KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BỒ TÁT TẠNG
VĂN THÙ SƯ LỢI CĂN BẢN NGHI QUỸ

(Ārya-mañjuśrī-mūla-kalpa)

Hán dịch: Tây Thiên Dịch Kinh Tam Tạng_ Triều Tán Đại Phu Thí Hồng Lô Thiếu Khanh_ Minh Giáo Đại Sư (kẻ bầy tôi là) THIÊN TỨC TAI phụng chiếu dịch
Sưu tập Phạn Chú và Việt dịch HUYỀN THANH

QUYỂN THỨ MƯỜI

PHÁP TỊNH HẠNH QUÁN TƯỞNG HỘ MA THÀNH TỰU THỨ TƯ PHẨM THỨ MƯỜI CHI HAI

_Như vậy, A Xà Lê ở thôn xóm trong thành vua xin thức ăn, quay về xong thì an trí cái bát ấy ở chỗ trong sạch. Liền ra bên ngoài phòng, dùng nước sạch không có loài trùng, đưa bàn tay trái tẩy rửa hai bàn chân. Bàn chân đã sạch xong, lại lấy đất sạch tẩy rửa bàn tay, trì tụng Chân Ngôn bảy biến để làm gia trì, rồi dùng vật khí trong sạch chứa đầy phân mới của con bò vàng chưa rơi xuống đất, hòa chung với nước sạch không có loài trùng

Ở trước mặt Đức Phật ấy làm bảy cái Mạn Noa La vuông vức, bằng phẳng ngay ngắn, hoặc rộng một khuỷu tay hoặc nửa khủy tay. Mạn Noa La thứ nhất rộng khoảng một khuỷu tay dùng phụng hiến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Mạn Noa La thứ hai phụng hiến Bồ Tát, Mạn Noa La thứ ba phụng hiến Bản Tôn Chân Ngôn, Mạn Noa La thứ tư phụng hiến Bích Chi Phật, Mạn Noa La thứ năm phụng hiến Tam Bảo, Mạn Noa La thứ sáu phụng hiến tất cả Hiền Thánh, Mạn Noa La thứ bảy hiến cho tất cả chúng sinh khiến được lợi ích. Nghi Pháp như vậy, ngày ngày nên làm, chẳng được khuyết phạm.

Làm Mạn Noa La xong. Lại ở nơi vắng lặng, mật tụng Chân Ngôn rồi Sám Hối lần nữa. Sám xong thì đứng dậy, khiến người trong sạch kia lấy nước sạch không có loài trùng ở sông, ở suối… chứa đầy bên trong vật khí thanh tịnh, một lòng rửa tay, lại rửa đầu, mặt, lỗ tai, lỗ mũi… khiến cho tinh khiết, rồi súc miệng hai ba lần, trì tụng năm biến, liền nâng cái bát trống rỗng đi đến chỗ có dòng nước chảy, nguồn nước, sông, khe suối… như Pháp rửa cái bát. Rửa xong thì quay về Viện, đem cái bát chứa đầy cơm đã xin được, lấy ra chút ít để cúng dường Phật với Pháp Giáo của Bản Tôn. Lại tụng Chân Ngôn

Cái bát đã thọ dụng. hoặc làm bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sành, hoặc lá cây… đều có thể làm Ứng Khí (Pātra: cái bát đựng thức ăn đúng theo Pháp) ấy. Đã lấy cơm trong cái bát cúng dường xong, lại chia ra một phần cho người đến sau, hoặc là người khách, hoặc là người nghèo khổ, chẳng được cho nhiều, cần phải lượng sức mà cho, chỉ sợ tự mình chẳng đủ mà bị giảm Khí Lực, có trở ngại cho việc trì tụng với Tịnh tu

Nếu là thức ăn đã phụng hiến Đức Phật thì tự mình chẳng được ăn, mà chuyển cho người nghèo hoặc nhóm Phi Cầm (chim bay).

