PHẬT NÓI KINH ĐẠI TẬP PHÁP MÔN
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN I

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ-kheo tập hợp du hành đến thành Mạt-lợi. Khi ấy, ở trong thành này có một vị Ưu-bà-tắc tín tâm thanh tịnh, cũng có tên là Mạt-lợi. Ông ta ở trong thành xây dựng một ngôi nhà mới, dùng các vật tốt đẹp để tôn tạo trang hoàng, rất rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh. Trước đó chưa có vị Samôn,

Bà-la-môn nào dừng nghỉ trong ngôi nhà này. Lúc ấy Ưu-bà- tắc Mạt-lợi nghe Đức Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo du hóa đến đây, trong lòng hoan hỷ, liền đi đến chỗ Phật. Khi đến nơi, ông cúi đầu mặt lạy ngang chân Đức Phật, đảnh lễ xong chắp tay, lui ngồi qua một bên, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con là Ưu-bà-tắc Mạt-lợi. Đối với Đức Thế Tôn con có lòng tin thanh tịnh. Ở trong thành này con vừa xây dựng một ngôi nhà mới, rất yên tĩnh, thoáng mát rộng rãi. Ngôi nhà này trước đây chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào được mời nghỉ ở trong đó. Nay con xin cung thỉnh Đức Phật và chúng Tỳ-kheo đến nghỉ trong nhà con. Cúi mong Đức Thế Tôn thương xót, chấp nhận lời thỉnh cầu này của con. Lúc ấy Đức Thế Tôn chấp nhận bằng cách im lặng. Ưu-bà-tắc Mạt-lợi biết Phật đã chấp nhận lời thỉnh bằng cách im lặng, nên cúi đầu mặt đảnh lễ ngang chân Đức Thế Tôn, đi nhiễu theo phía phải ba vòng, từ giã Phật và chúng hội trở về nhà, sửa soạn, bố trí sau trước cho ngôi nhà thêm phần trang nghiêm, dùng nước thơm rưới khắp trên đất, trong ngoài đều thanh tịnh. Sau khi đã trang hoàng ngôi nhà nghiêm tịnh xong, ông trở lại chỗ Phật, đảnh lễ ngang chân

Đức Thế Tôn, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, ngôi nhà mới làm, con đã dùng nước thơm rưới khắp trên đất, trong ngoài đều thanh tịnh. Mong Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo, nay chính phải lúc đến trụ trong nhà mới của con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn được đại chúng Tỳ-kheo cung kính vây quanh, đi đến ngôi nhà mới xây dựng của Ưu-bà-tắc Mạt-lợi. Khi đến nơi, trước tiên Phật rửa chân, rồi mới bước vào nhà. Vào bên trong Ngài đi quanh, quan sát khắp nơi rồi đến giữa nhà, ung dung an tọa.

Các thầy Tỳ-kheo cũng đều rửa chân, theo thứ tự đi vào nhà, lễ ngang chân Đức Phật, ngồi thứ tự phía sau Ngài. Ưu-bà-tắc Mạt-lợi theo sau đi đến, lễ ngang chân Đức Thế Tôn, chắp tay cung kính đảnh lễ tất cả các thầy Tỳ-kheo, rồi mới đến trước Phật, ngồi sang một bên.

Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng những lời khuyến khích an ủi, dạy dỗ Ưu-bà-tắc Mạt-lợi, rồi liền theo chỗ mong cầu của ông mà giảng nói pháp cần thiết, chỉ dạy những điều lợi ích, an vui. Ưu-bà-tắc Mạt-lợi nghe pháp hoan hỷ, trong lòng sanh niềm tin thanh tịnh. Đức Thế Tôn đã vì vị Ưu-bà-tắc ấy giảng nói pháp thích hợp, chỉ dạy điều lợi ích, an vui như thế. Đã quá nửa đêm, Phật liền bảo:

–Này Mạt-lợi, đã quá nửa đêm, ông nên tự biết về giờ giấc.

Khi ấy Ưu-bà-tắc Mạt-lợi nghe Đức Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Đức Thế Tôn, chắp tay cung kính đảnh lễ tất cả các thầy Tỳ-kheo, đi quanh Phật ba vòng, rồi rời khỏi chúng hội của Phật.

