DIỆU TÝ BỒ TÁT SỞ VẤN KINH

KINH SỐ 896

Hán dịch: Tây Thiên Dịch Kinh Tam Tạng_ Triều Tán Đại Phu Thí Hồng Lô Thiếu Khanh_ Truyền Giáo Đại Sư PHÁP THIÊN (Dharma-deva) phụng Chiếu dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

ĐƯỢC THẮNG SƯ, BẠN GIÚP ĐỠ MAU ĐƯỢC TẤT ĐỊA PHẦN THỨ NHẤT

Bấy giờ, Dược Xoa Chủ Kim Cương Thủ (Yakṣādhipati Vajrapāṇi) có lòng Đại Từ thương sót cho đời sau, phóng ra ngàn ánh sáng, rồi nhất tâm an trụ. Lúc đó, Diệu Tý Bồ Tát (Subāhuḥ- Bodhisatva) dùng sự trì tụng, nơi tất cả Chân Ngôn Minh được nghĩa thành tựu và nghĩa chẳng thành tựu. Ngài một lòng kính lễ Dược Xoa Chủ Kim Cương Thủ Bồ Tát và hỏi rằng: “Thưa Bồ Tát! Tôi thấy thế gian có người trì tụng, Trai Giới thanh tịnh, chuyên cần tu hành nơi Chân Ngôn Minh mà chẳng thành tựu.

Thưa Bồ Tát! Như mặt trời phóng ra ánh sáng thì không chỗ nào không soi chiếu được. Nguyện xin bồ tát xót thương nói về nhân duyên ấy. Do đâu mà người trì tụng Chân Ngôn kia đã quy phục tinh cần tối thượng đệ nhất nơi các Chân Ngôn với Pháp Thượng, Trung, Hạ lại chẳng thể thành tựu được? Do tu nhân gì mà chẳng được quả? Phải chăng tội chướng chưa được diệt trừ? Nguyện xin bồ tát nói về các việc khó khăn chướng ngại để cho kẻ tu hành kia được nghĩa thành tựu với nghĩa chẳng thành tựu

Thưa Bồ Tát! Như Đức Phật đã dạy:“ Ánh sáng của Trí Tuệ hay diệt trừ si ám”. Nếu si ám chẳng diệt trừ thì được còn đâu là Minh Tuệ nữa

Thưa Bồ Tát! Tại sao trì tụng với Hộ Ma … để làm sự nghiệp mà các Chân Ngôn Vương với chư Hiền Thánh lại chăng cho thành tựu? Nguyện xin Bồ Tát mở lòng Đại Bi mỗi mỗi giảng nói khiến cho không còn nghi hoặc

Thưa Bồ Tát! Vì pháp lực ấy không có khả năng chăng? Vì tác pháp không đúng thời chăng? Vì đem Chủng Tính làm Tính chăng? Vì câu chữ Chân Ngôn thừa thiếu chăng? Vì tu trì khinh mạn chăng? Vì cúng dường chẳng đủ chăng? Nguyện xin Bồ Tát mỗi mỗi mở nói từng loại sự việc với các điều khó khăn chướng ngại để cho các người tu hành đều hiểu thấu rốt ráo ”

Lúc đó, Kim Cương Thủ Bồ Tát nghe Diệu Tý Bồ Tát nói lời chính tâm lợi ích như thế xong. Ngài liền nhắm mắt hoa sen tỏa sáng lửa lại trong giây lát. Sau khi suy tư quán sát xong ngài liền bảo Diệu Tý Bồ Tát rằng: “Này Diệu Tý! Ông khởi tâm vì lợi ích chúng sinh. Tâm này giống như mặt trăng tròn ban đêm tỏa ánh sáng tinh khiết lại chẳng có mây mù khiến cho các người tu hành chẳng mất chính đạo, được vào cảnh giới Phật và vượt đến bờ bên kia. Việc làm của Bồ Tát chẳng cầu tự vui, đối với chúng Hữu Tình không có hiềm hại, thấy khổ não của người như khổ nẫo của mình, thấy khoái lạc của người như khoái lạc của mình

Này Diệu Tý! Tôi thấy ông có ý thương sót chúng Hữu Tình giống như con đỏ mà hỏi nghĩa này. Vậy ông hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông mà nói .

Diệu Tý! Nay tôi nói y theo lời Đức Phật dạy. Nếu có người tu hành sự nghiệp tối thượng, tu hành Chân Ngôn để cầu thành tựu thì nên lìa các phiền não, khởi niềm tin thâm sâu phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta), kính trọng mọi pháp Phật, tin tưởng kính trọng Tôi (Kim Cương Thủ) và quy mệnh giòng tộc Đại Kim Cương (Mahā-vajra-kulāya), xa lìa mười nghiệp bất thiện của thân khẩu ý. Phàm chỗ hưng khởi thường xa lìa các hạnh ngu mê tà kiến. Nếu cầu quả báo, cần phải có Trí Tuệ ví như người nông đân trồng cấy mùa màng lại gieo cây mạ khô nơi mảnh đất màu mỡ. Tuy người ấy bỏ nhiều công sức kèm với nước mưa thấm ướt tràn trề nhưng vì hạt giống héo khô nên không thể sinh ra quả trái được. Sự ngu mê tà kiến cũng giống như thế.

Phàm các người tu hành muốn tạo sự nghiệp trước hết, tự Tâm xa lìa các ngu mê tà kiến, hành 10 pháp Thiện không hề lay động cho đến luôn luôn hành tất cả pháp Thiện. Như có các hàng Thiên Ma, A tu la cho đến La Sát, các loại Thần ăn máu thịt .v.v.. dùng tâm ác độc đi lại trong ba Cõi làm não hại chúng sinh và làm tán loạn chỗ người tu hành. Nếu có người tu hành vui nơi pháp của Tôi, tu trì tụng tập Chân Ngôn Hạnh (Mantra-caryā) thì các loài kia nhìn thấy tự nhiên sợ hãi chẳng thể xâm phạm não hại được .

Nếu muốn khiến các loài Đại Lực Thiên Ma, các hàng Tinh Tú cho đến các loài Quỷ Thần chẳng thể gây chứng ngại đồng thời lại giáng phục được thì cần phải đi vào Tam Muội Gia Đại Man Đồ La. Do đi vào nơi trú ngụ an ổn của chư Thiên và Thánh chúng Đại Lực mà gọi là Đại Man Đồ La (Mahā-maṇḍala). Cũng lại nên vào Man Đồ La tối thắng và các Đại Chân Ngôn của Đại Minh Vương. Do luôn luôn vào các Đại Man Đồ La, là chốn tụ phước của hàng Đại Minh Vương, giòng tộc Đại Kim Cương, chư Phật, Bồ Tát tức là phụng sự chư Phật Bồ Tát với hàng Đại Minh Vương cho nên được các ảnh tượng của chư Phật Bồ Tát ấy che chở giúp đỡ khiến cho các loài Thiên Ma, A Tu La, Dược Xoa và các loài Rồng Quỷ hay gây chướng ngại không thể xâm phạm não hại được. Các loài này khi nhìn thấy nơi cư trú của người trì tụng thì cảm thấy không thể đến gần được mà tự nhiên lui tan chẳng dám gây chướng ngại.

Nếu tu tất cả Chân Ngôn Thế Gian và Xuất Thế Gian của Pháp Thành Tựu tức là luôn luôn vào các Man Đồ La với các Tam Muội Gia (Samaya) kia, thụân theo sự gia trì của Thánh Lực mà tự nhiên phá hoại được tất cả tâm ác. Đã có khả năng vào Tam Muội Gia Man Đồ La kia nhưng vẫn nên phát Tâm dũng mãnh, phát Tâm Bồ Đề, chỉ tin nơi Phật chẳng tin các hàng Ngoại Đạo Thiên Ma. Nếu trái với Tâm này mà trì tụng pháp của Tôi thì tự nhiên sẽ bị hủy diệt

Lại nữa người hành trì tụng chưa được thành tựu. Trước hết, cần phải y theo bậc A Xà Lê (Ācārye) có giới đức trong sạch không bị khuyết phạm, có phước đức tối thắng. Nếu gặp được vị A Xà Lê này bẩm thụ trì tụng lại tự quyết chí dũng mãnh thì sự tu trì dễ được thành tựu mau được linh nghiệm. Ví như hạt lúa gieo trồng nơi đât tốt màu mỡ thì dễ thu hoạch được quả trái. Gặp được Thầy giỏi cũng như thế. Nếu như khó được linh nghiệm thì do nghiệp đời trước. Khi ấy nên tùy theo Thánh Địa này thì dùng cát ấn thành cái Tháp, hoặc lấy đất làm Tháp ,bên trong Tháp đặt Tượng và để Xá Lợi. Xong nên đem các loại hương, hoa, đèn, vật dụng, rèm, phướng, lọng, các loại kỹ nhạc làm pháp cúng dường. Lại chuyên chú chân thành ca ngợi giải bày làm lễ sám hối. Sám hối xong rồi, y như trước chuyên chú trì tụng không được gián đoạn thì chắc chắn được linh nghiệm. Tu hành như vậy là TU CỤ TRỢ BẠN (tu hành có đủ bạn giúp đỡ) Nếu không có bạn giúp thì sự tu trì sẽ bị thiếu sót ví như chiếc xe cần có đủ hai cái bánh, nếu thiếu một cái thì không thể di chuyển được. Tu hành trợ bạn cũng giống như thế. Nếu cầu bạn giúp đỡ thì nên cầu bạn thuộc giòng tộc tôn quý, hình mạo đoan nghiêm, đầy đủ các căn, tâm tính nhu thuận, thích tu pháp lành, Trí Tuệ nhanh sáng, tinh cần dũng mãnh, có Tâm Đại Bi, thường vui bố thí, tín trọng Tam Bảo, phụng sự cúng dường, chẳng hề quy tín các hàng Ngoại Đạo với loài Thiên Ma. Đây là người có đầy đủ công đức giúp đỡ bạn trong đời Hiền Kiếp. Nhờ vậy các người trì tụng mau được thành tựu trong sự tu hành. Các ông nên biết như vậy

 

LỰA CHỌN TÌM NƠI THÙ THẮNG PHẦN THỨ HAI

Lại nữa, người hành trì tụng! Nếu muốn tu Hạnh Chân Ngôn cầu sự thành tựu, trước hết cầu được Pháp do chư Phật giảng nói và cầu tìm được nơi cư ngụ lúc trước của Đức Phật, Bồ Tát, Bích Chi, Thanh Văn vì đấy là Thắng Địa; nơi ấy thường có các hàng Trời, Rồng, A Tu La cung kính thủ hộ cúng dường. Tại sao vậy? Ấy là các bậc Trượng Phu tối thắng trong hàng Trời, Người đã từng ở đấy. Khi được đất này rồi, người hành trì tụng cần phải thanh tịnh thân tâm, đầy đủ Luật Nghi và thường cư ngụ ở nơi này. Nếu không được Phước Địa ấy mà chỉ tìm được chỗ bên bờ sông lớn, hoặc bờ sông nhỏ, hoặc cạnh ao suối cho đến khe ở dốc núi có nước trong tràn đầy, không có các loài thủy tộc độc ác …thì cũng được. Hoặc tìm các chốn có hoa sen, hoa Ô bát la (Utpala:Hoa sen xanh) với các hoa thơm cỏ lạ, cỏ mềm phủ khắp. Hoặc các hốc nơi sườn núi hay trong hang núi không có các loài thú đáng sợ như sư tử, thú dữ … Khi tìm được chốn ấy rồi cần phải đào sâu xuống một khuỷu tay, loại bỏ gai góc, gạch ngói, tro than, đất mặn, xương cốt dơ bẩn, lông tóc, các tổ của loài trùng sâu. Nếu đào sâu xuống mà chẳng loại trừ được các thứ trên thì nên bỏ đi tìm đến nơi khác, cũng đào sâu xuóng một khủyu tay như trước rồi lấy đất sạch ở nơi khác lấp bằng hố đấy, xong mới dựng nhà. Cũng dùng đất sạch tán nhỏ thành bùn rồi xoa khắp trong ngoài. Lại dùng Cù ma di (Gomaya:phân bò) xoa lên mặt đất ở ngay chỗ nằm ngồi. Phải thường ở trên mặt đất chẳng được dùng giường phản. Nhà ở chỉ mở cửa hướng về phương Đông, phương Tây hoặc phương Bắc không được hướng về phương Nam. Như vậy dựng nhà xong. Sau đó tùy sự tương ứng dựa theo phương sở của Tôn Tượng mà làm sự nghiệp. Trước hết, dùng các loại diệu hương tô điểm trang sức nơi đặt bày Tôn Tượng. Về Tôn Tượng thì có thể điêu khắc hoặc đúc đắp hoặc vẽ trên vải. Nếu vẽ thì phải tìm sợi vải sạch, lựa bỏ lông tóc rồi đem dệt thành khổ vải, lớn nhỏ dài ngắn tương xứng, không được cắt bỏ sợi vải ở hai đầu. Khi dệt vải xong, dùng nước hương ngâm giặt, căng ra cho thẳng rồi nhờ người vẽ. Người vẽ phải ăn chay, tắm gội sạch sẽ, lại thọ Tám Giới cho trong ngoài thanh tịnh, xong rồi mới vận Tâm vẽ. Phàm sử dụng sắc vẻ thì nên tìm màu sắc đẹp nhất. Tốt nhất không được dùng keo nấu bằng da sinh vật mà dùng keo nấu bằng hương thơm để điều hòa sắc vẻ

Vẽ Tượng xong, tùy theo phương hướng định vị Tượng. Dùng các loại thức ăn uống, hương, hoa, đèn … làm Pháp Đại Cúng Dường. Nếu không đủ khả năng thì tùy theo sức mà cúng dường, cốt yếu là chuyên chú chân thành tín trọng tán thán lễ bái cúng dường. Làm như vậy xong, tụng trì trước mặt Tôn Tượng thì mọi điều mong cầu sẽ mau thành tựu

Lúc sắp sửa bắt đầu tu trì, trước hết người tụng trì phải cạo tóc, tắm rửa, mặc quần áo mới sạch sẽ, không được dùng áo bằng tơ tằm, cũng không được dùng màu trắng, chỉ có thể dùng vải với vỏ cây hoặc các loại cây cỏ, nên dùng đất đỏ nhuộm vải để phá màu sắc.

Lại nên thọ trì bình bát khất thực, có thể dùng gỗ cây Sa La, đồ sành sứ, đồng ,thiết, hoặc vỏ trái bầu để làm bình bát. Bình bát phải được giữ gìn nhẵn nhụi sạch sẽ, không được dò rỉ hoặc hư mẻ. sau đó ôm bình bát này đi khất thực

Phàm khất thực thì chỉ có thể ở nơi chẳng gần chẳng xa các làng mạc, nơi có nhiều Thủ Đà (Śūdra) tín trọng Tam Bảo, nơi có nhiều thức ăn uống và không có ngoại đạo Bà La Môn. Vì hàng Bà La Môn (Brāhmaṇa) ấy có khuynh hướng chấp Tính, vô tàm (không biết xấu hổ), Ngã Mạn. Lại nữa, khi kẻ Ngoại Đạo gặp Hành Nhân đang ôm bình bát đi khất thực, tụng trì Chân Ngôn, tu theo pháp Phật thì liền sinh sự gây khó khăn chướng ngại như nói là: “ Ngươi vốn là dòng Bà La Môn (Brāhmaṇa) có thể tu pháp Bà La Môn như phụng hành sáu pháp, đa văn Tịnh Hạnh, tín trọng chư Thiên, phụng sự vua chúa và lấy vợ để sinh con nối dòng. Nếu ngươi hành các điều này thì sẽ được giải thoát, cần gì phải tụng trì Chân Ngôn của Thích Giáo và tín hành Phật Pháp?”

Nếu Hành Nhân thuộc dòng Sát Đế Lợi (Kṣatriya) thì lại nói rằng: “ Ngươi là dòng

Sát Đế Lợi nên có thể phụng hành Vương Pháp, tiếp nối ngôi Vua. Tại sao lại phụng trì Chân Ngôn Phật Giáo, phản bội Bản Tông để cầu giải thoát?”

Nếu hành nhân thuộc các dòng Tỳ Xá (Vaiśya), Thủ Đà (Śūdra) thì kẻ Ngoại Đạo cũng đều nói về việc của Bản Tông là pháp giải thoát và Hành Nhân chẳng thể hợp với sự tụng trì Chân Ngôn Phật Giáo để cầu giải thoát. Bọn ấy thường dùng lửa Sân đốt Tâm, các loại ỷ ngữ và nhiều phương tiện gây chướng ngại khó khăn để não loạn khiến cho Hành

Nhân sinh tâm thoái lui Bậc tu hành Chính Đạo thường khất thực y theo thời chẳng y theo kẻ Ngoại Đạo đã quá giờ Ngọ mà vẫn đi khất thực. Phàm nơi khất thực, đừng đến nhà Ngoại Đạo và những nơi có nhiều Ngoại Đạo.

Nếu luận bàn về Pháp Thiện Ác Nhân Quả thì cần phải biết rằng: Hay làm pháp Thiện sẽ chứng Niết Bàn (Nirvāṇa), nếu tạo nghiệp Ác thì cuối cùng bị đọa vào đường khổ. Sự báo ứng của Thiện Ác chẳng do Dòng Tộc mà có, ấy chỉ do Thế Gian phân biệt hư vọng mà thôi. Lại nữa, chúng sinh từ vô thủy đến nay, thân bị nhơ uế chẳng phải do ăn uống trong sạch mới tịnh được thân tâm, mà cần phải xa lìa các điều ác, thường làm các điều lành và tích tụ các pháp lành thì mới tịnh được thân tâm. Ví như có người bị ung nhọt trên thân thì chỉ tìm kiếm thuốc men diệt trừ ung nhọt chứ chẳng mong muốn điều gì khác. Hành nhân ăn uống chỉ cốt trừ cái đói chứ chẳng vì ưa thích món ngon. Lại có người bị rơi vào xứ đang hạn hán, do sự đói khát áp bức mà người ấy phải giết con để ăn, sự kiện ấy là do muốn trừ cái khổ của sự đói chứ chẳng vì tham mùi vị. Hành Nhân ăn uống cũng giống như thế. Pháp ăn uống cũng giống như cái cân, hễ vật chẳng nặng chẳng nhẹ thì cân ngang bằng, Hành Nhân ăn uống cũng giống như thế, chẳng được ăn quá lượng cũng đừng giảm bớt chỉ cần giữ gìn đừng cho bị tổn thương bởi sự no đói cũng như căn nhà hư nát, phải thay đổi cột kèo để khỏi bị sụp đổ. Hoặc dùng dầu mỡ bôi vào trục xe chỉ cốt cho bánh xe trơn lăn tới trước. Hành nhân ăn uống cũng giống như thế, chỉ cốt giữ gìn sức khỏe chứ chẳng vì mùi vị. Chính vì thế cho nên Đức Phật bảo rằng: “Chúng Hữu Tình trong cõi Dục chỉ y theo thức ăn mà an trú”. Lại nữa Hành Nhân tuy cần thiết ăn uống để giữ gìn thân thể nhưng luôn luôn quán thân xác này giống như cây chuối không bền chắc và thường dùng điều này để chế ngự Tâm chẳng cho trụ nơi tham ái.

