SỐ 206
KINH CỰU TẠP THÍ DỤ
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Tam tạng Pháp sư Khương Tăng Hội, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN HẠ

35- Đức Phật đang nói pháp cho tất cả các thầy Tỳ-kheo. Khi ấy có một người thợ săn mang cung tên và xách vài mươi con chim đã bị bắn chết, đi ngang qua pháp hội. Khi trông thấy Đức Phật, tâm ý người ấy trở nên trong sạch và mạnh mẽ, đến xin Ngài giảng dạy, trong lòng muốn lắng nghe và nhận lãnh. Đức Phật ngồi lặng yên không nói. Người thợ săn bước lui, liền nói:

–Nếu tôi được làm Phật, sẽ rộng rãi vì mọi người mà nói pháp, không có chống trái.

Ngài A-nan nghe ông ta nói vậy, liền hỏi Đức Phật:

–Vị thợ săn ấy đã sẵn lòng nghe pháp, vì sao Ngài không tùy thuận họ?

Đức Phật dạy:

–Người ấy là Đại Bồ-tát có tâm nguyện sâu xa, vững chắc. Vì sao vậy? Ông ta ngày xưa là một ông vua, đối với các thể nữ trong cung thương không đều, các cung phi không được vua yêu mến cùng nhau âm mưu lấy lông chim khuấy rượu thành chất độc giết vua. Sau khi vua chết, thác sinh vào nhà thợ săn, còn các thể nữ bị đọa trong loài chim muông và thú vật. Ông ta nay sắp trả hết tội kia, sau này sẽ được thành tựu tốt đẹp. Nếu nói pháp lúc này, ông ta sẽ sinh tâm lo sợ và sau này sẽ mất đạo quả A-la-hán, vì vậy cho nên Ta không nói.


36- Ngày xưa, trong một ngôi chùa nọ, có một cái nồi bằng vàng dùng để nấu các món ăn cho chúng Tăng. Lúc bấy giờ có người vào chùa thấy được cái nồi ấy, muốn lấy trộm mà chưa có phương cách.

Sau đó, ông ta xin làm Sa-môn, mặc áo ca-sa sinh hoạt với chúng Tăng. Cũng nhờ có duyên này nên mới nghe được vị Thượng tọa giảng kinh: “Tội, phước là nguồn gốc của sinh tử, quả báo của nó sẽ ảnh hưởng đến đời sau. Do đó mà người tu hành không xa lìa được nó thì cũng khó được đạo quả.”

Người ăn trộm giả làm Sa-môn khi nghe như vậy, tâm liền khai ngộ, ôm lòng hổ thẹn, ăn năn, thay đổi tâm tánh, chuyên tâm tu học.

Sau đó liền thấy được lẽ đạo, nên vị ấy suy nghĩ: “Cái nồi vang chính là thầy ta”, nên vị ấy đặc biệt trước hết đảnh lễ cái nồi vàng, rồi đi nhiễu ba vòng. Sau đó vì các Sa-môn nói rõ nguyên nhân ngộ đạo của mình.

Luận rằng: Nguyên nhân của người tu hành được giác ngộ đều khác nhau. Nếu tâm được chuyên nhất, ai cũng có thể thấy được chân lý.


37- Ngày xưa, ngài A-na-luật sau khi đã chứng quả A-la-hán, ở trong chúng Tỳ-kheo, ngài có thân hình rất đoan chánh, da dẻ trắng mịn, đẹp như con gái.

Một hôm ngài đang đi thong dong trong bãi cỏ, gặp một người đàn ông không thận trọng, thấy ngài tưởng lầm là người nữ, liền sinh tà tâm muốn xúc phạm. Khi đã biết là đàn ông, tự nhìn lại thân mình đã biến thành đàn bà, anh ta rất hổ thẹn, liền chạy vào trong núi sâu, không dám về nhà. Sau vài năm, vợ con của ông không biết ông ở đâu và nghĩ đã chết nên buồn khóc, đau khổ không yên.

Một hôm, ngài A-na-luật đi khất thực đến nhà ấy, người vợ buồn than kể lể về ông chồng bỏ nhà đi, lâu nay không thấy trở về.

Xin nhờ phước lực của ngài chú nguyện cho gia đình được sum họp. Ngài nghe như vậy chỉ lặng yên không nói, nhưng trong long suy nghĩ: “Bà ấy thật tội nghiệp!”. Ngài liền đi vào núi cố tìm người đàn ông kia. Khi ngài đã gặp, anh ta tỏ lòng ăn năn, hối lỗi, tự trách, liền trở thành nam tử. Anh ta từ tạ ngài trở về nhà gặp lại vợ con, cả nhà đều vui vẻ.

Phàm người đã được đạo quả không ai có thể mang điều ác đến cho họ. Ngược lại, người gây họa phải bị tai ương.


38- Ngày xưa, có thầy Tỳ-kheo thường ngồi tọa thiền, hành đạo dưới một bóng cây im mát. Ở trên cây có con khỉ trông thấy thầy Tỳ-kheo thọ trai, liền nhảy xuống ngồi một bên, thầy đem cơm dư cho nó. Con khỉ có cơm ăn, liền đi lấy nước cho thầy tắm rửa.

Như vậy, trải qua nhiều tháng, sau này có một ngày thầy Tỳ-kheo quên không để cơm cho khỉ. Con khỉ này không được đồ ăn rất giận. Nó lấy áo ca-sa của thầy leo lên cây xé nát. Thầy Tỳ-kheo

giận nói: “Đồ súc sinh!”, rồi leo lên cây dùng gậy quơ đánh, lỡ tay trúng khỉ, rơi xuống đất chết.

Sau đó có vài con khỉ ở đâu kéo đến kêu khạt khạt ầm ĩ… cùng nhau mang xác con khỉ đến trong chùa. Các thầy Tỳ-kheo ở trong chùa biết có việc gì đây. Vị chủ chùa mời quý thầy quy tụ về họp để tìm hiểu vấn đề. Thầy Tỳ-kheo này nói hết sự thật. Do đó mà các vị tôn túc có lời khuyên dạy:

–Từ nay trở đi, các thầy Tỳ-kheo mỗi khi ăn, đều nên lưu lại một ít cơm để bố thí cho chúng sinh.

Tỳ-kheo được Phật tử cúng dường, khi ăn không nên ăn hết mà phải sớt lại một ít. Phép lưu phạn bắt đầu từ đây vậy.


39- Ngày xưa, có một con rùa ở trong cái ao cạn, gặp lúc nắng hạn không kiếm được thức ăn, mạng sống bị đe dọa. Khi ấy có một con ngỗng trời lớn bay đến đậu gần đó. Rùa đi đến cầu xin ngỗng giúp đỡ, ngỗng thương tình dùng mỏ gắp rùa bay đi, rùa được mang bay qua thôn ấp, người vật rất lạ mắt. Rùa không chế ngự khẩu nghiệp của mình cho nên luôn miệng hỏi han: “Đây là chỗ nào?…”.

Như vậy hỏi chuyện này sang chuyện khác không thôi. Ngỗng phải trả lời, vì trả lời cho nên phải mở miệng, do đó mà rùa bị rơi xuống đất, người ta bắt nó làm thịt.

Phàm những kẻ ngu muội, không suy nghĩ, bất cẩn miệng lưỡi dễ đưa đến tai vạ như vậy.

Ngày xưa có một vị Sa-môn, nhờ anh bạn quen cạo tóc. Khi cạo tóc xong, anh ta cúi đầu làm lễ thưa:

–Xin nguyện cho tôi đời sau tâm ý được thanh tịnh, trí tuệ như Đạo nhân.

Đạo nhân lại nói:

–Mong cho anh bạn trí tuệ sẽ được hơn tôi.

Anh ta lại đảnh lễ rồi lui ra. Vị ấy sau khi mạng chung, được sinh lên cõi trời Đao-lợi. Khi hết phước ở cõi trời, sinh xuống làm con của gia đình Bà-la-môn, sau được xuất gia làm Sa-môn, có trí tuệ và được thấy đạo.

Việc này do ý chí mà được thành tựu vậy.


40- Ngày xưa có một Phạm chí đến viếng quốc vương cầu xin bố thí. Trong lúc vua và các quan đang sửa soạn muốn đi ra ngoài thành để săn bắn. Vua bảo Phạm chí:

–Ngài hãy nghỉ lại đây, đợi tôi về rồi hãy đi.

Dặn dò xong, vua và các quan vào núi săn bắn. Vì quá hang say rượt đuổi cầm thú nên vua quan chạy lạc mỗi người một ngả.

Nhà vua đi ngang qua một hang núi, không may gặp một con quỷ, bị quỷ bắt, đòi ăn thịt. Vua nói:

–Xin hãy nghe tôi trình bày chút việc. Tôi là quốc vương, sáng nay khi ra đi, tôi gặp một Đạo nhân xin tôi bố thí. Tôi có hứa giúp và mời vị ấy đợi ở trong cung. Xin ngài cho tôi tạm trở về cúng dường Đạo nhân như đã hứa rồi sẽ trở lại bố thí thân này cho ngài.

Quỷ nói:

–Nay tôi đang đói, nếu cho ông trở về, ông đâu chịu trở lại.

