KINH BỒ-TÁT LY CẤU TUỆ HỎI VỀ CÁCH THỨC LỄ PHẬT
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Na-đề, người Trung Ấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng Đức, thuộc thành Thất-la-phiệt-tất-đề, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm vị, vô số Bồ-tát, vô lượng Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, các trưởng giả, mỗi mỗi vị ấy đều là những người đứng đầu trong đại chúng, cùng quyến thuộc của họ đi đến chỗ Phật. Lại có tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-ba, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già vây quanh trước sau trong pháp hội lớn.

Bấy giờ, trong pháp hội có Đại Bồ-tát tên Ly Cấu Tuệ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, cung kính chắp tay bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con có vài điều muốn hỏi, xin Thế Tôn cho phép.

Phật nói:

–Ông cứ hỏi, ta sẽ tùy ý ông mà đáp.

Bồ-tát Ly Cấu Tuệ nghe Phật chấp nhận liền vui mừng không lường, bạch Phat:

–Nếu thiện nam, thiện nữ nào ở chỗ Như Lai thì nên cung kính, lễ bái, cúng dường như thế nào? Phật nói

–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Ly Cấu Tuệ! Tâm Từ bi của ông rộng lớn, vì muốn tạo nhiều lợi ích an lạc cho tất cả hàng trời, người. Ông hãy khéo lắng nghe, ta sẽ vì ông mà giảng nói.

Nếu thiện nam, thiện nữ nào ở chỗ Phật muốn đem tâm cung kính lễ bái thì trước tiên nên phát nguyện như vầy: Nay con chí tâm đảnh lễ mười phương chư Phật, hội nhập khắp trong tất cả các pháp thù thắng. Nay con đối với Đức Thế Tôn năm vóc đảnh lễ, vì đoạn năm đường, lìa năm triền cái, nguyện cho các chúng sinh thường được an trụ, không mất năm thông, đầy đủ năm mắt. Nguyện khi gối phải con quỳ sát đất thì khiến cho các chúng sinh được đạo Chánh giác. Nguyện khi gối trái con quỳ sát đất thì khiến cho các chúng sinh đối với pháp ngoại đạo, chẳng khởi tà kiến, đều được an trụ trong đạo Chánh giác. Nguyện khi tay phải con chạm đất, giống như Thế Tôn ngồi nơi tòa kim cang, tay phải chỉ xuống mặt đất thì đại địa chấn động, hiện điềm lành, chứng đại Bồ-đề. Nay con cũng vậy, cùng các chúng sinh đồng chứng đạo Giác ngộ. Nguyện khi tay trái con chạm đất, khiến cho những ngoại đạo khó giáo hóa thì dùng bốn Nhiếp pháp mà điều phục khiến họ nhập vào chánh pháp. Nguyện khi đỉnh đầu con chạm đất thì khiến cho các chúng sinh lìa tâm kiêu mạn, đều được thành tựu tướng Vô kiến đảnh.

Này Bồ-tát Ly Cấu Tuệ! Đây là tướng năm vóc đảnh lễ. Kế đến đảnh lễ chư Phật hiện tại trong mười phương, nên xướng như vầy:

Nam-mô Đông phương Như Lai A-súc cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Nam phương Như Lai Bảo Tướng cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Tây phương Như Lai Vô Lượng Thọ cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Bắc phương Như Lai Diệu Cổ Thanh cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Đông nam phương Như Lai Nhân-đà-la Kê Đô Tràng Vương cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Tây nam phương Như Lai Bảo-du-bộ cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Tây bắc phương Như Lai Sa-la Nhân-đà Vương cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Đông bắc phương Như Lai Vô Lượng Tràng Vương cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Thượng phương Như Lai Trí Quang cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Nam-mô Hạ phương Như Lai Tỳ-lô-giá-na cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp vô lượng thế giới ở phương ấy.

