KINH ĐẠI THỪA BIẾN CHIẾU QUANG MINH TẠNG VÔ TỰ PHÁP MÔN

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la, người xứ Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật đang ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá cùng Đại Bồ-tát và Tỳ-kheo Tăng đủ vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha chúng. Các Bồ-tát ấy đều là bậc Đại trí, có phương tiện quyền xảo khéo léo đạt được Pháp tạng vô tự, nói năng lưu loát, không trái với chân và tục, sáng suốt dũng mãnh, vĩnh viễn lìa các trói buộc của phiền não, điều phục các căn không còn sự dính mắc, thương xót chúng sinh như thương con một, quý trọng thật trí như đảo báu lớn, biết hổ thẹn với thân, lấy định tuệ làm đầu, dùng đại Từ bi làm thể tánh, biết rõ pháp tốt, pháp xấu, thật không thật, chiếu rõ hai không, trụ địa thắng diệu, danh tiếng vang xa, an ổn vĩnh viễn, quyết định tu hành pháp cao tột, không còn thọ thân thai tạng thấp hèn, thị hiện thọ sinh, bảo vệ đất nước, những gì được ban cho đều bao trùm cả hiền thiện, lìa xa ba cõi nhưng lại cứu giúp ba cõi, khéo đạt hạnh trong sạch cho mình và cho người, được công đức đầy đủ như vậy. Tên của các vị là Bồ-tát Thắng Tư Duy, Bồ-tát Thắng Thú Hạnh, Bồ-tát Diệu Âm, Bồ-tát Mỹ Âm, Bồ-tát Biện Cụ, Bồ-tát Biện Tụ, Bồ-tát Châu Kế, Bồ-tát Thiên Bức, Bồ-tát Pháp Võng, Bồ-tát Pháp Hưởng, Bồ-tát Liên Hoa Diên, Bồ-tát Liên Hoa Nhãn, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Thanh Biến Đại Địa. Rất nhiều các Bồ-tát như vậy, đều giống như đồng tử, đều là bậc đứng đầu trong chúng, mỗi một vị đều có đầy đủ quyến thuộc.

Lúc đó, Bồ-tát Quán Thế Âm cùng vô lượng, vô số các chúng Bồ-tát đã thọ quán đảnh vây quanh. Bồ-tát Đắc Đại Thế, cùng vô lượng ức đại Phạm thiên vây quanh. Bồ-tát Thắng Tư Duy, cùng vô lượng Bồ-tát và Thiên chủ Đế Thích vây quanh. Bồ-tát Hư Không Tạng, cùng vô lượng chúng Tứ Thiên vương vây quanh. Bồ-tát Chúng Sở Tri Thức cùng vô lượng thể nữ vây quanh. Các Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Ly Nghi, Bồ-tát Bất Không Kiến, Bồ-tát Chỉ Chư Cái, Bồ-tát Vô Lượng Thiện Xảo Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng mỗi vị đều cùng vô lượng chúng Đại Bồ-tát vây quanh. Trưởng lão Xálợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp mỗi vị đều cùng với đại A-la-hán vây quanh. Cho đến mười phương hằng hà sa tất cả các thế giới mặt trời, mặt trăng, các Thiên tử đều dùng oai quang để đến chỗ Đức Phật. Do thần lực của Phật, cho nên các oai quang của chư Thiên không thể phát ánh sáng, cũng giống như một khối đen so với vàng Diêm-phù.

Lại có vô lượng trời Na-la-diên, cho đến các vua rồng Thủythiên-thính-xoa-ca, A-na-bà-đạt-đa cũng cùng quyến thuộc vây quanh. Vua Mỹ Âm Càn-thát-bà, cũng cùng vô lượng chúng Cànthát-bà vây quanh. Có bảy ức quyến thuộc của vua Ca-lầu-la vây quanh. Cho đến tất cả Bồ-tát trong mười phương hằng hà sa thế giới đều thỉnh Đức Phật ở quốc độ mình, cùng đầy đủ quyến thuộc đến thế giới Ta-bà, đem các món ngon nhất, tốt nhất, thế gian không thể có để cúng dường. Cúng dường chư Phật và Bồ-tát xong, tất cả đều lễ Phật, rồi lui ngồi một bên, ngồi trên tòa hoa sen mà chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.

