SỐ 262
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phẩm 8: THỌ KÝ NĂM TRĂM VỊ ĐỆ TỬ
Bấy giờ Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử nghe Phật dùng trí tuệ phương tiện tùy cơ nói pháp như thế, lại nghe thọ ký cho các vị đệ tử lớn sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại nghe việc nhân duyên đời trước, lại nghe chư Phật có sức thần thông lớn tự tại, được điều chưa từng có, lòng hớn hở liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lễ chân Phật rồi đứng sang một bên chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mắt không tạm rời mà nghĩ rằng: “Thế Tôn rất kỳ diệu, việc làm ít có, tùy thuận bao nhiêu chủng tánh của thế gian, dùng sức phương tiện tri kiến mà nói pháp cứu chúng sinh ra khỏi chỗ tham đắm. Chúng con với công đức của Phật như thế không thể dùng lời nói mà nói rõ hết được. Chỉ có Phật Thế Tôn hay biết được bản nguyện trong thâm tâm chúng con.” Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông thấy Phú-lâu-na Di-đà-la-ni Tử này không? Ta thường khen ông là bậc nhất trong những người nói pháp, cũng thường khen các công đức của ông là siêng năng hộ trì giúp làm rõ pháp của ta, lại có thể chỉ dạy làm lợi ích hoan hỷ cho bốn chúng, giải thích đầy đủ chánh pháp của Phật mà làm được nhiều lợi ích cho những người cùng tu hạnh thanh tịnh. Ngoài Như Lai không ai có thể có ngôn luận biện bác được cùng tận như ông ấy. Các ông chớ nói rằng Phú-lâu-na chỉ có thể hộ trì giúp làm rõ pháp của ta mà thôi. Người này đã ở nơi chín vạn ức chư Phật thời quá khứ mà hộ trì giúp là rõ chánh pháp của Phật và cũng là bậc nhất trong số những người nói pháp thuở ấy.
Ông lại thông suốt rành rẽ đối với pháp không của Phật nói, được bốn trí vô ngại, thường suy xét đúng đắn, nói pháp thanh tịnh không nghi hoặc, đầy đủ sức thần thông của Bồ-tát, tùy theo thọ mạng thường tu hạnh thanh tịnh.
Vào thời Đức Phật ấy, người đời thường gọi ông đúng thật là Thanh văn. Nhưng Phú-lâu-na đã dùng phương tiện đó làm lợi ích cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh, lại giáo hóa vô lượng, vô số người khiến an lập nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người này vì muốn làm thanh tịnh cõi Phật mà thường làm các Phật sự giáo hóa chúng sinh.
Các Tỳ-kheo, Phú-lâu-na cũng là bậc nhất trong số người nói pháp ở thời có bảy Đức Phật. Nay ở chỗ ta cũng là bậc nhất trong số những người nói pháp. Và cũng là bậc nhất trong số những người nói pháp ở thời các Đức Phật trong Hiền kiếp về đương lai, hộ trì giúp làm rõ pháp của Phật. Ông ấy cũng sẽ hộ trì giúp làm rõ chánh pháp của vô lượng, vô biên chư Phật trong thời vị lai, giáo hóa làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh khiến an lập nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì làm thanh tịnh cõi Phật mà thường siêng năng tinh tấn giáo hóa chúng sinh, dần dần đầy đủ đạo Bồ-tát.
Qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, nơi cõi này ông ấy sẽ thành bậc Vô thượng Chanh đẳng Chánh giác, hiệu là Pháp Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Đức Phật ấy lấy số tam thiên đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng mà làm thành một cõi Phật. Đất bằng bảy thứ báu, bằng phẳng như bàn tay không núi gò, khe suối, ngòi rạch. Nhà cửa, lâu đài bằng bảy báu đầy dẫy trong nước. Cung điện của các trời ở gần trên hư không. Người và trời giao tiếp nhau, hai bên đều thấy được nhau. Không có đường dữ cũng không có người nữ.
Tất cả chúng sinh đều do hóa sinh, không có dâm dục, có thần thông lớn, thân phát ra ánh sáng, bay đi tự tại, chí niệm bền chắc tinh tấn có trí tuệ. Tất cả đều thân sắc vàng đủ ba mươi hai tướng tốt tự trang nghiêm.
Nhân dân nước ấy thường dùng hai cách ăn, một là Pháp hỷ thực và hai là Thiền duyệt thực. Có vô lượng, vô số ngàn vạn ức nado-tha các Bồ-tát được sức thần thông lớn, bốn trí vô ngại hay giáo hóa các loài chúng sinh. Chúng Thanh văn trong nước đó không thể dùng tính toán mà biết được số lượng, tất cả đều đầy đủ ba Minh, sáu Thần thông và tám Giải thoát.
Cõi nước Đức Phật đó có vô lượng công đức trang nghiêm thành tựu như vậy. Kiếp tên là Bảo minh, nước tên là Thiện tịnh. Phật đó thọ mạng vô lượng, vô số kiếp. Giáo pháp tồn tại ở đời rất lâu. Sau khi Phật diệt độ, tháp bằng bảy thứ báu được dựng khắp cả nước.
Bấy giờ, Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ:
Các Tỳ-kheo lắng nghe
Đạo của Phật tử làm,
Vì khéo học phương tiện
Không thể nghĩ bàn được.
Biết chúng ưa pháp nhỏ
Mà e sợ trí lớn,
Cho nên các Bồ-tát
Làm Thanh văn, Duyên giác,
Dùng vô số phương tiện
Độ các loài chúng sinh.
Tự nói là Thanh văn
Cách rất xa Phật đạo,
Độ thoát vô lượng chúng
Tất cả đều thành tựu.
Dầu ưa nhỏ biếng lười,
Dần sẽ khiến thành Phật.
Trong giấu hạnh Bồ-tát
Ngoài hiện tướng Thanh văn,
Ít dục, chán sinh tử
Thật tự tịnh cõi Phật.
Bày cho thấy ba độc
Lại hiện tướng tà kiến.
Đệ tử ta thế đó
Phương tiện độ chúng sinh.
Nếu ta nói đầy đủ
Các việc hóa hiện ra,
Chúng sinh nghe đó rồi
Lòng sinh ra nghi hoặc.
Nay Phú-lâu-na đây,
Xưa nơi ngàn ức Phật
Siêng tu, năng hành đạo
Giúp hộ giảng Phật pháp.
Vì cầu Tuệ vô thượng
Mà ở chỗ chư Phật,
Hiện hơn các đệ tử
Học rộng có trí tuệ,
Nói pháp không sợ sệt
Hay khiến chúng vui mừng,
Chưa bao giờ mệt mỏi
Để giúp đỡ việc Phật.
Đã được thần thông lớn
Đủ bốn trí vô ngại
Biết các căn lợi độn
Thường nói pháp thanh tịnh.
Diễn rõ nghĩa như thế
Dạy dỗ ngàn ức chúng
Khiến trụ pháp Đại thừa
Mà tự tịnh cõi Phật.
Đời sau cũng cúng dường
Vô lượng, vô số Phật
Hỗ trợ tuyên chánh pháp
Cũng tự tịnh cõi Phật.
Thường dùng các phương tiện
Nói pháp không e sợ,
Độ chúng vô số kể
Đều thành Nhất thiết trí.
Cúng dường chư Như Lai
Hộ trì tạng Pháp bảo,
Sau đó được thành Phật
Tên hiệu là Pháp Minh.
Nước đó tên Thiện tịnh
Bảy thứ báu hợp thành.
Kiếp tên là Bảo minh
Chúng Bồ-tát rất đông,
Số nhiều vô lượng ức
Đều được thần thông lớn,
Sức oai đức đầy đủ
Khắp đầy cả nước đó.
Thanh văn cũng vô số,
Ba Minh, tám Giải thoát,
Được bốn trí vô ngại,
Dùng hạng này làm Tăng.
Chúng sinh trong cõi đó
Đã dứt hết dâm dục,
Thuần một biến hóa sinh
Thân tướng đủ trang nghiêm,
Pháp hỷ, Thiền duyệt thực,
Không tưởng ăn gì khác.
Không có hàng nữ nhân
Cũng không các đường dữ.
Phú-lâu-na Tỳ-kheo
Trọn thành tựu công đức
Sẽ được cõi tịnh này,
Chúng Hiền thánh rất đông,
Vô lượng việc như thế,
Ta chỉ nói vắn tắt.
Bấy giờ một ngàn hai trăm A-la-hán tâm tự tại, nghĩ rằng: “Chúng ta vui mừng được điều chưa từng có, nếu được Thế Tôn thọ ký cho như các đệ tử lớn khác thì sung sướng biết bao.”
Phật biết tâm niệm các vị đó nên bảo Đại Ca-diếp:
–Một ngàn hai trăm A-la-hán đó, nay ta hiện tiền thứ tự mà thọ ký cho được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Trong chúng đó, đệ tử lớn của ta là Kiều-trần-như Tỳ-kheo sẽ cúng dường sáu vạn hai ngàn ức chư Phật rồi sau thành Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Còn năm trăm A-la-hán như Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp, Già-gia Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Ca-lưu-đà-di, Ưu-đà-di, A-nâu-lâu-đà, Lybà-đa, Kiếp-tân-na, Bạc-câu-la, Châu-đà-tá, Già-đà… đều sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả đều đồng một hiệu là Phổ Minh.
Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ:
Kiều-trần-như Tỳ-kheo
Sẽ gặp vô lượng Phật,
Qua vô số kiếp sau
Mới được thành Chánh giác.
Thường phóng quang minh lớn
Đầy đủ các thần thông.
Tiếng tăm khắp mười phương
Tất cả đều tôn kính.
Thường nói pháp Vô thượng
Nên hiệu là Phổ Minh
Cõi nước đó thanh tịnh
Bồ-tát đều dũng mãnh
Đều ở lầu gác đẹp
Đi khắp nước mười phương.
Đem các thứ vô thượng
Hiến cúng lên chư Phật.
Làm việc cúng dường xong
Sinh lòng rất hoan hỷ.
Về nước trong giây lát
Có sức thần như vậy.
Phật thọ sáu vạn kiếp
Chánh pháp trụ gấp bội,
Tượng pháp bội hơn chánh.
Pháp diệt trời, người lo.
Năm trăm Tỳ-kheo kia,
Lần lượt sẽ làm Phật,
Đồng hiệu là Phổ Minh
Thứ tự thọ ký nhau:
Sau khi ta diệt độ
Thì người sẽ thành Phật,
Hóa độ cõi đời ấy
Cũng như ta ngày nay.
Cõi nước đó nghiêm sạch
Và các sức thần thông,
Chúng Thanh văn, Bồ-tát
Chánh pháp cùng tượng pháp,
Thọ mạng kiếp nhiều ít
Đều như trên đã nói.
Ca-diếp, ông nên biết
Năm trăm vị tự tại,
Và các Thanh văn khác
Cũng sẽ làm như vậy.
Vị nào vắng hôm nay
Ông hãy vì nói rõ.
Bấy giờ năm trăm A-la-hán ở trước Phật được thọ ký xong, vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật đầu mặt lạy dưới chân, hối lỗi tự trách:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con thường có ý nghĩ tự cho mình đã được rốt ráo diệt độ, nay mới biết đó là vô trí. Bởi vì sao? Chúng con đáng được trí tuệ của Như Lai mà lại tự lấy trí nhỏ cho là đủ.
Bạch Thế Tôn! Ví như có người đến nhà một người bạn thân say rượu mà nằm. Lúc bấy giờ người bạn thân có việc quan phải đi, bèn lấy châu báu vô giá cột trong áo cho người bạn rồi ra đi. Gã đó say nam không hay biết. Khi tỉnh dậy bèn đi đến nước khác, vì cơm áo phải gắng sức tìm việc làm ăn rất là khổ cực. Được chút ít gì đã tự cho là đủ.
Sau đó, người bạn thân gặp lại mới bảo:
–Lạ thay, sao anh lại vì cơm áo mà ra nông nỗi này? Lúc trước ta muốn cho anh được an vui, tha hồ hưởng thụ năm thứ dục lạc nên vào ngày tháng năm đó đã đem châu báu vô giá buộc vào trong áo anh, nay vẫn còn đó mà anh không biết sao lại phải nhọc nhằn khổ cực kiếm sống thật là khờ lắm. Nay anh nên đem ngọc báu đó đổi lấy những gì cần dùng thì sẽ thường được vừa ý không thiếu.
Phật cũng như vậy, lúc làm Bồ-tát giáo hóa chúng con khiến phát tâm cầu Nhất thiết trí, mà chúng con liền bỏ quên không hay biết. Được đạo A-la-hán đã tự cho là diệt độ, khổ nhọc mưu sinh, được chút ít đã cho là đủ, sở nguyện Nhất thiết trí vẫn còn chẳng mất. Ngày nay Thế Tôn giác ngộ chúng con bảo rằng:
–Các Tỳ-kheo! Chỗ sở đắc của các ông không phải rốt ráo diệt. Từ lâu ta đã khiến các ngươi gieo trồng căn lành của Phật, dùng sức phương tiện chỉ bày tướng Niết-bàn, mà các ông cho là thật sự đã được diệt độ.
Bạch Thế Tôn! Chúng con nay mới biết mình thật là Bồ-tát được thọ ký sẽ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì nhân duyên đó lòng rất vui mừng được điều chưa từng có.
Bấy giờ A-nhã Kiều-trần-như muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Chúng con yên ổn nghe
Tiếng thọ ký Vô thượng,
Vui mừng chưa từng có
Lạy Phật trí Vô thượng.
Nay ở trước Thế Tôn
Tự hối các lỗi lầm.
Nơi Phật báu vô lượng
Được chút phần Niết-bàn,
Như người ngu vô trí
Tự cho là đã đủ.
Ví như người nghèo cùng
Qua nhà người bạn thân.
Nhà đó rất giàu có
Thết đãi đủ tiệc ngon,
Đem châu báu vô giá
Cho buộc vào trong áo.
Rồi lẳng lặng ra đi.
Gã say nằm chẳng biết.
Sau khi thức dậy rồi
Đi đến các nước khác,
Kiếm cơm áo nuôi thân
Mưu sinh rất khổ sở.
Được chút cho là đủ
Lại chẳng muốn tốt hơn.
Không hay trong áo mình
Có châu báu vô giá.
Người bạn thân cho ngọc
Sau gặp gã nghèo này,
Thiết tha trách gã rồi
Chỉ cho châu trong áo.
Gã nghèo thấy ngọc rồi
Lòng hết sức vui sướng.
Giàu có nhiều của cải
Tha hồ hưởng năm dục.
Chúng con cũng như vậy,
Thế Tôn từ lâu xa
Thường thương yêu giáo hóa
Khiến phát nguyện Vô thượng.
Chúng con vì vô trí
Chẳng biết cũng chẳng hay.
Được chút phần Niết-bàn
Tưởng đủ không cầu nữa.
Nay Phật giác ngộ con
Nói chẳng phải thật diệt.
Được Phật Tuệ vô thượng
Đó mới là thật diệt.
Con nay được nghe Phật
Thọ ký việc trang nghiêm,
Cùng tuần tự thọ ký
Thân tâm đều vui mừng.
Phẩm 9: THỌ KÝ CHO BẬC HỌC VÀ VÔ HỌC
Bấy giờ A-nan và La-hầu-la nghĩ rằng: “Chúng ta đều nghĩ: Nếu được thọ ký thì sung sướng biết bao.” Rồi từ nơi chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy dưới chân cùng bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Trong số này, chúng con cũng đáng có phần. Chỉ có Như Lai là chỗ nương về của chúng con. Lại nữa chúng con là người mà tất cả Trời, Người, A-tu-la trong đời đều biết. A-nan thường làm thị giả hộ trì Tạng pháp. La-hầu-la là con của Phật. Nếu được Phật thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sở nguyện của con được thỏa mãn mà chỗ trông mong của chúng cũng được đầy đủ.
Lúc đó hàng đệ tử Thanh văn, bậc Hữu học cũng như bậc Vô học hai ngàn người đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải đến trước Phật nhất tâm chắp tay chiêm ngưỡng Thế Tôn cũng sở nguyện như A-nan và La-hầu-la rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ Phật bảo A-nan:
–Ông ở đời sau sẽ được làm Phật hiệu Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ông sẽ cúng dường sáu mươi hai ức chư Phật, hộ trì tạng pháp rồi, sau chứng được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, giáo hóa hai mươi ngàn vạn ức hằng hà sa các chúng Bồ-tát khiến được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nước tên là Thường lập thắng phan, cõi đó thanh tịnh, đất bằng lưu ly. Kiếp tên là Diệu âm biến mãn. Phật ấy thọ mạng vô lượng ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp, nếu có người tính toán đếm kể đến ngàn vạn ức vô lượng a-tăng-kỳ kiếp cũng không thể biết được. Chánh pháp tồn tại ở đời lâu gấp bội thọ mạng, tượng pháp lại gấp bội chánh pháp. A-nan, Phật Sơn Hải Tự Tại Thông Vương đó được vô lượng ngàn vạn ức hằng hà sa chư Phật Như Lai ở mười phương đồng ngợi khen công đức.
Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói kệ:
Nay ta trong Tăng chúng
Nói A-nan trì pháp
Sẽ cúng dường chư Phật
Rồi sau thành Chánh giác,
Hiệu là Sơn Hải Tuệ
Tự Tại Thông Vương Phật.
Cõi nước kia thanh tịnh,
Tên Thường lập thắng phan.
Giáo hóa các Bồ-tát
Số đông như hằng sa.
Phật có oai đức lớn
Tiếng đồn khắp mười phương.
Vì bởi thương chúng sinh
Nên sống lâu vô lượng.
Chánh pháp bội thọ mạng,
Tượng pháp bội hơn chánh.
Vô số các chúng sinh
Nhiều như cát sông Hằng
Ở trong pháp Phật đó
Gieo nhân duyên Phật đạo.