Tiếp đến, đảnh lễ thế giới Sa-ha Đức Bản Sư Thích-ca Mâu-ni Phật, cùng tất cả Như Lai, chư Đại pháp tạng, Đại Bồ-tát nhập địa, Thanh văn, Duyên giác và hết thảy Hiền thánh khắp mười phương vô lượng thế giới ở thế giới này.

Lại nguyện như vầy: Nay con một lòng đảnh lễ tất cả Phật pháp cùng các chúng Hiền thánh, xin chứng tri cho con, từ nay cho đến ngày đắc quả Bồ-đề, con luôn quy y Đức Phật Thế Tôn, Đấng Đại Tư Bi, Đấng Nhất Thiết Trí, Đấng Nhất Thiết Tri Kiến, Đấng đã lìa các sợ hãi, Đấng Đại Sư Tử trong loài người, Đấng Đại Long Vương, Đấng Đại Tiên Sĩ trong cõi người, Đấng Đại Trượng Phu, Đấng Nhất Thiết Biến Tri Thân Bất Tư Nghì, Đấng Thân Vô Thượng, Đấng Thân Vô Đẳng, Đấng thân không chung với Nhị thừa, Đấng Pháp Thân Thanh Tịnh, Đấng Tối Tôn trong tất cả chúng. Nay con một lòng chí thành kính lễ. Kính lễ như vậy trăm lần, ngàn lần, trăm ngan vạn lần, cho đến vô lượng, vô số lần, tận đời vị lai, tận cùng nơi thân mạng xin quay về nương nơi các Đức Phật Thế Tôn như trên.

Lại nói như vầy: Nay con đem căn lành của ba nghiệp thân khẩu ý, cùng với các chúng sinh quay về nương nơi Phật, luôn không rời Phật. Quy y Đấng ngồi đạo tràng, Đấng thường trụ thường hằng khôngdời đổi, Đấng không già chết, không hoại diệt, Đấng tánh không trụ, không duyên, vắng lặng, Đấng an trụ nơi nhà pháp làm bậc hộ niệm lớn, làm hải đảo, Đấng làm nơi nương tựa cho người chứng đắc Niết-bàn, Đấng tối thượng trụ trong các pháp. Nay con chí thành, ân cần kính lễ chánh pháp của các Đức Phật như vậy, cũng như chí thành kính lễ các Bồ-tát… trụ trong chủng tánh, từ địa Hoan hỷ cho đến địa Pháp vân, những Bồ-tát Tăng trụ trong mười Địa.

Thứ đến nên sám hối và nguyện như vầy: Cúi xin mười phương chư Phật Thế Tôn chứng tri, nhớ nghĩ, Từ bi nhận cho con sám hối về ba nghiệp của thân là: sát, đạo, dâm; bốn nghiệp của miệng là: nói dối, nói lời ác, nói hai lưỡi, nói thêu dệt; ba nghiệp của ý là: tham, sân, si, tự mình làm, bảo người khác làm, thấy người làm mà vui theo. Mười nghiệp ác như vậy con đều xin sám hối. Lại suy nghĩ: Con từ vô thủy đến nay, luân hồi trong sáu nẻo, đối với các chúng sinh tạo đủ cách dối gạt, xảo trá, gây tổn hại cho muôn loài, tất cả, nay đều xin sam hối. Hoặc hủy báng ba thừa, vọng nói pháp luật, khinh mạn Tam bảo, lừa dối cha mẹ, ở trước những vị tôn trưởng như Hòa thượng, Axà-lê không sinh tâm kính trọng, những tội nơi quá khứ như vậy nay đều xin sám hối. Những nghiệp ác trong hiện tại con cũng xin thành tâm bày tỏ, những điều chưa làm thì không dám làm. Nay ở trước chư Phật, chư Bồ-tát… đứng đầu trong đại chúng, không gì sánh, không gì hơn, tối thượng, con xin bày tỏ, sám hối khong dám che giấu, một khi đã sám hối rồi thì không tái phạm. Sám hối như vậy, lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như trên.

