KINH BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC HỎI VỀ TAM-MUỘI
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: SỰ CẢM ỨNG LỚN LAO

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn lúc mới thành Bậc Chánh Giác, ngự nơi đạo tràng Pháp tĩnh thuộc địa phận nước Ma-kiệt-đà, trong ánh hào quang luôn tỏa chiếu rực rỡ, Bậc Toàn Giác đã nêu bày các chân lý xuất thế gian sâu xa vi diệu, dẫn nói về trí tuệ giác ngộ thấu suốt cáo nẻo chính yếu cả ba thời quá khứ hiện tại và vị lai, chỉ rõ dấu ấn của các pháp Tam-muội không chút vướng mắc.

Lúc này, Đức Phật đem trí tuệ giác ngộ rộng khắp ấy thể hiện qua pháp Tam-muội Chánh thọ nhanh chóng, trọn vẹn. Pháp Tammuội đó an nhiên, tịch diệt, dứt hết các hình tượng, cũng không có trong ngoài, tịch tĩnh lìa mọi sự nghe thấy. Thế giới của Tam-muội Chánh thọ ấy là hết mực rộng lớn mênh mông không bến bờ, khó nghe khó gặp, phải trải qua hàng vạn ức đời mới có lúc đạt được pháp Tam-muội như thế.

Pháp Tam-muội của Phật thật là vô lượng, không gì là không

sáng tỏ, thấu triệt. Dùng tuệ thông tỏ hết thảy nên đạt được diệu lực của trí lớn rộng khắp, thanh tịnh vô hạn. Lời xưng tán Như Lai lan tỏa, do dứt sạch mọi nơi chốn cấu nhiễm cùng mọi tạo tác sinh tử nên thân Phật hiện rõ trọn đủ, câu lời đạt đến sự không tịch lớn lao vi diệu, dẫn tới những tác động cảm ứng của Phật thật bao la vô bờ. Tất cả đều là “Không chỗ trụ” mà trí tuệ chuyển biến thể hiện nên được tôn xưng là đấng Phổ Thế Quang Dương Như Lai ứng hiện ở đời thật đúng lúc làm hiển lộ cõi Phật. Do từ nhất tướng ấy mà thông đạt Vô tướng. Vô tướng, Vô hành, cũng lại là Vô tướng, uy nghi rực sáng hiển bày trọn vẹn chiếu khắp mười phương.

Pháp Tam-muội của Phật là Vô thượng, thể hiện sự chấn động và tỏa sáng như thế đến tận các cõi cùng lúc hiện bày biến hóa, tất cả thảy đều như vậy, không đâu là không biểu lộ sự nhiệm mầu hết mực.

Bấy giờ, trong chúng hội của đạo tràng có Bồ-tát tên là Phổ Hiền, vâng theo lời Phật chỉ dạy mà tự nghĩ: “Đức Như Lai hôm nay biểu hiện sự cảm ứng nhiệm mầu từ xưa tới nay chưa hề nghe thấy. Điều lành ứng hiện như vậy tất là có sự trao dạy yếu chỉ của các pháp thù thắng đặc biệt. Phải khiến cho chư vị Đại Bồ-tát ở các phương khác cùng đến để được lãnh hội, giữ gìn”. Tức thì Bồ-tát Phổ Hiền, liền nhập chánh thọ Như kỳ tượng, phóng ra ánh hào quang lớn chiếu khắp các cõi trong mười phương. Ở trong ánh hào quang đó tung rải các thứ thiên hoa, thiên hương cùng hòa tấu thiên nhạc, âm nhạc ấy thật nhu hòa như quyện lấy âm thanh lớn của Bồ-tát Phổ Hiền nói với chư Bồ-tát trong tộc họ của Đức Như Lai: “Đức Phật Thích-ca Văn hôm nay sẽ diễn nói diệu pháp chưa từng có!” Chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai, vì muốn thành tựu mọi sở cầu của mình nên chỉ trong khoảnh khắc, vô số, vô lượng các vị Bồ-tát Đại sĩ không thể kể tính hết, ở khắp mọi nơi thảy đều vân tập đến chúng hội.

Lúc này, Đức Thế Tôn dùng pháp Chánh thọ Tam-muội lớn lao nên không có gì là không thấu suốt, xem mọi thứ hiện tượng thảy nhận rõ các nẻo phát sinh và chung cuộc, cùng với quá trình sinh trụ dị diệt của chúng. Do từ cõi chánh thọ Tam-muội đó mà thấu triệt tất cả vì dung lượng của pháp định ấy là vô cùng rộng lớn trùm khắp nên không còn chốn sâu xa nào là không thông tỏ. Đức Thế Tôn xem xét thấy rõ chư vị vân tập đến chúng hội thuần là Bồ-tát, đều là hàng Đại đồng chân, là bậc Ma-ha-tát, nhiều như số lượng vi trần của các cõi nước trong mười phương. Chư vị ấy đều là bậc có chí nguyện cao diệu, con đường tu tập thù thắng khác tục, thảy đều an trụ các cảnh giới trang nghiêm, luôn tôn kính lễ bái Pháp thân vô thượng, không thể lường tính, chính vì vậy mà có được đầy đủ các hạnh, danh xưng hiển bày khắp mười phương. Chư Bồ-tát đó, mỗi vị đều an trụ và hành động theo đúng yếu chỉ của các pháp, nơi chốn an trụ như Phật, diệu lực không gì hơn, dũng mãnh ví như Sư tử, được chí bền chắc như Kim cương, hạnh tuệ thông đạt tự tại, trí đức thuần hậu, vững vàng hơn cả núi Tu-di, tâm ví như hư không, không thể lường, thâu tóm mọi ánh sáng mầu nhiệm của các pháp Tổng trì nên tự mình luôn có niềm vui thích an lạc, thấu rõ cảnh giới của tất cả các pháp vốn là không, đạt được tận cùng tướng tốt trang nghiêm của chư Phật. Chư vị Bồ-tát ấy đều có thể phân thân ứng hiện biến hóa khắp mười phương, cho đến nơi chốn tận cùng mọi cõi, cũng như do tác động cảm ứng của Phật mà tự mình dốc tâm tìm đến, uy thần hơn hẳn, có thể ở nơi mười phương gầm lên tiếng rống của loài Sư tử, dùng trí Kim cương để đè bẹp và phá vỡ mọi thứ ma oán, đem hạnh từ bi thâu tóm khiến chúng quy thuận theo đức, đuổi trừ ngoại đạo, lui tiến ung dung, đạo đức ứng hợp với chân tướng, cứu giúp tế độ muôn loài. Các vị Bồ-tát Đại sĩ ấy thảy đều từng gióng lên tiếng trống Chánh pháp, nêu rõ ngọn cờ hiệu Chánh pháp, khua vang tiếng kèn pháp âm, chỉnh đốn và giữ vững ngọn cờ pháp bảo vô giá, từ mọi nơi chốn quy tụ, không ai là không sẵn tâm để tin tưởng, lãnh hội.

Bấy giờ, chư vị đã vân tập đến như vậy là đã đông đủ tạo thành chúng hội Bồ-tát, mỗi vị đều tùy theo thứ lớp mà an tọa thích hợp. Tên của các vị Bồ-tát đó là Bồ-tát Cương Ý, Bồ-tát Quá Ý, Bồ-tát Thuyết Ý, Bồ-tát Thượng Ý, Bồ-tát Thi Ý, Bồ-tát Long Ý, Bồ-tát Quả Ý, Bồ-tát Điều Ý, Bồ-tát Lực Ý, Bồ-tát Khoáng Ý, Bồ-tát Vô Hạn Ý, Bồ-tát Giải Ý, Bồ-tát Tối Ý, Bồ-tát Thiên Ý, Bồ-tát Từ Ý, Bồ-tát Xứ Ý, Bồ-tát Sư Ý, Bồ-tát Tôn Ý, Bồ-tát Pháp Ý, Bồ-tát Tịch Ý, Bồ-tát Đức Ý, Bồ-tát Nhất Ý, Bồ-tát Nhất Tướng, Bồ-tát Thiện Ý, Bồ-tát Huyễn Ý, Bồ-tát Đại Ý, Bồ-tát Thế Ý, Bồ-tát Nhân Ý, Bồ-tát Phật Ý, Bồ-tát Đạt Ý, Bồ-tát Trường Ý, Bồ-tát Vô Tư, Bồ-tát Vô Biên, Bồ-tát Nghiêm Chí, Bồ-tát Vô Tế, Bồ-tát Nghiêm Bản, Bồ-tát Thâm Giới, Bồ-tát Phổ Tiện, Bồ-tát Long Minh, Bồ-tát Trì Diệu, Bồ-tát Phật Độ, Bồ-tát Tâm Vương, Bồ-tát Nhất Hạnh, Bồ-tát Thăng Không, Bồ-tát Đạt Tuệ, Bồ-tát Phước Hạnh, Bồ-tát Pháp Xí, Bồ-tát Minh Thế, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Hưng An, Bồ-tát Tối Thượng, Bồ-tát Vô Thượng, Bồtát Vô Tỉ, Bồ-tát Vô Đẳng, Bồ-tát Minh Quang, Bồ-tát Quang Diệu, Bồ-tát Mỹ Quang, Bồ-tát Nhất Vương, Bồ-tát Thế Nghiệp, Bồ-tát Pháp Vũ, Bồ-tát Trì Diệu, Bồ-tát Phổ Nghiêm, Bồ-tát Tuệ Nhãn, Bồtát Pháp Thủ, Bồ-tát Tuệ Vân, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Pháp Vương, Bồ-tát Thiện Kiến, Bồ-tát Tối Nguyện, Bồ-tát Hành Diệu, Bồ-tát Tuệ Tạng, Bồ-tát Ý Vương, Bồ-tát Tu Nội Ý, Bồ-tát Phổ Trí, Bồ-tát Trì Quá Địa Lực, Bồ-tát Xuất Lực Thế, Bồ-tát Thiện Nguyệt, Bồ-tát Đại Sơn Đỉnh Thủ, Bồ-tát Bảo Sơn Đỉnh, Bồ-tát Phóng Quang, Bồ-tát Thượng Tràng Vương, Bồ-tát Vô Đương Thế Tràng, Bồ-tát Vô Thắng Uy, Bồ-tát Đại Long Thủ, Bồ-tát Đại Thủ, Bồ-tát Phổ Điều, Bồ-tát Vô Thoái Tấn, Bồ-tát Trì Phật Anh Luân, Bồ-tát Vô Hoặc, Bồ-tát Uy Hạnh, Bồ-tát Vô Tư Ý, Bồ-tát Vô Lượng Ý, Bồ-tát Phật Biến, Bồ-tát Vô Tận Tạng, Bồ-tát Tuệ Thủ, Bồ-tát Pháp Diệu, Bồ-tát Tuệ Mậu Tạng, Bồ-tát Vũ Giác Vũ, Bồ-tát Ngu Hiện, Bồ-tát Vô Ngu Hiện, Bồtát Cương Thông, Bồ-tát Tuệ Cương, Bồ-tát Kim Cương Diệu, Bồ-tát Tuệ Cương Ý, Bồ-tát Phổ Mục, Bồ-tát Quảng Mục, Bồ-tát Cát Thủ, Bồ-tát Như Phật Uy, Bồ-tát Trì Phật Kim Cương, Bồ-tát Nghiêm Phổ Trí, Bồ-tát Tuệ Trang, Bồ-tát Phổ Hiền Tuệ Tạng…

Như vậy là nơi các cõi Phật trong mười phương, chư vị Bồ-tát Ma-ha-tát, số lượng nhiều như vi trần trong hư không, tất cả thảy cùng với Bồ-tát Đọa-lâu-cận (Đan Bản gọi là Bồ-tát Tùy-lâu-diên) từ trước đã cùng tu tập các đức hạnh của bậc Bồ-tát, nên đức hạnh đều gồm đủ.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Mục nương theo uy thần của Phật liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai áo bên phải, đầu gối bên phải chạm sát đất, chắp tay hướng về phía Đức Phật, cung kính thưa với Đức Thế Tôn:

–Con muốn hỏi Đức Như Lai Chánh Giác bình đẳng, nếu được

Như Lai chấp thuận thì con mới dám tỏ bày.

Đức Phật nói với Bồ-tát Đẳng Mục:

–Bồ-tát nên hỏi, cứ theo ý mình mà hỏi Như Lai. Như Lai sẽ theo đấy, để nêu giảng rõ khiến Bồ-tát được hoan hỷ.

Bồ-tát Đẳng Mục liền thưa:

–Kính thưa Thế Tôn! Làm thế nào, các Bồ-tát thực hiện bao nhiêu pháp Tam-muội không thể nghĩ bàn để được ứng hợp với hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, tạo nên những thệ nguyện dũng mãnh đối với đời? Cùng với sự tu tập của chư vị ấy, các hạnh của pháp Tammuội được trang nghiêm nên ở nơi pháp Tam-muội đó đạt được tự tại, an lạc vui thích và dùng diệu lực của pháp Tam-muội ấy cảm ứng đến các pháp Tam-muội khác. Kính mong Như Lai giảng giải.

Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Đẳng Mục:

–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát Đẳng Mục lại vì chư Phật và chư Bồ-tát ở thời quá khứ, vị lai và hiện tại nên đã mở rộng Đạo Tràng này, nêu lên một cách thông suốt vấn đề cốt yếu cần được bàn bạc, và đem điều ấy thỉnh vấn. Này Bồ-tát Đẳng Mục! Bồ-tát Phổ Hiền hiện đang có mặt trong chúng hội ở đây. Bồ-tát là vị đã tạo được sự cảm ứng không thể nghĩ bàn đối với chư vị Bồ-tát, đã từng tu tập vô lượng các hạnh Bồ-tát, đạt được sự biến hóa “Vô tư nghị” của bậc Bồ-tát, đã thực hiện trọn vẹn các nguyện của Bồ-tát khó gặp khó làm, không hề thoái chuyển trong các hạnh nguyện của mình, luôn tu tập vô lượng các đức hạnh thanh tịnh rộng lớn, thảy đều vượt hơn tất cả, không thể lường tính, biện tài thông đạt không chút vướng mắc, đem tâm đại Bi thể hiện nơi mọi hạnh nguyện không hề biết chán, dùng các hạnh nguyện ấy trong mọi nơi mà không chút loạn động. Chư vị nên đem tất cả điều ấy mà thỉnh vấn Bồ-tát Phổ Hiền, sẽ được Bồ-tát nói rõ về các hạnh của pháp Tam-muội Chánh Thọ biến hóa vượt bậc.

Lúc này trong chúng hội nghe Đức Thế Tôn nói rõ về danh xưng của bậc Chánh Sĩ ấy nên đều dấy khởi tâm cung kính cùng đưa mắt nhìn khắp đạo tràng muốn được thấy Bồ-tát Phổ Hiền nhưng chẳng nhìn thấy đâu cả, mà cũng không nghe tiếng nói hay biết nơi chỗ ngồi của Bồ-tát. Vì sao như thế? Là vì do uy thần của Đức Như Lai cùng diệu lực của Bồ-tát Phổ Hiền đã tạo nên như vậy.

Bồ-tát Đẳng Mục bèn đến trước Đức Phật thưa:

–Kính thưa Thế Tôn! Bồ-tát Phổ Hiền hiện đang du hóa ở đâu?

Đức Phật bảo:

–Bồ-tát Phổ Hiền hiện đang có mặt nơi chúng hội của đạo tràng này, ở ngay bên cạnh ta đây, chỗ ngồi không dời đổi.

Tức thì, Bồ-tát Đẳng Mục cùng với đại chúng thảy đều vận dụng thần lực của mình để quán sát mà cũng chẳng thấy gì nên cùng thưa lại với Đức Phật:

–Chúng con không trông thấy Bồ-tát Phổ Hiền cũng như chỗ ngồi của Bồ-tát.

Đức Thế Tôn dạy:

–Này chư vị trong tộc họ của Như Lai! Chư vị không thể trông thấy được thân tướng cùng chỗ ngồi của Bồ-tát Phổ Hiền. Vì sao như thế? Là vì Bồ-tát Phổ Hiền ấy luôn an trụ ở nơi chốn có công hạnh sâu xa, không thể đạt được, trí tuệ của Bồ-tát thể hiện qua các hành trụ dều vô ngại, đạt được sự dũng mãnh như Sư tử, đạt được sự cảm ứng biến hóa biến hóa không gì hơn như Phật, hòa nhập vào cõi tịch tĩnh vô ngại, trụ nơi mười trí lực của Phật, là sự thâu tóm của Pháp giới tạng, có được uy thần như Phật, ánh sáng trí tuệ luôn trang nghiêm không bị hủy diệt, dều được sinh ra từ Pháp thân của chư Phật trong ba đời. Đó là cảnh giới nhất tâm thanh tịnh của Bồ-tát Phổ Hiền.

Bồ-tát Đẳng Mục nghe Đức Như Lai nói về các đức hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền do tu tập mười Pháp Tam-muội của bậc Bồ-tát mà có nên Bồ-tát Đẳng Mục rất muốn được thấy Bồ-tát Phổ Hiền và đã gắng sức tư duy, suy cầu mong đạt được, nhưng rốt cuộc Bồ-tát Đẳng Mục cùng với tất cả các vị trong chúng hội cũng lại chẳng thấy Bồ-tát Phổ Hiền.

Lúc này Bồ-tát Đẳng Mục đã xuất định và thưa với Đức Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Con đã vận dụng đầy đủ vô số hàng ngàn các pháp Tam-muội, đi sâu vào cảnh giới Chánh thọ nhưng cũng không thấy được Bồ-tát Phổ Hiền cả về thân, khẩu, ý hành cùng với nơi chốn, cũng lại chẳng thấy trụ xứ hay du hành của Bồ-tát.

Đức Phật nói với Bồ-tát Đẳng Mục:

–Đúng như thế đấy! Chư vị không thể thấy Bồ-tát Phổ Hiền. Vì sao? Là vì bậc Đại sĩ ấy đã thông tỏ các hạnh Bồ-tát đạt đến cảnh giới giải thoát. Này Bồ-tát Đẳng Mục! Theo ý của Bồ-tát thì với trí tuệ sáng suốt, ý nghĩa chữ Huyễn hóa có thể diễn tả trọn vẹn, có thể dùng trí tuệ để phân biệt về huyễn sắc chăng?

–Kính thưa Thế Tôn! Không thể được!

Về ý nghĩa của sự huyễn hóa mà đã không thể phân biệt nơi chốn của nó, huống hồ là trú xứ của Bồ-tát Phổ Hiền, cả về thân, khẩu, ý hành, làm sao mà nhận thấy được trú xứ ấy! Vì sao như vậy? Là vì vị Đại sĩ đó đã đạt được đầy đủ các đức hạnh thâm diệu chẳng thể nghĩ bàn, cũng là thể hiện cho sự giải thoát vượt ngoài mọi hạn lượng, thấu đạt Kim cương tuệ cùng nắm vững mọi yếu ngôn của thứ trí tuệ sắc bén ấy, thông tỏ hết thảy mọi cảnh giới pháp tánh, ứng hiện nơi các cõi các chốn mà không hề chấp trước, ứng hiện nơi mọi thân tướng thì hiểu rõ các hoạt dụng xuất nhập đều là vô thể, các pháp là “vô sở hữu” cũng như mọi cảnh giới thần túc phân biệt tôi ta, mà không hủy hoại cõi mình an trụ, không vướng vào sự hóa hiện, do thần thông nên thấu đạt gốc các pháp là không.

Này các vị trong tộc họ của Như Lai! Các vị nếu muốn thấy được Bồ-tát Phổ Hiền thì phải hội nhập được diệu lý vô ngại như bậc Đại sĩ đó: nghe, lãnh hội cũng là vô ngại, lễ kính vô ngại, tâm kính vô ngại, ý niệm vô ngại, hướng cầu vô ngại, tiếp xúc nhận thức vô ngại, tu chứng vô ngại, mong đạt vô ngại. Nói chung, chí nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền là nhằm dứt bỏ mọi thứ trói buộc, ngăn ngại.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Mục cùng với chư vị Bồ-tát trong chúng hội đều có tâm ý vui thích muốn được thấy Bồ-tát Phổ Hiền nên cùng chắp tay hướng về Đức Phật đảnh lễ và cùng niệm lớn ba lần: “Tự quy chư Phật, Tự quy Bồ-tát Phổ Hiền”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Đẳng Mục rằng:

–Hãy quán sát các Bồ-tát trong đại hội này. Bằng con mắt sáng suốt tìm kiếm Bồ-tát Phổ Hiền, hướng về khắp nơi mà xem như Phổ Hiền đang ở trong chính mình. Lấy căn bản các pháp làm Chánh thọ, hiểu rõ các pháp thì vô dục, đem một lòng chí thành hướng về Bồ-tát Phổ Hiền hiểu đến chỗ vốn không, khiến cái thân ngã chấp này ở đâu cũng phân biệt được các căn, đến đâu cũng làm được như Phổ Hiền. Công hạnh được như vậy mới thấy Phổ Hiền.

Bồ-tát Đẳng Mục cùng với đại chúng trong đạo tràng nghe theo lời dạy của Đức Thế Tôn, tức thì đều cung kính đảnh lễ, đầu mặt sát đất cùng bày tỏ sự thỉnh cầu của mình, nên chỉ trong khoảnh khắc đã tạo được sự cảm ứng mầu nhiệm, và Bồ-tát Phổ Hiền đã khiến cho tất cả đại chúng đều cùng trông thấy mình đang ở bên cạnh Đức Thế Tôn, an tọa trên đóa hoa sen lớn. Tất cả chư vị Bồ-tát nơi chúng hội như đều xuất hiện từ trong thân tướng của bậc Đại sĩ và đối với các cõi nước hiện ra không ai là không nhìn thấy, cả đến mọi cõi của chư Phật thời quá khứ vị lai cùng lần lượt trông thấy và pháp âm chư Phật nêu rõ về ánh sáng trí tuệ của ba đời.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Mục cùng với chúng Bồ-tát nhận thấy những biến hóa như vậy đều hết sức hoan hỷ, cùng nhau kính lễ Đại sĩ Phổ Hiền. Cùng lúc, do uy thần của Phật cũng như công đức vun trồng từ trước của Bồ-tát Phổ Hiền cùng tạo ra, nên trời tung rải các thứ hoa lớp lớp nối nhau rơi xuống như những xâu chuỗi anh lạc của chư Thiên. Các loại nhạc khí không hầu cùng nhau hòa tấu vang lừng.

Trời lại tuôn xuống loại hương mịn màng lan tỏa khắp mọi cảnh giới chư Phật. nơi hư không còn có âm thanh ngân nga của loại chuông nhỏ quý giá. Các loài chúng sinh trong ba cõi ác nhất thời đều được thoát khỏi những nỗi thống khổ. Vô lượng chư vị Bồ-tát nơi chúng hội đã đạt được sự giải thoát lớn lao, tức thời thông tỏ mọi hạnh của các công đức mà Bồ-tát Phổ Hiền đạt được.

Bồ-tát Đẳng Mục thưa với Đức Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Mọi đức hạnh ấy của Bồ-tát Phổ Hiền thật đã vượt quá mọi sự lường tính, là hạnh nguyện không thể hạn định, là hạnh nguyện không nêu được giới hạn, là hạnh nguyện không bị đứt đoạn, là hạnh nguyện không hề chuyển đổi, là hạnh nguyện của sự phổ cập khắp nơi khắp chốn, không nơi nào là không tiếp giáp tiếp xúc, không chốn nào là không trở về, là hạnh nguyện sáng suốt thấy rõ các pháp, là hạnh nguyện không phân biệt, thuận theo tất cả các phương tiện, nói chung là hạnh nguyện không thể dùng lời để diễn đạt hết được.

Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Đẳng Mục:

–Đúng như thế đấy, Bồ-tát đẳng Mục! Đúng như lời Bồ-tát vừa bày tỏ, Bồ-tát Phổ Hiền đã đem lại cho vô số chúng sinh mọi sự trong lành, có được sự thanh tịnh vô bờ, công đức vô lượng ấy, dấy khởi vô số phước, tu tập vô số tướng, đức hạnh đầy đủ vô hạn, hạnh nguyện không gì có thể sánh được, tôn hiệu tỏa khắp nhưng không lộ rõ ra ngoài, đó là hạnh nguyện của diệu lý vô đắc, đem lại lợi lạc cho cả ba đời, luôn được chư Phật khen ngợi, được khắp cõi truyền tụng. Hạnh nguyện lớn lao của Bồ-tát Phổ Hiền thể hiện rõ là như thế.

 

Phẩm 2: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ HÀNH ĐỊNH

Bấy giờ, Đức Phật nói với Bồ-tát Phổ Hiền:

–Bồ-tát nên vì chỗ mong muốn của Bồ-tát Đẳng Mục cùng chư vị Bồ-tát trong đạo tràng này mà nêu bày, chỉ ra để chư vị được thông suốt, tức là sẽ nói về các phương tiện tu tập mười pháp Tam-muội của hàng Bồ-tát Ma-ha-tát, nhờ đó chính Bồ-tát đã thành tựu được mọi công đức của bản hạnh mình, chư vị sẽ theo đấy cùng tu tập, đạt được hạnh nguyện như vậy.

Những gì là mười?

  1. Đạt được ánh sáng của đức lớn ban đầu, là điều thiện cho phương tiện tu tập của Bồ-tát Ma-ha-tát.
  2. Hạnh hướng tới niềm vui thích trong đại định, đạt được hạnh nguyện làm phương tiện tu tập cho Bồ-tát Ma-ha-tát.
  3. Sự thanh tịnh của ánh sáng vượt qua mọi cõi.
  4. Sự thanh tịnh của pháp tu tập nội tâm.
  5. Sự thanh tịnh đã được tích chứa từ quá khứ.
  6. Kho chứa trí tuệ được tỏa sáng.
  7. Âm thanh của trí tuệ chư Phật thanh tịnh thấu triệt đến các cõi Phật.
  8. Phân biệt thân tướng, tạo tác cùng pháp giới của tất cả chúng sinh đạt được tự tại.
  9. Đạt được các hạnh rộng lớn không chút vướng mắc, chấp bám.
  10. Đạt được trọn vẹn các phương tiện làm hạnh nguyện lớn cho Bồ-tát Ma-ha-tát.

