KINH ĐẠI THỪA BÁCH PHƯỚC TƯỚNG

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Địa-bà-ha-la, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, tại cung Phổ diệu trong nước Xá-vệ, Đức Thế Tôn đang ngồi trên tòa Sư tử báu trang nghiêm cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo vây quanh, cùng vô ương số chúng Đại Bồ-tát cung kính chiêm ngưỡng tôn nhan, thân tâm không lay động.

Bấy giờ, nương nhờ oai thần của Phật, ở giữa đại chúng, Bồtát Văn-thù-sư-lợi đứng dậy, trịch áo vai phải, gối phải chạm đất, chắp tay hướng Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Căn tánh của tất cả chúng sinh sai khác, dục lạc không đồng, một âm Như Lai tùy theo họ mà diễn nói, hết thảy mọi loài đều hưởng lợi ích. Đại pháp ngôn âm nói ra như vậy đều nhờ phước đức của Như Lai mà thành tựu. Vậy những gì gọi là phước đức của Như Lai? Lượng phước đức ấy là bao nhiêu? Cúi xin Như Lai hãy vì con giải thích nghĩa này, để làm lợi ích cho vô số trăm ngàn chúng sinh?

Khi ấy, Đức Như Lai bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Này thiện nam! Do đã vượt qua hàng Thanh văn, Bích-chiphật, nên ông mới có thể dùng đại tuệ đại Bi thỉnh hỏi Như Lai nghĩa lý như thế. Vậy ông hãy lắng nghe và suy nghĩ cho khéo, ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói. Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, nhóm lại hết thảy phước đức do hành mười thiện của tất cả chúng sinh trong cõi Diêmphù-đề làm một, nhân lên cả trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị Chuyển luân thánh vương.

Này Văn-thù-sư-lợi! Chuyển luân thánh vương thành tựu bảy báu, có đầy đủ ngàn con. Bảy báu là gì? Đó là: 1. Vòng vàng báu. 2. Voi báu. 3. Ngựa báu. 4. Châu báu. 5. Nữ báu. 6. Chủ tạng báu. 7. Chủ binh báu. Ngàn đứa con đều đoan nghiêm, tráng kiện, có thể hàng phục oán địch. Đó gọi là phước đức của vị Chuyển luân thánh vương.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, tất cả chúng sinh trong bốn thiên hạ đều thành tựu hết thảy phước đức của Chuyển luân thánh vương, nhân lên trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị Đế Thích.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, tất cả chúng sinh trong bốn thiên hạ đều thành tựu mọi phước đức của Đế Thích, nhân lên trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị trời Tha hóa tự tại thứ sáu.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, tất cả chúng sinh trong bốn thiên hạ đều thành tựu mọi phước đức của ma vương, nhân lên trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị Tiểu thiên thế giới chủ Sơ thiền Phạm vương.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, tất cả chúng sinh trong tiểu thiên thế giới đều thành tựu mọi phước đức của Phạm vương Sơ thiền, nhân lên trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị Trung thiên thế giới chủ Nhị thiền Phạm vương.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, tất cả chúng sinh trong Trung thiên thế giới đều thành tựu phước đức của Nhị thiền Phạm vương, nhân lên trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị Tam thiên đại thiên thế giới chủ đệ Tứ thiền Phạm vương Ma-hê-thủ-la.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ma-hê-thủ-la có phước đức lớn, có trí tuệ lớn, có oai thần lớn, chẳng phải chút ít thiện căn mà thành tựu được. Vì sao? Vì vào thời hoại kiếp đến, từ cõi Tứ thiền đổ một cơn mưa đúng thời rất lớn, suốt năm mươi kiếp, lượng nước tích lại đầy cả Tam thiên đại thiên, lên đến Phạm thế, mỗi một giọt nước, Ma-hê-thủ-la thảy đều biết cả.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử, tất cả chúng sinh trong Tam thiên đại thiên thế giới đều thành tựu mọi phước đức của Ma-hê-thủ-la, nhân lên trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị Độc xuất Bích-chi.