Đức Thế Tôn thấy Ưu-bà-tắc Mạt-lợi ra khỏi chúng hội chưa bao lâu, liền nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Đại chúng Tỳ-kheo Thanh văn này của Ta đã lìa bỏ sự ham ngủ nghỉ, đều là hàng thanh tịnh lìa mọi phiền não. Nếu các thầy Tỳ-kheo ưa thích nghe nói pháp, thì thầy nên tùy chỗ mong cầu mà giảng nói, để họ theo đó đạt được lợi ích, không nên dừng nghỉ.

Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng vâng lời Phật dạy. Bấy giờ Đức Thế Tôn liền dùng y Tăng-già-lê xếp làm bốn lớp trải lên tòa sư tử, nghiêng hông bên phải, xếp hai chân nằm một cách an lành. Phật nghỉ chưa bao lâu. Lúc ấy, ở chỗ khác có chúng ngoại đạo Ni-càn-đà-nhã-đề Tử… đối với các vị Tỳ-kheo Thanh văn hay sanh tâm khinh khi phỉ báng, muốn phá hoại, gây tranh cãi, nói lời phi pháp, dùng vô số cách để phỉ báng, nói như thế này:

–Pháp mà ta hiểu biết, các vị Thanh văn không thể biết rõ. Các ngươi có pháp gì ta đều hiểu biết như thật. Tà hạnh là ngươi, chánh hạnh là ta. Có lợi ích là ta, không có lợi ích là ngươi. Pháp ngươi nói ra lời trước dẫu đúng, lời sau liền sai; lời sau nếu đúng, lời trước lại sai, mà cũng không thể giảng nói pháp đạt được lợi ích như tiếng rống lớn của sư tử.

Lúc ấy nhóm Ni-càn-đà-nhã-đề Tử… muốn tạo nhân duyên để tranh cãi lớn, nên khi phát ra các lời nói phỉ báng như thế họ đều nhìn mặt nhau trông rất hung ác. Lại còn nói rằng:

–Các thầy Tỳ-kheo Thanh văn sắc tướng oai nghi mà không vắng lặng, không thể lìa tham, chưa được giải thoát, không thể thấy pháp, không thể khéo biết con đường xuất ly, không thể hướng đến việc chứng đắc Thánh quả. Pháp tu tập ấy chẳng phải là do Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác nói.

Họ phát ra những lời phỉ báng như vậy là nhằm gây việc tranh cãi chống đối.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất biết được việc ấy, liền tự nghĩ:

“Đức Như Lai nằm nghỉ chưa bao lâu, không nên vì việc này mà thưa với Đức Thế Tôn”. Nghĩ như thế rồi Tôn giả nói với các Tỳ-kheo:

–Các thầy nên biết. Ở chỗ khác kia có nhóm ngoại đạo Ni-càn- đà-nhã-đề Tử… đối với các Tỳ-kheo Thanh văn thường sanh tâm khinh khi phỉ báng, muốn phá hoại, muốn cùng gây tranh cãi chống đối, nói lời phi pháp, dùng vô số cách để phỉ báng. Họ nói: “Pháp mà ta biết, các vị Thanh văn không thể biết rõ. Ngươi biết pháp gì, ta đều rõ biết như thực. Tà hạnh là ngươi, chánh hạnh là ta. Có lợi ích là ta, không lợi ích là ngươi. Ngươi nói pháp, lời trước dẫu đúng, lời sau liền sai. Lời sau nếu đúng, lời trước lại sai, mà cũng không thể giảng nói pháp đạt lợi ích như tiếng rống lớn của sư tử”. Này các Tỳ-kheo, nhóm Ni-càn-đà-nhã-đề Tử kia… muốn tạo ra nhân duyên để tranh cãi chống đối, khi phát ra những lời phỉ báng như vậy họ đều nhìn nhau, mặt mày trông rất hung ác. Lại còn nói rằng: “Các hàng Tỳ-kheo Thanh văn sắc tướng tuy oai nghi mà không được vắng lặng, không thể lìa bỏ tham, chưa được giải thoát, không thể thấy pháp, không thể khéo biết con đường xuất ly, không thể hướng đến việc chứng đắc Thánh quả. Pháp tu tập ấy chẳng phải là do Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác nói”. Phát ra những lời phỉ báng như vậy để nhằm gây việc tranh cãi chống đối.