Đó là mười pháp Tam-muội lớn của hàng Bồ-tát Ma-ha-tát. Là điều chư Phật thời quá khứ hiện tại và vị lai thảy đều trình bày, đã thuyết, đang thuyết hay sẽ thuyết. Chư vị Bồ-tát nào tâm có thể hành mười pháp Tam-muội hội nhập vào cảnh giới ấy thì đó là sự giác ngộ, là bậc chánh giác, là bậc Như Lai gồm đủ mười trí lực, là vị Đạo sư, là bậc Đạo sư, là bậc đạt được trí tuệ rộng khắp, là bậc hiển hiện, là bậc đạt được các hạnh nguyện vô tận, là bậc đạt được những hạnh nguyện vô hạn, là bậc chỉ dẫn các pháp tối tôn tối thắng. Chư vị Bồ-tát đã đạt các pháp Tam-muội ấy thì có thể ứng hiện khắp các cõi nước của chư Phật, nơi mọi cõi nước đều có được sự an lạc tự tại. Các vị đó chính thực là những bậc đã an trụ cảnh giới của chúng sinh, là bậc thấu đạt mọi nẻo giác ngộ của chúng sinh, là bậc đã đạt được kho tàng dứt sạch mọi mối nghi hoặc, là bậc đã hội nhập vào các nẻo cốt yếu của pháp giới, là bậc đã tỏ ngộ tính chất vô lượng của pháp giới, là bậc đã thông đạt mọi hành quá khứ hiện tại vị lai của chư Như Lai, là bậc đã thấy rõ các pháp của Như Lai, là bậc đã nêu ra và lý giải thấu đáo các ngôn thuyết về tự lợi, lợi tha, là bậc đã đạt được mọi tác động cả âm thanh câu chữ, là bậc gồm đủ mọi hạnh thanh tịnh của hàng Bồ-tát, là bậc đã được sự an trụ trong mọi hạnh nguyện của Bồ-tát. Các bậc ấy ở trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai luôn làm sáng tỏ các hạnh nổi bậc thông tỏ tất cả các hành của diệu lý vô nhị, là bậc có thể giảng thuyết các pháp của chư Phật dùng hạnh nguyện làm phương tiện, chuyển mọi pháp luân mà không hề có sự thoái lui, là bậc giác ngộ hết thảy mọi hạnh thiết yếu trong quá khứ vị lai và hiện tại của chư Phật, là bậc đã đem sự giác ngộ của một vị Phật để nêu lên yếu chỉ của chư Phật, đó cũng là pháp yếu của chư Bồ-tát. Các vị ấy đã tỏ ngộ được trí tuệ đó, tức là làm sáng tỏ trọn vẹn cái trí tuệ rộng khắp, không ai, không gì có thể vượt hơn được. Là bậc đã gồm đủ các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Là bậc đã nêu rõ những lợi lạc nơi hạnh các pháp Định Tuệ của Bồ-tát. Là bậc đã đạt được các pháp Tổng trì, nhận rõ ba thời, được thấy chư Phật quá khứ hiện tại và vị lai, tạo nên tất cả mọi ánh sáng của trí tuệ vô biên. Đó đúng là các bậc đã đạt được sự thanh tịnh nơi các cõi của Bồ-tát, được thấy nơi chốn hành hóa của chư Phật. Bồ-tát đã có được pháp yếu ấy, ở nơi pháp giới của Bồ-tát luôn đạt được diệu lực dũng mãnh, dùng mười pháp Tam-muội đó để nêu bày một cách thông suốt các công đức vô biên, đức ấy như hư không. Đó là cõi vô hạn, ánh sáng tỏa sáng vô lượng. Là bậc Pháp vương ở đời, đối với khắp mọi loài chúng sinh, đạt được trí tuệ không thể lường tính, mười Lực thể hiện rộng khắp, làm sáng tỏ một cách thích hợp cuộc sống thanh thản, ung dung cùng tâm tu tập các pháp an tĩnh, hòa nhập hoàn toàn vào các hạnh của cảnh giới tịch tĩnh, thể hiện tâm đại Từ như Sư tử. Là bậc trượng phu đầy đủ trí tuệ. Là bậc làm cho ngọn đuốc chánh pháp hiển hiện, nêu rõ tên tuổi của mọi công đức, khiến chúng luôn được tồn tại, làm cho các quả vị Thanh văn, Duyên giác có mặt khắp cõi đời mà không thể nghĩ bàn, thông đạt pháp giới, an trụ tích chứa các pháp, lãnh hội thảy mọi thuyết giảng về các nẻo phương tiện quyền xảo, thông suốt tất cả ý nghĩa của bao âm thanh nêu bày, nắm được yếu chỉ vô hình tượng vì hình tượng chỉ là phương tiện. Đạt được nơi chốn phát khởi thanh tịnh thì đó chính là Phật chủng thanh tịnh phân biệt rõ tất cả các pháp. Đó cũng là sự kết hợp với nhiều thứ trí tuệ để lý giải hiện tướng các pháp, đi vào các phương tiện thông thường để thấu suốt một cách thuận hợp với sự thật, đem trí tuệ đạt đạo hóa độ khắp chốn, cũng là nhằm làm sáng tỏ và thanh tịnh thể tánh của chính mình. Là bậc có khả năng nhận lấy các hạnh nguyện rộng lớn, làm cho các đạo tràng được hưng thịnh, ánh sáng giác ngộ tỏa chiếu không chỉ ở nơi chốn Bồ-tát hành hóa mà còn lan khắp đến vô cùng vô tận. Là bậc có thể thị hiện những biến hóa lớn lao, trí tuệ hạnh nguyện sáng tỏa khắp nơi, hiểu biết đúng đắn về các phương tiện. Đấy chính là những điều thuyết giảng của Bồ-tát Phổ Hiền.

Đó là mười pháp Tam-muội của Bồ-tát thể hiện qua các hạnh nguyện rộng lớn trùm khắp, đã được nhận rõ và nêu bày. Đấy cũng chính là những hạnh cốt yếu của hàng Bồ-tát.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Mục lãnh hội những điều Phật nêu dạy, ứng hợp với ý nguyện và niềm vui thích của chư vị Bồ-tát trong chúng hội nên Bồ-tát Đẳng Mục đã nói với chư vị Bồ-tát:

–Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Có mười pháp Chánh Thọ, thích hợp trọn vẹn với các pháp tu tập đạt giải thoát của Bồ-tát, thế nào gọi là mười?

Đó là dấy khởi từ các Phật pháp để tạo sự thuận hợp tuệ hạnh. Hóa độ chúng sinh quy thuận vào tuệ hạnh. Soi sáng các cõi nước để nhận rõ âm vang của tuệ hạnh. Nêu bật ánh sáng trí tuệ từ pháp giới. Nhận lấy các phương tiện hành hóa của Bồ-tát để đạt tuệ hạnh. Hội nhập trí tuệ không thoái chuyển của Bồ-tát. Vì mọi chúng sinh quán tưởng các pháp làm phát khởi trí tuệ. Chế ngự, nắm giữ dụng lực của tâm là trí tuệ của phương tiện tu tập. Hội nhập sâu rộng vào trí tuệ của Bồ-tát thể hiện qua các nẻo tâm hành. Đạt đến trí rộng khắp của chư Phật, là tuệ của nguyện lực dấy khởi các Phật pháp. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Đó gọi là mười pháp tu tập hết mực lớn lao nhằm đạt giải thoát của hàng Bồ-tát Ma-ha-tát.

Lại nữa, nàychư vị Bồ-tát! Có mười pháp tu tập làm dấy khởi tuệ tâm vô lượng của hàng Bồ-tát Ma-ha-tát. Những gì gọi là mười? Đó là thấu đạt mọi cảnh giới của chúng sinh; vượt qua mọi dấy khởi tùy thích, để tự biết rõ mọi dấy khởi của tâm, nghĩa là gặp được chư Phật dấy khởi vô số tâm; tôn thờ công đức của chư Phật, khởi tâm nuôi dưỡng muôn loài. Nghĩa là trông thấy chư Phật mà có ý niệm về Vô lượng; Chính mắt trông thấy nên dấy khởi tâm vô lượng. Gọi là được gặp chư Phật, hội nhập nơi âm thanh mà thọ nhận pháp tu giải thoát, làm hiển lộ vô số tâm. Gọi là cõi bờ của chư Phật, phân biệt nhận rõ vượt qua trí tuệ của phương tiện, đó là các bậc hiền Thánh dấy vô số tâm. Gọi là con đường của Như Lai nhập vào lực dụng không vướng mắc làm hưng khởi vô số tâm. Gọi là lực dụng của trí tuệ rộng khắp, thực hiện các hạnh vi diệu, xiển dương Phật pháp, đem điều thuận phân bố khắp chốn, làm hưng khởi tâm vô lượng cùng hạnh nguyện vô bờ. Gọi là Cảnh giới của Phật, nên không có hạn lượng về hạnh nguyện của sự hội nhập rộng khắp, làm hưng khởi vô số hạnh của tâm trong sáng. Gọi là sự biện tài của Phật, là sở nguyện của thể tánh mình, đều nhờ thu thập mà đạt được, cầu các Phật pháp làm dấy khởi vô số tâm. Gọi là hội trường của Như Lai, hòa nhập khắp cõi, ứng hiện các thân tướng cùng nơi chốn làm hưng khởi vô số tâm. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các bậc Bồ-tát Đại sĩ nên dấy khởi đầy đủ về mười pháp tu tập với vô số tâm như vậy.

Lại nữa, này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ lại có mười đức nhập Chánh định làm phát khởi ý tuệ. Những gì gọi là mười?

  1. Tại phương Đông nhập Chánh thọ tức thì phương Nam khởi biết.
  2. Phương Nam nhập Chánh thọ thì ở phương Đông khởi, rõ.
  3. Phương Đông bắc nhập Chánh thọ thì phương Tây nam khởi biết.
  4. Phương Tây nam nhập chánh định thì phương Đông bắc khởi thức.
  5. Ở phương Nam tuệ định tức thì phương Bắc hiện rõ thức.
  6. Ở phương Bắc định rõ thì ra phương Nam mà tỏ ngộ.
  7. Ở phương Tây bắc nhập định thì phương Tây nam hiện ra thức tỉnh.
  8. Ở phương Đông nam nhập định thì phương Tây bắc khởi lên.
  9. Ở nơi phương Dưới nhập Chánh thọ tức thì phương Trên thức tỉnh.
  10. Ở phương Trên nhập Chánh thọ thì phương Dưới phô bày sự thức tỉnh.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các bậc Bồ-tát Đại sĩ nhập mười thứ định ý có được trí tuệ phân biệt nhận rõ là thế.

Lại nữa, này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bậc Bồ-tát Đại sĩ có mười pháp Tam-muội lớn làm phát khởi trí tuệ của phương tiện hành hóa. Những gì được gọi là mười? Này chư vị Bồ-tát! Bồ-tát Đại sĩ hiện các cõi trong Tam thiên Đại thiên tại trên một đóa hoa sen, tự thấy thân mình ở trên đóa hoa sen đó ngồi kiết già nhập định. Trong tam thiên đại thiên ấy đều hiện đủ thân tướng mình cùng ánh sáng tỏa ra từ thân tướng đó. Nơi mỗi mỗi phương đều có thân tướng mình hiện ra, đứng thẳng. Đem mỗi mỗi thân tướng ấy nhập vào các cõi trong tam thiên đại thiên. Ở các cõi, mỗi mỗi bốn cõi thiên hạ đều hiện ra trăm ngàn vạn ức vị Bồ-tát. Nơi mỗi mỗi hạnh Bồ-tát hiện ra ức ức sự hóa độ thuận hợp. Ở mỗi mỗi nơi chốn hóa độ lại hiện ra ức ức sự phân biệt các căn tánh đều có đầy đủ hàng ngàn vạn ức vị Bồ-tát, đều là bậc đạt pháp không thoái chuyển. Các thân tướng thị hiện ở đây chẳng là một thân, cũng chẳng là nhiều thân, cũng không nhập Chánh thọ, cũng chẳng thức tỉnh nhận biết.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như A-tu-luân vương, thân tướng vốn dài đến bảy trăm do-diên, đã dùng thần lực hiện thân dài đến những sáu mươi tám trăm ngàn do-diên, đứng thẳng nơi biển lớn, chỉ hiện ra một nửa thân tướng thôi thì đầu đã cao bằng đỉnh ngọn núi Tu-di. Chỗ thân hóa hiện đó là sáu mươi tám ngàn dodiên, tuy cao lớn như vậy nhưng cũng như nơi thân gốc kia không có sự suy giảm hay bị hủy diệt. Giống như thân gốc của A-tu-luân vương, thân hóa hiện cao lớn đó cũng là thân do tứ đại giả hợp, chẳng có gì để nghi ngờ. Lại, đối với thân hóa hiện cao lớn có thể tưởng như là thân của kẻ khác nhưng đối với thân gốc kia thì chẳng tưởng là đã mất đi, không còn. Đem chỗ thân tướng của A-tu-luân vương ấy từ chỗ thương ghét bình thường hóa hiện làm an vui, hóa hiện làm sức mạnh lớn lao. Do dốc chí nên có thể hóa hiện, chỗ hóa hiện đó chẳng nghi ngờ, cũng lại không có lầm lẫn. Vị A-tu-luân vương ấy còn ôm đầy bao mối tham dâm, sân hận ngu si cấu nhiễm độc nhơ, dấy khởi tà vọng, cao ngạo, ở nơi biển cả cho là chỉ có cung điện của mình là lớn mà còn có thể nổi lên hóa hiện thân tướng cao to như thế, huống hồ là chư vị Bồ-tát Đại sĩ dốc tu tập các pháp Tam-muội, đã thấu rõ tính chất huyễn hóa của các pháp, thông tỏ nên thấy mọi hiện tượng thảy đều như mộng ảo, biết chư Phật ứng hiện ỏ đời với ánh sáng tỏa lan khắp cõi, không gì là không thông đạt, vì mọi hiện tượng cũng như cảnh huyễn hóa, rõ mọi âm thanh đều là tiếng vang, quán sát nơi các pháp mà hóa độ một cách thuận hợp. Lại như Pháp thân là cội nguồn của mọi sự thanh tịnh, hội nhập vào các pháp thì cũng như vậy. Hiểu rõ về thân tâm thảy đều không thể thủ đắc, thông suốt vô số thân cùng nơi chốn mà thân ấy cùng hội nhập, nên đều phát tâm tu tập nhằm đạt đến giác ngộ như Phật, hướng theo đường thanh tịnh tất được an trụ pháp Tam-muội lớn lao như thế thì lẽ nào lại có sự nghi ngờ? Huống hồ còn cho là lầm sao?

Nhưng lãnh hội được cái gì? Thực hiện con đường như vậy tất đạt tới cõi Tam-muội rộng lớn, thấy rõ cõi đời để hiện thân, nhập thân khắp chốn, như vị thủy thần kia đứng ở nơi vị trí gốc của mình, do từ chỗ thân được thọ nhận biến hóa thành thân lớn lao. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như vị Tỳ-kheo quán sát thân mình, trong ngoài đều là bất tịnh, cũng quán sát hình sắc do thức nhận biết tất đều như thế cả, do đó mà tinh tấn siêng năng tu hành. Các vị Bồ-tát Đại sĩ cũng lại nên quán sát như vậy. Bồ-tát Đại sĩ quán sát Pháp thân để tạo được các hạnh nguyện rõ ràng, nên đối với việc ứng hiện ở đời tất phải nhận rõ đối tượng cũng như các pháp thế gian, ở nơi các pháp đó mà không hề bị vướng mắc hoặc chấp trước. Đó chính là Bồ-tát đã tác động tạo sự cảm ứng đối với cảnh giới, do vậy mà các bậc Đại sĩ đạt được pháp Tam-muội.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bậc Bồ-tát Đại sĩ ứng hiện khắp cõi đời mà vẫn trụ ở cảnh giới bất động.

 

Phẩm 3: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ THẦN THÔNG BIẾN HÓA

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ hiện tam thiên đại thiên cõi nước số lượng như vi trần, mỗi mỗi vi trần cõi nước đều hiện ra thân tướng mình, nơi mỗi mỗi thân hiện ra ánh sáng chiếu khắp, ở nơi mỗi mỗi ánh sáng đó hiện ra nhiều loại màu sắc hình tượng, lại ở mỗi mỗi tướng ấy hiện ra có sự nêu bày thông suốt, mỗi mỗi sự nêu bày thông suốt đó hiện ra chúng sinh ở đấy có sự phân biệt đây kia. Bồ-tát thảy đều nhận biết về các cõi nước, rõ cõi nào thì nhiều tham dục, rõ cõi nào là thanh tịnh, thấu đạt trong việc ứng hiện nơi mọi cõi nước, biết cõi nào yên ổn, hiểu cõi nào an trụ, thông tỏ các cõi, nhất là biết các cõi thích hợp cho việc hành hóa của mình. Bồ-tát với bản nguyện như thế thì sẽ ứng hiện nơi cõi như thế và sẽ tùy theo cõi nước như vậy mà Bồ-tát ứng hiện khế hợp. Không dấy tưởng chấp về nơi chốn mình ứng hiện, cũng chẳng vì biết rõ cội nguồn của các pháp mà dấy ý tưởng hủy báng cõi đó.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như mặt trời lúc mới xuất hiện, ánh sáng trước tiên là chiếu xuống nơi bảy ngọn Bảo Sơn, từ đấy ánh sáng chiếu vòng quanh ngọn Tu-di và cũng ánh sáng đó đã lần lượt chiếu khắp các khoảng nơi bảy ngọn Bảo sơn kia. Vẻ rực rỡ của ánh sáng mặt trời lan chuyển hết sức mau chóng như thể ánh vàng ròng lóe lên nơi núi cao. Ánh sáng mặt trời đó cứ dần dà tỏa chiếu và cái hình tướng rực rỡ kia cứ nối tiếp ngày này qua ngày khác. Vả như mặt trời luôn chiếu, theo đó thì thứ lớp mọi vật thảy đều được soi sáng. Từ nơi cõi mặt trời ngự, ánh sáng được chiếu tỏa khắp mọi nơi chốn, chẳng hề có giới hạn mà cũng không có chỗ nào bị ngăn chắn, cho nên chẳng có ý niệm về nơi chốn tỏa chiếu mà cũng không có chính nơi chốn chiếu ra.

Lại như ánh sáng của mặt trời ấy chẳng bám nơi núi mà cũng không lìa khỏi núi, chẳng ở tại hư không, cũng chẳng lìa hư không. Như thế đấy, chư vị trong tộc họ của Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ đem trường hợp về ánh sáng kia ứng dụng cho người an trụ nơi cảnh giới đại Tam-muội, chỉ trong chốc lát, hoặc một ngày một đêm, nửa tháng, một tháng, hoặc một năm cho đến cả trăm năm, cả kiếp với bao biến động hưng suy, nổi tiếng hay không nổi tiếng, rộng hẹp tinh thô, cho đến nỗi vui mừng vì có Phật ở đời cùng với chúng Bồ-tát. Lúc được gặp Phật ấy, tất cả mọi nơi chốn như đều hiện bày cõi Phật thanh tịnh, nơi chốn trú xứ, thảy mọi loại hạng, khắp vô số chúng với vô lượng nẻo sinh tử chẳng thể nghĩ bàn, thấy có khứ lai hoặc không thấy có khứ lai, cùng loại loại báu cho đến vô lượng các thứ bảo vật, đủ mọi thứ tội lỗi với từng ấy quả báo, tất cả đều trở nên thanh tịnh, cả người cùng với cõi nước, trụ xứ, luôn nhớ nghĩ về khắp các cõi, các nơi chốn có cõi nước, cho đến tận cùng các cõi của con người, thì Bồ-tát cũng thảy ứng hiện, đều thể hiện trọn vẹn sự có mặt của mình để du hóa, dẫn dạy.

Như thế đấy, chư vị trong tộc họ của Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ đem sự an trụ pháp Tam-muội lớn lao đó, ở nơi mọi cõi không dấy “tưởng” về chốn dừng nghỉ, ở nơi các pháp cũng không lìa gốc của chúng, cũng chẳng đắm nơi các cõi, cũng không có chốn tưởng về ta người, Bồ-tát, chúng sinh. Không tưởng ở ngoài cõi, không tưởng là có cõi ấy hay không có cõi ấy, chẳng dấy tưởng về sự hủy hoại các cõi, cũng chẳng có nơi chốn bị hủy hoại. Cho nên, chư vị Bồ-tát Đại sĩ đó đối với các pháp chẳng nhất tưởng, chẳng phi tưởng, cũng không cầu pháp cũng chẳng hủy pháp, là vì nền tảng của pháp giới là không, chư vị đều đã thấu đạt diệu lý ấy.

 

Phẩm 4: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ SỰ HUYỄN HÓA

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như có nhà huyễn thuật về Đế võng (lưới báu của Đế Thích), nơi thực hiện là cảnh giới của Đế Thích, ở đấy có kẻ khéo học được cách thức huyễn hóa đó sớm nắm được các thuật sử dụng, ở nơi bốn nẻo đường diễn bày sự huyễn hóa, từ Đế võng ấy hiện thành một cảnh huyễn hóa lớn lao, mọi kẻ khắp chốn cùng đến quán sát nhìn xem, cả chư Thiên cũng đều tụ hội đông đảo. Ở tại một chỗ hiện ra một ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng, một năm trăm năm. Lại hiện ra nào là thành quách, huyện, ấp, làng xóm. Rồi lại hiện ra nào là sông, hồ, vực, biển sâu, dòng sông rộng đủ loại. Lại hiện mây đùn mưa đổ gây nên bao biến động lớn như vậy. Lại hiện ra các cõi nước trang nghiêm, không đem chỗ hóa hiện ấy cùng với năm tháng đối kháng hủy diệt nhau. Tất cả mọi chốn huyễn hóa đó khiến chư Thiên vui mừng thích thú mà đối với các huyễn thể kia cũng không có chỗ nào bị hư tổn nên chư Thiên xem thấy đều không có sự nghi ngờ cho là quái lạ.

Thế thì đối với chư vị Bồ-tát Đại sĩ đem pháp Tam-muội ấy mà nhập Chánh thọ, ở một cõi hiện ra vô số cõi, các cõi đó đều có đủ các đại đất, nước, gió, lửa, như Hải bảo sơn, Tu-di sơn, Thiết vi sơn, Đại Thiết vi sơn, cho đến cảnh giới tận cùng của con người với những thành quách, huyện ấp cùng với bao xóm làng thưa thớt hay trù phú. Lại có cung điện của Tượng thiên, cung thất của chư Long thần, nơi ở của chúng thần, chốn ngụ của Hương thần, cõi dạo của Thủy thần, chỗ tới của Anh thần (thần gây bệnh tật?), vùng chứa nhạc khí của Kỹ thần, miền an ổn của Điềm thần. Lại có các chốn cung điện, đền đài ở những nơi tận cùng thế gian, đủ ba cõi Dục giới, Sắc giới cho đến Vô sắc giới. Lại có tiểu thiên cõi nước, trung thiên cõi nước, tam thiên đại thiên cõi nước. Có tội không phước, tất cả chúng loại, thân lưu chuyển trong muôn ngàn nẻo sinh tử, đều thông đạt cùng tận. Mọi sự nhớ nghĩ đối với các cảnh giới ấy đều hòa nhập với trí tuệ thông suốt, được thấy tường tận hay không thấy. Ở nơi các cõi chẳng có sự vất vả mệt nhọc. Trừ bỏ cõi có sự vất vả đó thì chẳng còn có nỗi vất vả nào nữa. Lại trừ bỏ luôn mọi hành ở các cõi và thế là không cõi không hành. Vì sao như vậy? Là vì đã hội nhập vào bản thể của các pháp.

Lại nữa, chư vị Bồ-tát Đại sĩ đó, đối với các pháp hội nhập không chấp vào pháp, đối với các pháp giới không dấy tưởng là mình có nhớ nghĩ, vì mọi hành là không, là không có đối tượng hành, đối với các cõi không dấy tưởng “không hành”, đối với mọi sự thọ nhận thân tướng cũng là không thọ mạng, không hành hóa. Các pháp do nhân duyên hòa hợp tạo thành, như chân lý đã được nhận thức một cách tường tận, cho nên cũng là không thọ mạng, không hành hóa. Đối với mọi hiện tượng sinh diệt đều là do các pháp chuyển hóa, ở nơi hóa mà không bị hóa. Bồ-tát dùng các pháp để làm đầy đủ các nguyện lực của mình để nhập nơi chúng, Bồ-tát hành hóa khế hợp với tính chất tịch tĩnh của các pháp. Bồ-tát hành hóa nhưng không dấy tưởng chấp về sự hóa ấy, có thế thì mới cớ thể độ khắp mọi chúng sinh theo đúng nẻo thanh tịnh của pháp Như Lai. Pháp giới của Bồ-tát là hành hóa các pháp không thể nghĩ bàn mà không bám chấp vào đấy. Bồ-tát với hạnh Từ bi, khéo sử dụng mọi phương tiện quyền xảo để hóa độ chúng sinh. Bồ-tát hành hóa như thế là ở một cõi mà thông tỏ mọi nơi chốn hành, trụ của vô số cõi, biết rõ về thân mạng, hành động của vô số loài chúng sinh, theo đấy mà hiện ra vô số hình ảnh các vị Bồ-tát tu tập tinh tấn, nhớ nghĩ về sự hưng hiển của vô số Phật, thọ nhận chư Như Lai Bình Đẳng Chánh Giác những lời chỉ dạy về yếu chỉ của các pháp, theo đó mà tự tu hạnh Bồ-tát. Ở nơi cõi này tịch tĩnh thì những chốn kia hiện bày. Ở những chốn kia tịch tĩnh tức thì ở nơi cõi này hiện bày. Hành hóa mà không làm hủy hoại thân mình, hội nhập pháp giới hòa nhập vào ánh sáng của cõi tịch tĩnh, luôn nhớ nghĩ đến trí tuệ, đem lại lợi lạc đối với các nẻo tối tăm.

Cũng như nhà huyễn thuật kia đứng ở nơi đất ấy mà hiện bày các sự huyễn hóa, không lấy những huyễn hóa đã hiện ra làm tổn hại đến cõi đất tức nơi chốn mình đang hiện bày mọi sự huyễn hóa. Do nương tựa nơi đất, sự huyễn hóa ấy không nhớ nghĩ về ngày đêm, chẳng hủy hoại thời tiết.

Bồ-tát hành hóa như thế, dùng tâm niệm không có cõi nước cảnh giới mà đi vào các cõi, lấy “không cõi nước” để làm sáng tỏ không cõi nước, lại dùng cõi nước để thông tỏ về không cõi nước, dùng chốn vô sắc mà hiện bày an trụ sắc, không lấy nhất để hủy diệt nơi nhị, cũng không lấy nhị mà hủy diệt nhất. Ví như nhà huyễn thuật hiểu rõ các pháp nơi khắp các cõi nước, nhập nơi pháp huyễn thì sẽ thông tỏ việc nhập nơi tuệ huyễn. Đã nhập vào tuệ huyễn thì sẽ thông tỏ việc nhập vào hành huyễn. Đã nhập nơi hành huyễn nên dấy khởi tuệ huyễn, dùng tuệ huyễn để phân biệt nhận rõ các hành. Như những kẻ làm công việc huyễn hóa kia, chẳng ở ngoài cõi đất mà hiện bày sự huyễn hóa của mình, cũng không ở bên ngoài những người xem. Chư vị Bồ-tát như vậy là không lấy hư không để đi vào các cõi nước, không lấy bên ngoài cõi nước để đi vào hư không. Vì sao? Là vì các cõi nước đều có thể hội nhập vào hư không mà không bị hủy hoại. Như thế đã có thể nhập vào cõi nước thì cũng nhập vào hư không.