Bấy giờ tám ngàn người thuộc hạng Bồ-tát mới phát tâm trong chúng hội đều nghĩ: “Chúng ta còn chưa nghe các Bồ-tát lớn được thọ ký như thế, các Thanh văn có nhân duyên gì mà được thọ ký như vậy?”
Lúc ấy Thế Tôn biết tâm niệm của các Bồ-tát nên bảo rằng:
–Các thiện nam! Ta cùng A-nan nơi Đức Phật Không Vương đồng thời phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. A-nan thường ưa học rộng, còn ta thường siêng năng tinh tấn cho nên nay ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. A-nan thì hộ trì pháp của ta và cũng sẽ hộ trì Pháp tạng của chư Phật trong tương lai, giáo hóa thành tựu các chúng Bồ-tát. Bản nguyện của ông ấy như thế nên được thọ ký là như vậy. A-nan trước mặt Phật nghe Phật thọ ký cùng với cõi nước trang nghiêm, sở nguyện đã đủ, lòng rất vui mừng được điều chưa từng có. Liền nhớ lại Tạng pháp của vô lượng ngàn vạn ức chư Phật thuở quá khứ thấu suốt không ngại như đang nghe hiện nay và cũng biết được bản nguyện của mình.
Khi đó A-nan nói bài kệ:
Thế Tôn rất ít có
Khiến con nhớ quá khứ,
Vô lượng các Phật pháp
Như được nghe ngày nay.
Con nay không còn nghi,
An trụ trong Phật đạo,
Phương tiện làm thị giả
Hộ trì các Phật pháp.
Bấy giờ Phật bảo La-hầu-la:
–Đời sau ông sẽ được làm Phật hiệu Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ông sẽ cúng dường chư Phật Như Lai, số như vi trần trong mười phương thế giới, thường vì chư Phật mà làm người con lớn cũng như hiện nay vậy.
Cõi nước cua Phật Đạo Thất Bảo Hoa đó trang nghiêm, kiếp số, thọ mạng, đệ tử giáo hóa, chánh pháp và tượng pháp cũng đồng như Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai không khác. Ông cũng sẽ làm người con trưởng của vị Phật này, rồi sau đó sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc đó Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ rằng:
Lúc ta làm thái tử
La-hầu làm con cả.
Ta nay thành Phật đạo
Thọ pháp làm đệ tử.
Ở trong đời vị lai
Gặp vô lượng ức Phật,
Cũng lại làm con trưởng,
Một lòng cầu Phật đạo.
Hạnh kín đáo: La-hầu
Chỉ có ta biết thôi.
Hiện làm con cả ta
Để chỉ bày chúng sinh,
Vô lượng ức ngàn vạn
Công đức không kể hết,
An trụ trong Phật pháp
Để cầu đạo Vô thượng.
Bấy giờ Thế Tôn thấy bậc Hữu học cùng Vô học hai ngàn người ý chí hòa dịu vắng lặng trong sạch, nhất tâm ngắm nhìn Phật. Phật bảo A-nan:
–Ông có trông thấy hai ngàn bậc Hữu học, Vô học đây không?
–Vâng, con có thấy!
–A-nan! Các người này sẽ cúng dường chư Như Lai số như vi trần trong năm mươi thế giới, cung kính tôn trọng hộ trì Pháp tạng. Sau cùng ở các cõi nước trong mười phương tất cả đồng thời thành Phật, đều đồng một hiệu là Bảo Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật The Tôn, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm, Thanh văn, Bồ-tát, chánh pháp, tượng pháp đều giống như nhau.
Lúc đó Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ:
Hai ngàn Thanh văn đây
Nay đứng trước mặt ta
Đều đã được thọ ký
Đời sau sẽ thành Phật.
Cúng dường các Đức Phật
Số nhiều như nói trên.
Hộ trì Tạng pháp Phật
Sau sẽ thành Chánh giác.
Đều ở trong mười phương
Cùng đồng một danh hiệu.
Đồng thơi ngồi đạo tràng.
Để chứng Tuệ vô thượng.
Đều hiệu là Bảo Tướng,
Cõi nước cùng đệ tử,
Chánh pháp và tượng pháp
Đều như nhau không khác.
Đều dùng các thần thông
Độ mười phương chúng sinh.
Tiếng tăm vang cùng khắp
Dần chứng nhập Niết-bàn.
Lúc đó bậc Hữu học cùng Vô học hai ngàn người nghe Phật thọ ký vui mừng hớn hở mà nói kệ:
Thế Tôn đèn tuệ sáng
Con nghe tiếng thọ ký,
Lòng vui mừng thỏa mãn
Như được tưới cam lồ.
Phẩm 10: PHÁP SƯ
Bấy giờ Thế Tôn nhân bảo Bồ-tát Dược Vương mà nói với tám vạn Đại sĩ rằng:
–Dược Vương! Ông thấy trong đại chúng đây có vô lượng chư Thiên, Long vương, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩnna-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, cùng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hạng cầu Thanh văn, hạng cầu Bích-chi-phật, hạng cầu Phật đạo. Những loại như thế đều ở trước Phật nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dù một bài kệ, một câu cho đến một niệm tùy hỷ, ta đều thọ ký cho sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo Dược Vương:
–Lại nữa sau khi Như Lai diệt dộ, nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cho đến một bài kệ, một câu, một niệm tùy hỷ ta cũng thọ ký cho được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nếu lại có người thọ trì đọc tụng, giảng giải, biên chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cho đến một bài kệ, cung kính quyển kinh này như cung kính Phật dùng các thứ hoa, hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương xông, tàn lọng, cờ phướn, y phục, kỹ nhạc cúng dường, cho đến chắp tay cung kính.
Dược Vương nên biết! Những người như trên đã từng cúng dường mười vạn ức Phật, đã thành tựu chí nguyện lớn nơi chư Phật, nhưng vì thương xót chúng sinh mà sinh vào cõi nhân gian.
Dược Vương! Nếu có người hỏi những chúng sinh nào sẽ thành Phật ở đời vị lai thì nên chỉ những người như trên đời vị lai sẽ thành Phật. Vì sao vậy?
Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì đọc tụng giải thích biên chép kinh Pháp Hoa, cho dù một câu, dùng hoa, hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương xông, tàn lọng, cờ phướn, y phục, kỹ nhạc cúng dường, chắp tay cung kính, người đó đáng được tất cả thế gian chiêm ngưỡng sùng phụng, đáng được đem các thứ cúng dường Như Lai mà cúng dường. Phải biết rằng người đó là bậc Đại Bồ-tát đã thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng vì thương chúng sinh mà nguyện sinh ra nơi đây để phân biệt quảng diễn kinh Diệu Pháp Liên Hoa huống nữa là tận lực thọ trì cúng dường các thứ.
Dược Vương nên biết! Người đó, sau khi ta diệt độ, tự bỏ nghiệp báo thanh tịnh mà sinh ra nơi đời ác để quảng diễn kinh này. Nếu những thiện nam, thiện nữ này sau khi ta diệt độ có thể vì một người mà nói kinh Pháp Hoa, cho dù một câu, phải biết người đó là sứ giả của Như Lai, được Như Lai sai làm việc của Như Lai, huống nữa là vì nhiều người mà rộng nói trong đại chúng.
Dược Vương! Nếu có người ác đem tâm không lành, trong một kiếp xuất hiện ra trước Phật mà thường chê mắng Phật, tội người đó còn nhẹ. Nếu có người dùng lời ác chê mắng người tại gia hay xuất gia đọc tụng kinh Pháp Hoa, tội đó rất nặng.
Dược Vương! Như có người đọc tụng kinh Pháp Hoa, phải biết rằng người đó dùng đức trang nghiêm của Phật mà tự trang nghiêm mình, tức sẽ được Như Lai nâng đỡ phò trì. Người đó đến đâu, mọi người nên hướng về người đó mà làm lễ, nhất tâm chắp tay cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, dùng hoa, hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương xông, tàn lọng, cờ phướn, y phục, các thứ mỹ vị, kỹ nhạc, các thức thượng hang trong loài người mà cúng dường, nên đem những thức quý báu của trời mà tung rải cúng dường, đem những thức quý báu trên trời mà dâng cúng. Vì sao vậy? Vì người đó hoan hỷ nói pháp, nghe pháp trong giây lát sẽ được rot ráo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ:
Nếu muốn trụ Phật đạo
Thành tựu trí tự nhiên,
Thường phải siêng cúng dường
Người thọ trì Pháp Hoa.
Nếu ai muốn mau được
Nhất thiết chủng trí tuệ,
Nên thọ trì kinh này,
Cúng dường người trì tụng.
Nếu có người thọ trì
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,
Nên biết là sứ giả
Của Phật thương chúng sinh.
Những người hay thọ trì
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,
Là người rời cõi tịnh
Thương chúng sinh đến đây.
Phải biết người như thế
Muốn sinh đâu cũng được.
Có thể nơi đời ác
Rộng nói pháp Vô thượng.
Nên đem hoa, hương trời
Cúng dường người nói pháp.
Đời ác, sau ta diệt
Ai thọ trì kinh này
Phải chắp tay kính lễ
Như cúng dường Thế Tôn.
Sắm trân cam mỹ vị
Và các thứ y phục,
Cúng dường Phật tử đó
Mong được giây lát nghe.