Nếu tự mình ăn thì chẳng được ăn quá no, khiến cho trì tụng thành bệnh. Thức ăn dư thừa thì đem cho các người nghèo khổ. Như là Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh dùng thức ăn làm mạng sống, đều y theo thức ăn mà trụ”

Giả sử hàng người Trời, A Tu La, Càn Thát Bà, Rồng, Dạ Xoa, Khẩn Na La, La Xoa, Quỷ đói, Tỳ Xá Tả, Bộ Đa, Ô Sa Đá La với hàng Tinh Diệu… chưa có ai chẳng y theo thức ăn để trụ mà chẳng ăn

Hoặc là thức ăn uống tự nhiên, hoặc là tạo làm Đoàn Thực. Như Người, Trời ở Dục Giới (Kāma-dhātu) chỉ là Đoạn Thực. Như thức ăn uống tinh tế màu nhiệm của chư Thiên ở Sắc Giới (Rūpa-dhātu) thì dùng Thiền Định làm thức ăn. Như Tứ Không (Catu-arūpa: gồm có Hư Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ) của cõi Vô Sắc (Arūpa-dhātu: Vô Sắc Giới) dùng Hương làm thức ăn. Thế nên Đức Phật nói khiến các chúng sinh y theo thức ăn giúp cho thân tiến tu Đạo Pháp, trì tụng Pháp Giáo, tu các Phạm Hạnh, cung kính Thánh Hiền, hiếu dưỡng cha mẹ, cho đến thành Phật Đạo vô thượng, thành tựu chẳng khó

Ví như có người, do thức ăn cung cấp mà có sức mạnh, dũng mãnh gánh vác việc nặng, trên con đường đi xa về phía trước, chẳng lấy làm khó. Hành Giả cũng thế, sức thân an kiện thời bên trên cầu Bồ Đề, bên dưới hóa độ hữu tình, làm lợi lạc lớn, cũng chẳng lấy làm khó

Chính vì thế cho nên, ở đời quá khứ có Đức Phật Thế Tôn tên là Ca Diệp Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác (Kāśyapa-tathāgata-arhate-samyaksaṃbuddha) vì tất cả chúng sinh nghèo khổ kia đối với ăn uống của mình, luôn bị thiếu thốn, khiến cho Tâm bức bách, chịu nỗi khổ của cái đói…cho nên vì lợi ích của nhóm ấy mà tuyên nói Chân Ngôn tối thượng khiến cho được đầy đủ mọi loại thức ăn uống, tiêu trừ bệnh đói”.

Đức Phật nói: “Tất cả hàng Thanh Văn có Bồ Đề Hạnh (Bodhi-caryā) mà muốn tiến tu thì cần phải mượn Đoạn Thực (thức ăn được băm cắt có thể dùng tay bốc ăn) để giữ thân mệnh. Nay, ông hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông nói”

Lúc đó, chúng Thanh Văn trong Hội đều rất vui vẻ , rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn Pháp Vương! Thật là hiếm có! Thương yêu giúp đỡ chúng sinh, là bậc nhất trong ba cõi. Nguyện xin nhiêu ích cho chúng con mà nói Chân Ngôn tối thượng này”

Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni liền nhận sự cầu thỉnh ầy, phát ra tiếng Ca Lăng Tần Già (Kalaviṅka) âm vang dội như tiếng trống sấm, bảo chúng Bộ Đa (Bhūta) rằng: “Nay ông hãy nghe cho kỹ! Hết thảy Thế Giới ở mười phương, hiện tại đang tụ hội: loài hai chân, bốn chân, nhiều chân, không có chân với tất cả chúng sinh thuộc quá khứ, vị lai. Nay Ta vì lợi lạc cho nhóm ấy, khiến được thức ăn uống đầy đủ dư thừa (phong túc)

Liền nói Chân Ngôn mà Đức Ca Diệp Thế Tôn xưa kia đã nói:

“Nẵng mạc tam mãn đá một đà nam, a bát-la để hạ đá xá sa nẵng nam. Đát nễ-dã tha: Án, nga nga nễ, nga nga nẵng hiến nhạ, a nẵng dã, tát lý-phộc hộ lô hộ lô, tam ma dã ma nỗ sa-ma la, a ca lý-sa ni, ma vĩ lăng phộc, ma vĩ lăng phộc, dã thể tất-nhĩ đán, nhĩ, tam ba nại dã, sa-phộc hạ”

*)Namaḥ sarva-buddhānāṃ-apratihataśāsanānāṃ

Tadyathā: Oṃ_ Gagane gagana-gañje ānaya sarvaṃ, huru huru, samayamanusmara ākarṣaṇi, mā vilamba mā vilamba, yathepsitaṃ me sampādaya svāhā

[Bản Phạn thay huru huru bằng lahu lahu, và ghi nhận mā vilamba chỉ có một lần]

Bấy giờ, Đức Ca Diệp Thế Tôn Chính Đẳng Chính Giác nói Pháp Chân Ngôn rộng lớn này thời ở trong hư không dấy lên đám mây thức ăn uống lớn, che trùm khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Ở trong đám mây ấy tuôn xuống mọi loại thức ăn ngon khiến cho chúng sinh kia tùy theo ý lấy ăn, đều được no đủ, lìa các khổ của cái đói. Lại có người bị khát thì ở trong đám mây ấy tuôn xuống nước tám Công Đức, ở khoảng sát na khiến đều đầy đủ.