Phàm lúc khất thực thì nên ôm bình bát theo thứ tự tuần hành đi xin, thường suy niệm về cái điều do đức Thế Tôn nói, dùng Trí Tuệ tùy theo phương tiện để điều phục sáu Căn không cho chúng tán loạn. Khi nhìn thấy sắc đẹp với các thứ Trần Cảnh thì hãy xem đó như là cảnh giới của Ma đang muốn mê hoặc lòng người. Do đó nếu phải khởi phương tiện, người tu hành chẳng thà lấy cây sắt nung đỏ đâm vào hai mắt của mình chứ chẳng dùng tâm loạn để tham nhìn sắc đẹp với các cảnh trần hoặc tham nhìn các cảnh lạ thường .

Người tu hành chỉ nên tùy duyên khất thực và chẳng dính chấp, thường nên dùng sự so sánh để điều phục Tâm rồi an nhiên tuần tự đi khất thực các nhà, không phân biệt thượng trung hạ và luôn luôn xa lìa sự chấp bỏ (thủ xả). Tuy nhiên người tu hành không được ở chỗ có người mới sinh đẻ, nơi có nhiều người uống rượu, nơi có nam nữ say mê ái nhiễm, nơi có nhiều con nít cười vui, nơi có nhiều chúng nam nữ tụ hội, nơi có nhiều nam nữ vui chơi âm nhạc cho đến nơi có nhiều chó dữ. Các nơi như vậy đều không nên cư trú .

Xin được thức ăn rồi, hành nhân ôm bình bát quay về chỗ lúc trước, rửa chân ngồi xuống sau đó mới ăn. Trước khi ăn, chia thực phẩm ra làm ba phần: Một phần đem dâng Bản Tôn để cúng dường, một phần đem bố thí vô ngại, một phần tự mình ăn. Lúc ăn phải đúng theo thời. Ăn xong, súc miệng rửa ráy cho trong sạch, một ngày nên tắm rửa ba lần. Trước tự thanh tịnh, sau đó dùng hương, hoa, đèn, nến, các thứ cúng dường, ca ngợi lễ bái dâng hiến Tôn Phật. Tất cả thực phẩm cần phải trong sạch tinh khiết, xa lìa các thứ Ngũ Tân uế trược . Mỗi khi trì tụng nên ngồi trên cỏ Cát Tường (Kuśala).

Phàm pháp cúng dường, nếu chẳng làm rộng lớn được thì tùy theo khả năng mà phân chia, dâng các hương, hoa như hương Linh Lăng, Át ly già, Quả cát tường, Một lỵ hạ đế, cỏ cát tường kèm với hoa sen hòa hợp cúng dường khiến cho Chư Tôn đẹp ý

Hành Nhân trì tụng, hoặc đi hoặc ngồi, cần phải suy niệm thâm sâu, chỉ trừ lúc nằm ngủ thì chẳng hứa niệm. Niệm tụng xong rồi, hành trong sáu Thời, Tâm luôn luôn suy niệm Công Đức không được gián đoạn cho đến lúc viên mãn.

PHÂN BIỆT TRÀNG HẠT GIỮ GÌN TÂM XA LÌA CHƯỚNG PHẦN THỨ BA

Lại nữa, do sự phiền não của các thứ Tham dục hòa hợp với tâm mà nói là Luân Hồi (Saṃsāra). Nếu trừ được căn bản phiền não ấy thì giống như ấy Pha Ti Ca (Sphaṭika:Thủy tinh) thanh tịnh nên luân hồi còn được gọi là Giải Thoát (Vimukti). Lại như trước vốn trong sạch, trong khoảng Sát Na bị nhiễm bụi bặm thành vẫn đục; cũng như Nguồn Tâm (TÂM NGUYÊN) của Hữu Tình vốn trong sạch, trong khoảng Sát Na (Kṣana) bị vướng phiền não thành nhiễm ô.

Tiếp theo nói về Sổ Châu (Tràng Hạt: Mālā) Tràng Hạt có nhiều loại là: Hạt Bồ Đề, hạt Kim Cương, hạt Sen, hạt Mộc Hoạn, Xà Cừ, các thứ báu, thiếc, chì, đồng … tùy dùng một loại làm thành tràng hạt có 108 hạt. Được như vậy rồi, người hành trì tụng thường trân trọng giữ gìn.

Phàm lúc trì tụng, ở trước mặt Bản Tôn y theo Pháp : ngồi yên, điều phục các Căn, ngồi thẳng thắn không được nghiêng ngả, trì niệm Bản Tôn với Chân Ngôn (Mantra), Ấn Khế (Mudra), thu nhiếp Tâm Ý không cho tán loạn, dùng tay phải cầm tràng hạt, ngửa tay trái đỡ. Cứ tụng Chân Ngôn một biến thì lần qua một hạt, biến số gia trì thường nên cố định đừng để cho thừa cho thiếu. Pháp trì niệm: chỉ mấp máy môi, đừng phát ra tiếng cũng đừng để lộ răng. Nhất tâm chuyên chú đừng để tán động. Tâm của Phàm Phu trong giới Hữu Tình giống như loài vượn khỉ hay tham dính các cảnh, vui thích chẳng chịu bỏ ví như biển lớn bị gió kích động sinh khởi các sóng chẳng thể tự yên. Phàm phu nhìn cảnh trần cũng giống như thế . Do đó hành giả thường nên thu nhiếp Tâm Ý đừng để tán động, đừng để cho Nguồn Tâm (TÂM NGUYÊN) bị dậy sóng

Người hành trì tụng, nếu bị mỏi mệt muốn ngủ gục và sợ bị mất niệm. Lúc ấy, Hành Giả nên đứng dậy đi Kinh Hành hoặc quán bốn phương để cho tâm thần thảnh thơi hoặc dùng nước lạnh rửa mặt rửa mắt cho tỉnh táo. Xong, lại ngồi trì tụng

Hành giả nếu sợ lao khổ, Tâm bị chuyển động liền khởi niệm rằng:“Thân này không có chủ, do nghiệp báo mà có thân, nó không có chỗ dựa, tất cả nơi nơi đều bị nóng lạnh, đói khát, chấy rận, muỗi mòng .. gây điều khổ não! Biết đến bao giờ mới hết khổ được?”

Lại nữa, nếu nhiều tham dục thì nên dùng pháp quán xương trắng với sự hư nát bất tịnh. Nếu nhiều sân nộ thì quán pháp Từ Bi, nếu nhiều về Minh (Prajñā: Trí Tuệ) thì quán pháp Duyên Khởi, nếu gặp Oan Gia (Śatrū) thì nên quán kẻ ấy như là người Tri thức thân quen. Hoặc nếu gặp trường hợp người Tri Thức thân quen đột nhiên trở thành kẻ Oan Gia thì Hành Giả sẽ thấu ngộ được cảnh Oan Gia thân thuộc. Do đó Hành Giả đừng nên khởi Tâm phân biệt yêu ghét, hãy thường trụ ngay Niệm Bình Đẳng không dính mắc .

Lại nữa, chẳng nên nói chuyện với người Lại cái (bán nam bán nữ) và người nữ. Trong trường hợp nhìn thấy hay va chạm với cảnh đại tiểu tiện thì nên dùng nước tắm rửa cho sạch sẽ hoặc dâng hương hoa, đèn sáp tán thán cúng dường cho đến giữ Giới tinh tiến trì tụng, tu hành tất cả Pháp Lành (Kuśala-dharma) đồng thời đem tất cả Công Đức có được hồi hướng đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddha: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) ví như mọi con sông đều chảy về biển, khi vào trong biển rồi đều trở thành một Vị. Cũng vậy, khi gom tất cả Nhân Lành đều hướng đến Quả Phật (Buddhaphala) thì vô lượng Phước Đức (Puṇya) sẽ tự nhiên tương tùy tụ lại. Ví như có người làm ruộng trồng lúa chỉ mong hạt chín chẳng bị hao tán, lúc được nhiều hạt lúa chín thì rơm rạ tự nhiên mà có. Cầu đến Quả Phật cũng giống như thế, tất cả Phước Lạc chẳng cầu ắt tự đến

Lại nữa, người trì tụng chẳng nên vì điều nhỏ mà làm hại điều lớn. Ví như có người đến thỉnh mời thì nên trả lời rằng: “ Chờ tôi tự trường thọ, đầy đủ tất cả niềm vui và tâm này được mãn túc. Lúc ấy tôi mới có thể làm thỏa mãn tất cả nguyện của Hữu Tình ”

Lại nữa, hành nhân nên xa lìa tám PhápThế Gian (Aṣṭa-loka-dharma) là: Xứng thiện (Yaśa: vinh), xứng ác (Ayaśa: Nhục), được lợi (Lābha: Lợi), mất lợi (Alābha: Suy), ca ngợi (Praśansa: Dự), hủy báng (Nindā: Hủy), khổ (Duḥkha: Khổ), vui (Sukha: Lạc) đồng thời chẳng giữ các Pháp ấy trong Tâm cũng như biển lớn không giữ xác chết qua một đêm cho đến mỗi sát na chẳng chịu ở chung với xác chết. lại như trong phòng đốt đèn thì phải ngăn ngừa gió, do đó nếu để đèn chập chờn sẽ dễ tắt, ngược lại nếu giữ đèn đứng yên thì tỏa ánh sáng rực rỡ. Người trì tụng cũng vậy, nên trì tụng cần phải dũng mãnh gia hành như ngọn đèn đứng yên thì Thiện Pháp sẽ tăng trưởng .

Lại nữa, người trì tụng cần phải nhiếp Tâm Ý chẳng được vui đùa, ca múa, kiêu mạn, tà kiến, tà nhiễm, ganh gét, trễ nãi, lười biếng, mê ngủ, tham gia các cuộc hội vui, say mê tà luận với vô nghĩa luận, giận dữ, nói ác, nói hai lưỡi … các điều như vậy cần phải xa lánh

Lại nữa, hành nhân chẳng được ăn thực phẩm dư thừa sau khi đã cúng dường, hoặc thực phẩm dư thừa của Quỷ Thần mà chỉ dùng được Tam Bạch (Sữa, Lạc,Gạo tẻ) với trái cây, rau, sữa bơ, lúa mạch, miến, bánh, cặn bã dầu mè và các loại cháo nhừ.

Lại nữa, người trì tụng cần phải tinh cần ngày đêm trì tụng y theo pháp; thường ở trước Phật, Pháp, Tăng với Thân Xá Lợi lưu lại mà cung kính tín phụng, trân trọng thành tâm Sám Hối, nguyện tất cả tội lỗi ngày trước đều được tiêu diệt. Mỗi lúc trì tụng, trước hết phải y theo pháp Thỉnh Triệu. Khi trì tụng xong, phải y theo pháp Hồi Hướng phát nguyện rồi sau đó mời Chư Tôn về Bản Cung. Hoặc lúc nửa đêm , sau khi sắp sửa đi ngủ thì nên ở cạnh Bản Tôn, chẳng gần chẳng xa , rải cỏ Cát Tường lên mặt đất rồi nằm hoặc ngồi trên cỏ . Sau khi ngồi Định, nên khởi tâm lợi lạc đến tất cả chúng Hữu Tình, tác quán Từ (Maitra), Bi (Kāruṇa), Hỷ (Muditā), Xả (Upekṣa)… xong rồi mới đi ngủ.

 

NÓI VỀ CHÀY KIM CƯƠNG TẦN NA DẠ CA PHẦN THỨ TƯ 

Nay tôi phân biệt nói về các lượng của Bạt Chiết La (Vajra: chày Kim Cương) có chiều dài bằng 8 ngón tay, 10 ngón tay, 12 ngón tay, 16 ngón tay, hoặc dài nhất cũng không hơn 20 ngón tay. Như vậy, cả 5 loại cũng không dài quá. tùy theo sở cầu mà làm các loại Bạt Chiết La khác nhau như : vàng, gỗ …

Nếu muốn cầu thành tựu Chân Ngôn Minh (Mantra-vidya) của Phật Pháp thì dùng cây Bồ Đề làm Bạt Chiết La

Nếu muốn giáng phục Địa Thiên (Pṛthivīye-deva) với Trì Minh Thiên

(Vidyadhāra-deva) thì nên dùng vàng làm Bạt Chiết La

Nếu muốn cầu đại phú quý thì dùng Thược thạch (đá quý) làm Bạt Chiết La

Nếu muốn giáng phục Rồng (Nāga) thì dùng đồng đã tôi luyện làm Bạt Chiết La

Nếu muốn giáng phục Tu La (Asura) hoặc vào hang Tu La thì dùng đá báu làm Bạt Chiết La

Nếu muốn thành tựu tất cả pháp thì có thể hòa chung vàng, bạc, đồng để làm Bạt Chiết La

Nếu muốn thành tựu trường mệnh cát tường (sống lâu an lành) không bị bệnh hoạn, có nhiều tài bảo cho đến giáng phục các hàng Tinh Tú thì có thể dùng cây Khư Nễ La

Nếu muốn giáng phục loài Dạ xoa nữ (Yakṣī) thì có thể dùng cây Mạt Độ

Nếu muốn giáng phục kẻ oan gia (Śatrū) thì có thể dùng loại cây có gai

Nếu muốn giáng phục kẻ Oán Địch cực ác thì có thể dùng xương người

Nếu muốn thành kẻ ảo thuật thì có thể dùng báu pha lê

Nếu muốn giáng phục người hiềm khích thì dùng cây Soan

Nếu muốn hưng binh đấu địch hoặc giáng phục Quỷ Thần thì dùng cây Phệ-Tuy-Da-Ca

Nếu muốn thành tựu pháp: Dọa Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), A tu la

(Asura) thì có dùng cây Bách, cây Thông

Nếu muốn thành người được Long nữ (Nāgī) yêu trọng thì dùng Long Mộc

Nếu muốn thành tựu là người biết Biến Hình thì có thể dùng đất với bạc để làm Bạt Chiết La

Nếu muốn cầu tiền bạc thì dùng cây Vô Ưu

Nếu muốn thành tựu là người đắc thắng trong khi đối địch thì có thể dùng cây Cát Tường, cây A Tổ Nẵng, cây Liễu.

Nếu muốn thành tựu mọi điều thích ý thì có thể dùng cây Xích Đàn, cây Bạch Đàn.

Như trên đã nói về cách làm Bạt Chiết La, tất cả đều nên làm chày Ngũ Cổ (Chày có năm chấu) chẳng được giảm thiếu. Chày cần phải sạch sẽ, bóng loáng, thù diệu, đoan nghiêm, khả ái … Nếu chày hơi bị sứt mẻ thì pháp chẳng thành tựu được.

Nếu niệm tụng, dâng đồ hương với diệu hương hoa … làm lễ cúng dường. Sau đó phát tâm từ bi rộng lớn. Tay cầm Bạt Chiết La y theo Pháp chuyên chú trì Chân Ngôn của Bản Bộ, phải đúng theo biến số chẳng được thừa thiếu. Sau khi y theo thời, trì tụng đủ biến số rồi nên đặt Bạt Chiết La dưới chân Bản Tôn, lại dùng các diệu hương hoa, đồ hương … làm lễ cúng dường. Nếu lúc trì tụng, tay không cầm Bạt Chiết La thì cuối cùng Pháp chẳng thành tựu. Nếu lại trì tụng, cứ làm theo thứ tự trước chẳng được thiếu sót. Lại nữa, nếu vật dụng cúng dường các việc pháp có sự thiếu sót thì mỗi mỗi tác Ấn để cúng dường sau đó hãy tụng niệm

Phàm pháp thành tựu có nhiều loại vật như Hùng Hoàng, Thư Hoàng, Ngưu Hoàng, Hoàng Đan với Nhãn Dược (Thuốc xoa mắt), Xương Bồ Dược … lại có y phục, giáp trụ, thương kiếm, dây lụa, Tam cổ xoa, các thứ khí trượng … Các pháp thành tựu của các loại như vậy có ba đẳng nghiệm đã được nói trong Nghi Quỹ Chân Ngôn của Bản Tôn cho đến Pháp Thành Tựu trong các Chân Ngôn cũng chẳng vượt qua được điều này.

Lại nữa thế gian có người hành Trì Minh, trì tụng chân ngôn, cầu nơi thành tựu, liền có loài Tần Na Dạ Ca (Vināyaka) gây chướng ngại, tùy theo hành nhân tìm lúc thuận tiện nhập vào thân khiến cho tâm của người trì tụng như mê say và phát các bệnh … Như vậy, chúng tìm đủ mọi cách để gây chướng ngại để gây khó khăn. Loài tác chướng kia có bốn Bộ. Một là Tồi Hoại, hai là Dạ Can, ba là Nhất Nha, bốn là Long Tượng, bốn Bộ này đều có vô lượng loài Tần Na Dạ Ca làm quyến thuộc, tùy theo mỗi nơi trong địa đại mà gây chướng ngại

Thứ nhất là Bộ Tồi Hoại, Bộ Chủ tên là Vô Ưu với quyến thuộc có 7 Câu chi, chuyên gây chướng ngại cho người trì tụng Chân Ngôn do 4 vị Thiên Vương Hộ Thế (Catur-mahā-Rājika Deva) nói

Thứ hai là Bộ Dạ Can, Bộ Chủ tên là Tượng Đầu với 18 câu chi quyến thuộc, chuyên gây chướng ngại cho người trì tụng Chân Ngôn do Trời Đại Tự Tại (Mahe’svara) nói

Thứ ba là Bộ Nhất Nha, Bộ Chủ tên là Thùy Kế với 60 câu chi quyến thuộc chuyên gây chướng ngại cho người trì tụng Chân Ngôn do các Trời: Đại Phạm Thiên (MahāBrahma), Đế Thích Thiên (Indra Deva), Nhật Thiên (Āditya Deva), Nguyệt Thiên (Candra Deva), Phong Thiên (Vāyu Deva), Na La Diên Thiên (Nārāyaṇa Deva) nói.

Thứ tư là Bộ Long Tượng, Bộ Chủ tên là Mẫu Ly Đạt Tra Ca với câu chi na do tha thiên ba đầu ma quyến thuộc, chuyên gây chướng ngại cho người trì tụng Chân Ngôn do Phật Giáo nói.

Lại có con của Ha Lợi Đế (Hārīti) tên là Ái Tử (Piṅgala: Băng Yết La) chuyên gây chướng ngại cho người trì tụng Chân Ngôn do Ban Chi Ca(Pañcika: Mật Chủ) nói.

Lại có con của tướng Ma Ly Hiền tên là Mãn Hiền (Pūrṇa-bhadra) chuyên gây chướng ngại cho người trì tụng Chân Ngôn do TỰ BỘ nói.

