KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG SƯ TỬ HỐNG

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Địa-bà-ha-la
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Bạc-già-phạm đang ở trên điện Thắng tạng trong cung Nhật nguyệt cùng với chín mươi trăm ngàn câu-chi chúng đại Tỳ-kheo và vô lượng Đại Bồ-tát.

Lúc đó, Đức Phật bảo Bồ-tát Thắng Tích:

–Này Bồ-tát Thắng Tích! Phương Bắc cách đây sáu mươi hằng hà sa cõi Phật, câu-chi na-do-tha trăm ngàn vi trần cõi nước, có thế giới tên là Hoan lạc, Đức Phật hiệu Pháp Khởi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hiện đang nói pháp, đem lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, nay muốn nói kinh Đại Phương Quảng tên là Sư Tử Hống, khó gặp khó nghe, các vị nên đến đó để lắng nghe, lãnh thọ pháp yếu.

Vâng lời dạy của Đức Phật, Bồ-tát Thắng Tích liền đến thế giới Hoan lạc diện kiến Đức Phật Pháp Khởi, đảnh lễ sát nơi chân, nhiễu quanh theo phía bên phải bảy vòng rồi lui ra đứng một bên.

Thấy Bồ-tát Thắng Tích, Đức Phật Pháp Khởi biết mà vẫn hỏi:

–Này thiện nam! Ông từ đâu đến?

Bồ-tát Thắng Tích vẫn lắng lòng đứng yên, không trả lời.

Các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân và khắp cả chúng trong đại hội đều nghĩ: “Bậc Thầy trong ba cõi hỏi sao Bồ-tát Thắng Tích vẫn im lặng, lắng lòng đứng yên?”

Bấy giờ, Đức Phật dùng mắt hoa sen xanh to lớn rộng dài như dáng sư tử trườn mình nhìn khắp mười phương, biết được lòng nghi của đại chúng, liền mỉm cười phóng ra ánh sáng vàng ròng lớn. Ánh sáng ấy đan chéo bằng vô lượng trăm ngàn màu sắc khác lạ, chiếu khắp tất cả quốc độ nơi mười phương, khiến đại địa chấn động.

Khi ấy, các chúng Bồ-tát trong mười phương thấy được thần biến này, với vô số các thứ hình sắc, đủ loại nghi phục, liền đến chỗ Đức Phật đảnh lễ sát chân, dùng phước của chính mình trang nghiêm tạng tọa hoa sen rồi ngồi vào tòa ấy.

Bồ-tát Điện Man từ chỗ ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, hướng lên Đức Phật, vui mừng khôn xiết, thật chưa từng có, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Xưa con từng thấy vô lượng thần biến, nhưng chưa thấy ánh sáng làm đại địa chấn động như hôm nay. Hay thay! Thưa Thế Tôn! Nguyện nói về nhân duyên, cớ gì mỉm cười, cúi xin thương xót giải rõ lòng nghi của đại chúng.

Thưa xong, Bồ-tát Điện Man dùng kệ thưa thỉnh:

Bậc Đạo Sư đại Bi

Mỉm cười vì lẽ gì Xin Phật lợi chúng sinh Thương xót, quyết định nói.

Lúc này, Đức Như Lai Pháp Khởi đoan nghiêm rực rỡ, ánh sáng Diêm-phù-đàn rạng ngời, phóng ra vô lượng trăm ngàn câu-chi na-do-tha hào quang vi diệu như trụ vàng ròng lớn.

Bồ-tát Điện Man bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con thấy vô lượng ánh sáng thần thông, nhưng ánh sáng hôm nay thì thât từ xưa giờ chưa từng thấy.

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Điện Man! Đúng vậy, đúng vậy! Như Lai hiện ánh sáng lớn nơi thần thông này thật là hy hữu. Nếu chẳng phải là đại nhân duyên thì không hiện tướng này. Hãy nên lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói về lý do mỉm cười, ông chớ kinh sợ, chớ mong cầu gì khác, giữ tâm kiên cố, chớ sinh nghi hoặc. Vì sao? Vì cảnh giới của chư Phật là không thể nghĩ bàn, nguyện lực thần thông là không thể nghĩ bàn, vậy ông phải suy nghĩ sâu xa, cẩn thận chớ nên nghi ngờ.

Này Bồ-tát Điện Man! Ông có thấy Bồ-tát Thắng Tích từ cõi của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến đây không?

Bồ-tát Điện Man thưa:

–Dạ thấy, bạch Thế Tôn!

Này thiện nam! Bồ-tát Thắng Tích này, ta hỏi từ đâu đến nhưng vẫn lắng lòng đứng im lặng không trả lời. Do thấy việc như vậy nên ta mỉm cười. Nay trong hội này đều sinh nghi hoặc, vì Như Lai hỏi mà không trả lời.