Kế đến, nên khuyến thỉnh như vầy: Cúi xin mười phương chư Phật, nếu chưa chuyển pháp luân mà muốn vào Niết-bàn, con đều thỉnh các Ngài trụ lâu ở đời, trong vô lượng kiếp, thương xót chúng sinh, chuyển bánh xe chánh pháp, tuôn mưa đại pháp, không vào Niết-bàn.

Thứ nữa, tùy hỷ nên nói như vầy: Ba thừa Hiền thánh nhiều như cát sông Hằng hiện có trong mười phương và tất cả chúng sinh tu hành sáu Độ, các pháp trợ Bồ-đề, con đều tùy hỷ.

Lại nên hồi hướng, nói như vầy: Mười phương ba đời các Đức Phật tác nghiệp và chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác đã hành sáu Độ, đem hết tất cả hồi hướng lên đạo Bồ-đề vô thượng, con cũng như vậy, xin hồi hướng nơi Phật đạo.

Lại phát nguyện như vầy: Ngưỡng mong mười phương ba đời chư Phật, Bồ-tát đều phát nguyện rộng lớn tận hư không khắp pháp giới, vì các chúng sinh mà giáo hóa, thâu gồm ba cõi, nguyện cho các chúng sinh được lợi lạc thành thục, đầy đủ thiện luat nghi, trụ nơi đại Niết-bàn. Bây giờ con cũng như vậy, phát thệ nguyện lớn trang nghiêm. Con nguyện đối với đạo Vô thượng, tâm không tán loạn, thường gặp các Đức Phật, nghe chánh pháp, luôn thừa sự tu hành, làm những pháp thiện, tâm Bồ-đề không thoái mất, sinh đến đâu cũng được cúng dường Thánh chúng, giáo hóa chúng sinh, đắc đạo vô thượng, chuyển bánh xe chánh pháp, đầy đủ thần thông khiến cho các chúng sinh tu học như vậy, đến không thoái chuyển. Lại nguyện cho các chúng sinh sớm dứt các khổ, mau chứng Niết-bàn, trụ vào trí Như Lai, con đã vượt qua sinh tử, giác ngộ cho tất cả, khiến các chúng sinh cũng xa lìa sinh tử, thoát khỏi phiền não, giác ngộ hết thảy. Cúi xin mười phương chư Phật chứng tri cho con hành đạo Bồ-tát, phát nguyện rộng lớn như biển.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ nói lại nghĩa đó:

Tôi nguyện sinh đến đâu
Được thân hình theo nghiệp
Thành thân đại trượng phu
Thành tín, đủ các căn.
Thông kỹ thuật, tài năng
Hiểu rộng lời Phật dạy
Việc đời đều từ bỏ
Các dục thảy xa lìa.
Chánh ngữ trụ niệm pháp
Trang nghiêm tâm Bồ-đề
Thờ kính tri thức thiện
Hữu tình thấy đều trọng.
Oai nghi đã đầy đủ
Tịnh niệm được an vui
Thường sợ nghiệp ác kia
Hành trì nơi pháp thiện.
Thường nương hạnh mười độ
Vì vậy được giác ngộ
Cho đến thân cuối cùng
Thường ban vui chúng sinh.
Ma-ni hơn các ngọc
Thành tựu việc lợi tha
Tôi nguyện tận vị lai
Làm lợi ích không dừng.

Phật bảo Đại Bồ-tát Ly Cấu Tuệ:

–Nếu có chúng sinh hành đạo Bồ-tát, như ta đã nói, nên nương theo đó mà tu học.

Đức Phật giảng nói kinh này rồi, Bồ-tát Ly Cấu Tuệ và các đại chúng, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, Nhân cùng phi nhân… nghe những lời Phật dạy đều hoan hỷ, phụng hành.