Các loài Tần Na Dạ Ca của các nhóm như vậy đều ở trong Bản Bộ của mình mà gây chướng nạn chẳng chẳng muốn cho Hành Nhân được thành tựu. Hoặc có lúc chúng biến hóa thành Chủ của các Bản Chân Ngôn đi đến chỗ người tu hành mà nhận sự cúng dường. Khi Chủ của Bản Chân Ngôn kia đến Đạo Trường nhìn thấy sự việc như thế liền quay trở lại Bản Cung và suy nghĩ rằng: “Tại sao Đức Như Lai có những sở nguyện như thế lại chẳng chịu trừ bỏ đẳng loại này, cứ lặng yên cho người tu hành phải chịu nhiều phiền não và công phu trì tụng chẳng được thành tựu?! …”

Chính vì Phạm Vương, Đế Thích, chư Thiên, các Rồng chẳng thể phá được lời thề gây chướng nạn của loài Tần Na Dạ Ca, chỉ riêng Đại Minh Chân Ngôn (Mahā-vidyamantra) mới có công lực lớn đủ để lui được các loài Tần Na Dạ Ca gây chướng nạn này thôi. Các người tu hành nên y theo pháp trì tụng cho đủ biến số thì tự nhiên sẽ thành tựu Diệu Man Đồ La (Sumaṇḍala) và dùng Pháp Hộ Ma (Homa) khiến cho loài Tần Na Dạ Ca gây chướng nạn phải thoái tán xa lìa không dám hại người tu hành

*********

NÓI VỀ CHÀY KIM CƯƠNG TẦN NA DẠ CA PHẦN THỨ TƯ (Chi khác)

Lại nữa, vào lúc Hành Nhân trì tụng cúng dường cho đến lúc Hộ Ma. Nếu chẳng y theo Pháp hoặc thiếu sót Nghi Tắc thì loài gây chướng sẽ được dịp hãm hại

Hoặc nếu Hành Nhân khởi tâm chẳng quyết định và có sự nghi hoặc như: “Chân Ngôn này đáng tụng ư? Chân Ngôn kia có thể tụng được ư?”. Nếu khởi lên niệm ấy thì loài gây chướng liền có dịp hãm hại.

Lại nữa, nếu Hành Nhân hay đàm luận các chuyện không đâu của Thế Gian cho đến chuyện làm ruộng, chuyện buôn bán … ở ngay trong sự tu hành không có nghĩa lợi thì các loài gây chướng kia sẽ có dịp hãm hại

Loài Tần Na Dạ Ca ấy nhập vào thân của Hành Nhân, tùy theo mỗi Bộ tương ứng, tìm kiếm chỗ yếu của Hành Nhân để gây các chướng nạn khiến cho Minh Pháp (Vidya-dharma) chẳng thành. Ví như một người đi ven bờ sông, thân ở trên bờ mà ảnh in lên mặt nước, mỗi một bước cùng theo nhau chẳng hề buông bỏ. Tương tự như thế, khi loài gây chướng đã nhập vào thân Hành Giả cũng chẳng chịu buơng bỏ như bóng theo hình .

Hoặc có loài Tần Na Dạ Ca nương theo lúc tắm rửa để nhập vào thân. Hoặc có loàii Tần Na Dạ Ca nương theo lúc niệm tụng để nhập vào thân. Hoặc có loài nương theo lúc ngủ say để nhập vào thân. Hoặc có loài nương theo lúc dâng hương hoa để nhập vào thân

Ví như mặt trời soi vào cầu lửa, do nhân duyên ấy mà phát sinh ngọn lửa. Loài Tần Na Dạ Ca ở tại thân Hành Nhân, do tìm được chỗ yếu khiến cho Hành Nhân loạn tâm mà khởi dậy ngọn lửa: Tham lam (Rāga, Lobha) sân hận (dveṣa) vô minh (Avidyā)

Như loài Tần Na Dạ Ca nương theo lúc tắm gội, tìm được chỗ yếu nhập vào thân người, khiến cho Hành Nhân khởi các lỗi lầm tai hại như:đột nhiên cảm thấy đói khát và suy niệm đến việc ăn uống. Hoặc khởi niệm giải đãi, lười biếng. Hoặc ham ngủ say. Hoặc khởi các niệm sân hận, ganh ghét.

Như loài Tần Na Dạ Ca nương theo lúc hiến hương hoa, tìm được chỗ yếu nhập vào thân người, liền khiến cho Hành Nhân khởi các lỗi làm tai hại như:Thương nhớ quê hương, đất nước, nơi sinh trưởng. Hoặc khởi ý tưởng tham muốn phân biệt các cảnh màu nhiệm .

Như loài Tần Na Dạ Ca nương theo lúc đốt hương, tìm được chỗ yếu nhập vào thân người, liền khiến cho Hành Nhân khởi các lỗi lầm tai hại như: sinh lòng ganh ghét, đố kỵ. Hoặc phát khởi niệm sân hận, hoặc khởi Tà Kiến, hoặc nghĩ đến chuyện tà dâm .

Như loài Tần Na Dạ Ca nương lúc dâng đèn, tìm được chỗ yếu nhập vào thân người, liến khiến cho Hành Nhân phát khởi tâm bệnh như: Tâm phiền muộn đau khổ cho đến tâm bị tổn hoại .

Như loài Tần Na Dạ Ca nương theo lúc hiến hoa, tìm được chỗ yếu nhập vào thân người, liền khiến cho Hành Nhân khởi các lỗi lầm tai hại như: Thân bị sốt cao, thân thể bị đau nhức, hoặc tranh đấu với bạn hữu (Trợ bạn) cho đến nỗi phải ly tan .

Như loài Tần Na Dạ Ca nương theo lúc niệm tụng, tìm được chỗ yếu nhập vào thân người, liến khiến cho Hành Nhân khởi các lỗi lầm tai hại như: Bị bệnh phiền não, hoặc thân thể bị đau nhức khi trời lạnh, hoặc khi bị đau bụng, hoặc bị kiết lỵ .

Lại nữa, các loài Tần Na Dạ Ca đã nhập vào thân người rồi, liền khiến cho các Hành Nhân khởi các lỗi lầm tai hại, khi Ma Chướng đã đã thịnh thì tâm bị mê hoặc như: chẳng phân biệt được phương hướng Đông Tây, hoặc thấy những tướng quái dị, hoặc tự niệm tụng lời chẳng rõ ràng, hoặc không có chuyện gì mà cứ đi lại chẳng an định, hoặc tâm chẳng quyết định được liền khởi tà kiến, hoặc nói là không có ai sinh về cõi Trời và không có ai bị tội, hoặc nói là không có sự tu hành chắc chắn và không hề có Thánh Lực, hoặc niệm xuông Chân Ngôn để tự chuốc lấy đau khổ. Hoặc nói là: không có thiện, không có ác, không có nhân, không có quả, luôn nói lời rối loạn, ỷ ngữ… cho đến biểu hiện mọi thứ không bình thường như: dùng tay bẻ gảy cây cỏ hay nghịch đất cát, hoặc vọng khởi Dục tưởng yêu thích người nữ, nếu các người nữ kia chẳng chịu vui thú với Hành Nhân hoặc sự yêu thích kia chẳng thuận theo tâm của Hành Nhân thì người ấy sẽ thao thức suốt đêm chẳng thể ngủ nghĩ.

_Hoặc lúc nằm ngủ gặp phải các mộng ác như: Thấy các loài Xá Ly Noa La, Sư Tử, Sói,Chó… rượt đuổi. Hoặc thấy các loài Lạc Đà, Lừa, Lợn, Mèo, Dã Can. Hoặc thấy các loài chim Thứu, chim Lộ Tư, Khỉ, Cáo, các loài quái dị biết bay. Lại thấy Ngoại Đạo lõa thể với vật trang sức làm bằng các thứ xương ướt, xương khô. Hoặc mộng thấy người thấp bé độc ác, người xấu xí râu đỏ. Hoặc thấy xương đầu lâu ở giếng khô, ao khô. Hoặc nằm mộng thấy nhà cửa bị phá hoại và người ta bỏ đi. Hoặc nằm mộng thấy người ác cầm thương, kiếm, các thứ khí trượng muốn đến xâm phạm.

Nằm mộng thấy các việc như thế thì biết chắc chắn là loài Tần Na Dạ Ca gây khó khăn chướng ngại. Lúc ấy, người Hành Trì Tụng liền làm pháp Cam Lộ Quân Trà Lợi Phẫn Nộ Minh Vương (Amṛta-kuṇḍali Krodha-vidyarāja) với niệm Chân Ngôn hộ thân để vượt khỏi các Ma Chướng và khiến cho loài Tần Na Dạ Ca chẳng xâm não được. Nếu thường Trì Chân Ngôn này thì tất cả Ma Chướng không tìm được chỗ thuận tiện để nhập vào được.

Lại nữa, nếu người hành Trì Tụng muốn làm Pháp giải trừ Ma Chướng để cầu sự giải thoát. Trước hết, phải thỉnh vị A Xà Lê (Ācārya) có uy đức thanh tịnh đứng Chủ Đàn. Sau đó, có thể ở trong núi, ven sông, dưới gốc cây, nhà an tịnh trong làn ấp hoặc con đường ở ngã tư thanh tịnh. Được chốn ấy rồi,dùng phấn Ngũ Sắc vẽ Man Đa La (Maṇḍala. Đàn Giới) năm màu là: vàng (pīta), xanh (Nīla), đỏ (Lohita), trắng (Avadāta), đen (Kṛṣṇa).

Man Đa La được vẽ theo hình vuông, mỗi cạnh dài 4 khuỷu tay, có 4 cửa. Chính giữa đào một cái hố vuông, mỗi cạnh dài 2 khuỷu tay rồi rải cỏ Cát Tường vào trong hố, 4 mặt ngoài cái hố chưa bày, án trí nơi chốn của Chân Ngôn Chủ Minh Vương. Ở 8 phương lại dùng phấn vẽ Thiên Thần (Devatā) của bản phương. Dùng 4 bình báu hoặc thay bằng 4 bình sành sứ, bình sành sứ chẳng được dùng màu đen và sứ không được nung quá già hay quá non. Trong bình chứa đầy 5 loại lúa gạo, 5 loại báu với nước thơm. Lại lấy hoa sen đỏ với các loại hoa cắm vào trong bình. Dùng chỉ Ngũ Sắc (Pañca-varṇa sutra) cột quanh cổ bình. Xong rồi đặt 4 bình ở 4 phương làm Pháp Quán Đỉnh. Lại dùng rượu thịt, các thứ rau quả đem cúng dường các Thiên Thần ở 8 phương với loài Tần Na Dạ Ca gây chướng. Sau đó người bị chướng nạn ngồi lên trên cái hố cỏ ở trong Đàn, quay mặt về phương Đông. Vị A Xà Lê Tụng Cam Lộ Quân Trà Lợi Phẫn Nộ Minh Vương gia trì vào các cái bình ở 4 phương, mỗi bình gia trì 7 biến Chú. Tụng đủ số rồi, y theo Pháp làm các Pháp Sự. Xong rồi, vị A Xà Lê lấy nước trong bình rưới lên đỉnh đầu của người bị chướng. Như vậy, người bị chướng này liền được giải thoát khỏi nạn Ma Chướng.

Ma Đa La này chẳng phải chỉ dùng riêng để giải thoát Ma Chướng mà còn có thể giảm trừ tất cả tội và tăng thêm vô lượng Phước. Nếu y theo pháp tu trì thì không có điều gì mà không được hiệu quả ứng nghiệm.

 

PHÂN BIỆT TƯỚNG TẤT ĐỊA PHẦN THỨ NĂM

Bây giờ người Trì Tụng kia bị các Ma Chướng, chịu đủ các thứ não loạn khiến cho thoái tâm. Khi biết bị Ma hại, nên tác pháp giải trừ ngay. Trừ giải được rồi, thân tâm sẽ an tịnh không có não loạn nhơ bẩn nữa, ví như trăng sáng bị mây che, khi mây gió bị đẩy tan rồi thì ánh trăng xa lìa được các Chướng nên lại tỏa sáng trên bầu trời một cách vô ngại. Những người hành Trì Tụng tu hành được lìa Ma Chướng cũng giống như thế.

Lại nữa, vì sao sự Trì Tụng chẳng được thành tựu? Ví như hạt giống duyên theo đất đai, thời tiết, mưa gió thuận hòa rải thấm ướt không thiếu thì có thể sinh mầm cho đến thành quả chín. Nếu hạt giống dùng chẳng đúng thời, chẳng gieo đúng đất thì mầm mống kia không thể dựa vào đâu mà sinh trưởng được huống chi mọc lá và kết trái được sao? Người hành Trì Tụng nếu chẳng y theo pháp, lại chẳng thanh tịnh, đối với các sự cúng dường không được chân thành trong sạch, đối với Văn Tự Chân Ngôn niệm tụng hoặc có thừa thiếu cho đến hít thở lung tung chẳng đúng quy cách. Do đấy các loại Tất Địa (Siddhi) chẳng thể hiện tiền. Sự Trì Tụng chẳng thành tựu cũng như thế.

Lại như mây dồn tuôn những cơn mưa thì tùy theo Phước của chúng sinh mà hưởng được nhiều hay ít. Cũng giống như thế, tùy theo công sức chuyên cần thực hành mà người Trì Tụng được sự thành tựu nhiều hay ít.

Nếu Hành Nhân ấy có được Thắng Địa kèm theo sự y theo phép tắc cho đến không bị lỗi phạm Cấm Giới thì nghiệp đen sẽ bị tiêu diệt, nghiệp trắng dần dần tăng thêm, do đó điều mong ước của pháp Trì Tụng liền được thành tựu. Nếu mỗi mỗi việc đều y theo pháp như thế và không bị sai phạm thì chắc chắn sẽ được thành tựu.

Lại nữa, trong lúc Trì Tụng, Hành Nhân có sự khuyết phạm hoặc gián đoạn Bản Tụng, chỉ Trì riêng Chân Ngôn, hoặc đem Chân Ngôn đang tụng trao cho kẻ không cùng chí hướng để họ Trì Tụng. Như thế, dù cho Hành Nhân có Trì Tụng đủ biến số vẫn không được thành tựu. Khi ấy, Hành Nhân nên thành tâm chuyên chú gấp bội lần Trì Tụng lúc trước. Mỗi ngày 3 thời cúng dường như pháp, cần phải trong sạch tinh khiết cả trong lẫn ngoài không được sai nghi tắc, Trì Tụng đủ một Lạc Xoa (Lakṣa: 100.000) biến Chú. Khi đủ số rồi, liền có thể làm pháp Hộ Ma để cúng dường. Trong pháp Hộ Ma này, Hành Giả nên lấy Đại Mạch hoặc bông lúa, mè vừng, hạt cải trắng, hoa sen. Tuỳ dùng một vật hoà chung với bơ (Tô) quấy đủ 4 ngàn lần hoặc 7 ngàn lần , 8 ngàn lần cho đến 10 ngàn lần. Lại lấy cây Ưu Đàm Bát La, cây Bồ Đề, cây Bạch Xích A Ly Ca, cây Long Thọ, cây Vô Ưu, cây Cát Tường, cây Nhĩ Ngu Lỗ Đàn Đà Một, cây Khư Nễ La Xá Di, cây Bát La Xoa, cây A Ma Mạt Lý Na Mạt Độ, cây Diêm Phù- Tùy dùng một loại gỗ của các cây trên làm củi, không được dùng cây bị ẩm ướt, cây bị héo khô, cây bị sâu trùng đục, hoặc cây bị thiêu đốt dang dở. Chặt gỗ làm củi, dài bằng 12 ngón tay, lấy Tô Mật (Ghṛta: dùng Tinh của Lạc để tạo ra) bôi ở hai đầu cây củi- Tùy lấy một loại trong các thứ: bông lúa, mè vừng, hạt cải trắng đem đốt chung với củi mà làm pháp Hộ Ma. Đủ số trên rồi thì các sự khuyết phạm lúc trước được trở lại trong sạch. Sau đó mới có thể cầu Chân Ngôn Tất Địa được sự không chướng nạn.

Lại nữa, Chủ của Chân Ngôn Minh mà Hành Giả đang trì. Hoặc có Bộ khác ngăn cấm trói buộc, hoặc cắt đứt, hoặc phá hoại khiến sự mong cầu chẳng được thành tựu. Liền làm hình tượng Bản Tôn, đặt dưới chân Bản Bộ Tôn rồi cùng đối mặt, trì tụng Phẫn Nộ Đại Uy Chân Ngôn của các Bộ. Lại dùng Tô Mật, Lạc (váng sữa) rưới rửa Bản Tôn, mỗi ngày 3 thời, 10 ngày như thế thì tự nhiên giải thoát sự ngăn cấm trói buộc kia.

Lại nữa, Hành Nhân đối với Chân Ngôn đang trì, Hành Pháp đang tu. Tự biết rõ mình không có thiếu sót mà Tất Địa mong cầu chẳng được thành tựu, ắt nơi Pháp đó có chỗ thiếu sót nhưng tự mình không biết chắc đó là cảnh giới nào. Lúc ấy, nên tinh tiến hơn nữa, ngày đêm chẳng được trễ nãi, tự nhiên Bản Tôn hiện ở trong mộng nói cho người bị chướng ấy cảm được kỳ hạn như nước biển dâng lên đúng thời khắc.

Ví như hai người bạn thân hẹn với nhau là: “Từ nay trở đi đừng đến nhà nọ, cũng đừng nói với kẻ đó”. Hai người bạn cùng tôn trọng lời giao ước, không hề qua lại và nói chuyện với kẻ kia, Pháp trì tụng cũng lại như vậy. Chính vì thế cho nên Hành Nhân chẳng được dùng Chân Ngôn Minh mà đem phá hoại, cũng chẳng nên hỗ trợ sự ngăn cấm trói buộc cho đến Hộ Ma làm nghiệp bất thiện (Akuśala-karma)

Lại nữa, Hành Nhân chẳng nên thêm bớt Chân Ngôn (Mantra), Man Noa La (Maṇṇala) để truyền thụ, cũng chẳng lấy pháp này pháp kia trao đổi cho nhau. Lại cũng chẳng nên vô cớ đánh trói hữu tình, chẳng nên Hộ Ma làm tổn hại thân thể của kẻ đó cho đến giết chết, làm hại các hữu tình. Lại cũng chẳng nên tồi diệt Quỷ Tộc với trị phạt loài Rồng. Cũng lại chẳng nên vọng làm các việc ngăn cấm trói buộc tất cả hàng Tinh Tú, Quỷ Thần. Lại chẳng nên dùng Chú Pháp chữa trị bệnh trẻ con mà làm hại việc lớn.

Lại nữa hàng Trời Trì Minh với các Tông Trì Minh nói về “Pháp đầy đủ của nghĩa được thành tựu” chẳng giống nhau.

Hoặc nói cần đủ 10 pháp liền được Tất Địa là: người hành, bạn giúp đỡ, vật được thành tựu, tinh cần, nơi chốn, Thắng Địa, thời tiết, Bản Tôn, Chân Ngôn, tài lực. Đủ 10 pháp này thì Tất Địa liền thành.

Hoặc Tông khác nói đủ 3 loại pháp thì Tất Địa được thành là: Chân Ngôn, người hành, bạn giúp đỡ.

Hoặc một Tông nói 4 pháp được thành là: Tinh Cần, ngày tốt, giờ tốt cùng với xứ sở tốt.

Lại một Tông nói đủ 5pháp được là: Bản Tôn, Chân Ngôn, nơi chốn, tiền tài sắc lực hoặc vật được thành tựu.

Lại một Tông nói cần đủ 10 pháp.

Lại một Tông nói cần đủ 8 pháp cho đến hoặc nói 5 pháp, 4 pháp, 3 pháp, 2 pháp đều ở Bản Tông mà nói định lượng.

