KINH DIỆU CÁT TƯỜNG BỒ-TÁT SỞ VẤN ĐẠI THỪA PHÁP LOA

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hiền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại điện Phổ Biến, thuộc nước Xá-vệ, ngồi trên tòa Sư tử báu, cùng với đông đủ chúng đại Tỳ-kheo một vạn hai ngàn năm trăm người. Lại có các Đại Bồ-tát và chúng gồm trăm ngan người có duyên thuần thục đã được hóa độ.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường, nương nơi oai thần của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ và bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Có phước đức lớn, làm sao đối chiếu lường xét? Phước lớn như vậy, có đến vô lượng trăm ngàn ức triệu, chúng duyên thuần thục đã được hóa độ, ý nguyện đầy đủ, thì do đâu Như Lai còn vì chúng kia nêu giảng giáo pháp?

Đức Thế Tôn nghe hỏi như vậy, bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Này Diệu Cát Tường! Hạnh đại trí tuệ, đại Từ, đại Bi là chẳng thể nghĩ bàn, là phước đức lớn. Phước lớn như vậy, sẽ khiến cho tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác phát khởi phương tiện lớn, tinh tấn, trì giới và nguyện thực hành thành tựu, để được Tam-ma-địa cao tột, quán tưởng đến tất cả chúng duyên thuần thục đã được hóa độ. Đó tức là Như Lai nêu giảng giáo pháp.

Phật lại bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Phước đức đạt được, do thọ trì pháp mười điều thiện của tất cả chúng sinh hiện có trong cõi Nam Diêm-phù-đề, nếu đem nhân phước đức đó lên thành trăm lần, thì bằng phước đức của một Kim luân vương, Kim luân vương này thống lãnh bốn châu lớn, bảy báu đầy đủ, đó là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ma-ni báu, ngọc nữ báu, chủ kho tàng báu, chủ binh báu. Lại có một ngàn người con, oai đức dũng mãnh, sắc tướng đoan nghiêm, có thể phá dẹp tất cả các quân khác.

Này Diệu Cát Tường! Kim luân vương đó có oai lực lớn như vậy.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh hiện có nơi bốn châu lớn như thế, đều ngang đồng với phước đức của một Kim luân vương. Phước đức của tất cả chúng sinh kia có được như vậy, đem nhân lên ngàn lần, thì đó tức là phước đức của một Thiên chủ Đế Thích. Đế Thích có năng lực oai thần phước đức lớn như vậy.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh hiện có ở bốn đại châu như vậy, đều ngang đồng với phước đức cua một Đế Thích. Phước đức của tất cả chúng sinh kia có được như vậy, nếu đem so lường thì phải nhân lên trăm ngàn lần. Đó tức là phước đức của một trời Đại lực Na-ladiên. Trời Na-la-diên có năng lực phước đức oai thần lớn như vậy.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh hiện có ở bốn đại châu như vậy, đều ngang đồng với phước đức của một trời Đại lực Na-la-diên. Phước đức của tất cả chúng sinh kia có được như vậy, nếu đem so lường thì phải nhân lên đến vô số trăm ngàn lần. Đó tức là phước đức của một ma vương trời Tha hóa tự tại thuộc cõi Dục. Như vậy, ma vương từ lâu đã trồng căn lành, nen được sinh về cõi trời nơi Dục giới, có oai lực lớn và có thể điều phục các hàng trời người.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh hiện có ở bốn đại châu như vậy, đều ngang đồng với phước đức của một ma vương. Phước đức của tất cả chúng sinh kia có được như vậy, nếu đem so lường thì phải nhân lên đến vô lượng trăm ngàn lần. Đó tức là phước đức của một Phạm thiên trong hai ngàn thế giới, vì Phạm thiên kia ở nơi hai ngàn thế giới đều thực hành Từ bi để giáo hóa.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh hiện có nơi hai ngàn thế giới như vậy, đều ngang đồng với phước đức của một Phạm thiên ở nơi hai ngàn thế giới kia. Phước đức của tất cả chúng sinh ấy có được như vậy, nếu đem so lường thì phải nhân lên đến vô số trăm ngàn lần. Đó tức là phước đức của trời Đại tự tại và Phạm thiên, là vị chủ thế giới tam thiên đại thiên. Trời Đại tự tại và Phạm vương kia, ở nơi thế giới tam thiên đại thiên, đều thực hành Từ bi để giáo hóa.

Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Bồ-tát nên thấy rõ! Trong thời kỳ kiếp hoại này, trải qua một trung kiếp, lửa dữ sẽ thiêu đốt. Bấy giờ trời Đại tự tại và trời Phạm vương sẽ trút mưa lớn xuống, nước mưa đó đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới và lên đến cõi Phạm thiên. Nước lớn này chính là do oai lực của trời Đại tự tại và Phạm vương tạo ra.

