KINH BỐI ĐA HẠ TƯ DUY THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Đức Phật gọi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo liền đáp:

–Dạ vâng! Tỳ-kheo xin nghe theo lời Phật dạy.

Phật liền giảng nói:

–Này các Tỳ-kheo! Khi xưa ta chưa đạt được Phật đạo, còn làm Bồ-tát có ý nghĩ: “Ôi! Thế gian là trò đùa lớn. Vì sinh, lão, tử, vì thường thọ nhận nhiều thống khổ, nên vào lúc nào thì lão, tử được dứt trừ?”

Các Tỳ-kheo nên tự tư duy để được ý đó. Vì đâu mà có lão tử? Và lão tử lại do từ nhân duyên gì? Tỳ-kheo nên nghĩ, vốn được hợp ý: Do sinh nên có lão tử và lão tử lại do sinh làm nhân duyên.

Tỳ-kheo nên tư duy tiếp: Vì đâu mà có sinh? Và sinh lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo nên tự tư duy xét suy, bèn được như ý. Vì hữu mà có sinh và sinh do hữu làm nhân duyên. Tỳ-kheo bèn tư duy ý đó: Vì đâu mà có hữu? Hữu lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo liền tư duy xét suy, bèn sinh ưng ý: Vì thọ nên có hữu, hữu cũng lại do thọ làm nhân duyên. Tỳ-kheo liền tư duy: Vì đâu mà có thủ? Thủ lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo liền tư duy suy xét, được ngay ý đó: Vì ái nên có thủ và thủ cũng do ái làm nhân duyên. Tỳ-kheo bèn tư duy tiếp: Vì đâu mà có ái? Ái lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo liền tư duy suy xét, được như ý: Vì thọ nên có ái và ái cũng do thọ làm nhân duyên. Tỳ-kheo bèn tư duy tiếp: Vì đâu mà có thọ? Và thọ lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo bèn tư duy suy xét kỹ, được hợp ý. Vì có xúc nên có thọ và thọ do xúc làm nhân duyên. Tỳ-kheo bèn tư duy tiếp: Vì đâu mà có xúc? Và xúc do nhân duyên gì? Tỳ-kheo liền tư duy suy xét đó, bèn được ưng ý, do lục nhập nên có xúc và xúc lại do lục nhập làm nhân duyên. Tỳ-kheo liền tư duy tiếp: Vì đâu có lục nhập? Và lục nhập lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo bèn tư duy xét kỹ đó, được hợp ý: Do danh sắc nên có lục nhập và lục nhập do danh sắc làm nhân duyên. Tỳ-kheo liền tư duy tiếp: Vì đâu có danh sắc? Và danh sắc lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo bèn tư duy xét suy, được hợp ý. Do thức nên có danh sắc và danh sắc do thức làm nhân duyên. Tỳkheo bèn tư duy tiếp: Vì đâu mà có thức? Và thức lại do nhân duyên gì? Tỳ-kheo liền tư duy xét kỹ, có được như ý. Do Danh sắc mà có Thức và thức lại do danh sắc làm nhân duyên. Tỳ-kheo bèn tư duy, nảy sinh ý đó. Đó là những gì? Đó là sự hoàn lại của thức, chẳng còn như trước, thức do danh sắc làm nhân duyên và ngược lại danh sắc do thức làm nhân duyên, lục nhập do danh sắc làm nhân duyên, xúc do lục nhập làm nhân duyên, thọ do xúc làm nhân duyên, ái do thọ làm nhân duyên, thủ do ái làm nhân duyên, hữu do thủ làm nhân duyên, sinh do hữu làm nhân duyên, lão tử, ưu, sầu khổ do sinh làm nhân duyên. Sầu là do không như ý mà có. Như vậy chỉ là do năm ấm. Tất cả khổ do tụ hợp mà sinh.

Tỳ-kheo liền tư duy: Vì đâu không có lão tử? Cũng vì sao lão tử tận diệt? Tỳ-kheo liền tư duy xét kỹ, thì được vừa ý: Không có sinh thì lão tử cũng không có, sinh đã tận thì lão tử cũng tận.

Tỳ-kheo liền tư duy tiếp: Vì đâu mà chẳng có sinh? Cũng vậy, sinh lại do nhân duyên gì mà diệt? Tỳ-kheo bèn tư duy suy xét, vừa được như ý: Không có hữu thì sinh cũng chẳng có, hữu tận diệt thì sinh tận diệt.

Tỳ-kheo liền tư duy: Không có những gì thì hữu không có? Đoạn diệt những gì thì hữu đoạn diệt?

Các Tỳ-kheo liền tư duy xét kỹ: Ý được thỏa mãn tức là không có thủ thì hữu cũng không có, thủ đã tận diệt nên hữu mới tận diệt.

Các Tỳ-kheo liền tư duy: Không có những gì thì thủ không có? Cũng vậy, đoạn diệt những gì thì thủ đoạn diệt? Các Tỳ-kheo liền tư duy xét kỹ, được như ý: Không có ái nên cũng không có thủ, ái đã tận diệt, thủ mới tận diệt.

Các Tỳ-kheo liền tư duy tiếp: Không có những gì thì ái không có? Tận diệt gì thì ái tận diệt? Các Tỳ-kheo liền tư duy xét kỹ. Được mãn nguyện không có thọ nên ái mới không có. Thọ đã tận thì ái cũng tận.

