SỐ 384
KINH BỒ TÁT TÙNG ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
(KINH BỒ TÁT XỬ THAI)
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương Châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN III

Phẩm 6: TƯỞNG – VÔ TƯỞNG

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Di-lặc:

–Trong chúng hội hôm nay đều cùng một hạng thuần là Nhất sinh bổ xứ. Nay Ta sẽ nói về thức, tưởng, thọ; vô thức, vô tưởng, vô thọ. Lúc ấy, Bồ-tát nói thức, tưởng, thọ như thế nào? Thế nào là Bồ-tát phân biệt nói về thức, tưởng, thọ?

Thức chẳng phải tưởng, chẳng phải thọ. Tưởng chẳng phải thọ, chẳng phải thức. Thọ chẳng phải thức, chẳng phải tưởng.

Thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Tưởng chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Thọ chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Phi thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Phi tưởng chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Phi thọ chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Vì sao thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai? Lúc Bồ-tát nhập định vô ngại giáo hóa chúng sinh có thọ, thức. Từ địa Hữu trụ đến địa Vô trụ, thức này chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.

Đại Bồ-tát lại giáo hóa chúng sinh có tưởng từ địa Trụ đến địa Vô trụ.

Bồ-tát giáo hóa chúng sinh có thọ từ địa Trụ đến địa Vô trụ.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ý tâm thức thọ tưởng có gì khác nhau?

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Biết thân là biết có sai khác. Vì chúng sinh từ chân lên đến đầu có những chi tiết đều có tên riêng của nó. Như đã nói trong kinh ví dụ về cây, thì rễ, vỏ, thân, cành, lá đều gọi là cây. Vậy thì tâm ý thức thọ tưởng cũng thế.

Tôn giả Đại Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tưởng là pháp bên ngoài, thọ là pháp bên trong.

Vậy sao cho là một?

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Tưởng là bên ngoài đến, từ bên trong ra.

Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tưởng từ bên ngoài đến, làm sao biết được? Nếu bên ngoài vô hình thì bên trong tưởng do đâu mà sinh? Nếu vật bên ngoài không hại, thì bên trong làm sao biết đau?

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Việc này không phải như vậy. Vì sao? Vì thức ấy chẳng phải ở bên ngoài, chẳng phải ở bên trong, chẳng phải hai bên, chính giữa. Chỗ thức trụ chẳng phải chỗ thức trụ. Ngoại tưởng, ngoại thọ tức là pháp bên trong, chẳng phải pháp bên ngoài. Nếu Đại Bồ-tát nào tin hiểu một cách sâu xa về pháp bên trong, bên ngoài, chính giữa thì mới có thể thấu rõ chỗ thức trụ. Đây là chúng sinh, đây là phi chúng sinh, cho đến pháp hữu – vô chẳng phải đây chẳng phải kia, liền nhập vào Tam-muội vô ngại độc bộ.

Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay nghe thuyết pháp, lòng con càng thêm nghi ngờ. Vì sao? Vì theo Phật đã nói thì tưởng cũng là thọ, thọ cũng là tưởng. Pháp thức phân biệt về thức cũng là tưởng, cũng là thọ tưởng. Tưởng từ không thọ. Thọ từ không thức. Thức từ không tưởng. Không chẳng phải là thức không, thức không chẳng phải là thọ không, thọ không chẳng phải là tưởng không. Như dụ về cây thì điều này luôn đúng.

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Ta sẽ đem ví dụ khác nói cho ông. Người trí theo ví dụ này đều được hiểu rõ.

Thuở xưa có vị vua tên là Đặc Vị. Vua có bốn người con: một tên Hỷ Duyệt, hai tên Trường Thọ, ba tên Bách Tuế và bốn tên Vô Úy.

Đứa con Hỷ Duyệt thì thân thể mọc đầy mụt nhọt, ai thấy đều ghê tởm, cha mẹ rất lo lắng, luôn luôn buồn rầu.

Đứa con Trường Thọ ấy chưa đầy một tháng thì đã qua đời.

Đứa con Bách Tuế thì chưa tới một trăm ngày lại qua đời.

Đứa con Vô Úy thì môi sứt, mũi hỉnh, răng thì không trật tự, ai thấy đều phát sợ.

Như vậy, thọ, tưởng, thức cũng thế, không khác nhau bao nhiêu.

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Ta sẽ nói cho ông về thức, tưởng, thọ và phân biệt từng pháp một:

Chín mươi mốt kiếp về quá khứ có vị vua tên Trí Tuệ, chuyên thực hành mười thiện, lấy chánh pháp để trị dân. Ông ta không phiền não, theo dõi ý hành của chúng sinh. Khi biết chúng sinh kia có những ý niệm không giống nhau, ông liền sai Thị thần đi tra xét đất nước. Những ai bị mù thì đưa hết họ vào cung điện. Sau khi nhận lệnh vua, vị quan Thị thần đi tuần tra đất nước và đưa được năm trăm người mù về trong sân cung điện. Vua lại dắt năm trăm con voi xếp trước điện và sai mỗi người mù tự mình rờ voi.

Những người mù khi ấy, người thì rờ mũi voi, người thì rờ tai voi, người thì rờ đầu voi, người thì rờ chân voi, người thì rờ bụng voi, người thì rờ đuôi voi.

Vua hỏi các người mù: Con voi giống như cái gì?

Người rờ vòi thì nói voi như cái sừng.

Người rờ đầu thì nói voi như cái vò.

Người rờ tai thì nói voi như cái sàng.

Người rờ bụng thì nói voi như cái giỏ tre.

Người rờ chân thì nói voi như cây trụ.

Người rờ đuôi thì nói voi như cây chuổi.

Khi ấy, những người mắt sáng đứng bên cạnh thấy vậy đều cười cho những người mù kia không biết được hết tướng của voi. Những người mù ở chỗ vắng cùng nhau bàn luận và họ đều cho mình là nói đúng rồi cùng tranh cãi. Chúng sinh kia cũng vậy, thấy pháp thức, thọ, tưởng đều không giống nhau.

