn lành thường tu tinh chuyên.
  3. Nương vào gốc đức mà trồng phước lạc.
  4. Có thể phụng hành sự tùy thuận hóa độ vô biên.
  5. Nương vào tất cả pháp vì không chỗ về.
  6. Nương vào các thệ nguyện mà gần gũi đạo.
  7. Chuyên hành các hạnh, huân tập đầy đủ.
  8. Gần gũi các Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ.
  9. Theo về các tâm Phật với sự hoan hỷ.
  10. Phụng sự các Như Lai và tán thán như cha mình.

Đó là mười Pháp sự của Bồ-tát có chỗ nương tựa làm vô sở trước (không chỗ chấp trước), Bồ-tát mà trú ở đó thì mau chóng đạt đến chỗ nương tựa vô cực, đó là đại tuệ vô thượng của Như Lai.

Bồ-tát nói kệ tụng:

Nương mà không chỗ nương
Tự về với chư Phật
Rõ pháp, không chỗ trông
Cho đến chỗ đại nguyện
Thấy chư Phật hoan hỷ
Nương đó mà vâng kính
Nương nhờ chư Như Lai
Vì đủ đầy đạo hạnh.

Bồ-tát có mười việc chưa từng có tưởng. Những gì là mười?

  1. Nghĩ đến các gốc đức như nghĩ đến mình không khác.
  2. Thân tích lũy điều thiện để ban rải cho chúng sinh.
  3. Tất cả công đức giáo huấn dùng làm đạo tưởng.
  4. Rõ thấu chúng sinh lấy làm đạo phẩm tưởng.
  5. Nguyện cứu độ tất cả như cứu mình là nguyện tưởng.
  6. Đều dùng các pháp thí.
  7. Quán tất cả pháp như là pháp Phật.
  8. Làm tất cả hạnh như hành thân tưởng.
  9. Tất cả ngôn từ ở nơi chốn hành hóa không chỗ vọng tưởng.
  10. Nhìn thấy chư Phật tưởng như cha mẹ và đối với chúng sinh không có hai tưởng.

Này Tộc tánh tử! Chúng chư Bồ-tát chưa từng có tưởng, Bồ-tát trú ở đây thì mau chóng thành tựu vô thượng, đạt đến các gốc đức.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Vì tất cả tích đức
Nghĩ chúng sinh như mình
Quán sát khắp chúng sinh
Như pháp khí của đạo
Các chúng sinh lập nguyện
Bình đẳng không khác mình
Quy mạng nơi đạo pháp
Khiến đạt, không sinh theo.

Bồ-tát có mười việc hành dụng. Những gì là mười?

  1. Giảng thuyết, phân biệt về đối tượng hành của chúng sinh.
  2. Cầu tất cả chốn hành các pháp.
  3. Học rộng giới cấm theo đấy phụng hành.
  4. Tích lũy nhiều gốc đức của các pháp.
  5. Nhất tâm chuyên tinh, phụng hành Tam-muội.
  6. Biết rõ Thánh tuệ chỗ phải quay về.
  7. Ân cần vâng theo lời dạy chư Phật không hề trái mất.
  8. Đi đến các cõi vì muốn trang nghiêm cõi nước.
  9. Noi theo Thiện tri thức và luôn luôn cung kính.
  10. Phụng Như Lai hạnh, kính như sư tử. Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Tất cả có chốn hành
Phải khai hóa chúng sinh
Siêng cầu nơi các pháp
Mà phụng trì giới cấm
Tích lũy các gốc đức
Một tâm về định ý
Biết rõ tuệ Thánh minh
Chỗ hành tịnh cõi nước.

Bồ-tát có mười việc về bạn lành. Những gì là mười?

  1. Kiến lập đạo ý.
  2. Thường tu gốc đức.
  3. Nhập Độ vô cực (Ba-la-mật).
  4. Ban tuyên đạo pháp.
  5. Khai hóa chúng sinh.
  6. Phân biệt biện tài.
  7. Khen ngợi chúng sinh.
  8. Trừ các vọng tưởng.
  9. Ở chỗ không buồn chán.
  10. Lập hạnh Phổ hiền, vào tuệ chư Phật tức là bạn lành.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:
Tâm kiến lập nơi đạo
Siêng năng tu gốc đức
Vào các Độ vô cực
Ban tuyên các kinh điển
Khai hóa độ chúng sinh
Biện tài dứt các nghi
Xưng tán khắp muôn loài
Trừ sạch các tưởng nghĩ.

Bồ-tát có mười việc làm tinh tấn. Những gì là mười?

  1. Giảng thuyết khắp cùng cõi chúng sinh.
  2. Biết rõ chỗ hướng về của kinh điển.
  3. Nghiêm tịnh tất cả thế giới chư Phật.
  4. Luôn phụng hành các giới của Bồ-tát.
  5. Thường nhẫn chịu tất cả các hoạn nạn.
  6. Đoạn dứt những đau khổ nung nấu nơi ba đường dữ.
  7. Hàng phục tất cả chúng ma và quyến thuộc của chúng.
  8. Không làm cho chúng sinh mang tâm sân hận.
  9. Luôn tuân theo mười phương chư Phật Thế Tôn.
  10. Thường gặp chư Phật thì quy mạng và thọ giáo.

Này Tộc tánh tử! Đó là mười việc mà Bồ-tát hành tinh tấn.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Quy mạng nơi chư Phật
Nghiêm tịnh các cõi Phật P
hụng tu hạnh Bồ-tát
Chịu tất cả khổ não
Đoạn khổ nạn ba đường
Hàng phục ma, quyến thuộc
Làm vui lòng chúng sinh
Thường gặp chư Như Lai.

Bồ-tát có mười việc khuyến tin. Những gì là mười?