Này các Tỳ-kheo, các thầy nên biết, đại chúng Thanh văn của chúng ta đều là những người tâm đã được lìa dục, thanh tịnh, hiện tại chứng đắc các pháp, khéo biết rõ các con đường xuất ly, tất cả đã được chứng đắc Thánh quả. Các Thanh văn chúng ta đối với pháp tu tập mỗi mỗi đều là do Bậc Đại Sư Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác thân hành giảng dạy, tất cả đều chân thật mà không hư dối. Này các Tỳ-kheo, nên biết pháp do Phật giảng dạy gồm có: Khế kinh, Kỳ dạ, Ký biệt, Già-đà (tự thuyết), Bổn sự, Bổn sanh, Duyên khởi (thí dụ), Phương quảng, Hy pháp (vị tằng hữu), Luận nghị. Các pháp như vậy là do Đức Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì tất cả chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến các chúng sanh tu tập đúng theo điều đã nêu giảng, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho các hàng trời, người trong khắp thế gian.

Lại nữa, các thầy Tỳ-kheo nên biết, có một pháp do Phật giảng nói, đó là tất cả chúng sanh đều nương thức ăn mà tồn tại, đây là một pháp. Các pháp như vậy là do Đức Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh, giảng nói đúng như lý, khiến chúng sanh theo đúng như lời dạy tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho trời, người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có hai pháp do Đức Phật giảng nói, đó là danh và sắc. Những pháp như vậy là do Đức Phật có lòng từ bi luôn thương xót, rộng vì các chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến chúng sanh theo đúng như lời dạy tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho trời, người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có ba nghiệp do Phật giảng dạy. Đó là thân nghiệp,  ngữ nghiệp và ý nghiệp. Nơi ba nghiệp này, lại có hai loại là thiện và ác. Thế nào là thiện? Nghĩa là thân làm việc thiện, miệng nói điều thiện, ý nghĩ việc thiện. Thế nào gọi là ác? Nghĩa là thân tạo nghiệp ác, miệng nói điều ác, ý tạo nghiệp ác.

Lại nữa, có ba điều tư duy không thiện, do Phật giảng nói tư duy về tham dục, tư duy về sân hận và tư duy vềsự tổn hại.

Lại nữa, có ba điều tư duy thiện do Đức Phật giảng nói là tư duy lìa dục, tư duy không sân hận và tư duy không gây tổn hại. Có ba điều không phải là căn bản của thiện do Phật giảng nói là tham chẳng phải là căn bản của thiện, sân chẳng phải là căn bản của thiện và si chẳng phải là căn bản của thiện.

Có ba điều là căn bản của thiện do Đức Phật giảng nói là không tham là căn bản của thiện, không sân là căn bản của thiện và không si là căn bản của thiện. Có ba lậu do Đức Phật giảng nói là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Lại có ba điều mong cầu do Đức Phật giảng nói là mong cầu về dục, mong cầu về hữu và mong cầu về phạm hạnh.

Có ba ái do Đức Phật giảng nói là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

Có ba cõi do Đức Phật giảng nói là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Có ba cảnh giới không thiện do Đức Phật giảng nói là cảnh giới nhiễm dục, cảnh giới sân hận và cảnh giới tổn hại.

Có ba cảnh giới thiện do Đức Phật giảng nói là cảnh giới không tham dục, cảnh giới không sân hận và cảnh giới không tổn hại.

Có ba hữu do Phật giảng nói là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Có ba tụ do Phật giảng nói là tà định tụ, chánh định tụ và bất định tụ.

Có ba thọ do Phật giảng nói là lạc thọ, khổ thọ và chẳng phải khổ lạc thọ (xả thọ).

Có ba khổ do Phật giảng nói là luân hồi khổ, khổ khổ và hoại khổ.

Có ba loại ham muốn sanh, do Phật giảng nói là ham muốn sanh ở cõi Dục, ham muốn sanh ở cõi Hóa lạc và ham muốn sanh ở  cõi Tha hóa tự tại.

Có ba loại ưa thích sanh do Phật giảng nói là:

–Có hữu tình sanh ra, sanh rồi thọ vui, như trong loài người. Đó gọi là loại ưa thích sanh thứ nhất.

–Lại có chúng sanh hưởng thọ hỷ lạc lâu dài, vui này rất lớn, an lạc thích thú, như cõi trời Quang âm. Đó gọi là chỗ ưa thích sanh thứ hai.

–Lại có chúng sanh, cho đến trọn đời thọ đủ mọi sự diệu lạc, như cõi trời Biến tịnh. Đó gọi là chỗ ưa thích sanh thứ ba.