Vua nói:

–Lành thay! Nếu tôi là người không biết giữ chữ tín, lúc này tôi đâu cần nghĩ đến gặp Đạo nhân làm gì?

Quỷ nghe vậy liền thả cho vua đi. Khi trở về cung, vua lấy vật bố thí cho Đạo nhân, đem việc nước giao phó cho thái tử. Vì giữ lời hứa, vua trở lại gặp quỷ. Quỷ thấy vua trở lại, trong lòng rất cảm kích. Nhờ lòng thành của đấng quân vương, chuyển đổi được tâm ác của quỷ. Nó liền lễ tạ đức vua, không còn nghĩ đến chuyện ăn thịt nữa.

Thầy dạy:

–Đức vua chỉ có một lòng chí thành mà bảo toàn được tính mạng, chỉnh đốn quốc gia. Huống gì một người hiền thiện biết giữ gìn năm giới, lại còn hết lòng bố thí, phước kia thật là vô lượng vậy.


41- Ngày xưa, vua A-dục thường ưa thiết trai cúng dường các Sa-môn. Vua dạy thái tử phải tự tay lo liệu sửa soạn các vật thực để cúng dường. Thái tử tỏ ý giận, nói thầm: “Khi ta được làm vua, sẽ giết các Đạo nhân này.”

Có một Sa-môn biết được tâm ý của thái tử không tốt, nên gọi đến nói:

–Tôi không còn sống ở thế gian bao lâu nữa.

Thái tử nghe nói vậy, sợ quá, thưa:

–Sa-môn rõ ý tôi sao?

Thái tử liền suy nghĩ ngược lại: “Khi tôi làm vua sẽ cúng dường các Đạo nhân hơn phụ vương tôi.”

Tâm ông ta khi ấy được an hòa vì đã bỏ điều ác, nghĩ đến điều thiện. Sa-môn nói với thái tử:

–Khi ngài làm vua, tôi đã sinh lên cõi trời rồi.

Thái tử thưa:

–Thánh thiện thay bậc Sa-môn!

Sau này thái tử lên làm vua, ngài dùng năm giới và mười điều lành để làm chính sách trị nước an dân, đưa đất nước đến chỗ thái bình thịnh trị.


42- Ngày xưa có một người làm nghề nông, có hai bà vợ. Người vợ lớn hiểu đạo, hằng ngày mang cơm cúng dường Sa-môn.

Có thầy Sa-môn như thường lệ đi khất thực đến nhà ấy, gặp người vợ nhỏ, bà ta không cúng dường mà còn tỏ vẻ giận dữ. Sáng hôm sau, đến giờ khất thực, thầy cũng đi ngang qua nhà ấy, bà vợ nhỏ liền đi ra lấy bát, vào bên trong đem đồ bất tịnh để vào trong bát, rồi đổ cơm phủ lên trên, đem bát trao lại cho thầy Sa-môn.

Thầy Sa-môn mang bát về nhà, lúc muốn ăn cơm, thầy thấy đồ bất tịnh, liền đi rửa bát. Từ đây thầy Sa-môn không đến nhà người ấy khất thực nữa.

Sau đó, người vợ nhỏ ở trong miệng và khắp thân đều bay ra mùi hôi thối, mọi người biết vậy ai cũng lánh xa. Sau khi chết bị đọa vào địa ngục phẩn sôi.

Như vậy, bà ta bị lưu chuyển trong ba đường ác hàng ngàn vạn năm. Khi tội hết mới được làm người, thường suy nghĩ muốn ăn đồ bất tịnh, nếu không ăn thì trong bụng bị đau thắt. Sau này lớn lên, cô ta đi lấy chồng, ban đêm tự thức dậy lén đi lấy phẩn uế mà ăn, hang đêm đều làm như vậy. Người chồng lấy làm lạ, liền đi tìm hiểu, thấy được người vợ đang ăn phẩn dơ.

Đây là do việc làm lỗi lầm đời trước mà phải đưa đến nghiệp quả như vậy.

Con người sống ở đời có bốn việc khó thành tựu:

  1. Xây dựng chùa tháp thờ Phật.
  2. Xây dựng phòng xá làm nơi tu học cho mười phương Tăng.
  3. Dâng cúng đồ ăn uống cho Tỳ-kheo Tăng.
  4. Được xuất gia làm Sa-môn.

Nếu bốn việc này, người nào có nhân duyên thực hành được, sẽ có phước đức vô lượng. Vì sao vậy? Khi còn ở trong ba cõi, đã được làm người, lại còn có tài sản nên phải phá nhổ gốc rễ xan tham, kịp thời bố thí, giúp đỡ cho mọi người, làm cho sự nghiệp càng thêm bền vững, được như vậy cũng đã là khó.

Ai hiểu rõ được nguồn gốc tội phước? Chỉ có Đức Phật vậy.

Đức Phật dạy:

–Thầy Tỳ-kheo không nên dùng đồ ăn uống trao tặng cho nhau, cho đó là việc làm thân thiện trong đạo. Mà chỉ nên đem kinh điển, giáo pháp truyền trao, răn dạy cho nhau.

Thầy Tỳ-kheo mà dùng đồ ăn ngon đãi đằng, gởi tặng cho nhau, thầy ấy hiện đời được cho là tốt bụng, đời sau không được lợi ích. Đức Phật cũng bị dư luận không tốt. Vì sao vậy? Người ngoại đạo thấy Tỳ-kheo như thế sẽ nói: “Đệ tử Phật chỉ chú trọng vật chất, cơm áo ăn mặc để trao tặng cho nhau.” Ai chỉ dạy việc làm ấy? Người ta sẽ bảo là Đức Phật dạy như vậy. Do đó đạo Phật bị mang tiếng.

Trái lại, các thầy Tỳ-kheo dùng Kinh điển, Giới luật chỉ dạy, trao truyền cho nhau, mới là việc làm chân chánh và có lợi ích sâu xa. Vì sao vậy? Người ngoại đạo thấy các Tỳ-kheo như thế, họ sẽ nói: “Đệ tử của Đức Phật chỉ dùng kinh điển, giới luật chỉ dạy cho nhau, tất cả đều có lợi ích.” Các thầy Tỳ-kheo đời này được tiếng lành, đời sau sẽ giải thoát. Đức Phật cũng được tán dương. Vì sao vậy? Đức Phật là Thầy của các vị Tỳ-kheo, Ngài chỉ dùng Kinh điển,

Giới luật chỉ dạy đệ tử. Vì vậy nên biết, không cần dùng vật chất tầm thường để thù tạc, qua lại, mà chỉ nên dùng lời hiền thiện hợp đạo lý mà trao dạy cho nhau mới là báo ân Phật.

Đức Phật dạy:

–Thầy Tỳ-kheo nên biết đủ.

Thế nào gọi là biết đủ? Là cần bộ áo để che thân, cơm ăn ngày một bữa, thường kinh hành, tâm tịch tĩnh, không dong ruỗi bên ngoài, tâm không bị rối loạn, đó là biết đủ; cũng không cho là mình tri túc. Hoặc nương vào kinh, luật Phật dạy mà tu hành để thành tựu Tứ thiền, Tứ không định, cho đến được đạo quả Tu-đà-hoàn,

Tư-đà-hàm, cũng chưa cho đó là đủ vậy. Như vậy gọi là chưa đến đích.


43- Xưa có thầy Tỳ-kheo đi khất thực, vội đứng bên đường tiểu tiện. Người qua đường thấy được, đều chỉ cười và nói:

–Đệ tử của Đức Phật trong từng bước đi phải có pháp độ, trong trang phục cũng cần chỉnh đốn oai nghi. Trái lại thầy kia đứng mà tiểu tiện, thật đáng buồn cười!

Thời ấy có một người tu hành theo phái ngoại đạo Ni-kiền tử.

Thấy người chê cười thầy Tỳ-kheo kia, ông liền tự suy nhgĩ: “Tu sĩ bên phái chúng ta trần truồng đi ngoài đường không ai nói gì cả. Trái lại, đệ tử của Đức Phật chỉ đứng tiểu tiện mà bị người đàm tiếu. Như vậy là do sự hướng dẫn của thầy bên phái chúng ta không có phép tắc, cho nên người không cười vậy. Riêng đệ tử của Phật tu hành thanh tịnh, đi đứng oai nghi, nếu người sơ suất dễ bị dị nghị.”

Suy nghĩ như vậy, sau đó ông ta quay về, theo Phật xin xuất gia thọ giới làm Sa-môn, tinh tấn tu hành, liền được đạo quả Tu-đà-hoàn.

Thầy Tỳ-kheo cũng ví như con sư tử, là vua trong các loài cầm thú, nên nói năng, hướng dẫn người khác phải có pháp độ. Đi, đứng, nằm, ngồi phải có oai nghi, làm khuôn phép cho người khác, không nên tự khinh. Nếu tự khinh, tự hủy là làm nhục cho các bậc Tiên hiền đó vậy.

Vua trời Đế Thích và vị thứ nhất trong bốn vị Thiên vương, ngày mười lăm ba lần xem xét thiên hạ để biết ai là người trì giới.

Nếu thấy người trì giới thì chư Thiên rất hoan hỷ.

Đã đến ngày trăng tròn, vua trời Đế Thích ngồi tại chánh điện, tự suy nghĩ: “Nếu thiên hạ có người trai giới ba bữa trong dịp trăng rằm, khi thọ mạng hết sẽ được địa vị của ta.”