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Ví như có người bày ra một trăm vị thức ăn, nào: tấm, gạo, đậu, lúa mạch lớn nhỏ, mè… Người nào ăn trúng tấm, gạo, thì không biết có loại thuộc đậu hay lúa mạch khác. Này Ca-diếp! Đây cũng vậy, pháp thức, thọ, tưởng đều khác nhau, nhưng quán về pháp của chúng thì không sai không khác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói với Tôn giả Ca-diếp bằng kệ:

Thấy trán biết có đầu
Thấy khói biết có lửa
Thấy mây biết có mưa
Quán hành biết thể tánh.
Hư không không vết chân
Bóng nước không bắt được
Pháp sư nói cùng tận
Kiết sử tận Niết-bàn.
Tưởng tận trong vô tưởng
Thọ diệt cũng không thọ
Thức diệt không có thức
Đạo phạm hạnh vô thượng.
Ta từ vô số kiếp
Thường bị thức lừa gạt
Đời này và đời sau
Không gặp chỗ an lạc.
Hiện Ta ở trong thai
Phân biệt tướng các pháp
Không thấy nên tưởng thọ
Huống sẽ có pháp thức.

Khi Đức Thế Tôn nói kệ này có năm trăm Tỳ-kheo đắc pháp nhẫn Bất khởi. Có ngàn chúng sinh tâm vui thích về không hành, tâm được tự tại trong cảnh giới Niết-bàn Vô dư y.

 

Phẩm 7: TRỤ – BẤT TRỤ

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ-tát tên Vô Trụ Pháp Hành đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật:

–Lành thay! Lành thay! Đại chúng trong pháp hội này đều thích được thiện lợi, được nghe nghĩa pháp vô lượng của Như Lai. Những gì xưa kia con thệ nguyện, nay mới được nghe. Và ở trước Phật nói kệ khen ngợi:

Hư không, không biên giới
Diễn giảng nghĩa vô lượng
Hữu – vô không sinh diệt
Vắng lặng không thọ tưởng.
Chư Phật ở quá khứ
Tu thí, giới, nhẫn nhục
Nhập định, tâm không loạn
Tuệ quang chiếu thế gian.
Đức ấy không thể lường
Phi hữu cũng phi vô
Âm vọng rất thanh tịnh
Vô thượng không sánh bằng.
Mật âm thấu vạn ức
Do đấy được thành Phật
Tiếng trống pháp nghe xa
Mỗi tiếng đều khác nhau.
Giống như vua Chuyển luân
Nghĩ liền mưa bảy báu
Tiếng Phật vang rất xa
Mưa báu bảy giác ý.
Sửa sang đạo tràng Phật
Trang hoàng cây quả đạo
Bất trụ không bất trụ
Từ bi cứu chúng sinh.
Tâm niệm ứng với thân
Không từ nan kiếp khổ
Chỉ Như Lai mười phương
Ban ấn mở kho pháp.
Chúng ta nay được nghe
Được trụ bờ vô vi Lành thay!
Lực Như Lai Rộng lớn không bờ đáy.
Không còn chỗ mở buộc
Pháp chân tế thật tướng
Đời phiền não cõi dục
Giáo hóa người ngu si.
Phật chứa nghĩa sâu kín
Hiện lưu hành chúng sinh
Cương giới không biên vực
Đều đắc đạo vô thượng.

Sau khi dùng kệ khen Đức Phật xong, Bồ-tát Vô Trụ ở trước Phật thưa:

–Thưa Thế Tôn! Năm ấm quá khứ, hiện tại, vị lai thanh tịnh là không trụ hay chẳng phải không trụ, cho đến ba mươi bảy phẩm phạm hạnh không trụ hay chẳng phải không trụ? Cảnh giới trước, sau, giữa, cứu cánh tịnh, bất tịnh là không trụ hay chẳng phải không trụ. Ta không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, chẳng phải phạm hạnh, chẳng phải không phạm hạnh. Cúi xin Đức Thế Tôn giảng nói về trụ bất trụ.

Phật bảo Bồ-tát Vô Trụ:

–Tướng sắc là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng thọ là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng tưởng là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng hành là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng thức là bất trụ không phải bất trụ.

Pháp bên trong thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Pháp bên ngoài thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Pháp trong ngoài thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Từ lúc mới phát tâm cho đến ngồi nơi đạo tràng luôn đoạn trừ các vọng tưởng, làm thanh tịnh Nhất thiết trí là bất trụ không phải bất trụ.

Trừ sạch cấu bẩn cho chúng sinh thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Nhập Tam-muội kim cang, giữ ý chí kiên cố thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Làm nát xá-lợi thân thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Hiện bày diệu dụng nơi trăm ngàn Tam-muội thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Không dừng ở cảnh giới phàm phu, không vào nhà Hiền thánh là bất trụ không phải bất trụ.

Không tự khen ta đã thành đạo quả thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Ba mươi hai tướng đại sĩ, phóng ra ánh sáng lớn chiếu xa đến vô lượng thế giới khắp mười phương, tất cả chúng sinh tìm đến ánh sáng ấy đều được nghe pháp thâm diệu của Như Lai, theo ý nghĩ của họ mà có lời nói thượng, trung, hạ khiến cho tất cả đều đầy đủ để phân biệt rõ các pháp trụ là trụ cũng bất trụ mà bất trụ cũng bất trụ.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mười hai nhân duyên, bốn vô ngại tuệ, không, vô tướng, vô nguyện, bốn thiền, bốn vô lượng tuệ thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Dùng lực thần túc vào trong năm đường thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Nhập vào môn giải thoát, giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Ta sẽ nói ao tám vị pháp cam lồ thanh tịnh. Thế nào là tám? Như Ta ngày nay ngồi tự tại nơi giảng đường, phía Đông thấy ao thanh tịnh, xung quanh có hành lang bằng bảy báu. Lúc ấy, Ta cũng không nói khổ, tập, diệt, đạo cho chúng sinh. Ai uống được nước ao này thì đều thành đạo quả. Đó gọi là do thần lực của Bồ-tát làm ra. Ở phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy.

Ta xưa thành Phật thì bốn phương theo bên phải, chứ chẳng phải theo bốn góc mà thành Phật. Bốn góc thành Phật là thị hiện thành Phật không thật. Vì sao? Vì trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp đã thành tựu tám vị pháp. Thế nào gọi là tám?

Một là: vị hỷ.

Hai là: vị tận.

Ba là: vị định.

Bốn là: vị đáo.

Năm là: vị tịnh.

Sáu là: vị tướng.