Riêng Kim Cương Tộc (Vajra-kulāya) của Ta thuộc Bản Tông Phật Giáo chỉ cần đủ 2 pháp thì Tất Địa liền thành: một là người hành, hai là Chân Ngôn.

1. Người hành: Cần đầy đủ Giới Đức, chính cần, tinh tiến, chẳng sinh lòng tham lam ganh ghét với danh lợi của người khác, chẳng hề luyến tiếc tài vật và mạng sống của mình.

2. Chân Ngôn: khi trì tụng Chân Ngôn Bản Bộ của mình. Cần khiến cho đầy đủ văn cú, âm thanh, hình tướng rõ ràng, tất cả pháp muốn cầu thành tựu thảy đều đầy đủ chẳng thiếu sót. Lại nên tìm được nơi cư ngụ lúc trước của chư Phật Bồ Tát. Được nơi này rồi, như pháp trì tụng thì quyết định sẽ được đầy đủ ý nguyện.

Thành 2 pháp này thì chắc chắn được Tất Địa.

Lại nữa, pháp Trì Tụng của Hành Nhân ví như con sư tử bị sự đói áp bức, cần phải bắt được con voi để ăn. Tư thế đầu tiên là phải phấn tấn sức mạnh toàn thân. Hoặc bắt các loài thú nhỏ, dê, nai thì tư thế phát huy sức lực cũng giống như bắt con voi. Lại cũng như thế, người hành Trì Tụng cầu thành tựu việc Thượng, Trung, Hạ cần phải tinh cần dũng mãnh như Sư Tử Vương, không có hai tướng.

Người hành Trì Tụng, vào lúc Trì Tụng. Nếu trú ở miếu Thành Hoàng, nơi cửa chợ sẽ có chấy rận, bọ muỗi cắn đốt thân thể. Hoặc nhìn thấy người nữ mặc quần áo tốt đẹp, trang điểm vòng xuyến anh lạc và nghe đủ loại âm thanh.

Nếu trú ở núi sâu, rừng rậm liền có nóng lạnh bất thường, hoặc phát bệnh khổ bức não thâm tâm. Lại nữa, hoặc có thú mạnh ác muốn đến hại người khiến khởi sự sợ hãi.

Nếu trú ở bờ biển liền thấy gió thổi lay động nước biển tạo sóng to lớn, tiếng vang dữ dội kinh người khiến sinh nỗi sợ sệt.

Nếu trú bên bờ sông, hồ, ao, đầm liền có rắn trùng, loài độc đốt cắn hại người.

Người Hành Trì Tụng nếu ở các nơi như vậy mà muốn Trì Tụng. Trước hết phải biết rõ các việc như thế đều là Ma nạn. Nếu gặp việc này, cần phải kham nhẫn, đừng khiến tâm duyên theo mà bị tán loạn.

Hoặc có thể cầu riêng Thắng Xứ để khởi công tu hành. Chẳng nên vì gặp cảnh này mà sinh tâm co lùi, tức nên khởi ý dũng mãnh vững chắc. Nếu như thoái tâm, sợ hãi, khởi Tà Niệm sẽ bị Ac Ma được dịp hãm hại. Phương tiện của người Trí là ban vui cho Hữu Tình đừng khiến cho tất cả loài Hữu Tình nhân vào đấy vướng tội mà nhận hậu quả khổ.

Lại nữa, người Trì Tụng chẳng được gấp rút cũng đừng chậm chạp. Tiếng phải xướng hòa, đừng cao đừng thấp. Lại chẳng để tâm duyên theo cảnh khác, hoặc cùng người nói chuyện phiếm mà gián đoạn sự Trì Tụng.

Lại nơi văn cú của Chân Ngôn đừng để thiếu sót. Văn cú bị thiếu sót thì nghĩa lý sẽ ngang trái, do đấy mà Tất Địa khó thành. Ví như người đi đường, cứ đi ngược lối mà cầu đến đích thì làm sao đến được. Nếu xa lìa được sự sai lầm này ắt mau chóng được linh nghiệm.

Lại như dòng sông trôi chảy ngày đêm chẳng dừng. Người Hành Trì Tụng cũng lại như thế, ngày đêm chẳng gián đoạn thì công đức tăng trưởng. Nếu khởi tưởng dính mắc thì thành trễ nãi. Hiểu được việc Ma đó, mau chóng hồi tâm. Nên nhắm hai mắt lại để quán tưởng. Hoặc duyên theo văn cú của Chân Ngôn, hoặc quán Bản Tôn, buộc chặt tâm đó chẳng cho tán loạn. Sau đó gặp lại cảnh này, nếu tâm chẳng động thì Hành Nhân này được thành tựu QUÁN HẠNH.

Lại người Hành Trì Tụng muốn cầu Tất Địa thì điều cần yếu là nhiếp tâm trụ vàp một cảnh của Định. Nếu tâm được điều phục thì thân tự an trụ, thân đã không rối loạn thì tâm sẽ biến thành khoái lạc. Tâm Tâm nhất như gọi là được Tam Muội (Samādhi). Người Hành Trì Tụng được ĐỊNH NIỆM này thì tội lỗi quá khứ, hiện tại thảy đều tiêu diệt. Tội đã diệt rồi thì thâm tâm chuyển TỊNH, mọi sự nghiệp tạo tác đều được thành tựu không còn nghi hoặc.

Chư Phật nói rằng: “Trong tất cả các pháp thì TÂM (Citta) là căn bản. Tâm chẳng thanh tịnh sẽ chiêu cảm quả xấu xí nghèo hèn, hoặc bị đọa vào Địa Ngục Súc Sinh. Nếu tâm thanh tịnh sẽ được sinh vào cõi Trời, cõi Người thọ nhận sự khoái lạc cho đến xa lìa đất, nước, gió, lửa, sinh, già, bệnh, chết, vô thường, vô ngã, niềm vui bại hoại sau cùng được an vui nơi Niết Bàn Tịch diệt giải thoát”.

Lại nữa, các pháp đều theo tâm sinh khởi. Chẳng phải tự nhiên có cũng chẳng phải thời tiết hay Trời Đại Tự Tại sinh ra. Chẳng phải không có Nhân Duyên. Xong duyên theo Vô Minh (Avidyā) sinh tử luân hồi, 4 Đại hòa hợp mà giả gọi là sắc (Rūpa), sắc chẳng phải có Ngã (Ātman), ngã chẳng phải có sắc. Sắc không có Ngã Sở, Ngã không có Sắc Sở. Như vậy 5 Uẩn (Pañca-skandha) rốt ráo đều không (Śūnya: Trống rỗng). Sắc như bọt nước tụ, Thọ (Vedanā) như bong bóng nổi, Tưởng (Saṃjñā) với Hành (Saṃskāra), Thức (Vijñāna) đều như bóng ảnh của ánh nắng mặt trời. Nếu hay ở Pháp được thấy như vậy gọi là Chính Kiến (Samyag-dṛṣṭi) Nếu khởi sự thấy khác thì gọi là Tà Kiến (Mithyā-darśana)

Lại nữa, người hành trì tụng nếu trì tụng đủ túc số Chân Ngôn sở tu thì làm sao biết được mình đã gần với Tất Địa?

Như lúc nằm ngủ thấy được mộng tốt. Nếu trong mộng thấy tự thân được phan, phướng, lọng báu dẫn vào cung điện thượng diệu Hoặc lên lầu gác, hoặc lên núi cao, hoặc lên cây lớn

Lại, hoặc mộng thấy cỡi sư tử, voi trắng, ngựa trắng, bò trắng, tê ngưu, bò vàng, Xá Ni Noa…

Hoặc nghe trong Hư Không nổ tiếng sấm lớn

Hoặc trong mộng được người vui vẻ trao cho hương thơm, hoa man, quần áo mới sạch

Hoặc được trái mọc dưới nước, hoặc hoa sen năm màu, hoặc được Tượng Phật, hoặc được Xá Lợi của Phật, hoặc được Kinh Điển Đại Thừa.

Hoặc thấy mình ngồi dự trong Đại Hội, được ăn chung với chư phật Bồ Tát Hoặc thấy mình tự đi vào chùa tháp, hoặc vào tăng phòng.

Hoặc thấy Đức Như Lai ngồi ở toà báu vì 8 Bộ Trời Rồng nói pháp, tự mình vào trong hôi cũng ngồi nghe Pháp.

Hoặc thấy Đấng Bích Chi Phật nói pháp 12 nhân duyên (Pratītya – samutpāda)

Hoặc thấy Bậc Thanh Văn nói pháp chứng 4 Quả

Hoặc thấy hàng Bồ Tát nói pháp 6 Ba La Mật (Ṣaḍ-pāramitā)

Hoặc thấy chư Thiên nói sự khoái lạc trên cõi Trời

Hoặc thấy Ưu Bà Tắc (Upāsaka: Cận Sư Nam) nói pháp chán lìa gia đình

Hoặc thấy Ưu Bà Di (Upāsikā: Cận Sự Nữ) nói pháp chán bỏ người nữ

Hoặc thấy Quốc Vương, hoặc thấy Bà La Môn Tịnh Hạnh, hoặc thấy bậc Trượng Phu đặc biệt lạ kỳ, hoặc thấy người nữ đoan nghiêm, hoặc thấy trưởng giả giàu có, hoặc thấy Tiên Nhân khổ hạnh, hoặc thấy các Trì Minh Tiên (Vidyadhaara-ṛṣi) hoặc thấy người trì tụng thắng diệu .

Hoặc thấy mình tự nuốt mặt Trời, mặt Trăng.

Hoặc thấy mình vượt qua biển lớn, sông, suối, ao, hồ. Hoặc liền uống nước như trên, không hết không còn .

Hoặc thấy trên đầu phóng ra ánh lửa lớn

Lại, hoặc mộng thấy xe lớn chở đầy đồ vật có bò với nghé cùng dắt cỡi.

Hoặc thấy được cây phất trắng, hoặc được dép da, hoặc được đao kiếm, hoặc được cây quạt thù diệu. Hoặc được vàng, báu, xà cừ, Trân Châu, anh lạc …

Lại nữa, hoặc thấy cha mẹ của mình, hoặc thấy đồng nam đồng nữ trên thân có mọi báu trang điểm cho đến hoặc được thức ăn uống thượng diệu.

Nếu hoặc được mộng tốt an lành như trên thì cần phải chuyên cần, tinh tiến, vui vẻ, dũng mãnh. Tại sao thế? Nên biết hoặc ở 1 tháng, nửa tháng, hoặc 1 ngày hoặc khoảng một Sát Na, quyết định đạt được Tất Địa rộng lớn

 

BIẾT GẦN TẤT ĐỊA PHẦN THỨ SÁU

Lại nữa, Hành Nhân tự xem xét sự Trì Tụng có lực tăng gấp bội mà sinh lòng yêu thích. Ở nơi nhiễm cảm, tâm chẳng bám theo duyên. Ở các sự vi phạm, tội chẳng sinh khởi. Tự mình không có các điều: nóng lạnh, đói khát, khổ não đến các loài muỗi mòng, phi trùng (loài côn trùng biết bay), rắn độc, loài hút máu chẳng thể hại được. Lại nữa, các loài Quỷ đói (Preta), Tỳ Xá Tả (Piśāca ), Yết Tra Bố Đan Nẵng (Kaṭapūtana) đều chẳng dám hớp bóng ảnh của Hành Nhân .

Hành Nhân mỗi mỗi tin nhận tất cả Ngôn Giáo nên sự hiểu biết, thông minh, Trí Tuệ tăng lên gấp bội. Khéo giải nghĩa lý của văn tự, sách, sớ, lời nói. Chỉ vui với tất cả pháp lành, siêng năng tinh tiến.

Lại được thấy kho báu trong lòng đất không bị ngăn che, thân thể không có bệnh chẳng nhiễm bụi dơ, thân toả mùi thơm khiến tất cả yêu thích. Người thấy kẻ nghe thảy đều vui vẻ. Lại không có các người nữ ham thích dục lạc đến để mê hoặc, điều ấy làm cho thân tâm thanh tịnh. Lại được nghe ngôn ngữ của chư Thiên trong trong hư không, hoặc được thấy thân thể của người Trời, cho đến được thấy loài A Tu La, Càn Đạt Bà, Dạ Xoa .

Người Hành Trì Tụng nếu được tướng tốt lành như vậy hiển hiện, liền nên vui mừng, tự biết đã gần Tất Địa của Chân Ngôn và nên chuẩn bị làm việc pháp thành tựu .

Lại nữa, Hành Nhân muốn khởi công đạt Tất Địa. Trước tiên, nên giữ đủ 8 Giới. Trong 4 ngày, 3 ngày hoặc 2 ngày đêm nhịn ăn rồi mới cầu Tất Địa”.

_Bấy giờ, Diệu Tý Bồ Tát nghe Kim Cương Thủ Bồ Tát nói như thế xong, liền trầm mặc trong giây lát rồi bạch với Kim Cương Thủ Bồ Tát rằng: “Trước kia Bồ Tát có nói là: Chẳng do nhịn ăn mà được thanh tịnh. Vì sao bây giờ lại nói là: phải nhịn ăn? Như đức Phật có dạy: “Sự ăn của con người giống như cho dầu mỡ vào xe. Nếu xe chẳng được bôi dầu mỡ thì khó có thể đi về phía trước”. Do vậy, việc này cần phải hiểu như thế nào?

Thời Kim Cương Thủ Bồ Tát dùng âm thanh vang như sấm nổ nói rằng: “Nay Tôi chẳng vì khiến cho tâm tịnh mà có lời nói ấy. Chẳng qua vì thân của Hữu Tình vốn chẳng tịnh. Chỉ tuân theo tinh huyết mà tạo ra xương, tạo tủy, sinh thịt làm da, tạo tóc trên đầu, lông trên thân, mặt, mắt, tai, mũi, mỡ màng, bao tử, nước rãi, nước bọt cho đến đại tiểu tiện, 9 khiếu giao lưu. Thân phần như thế có mọi thứ cấu uế dựa theo đất, nước, lửa, gió lưu chuyển biến hóa. Nếu cầu Tất Địa thì trước tiên cần phải thanh tịnh, chẳng muốn vào lúc thành tựu lại có thứ đại tiểu tiện tung ra. Vì thế nói nhịn ăn để cầu thanh tịnh chứ chẳng phải làm hại Đạo mà nói việc đó. Có thanh tịnh như thế thì thân được an vui, ắt lúc thành tựu không bị nhiễm ô uế .

Lại nữa, Hành Nhân vào lúc này chợt sinh phiền não mà có tham dục thì nên dùng Tuệ tác pháp quán tưởng là: “Thân này do thứ bất tịnh tạo thành, lại mượn các vị của thức ăn để nuôi dưỡng giữ gìn”. Nếu tác tưởng như vây thì niệm đã khởi lúc trước liền bị tiêu diệt ngay cho đến toàn bộ thân mệnh, tiền tài cũng không hề tiếc rẻ.

Ví như ban đêm có vô lượng sự hắc ám, khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì tất cả đều hết. Hành Nhân cũng lại như thế, nếu tu trì đến đây, cần phải tự biết Tất Địa chẳng xa.

Lại nữa, biết như vậy rồi. Vào ngày 8, ngày 14, ngày 15 của kỳ Bạch Nguyệt (Śukla: 15 ngày đầu của tháng) lấy đất sạch hòa chung với Cù Ma Di (phân bò) mới sạch rồi tô xoa mặt đất. Tiếp dùng hương xoa mặt đất cho sạch, làm Hiền Thánh vị (vị trí của Hiền Thánh). Khi vị trí đã thanh tịnh rồi, đặt các Hiền Thánh ấy ngồi ở mặt Đông (phía Đông của Đàn). Dùng hương, hoa, đèn sáp, thức ăn uống v.v… theo thứ tự cúng dường.

Trước tiên dâng hiến Phật, tiếp theo dâng hiến Bản Bộ Minh Chủ của Đại Kim Cương Tộc, tiếp đến dâng hiến vị Chủ của Chân Ngôn Sở Trì. Như thế theo thứ tự từ Phật đến Bồ Tát cho đến Minh Chủ, mỗi mỗi cúng dường tán thán. Xong lại nên phát khởi Tâm Đại Bồ Đề, Tâm Đại Từ Bi, nguyện cứu độ tất cả chúng sinh bị phiền não về sinh già bệnh chết.

Tác niệm đó xong. Lại nên chuyển đọc Kinh Ma Ha Tam Ma Nhạ (Mahā- Samaja: Đại Tập Hội) Già Đà (Gāthā: Kệ Tụng) Cát Tường, Kinh Như Lai Bí Mật Đại Trí Đăng và Kinh Chuyển Tối Thượng Pháp Luân. Các Kinh như vậy, hoặc chuyển đọc hết hoặc tùy đọc một Kinh.

Sau đó kết Bát Phương Giới, Địa Giới Hư Không Giới. Giới đó giống như bên ngoài nơi cư trú của người đời có bức tường dùng để ngăn tránh các điều ác. Kết Giới phòng Ma cũng giống như thế sẽ khiến cho các loài có tâm ác, loài gây chướng, Thiên Ma, A Tu La cho đến tất cả các loài Quỷ Thần đều chẳng đến gần được. Đồng thời lại Niệm”Bị Giáp Châu Ngôn” dùng hộ chính thân mình .

Trước kia, Tôi đã nói về mọi loại Man Noa La Pháp (Maṇḍala-dharma: Đàn pháp) Nên dùng phấn Ngũ Sắc tùy ý làm một Man Noa La. Làm xong, trước hết tùy ý làm một vị Thần hộ 8 phương, vị Thần đó hay đập nát các loại gây chướng nạn. Lại bốn góc của Man Noa La vẽ các chày Kim Cương, Tam Cổ Xoa. Sau đó tụng Hiến Sư Tử Tọa Minh, Chú lên chỗ ngồi có trải cỏ Tranh. Đặt vật sở thành tựu ở chính giữa Man Noa La. Thoạt tiên, dùng 3 cái lá Bồ Đề để làm vật chứa đựng, tiếp theo dùng bốn cái lá Bồ Đề che phủ rồi đặt lên trên Tòa. Xong dùng Chú chú vào nước thơm rồi rưới rẩy để trừ Ma Chướng. Sau đó, tự mình ngồi phía bên trái, tụng Chân Ngôn tương ứng. Trong phút chốc lại dùng nước thơm rưới rẩy cho thanh tịnh (sái tịnh). Sau đó lại dùng Pháp tương ứng Hộ Ma 1000 hiến, chuyên tâm trì tụng chẳng được gián đoạn cho đến khi hiện ra 3 loại Tướng, đấy là được thành tựu pháp .

_Ba loại Tướng là: Tướng nóng (Nhiệt), Tướng khói (Yên), Tướng lửa (Diễm).

Nếu được tướng nóng sẽ được tất cả sự yêu trọng của Thế Gian.

Nếu được tướng khói sẽ được ẩn thân

Nếu được tướng lửa sẽ được biến thành thân vi diệu, thành Trì Minh Tiên, phi hành trên Hư Không, Thọ mệnh lâu dài .