Này Văn-thù-sư-lợi! Hãy an trí ba ngàn thế giới là như vậy, còn giả sử, tất cả chúng sinh trong cõi nước của mười phương chư Phật đều thành tựu mọi phước đức của Bích-chi, nhân lên cho đến vô lượng, vô biên ức trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức của một vị thân sau cùng của Bồ-tát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Thân sau cùng của Bồ-tát như vậy và tất cả chúng sinh trong mười phương tận hư không giới, bao gồm: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng, thảy đều thành tựu mọi phước đức của vị thân sau cùng của Bồ-tát. Nhân số phước đức ấy lên cho đến số vô lượng, vô biên ức trăm ngàn lần như vậy thì thành lượng phước đức trong một lỗ chân lông trên thân của Như Lai.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông nên biết, các lỗ chân lông trên thân Như Lai chính xác có đến chín mươi chín ức, mỗi lỗ đều đủ vô lượng phước đức như trên ta đã trình bày.

Này Văn-thù-sư-lợi! Mọi phước đức trong mỗi lỗ chân lông trên thân chư Phật Như Lai có chừng ấy phước đức cho đến nhân lên vô lượng, vô biên ức trăm ngàn lần, do đó, thân Như Lai được hình thành chỉ thuần phước đức. Này Văn-thù-sư-lợi! Mọi điều tốt trên thân Phật như vậy lược nói có tám mươi loại. Những gì là tám mươi?

  1. Nhục kế lộ cao, đỉnh không thể thấy.
  2. Mũi cao dài thẳng, lỗ mũi không hếch.
  3. Mày như trăng mới mọc, màu sắc xanh biếc.
  4. Trái tai thòng xuống.
  5. Thân vững chắc như Na-la-diên.
  6. Xương khớp nối nhau như móc câu liêm.
  7. Khi đi bàn chân cách đất bốn tấc, ấn văn thành tựu.
  8. Thân như tượng vương.
  9. Móng tay, chân như đồng đỏ, mỏng mà bóng loáng.
  10. Xương đầu gối tròn đẹp.
  11. Thân luôn tinh sạch.
  12. Da dẻ mịn màng.
  13. Thân thể ngay ngắn.
  14. Ngón tay thon dài.
  15. Hoa văn chỉ tay đẹp đẽ.
  16. Gân mạch tiềm ẩn.
  17. Sắc thân thanh nhã.
  18. Mắt cá không lộ.
  19. Thân không xiêu vẹo.
  20. Cơ thể tròn đầy.
  21. Thức tâm thanh tịnh.
  22. Oai nghi đầy đủ.
  23. Đi đứng an ổn, không có lay động.
  24. Oai chấn khắp cả.
  25. Mọi loài ưa thấy.
  26. Mặt không hẹp dài.
  27. Dung mạo nhan sắc không bị nhiễu loạn.
  28. Tướng mặt rộng đẹp.
  29. Môi như quả Tần-bà.
  30.  Âm thanh thâm viễn.
  31. Rốn sâu tròn đẹp.
  32. Rốn uốn sang phải.
  33. Tay chân tròn trịa.
  34. Tay chân hành động theo tâm.
  35. Đường chỉ tay chân rõ ràng.
  36. Đường chỉ tay chân không đứt đoạn.
  37. Ánh sáng tay chân có năm màu.
  38. Mọi loài nhìn thấy đều vui thích.
  39. Khuôn mặt như trăng rằm.
  40. Nghĩ trước nói sau.
  41. Lỗ chân lông phát ra hương vô thượng.
  42. Bàn chân bằng phẳng.
  43. Dáng vẻ như Sư tử vương.
  44. Tới lui như Tượng vương.
  45. Bước đi như Nga vương.
  46. Đầu như Ma-đà-na.
  47. Thân thể rất đoan nghiêm.
  48. Mọi âm thanh đầy đủ.
  49. Màu răng trắng sạch.
  50. Màu lưỡi như đồng đỏ.
  51. Lưỡi mỏng mà dài.
  52. Các căn thanh tịnh.
  53. Sắc thân sáng trong.
  54. Tay chân mịn màng.
  55. Tay chân có đức tướng.
  56. Diện môn tướng đầy đủ.
  57. Lòng bàn tay, chân như hoa sen hồng.
  58. Bụng không nổi lên.
  59. Rốn không lồi.
  60. Eo nhỏ vừa vặn.
  61. Lông trên thân đẹp lướt theo một chiều.
  62. Thân giữ gìn cẩn trọng.
  63. Trên ngực có dáng như Thất-lợi-bà-sai.
  64. Thân thể to lớn.
  65. Tay chân mềm mại.
  66. Viên quang một tầm.
  67. Ánh sáng thân thường tỏa chiếu.
  68. Xem chúng sinh như nhau.
  69. Không xem thường chúng sinh.
  70. Âm thanh hợp với mọi loài không tăng không giảm.
  71. Không vướng mắc vào lời thuyết pháp.
  72. Một âm biến khắp, đồng với ngôn ngữ của mọi loài.
  73. Có nhân duyên mới thuyết pháp.
  74. Hết thảy chúng sinh không thể thấy hết.
  75. Bước đi thuận chiều phải.
  76. Không có trạng thái tức giận.
  77. Tóc dài đẹp.
  78. Tóc không rối.
  79. Tóc xoay bên phải.
  80. Tóc xanh biếc.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như đã trình bày ở trên, nên gọi là tướng tốt phước đức Như Lai, nhân lên với số vô lượng, vô biên ức trăm ngàn lần thì thành Như Lai thân tùy theo mỗi tướng mà có đủ cả lượng công đức như vậy. Tướng phụ lại có tám mươi. Những gì là tám mươi?