Lúc đó, Đại Bồ-tát Thắng Tư Duy từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y bày vai phải, gối phảp quỳ sát đất, chắp tay, hướng lên Đức Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nay con vì bốn chúng, muốn thưa hỏi Đức Như Lai về nghĩa của hai chữ, cúi xin Đức Như Lai giải thích, để chúng con đều được lợi ích.

Đức Thế Tôn nói:

–Này Thắng Tư Duy! Lẽ nào Đức Như Lai chỉ vì một chúng sinh mà xuất hiện thế gian! Chính vì lợi ích của vô lượng chúng sinh mà Như Lai xuất hiện thế gian.

Này thiện nam! Nay ông vì bốn chúng mà thỉnh hỏi ta, về nghĩa của hai chữ, vậy tùy ý ông hỏi, ta sẽ trình bày.

Được Đức Phật cho phép, Bồ-tát Thắng Tư Duy thưa:

–Bạch Thế Tôn! Có những pháp nào mà Đại Bồ-tát nên trừ diệt hay gìn giữ? Lại có pháp nào mà Như Lai được chứng hay là rõ biết? Hai nghĩa này, xin Như Lai giải thích cho!

Đức Phật khen Thắng Tư Duy:

–Hay thay, hay thay! Này thiện nam! Ông đã thành tựu vô lượng phước tuệ, lại được Như Lai ban sức oai thần cho nên mới có khả năng hỏi ta nghĩa như vậy. Vậy hãy lắng nghe! Lắng nghe và nhớ nghĩ cho kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt, giảng nói.

Này thiện nam! Có một pháp mà Đại Bồ-tát nên trừ diệt, đó là tham dục. Một pháp mà Đại Bồ-tát phải nên diệt trừ, chính là pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là sân giận. Một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là ngu si. Một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là ngã chấp. Một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên trừ diệt; đó là biếng nhác. Pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là một pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là ham ngủ nghỉ. Pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là một pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là dính mắc yêu đương. Pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là một pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là sự nghi hoặc. Pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ chính là một pháp ấy.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ; đó là vô minh. Pháp mà Đại Bồ-tát nên diệt trừ, chính là một pháp ấy.

Này thiện nam! Các pháp đã nói ở trên, Đại Bồ-tát phải nên trừ diệt.

Này thiện nam! Ông hỏi ta, có pháp nào Đại Bồ-tát nên giữ gìn. Vậy nay, ta trình bày về pháp đó.

Này thiện nam! Có một pháp Đại Bồ-tát nên giữ gìn; đó là những gì mình không muốn, thì đừng khuyến khích người khác. Đó là một pháp mà Đại Bồ-tát nên giữ gìn. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát giữ gìn pháp này, tức là giữ gìn tất cả giới tạng của chư Phật Như Lai. Như các Bồ-tát đã tiếc thân mạng nên không giết hại ai. Người quý của cải thì không trộm cắp của ai. Người yêu thương vợ mình thì không làm tổn hại vợ người khác. Người trân trọng lời nói chân thật, thì sẽ không làm cuồng loạn người khác. Người thích sự hòa hợp thì không ly gián bất cứ ai. Người luôn ngay thẳng, thì không muốn sự quanh co. Người sống nhỏ nhẹ êm diệu, thì không thể thô bạo, ác độc. Người biết cách dè chừng, thì không sinh tham dục đối với người khác. Người thích lòng nhân từ khoan dung, thì không sân giận với ai. Người luôn nhận biết đúng đắn thì không dạy người khác hiểu biết sai lầm.

