Phật Thuyết Kinh Cha Mẹ Ân Trọng

Hán dịch: Tên người dịch đã bị thất lạc
Việt dịch: Tại gia Bồ-tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Linh Thứu gần thành Vương Xá, cùng với chư đại Bồ-tát, hàng Thanh Văn quyến thuộc, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả trời người cùng thiên long quỷ thần cũng đều đến hội họp. Họ nhất tâm nghe Phật thuyết Pháp, chiêm ngưỡng Tôn nhan, và mắt không muốn rời một thoáng. Bấy giờ Đức Phật bảo:

“Ở thế gian này, ai cũng đều do cha mẹ sinh ra. Nếu không có cha thì chẳng thể chào đời. Nếu không có mẹ thì chẳng ai nuôi nấng. Cho nên lúc thác vào thai, thân mẹ cưu mang suốt mười tháng. Khi đến thời kỳ sanh nở, đứa bé lọt lòng mẹ và nằm trên lớp cỏ. Sau đó, cha mẹ dưỡng dục, đặt ở trên nôi, hay nâng niu ôm ấp. Có lúc cha mẹ u a làm trò vui, nó mỉm cười nhưng chưa nói được.

Khi nó đói và cần ăn, nếu không phải mẹ thì ai mớm cho. Khi nó khát và cần uống, nếu không phải mẹ thì ai cho bú. Dẫu lúc đang đói, mẹ vẫn nuốt đắng để mớm phần ngọt cho con. Khi ngủ, mẹ cam nằm ướt để chừa chỗ khô cho con. Nếu không phải thân thuộc thì sao tình thâm thế kia. Nếu không phải cha mẹ thì sao dưỡng dục dường ấy. Khi bồng con ra khỏi nôi, dẫu trong mười đầu ngón tay dính đồ bất tịnh của con, nhưng mẹ hiền vẫn không màng và chỉ biết hết mực chăm lo con cái. Trung bình mỗi em bé uống khoảng 840 lít sữa mẹ. Nếu kể ra ân tình của mẫu thân thì như trời cao lồng lộng. Than ôi! Chúng ta làm sao mà có thể báo đáp mẹ hiền?”

Ngài A-nan bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Chúng con phải làm thế nào để báo đáp ân đức này? Kính mong Thế Tôn hãy thuyết giảng.”

Phật bảo ngài A-nan:

“Ông hãy lắng nghe và khéo tư duy. Ta sẽ phân biệt giảng giải cho ông.

Ân đức của cha mẹ như trời cao lồng lộng. Nhưng nếu có người con nào hiếu thuận mà có thể vì cha mẹ làm phước và in Kinh điển, hoặc có thể chuẩn bị những cái khay đựng phẩm vật cúng dường mà dâng lên Phật cùng Tăng vào ngày rằm tháng Bảy, thời sẽ được quả báo vô lượng và như thế mới có thể báo đáp ân đức của song thân.

Nếu lại có ai biên chép và lưu bố Kinh này để mọi người có thể thọ trì đọc tụng, thì phải biết người ấy đã báo đáp thâm ân của cha mẹ. Là bổn phận làm con thì phải biết làm sao để có thể báo đáp hai đấng sinh thành.

Mỗi ngày cha mẹ đi ra ngoài làm việc. Thường là người mẹ múc nước giếng, nấu ăn, hay giã gạo. Dẫu đương lúc làm việc, người mẹ luôn lo lắng, rằng có lẽ con đang khóc hoặc mong ngóng mình trở về. Khi mẹ về nhà, con từ xa thấy mẹ tiến đến, nó lúc lắc cái đầu vui mừng ở trong nôi, hoặc lật bụng bò về hướng của mẹ. Khi ấy, người mẹ khom xuống, hai tay duỗi ra và lau rửa thân con. Rồi bế con lên, miệng mẹ u ơ, mở vạt áo để cho con bú. Khi mẹ thấy con, lòng mẹ vui sướng. Khi con thấy mẹ, lòng con mừng vui. Ân tình tương giao thắm thiết giữa mẹ với con thiêng liêng không gì sánh bằng.

Lúc lên hai lên ba, bé vui mừng khi chập chững biết đi. Nếu không có mẹ thì chắc nó sẽ không biết khi nào cần phải ăn.

Thỉnh thoảng cha mẹ được mời đi dự tiệc và có bánh thịt để ăn, nhưng họ lại không ăn mà cất mang về cho con. Trong chín của mười lần thì đứa con rất vui thích. Nhưng đôi lúc cha mẹ không mang gì trở về, nó ré la và giả vờ khóc lóc. Đó là đứa con bất hiếu ngỗ nghịch. Trái lại, đứa con hiếu thảo thì sẽ không như thế. Nó luôn hiếu thuận và hiền từ.

