SỐ 384
KINH BỒ TÁT TÙNG ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
(KINH BỒ TÁT XỬ THAI)
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương Châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN I

Phẩm 1: THIÊN CUNG

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở giữa rừng Song Thọ, phía Bắc thành Già-tỳ-la-bà-đâu, thuộc dòng họ Thích-ca, sắp xả thân mạng để nhập Niết-bàn. Vào giữa đêm mồng tám tháng hai, Đức Phật đích thân gấp các y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng và An-đà-la-bạt-tát làm ba lớp, trải trong kim quan rồi nằm lên trên, chân xếp chồng lên nhau, lấy bát, tích trượng trao cho Tôn giả A-nan.

Tám vua ở nước lớn đều đem năm trăm tấm vải trắng tẩm hương chiên-đàn đặt hết vào trong kim quan, dùng năm trăm tấm vải quấn kim quan lại rồi đem năm trăm cỗ xe chở hương tô-du để rưới trên vải trắng.

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên vương đưa các Phạm chúng đứng bên phải, Thích-đề-hoàn-nhân dẫn chư Thiên Đao-lợi đứng bên trái, Đại Bồ-tát Di-lặc và các Bồ-tát có thần thông ở mười phương đứng ở phía trước.

Khi sắp nhập Tam-muội Kim cang “Toái thân xá-lợi”, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Lành thay pháp không thể nghĩ bàn! Ta đã chuyển pháp chân thật ấy ở thế giới Ta-bà”.

Sau khi suy nghĩ như vậy, thế giới khắp mười phương đều chấn động đủ sáu cách. Lúc này, Đức Thế Tôn từ trong kim quan duỗi cánh tay sắc vàng ròng ra bên ngoài, hỏi Tôn giả A-nan:

–Tỳ-kheo Ca-diếp đã đến chưa?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chưa.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

–Tỳ-kheo Ngưu-thi đã đến chưa?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vị ấy đã nhập Niết-bàn trên cõi trời, chỉ đem đến ba y và bình bát.

Phật bảo bốn chúng:

–Nay Ta vĩnh viễn diệt độ.

Ngài liền vén vải vào trong kim quan, im lặng không nói, như vậy ba lần, rồi đưa tay ra hỏi Tôn giả A-nan và bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng tám vua nước lớn, tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, Nhân và phi nhân:

–Thế nào, này Tôn giả A-nan! Kinh Phương Đẳng Đại Thừa Ma Ha Diễn mà Ta trước sau đã đưa ra, ông có thông đạt hết chăng?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con biết.

Đức Phật nói như vậy ba lần và hỏi Tôn giả A-nan:

–Khi ở cung trời Đao-lợi, Ta giảng nói pháp cho mẫu hậu Ma-da, ông cũng biết chăng?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Phật hỏi A-nan:

–Thế nào, này A-nan! Khi ở Long cung, Ta giảng nói pháp cho Long vương, có vô số ức ngàn Long chúng đều đắc đạo, lưu lại toàn thân xá-lợi một trăm ba mươi trượng, ông có biết không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Đức Phật dạy:

–Thế nào, này A-nan! Ta ở trong thai mẹ mười tháng, đã giảng nói cho các Bồ-tát về pháp Bất thoái chuyển khó có, là hạnh không thể nghĩ bàn, ông có biết không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Phật dạy A-nan:

–Ông hãy lắng nghe cho rõ và suy nghĩ cho thật kỹ. Bây giờ Ta sẽ phân biệt rõ ràng từng chi tiết và hạnh khó có của Bồ-tát Đại sĩ.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con xin muốn được nghe.

Phật dạy A-nan:

–Cách đây về phương Đông nam một ức một vạn một ngàn sáu mươi hai Hằng hà sa cõi, có thế giới tên Tư Lạc, Phật ở cõi ấy hiệu là Hương Diễm gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện nhập Niết-bàn mà đến cung trời Đao-lợi này, trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp đã ba mươi sáu lần làm Đại Phạm Thiên vương, ba mươi sáu lần làm thân Đế thích, ba mươi sáu lần làm Chuyển luân vương, chúng sinh được hóa độ không rơi vào hàng Nhị thừa và các đường ác. Vì sao? Vì tất cả đều do thần thông trí tuệ của Phật chiêu cảm tạo được.

Thế nào, này A-nan! Như Lai có ở trong thai hay không ở trong thai?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thân Như Lai không ở trong thai.

Phật dạy A-nan:

–Nếu Như Lai không ở trong thai thì làm sao nói Như Lai mười tháng ở trong thai để chỉ dạy giảng nói pháp?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Có ở trong thai cũng là vắng lặng, không ở trong thai cũng lại là hoàn toàn vắng lặng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng thần túc hiện ra mình đang ở trong thân của mẫu hậu Ma-da, đang nằm, ngồi, kinh hành, trải đại cao tòa ngang rộng tám mươi do-tuần, lan can bằng vàng bạc, dùng lụa trời, lọng trời treo trên hư không, trỗi những kỹ nhạc không thể tính kể. Lại dùng thần túc đi từ phương Đông đến thế giới Ta-bà này có cả một vạn tám ngàn cõi, Bồ-tát Đại sĩ đều vân tập đến.

Phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng cũng như vậy.

Ở phương dưới có sáu mươi hai ức cõi, các Bồ-tát dùng thần thông đến dự đại hội.