Thời tất cả Đại Chúng trong Hội khen rằng: “Thật chưa từng có!”. Vì sao trong đám mây lại có món ăn ngon này? Là uy lực của Chân Ngôn bí mật vi diệu mà Đức Phật Thế Tôn đó đã nói đưa đến chăng? Con được tùy vui, đội trên đỉnh đầu phụng hành”. Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi năm vóc sát đất, lễ bàn chân của Đức Phật rồi lui ra ngồi một bên

“Ta, Thích Ca Thế Tôn cũng vì nhiêu ích, thương nhớ chúng sinh, nói Chân Ngôn tối thượng của Nghi Quỹ Vương này, khiến cho tất cả chúng sinh đói khát kia được thức ăn uống đầy đủ.

Nếu người trì tụng, trước tiên nên y theo Pháp, cầu thành Hạnh thắng diệu của Chân Ngôn. Ở trên đỉnh núi, an trí tranh tượng Trung Phẩm của Thánh Diệu Cát Tường, dùng mọi loại hương, hoa, thức ăn uống… hiến cúng dường lớn. Người trì tụng mỗi ngày ăn ba món thức ăn màu trắng (sữa, bơ, gạo), hoặc chỉ dùng sữa ăn cũng được. Liền tụng Chân Ngôn mà Đức Ca Diếp Như Lai Chính Đẳng Giác đã nói, bảy lạc xoa. Rồi đem gỗ Khư Nỉ La (Khadira) ẩm ướt gỗ Ưu Bát Đàm (Audumbara) ẩm ướt, gỗ Cát Tường Quả (Śrī-phala) ẩm ướt đều dài một Xích (1/3 m)..lấy bơ, lạc, mật tẩm vào khiến cho thấm ướt, tụng Chân Ngôn lúc trước, làm Hộ Ma (Homa) tám ngàn lần.

Từ nửa đêm trở đi, ở trên Trời dấy lên đám mây gió đen. Người trì tụng ấy chẳng được sợ hãi, cũng chẳng được đứng dậy, chỉ tụng Thánh Diệu Cát Tường Bát Tự Tâm Chân Ngôn cùng với người Đồng Bạn Pháp Sự làm ủng hộ ấy thì đám mây gió đen kia tức liền tự tan.

Lại ở trong hư không hiện ra tướng người nữ, tất cả trang nghiêm, ánh sáng chiếu diệu, hướng về người tụng, nói: “Ta được thành tựu. Ông, bậc Thượng Nhân hãy đứng dậy”. Người tụng dùng hoa Nhạ Đế (Jāti), hương… hiến nước Át Già. Khi làm Pháp này thời người nữ chẳng hiện. Như vậy tự mình cùng với 25 người Đồng Bạn, mong cầu thức ăn uống thì trời tự tuôn mưa xuống với vật tùy ý thọ dụng, đều được đầy đủ.

Người trì tụng hiến nước Át Già, phát khiển Hiền Thánh, nhiễu quanh tranh tượng ba vòng xong; làm lễ chư Phật, tất cả Bồ Tát

_Lại nữa, làm Pháp thành tựu của hàng đi trong hư không. Như trước kia đã nói mọi loại đất thanh tịnh, hoặc đất ở núi, hoặc biển. Người trì tụng với người Đồng Bạn y theo Nghi Tắc lúc trước trì tụng Chân Ngôn làm ủng hộ ấy. Đem bức tranh Trung Phẩm hướng mặt về phương Tây an trí. Người trì tụng hướng mặt về phương Đông, ngồi trên tòa cỏ cát tường. Dùng cây Khư Nỉ La làm củi, đem hoa sen trắng, bơ, lạc, mật hòa hợp với nhau làm thành viên, làm tám ngàn viên để Hộ Ma. Mỗi ngày ba thời làm Hộ Ma, như vậy đến 21 ngày, khi đến nửa đêm thời làm Pháp Hộ Ma xong. Người trì tụng liền thấy Thánh Diệu Cát Tường, chỗ mong cầu đều được. Hoặc đi trong hư không, hoặc ẩn mất thân hình, hoặc Đại Phước trường thọ, hoặc được vua yêu kính, cho đến thành tựu Địa (bhūmi) của Thanh Văn, Bích Phật Phật, Bồ Tát. Đối với năm Thần Thông cũng được thành tựu.