Được tướng Tất Địa như người bị chết, hơi lạnh chạy vào thân, chạm vòng khắp cơ thể. Lại như Trung Ấm đi vào Thai Tạng thì chỉ người có mang tự biết. Lại như Thế Gian có các mùi thơm, tuy mùi thơm không có hình bóng nhưng người ta có thể ngửi được. Lại như trái cầu lửa (Hỏa Châu) chiếu sáng được là nhờ ánh mặt trời, khi ánh sáng mặt trời nhập vào thì lửa liền hiện ra. Các Hữu Hành Nhân được Tất Địa nhập vào thân cũng lại như thế. Trước tiên nơi thành tựu là các vật tượng bên ngoài, hoặc là bên trong tâm của người cầu thành tựu có biểu tượng riêng.

_Người Hành Trì tụng kia chuyên chú chẳng gián đoạn ắt cảm thấy linh nghiệm được sự thành tựu

  • Hoặc thấy nơi tượng cúng dường có sự chấn động.
  • Hoặc được mặt tượng tỏa hào quang chiếu diệu .
  • Hoặc được thân tượng chấn động.
  • Hoặc được trên hư không rải hoa xuống.
  • Hoặc lúc không có mây mà tuôn mưa nhỏ nhiệm.
  • Hoặc giáng tỏa mùi thơm kỳ diệu.
  • Hoặc cảm thấy mặt đất lay động.
  • Hoặc nghe âm thanh tự nhiên của trống Trời.
  • Hoặc nhìn thấy người Trời, A Tu La… trụ trong hư không.
  • Hoặc nghe âm thanh nói chuyện của người Trời.
  • Hoặc nghe tiếng vang của mọi loại vật trang sức đại trang nghiêm, anh lạc, vòng xuyến..
  • Hoặc thấy lửa đèn tăng thêm ánh sáng màu vàng trong.
  • Hoặc thấy đèn bị hết dầu mà lửa chuyển mạnh mẽ.
  • Hoặc nghe trong hư không có âm thanh khiến nói về ước nguyện mong cầu.
  • Hoặc biết tất cả sợi lông trên thân đều dựng đứng.
  • Hoặc hiện tướng như vậy rồi thì quyết định biết là thành tựu Tất Địa mong cầu. Nên dùng vật khí thật sạch tốt đựng đầy hoa tươi, mài các chất nước thơm với 5 loại báu hoà chung với nhau làm nước Ứ Già (Argha) rồi quỳ dài dâng hiến Bản Tôn và tụng Chân Ngôn cho đến dùng Diệu Già Đà mà bày tỏ tán thán. Nên phát tâm vui vẻ chính tín, tinh tiến chẳng trễ nãi, lễ bái cúng dường.
  • Tác như vậy xong, đem việc mong cầu, mỗi mỗi nói thành lời. Thành tâm chẳng gián đoạn thì có cầu ắt ứng.

Được như nguyện rồi, một lòng chuyên chú. Đối với Bản Tôn luôn tin vui ca ngợi, lại dùng Ứ Già phụng hiến cúng dường, liền niệm Chân Ngôn của Bản Tôn, lại niệm Chân Ngôn Phát Khiển của các Bộ. Nên y theo Nghi Quỹ, tụng Chân Ngôn xong rồi lễ bái thỉnh các Hiền Thánh quay trở về Bản Vị

 

NÓI VỀ THÀNH TỰU PHẨM THỨ BẢY

Lại nữa, Hành Nhân chuyên chú trì tụng siêng năng chẳng trể nãi, tuy được thành tựu sở tác như nguyện, nhưng tất cả thời luôn phải dụng ý. Tại sao thế? Vì duyên của tất cả Quỷ Thần cực ác là dùng nghiệp ác đối với Hành Nhân chẳng muốn cho thành tựu. Nếu có người thành tựu nơi uy đức của lực Chân Ngôn ấy thì hoặc 100 Do Tuần, hoặc 1000 Do Tuần, các Ma Quỷ Thần chẳng dám đến gần. Chính vì thế loài ấy sẽ tác niệm ác khiến cho Hành Nhân này trong đời hiện tại, đời sau đối với pháp của Tôi (Kim Cương Thủ) không có sự nhiêu ích. Do vậy, Hành Nhân luôn phải giữ gìn ý.

Ví như có người mặt áo giáp, cỡi voi, lại cầm cung tên với các khí trượng xông vào trận chiến lớn thì các kẻ oán địch nhìn thấy uy mãnh sẽ lui tan tránh xa không dám đương cự. Người hành Trì Tụng, nơi pháp không thiếu sót cho đến không vi phạm một chút nào về Giới Luật thì Giới ví như áo giáp, Chân Ngôn ví như cung tên, dũng mãnh như cỡi voi. Nếu đầy đủ như vậy thì Ma Quỷ Thần ác chẳng dám lại gần, cũng giống như thế.

– Lại nữa, Hành Nhân cầu thành tựu Phệ Đa Noa (Vetāḍa, Vetāla: Khởi Thi Quỷ)- Ở trong rừng Thi Đà (Śma-śana) tìm một cái xác chưa hư nát. Cái xác ấy phải có đầy đủ các thân phần đều là tướng trượng phu. Lại chẳng được dùng xác bị gù lưng, quê chân, mục nát. Lại cũng chẳng dùng xác quá mập, quá gầy, chẳng đầy đủ các căn cho đến xác người không có tướng Thượng phẩm, Trung phẩm đều chẳng thể. Nếu tìm được cái xác có đủ tướng Thượng Phẩm là tốt nhất.

Lại nữa, chẳng được dùng thi hài của người bị chết về bệnh khí, bệnh sốt rét, bệnh kiết lị, bệnh nhọt độc cho đến người bị trùng, rắn đốt cắn ở dưới nước hay ở trên bờ làm cho chất độc chạy khắp thân rồi xùi bọt mép chết – Các thi hài như vậy đều chẳng thể dùng.

Nếu tìm được các xác vừa ý rồi, nên nhớ người giúp đỡ (Trợ bạn) cầm gậy thủ hộ cả ngày lẫn đêm. Hoặc chỉ đến Thi Lâm (rừng chứa xác chết) hoặc tìm riêng căn nhà trống vắng, hoặc dưới gốc cây đơn độc, hoặc ở ngã tư đường, hoặc bên cạnh suối ao, hoặc ở trong núi báu. Nếu được đất Thượng Thắng như vậy thì pháp Phệ Đa Noa kia ắt hay mau chóng có thể được thành tựu.

Như đất Thượng Thắng, tùy tìm một nơi có thể là đất yêu thích, đất ấy như Nghi Tắc được thanh tĩnh xong. Lại dùng đất sạch và Cù Ma Di hòa chung với nhau, xoa tô mặt đất khiến cho đất gồm màu xanh, màu đỏ, màu trắng, màu đen, màu vàng làm Tam Muội Man Noa La. Trước đây Tôi đã nói về mọi loại danh tự của Man Noa La ấy rồi. Trong các Man Noa La, tùy ý làm một loại Man Noa La.

Ở trong Man Noa La bày 4 cái Hiền Bình, trong bình bỏ thêm nước và các vật cho đầy đủ. Hoặc dùng nước đắng rồi tìm Man Hoa (Hoa của cây có rễ bò lan ra) tùy theo mùa, hoặc mọi thứ hoa khác cắm vào trong bình ở Man Noa La.

Làm như vậy xong liền nhờ người trợ bạn kia phát tâm dũng mãnh chẳng được sợ hãi. Trước tiên gọt sạch tóc của xác chết, lại dùng nước của Hiền Bình tắm rửa xác ấy cho sạch sẽ. Sau đó dùng dầu thơm xoa bôi lên xác, xoa xong lại lấy áo trắng tốt nhất mặc cho xác chết.

Như thế xong rồi, ở trong Man Noa La đã làm, trải cỏ Cát Tường, rải mọi loại hoa, lại nhờ người trợ bạn cùng khiêng cái xác này đặt vào trong Man Noa La. Hoặc để đầu ở phương Đông, hoặc đầu ở phương Bắc.

Như pháp đặt bày xong. Lại dùng dầu thơm, hương đốt, danh hoa, tràng hoa cho đến rượu thịt, mọi thứ thức ăn rồi làm cúng dường. Nếu chẳng có thể bày biện rộng rãi thì tùy theo khả năng mà làm cũng được.

Lại lấy Chân Ngôn Bảo Bộ của dòng tộc tương ứng với Man Noa La mà Chú tụng.

Lại nữa, đối với Minh Chủ của Chân Ngôn Bản Tộc này nên khởi tâm tin tưởng, tinh cần phụng trọng, y theo Nghi Quỹ chuyên chú Trì Tụng mà cầu thành tựu.

Lại có tất cả loài Bộ Đa (Bhūta), Rồng (Nāga), Tất lý Đa (Preta)… âm thầm gây chướng ngại nên Hành Nhân lại dùng vật đẳng cúng dường. Trước tiên, rải 4 phương 4 góc cho đến trên dưới bố thí cho loài Bộ Đa, Rồng, Tất Lý Đa gây chướng ngại.

Thoạt đầu, tụng Chân Ngôn để tự ủng hộ mình và hộ người trợ bạn khiến cho các chướng kia chẳng thể đến gần. Sau đó Trì Tụng để cầu thành tựu.

Vào lúc trì tụng. Nếu xác chết đó đứng dậy hiện các tướng ác, liền biết mọi loại gây chướng của Ma. Hành Nhân nghiệm biết rồi, liền lấy hạt cải trắng hòa với tro, tụng Phật Đỉnh Vương Chân Ngôn ném vào mặt xác chết. Dùng đại uy lực của Chân Ngôn nên loài gây chướng bỏ chạy tứ tán. Ma chướng đi rồi thì xác chết nằm xuống như lúc đầu.

Nếu xác chết đứng dậy mà không thấy tướng ác, liền biết là công lực của Chân Ngôn, ắt quyết định thành sự mong cầu.

Nếu được như vậy, liền phải tự tâm quyết định. Phàm Hành Nhân ấy, trước kia cầu nguyện thế nào thì lúc này mỗi mỗi đều nói như thế.

Hoặc cần thấy kho tàng bị che dấu (phục tàng). Hoặc cầu vào hang A Tu La lấy thuốc Thánh. Hoặc muốn cỡi trên cây kiếm. Hoặc cầu thuốc bôi mắt (nhãn dược) với giáng Quỷ Thần cho đến cầu La Nhạ (Rāja: vua chúa) yêu trọng. Các việc như thế đều có thể thành tựu.

Bình thường Hành Nhân nên hành Hạnh Tối Thượng dùng lực của Đại Chân Ngôn mà tự ủng hộ thì mới có thể thành tựu pháp Phệ Đa Noa được. Tại sao vậy? Ví như mãnh thú, tuy có sức mạnh nhưng kém Trí nên người ác làm cho bị thương bị hại. Cũng giống như thế, nếu Hành Nhân ấy chẳng khởi Thượng Hạnh, chẳng tự ủng hộ sẽ bị các Ma Chướng ác được dịp thuận tiện gây hại.

********

TRIỆU THỈNH BÁT THIÊN NÓI CHUYỆN PHẦN THỨ TÁM

Lại nữa, nếu muốn triệu thỉnh Bát Thiên giáng xuống để nói chuyện thì có mấy nơi như: Ngón tay, gương đồng, nước sạch trong, đám lửa, đất bằng phẳng, đất lưu ly, ngọn đèn, đồng tử, hư không, các vật cúng dường… đều là nơi để Bát Thiên giáng xuống.

Nếu Hành Nhân thỉnh được Bát Thiên đến các nơi đã nói lúc trước thì Bát Thiên sẽ tự nói các việc quá khứ, hiện tại, vị lai của nhân gian và cõi Trời cho đến nói tất cả việc thiện ác vượt quá ba đời.

Nếu Hành Nhân, lúc thỉnh triệu chẳng y theo nghi tắc, đối với Pháp bị thiếu hoặc văn tự của Chân Ngôn trì tụng bị sai sót, hoặc bị thừa thiếu, hoặc chẳng đủ chính tín, chẳng đọc Kinh sách Đại Thừa, hoặc chẳng bày biện vật cúng dường. Giả sử cúng dường tùy theo nơi chốn chẳng chịu tìm đất thanh tịnh. Hoặc lúc đó đầu, mặt, mắt, tay, chân với các thân phần của đồng tử không có tướng đoan nghiêm.Nếu co các việc như thế thì các Hành Nhân kia tuy chuyên cần cực nhọc nhưng Bát Thiên vẫn không đến. Ngoài ra chẳng phải chỉ có việc Triệu Thỉnh không đến, ngược lại còn phải nhận các chuyện chẳng tốt lành.

Nếu người hành Trì Tụng, muốn tác Pháp triệu thỉnh Bát Thiên thì cần phải tu Pháp Tiên Hành. Tiên Hành Pháp là: Trước hết trì tụng Chân Ngôn của Bát Thiên đủ một lạc xoa biến hoặc 3 Lạc Xoa biến. Sau đó chọn ngày Cát Tường của tháng Bạch Nguyệt, ngày đó chẳng được ăn, tìm đất sạch hòa chung với Cù Ma Di (phân bò) xoa tô đất làm Đàn lớn bằng tấm da bò, đây là nơi Bát Thiên giáng hạ .

Nếu muốn giáng nhập vào Đồng Tử, liền đem đồng tử tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, cho thọ 8 Giới. Trong ngoài thanh tịnh xong, vào trong Tâm Đàn, ngồi hướng mặt về phương Tây, đem các thứ hương hoa cúng dường. Hành Nhân cũng tự mình vào bên trong Đàn, trải cỏ Cát Tường, ngồi hướng mặt về phương Đông, tụng Chân Ngôn của Bát Thiên, một lòng cầu thỉnh quyết định thành tựu.

Nếu muốn khiến Bát Thiên giáng hạ ở trong gương. Trước hết lấy một tấm gương tốt tròn trịa không bị sứt mẻ , dùng tro sạch lau chùi 7 hoặc 8 hoặc 10 lần, sao cho gương trong sáng, rồi đặt ở chính giữa Đàn. Nếu Bát Thiên giáng hạ sẽ hiện trong gương , nói các việc về Thế Gian và Xuất Thế Gian

Nếu muốn Bát Thiên giáng hạ nơi ngón tay. Trước tiên dùng nước quặng màu tía rửa sạch ngón tay cái. Sau đó dùng dầu thơm bôi xoa thì Bát Thiên sẽ giáng hạ.

Nếu muốn khiến Bát Thiên giáng hạ trong nước. Liền lấy nước mới, nhưng cần lọc qua rồi đổ vào cái bình, ắt Bát Thiên sẽ giáng hạ hiện sự việc trong đó.

Nếu muốn Bát Thiên giáng hạ ở hư không, mặt đất, ngọb lửa đèn trước mặt các Tôn Tượng, hoặc đám lửa. Trước tiên trì tụng Chân Ngôn, gia trì vào nước sạch rồi rưới vảy thì Bát Thiên sẽ đến

Nếu ở các nơi như trên, thỉnh được rồi thì dâng mọi thứ hương hoa mà cúng dường khiến cho Bát Thiên vui vẻ, liền ở trong mộng nói các việc Thiện Ác

Hoặc nếu tu đủ các Pháp trên mà Thiên chẳng giáng hạ, nên phát tâm lợi ích Đại Từ Đại Bi, một ngày chẳng ăn, lại thọ 8 Giới. Ở trước Tôn Tượng thù diệu hoặc ở trước Tháp Xá Lợi, trải cỏ Cát Tường, ngồi thẳng thân mình, chẳng lay chẳng động, một lòng chuyên chú trì tụng Chân Ngôn của Bản Bộ Mẫu hoặc Bản Bộ Chủ một Lạc Xoa biến hoặc hai lạc xoa biến, đủ số rồi liền tác Pháp này. Nên tụng Chân Ngôn của Phẫn Nộ Vương, lại hô chữ Án (OṂ) của Tôi (Kim Cương Thủ) cho dù chỗ cây khô héo cũng có thể khiến Bát Thiên nhập vào huống chi là thân người

Nếu muốn khiến Bát Thiên giáng xuống thân Đồng Tử. Trước tiên chọn lấy 10 Đồng Nam hoặc 10 Đồng Nữ. Nếu chẳng đủ số thì chọn 8 hoặc 6 hoặc 2 cũng được. Nên chọn người khoảng 10 tuổi hoặc 12 tuổi, có thân tướng viên mãn (toàn thân chẳng được lộ huyết mạch gân xương) màu da trắng tươi, đỉnh đầu ngay thẳng, tóc đen sáng bóng, mặt như trăng tròn, mắt dài, răng khít bằng phẳng, cánh tay thon fài tròn trĩnh dễ mến, hai vú đẫy đà, lông trên thân xoáy về bên phải, giữa tim và bụng có ba ngấn, rốn sâu bằng phẳng, eo nhỏ ngay thẳng, cho đến đùi, bắp chân, đầu gối, ống chân, mắt cá chân, ngón chân với gót chân thảy đều đầy đủ các tướng đoan nghiêm khiến cho người nhìn thấy đều yêu thích chẳng muốn lìa xa

Nếu được Đồng Nam hoặc Đồng Nữ như vậy, liền chọn ngày mồng tám hoặc ngày 14 hoặc ngày 15, hoặc chọn ngày Cát Tường trong tháng Bạch Nguyệt. Trước tiên khiến tắm gội sạch sẽ, mặc áo trắng mới, hoặc quần áo có đính hạt Trân Châu để trang nghiêm. Trang sức xong, cho thọ 8 Giới rồi đem vào trong Đàn, ngồi hướng mặt về phương Đông. Ngay trong ngày đó, Hành Nhân nhịn ăn, tắm gội sạch sẽ, mặc áo trắng mới, dùng đủ mọi loại hương hoa, vòng hoa, dầu thơm, hương đốt, đèn sáng với mọi thứ thức ăn thượng diệu, cúng dường Bản Tôn với Thiên Thần hộ vệ 8 phương. Lại để riêng vật cúng dường, phụng hiến Trời, Người, A Tu La với loại Quỷ Tiềm Hành (hành động ẩn tàng âm thầm dấu vết tích)

Làm như vậy xong, người hành trì tụng lại dùng Diệu Hoa rải lên Đồng Tử. Sau đó tay cầm lò hương, niệm Chân Ngôn của Bát Thiên. Ở đầu Chân Ngôn nên hô trước chữ Hồng (HŪṂ) khoảng giữa lại thêm câu Ngật-lị hận-noa (GṚHṆA) đến đây dùng hương hoa trao cho Đồng Tử, lại hô chữ A Tị Hàm (ABHIṢECA MĀṂ) 3 lần, lại hô Khất-sáp bát-la (KṢA PRA) Tụng như vậy ắt trong phút chốc Bát Thiên liền đến nhập vào thân Đồng Tử. Cũng nên kiểm tra lại tướng mạo để biết cho rõ

Nếu có hiện tượng đến, thì Đồng Tử có dung mạo vui vẻ, mắt nhình không chớp, ngương hít thở, liền biết Bát Thiên đến rồi ắt có thể đốt hương và hiến nước Ứ

Già, trong Tâm cần phải ghi nhớ Chân Ngôn của Tối Thắng Minh Vương (Vijaya

Vidyarāja) . Lễ bái cúng dường xong mới có thể thỉnh hỏi

“Ngài thuộc cõi Trời nào mà chẳng ngại lao nhọc đến đây? Nay tôi vì mình vì người khác có việc nghi ngờ. Nguyện xin Ngài mau chóng nói cho”

Cần nên hỏi mau lẹ chẳng được chậm trễ nghi ngại thì Bát Thiên ấy sẽ mỗi mỗi đều nói. Phần lớn nói về việc Thiện Ác trong 3 Đời, hoặc khổ hoặc vui, được lợi mất lợi, mỗi mỗi nói rõ các loại sự việc

Nói như vậy xong, cần phải tin nhận đừng sinh nghi hoặc. Hỏi việc xong rồi, nên mau chóng y theo Pháp cúng dường, đáp tạ công lao và Phát Khiển thỉnh Bát Thiên trở về Bản Vị

Lại nữa, tự thân Bát Thiên giáng hạ sẽ có điều chứng nghiệm. Có thể biết Vị Thiên ấy làm cho tướng của Đồng Tử có 2 mắt tròn sáng, ở ngoài lòng đen hơi có sắc đỏ, đầu mặt đoan chính, dung nhan vui vẻ, nhìn không chớp mắt, không hít thở, có ý khí của tướng Đại Nhân. Nếu đúng như vậy là đích thân Bát Thiên giáng hạ

Nếu là loài Ma Chướng đến nhập thì hình trạng cũng như Đồng Tử không có hít thở, dung nhan xấu ác, mắt tròn có nhiều màu đỏ, tác tướng sân nộ, ngoác miệng đáng sợ. Nếu nhìn thấy tướng này thì nên biết là loài Ma, La Sát, Rồng, Tiềm Hành Quỷ. Kiểm tra xong rồi nên mau chóng tác Pháp Trừ Khiển. Người hành Trì Tụng ở ngay trong Đàn đọc tụng Già Đà Cát Tường (bài Kệ Cát Tường) hoặc Kinh của Đại Lực Minh Vương (Mahā-bala Vidyarāja) với Kinh Tam Ma Nhạ (Samaja: Tập Hội) và Chân Ngôn của Uế Tích Phẫn Nộ Minh Vương (Ucchuṣma krodha-vidyarāja) cho đến các Đà La Ni của Đại Thừa mà Phát Khiển (đuổi đi)

Nếu làm như vậy mà Ma chẳng đi, nên tụng Chân Ngôn Sư Tử Toà. Dùng gỗ A Lý Ca với gỗ Ba La Xá làm củi tẩm Tô (bơ) Mật, Lạc… kèm với hoa, lúa thóc, mè vừng… Hộ Ma 100 biến. Sau đó tụng Chân Ngôn của Phẫn Nộ Quân Trà Lợi (Krodha kuṇḍali) Hộ Ma 3 biến hoặc 7 biến thì loài Ma gây chướng ấy liền chẳng dám trú, tự nhiên bỏ đi.Các kẻ Trí cần phải hiểu rõ Pháp như vậy mà mỗi mỗi tu hành. Nếu vì việc này đừng để cho siêng năng lao nhọc mà không có sự linh ứng.