  1. Thường kiến lập đạo ý và cũng khuyên người khác phát đạo tâm.
  2. Từ hòa bậc nhất, không có tranh chấp, cũng giáo hóa cho người khác được an vui, trừ sạch pháp ngu mê.
  3. Cũng giáo hóa người khác dứt bỏ sách vở tà vạy, khiến trú Phật đạo.
  4. Chí cầu gốc đức và cũng khuyên người khác chí cầu gốc thiện.
  5. Về nơi các Độ vô cực cũng khuyên người khác cầu Ba-lamật.
  6. Đã hiện tánh Phật thì cũng khuyến dụ người khác chí cầu Phật tánh.
  7. Thân đã vào pháp không sở hữu và khuyến tiến người khác vào không pháp.
  8. Khen ngợi trí tuệ chư Phật, không bao giờ hủy báng và cũng chỉ bày người khác không hủy báng chánh pháp.
  9. Đầy đủ phổ trí, các nguyện thuần đủ và cũng dẫn dắt người khác thành tựu các thông tuệ.
  10. Thệ-đạo rốt ráo, dùng để làm nghiêm tịnh trí tuệ vô tận của Như Lai Chí Chân và cũng sẽ kiến lập tất cả chúng sinh vào đạo Như Lai.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Đã kiến lập ở đạo
Cũng hóa độ tha nhân
Tâm không điều tranh tụng
Hòa vui người sân hận
Trừ bỏ các ngu tối
Khai hóa các đường tà
Thường cầu các gốc đức
Dẫn dụ trú nghĩa đạo.

Bồ-tát có mười việc khai hóa chúng sinh. Những gì là mười?

  1. Bồ-tát bố thí sự khuyến tấn chúng sinh.
  2. Dung nhan hòa ái mà khuyến tấn thọ.
  3. Ban tuyên kinh đạo khiến họ tỏ bày.
  4. Khuyến tấn phân minh không khác với mình.
  5. Chỗ bố thí vô lượng, phát khởi cõi người.
  6. Hiển bày hạnh Phật, Bồ-tát để dẫn dắt các loài chúng sinh.
  7. Chỉ dạy cho thế gian vì thế gian như lửa thiêu đốt và giáo huấn pháp đạo Vô thượng cho chúng sinh.
  8. Thần túc biến hóa, cảm động vô số.
  9. Biết rõ vô số phương tiện quyền xảo.
  10. Tùy theo tập tục độ thoát muôn loài.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Bồ-tát hành bố thí
Dùng hóa độ chúng sinh
Dung nghi thường hòa vui
Khuyến dụ kẻ bất cập
Thấy đời như lửa đốt
Hiển bày đại đạo Phật
Thần túc hiện biến hóa
Vô số quyền phương tiện.

Cấm giới của Bồ-tát có mười việc. Những gì là mười?

  1. Không bỏ tâm đạo.
  2. Dứt bỏ ý niệm Thanh văn, Duyên giác.
  3. Quán sát tất cả chúng sinh bằng hạnh Từ bi.
  4. Khai hóa chúng sinh khiến trụ Phật pháp.
  5. Phụng tu chỗ Bồ-tát cần phải học.
  6. Rõ tất cả pháp đều không thủ đắc.
  7. Kẻ tạo gốc đức thì khuyến trợ họ đến với đạo.
  8. Chưa từng chấp trước vào thân chư Phật.
  9. Có thể nhẫn chịu các pháp cũng không chỗ dựa.
  10. Giữ gìn các căn để hành trì giới cấm.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Thường hòa với đạo tâm
Xả Thanh văn, Duyên giác
Thương xót khắp chúng sinh
Khuyến vào nơi Phật pháp
Học hạnh chư Bồ-tát
Rõ pháp vô sở hữu
Tất cả hành công đức
Khuyến giúp nơi Phật đạo

Bồ-tát có mười việc thọ ký và chỗ thấy về thọ ký đều tự biết cả.

Những gì là mười?

  1. Phát tâm từ hòa, đạo ý tự nhiên.
  2. Không chán bỏ hạnh Bồ-tát.
  3. Xả bỏ tất cả các vọng tưởng.
  4. Có thể vâng tu pháp của chư Phật.
  5. Thuần tin nơi chỗ chư Như Lai tuyên thuyết.
  6. Quán thông và thành tựu gốc đức.
  7. Hóa độ tất cả khiến trú Phật đạo.
  8. Bình đẳng và tôn kính thân hữu không có hai tâm.
  9. Thấy chư thiện hữu như thấy chư Phật.
  10. Bản nguyện thuở xưa hộ trì Phật đạo.

Đó là mười pháp hành trì được thọ ký.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Bình đẳng kính thiện hữu
Lợi lạc từ đó thành
Nguyện xưa hộ trì pháp
Phát đạo ý lắng trong
Không chán hạnh Bồ-tát
Dứt bỏ các vọng tưởng
Khiến trú ở pháp Phật
Thuần tin Như Lai dạy.

Bồ-tát có mười việc không cầu sự hạn hẹp. Đó là:

  1. Nhập vào thệ nguyện đời trước.
  2. Tùy thời nhập hạnh, dẫn dắt huân tập tùy theo nhân duyên của chúng sinh.
  3. Chẳng mất chánh nghĩa, đều được thông nhập.
  4. Thành tựu đầy đủ các Độ vô cực.
  5. Tùy theo phương tiện ấy mà có thể hội nhập.
  6. Thuận theo sở nguyện.
  7. Tùy theo sở thích của chúng sinh mà khai hóa họ.
  8. Trang nghiêm cõi nước, khuyến nhập vào đạo.
  9. Thần thông biến hóa làm cho họ theo sự giáo hóa ấy.
  10. Vì khắp chúng sinh mà thị hiện.

Đó là mười việc không cầu sự hạn hẹp của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Đi vào nguyện đời trước
Chỗ hành tùy nhân duyên
Tuân hành theo thứ lớp
Thuận các Độ vô cực
Do đắc thành tựu lớn
Tùy chúng sinh tín lạc
Làm trang nghiêm cõi Phật
Dùng thần túc biến hóa

Bồ-tát có mười việc vào với Như Lai, chỗ mà tất cả chư Phật trong ba đời đều từ đó thành tựu. Những gì là mười?

  1. Đi vào đạo giáo bình đẳng vô lượng.
  2. Chuyển bánh xe pháp vô hạn.
  3. Tuyên thuyết yếu nghĩa của trí tuệ vô lượng.
  4. Thuận theo âm thanh thông suốt không bờ mé.
  5. Khai hóa chúng sinh vô số lượng.
  6. Hiển bày vô số thần thông biến hóa.
  7. Tùy thời biến khắp vô số thân hình.
  8. Đi vào các định, Tam-muội không thể ví dụ.
  9. Khai ngộ sáng chiếu không thể đo lường.
  10. Thị hiện lực vô úy, hiển bày vô hạn khiến vào diệt độ.