Bảy là: vị bất động.

Tám là: vị bất cứu cánh.

Đó là tám vị trong ao.

Nếu Đại Bồ-tát nào uống nước cam lồ này thì không rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sẽ thành đạo vô thượng. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi nơi gốc đạo thọ rửa sạch tâm cấu bẩn, vĩnh viễn không còn gì cả. Ai có nước tám giải thoát trong ao bảy giác ý từ lúc mới phát tâm đến giải thoát: Chưa đến, khoảng giữa, đã đến mà ở giữa của hai địa, thì mới gọi là Bồ-tát.

Nếu Bồ-tát từ ao nước tám vị mà phân biệt hỏi mùi vị của nó: Đây là vị chẳng phải vị, đây là đạo chẳng phải đạo, tai không phân biệt tiếng, mũi không phân biệt hương, lưỡi không phân biệt mùi vị, phân biệt rõ ràng là vô sở hữu, vì các pháp vốn vắng lặng, đó là Đại Bồ-tát tịnh tu hạnh thanh tịnh.

 

Phẩm 8: BÁT CHỦNG THÂN

Đức Phật dạy:

–Các Đại Bồ-tát bậc học, vô học và bốn bộ chúng Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đến đây hội họp đều được tất cả chúng sinh cúng dường.

Hoặc có chúng sinh ở địa Kiến, địa Bạc, địa Tịnh, địa Như Lai, địa Phật-bích-chi, địa Bất thoái chuyển, địa Đạo tràng, địa Thuyết pháp. Nhờ tám địa này mà thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Địa Kiến là gì? Là Bồ-tát phát tâm hướng lên ngôi Bồ-đề vô thượng.

Lại có Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi bên cội cây Thọ vương, tự điều phục tâm dục của mình, chiến thắng quân ma thì nhập định Tam-muội ngay chỗ ngồi. Tam-muội ấy là:

Tam-muội Khử tật đố.

Tam-muội Tâm thắng.

Tam-muội Bí tàng.

Tam-muội Trừ si.

Tam-muội Oai thần phục.

Tam-muội Như chư Phật Thế Tôn vô ngôn giáo.

Tam-muội Thị hiện biến hóa.

Khi ấy, ma ác Ba-tuần đến quấy nhiễu Phật. Nếu không phải sức của chính mình để đến thì đều nhờ oai thần của Như Lai ấy cảm vời tạo ra. Vì sao? Vì muốn biểu hiện pháp thế tục yếu kém, còn pháp đệ nhất nghĩa thì thù thắng. Vì sao? Vì nếu ma ác Ba-tuần nổi sân giận, la hét làm chấn động mặt đất thì Phật dùng Tam-muội Nhẫn nên không sao bị lay động, còn khiến cho vô số ma ác Ba-tuần ngã lăn ra đất, giống như dế, kiến và ruồi không thể nào hành động được. Đám ma ác Ba-tuần y như vậy. Nếu ma nào có đến cũng không thể nào động đến mảy lông Ta được.

Lúc này, Đức Thế Tôn dùng oai thần nhập vào định, Tam-muội, làm chấn động đến ma ác trong cảnh giới của một Đức Phật. Các ma ác này tuyên bố:

–Sa-môn Cù-đàm tâm rất yếu mềm, không phải ý chí của hàng trượng phu, vậy mà ở chỗ rất đáng sợ này lại muốn cầu Phật đạo.

Phật dạy đại chúng:

–Ma ác Ba-tuần ấy là do Ta tạo ra. Tâm ma ấy là tâm thiện hay tâm ác?

Lúc đó có vị trời tên Câu-tỳ bạch Phật:

–Phật chiến thắng ma không phải là lực của ma, mà là thần lực của Phật. Vì sao? Vì loài chúng sinh ấy không hiểu pháp thế tục mà lại dùng pháp đạo. Vì muốn giáo hóa các chúng sinh ấy nên cần hàng phục đối với ma đến. Trong đó chúng sinh thấy các ma, lòng không ưa thích nhìn thấy rõ ràng sự việc. Cả ngàn vạn chúng sinh thiết lập tâm bất thoái chuyển.

Lại nữa, Đại Bồ-tát từ trời Đao-lợi sinh vào mười phương cõi, không sinh theo thấp sinh, noãn sinh, hóa sinh, thai sinh mà giáo hóa chúng sinh. Những Bồ-tát này thành tựu căn vô ký nên chúng sinh được giáo hóa cũng thành tựu căn vô ký. Vì sao? Vì là cảnh giới của Phật Asúc.

Hoặc có Đại Bồ-tát từ thế giới Nhẫn sinh vào cõi Phật nơi Bắc Phương là Quang Ảnh, thành tựu căn hữu ký và vô ký. Chúng sinh được giáo hóa cũng đều thành tựu căn hữu ký và vô ký. Đó là chúng sinh ở cõi Phật Diệu Quang của thế giới Dục Lạc.

Hoặc có Đại Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật, giữ tâm một bề không có tư tưởng nào cả và không sân, không giận, mong muốn sinh vào cõi Phật Vô Lượng Thọ. Tất cả chúng sinh đều sinh vào cõi đó. Bốn bộ chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di đều cùng một màu vàng ròng.

Về phương Tây, cách cõi Diêm-phù-đề này mười hai ức na-dotha có cõi nước tên là Giải Mạn, dân trong quốc độ ấy ưa thích ca hát; y phục, trang sức, hương hoa, trang hoàng giường cửa bằng bảy báu. Đưa mắt về phía Đông thì giường báu cũng chuyển theo, nhìn về phía Tây, Nam, Bắc đều cũng chuyển như vậy. Tất cả chúng sinh đều phát tâm muốn sinh về cõi Phật A-di-đà, nhưng họ đều bị đắm nhiễm vào cõi Giải Mạn nên không thể nào tiến lên để sinh vào cõi Phật A-di-đà. Trong ức ngàn vạn người có một người có thể sinh vào cõi Phật A-diđà. Vì sao? Vì tâm họ không chấp trước, biếng trễ, ngã mạn. Những chúng sinh này tự mình không sát sinh, cũng không bảo người khác sát sinh. Do có những phước báo như vậy nên họ sinh vào cõi Vô Lượng Thọ.