 

NÓI VỀ CÁC SỰ CHƯỚNG NGẠI NGĂN CHE PHẦN THỨ CHÍN

Diệu Tý Bồ Tát lại hỏi Kim Cương Thủ rằng: “Người tu hành trì tụng, có tội chướng như thế nào mà chẳng được Tất Địa? Nguyện xin Ngài diễn nói cho các kẻ tu hành ở đời vị lai ,mỗi mỗi rõ các việc tu hành mà không có nghi hoặc”

Bấy giờ, Kim Cương Thủ Bồ Tát bảo Diệu Tý Bồ Tát rằng: “Này Diệu Tý! Nếu có Hành Nhân ở đời quá khứ cho đến đời này, đối với Thân Khẩu Ý chẳng chịu giữ gìn, gây ra các tội nặng, vì thế cho nên khó thành tựu được Pháp tu hành.

Các tội ấy là: Giết A La Hán, giết cha mẹ, phá Hòa Hợp Tăng, dùng tâm sân nộ làm cho Thân Phật chảy máu, hủy hoại Tháp Phật, giết Bồ Tát, hoặc gắng dùng hạnh bất tịnh làm nhơ uế mẹ của A La Hán. Hoặc sai khiến người hoặc tự mình áp bức cướp đoạt tài vật của Tam Bảo. Các lỗi lầm như vậy, Đức Phật nói đây là tội Vô Gián. Nếu có lỗi này thì nơi Pháp khó thành. Tại sao vậy ? Do tội nặng này sẽ đọa vào Địa Ngục A Tỳ (Avīcì) chịu khổ một kiếp cho đến khi bằng với tội trước thì mới được ra khỏi. Cho nên nói người này, tuy có siêng năng khổ cực, vì nghiệp chướng nên đối với các Chân Ngôn , rốt cuộc chẳng thành tựu.

Lại nữa, đối với các Kinh Pháp do Đức Phật dạy, dùng tâm sân hoặc đốt cháy, hoặc nhận chìm trong nước, hoặc phương tiện hủy hoại, hoặc phỉ báng Pháp Thân, hoặc giết Tăng Ni đang giữ Giới, hoặc vô cớ giết người nam người nữ đang giữ Giới, hoặc dùng tâm sân quây lửa thiêu đốt chốn Già Lam. Nếu có tội này, tuy siêng năng cực khổ cũng chẳng thành tựu được.

Hoặc nếu đối với Phật Pháp Tăng, hưng tâm tổn hoại chẳng kể nhiều ít. Nay Tôi nói chút ít về sự thọ Báo ấy. Người như vậy sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián, khi hết tội báo lại sinh vào Nhân Gian, do dư nghiệp nên giả sử được thân người cũng bị sinh vào chốn hạ tiện. Hoặc gặp bạn lành khuyên phát Tâm Bồ Đề Vô Thượng, sau đó lại chẳng quyết định, ngược lại Quy Y với hàng Thiên Ngoại Đạo. Chư Thiên Ngoại Đạo ấy tuy nhìn thấy Quy Y, lại cũng chẳng vui, ngược lại sinh sự giận dữ làm hại. Người như vậy, nếu trì tụng tu hành , cuối cùng vẫn chẳng thành tựu.

Nếu lại có người, từ lúc mới phát khởi Tâm Bồ Đề Vô Thượng. Từ đây về sau, chư Thiên với hàng người cần phải cúng dường. Tại sao vậy? Người ấy tức là người gánh vác tất cả Hữu Tình, hay đối với Hữu Tình ban cho sự không sợ hãi cho đến đối với hạt giống Tam Bảo cũng hay thừa kế, cho nên nói rằng: “Chẳng nên quay ngược mà lễ bái chư Thiên

Lại cũng chẳng được gây ra lỗi lầm nguy hại mãnh liệt và giết chết Tiên Nhân (RSÌ)

Lại cũng chẳng nên đối với Chân Ngôn Minh này, cùng nhau phá hoại

Lại hoặc dùng tâm sân mà chẳng cúng dường Chủ của Chân Ngôn Minh

Hoặc lại cho đến dùng chân dày xéo lên hoa sen với các Ấn Khế

Hoặc lại vô cớ đưa tay bẻ gẫy cây cỏ. Tiếp lại lễ bái các hàng Dược Xoa ác

Hoặc ăn thức ăn dư thừa đã cúng dường, hoặc ăn thức ăn dư đã cúng Quỷ Thần, hoặc ăn thức ăn đã vứt bỏ trên mặt đất

Hoặc lại đối với Súc Sinh Nữ (súc vật cái) hàng việc bất tịnh

Hoặc dùng Cấm Chú, hoặc dùng sức thuốc hại loài trùng rắn. Hoặc cỡi voi, ngựa, bò, lừa…muốn khiến đi nhanh liền dùng roi thúc đánh.

Hoặc ở với người bệnh hoạn và người bị nạn khổ, chẳng biết phát Tâm Từ Bi cứu giúp

Người như vậy, đối với Chân Ngôn Minh, cuối cùng chẳng thành tựu

_ Lại nữa Hành Nhân! Ví như Hư Không chẳng thể đo lường được. Nếu lại có người đối với nơi chốn của Tam Bảo mà hành việc tổn hoại thì sau này sẽ chiêu cảm lấy nghiệp báo ấy chẳng thể đo lường được

Lại nữa, Hành Nhân dùng lưới võng gây thương hại Hữu Tình. Nuôi dưỡng mèo con đuổi bắt trùng chuột cho đến giam cầm con vẹt, con sáo, các loài Phi Cầm. Người như vậy chẳng được thành tựu.

Lại chẳng được dùng vật đã cúng dường Phật. Chẳng được lễ bái Đại Tự Tại Thiên (Maheśvara), Nhật Thiên (Āditya), Nguyệt Thiên (Candra), Hỏa Thiên (Agni) Na La Diên Thiên (Nārāyaṇa). Giả sử gặp phải các nạn khổ cũng chẳng nên lễ bái, chẳng nên trì tụng Giáo Pháp của hành Thiên ấy, cũng chẳng nên cúng dường người hành Pháp đó. Đối với Pháp của hàng ấy, chẳng giận chẳng vui cũng chẳng tùy hỷ với Nghi Tắc của Pháp đó.

Hoặc có tài bảo, muốn hành Trí Tuệ. Trước tiên phát Tâm Bồ Đề (Bodhicitta), thoạt đầu nên lễ bái tất cả chư Phật. Tiếp nên lễ Tượng của Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Tại sao thế? Vì hàng Bồ Tát ấy như mặt trăng mới mọc đã vượt hơn mọi ngôi sao, dần dần chiếu sáng Thế Gian. Hàng Bồ Tát ấy cũng lại như thế, tuy ở địa vị nhưng rốt ráo sẽ thủ chứng Bồ Đề Vô Thượng, vì thế nên lễ bái các Chúng như vậy.

Lại, hàng Bồ Tát là bậc gáng vác công việc cho tất cả Hữu Tình. Các vị ấy đã phát Đại Bi muốn làm việc cứu tế, cho nên trước tiên lễ bái hàng Bồ Tát này.

Lại nửa, Thế Gian có kẻ Hữu Tình đáng thương ngu si hèn kém (Hạ liệt) đối với hàng Bồ Tát chẳng chịu lễ bái. Hàng Bồ Tát ấy có đủ sức đại tinh tiến Thần Thông khó lường. Nếu Hành Nhân chẳng lễ bái ắt những Pháp đã Trì Tụng không được thành tựu, lại còn vướng lỗi xem nhẹ chư Phật. Tại sao thế? Ví như tất cả quả trái của Thế Gian đều từ bông hoa mà có. Hoa ví như Bồ Tát, Quả ví như Bồ Đề. Chính vì thế cho nên Hành Nhân cần phải tin tưởng lễ bái (Tín lễ)

Như có Bồ Tát vì việc lợi ích cho nên đối với việc tham dục liền thị hiện hành dục. Cho đến đối với người thiện kẻ ác, thật ra không có tâm yêu ghét, do dùng sức Đại Bi nên mới có phương tiện khen chê. Tại sao Hành Nhân đối với hàng Bồ Tát lại chẳng sinh Tâm tín lễ. Các vị Bồ Tát ấy lại thị hiện dùng mọi loại tướng Chân Ngôn Minh, chỉ vì tùy theo nguyện để thoả mãn mọi tâm của Hữu Tình. Chính vì thế cho nên cần phải tín lễ bậc Thầy của tất cả Chân Ngôn Minh Chủ.

NÓI VỀ ĐƯỜNG LỐI THÙ THẮNG PHẨM THỨ MƯỜI

Lại nữa, người hành trì tụng đối với Hạnh đã tu, đừng sinh niệm nghi ngờ, nên dùng 8 Chính Đạo làm của giữ gìn. Hành đường lối này đối với Hạnh Chân Ngôn sẽ quyết định được Tất Địa.Lại nữa, ngày sau thường sinh vào nơi thắng diệu của Nhân Gian và Thiên Thượng. Chư Phật quá khứ nhờ tu hành đường lối này mới được thành Chính Giác.Chư Phật Thế Tôn hiện tại vị lai cũng đều như vậy.

Dùng Công Đức đã tu về Thân Khẩu Ý thường y theo lời Phật dạy chẳng sinh mệt mỏi. Tu hành như vậy gọi là Chính Nghiệp

Dùng các thức ăn uống, thuốc thang, quần áo, giường chiếu, vật dụng…mà chẳng sinh tâm yêu mến đắm trước vào các vật thọ dụng thì gọi là Chính Mệnh

Đối với mình đối với người, chẳng khen chẳng chê, mau lìa sự giận dữ như tránh đám lửa. Lại như con cọp mạnh mẽ thấy lửa thì kinh sợ. Sợ hãi các lỗi lầm thường khiến có thái độ như vậy. Đây gọi là Chính Hạnh

Chẳng học xem Tướng và việc cát hung của nam nữ. Chẳng học Thiên Văn, Địa Lý, Âm Dương cho đến việc hàng phục Rồng (Giáng Long) và điều phục voi ngựa, các nghề viết lách, tính toán, cung tên…Hay mau chóng xa lìa lỗi này thì gọi là Chính Phân Biệt

Cho đến chẳng nên nói chuyện về Quốc Chính, phép vua với địa phương, bàn luận về việc cùng nhau binh chiến, bàn luận về nơi chốn dâm dục với sự đắm trước của Dâm Nữ. Cũng chẳng bàn luận về các câu đố, các việc xưa cũ cho đến việc của ngôn luận, văn tự, chuyện vô ích của Thế Gian. Người hành trì tụng cần phải mau chóng xa lìa mọi thứ lỗi lầm như vậy.

Lại, nếu người trì tụng cầu Tất Địa, đến giai đoạn thành tựu. Lúc ấy, chẳng nên vào thành quách, thôn xóm, tháp miếu, Già Lam, cung quán, Thần Miếu với chỗ cư ngụ của Ngoại Đạo. Các nơi như vậy đều chẳng nên đến. Nếu vì việc trì tụng chẳng thể miễn được thì nên tìm một nơi Thắng Địa thanh tịnh. Hoặc liền tìm riêng sườn núi, bờ ao, nhà trống hoặc Miếu Thần bỏ hoang. Hoặc dưới gốc cây, bờ sông cho đến cạnh suối, xa lìa các nơi ồn ào hỗn tạp, nơi không có người…chuyên tâm trì tụng.

Lại nếu trong một năm, chỉ trừ 3 tháng Hạ lúc An Cư thời chẳng đi đến nơi khác. Nếu lúc nủa Xuân với Thời khác thì tùy ý đi đến núi, rừng, suối, ao cho đến tất cả Thắng Xứ như trên để chuyên tâm trì tụng.

Hành Nhân nếu đã tu Pháp Tiên Hành, tụng đủ số rồi, nhưng lúc An Cư Kiết Hạ thì chẳng được tác Pháp thành tựu. Ví như lúc các Bật Sô (Bhikṣu: Tỳ Kheo) an cư kiết hạ thì tất cả chẳng được làm mà chỉ lặng lẽ ngồi yên. Người hành trì tụng cũng lại như vậy, tuy đối với việc trì tụng chẳng được gián đoạn nhưng phải sau khi mãn Hạ, như Pháp Hộ Thân rồi mới tác thành tựu.

Tiếp lại, người muốn cầu Tất Địa. Trì tụng đủ số thì nên làm Hộ Ma. Làm Hộ Ma cũng như số lượng, ấy là: Tướng hoa sen, tướng tròn trịa, tướng tam giác, tướng có 4 mặt vuông. Nơi dùng của 4 loại như vậy khác nhau, nên cần phải bền lòng chế tạo như Pháp.

Người muốn làm lò, trước hết tìm đất sạch hòa chung với Cù Ma Di làm bùn để tô trét lò. Lò nên có quai bền chắc, cũng nên ở 4 mặt làm tướng thềm bậc, là vị trí cúng dường Thánh Hiền

Nếu tác việc thiện và cầu tài bảo cho đến Pháp Tức Tai và Pháp Kính Trọng (Kính Ái) thì nên làm lò tròn

Nếu vì cầu tất cả mọi việc cho đến đối với loại Đồng Nữ hầu hạ thì nên làm lò Hoa Sen

Nếu vì điều phục các Rồng với tất cả loài Quỷ , hoặc khiến thiêu đốt hoặc khiến bị khổ thì nên làm lò có 4 mặt vuông

Nếu vì tác Pháp ác muốn khiến cho kẻ oan gia sinh tâm sợ hãi bỏ chạy lánh xa chẳng dám đến gần thì nên làm lò Tam Giác

Lò đã làm, cũng nên như Pháp, y theo Nghi Thức chế tạo. Khi xong rồi, ở 4 mặt lò rải cỏ Cát Tường ứng với vật Hộ Ma và nên đặt dưới nền ở bên ngoài lò ngay nơi có Cù Ma Di xoa tô. Sau đó ở bên cạnh lò ấy rải mọi loại hoa, dầu thơm, hương đốt, các thức ăn uống… cúng dường Tam Bảo với Đại Kim Cương Tộc, Minh Chủ, Chân Ngôn Chủ của Bản Bộ. Cúng dường xong, sau đó đốt lửa ở bên trong lò. Lửa đó chẳng được dùng miệng thổi mà dùng cây quạt để quạt lửa. Lửa cháy rồi, trước hết dùng hoa gạo hoặc dùng mè đem hòa chung với bơ (Tô), tụng Bản Bộ Minh Chủ Chân Ngôn, 1 biến ném 1 lần. 7 lần hoặc 8 lần cho đến 20 lần ném vào trong lửa. Đây gọi là Hộ Ma Cúng Dường Minh Chủ

Cúng dường xong. Sau đó y theo Pháp Hộ Ma để cầu Tất Địa. Hành Nhân trước tiên tự ủng hộ mình, dùng Pháp Phẫn Nộ Quân Trà Lợi Chân Ngôn, Chú vào cỏ Cát Tường hoặc 7 biến, 8 biến cho đến 20 biến, kết làm sợi tơ quấn quanh nách.

Hộ Thân xong. Sau đó rải cỏ Cát Tường, ngồi hướng mặt về phương Đông. Đem Tô, Mật, Lạc hòa với hạt cải trắng đựng đầy trong vật chứa. Lấy củi sở dụng, tẩm 2 đầu, tụng Bản Chân Ngôn, ném vào trong lửa, 1 lần tụng 1 lần ném. Khi lửa bắt đầu bén củi cháy mạnh thì quan sát để biết tướng Cát Tường hay chẳng Cát Tường

Nếulửa đó chẳng dùng quạt mà cháy tự nhiên, lại cháy to không có khói. Lại không có tiếng củi nổ, ngọn lửa chụm lại bốc về một phía bên phải như mặt trời chiếu soi không bị ngăn che, màu lửa như màu vàng hoặc như San Hô, hoặc rộng hoặc dài. Nhiếu tướng trạng khác hoặc như cầu vồng, hoặc như chớp lóe, hoặc như đuôi chim Công, hoặc như đóa hoa sen, hoặc như cái muỗng Hộ Ma, hoặc như cái chày Kim Cương, hoặc như cái chỉa ba, hoặc như cây đao ngang, hoặc như phan phướng, hoặc như vòng xoắn ốc của bình (Bình Loa) hoặc như phất trần hoặc như cái xe.

Lại, hoặc như tiếng các nhạc khí: Trống, sáo… cho đến hơi thơm cũng như đốt bơ.

Nếu được mọi loại như vậy là tướng Cát Tường, nên biết mau được Tất Địa rộng lớn.