Phương trên có bảy mươi hai ức không giới Bồ-tát cũng đến tập hợp ở trong thai.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi từ tòa ngồi đứng dậy, đến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các Đại sĩ Bồ-tát vân tập đến đây là muốn nghe Thế Tôn giảng nói pháp không thể nghĩ bàn, các môn Tam-muội, các môn Đà-la-ni. Tam-muội Nhất tướng, Tam-muội Không, Tam-muội Đạo tánh, Tam-muội Chân thật, Tam-muội Hư không vương, Tammuội Thệ tập tự, Tam-muội Thọ tánh, Tam-muội Hành tích, Tam-muội Hàng ma, Tam-muội Trừ uế ô… Cả ức ngàn na-do-tha Tam-muội như vậy thì hôm nay Như Lai nhập vào Tam-muội nào ở nơi thai để nói pháp không thể nghĩ bàn cho các Đại sĩ?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù:

–Ông hãy quan sát Bồ-tát nơi các quả vị Nhất trụ, Nhị trụ, cho đến Thập trụ – Nhất sinh bổ xứ, tất cả đều đứng theo quả vị của mình, không có lẫn lộn. Vì sao? Vì nay Ta sắp giảng nói pháp không thể nghĩ bàn cho các Đại sĩ nên đại chúng này đều thanh tịnh, không xen tạp, cũng không ô uế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với pháp âm thanh tịnh, nói kệ:

Xưa nay vô số kiếp
Thành vô số thân Phật
Nay nhập lại bào thai
Nhằm độ các chúng sinh.
Thân hành tịnh, không ác
Khẩu hành không dối trá
Ý hành luôn từ bi
Đạo Bồ-tát thanh tịnh.
Thương xót loài chúng sinh
Luôn ở bốn sông lớn
Chấp thường và đoạn diệt
Hồi hướng đạo Bồ-đề.
Được thân này rất khó
Đừng sinh tưởng ô uế
Nghĩ thân như gò mả
Nơi dã can rình rập.
Kẻ ngu quá chấp trước
Đắm vào ái không bỏ
Thân này không trở lại
Ngày đêm dục rúc rỉa.
Chín khổ là then chốt
Như bình đẹp đựng phân
Bị khát dục hành hạ
Vì sao sinh khổ não.
Như biển chứa các sông
Kẻ ngu cho là thật
Thân chẳng phải kim cang
Đừng làm nhiều hạnh ác.
Thọ thân thì phải chết
Sao không mau hành đạo
Nếu người sống ức kiếp
Họ còn phải bỏ dục.
Huống sống chẳng đủ trăm
Sao không biết dừng lại?
Người ngu luôn khen mình
Thân này nhờ phước trời.
Mình nên hưởng vui thích thú
Nhưng chưa vui liền chết
Dục này không lâu dài
Người trí không nắm giữ.
Người nào muốn bỏ dục
Tuệ quán mười vô tưởng
Dục là pháp chẳng thật
Sinh diệt như bọt nước.
Là vật ảo thuật tạo
Biến hiện rất nhiều hình
Kẻ ngu cho là thật
Tìm sự thật không được.
Tánh không vốn tự không
Đầu cuối không sinh diệt
Phân biệt định vô tưởng
Dẹp sạch lậu chúng sinh.
Văn-thù! Ông nên biết
Hội vô lậu mười phương
Ta nhập định lưu ly
Giảng rộng pháp Phương Đẳng.
Hà sa Phật mười phương
Nói như Ta không khác
Thương các loài quần manh
Ở mãi trong nhà lửa.
Ra khỏi thai, vào lại
Chết đây lại sinh kia
Chư Bồ-tát mười phương
Chứa hạnh hằng sa kiếp.
Dù ở cõi Ta-bà
Kiếp năm trược khổ não
Như mười phương cõi Ta
Phương ấy bằng cõi này.
Xoay tròn trong năm đường
Thọ tội khổ đau dữ
Giải không tướng vô định
Cũng không có bản tế.
Nghĩa hoàn toàn một tướng
Tánh nó vốn vắng lặng
Luôn tưởng không sinh diệt
Hữu dư và vô dư.
Xưa Ta phát nguyện lớn
Thọ thai khắp năm đường
Trong hóa, thấp, noãn, thai
Cũng nói pháp hiếm có.
Ai chấp trước năm ấm
Dạy họ vô sở hữu
Mười hai pháp kết nhau
Si, hành gốc sinh tử.
Rơi trong bốn điên đảo
Dạy họ bốn chân thật
Khổ đế không có đế
Tập, tận, đạo cũng vậy.
Dục, ngã, giới, kiến, thọ
Cũng giống như bốn ái
Phân biệt tánh chân thật
Như hư không vắng lặng.
Tuy qua bờ sinh tử
Không trụ vào Niết-bàn
Nay ở trong thai mẹ
Nói pháp độ quần sinh.
Trong quốc độ Ta-bà
Vô số hằng hà sa
Ở trong thai nói pháp
Cứu độ a-tăng-kỳ.
Hư không, không ranh giới
Cõi Phật cũng như vậy
Chúng sinh thọ thần thức
Tánh chân thật khác nhau.
Đem tuệ sáng giáo hóa
Tùy theo loại mà độ
Hoặc hiện thân để độ
Nghe tiếng được giải thoát.
Hoặc tư duy về khổ
Tập đế tận gốc đạo
Tư duy bốn ý chỉ
Đoạn ý, bốn thần túc.
Năm căn và năm lực
Lấy bảy giác làm hoa
Tám phẩm đạo Hiền thánh
Dùng để trang nghiêm thân.
Phân biệt ngã không kia
Vô tưởng tuệ tịch tĩnh
Không mong có chốn cầu
Luôn trụ không, vô tuệ.
Sơ nhập định hữu giác
Quán ba mươi bất tịnh
Nghịch thuận đều tỉnh giác
Nhập định giải không quán.
Chín định nhập lần lượt
Phân biệt không giác quán
Lại vui diệt tận đạo
Sơ định đủ năm pháp.
Ý hỷ lạc đã diệt
An ổn nhập bốn pháp
Các Đại sĩ trí tuệ
Không hành theo điều này.
Vì các thứ phiền não
Ứng trực trước chúng sinh
Qua nhiều kiếp thiền định
Thân gầy như cây khô.
Xông ướp hương tam thiền
Năm chi không rời rã
Tuệ Phật không thể lường
Nơi có cũng chẳng có.
Bậc Chánh giác Vô thượng
Không sinh, cũng không tử
Khi thành Phật đến nay
Ta du quán Tam thiền.
Nếu nhập vào Tứ thiền
Không nói nhưng được độ
Ta quán cõi hư không
Chúng sinh không chỗ tựa.
Thần, lực, trí chư Phật
Mới biết tận nguồn gốc
Những vị học đoạn lậu
Chưa phân biệt được hết.
Phẩm đạo rất thâm diệu
Nhị thừa không thể biết
Ta quán bằng thiên nhãn
Tuệ nhãn và Phật nhãn.
Do bốn thức thọ hình
Nếu hóa hiện trong đó
Địa, thủy, hỏa hình sắc
Cũng không thể quán thấy.
Chư Phật có thần lực
Đều khiến đến bờ kia
Các cõi Phật mười phương
Hằng sa a-tăng-kỳ.
Lấy đạo tuệ làm gốc
Dạo ở cõi hư không
Nếu như dùng nhục nhãn
Quán không giới chúng sinh.
Miệng thở hơi vào khắp
Vô số chúng sinh vào
Khi ấy những loài này
Đều được thành kiến đạo.
Nên biết pháp thân Phật
Chân thật không nghĩ bàn
Phật chủ tướng ba cõi
Thương cứu thảy chúng sinh.
Cõi Dục, Sắc, Vô sắc
Để chứng được đạo tuệ
Không còn lòng dâm, nộ
Và dòng họ nhà si.
Thấy hình liền nhập đạo
Đâu cần học, vô học
Vô lượng các cõi Phật
Thành đạo đều khác nhau.
Có vị từ hữu tưởng
Có vị từ vô tưởng
Không tu tập lại nữa
Chân như bốn Thánh đế.
Bồ-tát quán thanh tịnh
Nhập thiền không chướng ngại
La-hán, Phật-bích-chi
Nhập định đều khác nhau.
Đời đời không còn sinh
Thì đâu có gốc sinh
Kẻ ngu si chấp trước
Cho sinh đó là ngã.
Chúng ta tự xưng ngã
Không thấy có ngã sở
Bồ-tát hành Tứ thiền
Duyên giác không thể biết.
Bồ-tát nhập Sơ thiền
Ba mươi hạnh vô lậu
Trăm bảy định Tam-muội
Thở ra vào đều đặn.
Nhị định bảy mươi hai
Tự quán vô ngã tưởng
Dù qua bao kiếp khổ
Cũng không lìa thiền hành.
Bốn trụ đoạn các lậu
Mới đạt Nhị thiền này
Vì do dự sáu trụ
Nhập định như sóng nước.
Tám vạn bốn ngàn hạnh
Vẫn còn không kìm chế
Ta vốn đối sáu trụ
Thoái chuyển mười hai kiếp.
Luôn sinh khởi tưởng lạc
Luân hồi vực sinh tử
Được Đức Phật Định Quang
Ký biệt tâm kiên cố.
Lập chí không thoái lui
Nên mới đạt Tam thiền
Đoạn trừ bảy vạn cấu
Diệt sạch hết gốc rễ.
Sư tử vô úy bước
Xiển dương đại pháp điển
Dạo hết các cõi Phật
Lễ lạy, thờ cung kính.
A-tăng-kỳ quá khứ
Chư Phật các Thế Tôn
Đều ở cõi của mình
Thệ nguyện làm Phật sự.
Dù tâm không thoái chuyển
Luôn sợ đọa nẻo kém
Cả ức ngàn chúng sinh
Không làm động mảy lông.
Hành vượt qua bất trụ
Thẳng vào đạo Bồ-đề
Những thú vui tham đắm
Diệt hẳn, không tưởng nhớ.
Trừ thầy, tổ, cha mẹ
Còn lại không luyến nhớ
Mới thành hành Nhất thiền
Gọi: Thí độ vô cực.
Hành quán không ai bằng
Cửu địa thông bản tuệ
Không nhập vào diệt tận
Đến nơi tòa thành Phật.
Làm duyên cho chúng sinh
Đi đến nơi cây Phật
Độ cả a-tăng-kỳ
Tập hợp tại đạo tràng.
Mười phương vô lượng cõi
Chư Đức Phật Thế Tôn
Đều duỗi thả tay phải
Lành thay Đại sư tử!
Mười lực, vô sở úy
Nhập sâu vào Tứ thiền
Thương xót đến muôn loài
Xin mau ra khỏi thiền.
Để độ người chưa độ
Cứu thoát người chưa thoát
Bốn thức xứ tối tăm
Khao khát vị thiền duyệt.
Không trái lời Phật dạy
Rồi liền tự khen ngợi
Lại tự mình suy nghĩ
Do thân này tạo ra.
Chắc chắn nhập Niết-bàn
Để độ cho chúng sinh
Chư Phật đều hiện ra
Lành thay Thích Ca Văn!
Lập ý nguyện lớn lao
Đừng sinh tâm thoái lui
Chuyển pháp luân vô thượng
Đánh vào trống đại pháp.
Người nghe mau giải thoát
Qua kiếp số không khó
Trí nhanh, trí vô ngại
Trí biện, trí thông đạt.
Trí đạo, trí minh tuệ
Trí đoạn, trí vô sinh
Trí diệt tận bất khởi
Trí tiêu, trí chín bậc.
Trí sư tử vô úy
Trí điện hống âm hưởng
Trí đoạn tọa bất động
Trí đại bi vô ngại.
Trí thân tướng trang nghiêm
Trí bạt khổ mẫn hộ
Trí kiến giải vô phược
Trí thọ biệt thủ chứng.
Trí hàng ma phá quân
Trí thành vô ngã mạn
Trí ý dũng tinh tấn
Trí thí bất vọng báo.
Trí hành nhẫn thọ nhục
Trí kim cang thập lực
Trí trụ kiếp bất động
Trí tập chúng hòa hợp.
Trí tối thượng đạo sư
Trí tàm quý pháp phục
Trí Bồ-tát thệ nguyện
Trí thần túc biến hiện.
Trí cảnh giới vô ngại
Trí đoạn ý diệt kiết
Trí thanh tịnh chiếu minh
Trí tự thức túc mạng.
Trí huyền giám tha tâm
Trí phụ mẫu chân tịnh
Trí phân thân sát độ
Trí xử thai vô uế.
Trí thức định bất loạn
Trí nhất hướng tín thọ
Trí nhập định quan sát
Trí phân biệt thân tướng.
Trí tam thập bất tịnh
Trí diệt tai trừ hoạn
Trí Bồ-tát thứ đệ
Trí siêu việt giáo hóa.
Trí diệt thập nhị duyên
Trí Duyên giác thời ngộ
Trí Thanh văn thọ hóa
Trí xuất thập nhị thập.
Trí quán tuệ vô ngại
Trí thọ đạo huyễn giám
Trí nhất dạ vi kiếp
Trí dĩ kiếp vi nhật.
Trí niệm Phật Phật hiện
Trí sát độ thanh tịnh
Trí vô hữu Nhị thừa
Trí độc bộ vô úy.
Trí duyệt khả chúng ý
Trí sở tác dĩ biện
Trí bất tạo tiền hậu
Trí diệt cố vô tận.
Trí nhập định trừ tưởng
Trí quán nội ngoại thân
Trí Như Lai thọ tuệ
Trí Hiền Thánh mặc nhiên.