Vậy thì các vị Bồ-tát kia, đã làm trang nghiêm khắp nơi, dùng cõi nước cảnh giới để nhập vào các hành động của mình, cùng thấy hay không thấy do tâm rỗng rặng nên tu tập thông tỏ, hành quán thuận hợp, cho đến đem tâm niệm trong khoảnh khắc như búng ngón tay có thể hiện hữu khắp vô số các cõi nước, thảy đều rõ mọi nơi chốn sinh tử trải qua nhiều kiếp, kể cả kiếp có thể đi đến, chỉ dùng một thời gian ngắn đối với vô lượng kiếp. Lại trải qua số lượng ấy thì có thể trải qua các nơi chốn hưng khởi tính chứa, chẳng có chỉ mỗi “tưởng” về kiếp đã trải qua. Vì chỉ một khoảnh khắc búng ngón tay, nơi chốn rộng lớn được hiện ra, chẳng dùng ý niệm mà có thể vui thích với tuệ huyễn. Như thế thì Bồ-tát có thể tu học thông tỏ các pháp độ vô cực, đem tuệ huyễn đã trải qua để hội nhập một cách thông suốt vào thế giới huyễn, sáng tỏ vượt các pháp huyễn, cùng với các thế giới huyễn thuận hợp, tuệ hạnh hiện bày khắp để nhận ra sự tận cùng của huyễn trong ba thời, vượt qua vô số huyễn với tuệ thông đạt trải qua các huyễn, vào nơi tâm huyễn, dẫn đến vô hạn, vượt qua chư Phật huyễn mới độ khắp muôn loài đưa đến bờ giải thoát. Chư vị Bồ-tát như thế là hiểu rõ về việc nhập vào các cõi nước, nói chung là đối với các cõi nước thảy đều thấu đạt, vĩnh viễn không chấp bám vướng mắc, cũng đều Vô niệm (dứt mọi vọng niệm). Như nhà huyễn thuật kia do từ Đế Võng huyễn đã hiện ra khắp các thứ huyễn hóa, chẳng ở nơi cảnh huyễn, cũng không có chỗ lầm lẫn. Bồ-tát như thế là đã hội nhập được vào các pháp Độ vô cực không dấy “niệm” về các pháp đã nhập và các pháp đã nhập ấy cũng không lầm lẫn. Đó gọi là Đại định rộng khắp của Bồ-tát.

 

Phẩm 5: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ SỰ AN LẠC TRONG ĐỊNH CỦA BỒ-TÁT

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Cùng chư Bồ-tát Ma-ha-tát! Về phương Đông cách xa cõi này, trải qua vô số cõi Phật có một cõi tên là Tối thượng độ vô cực, ở đấy có pháp Tam-muội Chánh thọ hiệu là Vô thượng độ vô cực, có được pháp Tam-muội ấy thì mới vượt qua cõi gốc đạt đến cõi Tối thượng. Ở cõi đó, luôn có nơi chốn để nhập Chánh thọ, hoặc nhập vào lúc sáng sớm, hoặc nhập vào lúc giữa ngày, hoặc vào lúc quá trưa, hoặc vào xế chiều, hoặc vào cuối ngày, hoặc chỉ trong khoảng một niệm, hoặc chỉ trong chốc lát, hoặc trong khoảng thời tiết, hoặc trong khoảng năm đêm, hoặc trong khoảng thời gian mười lăm ngày, hoặc trong khoảng một tháng, hoặc lại trong khoảng một năm, trăm năm, ngàn năm, ngàn vạn năm, hoặc đến vạn năm, hoặc đến trăm ngàn vạn năm, hoặc tới na-thuật trăm ngàn vạn năm, hoặc trải qua một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc tới ngàn na-thuật kiếp, hoặc trải qua vô số kiếp, vô lượng kiếp, vô biên bức kiếp, hoặc lại đến vô hạn kiếp, vô tận kiếp, vô tư nghì kiếp, hoặc trải qua vô hạn như hư không kiếp, hoặc có vô hạn niệm kiếp, hoặc có vô hạn lượng vượt quá hạn lượng kiếp… nhưng chư vị Bồ-tát kia chẳng trụ nơi thời gian của pháp để có tưởng dục, cũng chẳng lấy sự trụ nơi thời tiết mà có tưởng dục. Lại nữa, chư vị Bồ-tát ấy không dựa vào bất cứ một loại thời gian nào để dấy tưởng vất vả mệt nhọc, cũng không ở nơi bên trong mà dấy tưởng, cũng chẳng hành theo hai nẻo, cũng không tự mình tạo tác, cũng chẳng có niệm, cũng không vô niệm, cũng vô tưởng niệm, cũng chẳng dấy niệm về tọa định, cũng không dấy khởi tướng về tính chất vô hạn lượng của tất cả các pháp. Giống như Nhật Thiên tử cùng với chư Thiên mà có chỗ chiếu sáng dẫn dắt. Mặt trời là thể hiện sự chiếu sáng dẫn dắt đó. Chư Thiên cũng không thể làm cho dừng lại được. Mặt trời cũng không xuất hiện vào ban đêm, cũng chẳng nghĩ về ban ngày. Ngày nào nối tiếp nhau đi qua, ai cũng đều biết chẳng phải riêng mình chư Thiên mới biết. Mà ngày cũng không làm hủy hoại đối với đêm. Chư vị Bồ-tát Ma-ha-tát cũng như vậy. Do đã thông đạt được pháp Tammuội ấy mà ở nơi vô số các cõi nước nhập pháp Chánh thọ, cũng không lấy niệm về thời tiết cũng chẳng dấy tưởng về không lấy niệm ấy. Này chư vị trong tộc họ của Như Lai! Đó gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát đã đạt được pháp Tam-muội của cõi Tối thượng độ vô cực, là hạnh nguyện của trí tuệ phương tiện không gì hơn, không gì có thể sánh được.

 

Phẩm 6: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ TRÍ TUỆ PHƯƠNG TIỆN NƠI PHÁP ĐẠI ĐỊNH

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Ma-ha-tát đối với tất cả thân tướng của chúng sinh, thân tướng Phật, đều thấu đạt về lẽ bình đẳng ấy. Thân này là do thân kia mà có, nên luôn quán tưởng Như Lai nơi vô số cõi nước như số lượng vi trần, đối với hết thảy chư Như Lai ấy phải dốc tâm cúng dường. Hết thảy các loại hoa, hết thảy các thứ châu báu trong tận cùng các cõi đều dùng để cúng dường. Tất cả các thứ châu báu cúng dường ấy tung rãi lên trên cao tạo nên tất cả những thứ trang sức đem cúng dường. Lớp lớp nơi chốn kinh hành cúng dường. Dùng vô lượng vô tận tất cả ngọc báu ma-ni xây dựng tháp, Tinh xá mà cúng dường với khả năng có thể cúng dường được. Vượt quá mọi chỗ tạo tác làm ra của chư Thiên cúng dường, đều là uy thần của Phật. Hết thảy cõi Phật thanh tịnh thảy thảy đều cúng dường, đều là chỗ Phật luôn hộ niệm, tiếp dẫn. Nên đem tất cả những thứ ấy cúng dường Phật, cúng dường, đảnh lễ ngay chân chư Phật. Chư Như Lai kia đều là sự ứng hóa từ Pháp thân vô tận. Chính từ những sự cung kính chí tâm đó làm khởi điểm mà tìm cầu, tham vấn các pháp của chư Phật, nguyện nêu bày các pháp bình đẳng, phu diễn các pháp lớn, hội nhập các hạnh nguyện cốt yếu của chư Phật, thể hiện nơi tâm đại Bi. Hòa nhập nơi các diệu lực của hạnh nguyện thuận hợp vô hạn, đi vào các nẻo chính yếu của mọi chúng sinh, nhớ nghĩ đến chư Phật. Thông tỏ cội nguồn của mọi tích chứa vun đắp, nhưng cũng không vướng mắc nơi cái biết cái ngộ về lẽ hưng khởi của Phật cũng như lẽ biến diệt của chư Như Lai. Ví như tâm dấy khởi các niệm, không rõ nơi dấy phát mà cũng chẳng biết chốn trở về. Bồ-tát cũng không tỏ được điểm khởi hay nẻo diệt của Như Lai.

Cũng như vào lúc ban ngày dưới ánh mặt trời, hiện ra bóng dáng dợn nắng như sóng nước, chẳng do từ bóng mặt trời mà có, cũng không phát ra từ bóng của suối nước, cũng chẳng ở nơi đất hiện lên hoặc từ bóng của rặng núi cong phía Đông kia hắt lại, cũng chẳng có, cũng chẳng không, cũng chẳng thiện hay bất thiện, chẳng trong lành hay đục ngầu, cũng chẳng có thể uống hay có thể làm cho ô nhiễm được. Bóng dáng ấy chẳng có cũng chẳng không, chẳng mùi vị cũng chẳng thể ngửi nếm, chỉ có hình tượng như dòng nước.

Do nhân duyên đó mà dấy niệm, như dợn nắng theo sông nước nên mới dấy tưởng nhớ về bóng dáng sông nước ấy. Dứt bỏ tưởng niệm đó thì đối với gần mà cho là xa, nhưng cũng không có nơi chốn bị hủy hoại. Bóng dáng dợn nắng theo sông nước, rốt lại là cũng không thể định được nơi chốn.

Bồ-tát cũng như vậy. Đối với Như Lai, không dấy niệm, cũng không nhận thức về điểm khởi lên hay biến diệt của Như Lai: Đem hình tướng mà tưởng chư Phật là có, dùng vô tướng để lìa mọi tưởng niệm.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Chư vị Bồ-tát Đại sĩ thực hiện như thế gọi là Pháp Tam-muội Thanh tịnh, theo nẻo Chánh thọ của pháp Tam-muội ấy mà luôn thức tỉnh, không bao giờ để mất pháp Tam-muội kia. Ví như người sáng suốt trong lúc ngủ say, đối với mọi nơi chốn hành động trong giấc mộng đều biết là không có nhân duyên và khi thức giấc thì đều biết rõ ràng là như thế. Bậc Bồ-tát Đại sĩ cũng vậy, thất chư Phật mà quên đi cái nhận thức ấy thì mới nắm giữ được các pháp của chư Phật, biết được chốn an tọa đông đảo của chư Như Lai, cho đến các cõi Phật thanh tịnh, thấu đạt nghĩa lý, phân biệt thông tỏ yếu chỉ của các pháp, làm hiển lộ một cách rộng khắp lý nhân duyên nơi các pháp, cùng làm rõ những nẻo thanh tịnh của Phật chủng cùng uy thần của chư Phật, cũng là diễn rộng mọi biện tài của chư Phật.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Đó là trí tuệ phương tiện từ pháp Tam-muội lớn của chư Bồ-tát Đại sĩ.

 

Phẩm 7: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ VÔ LƯỢNG NHƯ

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Hạnh nguyện của bậc Bồ-tát Đại sĩ, nhớ nghĩ về chư Phật Như Lai thời quá khứ, dấy khởi các pháp “Độ vô cực” (Ba-la-mật) đến trọn kiếp hay vượt quá kiếp vượt các cõi đạt đến bờ giải thoát. Biết rõ các cõi trọn kiếp hay quá kiếp, thì sẽ rõ biết sự dấy khởi của chư Phật trọn kiếp hay quá kiếp, thấu đạt chư Phật xuất hiện, nêu bày kinh điển với các pháp “Độ vô cực”. Theo kiếp hay quá kiếp thuyết giảng các pháp “Độ vô cực”. Biết rõ ý hành theo “Độ vô cực” thì rõ các tình (căn) theo các pháp “Độ vô cực”. Ở nơi tình “Độ vô cực” ấy mà nhận thức cùng thực hành đối với vô số thứ loại, cho đến thông đạt mọi thứ thọ mạng của Như Lai. Đây kia đều rõ, đối với mọi thọ mạng, vượt qua năm tháng hàng ức na-thuật, đây kia đều rõ, kia dùng tuệ của đây mà hành, tỏ rõ hiền hạnh của vô lượng Như Lai, gốc là “không” là vô lượng hiền. Rõ thông các cõi quá khứ, gốc là “không” là vô lượng. Biết rõ mọi kiếp quá khứ, gốc là “không” là vô lượng. Cũng như biết rõ quá khứ các pháp như, gốc là “không” là vô lượng như. Rõ tâm quá khứ, gốc là “không” là vô lượng như. Rõ sự giải thoát, gốc là “không”, là vô lượng như. Tỏ hành của chúng sinh quá khứ, gốc là “không” là vô lượng như. Tỏ nơi chốn thuyết giảng của quá khứ, gốc là “không” là vô lượng như. Rõ sự dấy khởi của quá khứ, gốc là “không” là vô lượng như. Thực hiện pháp Chánh thọ Tam-muội ấy gọi là Quá trang nghiêm tạng. Nhờ đấy mà phát khởi nhất tâm, có thể vượt qua trăm ngàn kiếp là gốc không, là vô lượng. Dùng tâm đó mà vượt qua đến trăm ngàn na-thuật kiếp, lại vượt qua vô số kiếp, vô tư nghì kiếp, vô xưng hạn kiếp, vô biên kiếp, vô lượng kiếp, lại vượt quá a-tăng-kỳ kiếp, chẳng thể nghĩ bàn kiếp, vô vọng kiếp, là vượt quá vô vọng kiếp. Do nhân duyên ấy nên không có sự hoại diệt. Thọ nhận pháp Chánh thọ Tam-muội không có tạo nhân quá khứ mà an lập đầy đủ mười pháp. Nhờ pháp Tam-muội đó nên có được sự giác ngộ, cũng tạo lập đủ mười pháp. Đối với chư Như Lai đạt đến cảnh giới bất tư nghì, cũng từ thanh tịnh mà khởi lên, cũng không trụ nơi chốn tu tập, đạt được điều ấy cũng như dốc sức để đạt được, thọ nhận đầy đủ sự phụng trì, mong được bình đẳng, hội nhập vào ba nẻo. Những gì gọi là mười pháp?

  1. Thông tỏ mọi nành phát sinh từ gốc si mê.
  2. Biện giải tính chất vô tận của các pháp.
  3. Phân biệt sự thuận hợp không hủy diệt.
  4. Nhận rõ vô trụ.
  5. Biện tài không loạn động.
  6. Từ chỗ đã nêu bày mà đạt đến chí thành.
  7. Làm tất cả mọi sự nương tựa để tồn tại.
  8. Vui vẻ mà hướng đến ba cõi.
  9. Xem gốc của mọi đức là hơn hết.
  10. Đối với các pháp luôn có sự tôn trọng, khiêm tốn.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai!

Đó là mười hạnh nguyện vô hạn của pháp Tam-muội. Do thực hành mười pháp Tam-muội ấy mà đạt được giác ngộ. Ví như thân ở trong bào thai, biết mình sẽ được sinh ra vì trong thời gian này thần thức đã nhập vào thân. Bồ-tát cũng như vậy, theo pháp Tam-muội mà tỏ ngộ, nhờ mười pháp ấy mà đối với các pháp được thông suốt. Lúc Bồ-tát đạt được như thế là đạt được sự thanh tịnh của quá khứ vậy.

********

Phẩm 8: TRÍ TUỆ PHƯƠNG TIỆN THANH TỊNH

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ dùng mỗi mỗi cõi nước thanh tịnh để thuận nhập nơi mỗi mỗi cõi. Đem các pháp đã tu tập nơi mỗi mỗi cõi mà hiện rõ khắp các cõi. Thuận hợp, giữ gìn nơi mỗi mỗi cõi thì sẽ an trụ được nơi khắp các cõi nước Phật. Đã thuận rõ nơi mỗi mỗi cõi nước Phật thì thông tỏ hết thảy các cõi. Hành hóa thuận tiện nơi mỗi mỗi cõi thời thông đạt hết thảy các cõi thanh tịnh. Nơi các cõi kia, nơi các đời vị lai, luôn làm người quan trọng. Ở nơi các cõi, ở các số lượng kiếp luôn có nơi chốn nêu bày giảng nói. Ở nơi mọi kiếp nhận rõ được các hình tượng. Ở nơi mọi kiếp thảy đều phân biệt rõ. Ở nơi mọi kiếp mà dẫn dắt một cách thuận hợp. Ở nơi mọi kiếp mà nhớ nghĩ đến sự bình đẳng. Ở nơi mọi kiếp, không gì là không hưng khởi, phát triển. Ở nơi mọi kiếp mà tạo tác vô lượng. Ở nơi mọi kiếp, hương thơm luôn tạo được sự khen ngợi khắp chốn. Ở nơi mọi kiếp luôn có lòng thương cứu độ. Ở nơi mọi kiếp không có chư Phật Thế Tôn quá khứ, có chỗ nói về tương lai, hoặc không có chỗ nói, có nơi chốn trao truyền quyết định, hoặc không có nơi chốn trao truyền quyết định. Có nhiều sự khác biệt về danh hiệu, vô số danh hiệu, vô lượng danh hiệu, vô hạn danh hiệu, vô biên danh hiệu, a-tăng-kỳ danh hiệu, vô tư nghì danh hiệu, vô tế danh hiệu, vô vọng danh hiệu. Các bậc ấy sẽ hưng khởi, thương xót cứu độ chúng sinh, hiện làm bậc Pháp vương, là bậc chỉ dẫn các pháp tu hành, giảng thuyết rộng khắp về ba mươi bảy pháp đạo phẩm, ca ngợi tán thán mọi thứ hạnh công đức, quảng diễn nêu bày khiến các hạnh nguyện

được hiển lộ, sáng tỏ. Lại nên khiến cho tâm ý được thanh tịnh, tánh hạnh tu tập vững vàng, tạo nên hạnh của mọi công đức. Nên bày tỏ rộng khắp các hạnh cốt yếu, quan trọng. Lại nên kiến lập trí tuệ rộng khắp làm sáng tỏ mọi nẻo sự lý. Cũng sẽ trải qua các pháp tu tập thể hiện hạnh nguyện của chư Như Lai. Cũng nên tu tập thành tựu đầy đủ các nguyện. Lại cũng thực hiện đạt tới trí tuệ gồm đủ, thông tỏ tận cùng nẻo thiện của sự tạo thành công đức. Lại cũng dẫn tới cõi trang nghiêm tối thượng, hạnh nguyện thể hiện sự thấu đạt sáng suốt, các hàng quyến thuộc đáng tôn trọng, cũng lại thông tỏ đầy đủ đối với các pháp. Lại phải tu tập nhận rõ chỗ ứng hợp của tội, phước. Lại nên tu tập quán tưởng đầy đủ các hình tướng được tạo thành. Thông tỏ, thấu đạt lẽ thiện của sự đầy đủ. Thông tỏ, thấu đạt mọi đức của sự bình đẳng. Cũng phải thông đạt ý nguyện của chư Phật Thế Tôn. Cũng phải biết các chủng tánh ấy cũng như rõ mọi sự hành hóa quyền xảo. Cũng nắm rõ các phương tiện, rõ các nẻo biến hóa cùng mọi nơi chốn hướng đến. Cũng rõ sự thành Phật, rõ việc hóa độ người vật, hóa độ vô số chúng sinh, rõ việc chư Như Lai nhập Niết-bàn vô dư, tỏ mọi sự xuất hiện khế hợp của chư Phật, mà trong khoảnh khắc đó tạo nên sự phát tâm, đạt tới sự thông tỏ mọi việc trong một kiếp. Lại trải qua trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, ức kiếp. Lại trải qua cõi Diêm-phùđề số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua bốn cõi thiên hạ số lượng kiếp như vi trần. Trải qua ngàn cõi thiên hạ số lượng kiếp như vi trần. Trải qua đại thiên thế giới số lượng kiếp như vi trần. Trải qua tam thiên đại thiên cõi nước số lượng kiếp như vi trần. Trải qua như cõi nước của chư Phật số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua như ngàn cõi nước của chư Phật số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua trăm ngàn cõi nước chư Phật số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua ức na-thuật cõi nước chư Phật số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua vô số cõi nước chư Phật số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua số lượng kiếp không thể tính. Lại trải qua vô lượng số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua vô biên tế số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua vô xưng hạn số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua a-tăng-kỳ số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua vô tư nghì số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua “vô ngã hạn” số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua “vô hạn lạc” số lượng kiếp như vi trần. Lại trải qua “lạc vô lạc’ số lượng kiếp như vi trần. Bồ-tát do sự an trụ pháp Tam-muội Tuệ minh tạng nên có thể thọ trì sự thuyết giảng nơi mỗi mỗi cõi nước. Như thế là cũng nhập vào chủng tánh của mỗi mỗi cõi nước như hết thảy mọi cõi nước. Đối với “Vô hạn lạc” số lượng cõi nước như vi trần thì cũng vậy, thấu tỏ vô hạn cõi nước thời đương lai. Bồ-tát dùng trí tuệ của chánh định nhập vào khắp nơi của tâm ý hướng đến các niệm. Có mười nơi chốn nương tựa vững chắc. Những gì là mười?

  1. Nhớ nghĩ vui thích về các cõi Phật, nơi chốn Như Lai kiến lập số lượng như vi trần, các vị Bồ-tát ấy nhờ vào uy thần của Phật mà an trụ.
  2. Bồ-tát dùng pháp làm chỗ an trụ vững chắc, ở nơi cõi đời phải thông đạt đầy đủ các pháp Tổng trì, đã được đầy đủ các pháp Tổng trì thì sẽ được sự biện tài rốt ráo vô tận.
  3. Bồ-tát nương vào hạnh nguyện, lấy hạnh nguyện làm chỗ dứng vững cho mình, theo nguyện hết mực rốt ráo mà hành hóa đầy đủ.
  4. Bồ-tát nương tựa vào diệu lực của đức mà có được chỗ đứng, nhưng không dấy tưởng cho rằng không ai có thể hơn mình.
  5. Bồ-tát nương vào trí tuệ mà đứng vững, đối với Phật pháp, sự hành hóa luôn vô ngại.
  6. Bồ-tát dựa vào tâm đại Bi mà lập, góp sức vào việc chuyển bánh xe chánh pháp đi tới, không có trường hợp thoái lui.
  7. Bồ-tát dựa vào các hạnh nguyện kia mà đứng vững, đối với các thứ văn tự là sự thực hành của các pháp nên khéo léo tu học thích hợp.
  8. Bồ-tát nương vào nơi chốn phát sinh các pháp tối thượng mà đứng vững, mở rộng cửa các pháp cam lồ để nhằm ngăn lấp các cửa dẫn về nẻo ác.
  9. Dựa vào diệu lực của trí tuệ mà lập, thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát, khiến cho sự hành hóa không hề bị gián đoạn.
  10. Chư vị Bồ-tát ấy, nương tựa vào hết thảy mọi diệu lực kể trên mà đứng vững, thể hiện đầy đủ nơi diệu lực bố thí, hóa độ vô số chúng sinh, khiến họ đi theo con đường thanh tịnh của Bồ-tát với những nơi chốn nương tựa đầy đủ vô số các dụng lực.

Thông tỏ vô hạn số lượng kiếp, Bồ-tát đạt được diệu lực do nương vào các pháp mà có, nắm được diệu nghĩa thanh tịnh nơi cội nguồn của các pháp, cũng như vô số nơi chốn phát sinh của chúng.

Đó gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát đã thực hiện được các hạnh của tuệ định thứ sáu hết sức lớn lao. Các vị Bồ-tát đó an trụ như thế là đạt được sự thông tỏ các hành trong vô hạn số lượng kiếp. Phân biệt thấu đạt các hành của phương tiện quyền xảo trong vô hạn số lượng kiếp đối với vô hạn số các hành của tội phước đều phân biệt thấu đạt để được các hành theo phương tiện. Lại đối với vô hạn số nơi chốn thực hiện tinh tấn, hiện rõ để dẫn dắt chúng sinh thông qua các phương tiện hành mà vô hành. Phương tiện ở nơi hành và vô hành ấy, đối với thiện ác có các hành theo phương tiện của vô hạn số. Đối với các pháp, hành mà vô hành, tức lãnh hội thấu đạt các hành theo phương tiện. Ở nơi hành mà vô hành đó, đối với các thời Phật ứng hiện, như hình tượng ấy, như sự thuyết giảng ấy, như sự dấy khởi tận cùng trong sự hành hóa của chư Phật, thông tỏ các hành theo phương tiện về chủng tánh của Như Lai. Ở nơi hành hóa mà vô hành đó, lãnh hội nêu bày vô lượng cửa trí tuệ nhờ các hành theo phương tiện xoay chuyển. Ở nơi hành mà vô hành ấy, trí tuệ rộng khắp tạo cảm ứng lớn lao cùng biến hóa vô số, như lúc thị hiện thông qua các hành theo phương tiện. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như lúc mặt trời xuất hiện, những người có mặt thảy đều lần lượt trông thấy làng xóm, quận huyện thành ấp trong nước, cũng như nhận biết các chỗ cao thấp, sông núi, đèo dốc hiểm trở, nhận biết các thứ cây cối, ruộng lúa, nhận biết các loại tốt xấu, tịnh, bất tịnh, nói chung là các sự vật hiện có trong thế gian cũng đều nhận biết. Từ đôi mắt sáng lãnh hội thấu đạt các hiện tượng, có được trọn vẹn tâm ý để xem xét. Này chư vị Bồ-tát! Ánh sáng của mặt trời cũng thế, theo đấy mà chiếu sáng khiến các sự vật hiện ra trước mắt mình. Do ánh sáng của mặt trời đó mà con người trông thấy khắp các thứ hình sắc. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Chư Bồ-tát ấy đã đạt được pháp Tam-muội thì cũng không khác; thông tỏ hết thảy mọi hành, có hành hay không hành cả trong trăm ngàn na-thuật kiếp, rõ mọi chủng loại, tất cả thảy được nhận thức, soi sáng thấu đáo, dùng sự thông tỏ này tức là dùng mười thứ không mê lầm đã đạt được làm sung mãn cho sự hành hóa đối với hết thảy chúng sinh trong mười phương. Những gì là mười?

  1. Xuất hiện ở nơi chúng sinh không mê lầm về các gốc mình đã đạt được.
  2. Không mê lầm trong sự hóa độ chúng sinh.
  3. Không có mê lầm về nơi chốn giáo hóa chúng sinh.
  4. Không có mê lầm đối với chúng sinh ở chỗ dấy khởi các hạnh nguyện, như sự thích ứng hay như ngôn từ, mọi sự luận bàn đều rốt ráo.
  5. Mọi chốn hành hóa đều không mê lầm, ở nơi các cõi nước đều luôn thanh tịnh.
  6. Mọi chốn hội nhập đều không mê lầm, ở nơi các cõi Phật, chốn hành là vô hành, ở nơi hành mà vô hành. dứt mọi hồ nghi của chúng sinh.
  7. Nơi chốn thệ nguyện đều không mê lầm, như các chỗ chúng sinh thỉnh cầu, tế độ chúng sinh với sự thực hiện nhờ đó mà hoàn thành đầy đủ các hạnh nguyện.
  8. Không mê lầm trong các pháp của các hành theo phương tiện nhằm khai mở cửa trí tuệ thanh tịnh vô hạn.
  9. Không mê lầm đối với các pháp được nêu bày giảng giải, có thể tạo nên những cơn mưa pháp khắp nơi, thâu tóm, chế ngự các căn, ở nơi hành mà vô hành, ở nơi trí tuệ giác ngộ mà hành khiến cho Phật đạo luôn được đứng vững.
  10. Không có mê lầm đối với vai trò quan trọng của trí tuệ, thể hiện nơi các hành của cửa trí tuệ thanh tịnh vô hạn.