Có ba việc phước đem lại sự thành tựu cho tuệ hạnh, do Phật giảng nói là bố thí trang nghiêm nên tuệ hạnh được thành tựu, trì giới trang nghiêm nên tuệ hạnh được thành tựu và thiền định trang nghiêm nên tuệ hạnh được thành tựu.

Có ba thứ Tam-ma-địa do Phật giảng nói là Tam-ma-địa có tầm, có tứ, Tam-ma-địa không có tầm, chỉ có tứ và Tam-ma-địa không tầm, không tứ.

Có ba thứ Tam-ma-địa do Phật giảng nói là Tam-ma-địa không giải thoát, Tam-ma-địa vô nguyện giải thoát và Tam-ma-địa vô tướng giải thoát.

Có ba chỗ an trú do Phật giảng nói là Thiên trú, Phạm trú và Thánh trú.

Có ba căn do Phật giảng nói là căn chưa biết nên biết, căn đã biết và căn biết đầy đủ.

Có ba điều tăng thượng do Phật giảng nói là thế tăng thượng, pháp tăng thượng và ngã tăng thượng.

Có ba đời các Đức Phật do Phật giảng nói là chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai và chư Phật hiện tại.

Có ba việc đáng nói do Phật giảng nói là việc quá khứ đáng nói, việc vị lai đáng nói và việc hiện tại đáng nói.

Có ba loại mắt do Phật giảng nói là Nhục nhãn, Thiên nhãn và Tuệ nhãn.

Có ba loại minh do Phật giảng nói là Túc mạng trí minh, Chúng sanh sanh diệt trí minh và Lậu tận trí minh.

Có ba loại thông do Phật giảng nói là thần cảnh thông, thuyết pháp thông và giáo giới thông.

Có ba điều bất tịnh do Phật giảng nói là thân bất tịnh, ngữ bất tịnh, tâm bất tịnh.

Có ba điều thanh tịnh do Phật giảng nói là thân tịnh, ngữ tịnh và tâm tịnh.

Có ba môn học do Phật giảng nói là Giới học, Định học và Tuệ học.

Có ba phẩm do Phật giảng nói là Giới phẩm, Định phẩm, Tuệ phẩm.

Có ba thứ lửa do Phật giảng nói là lửa tham, lửa sân và lửa si.

Có ba phần vị do Phật giảng nói là Sanh phần vị, Thành phần vị và Pháp phần vị.

Những pháp như vậy, do Phật có lòng từ bi thương xót, vì tất cả chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến các chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho chư Thiên và loài người trong khắp thế gian.

Lại nữa, quán Bốn niệm xứ do Phật giảng nói là:

–Quán thân bất tịnh, không có sanh khởi tư tưởng về dục nhiễm, điều phục vô minh, lìa thọ phiền não.

–Quán thọ là khổ.

–Quán tâm sanh diệt (vô thường).

–Khéo quán các pháp (vô ngã) cũng lại như vậy.

Lại nữa, có Bốn chánh đoạn (Tứ chánh cần) do Phật giảng nói, là:

–Các pháp bất thiện đã sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí và tâm niệm để đoạn trừ tất cả.

–Các pháp bất thiện chưa sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí và tâm niệm để ngăn ngừa khiến không cho sanh.

–Các pháp thiện chưa sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí và tâm niệm khiến cho sanh khởi.

–Các pháp thiện đã sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí, tâm niệm khiến cho tất cả chúng được tăng trưởng viên mãn. Đây gọi là Bốn chánh đoạn (Tứ chánh cần).

Lại nữa, có Bốn thần túc do Phật giảng nói là:

–Dục Tam-ma-địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

–Tinh tấn Tam-ma-địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

–Tâm Tam-ma-địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

–Tuệ Tam-ma-địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

Lại nữa, có Bốn thiền định do Phật giảng nói là:

–Nếu Tỳ-kheo đã có thể lìa các dục và pháp bất thiện, có tầm, có tứ. Đây gọi là định thứ nhất “Ly sanh hỷ lạc”.

–Nếu có Tỳ-kheo dừng dứt tầm tứ, trong tâm thanh tịnh, an trú vào một tưởng, không tầm, không tứ. Đây gọi là định thứ hai “Định sanh hỷ lạc”.