Nay, Đàn Pháp này có sức Đại Thắng, chỗ mong muốn đều được: thỉnh triệu Thánh Hiền, phát khiển Thần Quỷ, Chú thành thuốc tiên với mọi loại lỗi lầm của ngu mê không có Trí… do uy lực của Chân Ngôn cũng được giải thoát”

_Lại nữa Đức Thích Ca Mâu Ni nói Pháp thành tựu của Trung Phẩm. Như trước đã nói Thắng Địa thanh tịnh. Hướng mặt về phương Tây an trí tranh tượng, người trì tụng hướng mặt về phương Đông, ngồi trên tòa cỏ cát tường. Dùng hương, hoa cúng dường, rộng làm việc Pháp. Mỗi ngày ba thời, chí niệm Chân Ngôn. Như vậy số đủ sáu Lạc Xoa. Niệm Tụng xong rồi, dùng hoa Ca Ni Ca La (Karṇikāra-puṣpa), hương Bạch Đàn, Cung Câu Ma hòa hợp làm thành viên, làm trăm ngàn Hộ Ma. Số ấy đã đủ thì bức tranh tự chấn động, lại phóng ra ánh sáng chiếu diệu khắp cả, chẳng bao lâu sẽ được địa vị của Tam Thập Tam Đế Thích (Tridaśeśvaratvaṃ-śakra). Nếu đem bức tranh này đội trên đỉnh đầu, thọ trì thì được vào Tam Địa (Tribhūmi) đủ năm Thần Thông, vì đời nói Pháp lại đến Thất Địa (Sapta-bhūmi) cho đến vị lai được thành Chính Giác.

Nếu người trì tụng y theo Nghi Quỹ lúc trước, làm Pháp trì tụng đều được thành tựu. Như Chân Ngôn mà Đức Ca Diệp Thế Tôn đã nói, y theo Pháp trì tụng thì mong cầu thức ăn ngon, nước tám Công Đức…quyết định thành tựu, tùy theo ý được đầy đủ dư thừa.

Nếy y theo Nghi Quỹ căn bản của Diệu Cát Tường, kết Giới trì tụng thì mong cầu vàng, bạc, châu báu, ngạc báu Ma Ni, thuốc Tiên thượng diệu… không có gì chẳng thành tựu.

Như Pháp Hạnh của Nghi Quỹ trên, nếu A Xà Lê siêng tụng, tu tập thường được thành tựu.

_Lại người trì tụng, nếu y theo Pháp trì tụng thì mọi loại thức ăn uống đã xin được. Lúc nếu muốn ăn, trước tiên nên cúng Thánh Hiền, sinh xấu hổ sâu xa, rồi mới tự ăn. Nếu có thức ăn dư thì đưa vào trong dòng sông, hoặc nơi sạch sẽ không có người ban cho súc loại hữu tình. Cho xong, rửa bát, một lòng chuyên chú

Nếu là cái bát sành, rửa xong thì hong cho khô. Ngoài ra, bát gỗ, bát vàng, bát bạc… thì rửa sạch sẽ không có dơ liền được thọ dụng. Nếu hơi dơ thì chẳng được sử dụng. Như Giáo Sắc của Đức Phật, cái bát dùng để khất thực chẳng được dùng chứa dựng vật tạp nhạp, cũng chẳng được dùng để ăn, cho đến hương, thuốc, quả trái… đều chẳng được chứa đựng

Lại các vị Tỳ Khưu, nếu không có Ứng Khí (Pātra). Hoặc dùng lá sen đựng thức ăn. Hoặc dùng hoa sen (Padma-patra), lá Ưu Bát La (Utpala), lá Diệu Hương Hoa (Saugandhika), lá Tối Thượng Hoa, lá Bố La Xoa (Plakṣa), lá Ưu Đàm Bát (Udumbara). Nếu là lá với rễ, cành, nhánh của cây Nhược Ni Câu Đà (Vaṭa) thì chẳng được dùng. Lá cây Sa La (Śāla), là cây A Một La (Amra), lá cây Ba Tra La (Pāṭala), lá cây Thất Lý Sa (Śirīṣa), lá cây Bồ Đề (Bodhi-vṛkṣa) đều chẳng được ở trong lá chứa đựng thức ăn.

Lại có nơi mà Đức Thích Ca Như Lai đã đi, đứng, ngồi, nằm…thì hết thảy cây cối hoa quả ở đấy chẳng được thọ dùng. Nếu có vi phạm tức phá Tam Muội của mình. Ngoài các lá lúc trước, còn lại lá cây khác thì hứa cho dùng đựng thức ăn.