Đức Phật nói kệ này xong, cả ức trăm ngàn vô lượng chúng sinh đều phát tâm tiến hết vào địa Tín. Lại có mười hai na-do-tha Bồ-tát ở nơi địa Quán hạnh, không trụ vào Tam trụ mà thành tựu cõi Phật.

Ở phía bên phải có bảy vạn bảy ngàn ức chúng sinh đạt đến bậc Bất thoái chuyển.

Phật lại nói với Văn-thù:

–Nay nơi pháp hội này không một người nào cấu bẩn, ô uế xen lẫn, bị thoái chuyển. Vì sao? Vì tất cả đều là những hàng lợi căn, không còn sinh tử, không còn bị trói buộc, không vướng mắc, không diệt, không sinh, tu đạo thanh tịnh, thọ chứng thành tựu, mong muốn ưa thích nghe chánh pháp không thể nghĩ bàn của chư Phật. Các vị đã chiến thắng chúng ma, khử trừ tâm kiêu mạn. Bên ngoài mặc dù giáo hóa a-tăng-kỳ chúng sinh trong các cõi Phật, nhưng bên trong tâm hiện bày diệu dụng nơi vô lượng trăm ngàn Tam-muội. Những Tam-muội ấy là: Tam-muội Sư tử phấn tấn. Tam-muội Siêu hành đăng vị. Tam-muội Quảng tấn siêu bộ. Tam-muội Đồng chân lạc pháp. Tam-muội Tứ đạo sinh diệt. Tam-muội Vô tưởng đẳng hành. Tam-muội Vãng nghệ bất thoái đạo tràng. Tam-muội Quan sát chúng tâm. Tam-muội Niệm nhất sinh bổ xứ. Tam-muội Vô hình tượng. Tam-muội Địa trung dũng xuất. Tam-muội Giải phược chiến đấu. Tam-muội Đảnh thọ tối thắng. Tammuội Chúng sinh hỷ kiến. Tam-muội Nhập bất tư nghì. Tam-muội Phật giới bất tư nghì. Tam-muội Pháp giới trừ uế bất tư nghì. Tam-muội Thánh chúng bất tư nghì. Tam-muội Chúng sinh khởi diệt bất tư nghì. Tam-muội Long lực hưng giáng bất tư nghì. Tam-muội Tại chúng thượng trung vương bất tư nghì. Tam-muội Dũng mãnh hàng phục oán bất tư nghì. Tam-muội Thọ mạng vô lượng bất tư nghì. Tam-muội Tại ngũ đạo năng thọ khổ bất tư nghì. Tam-muội Chư Phật hiện tại bất tư nghì. Tam-muội Tứ sự cúng dường bất tư nghì.

Các vị ấy trang nghiêm thân với một ức một ngàn Tam-muội như vậy.

Lại có Tam-muội Tốc tật bất tư nghì, trong một ngày, xuất gia hành đạo, đến nơi gốc cây thành Phật, giáo hóa chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật.

Lại có Tam-muội Lưu trú đãi duyên bất tư nghì, Như Lai duyên nơi Tam-muội nầy, thọ mạng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Chúng sinh nào có duyên thì được độ vào cảnh giới Niết-bàn Vô dư, nhưng Như Lai không vào Niết-bàn, mà lại tạo nhân duyên để hành đạo Bồ-tát.

Lại có Tam-muội Phật lực bất tư nghì, từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, trong khoảng thời gian chốc lát như người khảy móng tay mà đã thọ ký cho vô lượng Hằng hà sa chúng sinh và cũng làm cho họ trong ngày đó đều thành Phật.

Đó là thần lực của Bồ-tát ở trong thai.

 

Phẩm 2: DU BỘ

Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa pháp y, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, thưa Thế Tôn:

–Lành thay! Lành thay! Như Lai đã giảng nói pháp không thể nghĩ bàn. Nay trong chúng đây có vị thấy đạo, có vị chưa thấy đạo, có vị trụ vào địa Tín, có vị chưa trụ vào địa Tín, có Bồ-tát từ cõi trời Quang Âm, trời Hạp, trời Ba Lợi Đà, trời A Ba Na Ma, trời A Hội Đản Tu, trời Đạo A, trời Tu Càn, trời Tu Thất Kỳ Nhục, trời Kiết Na, cho đến trời Nhất Cứu Cánh, trời Hóa Tự Tại, trời Tha Hóa Tự Tại. Hoặc có Bồ-tát ở Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, cho đến Phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Các vị ấy làm sao nhập vào thai để giáo hóa?

Đức Thế Tôn dạy:

–Ông chớ nên hỏi như vậy. Vì sao? Vì Như Lai không bao giờ giảng nói nghĩa như thế. Ta nay hỏi ông, ông hãy trả lời ngay. Thế nào, này Bồ-tát Di-lặc! Hư không có hình chất hay không có hình chất?

Bồ-tát Di-lặc trả lời:

–Bạch Thế Tôn! Không có hình chất.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thế nào, này Bồ-tát Di-lặc! Nếu hư không không có hình chất thì tại sao chúng sinh có sinh, có già, có bệnh và có chết?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Thưa Thế Tôn! Với nhất nghĩa đế thì không có sinh, già, bệnh, chết. Do đó mà hư không không có hình chất.

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Nếu không có hình chất thì những chúng sinh này sao được thọ ký, ai là người được thọ ký? Vì sao Bồ-tát đến bên gốc cây, có lúc kinh hành, có lúc nhập định? Làm sao Bồ-tát quán thân tướng mình và quán thân tướng của người khác? Làm sao Bồ-tát hiện bày đi bảy bước, tự xưng là thành Phật, chiến thắng quân ma? Và làm sao Bồ-tát tu tập nơi đạo tràng để độ chúng sinh trong mười phương?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đây cũng là vắng lặng không hình chất nên thân tướng của Như Lai cũng là giả danh, cho đến nghĩa nhất cứu cánh đều không và không có sở hữu.