_ Lại nữa, nếu ban đầu lửa khó bén. Tuy lửa bén lại có nhiều khói, lửa ấy chẳng có thể cháy mạnh rộng lớn, dần dần nhỏ đi cho đến tắt hẳn. Giả sử lửa đó chẳng tắt và khói không có màu hồng đỏ. Lại như mặt trời ở trong đám mây chẳng thể chiếu sáng. Hoặc được đám lửa bốc lên có dạng giống như đầu bò, hoặc có dạng như lừa ngựa. Hoặc củi liền nổ lớn bắn ra tia lửa như thiêu đốt Hành Nhân. Hoặc hơi lửa giống như thiêu đốt tử thi (xác chết)

Hành Nhân nếu được tướng trạng này ắt biết rõ điềm chẳng lành, quyết chẳng thành tựu Tất Địa mong cầu. Hành Nhân nên lấy hoa gạo, hạt cải trắng hòa chung với Tô Mật. Liền tụng Xích Thân Đại Lực Minh Vương Chân Ngôn với Uế Tích Phẫn Nộ Minh Vương Chân Ngôn làm Pháp Hộ Ma (Homa) thì tướng chẳng lành lúc trước tự nhiên chẳng hiện, tất cả đều tiêu diệt.

Lại nữa, Hành Nhân chẳng nên dùng dao cạo lông 3 nơi, cũng chẳng nên dùng thuốc xoa cho rụng, cũng chẳng nên dùng tay nhổ bỏ. Ví như người cầm con dao bén, nếu không có Trí Tuệ sẽ mau bị tổn hại thân.

Nếu người trì tụng chẳng y theo Nghi Pháp thì chẳng những Pháp không thành tựu , lại còn chiêu rước sự tổn hại mình

Nếu Hành Nhân ấy trì tụng tu hành chẳng y theo Nghi Tắc, hoặc chẳng giữ Giới, hoặc chẳng thanh tịnh. Dù cho vị Đại Minh Chủ kia chẳng nổi giận làm hại, nhưng bao nhiêu Thị Tòng Quyến Thuộc của Minh Chú ấy nhìn thấy lỗi lầm của người đó, liền gây sự tổn hại.

Lại nữa, người hành trì tụng nếu muốn trì tụng mau được Tất Địa thì hết thảy Nghi Tắc chẳng được khuyết phạm một mảy may, khiến cho Ma Chướng không có dịp gây hại. Cần phải tùy theo sức bày biện mọi loại thức ăn uống, hương hoa, quả trái…Nên cúng tế hàng Trời (Deva), A Tu La (Asura), Dược Xoa (Yakṣa), Rồng (Nāga), Yết Lộ Trà (Garuḍa), Yết Tra Bố Đan Nẵng (Kaṭapūtana), Càn Đạt Bà (Gandharva), Bộ Đa (Bhūta) tất cả Quỷ Mỵ (Grahā)… để cầu ủng hộ chẳng gây chướng nạn.

Bày đủ các thức cúng tế rồi, liền nên thành tâm , mỗi mỗi kêu tên khải thỉnh đều giáng lâm, thọ nhận sự cúng dường, trợ giúp cho thành tựu.

Liền tụng Khải Thỉnh Chân Ngôn là :

Nễ phộc, A tô la, Dạ Xoa, Bộ cữu Nga, Tất Đà đá xoa-dã, Tô ba la-noa, Yết tra bố đát nẵng thất-tả, Nghiễn đạt-lý phộc, La Sát, Ngật-la ha, Nhạ đa dạ thất-tả.

Duệ kế tức bộ mạo vĩ nẵng, phiến đế nễ vĩ-dã nễ-dã, tất-đới ca nhạ nỗ, tấtlý thể vĩ đa lệ hám, khất-lý đát-phộc noa lệ vĩ nhạ-noa ba dạ nhĩ đán đổ đát-la nại nãi, sa hạ.

Bộ-lý đát-dã, tăng khế tô-lỗ đát-phộc, y hạ diễn đổ. A nỗ nga-la hạ la-thám dụ nhĩ bất-lý sắt-trí nhĩ vãn tế, bộ đa duệ, nan na nhĩ duệ tả tô la, la duệ số duệ mạo na dạ tất-đế, la mãn nễ lý số nẵng nga lý số

Tát lý-phệ số tức duệ phộc phiến đế sa lý số. Tát lý-phộc tô tả tăng nga di số, la đát-nẵng la duệ tả, bế khất-lý đa, địa phộc sa phộc bế đa noa nghệ số-tả ba laphộc lệ-số, câu phệ số thấp-phộc bộ-lý số tả, nhĩ lý-nhạ lý số duệ, nga-la ma cụ thế, bố la ca nẵng nhĩ phộc thâu nhĩ-dã la bế nễ phộc nga-lý tứ số duệ tả, vĩ hạ la tức đát-dã phộc sa tha thất-la di số, ma trệ số, xả la tả.

Cung nhạ la nản duệ bộ bộ-lý đá, tức đá, nga-lý tứ số, phiến đế la tha-dã, tô vĩ thể số tả, tả đát-phộc lý số duệ, tái ca một-lý sát số, ma hạ phộc nhĩ số, tăng tứ đát lý-sa khất-xoa vĩ-dụ sử đá tô duệ tả phộc phiến đế cụ la tô.

Ma hạ tra vĩ tô nễ-vĩ bế số, nễ vĩ-duệ số, khất-lý đa la dạ thất-tả

Nễ lỗ xá-ma xá nhĩ, nhĩ phộc phiến đế duệ tả, ha-ly sắt-tra, bát-la sa đátnẵng sa-la nhạ, nghiễn đà, ma la diễm, độ ba mạt lân nễ ba nỗ đế tả, bà khất đátdã, nga-lý hận-nản, đống bộ cữu đổ bế vãn đổ tát noan, y nan tả ca lý-ma, sa phả lăng tổ sản đổ.

Ế noan, đổ khất-lý đát-phộc, nga-la hạ, bố nhạ nẫm, đổ nễ nga lý-tả nẵng đát-phệ ca ma nẵng đổ câu lý-dã, ấn nại-la đổ phộc nhật-ly, sa hạ.

Bộ đa tăng khế, y hàm đổ, nga-lý hận nản, đổ mạt lân nhĩ tất-lý sắt-tra, a nghệ-nhĩ lý-dã, mạo nãi lý đế bộ bát đế thất-tả

A noan ba để lý-phộc dụ phộc nẵng địa phộc thất-tả

Y xá nẵng, bộ đa địa bát đế thất-tả

Nễ mạo ô lý-thán đổ, tán nại-la lý-ca bế đá, ma hạ thất-tả

Nễ phộc, tam ma sa-đá bộ vĩ duệ tả

Nẵng nga, đà la, ngọc tứ-dã, nga nãi sa di đá, bát-la để , bát-la để, đát-phệ nẵng nễ phệ nga nan đổ, sa-phộc ca, sa-phộc ca, tuế phộc nễ xá tô bộ đát-phộc, nga-lý hận-nản, đổ đổ sắt-tra sa phộc la sa trại nãi-dã sa bổ đát-la na lý, sa-phộc nhạ nãi sa di đá, độ ba mạt lân, bổ sắt-ba, vĩ lệ ba nan tả.

Bộ cữu đổ nhạ-dã già-lam đổ bế vãn đổ tát noan, muội đát-la diễm di kiếm, tất đệ di hàm nễ phiến đổ.

Ế noan đổ dược, tát ly-phộc nễ noa tả la nản, ca lỗ đát-dã nha sa-lam mạt lân, ca lý-ma, ca lý diễm.

*********

PHÂN BIỆT CÁC BỘ PHẦN THỨ MƯỜI MỘT

Lại nữa, nay Tôi ở Trì Minh Tạng (Vidyadhāra-garbha) phật biệt hàng Phật Bồ Tát cho đến các Chân Ngôn, Ấn Khế của các Bộ đã nói.

Đức Như Lai lại nói 3 Câu Đê 5 Lạc Xoa Chân Ngôn kèm với Danh Tự của Minh Chủ, nên gọi là Trì Minh Tạng.

Tiếp, Quán Tự Tại Bồ Tát cũng nói 3 Câu Đê 5 Lạc Xoa Chân Ngôn với Chân Ngôn Chủ của Bộ này tên là Mã Thủ (Hayagrīva: Mã Đầu) cũng nói Danh Tự, mọi loại Man Noa La của Tự Bộ

Lại có 7 Chân Ngôn Chủ, mỗi một Chân Ngôn Chủ này đều có 12 cánh tay, hoặc 6 cánh tay, hoặc 4 cánh tay, cầm sợi dây Bất Không (Amogha-pāśa) biến hiện tùy ý. Hoặc có 4 mặt, đầu đội mão báu, trang nghiêm bằng báu Như Ý, ánh sáng chiếu rực rỡ như mặt trời soi chiếu Thế Gian. Chân Ngôn Chủ của nhóm này đều gọi là Man Noa La Sở Quán của Mã Thủ.

Lại có 8 Minh Phi (Vidya-rāñji) tên là: Mục Tinh (Tārā), Diệu Bạch (Suśveta), Quân Bạch (Pāṇḍara-vāsinī: Bạch Xứ), Quán (Vilokini: Quán Thế), Nhất Kế (Eka Jaṭa), Kim Nhan (Suvarṇa-mukha), Danh Xưng (Yaśa), Bật Sô Câu Đê (Bhṛkuṭī). Nhóm này đều là Minh Phi của Liên Hoa Bộ.

[Bản khác thì ghi 8 vị Minh Phi là: Tārā, Śvetarkya, Pāṇḍaravāsini, Vilokani, Gauri, Yaśamati, Yaśodhara, Bhṛkuṭi]

Lại nói 7 Câu Đê Chân Ngôn, mọi loại Man Noa La (Maṇḍala: Đàn Trường) với các tay Ấn để lợi ích cho tất cả chúng sinh bần cùng và giáng phục tất cả loài Quỷ Tiềm Hành (làm một cách âm thầm ) gây chướng. Lại có 17 Chân Ngôn Chủ và 64 Quyến Thuộc

Lại có 8 Đại Minh Vương (Mahā-vidyarāja)

Lại có các Đại Phẫn Nộ Minh Vương (Mahā-krodha Vidyarāja), Cam Lộ Quân Noa Lợi Minh Vương (Amṛta-Kuṇḍali Vidyarāja), Tối Thắng Minh Vương (Vijaya Vidyarāja), Đại Uy Đức Minh Vương (Yamāntaka Vidyarāja)

Bộ này của Tôi (Kim Cương Thủ) tên là Quảng Đại Kim Cương Tộc, nói 8 Lạc Xoa Chân Ngôn.

Lại có vị Đại Thần (Mahā-devatā) tên là Bán Chi Ca (Pañcika) nói 20 ngàn Chân Ngôn. Vị Thần này có vợ (Phi) tên là Di Ca La (Mikara) nói 10 ngàn Chân Ngôn đều là Bán Chi Ca Bộ (Pañcika-kulāya)

Lại có vị Đại Thần tên là Ma Ni Bạt Đà La (Maṇi-bhadra: Bảo Hiền) nói một Lạc Xoa Chân Ngôn. Lại có Tài Chủ (Dhānapati) nói 3 Lạc Xoa Chân Ngôn đều là Ma Ni Bộ (Maṇi-kulāya)

Lại có tất cả Trời, Rồng, A Tu La… các vị tin Phật liền ở trước mặt Đức Phật nói vô lượng Chân Ngôn. Nhóm này tán nhập vào các Bộ. Hoặc nhập vào Đại Kim Cương Bộ (Mahā-vajra-kulāya) của Tôi, hoặc nhập vào Đại Liên Hoa Bộ (Mahāpadma-kulāya) , hoặc nhập vào A Súc Tỳ-dã Bộ (Akṣobhya-kulāya: Bất Động Bộ) hoặc nhập vào Bán Chi Ca Bộ, hoặc nhập vào Ma Ni Bộ.

Như trên đã nói về Giáo của mọi loại Chân Ngôn. Ở trong 5 Bộ này, các người Hữu Hạnh đều có thể tu hành.

Lại nói về Sở Thuyết của Đức Thế Tôn có Nội Thắng Tối Thượng Bảo. Tiếp lại ở đây tuôn ra Cứu Cánh Pháp Bảo, từ đây chuyển sinh 8 Đại Trượng Phu Bất Thoái Chúng Bảo. Ba Báu như vậy ở trong 3 cõi (Tam Giới) làm ruộng phước to lớn tối tôn tối thắng. Chính vì thế cho nên Hành Nhân muốn được diệt tội sinh phước với Bản Tôn hiện tiền , mau thành Tất Địa thì lúc niệm tụng, trước tiên quy mệnh 3 Báu như vậy.

Hoặc nếu có trì tụng Chân Ngôn trong Kim Cương Bộ của Tôi, trước tiên nên Quy Mệnh Tam Bảo, tiếp lại xưng tán: “Na Mô Thất Chiến Noa, Bạt chiết la bá noa duệ, ma ha dược xoa tế na bát đá duệ

*) NAMO RATNA-TRAYĀYA ( Quy mệnh Tam Bảo)

NAMAḤ ŚCAṆḌA VAJRAPĀṆAYE MAHĀ-YAKṢA-SENAPATĀYE

(Kính lễ Bạo Nộ Kim Cương Thủ Đại Dược Xoa Quân Chủ Đẳng)

Sau đó, liền tụng Chân Ngôn. Đối với Liên Hoa Bộ, Bán Chi Ca Bộ, Ma Ni Bộ cũng vậy

Lại nữa, người hành trì tụng vào lúc trì tụng. Trước tiên quy mệnh Tam Bảo, tiếp lại quy mệnh Bản Bộ Minh Chủ, xong có thể trì tụng Bản Tu Chân Ngôn.

Nếu Hành Nhân này chẳng tin Phật lại chỉ tin vào Pháp của hàng Bích Chi (Pratyeka Buddha), Thanh Văn (Śravaka) thì niềm tin đã chẳng đủ, với lại bên trong thường ôm ấp sự ganh ghét đố kỵ nên chẳng được cầm giữ Đại Bát Chiết La (Mahāvajra: chày Kim Cương ) do Giáo của Tôi đã nói.

Lại có Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di dùng Tà Kiến chê bai Giáo Diệu Chân Ngôn của Đại Thừa, nói đấy chẳng phải là Chính Thuyết mà là Sở Thuyết của Ma. Tôi nói người này là kẻ đại ngu si

Lại nói Tôi, Đại Kim Cương Thủ chỉ là loài Dạ Xoa (Yakṣa) chẳng phải là Bản Tông Chân Thật nên chẳng tín lễ, cho đến chẳng tín lễ các Đại Bồ Tát. Nếu hoặc có kẻ trì tụng Diệu Chân Ngôn của Tôi, chẳng bao lâu tự gặt lấy sự tổn hại. Tại sao thế? Đúng ra hàng Phật Bồ Tát không hề khởi tâm ác gây não hại cho Hữu Tình. Xong tất cả quyến thuộc, các hàng Quỷ Thần ở trong Duyên Bộ nhìn thấy kẻ ngu si này cầm Đại Bạt Chiết La (chày Kim Cương) thuộc Kim Cương Tộc của Tôi, kèm trì tụng Diệu Chân Ngôn thuộc Giáo của Tôi thì các quyến thuộc ấy liền dùng mắt giận dữ nhìn cho đến phá hoại thân mệnh.

Nếu có Hành Nhân trong 4 Chúng tu hành. Lúc bình thường, đọc tụng Giáo của Đại Thừa Phương Quảng. Lại hay vì các Hữu Tình phân biệt giải nói, đủ đại tinh tiến chuyển bánh xe Bất Thoái, một lòng hướng đến Vô Thượng Bồ Đề. Nên biết người này trì tụng Giáo của Tôi, ắt quyết định mau được thành tựu ý lạc (niềm vui của ý).

Lại nữa, lúc trước Tôi đã nói về Giáo của mọi loại Chân Ngôn của hàng Phật Bồ Tát. Ông nên chuyên tâm tin nhận, đừng sinh tâm nghi ngờ. Nay Tôi lại vì ông mà nói về Giáo Chân Ngôn của Thế Gian Xuất Thế Gian, Ngoại Đạo với Thiên Ma, Phạm

Thiên… Ông nên lắng nghe

Đại Tự Tại Thiên (Maheśvara) nói 10 Câu Đê Chân Ngôn

Na La Diên Thiên (Nārāyaṇa) nói 30 ngàn Chân Ngôn

Đại Phong Thiên (Mahā-vāyu Deva) nói 60 ngàn Chân Ngôn

Nhật Thiên (āditya Deva) nói 2 Lạc Xoa Chân Ngôn

Đế Thích Thiên Chúng (Indrāya) nói 18 ngàn Chân Ngôn

Tán Ni Ca (Śaṇḍika) nói 8 ngàn Chân Ngôn

Hỏa Thiên (Agni Deva) nói 3700 Chân Ngôn

Câu Vĩ La (Kubera) nói 3 ngàn Chân Ngôn

Các Long Vương (Nāga Rāja) nói 5 ngàn Chân Ngôn

Các Quỷ Vương nói 12 ngàn Chân Ngôn

Hộ Thế Tứ Đại Thiên Vương (Catur-mahā-rājika Deva) nói 4 Lạc Xoa Chân Ngôn

Đao Lợi Thiên Chủ (Trāyastriṃśa Devādhipati) nói 2 Lạc Xoa Chân Ngôn.

Hàng Thiên như vậy, mỗi mỗi đều nói mọi loại Chân Ngôn, Ấn Khế và Nghi Quỹ của Man Noa La, có thể y theo Pháp thọ trì. Nếu trái ngược Bản Giáo thì chẳng những Chân Ngôn không được thành tựu mà lại tự rước lấy tội lỗi vậy.

 

NÓI VỀ TÁM PHÁP PHẨM THỨ MƯỜI HAI

Lại nữa, Pháp Thành Tựu gồm chung có 8 loại là:

  1. Pháp thành Chân Ngôn
  2. Pháp thành trường niên (sống lâu)
  3. Pháp Dược thành tựu (thành tựu thuốc men)
  4. Pháp Xuất Phục Tàng (lấy kho tàng)
  5. Pháp vào cung Tu La
  6. Pháp hợp thành vàng (luyện Kim)
  7. Pháp đất thành vàng (chỉ đá hóa vàng)
  8. Pháp thành Vô Giá Bảo (báu vô giá)

Tám Pháp này nói làm 3 Phẩm

_ 3 Pháp: Thành Chân Ngôn, Thành Trường Niên, vào cung Tu La là Thượng Phẩm

_ 3 Pháp: Thành Vô Giá Bảo, Xuất Phục Tàng, Thổ Thành Kim là Trung Phẩm _ 2 Pháp: Hợp Thành Kim, Dược Thành Tựu là Hạ Phẩm

Nếu lại Hữu Tình có Trí Tuệ hơn người và có uy đức cũng lại thích tu Pháp Đại

Thừa. Người như vậy có thể cầu Thượng Phẩm

Nếu lại có Hữu Tình, tuy tu hành đã đủ nhưng chưa ngừng dứt tham dục thì có thể cầu Trung Phẩm

Nếu lại có Hữu Tình, vì còn ngu si thì có thể cầu Hạ Phẩm

Các người có Hạnh, cho dù chịu đủ sự nghèo khổ, thường chẳng được đầy đủ cũng nên cầu Trung Phẩm, chẳng nên cầu Hạ Phẩm

Nếu muốn được mọi loại thành tựu của 8 Pháp, cần phải tu Phước để làm Tư Trì (giữ gìn của cải)

Nếu người có Phước cầu khoái lạc của Người, Trời với tất cả Ái Lạc: Sống lâu, mạnh khỏe, uy lực, Đặc Tôn, đoan chính, thông minh… thì Pháp đều thành tựu.