Nếu là vật khí bằng đồng, bạc, vàng, thủy tinh, lưu ly với vật khí bằng sắt, đá… đều được dùng đựng thức ăn.

Lại nếu là hoa sen, hoặc các lá cây, hoặc đã cúng dường chư Phật, Bồ Tát với Thanh Văn, Duyên Giác thì cũng chẳng được dùng.

Nếu người trì tụng, như lá cây đã nói lúc trước với lá hoa, lá cây đã cúng hiến Phật, chúng Thánh…đều chẳng được thọ dụng đựng thức ăn

Nếu người cầu Pháp trì tụng, thọ dụng thức ăn đựng trong lá cúng Phật thời Pháp thành tựu của Hạ Phẩm, quyết định chẳng thành, huống chi là Trung Phẩm, Thượng Phẩm. Cát Tường, Tăng Ích, Tức Tai, Giáng Phục, tất cả việc ước nguyện, quyết định chẳng thành tựu

Nếu có người ưa thích tu Tịnh Hạnh, tinh cần giữ Giới được thành tựu tất cả Chân Ngôn thì hứa cho ăn chung. Nếu chẳng phải nhóm này thì chẳng được ăn chung, cũng chẳng được hô gọi lẫn nhau đi đến ăn chung. Nếu thức ăn xin được, tuy ít thì nên tác tưởng là đầy đủ

Nếu các người trì tụng y theo Nghi Quỹ này, như vậy mà thực hành thì đối với tất cả Chân Ngôn cầu thành Pháp, như quán thấy trong lòng bàn tay đều được thành tựu

_Các ông hãy nghe cho kỹ! Nay Ta lại nói uy lực rộng lớn của Khiết Tịnh Chân Ngôn. Nếu người trì tụng, niệm Chân Ngôn này bảy biến thì hết thảy thức ăn uống, dùng bàn tay đè lên, thành thức ăn tinh khiết, có thể được tự ăn. Thiên Nhân với chúng Bộ Đa ở trên thân ấy dùng bàn tay xoa chạm đè lên… đều thành Khiết Tịnh.

Chân Ngôn là:

“Nẵng mạc tam mãn đá một đà nam, a bát-la để hạ đá xá sa nẵng nam. Đát nễ-dã tha: Án, tát lý-phộc khẩn tức sa, nẵng xá nễ, nẵng xá dã, nẵng xá dã, tát lý-phộc nột sắt-tra, bát-la dụ cật-đán, tam ma dã nỗ sa-ma la, hồng, nhược, sa-phộc hạ”

*)Namaḥ sarva-buddhānāṃ-apratihataśāsanānāṃ

Tadyathā: Oṃ_ sarva-kilbiṣa-nāśani, nāśaya nāśaya, sarva-duṣṭa-prayuktāṃ samayam-anusmara, hūṃ jaḥ svāhā

Chân Ngôn này, nếu ăn xong, lại tụng bảy biến, dùng bàn tay xoa chạm thân của mình với trên đầu, rồi trải qua khoảng khắc, ở trước bức tranh ấy đọc tụng tất cả Kinh Điển: Kinh Phật Mẫu Bát Nhã (Ārya-prajñā-pāramitā), Kinh Thánh Nguyệt Đăng (Ārya-candra-pradīpa), Kinh Tam Ma Địa (Samādhi), Kinh Thập Địa (Ārya-daśabhūmaka), Kinh Kim Quang Minh (Ārya-suvarṇa-prabha), Kinh Khổng Tước Vương (Ārya-mahā-māyūrī), Kinh Bảo Tràng Đà La Ni (ārya-ratna-ketudhāriṇī)…Nhóm Kinh như vậy, sáng sớm đọc tụng, đến giờ Ngọ thời tùy theo ý đọc nhiều ít, tức thời hồi hướng, thu lấy Kinh để trên cái Án, dùng cái áo sạch phủ trùm lên, làm lễ Kinh Quyển, rồi đi ra bờ sông, dùng tay nắm đất sạch, tụng Chân Ngôn này bảy biến, sau đó tắm rửa.

