KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
 Đông-Tấn, Sa-Môn Thích-Pháp-Hiển dịch chữ Phạn ra chữ Hán
 Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt.

 

Kinh Đại Bát Niết Bàn

XI: KHI PHẬT NHẬP DIỆT

Sau đó, ông A-Nan lại bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Sau khi Như-Lai nhập Niết-Bàn, phương-pháp cúng-dàng nên làm thế nào?”

Đức Phật dạy: “Nay ông không nên lo quẩn vào việc ấy, ông chỉ tự suy-nghĩ là sau khi Tôi diệt-độ đi, phải hộ-trì chính-pháp, đem những điều trước đây nghe được, luôn luôn nói cho người khác nghe. Sao vậy? – Vì, chư Thiên tự họ sẽ cúng-dàng cho thân Tôi. Vả lại, những người Bà-la-môn cùng các vua, trưởng-giả, cư-sĩ, cũng tự họ sẽ cúng-dàng cho thân Tôi!”

Ông A-Nan bạch Phật: “Lạy đức Thế-Tôn! Tuy, Nhân, Thiên tự khởi tâm cúng-dàng, nhưng, con không biết y vào pháp nào?”

Đức Phật dạy: “Ông A-Nan! Cúng-dàng thân Tôi, y theo pháp đối với Chuyển-luân-thánh-vương.”

Ông A-Nan lại hỏi: “Lạy đức Thế-Tôn! Cúng-dàng như Chuyển-luân-thánh-vương, pháp ấy thế nào?”

Đức Phật dạy: “Ông A-Nan! Phương-pháp cúng-dàng Chuyển-luân-thánh-vương [1], là dùng bông mới, sạch cùng lấy những tấm vải nhỏ mịn, hợp lại quấn vào thân Tôi. Cứ như thế, quấn đi, quấn lại, đến đủ một nghìn lần, rồi đặt vào trong áo quan vàng. Lại làm áo quan bạc bên ngoài, để áo quan vàng vào trong; lam áo quan đồng bên ngoài, để áo quan bạc vào trong; rồi làm áo quan sắt bên ngoài, để áo quan đồng vào trong. Sau, lấy nhiều dầu thơm bao-rửa, cùng đem những hương, hoa thoa-bít và rải đầy trong áo quan, nhiên hậu đậy nắp xuống. làm một cái xe tang, rất to lớn, cao, rộng, dát châu-báu, hiên, mui, bao-lơn, đều trang-nghiêm bằng những thứ tốt đẹp. Xong rồi đặt áo quan lên trên xe.

Lại nữa, nơi làm hỏa-đàn ở trong thành, phải quét rửa bốn bên rất trong sạch, lấy những gỗ Chiên-đàn [2] tốt cùng những thứ hương thơm, xếp lên thành một đống gỗ lớn. Trên đống gỗ ấy, trải căng những tấm vải lụa dầy đẹp, lại mắc tấm mùng đẹp, lớn, che bên trên. Sau đó, xe tang mới chuyển đến nơi hỏa-đàn. Nơi đây, đốt hương, rải hoa, cúng-dàng kỹ-nhạc, nhiễu đống gỗ hương kia, vòng-quanh bảy vòng, nhiên-hậu đem áo quan để trên đống củi hương ấy và lấy dầu thơm rưới vẩy vào đó. Còn phương-pháp đốt lửa, thời đốt từ dưới cháy lên. Khi hỏa-đàn xong rồi, thu nhặt Xá-lỵ [3] bỏ vào trong bát vàng. Và ngay nơi ấy, xây-dựng bảo tháp, ngọn tháp cao vót trang-nghiêm, treo phan-cái bằng lụa; các người trong nhân-gian, ngày ngày thường nên đốt hương, tán hoa, mọi thứ cúng-dàng.”

Ông A-Nan! Ông nên biết: Phương-pháp cúng-dàng Chuyển-luân-thánh-vương, việc ấy như thế! Việc hỏa-táng thân Tôi, cũng như phương-pháp cúng-dàng Chuyển-luân-thánh-vương kia vậy. Nhưng, xây tháp Tôi, có khác với tháp của Chuyển-luân-thánh-vương. Tháp Tôi, ngọn tháp cao vót, trang-nghiêm, nên treo chín cái tán. Và, nếu có chúng-sinh nào, treo phan-cái thêu, đốt hương, tán hoa cùng thắp đèn đuốc, lễ-bái, tán-thán tháp Tôi, người ấy được phúc-lợi mãi mãi; đời sau, không lâu người khác cũng lại xây tháp lớn cúng-dàng thân họ.

Ông A-Nan! Ông nên biết: Hết thảy chúng-sinh đều không có tháp, chỉ có bốn hạng người được xây tháp mà thôi: Một là, vị được mười hiệu: Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, Minh-Hành-Túc, Thiện-Thệ, Thế-Gian-Giải, Vô-Thượng-Sĩ, Điều-Ngự Trượng-Phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật, Thế-Tôn [4], thương xót chúng-sinh và có thể vì thế-gian, làm ruộng phúc tốt hơn hết, thời nên xây tháp. Hai là, vị Bích-Chi-Phật, suy-nghĩ mọi pháp, tự giác-ngộ đạo, cũng có thể đem lại phúc-lợi cho nhân-dân thế-gian, thời nên xây tháp. Ba là, vị A-La-Hán, theo chỗ nghe pháp mà suy-nghĩ để dứt sạch lậu-nghiệp (phiền-não) cũng có thể đem lại phúc-liợ cho nhân-dân thế-gian, thời nên xây tháp. Bốn là Chuyển-luân-thánh-vương, xưa trồng nhiều phúc, có uy-đức lớn, cai-trị tứ thiên-hạ [5], bảy báu [6] đầy đủ, tự làm mười điều thiện [7] lại khuyên nhân-dân trong tứ thiên-hạ cũng làm mười điều thiện, thời nên xây tháp.

Ông A-Nan! Ông nên biết: Nếu có chúng-sinh nào, đem mọi đồ cúng-dàng, để cúng-dàng những tháp ấy, họ vẫn được phúc, song, phúc của họ được, theo thứ bực có sai khác.”

XII. CÔNG-HẠNH ÔNG A-NAN

Ông A-Nan nghe đức Phật nói lời ấy, tâm sinh áo-não, thương-xót kêu khóc, lẩn ra sau Phật, cách Phật không xa mấy, ông nói nhỏ rằng: “Nay ta còn là người trong Học-địa [8] chưa biết được ý-vị sâu-xa trong mọi pháp, mà đấng Thiên-Nhân-Sư, một sớm bỏ ta nhập Niết-Bàn, thời nào ta sẽ lên được đường giải-thoát!” Nói rồi, ông giơ tay vịn một cành cây; rồi ông đấm ngực, bứt đầu, áo-não, buồn-bã ngất đi.

Khi ấy, đức thế-tôn hỏi một vị Tỳ-Khưu khác: “Giờ này ông A-Nan ở chỗ nào?”

Vị Tỳ-Khưu kia đáp: “Lạy đức Thế-Tôn! Ông A-Nan hiện nay ở dưới một gốc cây, sau đức Như-Lai, ông đang kêu khóc, áo-não lắm!”

Đức Phật bảo vị Tỳ-Khưu kia: “Ông đến chỗ ông A-Nan, bảo ông ấy rằng: “Nay đấng Thiên-Nhân-Sư muốn gặp ông!”

Vị Tỳ-Khưu kia đến chỗ ông A-Nan và nói rõ ý của Như-Lai cho ông A-Nan nghe. Ông A-Nan nghe rồi, liền trở về nơi Phật. Đến nơi, đầu mặt ông đỉnh lễ xuống chân Phật, rồi đứng dựa về một bên.

Đức Thế-Tôn hỏi ông A-Nan: “Ngày gần đây Tôi đã nói cho ông nghe: “Hết thảy mọi hành-tướng, đều thuộc về vô-thường; sự ân-ái hội-hợp, tất về nơi biệt-ly”, thế mà, sao nay ông còn cứ buồn-rầu, áo-não vậy!”

Lại nữa, ông A-Nan! “Từ trước tới nay, ông theo hầu Tôi, trông nom công việc trước, sau, khi tiến, khi chỉ, khi đi, khi lại, cùng thông-tiếp với tân-khách, đều hợp nghi-tiết; Tôi lại thấy thân, khẩu, ý ông đều thanh-tịnh, không chút vết nhơ nào, ông được phúc-lợi không thể tính kể được!”

Đức Thế-Tôn ngoảnh lại bảo các vị Tỳ-Khưu: “Chính ông A-Nan không nên có sự buồn-rầu, áo-não ấy! Sao vậy? – Vì, không bao lâu nữa, ông sẽ được đến nơi giải-thoát. Các vị Tỳ-Khưu nên biết: chư Phật trong đời quá-khứ, đều có thị-giả, như ông A-Nan ngày nay; chư Phật đời sau cũng thế. Các vị Tỳ-Khưu nên biết: Nay ông A-Nan đây, trí-tuệ thâm-diệu, thông-minh, căn-khí linh-lợi; từ trước tới nay Tôi nói ra pháp-tạng gì, ông A-Nan đều ghi nhớ không quên.

Lại nữa, các vị Tỳ-Khưu! Ông A-Nan biết rõ thời-tiết, khi tiến, khi chỉ: Nếu có người khách nào, muốn vào yết-kiến tôi, ông A-Nan liền suy-tính trước từng giờ: Đức Thế-Tôn hoặc giờ nọ tiếp các vị Tỳ-Khưu, giờ nọ tiếp các vị Tỳ-Khưu-Ni, giờ nọ tiếp các vị Ưu-bà-tắc, giờ nọ tiếp các Ưu-bà-di, giờ nọ tiếp các vị Bà-la-môn, giờ nọ tiếp các vị dòng Sát-lỵ, giờ nọ tiếp các vị Trưởng-giả, Cư-sĩ, giờ nọ tiếp các vị ngoại-đạo. Tất cả những vị như trên, nếu trông thấy Tôi, cùng nghe Tôi thuyết-pháp, đều được nhiều công-đức, phúc-lợi. Sao vậy? Vì, đều do ông A-Nan thông-tiến vào yết-kiến Tôi, nên họ được thiện-căn thành-thục ấy.”

Lại nữa, các vị Tỳ-Khưu! Chuyển-luân-thánh-vương có bốn pháp lạ-lùng hiềm có: Một là, nếu người Bà-la-môn đến chỗ Chuyển-luân-thánh-vương, trông thấy dung-nhan nhà vua đoan-chính, uy-đức nhà vua cao-hiển, tâm họ sinh hoan-hỷ; sau khi nghe tiếng nói của nhà vua, âm-từ trong-suốt, họ cũng sinh tâm hoan-hỷ, cho đến lúc thấy nhà vua, im-lặng không nói họ cũng ôm-ấp sự sung-sướng, hớn-hở và khi họ cùng nhà vua từ-biệt, về nơi ở cũ, họ vẫn còn nhớ lại mến-tiếc, bước bước ngậm-ngùi, buồn-bực, như người đói khát không được no-đủ. Hai là, các người dòng Sát-lỵ nhỏ. Ba là, các người dòng Tỳ-xá [9]. Bốn là, các người dòng Thủ-đà-la [10] cũng đều như thế. Đó là bốn sự lạ-lùng của Chuyển-luân-thánh-vương. Các vị nên biết: Ông A-Nan cũng có bốn sự lạ-lùng: “Một là, nếu các vị Tỳ-Khưu từ phương xa lại, muốn vào thăm hỏi Tôi, sau trông thấy ông A-Nan, đều sinh tâm hoan-hỷ, nghe ông thuyết-pháp cùng khi thấy ông im-lặng, cũng vui-vẻ, đến khi từ-biệt lui ra, tình thâm-thiết mến đức ông, không có khi nào quên được. Hai là, các vị Tỳ-Khưu-Ni. Ba là, các vị Ưu-bà-tắc. Bốn là, các vị Ưu-bà-di, cũng đều như thế. Các vị nên biết: Ông A-Nan có bốn sự lạ-lùng ấy!”

Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo ông A-Nan: “Nay ông không nên tự sinh tâm khổ-não, mà nói rằng: “Đấng Thiên-Nhân-Sư sắp nhập Niết-Bàn, nay thấy không còn có kỳ nào được giải-thoát nữa!” Sao vậy? – “Phàm hết thảy pháp-tạng Tôi nói, sau khi Tôi diệt độ, suy-nghĩ, vâng theo gìn-giữ, siêng làm tinh-tiến, không lâu tự mình sẽ được giải-thoát!”