–Nếu lại có Tỳ-kheo không tham đắm niềm vui, an trú nơi hành xả, thân được nhẹ nhàng, an lạc vi diệu. Đây gọi là định thứ ba “Ly hỷ diệu lạc”.

–Nếu lại có Tỳ-kheo đoạn trừ tưởng về lạc, cũng không có tưởng khổ, ý cũng không vui, không khổ, không còn khổ vui. Đây gọi là định thứ tư “Xả niệm thanh tịnh ”. Như vậy gọi là Bốn thiền định.

Lại nữa, có Bốn tâm vô lượng do Phật giảng nói là:

Nếu có thầy Tỳ-kheo phát khởi tâm từ, trước ở phương Đông thực hành hạnh từ; ở các phương Nam, Tây, Bắc bốn phía trên dưới cũng thực hành hạnh từ, như vậy, phát khởi lòng từ ở tất cả mọi nơi, khắp cả thế giới, với tất cả chủng loại chúng sanh rộng lớn vô lượng không có giới hạn, cũng không phân biệt giới hạn. Đó gọi là tâm từ vô lượng.

Ba pháp Bi, Hỷ, Xả cũng lại như vậy. Đây gọi là Bốn tâm vô lượng.

Lại nữa, có Bốn định Vô sắc do Phật giảng nói là:

–Nếu có thầy Tỳ-kheo lìa tất cả cảnh sắc, không đối đãi, không ngăn ngại mà cũng không có tác ý, quán hư không là vô biên. Hành tướng của quán này gọi là định Không vô biên xứ.

–Lại lìa Không xứ, không còn quán sát, chỉ quán sát thức là vô biên. Hành tướng của pháp quán này gọi là định Thức vô biên xứ.

–Lại lìa Thức xứ, không còn quán sát, chỉ quán tất cả đều không thật có. Hành tướng của pháp quán này gọi là định Vô sở hữu xứ.

Lìa hành tướng của Vô sở hữu xứ, gọi là định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy gọi là bốn định Vô sắc.

Lại nữa, có bốn trí do Phật giảng nói là Pháp trí, Vô sanh trí,  Đẳng trí, và Tha tâm trí.

Lại nữa, có bốn an trú do Phật giảng nói là an trú nơi tất cả hạnh, an trú nơi hạnh xả, an trú nơi hạnh vắng lặng và an trú nơi hạnh trí tuệ.

Lại nữa, có Bốn Thánh đế do Phật giảng nói là Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về sự diệt trừ khổ và Thánh đế về con đường tu tập để diệt khổ.

Lại nữa, có bốn thứ bố thí thanh tịnh do Phật giảng nói:

–Có bố thí, người bố thí thanh tịnh, vì chẳng thấy có người thọ.

–Hoặc có bố thí, người thọ nhận thanh tịnh, vì chẳng thấy có người thí.

–Hoặc có bố thí, chẳng thấy có người thí, cũng chẳng thấy có người thọ nhận, nghĩa là bố thí thanh tịnh.

–Hoặc có bố thí, người thí và người thọ nhận cả hai đều thanh tịnh.

Lại có bốn loại sanh, do Phật giảng nói là sanh từ thai, sanh từ trứng, sanh từ chỗ ẩm thấp và sanh từ sự biến hóa.

Lại nữa, có bốn việc trong thai mẹ, do Phật giảng nói là:

–Có thể biết rõ việc vào thai mẹ, việc trú trong thai mẹ và việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ nhất trong thai mẹ.

–Có thể biết rõ việc vào thai mẹ, việc trú trong thai mẹ, không thể biết rõ việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ hai trong thai mẹ.

–Có thể biết rõ việc vào thai mẹ, không thể biết rõ việc trú trong thai mẹ và việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ ba trong thai mẹ. –Không thể biết rõ việc vào thai mẹ, việc trú trong thai mẹ và việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ tư trong thai mẹ. Như vậy gọi là bốn việc trong thai mẹ.

Lại nữa, có bốn chỗ trú của thức do Phật giảng nói là:

–Do sắc, thức sanh; do sắc, thức duyên; do sắc, thức trú. Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức.

–Do thọ, thức sanh; do thọ, thức duyên; do thọ, thức trú. Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức.

–Do tưởng, thức sanh; do tưởng, thức duyên; do tưởng, thức trú. Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức.

–Do hành, thức sanh; do hành, thức duyên; do hành, thức trú.

Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức. Như vậy gọi là bốn chỗ trú của thức.

Lại nữa, có bốn pháp cú do Đức Phật giảng nói là:

–Pháp cú thần thông.

–Pháp cú lìa sân hận.

–Pháp cú bình đẳng.

–Pháp cú Tam-ma-địa bình đẳng

Lại nữa, có bốn pháp “Sa-ma-na tương” do Đức Phật giảng nói là:

–Nếu hiện tại vui, đây là quả báo khổ.

–Nếu hiện tại khổ, đây cũng là quả báo khổ.

–Nếu hiện tại khổ, đây là quả báo vui.

–Nếu hiện tại vui, đây cũng là quả báo vui.

Đây gọi là bốn pháp Sa-ma-na tương.

Lại nữa, có bốn hướng tâm do Đức Phật giảng nói là: Vô tâm, Nhẫn nhẫn, Điều phục và Tịch tĩnh.

Lại nữa, có bốn con đường dùng thần thông do Đức Phật giảngnói là:

–Dùng thần thông trì hoãn nỗi khổ.

–Dùng thần thông qua nhanh nỗi khổ.

–Dùng thần thông trì hoãn niềm vui.

–Dùng thần thông qua nhanh niềm vui.

Lại nữa, có bốn Dự lưu thân do Đức Phật giảng nói là:

–Có một hạng Dự lưu, đối với Đức Như Lai tín tâm không mất, không phỉ báng Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người, Ma, Phạm, biết rõ pháp thế gian.

–Có một hạng Dự lưu, tâm được thanh tịnh, chứng được pháp Phật, thấy chân chánh, hành chân chánh, tất cả đều biết rõ pháp tu hành của mình.

–Có một hạng Dự lưu, tâm sanh an vui, thấy người tại gia và hàng xuất gia, người trì giới thanh tịnh tâm sanh tôn kính.

–Có một hạng Dự lưu, tự tu hành tịnh giới, đầy đủ không mất, trí tuệ thông minh, lanh lợi, hình tướng khéo vắng lặng.

Như vậy gọi là bốn Dự lưu thân.

Lại nữa, có bốn quả Sa-môn do Đức Phật giảng nói là quả Tu- đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán.

Lại nữa, có bốn chấp thủ do Đức Phật giảng nói là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ.

Lại nữa, có bốn tưởng Tam-ma-địa do Đức Phật giảng nói là:

–Nếu có thấy pháp được vui, tu hành chuyển đổi, đây là tưởng Tam-ma-địa.

–Nếu có tri kiến chuyển đổi, đây là tưởng Tam-ma-địa.

–Nếu có trí tuệ phân biệt để chuyển đổi, đây là tưởng Tamma-địa.

–Nếu có thân được dứt sạch lậu chuyển đổi, đây là tưởng Tamma-địa.

Lại nữa, có bốn lực do Đức Phật giảng nói là Tuệ lực, Tinh tấn lực, Vô ngại lực, và Nhiếp lực.

Lại nữa, có bốn Bổ-đặc-già-la do Đức Phật giảng nói là:

–Có Bổ-đặc-già-la: ta có thể tu hành, ta trì giới, ta như pháp tương ưng, chẳng phải người khác có thể tu hành, chẳng phải người khác trì giới, chẳng phải người khác như pháp tương ưng.

–Có Bổ-đặc-già-la: người khác có thể tu hành, người khác trì giới, người khác như pháp tương ưng, chẳng phải ta có thể tu hành, chẳng phải ta trì giới, chẳng phải ta như pháp tương ưng.

–Có Bổ-đặc-già-la: ta có thể tu hành, người khác cũng hay tu hành. Ta trì giới, người khác cũng trì giới. Ta như pháp tương ưng, người khác cũng như pháp tương ưng.

–Có Bổ-đặc-già-la: ta không thể tu hành, người khác cũng không thể tu hành. Ta không trì giới, người khác cũng không trì giới. Ta không như pháp tương ưng, người khác cũng không như pháp tương ưng.

Như vậy gọi là bốn Bổ-đặc-già-la.

Lại nữa, có bốn việc tùy chúng do Đức Phật giảng nói là cùng chúng đồng một chỗ ở, cùng chúng đồng ăn uống, cùng chúng đồng sám hối và cùng chúng đồng thọ dụng.

