kinh đề

Phật Quang Đại Từ Điển

(經題) ….. Cũng gọi Thủ đề. Tên của 1 bộ kinh. Nói chung, các sách Phật bằng tiếng Phạm, bất luận là kinh, luật, luận, ở đầu quyển đều có bài tựa qui kính, kế đến là phần chính văn, cuối cùng mới nêu tên sách. Các sách Phật Tạng dịch, trước hết ghi tên kinh bằng tiếng Phạm và tên Tây tạng dịch, kế đến là bài tựa qui kính và phần chính văn, cuối cùng có phụ thêm tên Tây tạng dịch và lời bạt nói về việc phiên dịch và hiệu đính, v.v… Về kinh điển Hán dịch thì phần nhiều lược bỏ bài tựa qui kính, mà đặt thủ đề và dịch đề ở trước phần chính văn và vĩ đề đặt ở phía sau. Ở trước tên kinh, dù là kinh Đại thừa hay kinh Tiểu thừa, thông thường đều có 2 chữ Phật thuyết như: Phật thuyết Đại tập pháp môn kinh, Phật thuyết Vô lượng thọ kinh, Phật thuyết Thủ lăng nghiêm tam muội kinh, v.v… Ngoài ra, trong Kim cương bát nhã kinh sớ quyển 1, ngài Cát tạng nói có 2 loại kinh đề: Đầy đủ và gọi tắt. Như: Phật thuyết Kim cương bát nhã là đầy đủ, còn Kim cương bát nhã là gọi tắt. [X. Tịnh danh huyền luận Q.2 (Cát tạng); Đại thừa tứ pháp kinh thích (bản Đôn hoàng)].