  1. Dạng Phạm vương.
  2. Dạng Đế Thích.
  3. Dạng Đề-đầu-lại-tra.
  4. Dạng Tỳ-lâu-lặc-xoa.
  5. Dạng Tỳ-lâu-bác-xoa.
  6. Dạng Tỳ-sa-môn.
  7.  Dạng Thủy thiên.
  8. Dạng Nhật thiên.
  9. Dạng Nguyệt thiên.
  10. Dạng Hỏa thiên.
  11. Dạng Phong thiên.
  12. Dạng Long vương.
  13. Tiên nhân.
  14. Đồng nam.
  15. Đồng nữ.
  16. Hiền thánh tòa.
  17. Cờ báu.
  18. Ngưu vương.
  19. Công đức Thiên nữ.
  20. Sơn vương.
  21. Ma-kiệt đại ngư.
  22. Kim sí điểu vương.
  23. Bưu vương.
  24. Mã vương.
  25. Khổng tước vương.
  26. Cộng mạng điểu.
  27. Ca-lăng-tần-già.
  28. Phỉ thúy.
  29. Anh võ.
  30. Chích-câu-la điểu.
  31. Nga vương.
  32. Cưu cáp.
  33. Tượng vương.
  34. Cung điện.
  35. Ma-ni châu.
  36. Anh lạc.
  37. Đại hải.
  38. Hoa sen.
  39. Nan-đà-bạt-đa.
  40. Dục trì.
  41. Linh mao.
  42. Tát-để-ca.
  43. Hoa man.
  44. Bảo quan.
  45. Thi-lợi-bà-sai.
  46. Suất cái.
  47. Giang hà.
  48. Vân thiên.
  49. Bảo kiếm.
  50. Tường câu.
  51. Cây Tần-bà quả.
  52. Nhẫn tay.
  53. Ngọc châu đeo tai.
  54. Chùy Kim cang.
  55. Giáo, kích.
  56. Mâu giáo.
  57. Đao dài.
  58. Đấu luân.
  59. Cung tên.
  60. Búa rìu.
  61. Quyến tố.
  62. Cày, lưỡi cày.
  63. Dược thảo.
  64. Bê con.
  65. Trâu hoang.
  66. Dê đen.
  67. Bạch phất.
  68. Trống trời.
  69. Cái vồ vàng.
  70. Thương khư.
  71. Gương báu.
  72. Rùa lớn.
  73. Xung nhận.
  74. Bình hoa.
  75. Phấn mễ (bột gạo).
  76. Cây hoa.
  77. Cây quả.
  78. Nhạn vương.
  79. Luân trung sư tử.
  80. Lộc vương.

Này Văn-thù-sư-lợi! Những điều như đã trình bày ở trên gọi là tướng tốt phước đức của Như Lai, nhân lên đủ vô lượng, vô biên ức trăm ngàn lần như vậy thì hợp thành một tướng của thân Như Lai.

Thân tướng Như Lai có ba mươi hai tướng quý. Những gì là ba mươi hai?