Nếu có Hành Nhân chẳng vương vấn vào niềm vui của Thế Gian. Yêu thích tu hành, đối với Tam Bảo thường luôn ghi khắc trong tâm, thường tu trì đủ Pháp Tắc Chân Ngôn, lại nơi sự niệm tụng chẳng bị gián đoạn. Người như vậy ắt hay thành tựu, trừ diệt tội chướng và giải thoát các khổ.

Nếu lại hay ở đời hiện tại và đời vị lai thành các khoái lạc nhưng chỉ nhớ uy lực của Chân Ngôn do Đức Phật nói, tức không có Pháp khác. Ví như Trời giáng lửa gây họa, giáng mưa đá hay làm hại cây cỏ thì không có thứ gì có thể tránh được. Uy Lực của Chân Ngôn hay đập tan khổ não với các tội chướng cũng lại như vậy.

Lại như Kiếp Thụ (Kalpa-vṛkṣa: cây Ước Nguyện) hay mãn tất cả ước nguyện của Hữu Tình. Lực của Chân Ngôn hay ban cho Hữu Tình tất cả Tất Địa cùng với sự giàu có, sắc đẹp, sức khỏe, sống lâu… cũng lại như vậy.

Lại nữa, Bồ Tát quán sát các Hữu Tình, hoặc vướng nạn vua chúa, hoặc nạn nước lửa cho đến nạn trộm cướp, kiếp sát…tất cả sự khổ não sợ hãi vây bủa thân tâm…Đối với điều này, Bồ Tát liền tự biến thân thành mọi loại sắc tướng của Chân Ngôn Chủ cứu tế Hữu Tình khiến được giải thoát.

Lại nữa, có Hữu Tình ở tại nhà yêu dính cảnh màu nhiệm (Diệu Cảnh). Đối với Chân Ngôn Pháp và Nghi Quỹ, tuy hàng ngày có trì tụng nhưng chưa được tinh tiến mạnh mẽ sắc bén, theo thời gian lâu dần mới thành đủ số của Tiên Hành (Pháp hành lúc đầu). Đủ Tiên Hành rồi hoặc nghiệm trước mắt. Liền ở lúc đấy mới xa lìa 5 Dục, đủ Giới thanh tịnh, đi vào Tĩnh Thất, liền tụng Chân Ngôn mãn một Lạc Xoa. Sau đó chẳng lâu liền được Tất Địa đã ưa thích.

Lại nữa, Hành Nhân vào lúc trì tụng, hoặc lúc Tất Địa. Vào Man Noa La, gần gũi các Thánh Hiền, đã tu Pháp Yếu này cần phải thanh tịnh.

Phép tắm rửa: Trước hết dùng nước sạch hòa đều với đất sạch rồi xoa khắp thân thể. Sau đó bước vào trong nước lớn (ao, hồ…. ) tùy ý tắm rửa.

Rửa sạch tay chân xong. Hoặc hướng mặt về phương Đông hay phương Tây, ngồi xổm (Tông Cứ Tọa) làm pháp Hộ Thân. Liền dùng tay phải lấy nước rưới vảy lên thân thể, chẳng để cho nước phát ra tiếng động. Lại dùng tay phải lấy một bụm nước chứa trong lòng bàn tay, nước trong lòng bàn tay chẳng được nổi bọt. Tụng Chân Ngôn, Chú vào nước trong lòng bàn tay 3 lần rồi hớp 3 hớp, cũng đừng để phát ra tiếng động. Sau đó dùng nước, đưa ngón cái chùi 2 bên miệng và rải trên thân dùng để Hộ Thân. Sau đó, đột nhiên biết trong răng có cặn dư lại dùng tay chạm vào, hoặc liền ho hắng nhổ ra, hoặc biết ợ hơi lên. Tức nên như trước, Chú vào nước, hớp nước, chùi miệng, xúc miệng.

Tắm rửa xong, liền vào Tịnh Thất. Từ đây về sau chẳng được nói chuyện với người khác, chỉ trừ Trợ Bạn. Ngoài ra dù là nam nữ, tại gia hay xuất gia, kẻ Ngoại Đạo, bậc Sa Môn, người có Tịnh Hạnh, đồng nam, đồng nữ hoặc người lớn tuổi cho đến người chẳng phải nam… Các người như thế, chẳng được tiếp xúc và nói chuyện. Nếu đã tiếp xúc, lại nên như trước: Tắm rửa, lau miệng, xúc miệng.

Nếu có Hành Nhân thường vui thanh tịnh, tắm rửa thân thể, vui trì tụng và thương xót tất cả Hữu Tình. Cũng chẳng nên đối với việc Tha Lợi (lợi của người khác) mà nuôi tâm tham ái. Đi khất thực, tự an trụ, tu hạnh Chân Ngôn. Người như vậy tự nhiên đắc được Diệu Đà La Ni.

Lại nữa, Hành Nhân nếu cầu Tất Địa. Vào lúc niệm tụng, hoặc có người đến dâng cho quần áo đẹp, vàng bạc, châu báu, ngựa xe trang nghiêm, dầu thơm, hương đốt cho đến thức ăn uống với tất cả nhạc cụ, hoặc nhiều hoặc ít đều chẳng nên nhận.

Lại nữa, Hành Nhân vào lúc cầu thành tựu. Phàm khi đại tiểu tiện xong, mỗi mỗi đều nên y theo Pháp, dùng đất nước cọ rửa nhiều lần để cầu thanh tịnh. Nếu nhịn ăn thì tốt nhất vì tránh được sự húc uế xông lên các Hiền Thánh.

Lại nữa, Hành Nhân đang cầu thành tựu, lại do vì có tội chướng mà chẳng được Tất Địa hiện tiền. Liền nên trước hết tụng niệm nhiều lần, bày tỏ Sám Hối. Ví như sức nóng của mùa hè, gió lay các cây. Do gỗ cọ sát nhau nên bén lửa cháy, chẳng thêm công cụ , tự nhiên đốt cây cỏ. Nếu các Hành Nhân dùng gió tinh tiến lay cây Tịnh Giới, sinh lửa niệm tụng, thiêu đốt các tội…cũng lại như vậy.

Lại như mùa Đông, tuyết tự ngưng kết. Vì mặt trời chiếu soi nên tuyết tự tiêu tan. Hành Nhân dùng mặt trời Giới Thanh Tịnh phóng tỏa ánh sáng thì tuyết tội liền tiêu hết…cũng lại như vậy.

Lại nếu Hành Nhân, trong ngoài đã gom chứa Nghiệp Đen, đột nhiên theo lửa Tuệ châm đốt đèn niệm tụng thì hào quang uy lực của sự sáng (Minh) đẩy hết các nghiệp đen tối.

Lại nữa, Hành Nhân trì tụng tu hành cho đến Hộ Ma. Do chẳng được Tất Địa, nên đem bùn thơm hòa với cát sạch. Hoặc ở bên bờ sông, hoặc bên ao suối, chọn lựa Thắng Xứ, ấn tạo thành Tháp, đủ một Lạc Xoa cái Tháp tưởng đồng với Tháp Xá Lợi của Như Lai. Dùng tâm cung kính cho nên tất cả tội chướng đã tạo tác từ vô thủy đến nay đều được tiêu diệt. Tức ở đời này, Chân Ngôn Tất Địa mong cầu, quyết định hiện ra trước mắt.

Lại nữa, người trì tụng cầu tất Địa, dùng sự Trì Giới làm căn bản. Sao đó vận Tâm Bồ Đề phát tinh tiến dũng thí, chính cần lực, trì tụng Chân Ngôn chẳng trễ lui, đối với PhậtBồ Tát sinh cung kính gấp bội. Ví như vị Chuyển Luân Vương có đủ 7 báu mới cai trị đất nước được yên ổn. Người hành trì tụng phụng Giới thanh tịnh cho đến đối với chư Phật Bồ Tát sinh cung tín. Nếu đủ điều này mới trừ diệt tội chướng, sẽ được Tất Địa.

Lại nữa Hành Nhân tu Pháp Tiên Hành, dùng nhiều để được hơn, trì tụng đủ số, sau đó làm Hộ Ma. Dùng Hộ Ma liền được Bản Tôn vui vẻ. Chính vì thế cho nên Hành Nhân đối với việc mong cầu liền được thành tựu Ý Lạc.

Nếu lại có Hành Nhân làm Pháp Nhiếp Hỷ Nhân, ý có nơi vui thích cho đến cực xa cả 100 Do Tuần, từ ấy trở đi đều là Dược Xoa Nữ. Như lại có người muốn thành tựu Dược Xoa Nữ, giả sử được Tất Địa thì chẳng phải thù thắng. Ví như người đời khoe mình bán nữ sắc cho người hành dục. Dược Xoa Nữ ấy cũng lại như thế, biến ở thân hình đến chỗ Hành Nhân, phụng sự cung cấp, tất cả chẳng trái ngược, vốn chẳng phải vì tình ái mà chỉ vì Sở Nhiếp của sức Chân Ngôn. Tuy cùng ở chung, không làm điều trái ngược. Xong Tâm ác hằng còn, thường rình xem chỗ yếu của người đó, tìm được lỗi lầm liền gây tổn hại. Chỉ có kẻ ngu si, vì dâm dục mới cầu Tất Địa này. Chẳng những tự phạm vào lỗi của Tà Hạnh mà bên trên còn trái ngược với 4 Tâm Đại Nguyện của chư Phật Bồ Tát, Bích Chi, Thanh Văn, tất cả Thánh Hiền. Do đó người có Trí chẳng làm việc lỗi lầm ấy.

Hết thảy tất cả Trời, Người, A Tu La, Dạ Xoa, Rồng, Càn Đạt Bà cho đến Bộ Đa với các loài Quỷ vì tin trọng Đức Phật mà làm điều lợi ích. Ở trước Đức Thế Tôn tự nói Bản Minh cầu xin Đức Phật chứng hứa. Đức Phật dùng Bi Nguyện nhiếp thọ tất cả.

Lại nữa, Đức Thế Tôn vì tất cả Hữu Tình ở đời vị lai không có Chủ, không có nơi nương tựa mà phân biệt giải nói tu Hạnh Chân Ngôn tức được Quả của 3 phẩm Thượng, Trung , Hạ.

Quả Thượng Phẩm là: Được Thần Thông, vào hang A Tu La, ẩn thân tự tại và biến thân làm chồng, chủ của Dược Xoa Nữ. Hoặc thành Thuốc Thánh, hoặc liền biến thân thành hàng Mật Tích, hoặc làm Chủ của nước Quỷ, hoặc hiện tướng Phẫn Nộ giáng phục các Quỷ Thần với tất cả hàng Tú Diệu

Trung Phẩm là: Cầu sống lâu, hoặc cầu được yêu trọng, hoặc cầu địa vị cao quý, hoặc cầu giàu có.

Hạ Phẩm là: Dùng uy lực của Pháp với lực của Chú. Thuốc trị bệnh do hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, tất cả Bộ Đa, loài Tiềm Hành Quỷ, Tác Chấp Mỵ tạo ra. Hoặc dùng Chú Lực trị tất cả Độc, hoặc Cấm, hoặc bắt trói tất cả loài có độc, hoặc trừ tất cả bệnh vướng chất độc của thuốc.

Lại nữa, Đức Phật có nói: Ở các Thế Gian có vô lượng loài rắn, trùng có độc hay không có độc. Nói lược thì tổng cộng có 4 loài là: 1 răng nanh, 2 răng nanh, 3 răng nanh, 4 răng nanh. Ở 4 loài này chia làm 80 loại. Bên trong có 20 loại ngóc đầu lên mà đi. 6 loại khi đứng lại thì quấn quanh thân. 12 loại tuy có kim châm nhưng không có độc. 13 loại là vua của loài rắn. Ngoài ra, bên ngoài có loại nửa trùng nửa rắn.Lại loài trùng có độc, ấy là: con cóc, con nhện với Ngu Đà…Loài như vậy, số lượng còn nhiều.

Xong nhóm có độc của loài trùng này chỉ có 6 loại

  1. Phân độc: Phân của nó dính vào người tức liền phát độc
  2. Nước tiểu độc: Nước tiểu của nó dính vào người tức liền phát độc
  3. Xúc độc: Tùy chạm vào thân người tức liền phát độc
  4. Nước rãi độc: Người bị thấm nước rãi của nó tức liền phát độc
  5. Mắt độc: Mắt của nó nhìn vào người tức liền phát độc
  6. Răng nanh độc: Tùy chỗ bị cắn tức liền phát độc

Lúc trước đã nói về rắn có chất độc nhiều ít

_ Loài 1 răng nanh cắn vào sẽ lưu lại một dấu răng. Loài này có ít độc, tên gọi là Thương (vết thương, bị thương)

_ Loài 2 răng nanh cắn vào sẽ lưu lại 2 dấu răng có máu chảy ra, tên gọi là Huyết Ô (máu dơ)

_ Loài 3 răng nanh cắn vào sẽ lưu lại 3 dấu răng gây thương tích rất nặng, tên gọi là Tổn (hao mất, hư hại)

Ba loài này tuy có độc , nhưng có thể cứu

_ Loài 4 răng nanh cắn vào sẽ lưu lại 4 dấu răng, bệnh độc lan khắp thân, quyết định chạy đến chết, tên gọi là Mệnh Chung

Loài thứ tư này, hoặc nương vào Pháp Lực mới có thể cứu được.

Xong các độc bị trúng. Nếu dùng thuốc cứu chẳng thể bằng lực của Chân Ngôn. Tại sao thế? Ví như lửa cháy cực mạnh, nếu gặp nước lớn thì lửa liền tắt. Lữc của Đại Chân Ngôn nhiếp loài độc ấy cũng lại như vậy. Các bậc Trí khéo biết mọi loại độc như vậy. Thường thời trì tụng Đại Uy Chân Ngôn sẽ cùng đùa chơi với độc không có sợ hãi. Tại sao vậy ? Ví như Sư Tử đùa giỡn với loài bò cũng lại như thế.

Lại nữa có Thiên Mỵ (Deva Grahā), A Tu La Mỵ (Asura Grahā), Dược Xoa Mỵ (Yakṣa Grahā), Long Mỵ (Nāga Grahā), Càn Đạt Bà Mỵ (Gandharva Grahā),

Ngạ Quỷ Mỵ (Preta Grahā), cho đến mọi loài Mỵ (Grahā) của hàng Tỳ Xá Già (Piśāca)…Hoặc cầu Tế Tự, hoặc đến trêu ghẹo đùa giỡn, hoặc muốn giết hại. Dùng các điều như vậy du hành Thế Gian, thường ăn máu thịt, rình kiếm lỗi của người, hoặc lại nhân lúc giận dữ mà cột trói Hữu Tình, hoặc nhân lúc đói khát mà nhiễu loạn Hữu Tình. Hoặc khiến cho Tâm bị loạn, hoặc ca, hoặc múa, hoặc vui, hoặc buồn, hoặc liền sầu não, hoặc liền nói năng lung tung. Gây mọi loại dị tướng khiến cho người cười quái dị. Liền dùng Kim Cương Kiếm (Vajra Adi) hoặc Chân Ngôn của hàng Cam Lộ Phẫn Nộ Kim Cương (Amṛta-krodha-vajra) trị tức được trừ khỏi.

Lại nên dự trù , cần biết tính của các loài Mỵ của hàng ấy với pháp trị liệu thì mới có thể làm việc tồi phục mà không có sợ hãi. Có điều dùng Chân Ngôn do chư Phật Bồ Tát đã nói để gia lâm (thêm vào). Tại sao thế? Vì không có lực Chân Ngôn của chư Thiên nào có thể phá được lực Chân Ngôn của hàng Phật Bồ Tát.

Lại nữa, nay Tôi liền nói về Pháp Diệt Tội. Nếu có Hành Nhân muốn tu Pháp này, nên tìm cầu nơi u thâm thanh tịng sát cạnh sông. Dùng bùn thơm hòa với cát tạo nơi Chế Để (Caitye: Thánh Điện, Tháp thờ) trong đó đặt Diệu Kệ của Pháp Thân (Dharma-kāya) thì hàng Phạm Thiên với tất cả Trời, Dược Xoa, Trì Minh Đại Tiên (Vidyadhāra Mahā-ṛṣi) cho đến hàng Ca Lâu La, Càn Đạt Bà, Bộ Đa…nhìn thấy liền cung kính lễ bái. Tất cả chắp tay nói rằng: “Thật hiếm có! Thật hiếm có! Bậc Đại Từ Bi có lòng thương xót tất cả hàng Hữu Tình không có nơi nương tựa, không có chỗ cư trú mà làm việc này. Hiếm có thay! Hiếm có thay! Người hành vi diệu, thương xót Hữu Tình mà làm việc như vậy”

Do uy lực của Pháp cho nên các hàng Trời ấy nhìn thấy Hành Nhân, tay cầm chày Đại Kim Cương tỏa ánh sáng rực rỡ. Hoặc nhìn thấy tay cầm chày sắt kiên cố. Hoặc thấy tay cầm bánh xe to lớn mạnh mẽ sắc bén (Mãnh lợi đại luân). Hoặc thấy tay cầm sợi dây Bất Không (Amogha-pāśa). Hoặc thấy tay cầm Đại Xoa Tam Cổ. Hoặc thấy tay cầm cây Bổng, hoặc Nhất Cổ Xoa, hoặc thấy tay cầm đủ mọi loại khí trượng đặc biệt đáng sợ,.hoặc thấy tướng mặt đoan nghiêm thù đặc, phàm có ai nhìn thấy đều vui vẻ yêu thích. Các hàng Trời ấy cho đến hàng Bộ Đa (Bhūta) đều nói rằng: “Chúng tôi quy mệnh Tôn Giả. Chẳng bao lâu Ngài sẽ là Trì Minh Đại Tiên cho đến thấp hơn cũng là bậc phú quý. Nếu có tu hành Chính Pháp như vậy thì người ấy mau diệt được tội chướng, chẳng nhận đại khổ, ở Thế Gian có uy diệu như mặt trời xuất hiện. Chúng tôi hộ trì Hành Nhân như vậy, chẳng để cho tâm bị nhiễu loạn cho đến sẽ được thành tựu như ý”

Các hàng Phạm Thiên nói lời này xong đều rất vui vẻ, cúi đầu lễ dưới chân rồi nương theo Bản Tòa lui tán ra đi.

Bấy giờ Kim Cương Thủ Bồ Tát bảo Diệu Tý Bồ Tát rằng: “Này Diệu Tý! Nay Tôi đã nói, ông đã nghe xong. Ông có thể ở Thế Gian mà lưu truyền cứu độ”

Thời Diệu Tý Bồ Tát bẩm thụ phụng hành, đỉnh lễ rồi lui ra. Liền ở Thế Gian rộng vì Hữu Tình lưu truyền diễn nói

DIỆU TÝ BỒ TÁT SỞ VẤN KINH

(Hết)_

11/10/1999