Hoặc có Đại Bồ-tát đầy đủ sáu độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và giải thoát trí tuệ, sinh vào cõi Phật Dũng Dược ở phương Nam, cách cõi Diêm-phù-đề này một ức cõi Phật. Những chúng sinh ấy không có tư tưởng si, ái, dâm, dục. Vì sao? Vì họ đã đoạn diệt hết ba mươi sáu hành động dâm dục ở cõi Dục, chủng tánh được thành tựu, việc làm đều thanh tịnh, giống như ánh sáng mặt trời không bị mây che.

Chúng sinh nơi cõi này hành mười hai hạnh Đầu-đà. Mười hai hạnh ấy là gì? Là ngày đêm ba thời, kinh hành, ngồi thiền không sai giờ giấc, ngồi bên gốc cây, ở trong gò mả, ở nơi đất trống, ở chỗ hang đá không có người, sống chỗ nguồn suối, có lúc ăn một bữa, không ăn, mặc pháp phục tề chỉnh không mất oai nghi, có lúc nói pháp, có lúc không nói pháp, kinh hành xoay vòng biết vừa đủ, pháp để nói là: “Thiểu dục là chân đạo, đa dục là phi đạo, dừng tâm định ý, hiểu pháp không, vô tướng, vô nguyện”. Đó là những sự tu hành của Đại Bồ-tát ở cõi Dũng Dược. Chúng sinh ấy chuyên học về Nhất thừa, không có Lahán, Phật-bích-chi thừa, có đầy đủ tướng tốt, ca ngợi chánh pháp, hiểu về không, vô ngã.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Tất cả hành đã diệt
Thức là pháp bên ngoài
Có sinh đều có diệt
Niết-bàn rất an lạc.
Cúi lạy Phật Dũng Dược
Đấng Pháp vương đệ nhất
Ngồi nơi cây Diêm-phù
Ban đầu phá lưới dục.
Nói pháp độ quần sinh
Cúng dường các ruộng phước
Ngồi nơi cây tư duy
Phạm thiên đến khuyến thỉnh.
Xin Phật ra khỏi thiền
Thương xót kẻ ngu si
Khi ấy Phạm Thiên vương
Tay cầm đàn lưu ly.
Ca ngợi công đức Phật
Giọng êm ả dịu dàng
Với ức trăm ngàn kiếp
Có người phát tâm đạo.
Tâm đạo gốc Bồ-tát
Ức kiếp có một lần
Xin mau ra khỏi thiền
Chuyển pháp luân vô thượng.
Như hoa Ưu-đàm-bát
Lâu xa có một lần
Có Phật chiếu thế gian
Trừ tăm tối phiền não.
Thế giới Phật Dũng Dược
Nghe thí, giới thanh tịnh
Không giống cõi Năng Nhẫn
Cứng cỏi khó giáo hóa.
Tư duy đạo thiền định
Diệt thân không thọ chứng
Ba chuyển, năm ngại pháp
Dây mười hai mắc xích.
Đạo nghiệp ba mươi mốt
Mười sáu tâm từ bi
Tỏa phóng ánh sáng lớn
Chiếu khắp các cõi Phật.

Sau khi nói kệ xong, Đức Phật bảo đại chúng trong chúng hội:

–Về phương Đông bắc, cách thế giới Năng Nhẫn này năm trăm Hằng hà sa cõi có nước tên Quả Thục, Phật hiệu Hoa Anh, đầy đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang thuyết pháp, lời nói đầu đều thiện, lời nói giữa đều thiện, lời nói cuối cũng đều thiện, ý vị thâm thúy, đồng tu phạm hạnh. Chúng sinh cõi ấy không có thai sinh, hóa sinh, thấp sinh và noãn sinh. Tất cả đều sinh từ hoa sen, có từ, bi, hỷ, xả, một trăm lẻ bảy thần túc định ý khó có và đều cùng nhau tu tập Tam-muội Vương Tam-muội. Tam-muội ấy là:

Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm.

Tam-muội Giác đạo.

Tam-muội Oai nghi giới cấm.

Tam-muội Trừ chúng sinh khổ bản.

Tam-muội Tự chiếu quang minh.

Tam-muội Giác vị chúng sinh.

Một trăm lẻ bảy Tam-muội như vậy.

Quán thân bên trong, quán thân bên ngoài, quán thân trong ngoài; pháp trong, pháp ngoài, pháp trong ngoài; định trong, định ngoài, định trong ngoài; tư duy phân biệt, quán rõ vô hình, vô tưởng, vô niệm. Đại Bồ-tát nhập vào môn giải thoát, quán tất cả pháp đều không tịch vô hình.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Hư không, không biên giới
Âm vang nói diệu pháp
Bồ-tát cõi Quả Thục
Đấng tối thắng Hoa Anh.
Không sinh bốn bào thai
Mà sinh từ hoa sen
Tưởng không ta, không người
Tuổi thọ không thể lường.
Quốc độ bằng bảy báu
Cũng như Diêm-phù-đề
Vua Chuyển luân bảy báu:
–Voi, ngựa, ngọc nữ báu.
Giữ kho, bốn bộ binh
Ma-ni, xe báu vàng
Đi đâu cũng không ngại
Ma-ni báu cõi ấy.
Chiếu khắp một cõi Phật
Chiếu vô biên cũng vậy
Cõi ấy không nhật nguyệt
Tinh tú và lửa sáng.
Phân biệt bốn diệu đế
Đạo vô thường, khổ, không
Khiến các chúng sinh ấy
Vô sinh đoạn diệt tưởng.