Phật hỏi Bồ-tát Di-lặc:

–Nếu Bồ-tát hành về “không” thì làm sao đi đến mười phương để giáo hóa chúng sinh?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát hành “không” thì không thấy quốc độ, cũng không thấy có Phật. Chính Phật là không Phật thì làm sao có Phật, có địa, thủy, hỏa, phong và thức giới? Vì ngã, người, thọ mạng đều là vắng lặng, do đó nên không có thai phần.

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Ông ở cõi trời Ba Mươi Ba giảng nói pháp “không hành” cho các thiên chúng, trong số đó có ai thấy đạo và ai chưa thấy đạo?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng trời ấy do tưởng về thường, tưởng về lạc, tưởng về tịnh, chấp ngã là tưởng về ngã, cho nên không có sự thấy đạo và cũng không có bậc thấy đạo.

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Chư Thiên kia hành ấm hữu sắc hay hành ấm vô sắc? Ấm có báo ứng hay không báo ứng? Có ấm phá hữu hay không phá hữu? Có ấm thọ nhập hay không thọ nhập? Có ấm thanh hưởng hay không thanh hưởng? Có ấm trung gian hay không trung gian? Có ấm bỉ thử hay không bỉ thử? Có ấm cứu cánh hay không cứu cánh? Có ấm mặc nhiên hay không mặc nhiên? Thế nào, này Bồ-tát Di-lặc! Ở cõi trời giảng nói pháp chân thật cho chúng trời, ông có nói về danh hiệu của các ấm ấy hay không?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không.

Đức Thế Tôn dạy:

–Thế nào, này Bồ-tát Di-lặc! Chư Phật mười phương đã thọ ký cho ông thành tựu đạo quả Chánh chân vô thượng, như vậy có đạo Chánh chân hay không có đạo Chánh chân?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không có đạo Chánh chân. Nói có đạo Chánh chân thì đây cũng là giả danh. Gọi là Di-lặc cũng là giả danh. Như bản tế của tự tánh cũng là giả danh. Sắc thân của Như Lai, tự thân ấy là không tướng, tự tướng cũng không, gốc ngọn thì gốc ngọn không, bỉ thử thì bỉ thử cũng không. Vậy làm sao biết chắc có danh hiệu là Di-lặc? Nói tánh thì tánh tự không, nói hữu thì chính hữu là không. Nói vô thỉ chính vô là không. Vô tự thường trụ, làm sao khiến nó bất trụ? Nói trụ thì chính trụ là không. Nói tự tướng thì tự tướng là không. Nói ấm thì chính ấm là không. Nói thai thì chính thai ấy là không, cho đến đạo tràng nói hành thì hành ấm không. Bạch Thế Tôn! Do đó không thấy đạo và chưa ai thấy đạo.

Phật lại bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Sự thấy đạo và sự không thấy đạo thì có quả chứng hay không có quả chứng? Là tánh hữu vi hay chẳng phải tánh hữu vi? Là tánh vô vi trong hữu vi hay tánh vô vi trong vô vi? Là tánh vô lậu trong hữu lậu hay tánh vô lậu trong vô lậu? Là tánh hữu tận trong cõi Dục hay tánh vô tận trong cõi Dục? Là tánh hữu tận trong cõi Sắc, cõi Vô sắc hay là tánh vô tận trong cõi Sắc, cõi Vô sắc? Không giới là tánh diệt thức hay không giới chẳng phải là tánh diệt thức? Cho đến hữu vi không, vô vi không, tự tánh không. Hữu cho hữu là không, vô cho vô là không, đại không, thủ không, một tướng, vô tướng không, Niết-bàn hữu dư không, Niết-bàn vô dư không, là tánh chứng đắc hay chẳng phải là tánh chứng đắc?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Pháp chứng đắc chẳng phải là pháp, phi pháp cũng không phải là pháp chứng đắc.

Đức Phật dạy:

–Thế nào, này Bồ-tát Di-lặc! Nếu pháp hữu vi chẳng phải là vô vi, pháp vô vi chẳng phải là hữu vi, vậy sao ông nói pháp có chứng đắc là không chứng đắc và pháp không chứng đắc cũng không chứng đắc?

Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Theo đệ nhất nghĩa thì trong pháp hữu tướng, vô tướng, tìm cầu hữu vi chẳng phải là vô vi hay tìm cầu vô vi chẳng phải là hữu vi?

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Nay Ta hỏi ông: Căn luận chân thật, chẳng phải vô căn luận, vậy thì hữu vi, vô vi từ đâu sinh? Nếu có thì tên nó là gì?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hư không là tánh tịch diệt. Chữ nghĩa, tên gọi đều chẳng phải là chân thật, đó là vô căn luận, chứ chẳng phải hữu căn luận.

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Vậy làm sao nghĩa căn sinh ra vô căn luận?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đối với nghĩa thế tục thì căn là pháp tánh, vô căn là chứng tịnh, bất động cũng không phải là bất động, là một tướng, vô tướng, cho đến pháp hữu vi – vô vi, pháp hữu lậu – vô lậu, pháp hữu đối – vô đối, pháp sắc – pháp vô sắc, pháp khả kiến – pháp bất khả kiến, bất trụ cũng không phải bất trụ. Đó là nghĩa của vô căn.

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát hành về không đã hiểu rõ về vô căn, bất sinh cũng không phải bất sinh; vị lai chưa đến, hiện tại không trụ, quá khứ đã diệt; không chấp trước, không đoạn, không trụ, cũng không phải không trụ.

Khi ấy, trong pháp hội có Bồ-tát tên Phân Biệt Thân Quán, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nghe Như Lai nói nghĩa vô căn: Nói có thân tướng, nói không có thân tướng; nói có tự tánh không, nói không có tự tánh không. Vậy nói về nghĩa vô căn là từ trong Như mà sinh hay không phải từ trong Như sinh ra? Nghĩa vô căn có sinh diệt hay không có sinh diệt? Pháp hữu đối hay chẳng phải pháp vô đối? Pháp hữu sắc hay pháp vô sắc? Pháp hữu vi hay pháp vô vi? Pháp hữu lậu hay pháp vô lậu? Pháp hữu tướng hay pháp vô tướng? Có thân quán hay không thân quán?