_Lại nói Chân Ngôn là:

“Nẵng mạc tam mãn đá một đà nam, a bát-la để hạ đá xá sa nẵng nam. Đát nễ-dã tha: Án, tát lý-phộc nột sắt-trạm, bát-la nột sắt-trạm, sa-đán bà dã, hồng, ấn nễ đạt la, đạt lý ni, câu ma la cát-lý noa, lỗ bế ni, mãn đà mãn đà, tam ma dã ma noa sa-ma la, phả tra, sa-phộc hạ”

*)Namaḥ samanta-buddhānāṃ-apratihataśāsanānāṃ

Tadyathā: Oṃ_ sarva-duṣṭāṃ praduṣṭaṃ stambhaya hūṃ, indīvaradhāriṇe kumāra-krīḍa-rūpa-dhāriṇe, bandha bandha, samayam-anusmara phaṭ svāhā

[Bản Phạn ghi nhận là:

NAMAḤ SAMANTA-BUDDHĀNĀM APRATIHATAŚĀSANĀNĀM

TADYATHĀ: OṂ_ SARVA-DUṢṬĀṂ STAMBHAYA HŪṂ, INDĪVARADHĀRIṆE KUMĀRA-KRĪḌA-RŪPA-DHĀRIṆE, BANDHA BANDHA, SAMAYAM-ANUSMARA SPHAṬ SPHAṬ SVĀHĀ]

Nay Chân Ngôn này ở Mạn Noa La hay Kết Giới, ủng hộ giáng phục tất cả chướng nạn. Nếu gia trì bảy biến ở trên sợi dây rồi cột buộc ngay trên thân thì đi đến tất cả nơi chốn, làm tất cả việc đều được ủng hộ.

Nếu kết Ngũ Kế Đại Ấn, tụng một lạc xoa thì việc mong cầu, không có gì chẳng thành tựu

Nếu lấy Cồ Ma Di (Gomaya: phân bò), đất sạch…dùng nước không có loài trùng. Người trì tụng tắm rửa trên thân với xoa tô đất của Đàn (Maṇḍala) kèm vật khí đã dùng thì đều thành tinh khiết. Chẳng được dùng nước đọng chẳng tuôn chảy, nước dơ bẩn, cũng chẳng được hý luận với chúng sinh. Lại nên quán tưởng thân của mình: là khổ (Duḥkha), là trống rỗng (Śūnya), không có thường (Anitya), không có cái ta (Anātma), không có chủ, không có chúa tể, không có người cứu giúp, không có chỗ quay về, luân hồi (Saṃsāra) không thôi… ôm giữ sâu xa tưởng khổ như vào nước sâu, một lòng chuyên chú. Nếu lìa Quán này như chim Uyên Ương xa rời bạn, luôn tăng thêm sự thống khổ.

_Lại người tụng ấy luôn nên quán tưởng cảnh giới của chư Phật có ao sen bảy báu, hoa sen lá sen màu xanh, vàng, đỏ, trắng nở rộ đầy ao. Ở bốn bên ao có mọi loại nghiêm sức. Đức Thế Tôn ngồi trên tòa Sư Tử tỏa ánh sáng màu vàng ròng, viên mãn tướng tốt thảy đều đầy đủ

Lại ở bên phải Đức Phật có Thánh Diệu Cát Tường (Ārya-mañjuśrī), các tướng trang nghiêm, ngồi trên tòa hoa sen, tay cầm cây phất trắng, Hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc hồng, hoặc trắng, hoặc màu vàng ròng… như vậy quán tưởng

Bên trái Đức Phật ấy có Thánh Quán Tự Tại (Āryāvalokiteśvara) như màu trăng trung thu, tay cầm cây phất trắng

Lại có tám vị Bồ Tát: Từ Thị (Maitreya), Phổ Hiền (Samanta-bhadra), Địa Tạng (Kṣiti-garbha), Hư Không Tạng (Gagana-gañja), Trừ Cái Chướng (Sarva-nīvaraṇaviṣkambhī), Diệt Tội (Apāyajaha), Kim Cương Thủ (Vajra-pāṇi), Diệu Tài (Sudhana) kèm với hai vị lúc trước là mười vị Bồ Tát

Bên phải có tám vị Bích Chi Phật (Pratyaka-buddha): Tán Na Nẵng Bích Chi Phật (Candana), Hiến Ma Na Nẵng Bích Chi Phật (Gandha-mādana), Kế Đô Bích Chi Phật (Ketu), Diệu Kế Đô Bích Chi Phật (Suketu), Bạch Kế Đô Bích Chi Phật (Sitaketu), Lý Sắt Tra Bích Chi Phật (Ṛṣṭa), Ô Ba Lý Sắt Tra Bích Chi Phật (Upāṛṣṭa), Nễ Di Bích Chi Phật (Nemi)…. Với tám vị Đại Thanh Văn (Mahā-śrāvaka): Đại Mục  Kiền Liên (Mahā-maudgalyāyana), Xá Lợi Phất (Śāri-putra), Kiều Phạm Ba Đề (Gavāmpati), Tân Đầu Lô (Piṇḍola), Pha La Đọa (Bharadvāja), Tất Lăng Già Bà Sa (Pilindavatsa), La Hầu La (Rāhula), Đại Ca Diệp (Mahā-kāśyapa), A Nan Đà (Ananda)… Như vậy quán tưởng