Nói kệ xong, Đức Phật bảo đại chúng:

–Về phương Tây bắc, cách cõi Diêm-phù-đề này bảy vạn Hằng hà sa cõi, có cõi nước tên Bảo Lưu Ly, Phật hiệu Tuệ Thành Tựu, gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn hiện đang giảng nói pháp, lời nói đầu thiện, lời nói giữa thiện, lời nói cuối cũng thiện. Chúng sinh nơi cõi ấy có tánh nhu hòa, quán đạo vô thường, xa lìa ba tai hại, không dâm – nộ – si, không có ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ với đại chúng:

Các nhập đường phiền não
Gây bốn loại điên đảo
Tất cả đều diệt tận
Như hư không không tướng.
Tuổi thọ đến vô số
Không có ai chết yểu
Hành bốn pháp vô úy
Chứng quả không lay động.
Ai sinh trong cõi ấy
Hành từ chứng Tam-muội
Như Ta – Thích Ca Văn
Dũng mãnh vượt kiếp số.
Cho nước, của, vợ con
Không tưởng, không luyến tiếc
Này Phật tử các ông
Phát nguyện sinh cõi ấy.
Không có pháp Thanh văn
Rõ nhân duyên thành Phật
Ở trong trăm ngàn kiếp
Siêng năng tu đạo đức.
Trong mười sáu phần này
Chưa đạt được một phần
Quán tánh pháp các pháp
Tuệ thông đạt vô ngại.
Diệt sạch tâm chấp ngã
Liền trụ địa Vô sinh
Các chúng sinh cõi ấy
Lập chí rất kiên cố.
Phá hữu, không trụ hữu
Pháp bổ xứ đã học
Này Phật tử các ông
Hiểu rõ không chỗ hành.
Xả thiền, nhập Sơ thiền
Mới biết khổ chúng sinh
Trung gian chín vô ngại
Tướng thiền không thể lường.
Tâm chúng sinh thanh tịnh
Ý niệm không giống nhau
Đã lìa vực năm đường
Phật nhật chiếu ba cõi.
Lành thay được lợi lớn
Cảm động các cung trời
Đồng chân Nhất thiết trí
Giáo hóa không mỏi mệt.
Chúng sinh đắc tâm từ
Luyến mộ đạo vô thượng
Trải qua vô số kiếp
Bỏ thân, lại thọ thân.
Luân hồi trong sinh tử
Được thoát khỏi trói buộc
Hương chiên-đàn tứ đế
Hương cây Mật-tế-bặc.
Sức Tam-muội trí tuệ
Phá trừ chúng binh ma
Hết một niệm quá khứ
Lấy Tam-muội gì đoạn.
Hết hai niệm vị lai
Trừ bằng định, đạo nào
Hết ba niệm hiện tại
Diệt tận cốt còn gốc.
Hết một niệm quá khứ
Chín vạn ức trần cấu
Do không định tịch tĩnh
Đạt đến không, không bờ.
Vị lai dứt chín kiết
Tâm định không niệm tưởng
Tịch nhiên đạt Phật đạo
Luôn trụ vô sở trụ.
Ba chín kiết hiện tại
Cầu pháp không chướng ngại
Diệt trừ tâm ý thức
Dần dần trụ vô ngại.

Nói kệ xong, Đức Phật bảo đại chúng:

–Về phương Tây nam, cách thế giới Năng Nhẫn này ba mươi hai Hằng hà sa cõi, có nước tên Vô Tưởng, Phật hiệu Nhất Trụ gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang giảng nói pháp, lời nói đầu thiện, lời nói giữa thiện, lời nói cuối cũng thiện, ý nghĩa thâm thúy, phân biệt rõ về năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sáu tình, sáu trần, tu tướng vô thường, chánh niệm tỉnh thức. Pháp ban đầu là tư duy về thân bị hủy hoại. Thân này chẳng thật có, cho bốn rắn là nhà. Thân này như độc hủy hoại đạo thiền của con người. Thân này như voi, tâm không vừa đủ. Thân này như rồng thích ở vực sâu. Đạo Phật vô vi, thanh tịnh không tỳ vết, như hoa sen trong nước không nhiễm bùn dơ, như mặt trời chiếu khắp trời đất che lấp tất cả ánh sáng của đom đóm. Trong các núi cao, núi Tu-di là trên hết. Trong ánh sáng của các vì sao thì ánh sáng mặt trăng là trên hết. Như Lai hiện ra đời vì đèn pháp là đệ nhất.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Đoạn cấu, diệt trừ tưởng
Tâm trói buộc được mở
Ý niệm định tịch nhiên
Tịnh hạnh được đầy đủ.
Trong một ý một niệm
Đoạn diệt cấu kiết sử
Trừ bỏ hẳn kiếp khổ
Chấm dứt không tái sinh.
Đạo không tịch vô thượng
Như có, như không có
Người, ta và các thức
Tưởng như mộng, ảnh, huyễn.
Bồ-tát tu khổ hạnh
Kiếp số khó lường được
Muốn nói hết căn bản
Chẳng một, chẳng hai hình.
Nếu có người trí tuệ
Giảng nói vô lượng nghĩa
Một nghĩa có ức câu
Mỗi câu đều khác nhau.
Hư không lấp đầy được
Nhưng nghĩa ấy không cùng
Ta từ xưa đến nay
Hành sáu độ vô cực.
Bố thí trừ keo kiệt
Thiền định cũng như vậy
Kiếp thiêu, tâm không động
Không đến cõi Phật khác
Nhờ thần lực cảm vời
Trụ kiếp mà giáo hóa.

Nói kệ này xong, Đức Thế Tôn liền dùng định ý để tự trang nghiêm thân, nói với đại chúng:

–Về phương Đông nam, cách thế giới Năng Nhẫn này ba mươi ba Hằng hà sa cõi, có cõi nước tên Lưu Ly, Phật hiệu Tín Giải gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang giảng nói pháp, lời nói đầu đều thiện, lời nói giữa đều thiện, lời nói cuối cũng đều thiện, phân biệt hạnh kiết tường của bốn đạo. Bảy lần sinh, còn lại ba lần không sinh trở lại thì ở ngay hiện đời mà nhập Niết-bàn, đoạn khổ, tập, diệt, thủ đạo chứng đắc.

Khi ấy, có vị trời tên Nhãn Tịnh ở trong chúng còn hồ nghi: “Nay ta nên hỏi Như Lai về ý nghĩa đó để cho bạn đồng tu của mình đều được khai ngộ”. Thế rồi Thiên tử đứng dậy, quỳ gối chấp tay bạch Phật:

–Cúi xin Đức Thế Tôn nói cho chúng con về nghiệp dâm – nộ – si của Đại thừa bình đẳng. Quá khứ, hiện tại, vị lai những chúng sinh si ám nào nhập môn giải thoát?

Phật bảo Nhãn Tịnh:

–Lành thay! Lành thay! Đây chính là con mắt khai thị tất cả. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông. Thế nào, nhãn là sắc phải không?

Thưa:

–Không phải.

Phật lại hỏi:

–Là phi sắc chăng?

Thưa:

–Không phải.