XIII. NHÂN XƯA CỦA THÀNH CƯU-THI-NA

Ông A-Nan được phạm-âm của Như-Lai an-ủi, sự lo buồn của ông giảm bớt, ông liền bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Tâm ý con hiện nay như hơi tỉnh-ngộ, con muốn có chút việc thỉnh-cầu, kính xin đức Thế-Tôn thương-xót, hoan-hỷ!”

Đức Phật liền đáp: “Ông muốn thỉnh-cầu việc gì, cứ việc nói!”

Ông A-Nan bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Thành Cưu-thi-na này so với những nước lớn khác, thì nó rất là nhỏ hẹp, biên-địa, nhân dân không được đông-đúc, kính xin đức Thế-Tôn đi đến những nước lớn khác như: Vương-xá-thành, Tỳ-da-ly-thành, Xá-vệ-quốc-thành, Ba-la-nại-thành, A-du-xà-thành, Chiêm-ba-thành, Câu-diễm-di-thành, Đức-soa-thi-la-thành…; các thành ấy vừa ở chính giữa, nhân dân đông-đúc, quốc-độ giầu có, vui-vẻ, có nhiều người tín-tâm, trí-tuệ thông-minh, kính xin đức Thế-Tôn đến những thành kia mà nhập Niết-Bàn, đem lại lợi-ích rộng-lớn cho những chúng-sinh, ở trong các nơi ấy.”

Đức Thế-Tôn liền đáp lời ông A-Nan: “Nay ông không nên nói lời thỉnh-cầu Tôi là thành Cưu-thi-na này nhỏ hẹp, biên-địa. Ông nên nghe kỹ, nay Tôi sẽ vì ông, nói cho ông rõ!”

Ông A-Nan! Thuở quá-khứ lâu-xa, nơi thành Cưu-thi-na này có vị Chuyển-luân-thánh-vương, tên là Đại-Thiện-Kiến. Nhà vua có đầy-đủ bảy thứ châu-báu. Nhà vua có một nghìn người con, có sức-lực dẹp được những oán-địch, nhưng đều đem chính-pháp giáo-hóa nhân-dân.

Thành này khi ấy gọi là thành Cưu-thi-bà-đế. Thành này, cửa Đông, cửa Tây cách nhau mười hai do-tuần [11], cửa Nam, cửa Bắc cách nhau tám do-tuần. Bốn mặt thành này, chung quanh đều bảy trùng. Trùng thứ nhất bên trong, xây thuần bằng vàng ròng. Trùng thứ hai, xây thuần bằng bạc. Trùng thứ ba, xây thuần bằng lưu-ly. Trùng thứ tư, xây thuần bằng pha-lê. Trùng thứ năm, xây thuần bằng xà-cừ. Trùng thứ sáu, xây thuần bằng mã-não. Trùng thứ bảy, xây lẫn tất cả mọi thứ châu-báu.

Lầu, mái nhà thành này, đều làm bảy từng; cửa song, cửa sổ, bao-lơn đều điêu-khắc, trang-sức bằng báu cả; lại treo nhiều cái linh (chuông nhỏ) báu, những mạng lưới ở trên. Và, khoảng mỗi từng cách nhau chừng hai dậm. [12]

Bốn cửa thành ấy, mỗi cửa đều chín trùng và đều trang-sức nghiêm-chỉnh, sáng ngời vui mắt.

Ngoài bảy trùng thành, đều có những hào nước. Nước của những hào ấy lắng trong, đủ tám công-đức [13] và bờ hào đều xây bằng bảy báu. Trên và trong những hào ấy, có các loại chim bay, liệng, nhẩy, múa, kêu, đậu, như chim loan, chim phụng, chim khổng-tước, vịt nước, chim nhạn, chim uyên-ương… Trong những hào nước ấy có các thứ hoa, như hoa Cưu-mâu-đầu, hoa Uất-ba-la, hoa Phân-đà-lỵ cùng những hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng và mầu sặc-sỡ. Trên bờ hào ấy, có bảy hàng cây báu, mỗi hàng đều có những thứ châu-báu khác nhau; gió hiu-hiu, thổi từ-từ vào những cành cây kia, nhánh lá chạm nhau, tiếng vang lên như thiên-nhạc.

Nhân-dân trong thành, hết thảy đều đầy-đủ sự yên-ổn, giầu có, vui-vẻ đến chỗ cực-thịnh; ngũ-dục đầy-đủ như cõi trời Đao-lỵ.

Đường xá trong thành đều treo những hạt minh-châu; nhân-dân đi hay nghỉ, không phân ngày đêm. Trong thành này thường thường có mười thứ tiếng: Một là, tiếng voi, hai là tiếng ngựa, ba là tiếng xe, bốn là, tiếng trống, năm là, tiếng loa, sáu là, tiếng đàn cầm, đàn sắt…, bảy là, tiếng hát, tám là, tiếng chuông, tiếng khánh họp đại-hội, chín là, tiếng khen-ngợi người trì-giới, mười là, tiếng thuyết-pháp bàn-bạc với nhau.

Vua Đại-Thiện-Kiến, có mọi uy-đức, đoan-chính đệ-nhất, mọi người trông thấy, ai cũng kính-mến; sống lâu, vui-vẻ, thân không có chút tật gì. Tính vua nhân-từ, nghĩ thương hết thảy, như cha lành thương yêu con mình, hết thảy nhân-dân, thân-kính nhà vua cũng như cha mình.

Ông A-Nan! Vua Đại-Thiện-Kiến, đặc-biệt có một thời, nhà vua muốn ra nơi viên-lâm du-quan, chơi-bời. Nhà vua cho chỉnh-nghiêm bốn loại binh [14], mỗi loại là tám vạn bốn nghìn. Lại, những phu-nhân, thể-nữ hậu-cung cũng chỉnh-nghiêm tám vạn bốn nghìn cỗ xe, muốn theo du-khán. Lúc đó, nhà vua lại sắc cho những dòng Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ…, theo vua xuất-du.

Chỉnh-nghiêm xe ngựa xong, quan chủ-binh vào tâu vua: “Bốn loại binh đã chỉnh-bị, xin vua liệu thì giờ xuất-du!” Nhà vua liền lên xe bạch-tượng, cùng Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ, đại-thần, quyến-thuộc và dùng bốn loại binh vây quanh trước sau.

Khi ra đi, để đến lâm-viên kia, voi đi nhanh như gió lướt, các quan, Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ cùng can vua: “Đại-vương ở mãi trong thâm-cung, nhân-dân bên ngoài, không có duyên được trông thấy Đại-vương, nay Đại-vương đến viên-lâm du-quan, nhân-dân đông-đảo, chật cả bên đường, hết thảy đều trông ngóng muốn thấy Đại-vương; vì sự việc ấy, xin Đại-vương sắc cho người coi xe, không nên đi nhanh!” Nhà vua nghe lời nói ấy, liền sắc cho người coi xe, nên đi từ từ. Do đi từ từ, nhân-dân bên đường, mặc ý chiêm-ngưỡng, như con thấy cha.

Bấy giờ vua Đại-Thiện-Kiến thấy các đường, ngõ, nơi nào cũng bằng-phẳng, lại có những hàng cây thất-bảo, che rợp, sáng ngời, nhưng, không thấy có một ao nước nào, nhà vua liền sắc cho một viên quan, giáp bên các đường, đào ao thất-bảo và mỗi cái ao cách nhau bằng một trăm cái cung. Lại sai trồng thêm nhiều thứ hoa quí. Trong mỗi một ao, phải cắt người hầu-hạ, có ai lại tắm, đem hương hoa cung cho họ, cùng cho thức ăn, uống, mặc ý dùng đủ; cung-cấp như thế, không ngớt ngày đêm. Lại sắc cho viên quan kia, từ nay về sau, nhân-dân từ bốn phương xa lại, có ai lại cầu xin tùy họ dùng gì, cung-cấp cho họ.

Đến viên-lâm rồi, nhà vua cùng Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ cùng các đại-thần du-quan, chơi-bời cho đến chiều tối, thấy ánh-sáng của châu-báu rực-rỡ, như ban ngày không khác. Khi không trông thấy bóng mặt trời, mới biết là đã về đêm, bấy giờ nhà vua cùng các Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ và các thần-dân, chơi-bời xong rồi, mới trở về cung-thành.

Ngày khác, các Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ cùng các đại-thần, đem mọi thứ châu-báu quí-giá, lại dâng vua, nhà vua bảo rằng: “Ngày mới rồi, tôi du-quan chốn viên-lâm, tôi có sắc cho viên quan nọ: từ nay trở đi, có ai lại xin, tùy ý họ, cung-cấp cho họ; đấy việc bố-thí của tôi như thế, nay các khanh, sao lại còn đem những châu-báu đến dâng tôi?”

Bấy giờ, tâm nhà vua tự nghĩ: “Những người này sở dĩ đem châu-báu đến dâng ta đều là duyên-cớ làm cho trong nước cùng giầu-sang. Sự việc như thế, chắc do dân nghèo mà họ đem lại?”

Nhà vua liền sắc cho viên quan coi kho, đem những trân-bảo cung các đồ tư-sinh, để nơi ngã tư đường, rung chuông, đánh trống, xướng lệnh cho bốn phương xa biết rằng vua Đại-Thiện-Kiến, nay mở kho-báu để bố-thí, nếu ai cần dùng, tùy ý lại lấy và nhà vua thường làm việc bố-thí rộng-rãi như thế, không ngớt ngày đêm.

Các Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ cùng các đại-thần trong nước, khi ấy tâu với vua rằng: “Tâu Đại-vương! Cung-điện của Đại-vương thường ở đây, rất chật-hẹp; khi chúng tôi lại vấn-tấn Đại-vương, không thể dung cả được những người theo hầu chúng tôi, kính xin Đại-vương nên mở mang cho rộng-rãi hơn!”

Nhà vua nghe lời nói ấy, im-lặng nhận lời và tâm tự-niệm rằng: “Nay ta nên mở rộng trụ-xứ này!” Bấy giờ, vua Đế-Thích biết rõ tâm-niệm của nhà vua, liền gọi một vị Thiên-tử tên là Tỳ-thủ-kiến-ma, là người tài-nghệ rất khéo, không việc gì là không làm được, mà bảo rằng: “Nay cõi Diêm-phù-đề (Jambudvipa) có vị Chuyển-luân-thánh-vương tên là Đại-Thiện-Kiến, muốn mở-mang cung-thành, ông có thể hiện xuống làm người thợ trông nom giúp cho vị ấy, làm cho nơi ấy về sự điêu-khắc, trang-sức được trang-nghiêm, mỹ-lệ như nơi ta không khác?” Vị Thiên-tử vâng sắc-chỉ của vua Đế-Thích hiện xuống nhân-gian như người tráng-sĩ co ruỗi cánh tay trong chốc-lát đã đến cõi Diêm-phù-đề và đứng ngay trước nhà vua.

Lúc đó, nhà vua trông thấy hình-dáng vị Thiên-tử kia phong-tư đoan-chính biết hẳn là không phải người phàm, nhà vua liền hỏi rằng: “Ngài là vị Thần-đức nào, bỗng dưng lại đây?” – Vị Thiên-tử kia đáp: Đại-vương nên biết, tôi là đại-thần của vua Đế-Thích, tên là Tỳ-thủ-kiến-ma, là người thợ rất khéo. Tâm Đại-vương muốn mở rộng cung-điện, nên vua Đế-Thích sai tôi xuống đây, làm người thợ trông nom giúp nhà vua. Nhà vua nghe lời nói ấy, trong lòng rất vui mừng.

Vị Thiên-tử kia bắt đầu xây-dựng mở-mang cung-thành. Bốn cửa thành, mỗi cửa mở rộng ra, cách nhau hai mươi bốn do-tuần. Lại xây cung-điện nhà vua. Điện này cao, sâu, dài, rộng mỗi chiều đều tám do-tuần và đều bằng thất-bảo, trang-nghiêm, mỹ-lệ, như cung vua Đế-Thích. Trong điện ấy, gồm có tám vạn bốn nghìn căn, cách nhau. Và đều có giường, mùng, ngọa-cụ bằng thất-bảo.

Sau lại xây điện thuyết-pháp cho nhà vua. Điện này cao, sâu, dài, rộng cũng tám do-tuần và cũng trang-nghiêm bằng thất-bảo như trước. Bốn mặt của điện này, đều có cây thất-bảo cùng lấy những cây hoa quý, trồng thành hàng, bóng che rợp và sáng rực.

Lại đào những ao báu. Nước trong ao báu ấy trong-sạch, đủ tám công-đức.

Còn chỗ chính giữa của điện ấy, đặt tòa Sư-tử rất cao rộng, trang-nghiêm bằng thất-bảo, lấy mùng báu che đi và để rủ xuống những cái diềm bằng thất-bảo. Và, vì những khách xa bốn phương lại nghe pháp, nên lại xây tòa Tứ-bảo: Vàng, bạc, lưu-ly, pha-lê; mà số-lượng ngồi trong tòa ấy có đến tám vạn bốn nghìn người.