Không còn mê lầm về chỗ xuất hiện thì cũng không còn các nơi chốn tối tăm, mà ánh sáng được chiếu khắp thế gian. Bồ-tát đã an trụ mười nẻo không mê lầm để thực hiện các pháp thì coi như đã an trụ nơi pháp Tam-muội ấy. Chư vị Bồ-tát đó đạt được pháp Tam-muội và làm cho pháp ấy dấy khởi, khiến cho chư Thiên đế đến nơi lễ bái, chư Long đế đến nơi cung kính tung rải các thứ hương thơm tươi đẹp, khiến cho chư Thần đế tìm đến lễ bái, chư Lượng đế tìm đến kính lễ, chư Phụng hoàng đế thần tìm đến quy ngưỡng, chư Phạm đế đảnh lễ thỉnh vấn, chư Nhạc thần đế tìm đến tán dương, chư Điềm thần đế ca ngợi hết mực, chư Hương thần đế luôn tìm tới để hầu hạ tôn thờ, cũng như Nhân đế tìm tới cúng dường. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các Bồ-tát ấy đã thực hiện pháp Tam-muội Tuệ minh tạng, gọi là lần thứ sáu làm hưng khởi, hiển lộ trí tuệ lớn lao thông qua các hành theo phương tiện.

 

Phẩm 9: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ SỰ HƯNG KHỞI, HIỂN LỘ

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ có pháp Tam-muội gọi là: “Chư Phật làm sáng rõ cõi nước thanh tịnh”. Này chư vị! Chư Bồ-tát làm thế nào để có thể thực hiện nhập Chánh thọ pháp Tam-muội chư Phật làm sáng rõ cõi nước thanh tịnh ấy? Lúc đầu Bồ-tát nhập ở thế giới phương Đông, từ một cõi nước này sang một cõi nước khác. Đối với các phương Tây, Nam, Bắc bốn phương và hai phương trên dưới, cũng từ cõi nước này đến cõi nước khác. Ở nơi các cõi nước đó, chư Bồ-tát làm cho mọi Phật sự dấy khởi hiện diện khắp cõi, kính lễ đối với chư Như Lai, chư Bồ-tát hiện ra những cảm ứng lớn của Phật, hiện ra sự vui thích an lạc của chư Phật, hiện rõ sự tôn quý hơn hết cùng các cảnh giới nơi sự tự tại của chư Phật. Hiện rõ tiếng Sư tử gầm của Phật. Hiện rõ mọi hạnh nguyện, tính chất trang nghiêm cùng diệu lực thần thông của Phật. Cũng hiện rõ các chúng hội của chư Phật, hiện những chúng hội thanh tịnh, hiện các chúng bình đẳng, các chúng như nhất, các chúng đông đúc lớn lao, các chúng nương tựa hỗ trợ, các chúng yên tĩnh dứt mọi loạn động, các chúng giáo hóa, các chúng ứng hợp, các chúng dũng mãnh to tát. Cũng hiện ra các chúng hội ở khắp cõi Diêm-phù-đề. Bốn cõi cũng đều như thế. Ở nơi ngàn cõi nước, hai ngàn cõi nước, cũng đều như vậy. Ở nơi tam thiên đại thiên cõi nước cũng hiện ra như thế. Nơi ức na-thuật trăm ngàn cõi nước cũng hiện ra đầy đủ tính chất đông đảo của các chúng hội. Ở nơi vô tận số các cõi nước, hiện ra đầy đủ các chúng hội đông đúc. Cũng như nơi trăm ngàn cõi Phật với số lượng các cõi nước như vi trần đều hiện đông đủ các chúng hội. Nói tóm lại: Cho đến vô số, vô lượng cõi Phật với các cõi nước số lượng như vi trần, cũng đều hiện khắp các chúng hội đông đảo hết mực. Đối với các chúng hội đông đảo tôn nghiêm ấy mà hiện ra lớp lớp chư Phật được trông thấy, chiêm ngưỡng. Hiện ra loại loại thân tướng của chư Phật, hiện ra lớp lớp chư Phật trong mọi thời, mọi nơi chốn, với vô vàn sự biến hóa, cảm ứng lớn lao, với muôn ngàn vẻ trang nghiêm, vẻ uy nghi cùng mọi hình sắc ảnh tượng tức là hiện ra đầy đủ lớp lớp sự việc của chư Phật.

Chư Bồ-tát ở những nơi ấy, nơi các chúng hội đó, tự mình trông thấy mà cùng hiện khắp, cũng tự mình trông thấy ở nơi đó mà thuyết giảng khắp chốn. Cũng tự mình xem thấy việc phụng trì các pháp ở mọi nơi. Cũng tự biết về các phương tiện quyền xảo để thể hiện các pháp. Cũng tự biết việc lãnh hội về mọi nghĩa lý của các pháp. Cũng tự biết việc lãnh hội thấu đạt về hư không, lãnh hội thông tỏ về Pháp thân, về việc dứt mọi mối sợ hãi. Cũng tự biết là mọi nơi chốn đều là vô thường, chẳng có nơi chốn nào có các tưởng niệm bất biến. Cũng tự nhận thức mà dứt bỏ vọng tưởng, nhận rõ các tuệ, lãnh hội các nghĩa, nhớ nghĩ các hành địa, nhớ nghĩ về các ý nghĩa hàm súc, đa dạng. Cũng tự nhận thức để lại thông tỏ là vô sở niệm, để chuyên tâm nhớ nghĩ đến chư Phật, nhớ nghĩ đến các lực, nhớ nghĩ đến các tình (các

căn), nhớ nghĩ đến không hành, thấu đạt về sự nhàn tĩnh. Nắm vững sự nhận thức như thế, chư Bồ-tát chẳng niệm về cõi nước, chẳng niệm là có người, chẳng niệm về diệu nghĩa của Phật. Cũng chẳng tạo pháp, không hoại thân mạng, chẳng hủy thân hành. cũng không dấu ý niệm, không nhập tâm hành, chẳng dấy niệm về thọ mạng, về ta người, nơi chốn. Ví như dùng pháp để biết pháp. Cũng không khởi ý niệm có không về hạnh Bồ-tát, cũng vô niệm, cũng không dấy niệm về việc đi đến khắp các cõi.

Chư Bồ-tát ấy có thể hiện ra vô số màu sắc hình tượng của Phật, đầy đủ các hành, có thể tạo ra mọi sự thanh tịnh thể hiện khắp chốn. Có thể hiện ra đầy đủ mọi sắc tướng của Phật, cũng như hiện ra ánh hào quang của Đức Thế Tôn. Mọi nơi chốn hiện ra đều bình đẳng, thanh tịnh hết mực, nói chung là thảy đều thích ứng, thành tựu. Có thể hiện ra đầy đủ hình tượng màu sắc như Phật, đầy đủ ánh hào quang tươi sáng như Phật. Cũng hiện ra hình tượng mang tâm ý như Phật. Cũng hiện ra thân tướng Phật với đầy đủ các tướng tốt siêu việt. Cũng hiện ra ánh sáng tỏa chiếu thể hiện uy thần tối thượng của Phật.

Cũng hiện ra những vẻ đẹp nơi thân tướng tối tôn của Phật. Cũng hiện ra thân tướng Phật óng ánh màu sắc kim cương. Cũng hiện ra thân tướng Phật với màu sắc và hình tượng thanh tịnh. Cũng hiện ra thân tướng Phật với vô lượng hình tượng và màu sắc. Cũng hiện ra thân tướng Phật lớn lao thanh tịnh được cấu tạo bằng ngọc ma-ni. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai cao bảy nhận, tám nhận, mười nhận. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai cao hai mươi nhận, ba mươi nhận, bốn mươi nhận, năm mươi nhận, sáu mươi nhận, bảy mươi nhận, tám mươi nhận, chín mươi nhận, một trăm nhận. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai cao đến một dặm, cao đến nửa dụ-tuần, một dụ-tuần, mười dụ-tuần, trăm dụ-tuần, ngàn dụ-tuần. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai như một Diêm-phù-lợi. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai như bốn cõi thiên hạ, như ngàn cõi thiên hạ, như tam thiên đại thiên cõi thiên hạ.

Hoặc là hiện ra thân tướng Như Lai như trăm cõi Phật, như ngàn cõi Phật, như trăm ngàn cõi Phật, như ức na-thuật cõi Phật, như vô lượng cõi Phật, như vô hạn cõi Phật, như a-tăng-kỳ số cõi Phật, như vô biên cõi Phật, như vô tế cõi Phật, như vô tư nghì cõi Phật, như vô xưng cõi Phật, như vượt quá tâm ý tư duy cõi Phật. Hoặc lại hiện ra thân tướng Như Lai như vô xứ sở cõi Phật, như không thể nghĩ bàn lường tính cõi Phật, như vô vọng quá vọng cõi Phật.

Như thế đấy, chư Bồ-tát đã hiện ra thân tướng Như Lai với vô số hình sắc, vô số hình tướng như vậy. Hiện ra vô số vẻ đẹp, vô số ánh sáng, vô số màn lưới.

Cũng hiện ra vô số pháp cội nguồn là không, vô số pháp gốc không có tôi ta. Hiện ra các pháp là gốc của trí tuệ, nơi chốn từ đó trí tuệ dấy khởi. Hiện ra vô tận thân tướng. Hiện ra mọi vẻ thanh tịnh của diệu lý vô hành.

Chư vị Bồ-tát như vậy là đã hiện ra vô vàn chư Như Lai, ở nơi thân tướng của chư Như Lai ấy không tăng cũng không giảm.

Ví như hư không, không có sự mệt mỏi chán nản, cũng như có sự phân biệt lớn nhỏ. Ở nơi vô số cõi, các cõi có những nơi chốn sâu xa mênh mông, không vì nơi chốn mênh mông mà hiện ra to lớn hay ngược lại. Thân tướng của Như Lai cũng như thế, do nơi chốn có chỗ lớn lao nhỏ hẹp nhưng sự thị hiện thì không lớn nhỏ.

Ví như hình tượng mặt trăng chiếu sáng nơi cõi Diêm-phù-đề cũng không có lớn nhỏ. Hình tượng mặt trăng ấy trụ nơi ánh sáng mà không có dời đổi. Chư Bồ-tát ấy cũng như thế. Đạt đến sự hóa hiện như Phật an trụ pháp Tam-muội ấy. Cũng chẳng dấy vọng tưởng về sự hoại diệt đối với màu sắc, hình tượng của Như Lai, vì nơi chốn hóa hiện của chư Phật cũng giống như cảnh trong mộng. Ở nơi đó là không chỗ thấy mà có thấy, mà hiện ra âm thanh của chư Phật, Như Lai. Nơi chốn hiện ra âm thanh của chư Phật, Như Lai ấy là ở nơi pháp không, là vô sở hữu. Nhưng từ đó mà đều thọ nhận các pháp, nêu bày, truyền bá, thảy đều ở nơi các pháp không còn mê lầm. Ví như chúng sinh, sau khi mạng chung, nơi chốn hướng về, tâm do đấy mà có sự chuyển đổi. Chư Bồ-tát cũng vậy. Ở nơi pháp Tam-muội ấy mà an trụ thì các cõi thảy đều được trang nghiêm, dùng trí tuệ Phật mà độ mà độ thoát, đạt được thanh tịnh. Bồ-tát dùng mười thứ mau chóng để ứng hợp với khắp chốn khắp loại.

Những gì là mười?

  1. Mau chóng thực hiện đầy đủ viên mãn các hạnh nguyện.
  2. Mau đem ánh sáng của Phật pháp chiếu soi khắp các cõi.
  3. Mau dùng trí tuệ phương tiện chuyển pháp luân hóa độ chúng sinh.
  4. Mau tùy thuận tất cả các hành thích hợp để tạo nên các cõi thanh tịnh.
  5. Mau thành tựu được trí tuệ gồm đủ mười Lực.
  6. Mau chóng thành tựu sự bình đẳng hội nhập cùng chư Như Lai.
  7. Mau chóng dùng diệu lực đại Từ bi để hàng phục các thứ ma oán.
  8. Mau chóng giúp cho chúng sinh dứt trừ mọi nghi hoặc đạt được an vui.
  9. Mau chóng thị hiện mọi cảm ứng lớn lao, tùy thuận nơi chốn mà hóa độ.
  10. Mau chóng dùng loại loại âm thanh hướng đến các pháp môn, tạo nên các cõi thanh tịnh.

Chư Bồ-tát lại có được mười thứ pháp ấn, dùng các pháp mà ấn chứng cho quá trình tu tập của chư vị Bồ-tát ấy. Những gì là mười?

  1. Bồ-tát đó cùng với chư Phật ba đời cùng thực hiện từ một cội nguồn đức lớn.
  2. Bồ-tát đó hội nhập làm một thân, xem Pháp thân là không có gì hơn được.
  3. Bồ-tát ấy hành theo nẻo vô nhị của Như Lai.
  4. Bồ-tát ấy tạo ra vô số đạo tràng, đều từ nẻo vô nhị mà sinh khởi.
  5. Bồ-tát ấy thực hiện vô hạn hạnh nguyện, cùng với Pháp thân hội nhập.
  6. Bồ-tát ấy hành hóa đều vô ngại, đối với thế gian đạt được đầy đủ mười Lực.
  7. Bồ-tát đó hành theo pháp không, thanh tịnh, tức hành theo nẻo vô nhị.
  8. Bồ-tát đó đạt được các pháp vô lậu, vì thế gian mà hết sức hóa độ.
  9. Bồ-tát ấy tâm ý không còn vướng trong ngoài, đạt được trí rộng khắp thông qua các tuệ phương tiện quyền xảo.
  10. Bồ-tát ấy luôn được có chư Phật dốc tâm hộ niệm.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ có được định đại tuệ, gọi là Âm thanh chư Phật soi khắp cõi nước. Chư Bồ-tát đó thực hiện pháp Tam-muội Chánh thọ ấy thì sẽ là bậc không còn ai có thể làm thầy mình nữa vì hội nhập các pháp của chư Phật không còn có sự nghi hoặc. Là bậc trượng phu có trí tuệ hơn đời vì đã đạt được sự thanh tịnh giải thoát. Do đã đạt được cội nguồn trong sáng thanh tịnh của tâm nên được xem là bậc tối tôn, vĩ đại. Là bậc hết tâm vì đời mà chỉ dạy, dẫn dắt, nên bản thân luôn được tôn quý kính trọng. Là bậc dấy khởi, kiến lập sự dũng mãnh tối thượng của chư Phật đời vị lai vì đã đạt đến cội nguồn chủng loại của trí tuệ giác ngộ. Là bậc tu tập trí tuệ, tành tựu các thứ tín, ngôn từ luôn như nhất. Là bậc đại trí tuệ, quá khứ không hề bị ngăn ngại vì đã tạo nên pháp tạng. Là bậc luôn đem pháp của chư Phật để dấy lên các trận mưa pháp thuận hợp với mọi hành của chúng sinh.

Này chư vị! Ví như Thích Đề-hoàn Nhân, nhờ có ngọc ma-ni mà nơi chốn của vị Thiên vương này được tôn quý hết mực. Ngọc ma-ni đó đã làm tăng uy quang, tạo nên uy thần. Do đó được ngọc báu ma-ni ấy nên uy danh của Thích Thiên vương càng nthêm lớn lao. Dùng mười sự việc, ở nơi cõi trời Đao-lợi nhờ đó mà đạt được sự tôn kính. Những gì là mười?

  1. Dùng sắc tưởng hơn hết của bậc Thiên vương để bảo ban đối với các vị Thiên tử.
  2. Dùng hình tượng hơn hẳn của bậc Thiên vương.
  3. Dùng hình tướng của bậc Thiên vương để thị hiện.
  4. Dùng quyến thuộc hết mực đông đảo của bậc Thiên vương.
  5. Dùng mọi ham muốn hết mực của hàng Thiên vương.
  6. Dùng sự an lạc tột bậc của hàng Thiên vương.
  7. Dùng y phục của bậc Thiên vương để tạo sự tin tưởng.
  8. Dùng sự tự tại hơn hết của bậc Thiên vương.
  9. Dùng tâm ý cao xa của bậc Thiên vương.
  10. Dùng trí tuệ lớn lao của bậc Thiên vương, do công đức của ngọc báu ma-ni tạo nên.

Do sử dụng đầy đủ mười sự việc đó mà đạt được tôn trọng hơn hết đối với các bậc Thiên vương.

Chư Bồ-tát cũng vậy. Do thực hiện được pháp Tam-muội Chánh thọ đó mà liền đạt được mười thứ trí tuệ rộng lớn vô bờ. Những gì là mười?

  1. Ở nơi cõi Phật đạt được trí tuệ vô ngại.
  2. Ở nơi mọi chúng sinh, đạt được gốc làm dấy khởi tuệ hạnh.
  3. Nương vào ba đời đạt được trí tuệ thích ứng.
  4. Ở nơi thân tướng của chư Phật đạt được nơi chốn nương tựa của trí tuệ.
  5. Ở nơi các pháp của chư Phật đạt được tuệ hạnh.
  6. Ở nơi tất cả các pháp mà đạt được một pháp tuệ hạnh.
  7. Ở nơi tất cả mọi nẻo tận cùng của thế gian đạt được sự hội nhập vào trí tuệ của Pháp thân.
  8. Ở nơi cội nguồn của hết thảy các pháp mà đạt được tuệ hạnh bình đẳng.
  9. Ở nơi tất cả mọi tự tại đạt được nơi chốn nương dựa của trí tuệ.
  10. Ở nơi tất cả các pháp đạt đến cõi an lạc của trí tuệ.

Đạt được pháp Tam-muội đó thì dùng âm thanh của chư Phật, ở nơi các thế giới luôn tạo được sự thanh tịnh.

Bồ-tát lại có mười sự việc, nhờ đó mà có được thân tướng uy nghi thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Dùng cái đắc của vô đắc, cái hành của vô hạn mà chẳng trụ ở cõi nào.
  2. Dùng cái trông mong của sự không trông mong.
  3. Dùng mọi thứ sắc tướng, hình tượng ở nơi các cõi nước mà an trụ thanh tịnh.
  4. Dùng cái ý nguyện của vô nguyện mà phóng ra vùng ánh sáng lớn làm chỗ an trụ để hóa độ chúng sinh.
  5. Dùng cái tưởng của vô tưởng khiến cho thân được an trụ, để tạo sự hưng khởi của chư Phật.
  6. Dùng cái mong cầu của sự vô cầu mà tuôn xuống như mưa vô số các thứ hoa hương để cúng dường chư Phật.
  7. Dùng cái niệm của vô niệm nhằm bày biện sự cúng dường của chư Phật với đủ loại âm nhạc, để hóa độ chúng sinh.
  8. Dùng cái phục sức của sự không phục sức, tạo được mọi việc thanh tịnh cũng như vô số các thứ trang sức để cúng dường chư Phật, ứng với nơi chốn hóa độ chúng sinh.
  9. Dùng cái hành của vô hành, hiện ra lớp lớp sắc tướng, đạt được thân thanh tịnh, dứt hết mọi mê lầm khiến cho chúng sinh cùng được nhận biết.
  10. Dùng cái có của cái không thật có, phát ra đủ loại âm thanh trong lành vi diệu, khiến cho chúng sinh được biết rõ muôn ngàn các thứ ngôn ngữ khác.

Chư Bồ-tát cũng như vậy! Đạt được mười phần thanh tịnh đó,

các vị Bồ-tát kia cũng có được đầy đủ nơi chốn. Thế nào là mười nơi chốn dẫn dắt chúng sinh được thấy các Phật sự?

  1. Nơi chốn làm cho chúng sinh được an trụ, đạt niềm tin hướng về chư Phật.
  2. Nơi làm cho chúng sinh được an ổn nhờ âm thanh Phật pháp.
  3. Chốn hóa độ chúng sinh khiến họ được sinh ở nơi có cõi Phật.
  4. Nơi chốn cứu giúp chúng sinh khiến họ tin tưởng nơi chư Phật.
  5. Nơi chốn dẫn dắt chúng sinh đến những lợi lạc khiến họ được nghe pháp âm của chư Phật.
  6. Nơi chốn tế độ chúng sinh thông qua việc hóa hiện các cảm ứng của Phật.
  7. Nơi chốn tạo sự yên lành cho chúng sinh khiến họ nhớ nghĩ, giống như các hành động thích ứng, bao gồm đầy đủ sự nhất tâm.
  8. Nơi chốn làm cho chúng sinh được thuận hợp, an định để đến nơi cảnh giới trang nghiêm của Phật.
  9. Nơi chốn đem lại sự lợi lạc an ổn cho chúng sinh, khiến họ phát tâm Bồ-tát.
  10. Nơi chốn tạo được sự an lạc vững chắc cho chúng sinh, khiến họ được đầy đủ trí tuệ của Phật.

Do vậy, này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các vị Bồ-tát ấy dùng mười sự việc kể trên để đem lại đầy đủ sự an ổn lợi lạc cho chúng sinh.

Chư Bồ-tát kia, như thế là đã thực hiện viên mãn mười Độ, khiến cho chúng sinh được an lành, lại vì chúng sinh khắp các cõi mà làm mười thứ Phật sự. Những gì là mười?

  1. Bậc Bồ-tát dùng âm thanh vì chúng sinh mà làm Phật sự để hóa độ các chúng hội.
  2. Thấy bậc Bồ-tát dùng sự tùy thuận để dẫn dắt chúng sinh mà làm cho Phật sự hưng khởi.
  3. Bậc Bồ-tát đó chỉ trong khảnh khoắc của hành động mà thực hiện Phật sự, khiến cho tâm chúng sinh đạt được thanh tịnh.
  4. Bậc Bồ-tát đó dùng sự chấn động khắp các cõi nước mà làm Phật sự, khiến cho chúng sinh cùng lìa khỏi ba nẻo ác.
  5. Bậc Bồ-tát ấy dùng mọi nơi chốn trong cuộc sống để là Phật

sự, nhằm đem lại cho chúng sinh tâm ý được an lạc chính đáng.

  1. Bậc Bồ-tát ấy dùng các chốn hành động thích hợp để làm Phật sự, nhằm đưa chúng sinh đến chỗ lợi lạc, khiến tâm ý họ dứt hết mọi sự mê lầm.
  2. Bậc Bồ-tát đó dùng phương tiện phóng ra ánh sáng mà làm Phật sự, nhằm thu giữ giáo hóa vô số chúng sinh.
  3. Bậc Bồ-tát đó dùng công việc tu tập các đức mà làm Phật sự, khiến cho chúng sinh tạo được vô số các công đức.
  4. Bậc Bồ-tát ấy dùng sự thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác mà làm Phật sự, khiến cho mọi chúng sinh lãnh hội được hết thảy các pháp đều như huyễn mộng.
  5. Bậc Bồ-tát ấy dùng phương tiện chuyển pháp luân để là Phật sự, vì chúng sinh khắp thế gian mà thuyết pháp khiến cho pháp bảo của các bậc Thánh hiền được an trụ lâu bền.

Này chư vị! Chư Bồ-tát Đại sĩ đó đã hoàn thành mười thứ Phật sự, dùng để giáo hóa vô số người, cứu độ vô số chúng sinh, thành tựu viên mãn vô lượng hạnh nguyện của mình hết thảy mọi ý nguyện và hành động đều được an lập, khiến cho Phật sự luôn được tồn tại.

 

Phẩm 10: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC BÀY BIỆN SỰ BIẾN HÓA NGOẠI THÂN

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ có được pháp Tam-muội Chánh thọ gọi là: “Vô Thân Hỷ”. Thực hành Pháp Tam-muội ấy sẽ khiến cho Bồ-tát tâm ý được an trụ đó mà thân không bị hủy hoại, lại được đầy đủ mười thứ không mong cầu tham đắm. Những gì là mười?

  1. Ở nơi các cõi nước mà không tham cầu.
  2. Ở khắp các nơi chốn mà không tham cầu, chấp trước.
  3. Ở mọi nơi tưởng niệm mà không dấy tham cầu, vướng mắc.
  4. Đối với chúng sinh mà không tham cầu, đắm nhiễm.
  5. Đối với các pháp đều không tham cầu, vướng mắc.
  6. Đối với các hạnh của Bồ-tát cũng không chấp bám, vướng mắc.
  7. Đối với những sở nguyện của Bồ-tát cũng không tham cầu.
  8. Đối với các pháp Tam-muội cũng không chấp vướng.
  9. Đối với mọi hình tượng Phật mà không tham cầu.
  10. Đối với các hành địa cũng không vướng chấp.

Bồ-tát đạt được mười thứ không mong cầu tham đắm ấy thì liền đạt được sự an trụ trong khi thực hành pháp Tam-muội và hết thảy thân tướng không bị hủy hoại. Làm thế nào, chư Bồ-tát vẫn còn mang thân chúng sinh mà không bị hủy hoại trong khi thực hiện pháp Tammuội ấy?

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát thực hành pháp Tam-muội này, nội thân nhập Chánh thọ thì ngoại thân giác ngộ, ngoại thân nhập Chánh thọ thì nội thân giác ngộ. Dùng một thân nhập Chánh thọ thì dùng nhiều thân mà giác ngộ. Dùng nhiều thân nhập Chánh thọ thì một thân giác ngộ. Dùng thân người nhập Chánh thọ thì dùng thân quỷ thần mà giác ngộ. Dùng thân quỷ thần nhập Chánh thọ thì dùng thân Rồng mà giác ngộ. Dùng thân Rồng nhập Chánh thọ thì dùng thân Chất lượng thần mà giác ngộ. Dùng thân Chất lượng thần nhập Chánh thọ thì dùng thân chư Thiên mà giác ngộ. Hoặc dùng thân chư Thiên nhập Chánh thọ thì dùng thân Phạm vương mà giác ngộ. Hoặc dùng thân Phạm vương nhập Chánh thọ thì dùng thân ở cõi Dục mà giác ngộ. Hoặc dùng thân ở cõi Dục nhập Chánh thọ thì dùng thân ở cõi Sắc mà giác ngộ. Hoặc ở nơi cõi Sắc nhập Chánh thọ thì ở nơi Vô sắc mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Vô sắc nhập Chánh thọ thì hiện thân ở nơi Địa ngục mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Địa ngục nhập Chánh thọ thì hiện thân nơi Ngạ quỷ mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Ngạ quỷ nhập Chánh thọ thì hiện thân Súc sinh mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi tịch tĩnh mà nhập Chánh thọ thì ở nơi đông đảo mà giác ngộ. Hoặc ở nơi ngàn thân mà nhập Chánh thọ thì ở nơi vô thân mà giác ngộ. Hoặc ở nơi hữu thân mà nhập Chánh thọ thì ở nơi vô số thân mà giác ngộ. Hoặc ở nơi vô số ức na-thuật thân nhập Chánh thọ thì hóa hiện ở nơi “không thân” mà giác ngộ. Hoặc ở nơi cõi Diêmphù-lợi nhập Chánh thọ thì ở nơi cõi Cù-da-nặc mà giác ngộ. hoặc ở nơi cõi Cù-da-nặc nhập Chánh thọ thì ở nơi cõi Uất-đan-việt mà giác ngộ. Hoặc ở nơi cõi Uất-đan-việt nhập Chánh thọ thì ở nơi cõi Phấtvu-đãi mà giác ngộ. Hoặc ở nơi cõi Phất-vu-đãi nhập Chánh thọ thì ở nơi Tam Thiên hạ mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi Tam thiên hạ nhập Chánh thọ thì ở nơi Tứ Thiên hạ mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Tứ Thiên hạ nhập Chánh thọ thì ở nơi khắp ba xứ chúng sinh mà giác ngộ. Hoặc ở nơi mọi cảnh giới của biển cả nhập Chánh thọ thì cũng ở nơi tận cùng mọi cảnh giới của biển cả cùng với chúng sinh mà giác ngộ. Hoặc ở nơi đỉnh núi Tu-di nhập Chánh thọ, thì cũng lại ở nơi chân núi Tu-di mà giác ngộ. Hoặc ở nơi chân núi Tu-di nhập Chánh thọ thì cũng lại ở đỉnh núi Tu-di mà giác ngộ. Hoặc ở trong khoảng núi Thất bảo nhập Chánh thọ thì cũng lại ở nơi đỉnh núi ấy mà giác ngộ. Hoặc ở nơi đủ các giống các loài nhập Chánh thọ thì cũng ở nơi lớp lớp tạp loại mà giác ngộ. Hoặc ở nơi chốn thanh tịnh trong ấy có lớp lớp hoa hương cùng các thứ vật báu làm cho trang nghiêm,… nhập Chánh thọ thì cũng hiện thân ở nơi thanh tịnh với vô số hoa hương, các thứ vật báu mà giác ngộ.