Phật hỏi:

–Là sắc, là phi sắc chăng?

Thưa:

–Sắc không có chỗ trụ.

Phật bảo Nhãn Tịnh:

–Như vừa rồi ông nói: Sắc ấy chẳng phải sắc, là sắc, là phi sắc, sắc không có chỗ trụ thì vì sao đặt danh từ để nói là sắc?

Nhãn Tịnh thưa:

–Tánh sắc hư mục, hiện tại diệt không trụ, quá khứ không hiện. Đời này qua đời sau vĩnh viễn đoạn tận không còn nữa, cho nên nói Niết-bàn Vô dư.

Phật hỏi Nhãn Tịnh:

–Thức này từ xưa đã có hay từ đâu sinh? Ngày nay bốn chúng diệt cấu bẩn ba đời, vậy thì đi về đâu?

Nhãn Tịnh thưa:

–Xưa vốn từ không mà đến, nay trở về không. Trước không, sau không thì có thay đổi gì khác không?

Đức Phật dạy:

–Không. Ông nên biết: Thật tướng của các pháp trước không thể cùng, sau không thể tận.

Phật dạy Nhãn Tịnh:

–Ta từ vô số a-tăng-kỳ kiếp luôn tu hành phước nghiệp, nghĩ đến tất cả chúng sinh bị đắm chìm mà thương xót cho sự đau khổ của họ, muốn độ họ giải thoát. Vì sao? Vì nay ở trong thai, dục mà Ta diệt thì Ta đã diệt sạch hoàn toàn, kết quả nguyện thành ngày nay đã đạt được.

Chúng sinh nơi cõi ấy không lấy việc thành Phật hay không thành Phật cho đấy là mối khổ lụy. Vì sao? Vì chúng sinh nơi cõi ấy lập ý dũng mãnh, không ở hữu thai, không ở vô thai, không ở hóa sinh, công đức thành tựu, chẳng phải giác, chẳng phải phi giác.

Thế nào là giác và thế nào là phi giác? Tất cả chúng sinh ngu si Ta đều giác ngộ cho họ, đó gọi là giác. Tất cả những người giác ngộ đoạn trừ hết kiết sử, đó gọi là phi giác. Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Biết Phật hiện nơi đời
Phóng xa ánh sáng lớn
Khổ tập diệt kiết sử
Đứng yên không dám gần.
Giả sử đất chấn động
Ba cõi nát như bụi
Thâu tâm nhập định ý
Các tướng đều khác nhau.
Niệm Như Lai Chí Chân
Trừ tưởng không nhập định
Vào trở lại chúng sinh
Tạo nhân lại tạo duyên.
Tinh tấn trí tuệ lớn
Giáo hóa kẻ ngu si
Hướng dẫn chúng sinh này
Để độ kẻ chưa độ.

 

Phẩm 9: TOÀN THÂN XÁ LỢI

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo đại chúng:

–Ta nhớ công đức xưa kia Ta đã hành xả thân lại thọ thân chẳng phải một chẳng phải hai. Nay Ta sẽ nói cho các ông về pháp nhất hành. Sao gọi là pháp nhất hành?

Đại địa chủng này dày tám mươi bốn vạn ức dặm mới có gió lớn dày tám mươi bốn vạn ức dặm, dưới gió có lửa dày tám mươi bốn vạn ức dặm, dưới nước có lửa dày tám mươi bốn vạn ức dặm, dưới lửa có cát dày tám mươi bốn vạn ức dặm, dưới cát có cõi Kim cang dày tám mươi bốn vạn ức dặm. Toàn thân xá-lợi của chư Phật đều ở trong cõi Kim cang ấy.

Cõi Kim cang dày tám mươi bốn vạn ức dặm, phía dưới có xá-lợi thân vụn nát của chư Phật đều ở trong cõi ấy. Cõi ấy có cõi Phật Diệu Âm, Phật hiệu Bất Trụ Như Lai, đầy đủ mười tôn hiệu, hiện đang giảng nói pháp, lời nói đầu thiện, lời nói giữa thiện, lời nói cuối cũng thiện, tịnh tu phạm hạnh, thành tựu quốc độ. Xá-lợi Phật ấy rất nhỏ, có thể hiện thân Phật có quyến thuộc đệ tử vây quanh để giáo hóa. Như ngày nay, Ta ở trong thai giảng nói pháp, chúng sinh ấy không thấy Ta. Chúng sinh của Ta không thấy cõi kia, phá hữu đến vô, luôn luôn vắng lặng, tánh trụ vào chỗ vô ngại. Đó gọi là do một xá-lợi chiêu cảm ra.

Phật lại bảo các đại chúng:

–Phía dưới thân vụn xá-lợi dày tám mươi bốn vạn ức dặm có cõi tên Thanh Tịnh, Phật hiệu Biến Quang, có đầy đủ mười tôn hiệu. Phật ấy hiện đang thuyết pháp, lời nói đầu, giữa, cuối đều thiện, tịnh tu phạm hạnh. Mỗi màu sắc ánh sáng của Phật ấy khác nhau, mỗi ánh sáng đều hóa thành mỗi Đức Phật, mỗi Đức Phật đều nói hết sáu độ vô cực.

Sáu độ đó là gì? Là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền

định, trí tuệ. Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo điều phục tâm thức, không ngu si, không dâm, không ham muốn; quan sát rất rõ về các pháp giống như trăng xua tan mây; tự quán thân mình như ta không khác, tâm đắc không định, đều được thành tựu tất cả; ngồi ngay thẳng nơi đạo tràng, ca ngợi xiển dương chánh pháp, tâm không sợ hãi.

Cách cõi Phật Quang Minh này về phương dưới tám mươi bốn vạn ức dặm có cõi tên Thí Vô Tận Tàng, Phật hiệu Quán Trợ Như Lai, đầy đủ mười tôn hiệu, hiện đang thuyết pháp, lời nói đầu, giữa, cuối đều thiện, luôn tu phạm hạnh, bố thí tài vật. Người nào tuân theo đều đắc đạo quả. Đó gọi là sự bố thí hiếm có của Như Lai.