Khi vị Tỳ-thủ-kiến-ma vì vua Đại-Thiện-Kiến tạo-tác cung-thành xong rồi, vị ấy từ-biệt nhà vua, bỗng dưng không thấy hiện nữa, trở về thiên-thượng.

Đại-Thiện-Kiến-Vương, thấy cung-thành đều đã xây cất, sửa-sang xong, liền sắc cho viên quan trực-thuộc, đánh trống, xướng lệnh cho khắp nhân-dân trong quốc-giới biết: Sau đây bảy ngày, nhà vua sẽ vì hết thảy mọi người, nói nhiều pháp-lợi; nếu ai muốn nghe pháp, đều tập-họp tại Thuyết-pháp-điện.

Bấy giờ, Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ, đại-thần, nhân-dân, nghe xướng lệnh ấy, đúng ngày, đều tập-họp tại Thuyết-pháp-điện.

Lúc đó, nhà vua lên Thuyết-pháp-điện, ngồi lên tòa sư-tử và hết thảy mọi người đến nghe, cũng đều ngồi vào tòa Tứ-bảo. Đại-Thiện-Kiến-Vương, trước tiên vì mọi người nói về pháp thập-thiện, sau lại khai-tuyên nhiều pháp-môn khác. Cứ thế, cho đến một vạn hai nghìn năm, chúng sinh trong nước ấy, ai từng nghe pháp của vua Đại-Thiện-Kiến, khi mệnh-chung được sinh lên cõi trời, không phải sa-đọa vào địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh.

Ông A-Nan! Vua Đại-Thiện-Kiến thường làm việc lợi-ích chúng-sinh như thế đấy!

Ông A-Nan! Khi vua Đại-Thiện-Kiến ở trong tĩnh-thất, tâm vua tự-niệm: “Thuở quá-khứ ta có hành-nghiệp gì, tu thiện-căn gì, sinh ra đời được sự tôn-quý,có uy-đức lớn, sắc-lực, thọ-mệnh, người ta không sánh bằng được? Chính do trong thuở quá-khứ, ta tu nhiều về bố-thí, nhẫn-nhục, từ-bi, nên nay được quả-báo ấy! Vậy nay ta nên tu-tiến hơn nữa.” Nhà vua liền suy-nghĩ rằng: “Thời-gian không bao lâu nữa ta sẽ chứng được Sơ-thiền, cho đến được Đệ-Tứ-thiền và lại tu-tập tứ vô-lượng-tâm (từ, bi, hỷ, xả) nữa!

Ông A-Nan! Không những riêng mình, vua Đại-Thiện-Kiến lại dạy phu-nhân cùng các thể-nữ tu về Tứ-thiền [15].

Bấy giờ, nơi Tuyết-sơn có tám vạn bốn nghìn con voi trắng, hằng ngày đến sắp hàng trước điện nhà vua. Nhà vua tâm-niệm: “Các con voi trắng này thường lại chỗ ta, phải đi trên các con đường, hẳn là dẫm đạp lên chúng-sinh!” Nghĩ thế, nhà vua liền sắc cho viên quan chủ về việc binh, từ nay về sau, không cần những con voi này, hằng ngày đến chỗ tôi nữa; chừng một nghìn năm sẽ đến một lần, song, chỉ cho bốn vạn hai nghìn con là đủ, bất-tất phải đủ cả tám vạn bốn nghìn con.

Khi ấy, ngọc-nữ của nhà vua tên là Thiện-Hiền cùng với các phu-nhân, thể-nữ tám vạn bốn nghìn người, ngồi thiền, suy-nghĩ ở trong tĩnh-thất đã bốn vạn năm, cùng bảo nhau rằng: “Chúng ta ngồi thiền, suy-nghĩ tại nơi đây đã bốn vạn năm, không trông thấy Đại-vương, nay chúng ta nên tới nơi lễ-bái vấn-tấn!” Nói lời ấy rồi, mọi người cùng theo nhau đến chốn nhà vua.

Lúc đó, cung-nhân hiện ở nơi vua, vào tâu: “Nay Thiện-Hiền cùng tám vạn bốn nghìn nữ-nhân lại thăm hỏi Đại-vương!”

Nhà vua nghe rồi, liền đi lên Thuyết-pháp-điện, ngồi lên tòa sư-tử.

Giây lát, Thiện-Hiền cùng mọi người đến, nhà vua gọi vào trước điện. Thiện-Hiền cùng mọi người theo nhau tiến lên đến chỗ vua ngồi, đầu mặt lễ xuống chân vua. Lễ xong, lần-lượt ngồi và tâu rằng: “Chị em chúng con cùng ngồi thiền, suy-nghĩ ở trong tĩnh-thất đã bốn vạn năm, lâu không được yết-kiến Đại-vương, nay chúng con lại đây là để thăm-hỏi sức khỏe Đại-vương và có chút việc muốn nói, kính xin Đại-vương thuận cho!”

Nhà vua đáp” “Quý hóa! Các vị muốn nói chi tùy ý”.

Thiện-Hiền liền tâu nhà vua rằng: “Bốn phương thiên-hạ đây: Nam Diêm-phù-đề (Jumbudvipa), Tây Cồ-da-ni (Apara-godàniya), Bắc Uất-đan-việt (Uttara-kura), Đông Phất-bà-đề (Pùrva-videha) nhân-dân rất đông-đảo, giầu-sang, vui-vẻ, yên-ổn, đều thực-hành thập-thiện, là do sức đức-hóa của Đại-vương. Cõi Diêm-phù-đề, như thành Cưu-thi-bà-đế này, con số ấy còn có đến tám vạn bốn nghìn thành. Các thành ấy, Quốc-vương, thần-dân, cùng Bà-la-môn, đều lại nơi đây, muốn được yết-kiến Đại-vương. Nhưng, Đại-vương ngồi thiền, trải qua nhiều năm, mọi người lại triều-yết, đều không được thấy, ví như con hiếu không thấy được cha lành. Vả lại, trong tứ thiên-hạ, rất lâu không thấy Đại-vương du-lịch chi cả, kính xin Đại-vương khéo dùng thời-nghi, vỗ-về, tiếp-dắt nhân-dân. Chúng con nữ-nhân yếu-ớt, đối với nước không ích gì lắm, nên thích-ý ngồi thiền lâu lâu, chứ như Đại-vương ở nơi tôn-quý, thống-nhiếp trong ngoài, hết thảy nhân-dân, ai cũng tôn-ngưỡng, há lại làm như việc làm của nữ-nhân chúng con! Voi trắng, xe, ngựa, mỗi loại có đến tám vạn bốn nghìn, Đại-vương nên đi du-quan! Ngày trước Đại-vương, thường vì hết thảy chúng-sinh, nói mọi pháp-lợi, trao-truyền thập-thiện, nhưng, thời-gian gần đây, Đại-vương ngồi thiền, việc ấy bỏ mất!”

Khi Thiện-Hiền đem những việc ấy can vua, vua Đại-Thiện-Kiến nghe lời nói ấy, đáp rằng: “Trước sau nàng thường đem việc thiện khuyên can ta, nhưng, nay ta nghe nàng nói, thấy trái với ý trước!”

Bấy giờ, Thiện-Hiền nghe nhà vua dạy lời ấy, tâm sinh áo-não, sa-lệ nghĩ rằng: “Vừa đây ta sở-dĩ can nhà vua, chính là sở-kiến của ta, cho là đắc-trung (hợp trung-đạo), không ngờ lại sinh ra tội-lỗi!”

Nàng liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, đỉnh-lễ xuống chân vua và tâu rằng: “Nay con ngu-si không biết chính-lý, đem việc ấy lên khuyên-can lên bậc trên, kính xin Đại-vương, cho được sám-hối!” [16]

Khi ấy, vua Đại-Thiện-Kiến đáp nàng Thiện-Hiền rằng: “Hết thảy mọi hành-tướng, đều là vô-thường, ân-ái hội-hợp cũng phải biệt-ly; bốn thiên-hạ này tuy là đông-đảo, hưng-thịnh, không bao lâu nữa ta cũng sẽ bỏ đi. Xưa kia, tám vạn bốn nghìn năm ta làm đứa anh-nhi, tám vạn bốn nghìn năm ta làm đồng-tử, tám vạn bốn nghìn năm ta làm ngôi Thái-Tử chịu phép quán-đỉnh [17], tám vạn bốn nghìn năm lên ngôi vua chịu phép quán-đỉnh, sau được thành Chuyển-luân-thánh-vương, cai-trị bốn phương thiên-hạ, đầy đủ thất-bảo, tám vạn bốn nghìn năm thống-lý việc dân, tám vạn bốn nghìn năm vì các nhân-dân giảng-thuyết mọi pháp, tám vạn bốn nghìn năm ngồi thiền suy-nghĩ. Từ đấy đến nay là năm mươi tám vạn bốn nghìn năm. Tuy rằng thọ-mệnh như thế là lâu dài, nhưng, hội-hợp rồi cũng đều về chỗ hết. Nay ta đã già, giờ chết sắp đến; các vua thuở xưa, sự tôn-quý và khoái-lạc, cũng như ta không khác, song, cũng bị đổi-dời về nơi vô-thường. Thành Cưu-thi-bà-đế cùng tám vạn bốn nghìn thành lớn khác, có hội-hợp cũng có lúc tan-diệt. Vậy, không nên đối với những thành ấy, riêng sinh yêu-mến, ham-đắm, tăng thêm tâm buông-lung. Nay ta sở-dĩ được sự tôn-thắng này, đều do xưa kia ta tích-góp mọi nghiệp thiện. Nay cần trồng nhiều thiện-căn, tạo nhân mai sau, nên ta ngồi thiền trải nhiều năm như vậy!”

Lúc đó, Thiện-Hiền cùng mọi người nghe, nghe nhà vua nói lời ấy, tâm rất vui mừng, đỉnh-lễ xuống chân vua và lui về chỗ ở.

Như thế, không lâu nhà vua bị bệnh nặng, tự biết mệnh-tận, tức lập Thái-Tử lên làm vua; tập-họp các đại-thần cùng Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ lại, lấy nước bốn bể rưới lên đầu Thái-Tử. Sự việc xong-xuôi, nhà vua liền mất và được sinh lên cõi Phạm-thiên.

Ông A-Nan! Vua Đại-Thiện-Kiến, cai-trị tứ thiên-hạ, mà nơi ở của nhà vua, chỉ ở một thành lớn trong cõi Diêm-phù-đề; tuy có tám vạn bốn nghìn thành, nhưng chỗ ở của nhà vua, chỉ một thành Cưu-thi-bà-đế này thôi. Trong Tuyết-sơn có tám vạn bốn nghìn con voi trắng quý-báu, nhưng nhà vua cưỡi bất quá cũng chỉ một con. Tuy có tám vạn bốn nghìn con ngựa tốt nhưng, nhà vua cưỡi bất quá cũng chỉ một con. Tuy có tám vạn bốn nghìn xe thất-bảo, mà nhà vua thường đi, bất quá cũng chỉ một cỗ. Tuy có tám vạn bốn nghìn phu-nhân, nhà vua thương yêu, chỉ có một người. Tuy trang-sức bảo-điện đến tám vạn bốn nghìn cái, nhưng, nơi ở của nhà vua, bất quá chỉ một nhà. Sự cần dùng của tấm thân, no đủ mà thôi! Thế mà nhà vua phải lo công việc cho bốn phương, buộc lòng vào công việc của chúng-sinh, luống mệt tinh-thần, thân không ích gì như thế!”

Ông A-Nan! Vua Đại-Thiện-Kiến, khi ấy, há là người khác ư, chính là thân Tôi vậy!

Xưa kia Tôi được sự tôn-quý ấy và quốc-thành tôi ở tức tại nơi đây. Tôi ở thành này làm Chuyển-luân-vương, thực-hành những việc thành-tựu lợi-ích vô-lượng chúng-sinh, không thể nào tính kể được. Nay chư Thiên tới chật-ních hư-không, đều là những người xưa kia khi Tôi làm vua đem những pháp lành giáo-hóa mà thành. Và, ngày nay tất cả pháp tại thành này, trông thấy tôi nhập Niết-Bàn, sẽ đem lại cho họ được quả Bát-Niết-Bàn.

Ông A-Nan! Sự việc như thế, ông sao có thể nói được là thành Cưu-thi-na này là biên-địa nhỏ hẹp ư? Nay Tôi quyết-định nhập Niết-Bàn tại thành này!”