Này thiện nam! Như vậy Bồ-tát sẽ phát ý nói rằng: “Nay con kính thuận chánh giáo của Như Lai nên sẽ đem lòng siêng năng giữ gìn pháp này”. Đó gọi là, Đại Bồ-tát giữ gìn một pháp.

Này thiện nam! Ta thấy các Bồ-tát này, muốn cầu đại Bồ-đề vô thượng đều vì ham muốn Bồ-đề, chứ không phải vì khổ sở mà cầu!

Này thiện nam! Vì thế ta nói: “Những gì mình không muốn thì chơ khuyến khích người khác”. Các pháp như vậy, Đại Bồ-tát nên giữ gìn.

Lúc đó, Bồ-tát Thắng Tư Duy lại bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những pháp nào mà Như Lai có thể được chứng và rõ biết? Cúi xin vì con, trình bày nghĩa đó.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Không có một pháp nào để Như Lai giác ngộ, Như Lai chứng đắc. Vì sao? Vì trong các pháp, không có giác ngộ, không có chứng đắc. Đó chính là pháp Như Lai chứng đắc giác ngộ.

Này thiện nam! Tất cả các pháp Như Lai giác ngộ chứng đắc, vốn không có pháp. Tất cả các pháp Như Lai giác ngộ chứng đắc, vốn không có diệt. Tất cả các pháp Như Lai giác ngộ chứng đắc, tánh lìa hai bên. Tất cả các pháp Như Lai giác ngộ chứng đắc, vốn không thật có.

Lại nữa, này thiện nam! Tất cả các pháp đều từ sức tự nghiệp nhân duyên mà sinh khởi, nhưng nhân duyên đó trong từng niệm lại không trụ, giống như ánh sáng điện chớp. Nghiệp duyên Như Lai giác ngộ chứng đắc là như vậy. Thế nên ta nói, do nhân duyên, nên các pháp sinh khởi; do nhân duyên, nên các pháp diệt. Nếu lìa nhân duyên thì không có nghiệp báo. Như Lai rõ biết các việc như vậy.

Này thiện nam! Giác ngộ được tánh của các pháp như vậy, gọi là kho tàng phóng ánh sáng chiếu khắp tất cả.

Này thiện nam! Cớ gì pháp tánh gọi là tạng? Vì trí của các chúng sinh ở thế gian và xuất thế gian đều nương vào tạng này mà được sinh. Như dùng thật trí, quán pháp tánh ấy; trí nương vào đó mà sinh, cho nên gọi là tạng.

Lại nữa, này thiện nam! Ta cũng nói, tất cả các pháp đều như huyễn, như sóng nắng, như bóng trăng in nước. Những việc như vậy Như Lai đều giác ngộ chứng đắc.

Lại nữa, này thiện nam! Tánh tướng của các pháp, đều một vị giải thoát. Các việc như vậy Như Lai đều giác ngộ chứng đắc.

Này thiện nam! Pháp tánh một vị giải thoát như vậy, gọi là kho tàng phóng ánh sáng chiếu khắp tất cả.

Lại nữa, này thiện nam! Lại có một pháp, mà Như Lai giác ngộ chứng đắc. Một pháp đó là những gì? Là các pháp không sinh, không mất, không thêm, không bớt, không đến, không đi, không lấy, không bỏ, không nhân, không duyên. Các pháp như vậy, Như Lai đã giác ngộ, chứng đắc.

Lại nữa, này thiện nam! Như Lai biết rõ: Tất cả các pháp, không có tự tánh, không thể thí dụ, không có chữ nghĩa để giảng nói. Như Lai giác ngộ chứng đắc pháp như vậy.

Này thiện nam! Các pháp như trên đã nói, đều là pháp, mà Như Lai đã giác ngộ chứng đắc.