Chư Thiên đứng hầu rất kinh ngạc, nói:

–Thưa, đâu chỉ có trai giới ba bữa trong dịp ngày rằm mà được địa vị của trời Đế Thích?

Lúc bấy giờ có một thầy Tỳ-kheo đã được đạo quả A-la-hán.

Biết tâm niệm của trời Đế Thích, vị ấy bạch với Đức Phật:

–Thưa Đức Thế Tôn, có thể đúng như lời nói của Đế Thích nhận xét chăng?

Đức Phật dạy:

–Ông Đế Thích nói không thể tin, vì không hợp lý.

Vị Tỳ-kheo hỏi:

–Tại sao vậy?

Đức Phật dạy:

–Người tinh tấn ba ngày trai giới trong dịp trăng rằm có thể vượt thế gian mà đâu chỉ vì địa vị Đế Thích. Như vậy, vì ông nói chưa hợp lý nên không đủ tin.

Ai có thể biết rõ phước trì trai giới? Duy chỉ có Đức Phật vậy.


44- Ở trong biển có một con rồng rất lớn, nó muốn mưa nổi nước, đem lại lợi ích cho đất trong cõi Diêm-phù, nhưng sợ mặt đất không đủ sức chấp nhận nước mưa. Rồng suy nghĩ: “Đất không đủ khả năng chứa nước mưa của ta, vậy ta chỉ có cách là mưa vào trong biển.”

Trí tuệ của Đức Phật và hàng đệ tử có oai đức rất lớn, muốn đem giáo lý bố thí cho chín mươi sáu phái tu hành theo ngoại đạo mà sợ họ không kham nhận, đảm đương nổi. Vì vậy cho nên Đức Phật và chúng đệ tử trao dạy cho nhau, cũng như rồng rưới nước mưa của mình vào trong biển vậy.


45- Ngày xưa có một Phạm chí đã một trăm hai mươi tuổi. Thời trai trẻ không cưới vợ, không tham dục. Ông vào trong núi sâu, nơi không có người lui tới, dùng cỏ che một am tranh, lấy cỏ bồng làm giường nằm, uống nước trái cây thay cơm, không chứa tiền của, vật báu. Dù được quốc vương mời vị ấy cũng không đến. Tâm ý vị ấy thanh tịnh, thường được vô vi an lạc. Ở tu trong núi hơn ngàn năm, hàng ngày vui chơi với các loài cầm thú, mà trong số đó có bốn con thú thân cận nhất: Một là con chồn, hai là con khỉ, ba là con rái cá và bốn là một con thỏ. Bốn con thú này hằng ngày theo Đạo nhân để nghe dạy giới, kinh.

Như vậy, trải qua một thời gian, đến lúc các loại trái cây đều bị khan hiếm, Đạo nhân có ý muốn rời khỏi chỗ ấy ra đi. Bốn con thú biết vậy sầu lo không vui, cùng nhau luận bàn: “Chúng ta cùng nhau đi tìm vật thực để cúng dường Đạo nhân.”

Chú khỉ đi đến núi khác hái được mấy quả cam, đem đến dâng cúng Đạo nhân, trong tâm nguyện mong thầy đừng đi.

Chú chồn hóa thành người đi xin đồ ăn, được một bao bún khô, mang đến dâng lên Đạo nhân để có thể cung cấp đồ ăn một tháng, mong thầy trở lại.

Rái cá cũng lặn lội trong suối nước bắt được một con cá lớn, mang đến dâng lên Đạo nhân và nguyện tiếp tục cung cấp đồ ăn một tháng, xin ngài chớ đi.

Còn chú thỏ, tự suy nghĩ: “Ta cúng dường Đạo nhân như thế nào đây?” Suy đi, nghĩ lại, chỉ có cách là đem thân cúng dường Đạo nhân là hơn cả, thỏ liền đi lấy củi, đốt lửa thành một đống than hồng.

Rồi thỏ đến thưa với Đạo nhân:

–Tôi làm thỏ, thân phận nhỏ bé, nay xin nhảy vào lửa thiêu nướng, nguyện đem thân này dâng lên Đạo nhân để cung cấp lương thực một ngày.

Nói xong, thỏ liền nhảy vào trong lửa, nhưng lửa không cháy.

Thấy sự hy sinh quá nhân nghĩa của thỏ, Đạo nhân trong lòng rất cảm kích nên đổi ý, nguyện ở lại đây không đi đâu nữa.

Đức Phật dạy:

–Vị Phạm chí thời ấy là Đức Phật Đề-hòa-kiệt. Thỏ là tiền thân của Ta. Khỉ là tiền thân của Xá-lợi-phất. Chồn là tiền thân của A-nan. Rái cá là tiền thân của Mục-kiền-liên.


46- Ngày xưa có năm vị Đạo nhân đi lỡ đường, trời tối, gặp lúc mưa tuyết, phải vào tá túc trong miếu của một vị Thần. Trong miếu có một tượng Thần bằng gỗ mà dân ở đây được lệnh phải thờ phụng.

Bốn vị Đạo nhân cùng có ý kiến: “Tối hôm nay trời lạnh, chúng ta có thể lấy người gỗ này chẻ làm củi, thổi đốt sưởi ấm được?”.

Có một Đạo nhân nói:

–Tượng này người ta đang tôn kính thờ phụng, không nên đốt phá.

Nói rồi, ông ta mang lên đặt lại chỗ cũ.

Trong miếu này có quỷ dữ có thể ăn thịt người, hôm đó nó bàn với nhau: “Chúng ta nên bắt người kia để ăn thịt vì người đó rất sợ ta. Bốn người kia dữ quá không dám xúc phạm. Người có thể bắt ăn là người không dám phá tượng đó vậy.”

Đạo nhân kia nằm nghe quỷ nói vậy, liền dậy kêu các bạn:

–Chúng ta hãy phá tượng này để dùng vào việc đốt sưởi ấm.

Liền lấy tượng xuống đốt. Quỷ ăn thịt người thấy vậy sợ hãi phóng chạy.

Luận rằng: Phàm người học đạo nên vững tâm ý, không thể khiếp nhược, khiến cho quỷ thần không có phương tiện hại người được vậy.


47- Ngày xưa có một ông vua bỏ nước xuất gia làm Sa-môn, ở trong núi rừng tinh tấn tư duy: “Ta nay chỉ có một am tranh, trải cỏ bồng làm giường chiếu.” Tự thấy quá đắc chí, ông ta cười lớn, nói:

–Khoái thích thay!

Vị Đạo nhân ở gần đấy hỏi:

–Ngươi vốn ở trong cảnh an lạc, nay một mình ngồi trong núi học đạo, có điều gì vui sao?

Vị Sa-môn nói:

–Khi tôi làm vua, việc lo lắng suy nghĩ quá nhiều! Hoặc sợ vua láng giềng chiếm đoạt nước, cũng sợ người cướp lấy tài sản vật chất của tôi. Hoặc sợ mình bị người tham lợi dụng, lại sợ kẻ thuộc hạ lợi dụng tiền tài, vật báu mà không biết họ sẽ phản nghịch khi nào. Nay tôi làm Sa-môn, không có một vật gì để người sinh tâm tham lợi, vui thích quá không thể nói hết. Do nhân duyên như thế nên tôi nói “Hết sức vui thích” là vậy.


48- Ngày xưa có một vị quốc vương rất mến chuộng đạo đức, thường đi nhiễu quanh tháp một trăm vòng, đi chưa đủ thì chưa chịu nghỉ ngơi.

Một ngày nọ, có vua nước lân cận kéo binh đến định xâm chiếm nước ấy. Các vị đại thần nghe tin quá sợ hãi, liền đến tâu báo lên đức vua:

–Thưa Đại vương, có giặc thù của nước lân cận, sắp kéo binh đến, xin ngài tạm gác lại việc nhiễu tháp, trở về chấp chánh để lo đánh đuổi giặc thù.

Vua nói:

–Ta thuận cho binh lính sẵn sàng nghênh chiến. Ta cũng quyết tâm tiếp tục không ngừng.

Tâm ý vua kiên cố, nhiễu tháp chưa xong mà giặc đã tan rã, bỏ chạy tán loạn.

Luận rằng: Người có nhất tâm định ý, không một trở ngại nào mà không tiêu tan.


49- Ngày xưa có một vị vua thường ra ngoài thành thăm viếng dân tình, gặp Đức Phật và chúng Tăng đều xuống xe đảnh lễ, không ngại bùn đất lấm dơ. Các vị cận thần rất khó chịu, họ nói với nhau:

“Đức vua suy nghĩ và làm chi những việc phiền toái như vậy!”

Đức vua nghe được nên khi về cung ngài ra lệnh cho các đại thần:

–Các khanh hãy mang đến đây cho ta một trăm đầu thú vật và một cái đầu người.

Sau đó họ thưa với đức vua:

–Chúng tôi đã vâng lệnh sắm đủ.

Vua bảo:

–Các khanh hãy mang ra chợ bán hết những cái đầu kia và cả đầu người cho ta.

Sau đó các hạ thần thưa:

–Chúng tôi đã bán trăm đầu thú vật, riêng đầu người bán không ai chịu mua, nay nó thối quá!