Nếu người ở đời sau
Thọ trì được kinh này,
Chính là ta sai khiến
Làm việc của Như Lai.
Nếu ai trong một kiếp
Thường ôm lòng chẳng lành
Làm sắc mặt mắng Phật
Mắc vô lượng tội nặng.
Như có người thọ trì
Đọc tụng kinh Pháp Hoa,
Ai đem lời ac mắng,
Tội này còn hơn kia.
Có người cầu Phật đạo
Mà ở trong một kiếp,
Chắp tay ở trước ta
Dùng vô số kệ khen.
Do vì khen Phật nên
Được vô lượng công đức.
Khen ngợi người trì kinh
Phước này còn hơn kia.
Trong tám mươi ức kiếp
Dùng sắc, thanh hay đẹp,
Cùng với hương, vị, xúc
Cúng dường người trì kinh.
Cúng dường như vậy xong
Rồi được nghe chốc lát,
Thì nên tự vui mừng:
Ta nay được lợi lớn.
Dược Vương! Ta bảo ông:
Các kinh ta đã nói
Trong đó có Pháp Hoa
Là kinh thuộc bậc nhất.
Bấy giờ Phật lại bảo Dược Vương Bồ-tát Ma-ha-tát rằng:
–Những kinh điển ta nói nhiều vô lượng ngàn vạn ức, có kinh đã nói, hiện đang nói và sẽ nói, nhưng trong đó kinh Pháp Hoa là khó tin khó hiểu nhất. Dược Vương, kinh này là tạng bí yếu của chư Phật không thể dễ dãi phân chia trao cho người. Đây là kinh mà chư Phật giữ gìn từ xưa đến nay chưa từng tỏ bày nói ra. Chính kinh này khi Như Lai đương hiện tại mà còn có nhiều kẻ oán ghét huống chi là sau khi Phật diệt độ.
Dược Vương nên biết! Sau khi Như Lai diệt độ, người nào có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường, vì người khác mà nói thì sẽ được Như Lai lấy y đắp cho, lại được chư Phật hiện tại ở các phương khác hộ niệm cho. Người đó có sức tin lớn và sức chí nguyện, các sức thiện căn. Phải biết người đó cùng Như Lai ở chung, được Như Lai lấy tay xoa đầu.
Dược Vương! Bất cứ nơi đâu có người hoặc nói, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc chép, hoặc nơi nào có quyển kinh này đều nen dựng tháp bảy báu cực kỳ cao rộng đẹp đẽ mà không cần phải an trí xá-lợi.
Vì sao vậy? Vì trong đó đã có toàn thân của Như Lai rồi. Hãy nên dùng tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, tàn lọng, cờ phướn, kỹ nhạc, ca tụng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen tháp đó. Nếu có người trông thấy tháp này mà lễ lạy cúng dường, phải biết những người đó đều gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Dược Vương! Có nhiều người tại gia, xuất gia làm đạo Bồ-tát nhưng nếu không thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì cúng dường kinh Pháp Hoa này thì phải biết rằng người đó chưa thực hành tốt đạo Bồ-tát. Nếu có người nào được nghe kinh điển này thì mới gọi là thực hành tốt đạo Bồ-tát. Còn như có chúng sinh nào cầu Phật đạo, nếu như được thấy hoặc nghe kinh Pháp Hoa này, nghe xong tin hiểu thọ trì thì nên biết rằng người đó được gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Dược Vương! Ví như có người khát tìm nước, đào xuống nơi gò cao kia thấy đất khô thì biết nước hãy còn xa, ra công đào mãi không thôi dần dần thấy đất ướt rồi đến bùn, tâm người ấy quyết định biết chắc rằng gần đến nước.
Bồ-tát cũng vậy, phải biết rằng nếu chưa nghe, chưa hiểu, chưa có thể tu tập kinh Pháp Hoa này thì người đó còn cách xa đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nếu được nghe hiểu tư duy tu tập kinh này thì biết chắc được gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vì sao vậy? Vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Bồtát đều thuộc về kinh này. Kinh này mở ra pháp môn phương tiện chỉ thị tướng chân thật. Tạng kinh Pháp Hoa này sâu xa bí nhiệm không ai có thể thấu đáo được. Nay Phật khai thị cho là vì giáo hóa để thành tựu Bồ-tát.
Dược Vương! Nếu có Bồ-tát nào nghe kinh Pháp Hoa này mà sinh kinh nghi sợ sệt thì biết rằng đó là hạng Bồ-tát mới phát tâm.
Nếu Thanh văn nào nghe kinh này mà kinh nghi sợ sệt thì biết đó là hạng tăng thượng mạn.
Dược Vương! Nếu có thiện nam, thiện nữ, sau khi Như Lai diệt độ, muốn vì bốn chúng mà nói kinh Pháp Hoa này thì phải nói như thế nào?
Thiện nam, thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y phục Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này.
Nhà Như Lai chính là tâm Từ bi lớn đối với tất cả chúng sinh. Y phục Như Lai chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục. Tòa Như Lai chính là tất cả pháp đều không. An trụ trong đây xong rồi dùng tâm không biếng trễ, vì các Bồ-tát và bốn chúng mà rộng nói kinh Pháp Hoa này.
Dược Vương! Bấy giờ ta sẽ sai các hóa nhân ở các nước khác tập họp làm chúng nghe pháp của người đó. Ta cũng sai hóa Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nghe người đó nói pháp. Các hóa nhân này nghe pháp tin thọ tùy thuận không trái. Nếu người nói pháp nơi vắng vẻ, ta sẽ sai nhiều Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la nghe người đó nói pháp. Ta dầu ở nước khác nhưng luôn luôn khiến người nói pháp đó được thấy thân ta. Nếu trong kinh này có quên mất câu nào chỗ nào ta sẽ nói lại cho để được đầy đủ.”
Bấy giờ, Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ:
Muốn bỏ tánh biếng lười
Thì phải nghe kinh này.
Kinh này khó được nghe
Tin thọ được cũng khó.
Như người khát cần nước,
Đào đất nơi gò cao.
Thấy đất vẫn khô ráo
Biết cách nước còn xa.
Dần thấy đất bùn ướt
Quyết chắc biết gần nước.
Dược Vương! Ông nên biết
Những người như thế đó,
Chẳng nghe kinh Pháp Hoa
Cách rất xa trí Phật.
Nghe kinh mầu nhiệm này
Pháp Thanh văn ắt rõ.
Đây là vua các kinh
Nghe rồi tư duy kỹ.
Phải biết rằng người đó
Đã gần trí tuệ Phật.
Nếu ai nói kinh này
Nên vào nhà Như Lai,
Mặc y phục Như Lai,
Mà ngồi tòa Như Lai.
Ở trong chúng không sợ,
Rộng vì phân biệt nói.
Đại Từ bi làm nhà,
Y nhu hòa nhẫn nhục,
Các pháp không làm tòa
Ở đó vì nói pháp.
Nếu khi nói kinh này
Bị người ác mắng nhiếc
Dao gậy gạch đá đánh,
Nghĩ Phật nên nhẫn nhịn.
Ta trong vạn ức cõi
Hiện tịnh thân kiên cố
Trải vô lượng ức kiếp
Vì chúng sinh nói pháp.
Sau khi ta diệt độ
Nếu ai nói kinh này,
Ta sai hóa bốn chúng
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Và nam nữ thanh tịnh
Cúng dường lên Pháp sư,
Hướng dẫn các chúng sinh
Họp lại khiến nghe pháp.
Nếu ai muốn làm hại,
Bằng dao gậy gạch đá,
Thì khiến các hóa nhân
Bảo vệ cho người đó.
Nếu người nói Pháp Hoa
Riêng ở nơi vắng vẻ,
Tĩnh mịch không tiếng người
Đọc tụng kinh điển này,
Bấy giờ ta sẽ hiện
Thân sáng suốt thanh tịnh
Nếu quên chỗ, mất câu
Ta sẽ giúp thông thuộc.
Nếu người đủ đức này
Hoặc vì bốn chúng nói,
Chỗ vắng đọc tụng kinh
Đều được thấy thân ta.
Nếu người ở chỗ vắng,
Ta sai Trời, Long vương
Cùng Dạ-xoa, Quỷ, Thần
Vì làm chúng nghe pháp.
Người đó ưa nói pháp
Phân biệt không trở ngại.
Nhờ chư Phật hộ niệm
Khiến đại chúng hoan hỷ.
Nếu ai gần Pháp sư
Mau được đạo Bồ-tát.
Thuận theo Thầy đó học
Được thấy hằng sa Phật.
Phẩm 11: HIỆN BẢO THÁP
Lúc bấy giờ, ở trước Phật có tháp bảy báu, cao năm trăm dotuần, ngang rộng hai trăm năm mươi do-tuần từ dưới đất nổi lên rồi trụ giữa hư không được trang sức nhiều thứ quý báu, có năm ngàn bao lơn, ngàn vạn phòng ốc trang trí vô số cờ phướn, thả chuỗi ngọc, và treo vạn ức chuông nhỏ. Bốn mặt đều có mùi hương Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn toát ra khắp thế giới.