Lúc Đức Phật nói về pháp “Kho tàng vô tự phóng ánh sáng chiếu khắp tất cả”, có các Bồ-tát nhiều như số vi trần, được trụ vào Địa thứ mười. Lại còn có vô lượng các Bồ-tát trụ ở các Địa. Lại có vô lượng các Bồ-tát chứng đắc trăm ngàn các đại Tam-muội. Lại có vô lượng chúng sinh nhiều như số vi trần, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có vô lượng, vô biên chúng sinh chứng quả Ala-hán. Lại có vô lượng, vô biên chúng sinh, thoát khỏi mọi khổ não ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, được sinh vào cõi trời, cõi người hưởng những an vui tốt đẹp. Các chúng trong hội đều không quên mất, không bỏ qua một người nào cả.

Lúc đó, Đức Phật bảo La-hầu-la:

–Này thiện nam! Pháp quan trọng của ta, ông nên nhận giữ gìn.

Đồng thời trong hội, có chín mươi ức Đại Bồ-tát, nghe lời này rồi, nương vào thần lực của Đức Phật, bạch với Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện ở cõi Ta-bà, vào thời điểm cuối cùng, nếu có kẻ tự nguyện nhận lãnh làm pháp khí, vì chúng sinh ấy, con xin được nói rõ kinh này, cúi xin Thế Tôn chớ cho đó là hư dối.

Lúc đó, Tứ Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đời đương lai, nếu có thiện nam, thiện nữ nào, nhận gìn giữ kinh điển này, con sẽ ủng hộ và có mong cầu điều gì, cũng đều được mãn nguyện. Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ này có khả năng thọ trì kinh này thì đã là Pháp khí.

Thấy chín mươi ức các Bồ-tát và Tứ Thiên vương thưa thỉnh như vậy rồi, Đức Thế Tôn liền bảo:

–Này thiện nam! Ta đã nói pháp môn “Kho tàng vô tự phóng ánh sáng chiếu khắp tất cả”. Từ khi ta thành Phật đến nay, chưa từng diễn nói; nay vì các ông mới diễn nói.

Này thiện nam! Đời vị lai, nếu các chúng sinh nào, được nghe pháp môn hiếm có này, thì nên biết người này, từ lâu, đã thành tựu được phước tuệ vô lượng; nên biết, người này thực sự đã hầu hạ cúng dường ta; nên biết, người này gánh vác đại Bồ-đề của Phật; nên biết người này nhất định sẽ thành tựu biện tài; nên biết, người này nhất định sẽ được cõi Phật trong sạch; nên biết, người này khi sắp chết nhất định được thấy Đức Phật A-di-đà, Bồ-tát và đại chúng vây quanh; nên biết, người này cũng luôn thấy thân ta tại núi Linh thứu và thấy các chúng Bồ-tát; nên biết, người này đã được Pháp tạng không cùng; nên biết, người này được Trí túc mạng; nên biết, người này không đọa vào đường ác.

Lại nữa, này thiện nam! Nay ta nói pháp chưa từng có này; đời đương lai, nếu có thiện nam, thiện nữ nào, tạo năm tội nghịch lớn hễ nghe pháp môn này; hoặc ghi chép, đọc tụng, giải thích, trình bày; hoặc khuyến khích người khác ghi chép, đọc tụng, gìn giữ và giải thích, trình bày; thì ta cho rằng, người này không đọa đường ác; các tai ương bởi phiền não và nghiệp báo của người này đều sẽ được trong sạch; đương lai, người này sẽ được năm nhãn; người này nhất định được tất cả chư Phật cùng quán đảnh; người này được chư Phật Thế Tôn và các Bồ-tát nhớ bảo vệ; đương lai, người này dù sinh bất cứ chỗ nào, cũng đầy đủ các căn, không có khiếm khuyết.

Đức Phật nói kinh này xong, Đại Bồ-tát Thắng Tư Duy và các Tỳ-kheo, Trời, Rồng, tám Bộ chúng nghe Phật dạy, đều rất hoan hỷ, tin nhận thờ phụng tu hành.