Vua bảo các đại thần:

–Các khanh không hiểu rõ, trước đây ta phát tâm gặp Đức Phật và chúng Tăng liền cúi đầu đảnh lễ. Các khanh nói: “Ý vua quá phiền toái”, nên nay ta muốn cho các khanh biết cái đầu của con người là vậy. Đầu của người chết không sạch sẽ, rất hôi hám. Nay dùng nó vào việc tạo phước để được hóa sinh lên các cõi trời. Các ngươi lại ngu si phản đối, cho là phiền toái.

Các hạ thần quỳ thưa:

–Đúng thật như lời của đại vương dạy. Chúng thần ngu si không thấu hiểu nổi. Xin đại vương thứ tội.

Sau này, mỗi khi vua và các quan ra ngoài thành thăm viếng dân tình, gặp Đức Phật và chúng Tăng đều cung kính đảnh lễ. Xem đó như một vương pháp vậy.


50- Ngày xưa có một vị quốc vương đi ra ngoài thành thăm viếng dân tình, mỗi khi thấy các Sa-môn đều xuống xe đảnh lễ. Có vị Đạo nhân nói:

–Đại vương không nên xuống xe.

Vua nói:

–Ta muốn đi lên chứ không chịu đi xuống. Sở dĩ ta nói đi lên mà không đi xuống là như thế này: Ta nay vì Sa-môn mà đảnh lễ, về sau khi thọ mạng hết sẽ sinh lên cõi trời, cho nên ta nói chỉ đi lên mà không đi xuống là thế.


51- Ngày xưa có một người chết đã lâu, sau đó thần thức trở lại đưa tay vuốt bộ xương cũ của mình. Người đứng gần đó thấy vậy hỏi:

–Vì sao ngươi sờ mó bộ xương khô ấy?

Vị Thiên thần nói:

–Đây là thân cũ của ta, là thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Miệng không nói dối, không thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác. Ý không tham lam, ganh ghét, không sân hận, không si mê. Cho nên sau khi chết được sinh lên cõi trời, mọi mong cầu đều được khoái lạc vô cùng tận. Vì lý do như thế cho nên ta mến trọng thân cũ này vậy.


52- Ngày xưa, ở nước ngoài có một Sa-môn tu hành ở trong núi.

Thời bấy giờ có một con quỷ hóa làm một người không có đầu, đi đến trước Sa-môn. Thầy Sa-môn nói:

–Không có đầu chỉ là bệnh hoạn, vì mắt để thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi biết hương, miệng lưỡi cảm thọ mùi vị. Vì vậy không có đầu chẳng có gì thích thú cả.

Quỷ nghe vậy biến mất, liền hiện ra một người không có thân, chỉ có tay chân. Thầy Sa-môn thấy vậy nói:

–Người không thân thì không biết có đau ốm, không có lục phủ ngũ tạng và như vậy sẽ không biết có bệnh, thì đâu có gì vui!

Quỷ lại biến mất, liền hiện ra một người không có tay chân.

Thân như một bánh xe lăn đến trước Sa-môn, thầy Sa-môn nói:

–Thích thú quá, không có tay chân thì không thể đi trộm cướp tiền tài vật chất của người. Vậy không thích sao!

Quỷ nghe dạy như vậy thưa:

–Thầy đã giữ gìn được thân tâm không bị dao động.

Quỷ liền biến thành một người đàn ông, đi đến đảnh lễ sát đất và thưa với Sa-môn:

–Thầy giữ gìn tâm ý vững chắc như vậy sẽ khiến cho ngài tu học không lâu sau sẽ thành tựu.

Quỷ một lần nữa lại cúi đầu đảnh lễ dưới chân Sa-môn rồi lui ra.


53- Ngày xưa có một Sa-môn tu hành một mình trong núi, thay áo, áo bị rớt, thầy ngó chung quanh, rồi kéo áo mặc vào ngay. Khi ấy sơn thần xuất hiện, nói với Đạo nhân:

–Trong núi này vắng vẻ không có ai, vì sao thầy phải lật đật mặc áo như vậy?

Thầy Sa-môn nói:

–Có Sơn thần thấy tôi, tôi cũng tự thấy; ở trên có mặt trăng, mặt trời, chư Thiên cũng thấy tôi. Với ý nghĩ đó cho nên tôi không thể cho thân lộ. Nếu không có lòng hổ thẹn thì không phải đệ tử của Phật.


54- Ngày xưa có sáu người vốn là bạn, sau đều bị đọa vào địa ngục, cùng bị hành hình, nấu trong một cái chảo lớn. Họ đều muốn nói nguồn gốc lỗi lầm của mình: Người thứ nhất nói: “Sa”. Người thứ hai nói: “Na”. Người thứ ba nói: “Đặc”. Người thứ tư nói:

“Thiệp”. Người thứ năm nói: “Cô”. Người thứ sáu nói: “Đà-la”.

Khi Đức Phật thấy vậy, Ngài mỉm cười. Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật để rõ căn nguyên. Đức Phật dạy:

–Sáu vị ấy trước đó là bạn của nhau, đều bị đọa vào địa ngục, phải chịu khổ hình trong một cái chảo lớn. Họ muốn nói nguồn gốc tội lỗi của mình. Do nước sôi trào vọt lên xuống nên họ không nói được nhiều lời. Chỉ nói được một lời liền bị nhận chìm trở xuống.

Người thứ nhất nói: “Sa”. Ông ta muốn nói: Ở thế gian trải qua sáu mươi ức vạn năm, trong địa ngục chỉ có một ngày. Ta biết khi nào mới đền trả tội xong!

Người thứ hai nói: “Na”. Ông tỏ ý thất vọng, không biết khi nào mới được ra khỏi đây?

Người thứ ba nói: “Đặc”. Ôi, nên dụng tâm tu sửa lúc còn sống. Như vậy mới có thể chế ngự được vọng tâm của mình mà quyết định lấy của năm nhà phân ra để cúng dường Tam bảo. Ngườingu tham lam không biết đủ, nay hối hận nào có ích gì!

Người thứ tư nói: “Thiệp”. Anh ta muốn nói: Dù lo kinh doanh tìm cầu vật chất trong sự sống cũng không đi đến đâu. Sau khi chết tài sản của ta thuộc về người khác, riêng mình chịu thống khổ.

Người thứ năm nói: “Cô”. Ai có thể giúp ta ra khỏi địa ngục, sau đó không còn phạm vào lỗi lầm để được sinh lên cõi trời, người, hưởng vui sướng?

Người thứ sáu nói: “Đà-la”. Việc khổ đau này là do trước đây ta không chịu lo toan. Ví như cỡi xe đi lạc vào đường tà, xe bị gãy trục, hối hận không kịp.


Bảy bài này trích trong La-hán Thí Dụ:

55- Ngày xưa, Đức Phật còn tại thế, Ngài bảo Tôn giả Xá-lợiphất đi đến cõi nước trang nghiêm của Đức Phật Duy Vệ, thăm hỏi Đức Phật kia về ba việc là thân Đức Phật có được an ổn không? Nói pháp bình thường không? Người nghe pháp có được tăng trưởng tiến bộ không?

Tôn giả Xá-lợi-phất nương oai thần của Đức Phật đi đến nước kia như lời Phật căn dặn, hỏi thăm về ba việc. Đức Phật Duy Vệ nói:

–Tất cả đều được thuận lợi, an ổn.

Lúc bấy giờ Đức Phật vì hàng Bồ-tát mà chuyển vận xe pháp, thuyết giảng pháp Bất thoái chuyển cho hàng Bồ-tát Thất trụ. Ngài Xá-lợi-phất được dự nghe, rồi từ cõi ấy trở về, sắc diện sáng tươi, đi đứng khác thường. Đức Phật gọi Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

–Ông đến nước kia trở về, vì sao nay đi đứng có vẻ thích thú như vậy?

`Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Con đến nước kia được nghe Đức Phật dạy pháp Bất thoái chuyển, giống như người nhà nghèo đói rét, bỗng được vô số châu báu nhiều như núi Tu-di, do vậy con hân hoan, không thể tự chế.

Đức Phật dạy:

–Lành thay! Đúng như lời ông nói.

Đức Phật lại dạy:

–Này Xá-lợi-phất, ví như vị trưởng giả Đại Ca-la-việt, hoàn toàn dùng vàng ròng và hạt châu Ma-ni làm gia bảo. Ở trong nhà có những thứ đồng, thiếc, chì, kẽm, đều vứt bỏ ra ngoài đống rác dơ. Có người nghèo khổ gặp được, vui mừng mang những thứ ấy về nhà, tuyên bố rằng: “Ta đã được quá nhiều vật báu của trưởng giả Ca-la-việt.”

Nhưng sự thật có phải vật báu của trưởng giả không?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

–Thưa, chẳng phải.

Đức Phật dạy Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Pháp mà ông được nghe là pháp còn thấp thỏi, nghèo nàn.

Đức Phật kia nói công hạnh của Bồ-tát Thập trụ và nói sự thanh tịnh trong phẩm hạnh đó, cho nên pháp mà ông đã được nghe chưa đầy đủ trọn vẹn công hạnh của Bồ-tát.