Cho đến tận cùng các cảnh giới của Tứ Thiên hạ cùng với mọi chúng sinh thuận theo tâm ý của họ mà nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi mọi cảnh giới của Tứ Thiên hạ, cùng với mọi chúng sinh theo tâm ý của họ mà giác ngộ. Ở nơi ngàn cõi nước, tận cùng mọi cảnh giới của cõi ấy nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi ngàn cõi nước mà giác ngộ. Ở nơi tam thiên đại thiên cõi nước, tận cùng cảnh giới của cõi đó nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi tam thiên đại thiên cõi nước mà giác ngộ. Ở nơi ức na-thuật trăm ngàn cõi nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi ức na-thuật trăm ngàn cõi mà giác ngộ. Ở nơi vô số cõi nước nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở vô số sát độ mà giác ngộ. Ở nơi a-tăng-kỳ cõi nước nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi a-tăng-kỳ cõi nước mà giác ngộ. Ở nơi lượng của vô lượng, hạn của vô hạn cõi Phật nhập Chánh thọ, nói tóm lại, thì cũng từng ấy cõi nước ở khắp trong các cảnh giới đó mà giác ngộ.

Từ một Thiên hạ, số lượng cõi nước như vi trần, đến Tứ thiên hạ, lại ngàn Thiên hạ, lại đến tam thiên đại thiên thiên hạ, lại đến ức nathuật cõi nước, lại đến a-tăng-kỳ cõi nước, cho đến vô hạn vô số, lại vượt quá vô hạn vô số các cõi nước số lượng như thế, ở khắp nơi trong các cõi ấy nhập Chánh thọ thì cũng ở trong từng ấy cõi mà giác ngộ. Ở nơi trong một vi trần nhập Chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi như thế, trong một vi trần trên cõi nước mà giác ngộ.

Từ số lượng vi trần như thế trên một cõi nước mà nhập Chánh thọ thì lại hiện một vi trần mà giác ngộ. Ở trong một thân Thanh văn nhập Chánh thọ thì lại hiện vô số thân Thanh văn mà giác ngộ. Ở nơi trong một thân Bích-chi-phật nhập Chánh thọ thì lại hiện vô số thân Bích-chi-phật mà giác ngộ. Ở trong tự thân nhập Chánh thọ thì lại hiện ở trong vô số thân Phật mà giác ngộ. Ở trong vô số thân Phật nhập Chánh thọ thì lại hiện ở trong tự thân mà giác ngộ. Ở trong khoảnh khắc một niệm của nhất tâm nhập Chánh thọ thì hiện ở nơi ức kiếp mà giác ngộ. Ở trong ức kiếp nhập Chánh thọ thì hiện ra trong khoảnh khắc một niệm khởi nơi tâm mà giác ngộ.

Hoặc có lúc thì giác ngộ, có lúc thì nhập Chánh thọ. Hoặc đồng thời nhập Chánh thọ mà giác ngộ. Hoặc ở nơi gốc tích chứa nhập Chánh thọ thì hiện ở nơi ngọn tích chứa mà giác ngộ. Hoặc ở nơi ngọn tích chứa nhập Chánh thọ thì hiện ở nơi gốc tích chứa mà giác ngộ. Hoặc ở nơi hiện tích mà nhập Chánh thọ thì lại ở nơi hiện tích mà giác ngộ. Ở nơi gốc tích chứa nhập Chánh thọ thì ở nơi ba đời mà giác ngộ. Ở nơi lúc tích chứa mà giác ngộ thì ở nơi lúc tích chứa mà nhập Chánh thọ. Ở nơi ba đời nhập Chánh thọ thì ở nơi “gốc không” mà giác ngộ. Hoặc ở nơi gốc Vô kiến nhập Chánh thọ thì lại ở nơi gốc không mà hốt nhiên giác ngộ.

Này chư vị! Ví như có người trong lúc bị quỷ thần quấy nhiễu, đã bị quấy nhiễu như vậy thì người đó dù cố giữ cho khỏi bị xao động cũng chẳng được tự tại, chỉ theo sự tác động của quỷ thần. Ở nơi tha thân thì thuận theo sự tác động kia, còn nơi tự thân thì chẳng được tự tại như trước. Bồ-tát cũng giống như vậy, do đạt được pháp Tam-muội này thì hoặc nội thân nhập Chánh thọ, ngoại thân giác ngộ, hoặc ngoại thân nhập Chánh thọ thì nội thân giác ngộ.

Ví như người chết, tử thi ấy do “Tha thần” sai khiến, làm cho trổi dậy, đuổi theo, quay trở lại, tất cả đều như sự biến hóa, nhưng tác nhân của sự việc đó là dụng lực của tha thần.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Cũng vậy các vị Bồtát đã đạt được pháp Tam-muội này, nhằm dấy khởi nhập Chánh thọ thì dùng sự phân biệt để nhập Chánh thọ, lại dùng sự phân biệt mà giác ngộ. Dùng sự phân biệt bình đẳng để nhập Chánh thọ thì cũng dùng sự phân biệt bình đẳng mà giác ngộ. Ví như có vị A-la-hán tâm được tự tại, thể hiện sự biến hóa tự tại. Hoặc hóa làm một thân, hoặc lại hóa làm nhiều thân, hoặc hóa làm nhiều thân, hoặc lại hóa làm một thân. Chẳng do một thân mất đi mà hiện ra nhiều thân, cũng chẳng do nhiều thân mất đi mà hiện ra một thân. Ở vào lúc hiện ra một thân, cũng chẳng phải là có một thân. Không do biết một mà hiện nhiều, cũng chẳng phải do biết nhiều mà hiện một. Cùng một cùng nhiều, từ một mà hưng lên. Bồ-tát cũng như thế. Ở nơi một thân nhập Chánh thọ thì nhiều thân mà giác ngộ. Hoặc nhiều thân nhập Chánh thọ thì do một thân mà giác ngộ. Ví như chỉ một loại đất, đất ấy chỗ nương dựa một vị. Nhưng với đất ấy, nơi các xóm làng huyện ấp dân chúng trồng trọt những loại cây trái khác nhau, vị của chúng cũng chẳng đồng. Đất có một vị giống nhau nhưng cây trồng thì có nhiều vị khác nhau. Bồ-tát cũng thế! Đã an trụ pháp Tam-muội này, dùng một thứ để nhập Chánh thọ thì có nhiều thứ mà giác ngộ. Ở nơi nhiều thứ nhập Chánh thọ thì có một thứ giác ngộ.

Này chư vị! Bồ-tát Đại sĩ, đây là pháp Tam-muội thứ tám của bậc Bồ-tát tên là Phân biệt tất cả các thân. Chư Bồ-tát ấy, đạt được nơi chốn an trụ yên định của pháp Tam-muội đó thì sẽ có được mười pháp danh dự luôn được lưu truyền. Những gì là mười?

  1. Đạt đến cảnh giới được Như Lai khen ngợi.
  2. Đạt được uy lực bình đẳng của Như Lai.
  3. Gọi là Tối Tôn vì đã thông tỏ tất cả các pháp không chút ngăn ngại.
  4. Gọi là Tối Tôn vì được mọi nơi chốn trong khắp thế gian cúng dường.
  5. Gọi là bậc Hiểu biết khắp vì đã giác ngộ tất cả các pháp.
  6. Gọi là bậc Đạo sư vì là chốn nương dựa của mọi chúng sinh trong các cõi.
  7. Gọi là bậc nêu bày dẫn dắt muôn loài vì đã thấu đạt cùng hội nhập được thể tánh của các pháp.
  8. Gọi là bậc Vô thượng sư vì đã đạt được “Trí nhận biết khắp”, lãnh hội cội nguồn các pháp của chúng sinh là không.
  9. Gọi là bậc hưng khởi ánh sáng cho đời, vì đã tùy thuận trí tuệ của tất cả muôn loài trong thế gian mà hiện bày ánh sáng vĩ đại.
  10. Gọi là bậc Mười lực vì đã đạt đến sự hoàn hảo tối thượng, mọi nơi chốn tạo tác, hành hóa đều thành tựu trọn vẹn.

Phân biệt nhận rõ các pháp, dùng trí tuệ ấy thông đạt các niệm, hạnh nguyện đầy đủ không chấp vướng. Đó gọi là làm cho bánh xe chánh pháp có mặt khắp mọi nơi chốn, đạt tự tại, là nhờ ở mười pháp danh dự đó đem lại. Chư Bồ-tát do vậy nên có được sự quy ngưỡng tôn kính của đời.

Bồ-tát an trụ pháp Tam-muội này lại có được mười thứ ánh sáng hiển lộ, hết mực tôn nghiêm, chói lọi. Những gì là mười?

  1. Ánh sáng ấy bình đẳng của chư Phật.
  2. Ở nơi tận cùng mỗi chốn trong thế gian, dùng ánh sáng ấy soi khắp, nêu rõ cội nguồn các pháp, tạo nên trí tuệ sáng chói làm cho các pháp được hiển lộ, nổi bật.
  3. Nơi muôn loài, dùng ánh sáng chói lọi đó soi tỏ, nêu bày cho lớp lớp chúng sinh.
  4. Đem vô số ánh sáng ấy dẫn dắt chúng sinh đi tới, lấy đó là ánh sáng của pháp tràng.
  5. Đem ánh sáng ấy chiếu khắp pháp giới khiến cho nó càng thêm rực rỡ, truyền tụng.
  6. Tạo được sự cảm ứng lớn lao đối với các pháp nhưng không hủy hoại ánh sáng đó.
  7. Đạt được tính chất vô dục của các pháp, do nắm được diệu lý vô sở đắc nên ánh sáng ấy luôn rạng rỡ.
  8. Thấu đạt tính chất vô dục của chúng sinh, nhớ nghĩ thế gian tạo nên hết thảy mọi biến hóa không hề bị ngăn ngại.
  9. Khéo đem ánh sáng đó chiếu soi khiến cho mọi nơi chốn kiến lập của chư Phật không bị đứt đoạn.
  10. Đạt đến cảnh giới của chư Phật, giáo hóa chúng sinh tu tập các pháp giải thoát, thấu đạt cội nguồn các pháp là không, soi sáng tận cùng các cõi trong thế gian, hết thảy đều không bị hủy hoại.

Bồ-tát dùng mười thứ ánh sáng hiển lộ ấy an trụ trong pháp Tam-muội nên có được ánh sáng chói lọi.

Bồ-tát lại có mười sự, nhờ đó đạt được diệu lý “vô sở trước” đối với câu, lời, sự nhận thức, dẫn tới nẻo giác ngộ. Những gì là mười?

  1. Đối với những tạo tác của thân, khéo tu tập điều hòa, uyển chuyển.
  2. Về mọi tạo tác của khẩu nên dứt bỏ thô ác.
  3. Tâm tánh luôn nhu hòa, dịu dàng.
  4. An trụ “không chốn trụ”.
  5. Mọi tình (căn) không dấy.
  6. Mọi hành đều hành theo diệu lý “không chốn tạo tác”.
  7. Đối với các pháp là “không chốn hủy hoại”.
  8. Đối với trí tuệ là “không chốn dấy khởi”.
  9. Đối với các pháp là “không chốn nhận biết”.
  10. Tùy thuận các lẽ trên để đạt được trí tuệ.

Đó gọi là pháp Tam-muội mà Bồ-tát Đại sĩ dùng để hàng phục chúng ma, dùng các thứ ấy để thực hiện sự hàng phục. Lấy một làm nhiều. Nhập Chánh thọ mà giác ngộ. Hành nơi vô hành. Ở nơi hành mà hành. Đối với tự thân thì lớn lao, tôn quý. Cùng Phật đều bình đẳng vĩ đại. Dùng nhỏ mà dẫn đến rộng lớn, đem cái rộng lớn mênh mông dẫn về cái nhỏ hẹp. Nơi hướng đến cũng là không chốn đến. Nơi đi tới cũng là không chốn hướng tới. Dùng vô thân làm thân. Ở nơi có thân mà không thân. Dùng giác ngộ để hội nhập Chánh thọ. Đem chỗ hội nhập Chánh thọ mà giác ngộ. Ở nơi thấy mà không thấy. Ở nơi không thấy mà có thấy. Đó gọi là thực hiện đầy đủ mười pháp.

Bồ-tát lại có mười sự, nhờ đó mà tạo nên mọi biến hóa. Những gì là mười?

Đó là, biến hóa tất cả các cảnh giới, đều do từ pháp Tam-muội. Ví như có nhà ảo thuật sử dụng đại thần chú, ngôn ngữ và hành động đều rõ ràng, hiện ra đủ loại hình sắc, ánh sáng, sự tạo dựng đều thích hợp. Các nơi chốn được hiện ra như tách rời khỏi ngôn ngữ của thần chú, tùy thuộc về huyễn sự, mà sự tạo dựng tôn nghiêm đó đều thích hợp với sự nhận thức và ngoại cảnh, nên đối với cảnh huyễn cho là như thật. Phải học hỏi, thực hành thì mới biết được tính chất huyễn thuật, nhờ trí tuệ mà thông đạt. Bồ-tát cũng vậy, dùng bình đẳng nhập Chánh thọ thì hiện ra việc dùng không bình đẳng mà giác ngộ. Dùng không bình đẳng nhập Chánh thọ thì dùng bình đẳng mà giác ngộ. Ví như chư Thiên với A-tu-luân đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-luân thua. Chất lượng đế dùng thân tướng cao đến bảy trăm dụ-tuần hợp với bốn thứ binh chủng mà tự phủ quanh. A-tu-luân vương lại biến hóa thân tướng đến trăn ngàn dụ-tuần. chư Thiên cõi trời Đao-lợi thảy đều cùng trông thấy mà đám quân binh ẩn trốn kia thứ lớp đều nghiêm chỉnh. Lại như A-tu-luân vương, rõ là để thông tỏ về huyễn thuật. Chư Bồ-tát Đại sĩ cũng vậy. Tất rõ nơi mọi xứ tạo tác của tuệ huyễn, mà tuệ thì vô tận. Chư Bồ-tát thể hiện các tuệ huyễn kia cũng là Bồ-tát cả. Những tuệ huyễn kia chính là Bồ-tát. Dùng cái không hủy hoại đoạn diệt để nhập Chánh thọ thì ở nơi hủy hoại mà giác ngộ. Ví như có Đại chú gọi là “Yêu hoặc”. Trì chú ấy, nắm lấy một ít hạt giống tung rải ra nơi đất liền có được cây cỏ với cành lá, hoa quả, hạt dùng để ăn uống. Bồ-tát cũng như thế. Đạt tới sự chuyên nhất nơi pháp Tam-muội thì có thể hiện ra lớp lớp bày tỏ sự giác ngộ. Giống như sự gặp gỡ thuận hợp của nam nữ tất đưa đến việc mang thai, bào thai trọn nên và đủ mười tháng thì hài nhi sinh ra đầy đủ. Bồ-tát cũng như thế. Luôn nuôi dưỡng “bào thai” của trí tuệ giác ngộ, thành tựu viên mãn các hạnh nguyện, đem cái “nội tánh” rộng lớn để đạt tới cái tuệ sáng tỏ an trụ nơi pháp Tam-muội Vô Hủy mà giác ngộ. Ví như cung điện của Long vương, nương tựa vào đất mà Long vương cũng hiện ra nơi hư không, nhưng chẳng quấy động hư không cùng chẳng khiến chư Long kinh sợ. Nơi hư không cũng có thành Càn-đà-la, cũng có chư Long, mà hư không ấy chẳng hề tăng giảm. Long vương hoặc muốn cho hư không tạnh bóng mây mà hư không cũng chẳng động. Còn các cung điện thành quách thì vẫn tiếp tục nương dựa nơi đất hoặc nương dựa nơi hư không.

Bồ-tát cũng như thế. Do đạt được pháp Tam-muội như huyễn nên ở nơi hữu tướng để nhập Chánh thọ thì ở nơi vô tướng mà giác ngộ. Ở nơi vô tướng nhập Chánh thọ thì ở nơi hữu tướng mà giác ngộ.

Ví như cung điện lớn của Phạm thiên vương hiệu là “Trì thế thanh tịnh tạng”, là cung điện tối thượng trong số đền đài lầu gác nơi Phạm thiên trú ngự. Từ cung điện này, hiện ra ngàn thiên hạ, mười ngàn thiên hạ, trăm ngàn thiên hạ, hoặc hiện ra tam thiên đại thiên thiên hạ. Hoặc hiện ra ở nơi Thiên, Long, Thần, Càn-đà-la, A-tu-luân, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, mọi người, cung điện quỷ thần cùng mọi chúng sinh trong thế gian. Hoặc hiện ra Tu-di sơn cùng toàn bộ Thất bảo sơn, Thiết vi sơn, Bảo hắc sơn, Tuyết sơn cùng bốn cõi thiên hạ với những làng xóm, thôn ấp, quận huyện, cõi nước, quân vương nhân gian, cho đến nơi chốn của Phạm thiên không đâu là không hiện ra và trông thấy khắp. Cũng như đối với gương sáng, soi vào thì thấy rõ mặt mình. Bồtát cũng như thế. An trụ nơi pháp Tam-muội này, đối với tất cả mọi thứ tuệ không gì là không thông tỏ, thấu triệt, không nơi nào là không hội nhập một cách bình đẳng, đi đến khắp thảy các cõi, đem ánh sáng trí tuệ soi tỏ mọi nẻo.

Chư vị Bồ-tát cũng như thế. Dùng sự phân biệt tất cả các thân trong pháp Tam-muội ấy mà đem lại ánh sáng tự tại nơi các cõi nước, tất thấy được Phật chủng hóa hiện ra hết thảy mọi chủng, mà vượt qua pháp chủng, thực hiện trọn vẹn các hành chủng giải thoát. Cũng dùng Định chủng (chủng Tam-muội) tạo sự cảm ứng, dấy khởi chủng của sự giác ngộ, hiện bày khắp nhờ đạt được tuệ chủng, nhờ an trụ trí chủng. Bồ-tát ở nơi mười thứ cảm ứng lớn lao mà đạt được các pháp tu tập vượt bờ. Những gì là mười?

  1. Tạo được sự cảm ứng lớn lao mầu nhiệm của Phật, cũng như hư không.
  2. Cảm ứng tận cùng nơi các pháp giới.
  3. Đem sự cảm ứng lớn lao của Bồ-tát, biến hóa thể hiện sự vô hủy, ở nơi hủy diệt mà được tự tại, nhằm tu tập các pháp giải thoát.
  4. Đem những cảm ứng lớn lao ấy thể hiện các tạo tác, các đại nguyện của Bồ-tát.
  5. Thực hiện sự hội nhập nơi Như Lai hạnh, Phật sự thông qua các pháp tu độ vô cực.
  6. Tạo cảm ứng biến hóa nơi các cõi, thể hiện hết thảy các thứ các loại hành của cuộc sống tự tại an lạc.
  7. Tạo cảm ứng tác động đến tất cả các cõi nước, nương dựa ở nơi ánh sáng hiển lộ.
  8. Tạo cảm ứng đối với tất cả chúng sinh, thể hiện qua các hành chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho họ thấy rõ được sự mầu nhiệm, biết được sự biến hóa ấy là từ ánh sáng trí tuệ.
  9. Sự cảm ứng biến hóa ấy làm rõ thêm các pháp Tam-muội.
  10. Dùng pháp Tam-muội Kim cang, dùng sự hóa hiện mầu nhiệm để nhập Chánh thọ, dùng trí tuệ mà giác ngộ.

Bồ-tát đem mười hành quả của pháp Tam-muội ấy để thực hiện viên mãn các chủng.

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát có thể biến hóa làm Phật, có thể an trụ như Phật, có thể hóa hiện pháp luân, kiến lập mọi biến hóa thích ứng, hiện ra khắp nơi ánh hào quang của Đức Như Lai, chí nguyện tu tập Đại thừa, từ nơi nẻo ấy mà ứng hóa, hết mực tôn quý đối với tâm, tạo mọi cảm ứng thể hiện thần thông biến hóa để dẫn dắt chúng sinh tu tập các pháp giải thoát. Ở trong bậc Bồtát luôn được tôn quý hết mực, vì đã thông tỏ pháp Tam-muội “Bồ-tát Vô Trước Tuệ”, dùng cái đắc của vô đắc, đem các pháp môn trong trăm ngàn pháp môn tạo sự cảm ứng rộng khắp nhằm chuyển bánh xe chánh pháp. Bồ-tát thông đạt hết thảy mọi hành một cách vô ngại, đều nhận biết nẻo vô tưởng niệm, dùng ánh sáng của trí tuệ ấy để trong một lúc có thể thông tỏ trọn vẹn, tạo cảm ứng lớn lao cả ba đời thảy đều vô ngại. Bồ-tát dùng mười sự việc ấy tạo sự cảm ứng biến hóa hết sức lớn, thể hiện mọi nẻo hành trì của Bồ-tát và chư Phật nhằm dẫn đến việc tu tập các pháp giải thoát, vượt bờ.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ nhận rõ các hành của thân, các nơi chốn có thể nương dựa, an trụ để đạt được trí tuệ thông tỏ các pháp Tam-muội “Đại đức quyền”.

********

Phẩm 11: DÙNG ĐẠI TUỆ PHÂN BIỆT THÂN HÀNH LÀ KHÔNG

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ ở nơi thân mình xem xét, quán tưởng tận cùng về thân ấy thảy đều như huyễn, mọi đối tượng nhận thức của mắt đều thuận ở pháp giới. Bồ-tát dấy khởi pháp Tam-muội cũng cùng với mọi lỗ chân lông nơi tự thân nhằm thực hiện pháp ấy. Nơi mỗi mỗi chân lông hiện ra các pháp giới và Bồ-tát ở nơi đó nhập Chánh thọ. Sự việc ấy giống như an trụ các pháp huyễn, cho đến các đối tượng được nhận biết là các cõi nước cũng như các pháp thế gian. Do nhận biết các pháp mà liền biết hàng ức na-thuật, vô số các cõi nước. Lại nhận biết cái đắc của vô đắc nơi cõi Phật có vô lượng cõi nước như vi trần. Ở nơi các cõi nước ấy đều hiện có Phật với chúng Bồ-tát vây quanh đông đủ, hết mực thanh tịnh, đều là bậc dũng mãnh, hiền hạnh, biện tài, cảnh giới vô cùng trang nghiêm rộng lớn với muôn ngàn vẻ rực rỡ như ánh mặt trời tỏa chiếu, lại có vô số các thứ châu báu, làm tăng vẻ tươi đẹp nghiêm tịnh.

Nơi các cõi đó, hoặc trong mười kiếp, hoặc trăm, ngàn, hoặc trăm ngàn, ức, hoặc ức ngàn na-thuật, hoặc vô số vô hạn vô biên vô tế, tận cùng vô tận của số lượng, cho đến cõi Phật có số lượng kiếp như vi trần, hành các hạnh nguyện của Bồ-tát, làm nơi chốn nương trụ ấy, nhưng chẳng có thể tận cùng. Bồ-tát ở nơi ấy, thực hiện pháp Tam-muội Chánh thọ đó nên lại giác ngộ. Ở nơi đó nhập Chánh thọ thì ở nơi pháp Tam-muội kia mà giác ngộ. Bồ-tát nhập khắp các cõi nước, nơi ấy hóa hiện nhiều thứ, hóa hiện cảnh giới chúng sinh đều khiến hội nhập vào pháp giới, thông tỏ mọi thứ trí tuệ của quá khứ, lại hóa hiện những nơi chốn thuyết giảng kinh pháp, không gì là không thông đạt đầy đủ. Chỗ nhận thức phân biệt của mắt cũng vô ngại, ở nơi các pháp luôn được tự tại, đứng vững để vượt qua. Chỗ phân biệt của tai cũng vậy, đều nhằm đến sự tu tập giải thoát, vượt bờ. Chỗ phân biệt chỗ mũi cũng lại dùng các phương tiện. Chỗ phân biệt của miệng thảy đều sáng tỏ. Chỗ phân biệt của thân cũng được lãnh hội thấu đáo đầy đủ. Chỗ phân biệt của tâm thì mọi tuệ niệm đều trọn vẹn.

Bồ-tát dùng trí tuệ ấy tạo được sự thông tỏ nên liền đạt được mười ngàn ức Tổng trì. Những gì là mười?

Đem các pháp khế hợp đến khắp các cõi nước, thành tựu được mười ngàn ức hạnh nguyện thanh tịnh, lãnh hội trọn đủ mười ngàn ức các căn thần diệu. Hội nhập các hành của trí tuệ giác ngộ, đạt được đầy đủ mười ngàn ức thần thông, được nhập mười ngàn ức pháp Tam-muội, được mười ngàn ức Thần túc, thảy đều viên mãn nên đạt tăng thêm mười ngàn thần lực, có được trọn vẹn mười ngàn ức chân tánh, tạo được một cách hiển hiện mười ngàn ức nơi chốn nương trụ, đạt đến mười ngàn ức cảm ứng biến hóa, đó là mười. Bồ-tát lại có mười thể, nhờ đó thành tựu được ngàn ức. Bồ-tát có được mười Hành xứ, nhờ đó hoàn thành viên mãn ngàn ức. Bồ-tát có được mười Tạng, dùng để vượt qua ngàn ức bình đẳng. Bồ-tát có được mười Hạnh, ở nơi ngàn ức làm hiển lộ ánh áng chói lọi. Bồ-tát có được mười Trụ, dùng để diễn bày ngàn ức các lời giảng dạy. Bồ-tát có được mười Nguyện, nhờ đó vượt qua mọi tạo tác về đức thiện của ngàn ức. Bồtát có được ngàn Hối quá chân thật, theo đó dựng được các tạo tác về tu đức của ngàn ức. Bồ-tát có được mười Minh hiển, qua đấy đạt đến mọi hành hóa thanh tịnh của ngàn ức. Bồ-tát có được mười Hướng thắng, nhờ đấy tự mình làm cho ánh sáng hiển lộ đạt tới ngàn ức. Bồ-tát có được mười Quả thanh tịnh, từ đó đạt được sự thanh tịnh ngàn ức.