Đến lúc con cái khôn lớn, chúng có bạn bè chơi chung. Khi ấy, cha mẹ đầu chải tóc vuốt đầu cho con được thẳng thớm. Khi chúng muốn được áo đẹp để mặc, cha mẹ không màng mặc quần áo thô xấu, còn quần áo bông trắng tinh và mới đẹp thì dành cho con.

Rồi thì khi con cái bắt đầu ra ngoài để lo việc công hay chuyện tư, lòng của cha mẹ nghiêng nam ngược bắc, ý chạy đông rảo tây, và đầu họ xoay về hướng của con mình.

Khi đến tuổi lấy vợ, chúng kết hôn với con gái của một gia đình khác. Phu thê trò chuyện vui vẻ với nhau ở trong phòng riêng, còn cha mẹ thì ngày càng lánh xa. Thời gian trôi qua, mặc dù tuổi cha mẹ đã cao và khí lực suy yếu, nhưng từ sáng đến tối, chúng không hề đến thăm hỏi.

Hoặc có người cha góa vợ, người mẹ góa chồng. Họ đơn độc ở trong căn nhà trống rỗng và cảm thấy như là khách ở nhờ nhà người khác. Họ chẳng có ai quan tâm; lại không có quần áo để che rét lạnh và phải gặp các ách nạn khốn khổ. Khi đến tuổi già nua, sắc mặt của họ suy yếu, và trên thân phát sinh nhiều rận, khiến cả ngày lẫn đêm họ chẳng thể ngủ. Họ thường than thở rằng:

‘Đời trước đã tạo tội gì mà sinh ra đứa con bất hiếu như thế?’

Hoặc thỉnh thoảng cha mẹ gọi con đến, nhưng chúng trừng mắt giận giữ. Chẳng những thế mà ngay cả con dâu lẫn cháu nội cũng mắng chửi và rụt đầu cười khinh bỉ họ. Đó là một đứa dâu bất hiếu; cả chồng lẫn vợ cùng nhau tạo năm tội ngỗ nghịch.

Hoặc đôi lúc có chuyện khẩn cấp nên cha mẹ gọi con đến, nhưng chín của mười lần chúng không thèm để ý. Chúng hoàn toàn chẳng vâng lời và còn nổi giận chửi rủa:

‘Sao mấy người không chết mau đi, còn sống trên đời để làm gì?’

Khi cha mẹ nghe những lời này, lòng xót thương buồn bã, hai hàng nước mắt rơi xuống. Họ sụt sùi khóc lóc đến nỗi hai mắt sưng húp. Họ than rằng:

‘Khi còn thơ ấu, nếu không phải do cha mẹ thì ai nuôi con trưởng thành. Tuy cha mẹ đã sinh con ra, nhưng có lẽ không có còn hơn.'”

Phật bảo ngài A-nan:

“Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào có thể vì cha mẹ mà thọ trì đọc tụng và biên chép Kinh Cha Mẹ Ân Trọng của Đại Thừa Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, dẫu song thân của họ chỉ thấy hoặc nghe qua một lần từ một câu hay một bài kệ của Kinh này, thì năm tội ngỗ nghịch thảy đều tiêu diệt và đoạn trừ vĩnh viễn–một chút cũng chẳng còn. Họ sẽ luôn thấy Phật nghe Pháp và mau được giải thoát.”

Lúc bấy giờ ngài A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo lộ vai phải, hai gối quỳ, chắp tay ở trước Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì, và chúng con phụng trì như thế nào?”

Phật bảo ngài A-nan:

“Kinh này tên là Cha Mẹ Ân Trọng.

Nếu có chúng sanh nào mà có thể vì cha mẹ làm phước, in Kinh điển, đốt hương, thỉnh Phật, lễ bái, và cúng dường Tam Bảo, hoặc dâng thức ăn nước uống cho chư Tăng, thời phải biết người ấy đã báo đáp ân đức của song thân.”

Khi Đế-thích, Phạm Vương, trời, người, và hết thảy chúng sanh nghe Kinh này xong, họ đều vui mừng và phát Bồ-đề tâm. Bấy giờ, tiếng khóc của họ chấn động đại địa và lệ tuôn như mưa khi đầu đảnh lễ sát đất với lòng tín thọ. Sau đó, họ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và hoan hỷ phụng hành.

Phật Thuyết Kinh Cha Mẹ Ân Trọng

Bản dịch: 10/9/2013, hiệu đính: 10/9/2013