KINH CON ĐƯỜNG CỦA MƯỜI NGHIỆP TỐT LÀNH
Hán dịch: Đại Đường_ Vu Điền (Vương quốc Ku-stana ở Tây Vực, nay là
Khotan) Tam Tạng THẬT XOA NAN ĐÀ (Śikṣānanda: Học Hỷ) phụng Chế dịch

Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe: Một thời Đức Phật ngự tại cung Rồng Sa Kiệt La (Sāgaranāgarāja-pūra) cùng với tám ngàn chúng Đại Tỳ Kheo, ba vạn hai ngàn vị Bồ Tát Ma Ha Tát đến dự.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Long Vương (Nāgarāja:vua Rồng) rằng: “Tất cả chúng sinh có Tâm Tưởng khác nhau cho nên gây tạo Nghiệp cũng khác nhau. Do đó cho nên có các nẻo luân chuyển.

Này Long Vương! Ông thấy hình sắc chủng loại trong Hội này với biển lớn đều khác nhau chăng?! Như vậy tất cả không có cái gì chẳng phải do Tâm tạo ra điều tốt lành (Kuśala:Thiện), điều chẳng tốt lành (Akuśala:bất thiện) là chỗ đến của nghiệp thân,  nghiệp miệng, nghiệp Ý…Nhưng Tâm không có hình sắc, chẳng thể nhìn thấy lấy được, mà chỉ là sự hư vọng do các Pháp tụ tập dấy lên, rốt ráo không có chủ, không có cái Ta, cái của Ta. Tuy đều tùy theo Nghiệp đã hiện ra sự chẳng giống nhau, nhưng thật ra ở bên trong không có người tạo làm. Cho nên tất cả Pháp (Dharma) đều chẳng thể nghĩ bàn được Tự Tính như Huyễn. Bậc Trí biết xong, nên tu mười điều tốt lành (Thập Thiện), để cho nhóm Uẩn (Skandha), Xứ (Āyatana), Giới (Dhātu) đã được sinh ra đó thảy đều đoan chính, người nhìn thấy không có chán ghét.

Long Vương! Ông quán thân Phật được sinh ra từ trăm ngàn ức Phước Đức, các tướng trang nghiêm, ánh sáng rực rỡ bao trùm các Đại Chúng. Giả sử vô lượng ức vị Tự Tại Phạm Vương cũng chẳng thể hiển hiện che trùm được.Nếu có người chiêm ngưỡng thân của Như Lai thì không có ai chẳng lóa mắt.

Ông lại quán hình sắc màu nhiệm nghiêm tịnh của các vị Đại Bồ Tát thì tất cả đều do tu tập Phước Đức của nghiệp tốt lành mà sinh ra.

Lại các vị có Uy Thế lớn của các hàng tám Bộ Trời Rồng cũng nhân vào Phước Đức của nghiệp tốt lành mà sinh ra.

Nay trong biển lớn, hết thảy chúng sinh có hình sắc thô kệch thấp hèn, hoặc lớn hoặc nhỏ đều do mọi loại nhớ tưởng (niệm tưởng) trong Tâm của mình tạo ra các nghiệp chẳng lành của thân miệng ý, chính vì thế cho nên tùy theo Nghiệp đều tự nhận chịu sự báo ứng.

Nay ông nên tu học như vậy, cũng khiến cho chúng sinh thấu đạt Nhân (Hetu) Quả (Phāla), tu tập nghiệp tốt lành. Ông nên đối với việc này, có cái nhìn chính đúng (chính kiến) chẳng lay động, đừng để rơi vào trong cái nhìn Đoạn Thường. Đối với các ruộng Phước nên vui vẻ kính dưỡng, Chính vì thế cho nên các ông cũng được người, Trời cung kính cúng dường.

Này Long Vương! Nên biết Bồ Tát có một Pháp hay chặt đứt tất cả nỗi khổ của các đường ác. Thế nào là một? Ấy là ở ngày đêm thường nhớ suy nghĩ, quán sát Pháp tốt lành, khiến cho các Pháp tốt lành niệm niệm tăng trưởng, chẳng cho phép chút phần chẳng tốt lành nào xen tạp vào. Đấy tức hay khiến cho chặt đứt hẳn các điều ác, viên mãn Pháp tốt lành, thường được gần gũi chư Phật, Bồ Tát với các chúng Thánh khác.