Đương khi Như-Lai nói về việc ấy, chư Thiên, Nhân số hàng ức ức người, ở trong mọi pháp, xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh, tức thời cùng nhau đồng thanh bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Trong kiếp vô-số, vô-lượng vô-biên xưa kia, Thế-Tôn đem mọi pháp lành, làm lợi-ích cho chúng con, nay lại ở nơi này, Ngài lấy sự vui của Bát-Niết-Bàn an-lập cho chúng con!” Bạch rồi, họ liền rải những hoa quý, cùng tấu những âm-nhạc cõi thiên, ca-hát tán-thán, cúng-dàng Như-Lai.

Bấy giờ, Ông A-Nan bạch Phật rằng: “Lạ-lùng thay, lạy đức Thế-Tôn! Thành Cưu-thi-na này, thuở quá-khứ đã có những việc lạ-lùng ấy, nay con không còn sinh tâm thắc-mắc hẹp-hòi nữa!”

XIV. ĐỨC PHẬT VÀ PHÁI LỰC-SĨ

Khi ấy, đức Thế-Tôn bảo ông A-Nan: “Nay ông nên vào trong thành Cưu-thi-na bảo những người trong phái Lực-sĩ rằng: “Hôm nay vào lúc gần sáng Tôi nhập Niết-Bàn, Tôi muốn mọi người đều lại cùng Tôi tương-kiến; nếu còn điều gì ngờ, mặc ý cho thỉnh-vấn, đừng để khi Tôi nhập Niết-Bàn, không kịp tương-kiến, sau sinh hối-hận!”

Ông A-Nan nghe đức Phật nói rồi, sa lệ áo-não, đỉnh lễ xuống chân Phật, rồi sửa-soạn ra đi.

Ông giữ thân uy-nghi, cùng với một vị Tỳ-Khưu nữa, cùng nhau vào thành.

Lúc đó, những già, trẻ, trai, gái phái Lực-sĩ, trong thành Cưu-thi-na, mới cùng nhau tụ-tập, để tỏ-bày, bàn-bạc về việc đức Như-Lai sắp nhập Niết-Bàn và ai ai cũng đều muốn đến nơi Phật.

Đang họp bàn, họ trông thấy ông A-Nan, họ liền hỏi: “Chúng tôi nghe thấy đức Thế-Tôn ở khoảng hàng cây Sa-la song-thụ sắp nhập Niết-Bàn, chính chúng tôi đang bàn nhau muốn đến nơi Phật, vậy nay việc ấy thế nào, xin ông cho biết!”

Ông A-Nan liền đem tất cả những lời Phật dạy, bảo những người trong phái Lực-sĩ. Những người phái Lực-sĩ ấy nghe rồi, thương khóc, áo-não, buồn-bã ngất lăn ra đất, nghẹn-ngào nói nhỏ với nhau rằng: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian mất rồi, từ nay chúng ta biết quy-y vào đâu, cũng như đứa trẻ mất người cha lành; từ nay trở đi, cõi Nhân, Thiên giảm dần, ba đường ác [18], ngày thêm thịnh!”

Thế rồi, họ bạch ông A-Nan: “Quyến-thuộc chúng tôi nay muốn cùng nhau đến nơi đức Phật!”

Bấy giờ, ông A-Nan, giã-từ mọi người, trở về nơi Phật và bạch Phật rằng: “Con đem lời Thế-Tôn vào thành tuyên-thị cho các người phái Lực-sĩ; các người ấy, ai cũng đều kinh-ngạc, buồn-bã, khóc-lóc, rưng-rức và đều bảo sẽ đến chiêm-phụng Thế-Tôn!”

Sau đó, những người già, trẻ, trai, gái phái Lực-sĩ, hết thảy đi theo nhau, đều sa lệ, kêu khóc, nghẹn-ngào, theo đường tiến lên.

Ông A-Nan trông thấy số nggười của phái Lực-sĩ rất đông, tâm ông tự nghĩ: “Nếu đám người đông này, cứ mỗi người, mỗi người vào lễ Phật, thời không biết thời nào hết; nay ta nên cho mỗi nhà, mỗi nhà nhất thời lễ Phật thôi!”

Đám người phái Lực-sĩ kia đã đến nơi Phật, ông A-Nan liền phổ-cáo rằng: “Các vị lại đây đông-đảo, nếu cứ mỗi người, mỗi người vào lễ Phật, thời không biết thời nào hết được, nay xin mỗi nhà, mỗi nhà nhất thời lễ Phật!”

Những người phái Lực-sĩ kia, vâng theo ý ông A-Nan, liền cùng nhau vào lễ Phật, rồi đứng lui về một bên, bạch Phật rằng: “Kính xin Thế-Tôn hãy ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, đừng nhập Niết-Bàn, để đem lại lợi-ích cho hết thảy chư thiên, nhân-dân. Nay các chúng-sinh không có mắt tuệ, kính xin thế-Tôn, vì khai-đạo cho!”

Đức Như-Lai bảo các người Lực-sĩ: “Nay các vị không nên thỉnh Tôi như thế nữa! Sao vậy? – Hết thảy mọi hành-tướng, đều là vô-thường, ân-ái hội-hợp, tất phải quay về chỗ biệt-ly; như thế, dù Tôi có ở đời đủ một kiếp chăng nữa, thời hội-hợp cũng có lúc sẽ phải tan-diệt. Vậy, những lời thuyết-pháp của Tôi, các vị cần ghi-nhớ, gìn-giữ, tụng niệm đừng quên, thế là không khác gì như Tôi còn ở đời!”

Những người phái Lực-sĩ kia nghe đức Phật nói lời ấy, biết là không được kết-quả, theo lời thỉnh của mình, tâm họ héo-hon, buồn-rầu, thương-khóc áo-não, rồi đứng im-lặng.

XV: ÔNG TU-BẠT-ĐÀ-LA QUY PHẬT

Khi ấy, thành Cưu-thi-na có một người ngoại-đạo, một trăm hai mươi tuổi, tên là Tu-bạt-đà-la (Subhadra). Ông này thông-minh đa trí, tụng suốt bốn kinh Phệ-đà [19], hết thảy sách, luận đều thông-đạt cả, nên được hết thảy mọi người tôn-kính.

Ông nghe biết được Như-Lai ở khoảng song-thụ trong rừng Sa-la sắp nhập Niết-Bàn. Tâm ông tự nghĩ: “Các sách, luận của đạo ta nói đức Phật ra đời rất là khó gặp, cũng như hoa Ưu-đàm bao thời mới hiện một lần. Nay Ngài ở trong rừng Sa-la, ta còn có chỗ ngờ, ta thử đến thỉnh-vấn, nếu Sa-môn Cồ-Đàm [20] giải-quyết được sự ngờ-vực của ta, thời thực là người được Nhất-thiết-chủng-trí.

Ông nghĩ thế rồi, liền đi đến nơi Phật.

Còn ở ngoài rừng ông gặp ông A-Nan, ông nói với ông A-Nan rằng: “Trong sách, luận đạo tôi nói đức Phật ra đời rất khó gặp được, ức, nghìn, vạn-kiếp, từng thời, từng thời mới hiện ra, như hoa Ưu-đàm không thể thường thấy được. Đức Phật giáo-hóa tại thế-gian, mà tôi vẫn không được trông thấy. Nay tôi nghe biết Ngài ở trong rừng Sa-la này, sắp nhập Niết-Bàn; tôi có chỗ ngờ, muốn đến thỉnh-vấn Ngài, vậy mong ông vì tôi bạch lên đức Thế-Tôn là nay tôi muốn được yết-kiến Ngài một chút!”

Ông A-Nan nghe lời nói ấy của ông Tu-bạt-đà-la tâm ông tự nghĩ: “Nay đức Thế-Tôn bốn đại [21] không được an-hòa, Ngài tiếp-đối lâu, là tự mình tăng thêm việc ác, nghĩa là, nếu ta lại cho người ngoại-đạo vào yết-kiến đức Thế-Tôn, tất nhiên phải có ngôn-luận, dung-thể sẽ tổn-kịch thêm!” Ông A-Nan liền đáp: “Nay đức Thế-Tôn bốn đại không được an-hòa, nằm nghỉ trong rừng, thân đau cực-khổ, vậy nay xin ông không nên vào yết-kiến đức Như-Lai nữa! Xin ông đừng tới khi đức Thế-Tôn sắp nhập Niết-Bàn, có sự chướng-ngại!”

Ông Tu-bạt-đà-la thỉnh-cầu ông A-Nan đến ba lần như thế, ông A-Nan cũng lại đáp lại ba lần như thế. Bấy giờ đức Thế-Tôn dùng Thiên-nhĩ [22] thanh-tịnh, nghe thấy tiếng ông Tu-bạt-đà-la thỉnh-cầu ông A-Nan; Ngài lại quán-sát căn-khí của ông ấy, Ngài biết là đã đến thời có thể độ được ông ấy, Ngài liền dùng Phạm-âm bảo ông A-Nan: “Ông đừng làm trở-ngại người đệ-tử tối-hậu của Tôi, ông nên thuận cho ông Tu-bạt-đà-la lại trước Tôi, Tôi muốn được trông thấy ông ấy. Ông ấy là người chất-trực, thông-tuệ, giác-ngộ dễ-dàng. Ông ấy sở-dĩ đến nơi Tôi là muốn được giải-quyết điều ngờ-vực, không phải là cố-ý lại để tranh-luận hơn, kém đâu!”

Lúc đó, ông A-Nan vâng lời Phật dạy mới bảo ông Tu-bạt-đà-la rằng: “Nay đức Thế-Tôn đã dạy tôi, thuận để ông vào gặp Ngài”.

Ông Tu-bạt-đà-la nghe biết đức Phật thuận cho ông vào trước Ngài, vui mừng hớn-hở, không tự hãm được, tâm ông nghĩ rằng: Sa-môn Cồ-Đàm quyết-định là người chứng được Nhất-thiết-chủng-trí!”

Nghĩ rồi, ông liền đi vào nơi Phật ở. Thăm hỏi lẫn nhau rồi, ông ngồi về một bên và bạch phật rằng: “Thưa Cồ-Đàm Sa-môn! Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài hoan-hỷ thuận cho!”

Đức Phật đáp: “Quý hóa thay, quý hóa thay! Ông Tu-bạt-đà-la, tha-hồ ông muốn hỏi gì, cứ hỏi!”

Ông Tu-bạt-đà-la liền hỏi Phật: “Nay ở thế-gian này, các vị Sa-môn, Bà-la-môn, lục-sư ngoại-đạo như: Phú-lan-na-ca-diếp (Purana Kàsyapa), Mạt-già-lỵ-câu-sa-lê-tử (Maskàri Gosaliputra), A-kỳ-đà-sí-xá-khâm-bà-la (Ajtakesakambala), Ca-la-cưu-đà-ca-chiên-diên (Kakuda Kàtyàyand), Ni-kiền-đà-nhã-đề-tử (Nirgranta Jnatiputra)…, đều tự nói là được Nhất-thiết-trí, cho những học-giả khác là tà-kiến; họ cho hành-động của đạo họ, là đạo giải-thoát, hành-động của đạo khác chỉ là nhân sinh-tử. Phải, trái lẫn-lộn, sao biết được đằng nào là hư, thực; thầy nào được gọi là Sa-môn, thầy nào quyết-định là nhân giải-thoát?”

Đức Như-Lai đáp: “Quý hóa thay, quý hóa thay, ông Tu-bạt-đà-la! Nay ông hỏi Tôi được nghĩa ấy, ông hãy nghe cho kỹ, nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông mà nói về vấn-đề ấy.”

Ông Tu-bạt-đà-la! Trong các pháp, nếu pháp nào không có pháp Bát-thánh-đạo, sẽ biết là nơi ấy không có tên một bậc Sa-môn, cho đến tên hai và ba, bốn bậc Sa-môn cũng lại không có [23]. Đã không có Sa-môn, cũng không có giải-thoát; giải-thoát đã không có, thời không phải là được Nhất-thiết-chủng-trí!

Ông Tu-bạt-đà-la! Nếu trong các pháp có Bát-thánh-đạo, nên biết rằng nơi ấy quyết-định có tên của bốn bậc Sa-môn. Có tên bậc Sa-môn thời có giải-thoát; đã có giải-thoát, là được Nhất-thiết-chủng-trí!

Ông Tu-bạt-đà-la! So-sánh các pháp, duy trong pháp Tôi có Bát-thánh-đạo, có tên bốn bậc Sa-môn, là đạo giải-thoát, là Nhất-thiết-chủng-trí. Các ngoại-đạo kia như Phú-lan-na-ca-diếp vân vân, trong chỗ thuyết-pháp của họ, không có Bát-thánh-đạo, không có tên bậc Sa-môn, không phải là giải-thoát và Nhất-thiết-chủng-trí. Nếu họ nói là có, thời biết lời nói ấy quyết là lời nói dối-trá!