Phật bảo Bồ-tát Phân Biệt Thân Quán:

–Này Bồ-tát Thân Quán! Cái gì là thân? Cái gì là quán? Thân làm sao để hành quán này?

Bồ-tát Phân Biệt Thân Quán thưa:

–Thưa Thế Tôn! Địa, thủy, hỏa, phong là thân ấm. Thức phân biệt gọi là quán.

Đức Phật dạy:

–Nói địa thì tự thể của địa là không, nói thủy thì tự thể của thủy là không, nói hỏa thì tự thể của hỏa là không, nói phong thì tự thể của phong là không, nói thức thì tự thể của thức là không, nói không thì tự thể của không là không thì cái gì là thân, cái gì là quán?

Bồ-tát Thân Quán thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Theo như lời của Thế Tôn nói: Nếu pháp giới hư không đều vắng lặng, không có Phật mà nói Phật, không có Pháp mà nói Pháp, không có Tăng mà nói Tăng, không có đời này, đời sau, không có tội, không có phước thì sẽ khác với Đại sư dạy không?

Phật bảo Bồ-tát Phân Biệt Thân Quán:

–Này Bồ-tát Thân Quán! Khi nhập vào định diệt tận, ông thấy có nhãn quán sắc, cho đến ý quán pháp không?

Bồ-tát Thân Quán thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì trong định diệt tận không sinh cũng không diệt.

Phật bảo Bồ-tát Thân Quán:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói thì: Nhãn quán sắc. Sắc chẳng phải sắc của ngã, ngã chẳng phải sắc của nó. Thức chẳng phải thức của ngã, ngã chẳng phải thức của nó cho đến xúc.

Thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều như vậy. Vì pháp chẳng phải pháp của ngã, ngã cũng chẳng phải pháp của ngã nên đối với nghĩa vô căn nó không tăng, không giảm.

Nếu căn thanh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Nếu tướng không mà thanh tịnh thì cho đến cứu cánh không cũng đều thanh tịnh. Nếu một mà thanh tịnh thì không có hai. Nếu năm ấm tịnh, hành tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Nếu hữu đối tịnh, vô đối tịnh, sắc tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Nếu Bồ-tát tịnh, sáu trần tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Nếu quyến thuộc tịnh, dòng họ tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Nếu địa tịnh, trụ tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Đó là nghĩa vô căn của Đại Bồ-tát.

Phật bảo Bồ-tát Thân Quán:

–Này Bồ-tát Thân Quán! Nếu khổ tịnh, không khổ không lạc tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Nếu môn tịnh, chủng tịnh, sinh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Đó là nghĩa vô căn của Đại Bồ-tát.

Phật bảo Bồ-tát Thân Quán:

–Này Bồ-tát Thân Quán! Nếu đạo tràng tịnh, quốc độ tịnh, chúng

sinh tịnh thì đạo cũng thanh tịnh. Đó là nghĩa vô căn của Đại Bồ-tát. Nếu căn tịnh, lực tịnh, giác ý tịnh, đạo phẩm tịnh thì đạo cũng thanh tịnh.

Thế nào, này Bồ-tát Thân Quán! Nay Ta hỏi ông, ông hãy trả lời cho Ta: Như Lai tu tập nơi đạo tràng, ngồi bên gốc cây thọ vương, làm thế nào để phân biệt những loài chúng sinh theo pháp hữu ký hay pháp vô ký? Nếu pháp hữu ký là cấu uế của phiền não, còn pháp vô ký cũng là cấu uế của phiền não. Vậy chẳng lẽ nên lấy vô ký để thọ ký cho chúng sinh sao?

Bồ-tát Thân Quán thưa:

–Bạch Thế Tôn! Pháp hữu ký chẳng phải là cấu uế của phiền não, mà pháp vô ký cũng chẳng phải là phiền não. Vì sao? Vì cấu uế của phiền não là pháp thấp kém mà pháp hữu ký, vô ký là pháp thượng tôn. Vậy không thể lấy vô ký mà đối trị với phiền não. Vì sao? Vì pháp phiền não là hạt giống của Như Lai.

Phật bảo Bồ-tát Thân Quán:

–Thôi, thôi! Ông chớ nói như vậy. Ông nói phiền não là pháp sinh tử, sao bây giờ lại nói là hạt giống của Như Lai?

Bồ-tát Thân Quán thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thân của Như Lai là biến hóa chứ chẳng phải là chúng sinh. Nếu là biến hóa thì không có cõi chúng sinh trong phiền não. Giả sử từ chúng sinh mà có thân Như Lai thì cấu uế của phiền não chẳng phải là hạt giống của Như Lai sao?

Phật bảo Bồ-tát Thân Quán:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Vì mượn danh hiệu tên chữ để có phiền não nhưng trong đệ nhất nghĩa thì không có phiền não.

Phật lại nói với Bồ-tát Thân Quán:

–Này Bồ-tát Thân Quán! Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn thường dùng thiên nhãn quán ý thức sinh niệm trong một a-tăng-kỳ của chúng sinh khắp mười phương thế giới: Có người nhiều tâm dục, có người ít tâm dục; có người nhiều tâm sân, có người ít tâm sân; có người nhiều tâm si, có người ít tâm si; người có tâm giải thoát, người không có tâm giải thoát; người có tăng thượng mạn, người không có tăng thượng mạn; người dễ đạt tới cứu cánh, người khó đạt đến cứu cánh. Những hạng người này Bồ-tát đều biết, đều quán hết tất cả rồi đến độ họ.

Làm thế nào mà Bồ-tát dùng thiên nhãn quán biết người dục ít, biết người dục nhiều? Nghĩa là trong số người ấy, Bồ-tát hiện hình dâm nữ nói việc dâm dục với họ, tạo mọi hoan lạc khó quên, nhìn không nhàm chán, khiến cho ý dục của họ càng thêm vui thích. Sau đó, từ từ nói với họ: “Thân là ô uế, vô thường, vô ngã, khổ, không, chẳng phải là thân; dục là hầm lửa thiêu cháy tâm thức…” để họ nhàm chán, lo sợ, không còn tham dục nữa. Những chúng sinh này ở trong thai liền được thọ ký đạo vô thượng.