Nói Pháp tốt lành (Kuśala-dharma:Thiện Pháp) là thân của người Trời, Thanh Văn Bồ Đề, Độc Giác Bồ Đề, Vô Thượng Bồ Đề đều y theo Pháp này dùng làm căn bản để được thành tựu, cho nên gọi là Pháp tốt lành

Pháp này tức là đường lối của mười Nghiệp tốt lành (Daśa-kuśala-karmāṇi: Thập Thiện Nghiệp). Nhóm nào là mười? Ấy là hay lìa hẳn sự sát sinh (Pāṇāṭipātā- paṭivirati), trộm cắp (Adattādānā-dvirati), Tà Hạnh (Kāma-mithyācārā-dvirati), nói dối (Mṛṣāvādāvirati), nói hai lưỡi (Paisunyātvirati), miệng nói điều ác (Pāruṣyātprativirati), nói thêu dệt phù phiếm (Saṃbhinnapralāpāt-prativirati), tham dục (Abhidhyāyāḥ-prativirati), giận dữ (Vyāpādāt-prativirati), Tà Kiến (Mithyādṛṣṭi-prativirati).

_ Này Long Vương! Nếu lìa sự Sát Sinh (Pāṇāṭipātā- paṭivirati) liền được thành tựu mười Pháp lìa sự tức tối bực bội (Ly Não Pháp). Nhóm nào là mười?

1_ Đối với các chúng sinh, ban cho khắp sự không sợ hãi

2_ Thường đối với chúng sinh, dấy lên Tâm Đại Từ (Māhā-maitra-citta)

3_ Chặt đứt hẳn tất cả tập khí giận dữ

4_ Thân thường không có bệnh

5_ Thọ Mệnh lâu dài

6_ Luôn được hàng Phi Nhân (Amanuṣya) thủ hộ

7_ Thường không có mộng ác. Ngủ say, tỉnh giấc đều được khoái lạc

8_ Diệt trừ Oán Kết, mọi Oán tự giải

9_ Không có sự sợ hãi của đường ác

10_ Khi chết được sinh lên Trời.

Đây là mười điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời được Thọ Mệnh tự tại tùy theo Tâm của Phật

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa sự trộm cắp (Adattādānā-dvirati) liền được mười loại Pháp có thể ôm giữ niềm tin (khả bảo Tín Pháp). Nhóm nào là mười?

1_ Gom chứa được nhiều tiền của. Vua chúa, giặc cướp, nước, lửa với vợ vua (phi), con yêu dấu (ái tử) chẳng thể làm cho tan diệt.

2_ Nhiều người thương nhớ

3_ Chẳng bị người lừa dối phản bội

4_ Mười phương khen ngợi sự tốt đẹp

5_ Chẳng lo lắng bị tổn hại

6_ Tiếng tốt được lưu truyền

7_ Ở trong Chúng không có sợ hãi

8_ Tiền của, thọ mệnh, sắc đẹp, sức lực được an vui

9_ Biện Tài đầy đủ không có thiếu sót

9_ Thường ôm giữ Ý bố thí

10_ Khi chết được sinh lên Trời

Đây là mười điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời được chứng Trí Đại Bồ Đề thanh tịnh.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa Tà Hạnh (Kāma-mithyācārā-dvirati) liền được bốn loại Pháp mà bậc Trí đã khen ngợi. Nhóm nào là bốn?

1_ Các Căn được điều hòa, thuận lợi

2_ Lìa hẳn sự ồn ào chẳng yên tĩnh

3_ Được đời khen ngợi

4_ Không ai có thể xâm phạm vợ của mình được

Đây là bốn điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời được tướng Trượng Phu Ẩn Mật Tàng của Phật.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa lời nói dối (Mṛṣāvādāvirati) liền được tám loại Pháp mà chư Thiên đã khen ngợi. Nhóm nào là tám?