Đó là mười việc thể nhập Như Lai của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Quá, hiện, và vị lai
Tất cả chư Như Lai
Vào đạo giáo vô lượng
Chuyển Pháp luân vô hạn
Thuận đạo pháp không bờ
Thuyết tuệ trường không đáy
Khai hóa vô số người
Thần túc khó nghĩ bàn.

Bồ-tát có mười việc đi vào tánh hạnh của chúng sinh. Những gì là mười?

  1. Vào nơi bản hạnh và chỗ hiểu của chúng sinh.
  2. Tùy thời khai độ, thọ thân đương lai.
  3. Hiện bày khắp chúng sinh.
  4. Việc làm hiện tại vào khắp chúng sinh.
  5. Khéo hành gốc ngọn, tùy thời cứu giúp chốn hành phi pháp.
  6. Diễn bày đạo pháp cho chúng sinh.
  7. Chỗ nhập tâm tánh, biết rõ tất cả.
  8. Phân minh tất cả chỗ về nguồn cội.
  9. Tùy chỗ yêu thích, nêu rõ các ngăn ngại.
  10. Thuyết pháp để trừ bỏ vô số phiền não ái dục của chúng sinh.

Đó là mười việc vào tánh hạnh của chúng sinh.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Hiểu rõ hạnh đời trước
Cũng biết rõ đời sau
Phân minh việc hiện tại
Chốn hành của chúng sinh
Vào nơi chỗ đức hạnh
Không đức hạnh cũng vào
Tâm ấy trùm khắp cả
Khiến các căn thành tựu.

Bồ-tát có mười việc thể nhập thế giới. Những gì là mười?

  1. Thường biết dừng đủ ở tại thế gian.
  2. Tu hành thanh tịnh không bị nhiễm ô.
  3. Ở trong đời tâm ít mong cầu.
  4. Diễn bày vô lượng hương thơm cho chúng sinh mê lầm.
  5. Vào các phương tục như vào một bụi trần.
  6. Hiển bày khắp nơi vô lượng nghĩa vi diệu.
  7. Cũng hiển bày rộng khắp nơi vô lượng thế giới.
  8. Độ thoát nỗi lo của thân tứ đại.
  9. Cung kính tự về với đạo chư Phật.
  10. Cũng đi vào nơi chốn vô đạo trong thiên hạ.

Đó là mười việc hội nhập thế giới của Bồ-tát. Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Ở đời biết dừng đủ
Nẻo hành thường thanh tịnh
Chỗ vào thường ít cầu
Vào khắp vô lượng nghiệp
Vào vô số thế giới
Hiểu rõ hạnh vi diệu
Lớn nhỏ đều thấu đạt
Hội nhập mọi sở hữu.

Bồ-tát có mười việc vào kiếp số các niệm không gì là không thấu đạt. Những gì là mười?

  1. Biết kiếp quá khứ.
  2. Xét rõ vị lai.
  3. Biết việc hiện tại.
  4. Biết đời hữu hạn.
  5. Biết các ngăn ngại vô hạn.
  6. Đi vào các nẻo hữu hạn và vô hạn.
  7. Rõ các việc về kiếp hữu số và vô số.
  8. Ở nơi hữu số khiến nhập vô vi.
  9. Khiến các vô niệm thông nhập hữu niệm.
  10. Thông các hữu niệm khiến vào vô niệm.

Đó là mười việc biết rõ kiếp số của các niệm không gì là không thông đạt của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Nhập vào niệm quá khứ
Đương lai cũng như vậy
Cất bước ở hiện tại
Mà đều biết rõ cả
Hành hóa vô lượng kiếp
Hữu số hoặc vô số
Vô niệm và hữu niệm
Tất cả tưởng, vô tưởng.

Bồ-tát có mười việc thuyết nêu thông suốt về ba đời mà không có hai lời. Những gì là mười?

  1. Dùng quá khứ mà giảng nói.
  2. Thuở xưa đã qua, sớm nói về đương lai.
  3. Đương lai xa vời diễn nói hiện tại.
  4. Đương lai chưa đến, nói về quá khứ.
  5. Còn chưa muốn đến, giảng nói hiện tại.
  6. Cũng giảng nói đương lai chưa đến.
  7. Truyền đạt ở hiện tại bỗng thành quá khứ.
  8. Biết rõ hiện tại tức là đương lai.
  9. Chỗ thấy của mắt, giảng nói bình đẳng.
  10. Hiện rõ ba đời đều thấu rõ trong một lúc.

Đó là mười việc thuyết nêu thông suốt về ba đời.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Thường nói việc quá khứ
Nêu xưa đến như thế
Quá khứ là hiện tại
Cũng thông việc đương lai
Quá khứ nay hiện tại
Chưa đến diễn đương lai
Hiện, lai làm quá khứ
Mắt thấy nay đương lai.

Bồ-tát có mười việc đi vào ba xứ. Những gì là mười?

  1. Vào các hữu số.
  2. Đến vô sở niệm.
  3. Đến chỗ sở đắc.
  4. Hướng đến các cõi mà dạy dỗ.
  5. Đến các tưởng xứ.
  6. Về các phương tục.
  7. Không nhiều ngôn ngữ.
  8. Thấu đạt không cùng tận.
  9. Khen ngợi vắng lặng.
  10. Thích sự an nhiên.

Đó là mười việc nhập vào ba xứ của Bồ-tát. Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Đi vào các nẻo niệm
Trao truyền có sở đắc
Tại phương tục, các tưởng
Chốn niệm không cùng tận
Nói rộng việc tịch nhiên
Cũng vào nơi an tĩnh
Diệt trừ các ác sự
Như vậy thành tựu đạo.

Bồ-tát có mười việc của sự phát tâm không chán và không thiếu sót. Những gì là mười?

  1. Cúng dường chư Phật, ở nơi các sắc mà không mệt mỏi.
  2. Kính thuận tất cả các thiện hữu.
  3. Cầu các kinh điển, không lấy làm khó.
  4. Rộng nghe nhiều kinh, thọ nhận không ai theo kịp.
  5. Luôn phát tâm ban tuyên kinh đạo.
  6. Khai hóa chúng sinh, dùng pháp luật chỉ bày.
  7. Phát khởi tất cả, khiến đến Phật đạo.
  8. Trú nơi một thế giới, ở vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát.
  9. Hành hóa khắp các cõi Phật không chỗ nào là không cùng khắp.
  10. Chưa từng hoài nghi các kinh điền Phật, có chỗ tham vấn thì tuyên thuyết rộng khắp.