  1. Lòng bàn chân bằng phẳng.
  2. Tay chân có thiên bức luân võng.
  3. Ngón tay chân thon dài.
  4. Tay chân mềm mại như Đâu-la-miên.
  5. Gót chân đầy đặn đẹp đẽ.
  6. Ngón tay chân có màn giăng.
  7. Mu bàn chân cao bằng tương ưng với gót chân.
  8. Bụng thon như nai chúa.
  9. Thân đứng ngay ngắn, tay duỗi quá gối.
  10. Âm tàng không hiện.
  11. Thân thể cân đối như cây Ni-câu-đà.
  12. Trong một lỗ chân lông có một sợi lông khác mọc.
  13. Lông trên thân thuận theo một chiều, màu xanh mềm mại, xoay theo chiều phải.
  14. Sắc thân vi diệu hơn vàng của cõi Diêm-phù.
  15. Ánh sáng nơi thân tỏa ra một trượng.
  16. Da mỏng, mịn, láng, không bị bụi bám.
  17. Hai vai tròn đẹp.
  18. Thân rộng đoan nghiêm.
  19. Ngực như sư tử vương.
  20. Hai nách đầy đặn.
  21. Răng trắng, to.
  22. Bốn mươi cái răng.
  23. Răng trắng, bằng, khít, chân răng sâu.
  24. Bảy nơi đầy đặn.
  25. Trán vuông như sư tử vương
  26. Trong mùi vị được thượng vị, hai bên trong cổ họng nước miếng luôn tiết ra.
  27. Lưỡi mềm mỏng có thể che cả mặt đến mé tóc.
  28. Phạm âm sâu xa như Ca-lăng-già.
  29. Mắt như hoa Ưu-bát-la.
  30. Lông mi như ngưu vương.
  31. Màu sắc bạch hào giữa hai chân mày như ngọc kha, như tuyết.
  32. Đỉnh đầu do thịt xương hình thành.

Này Văn-thù-sư-lợi! Những điều như ta đã trình bày ở trên gọi là ba mươi hai tướng quý của Như Lai, do mọi phước đức nhóm lại đầy đủ. Nhân lên gấp cả vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ không thể đo lường, không thể nghĩ bàn, không thể nói thì hợp thành Như Lai đại pháp ngôn âm.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đại pháp ngôn âm của chư Phật như vậy tùy ý muốn sai khác của tất cả chúng sinh trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới mà thuyết pháp giáo hóa.

Này Văn-thù-sư-lợi! Mọi ngôn âm của chư Phật Như Lai đầy đủ vô lượng công đức như thế nào thì sự biến khắp thế giới, làm lợi ích cho chúng sinh cũng lại như vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như trên đã trình bày, cái lượng phước đức không thể nghĩ bàn, hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh bằng. Vì sao? Vì phước đức này là do các công đức từ việc hành giới, tu đại Bi, đại tuệ phương tiện lực mà sinh ra, do đó, hàng Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh bằng là vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Có hai pháp sinh thân Như Lai. Những gì là hai?

  1. Thắng nguyện lực.
  2. Phương tiện lực.

Do hai pháp này mà sinh thân Như Lai. Cho đến âm thanh, tướng tốt thuyết pháp, những việc làm đều từ hai pháp này làm nhân mà được thành tựu.

Này Văn-thù-sư-lợi! Mọi căn tánh, mọi ham muốn của chúng sinh không giống nhau, vì thương xót muốn làm lợi ích khiến cho họ được an lạc, Như Lai mới xuất hiện ở đời. Tùy theo sự sai biệt của họ mà hiện các tướng, thuyết pháp giáo hóa, nêu ra những việc làm khiến họ được nhập vào Phật pháp.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi sau khi nghe Phật nói về các công đức, liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, con được sự lợi ích tốt đẹp lớn lao, có khả năng biết được Như Lai là bậc không ai sánh bằng, là bậc làm y chỉ cho mọi chúng sinh, thanh tịnh không nhiễm, giống như hư không. Nay gặp được như vậy con thật lấy làm hy hữu!

Sau khi Phật nói kinh xong, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng chúng Tỳ-kheo chắp tay tin tưởng thọ trì và vui vẻ phụng hành.