1_ Miệng thường trong sạch, tỏa ra mùi thơm của hoa Ưu Bát (Utpala)

2_ Là nơi được Thế Gian tin phục

3_ Phát ra lời thành chứng cớ được Người Trời kính yêu

4_ Thường dùng lời yêu thương an ủi chúng sinh

5_ Được niềm vui của Ý thù thắng, ba Nghiệp trong sạch

6_ Lời nói không có sự sai lầm, Tâm thường vui vẻ

7_ Phát ra lời nói tôn trọng được Người Trời phụng hành

8_ Trí Tuệ thù thắng không ai có thể chế phục được

Đây là tám điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời liền được lời nói chân thật của Như Lai.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa sự nói hai lưỡi (Paisunyātvirati) liền được năm loại Pháp chẳng thể hoại. Nhóm nào là năm?

1_ Được thân chẳng hoại, không gì có thể hại được

2_ Được quyến thuộc chẳng hoại, không gì có thể phá được

3_ Được niềm tin chẳng hoại, thuận theo Bản Nghiệp

4_ Được Pháp Hành chẳng hoại, chỗ đã tu được bền chắc

5_ Được Thiện Tri Thức chẳng hoại, chẳng bị lừa dối mê hoặc

Đây là năm điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời được quyến thuộc chân chính. Các Ma, Ngoại Đạo chẳng thể làm cho tan hoại.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa cái miệng nói điều ác (Pāruṣyātprativirati) liền được tám loại Nghiệp trong sạch. Nhóm nào là tám?

1_ Lời nói ra, chẳng trái ngược với Pháp đã được chế ra

2_ Lời nói ra, đều có lợi ích

3_ Lời nói ra, đều khế hợp với

4_ Ngôn từ khéo léo tốt đẹp

5_ Lời nói ra, có thể vâng theo lãnh hội

6_ Lời nói ra, liền được tin dùng

7_ Lời nói ra, không thể chê trách

8_ Lời nói ra, hoàn toàn được yêu thích

Đây là tám điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời đầy đủ tướng tiếng Phạm Âm của Như Lai.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa lời nói thêu dệt phù phiếm

(Saṃbhinnapralāpāt-prativirati) liền được ba loại Quyết Định. Nhóm nào là ba?

1_ Quyết là nơi được người Trí yêu mến

2_ Quyết định hay dùng Trí như thật hỏi đáp

3_ Quyết định đối với Người, Trời có uy đức tối thắng, không có hư vọng.

Đây là ba điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời liền được các chỗ Thọ Ký (Vyākaraṇa) của Như Lai, đều chẳng hư hao.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa sự Tham Dục (Abhidhyāyāḥ-prativirati) liền được thành tựu năm loại Tự Tại. Nhóm nào là năm?

1_ Ba Nghiệp tự tại, đầy đủ các Căn

2_ Tiền của vật chất tự tại, tất cả Oán Tặc chẳng thể cướp đoạt 3_ Phước Đức tự tại, tùy theo Tâm đã muốn vật gì thì đều có đủ.

4_ Địa vị của vua chúa (vương vị) tự tại, đều được phụng hiến châu báu, vật kỳ diệu

5_ Vật đã đạt được vượt quá sự mong cầu ban đầu, thù thắng gấp hàng trăm lần. Do khi xưa chẳng keo kiệt ganh tỵ.

Đây là năm điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời ba cõi đặc biệt tôn trọng, đều cùng nhau kính dưỡng.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa sự giận dữ (Vyāpādāt-prativirati) liền được tám loại Pháp của Tâm vui thích. Nhóm nào là tám?

1_ Không có Tâm tổn não

2_ Không có Tâm giận dữ

3_ Tâm không có tranh giành kiện tụng

4_ Tâm nhu hòa chất phác ngay thẳng

5_ Được Tâm Từ (Maitra-citta) của bậc Thánh

6_ Tâm thường làm lợi ích yên ổn cho chúng sinh

7_ Thân tướng đoan nghiêm được Chúng cùng nhau tôn kính

8_ Do hòa nhẫn cho nên mau sinh vào thế giới của Phạm Thiên (Brahma-loka: Phạm Thế)

Đây là tám điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời được Tâm không ngại, người quán sát không có chán ghét.

_ Lại nữa Long Vương! Nếu lìa Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi-prativirati) liền được thành tựu mười Pháp Công Đức. Nhóm nào là mười?