Đó là mười việc phát tâm không chán, không thiếu sót.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Cúng dường các thân Phật
Không lấy làm chán đủ
Cung thuận các thiện hữu
Ngưỡng cầu các kinh điển
Chốn cầu không mệt mỏi
Thấy những người phát tâm
Vì họ giáo huấn đạo
Khai hóa các Bồ-tát.

Bồ-tát có mười việc phân minh các biện giải. Những gì là mười?

  1. Phân biệt chỗ vào tuệ biện giải của chúng sinh.
  2. Biết rõ các căn, sẽ được quay về.
  3. Rõ sự báo ứng của các tội phước.
  4. Nhìn thấy chỗ sinh ra ở bất cứ nơi nào.
  5. Đều biết những chỗ có không của thế gian.
  6. Nhìn thấy chỗ du hóa của chư Phật.
  7. Hiểu rõ nghĩa lý sâu cạn của kinh pháp.
  8. Rõ thông sự mất còn của pháp giới.
  9. Thấu đạt việc ba đời
  10. Cũng có thể phân biệt chốn nẻo hành hóa, ngôn ngữ âm thanh không thể tính đếm.

Đó là mười việc về sự phân biệt các biện giải của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Rõ chỗ biết chúng sinh
Chỗ về của các căn
Tùy chỗ lập tội, phước
Thấy được chỗ sinh khởi
Phân biệt các thế giới
Cũng biết rõ pháp phẩm
Quán thông tuệ Phật pháp
Gốc ngọn của ba đời.

Bồ-tát có mười việc đạt đến Tổng trì. Những gì là mười?

  1. Chỗ nghe sâu rộng thì liền phụng trì, ngưỡng cầu kinh điển không hề quên mất.
  2. Cầm đuốc pháp sáng để tuyên thuyết và giáo hóa, đều từ phương tiện mà biết rõ kinh điển.
  3. Rõ pháp tự nhiên, đạt ánh sáng pháp, đến với Phật đạo không thể nghĩ bàn.
  4. Nắm các định ý, hiện đang nghe Phật, mở bày trước mắt, liền phụng hành pháp.
  5. Đi vào âm thanh nơi đạo tràng, tùy theo phương tục mà diễn xuất ngôn từ, không hề cùng tận.
  6. Nghĩ đến việc nơi ba đời chư Phật là pháp không thể nghĩ bàn.
  7. Tùy thời giảng nói, mang nhiều biện tài về tất cả chỗ then chốt nơi kinh điển của chư Phật.
  8. Tai nghe nhiều nghĩa lý không thể suy lường.
  9. Chỗ hưng Thánh tuệ có thể nghe giữ thông suốt các pháp chư Phật.
  10. Kiến lập mười lực vô úy của Như Lai.

Đó là mười pháp đạt đến Tổng trì của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Rộng nghe liền nắm giữ
Không quên tất cả pháp
Hiểu rõ tùy thời nói
Thông các pháp tự nhiên
Dùng pháp đại quang minh
Trí hiện khó nghĩ bàn
Hiện tại đắc Tam-muội
Nghe kinh điển trước mắt.

Bồ-tát có mười việc ban tuyên Phật pháp. Những gì là mười?

  1. Hiểu rõ nghĩa đạo.
  2. Chí lập đại nguyện.
  3. Phân biệt rõ về chỗ về của tội, phước.
  4. Thường trú Chánh giác.
  5. Không tâm tự cao.
  6. Thông đạt pháp giới.
  7. Định ý biết rõ.
  8. Thấu rõ bản tâm.
  9. Biết rõ bản tịnh.
  10. Tùy gốc mà giác ngộ khiến thành tựu Phật đạo.

Đó là mười việc Bồ-tát ban tuyên Phật đạo.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Hiểu rõ về Phật đạo
Nguyện nhận biết tội phước
Chỗ lập nơi chư Phật
Rõ pháp không tự đại
Phân biệt tâm vốn tịnh
Chỗ về của định ý
Gốc tịnh cũng tự nhiên
Tùy gốc mà giác ngộ.

Lúc Phật thuyết xong phần này, tam thiên thế giới đều chấn động. Ánh sáng lớn ấy chiếu khắp mười phương, chư Thiên, long, thần đều đến rải hoa, dùng các âm nhạc cúng Phật tạo sự vui vẻ. Họ đều hoan hỷ cùng khánh chúc: “Lành thay! Chúng ta nhờ công đức thuần thục từ đời trước mà được dự pháp hội này, quen hiểu nghĩa sâu mầu và đạo tuệ vô cực. Những tốt lành ấy là gì? Thế Tôn Năng Nhân khai thị pháp tạng, ân từ ban bố khắp mười phương, chữa lành mù tối, chuyển hóa năm ấm, sáu suy (trần), ba độc, năm cái, mười hai nhân duyên, sáu mươi hai tà kiến. Dùng năm việc để chỉ bày: Giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến, ngũ nhãn, lục thông. Lấy sáu Độ vô cực: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để thành tựu Phật đạo. Ban tuyên và khai thị mười hai bộ kinh, khai hóa sáu mươi hai thứ tà kiến nghi khiến họ phát đạo ý, chư Phật tán thán, Bồ-tát hoan hỷ. Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Trí lại hỏi Bồ-tát Phổ Hiền: Sao gọi là phát tâm Bồ-tát? Sao gọi là hành pháp? Sao gọi là đại Bi? Sao gọi là duyên phát đạo tâm và dùng đạo duyên ấy mà hưng khởi ý? Sao gọi là gặp thiện hữu phát tâm kính thuận? Sao gọi là Bồ-tát đạt đến thanh tịnh?

Sao gọi là Độ vô cực? Sao gọi là Phật tuệ? Sao gọi là chỗ kinh qua? Sao gọi là Bồ-tát lực? Sao gọi là bình đẳng? Sao gọi là sinh giác tánh? Sao gọi là thuyết pháp? Vì sao mà phụng hành? Sao là biện tài? Sao gọi là vô số? Sao gọi là hành tâm bình đẳng? Sao gọi là hành tuệ? Sao gọi là Bồ-tát không tự đại?

Bồ-tát Phổ Hiền đáp:

–Lành thay! Chỗ hỏi của Phật tử thật là hay và thâm diệu! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Nay tôi vì Bồ-tát và chúng hội mà giảng nói.

Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Trí cùng đại chúng lắng nghe và lãnh thọ lời giảng của Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát Phổ Hiền nói:

–Có mười việc phát tâm của Bồ-tát. Những gì là mười?

Lúc phát tâm thường mang tâm đại Từ bi, hộ trì tất cả chúng sinh.
Chốn hành từ bi quán sát hết thảy phiền não, khổ nạn của chúng sinh như thương thân mình.
Tất cả sở hữu đều có thể bố thí, nghĩ đến Nhất thiết trí, tâm là đứng đầu. Nghĩ đến Nhất thiết trí nên có thể phát tâm không hủy hoại nghĩa Thánh.
Hưng khởi với tâm nghiêm tịnh, học điều then chốt của giới cấm Bồ-tát, tâm tâm kiên cố như kim cang.
Dứt sạch chỗ cấu trược của tất cả các pháp.
Chốn sinh khởi ý đó giống như sông biển.
Có thể làm chủ tất cả các pháp thanh tịnh.
Chí ấy kiên cố như núi Tu-di, tức có thể nhẫn chịu tất cả âm thanh ngôn từ thiện ác.
Chỗ phát tâm ấy kiến lập sự an lạc dài lâu, ban cho chúng sinh tín tâm chân thành mà tâm vẫn luôn độc hành
Trí Độ vô cực hiểu rõ các pháp rồi tùy theo phương tiện mà hộ trì. Đó là mười việc phát tâm của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Hưng phát tâm đại Bi
Đem giúp khắp chúng sinh
Thấy ở trong khổ não
Thương xót như thân mình
Tư duy Nhất thiết trí
Được chí nguyện trang nghiêm
Tâm ấy như kim cương
Trí tuệ như sông biển.

Bồ-tát có mười việc hành pháp Phổ Hiền. Đó là:

  1. Ở trong kiếp đương lai đều cùng tất cả hành tập đại nguyện, phụng kính những người chưa đến.
  2. Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở nơi sắc pháp mà khai hóa chúng sinh lập hạnh Bồ-tát.
  3. Tích lũy các gốc đức với thệ nguyện Phổ Hiền.
  4. Đều có thể vào trọn các Độ vô cực.
  5. Tâm nguyện hòa nhã, tròn đủ hạnh Bồ-tát.
  6. Tuân tu các pháp vì muốn trang nghiêm cõi nước.
  7. Thế giới chư Phật các nghĩa bình đẳng.
  8. Thọ sinh tất cả mười phương cõi Phật.
  9. Hiểu rõ phương tiện, cầu các kinh điển.
  10. Hiện tại an lạc ở các cõi Phật và thành tựu Chánh đạo Vô thượng.

Đó là mười việc hành pháp của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Đều biết kiếp đương lai
Phụng kính chư Như Lai
Bồ-tát cùng chúng sinh
Thệ nguyện hạnh Phổ hiền
Tích lũy nhiều gốc đức
Vào các Độ vô cực
Trang nghiêm các cõi Phật
Chóng thành Vô thượng giác.

Bồ-tát có mười việc thường hành đại Bi. Những gì là mười?

  1. Quán khắp chúng sinh cô độc, không có thiện chủng vô lậu nên vì họ mà hưng khởi đại Bi.
  2. Quán thấy kẻ vô đạo thì dùng đại Bi hóa độ.
  3. Thấy những kẻ nghèo cùng, khổ nạn thì khiến họ trồng gốc đức.
  4. Thức tỉnh những kẻ mê ngủ lâu ngày tỉnh dậy.
  5. Thấy cõi chúng sinh không có phương tiện thì tùy lúc mà hóa độ họ.
  6. Vì những kẻ tham dục, ràng buộc mà khuyến giúp.
  7. Nhìn thấy chúng sinh gặp ách nạn thì thương xót và cứu tế.
  8. Thấy bệnh lâu ngày thì dùng thuốc từ bi mà chữa lành.
  9. Nếu người nào rời bỏ pháp thiện thì tỏ bày nghĩa đạo cho họ.
  10. Nếu thấy chúng sinh đánh mất pháp Phật thì thương xót họ trong sự hoan hỷ.

Đó là mười việc đại Bi của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Tại thế hành đại Bi
Quán sát khắp chúng sinh
Gặp tật ách lâu ngày
Do đoạn các gốc đức
Nên khởi bi vô tận
Kiến lập nơi pháp Phật
Bồ-tát hành đại Từ
Để khai hóa chúng sinh.

Bồ-tát có mười duyên phát đạo tâm. Những gì là mười?

  1. Dạy dỗ chúng sinh khiến thuận theo luật đạo mà phát đạo tâm.
  2. Muốn trừ tất cả các khổ não, hoạn nạn.
  3. Kiến lập sự an lạc lâu dài cho chúng sinh.
  4. Thấy chúng sinh ở nơi vô minh thì giúp họ phát đạo tâm.
  5. Thích khuyến chúng sinh khiến vào Phật tuệ.
  6. Thuận theo Chánh giác, phụng kính tất cả chư Phật tối thắng.
  7. Đều muốn được gặp Như Lai Chánh chân.
  8. Cũng lại muốn thấy uy dung tướng tốt của chư Phật.
  9. Cũng lại vui thích vào nơi Phật đạo nên phát đại tâm.
  10. Cũng lại kính ái mười Lực, Vô úy. Đó là mười duyên sự phát đạo tâm.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Thấy chỗ diệt chúng sinh
Vì phiền não trói buộc
Muốn họ an lạc lâu
Nên phát tâm Bồ-tát
Chúng sinh nào vô trí
Dùng Phật tuệ khuyến bày
Khiến vâng tướng ba cõi
Thường gặp chư Như Lai.

Bồ-tát gặp thiện hữu phát tâm kính trọng. Bồ-tát sơ phát đạo tâm chân chánh thì với thiện hữu luôn khiêm tốn và cung thuận. Muốn được thành tựu Nhất thiết trí của Phật thì nên tìm bạn lành, nhờ họ mà vọng ý được khuất phục.

Có mười việc gặp thiện hữu mà phát đạo tâm. Những gì là mười?

  1. Phụng kính và tự quay về với bạn lành.
  2. Tâm không ái dục.
  3. Có thể phụng hành như chỗ nghe biết.
  4. Tâm vui thích những điều đó.
  5. Chí không vết nhơ.
  6. Tâm thường nhất tâm.
  7. Dùng các gốc đức để hợp làm một việc.
  8. Hoài bão một nguyện.
  9. Phát tâm về với Thế Tôn.
  10. Chí ấy bình đẳng, nẻo hành đầy đủ.