Như thế là Bồ-tát Đại sĩ đã thực hiện đầy đủ vô số thân, thành tựu vô số công đức, viên mãn các đức không phân tôi ta, trọn nên vô số hạnh, tu tập chẳng thể nghĩ bàn các đức, thực hiện vô xưng hạn các đức, trọn các hạnh ngã vô ngã, được chỗ thu hoạch của vô đức, vô tận niệm về đức hạnh của vô ngã.

Bồ-tát dùng sự thực hiện đó hoàn thành đầy đủ các đức, đạt tới các hành bình đẳng để tự trang nghiêm cho quá trình tu tập của mình, thể hiện sự an lạc, điều hòa, diệu dàng, đạt được sự ngưỡng mộ tôn thờ, cúng dường của chúng sinh, cùng làm tăng giá trị thù thắng, không gì có thể sánh, vì đó là sự dũng mãnh tối thượng.

Bồ-tát ở nơi pháp ấy đạt được tự tại. Bồ-tát nương trụ nơi pháp Tam-muội đó. Ở nơi phương Đông cho đến mười cõi Phật với vô số ngàn nơi chốn của Như Lai số lượng như vi trần, dùng mỗi mỗi tên chữ để kiến lập. Mỗi mỗi tên chữ ấy đều có đủ mười cõi Phật với vô số nơi chốn Như Lai cũng như trên. Không thể có ý niệm về hạn lượng ấy. Từ số lượng đó cho đến một vi trần, phân ra làm cõi Phật với vô số ngàn số lượng như vi trần, hiện hữu khắp trong các cõi đó cũng không nhận biết, không hề tăng giảm. Như sự không nhận biết của cái một, mà không tăng giảm, nên đối với khắp các cõi số lượng như vi trần cũng lại như vậy.

Như nơi chốn thực hiện ở phương Đông, các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và hai phương trên dưới cũng như thế. Từ một vi trần ấy phân ra nơi chốn có thể vướng mắc của sự ngăn ngại, số lượng cũng như trên. Chư Bồ-tát ấy đều có thể kiến lập để có thể hiện ra thân tướng khắp chốn. Như thế-là các Bồ-tát đó, ở nơi các cõi Phật, có thể tạo dựng khắp xứ những chốn thanh tịnh. Nhờ vào thân tướng vô hạn của Như Lai, lại ở nơi ánh sáng luôn tỏa chiếu đạt được tự tại, lại nhờ ở tính chất không thể nghĩ bàn nên có được sự cảm ứng lớn lao, tạo ra sự hóa hiện khắp cõi. Nơi chốn ban bảo của tai Như Lai cũng lại vô lượng. Sự phân biệt của mũi Như Lai cũng không hạn lượng. Từ chỗ phân biệt của miệng Như Lai hiện ra sự bình đẳng. Thân Như Lai ở nơi thích ứng, thuận hợp với mọi sự hành hóa khác. Chốn hiện của tâm Như Lai cũng vượt quá mọi giới hạn. Đối tượng nhận thức và tư duy của Như Lai chánh giác cũng là vô hạn lượng Âm thanh Như Lai nêu bày thì thanh tịnh. Bánh xe chánh pháp của Như Lai hiển hiện khắp cõi, không hề thoái chuyển, khiến cho hết thảy các loài đều biết về Thánh chúng của Như Lai là vô hạn số. Sự giác ngộ các pháp của Như Lai lại cũng vô hạn, mà hoàn toàn thuận hợp để dẫn dắt muôn loài. Dấy rõ, hiện khắp gốc công đức của Như Lai nơi ba đời tu hành mà vô số Như Lai đã hiện bày, làm rõ các pháp, cùng với chỗ Như Lai kiến lập thể hiện qua âm thanh nêu dạy thuyết giảng. Đó là mười.

Bồ-tát hiện ra cõi của Như Lai kiến lập, dùng âm thanh của Phật tạo ra những trận mưa các pháp, khiến cho âm thanh của Phật được nghe khắp các cõi nước.

Bồ-tát nêu bày truyền bá sâu rộng các pháp Tam-muội chánh thọ của Phật, cũng lại là nêu dạy khắp các pháp của Đức Thế Tôn và chúng Thánh hiền, kiến lập các pháp chẳng thể nghĩ bàn của Phật. Nơi chốn tuyên giảng các pháp thảy như cảnh huyễn hóa, nêu bày diễn nói các pháp mà không có chỗ vướng mắc, chấp bám, đều nhằm làm hiển lộ tất cả các pháp tràng, thảy khiến hiện rõ thông suốt khắp nơi các hành thuộc mọi đức của Như Lai. Đó là mười.

Bồ-tát thực hành hết thảy các pháp Tam-muội, dẫn dắt thích hợp như cảnh huyễn hóa, tâm kiến lập như huyễn, lãnh hội không hề bị ngăn ngại. Bồ-tát ở nơi pháp giới đó, mà luôn được tự tại, nên Bồ-tát mới thực hiện việc kiến lập.

Bồ-tát đối với chư Phật Thế Tôn, ở nơi các chủng loại tâm ý, dùng mỗi mỗi tên chữ mà hiện ra vô số cõi Phật, vô số ngàn như số vi trần chư Như Lai. Dùng mỗi mỗi tên chữ số lượng như vi trần. Dùng mỗi mỗi vi trần mà tạo dựng như mười cõi Phật, cho đến chín số cõi Phật số lượng như vi trần thì cũng không tăng giảm, cũng không ai có thể biết chỗ giữ được ấy. Đó là chỗ Bồ-tát kiến lập.

Bồ-tát tu tập ứng hợp với các hành yên tịnh, cũng là chỗ kiến lập của tâm. Dùng các hành ý không chấp trước để làm nơi kiến lập nên đối với các pháp không còn mê lầm. Do luôn nhớ nghĩ đến chỗ kiến lập, nên đối với các pháp, dùng trí tuệ phân biệt nhận biết rõ. Thực hiện các chỗ kiến lập cũng là tạo ra nơi chốn thọ nhận các pháp. Thực hiện chỗ kiến lập cũng chính là tùy thuận để phụng trì các pháp. Cũng do biết được các nẻo của nơi chốn kiến lập mà có thể nêu bày truyền bá khắp các pháp tu hành. cũng kiến lập vô số các căn (tình), do đạt được thần thông nên nhận rõ nơi dụng của các pháp cùng trí tuệ theo phương tiện quyền xảo. Làm theo các hành “vô khởi”, thông tỏ nơi chốn kiến lập do vậy mà hội nhập với pháp giới theo diệu lý “không chốn chấp trước”. Cũng tu tập an trụ tuệ hạnh nên đạt được trí tuệ thanh tịnh vô hạn. Cũng an trụ trí tuệ của bậc Chánh đẳng Chánh giác, nên ở nơi khắp các cõi nước mà hiện mọi cảm ứng biến hóa.

Bồ-tát dùng những phương tiện ấy để an trụ nơi các pháp Tammuội, thấu đạt một cách sung mãn mười cửa của biển pháp. Những gì gọi là mười?

  1. Hiện ra biển Phật sung mãn, làm chỗ dẫn dắt thuận hợp cho mọi biển pháp.
  2. Do đã thâm nhập nơi biển pháp nên thực hiện được trọn vẹn biển trí tuệ.
  3. An trụ nơi vùng ánh sáng chói lọi nên đối với các tình (căn) không còn có chỗ bám víu, vướng mắc.
  4. Đem trí tuệ tạo sự cảm ứng lớn lao, lấy âm thanh để phu diễn diệu dụng của các pháp.
  5. Nhớ nghĩ đến biển lớn của các căn, thuận hợp để có được trí tuệ theo phương tiện.
  6. Thấu đạt biển tâm, quán sát thâu nhận tất cả mọi chủng loại sai biệt nên nhận biết được vô số tâm.
  7. Có được biển hành hóa viên mãn vì đã thực hiện đầy đủ các nguyện lực.
  8. Đạt được trọn vẹn hết thảy biển hạnh nguyện (Thiếu một pháp thứ chín).
  9. Thành tựu rốt ráo tất cả đối với đạo giác ngộ.

Đó là mười. Bồ-tát như thế đã là hoàn thành trọn đủ tất cả biển đạo đức.

Bồ-tát lại có mười sự, do vậy mà được xem là bậc Thượng Tôn.

Những gì là mười?

  1. Bậc Thượng tôn vì đã dẫn dắt thuận hợp tất cả muôn loài.
  2. Mong đạt đến quả vị tối thượng để chỉ dẫn giáo hóa chúng sinh.
  3. Mong hướng tới bậc Thượng tôn nên đạt được các phạm hạnh.
  4. Đạt đến diệu lực tối thượng vì mong đạt được trọn đủ các pháp.
  5. Mong đạt sự thù thắng hơn đời đối với tất cả các cõi trong thế gian.
  6. Dứt được hết mọi lỗi lầm nên đã chiến thắng các thứ ma oán.
  7. Mong đem ánh sáng giác ngộ thông suốt, soi tỏ, hóa độ hết thảy các nẻo ác.
  8. Mong đạt “vô sở úy” đối với mọi nơi chốn sinh khởi.
  9. Luôn tôn kính đối với các pháp của chư Phật.
  10. Mong đạt được tự tại đối với mọi chúng sinh, vì luôn có sự dũng kiện.

Đó là mười pháp giúp cho Bồ-tát đạt tới bậc Tối thượng.

Bồ-tát lại có mười sự, qua đó làm cho mọi cảnh giới của chúng sinh được hưng khởi. Những gì là mười?

  1. Chí nguyện xuất gia nhằm để hóa độ chúng sinh.
  2. Dũng lực tu tập và hành hóa luôn tinh tấn hết mực, không hề bị thoái chuyển.
  3. Mong được nương tựa nơi chư Phật, thọ nhận các hạnh nguyện theo đó mà hành hóa.
  4. Có được lực dụng vô hạn, khiến cho các pháp luôn được phát triển.
  5. Đạt được diệu lực tịch tĩnh của pháp Tam-muội, nên ở nơi các pháp luôn được tự tại.
  6. Tâm luôn kiên định tạo được lực dụng để dẫn dắt thích ứng.
  7. Đối với diệu nghĩa tự tại, rõ cội nguồn của pháp lực là không.
  8. Vì có được trí tuệ lớn nên lực dụng tuyên giảng các pháp luôn vô ngại.
  9. Đạt được dụng dũng mãnh nên mọi nơi chốn của pháp đều được kiến lập.
  10. Đạt được lực phân biệt nên ánh sáng giác ngộ vô lượng được nêu bày, ban bố khắp.

Đó gọi là mười lực nhờ đấy mà Bồ-tát đạt đến mười đại dũng lực. Những gì là mười?

  1. Dũng lực hết sức mạnh mẽ, không gì hơn.
  2. Dũng lực không chút lỗi lầm.
  3. Dũng lực vô lượng.
  4. Dũng lực dốc chí tu tập.
  5. Dũng lực an định, không bị dao động.
  6. Dũng lực tịch tĩnh dứt mọi dấy khởi.
  7. Dũng lực dứt mọi giận dữ.
  8. Dũng lực của trí tuệ thường tại.
  9. Dũng lực siêng năng tạo dựng.
  10. Dũng lực của tâm Từ bi vô bờ. Đó là mười lực dũng mãnh.

Bồ-tát lại có mười Lực. Những gì là mười?

  1. Lực thực hiện việc tu tập khế hợp.
  2. Lực của trí tuệ thanh tịnh.
  3. Lực của các pháp hết mực thanh tịnh.
  4. Lực của Pháp thân.
  5. Lực của các cõi pháp.
  6. Lực của ánh sáng chói lọi nơi các pháp.
  7. Lực của pháp tình.
  8. Lực của diệu lý “vô sở hoại”.
  9. Lực của quá trình tu tập các hạnh lành.
  10. Lực của sự tu học tinh tấn, thâm nhập. Đó là mười đại lực.

Bồ-tát lại có mười Lực. Những gì là mười?

  1. Lực của bậc Đại Trượng Phu.
  2. Lực của bậc chánh hùng dũng.
  3. Lực của bậc Chánh đẳng Chánh giác kiến lập.
  4. Lực của chỗ gốc tu tập các đức từ nhiều đời trước.
  5. Lực của sự ứng hợp nơi gốc công đức vô lượng.
  6. Lực của bậc Như Lai.
  7. Lực của sự hội nhập thích ứng khắp thời, cõi.
  8. Lực tích lũy vun đắp từ ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.
  9. Lực có được từ quá trình tu chứng các địa của Bồ-tát.
  10. Lực đạt được từ nỗ lực tin tưởng hướng đạt thanh tịnh của Bồ-tát.

Đó là mười Lực.

Bồ-tát lại có mười Lực. Những gì là mười?

  1. Lực của Bồ-tát lìa dứt mọi dòng mọi nẻo lưu chuyển.
  2. Lực của Bồ-tát thuận hợp mọi duyên. 3. Lực của Bồ-tát ở nơi tánh được tự tại.
  3. Lực của Bồ-tát tu tập nội tánh đạt thanh tịnh.
  4. Lực của Bồ-tát tu tập gốc các đức thông qua các hạnh nguyện.
  5. Lực của Bồ-tát thực hành các pháp tối thượng.
  6. Lực xuất phát từ thân không tham đắm.
  7. Lực của Bồ-tát dùng mọi sự thật để đạt được những thành tựu.
  8. Lực của Bồ-tát thâm nhập nơi trí tuệ phương tiện.
  9. Lực của Bồ-tát tin tưởng hướng đến gốc thanh tịnh của các pháp.

Đó là mười.

Bồ-tát lại có mười Lực. Những gì là mười?

  1. Lực có được từ sự an trụ khắp cõi thế, ung dung an lạc trong diệu lý “vô trụ xứ”.
  2. Lực vô song đối với mỗi loài.
  3. Lực không có gì để so sánh đối với hết thảy mọi cõi.
  4. Lực có được từ việc dùng các đức hạnh giáo hóa chúng sinh.
  5. Lực phát sinh từ trạng thái an định không điên đảo đối với mọi nẻo sinh tử.
  6. Lực có được từ sự vượt qua mọi dòng sinh tử, đạt thanh tịnh như hoa sen.
  7. Lực phát sinh từ nỗ lực hiện khắp nơi các nẻo dẫn dắt muôn loài, hàng phục hết thảy quân ma.
  8. Lực dấy lên từ việc khiến đám ma quy thuận, thành tựu các pháp Đại thừa.
  9. Lực của sự hóa độ khắp ba cõi chứng đắc diệu lý “vô sở xứ”.
  10. Lực của sự khuyến phát khắp mười phương cùng tinh tấn, không bị ngăn ngại.

Đó là mười.

Bồ-tát dùng vô số các pháp như thế để thực hiện việc đem đức giáo hóa đạt được những thành tựu viên mãn.

Lại nữa, Bồ-tát dấy khởi đầy đủ các hạnh nguyện, làm cho chúng càng thêm sáng tỏ, khiến chúng thêm hiển lộ, tỏa chiếu nhằm ứng hiện khắp nơi, thảy đều thành tựu. Đem trí tuệ luôn được tăng tiến đến mức bao la ấy hỗ trợ cho các hạnh nguyện kia để đạt được cõi thanh tịnh rộng lớn. Đó là mười nẻo thuận hợp với pháp Tam-muội thanh tịnh. Mọi thể hiện các đức cũng như trí tuệ của Bồ-tát là không có giới mốc, không bị ngăn ngại. Hành động của chư Bồ-tát ấy cũng không có hạn lượng, đức mà chư vị đó chuyên chở luôn vượt quá mọi lường tính, khó có thể nêu xưng.

Lại nữa, nơi chốn hành hóa của chư Bồ-tát ấy khó có thể lường đoán. Cõi, xứ mà chư vị ấy thâm nhập cũng không thể đo, tính được. Mà trú xứ hưng hóa của chư vị Bồ-tát đó cũng vượt ngoài mọi ngằn mé. Sự thanh tịnh cả chư vị đó cũng chẳng thể nghĩ bàn, cả đến phạm vi tu chứng cũng là vô tận.

Lại nữa, các pháp của chư Thánh hiền mà Bồ-tát tu tập cũng không thể diễn nói hết. Do không thể đạt được nên cũng không thể nghĩ về hạn lượng. Nơi mà chư Bồ-tát đó có thể đạt được, ấy là: Chốn Bồ-tát có thể nhân đó mà dấy khởi, nơi chốn ứng hiện sự hành hóa, nơi chốn sẽ đạt đến.

Lại nữa, chư Bồ-tát ấy tỏ rõ mọi nơi chốn mình đi đến, nơi chốn có thể nhận thức thấu suốt, nơi chốn ánh sáng trí tuệ vượt qua, nơi chốn có thể tri kiến mọi tạo tác của các pháp, nơi chốn thích hợp sẽ đạt được, trú xứ của trí tuệ thực hiện hết thảy các pháp, nói chung là đều thông đạt. Đó là mười.

Sự an trụ ở nơi pháp đại Tam-muội ấy là vô số vô hạn, vô lượng, vô biên tế, vô tận, vô xưng hạn, vô tư nghì, vô ngã đắc mà đắc. Đó là mười.

Bồ-tát ở nơi pháp Tam-muội ấy nhập Chánh thọ, nhập ở nơi mỗi mỗi các hành, hoặc nhập, hoặc khởi mà thảy nhận rõ các hành của pháp Tam-muội đó, thông đạt vô số các pháp Tam-muội, thông tỏ một cách đầy đủ các pháp Tam-muội, cũng như sự tăng giảm của pháp ấy, cả tính chất huyễn hóa của nó nữa. Bồ-tát đối với pháp Tam-muội ấy đều thông suốt; nơi chốn nhận thức và hành động, nguyên do tạo các hành, ngằn mé tận cùng, tính chất ung dung tự tại, các nẻo tịch tĩnh cùng những nhớ nghĩ về các hành của pháp đó, ví như cung điện nơi ao Vô Nhiệt của Long vương, từ ao ấy có bốn con sông lớn chảy ra, nước luôn đầy ắp và trong vắt, chẳng chút cáu đục, trong sạch không bợn, thơm ngọt, tinh khiết. Vòng quanh bốn mặt ao có bốn cửa sông từ đó chảy ra thành bốn con sông lớn. Nhánh thứ nhất gọi là sông Hòa, nhánh thứ hai gọi là sông Bạt-xoa, nhánh thứ ba gọi là sông Xà, nhánh thứ tư gọi là sông Hằng. Sông Hòa chảy ra phía Bắc, sông Bạt-xoa chảy vô phía Nam, sông Xà chảy xuống phía Đông, còn sông Hằng thì chảy lên hướng Tây. Bốn con sông đó, sông nào cũng chảy vòng trở lại, uốn khúc nhiều vòng quanh ao rồi theo hướng chính mà đem nước tràn bờ đổ ra biển cả.

Về dòng nước của các con sông lớn kia, chảy quanh ao bảy vòng, nơi quãng sông ấy có các thứ hoa sen màu xanh. màu hồng, màu trắng, màu vàng, màu sắc và ánh sáng đều dùng các thứ châu báu tạo thành, tinh khiết, tươi trắng vi diệu, lần lượt tỏa chiếu rực rỡ, hiện rõ vẻ xinh tươi không chút ô uế. Ở các quãng sông đó cảnh vật thật hài hòa: Chói lọi mà trong suốt, cành lá mỗi thứ mỗi vẻ, hiện ra như mỗi lúc một rõ hơn. Cho dù họa sĩ đối cảnh ấy cũng khó vẽ nên tranh. Màu sắc chuyển động dịu dàng, rạng rỡ một cách trọn vẹn. Âm thanh thánh thót, lạ lùng thật là cảnh sắc của một trí tuệ kỳ diệu, tranh vẽ thật khó diễn tả hết được cái diệu lực của sắc màu ở đây. Phải dùng đến vô số câu thơ văn hay hoặc diễn qua lời nhạc.

Cành lá nối nhau lung linh trên mặt nước, vẻ đẹp như cứ tăng thêm, cùng với hương thơm, mùi lạ. Lại dùng vô số các thứ châu báu để tô điểm. Khối sắc màu rạng rỡ ấy giống như mặt trời mới mọc chiếu soi xuống đền đài cung điện, ánh sáng cũng rực rỡ lắm màu. Mhưng màu sắc của các thứ hoa kia xen nhau, cùng chiếu vào nhau, tương phản nhau, còn rực rỡ hơn nữa, có thể làm át mất ánh sáng tinh ròng của mặt trời.

Nơi đám hoa đủ màu tại các quãng sông đó thường có chư Thiên, lúc hiện lúc ẩn quanh quẩn mấy đoạn sông uốn khúc, chư vị cũng thường hay dạo khắp vùng kỳ hoa dị thảo ấy, mà đối với những thứ hoa kia thảy luôn cúi đầu chiêm ngưỡng.

Sắc hoa tươi thắm, rờ rỡ, mặt trời chiếu xuyên qua, màu vàng huyền diệu đó như không còn nữa. Nét tinh ròng của ánh sáng mặt trời như lay động đám hoa kia, cùng tạo ra vô vàn âm thanh kỳ lạ trên dòng nước chảy còn hơn cả kỹ nhạc của chư Thiên.

Bồ-tát Đại sĩ cũng như thế: Có đủ bốn thứ Biện tài vô ngại từ đó tuôn ra muôn ngàn hạnh giải làm sung mãn biển lớn Phổ trí.

Như mùi hương nơi dòng sông lớn kia có diệu sắc của chất bạc, từ cửa Mã chảy ra, nơi đáy dòng sông đều có cát màu bạc. Bồ-tát cũng như thế: Từ nơi trí thanh tịnh, mọi hành thuận hợp, theo miệng xuất ra mọi diệu nghĩa thích ứng, mọi hạnh nguyện của chư Như Lai, hết thảy mọi diệu nghĩa của sự hành hóa, các pháp khéo hiện bày, các pháp của tuệ sáng tỏ, phân biệt nhận rõ trọn vẹn không chút ngăn ngại, tất cả được quy về biển trí.

Như con sông Hòa dài rộng kia có màu sắc kim cương, từ cửa Sư tử chảy ra cát nơi đáy dòng sông cũng có màu sắc kim cương. Bồ-tát cũng như thế: Phát ra màu sắc rực rỡ của các pháp, có được sắc kim cương của Phật mà tự an lạc, dùng màu sắc ấy chiếu sáng nơi khắp thế gian, dùng trí tuệ kim cương để tự an lạc, nhằm làm sung mãn biển trí vô tận.

Như hai con sông lớn ấy có màu sắc vàng ròng, tươi trong mà rực rỡ, cát nơi đáy dòng sông cũng có màu sắc vàng ròng ấy. Bồ-tát cũng như thế; từ các biện tài vô ngại mà phân phát, nêu bày, theo miệng mà xuất ra, tất cả chúng sinh nương tựa quy ngưỡng đối với tuệ thân mình, từ đó đem lại an lạc cho mọi loài trong khắp cõi đời. Dùng trí tuệ kim cương mà tạo ra cảnh giới ánh sáng để hóa độ khắp, luôn dốc thuận theo sự dẫn dắt của nhân duyên, khiến quy về nơi biển trí.

Lại như con sông lớn Bạt-xoa, ánh màu sắc lưu ly, từ cửa Ngưu mà chảy ra, dòng chảy trong lành nên sắc màu cũng thanh khiết. Bồtát cũng như thế; dùng ánh sáng rực rỡ của biện tài vô tận mà tuôn trào. Đem các pháp vô ngại, với hàng ức na-thuật trăm ngàn uy lực dũng mãnh, theo niệm mà tuôn mưa pháp đầy dẫy, cùng chảy về sông pháp, chuyển biến làm sung mãn nơi biển Phổ Trí, thành tựu đến tận cùng là biển Pháp Tạng của chư Phật.

Như bốn con sông phát xuất từ bốn cửa nơi ao lớn kia, ở bốn mặt, các con sông đều uốn khúc chảy vòng rồi mới chảy ra biển. Bồtát cũng như thế. Thân hành, Ý hành đều thuận hợp để quy về, cả thân khẩu ý đều hợp chuyển, tất cả đều được thực hiện một cách đầy đủ.

Cũng như dòng chảy của bốn con sông lớn kia rốt cuộc đều dổ ra biển, Bồ-tát cũng như thế: Dùng bốn thứ trang nghiêm mà quy về biển Phổ Trí. Những gì là bốn?

  1. Nhận thức lãnh hội về chư Phật lấy đó làm sự trang nghiêm.
  2. Lãnh hội thấu đạt về trí tuệ phân biệt của Phật.
  3. Đem ánh sáng rực rỡ của các pháp chư Phật mà làm sự trang nghiêm.
  4. Thâm nhập, thực hiện các pháp Tổng trì mà không nghi hoặc.

Đó là bốn pháp trang nghiêm. Lại có bốn pháp trang nghiêm nữa:

  1. Dùng các pháp tu tập vượt bờ mà làm sự trang nghiêm.
  2. Dùng các hạnh của chư Bồ-tát mà làm sự trang nghiêm.
  3. Dùng hạnh đại Bi mà làm sự trang nghiêm.
  4. Thực hiện đầy đủ công việc chuyển pháp luân khắp mọi chúng sinh, lấy đó làm sự trang nghiêm.

Như các con sông lớn ấy đều uốn khúc quanh hồ bảy vòng, dùng bốn thứ hoa sen màu xanh, hồng, vàng, trắng mà làm cho cảnh sắc thêm trang nghiêm. Bồ-tát cũng như thế, đem tâm Đại thừa, ở nơi cõi thế gian mà nêu giảng chánh pháp khiến cho những chúng sinh chưa được giáo hóa dấy khởi tâm hướng về đạo giác ngộ. Thực hiện các pháp Tam-muội Chánh thọ, hàng trăm ngàn vạn ức na-thuật pháp như vậy được thực hiện khắp cõi, khiến cho chúng sinh được thấy công đức của Phật nơi ba đời, được thấy các cõi Phật thanh tịnh không chút cấu nhiễm.

Như mặt nước nơi ao lớn kia luôn trong lặng không xao động, dùng các hàng cây báu bao quanh. Bồ-tát cũng như thế: Dùng các cõi trang nghiêm mà vây quanh quá trình tu tập của mình để đạt đến chánh giác, thể hiện sự an lạc tự tại.

Như nước nơi ao lớn ấy, vắng lặng, không chút xao động nên luôn trong suốt không chút cáu đục. Bồ-tát cũng như thế. Các vị Bồtát ấy dùng đạo đức chế ngự nơi tâm nên luôn được tĩnh tại an nhiên, trong lặng, đầy đủ vô số gốc của mọi công đức.

Như ở nơi ao Vô nhiệt, dùng các thứ châu báu làm bờ, trong ngoài đều chiếu khắp, thanh tịnh hết mực. Bồ-tát cũng như thế. Nơi tâm của chư Bồ-tát ấy dùng mười thứ bảo tuệ trang nghiêm, cho đến trăm ngàn ức na-thuật các hạnh, đạt tới trí tuệ nơi nguyện, tối thượng thông tỏ cội nguồn của mọi đức thanh tịnh.