Tôn giả Xá-lợi-phất hiểu được, thưa:

–Con tưởng rằng được của báu, trái lại chỉ là thứ chì, thiếc mà thôi.

Khi ấy trong hội chúng nghe ngài Xá-lợi-phất trình bày sự việc như vậy, vô số Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề, vô số Bồ-tát khác được Nhất sinh bổ xứ.


56- Ngày xưa, ngài Đại Mục-kiền-liên ngồi bên gốc cây, thử dùng đạo nhãn nhìn xem thấy đến tám ngàn cõi Phật. Ngài suy nghĩ:

“Đức Như Lai thấy còn chưa bằng ta.” Ngài đi đến chỗ Đức Phật, như bước đi oai vệ của con sư tử. Đức Phật hỏi Tôn giả Mục-liên:

–Ông, hàng Thanh văn, nay sao lại bước đi sư tử?

Tôn giả Mục-liên bạch Phật:

–Con có thể thấy khắp tám phương, có tám ngàn cõi Phật. Con nghĩ rằng: “Đức Phật thấy không bằng con”, cho nên con bước đi như sư tử.

Đức Phật dạy:

–Lành thay! Đại Mục-kiền-liên, cái thấy của ông quả rộng lớn vậy!

Đức Phật dạy Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Ví như đèn sáng đem so sánh với ngọc minh châu cách nhau rất xa.

Đức Phật dạy:

–Ta nhìn thấy cõi, nước khắp mười phương nhiều như số cát của sông Hằng, một hạt cát là một cõi Phật, trong cõi ấy ta thấy tất cả: Hoặc thấy có người từ cung trời Đâu-suất vào trong thai mẹ, rồi thị hiện đản sinh, xuất gia học đạo, tu hành, hàng phục ma quân. Sau khi thành đạo, Đế Thích, Phạm thiên đến khuyến khích thỉnh Đức Phật nói pháp. Rồi Đức Phật vì vị ấy và tất cả chúng sinh mà nói pháp, sau đó vào Niết-bàn; đã vào Niết-bàn, đệ tử hỏa thiêu, lấy xá-lợi xây tháp tôn thờ. Như vậy, rất nhiều sự kiện xảy ra không thể tính kể, ta dùng Phật nhãn đều thấy rõ hết.

Khi đó Đức Phật phóng một đạo hào quang chiếu suốt phương trên, trong thân phóng ra hào quang chiếu khắp tám hướng, chân phóng ánh sáng soi chiếu phương dưới, đều thấy trăm ngàn cõi nước.

Lúc ấy các cõi nước khắp mười phương chấn động sáu cách mà ánh sáng kia không bị chướng ngại.

Lúc bấy giờ ngài Mục-kiền-liên ở trước Đức Phật liền thấy vô số, vô biên hằng hà sa cõi nước, ở trong mỗi cõi nước đều có như những điều Đức Phật đã chỉ dạy ở trên. Tôn giả Mục-kiền-liên bạch Phật:

–Thế Tôn vừa nói đến mười hằng hà sa cõi Phật, nay Ngài hiện bày cũng như vậy.

Đức Phật dạy ngài Mục-kiền-liên:

–Do ông không tin, cho nên Ta nói một ít. Bây giờ Ta hiện bày ra như vậy, so ra thì thật không thể tính kể.

Ngài Mục-kiền-liên nghe Đức Phật dạy như vậy, toàn than gieo xuống đất như núi lớn sụp đổ, cất tiếng khóc thưa:

–Con không biết công đức rộng lớn của Phật, mới có thái độ sai lầm như thế này. Thà thân con vào đại địa ngục chật chội nhơ bẩn, trải qua trăm kiếp không trụ A-la-hán quả còn hơn!

Ngài Mục-kiền-liên lại nói:

–Ở giữa đại chúng, Đức Thế Tôn thường dạy, con là Thần thông bậc nhất mà còn không đủ khả năng nói và biết công đức của Phật, huống gì người chưa được đạo mà biết được sao? Đại chúng nên phát tâm tu hành theo chí hướng của Phật, chớ bắt chước theo tôi mà làm bại hoại dòng giống giác ngộ.

Tất cả Trời, Rồng, Quỷ thần, Nhân dân nhiều vô số đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Có người phát tâm rộng lớn tu Bồ-tát đạo sẽ được quả vị Bất thoái chuyển. Các Bồ-tát đã được Bất thoái chuyển liền đạt được quả vị Nhất sinh bổ xứ.


57- Ngày xưa có một Long vương tên là Bạt-để, oai thần rộng lớn, rất năng động, tánh nóng nảy, thường ưa làm việc bạo ngược, cùng các quyến thuộc làm điều phi pháp, như dùng gió mưa lớn, sấm chớp, mưa đá để giết hại nhân dân, cầm thú, chim chóc và các loại thú vật nhỏ, nhiều vô số.

Thời ấy có mười ngàn vị tôn túc A-la-hán cùng nhau bàn luận:

“Nếu ai giết một người đọa địa ngục một kiếp, còn phải cả trăm lần chịu chết để thường mạng, tội kia còn chưa hết. Nay loài rồng tàn hại chúng sinh lâu nay không lường hết được. Cứ như vậy, nếu nó không chịu dừng lại, sợ sẽ khó được độ thoát. Nay chúng ta hãy đi đến để ngăn chặn lỗi lầm của nó vậy!”.

Khi ấy Đức Phật biết được, liền khen:

–Lành thay! Các thầy là người xuất gia cầu đạo Vô vi giải thoát, có lòng muốn cứu tất cả mạng sống đang bị nguy ách, lại cũng muốn độ người có tội là rất tốt và nên làm, đó cũng là việc báo ân vậy.

Khi ấy các vị A-la-hán cùng bàn với nhau: “Chúng ta không cần huy động cả vạn người cùng đi, mà chỉ đi từng người một, lần lượt đến cảm hóa.” Nhưng đều bị thất bại không thể tiến tới được.

Họ cùng bàn với nhau: “Đi một mình không thể hàng phục, cảm hóa con rồng bỏ ác làm lành được. Bây giờ nên tập hợp công đức của cả vạn người cùng một lúc đi đến.”

Khi rồng đã thấy được, liền nổi gió làm mưa đá, sấm chớp mịt mù, nó làm cho cả vạn người đều kinh hãi, mờ mịt, không thể tiến bước, lại phải chịu nhục quay trở về.

Ngài A-nan bạch với Đức Phật:

–Thưa Thế Tôn, con rồng đã giết hại người và thú vật, tội lỗi của nó rất lớn, không thể tính kể. Nay còn làm mưa đá khủng bố cả vạn vị A-la-hán. Các ngài, y hậu mưa ướt như người bị chết đuối. Tội của nó rất nặng, không thể kể hết được.

Khi ấy, Đức Phật đang ở trên núi Kỳ-xà-quật cùng với một vạn Bồ-tát và một vạn A-la-hán, tất cả cùng đến ngọn núi, chỗ rồng đang trú ngụ. Khi Long vương thấy, nó liền nổi giận làm mưa đá, sấm chớp. Rồng lại còn phóng một tảng đá rộng bốn mươi trượng, nếu rơi xuống đất sẽ lún sâu bốn thước, muốn dùng nó hại Phật và chúng Bồ-tát. Khi đá bay đến trên Phật, trụ giữa hư không, biến thành hoa trời che ở trên. Đức Phật liền phóng ánh sáng soi tỏ khắp nơi. Ở trong núi, các thợ săn gặp mưa lớn tối tăm mù mịt, không nhận ra phương hướng đâu là Đông, đâu là Tây; tất cả hơn vạn người nhờ ánh sáng đó mà đi đến gặp Phật.

Rồng lúc ấy lại tiếp tục nổi sấm sét, liệng một tảng đá lớn khác vuông vức rộng bốn mươi trượng, nếu tảng đá này rơi xuống đất sẽ lún sâu trong lòng đất bốn mươi trượng, nhưng khi tảng đá bay ngang trên Đức Phật liền biến thành hoa, nhập chung với những bông hoa trước, kết thành một bảo cái bằng hoa. Các rồng nhỏ quyến thuộc cũng liệng mưa đá xuống, bao trùm một trượng vuông, cũng đều biến thành hoa như trên.

Các vị A-la-hán thấy rồng muốn gây tai biến, đều ôm lòng lo sợ, đến nương gần Đức Phật. Loài rồng ở trên mây nhìn thấy trận mưa đá của mình nay đã biến thành bảo cái bằng hoa, treo lơ lửng trên không, không rơi xuống được. Rồng suy nghĩ: “Ta phải cuộn khúc thân mình dài bốn mươi trượng, làm mưa xối xả trên đầu Phật và chúng Tăng.

Nhưng mưa tức thời bị dập tắt ngay ở trên không. Lúc ấy khắp thân ác độc của rồng đau đớn, ngã lộn, lún sâu trong lòng đất. Bấy giờ rồng mới ngẩng đầu nhìn Đức Phật, suy nghĩ: “Các hành động của ta đều không được như ý muốn. Chắc chắn là ta đã gặp vị Thần tối thượng vi diệu, tôn quý.” Cùng lúc ấy, các rồng nhỏ tự thân cũng cảm thấy bủn rủn, không nhúc nhích nổi. Long vương và tất cả rồng quyến thuộc khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời, làm con trời, họ liền trở xuống đứng hầu bên Phật. Khi ấy Đức Phật nói với A-nan:

–Thầy có biết các vị trời này từ đâu sinh lên không?