1_ Được niềm vui của Ý chân thật tốt lành, bạn bè chân thật tốt lành

2_ Tin sâu Nhân Quả, cho dù mất đi Thân Mệnh, cuối cùng vẫn chẳng làm điều ác

3_ Chỉ quy y Phật, chẳng quy y hàng Trời khác

4_ Tâm ngay thẳng, thấy chính đúng, lìa hẳn tất cả lưới nghi ngờ tốt xấu (cát hung)

5_ Thường sinh vào cõi Người, Trời chẳng rơi vào đường ác

6_ Vô lượng Phước Tuệ chuyển dần dần tăng hơn

7_ Lìa hẳn đường Tà, thực hành Thánh Đạo

8_ Chẳng khởi Thân Kiến (Satkaya-drṣṭi), buông bỏ các nghiệp ác

9_ Trụ ở cái thấy không có ngăn ngại

10_ Chẳng bị rơi vào các nạn

Đây là mười điều. Nếu hay hồi hướng về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) thì sau này khi thành Phật thời mau chứng tất cả Phật Pháp, thành tựu Thần Thông tự tại”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Long Vương rằng: “Nếu có Bồ Tát y theo nghiệp tốt lành này.

1.) Ở lúc tu Đạo thời hay lìa sự giết hại, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Sống lâu không bị chết yểu, chẳng bị tất cả Oán Tặc gây tổn hại.

2.) Do lìa việc không cho mà lấy, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có:

tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Tối thắng không có ai sánh kịp, đều hay gom tập đủ Pháp Tạng (Dharma-garbha) của chư Phật.

3.) Do lìa Hạnh chẳng trong sạch (A-brahma-caryā: Phi Phạm Hạnh) rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Nhà của người ấy ngay thẳng hòa thuận, không ai có thể dùng Tâm ham muốn (dục tâm) nhìn ngó mẹ với vợ con của người ấy.

4.) Do lìa lời nói dối trá lừa gạt, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được.

5.) Do lìa mọi sự hủy báng, nhiếp giữ Chính Pháp như Thệ Nguyện ấy thì chỗ đã làm đều được Quả. 

6.) Do lìa lời nói ly gián, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Quyến Thuộc hòa thuận, đồng một chí ưa thích, luôn không có việc tranh giành ngang trái.

7.) Do lìa lời nói thô ác, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Tất cả Chúng Hội vui vẻ quy y, lời nói đều được tin nhận, không có ai chống trái.

8.) Do lìa lời nói không có nghĩa, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Lời nói chẳng hư giả, mọi người đều kính nhận, hay dùng phương tiện khéo chặt đứt các nghi hoặc.

9.) Do lìa Tâm tham cầu, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Tất cả thứ có được đều dùng Tuệ buông bỏ, tin hiểu bền chắc cho nên có đầy đủ Uy Lực lớn.

10.) Do lìa Tâm phẫn nộ, rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Mau tự thành tựu Tâm Trí không có ngăn ngại. Các Căn trang nghiêm tốt đẹp, nhìn thấy đều kính yêu.

11.) Do lìa Tâm tà ác hẹp hòi điên đảo (Tà đảo tâm), rồi thực hành bố thí, cho nên thường giàu có: tiền tài vật báu không ai có thể xâm phạm chiếm đoạt được. Luôn sinh vào nhà có Chính Kiến, kính tín. Thấy Phật, nghe Pháp, cúng dường chúng Tăng. Thường chẳng quên mất Tâm Đại Bồ Đề.

Đây là Đại Sĩ lúc tu Bồ Tát Đạo (Bodhisatva-mārga) thời thực hành mười nghiệp tốt lành.

1.) Do Bố Thí (Dāna) trang nghiêm cho nên đã được lợi lớn

2 .) Như vậy Long Vương! Nói sự cần thiết là: Thực hành con đường mười điều tốt lành (Thập Thiện Đạo) dùng Giới trang nghiêm cho nên hay sinh tất cả Nghĩa Lợi của Phật Pháp, viên mãn Đại Nguyện.

3.) Do Nhẫn Nhục (Kṣānti) trang nghiêm cho nên được Viên Âm của Phật, đầy đủ mọi tướng tốt đẹp.