Như nơi ao lớn ấy, trong ngoài đều trong lặng, đáy ao có loại cát màu vàng ròng, lại dùng các loại châu báu làm tăng thêm vẻ đẹp. Bồtát cũng như thế. Đạt được trí tuệ thông suốt, do ý “vô niệm” nên thấu tỏ cảnh giới của Bồ-tát, dùng đức hạnh của chư Bồ-tát để tự trang nghiêm, đối với các pháp đều vô ngại, rõ nơi chốn hành hóa của chư Phật là “không chốn trụ”, nên cũng thông tỏ mọi hành, mọi hoàn cảnh.

Như Long vương ở nơi ao lớn không hề bị sức nóng bức bách ấy, Bồ-tát cũng như vậy: Dẫn dắt thuận hợp tất cả những nỗi sợ hãi của chúng sinh ở đời, giúp họ nhận thấy rõ cùng khiến cho hết thảy các loài trong tận cùng thế gian đều được che chở, cứu giúp.

Như các dòng sông kia từ bốn cửa nơi ao rộng mà chảy đi theo các hướng. Giống như sự quy ngưỡng công đức của chư Phật, chiếc thuyền nhỏ dần dần đi qua các bến nước mà về tới nơi biển rộng. Bồtát cũng như thế; dùng bốn dòng sông đại trí tuệ, vì chư Thiên, Phạm vương, cõi Ma, Sa-môn, Phạm chí, cho tới tận cùng các cõi loài người, mà khiến cho tất cả cùng được thấm nhuần trí tuệ ấy. Con thuyền nhỏ dần dà nhập vào biển trí tuệ vô thượng của Phật. Bồ-tát cũng dùng bốn thứ lực để tự trang nghiêm. Đó là:

  1. Dùng trí tuệ của bản nguyện cứu giúp khắp thảy các loài trong thế gian.
  2. Hướng trí tuệ không bị gián đoạn, hóa độ tất cả chúng sinh nơi mọi đường mọi nẻo.
  3. Thực hiện viên mãn Trí tuệ ba-la-mật (Độ vô cực) khiến chúng sinh được nương nơi hạnh nguyện của Bồ-tát, thuận theo chánh pháp thanh tịnh.
  4. Hiểu rõ và nắm vững cội nguồn của hết thảy chúng sinh, thông tỏ các niệm, khiến tất cả quy về dòng chảy liên tục, nhập vào biển trí tuệ ba đời.

Đó là bốn lực. Bồ-tát trừ bỏ những nơi chốn ngưng trệ tức là thực hiện các hành nơi định tuệ của mình. Bồ-tát dùng vô số các pháp Tam-muội làm các bảo vật để tăng vẻ trang nghiêm, mong được thấy chư Phật, dùng trí tuệ vô kiến hội nhập vào biển lớn của chư Phật. Bồtát thể hiện trí tuệ của tâm đại Bi, mà nơi mọi hành động thể hiện ấy cũng bao hàm tâm đại Từ, chỉ dẫn thích ứng đối với tất cả chúng sinh, không hề thoái chuyển, luôn dấy khởi tâm ấy hết mực, dùng vô số trí tuệ quyền xảo mà khiến cho tất cả quy về biển lớn của mười lực.

Như bốn dòng sông dài kia, từ nơi ao rộng Vô nhiệt chảy qua các vùng đất rồi đổ vào biển cả vô tận. Bồ-tát cũng như thế. Thực hành các đại nguyện của bậc Đại sĩ, gồm đủ các hạnh Bồ-tát, thành tựu được hết thảy trí tuệ lớn lao vô tận mà sự thực hành ấy cũng vô tận, thường được thấy chư Phật đạt được an lạc.

Như bốn dòng sông lớn ấy, chảy qua nhiều nơi và về đến biển rộng chớ không quay trở lại, mà cũng không hề bị đứt đoạn. Bồ-tát cũng thế. Nguyện lực của Bồ-tát là vô ngại, được tu tập đầy đủ theo ánh sáng rực rỡ nơi hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, được nhập vào các nẻo đường giác ngộ, các nẻo pháp của Phổ trí. Dùng vô niệm, dứt mọi chấp bám vướng mắc để tu tập theo hạnh nguyện của Như Lai.

Như bốn con sông lớn ấy, dòng chảy cứ tuôn mãi về biển cả, trải qua bao kiếp không hề có nơi chốn dừng nghỉ hoặc tỏ ra mệt mỏi. Bồtát cũng như thế: Tu tập, hội nhập vào các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, trải qua vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát, không hề lười nhác hay mệt mỏi, đem mọi sự thành tựu ấy quy về biển lớn của chư Như Lai, quy về nơi hành “vô tưởng”.

Như các dòng sông lớn kia chảy luôn đi chứ không quay trở lại! Dùng các thứ bảo vật làm ánh sáng, dùng cát màu vàng ròng làm sự tỏa chiếu, dùng cát bạc làm vẻ rực rỡ, dùng cát vàng làm sắc óng ánh, dùng cát lưu ly để làm lộ vẻ sặc sỡ. Ánh sáng của mặt trời chiếu xuống, vẻ sáng rỡ của nó như bị đoạt mất. Mọ nơi chốn tạo tác, không chốn nào bị phiền nhiễm. Cái vẻ sáng rỡ của mấy con sông đó hầu như không thể dùng ví dụ để diễn tả. Đó là sự hội tụ, là nơi chốn hợp thành của các thứ châu báu.

Chư Bồ-tát ấy cũng như thế. Ở nơi Pháp thân thì luôn đạt tự tại. Kiến lập các pháp Tam-muội, nơi mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân tướng, không thể lường tính về giới hạn, hiện khắp ánh hào quang của chư Phật, qua đó thấy rõ các cõi nước, các chúng hội, đạo tràng, được nghe pháp và dốc tâm phụng trì, thông tỏ vô số thân hành của Như Lai, cùng các cõi Phật, các hội trường của Như Lai, nghe nêu giảng các pháp, đạt đến cái đắc của vô đắc, tiêu trừ hàng ức na-thuật kiếp vọng tưởng liên tục, lại cũng không có cái niệm ngắn ngủi. Nơi các lỗ chân lông trên thân tướng đó, số lượng cũng không giảm, cùng với các cõi nước, chúng hội, đạo tràng của Như Lai, cũng như đối với lớp lớp cảnh giới của con người chẳng thể phân biệt nơi chốn.

Vì sao như thế? Là vì đã hội nhập vào pháp giới, dùng để lý giải diệu lý vô ngã, cũng chẳng rơi vào nẻo đoạn diệt.

Bồ-tát hành vô số pháp Tam-muội, tu tập vô số hạnh, hiện ra khắp các trú xứ của chư Phật, tạo ra vô số nơi chốn kiến lập cùng vô số cảm ứng biến hóa của chư Phật, chỉ ra chỗ quy về nơi các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.

Bồ-tát làm theo các chốn hành hóa thanh tịnh của bậc Bồ-tát, nhằm đạt được mười lực của Như Lai không chút ngăn ngại, tu tập các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, kiến lập đầy đủ, viên mãn, thông đạt mọi cảm ứng biến hóa vượt qua các ngăn che, hạn mức. Bồ-tát như vậy là dùng tâm đang hiện nhập Chánh thọ mà giác ngộ, có thể hiện thân tướng hết sức dài lớn, nhưng không bị kẹt ở chỗ mình đi vào, cũng chẳng bị vướng mắc nơi tất cả các hành động, dùng để lìa khỏi khoảng phân biệt hữu vô. Vì hết thảy chúng sinh nên hiện những nơi chốn hưng khởi của cõi Phật.

Bồ-tát ở nơi pháp giới không còn thấy sự phân biệt cõi nước, nơi chốn xứ sở, không trụ vào một hạn định nào, cũng chẳng trụ vào không vướng mắc của hai nẻo, dốc tu tập để hội nhập vào ánh sáng của trí tuệ giác ngộ, vui thích, ngưỡng mộ trí tuệ an định, tịch tĩnh, luôn khiêm tốn.

Bồ-tát thông tỏ và gắn bó với mọi loài chúng sinh, ở nơi các cõi ma vẫn đạt được thanh tịnh, đều thực hiện trọn vẹn mọi nẻo tạo nên lớp lớp tưởng của các cõi nước, tất cả thảy đều thấu đạt, chẳng dừng lại ở nơi chốn sinh ra các tưởng mà đều cố vượt qua giới hạn của mọi chủng loại hình tượng màu sắc, lãnh hội thấu đáo về chúng nhưng không bị chúng làm cho ô nhiễm.

Bồ-tát thể hiện viên mãn mọi khía cạnh của trí tuệ phương tiện, đạt được sự thanh tịnh thường tại, dứt hết mọi tưởng niệm, chứng đạt mọi địa. Ví như hư không, do đã lìa mọi cõi nên đối với các cõi thảy dung nạp không có sự phân biệt. Bồ-tát hành hóa nơi các cõi nước cũng như vậy. Nhận rõ các cõi nước để tu tập, hóa độ chúng sinh, vĩnh viễn lìa bỏ tất cả vọng tưởng của chúng sinh, hội nhập hết thảy pháp giới để dứt trừ mọi tưởng chấp về pháp, chiêm ngưỡng chư Phật không hề chán, nương tựa quy ngưỡng mong được thấy chư Phật, thấu đạt các pháp Tam-muội, phân biệt các hành động theo phương tiện, lãnh hội tính chất thanh tịnh của cội nguồn hết thảy các pháp mà không vướng chấp. Bồ-tát lãnh hội câu lời chánh pháp vô tận, có được trí tuệ từ vô lượng biện tài, nhưng cũng tỏ ngộ là không câu, không chữ, đạt được mọi nẻo của âm thanh cùng bản chất thanh tịnh của chúng, tiếp cận nẻo “vô đắc” của cõi pháp mênh mông, thể hiện mọi chủng loại loài hình sắc. Bồ-tát tạo sự dẫn dắt thích ứng trong mọi cảnh giới, rõ cội nguồn của các pháp là thanh tịnh, đem tâm đại Từ bi làm cứu cánh để tế độ tất cả chúng sinh trong các cõi, không tạo nhân sinh tử cũng như không tạo ra nơi chốn để nhân ấy phát sinh. Rõ gốc của mọi cõi đều thanh tịnh, tỏ nơi chốn an trụ trong giới pháp mà không có chỗ dấy khởi, rõ mọi nẻo sinh tử mà “không chỗ trụ”, ba cõi đều thanh tịnh, ngộ mọi hành của Như Lai, nơi lớp lớp các pháp đều vô niệm. Bồ-tát thực hành theo phương tiện vô số biện thuyết, tuyên giảng các pháp thanh tịnh, đạt đến rốt ráo các pháp hành.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ-tát Đại sĩ ở nơi pháp giới đạt được mọi trang nghiêm của Bậc tối tôn tối đại.

 

Phẩm 12: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÊU RÕ ĐẠI PHƯƠNG TIỆN

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Chư Bồ-tát Đại sĩ, thế nào là thực hiện pháp đại Tam-muội thứ mười dùng trí tuệ phương tiện nêu rõ các đức tối thượng? Này chư vị! Chư Bồ-tát có phá đại Tammuội gọi là “Vô tận tràng”. Nhập Chánh thọ thực hiện pháp Tammuội ấy, Bồ-tát đạt được sự an trụ của thân, khẩu, ý hành vô tận, cũng an trụ các cõi Phật vô tận, hành hóa độ khắp chúng sinh vô tận, dẫn dắt đưa trí tuệ của chúng sinh đến chỗ an trụ cũng vô tận, phóng ra hòa quang cùng các vòm lưới ánh sáng đều vô tận, hiện ra mọi thứ biến hóa lớn cùng góp sức chuyển pháp luân cũng vô tận, nơi thân tướng có thể hóa hiện Bồ-tát, Phật ở nơi các cõi nước cũng lại vô tận. Bồ-tát, trong pháp đại Tam-muội ấy, nơi thân tướng tất thấu đạt mọi diệu lực của chư Phật. Cũng như chí nguyện là mong có được trí tuệ như chư Phật, ở nơi các cõi, dùng pháp thanh tịnh của Phật tạo sự cảm ứng lớn lao khiến cho khắp chốn đều nhận biết rõ ràng, đi theo con đường của Phật Thánh. Thực hiện viên mãn các hạnh của Phật, nơi thân ấy cũng thâm nhập đầy đủ mọi hạn lượng của Phật, tu trì hoàn thành mọi Phật sự, đi đúng nẻo tự tại của Phật. Đó là mười đức tối thượng có được từ pháp đại Tam-muội ấy.

Lại nữa, chư Bồ-tát đó an trụ pháp Tam-muội trên, quán chiếu Phổ trí (Nhất thiết trí) thông tỏ Phổ trí, lãnh hội Phổ trí, thể nhập Phổ trí, phân biệt Phổ trí, hiện ra nơi Phổ trí, nêu bày về Phổ trí, thâm nhập Phổ trí để làm hiển lộ sự rộng lớn của trí tuệ giác ngộ ấy. Đó là mười.

Lại nữa, chư Bồ-tát ấy cũng nguyện tu tập theo các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, cùng với tâm, hành, nơi chốn hiện bày các hành, chốn nhập, chốn hiện khắp tam thiên đại thiên thế giới, chốn hướng đến, chốn kiến lập, chốn được nhuần thấm mưa pháp của vị Đại Bồtát ấy, tất cả đều không gián đoạn. Đó là mười.

Bồ-tát an trụ pháp Tam-muội, lại có mười hạnh: Đấy là không thoái chuyển, không tạo sự hao tốn, không quay lại, không mệt mỏi, không nhớ nghĩ, chẳng nhớ nghĩ về ngã, không rời bỏ, không loạn đọng, không đoạn tuyệt, không chấp vào âm thanh cho đấy là Bồ-tát. Đó là mười.

Như thế là chư Bồ-tát ấy ở nơi các pháp đạt đến đại nguyện, thực hiện đầy đủ các hành, tạo sự hưng khởi cho đại đạo. Bồ-tát đều khéo tu học theo biển lớn pháp Phật cũng là nơi hàm chứa các hạnh nguyện hết mực lớn lao của Bồ-tát, học hỏi theo ánh sáng hiển lộ của trí tuệ phương tiện quyền xảo, dùng sự khéo học hỏi tính chất huyễn hóa của Bồ-tát mà khéo thông tỏ tất cả mọi âm thanh, đạt được sự kiến lập, cũng như khéo thực hiện mọi kiến lập của chư Phật trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai cùng tất cả chư Phật ở đời, thực hiện được hạnh của tâm đại Bi, đem các hành ấy hoàn thành sự nghiệp của pháp Phật, làm cho pháp Phật hưng khởi không hề bị ngăn ngại. Đó là mười.

Vậy thì sự thực hiện ấy thế nào? Ví như có người được ngọc báu Như Ý, luôn nhớ nghĩ về viên ngọc báu ấy như hình tượng thường tỏa sáng của nó, như thế thì hình tượng viên ngọc trong sự nhớ nghĩ so với hình tượng viên ngọc thật không khác nhau.

Bồ-tát cũng như thế. Đạt được ngọc báu Như ý là sự kiến lập, nên đối với trí tuệ không hề tỏ ra nhàm chán, trái lại, thấu tỏ mọi tuệ của Phổ trí, ở nơi hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền tu tập không lười trễ. Như ngọc báu Ma-ni tự hiện tận cùng mọi màu sắc dáng vẻ của nó mà không làm mất bản thể của ngọc báu. Bồ-tát cũng như thế. Thành tựu trọn vẹn hình tượng của Phổ trí mà không làm mất Thể của bản hạnh. Vì sao như vậy? Là vì ý nghĩa phát nguyện của chư Bồ-tát đó là vì tất cả mọi loài, nhằm cứu độ hết thảy chúng sinh, mà phát nguyện tu tập theo các hạnh của chư Phật không hề thoái chuyển, vì muốn đạt được sự thanh tịnh của chư Phật nên không tỏ ra mệt mỏi, biếng nhác, nhằm gánh vác mọi việc nên không chậm chạp lùi bước. Bồ-tát đối với tất cả vô số các pháp thảy dứt mọi tưởng niệm về ngã, không lùi, không trễ, thể hiện khắp tất cả mọi cảm ứng lớn, ở nơi chúng sinh mà luôn được thanh tịnh, không nhàm chán mệt mỏi, đem lợi lạc cho khắp mọi loài ở đời không tỏ ra chậm trễ thoái chí. Bồ-tát đem ánh sáng giác ngộ soi sáng khắp thế gian mà tự thân không mệt mỏi nản bước, hội nhập trong vô số các pháp huyễn mà không chuyển hướng, tâm luôn tinh tấn hết mực. Đó là mười.

Ví như cõi mênh mông nơi hư không; không có nơi chốn trụ dừng, không có chỗ để nắm giữ, chẳng dấy sự mệt nhọc, cũng không suy giảm, hết thảy mọi ý không thể đạt được vì không có nơi chốn, không có sự trói buộc, không có chỗ nhận thức, chẳng ở trong cũng không ở ngoài, quán nội cũng chẳng có đối tượng, mà cái gốc thanh tịnh không hề bị hủy hoại. Vì sao? Là vì pháp hư không, bản tánh của nó là thanh tịnh. Bồ-tát cũng như vậy: Tu tập theo các nguyện hạnh rộng lớn vô tận, không dấy mệt mỏi vì sự hưng khởi của đạo pháp để độ khắp mọi chúng sinh. Ví như nói về sự diệt độ, vậy những ai được diệt độ đều hiểu rằng, vô tận hạn cúng sinh nơi ba đời đã diệt độ đều không có sự mệt nhọc, lo sợ, cũng không hề thoái chuyển. Vì sao? Là vì các pháp đều bất nhị, đều quy về cõi Diệt độ thanh tịnh thì sao lại có chuyện mệt nhọc. Bồ-tát cũng như vậy. Vì muốn độ khắp chúng sinh mà xuất hiện ở cõi đời, thế thì sao lại có chuyện thoái chuyển? Không hề thoái chuyển là nhằm để hóa độ mọi chúng sinh, cũng như là sự thực hiện đạt được Phổ trí vậy. Bồ-tát hành hóa cũng như thế. Đối với đạo pháp không có sự mệt mỏi, cũng không khó nhọc. Không trụ vào quá khứ, đối với hiện tại, an trụ vô lượng chư Phật ở đời. Vì sao? Là vì các pháp của chư Phật là như nhất không hai. Thế thì duyên nào đâu mà có sự khó nhọc? Đối với các pháp đều như huyễn hóa, nên không có nơi chốn nhập vào. Các pháp ấy cũng không gây sự lo sợ. Bồ-tát như vậy là nên dùng thân tướng mình dốc vào việc tu tập để hội nhập Phổ trí, thế thì do đâu lại có chuyện lười trễ?

Chư Bồ-tát đó thực hiện việc tu tập kia là đem ánh sáng của trí tuệ giác ngộ chiếu soi khắp đến mọi nơi chốn để cùng được sáng tỏ, chiếu soi khắp các cõi nước thảy đều không bị ngăn ngại. Những màu sắc của ánh sáng ấy là vô số, là kho chứa của mọi chủng loại, là cành hoa khó tìm, là châu báu quý giá vô tận, là mùi hương khó đạt được, thanh tịnh vô lượng, là sự chấn động mà hết mực trang nghiêm, là tiếng sấm lớn vang rền, tất cả như cùng hòa hợp, xen nhau lộ bày càng tăng vẻ tôn nghiêm tươi đẹp. Màu sắc ấy cũng rất mực tươi tốt như dùng các châu báu kỳ lạ tạo sự chất chứa tranh nhau cũng như thể hiện vẻ thanh tịnh trang nghiêm.

Lại nữa, nơi mỗi xứ đều có những hàng lan can dựa nhau, trong khoảng ấy đều tạo ra các màu sắc thể hiện sự thanh tịnh của Như Lai tăng thêm vẻ của ánh sáng, đem gốc của mọi đức làm ánh sáng chói lọi tỏa khắp bên ngoài, là chỗ tiếp cận với sự an lành của Như Lai dẫn tới nơi chốn kiến lập hiện rõ của chư Như Lai. Đó là mười.

Chư Bồ-tát đều an trụ một đóa hoa sen, hoa ấy thật vô đắc, vô hạn, tỏa rộng đến tận cùng mười phương, mười đức thích ứng với muôn ngàn vẻ thanh tịnh. Nơi chốn hành hóa của Bồ-tát là nguyên do phát sinh ra ánh sáng của trí tuệ giác ngộ. Nơi chốn nào có thể là nguyên do phát sinh ấy? Đó là sự giữ gìn ánh sáng nơi các pháp của chư Phật, là sự diệt trừ mọi thứ lửa dữ tham, sân, si trong khắp thế gian, nên được đời kính lễ. Bồ-tát thông đạt, thể hiện khắp các pháp huyễn hóa, ở nơi tận cùng cõi đời mà hành hóa, có thể hoặc không thể nêu bày.

Lại nữa, nơi chốn Bồ-tát an tọa trong tư thế kiết già nhập định, nơi đó đầy kín những đóa hoa sen tung rải khắp chỗ ngồi của Bồ-tát. Đó là do thần lực của chư Phật tạo ra khiến cho Bồ-tát vì chư Phật mà kiến lập ở nơi mười vô đắc trăm ngàn ức na-thuật cõi Phật số lượng cõi nước như vi trần. Ở nơi mỗi mỗi lỗ chân lông nên thân tướng của Bồ-tát đều phóng các luồng hòa quang sáng chói. Cũng như nơi mỗi mỗi lỗ chân lông, đôi mắt cũng phát ra ánh sáng chiếu khắp. Nơi mỗi mỗi ánh hào quang phát ra từ mắt ấy hiện lên mười vô đắc trăm ngàn ức na-thuật cõi Phật với số lượng cõi nước như vi trần, đều có ngọc báu ma-ni tên là Minh hiển tạng với vô số màu sắc kỳ lạ thảy thảy trang nghiêm, là nơi kết hợp của vô số đức, lưới báu giăng phủ bên trên, các thứ hoa xen nhau tô điểm, làm cho ánh sáng thêm lộ rõ.

Bồ-tát an trụ ở chỗ tối tôn, chỉ từ nơi pháp Tam-muội ấy mà thực hiện mọi sự hành hóa. Hành hóa của sự rốt ráo tột bậc. Hành hóa không ngừng nghỉ. Tâm không tán loạn. Nên đem cái niệm của tâm an định ấy tạo thành sự thật mà hành hóa, tạo thành sự thật không chận chạp thoái lui, tạo nên sự thật dứt mọi sân hận, tạo nên sự thật để tu tập, tạo nên sự thật cho hành động, tạo nên cứu cánh của hành động. Vì sao như vậy? Là vì Bồ-tát rốt cuộc không hành hóa một cách sai khác, trái lẽ. Bồ-tát cũng không nhờ vào kẻ khác làm giúp mình, ngôn hạnh của Bồ-tát luôn tương ưng. Vì sao? Ví như kim cương, được khen ngợi vì tính chất rắn chắc không thể hủy hoại. Thể tánh của kim cương là không bị hủy hoại nên rốt cuộc bản tánh của nó không hề mất. Bồtát cũng như thế. Thực hiện các pháp ấy và làm cho chúng thêm sáng tỏ, hiển lộ, nhưng không tan dứt đi nơi chỗ an trụ của chúng.

Ví như loại vàng ròng được ca ngợi vì màu sắc óng ánh của nó trong khi đem dùng nhưng không hề bị mất đi các ánh sáng tinh túy nơi thể tính nó. Bồ-tát cũng như thế. Đem ánh sáng tinh túy nơi các pháp tự làm cho chúng thêm sáng tỏ nhưng không hề hủy hoại các hành của sự tu thiện.

Ví như Nhật Thiên tử làm hiển lộ một vùng ánh sáng rộng lớn mà không làm mất đi cái vẻ sáng rực rỡ. Bồ-tát cũng như thế. Đem ánh sáng giác ngộ chiếu khắp tận cùng cõi đời mà không làm mất đi đức sáng chói của Bồ-tát.

Ví như núi chúa Tu-di là nơi cất chứa vẻ đẹp của bốn thứ châu báu, đỉnh cao tột bậc đó là từ nơi biển sâu hiện ra. Bồ-tát cũng như thế. Gốc đức của chư Bồ-tát ấy chính là vẻ đẹp hiển lộ khắp cõi đời. Làm cho chúng hiển lộ khắp mà không hề xa lìa chúng.

Ví như vẻ đẹp củ đại địa, có thể tạo nên sự vững vàng cho khắp thế gian mà không hủy diệt cái gốc của nơi chốn gìn giữ đó. Bồ-tát cũng như vậy. Hiển bày sự hóa độ chúng sinh. Không hề lìa tâm đại Bi. Ví như vẻ đẹp của biển cả, có các thứ châu báu nhưng hủy hoại nước biển, Bồ-tát cũng như vậy. Có được vẻ đẹp từ gốc của mọi công đức nhưng không lìa cái trách nhiệm nặng nề là vì chúng sinh để hóa độ họ.

Ví như người giỏi luyện tập quân binh, biết rõ chiều cao thấp của khí giới, cùng sự nặng nhẹ của chúng thì công việc tập luyện sẽ được thực hiện thuận tiện, trọn vẹn. Cứ dựa theo hình ảnh của lúc xông vào chiến trận mà tập thì sự luyện tập sẽ không khó khăn mà cũng không nhầm lẫn, áp dụng cho việc chiến đấu sẽ được lanh lẹ, thấu đạt. Bồ-tát cũng như vậy. Ở các hình tượng như thế, tu tập nơi các pháp môn Tam-muội mà làm cho dấy khởi, hiển lộ. Đem ánh sáng của trí tuệ giác ngộ để tạo nên vẻ sáng rực cho sự tu tập của mình.

Ví như Việt vương Già-ca, thọ mạng hết sức lâu dài, đối với thọ mạng của loài người thì đó là cứu cánh nhằm đạt đến. Bồ-tát cũng như vậy. Dốc tâm nơi việc tu tập các hạnh của Bồ-tát, đem các hình tượng nơi pháp đại Tam-muội Chánh thọ ấy mà đi đến tận cùng các cõi chúng sinh để đạt được mọi thanh khiết của cứu cánh.

Ví như người chứng đắc năm thứ thần thông, tự mình biết được túc mạng của mình cùng của người khác. Bồ-tát cũng như thế. Dốc tâm dấy khởi việc tu tập theo các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, làm cho mọi cảnh giới của chúng sinh đều đạt được thanh tịnh, thể hiện gốc của mọi công đức kia.

Ví như mây lớn tạo ra mưa, thấm nhuần mọi nơi chốn, đem lại lợi ích cho khắp các loài. Bồ-tát cũng như thế. Dốc chí dấy lên những đám mây tạo ra các trận mưa pháp, đem đức hạnh của Bồ-tát làm cho thấm nhuần khắp nơi.