Ông Tu-bạt-đà-la! Hết thảy chúng-sinh nghe pháp Tôi nói, tin-thụ, suy-nghĩ, thời biết người ấy tất không nghe không, mà quyết được giải-thoát!

Ông Tu-bạt-đà-la! Khi Tôi còn ở vương-cung chưa đi xuất-gia, hết thảy thế-gian đều bị hàng lục-sư mê-hoặc, chưa thấy có cái thực Sa-môn!

Ông Tu-bạt-đà-la! Năm hai mươi chín tuổi Tôi xuất-gia học đạo, năm ba mươi sáu tuổi [24] Tôi ngồi dưới gốc cây Bồ-Đề, suy-nghĩ về nguyên-để cứu-cánh của Bát-thánh-đạo, thành vô-thượng chính-đẳng chính-giác, chứng được Nhất-thiết-chủng-trí. Chứng-ngộ rồi, Tôi đi đến vườn Lộc-giã, là nơi trụ-xứ của các tiên-nhân thuở xưa, thuộc nước Ba-la-nại, Tôi vì bọn ông Kiều-Trần-Như năm người [25], quay pháp-luân Tứ-đế, họ nghe được dấu-tích của đạo, khi ấy mới có tên Sa-môn ra đời, đem phúc-lợi cho chúng-sinh!

Ông Tu-bạt-đà-la! Ông nên biết rằng pháp Tôi được giải-thoát, Như-Lai thực là Nhất-thiết-chủng-trí!

Ông Tu-bạt-đà-la nghe đức Như-Lai nói về Bát-thánh-đạo rồi tâm sinh hoan-hỷ, khắp mình sởn lông, khát-ngưỡng muốn được nghe về nghĩa của Bát-thánh-đạo, ông bạch Phật rằng: “Kính xin Thế-Tôn, vì con mà phân-biệt và nói rộng nghĩa của Bát-thánh-đạo cho!”

Đức Thế-Tôn lại vì ông ấy phân-biệt và nói rộng nghĩa của Bát-thánh-đạo.

Ông Tu-bạt-đà-la nghe đức Phật nói nghĩa của Bát-thánh-đạo rồi, tâm-ý ông mở tỏ, bỗng dưng đại-ngộ và ở trong mọi pháp ông xa lìa được trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh, ông liền bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay con muốn xuất-gia trong Phật-pháp, mong đức Thế-Tôn chấp-thuận!

Đức thế-Tôn liền gọi: “Thiện-Lai Tỳ-Khưu!” Râu tóc ông tự sạch, ca-sa mặc vào mình, tức thành Sa-môn. Đức Thế-Tôn lại nói rộng về Tứ-đế cho ông nghe, ông liền được lậu-tận, thành A-La-Hán.

Đức Phật bảo ông A-Nan: “Nay ông nên biết rằng Tôi ở nơi đạo-tràng, thành Vô-thượng chính-đẳng chính-giác, lần đầu tiên thuyết-pháp độ cho bọn ông Kiều-Trần-Như năm người, ngày nay trong rừng Sa-la, sắp nhập Niết-Bàn, lần thuyết-pháp cuối cùng này, Tôi độ cho ông Tu-bạt-đà-la. Từ đây, chư Thiên, nhân-dân không ai được nghe Tôi thuyết-pháp mà đắc-độ nữa, nhưng, nếu người có thiện-căn cũng sẽ được giải-thoát, sau đây đều do đệ-tử của Tôi, dạy bảo lẫn nhau!”

Ông A-Nan! Ông Tu-bạt-đà-la, tuy là ngoại-đạo, mà thiện-căn của ông ấy, hợp thời thành-thục, duy có Như-Lai phân-biệt biết được. Sau khi Tôi nhập Niết-Bàn nếu có người ngoại-đạo, muốn xin xuất-gia trong pháp Tôi, các ông không nên thuận ngay cho họ; trước tiên yêu cầu họ phải tụng-tập kinh sách trong bốn tháng, xem ý-tính của họ là hư hay thực. Nếu thấy hạnh họ chất-trực, nhu-hòa và đối với trong pháp Tôi, thực có ý muốn sâu-xa, sau mới ưng-thuận cho họ xuất-gia. Ông A-Nan! Sở dĩ thế, là vì các ông trí-tuệ ít, không thể phân-biệt được căn-khí chúng-sinh ngay, nên buộc các ông trước phải xem-xét họ đã!

Khi ấy, ông Tu-bạt-đà-la bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Trước đây con muốn xin xuất-gia, đức Thế-Tôn nếu buộc con trước phải ở trong Phật-pháp bốn mươi năm đọc-tụng kinh-sách, sau mới cho con xuất-gia, con cũng chịu được, phương chi là chỉ có bốn tháng!

Đức Thế-Tôn bảo ông Tu-bạt-đà-la: “Đúng như thế, đúng như thế, ông Tu-bạt-đà-la! Tôi xem xét ý ông, đối với trong pháp Tôi ân-cần khát-ngưỡng, nay ông nói ra lời ấy, không phải là hư-thiết.”

Liền đấy, ông Tu-bạt-đà-la tới trước Phật, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Con không nỡ trông thấy đấng Thiên-Nhân-Tôn nhập Niết-Bàn, hôm nay con muốn nhập Niết-Bàn trước đức Thế-Tôn!”

Đức Phật dạy: “Quý hóa thay! Được!”

Lúc đó, ông Tu-bạt-đà-la ngay ở trước mặt Phật nhập Hỏa-giới tam-muội, mà nhập Niết-Bàn.

XVI. LỜI PHÓ-CHÚC

Bấy giờ, đức Như-Lai bảo ông A-Nan: “Ông đừng thấy Tôi nhập Niết-Bàn, cho là chính-pháp của Tôi ở đây mất hẳn. – Sao vậy? – Xưa Tôi vì các vị Tỳ-Khưu chế ra giới Ba-la-đề-mộc-soa [26] cùng nói ra nhiều diệu-pháp khác, những giới-pháp ấy tức là Đại-Sư của các vị và cũng như Tôi còn ở đời không khác!”

Ông A-Nan! Sau khi Tôi nhập Niết-Bàn, các vị Tỳ-Khưu đều phải theo thứ-tự, lớn, nhỏ, cung-kính lẫn nhau; không được gọi tên họ, mà đều gọi tên tự; cùng xem-xét lẫn nhau, đừng để trong chúng có sự phạm đại-giới; không nên soi-bói lỗi nhỏ của người. Xa-Nặc (Chandaka) Tỳ-Khưu [27] cần phải phạt nặng!

Ông A-Nan hỏi Phật: “Lạy đức Thế-Tôn! Thế nào là phạt nặng?”

Đức Phật bảo: “Ông A-Nan! Phạt nặng là hết thảy Tỳ-Khưu đừng cùng ông ấy nói chuyện!” Ông A-Nan bạch Phật: “Chúng con xin vâng làm theo lời dạy của Thế-Tôn!”

Khi ấy đức Thế-Tôn bảo các vị Tỳ-Khưu: “Nay các ông nếu còn ngờ-vực gì, mặc ý các ông thỉnh-vấn, đừng để sau khi Tôi nhập-diệt, hối-hận rằng Như-Lai gần nhập Niết-Bàn trong rừng Sa-la, lúc đó ta không dám đến hỏi để Như-Lai giải-quyết cho, đến nỗi ngày nay tâm-tình ta có chỗ trệ-trọc! Tuy nay thân thể Tôi có bệnh, nhưng, còn có thể vì các ông giải-thích những điều ngờ-vực. Nếu các ông muốn vâng giữ chính-pháp, lợi-ích Nhân, Thiên, sau khi Tôi nhập Niết-Bàn, nay các ông nên hỏi nhanh lên, Tôi giải-quyết cho chỗ còn ngờ-vực của các ông!”

Đức Thế-Tôn bảo như thế đến ba lần, các vị Tỳ-Khưu vẫn im-lặng, không có ai xin Ngài quyết-nghi gì cả. Lúc đó, ông A-Nan liền bạch Phật rằng: “Lạ thay, lạy đức Thế-Tôn! Đức Thế-Tôn dạy đến ba lần như thế, mà trong chúng này, không có ai ngờ gì cả!”

Đức Phật dạy: “Đúng như thế, đúng như thế! Ông A-Nan! Nay trong chúng này, có năm trăm vị Tỳ-Khưu chưa đắc-đạo, sau khi Tôi nhập Niết-Bàn, trong đời vị-lai các vị ấy, lậu-nghiệp sẽ được hết và chính ngay ông cũng là người ở trong số ấy!”

Bấy giờ đức Thế-Tôn bảo các vị Tỳ-Khưu: “Các vị nếu thân, khẩu, ý Tôi bỗng dưng có xúc-phạm gì, các vị nên bảo Tôi!”

Các vị Tỳ-Khưu nghe đức Phật nói lời ấy buồn rầu sa lệ, bạch Phật rằng: “Như-Lai há còn có lỗi nhỏ-nhặt về thân, khẩu, ý?”

Đức Như-Lai liền nói kệ:

Các hành là vô-thường,

Là pháp sinh-diệt;

Diệt sinh-diệt rồi,

Tịch-diệt làm vui. [28]

Đức Như-Lai nói bài kệ ấy rồi, Ngài bảo các vị Tỳ-Khưu: “Các vị nên biết: hết thảy mọi hành-tướng, đều là vô-thường; thân Tôi nay tuy là thể kim-cương, nhưng cũng không khỏi lẽ vô-thường biến-thiên. Trong nẻo sinh-tử, rất đáng sợ-hãi, các vị nên siêng làm hạnh tinh-tiến, cần mau ra khỏi hố lửa sinh-tử này, thế là lời dạy cuối cùng của Tôi!”

“Thời nhập Niết-Bàn của Tôi đã đến!”

Các vị Tỳ-Khưu cùng các Thiên, Nhân khác nghe đức Phật dạy lời ấy, thương-xót, kêu-khóc, buồn-bã ngất lăn ra đất.

Đức Như-Lai liền bảo tất cả mọi người: “Các vị không nên sinh ra sự buồn-rầu ấy, tính-tướng của mọi sự-vật, đều như thế cả!”

XVII. ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT-BÀN

Ngay khi ấy đức Như-Lai vào Sơ-thiền; ra Sơ-thiền, vào Nhị-thiền; ra Nhị-thiền, vào Tam-thiền; ra Tam-thiền, vào Tứ-thiền; ra Tứ-thiền, vào Không-xứ; ra Không-xứ, vào Thức-xứ; ra Thức-xứ, vào Vô-sở-hữu-xứ; ra Vô-sở-hữu-xứ, vào Phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ; ra Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ, vào Diệt-tận-định.

Lúc đó, ông A-Nan, đã thấy đức Như-Lai im-bặt không nói, thân-thể chi-tiết không dao-động, liền sa-lệ nói rằng: “Đức Thế-tôn nay đã nhập Niết-Bàn rồi!”

Bấy giờ ông A-nâu-lâu-đà (Aniruddha) bảo ông A-Nan: “Ngay bây giờ đức Như-Lai chưa nhập Niết-Bàn đâu! Sở-dĩ Ngài im-bặt, thân không dao-động, chính là Ngài nhập Diệt-tận-định!”

Đức Thế-Tôn ra Diệt-tận-định, lại trở vào Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ và lần-lượt cho đến vào Sơ-thiền. Rồi Ngài lại ra Sơ-thiền, vào Nhị-thiền; ra Nhị-thiền, vào Tam-thiền; ra Tam-thiền, vào Tứ-thiền. Và, ngay nơi ấy Ngài nhập Niết-Bàn.

Khi ấy, ông A-nâu-lâu-đà bảo ông A-Nan: “Đức Thế-Tôn đã ở nơi Tứ-thiền nhập Niết-Bàn rồi!

Ông A-Nan cùng bốn bộ-chúng, nghe ông A-nâu-lâu-đà nói lời ấy rồi, thương-xót, kêu-khóc, nghẹn-ngào, buồn-bã ngất lăn ra đất. Trong chúng ấy, hoặc có người khoa tay, bứt đầu, đấm ngực gào to, cùng bảo nhau rằng: “Con mắt của thế-gian mất đi, nhất đán sao chóng vậy thay! Từ nay trở đi, hết thảy chúng-sinh, ai là người lãnh-đạo và Nhân, Thiên sẽ giảm đi, đường ác ngày càng thêm!”