A-nan thưa:

–Con không biết được.

Đức Phật dạy:

–Chính là Long vương và quyến thuộc đã có ác ý mà ông đã nói: “Tội họ rất lớn, không thể tính kể”, nhưng nhờ khi họ bị rơi xuống đất liền phát lòng hiền lành, biết Đức Phật là Bậc Tôn Quý, nên khi chấm dứt thọ mạng được sinh lên cõi trời. Các vị đang ở đây chính là họ.

Các vị trời khi nghe Đức Phật dạy như vậy, đều phát tâm Vô thượng bình đẳng, độ thoát chúng sinh. Khi ấy các thợ săn vừa đi đến chỗ Đức Phật, họ tự nghĩ: “Tội lỗi của rồng như vậy còn được giải thoát, nghề săn bắn sát hại của ta, so với rồng, lỗi cũng không bao nhiêu.” Họ muốn phát đạo tâm nhưng còn do dự.

Đức Phật nói với A-nan:

–Một vạn vị A-la-hán này muốn độ loài rồng đang tạo tội, nhưng năng lực không đủ. Nếu không có Ta vì loài rồng mà chế phục thì chẳng những không độ được cái ác mà còn tăng thêm tội cho họ. Cho nên muốn độ tất cả chúng sinh, trước phải thiền định tư duy, nếu có thể độ được, sau đó mới thi hành. Có những người các thầy không thể hóa độ, Như Lai có thể độ mà còn chưa độ.

Khi các thợ săn nghe Đức Phật dạy như vậy, đều phát tâm Vô thượng bình đẳng, độ thoát chúng sinh cùng trời, rồng và tất cả nhân dân trong hội, nghe Đức Phật vì họ mà nói pháp nên đều được vào địa vị Bất thoái chuyển.

Long vương Bạt-để cùng với Đức Thích-ca Văn Phật thời trước đó đều là dòng tộc Bà-la-môn. Thời ấy đệ tử của ông Bạt-để có cả vạn người. Họ thấy Đức Thích-ca Văn là Đấng Tài Đức đều bỏ thầy cũ, theo phụng sự Đức Thích-ca Văn. Ban-để vì ôm long sân hận nên phải bị tội báo đọa làm rồng. Trái lại công đức của Phật đã thành tựu nên độ tất cả chúng sinh, một vạn đệ tử đều đắc quả A-la-hán.

Ác tâm của rồng rất mạnh, muốn hại tất cả, hàng vạn người kia nghĩ tình thương xót nên muốn cứu độ, nhưng vì Long vương này đã từng làm thầy của họ, cho nên tuy đã chứng Tứ quả Thanh văn mà cũng còn phải chịu nhục. Nếu là Bồ-tát, rồng có gia tăng ác hại cũng không làm gì được.


58- Ngày xưa có một quốc gia, nhân dân thịnh vượng, nam nữ lớn nhỏ đều quen thói làm ác, tánh khí ngang bướng, hung bạo, rất khó giáo hóa. Đức Phật dẫn các đệ tử đến gần nước ấy. Trong đó có năm trăm vị A-la-hán tâm thường tự mãn. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đứng trước Đức Phật thưa:

–Con muốn đến nước kia hóa độ muôn dân.

Đức Phật liền chấp nhận. Tôn giả đi đến nước đó nói pháp, giảng đạo, khuyên họ nên làm việc thiện, nếu làm việc ác, tội lỗi kia rất khó lường được. Người trong nước ấy họ hùa nhau phỉ báng, không chịu nghe theo lời khuyên dạy ấy nên Tôn giả phải trở về.

Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Muốn giáo hóa người nên dùng trí tuệ như pháp mà sửa đổi, nếu họ hiểu được sẽ tự cải bỏ.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Con muốn đi đến nước kia để chuyển hóa cứu độ muôn dân.

Đức Phật chấp nhận cho ngài đi. Tôn giả vì mọi người giảng dạy kinh luật, họ không nghe theo mà còn nhục mạ.

Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và các đệ tử lớn gồm năm trăm vị, theo thứ tự lần lượt đi đến nước kia cũng không hóa độ được mà còn bị coi khinh chế diễu. Tôn giả A-nan bạch với Đức Phật:

–Người nước kia hung dữ, không chịu tiếp nhận lời lành, các Thanh-văn đến đó đều bị nhục mạ. Nếu nhục mạ một vị A-la-hán, tội ấy rất lớn, huống nữa họ còn đi ngược lại với lời khuyên dạy của các vị, họ sẽ mắc tội rất nặng, bầu trời này khó dung được họ.

Đức Phật dạy:

–Tội ấy tuy nặng, nhưng Bồ-tát quán sát chỉ thấy có thanh tịnh mà không thấy thật có tội.

Đức Phật liền dạy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đi đến nước kia để giáo hóa. Khi Bồ-tát đến giáo hóa, họ được nghe và đều tán thán:

–Việc hướng dẫn, dạy dỗ của Bồ-tát sao mà dễ tiếp nhận quá!

Bồ-tát lại còn vào viếng vua nước kia, sau khi đàm đạo, vua rất hoan hỷ, lại còn báo cho các quan, nhân dân đều biết. Vua tán thán:

–Bồ-tát là Bậc tinh tấn, dũng mãnh, nhân từ, trí tuệ.

Bồ-tát đi đến đâu, mọi người đều rất hợp ý khen ngợi, tất cả đều rất hoan hỷ, không thể tự kiềm chế. Họ nói: “Đây là bậc Đại nhân, lời dạy rất thần diệu. Bồ-tát lại còn biết được tâm chí của ta, đấy không phải là điều vui thích nhất sao!”

Mọi người đều đem vàng bạc, vật báu, hương hoa rải trên người Bồ-tát.

Lại còn đem y phục, lụa là tốt đẹp và đồ ăn trân quý cúng dường Bồ-tát. Sau đó tất cả đều nhờ sự giáo hóa của Ngài mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dạy chúng đệ tử:

–Các vị cúng dường ta không bằng cúng dường Thầy ta. Ngài là Đấng Giác Ngộ. Hãy đi đến phụng sự cúng dường Ngài, phước đức sẽ tăng trưởng vô lượng.

Tất cả mọi người đều vui vẻ chấp thuận, theo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đến yết kiến Đức Phật. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp. Ngay khi ấy, tất cả họ đều vào địa vị Bất thoái chuyển, ba ngàn quốc độ đều chấn động lớn. Núi rừng, cây cỏ đều thầm khen ngợi: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi khéo hóa độ vậy!”.

Đức Phật hỏi A-nan:

–Ngươi nói họ mắc tội lớn, nay có còn không?

Sức mạnh của năm trăm vị A-la-hán và oai thần của Bồ-tát đã hóa độ như vậy cho nên thường được Đức Như Lai khen ngợi. Nếu chúng ta không biết hồi tâm sẽ làm suy hại dòng giống của Phật, không có lợi ích cho tất cả mọi người.


59- Một hôm Đức Phật ngồi tĩnh tọa bên gốc cây, Ngài vì tất cả mọi người mà nói pháp. Trong hội chúng có người được đạo quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-la-hán. Người được chứng đắc đạo quả không thể tính kể. Nhưng khi ấy sắc diện của Đức Phật không được rạng rỡ, như có nỗi buồn. Tôn giả A-nan biết được ý Phật, liền quỳ xuống thưa:

–Con làm thị giả, gần Đức Thế Tôn đã tám năm, chưa thấy sắc diện của Ngài như hôm nay. Không biết vì lý do gì mà Thế Tôn biểu hiện như thế? Ngày nay có ai bỏ mất hạnh lớn không? Có ai làm ác, bị đọa vào địa ngục không? Có ai xa lìa bổn tế không?

Phật dạy A-nan:

–Ví như vị khách đi buôn mang nhiều vàng bạc châu báu có hơn ngàn vạn, đến một nơi xa bán buôn để cầu sinh lợi. Trên đường đi gặp phải bọn đạo tặc lấy sạch hết của cải và vật dụng, bấy giờ vị ấy một thân trơ trọi, không biết lấy gì để tự sinh sống. Cái sầu ấy có đáng lo không?

Ngài A-nan bạch Phật:

–Thưa, sầu lo kia rất lớn!

Đức Phật dạy A-nan:

–Ta từ vô số kiếp đến nay, siêng năng khổ hạnh, tiến tu đạo nghiệp, mong muốn cứu độ tất cả chúng sinh đều được thành Phật.

Nay Ta đã được thành tựu đạo quả, mà hàng đệ tử chưa có người nào được công đức lớn. Do vậy mà Ta không được vui, nên ông mới thấy sắc diện có thay đổi như vậy.

A-nan bạch Đức Phật:

–Nay đệ tử của Đức Thế Tôn cũng đã có người thành tựu đạo quả A-la-hán. Người đã được, đang được và sẽ được đạo quả không thể tính kể. Còn người được quả A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn cũng như vậy, số lượng rất nhiều không thể tính kể. Cớ sao Ngài dạy: “Không có người nào được công đức mà hóa độ”?

Đức Phật dạy A-nan:

–Ví như vợ của ông lão sinh được mười người con gái, họ có đủ khả năng thừa kế việc tông đường không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, không được.