Bồ-tát đem các hình tượng nơi pháp đại Tam-muội Chánh thọ ấy đến với tất cả chúng sinh, lấy thanh tịnh làm cứu cánh nên mới được chúng sinh quy kính, mà luôn có được mọi an lạc thường tại, luôn tu tập các pháp giải thoát độ vô cực, luôn luôn cứu độ nơi khắp thế gian, luôn luôn đem lại sự an vui cho khắp cõi đời, luôn luôn dứt trừ hết thảy mọi hồ nghi, luôn luôn thực hiện hạnh bố thí tạo các phước điền, thường mong đạt đến việc thọ nhận ánh sáng hiển lộ từ các bậc Thánh. Luôn luôn đem trí tuệ giác ngộ của Bồ-tát hòa đồng cùng bao số phận khác mà kiến lập bánh xe chánh pháp không hề thoái chuyển, luôn luôn đạt đến sự nhanh nhẹn trong ngôn từ, không gì là không thọ nhận, vì tất cả chúng sinh trong khắp ba đời mà làm chõ nương tựa cho họ, luôn luôn vì đạo pháp nên đạt đến ý nghĩa vững chắc của trí tuệ giác ngộ tạo thành sự thuận hợp cho chúng sinh. Vì sao như vậy? Là vì Bồ-tát tu tập đầy đủ các pháp ấy, làm theo nơi chốn kiến lập của Phật, khai mở cõi cửa pháp không thể nghĩ ngợi, lường tính.

Bồ-tát mọi nơi chốn hành hóa cùng ngôn từ của mình, khéo tu tuệ nhằm đạt đến trí tuệ giác ngộ, vì chúng sinh nên khéo tu tập để hóa độ hết thảy các loài, khéo tu tập nơi các cõi để thực hiện các thệ nguyện, khéo tu các pháp để có được mọi kiến lập, khéo tu tập để đạt tinh thần vô úy, dứt mọi nỗi kinh sợ, tu tập về biện tài để tuyên giảng, nêu bày chánh pháp đến các nơi. Đem việc tu học với các pháp để diễn giảng rộng khắp. Tu tập nơi các pháp Tổng trì nên đối với mọi pháp luôn đạt được tự tại. Tu tập lễ bái các bảo tòa của chư Phật nên tạo được sự thuận hợp với chư Phật.

Bồ-tát như thế là an trụ pháp đại Tam-muội ấy, ở nơi các đức ấy cùng với mọi thứ đức khác vô đắc (không thể nói) và vô đắc, các đức trăm ngàn ức na-thuật, thảy đều đạt được thanh tịnh. Bồ-tát đem nơi chốn của pháp đại Tam-muội ấy làm hiển lộ ánh sáng rực rỡ của uy nghi, thừa uy thần của chư Phật, do từ gốc đức hạnh của chính mình mà dấy rõ lực thể hiện. Do từ nơi ánh sáng của trí tuệ giác ngộ, thâm nhập một cách thích hợp “lực thể hiện”. Ở nơi các bậc bạn lành, từ đó mà dấy khởi rõ hơn “lực thể hiện”. Hết thảy mọi tạo tác của chúng ma cũng được xoay chuyển thành “lực thể hiện”.

Bồ-tát đối với các thứ hành động, gốc của mọi đức, đem tất cả chúng tạo thành một lực. Đối với các thệ nguyện chính là lực kiên cố như mặc đầy đủ áo giáp chắc chắn. Cũng như từ gốc của các loại công đức làm dấy khởi diệu lực. Trải qua vô tận thế giới, đem mọi phước tạo nên lực của thân tướng không biết khuất phục.

Bồ-tát dùng pháp Tam-muội Chánh thọ ấy mà thực hiện đạt được mười thứ hình tượng. Hết thảy chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại vị lai đều cùng có hình tượng ấy. Những gì là mười?

  1. Đó là sắc tướng gồm những vẻ đẹp dùng để trang nghiêm thân mình, các vị Bồ-tát ấy đều có được hình tượng đó.
  2. Các Bồ-tát ấy đều cùng có những màn lưới ánh sáng thanh tịnh.
  3. Các vị Bồ-tát đều có thần túc, cảm ứng lớn lao tạo nên những nơi chốn ứng hóa, tùy thuận chỗ thích hợp của chúng sinh để hóa độ cho họ mà thị hiện các hình tượng.
  4. Bồ-tát ấy có được thân tướng không thể nêu tính về hạn lượng, vô lượng màu sắc, hết thảy âm thanh đều thể hiện thích hợp với sự thanh tịnh.
  5. Bồ-tát ấy kiến lập được những đức thanh tịnh của cõi Phật, tùy theo mọi tạo tác tội phước của chúng sinh mà thích ứng để hiện khắp các hình tượng.
  6. Bồ-tát ấy tùy thuận tất cả chúng sinh, nơi mọi hành động tạo tác, dùng lực của đức mà thâu tóm gìn giữ hết thảy, dùng tâm ý đã dứt mọi mê lầm, mặc đầy đủ áo giáp đức hạnh mà hiện ra các hình tượng.
  7. Bồ-tát ấy dùng các biện tài vô tận, tùy theo ngôn ngữ âm thanh của chúng sinh, chỗ nhận biết về mọi hành tướng của sắc trần, thuận chuyển pháp luân mà hiện ra các hình tượng.
  8. Bồ-tát ấy luôn có được tinh thần vô úy, như tiếng gầm vang của Sư tử, vì hết thảy chúng sinh dùng Phạm âm để thuyết pháp nên hiện khắp các hình tượng.
  9. Bồ-tát ấy thâm nhập nơi câu lời kinh điển, ở nơi tích chứa của ba đời, thấu đạt thần thông, hiện ra các hình tượng.
  10. Bồ-tát ấy dùng lực thanh tịnh của Phật, từ cảnh giới của Như Lai, vì chúng sinh mà thị hiện các hình tượng của chư Như Lai.

Đó là mười.

Bấy giờ, Bồ-tát Đẳng Mục thưa bày với Bồ-tát Phổ Hiền:

–Thưa bậc Đại sĩ! Các vị Bồ-tát ấy, dùng các pháp về hình tượng như thế mà có được đầy đủ, cũng như đạt đến các hình tượng nơi chư Như Lai. Chẳng phải là Phật sao? Chẳng phải là bậc đã đủ mười lực sao? Chẳng phải là bậc đã đạt Phổ trí sao? Chẳng phải ở nơi các pháp giác ngộ mà cùng giác ngộ sao? Chẳng phải là bậc đã đạt Phổ nhãn sao? Chẳng phải ở nơi cõi gốc của các pháp mà vượt qua một cách mau chóng sao? Có người lại chẳng tin tưởng vào việc tu tập theo các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền sao? Chẳng phải mọi nơi chốn hưng khởi của các Bồ-tát đó là đã thấu đạt tận cùng mọi nẻo của pháp giới đó sao?

Lúc này, Bồ-tát Phổ Hiền nói với Bồ-tát Đẳng Mục:

–Lành thay! Lành thay! Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Như thế đấy! Như chỗ Bồ-tát vừa nói, các vị Bồ-tát ấy đã hiện ra các hình tượng của chư Như Lai, lẽ nào chẳng phải là đúng theo lời chỉ dạy của Phật hay sao? Như chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai ở đây, hết thảy chư Bồ-tát nơi các cõi trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai dốc tu tập các thệ nguyện thì đâu có sự phát khởi khác nhau? Cõi ánh sáng giác ngộ ấy, nếu chẳng có thể đạt được, thì đối với các vị Bồ-tát đó lại chẳng dốc tâm cầu đạt giác ngộ như Phật hay sao? Nơi chốn tu tập của Bồ-tát đối với chư Như Lai không hề gián đoạn thì đó chẳng phải là sự dốc tâm của các vị ấy hay sao? Diệu lực của chư vị đó là đã hội nhập vào chư Như Lai chăng? mười Lực kia là còn phân biệt đây kia chăng?

Lại nữa, các diệu lực của Bồ-tát ấy không là sự niệm tưởng đối với chư Như Lai chăng? Các Bồ-tát ấy cũng không dừng trụ nơi các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, không dừng lại ở sự phân chia đây kia mà dấy khởi các hạnh Bồ-tát. Các vị Bồ-tát đó, nơi mọi nẻo của pháp giới, tạo được các chốn nêu bày thuyết giảng, tạo được sự hội nhập đến cõi tận cùng thì đấy gọi là đạt được Phổ trí. Như các vị Bồ-tát ấy diễn nói về các pháp, là nơi chốn hội nhập của mọi chủng loại. Đều là từ nơi các hành động theo phương tiện ở ngoài mà cũng không thoái chuyển.

Lại nữa, sự nêu bày của các vị Bồ-tát ấy cũng như các pháp ấn mà Bồ-tát có được, từ đó nhận thức lãnh hội các hành, thực hiện sự giác ngộ của bản tính giác ngộ nơi các pháp. Như các Bồ-tát ấy ở nơi “nhị” mà hành theo ‘vô nhị”, tỏ mọi trí tuệ phương tiện của các pháp, thâm nhập trí tuệ theo phương tiện để tu tập các pháp giải thoát vượt bờ, cũng không hề thoái chuyển, thì đấy được gọi là Bồ-tát.

Như các Bồ-tát đó đạt được cảnh giới Phổ nhãn, thông tỏ các nẻo ánh sáng của trí tuệ là từ sắc tướng sinh ra chăng? Và được gọi là bậc Phổ nhãn.

Như các vị Bồ-tát đó thực hiện các hành của cảnh giới Phổ nhãn, Ý là vô sở hành, như tâm luôn dấy khởi mà càng tăng thêm, mà không xa lìa, thì đó gọi là Bồ-tát.

Như các vị Bồ-tát đó đem ánh sáng rực rỡ của các pháp mà làm cho hiển lộ hơn nữa, như làm cho các địa được hiện bày, dùng trí tuệ vô ngại thực hiện các niệm, niệm tưởng chư Phật, thì gọi là Bồ-tát.

Như các vị Bồ-tát ấy đạt được tuệ nhãn của chư Như Lai thì có thể cho rằng đối với các pháp đã đạt quả vị chánh giác.

Như các vị Bồ-tát đó đã đạt đến tuệ nhãn chánh giác của chư Như Lai, luôn tư duy quán tưởng về nó, không vướng mắc ở nơi hạn lượng thì gọi là Bồ-tát. Như các vị Bồ-tát đó, thực hiện các hạnh của Như Lai, ứng dụng hết thảy các hạnh của Như Lai thì đó là đã an trụ pháp “vô nhị”, vì chư Phật trong ba đời cũng đều an trụ pháp ấy.

Như các Bồ-tát đó, tu tập theo Như Lai đạt được thần thông, tự mình thực hiện nơi chốn kiến lập theo diệu lý vô sở hành thì đó gọi là Bồ-tát.

Như các vị Bồ-tát ấy tạo được sự an trụ tận cùng cõi đời, mọi nơi chốn đều có sự vun trồng tích chứa căn lành thì gọi là bậc tích tụ trí tuệ.

Như các vị Bồ-tát ấy an trụ gốc tích tụ, trừ bỏ đi mà phân biệt,

cũng không cầu nơi gốc tích tụ ấy, cũng không dấy vọng tưởng, dấy vọng về cái có, ở nơi các pháp nhận rõ mà hành động thì gọi là Bồtát.

Như các vị Bồ-tát đó, chẳng động trong vô động, chẳng niệm trong vô niệm thì gọi là đã hưng khởi tận cùng gốc của đức.

Như các vị Bồ-tát đó đã thực hiện đầy đủ mọi sự hưng tạo rộng lớn, đều đạt thanh tịnh cũng không hề thoái chuyển, ở nơi ấy luôn thực hiện liên tục thì gọi là đã hoàn thành các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.

Như các vị Bồ-tát ấy, ở nơi pháp giới thông đạt tính chất vô lượng, đem cái gốc của các pháp là không, cùng ứng dụng để thực hiện các tướng nên tỏ ngộ các pháp là vô tướng. Lại nữa, các vị Bồ-tát ấy, ở nơi pháp giới nhận rõ tính chất an trụ, dừng nghỉ, như thế là dứt mọi tưởng chấp của Bồ-tát còn vướng ở nơi lưu chuyển.

Như các vị Bồ-tát đó, thông tỏ pháp giới, thấu đạt vô lượng, hội nhập nơi pháp giới, ở mỗi mỗi pháp trong các pháp dùng vô tướng mà đều thấu triệt dị tướng của chúng, không dấy sự mệt mỏi, chán nản, cho đến trải qua vô số ức kiếp cũng không lười trễ, thoái chí, đem tâm đại Bi tế độ hết thảy mọi loài trong đời, tùy thuận giáo hóa chúng sinh thì bậc Bồ-tát Đại sĩ ấy chính là Bồ-tát Phổ Hiền.

 

Phẩm 13: BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ LONG VƯƠNG DUYỆT LẠC

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như Long vương Duyệt Lạc, ở nơi bề mặt của Kim sơn, là kho chứa của bảy thứ châu báu, dùng bảy thứ châu báu ấy tạo nên chỗ ở, chu vi cũng làm bằng bảy thứ châu báu, dùng tuyết mà che phủ. Thân tướng của Long vương Duyệt Lạc hết sức trắng và tươi sạch, như màu sắc của tuyết. Sắc của vàng nơi núi có ánh sáng rực rỡ chẳng khác gì ánh sáng ban ngày, như màu trắng kỳ diệu dùng để trang sức và che phủ khắp nơi đó. Dùng các thứ châu báu làm các màn lưới thanh tịnh giăng mắc xen nhau phô bày ở bên trên, cũng là để che phủ khắp. Các thứ châu báu treo rũ xuống như các tua vòi sinh động. Dùng bảy thứ hình thể ấy mà tạo dáng đứng, đó gọi là nơi chốn an lạc của sự nhu hòa mềm dịu, là hình tượng màu sắc của sự sạch sẽ, người xem thấy không hề biết chán, thanh tịnh không chút cáu bợn. Đó là thể tánh thuận hợp.

Lúc này Thiên đế Thích, ở nơi cõi trời Đao-lợi đang có ý nghĩ muốn làm một kẻ ung dung, tức thì sắc của chất vàng nơi bề mặt ngọn núi được xem là kho chứa các thứ châu báu. Lúc đó, hốt nhiên chẳng hiện, mà thấy có nơi cõi trời Đao-lợi, ngay trước mặt Thiên đế Thích. Bấy giờ, Thiên đế Thích liền cỡi Long vương Duyệt Lạc, ngồi yên trên mình Long vương ấy một cách thoải mái, còn Long vương thì chỉ trong chốc lát đã biến hiện ra ba mươi ba đầu, nơi mỗi mỗi đầu đều hiện ra bảy cái ngà lớn. Nơi mỗi mỗi chiếc ngà lớn ấy lại hiện ra bảy cái ao tắm. Nơi mỗi mỗi ao tắm ấy lại hiện ra bảy trăm đóa hoa sen. Nơi mỗi mỗi đóa hoa sen đó lại hiện ra bảy trăm ngọc nữ, tất cả đều cùng vui ca giống như những nghi lễ ở thiên cung, lời nhạc ứng hợp cùng hòa tấu âm vang lừng. Lúc này, Đế Thích Thiên vương ở nơi cõi Trời cỡi voi chúa đi tới khu vườn Diệu Thọ, tâm hết mực vui thích, tùy ý đến chốn này chỗ nọ, xem xét thưởng ngoạn vui đùa, theo Long vương Duyệt Lạc đi xuống khu vực có nhiều châu báu trang hoàng kỳ lạ cũng với các ngọc nữ ca hát, dạo đàn, vui thú thỏa ý.

Bấy giờ, Long vương Duyệt Lạc hiện đủ uy thần, ở cõi trời Đaolợi cho đến khắp khu vườn Diệu thọ lại hóa làm một thân voi, cùng với đám ngọc nữ vây quanh vui đùa.

Lúc này, Long vương Duyệt Lạc sau hồi vui đùa, liền cùng với chư Thiên, người, thảy cùng nhau nối tiếp cuộc vui chơi tận hưởng mọi thanh sắc. Long vương Duyệt Lạc dùng thần lực hóa hiện đầy đủ các thứ y phục không khác với chư vị xung quanh, cho đến thân tướng, màu sắc hình tượng, vẻ sáng, cách trang sức nơi y phục, cả việc đứng lên ngồi xuống, tất cả giữa Long vương Duyệt Lạc với chư Thiên, người thảy giống nhau chứ không khác. Mọi thứ của Long vương Duyệt Lạc có thì chư Thiên, người cũng đều có và ngược lại, những gì chư Thiên và người có được thì Long vương Duyệt Lạc cũng đầy đủ cả. Như vật dụng dùng để ăn uống của chư Thiên người ở cõi trời Đao-lợi thì Long vương Duyệt Lạc cũng đều có chẳng thiếu thứ gì.

Long vương Duyệt Lạc thường chẳng hay hóa hiện, chỉ có màu sắc, hình tượng của thứ vàng ròng ở tại nơi kho chứa bảy loại châu báu. Nay đến cõi trời Đao-lợi cũng hóa hiện để có đủ mọi thứ như chư Thiên ở đây, là nhằm để cúng dường Đế Thích Thiên vương, vui vẻ hết tâm mà cúng dường. Nhạc trời tự nhiên vang lên, mọi thứ có nơi cõi trời Đao-lợi thảy đều hóa hiện đủ, không khác, dùng các thứ đó mà tạo sự cảm hóa về đức.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Cũng như thế, chư Bồ-tát Đại sĩ, noi theo các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền mà tu tập, tạo lập các thệ nguyện cùng thực hiện các pháp Tam-muội của Bồ-tát, đó chính là dùng các thứ châu báu để tự trang nghiêm thân, dùng kho chứa bảy thứ Thể của châu báu đó mà làm chân đứng vững chắc, từ nơi thân tướng phóng ra các màn lưới ánh sáng rực rỡ, gióng lên tiếng chuông pháp để nêu rõ ngọn cờ chánh pháp, thảy hóa hiện thân tướng Na-la-diên, đạt được thệ nguyện tối tôn tối thượng, tạo ra bước đi của Sư tử, dùng mọi ánh sáng trí tuệ soi khắp nẻo, khiến cho các màu sắc của đạo pháp được chỉnh đốn, an trụ nơi các kho báu chánh pháp.

Đối với chư Bồ-tát đó chính là hạnh tối thượng, gồm đủ mọi hạnh, mà thực hiện tận cùng các thệ nguyện, hướng tới Đức Phật, tu tập thực hiện các thệ nguyện khiến cho pháp Phật không bị đoạn tuyệt. Bồ-tát, vì muốn đạt đến ánh sáng của trí tuệ giác ngộ nên dốc theo các hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, tăng tiến tu tập rộng lớn, đem điều mình đã giác ngộ mà giác ngộ cho muôn loài.

Đối với các hạnh nguyện Bồ-tát, Bồ-tát không hề quay trở lại, không biến trễ, chậm chạp, không làm cho đứt đoạn, cũng không thoái chuyển. Bồ-tát cần gia tăng hơn nữa tâm đại Bi vô lượng để thực hiện các hạnh nguyện Đại thừa, quên mình vì tất cả, theo đúng nẻo thừa vô thượng của Bồ-tát Phổ Hiền, tinh tấn tu tập, vì sự nghiệp giáo hóa tất cả chúng sinh ở đời vị lai. Bồ-tát tu tập, không khiến cho các đức hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền bị gián đoạn cũng không chấp vào thời điểm đạt đạo, vì đạo là cánh cửa của diệu lý vô đắc bất đắc. Đắc trong cái vô đắc, là cánh cửa của pháp chuyển biến. Đắc trong cái vô đắc, là cánh cửa của bản tánh muôn chủng muôn loại hành động.

Đắc trong cái vô đắc, là cánh cửa của sự cảm ứng, biến hóa thể hiện nơi khắp các loài chúng sinh, khắp các xứ sở, cõi nước.

Lại nữa, Bồ-tát dùng cái đắc trong vô đắc mà hội nhập vào khắp các cõi nước, xuất hiện ngay trong cuộc sống, cũng luôn thể hiện các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát dùng cái đắc trong vô đắc, vì các chúng Bồ-tát đông đúc vây quanh mà cùng tu tập. Bồ-tát dùng cái đắc trong vô đắc, đi tới đủ mọi nơi chốn, xứ sở, cho đến tất cả cõi Phật trong mười phương, hóa hiện vô số các loại thân tướng, hình tượng.

Bồ-tát tu tập, kịp thời gian mà đạt đến chánh giác, chỉ trong khoảnh khắc mà đạt đến chánh giác, theo thời gian mà đạt đến chánh giác, dùng từng ngày, hàng tuần, tháng, năm, vô số năm, cho đến một kiếp, ở trong thời gian đó, lấy cái đắc của vô đắc, ở nơi các số lượng ấy mà đạt đến chánh giác.

Bồ-tát tu tập, được đến gần, thân cận chư Như Lai, như thế thì cũng ví như là các cõi của Như Lai, đều cúi đầu quy ngưỡng, cung kính đảnh lễ, cúng dường, quan tâm đến các Phật sự, ở nơi chốn huyễn hóa tạo thêm nhiều nẻo tăng tiến, dùng sự thanh tịnh để tu tập vô lượng hạnh thanh tịnh của Bồ-tát. Bồ-tát dùng cái đắc của vô đắc, tu tập hạnh tuệ của Bồ-tát, thực hiện vô số sự cảm ứng lớn lao của Bồtát, vô số xứ sở, vô số ánh sáng trí tuệ dung thông, vô số các pháp vi diệu của Bồ-tát, tạo vô số thần túc theo ý vô lượng của Bồ-tát, vô số nơi chốn đạt đến, vô số sự cảm ứng biến hóa tạo nên mọi an vui, vô số pháp tu nhằm làm cho sáng tỏ, hiển bày ánh sáng giác ngộ, vô số hành hóa nơi sự dẫn dắt thuận hợp của Bồ-tát.

Bồ-tát thị hiện khắp mọi nơi chốn các hạnh nguyện của bậc Bồtát, nhưng không làm mất cõi gốc của mình, tu tập theo hạnh của Bồtát Phổ Hiền, hóa độ hết thảy chúng sinh, nơi chốn có đủ các tình. Bồtát dùng cái đắc của vô đắc, tu hành thanh tịnh, nhằm dứt sạch mọi nẻo luân hồi sinh tử, dùng âm thanh để lãnh hội ngôn ngữ, đạt được thanh tịnh.

Bồ-tát dùng tai của Như Lai để nghe chư Phật diễn nói pháp âm làm hưng khởi pháp Phật, thọ lãnh mà thực hành, theo đúng con đường “vô nhị” của ba thời chư Phật đã đi qua, luôn nhớ nghĩ đến hạt giống của chư Phật, luôn nhận rõ âm thanh nêu giảng pháp Phật của trí tuệ giác ngộ.

Bồ-tát trụ nơi các xứ sở mà là vô trụ xứ, là an trụ Pháp thân Phật, luôn nhớ nghĩ đến điều ấy. Đối với hết thảy mọi hạnh của Bồtát, dùng âm thanh mà thọ nhận, thực hiện đầy đủ các hạnh ấy.

Bồ-tát đối với âm thanh của Bồ-tát Phổ Hiền, đem trí tuệ giác ngộ của bậc Đẳng Chánh Giác soi sáng khắp nơi chốn.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Phải nên quán sát các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, dùng cái hạnh không lười trễ, thiếu sót của Bồ-tát mà tu tập liên tục, tinh tấn, dùng ánh sáng của trí tuệ mà nhận thức về chư Phật. Đối với các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền luôn dốc chí tu tập không hề dừng nghỉ nhằm đạt đến cảnh giới của trí tuệ giác ngộ.

Như Long vương Duyệt Lạc kia, là hạng chẳng có thể làm cho động được, lên cõi trời Đao-lợi, ở đấy mặc sức hưng khởi hóa hiện, làm cả công việc đội, chở, mà cùng nhận lấy sự vui thích, ăn uống theo cách sung sướng của chư Thiên, nhưng vẫn giữ được cốt cách của loại giống mình, vui thích với đám thể nữ, thảy đều hiện đủ mọi biến hóa, cùng với chư Thiên ở cõi trời Đao-lợi như là một loại.

Như thế đấy, này chư vị! Bồ-tát thực hiện các hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền mà không làm mất đi nơi chứa nhóm của Đại thừa, không rời thệ nguyện. Bồ-tát thọ nhận cảnh giới của chư Phật, dùng trí tuệ giác ngộ để tự an lạc, thông tỏ các hạnh của chư Phật, lãnh hội thông suốt nơi vô số, vô lượng, vô đắc. Nhưng đều tạo được thanh tịnh ở nơi các cõi nước, mà không chấp bám nơi các pháp của Phật, đạt vô ngã, vô tưởng niệm, cùng với pháp của chư Phật không dấy khởi hai nẻo phân biệt, tỏ rõ mọi cõi Phật.

Bồ-tát như vậy là xuất hiện cùng với chư Phật và đã thực hiện các hạnh của bậc Bồ-tát trong quá khứ hiện tại vị lai, khiến cho âm thanh chánh pháp không bị dứt đoạn. Như Long vương Duyệt Lạc kia, đã từ nơi cảnh giới của chủng loại mình như thế mà hiện ra ở cõi Trời, thọ nhận những vui thích hết mực.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Hình tượng ấy chính

là pháp của đức lớn, là chỗ đứng của chí nguyện để thực hiện các hạnh của Đại sĩ Phổ Hiền. Các hạnh ấy cũng chính là những thệ nguyện vô thượng của bậc Bồ-tát, phải nên dốc chí tu tập tinh tấn, để làm thanh tịnh thể tánh mình. Này chư vị! Đó gọi là pháp đại Tammuội thứ mười tụ hội mọi sự rộng lớn, sáng tỏ, vô lượng các hạnh của Bồ-tát. Đạt được thể tánh thanh tịnh, quảng diễn các pháp Đại thừa. Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Đó chính là nội dung lớn trong mười pháp chánh định của Bồ-tát Phổ Hiền.

Đức Phật nói về pháp định thể hiện mười đức nơi đạo lớn của Bồ-tát Phổ Hiền, cũng là mười thứ yếu chỉ vô thượng của ánh sáng giác ngộ, nên khắp các cõi nước của chư Phật trong mười phương thảy đều được tỏa sáng mênh mông, tự nhiên có sự cảm ứng lớn lao khắp các cõi. Chư Bồ-tát, chư Thiên, người trong các cõi thảy đều noi theo đấy mà tự làm trang nghiêm trú xứ của mình. Vô lượng thiên nhạc được hòa tấu vang lừng khắp các cõi trời, đều mang tính chất ca ngợi tán dương đức hạnh vô lượng của Bồ-tát Phổ Hiền. Các cõi đều được chiếu sáng, kể cả những chốn tối tăm không đâu là không được khai mở. Ngay trong khoảng thời gian này, những nỗi thống khổ nơi cảnh địa ngục trong mười phương đều được dừng dứt. Các loài chúng sinh số lượng như vi trần khắp các cõi nước trong mười phương, ở tại xứ sở của mình, thảy đều phát tâm hướng về đạo Vô thượng Bồ-đề, hàng trăm ngàn na-thuật chúng sinh đều đạt pháp nhẫn “vô sở tùng sinh”.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, Đại sĩ Phổ Hiền, Bồ-tát Đẳng Mục, hết thảy các vị Bồ-tát cùng tất cả chư vị trong chúng hội, Trời, Rồng, Quỷ thần, A-tu-luân, nhân và phi nhân, được nghe Phật giảng nói thảy đều hoan hỷ, cung kính đảnh lễ Phật và lui ra.

KINH BỒ-TÁT ĐẲNG MỤC HỎI VỀ TAM-MUỘI

HẾT TRỌN BỘ 3 QUYỂN