Các phướn lọng đều do bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, ngọc trai va mai khôi hợp thành, cao tận trời Tứ Thiên vương. Trời Tam thập tam mưa hoa Mạn-đà-la cúng dường bảo tháp.
Các cõi trời khác và Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… ngàn vạn ức chúng đều đem tất cả các thứ hoa, hương, chuỗi ngọc, phướn, lọng, kỹ nhạc mà cúng dường tháp báu, cung kính tôn trọng ngợi khen.
Bấy giờ trong tháp báu có tiếng lớn vang ra khen rằng:
–Hay thay, hay thay! Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn có thể dùng tuệ lớn bình đẳng, vì đại chúng nói kinh Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm Diệu Pháp Liên Hoa. Đúng như vậy, đúng như vậy, Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn! Những điều Thế Tôn nói đều là chân thật.
Bấy giờ bốn chúng thấy tháp báu lớn trụ giữa hư không, lại nghe từ trong tháp vang tiếng nói ra, tất cả đều được pháp hỷ, lấy làm lạ điều chưa từng có, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay rồi lui ra đứng một bên.
Lúc đó có một Đại Bồ-tát tên là Đại Nhạo Thuyết, biết tất cả Trời, Người, A-tu-la… trong thế gian có chỗ nghi không rõ nên bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có tháp này từ đất nổi lên và ở trong tháp lại có tiếng vang ra như thế?
Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Đại Nhạo Thuyết rằng:
–Trong tháp báu này có toàn thân Như Lai. Đó là vào thời quá khứ, cách đây ngàn vạn ức vô số cõi nước ở phương Đông có một nước tên là Bảo tịnh, nơi đó có Phật Đa Bảo. Đức Phật đó tu hành đạo Bồ-tát, phát lời thệ nguyện lớn rằng: “Nếu ta được thành Phật, sau khi diệt độ trong các cõi nước mười phương nơi nào có nói kinh Pháp Hoa thì tháp miếu của ta sẽ vì nghe kinh đó mà xuất hiện ra ở trước để chứng minh và khen rằng: Hay thay!”
Đức Phật đó thành Phật rồi, lúc sắp diệt độ, ở trong đại chúng Trời, Người, bảo các Tỳ-kheo rằng: “Sau khi ta diệt độ, muốn cúng dường toàn thân ta thì nên dựng một tháp lớn.”
Đức Phật đó dùng nguyện lực thần thông khiến nơi nơi chốn chốn trong khắp mười phương cõi nước nơi nào có nói kinh Pháp Hoa thì tháp báu xuất hiện ra trước có toàn thân Phật ở trong tháp báu khen rằng: “Hay thay, hay thay!”
Đại Nhạo Thuyết, nay tháp của Đa Bảo Như Lai vì nghe giảng kinh Pháp Hoa nên từ dưới đất nổi lên khen: Hay thay, hay thay!
Bấy giờ Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát do thần lực của Như Lai mà bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con xin được trông thấy thân của Đức Phật đó.
Bấy giờ Phật bảo Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát Ma-ha-tát:
–Phật Đa Bảo đó có lời nguyện sâu nặng rằng: “Lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra nơi trước chư Phật, nếu có vị Phật nào muốn chỉ bày thân ta cho bốn chúng thì các vị Phật do Phật đó phân thân thuyết pháp trong thế giới mười phương phải họp về một chỗ, sau đó thân ta mới hiện ra.”
Đại Nhạo Thuyết, các vị Phật do ta phân thân thuyết pháp trong thế giới mười phương nay sẽ phải họp lại.
Đại Nhạo Thuyết bạch Phật:
–Bạch The Tôn! Chúng con cũng muốn được thấy các vị Phật do Thế Tôn phân thân để lễ bái cúng dường.
Bấy giờ Phật phóng một luồng sáng nơi lông trắng giữa chân mày liền thấy năm trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa cõi nước chư Phật ở phương Đông. Các cõi nước đó đều dùng pha lê làm đất, cây báu, y báu để trang nghiêm, vô số ngàn vạn ức Bồ-tát đầy dẫy trong nước đó. Khắp nơi giăng màn báu, lưới báu phủ trùm bên trên, các Đức Phật trong nước đó đều dùng âm thanh vi diệu mà nói các pháp và thấy vô lượng ngàn vạn ức Bồ-tát khắp đầy trong nước vì bốn chúng mà nói pháp. Các phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới, chỗ nào tướng lông trắng chiếu đến cũng đều như vậy.
Lúc đó chư Phật ở mười phương đều bảo các chúng Bồ-tát:
–Các thiện nam! Nay ta phải qua thế giới Ta-bà, chỗ của Phật Thích-ca Mâu-ni để cùng cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai.
Lúc bấy giờ cõi Ta-bà liền biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, dây vàng giăng tám nẻo, không có xóm làng thành ấp, biển cả, sông ngòi, núi non, rừng rú. Đốt nhiều hương báu, khắp đất trải hoa Mạn-đà-la, màn lưới báu giăng trùm bên trên, treo nhiều chuông báu nhỏ. Chỉ chúng trong hội này được lưu lại còn các trời và người đều được dời đi cõi khác.
Lúc đó các Đức Phật đều đem theo một vị Đại Bồ-tát làm thị giả qua cõi Ta-bà đến dưới cây báu, mỗi cây báu cao năm trăm dotuần, nhánh, lá, hoa, quả thứ nào thứ nấy trang nghiêm. Dưới các cây báu đều có tòa Sư tử cao năm do-tuần cũng được trang trí bằng các thứ rất quý báu.
Khi ấy các Đức Phật đều ngồi kiết già trên tòa Sư tử như thế lần lượt đến khắp đầy cả cõi tam thiên đại thiên mà số Phật do Phật Thích-ca Mâu-ni phân thân trong một phương cũng chưa hết.
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni vì muốn dung nạp hết số Phật do mình phân thân, nên ở tám phương mỗi phương lại biến thành hai trăm vạn ức na-do-tha cõi nước đều làm cho thanh tịnh không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và A-tu-la và cũng dời các hàng trời, người sang cõi khác.
Các nước do Phật biến hóa ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do-tuần, nhánh, lá, hoa, quả thứ nào thứ nấy tốt đẹp. Dưới cây đều có tòa Sư tử báu cao năm do-tuần được trang sức bằng các thứ quy báu. Các nước đó cũng không có biển cả, sông ngòi và các núi chúa như Mục-chân-lân-đà, núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi, núi Tu-di… tất cả thông nhau làm thành một cõi Phật, đất báu bằng thẳng, các ngả đường quý báu đan xen, có màn phủ trùm khắp bên trên, có treo phướn lọng, đốt nhiều hương quý và hoa trời rải khắp trên mặt đất.
Phật Thích-ca Mâu-ni vì các Đức Phật sẽ đến ngồi nên ở tám phương mỗi phương đều biến thành hai trăm van ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và A-tu-la, lại dời các hàng Trời, Người sang cõi khác. Các nước được biến hóa ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do-tuần, nhánh, lá, hoa, quả thứ nào thứ nấy tốt đẹp, dưới cây đều có tòa Sư tử báu cao năm do-tuần cũng được trang sức bằng các thứ quý báu.
Ở các nước này cũng không có biển cả sông ngòi và các núi chua như núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại-mục-chân-lân-đà, núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi, núi Tu-di… tất cả thông nhau làm thành một cõi Phật, đất báu bằng thẳng, các ngả đường báu đan xen trên có màn phủ che, có treo phướn lọng, đốt nhiều hương quý và hoa trời rải khắp trên mặt đất.
Bấy giờ ở phương Đông, các Đức Phật trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha hằng hà sa cõi nước do Phật Thích-ca phân thân thuyết pháp đều đến họp ở cõi này. Cứ như vậy lần lượt các Đức Phật trong các cõi nước mười phương đều họp về ngồi ở tám phương. Bấy giờ ở mỗi phương các Đức Như Lai ngồi khắp đầy trong bốn trăm vạn ức na-do-tha cõi nước.
Lúc đó các Đức Phật đều ngồi tòa Sư tử dưới cây báu sai thị giả qua thăm viếng Phật Thích-ca Mâu-ni đều mang theo nhiều hoa quý mà bảo thị giả rằng:
–Thiện nam! Ngươi qua núi Kỳ-xà-quật nơi Phật Thích-ca Mâu-ni thưa cùng Phật như thế này: “Như Lai có được ít bệnh ít khổ, sức khỏe an vui và chúng Bồ-tát Thanh văn đều an ổn chăng?” Rồi đem hoa báu này rải lên Phật để cúng dường mà thưa: “Đức Phật ấy cũng muốn mở tháp báu này.” Chư Phật khác sai sứ giả đến cũng đều làm như vậy.
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni thấy các vị Phật do mình phân thân đều ngồi trên tòa Sư tử, đều nghe chư Phật muốn mở tháp báu, liền từ tòa ngồi đứng dậy trụ trên hư không, tất cả bốn chúng đồng đứng dậy chắp tay nhất tâm quan sát Phật.