Đó là mười việc gặp thiện hữu phát tâm cung thuận của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Thường mang tâm cung kính
Phụng hành như chỗ nghe
Hoan hỷ không vết nhơ
Ý ấy thường chuyên nhất
Hợp lại các gốc đức
Tự quay về Thế Tôn
Thường quý hạnh bình đẳng
Mới thành tựu tâm đạo.

Bồ-tát có mười việc thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Tịnh như hư không, rốt ráo không mất.
  2. Tịnh nơi các sắc tùy gốc chúng sinh mà khai hóa họ.
  3. Tịnh các âm thanh, diễn bày vô lượng nghĩa.
  4. Ngôn từ âm hưởng của biện tài thanh tịnh.
  5. Phân biệt rõ vô lượng chỗ thuyết pháp của Phật.
  6. Trí tuệ ấy thanh tịnh, trừ bỏ sự vô trí.
  7. Hiểu rõ chỗ hành đời trước của chúng sinh mà khai hóa họ.
  8. Tịnh các báo ứng, trừ sạch tất cả sự che chướng, ngăn ngại.
  9. Sở nguyện sáng rõ, thấu biết chỗ sinh Nhất phẩm của chư Phật.
  10. Sự hành dụng sáng rỡ ấy xuất sinh nơi hạnh nguyện Phổ hiền.

Đó là mười việc được thanh tịnh.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Bồ-tát thanh tịnh đủ
Công đức như hư không
Tùy căn tánh chúng sinh
Mà mở đạo vô thượng
Tịnh ngôn từ biện tài
Phân biệt rõ pháp tướng
Trí ấy không ngăn ngại
Cứu cánh ở Nhất thừa.

Bồ-tát có mười việc đạt đến Độ vô cực. Những gì là mười?

  1. Hành Độ vô cực thì tất cả sở hữu đều có thể bố thí.
  2. Giới Độ vô cực thì đầy đủ giới cấm.
  3. Nhẫn Độ vô cực thì có thể hành từ hòa, đạt được tịnh lực của Phật.
  4. Tinh tấn Độ vô cực thì chỗ hành khuyến tu không hề thoái chuyển.
  5. Thiền Độ vô cực thì làm cho ý thuần định.
  6. Trí Độ vô cực thì quán tất cả pháp vốn là chân lý tự nhiên.
  7. Tuệ Độ vô cực thì đi vào mười lực của Phật.
  8. Nguyện Độ vô cực thì đầy đủ hạnh Phổ hiền.
  9. Thần thông Độ vô cực thì biến hóa vô lượng, không một chỗ nào không biến khắp.
  10. Pháp Độ vô cực thì bình đẳng điều phục tất cả gốc ngọn các pháp.

Đó là mười Độ vô cực của Bồ-tát. Bồ-tát an trú ở đó thì về với đại tuệ vô cực vô thượng Chánh chân của Như Lai và tròn đủ sáu Độ.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Bố thí Độ vô cực
Ban rải hết sở hữu
Trì giới Độ vô cực
Thanh tịnh các hạnh Phật
Nhẫn nhục Độ vô cực
Từ hòa không sân hận
Tinh tấn Độ vô cực
Siêng tu không thoái chuyển
Nhất tâm Độ vô cực
Chánh định không loạn tâm
Trí tuệ Độ vô cực
Thấy các pháp như nhiên
Thần thông Độ vô cực
Vào khắp đạo lực Phật
Sở nguyện hành bình đẳng
Thần túc dẫn các pháp.

Có mười việc về Phật tuệ của Bồ-tát. Những gì là mười?

  1. Hiểu rõ tất cả mười phương thế giới, chủng loại chúng sinh không thể nghĩ bàn.
  2. Biết rõ các tông, hiểu rõ các pháp không mất thời tiết.
  3. Hoặc dùng vô số loại hình, hoặc dùng nhất phẩm để làm cho chúng sinh thấu biết các pháp giới.
  4. Thường ban tuyên tuệ, hiểu rõ tất cả gốc ngọn hư không.
  5. Bậc nhất Phật tuệ thông suốt rốt ráo.
  6. Mười phương thế giới, các việc quá khứ đều có thể biết rõ.
  7. Mười phương cõi Phật, các việc vị lai đều có thể thấy rõ.
  8. Mười phương cõi Phật, những việc hiện tại vào khắp để giáo hóa.
  9. Làm sáng tất cả các hạnh Như Lai.
  10. Đều vào tất cả tuệ, biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật đều đồng một hạnh.

Đó là mười việc tạo tuệ nghĩa của Bồ-tát. Bồ-tát trú ở đây thì ánh đại quang minh tự tại chiếu sáng, đủ đầy sở nguyện, tin pháp chư Phật tức dùng một tuệ mà biết rõ pháp Phật.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Thường biết mười phương cõi
Chúng sinh không kể xiết
Thảy khiến vào Phật tuệ
Tạo nên vô số niệm
Phân biệt rõ các pháp
Bình đẳng như hư không
Phật tuệ là bậc nhất
Thường thấu việc ba đời.

Có mười việc về sự kinh qua của Bồ-tát. Những gì là mười?

  1. Đều rõ các pháp vốn là Đệ nhất nghĩa.
  2. Tất cả kinh điển đều phân minh tường tận.
  3. Hiểu rõ các tuệ đều là một tướng.
  4. Phân biệt tâm niệm hành tuệ vô vi, vô số của chúng sinh.
  5. Thấy các chúng sinh đều cùng một đẳng cấp.
  6. Biết rõ chốn hành nơi phiền não của chúng sinh.
  7. Chí tánh mỗi người đều bị ràng buộc ở hành nghiệp thì đều biết rõ chỗ hành thiện ác của chúng sinh.
  8. Hiểu rõ nẻo hành theo chí nguyện của tất cả Bồ-tát.
  9. An vui mà chẳng tự đại nơi mười lực của Như Lai.
  10. Kiến lập rốt ráo mà đến Chánh giác.

Đó là mười việc kinh qua của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Biết các pháp là một
Vì hiểu rõ giới hạn
Các tuệ hợp một tướng
Tâm chúng sinh vô số
Thấy rõ khắp muôn dân
Hành phiền não mê tối
Các kết sử ràng buộc
Không được trí rộng lớn.