4.) Do Tinh Tiến (Vīrya) trang nghiêm cho nên hay phá Ma Oán, nhập vào Pháp Tạng của Phật.

5.) Do Định (Dhyāna) trang nghiêm cho nên hay sinh niệm Tuệ, hối hận việc làm sai trái (Hrī: Tàm), ghê sợ tội lỗi sùng kính Công Đức (Apatrāpya:Quý), nhẹ nhàng, an ổn.

6.) Do Tuệ (Prajñā) trang nghiêm cho nên hay chặt đứt tất cả Vọng Kiến phân biệt

7.) Do Từ (Maitra) trang nghiêm cho nên đối với các chúng sinh chẳng dấy lên sự não hại

8.) Do Bi (Kāruṇa) trang nghiêm cho nên thương xót các chúng sinh, thường chẳng chán bỏ

9.) Do Hỷ (Muditā) trang nghiêm cho nên nhìn thấy người tu Thiện thì Tâm không có tỵ hiềm ganh ghét.

10.) Do Xả (Upekṣa) trang nghiêm cho nên đối với cảnh thuận nghịch thì không có Tâm yêu giận

11.) Do bốn Nhiếp (Catvāri-saṃgraha-vastūni) trang nghiêm cho nên thường siêng năng nhiếp hóa tất cả chúng sinh.

12.) Do Niệm Xứ  (Smṛtyupaṣṭhāna) trang nghiêm cho nên khéo hay tu tập Tứ Niệm Xứ Quán.

13 .) Do Chính Cần (Samyak-prahāṇāni) trang nghiêm cho nên đều hay đoạn trừ tất cả Pháp chẳng tốt lành (bất thiện Pháp), thành tất cả Pháp tốt lành (Thiện Pháp)

14.) Do Thần Túc (Ṛddhipāda) trang nghiêm cho nên luôn khiến cho Thân Tâm nhẹ nhàng, an ổn, khoái lạc

15.) Do năm Căn (Pañca-indrya) trang nghiêm cho nên tin sâu bền chắc, siêng năng không có lười biếng. Thường không có mê vọng, lặng lẽ điều thuận chặt đức các phiền não.

16.) Do Lực (Pañca-Bala: năm Lực) trang nghiêm cho nên mọi Oán diệt hết, không gì có thể hủy hoại được.

17.) Do Giác Chi (Sapta-Bodhiyaṅga: bảy Giác Chi) trang nghiêm cho nên thường khéo giác ngộ tất cả các Pháp.

18.) Do Chính Đạo (Aṣṭangika-mārga: tám Chính Đạo) trang nghiêm cho nên được Chính Trí Tuệ thường hiện ngay trước mặt.

19.) Do Chỉ ( Śamatha) trang nghiêm cho nên hay gột trừ tất cả Kiết Sử

20.) Do Quán (Vipaśyana) trang nghiêm cho nên hay như thật biết Tự Tính của các Pháp.

21.) Do Phương Tiện (Upāya) trang nghiêm cho nên mau được thành mãn niềm vui của Vô Vi.

Này Long Vương! Nên biết mười Nghiệp tốt lành này, cho đến hay khiến cho mười Lực, bốn Pháp Vô Úy, mười tám Bất Cộng, tất cả Phật Pháp đều được viên mãn. Chính vì thế cho nên các ông nên siêng năng tu học.

Long Vương! Ví như tất cả thành, ấp, thôn, xóm đều y theo Đại Địa mà được an trụ. Tất cả cỏ thuốc, cỏ cây, rừng rậm đều y theo đất mà được sinh trưởng.

Con đường mười điều tốt lành này cũng lại như vậy. Tất cả Người, Trời y theo đó mà dựng lập. Tất cả Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Đề, các Hạnh của Bồ Tát,  tất cả Phật Pháp đều cùng y theo Đại Địa mười điều tốt lành (thập Thiện) này mà được thành tựu.

Đức Phật nói Kinh xong thời Sa Kiệt La Long Vương (Sāgara-nāga-rāja) với các Đại Chúng, tất cả hàng Trời, Người, A Tu La… trong Thế Gian đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

KINH CON ĐƯỜNG CỦA MƯỜI NGHIỆP TỐT LÀNH
_Hết_