Khi ấy Phật Thích-ca Mâu-ni dùng ngón tay phải mở cửa tháp bảy báu. Có âm thanh lớn vang ra như tiếng tháo chốt mở cửa thành lớn.
Tức thời tất cả chúng hội đều thấy Đa Bảo Như Lai ở trong tháp bau ngồi tòa Sư tử, toàn thân không tan rã như đang nhập thiền định. Lại nghe Phật ấy nói:
–Hay thay, hay thay! Phật Thích-ca Mâu-ni thích nói kinh Pháp Hoa này. Ta vì nghe kinh này mà đến đây.
Bấy giờ bốn chúng thấy Đức Phật đã diệt độ vô lượng ngàn vạn ức kiếp về trước nói như vậy, đều khen là việc chưa từng có, đem hoa trời báu rải trên Phật Đa Bảo và Phật Thích-ca Mâu-ni.
Lúc đó, ở trong tháp báu Phật Đa Bảo chia nửa tòa cho Phật Thích-ca Mâu-ni, nói rằng:
–Phật Thích-ca Mâu-ni hãy ngồi trên tòa này.
Tức thì Phật Thích-ca Mâu-ni vào trong tháp báu ngồi kiết già trên nửa tòa đó.
Bấy giờ đại chúng thấy hai Đức Như Lai ngồi kiết già trên tòa Sư tử trong tháp bảy báu đều nghĩ rằng: “Phật ngồi trên chỗ cao xa. Cúi mong Như Lai dùng sức thần thông cho chúng con đều được ở trên hư không.”
Liền khi ấy Phật Thích-ca Mâu-ni dùng sức thần thông tiếp đại chúng lên hư không rồi dùng âm thanh lớn mà bảo khắp bốn chúng:
–Ở trong cõi Ta-bà này ai có thể diễn thuyết rộng rãi kinh Diệu Pháp Liên Hoa này thì nay chính là đúng lúc. Như Lai không bao lâu sẽ nhập Niết-ban. Phật muốn đem kinh Pháp Hoa này phó chúc cho có người.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói kệ:
Thánh chúa Thế Tôn
Diệt độ đã lâu
Trong tháp báu này
Còn vì pháp đến.
Các ông làm sao
Không vì cầu pháp?
Phật này diệt độ
Đã vô số kiếp,
Nơi nơi nghe pháp
Vì pháp khó gặp.
Bản nguyện Phật ấy
Sau khi diệt độ,
Thường vì nghe pháp
Tháp hiện đến nơi.
Chư Phật do ta
Phân thân vô lượng
Số như hằng sa
Muốn đến nghe pháp
Và thấy cõi nước
Đa Bảo Như Lai,
Đều rời cõi đẹp
Cùng chúng đệ tử
Trời, Người, Rồng, Thần
Cúng dường phụng sự,
Muốn pháp trụ lâu
Nên đến cõi này.
Để chư Phật ngồi,
Dùng sức thần thông
Dời vô lượng chúng,
Khiến nước thanh tịnh.
Mỗi mỗi chư Phật
Đến dưới cây báu,
Như ao trong sạch
Rực rỡ hoa sen.
Dưới mỗi cây báu
Có tòa Sư tử.
Phật kiết già trên
Sáng rực đẹp đẽ.
Như đêm tối tăm
Đốt lửa đuốc lớn.
Thân Phật thoảng hương
Mười phương tỏa khắp.
Chúng sinh nghe hương
Vui mừng khôn xiết.
Ví như gió lớn
Thổi nhánh cây nhỏ,
Dùng phương tiện đó
Khiến pháp trụ lâu.
Bảo đại chúng rằng
Ta diệt độ rồi
Ai hộ trì được
Đọc giảng kinh này,
Thì nay trước Phật
Hãy phát thệ nguyện.
Phật Đa Bảo kia
Diệt độ đã lâu,
Do thệ nguyện lớn
Rền tiếng sư tử.
Đa Bảo Như Lai
Cùng với thân ta
Họp các hóa Phật
Phải biết ý này.
Này các Phật tử
Ai hộ pháp được
Hãy phát nguyện lớn
Khiến pháp trụ lâu.
Có ai hộ được
Kinh Pháp Hoa này,
Tức là cúng dường
Ta cùng Đa Bảo.
Phật Đa Bảo đây
Ở trong tháp báu,
Thường qua mười phương
Vì nghe kinh này.
Cũng để cúng dường
Các hóa Phật đến,
Trang nghiêm sáng đẹp
Các thế giới kia.
Ai nói kinh này
Tức là thấy ta,
Đa Bảo Như Lai
Và các hóa Phật.
Các thiện nam tử
Nên suy nghĩ kỹ,
Đây là việc khó,
Phải phát nguyện lớn.
Các kinh điển khác
Nhiều như hằng sa.
Dầu nói hết kinh
Cũng chưa là khó.
Đem núi Tu-di
Dời đi phương khác,
Vô số cõi Phật
Cũng chưa là khó.
Hoặc dùng ngón chân
Động cõi đại thiên,
Ném qua cõi khác
Cũng chưa là khó.
Đứng trên Hữu đảnh
Vì chúng diễn thuyết
Vô lượng các kinh
Cũng chưa là khó.
Nếu Phật diệt rồi
Ở trong đời ác,
Giảng được kinh này
Thế mới là khó.
Giả sử có người
Tay nắm hư không
Mà đi du hành
Cũng chưa là khó.
Ta diệt độ rồi
Sao chép thọ trì
Hoặc bảo người làm
Thế mới là khó.
Đem cả cõi đất
Để trên móng chân,
Lên trời Phạm thiên
Cũng chưa là khó.
Phật diệt độ rồi
Ở trong đời ác,
Đọc qua kinh này
Thế mới là khó.
Ví gặp kiếp thiêu
Mang gánh cỏ khô
Vào lửa không cháy
Cũng chưa là khó.
Ta diệt độ rồi
Nếu trì kinh này,
Vì một người nói
Thì mới là khó.
Nào trì tám vạn
Bốn ngàn tạng pháp,
Mười hai bộ kinh,
Vì người diễn nói,
Khiến các người nghe
Được sáu thần thông,
Dầu được như thế
Cũng chưa là khó.
Ta diệt độ rồi
Nghe thọ kinh này,
Học hỏi nghĩa lý
Thì mới là khó.
Có người nói pháp
Khiến ngàn vạn ức
Vô lượng, vô số
Hằng sa chúng sinh
Được quả La-hán
Đủ sáu thần thông,
Dầu có lợi ích
Cũng chưa là khó.
Ta diệt độ rồi
Nếu phụng trì được
Kinh điển như đây
Thì mới là khó.
Ta vì Phật đạo
Trong vô lượng cõi
Từ trước đến nay
Rộng nói các kinh
Mà trong số đó
Kinh này bậc nhất.
Nếu người trì được
Là trì Phật thân.
Các thiện nam tử
Ta diệt độ rồi,
Ai thọ trì được
Đọc tụng kinh này,
Thì nay trước Phật
Nên phát thệ nguyện.
Kinh đây khó trì
Nếu ai trì được
Thì ta hoan hỷ.
Chư Phật cũng vậy.
Những người như thế
Được chư Phật khen
Đó là dũng mãnh
Đó là tinh tấn,
Gọi là trì giới
Tu hạnh Đầu-đà
Thì sẽ mau được
Vô thượng Phật đạo.
Đời sau có thể
Đọc trì kinh này
Là chân Phật tử
Trụ bậc thuần thiện.
Phật diệt độ rồi
Hiểu được nghĩa này
Mới thật là mắt
Trong cõi Trời, Người
Trong đời đáng sợ
Giảng được chốc lát
Tất cả trời người
Đều nên cúng dường.
Phẩm 12: ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA
Bấy giờ Phật bảo các Bồ-tát và bốn chúng trời người:
–Ta trong vô lượng kiếp thời quá khứ cầu kinh Pháp Hoa không hề lười mỏi. Trong nhiều kiếp ta thường làm quốc vương, phát nguyện cầu đạo Vô thượng Bồ-đề lòng không thoái chuyển. Vì muốn đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật nên sieng làm việc bố thí lòng không lẫn tiếc, nào voi, ngựa, bảy báu, đất đai, thành trì, vợ con, tôi tớ, kẻ hầu hạ, cho đến đầu, mắt, tủy, óc, thân thể, tay, chân, thân mạng chẳng tiếc.
Thuở đó nhân dân sống lâu vô lượng. Vua vì đạo pháp mà bỏ ngôi vua, giao việc trị nước cho thái tử, đánh trống rao lệnh cầu pháp bốn phương rằng:
–Ai có thể vì ta nói pháp Đại thừa thì ta sẽ suốt đời cung cấp hầu hạ.
Khi ấy có một vị Tiên đến thưa nhà vua rằng:
–Tôi có pháp Đại thừa tên là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nếu không trái ý tôi, tôi sẽ giảng nói.
Nghe vị Tiên nói, nhà vua vui mừng hớn hở, liền theo vị Tiên cung cấp các việc cần thiết nào hái quả, gánh nước, nhặt củi, sắm sửa cơm nước, cho đến dùng thân mình làm giường ghế, thân tâm không biết mệt mỏi. Thuở đó ta theo phụng thờ vị tiên trải qua một ngàn năm, vì trọng pháp nên siêng năng cung cấp hầu hạ vị Tiên không hề thiếu sót.
Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói kệ:
Ta nhớ kiếp quá khứ
Vì cầu pháp Đại thừa,
Tuy làm vua trên đời
Chẳng ham vui năm dục.
Đánh chuông rao bốn phương
Ai có pháp Đại thừa,
Nếu vì ta giảng nói,
Ta sẽ làm tôi tớ.
Có vị tiên A-tư
Đến thưa cùng đại vương:
Tôi có pháp nhiệm mầu
Thế gian ít có được.
Nếu có thể tu hành
Tôi sẽ vì người nói.
Vua nghe vị Tiên nói
Lòng rất đỗi vui mừng.
Liền đi theo Tiên nhân,
Cung phụng mọi cần thiết.
Hái củi và rau quả
Tùy lúc cung kính dâng.
Tinh chuyên vì Diệu pháp
Thân tâm không lười mỏi.
Khắp vì các chúng sinh
Siêng cầu đạo pháp lớn.
Cũng không vì bản thân
Cùng thú vui dục lạc,
Nên dầu là đại vương
Cần cầu được pháp này.
Do đó được thành Phật
Nay vì các ông nói.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Thuở ấy nhà vua chính là thân ta, còn vị tiên nay là Đề-bàđạt-đa đó. Do nhờ Thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa mà ta đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, Từ, Bi, Hỷ, Xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, sắc thân vàng tía, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Nhiếp pháp, mười tám pháp Bất cộng, thần thông đạo lực, thành bậc Chánh giác rộng độ chúng sinh. Tất cả công đức đó đều nhờ Thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa mà ra cả.
Phật bảo bốn chúng:
–Qua vô lượng kiếp về sau, Đề-bà-đạt-đa sẽ được thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Coi nước tên là Thiên đạo. Lúc đó Phật Thiên Vương ở đời hai mươi trung kiếp, khắp vì chúng sinh mà giảng dạy pháp mầu.
Hằng sa chúng sinh được quả A-la-hán. Vô lượng chúng sinh phát tâm Duyên giác. Hằng sa chúng sinh phát tâm Vô thượng đạo, được Vô sinh pháp nhẫn cho đến bậc không thoái chuyển.
Sau khi Phật Thiên Vương nhập Niết-bàn, chánh pháp tồn tại ở đời hai mươi trung kiếp, toàn thân xá-lợi dựng thành tháp bảy báu cao sáu mươi do-tuần, ngang dọc bốn mươi do-tuần. Nhân dân các cõi trời đều đem các thứ hoa, hương bột, hương xoa, hương đốt, y phục, chuỗi ngọc, cờ phướn, tàn lọng, kỹ nhạc ca tụng lễ bái cúng dường tháp báu đẹp đẽ đó. Vô lượng chúng sinh được quả A-la-hán. Vô lượng chúng sinh ngộ Bích-chi-phật. Số chúng sinh phát tâm Bồđề đến bậc không thoái chuyển chẳng thể nghĩ bàn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Trong đời vị lai, nếu có thiện nam, thiện nữ nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Đề-bà-đạt-đa mà sinh lòng thanh tịnh tin kính không nghi hoặc thì sẽ không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, được sinh ở trước các Đức Phật trong mười phương. Nơi người đó sinh ra thường được nghe kinh này. Nếu sinh vào cõi người, cõi trời thì được hưởng an vui đặc biệt. Nếu sinh ở trước Phật thì từ hoa sen hóa sinh.
Bấy giờ vị Bồ-tát theo hầu Đức Đa Bảo Như Lai ở phương dưới tên là Trí Tích bạch Phật Đa Bảo hãy trở về bản quốc thì Phật Thíchca Mâu-ni bảo Trí Tích rằng:
–Thiện nam, hãy chờ giây lát! Cõi đây có Bồ-tát tên Văn-thùsư-lợi có thể cùng nhau ra mắt mà luận nói pháp mầu rồi sau sẽ trở về bản quốc.
Lúc đó Văn-thù-sư-lợi ngồi trên hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe, các Bồ-tát cùng đến cũng ngồi trên hoa sen báu, từ nơi cung rồng Ta-kiệt-la trong biển lớn tự nhiên vọt lên trụ giữa hư không, đến núi Linh thứu, từ trên hoa sen bước xuống đến chỗ Phật, đầu mặt kính lạy dưới chân hai Đức Phật, làm lễ xong qua chỗ Trí Tích cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi sang một bên.
Bồ-tát Trí Tích hỏi Văn-thù-sư-lợi rằng:
–Ngài qua cung rồng hóa độ chúng sinh số được bao nhiêu?
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Số đó vô lượng không thể tính kể, miệng không nói hết được, tâm không thể lường được, xin chờ giây lát sẽ tự chứng biết.
Văn-thù nói chưa dứt lời thì liền có vô số Bồ-tát ngồi hoa sen báu từ biển vọt lên đến núi Linh thứu trụ giữa hư không. Các vị Bồtát này đều do Văn-thù-sư-lợi hóa độ, đủ hạnh Bồ-tát, đều cùng nhau luận nói sáu pháp Ba-la-mật. Những vị trước kia là Thanh văn ở giữa hư không nói hạnh Thanh văn, nay đều tu hành nghĩa không của Đại thừa.
Văn-thù-sư-lợi nói với Trí Tích rằng:
–Việc giáo hóa của tôi ở biển là như vậy đó.
Lúc ấy, Bồ-tát Trí Tích dùng bài kệ khen:
Đại Trí đức mạnh mẽ
Hóa độ vô lượng chúng.
Nay trong đại hội này
Và tôi đã chứng kiến.
Diễn giảng nghĩa thật tướng
Mở bày pháp Nhất thừa.
Rộng độ các chúng sinh,
Khiến mau thành Bồ-đề.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Tôi ở biển chỉ thường diễn giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Trí Tích hỏi Văn-thù-sư-lợi rằng:
–Kinh này rất sâu xa vi diệu, là báu trong các kinh, trên đời rất ít có. Vậy nếu chúng sinh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này có mau được thành Phật chăng?
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Có con gái của Long vương Ta-kiệt-la mới tám tuổi mà căn tánh lanh lợi có trí tuệ, biết rõ các căn tánh hành nghiệp của chúng sinh, được pháp Đà-la-ni, có thể thọ trì các tạng pháp sâu kín của chư Phật nói, đi sâu vào thiền định rõ thấu các pháp. Chỉ trong khoảnh khắc sát-na phát tâm Bồ-đề, được quả không thoái chuyển, có tài biện thuyết không trở ngại, thương yêu chúng sinh như con đỏ, đầy đủ công đức, tâm nghĩ miệng nói pháp nhiệm mầu rộng lớn, từ bi, nhân đức, khiêm nhượng, ý chí hòa nhã. Người ấy có thể đến Bồ-đề.
Trí Tích Bồ-tát nói:
–Tôi thấy Thích-ca Như Lai trong vô lượng kiếp tu những khổ hạnh khó làm, chứa nhiều công đức để cầu đạo Bồ-đề chưa từng lúc nào thôi nghỉ. Tôi quan sát khắp trong cõi tam thiên đại thiên, cho đến không chỗ nào nhỏ như hạt cải mà không là nơi Bồ-tát xả thân mạng vì lợi ích chúng sinh, rồi sau mới được thành đạo Bồ-đề. Tôi không tin người con gái đó chỉ trong khoảnh khắc mà chứng được Chánh giác.
Lời biện luận chưa dứt tức thì người con gái của Long vương bỗng hiện ra trước, đầu mặt cung kính lễ Phật xong lui ra đứng một bên nói bài kệ khen rằng:
Thấu rõ tướng tội phước
Soi khắp cả mười phương.
Pháp thân tịnh vi diệu
Đủ ba mươi hai tướng,
Dùng tám mươi vẻ đẹp
Để trang nghiêm Pháp thân.
Trời người đều ngưỡng mộ
Và Long thần cung kính.
Tất cả loài chúng sinh
Không ai chẳng thờ phụng,
Lại nghe thành Bồ-đề,
Chỉ có Phật chứng biết.
Tôi nói pháp Đại thừa
Độ thoát chúng sinh khổ.
Bấy giờ Xá-lợi-phất bảo Long nữ rằng:
–Người nói không bao lâu sẽ chứng được đạo Vô thượng, việc đó khó tin. Bởi vì sao? Vì nữ thân ô uế không phải là pháp khí, làm sao có thể thành Vô thượng Chánh giác được? Đạo Phật xa rộng, phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ, chứa nhóm công hạnh, tu đủ các độ, rồi sau mới thành được.
Lại nữa nữ thân còn có năm điều trở ngại: Một là không được làm Phạm thiên; hai là không được làm Đế Thích; ba là không được làm Ma vương; bốn là không được làm Chuyển luân Thánh vương; năm là không được làm thân Phật. Làm sao mà thân gái được thành Phật mau như vậy?