Lại nữa, có bốn chuyển vận lớn do Đức Phật giảng nói là khéo giảng nói diệu pháp, nương tựa bậc chân chánh, tâm nguyện bình đẳng và trước tu hành trí tuệ.

Lại nữa, có bốn nhiếp pháp do Đức Phật giảng nói là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

Lại nữa, có bốn sự hiểu biết thông suốt do Đức Phật giảng nói là hiểu biết thông suốt về ý nghĩa, hiểu biết thông suốt về pháp, hiểu biết thông suốt về sự ưa thích giảng nói và hiểu biết thông suốt về biện tài.

Lại nữa, có bốn phiền não do Đức Phật giảng nói là phiền nãomdo tham dục, phiền não do chấp có, phiền não do kiến chấp và phiền não do vô minh.

Lại nữa, có bốn hành do Đức Phật giảng nói là hành động tham dục, hành động chấp có, hành động kiến chấp và hành động do vô minh.

Lại nữa, có bốn kết tụ nơi thân do Đức Phật giảng nói là vô minh kết tụ nơi thân, sân hận kết tụ nơi thân, giới cấm thủ kết tụ nơi thân và tất cả chấp trước kết tụ nơi thân.

Lại nữa, có bốn việc sanh ra tham muốn do Đức Phật giảng nói là:

–Có Tỳ-kheo nhân nơi y phục mà sanh tâm mến thích. Do tâm mến thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.

–Có Tỳ-kheo nhân nơi ăn uống mà sanh tâm ưa thích. Tâm ưa thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.

–Có Tỳ-kheo nhân ngồi trên đồ nằm mà sanh tâm mến thích. Do tâm mến thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.

–Có Tỳ-kheo nhân nơi các thứ thọ dụng sanh tâm mến thích. Tâm mến thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.

Đây gọi là bốn việc sanh ra tham muốn.

Lại nữa, có bốn cách ăn do Đức Phật giảng nói là đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực.

Lại nữa, có bốn việc không cần phòng hộ do Đức Phật giảng nói là:

–Như Lai không phòng hộ thân nghiệp, thân vẫn xa lìa các lỗi lầm.

–Như Lai không phòng hộ ngữ nghiệp, ngôn ngữ vẫn xa lìa các lỗi lầm.

–Như Lai không phòng hộ ý nghiệp, ý vẫn xa lìa các lỗi lầm.

–Như Lai không phòng hộ thọ mạng, mạng vẫn không tổn giảm.

Lại nữa, có bốn thứ điên đảo do Đức Phật giảng nói là:

–Vô thường cho là thường, vì vậy sanh khởi tư tưởng điên đảo, tâm điên đảo, nhận thức điên đảo.

–Lấy khổ cho là vui, vì vậy sanh khởi tư tưởng, tâm và nhận thức điên đảo.

–Vô ngã cho là ngã, vì vậy sanh khởi tư tưởng, tâm và nhận thức điên đảo.

–Bất tịnh cho là tịnh, vì vậy sanh khởi tư tưởng, tâm và nhận thức điên đảo.

Như thế gọi là bốn thứ điên đảo.

Lại nữa, có bốn ngôn ngữ xấu ác do Đức Phật giảng nói là nói dối, nói lời trau chuốt, nói hai lưỡi và nói lời thô ác.

Lại nữa, có bốn ngôn ngữ hiền thiện do Đức Phật giảng nói là lời nói như thật, lời nói ngay thẳng thật thà, lời nói không hai lưỡi và lời nói dựa theo pháp.

Lại nữa, có bốn thứ chẳng phải hạnh A-duệ-la do Đức Phật giảng nói là:

–Không thấy nói thấy.

–Không nghe nói nghe.

–Không nhớ nói nhớ.

–Không biết nói biết.

Lại nữa, có bốn hạnh A-duệ-la do Đức Phật giảng nói là:

–Thật thấy nói thấy.

–Thật nghe nói nghe.

–Không bị thất niệm, nói là ghi nhớ.

–Thật biết nói biết.

Lại nữa, có bốn điều ghi nhớ do Đức Phật giảng nói là:

–Một mực ghi nhớ.

–Phân biệt để ghi nhớ.

–Hỏi ngược lại để ghi nhớ.

–Yên lặng để ghi nhớ.

Những pháp như vậy, do Đức Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến chúng sanh theo đúng như lời dạy tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích, an vui cho hàng trời, người trong khắp thế gian.

Pages: 1 2