Lại ở gần Đại Thanh Văn ấy có vô biên chúng Tỳ Khưu, ở gần Bích Chi Phật có vô biên chúng Bích Chi Phật, ở gần tám Đại Bồ Tát có vô biên chúng Bồ Tát, cho đến Đại Chúng tràn khắp hư không giới. Như vậy làm Quán Tưởng ấy

_Lại người trì tụng! Lại quán thân của mình ở trong nước ao, nước ngập đến rốn. Dùng mọi loại hoa tươi đẹp của cõi người, trên Trời: hoa Mạn Đà La (Māndāra), hoa Đại Mạn Đà La (Mahā-māndāra), hoa Đà Đổ Sắt Ca Lý (dhātu-skāri), hoa (Varṣi), hoa Án Nễ Phộc La (Aindīvara), hoa sen (Padma), hoa sen lớn (Mahāpadma)… các hoa như vậy gom tụ như núi Diệu Cao (Sumeru)…. với mọi loại phướng, phan, lọng báu, áo trời, hương màu nhiệm. Thắp trăm ngàn na do tha câu chi ngọn đèn rồi dùng cúng dường tất cả chư Phật với các Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, kèm cho tất cả chúng sinh bố thí thức ăn cúng dường

Lại tưởng từ Tam Tinh của Đức Thế Tôn phóng hào quang màu trắng chiếu tất cả hữu tình

Nếu người trì tụng, như vậy y theo Pháp Nghi Quỹ, làm Quán Hạnh này thì chẳng lâu sẽ thành tựu Quả Đại Bồ Đề

Lại Đức Phật nói Pháp Tắc Quán Hạnh này lợi ích tất cả chúng sinh, đối với người trì tụng là Thắng Hạnh bậc nhất

_Lại như Đức Phật nói ba loại Mạn Noa La, Pháp thành tựu của ba Phẩm, Nghi Tắc của ba nhóm Tranh Tượng. Người trì tụng ấy y theo Pháp thứ tự xem xét, dụng Tâm thanh tịnh làm Quán Tưởng ấy, hay chặt đứt tất cả gốc rễ Tùy Phiền Não (Upakleśa). Sau đó hiến nước Át Già, phát khiển Hiền Thánh. Lại tưởng thân của mình từ trong nước đi ra thì mới được Quán Hạnh tròn trịa.

Ông! Người tụng Chân Ngôn luôn khiến tu tập không được quên mất

_Nếu muốn trì tụng thì như Nghi Quỹ lúc trước, quay trở lại ở Tịnh Xá, an bày tranh tượng, kết Giới, thỉnh triệu, cúng dường, gia trì, làm Hộ Ma, cầu ủng hộ… mỗi mỗi như lúc trước nói. Nay trong Nghi này lại khiến khen ngợi chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh

Nếu muốn đi tiêu, đi tiểu thì cách xa Đàn Trường, ở chỗ kín đáo không có gió. Ban ngày thì hướng mặt về phương Đông, ban đêm thì hướng mặt về phương Nam, cũng chẳng được suy nghĩ nhóm việc của Phật Pháp. Việc của chỗ chẳng phải sạch sẽ xong. Dùng đất sạch, nước không có loài trùng rửa tay, tụng Chân Ngôn lúc trước 30 biến, tiệu tiện thì tụng bảy biến. Hoặc khi hỷ mũi, khạc đờm thì cách Đàn chẳng gần chẳng xa, cũng nên rửa sạch hai bàn tay.

Song, ở mỗi ngày rửa chân. Trước tiên rửa chân phải, sau đó rửa chân trái, chẳng được cho hai chân chạm nhau, rồi dùng hương xoa bôi kết Tịnh

_Lại người trì tụng! Lại có năm loại thanh tịnh: thứ nhất là Thân Nghiệp thanh tịnh, thứ hai là Khẩu Nghiệp thanh tịnh, thứ ba là Ý Nghiệp thanh tịnh, thứ tư là Hành Chân Thật thanh tịnh, thứ năm là Thuyết Chân Thật thanh tịnh Pháp