Này thiện nam! Bồ-tát Thắng Tích hiểu như vầy: Tất cả các pháp không đến không đi thì cớ gì Đức Thế Tôn hỏi ông từ đâu đến. Thắng Tích biết rằng các pháp không có ngôn thuyết, không thể thủ đắc thì vì sao nói từ đâu đến.

Này thiện nam! Đây chỉ là trình bày sơ lược về thật tướng của các pháp.

Này thiện nam! Bồ-tát Thắng Tích đối với tất cả pháp là không chữ, không nêu, vì tánh của chữ là lìa (vắng lặng). Các pháp là không xuất phát, vì tánh của xuất phát là lìa. Các pháp là không thú hướng, vì thú hướng chánh là đoạn trừ. Các pháp là không hiện, vì không có chỗ nương tựa, vượt lên tâm thức, lìa các nhân duyên, không danh tự không ngôn thuyết, không tạo tác, không chỉ bày, vượt quá các nẻo nhận thức như mắt không có tích tụ, lìa tưởng vô sinh, không có xứ sở, lìa các xứ sở, pháp chỉ một chữ. Đó là không chữ vốn không có ngôn thuyết thì làm gì có ngôn thuyết.

Này thiện nam! Nên biết không thuyết giảng mới là thuyết giảng đích thực.

Lúc đó, Bồ-tát Tịnh Thân nương vào thần lực của Phật, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không nói ra mà là thuyết giảng đích thực thì những người câm không nói đều là nói pháp.

Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Này thiện nam! Thật đúng như lời ông nói, chẳng những người câm nói pháp mà người không câm cũng nói pháp, nhưng lại không biết pháp.

Bồ-tát Tịnh Thân bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn nói rõ: Thế nào là tất cả chúng sinh nói pháp mà không biết pháp?

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh Thân:

–Này thiện nam! Như người sinh ra đã mù sống trong ánh sáng của mặt trời, nhưng không thấy mặt trời, phải nhờ người chung quanh trình bày mới biết rằng có mặt trời. Như vậy, các pháp đều nhập pháp giới, pháp giới không chữ lìa tánh của các chữ, chẳng phải là chỗ có thể tuyên nói, biện bạch của các chúng sinh. Do có nhân duyên nên có ngôn thuyết. Như hang sâu và tiếng vang, hang trống rỗng, không có tiếng, do nhân duyên nên có tiếng vọng lại. Như vậy, này thiện nam! Nhân duyên hòa hợp nên chữ, tiếng mới hiển hiện. Nhưng cảnh giới của chúng sinh là không, không có danh tự. Này thiện nam! Âm thanh ngôn ngữ hiện có của chúng sinh, nên biết đều nhập vào bốn trí vô ngại. Dùng ngôn thuyết là nhập vào trí pháp vô ngại. Không dùng ngôn thuyết là nhâp vào trí nghĩa vô ngại. Dùng ngôn ngữ để phân tích là nhập vào trí từ vô ngại. Tương ưng cùng với sự giải quyết không trì trệ là nhập vào trí khéo nói vô ngại. Chúng sinh với những ngôn thuyết hiện có nên biết đều nhập vào bốn pháp cú này. Nghĩa cú chân thật xưa nay không động. Như người sinh ra đã mù kia, tùy theo lời nói của người khác, cho chẳng phải là cái thấy chân thật. Vì thế, này thiện nam! Người muốn cầu giáo pháp thì nên tự thân mà cầu, muốn cầu Bồ-đề thì nên dùng thân năm uẩn mà cầu.

Khi nói về cú nghĩa này, thì khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đều hiện đủ sáu cách chấn động, ánh sáng lớn tỏa chiếu tất cả. Đức Phật đưa tướng lưỡi rộng dài bao trùm tam thiên đại thiên thế giới. Từ tướng lưỡi, phóng ra vô lượng câu-chi na-do-tha trăm ngàn ánh sáng, từ đại địa ngục, trên đến trời Hữu đảnh, ánh sáng soi trùm tất cả thế giới. Đức Thế Tôn thâu lại tướng lưỡi rồi bảo khắp đại hội:

–Các vị nên biết! Tướng lưỡi rộng dài của Như Lai là do thật ngữ mà được. Lời Như Lai nói ra phải nên cung kính lãnh thọ, khởi lòng tin chân thật, chớ có do dự, sinh tâm nghi hoặc.

Lúc đó, chúng Bồ-tát Thập địa và tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân tất cả đại hội đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đồng bạch Phật:

–Cúi xin Đức Thế Tôn giảng nói nghĩa như thật! Cúi xin Đức Thiện Thệ giảng nói nghĩa như thật! Hôm nay chúng con chỉ mong cầu pháp đã chứng đắc của Như Lai chứ không cầu pháp khác, đại chúng chúng con đều không nghi hoặc.