Lúc đó, Thiên, Long tám bộ trong hư-không, nước mắt chảy chan-chứa như mưa dào, bảo lẫn nhau rằng: “Từ nay ai là người quy-y của chúng ta; chúng ta cũng như đứa trẻ mất mẹ hiền; ba đường ác, ngày mở rộng thêm, cửa giải-thoát đóng kín nhiều lần! Hết thảy chúng-sinh, trầm-luân bể khổ, cũng như người đau xa-cách lương-y, như người mù mất người dắt-dẫn! Chúng ta xa-cách đấng vô-thượng Pháp-vương, giặc phiền-não xâm-bức hàng ngày!”

Xướng lên lời ấy rồi, họ buồn-bã, áo-não, không tự hãm được.

Bấy giờ, các người phái Lực-sĩ, trong thành Cưu-thi-na, đều là những người khỏe-mạnh, như con Hương-tượng, thế mà khi họ trông thấy đức Như-Lai nhập Niết-Bàn rồi, thân-hình họ tiều-tụy, như người mới phát bệnh.

Đương lúc đó, cõi đất rung-động, trống trời bỗng kêu, sóng bốn bể lớn giồ-giập lung-tung, ngọn núi Tu-Di tự-nhiên rung ngả, gió cuồng bốc mạnh, rừng gỗ gẫy tung, dây-nhợ héo-khô, sợ-kinh khác lạ!

Khi ấy, Đại-phạm thiên-vương nói bài kệ rằng:

Quá-khứ và vị-lai,

Cùng ngay trong hiện-tại;

Không có chúng-sinh nào,

Không hướng về vô-thường.

Như-Lai: Thiên-Nhân-Tôn,

Thân kim-cương kiên-cố;

Còn không khỏi vô-thường,

Huống là những người khác!

Hết thảy mọi chúng-sinh,

Mến-tiếc bảo-vệ thân;

Sức thêm hương hoa khác,

Không biết sẽ hủy-diệt!

Như-Lai thân sắc vàng,

Trang-nghiêm bằng tướng tốt,

Hội-hợp cũng xả-ly,

Ứng-nhập Bát-Niết-Bàn.

Dứt hẳn mọi phiền-não,

Thành Nhất-thiết-chủng-trí;

Vẫn còn không khỏi được,

Huống người phiền-não buộc!

Tiếp đó, Thiên-Đế-Thích nói bài kệ rằng:

Tính của mọi hành-tướng,

Thực là pháp sinh-diệt;

Đấng Lưỡng-Túc [29] tối-tôn,

Cũng về nơi diệt-tận.

Lửa ba độc [30] cháy bừng,

Thường thiêu-đốt chúng-sinh;

Không có mây “Đại-Bi”,

Gì cho mưa tắt được?

Ông A-nâu-lâu-đà cũng nói bài kệ:

Ngày nay đức Như-Lai,

Mọi căn không dao-động;

Tâm ý hội các pháp,

Mà bỏ nơi thân này.

Điềm-nhiên bặt lo-nghĩ,

Cũng không tiếp-thụ gì;

Như đèn tắt, sáng hết,

Như-Lai diệt cũng vậy!

Tới đây, ông A-Nan liền nói tiếp bài kệ:

Cõi đất bỗng động rung,

Gió cuồng bốn mặt bốc;

Sóng biển vỗ lung-tung,

Núi Tu-Di chuyển, ngả.

Tâm Thiên, Nhân buồn, khổ,

Nước mắt khóc như mưa;

Thảy đều sinh sợ-hãi

Như bị Phi-nhân [31] giữ:

Do Phật nhập Niết-Bàn,

Nên có việc như vậy!

Bấy giờ, có các vị Tỳ-Khưu cùng Nhân, Thiên ở trong chúng chưa đắc-đạo, thấy đức Như-Lai nhập Niết-Bàn rồi, tâm sinh áo-não, vật-vã ra đất; người đắc-đạo rồi, than hoài về cái khổ của thế-gian vô-thường, thương-xót, kêu khóc không tự-hãm được.

Lúc đó, ông A-nâu-lâu-đà, bảo các vị Tỳ-Khưu cùng cả Nhân, Thiên rằng: “Các vị không nên sinh tâm ưu-não quá, trước đây Như-Lai đã vì các vị nói rõ là tính-tướng của các sự-vật đều như thế, sao các vị còn cố thương khóc vậy ư?”

Khi ấy ông A-Nan liền phổ-cáo tất cả mọi người từ bốn phương xa lại rằng: “Đức Như-Lai nay đã nhập Niết-Bàn rồi!” Mọi người nghe ông A-Nan nói thế, thương-xót, kêu-khóc, buồn-bã, áo-não nghẹn-ngào nói với ông A-Nan: “Nay chúng-nhân tại đây, quá đông-đảo, chật-chội, đến ba mươi hai do-tuần, cũng đều đầy-ních, vậy kính xin Tôn-giả cho chúng tôi được lần-lượt tới trước trông thấy tôn-dung đức Như-Lai để lần cuối cùng chúng tôi được chiêm-ngưỡng, lễ bái và cúng-dàng. Vì, Như-Lai ra đời khó được gặp gỡ, như hoa Ưu-Đàm bao thời, bao thời mới hiện. Nay chúng tôi thân ở nơi đức Thế-Tôn nhập Niết-Bàn đây, xin Tôn-giả thương xót chúng tôi, để cho chúng tôi được trông thấy chân-dung Phật!”

Ông A-Nan nghe lời chúng-nhân, tâm tự suy-nghĩ: “Đức Như-Lai ra đời, rất khó được gặp, được cúng-dàng lần cuối cùng cũng là rất khó, nay ta nên cho những ai cúng-dàng Phật trước? Nay ta nên cho các vị Tỳ-Khưu-Ni cùng Ưu-bà-di, được tới trước cúng-dàng thân Phật. Sao vậy? – Họ là những người nữ-lưu yếu-ớt, vả lại, từ xưa tới nay họ không thường được đến chốn đức Phật. Do nhân-duyên ấy, ta cho họ tới trước!”

Ông nghĩ thế rồi, liền phổ-xướng cho các Tỳ-Khưu-Ni, cùng Ưu-bà-di, đều được đến trước nơi thân đức Như-Lai nhập Niết-Bàn.

Các Tỳ-Khưu-Ni cùng vô-lượng Ưu-bà-di, đều cùng nhau đến chốn Phật. Đến nơi họ trông thấy đức Như-Lai nhập Niết-Bàn rồi, họ kêu-khóc áo-não, đi nhiễu, lễ-bái và cúng-dàng mọi thứ.

Khi ấy, có một bà Ưu-bà-di nghèo-cùng, đã một trăm tuổi, bà thấy những vợ cùng con gái lớn, nhỏ, của các phái Bà-la-môn, Sát-lỵ, trưởng-giả, cư-sĩ, đem hương hoa tốt, mọi thứ cúng-dàng Phật, bà tự thương mình nghèo thiếu, riêng chịu mất nguyện tốt nơi đây, tâm bà tự nghĩ: “Đức Như-Lai ra đời rất là khó gặp, cúng-dàng Ngài lần cuối cùng cũng lại rất khó, mà nay ta bần-cùng, khánh-kiệt, không lấy gì biểu-lộ tâm-thành mình được!” Bà nghĩ thế rồi, càng thêm thương-xót, cảm-động, bà tới chỗ chân Phật, tâm áo-não quá, khóc-lóc thướt-mướt, nước mắt chảy xuống chân Phật, làm nhơ chân Phật, bà nguyện: “Nguyện con đời sau sinh ra nơi nào, con thường được thấy Phật!”

Các Tỳ-Khưu-Ni cùng Ưu-bà-di, cúng-dàng xong rồi, liền về chỗ mình.

Bấy giờ, ông A-Nan, lại phổ-cáo cho mọi người khác biết rằng các Tỳ-Khưu-Ni cùng Ưu-bà-di cúng-dàng xong rồi, các vị có thể lần-lượt tới trước thân Phật cúng-dàng. Mọi người nghe rồi, lần-lượt đến nơi thân Phật nhập Niết-Bàn. Đến nơi họ trông thấy đức Như-Lai nhập Niết-Bàn rồi, kêu-khóc vật-vã, tâm rất sầu-não, họ đem mọi đồ cúng-dàng, cúng-dàng lên Phật.

XVIII. HỎA-TÁNG THÂN PHẬT

Lúc đó, các người phái Lực-sĩ, đều tụ-tập lại, cùng bảo nhau rằng: “Nay chúng ta làm sao hỏa-táng thân Như-Lai chứ? Đức Thế-Tôn khi sắp Niết-Bàn, chắc Ngài đã có lời di-sắc?” Nói rồi, họ liền cùng nhau vào hỏi ông A-Nan: “Nay chúng tôi muốn cùng nhau tới làm việc hỏa-táng thân Như-Lai, vậy phép hỏa-táng này như thế nào, chắc khi Thế-Tôn sắp nhập Niết-Bàn có di-chỉ lại, kính xin Tôn-giả bảo cho chúng tôi biết để làm!”

Ông A-Nan bảo các người phái Lực-sĩ rằng: “Đức Như-Lai di-sắc phương-pháp hỏa-táng Ngài như phương-pháp hỏa-táng Chuyển-luân-thánh-vương không khác!” Ông A-Nan liền nói đầy-đủ những việc đức Phật di-sắc trước đây cho họ nghe. Các người phái Lực-sĩ nghe lời ông A-Nan nói, đều cùng nhau sắm đủ những đồ trong việc hỏa-táng. Trước tiên, họ sắm cỗ xe báu, chạm-trổ trang-nghiêm, mỹ-lệ; họ đặt thân Như-Lai trên xe báu kia, đốt hương tán hoa, tấu mọi kỹ-nhạc, ca-tụng, tán-thán; trong tiếng âm-nhạc, gióng lên những pháp: “Khổ, không, vô-thường, vô-ngã, bất-tịnh.”

Khi ấy, những người phái Lực-sĩ, bạch ông A-Nan rằng: “Nay đức Như-Lai nhập Niết-Bàn rồi, sự cúng-dàng lần cuối cùng này rất là khó gặp, chúng tôi muốn thỉnh lưu thân Như-Lai lại bảy ngày, bảy đêm, mặc ý cho mọi người cúng-dàng để cho chư Thiên, Nhân được an-vui mãi mãi được không?”

Ông A-Nan đem lời thỉnh-cầu của những người phái Lực-sĩ hỏi ông A-nâu-lâu-đà. Ông A-nâu-lâu-đà đáp ông A-Nan: “Quý hóa thay! Ông cho tùy ý họ!”

Ông A-Nan bảo những người phái Lực-sĩ rằng: “Thuận cho các ông lưu thân Phật lại bảy ngày bảy đêm, mặc ý cho mọi người cúng-dàng!”

Các người phái Lực-sĩ nghe lời ông A-Nan nói, tâm họ buồn, vui xen-lẫn, ngay trong rừng ấy, họ sắm-sửa mọi thứ cúng-dàng.

Đủ bảy ngày rồi, các người phái Lực-sĩ lấy bông mới, sạch cùng lấy vải nhỏ, mịn quấn vào thân Như-Lai. Sau mới lấy áo quan vàng để trong cùng; trong áo quan vàng này, rắc những bột hương Ngưu-đầu Chiên-đàn cùng các hoa quý. Họ lại đem áo quan vàng để trong áo quan bạc; đem áo quan bạc để trong áo quan đồng; đem áo quan đồng để trong áo quan sắt; đem áo quan sắt để trên xe báu, rồi tấu mọi kỹ-nhạc, ca-hát, tán-thán. Chư Thiên trong hư-không rắc hoa Man-đà-la, hoa Ma-ha Man-đà-la, hoa Man-thù-sa, hoa Ma-ha, Man-thù-sa, cùng tấu thiên-nhạc, mọi thứ cúng-dàng. Cúng-dàng xong rồi, nhiên-hậu lần-lượt hạ các nắp quan xuống.

Bấy giờ, các người phái Lực-sĩ cùng bảo nhau: “Nay kỳ-hẹn bảy ngày đã đủ, chúng ta nên khênh áo quan đức Như-Lai đi vòng quanh thành để cho nhân-dân mặc ý cúng-dàng, sau chúng ta mới khênh đến hỏa-đàn phía Nam-thành!” Họ nói lới ấy rồi, liền cùng nhau khênh áo quan đức Như-Lai lên, nhưng, họ đem hết thân-lực mà không thể khênh nổi lên được. Thấy thế, họ đều kinh-lạ, không biết cớ sao, họ đem việc ấy hỏi ông A-nâu-lâu-đà: “Chúng tôi tất cả mọi người muốn khênh áo quan Phật, đi vòng quanh thành, rồi trở về vào cửa Nam. Tới chỗ cúng-dàng hỏa-đàn, thế mà chúng tôi kiệt-cả thân-lực, vẫn không thể khênh nổi lên được, chúng tôi không biết thế là những sự-tướng gì, kính xin Tôn-giả vì chúng tôi, nói cho chúng tôi nghe về sự ấy!”