Lại hay thông đạt Pháp vi diệu sâu xa bậc nhất, xa lìa Sát Sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, miệng nói thô ác, nói hai lưỡi, tham, sân, Tà Kiến, phá Giới, Phi Pháp (Adharma). Nếu thực hành Phi Pháp (Adharma), sát sinh, trộm cắp, ngu si, Tà Kiến, chê bai Chính Pháp (Saddharma) thì người đó muôn Kiếp mãi mãi bị đọa vào Diêm Ma La Giới (Yama-loka), làm loài bàng sinh (Tyragyoni), quỷ đói (Preta). Hoặc vào Hắc Thằng (Kāla-sūtra), Đẳng Hoạt (Saṃjīva) cho đến Đại Địa Ngục A Tỳ (Avīci) chịu mọi loại cực đau khổ. Giả sử có được thân người thì chẳng đủ các Căn, ngu mê đần độn, thì làm sao có thể thành tựu Pháp tối thượng!

Thế nên, người trì tụng xa lìa các ác, gần gũi bạn lành, y theo Pháp siêng tu nơi các Chân Ngôn ắt được thành tựu Pháp tối thượng.

_Lại Nghi Quỹ này có Thượng Trung Hạ. Nếu người trì tụng mỗi mỗi y theo Nghi Quỹ ấy, chí Tâm hành Pháp. Việc Pháp hòa hợp, Người, Pháp đầy đủ thì việc mong cầu, tất cả thành tựu

Lại Hạnh của Chân Ngôn, Quả đã thành… toàn ở tại Nghi Quỹ, Nghi Quỹ viên mãn thì việc tương ứng, tức Chân Ngôn có sức, Công Lợi khác thường, chỗ mong muốn, chỗ mong cầu đều quyết định thành tựu

Tuy tụng Chân Ngôn, nếu thiếu Nghi Quỹ thì Hành chẳng tương ứng, tức Pháp của Chân Ngôn không có Thắng Dụng ấy. Nếu cầu quả lớn ắt chẳng thành tựu.

_Lại Nghi Quỹ của ba Phẩm này, mỗi mỗi y theo Pháp, chẳng được dũng lẫn lộn. Hoặc trong Thượng Phẩm dùng Nghi của Trung Phẩm, hoặc trong Trung Phẩm dùng Pháp của Thượng Phẩm, hoặc trong Hạ Phẩm thực hành việc của Trung Phẩm, hoặc trong Hạ Phẩm thực hành Pháp của Thượng Phẩm. Như vậy trợ nhau có dùng lẫn lộn ba Phẩm thì chỗ mong cầu đều chẳng thành tựu.

_Nếu Hành Giả ấy bắt đầu làm Pháp thì như Hành Nghi của Pháp, như Nghi mà làm Pháp, Tâm không có hai Duyên là thực hành Chính Pháp thành tựu Chân Ngôn, lại hay lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Nếu khác Nghi này mà thực hành nơi Pháp thì Pháp

(Dharma) thành Phi Pháp (Adharma), Chân Ngôn chẳng thành

Thực hành có quên bỏ Phước thì không có chỗ đạt được, chư Phật quá khứ nói

Tam Muội này có Phước lợi quần sinh

_Nếu Phật Tử ấy đối với Nghi Quỹ Vương này, khéo hay thông đạt, y theo Pháp trì tụng, tức Tướng của Chân Ngôn là Bồ Đề Đạo. Người này chẳng lâu sẽ ngồi tại Đạo Trường, viên thành Đại Giác.

_Lại nữa, người tụng Pháp đối với việc sâu xa màu nhiệm, Hạnh bí mật của Pháp Tắc Chân Ngôn… tuy được thành tựu thì cũng nên luôn giữ Giới Phẩm, tác Thiền Quán lâu dài, chẳng gián đoạn trì tụng.

_Như Đàn Pháp chưa thành vì thiếu chút vật cúng thời có thể được tạm dừng. Đàn Pháp đầy đủ rồi thì dũng mãnh tinh tiến, Khóa Tụng nối tiếp nhau đọc, Tam Muội chẳng gián đoạn, Tội của nhiều kiếp chồng chất sẽ được trừ diệt, tất cả chúng sinh đều được Công Đức. Ví như Đại Chuyển Luân Vương, tất cả tài bảo thảy đều đầy đủ, tùy ý thọ dụng mà không có cùng tận.

Nay Chân Ngôn này là điều mà Đức Như Lai đã nói, tất cả Công Đức thảy đều đầy đủ, tùy các Hữu tình, lợi lạc không cùng tận

 

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BỒ TÁT TẠNG

VĂN THÙ SƯ LỢI CĂN BẢN NGHI QUỸ

_QUYỂN THỨ MƯỜI (Hết)_