Như vậy, trời Đại tự tại và Phạm vương kia, do trồng căn lành lớn nên được sinh lên cõi trời, đầy đủ trí tuệ và có oai lực lớn.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh hiện có ở nơi thế giới tam thiên đại thiên như vậy, đều ngang đồng với phước đức của một trời Đại tự tại và Phạm vương nơi thế giới tam thiên đại thiên. Phước đức của tất cả chúng sinh kia có được như vậy, nếu đem so lường thì phải nhân lên đến vô số trăm ngàn câu-chi, đó tức là phước đức của một bậc Duyên giác đại tinh tấn.

Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Ông chớ có cho, phước đức của tất cả chúng sinh nơi thế giới tam thiên đại thiên, đều như phước đức của Đại phạm vương, ngang đồng với bậc Duyên giác kia mà cho là nhiều. Giả sử, phước đức hiện có của tất cả chúng sinh nơi các cõi Phật trong mười phương, ngang đồng với phước đức của một bậc Duyên giác tinh tấn, thì cũng chưa phải là nhiều.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của mỗi mỗi chúng sinh trong tất cả chúng sinh nơi các cõi Phật trong mười phương kia có được như vậy, đều ngang đồng với phước đức của một bậc Duyên giác. Phước đức của tất cả chúng sinh kia có được như thế, nếu đem so lường thì phải nhân lên đến vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, đó tức là phước đức của một Bồ-tát mới phát tâm.

Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Chớ cho, phước đức của tất cả chúng sinh gấp vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, ngang đồng với phước đức của một Bồ-tát mới phát tâm là nhiều. Giả sử, cõi hư không khắp trong mười phương, có các loài sinh từ trứng, sinh từ bào thai, sinh từ chỗ ẩm ướt, sinh từ sự biến hóa, loài có sắc, loài không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng, phước đức của tất cả những chúng sinh ấy có được như thế, nhiều gấp vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, đều ngang đồng với phước đức của một Bồ-tát mới phát tam, thì cũng chưa gọi là nhiều.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức của tất cả chúng sinh trong cùng khắp cõi hư không như vậy, đều ngang đồng với phước đức của một Bồ-tát mới phát tâm, nếu đem so lường thì phải nhân lên cho đến gấp vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, đó tức là lượng phước đức có trong một lỗ chân lông của Như Lai. Mỗi lỗ chân lông nơi thân của chư Phật, Như Lai, lại có chín mươi chín ngàn lỗ chân lông vo cùng nhỏ, đẹp.

Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Như vậy, phước đức nơi tất cả lỗ chân lông của thân Phật, nếu đem so lường thì nhân gấp vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, đó tức là phước đức của một thứ vẻ đẹp trong phần thân Như Lai. Như vậy, tám mươi vẻ đẹp nơi thân Phật, mỗi mỗi đều đầy đủ phước đức như thế.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Phước đức có được từ tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, nếu đem so lường thì nhân gấp vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, đó tức là lượng phước đức của một tướng tốt là tướng hoa văn trong lòng bàn tay, bàn chân của Như Lai. Mỗi mỗi vẻ đẹp của tướng hoa văn như vậy, đều có tám mươi vẻ đẹp hiện rõ trong lòng bàn tay, bàn chân. Kệ tụng:

Dù, lọng, cờ, cát tường
Vòng, khâu, mão, gậy báu
Bình báu, voi, ngựa, hổ
Kim sí, cá Ma-kiệt.
Rùa, cá và khổng tước
Chim Ca-lăng-tần-già
Chim mạng mạng, Tá-sa
Tạt-câu-la, uyên ương.
Anh vũ, nga, cưu, mạch
Đại dược đề nỗ ngưu
Dê, rồng và ngưu vương
Núi báu, quả cát tường.
Nai chúa Bá-na-ba
Kiếm bén, ngọc ma-ni
Chày Kim cang, cung, cờ
Tam xoa, cày và búa.
Chày giã, tên, tơ lụa
Ngu-noa và Di-già
Phạm thiên, Đế Thích chủ
Trì quốc thiên, Thủy thiên.
Quảng mục, Đa văn thiên
Đại tiên, cát tường nhật
Hỏa thiên, nguyệt phong thiên
Tướng hoa sen chữ vạn.
Sa-tất-đế-ca hảo
Nột-lý-phạ hiền tòa
Kính Phất Kiều-thi-ca
Đồng tử, đồng nữ thiên.
Cổ loa mật lý nga
Vòng tay và chuông lắc
Hoa tai cùng với nhẫn
Quân-noa-la-la-đa.
Vua hoa đẹp vua cây
Trong chúng Thích sư tử
Như vậy đủ tám mươi
Mỗi mỗi đều tên đẹp
Xuất hiện nơi tay chân.
 
Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Tất cả phước đức hiện có của tám mươi vẻ đẹp như vậy, nếu đem so lường thì nhân đến gấp vô số trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần, đó tức là phước đức nơi một tướng của bậc Đại trượng phu trong phần thân của Như Lai. Như vậy, ba mươi hai tướng của bậc Đại trượng phu nơi thân Phật, mỗi mỗi đều có phước đức như thế, cùng xuất hiện rõ nơi thân Phật.

Kệ tụng:

Tướng nhục kế đỉnh đầu
Búi tóc màu xanh biếc
Mềm mại xoay bên phải
Trán rộng và bằng phẳng.
Lông trắng giữa chặng mày
Da mềm và đẹp đẽ
Mắt như cánh sen xanh
Răng đều, kín, ngay thẳng.
Đầy đủ bốn mươi cái
Bốn răng cửa đều bén
Trắng như ngọc kha tuyết
Mang tai và ngực, ức.
Nửa trên như sư tử
Tướng lưỡi rộng và dài
Thân hình đẹp, tròn đầy
Như cây Ni-câu-đà.
Lông xoay về bên phải
Chân rốn sâu, ẩn kín
Bắp vế thon, bằng phẳng
Bắp chân như nai chúa.
Lòng bàn chân đều đặn
Tay chân đều mềm mại
Mười ngón thon và dài
Đều có tướng màn lưới.
Bước đi thẳng tới trước
Lưỡi thường được vị ngon
Tướng lành ở nơi thân
Bảy chỗ đều đầy đặn.
Lòng bàn chân bằng thẳng
Hiện tướng ngàn căm xe
Đại trượng phu như vậy
Đủ ba hai tướng tốt.

Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Đây là ba mươi hai tướng của bậc Đại trượng phu, phước đức có được nơi ba mươi hai tướng này, nếu đem so lường thì nhân lên cho đến vô lượng, vô số chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể lường tính, không gì ngang bằng, chẳng thể nói hết, đó là phước do chúng duyên đã thuần thục, được hóa độ đầy đủ theo ý nguyện. Cho nên Như Lai đã vì chúng được hóa độ mà giảng nói pháp nhân duyên thành thục.

Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Âm thanh nêu giảng diệu pháp của Như Lai, tất cả chúng sinh ở khắp vô lượng, vô biên, vô số thế giới đều được nghe.

Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Chẳng phải chỉ có âm thanh nêu giảng như vậy, mà ánh sáng nơi thân Như Lai cũng có thể chiếu soi rực rỡ khắp vô lượng, vô biên, vô số thế giới, khiến cho các hữu tình đều thấy thân Phật như thế, là chẳng thể nghĩ bàn!

Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Đại trí tuệ, đại Từ bi là đại phước đức. Tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát nên hiểu đúng đắn về nguyện lực, thực hành đại phương tiện, trì giới thanh tịnh, sẽ chứng đắc Tam-ma-địa cao tột.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Thân Phật là vô vi, lìa các tướng, cho nên tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác và các Bồ-tát đều chẳng thể thấy được. Sắc thân hóa hiện của Như Lai có hai nghĩa: Một là vì đáp lại hạnh nguyện độ sinh trong nhân. Hai là vì nhân duyên được độ của các hữu tình đã thuần thục

Do vậy, nên Như Lai hóa hiện sắc thân. Thân hiện ra thanh tịnh vi diệu, khiến cho các chúng sinh gần gũi, cúng dường để được lợi ích lớn.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Thân Phật là cao tột, nên tướng tốt cũng cao tột. Tướng tốt cao tột nên ánh sáng cũng cao tột. Ánh sáng cao tột nên Phạm âm cao tột. Phạm âm cao tột nên thuyết pháp cao tột. Thuyết pháp cao tột nên Phật hạnh cao tột. Phật hạnh cao tột nên sắc thân của Như Lai hiện ra sẽ khiến cho các hữu tình kia được lợi ích lớn.

Lại nữa, này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Trong thân Như Lai thâu giữ đầy đủ tất cả các tướng. Tùy theo căn cơ, ý muốn, tánh tình… lợi, độn không đồng của chúng sinh, đều được gần gũi, ưa thích, nghe diệu pháp và đều được độ thoát, cho đến khi đi đứng đều được thấy Phật.

Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Như Lai đầy đủ Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian, thương xót hữu tình, tạo lợi ích an vui cho vô lượng trời, người và các chúng sinh khác.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y bày vai ben phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Phật, đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch:

–Kính bạch Thế Tôn! Nay con vui sướng vì đạt được lợi ích tốt đẹp. Như vậy Đức Thế Tôn là bậc không vướng mắc, cao quý hơn tất cả trong ba cõi, tạo lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Phật đã xét xem tất cả pháp thế gian, chẳng lay động như núi Tu-di, chẳng chấp trước như hư không, chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, cũng chẳng phải là thấy, chẳng phải là không thấy.

Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh này xong, Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường, các Tỳ-kheo và các Đại Bồ-tát, tất cả chúng Trời, Người, Atố-lạc, Đạt-lý-phạ… nghe Phật giảng nói đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.