Này Bồ-tát Thân Quán! Ông nên biết: Nếu như chúng sinh này không sân giận, ngu si, đoạn dục thì được đạo. Hoặc có Bồ-tát kết bạn cùng với đám người ấy, nói nghiệp sát sinh để họ vui thích khó quên: “Ôi, vui thay! Sát sinh là làm giảm tuổi thọ của ông, còn tôi thì tăng tuổi thọ”. Sau đó từ từ nói cho họ nghe: “Sát sinh thì mắc tội rất nặng”, nói cho họ một trăm lẻ tám tội nặng sát sinh rất là khổ não, rồi dẫn dắt họ vào đạo, không còn chút dục si. Những người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát kết bạn cùng với đám người kia giảng nói mười đạo bất thiện, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo đều bất thiện, cho chân thật là hư ngụy, vô thường cho là thường, không cho là thật có, không có thân nói rằng có thân, khổ cho là vui, không có thế gian nói rằng có thế gian. Sau đó, từ từ nói với họ về vô lượng biện tài, trí sâu rộng lớn, thấu triệt hết tất cả pháp, dựng cờ pháp cho họ rồi từ từ dẫn vào rừng trí tuệ: “Các người nên biết, nếu có ai còn nghi ngờ về ta thì nên lấy lửa trí tuệ đốt tâm nghi ngờ của người ấy. Nếu người bố thí tay cầm của cải, có người thọ nhận mà hiểu rõ ba việc ấy là không, không có sở hữu, người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng”.

Thấy người giữ giới, giới phẩm thành tựu, không phạm một mảy may nào, hiểu rõ tất cả là vắng lặng, không có sở hữu, người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Hoặc có chúng sinh tâm luôn nhẫn nhục, không sân giận, nếu có

người đến cắt, xẻ, giết, nhưng tâm không khởi chút tưởng giận, cho đến đầu, mắt, tủy, não bị cắt xẻ vẫn không chút luyến tiếc oán giận. Người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có chúng sinh tâm như kim cương, không gì có thể hủy hoại được, giả sử có người dùng lời dịu ngọt dẫn dụ: “Kiếp số khó lường, luân hồi trong sinh tử khó có thể tránh khỏi, sao không tự độ mà lại thay thế chịu khổ nhọc cho chúng sinh” nhưng tâm Bồ-tát ấy vẫn tiến lên, không bao giờ thoái chuyển để rơi vào sinh tử. Người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có người hành thiền, tâm thức bất động, ma Ba-tuần ở trên hư không làm sấm sét dữ dội, nhưng tâm Bồ-tát không bị lay động một mảy lông nào cả, huống chi là làm cho vị ấy thoái bỏ đạo thiền. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Nếu có chúng sinh phân biệt các hành, điều này có thể hành, điều kia không thể hành. Nếu người nào tham đắm, yêu mến thân thì liền nói cho họ về bốn pháp ý chỉ, phân biệt rõ ràng về kho tàng cốt yếu của các pháp, nêu bày, giảng nói về vô lượng pháp giới. Người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập vào Tam-muội Từ, thấy các loài chúng sinh đầy khắp cả vô lượng vô hạn a-tăng-kỳ hằng hà sa cõi ở phương Đông, rồi đem lòng từ bi thương xót muốn họ được giải thoát. Ví như lấy từng hạt cát trong sông Hằng đi qua hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát sông Hằng tận nhưng tâm từ không tận. Bồ-tát phát nguyện kiên cố khó lay động. Giả sử có người đến lấy thân Bồ-tát, tháo cắt xẻ từng miếng để đầy khắp ba ngàn đại thiên quốc độ, nhưng Bồ-tát thấy máu biến thành sữa, giống như mẹ yêu con. Đó là Bồ-tát hành Tam-muội Từ, người này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập Tam-muội Bi với lòng từ bi thương xót, muốn các loài chúng sinh trong vô lượng vô hạn a-tăng-kỳ hằng hà sa cõi ở phương Nam được giải thoát, lấy từng hạt cát trong sông Hằng đi qua hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát sông Hằng tận nhưng tâm bi không tận; kham chịu thay những chúng sinh bị khổ kia. Tất cả đều là sự thệ nguyện kiên cố của Bồ-tát. Chúng sinh nào thấy với tâm thanh tịnh thì xa lìa các khổ, đoạn hẳn vọng tưởng, vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập vào Tam-muội Hỷ, với lòng nghĩ nhớ đến hỷ, muốn cho các loài chúng sinh nơi vô lượng vô hạn a-tăng-kỳ hằng hà sa cõi ở phương Tây được giải thoát, lấy từng hạt cát trong sông Hằng, cứ qua hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát sông Hằng tận nhưng tâm hỷ không tận. Nếu chúng sinh ấy nhập vào tâm hỷ thì tự mình vui thích. Đây đều là Bồ-tát phát tâm kiên cố. Vị ấy ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập vào Tam-muội Xả, lo sợ cho vô lượng vô hạn atăng-kỳ hằng hà sa chúng sinh ở phương Bắc có hạnh thiếu sót, phân tán, liền nuôi dưỡng, ủng hộ, không cho họ bị chìm đắm; lấy từng hạt cát trong sông Hằng, cứ đi qua hằng hà sa cõi thả xuống một hạt, như vậy cát sông Hằng tận nhưng tâm xả không tận. Đây đều là Bồ-tát thệ nguyện kiên cố. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Đối với lòng đại từ đại bi, tu pháp chân thật của Bồ-tát thì chẳng phải là nẻo hành hóa của La-hán, Phật-bích-chi. Bồ-tát muốn cho tất cả chúng sinh khắp bốn phương một khi nghe âm thanh liền tìm tiếng mà đến. Đây đều là thệ nguyện kiên cố của Bồ-tát. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

 

Phẩm 3: THÁNH ĐẾ

Phật nói với các Đại Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ thần, Cưu-bàn-trà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Tỳ-xá-già, Phú-đan-na, Maniệu-xá, A-ma-niệu-xá:

–Nay Ta sẽ giảng nói cho các người về Hiền Thánh đế của Đại Bồ-tát. Hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ. Vì sao? Vì từ số a-tăngkỳ kiếp, Ta tu tập đạo quả, chết đây sinh kia, luân hồi trong năm đường nhưng không bao giờ bỏ Hiền Thánh đế của Bồ-tát.