Đức Thế Tôn nhìn khắp cả đại hội ba lần rồi nói:

–Ta vì thương xót tất cả thế gian, tạo lợi ích, an lạc cho đông đảo chúng sinh, đem pháp tài làm lợi ích, an lạc cho hàng trời, người, vậy nay ta nói về pháp Đại sư tử hống.

Này thiện nam! Các vị nên biết, Đức Thích-ca Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở cõi Ta-bà hiện đang nói pháp hóa độ chúng sinh, kiến lập, hộ trì, khiến cho các loài luôn được an ổn. Đức Thíchca ấy chính là Như Lai Pháp Khởi ta đây. Ta ở cõi Ta-bà, ta hiện đủ loại thân hình đem lại lợi ích cho chúng sinh, tùy theo chỗ thích nghi của chúng mà ứng hợp để độ thoát.

Lúc đó, cả đại hội nghe Đức Phật dạy đều sinh kinh ngạc lạ thường nên hết sức vui mừng cho là điều chưa từng có, đồng thanh tán thán:

–Hay thay, hay thay! Đức Thế Tôn muốn khiến cho tất cả chúng sinh gầm lên tiếng gầm của sư tử, nên vì đại hội diễn nói pháp Sư tử hống chân thật. Nếu người nào nghe được pháp này thì nên biết người ấy căn lành rất nhiều, huống nữa là thọ trì, đọc tụng, giảng dạy rộng rãi, đem mọi thứ vòng hoa, y phục vật dụng, cờ phướn, lọng báu, xông đốt hương bột, cung kính cúng dường, thì người này nhất định được chư Phật thâu nhận bảo hộ.

Các Bồ-tát vừa tán thán xong, Đức Phật liền khen:

–Hay thay, hay thay! Thật đúng như lời các vị nói, thiện nam, thiện nữ ấy công đức rất lớn. Đây là pháp Sư tử hống chân thật của Như Lai, nếu người nào nghe với lòng thanh tịnh cho đến một lời khen “Hay thay” thì ta đều thâu nhận, gia hộ, cũng được Đức Dilặc thương tưởng, chiếu cố. Người này hai vai gánh vác sự giác ngộ của ta, ở trong đời năm trược tin thọ kinh này, dù sinh ra nơi nào ta sẽ khiến họ thành thục và cũng được Đức Di-lặc thâu nhận hộ trì. Người này tát cạn biển sinh tử, hàng phục các ma, tiêu trừ các phiền não, đánh trống pháp lớn, vĩnh viễn không còn làm thân nữ, bẻ gãy các oán chướng, chấm dứt các kết tụ. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào trải qua mười a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới nơi vi trần kiếp, đem mọi thứ vật dụng tạo an lạc, cúng dường, cung cấp tất cả các Đức Như Lai, nhưng khi nghe kinh này hiện bày thần thông chân thật mà lại hoài nghi không tin, thì người ấy đối với Đức Phật có lỗi lớn, như thế không gọi là cúng dường chân thật chư Phật.

Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe nói đức chân thật của Như Lai mà khởi lòng tin thanh tịnh, khen ngợi tán thán, công đức của người này so với người trước gấp trăm ngàn lần. Người này mới là chân thật cúng dường.

Này thiện nam! Các vị nếu đối với ta mà khởi lòng tin thanh tịnh thì nên ghi chép thọ trì kinh này. Kinh này ở chỗ nào thì chư Phật ở chỗ đó.

Lúc đó, Bồ-tát Thắng Tích, Bồ-tát Điện Man, Bồ-tát Thường Quang, Bồ-tát Tịnh Nhãn, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Tác Vô Úy, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Biện Tích, Bồ-tát Biện Dũng, Bồ-tát Trừ Nhất Thiết Chướng, Bồtát Tác Quang, Bồ-tát Phổ Hiền, đều là những vị đứng đầu trong tám mươi bốn câu-chi na-do-tha trăm ngàn Đại Bồ-tát, đồng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Về thời sau cuối, chúng con sẽ xin hết lòng truyền bá kinh này rộng rãi, khiến các chúng sinh giác ngộ nơi đại Niết-bàn.

Bạch Thế Tôn! Nếu ai từ lâu đã không trồng căn lành thì kinh này không thể lọt vào tai. Còn những ai thọ trì kinh này, truyền bá rộng rãi, thì tán thán công đức của chư vị ấy trong trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp không thể cùng tận.

Nghe thế, Đức Thế Tôn liền khen các Bồ-tát:

–Hay thay, hay thay! Các vị nên như vậy mà tôn trọng lời Phật dạy, thọ trì chánh pháp.

Đức Phật giảng nói kinh này rồi, Bồ-tát Thắng Tích và các hàng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà cùng cả đại hội đều hoan hỷ phụng hành.