Ông A-nâu-lâu-đà bảo mọi người rằng: “Sở-dĩ có việc như thế là vì chư Thiên trên hư-không muốn để áo quan Phật đi vòng quanh thành, rồi từ cửa Bắc vào, dừng nghỉ ngay giữa thành, để chư Thiên, Nhân cúng-dàng mọi thứ, sau mới từ cửa Đông ra, đến chỗ tháp Bảo-quan, mà làm lễ hỏa-táng!”

Các người Lực-sĩ kia, nghe được lời ấy rồi, cùng bảo nhau rằng: “Ý chư Thiên như vậy, chúng ta nên thuận tòng.”

Liền đó, họ khênh áo quan Phật, quanh thành một vòng, từ cửa Bắc vào, dừng nghỉ giữa thành để chư Thiên, Nhân mặc ý cúng-dàng, tấu kỹ-nhạc hay, đốt hương tán hoa, ca-hát tán-thán. Chư Thiên trên không rắc hoa Man-đà-la, hoa Ma-ha Man-đà-la, hoa Man-thù-sa, hoa Ma-ha Man-thù-sa, cùng tấu thiên-nhạc, mọi thứ cúng-dàng.

Cúng-dàng xong rồi, từ cửa Đông thành ra, đến chỗ tháp Bảo-quan.

Đến nơi kia, các Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên, Long tám bộ cảm-động thương khóc nghẹn-ngào, không tự hãm được, mà cùng nhau nhặt những gỗ Ngưu-đầu Chiên-đàn và các thứ gỗ thơm khác, xếp lên thành đống. Trên đống gỗ ấy, trải căng những tấm vải lụa dầy đẹp, mắc tấm mùng đẹp lớn, che lên trên.

Xong rồi, khênh áo quan Phật, quanh đống gỗ thơm kia bảy vòng; đốt hương, rải hoa, tấu mọi kỹ-nhạc; nâng áo quan Phật để trên đống gỗ thơm, lấy dầu thơm tốt, rưới khắp cả.

Bấy giờ, bốn bộ-chúng cùng chư Thiên, Nhân, thương mến áo-não, không tự hãm được, cùng nhau lấy lửa, đốt từ dưới đốt lên. Nhưng, lửa không chịu cháy, dĩ chí đốt đến ba lần, gỗ vẫn không cháy. Mọi người không biết do đâu, liền đem việc ấy hỏi ông A-nâu-lâu-đà rằng: “Chúng tôi đốt đống gỗ thơm ba lần, sao mà không cháy?”

Ông A-nâu-lâu-đà đáp rằng: “Có ra sự ấy vì, Tôn-giả Ma-ha Ca-Diếp (Mahàkàsyapa) ở nước Đạc-soa-na-kỳ-lỵ, nghe biết đức Như-Lai sắp nhập Niết-Bàn, Tôn-giả cùng năm trăm Tỳ-Khưu từ nước kia về, muốn được trông thấy đức Thế-Tôn, nên đức Thế-Tôn không cho lửa cháy!”

Đại-chúng nghe lời ấy rồi, rất tán-thán là lạ-lùng.

Khi ấy, Tôn-giả Ma-ha Ca-Diếp ở nước Đạc-soa-na-kỳ-lỵ, xa nghe đức Như-Lai sắp nhập Niết-Bàn ở thành Cưu-thi-na, tâm rất thương mến, Tôn-giả liền cùng năm trăm vị Tỳ-Khưu, lên đường đi về.

Cách thành không bao xa, Tôn-giả bị đau mình mệt quá, ngồi ngay bên đường, không đi được nữa. Lúc Tôn-giả cùng các Tỳ-Khưu ngồi ở dưới gốc cây, thấy một người ngoại-đạo, tay cầm hoa Man-đà-la, Tôn-giả Ca-Diếp hỏi: “Ông từ đâu lại đây?” Người kia đáp: “Tôi từ thành Cưu-thi-na lại!” Tôn-giả Ca-Diếp lại hỏi: “Ông có biết Thầy tôi là bậc Ứng-biến-tri [32] không?” Người kia liền đáp: “Tôi biết bậc Đại-Sư Ngài ở khoảng hàng cây song-thụ trong rừng Sa-la, thuộc thành Cưu-thi-na, nhập Niết-Bàn rồi, nay đã được bảy ngày và giờ này chính ở chỗ tháp Bảo-quan, sắp làm lễ hỏa-táng; Thiên, Nhân đông-chật, tranh nhau cúng-dàng, nên tại đấy tôi lấy được bông thiên-hoa này!”

Tôn-giả Ca-Diếp nghe lời nói ấy rồi, thương khóc nghẹn-ngào, các vị Tỳ-Khưu buồn-bã, ngất lăn ra đất, bảo nhỏ cùng nhau rằng: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian mất rồi!”

Bấy giờ. Tôn-giả Ca-Diếp, an-ủi các vị: “Các vị không nên sinh ra sự khổ-não ấy, vì tính-tướng của mọi sự-vật đều như thế cả! Như-Lai Thiên-Tôn còn không khỏi được, huống là người khác thoát được ư? Các vị nên tinh-tiến, cần xa lìa đời khổ! Nay nên đứng dậy, đi nhanh về nơi tháp Bảo-quan, lễ-bái, chiêm-ngưỡng thân Phật!”

Lúc đó, trong chúng có ít vị Tỳ-Khưu khác, đi xuất-gia muộn, ngu-si vô-trí, bảo nhau rằng: “Khi Phật còn tại thế, ngăn-cấm, quở-trách chúng ta, chúng ta không được mặc-ý hành-động, nay Phật nhập Niết-Bàn rồi, sung-sướng quá!”

Khi ấy, Tôn-giả Ca-Diếp cùng các Tỳ-Khưu, tiến về thành Cưu-thi-na. Đến tháp Bảo-quan, trông thấy áo quan Như-Lai, trên đống gỗ thơm tất cả đều thương khóc thướt-mướt, đi nhiễu bảy vòng, rồi trèo lên đống gỗ thơm đến chỗ áo quan Phật, ở ngay phía chân, than-khóc nghẹn-ngào và đầu mặt làm lễ chân Phật.

Bấy giờ, thân đức Như-Lai ở trong áo quan báu, tự nhiên thò ra hai bàn chân. Tôn-giả Ca-Diếp trông thấy thế, càng thêm thương-xót, kinh-sợ. Chư Thiên, nhân trông thấy sự lạ-lùng hiếm có ấy, ai cũng ta-thán, sinh đau-khổ, mến-tiếc quá.

Tôn-giả Ca-Diếp thấy trên chân Phật có vết nhơ, liền quay lại, hỏi ông A-Nan: “Trên chân Như-Lai sao có vết nhơ ấy?” Ông A-Nan đáp: “Bắt đầu khi Như-Lai nhập Niết-Bàn, bốn chúng đông-ních, khi ấy tôi nghĩ rằng nếu cho đại-chúng đồng thời tiến đến trước Phật để cúng-dàng, thời nữ-nhân yếu-đuối, bất-tất tiến đến trước được, tôi liền cho các vị Tỳ-Khưu-Ni cùng Ưu-bà-di vào trước đến chỗ thân Như-Lai lễ-bái, cúng-dàng. Lúc đó, có một Ưu-bà-di bần-cùng, đã một trăm tuổi, thấy vợ và con gái, lớn, nhỏ của các dòng Bà-la-môn, Sát-lỵ, trưởng-giả, cư-sĩ, Lực-sĩ…, đem hương-hoa tốt, mọi thứ cúng-dàng, bà tự thương mình nghèo thiếu, không lấy gì biểu tâm-nguyện được; bà nghĩ thế rồi, càng thêm thương-xót, cảm-động, bà tới chân Phật, tâm áo-não quá, bà khóc thướt-mướt, nước mắt chảy xuống, làm nhơ chân Phật như thế!”

Tôn-giả Ca-Diếp nghe lời ấy rồi, mang tâm buồn-rầu, gở-trách ông A-Nan là không biết can-ngăn bà, để đến nỗi làm nhơ chân Phật như thế! Tôn-giả liền đem hương-hoa, cúng-dàng áo quan Phật. Lễ-bái, tán-thán, các việc xong rồi, hai bàn chân Phật tự nhiên thụt vào. Tôn-giả Ca-Diếp liền trở xuống đất.

Và do Phật-lực, đống gỗ thơm kia tự-nhiên bốn mặt lửa bốc, suốt trong bảy ngày, áo quan báu kia cháy tan hết. Bấy giờ, chư Thiên mưa xuống, lửa tắt đi, các người phái Lực-sĩ thu-nhặt Xá-lỵ; họ gỡ lấy nghìn trương vải quấn thân Phật ra thì trong cùng một trương, bên ngoài một trùng vẫn như cũ và còn bọc Xá-lỵ.

Đương khi ấy, chư Thiên trên hư-không, rải mọi hoa quý, cùng tấu kỹ-nhạc, ca-hát, tán-thán, cúng-dàng Xá-lỵ. Những người lại đây cùng các người phái Lực-sĩ, đều đặt mọi thứ cúng-dàng.

Các người phái Lực-sĩ liền đem chóe vàng, nhặt bỏ Xá-lỵ vào đấy, rồi đặt lên trên xe báu, đốt hương, tán hoa, tấu mọi kỹ-nhạc, trở về trong thành, cất một cái lầu cao lớn, đặt Xá-lỵ ở trên lầu, nghiêm-bị bốn loại binh, để phòng-vệ, thủ-hộ và chỉ cho các vị Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni được vào lễ-bái, dâng mọi thứ cúng-dàng mà thôi, còn vua cùng Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ, hết thảy nhân-dân nước khác, đều không cho đến trước.

XIX. QUÂN-PHÂN XÁ-LỴ

Khi ấy, vua A-Xà-Thế (Ajàtasatru) con bà Vi-Đề-Hy (Vaidehi) nghe thấy phái Lực-sĩ kia, thu Xá-lỵ Phật, đặt trên lầu cao, nghiêm-bị bốn loại binh để phòng-vệ, thủ-hộ, tâm rất buồn-rầu, áo-não, lại phẫn-nộ với những người phái Lực-sĩ kia, nhà vua liền cho người đưa tin đến bảo phái Lực-sĩ kia rằng: “Đức Thế-Tôn tại thế, cũng là Thầy của ta, khi ngài nhập Niết-Bàn ta ân-hận không tới yết-kiến được; vả lại, họ ta và họ Thế-Tôn đều thuộc dòng Sát-lỵ, nay sao các ông, riêng thu Xá-lỵ Ngài đặt trên lầu cao, nghiêm-bị bốn loại binh, để phòng-vệ, thủ-hộ, mà không chia cho người khác? Các ông nên đem một phần cho ta, ta muốn tại nước ta, xây một ngôi tháp quý, sắm mọi thứ cúng-dàng để cúng-dàng Ngài. Các ông nếu thuận cho, thời hai nước thông-hảo mãi, bằng các ông không thuận, ta sẽ dấy binh sang đánh nước các ông!”

Và, bảy Quốc-vương kkhác cùng các người phái Ly-xa, thành Tỳ-da-ly…, cũng đều sai sứ sang với phương-pháp như thế. Ngay cả đến Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ, cũng đều sai sứ đem tin sang nói với phái Lực-sĩ rằng: “Đức Thế-Tôn cũng là Thầy chúng tôi, mong các ông thương-xót tới, cho chúng tôi một phần Xá-lỵ Ngài!”

Khi, sứ-giả của các nước đến chỗ phái Lực-sĩ, tuyên-ngôn đầy-đủ ý của các Quốc-vương của họ.

Phái Lực-sĩ nghe rồi, mang tâm bất-bình lắm, đáp các sứ-giả rằng: “Đức Phật lại nước chúng tôi. Ngài nhập Niết-Bàn, Xá-lỵ của Ngài tự-nhiên thuộc chúng tôi. Nếu các người muốn xây tháp trang-nghiêm cúng-dàng trên quốc-giới mình, việc ấy không thể được. Khi nào tháp ở đây hoàn-thành, mặc ý các ông cùng lại đây cúng-dàng lễ-bái vui-vẻ với chúng tôi. Còn nếu các ông muốn dấy-binh, hướng về nước này, thì quân-chúng nước này cũng đủ để chống-chọi với nhau!”

Bấy giờ, các sứ-giả của các nước kia, đều trở về nước mình, mỗi người mỗi người đều hướng lên Quốc-vương mình, nói rõ công việc như thế. Các Quốc-vương nghe rồi, càng mang lòng sân-phẫn, đều nghiêm-bị bốn loại binh đi công-phạt nước kia. Và, phái Lực-sĩ kia cũng nghiêm-bị chiến-cụ, để chống-chọi với kẻ địch lại đánh.