Các Tỳ-kheo liền tư duy tiếp: Không có những gì thì không có thọ. Tận diệt những gì thì thọ tận diệt, Tỳ-kheo liền tự tư duy, được như ý: Không có xúc (cánh lạc) thì thọ không có. Xúc đoạn diệt thì thọ cũng đoạn diệt.

Các Tỳ-kheo lại tư duy tiếp: Không có những gì thì xúc không có? Tận diệt những gì thì xúc tận diệt? Lại tư duy xét kỹ, được như ý: Không có lục nhập thì xúc không có, đoạn diệt lục nhập thì xúc đoạn diệt.

Lại liền tư duy tiếp: Không có những gì thì lục nhập không có? Đoạn tận những gì thì đoạn tận lục nhập? Lại tư duy xét kỹ, thì có được như ý: Không có danh sắc thì không có lục nhập, tận diệt danh sắc thì tận diệt lục nhập.

Lại liền tư duy tiếp: Không có những gì thì không có danh sắc? Lại đoạn tận những gì thì đoạn tận danh sắc? Lại tư duy xét kỹ, có được như ý: Thức không có thì danh sắc cũng không có. Lại diệt đoạn thức thì đoạn diệt danh sắc.

Lại liền tư duy tiếp: Không có những gì thì không có thức? Lại đoạn tận những gì thì thức đoạn tận? Lại liền tư duy xét kỹ, được như ý muốn: Không có ương chủng (hành) thì thức cũng không có, ương chủng (hành) đã diệt thì thức cũng diệt.

Lại liền tư duy tiếp: Không có những gì thì không có hành? Tận

diệt những gì thì hành tận diệt? Lại liền tư duy xét kỹ, được ưng ý: Không có si (vô minh) thì cũng không có hành. Si (vô minh) đã diệt thì hành cũng diệt. Hành đã diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử diệt. Sầu, khổ, não đều diệt. Như thế, cuối cùng toàn bộ khổ ấm đều diệt.

Phật nói với các Tỳ-kheo:

–Khi ấy ta lại nghĩ: Vì ta gặp được nơi đạo, từ đó, mà ta mới đi theo được. Đã đi theo nên biết lão tử, cũng biết nguyên nhân của lão tử, cũng biết sự vắng mặt của lão tử, cũng biết con đường đi qua để vượt khỏi lão tử. Sinh cũng thế, hữu cũng thế, thủ cũng thế, ái cũng thế, thọ cũng thế, xúc cũng thế, lục nhập cũng thế, danh sắc cũng thế, thức cũng thế, hành cũng thế. Mới biết được si (vô minh) cũng biết được nguyên nhân của vô minh, cũng biết sự diệt trừ của vô minh, cũng biết được con đường tu tập để diệt trừ của vô minh. Ví như có Tỳ-kheo hay người đời, ở nơi đầm trống vắng đi dạo, liền gặp con đường xưa, thấy có dấu vết của hành giả, người đó liền theo dấu vết, đã theo dấu vết mới gặp thành xưa, có đầy đủ vườn đẹp, cây đẹp, ao đẹp, sông đẹp, núi đẹp, cái nào cũng đẹp, vườn đầy đủ phong phú, vui vẻ. Người đó liền nghĩ: “Nếu nay ta phải đi đến bạch vua thì ta đi ở giữa đầm trống, chỗ dạo chơi, mới gặp con đường cũ, nên người đó đi đến nơi ấy, đã đi theo thì gặp được thành cũ, đầy đủ vườn đẹp, đầy đủ cây đẹp, đầy đủ ao đẹp, đồng đẹp, núi đẹp, hào thành cũng đẹp, vườn cảnh phong phú, tươi tốt, an lạc. Vua có thể ở đó. Vua liền đóng đô ở đó. Về sau, tăng trưởng, thịnh vượng, dân chúng đông đúc, đời sống phát đạt.

Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:

–Ta cũng như thế, gặp được chỗ đường cũ, Phật xưa theo đấy làm hành giả, nên đã đi theo đường cũ, đã đi theo mới biết chỗ của lão tử, cũng biết nhiều nguyên nhân của lão tử, cũng biết sự dứt trừ lão tử, cũng biết con đường vượt thế gian của lão tử, biết sinh cũng thế, biết hữu cũng thế, biết thủ cũng thế, biết ái cũng thế, biết thọ cũng thế, biết xúc cũng thế, biết lục nhập cũng thế, biết danh sắc cũng thế, biết thức cũng thế, biết hành cũng thế, biết vô minh, nguyên nhân của vô minh, cũng biết sự diệt trừ của vô minh, cũng biết con đường tu tập để diệt trừ vô minh trong thế gian.

Phật liền nói với Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di:

–Nếu Tỳ-kheo nên thọ trì đúng như vậy thì mới đắc đạo, đạo chẳng mất, là đạo vi diệu. Tỳ-kheo-ni cũng thế, Ưu-bà-tắc cũng thế, Ưu-bà-di cũng thế. Nếu hành đúng, thọ trì chân chánh thì mới theo đạo và đắc đạo, có thể hành đúng như pháp. Như vậy là người hành pháp vô vi, tăng trưởng đến mọi phương. Chư Thiên cũng như người, đã thấy Phật giảng nói như thế, các Tỳ-kheo nắm giữ trước ý nghĩa đã giảng nói, tín thọ phụng hành.