Dưới thế giới Vô Tận có thế giới Pháp Cổ dày tám mươi bốn vạn ức dặm, có Phật hiệu Thiện Kiến, đầy đủ mười tôn hiệu, hiện đang thuyết giảng pháp. Chúng sinh nơi cõi Phật ấy không có nhiều tên, đều cùng một chữ, một họ, nghe pháp hiểu ngay không cần phải suy nghĩ lại. Chính cõi ấy mới có toàn thân xá-lợi. Ức ngàn vạn Đức Phật ở quá khứ đều lưu xá-lợi lại nơi đây. Xá-lợi ở cõi ấy Ta cũng có phần, chẳng phải một chẳng phải hai. Xá-lợi Phật ấy không có trụ xứ, cũng chẳng phải không trụ, qua lại xoay vần trong hằng hà sa cõi; tướng ánh sáng đầy đủ, theo căn cơ của chúng sinh mà giáo hóa, không có ai biếng trễ, đoạn diệt ba mươi mốt ức kiết sử và hai vạn hai ngàn vọng tưởng ràng buộc; có mười tám pháp bất cộng thù thắng, thị hiện giáo hóa, thọ chứng vô úy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta từ vô số kiếp
Qua lại đường sinh tử
Xả thân lại thọ thân
Không lìa sinh bào thai.
Nghĩ việc Ta trải qua
Nhớ rõ không sai sót
Thường làm thân chó trắng
Xương chất ức Tu-di.
Lấy kim đâm xuống đất
Đều gặp thân thể Ta
Huống gì chó màu khác
Số ấy không thể lường.
Ta luôn giữ tâm mình
Không cho nó buông lung
Như người đứng Tu-di
Giữ bình thuốc bất tử.
Người ở dưới nâng bình
Rót thuốc không rớt ngoài
Trong lúc gian nan ấy
Bị thổi theo gió núi.
Thân phàm phu như bụi
Chỉ trừ người bát trụ
Hai người giữ bình này
Ai là người tối thắng.
Người ở dưới chánh niệm
Luôn sợ ngã hai bên
Thọ lạc không mất nghĩa
Nên gọi đạo thần túc.
Người trên đại từ bi
Nói ngay không tra cứu
Ý thức đều khác nhau
Thành đạo cũng như vậy.
Ta ở cõi khổ nhẫn
Thành Phật giống người dưới
Tích hạnh a-tăng-kỳ
Mới đạt thành Phật đạo.
Cõi này đến cõi kia
Trải ngàn ức như vậy
Như kim quăng xuống biển
Thò tay liền lấy được.
Không tuệ cầu tháo nước
Nhiều kiếp không lấy được
Người ngu si thế gian
Không phân biệt thiện, ác.
Núi Tu-di bốn báu
Nói là đống than khói
Đại bàng vua loài chim
Lại cho là ve, muỗi.
Trùng ở dấu chân bò
Không thấy biển rộng lớn
Nhật quang là dợn nắng
Người ngu cho ngọn lửa.
Pháp ấy Ta đâu tạo
Người ngu tự làm ra
Thức ra vào liên tục
Tinh luyện thuật đạo thành.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền đọc chú:

–Y nhĩ ma nhĩ, trà thệ ly thệ thuần đồng xí ly xí ly.

Bấy giờ, Đại Thiên vương Tỳ-sa-môn liền đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ nơi chân Phật, thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con luôn ủng hộ thiện nam, thiện nữ, người thiện hành pháp, ủng hộ ba ánh sáng ba bóng của thân người ấy. Ba ánh sáng ba bóng là gì? Như ngày nay con thống lãnh chúng La-sát, là bóng của thân, bóng thân của thân, bóng của bóng. Ảnh của thân là gì?

Bóng thân của thân là gì? Bóng của bóng là gì? Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Thân do bốn đại hợp
Địa, thủy, hỏa, phong thành
Qua lại ở xoay vần
Ở cũng không thấy ở.
Thân và thân của thân
Hết đời lại thoát thân
Nghĩa ba câu bóng bóng
Như Phật lưu thần quang.
Vải gói thuốc ma kỳ
Cách xa mùi vẫn thơm
Pháp giải thoát của Phật
Thanh tịnh không tỳ vết
Bóng thân thân giáo hóa
Độ người không được độ.
Ai thấy pháp thân tướng
Nhập định niệm thân thân
Bóng bóng không hồ nghi
Đều thành đạo vô thượng.

Khi ấy, Thiên vương Đề-đầu-lại-trá muốn ủng hộ các pháp sư liền nói chú:

–Y hê, ma hê, diêm phù, diêm lam phù đột đột lặc xí. Ta sẽ ủng hộ pháp sư trong ức ngàn trăm vạn do-tuần để không có ai quấy nhiễu vị ấy được.

Thiên vương Tỳ-lâu-lặc-xoa liền đứng dậy thưa Phật:

–Con cũng sẽ ủng hộ Pháp sư chân thật.

Và liền nói chú:

–Già lê, già lê, ni trĩ, cứu bát trĩ, làm cho trong ức trăm vạn dotuần không có ai làm hại quấy nhiễu cả.

Thiên vương Tỳ-lâu-bác-xoa liền đứng dậy, đầu mặt lạy sát chân Phật và thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con sẽ ủng hộ vị pháp sư chân chánh.

Và liền nói chú:

–Xá nhĩ, xá nhĩ, bát bà thiên ma lâu hê, khiến cho trong trăm ức do-tuần, không có ai đến quấy nhiễu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Hoa thơm sắp tuyệt đẹp
Cảm động các cõi Phật
Do Phật không tưởng niệm
Thành Phật trọn vẹn đạo.
Sức nhẫn không biên giới
Phá hữu – vô ba thừa
Tướng toàn thân xá-lợi
Rất nhỏ như bụi trần.
Cứu giúp cả hằng sa
Không đọa ba đường ác
Phật hiện kiếp cần khổ
Che chở hành đại bi.
Chúng sinh không biên giới
Để thành đạo vô thượng.

Khi ấy, trong pháp hội có ba mươi hai ức chúng sinh liền phát tâm Bồ-đề cầu đạt đạo quả vô thượng bình đẳng.