Đức Phật dạy:

–Tuy có rất nhiều người được đạo quả A-la-hán, nhân nơi pháp của ta mà sinh, cũng còn chưa phải là con Ta. Khi có nhân duyên, cũng không thể ngồi dưới gốc cây mà làm Phật sự. Ví như ở đời sinh nhiều con gái, đến tuổi đi lấy chồng hết ông lão cũng lại cô độc. Ta cũng như vậy.

Bấy giờ Đức Phật thị hiện rơi ba giọt nước mắt. Ba ngàn thế giới bị chấn động lớn. Khi ấy vô số Trời, Rồng, Quỷ thần, Nhân dân đều phát tâm vô thượng bình đẳng, nguyện độ tất cả chúng sinh.

Ngay lúc ấy sắc mặt của Đức Như Lai trở lại đoan chánh rạng rỡ như cũ. Ngài phóng vô số ánh sáng đến ngàn vạn ức, khắp cả mười phương rất là khác thường. Tất cả chúng sinh, ai được gặp ánh sáng này đều được Phật độ thoát cảnh tăm tối.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Do nhân duyên gì Đức Thế Tôn phóng nhiều lớp hào quang thần biến kỳ diệu, tốt đẹp như vậy?

Đức Phật dạy A-nan:

–Như vợ chồng ông lão già cầu nguyện trời đất sinh con trai, sau được sinh con trai thừa kế gầy dựng sự nghiệp, vợ chồng vui vẻ, rất được an ủi. Nay tất cả chúng sinh phát tâm Đại thừa là việc quá tốt đẹp, dòng giống giác ngộ sẽ không bị diệt mất.

Đức Phật khi ấy sai dạy Bồ-tát Tu-ma-đề:

–Cách đây sáu mươi ức hằng hà sa cõi nước, ông hãy đến đó để lấy tòa Sư tử và đồ ăn uống.

Bồ-tát trong khoảnh khắc duỗi cánh tay liền trở về cõi này, đem tòa Sư tử để trên cao chỗ trang nghiêm tốt đẹp, thỉnh tất cả Bồ-tát trong hội, những vị phát tâm Vô thượng bình đẳng độ thoát chúng sinh.

Các Ngài đến ngồi vào các tòa Sư tử, trên tòa này có ngàn cánh hoa sen bằng vàng, có bảy báu xen kẻ ở trong và dưới gốc cây cũng có bảy báu. Nơi đặt tòa Sư tử còn treo các tràng phan bằng bảy báu dung để cầm, lấy gấm trời làm cờ hiệu, lụa trời làm hoa che.

Đức Phật khi ấy biến ngàn cõi nước lớn thành ao tắm, hoa sen bảy báu nở đầy trong đó. Đức Phật hiện thân làm Bồ-tát, hoặc hiện làm Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương, vì đại hội mà thiết lập đàn tràng rộng lớn cúng dường tất cả bằng món cơm có vạn mùi vị, hương thơm của nó bay khắp tất cả mười phương. Người ngửi mùi, người ăn được cơm này đều phát tâm Vô thượng bình đẳng độ thoát chúng sinh. Cũng từ người được ăn cơm ấy khắp thân sẽ phát ra mùi thơm từ lỗ chân lông. Mùi thơm này nếu người nào được gặp, cũng phát tâm Vô thượng bình đẳng độ thoát chúng sinh.

Khi ấy mười phương chư Phật không cùng tận đều chấn động lớn. Tất cả Đức Phật ở mười phương đều sai Bồ-tát thân cận đi đến chúc tụng Đức Thích-ca Văn Phật và tất cả chúng hội cũng đều phát tâm Bồ-tát.

Các Bồ-tát ở mười phương đến, có vị đem theo hoa sen vang màu tía. Có vị đem hoa sen báu bằng châu Ma-ni. Có vị đem hoa báu sáng như mặt trăng, mặt trời. Tất cả Bồ-tát ấy đem hoa sen báu quý rải trên Đức Phật. Do oai thần của Đức Thế Tôn, những hoa đó đều kết thành một hoa báu lớn che phủ ở trên, trùm khắp mười phương vô số cõi nước. Hoa báu lại phóng ánh sáng chiếu khắp các cõi, chỗ tối tăm nhất cũng được soi sáng. Cho đến chỗ bùn nhơ hoặc địa ngục, cỏ cây, cầm thú, lục súc nếu được chiếu sáng cũng đều phát tâm lớn, cùng mong cầu thành tựu quả Phật.

Lúc ấy Đức Thế Tôn vì tất cả đại chúng mà nói pháp. Bồ-tát nghe pháp nhiều không thể tính kể, đều được Nhất sinh bổ xứ. Vô số Trời, Người cũng được Vô sinh pháp nhẫn. Lại còn không thể tính kể các loài Rồng, Quỷ thần, Nhân dân cũng đều được vào địa vị Bất thoái chuyển. Tất cả Bồ-tát đều phát tâm Vô thượng bình đẳng, độ thoát chúng sinh.


60- Ngày xưa có một người trẻ tuổi, nghèo khổ, đi đến nước khác được một quả cam; nó vừa thơm, vừa đẹp, ở đời ít có. Anh ta mến tiếc, không dám nếm thử. Nghĩ đến cha mẹ, muốn đem quả cam về dâng cúng, nên liền đi trở về thành Tỳ-da-ly.

Khi ấy Đức Phật vào thành cùng với chư Bồ-tát và các đệ tử lớn, đến nhà trưởng giả thọ trai. Thấy Đức Phật đi qua, người trẻ tuổi chưa về nhà, tay cầm quả cam trong ý muốn dâng cúng nhưng chưa thực hiện kịp. Vì từ nhỏ đến lớn chưa từng nghe nói về Phật, thấy dấu chân Đức Phật vừa đi qua in trên đất giống như hình bánh xe đang quay, rõ ràng các đường chỉ nhỏ cũng không thiếu sót. Lấy làm lạ, anh ta liền ngồi bên dấu chân nhìn xem không chán. Anh ta cảm nhận như gặp được điều may mắn, quên cả buồn vui. Anh suy nghĩ:

“Dấu chân trên đất còn như thế, huống gì thân của vị ấy ở đời ít có.

Ta ở đây đợi Ngài trở về, nên đem luôn phần của cha mẹ, chờ vị ấy trở lại sẽ đem quả cam dâng cúng.”

Khi Đức Phật chưa trở về, anh ta ngồi bên dấu chân, buồn suy nghĩ rơi nước mắt. Người đi đường thấy vậy hỏi:

–Vì sao anh cầm quả cam ngồi đây mà buồn bã vậy?

Anh ta đáp:

–Tôi ngồi đây với dấu chân của Bậc Tôn Quý, mong mỏi Ngài sẽ trở lại, muốn đem quả cam này tự dâng cúng, đợi thấy tôn nhan mà chưa được như nguyện. Tự xét thân phận hèn mọn, ít ai quan tâm, nên cảm thấy buồn.

Người đi đường thấy lạ, đến hỏi thăm, xem coi rất đông, đều bàn tán với nhau cho anh ta là kẻ cuồng si. Vì sao biết được vị ấy có trở lại hay không mà ngồi chờ đợi?

Khi Đức Phật đã đến nhà vị trưởng giả an tọa, chúng Tăng rửa chân, theo thứ lớp ngồi vào xong, vị trưởng giả và tất cả thân quyến đem các món ăn dâng cúng đầy đủ. Khi thọ trai xong, Đức Phật chú nguyện cho trưởng giả và cả người nghèo ở xa đang chiêm ngưỡng dấu chân, cầm quả cam đợi dâng cúng Phật.

Khi Đức Phật và chúng Tăng đã thọ trai xong, vị trưởng giả suy nghĩ: “Đức Thế Tôn chú nguyện pháp thí không bình đẳng. Chỉ chú trọng người ở xa, việc cúng dường ở đây không xứng đáng sao?”.

Đức Phật dạy Tôn giả A-nan:

–Việc cúng dường của trưởng giả phước như thế nào?

Đức Phật dạy tiếp:

–Việc cúng dường của trưởng giả rất rộng rãi, nhưng vị ấy còn mong mỏi nên dụng tâm còn so sánh quanh co, nhưng kết cuộc cũng được tốt đẹp, an lạc. Trái lại, bên ngoài ở xa có một thiếu niên tay cầm quả cam, một lòng không nghĩ gì khác, ngồi bên dấu chân hiền từ chờ đợi, suy nghĩ muốn dâng quả cam cúng dường, vận dụng long thành phát tâm rộng lớn. Do vậy, nên Ta ngồi ở đây, vì người ở xa mà chú nguyện.

Vị trưởng giả suy nghĩ: “Người kia muốn cúng quả cam không khác đồ ăn của ta. Đức Phật tán thán công dức của người kia là cao tột. Ta tuy giàu có, đồ cúng đầy đủ, nhưng ý chấp vào việc cúng ít nhiều nên Đức Phật dạy phước không bằng người kia, Ta muốn theo hầu Đức Phật đến thăm người ấy.”