Bồ-tát có mười sự tạo diệu lực. Những gì là mười?

  1. Tất cả các pháp đều vào chốn an nhiên.
  2. Kinh điển các cõi đều như chỗ hóa độ.
  3. Các nghĩa như huyễn, nói về các pháp số đều là pháp Phật.
  4. Các chỗ kinh điển đều không dựa chấp.
  5. Tất cả sở hữu đều quay về ba cửa giải thoát.
  6. Gặp các thiện hữu thì tôn trọng cung kính.
  7. Tâm huân tập các năng lực bằng các gốc đức.
  8. Vào nơi cung điện vua Vô thượng tuệ đạo.
  9. Chưa từng phỉ báng trí tuệ thâm diệu, tin vui tất cả trí tâm chư Phật.
  10. Rốt ráo không thoái chuyển năng lực phương tiện quyền xảo.

Đó là mười Lực của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Tất cả pháp an nhiên
Đều như lực huyễn hóa
Các pháp là pháp Phật
Về ba cửa giải thoát
Cung kính các thiện hữu
Thường tích các gốc đức
Vào nhà tuệ vô thượng
Thuần tin sâu pháp Phật.

Bồ-tát bình đẳng có mười việc. Những gì là mười?

  1. Tâm bình đẳng với chúng sinh.
  2. Cũng bình đẳng với các pháp.
  3. Quán khắp các cõi Phật.
  4. Tánh hạnh không hai.
  5. Vì các gốc đức.
  6. Bình đẳng với chư Bồ-tát.
  7. Sở nguyện không khác.
  8. Các Độ vô cực cũng không sai biệt.
  9. Tất cả cả các hạnh đều cùng một dạng.
  10. Mười phương chư Phật đều là một Phật.

Đó là mười sự bình đẳng.
Bồ-tát lại nói kệ tụng:
Tâm chúng sinh bình đẳng
Quán khắp các kinh điển
Các cõi nước bình đẳng
Tánh hạnh không có hai
Đều hợp các gốc đức
Bồ-tát thường hành từ
Sở nguyện không số lượng
Đủ các Độ vô cực.

Bồ-tát có mười việc phát khởi giác Thánh. Những gì là mười?

  1. Tất cả các pháp chỉ có một âm thanh.
  2. Các pháp như huyễn đều trở về vắng lặng.
  3. Nghĩa kinh điển như ảnh.
  4. Sự thấy của mắt đều do duyên hợp.
  5. Các nghĩa nghiệp thanh tịnh.
  6. Tất cả các pháp đều nhờ văn tự.
  7. Các sự nghiệp đều do bản tịnh.
  8. Đạo tuệ vô tưởng.
  9. Rốt ráo tận nguồn gốc.
  10. Vạn hữu các cõi đều từ pháp giới.

Đó là mười việc phát sinh giác Thánh.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Các pháp đều vắng lặng
Cũng như huyễn như hóa
Như ảnh, như tiếng vang
Đều do nhân duyên sinh
Tịnh gốc ngọn các pháp
Tất cả không chỗ sinh
Đều vì bản tế ấy
Vô tướng làm chân đế.

Bồ-tát thuyết pháp có mười việc. Những gì là mười?

  1. Diễn nói pháp thâm diệu.
  2. Chỗ thuyết nghĩa lý tùy thời được vào.
  3. Giảng vô số việc.
  4. Thường diễn nêu nhiều việc của thông tuệ.
  5. Cũng phân biệt rõ các Độ vô cực.
  6. Tuyên thị mười lực của Như Lai.
  7. Giải nghĩa ba đời.
  8. Thường nói pháp không thoái chuyển của Bồ-tát.
  9. Rộng nói về công đức của chư Phật.
  10. Ban tuyên về sự xuất gia bình đẳng của Bồ-tát, chư Phật Như Lai.

Đó là mười việc thuyết pháp của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:
Giảng thuyết pháp thâm diệu
Đều khiến vào nghĩa đạo
Diễn trí tuệ vô ngần
Rộng nói Nhất thiết trí
Nêu các Độ vô cực
Hiện bày mười lực Phật
Ba đời không ngăn ngại
Bồ-tát không thoái chuyển.

Có mười hạnh mà Bồ-tát phụng hành. Những gì là mười?

  1. Tích lũy các gốc đức.
  2. Nghe chư Như Lai giảng thuyết kinh điển thì liền có thể thọ trì.
  3. Nắm tất cả sự hiện hữu, nêu ví dụ mà tuyên thuyết.
  4. Dẫn dắt tất cả phụng hành pháp ngôn.
  5. Hoài bão về cửa tuệ nghĩa Tổng trì.
  6. Đều có thể đoạn trừ hồ nghi, chấp trước.
  7. Dùng đầy đủ các hạnh Bồ-tát.
  8. Biện tài bình đẳng của tất cả Như Lai.
  9. Thuyết pháp khai hóa, diễn xuất ánh sáng.
  10. Lời nói đều nhận được sự an lạc của chư Phật kiến lập nên khiến đạt đến Vô thượng Chánh chân.

Đó là mười hạnh phụng hành của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Tích lũy các gốc đức
Ngợi khen pháp Như Lai
Quán các pháp bình đẳng
Phụng tuyên cửa đạo tuệ
Xả bỏ các nghi chấp
Đầy đủ hạnh Bồ-tát
Các pháp là thế gian
Đều khiến vào nhà đạo.

Bồ-tát có mười việc phân biệt biện tài. Những gì là mười?

  1. Chỗ diễn các pháp vĩnh viễn không nhớ nghĩ.
  2. Phân minh các kinh đều là không chốn hành.
  3. Biện tài các nghĩa vô sở trước.
  4. Rõ các pháp vốn không.
  5. Ban tuyên vô lượng tất cả các pháp, ấy là chỗ kiến lập của Phật.
  6. Tất cả sở hữu đều không có chỗ nương tựa.
  7. Đều có thể phân biệt rõ chương cú các pháp.
  8. Thuyết thông nghĩa chân đế của kinh điển.
  9. Thường hành bình đẳng, thương xót chúng sinh.
  10. Thuyết pháp khế hợp khiến mọi người vừa tâm.