Trong thành Cưu-thi-na, có một người Bà-la-môn tên là Đồ-lô-na, là người thông-minh, đa trí, thâm-tín Tam-Bảo, tâm tự suy-nghĩ: “Tám Quốc-vương kia cùng các người phái Ly-xa… thân-lực tráng-kiện, quân-chúng tinh-nhuệ; vả lại, sức dũng-mãnh của Lực-sĩ khó đương nổi, nếu họ giao-chiến, quyết không lưỡng-toàn được!”

Ông liền bảo các người Lực-sĩ kia rằng: “Các ông tuy dũng-nhuệ, quả-cảm, nhưng tám Quốc-vương kia đồng-lực, đồng-tâm, nhân-chúng tập-hợp, quân-trận hùng-mạnh, nếu các ông chiến-đấu, lý không lưỡng-toàn, giáo nhọn đã giao tranh, quyết-định có sự thương-hại. Vả lại, Như-Lai tại thế, dạy người ta làm lành, ngày nay bỗng dưng đi chém giết nhau! Vậy các ông không nên sẻn-tiếc chút Xá-lỵ, các ông nên chia cho các nước, cùng phái Ly-xa…; mỗi nơi đều ở nước họ, xây tháp cúng-dàng; không những hợp với lời dạy của đức Thế-Tôn xưa kia, lại làm cho các ông đều được phúc-lợi!”

Các người phái Lực-sĩ, nghe lời nói ấy rồi, tâm ý giải-ngộ, liền đáp lời ông ấy rằng: “Lời ông nói thực hợp lý, chúng tôi xin theo như lời ông nói!”

Ông Bà-la-môn kia, thấy những người phái Lực-sĩ đều giải-giáp, ông liền đi ra ngoài thành, nói truyện với các Quốc-vương rằng: “Nay các Ngài vì pháp, sao lại dấy binh?”

Các vị Quốc-vương đáp: “Chúng tôi vì pháp, nên từ nơi xa đến đây cầu Xá-lỵ, chúng tôi thấy họ chống cự, không chịu chia cho chúng tôi, nên nay chúng tôi phải cùng nhau dấy binh tại đây!”

Khi ấy, ông Bà-la-môn kia, lại nói với các Quốc-vương rằng: “Tôi đã cùng họ giải-hòa, các người phái Lực-sĩ kia đều vui lòng chia phần Xá-lỵ cho các ngài, vậy các ngài mang bình báu vào, tôi sẽ vì các ngài mà phân chia Xá-lỵ!”

Tám vị Quốc-vương hoan-hỷ, xin trao bình vàng cho ông. Ông Bà-la-môn kia nhận các bình vàng rồi, cầm đem về, ở trên lầu cao phân chia Xá-lỵ, đem cho tám quốc-vương.

Lúc đó tám vị Quốc-vương, được Xá-lỵ rồi, hớn-hở đội lên đầu, trở về nước mình, đều xây tháp báu. Các người phái Lực-sĩ… lấy một phần và ở nơi hỏa-đàn, vun những tro than thừa, xây-dựng tháp cúng-dàng. Như thế là cả thảy có mười nơi xây tháp.

Thế là, trước khi đức Như-Lai sắp nhập Niết-Bàn, cùng sau khi nhập Niết-Bàn cho đến việc hỏa-táng, xây các tháp, việc ấy như thế!

Và, sau đó Tôn-giả Ca-Diếp cùng ông A-Nan và các Tỳ-Khưu kết-tập Tam-tạng ở thành Vương-xá. [33]

HẾT

[1] Chuyển-luân-thánh-vương: Tiếng Phạm gọi là Chước-ca-la-phạt-lạt-để-hạt-la-xa (Cakavarti-raja): Vua Chuyển-luân-thánh-vương có 32 tướng. Khi tức-vị, do thiên-cảm nhà vua được cỗ xe báu (luân-bảo), xe này quay-chuyển hàng-phục được 4 phương nên gọi là Chuyển-luân-vương. Khi kiếp số tăng lên của nhân-loại, người ta thọ đến 2 vạn tuổi trở lên, thời vua Chuyển-luân mới xuất-thế. Mà ở kiếp diệt, người ta thọ từ vô-lượng tuổi, đến 8 vạn tuổi, thời nhà vua ra đời. Luân-bảo (cỗ xe báu) của nhà vua có 4 loại: Kim (vàng) ngân (bạc) đồng và thiết (sắt). Bốn cỗ xe báu này lần-lượt thống-lĩnh 4 đại-châu, như Kim-luân-vương coi cả 4 châu; Ngân-luân-vương coi ba châu: Đông, Tây và Nam; Đồng-luân-vương coi 2 châu Đông và Nam; Thiết-luân-vương coi 1 châu Nam-diêm-phù-đề.

[2] Chiên-đàn (Candana): tên một thứ gỗ thơm, ở núi Ma-la-da, Nam Ấn-Độ. Núi này hình đầu trâu nên gọi là Ngưu-đầu. Có chỗ gọi là Ngưu-đầu Chiên-đàn Tàu dịch là “dữ lạc” (cho vui), vì nó chữa được bệnh.

[3] Xá-lỵ (Saria): Có chỗ gọi là “Thất-lỵ-la”, hay “Thiết-lỵ-la”. Có nghĩa là thân-cốt của Phật. Xá-lỵ là vô-lượng công-đức lục-độ họp thành, là do sự huân-tu giới, định, tuệ mà thành. Xá-lỵ có ba hình sắc: sắc trắng là xá-lỵ bằng xương; sắc đen là xá-lỵ bằng tóc; sắc đỏ là xá-lỵ bằng thịt. Và, có 2 loại xá-lỵ: 1/ Toàn thân xá-lỵ: Như xá-lỵ Phật Đa-Bảo (trong kinh Pháp-Hoa). 2/ Toái-thân xá-lỵ: Thân đốt vụn ra như thân đức Phật Thích-Ca. Lại có hai thứ nữa: 1/ Sinh thân xá-lỵ: Thân do tu giới, định, tuệ mà thành, Như-Lai sau khi nhập-diệt, lưu lại thân-cốt, làm cho Nhân, thiên được phúc-đức cúng-dàng mãi mãi. 2/ Pháp-thân xá-lỵ: tức là hết thảy kinh sách, Đại, Tiểu-thừa.

[4] Xin xem chú-thích nơi kinh Quán-Âm Bồ-Tát Thụ-Ký đã ấn-hành.

[5] Tứ-thiên-hạ: Tức là 4 châu trong thiên-hạ: Đông-thắng thần-châu, Nam-thiệm bộ-châu, Tây-ngưu hóa-châu và Bắc-câu lô-châu.

[6] Bảy báu: Kim, ngân, lưu-ly, pha-lê, xà-cừ, mã-não, san-hô.

[7] 10 điều thiện: Không sát-sinh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói thêu-dệt, không nói ác, không tham, không sân, không si.

[8] Học-địa: Ở địa-vị còn phải tu-học. (Xem kinh Hiếu-Tử đã giải).

[9] Tỳ-xá (Vesa): Giai-cấp thương-mại. Giai-cấp thứ 3 trong 4 giai-cấp của Ấn-Độ.

[10] Thủ-đà-la (Sùdra): Giai-cấp nông-dân, nô-lệ. Giai-cấp thứ 4 trong 4 giai-cấp của Ấn-Độ.

[11] Do-tuần (Yojana): Theo Thánh-giáo chép thời mỗi Do-tuần là 16 dậm, mỗi dậm là 576 thước Tây. Như thế mỗi Do-tuần chừng 9,216 thước Tây.

[12] Trong kinh gọi là “nhất tiễn đạo” (một đường tên đi)

[13] Tám công-đức: 1/ Trừng-tịnh: lặng, sạch. 2/ Thanh-lãnh: trong mát. 3/ Cam-mỹ: ngon-ngọt. 4/ Khinh-nhuyễn: dịu-dàng. 5/ Nhuận-trạch: thấm-nhuần. 6/ An-hòa. 7/ Khi uống khỏi đói khát và khỏi vô-lượng tội-lỗi, tai-hoạn. 8/ Uống rồi quyết-định nuôi lớn các căn và thân tứ-đại thêm ích-lợi.

[14] Bốn loại binh: Voi, ngựa, xe và bộ-binh.

[15] Đến đây là hết quyển trung.

[16] Sám-hối: Tiếng Phạm gọi tắt là “Sám-ma” (Ksamayati). Chữ “sám-hối” này gọi chung cả hai tiếng Phạm và tiếng Tàu (“Sám” là “sám-ma”, tiếng Tàu gọi là “Hối-quá”). Bộ Chỉ-Quán quyển 7 nói: “Sám” là bảy tỏ lỗi ác trước, “Hối” là cải-đổi những lỗi trước, tu-tỉnh những việc sau.

[17] Quán-đỉnh (Abhisecani): Theo tục Ấn-Độ, một khi vị Hoàng-Tử được phong Thái-Tử lên ngôi vua, khi tấn-phong, lấy nước bốn bể rưới lên đầu, biểu ý chúc tụng.

[18] 3 đường ác: Địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh.

[19] 4 kinh Phệ-đà: Phệ-đà (Veda) Tàu dịch là “Minh-trí, minh-phận…”, nghĩa là bộ sách tỏ rõ sự thực, phát sinh trí-tuệ. Phệ-đà là tên kinh của Bà-la-môn-giáo, Ấn-Độ. Kinh này có bốn thứ: 1/ Thọ: Nói về thọ-mệnh. 2/ Từ: Nói về việc tế-tự, cầu phúc. 3/ Bình: Nói về việc lễ-nghi, xem bói, binh-pháp quân-trận. 4/ Thuật: Nói về việc kỹ-thuật, chú-cấm, y-phương.

[20] Cồ-Đàm (Gautama): Tên họ của dòng họ Thích. Đây là chỉ vào đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni.

[21] 4 đại: Đất, nước, gió, lửa (tức là chất dắn, chất lỏng, chất hơi, chất nóng).

[22] Thiên-nhĩ: Cái tai của người các cõi trời thuộc Sắc-giới. Tai này nghe thấy tiếng nói của chúng-sinh trong lục-đạo, cùng những tiếng tốt, xấu xa gần.

[23] Đây là đức Phật chỉ vào 4 quả của Thanh-văn.

[24] Nay hay nói là 35 tuổi.

[25] Bọn ông Kiều-Trần-Như 5 người: Đây là 5 vị Tỳ-Khưu, được Phật nói Tứ-diệu-đế độ cho lần đầu tiên: 1/ Kiều-trần-như (Àjnàta Kaundinya: Tàu dịch là “Hỏa-khí”) 2/ Át-bệ (Asvajit: Tàu dịch là: “Điều-mã, Mã-thắng, Mã-sư, Mã-tinh”). 3/ Bạt-đề (Bhadrika: Tàu dịch là: “Tiểu-hiền”). 4/ Thập-lực-ca-diếp (Dasabala Kàsyapa: Tàu dịch là: “Khỉ-khí”). 5/ Ma-nam-câu-lỵ (Mahànàma Kukila: Tàu dịch là: “Đại-danh”).

[26] Ba-la-đề-mộc-soa (Pratimoksa): Tàu dịch là: “Biệt-giải-thoát”, có nghĩa là người thụ giới-luật, đều đạt tới chỗ giải-thoát những lỗi về thân, khẩu, nhưng trong ấy có sự giản-biệt về định-cộng-giới (luật-nghi do tĩnh-lự sinh) và về đạo-cộng-giới (tức vộ-lậu luật-nghi).

[27] Vị này trước đánh ngựa cho Phật đi xuất-gia, sau đi tu hay ác-khẩu, vào bè với lục-quần Tỳ-Khưu, nhưng, Phật nhập-diệt rồi, cũng được chứng quả.

[28] Đại-ý đức Phật nói: Sự-vật do giả-tạo mà thành, đều thuộc về vô-thường, vì nó là thứ có sinh ra, có diệt đi. Nếu diệt được cái sinh-diệt ấy rồi, thì “tịch-diệt giải-thoát” là vui.

[29] Vị đầy-đủ về 2 phương-diện phúc-đức và trí-tuệ.

[30] Ba độc: Tham, sân, si.

[31] Phi-nhân: Chỉ vào thiên, long 8 bộ cùng những đồ-chúng ác-quỷ nơi minh-minh.

[32] Ứng-biến-tri: Tức là Ứng-cúng, Chính-biến-tri, 2 hiệu trong 10 hiệu của Phật. Nghĩa là bậc giác-ngộ, biết hết mọi pháp và được sự cúng-dàng của Nhân-Thiên.

[33] Đến đây là hết quyển hạ.

Trang: 1 2