Khi ấy Đức Phật rời khỏi chỗ ngồi, đi đến với người ngồi chiêm ngưỡng dấu chân. Các Bồ-tát, đệ tử, trưởng giả, cư sĩ… tất cả hợp lại theo thứ bậc tháp tùng theo Đức Phật. Người kia từ xa thấy

Đức Phật đi đến, thân tướng tốt đẹp, hào quang sáng hơn cả mặt trăng, mặt trời, liền bước tới nghênh đón Đức Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ. Nhân đó anh ta quỳ xuống, đem quả cam dâng cúng Đức Phật và liền khi đó phát tâm Vô thượng bình đẳng độ thoát chúng sinh.

Đức Phật phóng ánh sáng chiếu khắp không cùng tận. Ba ngàn thế giới đều chấn động lớn. Mười phương chư Phật và chư vị Bồ-tát kịp thời đều hiện ra như hình hiện ở trong gương, xa gần đều thấy rõ.

Đức Phật vì vị ấy thọ nhận quả cam rồi chuyển quả ấy cúng dường mười phương chư Phật, chỉ một quả ấy mà biến ra để cúng dường khắp không cùng tận. Mười phương chư Phật và chư vị Bồ-tát thân mang ca sa, duỗi cánh tay vàng sáng chói, phóng ra ngàn muôn ức tia sáng, trong mỗi tia sáng kia tự nhiên đều có hoa sen châu báu nối tiếp giăng quanh tòa Sư tử. Trên bảo tòa có chư Phật và chư vị Bồ-tát đều cầm bát báu thọ nhận quả cam, cũng dùng quả cam ấy chuyển biến cúng dường… Đức Thích-ca cũng lại như vậy, ở thế giới này chiếu sáng mười phương, khắp trong hư không, chư Thiên, Quỷ thần đều đầy đủ, tám hướng trên dưới cũng không có khoảng trống, đều hoan hỷ đến tán dương, hỗ trợ; các Bồ-tát trong ba cõi đều được nhờ ân.

Khi ấy người cúng quả cam được pháp Vô sinh nhẫn. Đức Phật thọ ký cho vị ấy sau này sẽ được làm Phật hiệu là Quả Tôn Vương Vô Thượng Chánh Giác. Quốc độ kia sẽ giống như cảnh giới Cực lạc của Phật A-di-đà. Khi vị ấy được nghe Đức Phật thọ ký cõi nước riêng, tự nhiên thân tâm thanh tịnh, liền được quả vị Nhất sinh bổ xứ.

Trưởng giả, cư sĩ cả đến ngàn người, nương nhờ phước ấy mà phát đạo tâm và được vào địa vị Bất thoái chuyển.

Công đức của người nghèo kia được lợi ích rộng lớn đến như vậy.


61- Thuở xưa, Đức Phật lên cung trời Đao-lợi thứ hai vì mẹ mà giảng pháp. Lúc bấy giờ có một vị trời thọ mạng sắp hết, có bảy việc báo hiệu:

  1. Ánh sáng trên đỉnh đầu diệt mất.
  2. Hoa trang sức trên đầu bị héo.
  3. Nét mặt biến sắc.
  4. Trên áo dính bụi dơ.
  5. Dưới nách ra mồ hôi.
  6. Thân hình không sạch.
  7. Ưa rời khỏi chỗ ngồi.

Vị trời ấy liền suy nghĩ: “Sau khi thọ mạng đã hết, ta phải bỏ nào tòa ngồi bằng bảy báu, nào cung điện, ao tắm, nữ hòa nhạc, các thú ăn uống vui chơi cõi trời đều mất; lại phải hóa sinh ở nước Câu-di-na-kiệt, theo heo mẹ ghẻ lác làm con, bị vướng vào điều sầu lo mà chẳng biết làm sao! Những phương tiện nào có thể trừ bỏ cái tội ấy?”

Có một vị trời mách bảo:

–Nay Đức Phật đang ở đây vì mẹ mà nói pháp. Ngài là Đấng Cứu Độ chúng sinh trong ba cõi, chỉ có Ngài mới có thể giải cứu ách nạn này cho ngươi.

Vị trời được nghe vậy, liền đến chỗ Đức Phật cúi đầu đảnh lễ.

Chưa kịp thưa hỏi, Đức Phật liền bảo:

–Tất cả vạn vật đều trở về vô thường, ông vốn đã biết tại sao còn ưu sầu?

Vị trời ấy thưa Đức Phật:

–Tuy biết phước của cõi trời không được dài lâu, điều đáng hận là khi rời khỏi đây rồi, phải chịu làm con của heo mẹ ghẻ lác, thật là cay độc. Còn phải đi thọ thân khác, không có gì mà phải e ngại cả.

Đức Phật dạy:

–Nếu ông muốn khỏi đọa vào thân con heo thì phải tự mình phát nguyện quay về với Tam bảo, bằng cách xướng:

“Nam-mô Phật. Nam-mô Pháp. Nam-mô Tỳ-kheo Tăng. Đem thân mạng về nương tựa nơi Phật. Đem thân mạng về nương tựa nơi Pháp. Đem thân mạng về nương tựa nơi Tỳ-kheo Tăng.”

Một ngày xướng ba lần như vậy.

Vị trời ấy vâng lời Đức Phật dạy, sáng tối đều xướng ba pháp quy y ấy. Vị ấy sau bảy ngày chấm dứt thọ mạng, được sinh xuống làm con trưởng giả ở nước Duy-na-ly. Khi còn trong bào thai, hằng ngày không quên ba pháp quy y. Khi vừa sinh chạm đất, đứa bé liền quỳ xuống chắp tay đọc ba pháp quy y. Người mẹ từ khi thọ thai, sinh con cũng không có điều gì xấu. Nay con vừa sinh liền biết nói, người hầu sợ bỏ chạy, bà mẹ cũng cảm thấy kỳ lạ: “Vừa mới sinh lại biết nói, thật là huyễn hoặc!”. Ý bà muốn giết, nhưng bà tự nghĩ:

“Đứa bé kỳ lạ này nếu hại nó thì vị trưởng giả sẽ đổ tội cho ta. Thong thả báo cho ông ấy biết thì có giết cũng không muộn.” Bà bồng đứa bé về phòng rồi sau đó thưa với vị trưởng giả:

–Tôi vừa sinh được một bé trai, mới lọt lòng liền quỳ xuống chắp tay quy y Tam bảo. Tôi bỏ vào phòng đóng cửa vì thấy kỳ lạ, huyễn hoặc quá!

Người cha nói:

–Thôi, thôi bà ơi! Đứa bé này chẳng phải tầm thường đâu!

Người sinh ra ở đời, có người sống đến trăm năm, hoặc tám chin mươi năm còn chưa hiểu để tự quay về với Tam bảo, huống gì đứa bé mới sinh đã có thể xưng niệm “Nam-mô Phật…”. Hãy khéo nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận, chớ khinh thường!

Đứa bé lớn lên khoảng chừng bảy tuổi, đang cùng với nhóm trẻ trang lứa vui chơi bên đường. Khi ấy đệ tử của Phật là Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi qua gần mấy chú nhỏ. Đứa bé thấy được, liền đến đảnh lễ sát đất, thưa:

–Con xin đảnh lễ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên.

Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên rất kinh ngạc: “Chú bé mà cũng biết đảnh lễ Tỳ-kheo.” Đứa bé thưa:

–Hai Tôn giả không biết con sao? Đức Thế Tôn ở cõi trời vì mẹ mà giảng pháp. Con khi đó là một vị trời sẽ đọa làm heo con.

Nhờ vâng lời Đức Phật dạy, thường xướng ba pháp quy y nên nay được làm người.

Hai vị thiền tư cũng biết rõ được, liền có lời chú nguyện. Chú bé (Tư-lê-chi) thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên:

–Nguyện mong các vị nhận lời con, xin cung thỉnh Đức Thế Tôn, chư Bồ-tát và tất cả chúng Tăng ngày mai đến nhà con thọ trai.

Hai Tôn giả nhận lời mời của chú bé. Chú bé liền trở về nhà thưa với cha mẹ:

–Chúng con đang vui chơi, gặp hai vị đệ tử của Đức Phật đi qua, con nhân đó nhờ chuyển lời cung thỉnh Đức Phật và chúng Tăng ngày mai đến nhà mình thọ trai. Mong cha mẹ sửa soạn vật thực để kịp cúng dường.

Cha mẹ thương mến nên hoan hỷ thực hiện theo lời con đề nghị. Song thân cũng rất ngạc nhiên khi thấy con còn quá nhỏ mà đã biết phát tâm rộng lớn. Lại cũng nhân đấy mới biết có kiếp trước.

Trong nhà cha mẹ sắm sửa các món quý giá, ngon lạ nổi tiếng, bày biện thật tỉ mỉ vượt quá mong mỏi của chú bé. Đức Phật và chúng Tăng dùng công đức, vận thần thông đến nhà chú bé thọ trai.

Cha mẹ và mọi người dâng đồ ăn trân quý cúng dường, đem nước thơm rửa bát. Như pháp cúng dường xong, Đức Phật liền vì cha mẹ, chú bé và tất cả thân thuộc mà giảng pháp. Liền khi đó, tất cả đều được pháp Bất thoái chuyển.

Phước báo của việc quy y Tam bảo lợi ích như vậy, huống gì trọn đời quy hướng Tam bảo, siêng năng tu học theo giáo pháp của Phật.

Pages: 1 2