 

Phẩm 10: THƯỜNG – VÔ THƯỜNG

Bấy giờ, trong đại chúng có Bồ-tát tên Quán Kiến Vô Thường đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay thưa Phật:

–Lành thay! Lành thay! Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy mau giảng nói nghĩa này. Chánh pháp của chư Phật không thể nghĩ bàn. Lahán, Phật-bích-chi không thể nào theo kịp. Vốn nó không có chân tánh, không thể cùng tận. Như Lai hiện thân ra một vào một, biến hóa đủ cách, khi làm nát thân xá-lợi, hoặc giữ toàn thân xá-lợi, hoặc ẩn mất không hiện, hoặc lưu hành khắp trong thế gian, hoặc hiện cảnh giới một Đức Phật, hoặc hiện ở rất nhiều cảnh giới chư Phật, thần thông biến hóa, đạo lực tự tại, kỳ lạ đặc biệt như cõi hư không. Thường cũng là vô thường, vô thường cũng vô thường. Trụ cũng vô trụ, vô trụ cũng vô trụ. Biến đổi chẳng phải một. Nguyện muốn nghe Như Lai giảng nói về nghĩa thường, vô thường. Như ngày nay con ở trong cửu địa là thường hay vô thường?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Quán Kiến Vô Thường:

–Nay Ta hỏi ông, ông hãy đem tánh chân thật để trả lời cho Ta.

Thế nào, này Tộc tánh tử! Sắc là thường phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Sắc là vô thường phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường phải không? Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thế nào, này Tộc tánh tử! Sắc là hữu dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Sắc là vô dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Sắc là hữu dư, vô dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Sắc chẳng phải hữu dư, chẳng phải vô dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Phật dạy:

–Tộc tánh tử! Thọ, tưởng, hành, thức là thường phải không? Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức là thường, là vô thường phải không? Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thường, chẳng phải vô thường phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức là hữu dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức là vô dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức là hữu dư, vô dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải hữu dư, chẳng phải vô dư phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Phật hỏi Bồ-tát Quán Kiến Vô Thường:

–Niết-bàn là tịnh phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Niết-bàn là bất tịnh phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Đức Thế Tôn hỏi:

–Niết-bàn là tịnh, bất tịnh phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Phật bảo Bồ-tát Quán Kiến Vô Thường:

–Thật tánh của Niết-bàn thật sự trụ ở chỗ nào?

Trả lời:

–Trụ mà không có chỗ trụ.

Phật hỏi:

–Phi hữu chúng sinh, phi vô chúng sinh phải không?

Trả lời:

–Thưa không.

Phật dạy:

–Duyên vị đoạn từ năm tụ tánh cho đến ba mươi bảy phẩm, không, vô tướng, vô nguyện.

Duyên vị đoạn không lìa, chẳng phải không lìa, không sinh chẳng phải không sinh, cho nên trụ mà không có chỗ trụ.

Vì sao? Vì tánh tự nhiên là không. Đây không, kia không, trong không, ngoài không, Niết-bàn không, Như Lai xuất hiện nơi đời năm trược không thấy có sinh diệt chấp đoạn, không thấy có định có loạn, không thấy trì giới phạm giới, không thấy có nhẫn có sân, không thấy tinh tấn biếng trễ, không thấy có phiền não định tâm, không thấy có ngu si trí tuệ, không thấy có ý thức tư tưởng, không thấy đạo – tục – Bala-mật, không thấy cõi Phật thanh tịnh, không thấy tịnh tu đạo tràng, không thấy có chúng sinh đoạn cấu. Đó gọi là Bồ-tát trụ mà không có chỗ trụ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Phạm hạnh tâm thanh tịnh
Phá trừ cảnh giới ma
Sức nhẫn đạo vô thượng
Yên định không nghĩ bàn.
Ta từ vô số kiếp
Luôn trụ không chỗ trụ
Một lòng nhập không tuệ
Thân trang nghiêm các tướng.
Đương lai Tộc tánh tử
Và những người hiện tại
Sẽ trụ không chỗ trụ
Hiểu tánh thường vô thường.
Các trần các chướng ngại
Hoại nghiệp thiện của Ta
Rửa sạch hết trần cấu
Như vàng không tỳ vết.
Tuệ là tướng thế gian
Hướng dẫn người mắt mù
Khiến cho người ngu si
Hiểu rõ pháp chân như.
Đạo nhân duyên vô vi
Thông đạt sáu thần thông
Kho đại pháp vô tận
Ban bố người thấp kém.
Thích thọ ba giải thoát
Ba đời không chấp trước
Hiện tại tất cả pháp
Hết cấu, nhập định Phật.
Đại tuệ quang Như Lai
Đoạn trừ pháp nghi ngờ
Tướng si trong lặng tịnh
Hiểu đạo không, vô thường.
Bao nhiêu người cho thường
Dính chặt trong sinh tử
Không lìa pháp hữu vi
Bị phiền não trói buộc.
Pháp sáu độ ba tuệ
Châu báu và vợ con
Dứt ái không thương tiếc
Xuất gia đạt thành đạo.
Người có niệm thiện, ác
Những hạng sơ, trung, hạ
Luân chuyển trong năm đường
Tánh sinh diệt không thật.
Khổ vốn vô lượng số
Đời đời không dừng nghỉ
Trống pháp vang ngàn cõi
Chấn động cảnh giới ma.
Loài quần sinh các ngươi
Nương tựa sáu thần thông
Thân tùy theo tâm niệm
Đến chỗ không chướng ngại.
Năm tháng tu đạo hạnh
Ngày đêm không trái thời
Chứa đức như Tu-di
Thành tựu chứng quả Phật.
Sinh diệt như huyễn hóa
Cũng như bóng trong gương
Thọ nhập ba mươi sáu
Nhập định mới thành tựu đạo.
Tánh chân thật Như Lai
Không nhiễm không chấp trước
Hành từ vượt bảy độ
Các báu tự anh lạc.
Ba mươi hai ức kiết
Trói buộc không thể mở
Cốt dùng kiếm trí tuệ
Chặt dứt không còn gì.
Lại lấy tám giải thoát
Như vị pháp cam lồ
Để kẻ khát ái kia
Sung mãn không còn nghĩ.
Xưa Ta chưa thành thiền
Luôn ở trong ngu si
Kết chặt bốn điên đảo
Cầu giải thoát khó được.
Nhập bốn vô ngại thiền
Tự tại không sợ sệt
ĐịnH tâm ý vững chắc
Tận đời không tái sinh.

Khi Đức Thế Tôn nói kệ xong, có tám mươi bốn ức chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Chánh chân vô thượng, đối với tín hành không thoái chuyển.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7