Đó là mười việc phân biệt biện tài của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Giảng kinh không tưởng nghĩ
Tất cả hành vô tưởng
Không chấp nơi các pháp
Thấu rõ đều là không
Biện tài không hạn lượng
Các pháp Phật kiến lập
Tất cả không chỗ dựa
Rõ tất cả vốn không.

Bồ-tát có mười việc được tự tại. Những gì là mười?

  1. Khai hóa chúng sinh.
  2. Chiếu sáng các pháp.
  3. Tu các gốc đức.
  4. Hành tuệ vô cực.
  5. Không chấp cảnh giới.
  6. Tạo lập gốc thiện, khuyến giúp Phật đạo.
  7. Chốn hành tinh tấn không hề thoái chuyển.
  8. Hàng phục chúng ma, những chỗ mê hoặc.
  9. Biết rõ tâm đạo nơi tất cả Phật đạo.
  10. Ở nơi tà kiến mà thành Chánh giác.

Đó là mười việc được tự tại.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Rõ, mở bày chúng sinh
Các pháp được sáng soi
Phụng hành các gốc đức
Tuệ vô cực tự tại
Tâm đều không dính mắc
Tinh tấn không biếng trễ
Hàng phục khắp chúng ma
Do mình được tâm đạo.

Bồ-tát có mười việc thi hành vô số. Những gì là mười?

  1. Khai hóa tất cả khổ nạn của thế gian.
  2. Gốc ngọn của chúng sinh không thể tính đếm.
  3. Không thể suy lường việc của kinh điển.
  4. Tất cả chỗ làm không bờ mé.
  5. Bờ cõi của các pháp không thể cùng tận.
  6. Không thể sánh cùng gốc của công đức.
  7. Tất cả các pháp ác đều không thể giảng nói.
  8. Chí nguyện cũng không bờ mé.
  9. Chỗ về các hạnh không thể ví dụ.
  10. Tất cả Bồ-tát độc hành khó ai sánh bước, tất cả chư Phật độc tôn không hai.

Đó là mười sự hành vô số của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Thế gian khó nói hết
Chúng sinh vô số lượng
Các pháp không bờ mé
Chỗ tạo tác vô hạn
Gốc đức không thể sánh
Các pháp không xứ sở
Khó sánh cùng Bồ-tát
Chư Phật không ai bằng.

Bồ-tát có mười việc hành tâm bình đẳng. Những gì là mười?

  1. Tích đức với tâm bình đẳng.
  2. Chí nguyện đồng đẳng.
  3. Thân ý chúng sinh cũng không có hai.
  4. Vào khắp chúng sinh, hướng cho tội, phước có nẻo về.
  5. Đi khắp các pháp.
  6. Thấy các cõi Phật, tịnh uế bình đẳng.
  7. Khuyến hóa chúng sinh khiến vào thuần tín.
  8. Tâm bình đẳng với các hạnh và các vọng tưởng.
  9. Đều vào mười Lực vô úy của Phật.
  10. Đều từ trí tuệ bình đẳng của Như Lai.

Đó là mười tâm bình đẳng của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Tích đức tâm bình đẳng
Hưng khởi tất cả nguyện
Tâm chúng sinh bình đẳng
Tội phước không khác biệt
Vào khắp các kinh điển
Quán nước Phật bình đẳng
Thương xót khắp chúng sinh
Khiến vào hạnh không hai.

Bồ-tát có mười việc hành tuệ. Những gì là mười?

  1. Hiểu rõ chúng sinh sẽ về trí tuệ giải thoát.
  2. Vào khắp các cõi, vô số cõi nước.
  3. Người chưa vào thì được vào.
  4. Đi vào lưới tham, trừ khử cấu uế.
  5. Đi vào các cõi, biết chỗ tăng giảm.
  6. Hiểu rõ các pháp mỗi một có khác.
  7. Hoặc dùng nhất phẩm, có thể biến khắp âm thanh các cõi.
  8. Rõ các tưởng thế gian, chỗ trú điên đảo và mỗi mỗi sự khác nhau của chỗ tư niệm.
  9. Dùng ngôn từ vào khắp tất cả nêu bày các pháp.
  10. Oai lực của Như Lai kiến lập pháp giới và tất cả chúng sinh ở tại ba đời. Chư Phật vào đó dạy dỗ cho họ không còn mê mờ và đều khiến họ vào đạo.

Đó là mười hành tuệ của Bồ-tát. Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Tin hiểu cõi chúng sinh
Vào khắp các cõi Phật
Đều đến cả mười phương
Bình đẳng quán thế giới
Các pháp không số lượng
Thân vào không cùng tận
Chỗ biến hóa Như Lai
Hóa độ khắp ba đời.

Bồ-tát có mười việc không tự đại. Những gì là mười?

  1. Không khinh mạn người, loài vật, côn trùng…
  2. Thân tâm khiêm tốn, không khi dễ người.
  3. Không vì cõi nước của mình mà tự ngã mạn.
  4. Nếu được cung kính không tâm tự đại.
  5. Không dùng lời hay mà tự khen ngợi.
  6. Hành nguyện đầy đủ, không dùng để tô điểm.
  7. Khai hóa chúng sinh, lìa sự mệt mỏi.
  8. Thành tựu Chánh giác, tâm thường từ bi.
  9. Giảng thuyết kinh điển, không rộng nói đến bản thân.Có chỗ kiến lập mà không tư đại.

Đó là mười việc không tự đại của Bồ-tát.

Bồ-tát lại nói kệ tụng:

Không khinh mạn chúng sinh
Được cõi nước chẳng vui
Được phụng kính chẳng mừng
Rời các danh xưng hão
Không tham, các sở nguyện
Khai hóa mọi chúng sinh
Được thành Tối chánh giác
Ban tuyên tuệ đại đạo.

Lúc nói giảng nói pháp này xong, các hàng Trời, Rồng, Thần, chúng sinh thế gian, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hầu-lặc… không ai mà không hoan hỷ và phát tâm đạo. Các loài: Sư tử, cọp, chó sói, gấu, nai, cá ba ba, thuồng luồng, các loài trùng nhỏ… đều sinh tâm Từ, không có hại nhau. Chúng nghe giảng nói pháp nên mỗi một đều phát đạo tâm. Chư Thiên rải hoa rơi xuống như mưa, xông đốt các danh hương có khói tỏa như mây trôi, đàn sáo nhạc khí không đánh mà tự hòa vang. Lúc ấy, chúng hội thảy đều hoan hỷ phụng hành.

Pages: 1 2 3 4 5 6