Bồ-tát tu tập Thánh đế như thế nào? Nghĩa là có Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi nơi đạo tràng tu hành pháp vô ngại, không chấp vào sự chứng thiền, diệt tận các tưởng về ác.

Hoặc có Bồ-tát nhập vào cảnh giới Sơ thiền, thấy hạnh thanh tịnh, xấu hổ để rồi nhàm chán, xả bỏ để tiến tới, sắp bước lên Lục trụ, siêng năng tinh tấn đạo nghiệp, nhập vào cảnh giới Nhị thiền, tâm hoát nhiên đại ngộ, giống như trăng sáng xua tan mây. Tự quán trong thân mình, tâm phát thệ nguyện là kiên cố hay không kiên cố. Tự đem tâm mình quán tâm chúng sinh, ai dễ độ, khó độ cũng đều biết tất cả. Lúc này, tâm Bồ-tát rất là vui vẻ: “Ta chắc chắn sẽ thành Phật, không có nghi ngờ, quốc độ được thanh tịnh, trừ dứt cấu uế cho chúng sinh, chiến thắng quân ma, chuyển pháp luân Hiền thánh vô thượng. Ôi, vui thay! Phước báo sở nguyện ta đều được thành tựu!”.

Bấy giờ, Bồ-tát nhập vào định Bất loạn, lấy tâm cân nhắc tâm, đem thân cân nhắc thân, liền được thành tựu Thánh đạo thần túc. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, lễ lạy thờ phụng cúng dường chư Phật Thế Tôn, nghe thọ pháp thâm diệu không chút trở ngại, không lo sợ, rồi đến nhập vào Tam thiền, quán các sắc tướng đều là không, không có sở hữu. Khi trụ vào Tam thiền, quán các loài chúng sinh đều có thể phân biệt được rõ ràng: Họ chết đây sinh kia, chết kia sinh đây; tự biết đời trước và cũng biết họ từ đâu đến; đây là dòng Sát-lợi hay dòng Bàla-môn, dòng cư sĩ hay trưởng giả; người tu hành, người không tu hành; đáng thọ quả, không đáng thọ quả; hơi thở ra vào, chẳng phải hơi thở ra vào; đây là bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, căn lực, thần túc, giác ý, tám thánh đạo. Người này nhất định ở nước ấy, chỗ ấy, trong chúng sinh ấy mà thành Phật. Tất cả hạng người trên, Bồ-tát đều biết cả. Đó gọi là Bồ-tát ở cảnh giới Tam thiền đắc tâm thanh tịnh.

Lại nữa, Đại Bồ-tát ở nơi cảnh giới Tam thiền mong muốn Bát trụ, tuy trông mong nhưng không đắc. Ngày đêm siêng năng tinh tấn cầu cho tâm được thanh tịnh, nhập vào Tứ thiền, trước mắt tự thấy chư Phật mười phương nói cho nghe pháp bất thoái chuyển của Tứ thiền, giải thoát vô ngại, hành bốn thần túc, có thể phân một thân thành vô số thân, lấy vô số thân hợp lại thành một thân, nhập vào Tam-muội Hỏa quang, biến khắp ba ngàn đại thiên thế giới, làm cho chúng sinh ấy thấy Tam-muội Hỏa quang nên tâm rất đỗi kinh sợ, tự đến chỗ Bồ-tát mà quy y. Nhờ lực của Tam-muội mà được giải thoát.

Bấy giờ, trong Tứ thiền phân biệt chân như, pháp tánh, tâm lui

trở lại tu tập hạnh Lục trụ. Bồ-tát tự nghĩ: “Nay ta chưa đắc địa Bất thoái chuyển thì làm sao đắc Bát trụ?”. Thế rồi ở trong Tứ thiền siêng năng tu tập, làm thanh tịnh hạnh của chúng sinh, thay thế chịu khổ cho họ. Mặc dù hành pháp như vậy nhưng không tự khen ngợi, trừ bỏ tâm kiêu mạn, không còn chấp ngã, tu sáu tư niệm. Mặc dù hành đạo ở chín nẻo chúng sinh nhưng tâm không đắm nhiễm, quyến luyến sinh tử, tâm hoát nhiên đại ngộ, đạt được Bất thoái chuyển. Đó là Đại Bồ-tát đối với Thánh đế mà đắc tâm thanh tịnh.

Thế rồi Bồ-tát nhập vào Tam-muội Không xứ, quán tâm thức của loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới này, tu pháp thanh tịnh, xa lìa những sự trói buộc, không còn thương tiếc gì cả, có thể tự mình sống một kiếp, hai kiếp, cho đến vô số kiếp. Ở trong vô số kiếp ấy giáo hóa chúng sinh, người sống người chết từ từ hướng dẫn họ đạt đến đạo thanh tịnh. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập vào Tam-muội Thức xứ, quán cõi đi đến của các thần thức trong ba ngàn đại thiên thế giới này, dù là cõi trời, cõi người, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, cõi địa ngục, người dễ độ, khó độ, vị Bồ-tát này đều biết cả. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập vào Tam-muội Bất dụng xứ, quán các loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới là xanh, vàng, đỏ, trắng, nhiều hay ít thì tự nhàm chán không muốn ở lâu. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Có Bồ-tát nhập vào Tam-muội Phi tưởng phi phi tưởng xứ, quán cõi đi đến của các thần thức nơi chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới này: người sống, người chết, xanh vàng đỏ trắng, cao thấp đều làm cho các chúng sinh ấy biết sự chấm dứt của thọ mạng. Vị này ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Thế rồi Bồ-tát nhập vào Tam-muội Đại hư không, Đại tịch tĩnh, quán cõi đi về của các loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới này, trên đến vô biên vô tận cõi, tư duy phân biệt tất cả pháp là không có. Đó gọi là Đại Bồ-tát ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Rồi Bồ-tát nhập vào Tam-muội Vô hình giới, quán khắp các loài chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, mọi sự trói buộc của tâm không còn bị trói buộc nữa, thần thức không có hình tướng nên thức được quán cũng không có hình tướng. Với pháp vô hình, ở trong thai liền thành đạo vô thượng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7