Lúc đó, Long nữ có một hạt châu báu, giá trị bằng cõi tam thiên đại thiên đem dâng lên Phật. Phật liền thu nhận. Long nữ nói với Bồ-tát Trí Tích và Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Tôi hiến châu báu. Thế Tôn thu nhận. Việc đó có mau không?
Đáp rằng:
–Rất mau!
Long nữ nói:
–Dùng sức thần của các vị mà xem tôi thành Phat có mau hơn việc đó không?
Bấy giờ cả chúng hội đều trông thấy Long nữ vụt biến thành thân nam, đủ hạnh Bồ-tát liền đó qua thế giới Vô cấu ở phương Nam, ngồi tòa sen báu thành Đẳng chánh giác, đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, khắp vì tất cả chúng sinh trong mười phương mà diễn thuyết pháp mầu.
Khi ấy trong cõi Ta-bà các Bồ-tát, Thanh văn, Trời, Rồng, Bát bộ, Nhân phi nhân đều xa thấy Long nữ kia thành Phật, khắp vì trời, người trong hội đó mà nói pháp, sinh lòng hoan hỷ đều từ xa kính lạy. Vô lượng chúng sinh nghe pháp hiểu ngộ được không thoái chuyển. Vô lượng chúng sinh được vâng lãnh thọ ký thành Phật. Nơi cõi Vô cấu sáu điệu vang động. Nơi cõi Ta-bà ba ngàn chúng sinh trụ bậc không thoái chuyển, ba ngàn chúng sinh phát tâm Bồ-đề mà được thọ ký.
Bồ-tát Trí Tích và Xá-lợi-phất tất cả chúng hội yên lặng tin nhận.
Phẩm 13: TRÌ
Lúc bấy giờ, Dược Vương Bồ-tát Ma-ha-tát và Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát Ma-ha-tát cùng với quyến thuộc hai vạn Bồ-tát đều ở trước Phật phát lời thệ nguyện:
–Cúi mong Thế Tôn xin chớ lo ngại. Sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì đọc tụng giảng thuyết kinh này. Chúng sinh ở đời ác sau này căn lành dần ít, nhiều tăng thượng mạn, cúng dường vì tham lợi, căn chẳng lành tăng thêm, xa lìa đạo giải thoát, dầu khó giáo hóa được chúng con cũng sẽ phát khởi sức nhẫn nhục lớn, đọc tụng kinh này, thọ trì, giải thuyết, sao chép, dùng các hình thức cúng dường cho đến không tiếc thân mạng.
Lúc đó trong chúng có năm trăm vị A-la-hán đã được thọ ký bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng tự thệ nguyện ở nơi cõi khác rộng nói bá kinh này.
Lại nữa có tám ngàn bậc Hữu học và Vô học đã được thọ ký từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay hướng về phía Phật nói lời thệ nguyện:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ ở cõi khác rộng truyền kinh này. Vì sao vậy? Vì trong cõi Ta-bà có nhiều người tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, công đức cạn mỏng, giận hờn, dua nịnh, tâm tà vạy không chân thật.
Khi đó dì của Phật là Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng sáu ngàn Tỳ-kheo-ni, bậc Hữu học và Vô học đều từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan không rời chớp mắt.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Kiều-đàm-di:
–Vì sao mà nhìn Như Lai với sắc buồn như vậy? Trong tâm của người cho rằng ta chẳng nói đến tên người để thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?
Kiều-đàm-di! Ta trước nói chung tất cả Thanh văn đều đã được thọ ký. Nay người muốn biết việc thọ ký đó? Trong đời tương lai, người sẽ ở trong pháp hội của sáu vạn tám ngàn ức Phật làm vị đại Pháp sư cùng sáu ngàn Tỳ-kheo-ni bậc Hữu học, Vô học đều là Pháp sư. Như vậy dần dần người đầy đủ hạnh Bồ-tát sẽ được thành Phật hiệu Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Kiều-đàm-di! Phật Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đó và sáu ngàn Bồ-tát tuần tự thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ mẹ của La-hầu-la là Tỳ-kheo-ni Gia-du-đà-la nghĩ rằng: “Thế Tôn trong hội thọ ký chỉ riêng không nói đến tên ta.” Phật bảo Gia-du-đà-la:
–Người ở đời sau trong pháp hội của trăm ngàn vạn ức chư Phật tu hạnh Bồ-tát, làm đại Pháp sư, dần dần đầy đủ Phật đạo sẽ thành Phật trong cõi Thiện quốc hiệu Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Phật sống lâu vô lượng, vô số kiếp.
Lúc đó, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề và Tỳ-kheo-ni Gia-duđà-la cùng cả quyến thuộc vui mừng được điều chưa từng có, liền ở trước Phật nói bài kệ:
Thế Tôn Đạo Sư
An ổn trời người.
Được nghe thọ ký
Thỏa mãn an tâm.
Các Tỳ-kheo-ni nói bài kệ rồi bạch Phật rằng:
–Chúng con cũng có thể ở các cõi nước phương khác rộng truyền kinh này.
Bấy giờ Thế Tôn nhìn tám mươi vạn ức na-do-tha các Bồ-tát Ma-ha-tát. Các Bồ-tát đó đều là bậc không thoái chuyển, chuyển pháp luân bất thoái, được các pháp Đà-la-ni, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật nhất tâm chắp tay mà nghĩ rằng: “Nếu Thế Tôn dạy bảo chúng ta nói kinh này thì chúng ta sẽ rộng rãi tuyên dương giáo pháp này như lời Phật dạy.” Các vị lại nghĩ: “Nay Phật lặng thinh chẳng thấy dạy bảo. Chúng ta phải làm sao?”
Lúc đó các Bồ-tát kính thuận ý Phật và muốn tự thỏa mãn bản nguyện, bèn ở trước Phật lớn tiếng phát thệ nguyện:
–Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ đi qua lại khắp giáp mười phương thế giới có thể khiến chúng sinh sao chép kinh này, thọ trì, đọc tụng, giảng giải nghĩa lý, như pháp tu hành, nghĩ nhớ chân chánh được, được như vậy là nhờ sức oai thần của Phật. Cúi xin Đức Thế Tôn ở phương xa khác hãy hộ trì cho chúng con.
Tức thì các Bồ-tát đều đồng thanh nói bài kệ:
Cúi xin chớ lo ngại
Sau khi Phật diệt độ,
Trong đời ác đáng sợ
Chúng con sẽ rộng tuyên.
Như có người vô trí
Dùng lời ác mắng nhiếc,
Hay dao gậy đánh đập,
Chúng con đều nhẫn nhịn.
Tỳ-kheo trong đời ác
Tà tâm và dối trá,
Chưa chứng nói đã chứng
Lòng ngã mạn dẫy đầy.
Hoặc thân mặc áo nạp
Ở những nơi vắng vẻ,
Tự nói tu chân chánh
Khinh rẻ người ở đời,
Vì tham đắm danh lợi
Nói pháp cho bạch y,
Được người đời cung kính
Như La-hán lục thông.
Người đó ôm lòng ác
Thường nghĩ việc thế tục,
Giả danh A-luyện-nhã
Hay nói lỗi chúng con
Mà bảo như thế này:
Những bọn Tỳ-kheo này
Vì lòng tham lợi dưỡng
Luận nói nghĩa ngoại đạo,
Tự làm kinh điển này
Để mê hoặc người đời.
Vì muốn cầu danh tiếng
Mà giảng giải kinh này.
Thường ở trong đại chúng
Muốn phá hoại chúng con,
Đến quốc vương, đại thần
Bà-la-môn, Cư sĩ
Và chúng Tỳ-kheo khác
Chê bai nói xấu con
Cho là bọn tà kiến
Luận nói nghĩa ngoại đạo.
Chúng con vì kính Phật
Nhịn hết các ác đó.
Bị người đó khinh rằng
Các ngươi đều là Phật.
Lời khinh mạn nhường ấy
Cũng sẽ nhẫn nhịn hết.
Trong đời ác kiếp trược
Có nhiều sự khủng bố,
Quỷ dữ nhập vào thân
Mắng nhiếc làm nhục con.
Chúng con kính tin Phật
Mặc áo giáp nhẫn nhục.
Vì để nói kinh này
Nên nhẫn các việc khó.
Con chẳng tiếc thân mạng
Chỉ tiếc đạo Vô thượng.
Chúng con ở đời sau
Hộ trì lời Phật dặn.
Thế Tôn sẽ tự biết
Tỳ-kheo đời ác trược,
Chẳng biết Phật phương tiện
Tùy cơ nghi nói pháp.
Châu mày nói lời ác
Luôn luôn bị xua đuổi
Xa rời nơi chùa tháp.
Các điều ác như thế,
Nhớ lời Phật dạy bảo
Đều nhẫn nhịn việc đó.
Các thành ấp, xóm làng
Như có người cầu pháp,
Con đều đến nơi đó
Thuyết pháp như Phật dặn.
Là sứ giả của Phật
Ở trong chúng không sợ,
Con sẽ khéo nói pháp
Xin Phật hãy an lòng.
Con ở trước Thế Tôn
Mười phương Phật đến họp
Phát thệ nguyện như thế
Phật tự rõ lòng con.