SỐ 155
KINH BỒ TÁT BẢN HẠNH
Hán dịch: Mất tên người dịch – Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN TRUNG

Thuở xưa, khi Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy, có một Hiền giả tên là Tu-đạt, nhà cửa đơn sơ nghèo khó, không có tài sản, nhưng lại hết lòng sùng kính đạo đức. Ông đi đến tinh xá, đầu mặt đảnh lễ sát chân Đức Phật, rồi lui ra ngồi một bên nghe Đức Phật thuyết pháp.

Đức Phật hỏi:

-Này Tu-đạt, người tại gia nên bố thí hay không nên bố thí?

Tu-đạt bạch Phật:

-Người tại gia nên bố thí.

Và hỏi:

-Thế nào là bố thí nhiều? Thế nào là bố thí ít? Thế nào là có tâm lành bố thí? Thế nào là không có tâm lành bố thí?

Đức Phật bảo Tu-đạt:

-Xét về việc bố thí, có khi bố thí nhiều mà được phước báo ít. Có khi bố thí ít mà được phước báo nhiều.

Tu-đạt hỏi:

-Tại sao bốthí nhiều mà được phước báo ít?

Đức Phật đáp:

-Tuy bố thí nhiều mà tâm không chí thành, tâm không cung kính, không sinh tâm đại hoan hỷ, mà tâm đem tâm ngã mạn tự đại để bố thí. Người bố thí như vậy lòng tin không chánh đáng, nhận thức sai lầm, chẳng phải là chánh kiến. Đó không phải là sự bố thí của bậc Thượng sĩ, nên bố thí tuy nhiều mà phước báo rất ít. Ví như canh tác trong một đám ruộng xâu, gieo trồng tuy nhiều, kỳ thật thu hoạch hoa lợi chẳng được bao nhiêu.

Tu-đạt hỏi:

-Tại sao bố thí ít mà được phước báo nhiều?

Đức Phật đáp:

-Tuy bố thí ít, nhưng đem tâm hoan hỷ bố thí, đem tâm thanh tịnh bố thí, đem tâm cung kính bố thí, bố thí không có tâm cầu được báo ân. Người bố thí như vậy mới là sự bố thí của bậc Thượng nhân. Sự bố thí cho Như Lai, Bích-chi-phật và bốn quả Sa- môn là bậc Chánh kiến, nên bố thí tuy ít mà được phước báo nhiều. Ví như đám ruộng phì nhiêu, gieo giống tuy ít mà thật ra thu hoa lợi rất nhiều.

Đức Phật bảo Tu-đạt:

-Ta nhớ thuở quá khứ, ở tại cõi Diêm-phù-đề này, có một vị Chuyển luân thánh vương tên là Ba-đà-bạt-ninh, nhà vua có một ngàn người con, trị vì tám muôn bốn ngàn nước nhỏ trong bốn châu thiên hạ.

Lúc đó, có một vị Bà-la-môn tên là Tỳ-lam, thân màu vàng, dung mạo đoan nghiêm, trí tuệ thông minh vượt bậc, có phương pháp trấn áp khi trời đất chuyển biến, trên thông thiên văn, dưới giỏi địa lý, trong nhân gian lại rành về tâm lý của con người. Tất cả sách vở kinh điển nơi thế gian đều thông đạt. Là người đầy lòng nhân từ, thương xót tất cả mọi người, nên nhà vua rất kính mến.         Tám vạn bốn ngàn vua chư hầu và tất cả dân chúng đều cung kính tôn thờ là bậc thầy tối thượng.

Đại sĩ Tỳ-lam được coi như là đại vương, chẳng phải Ba-đà- bạt-ninh. Vì sao vậy? Vì Chuyển luân vương Ba-đà-bạt-ninh trong mọi việc trị nước an dân đều hỏi Tỳ-lam. Đại sư Tỳ-lam nhân đó mà giáo hóa. Chư hầu, thần dân ai nấy đều hết sức hoan hỷ.

Bấy giờ, đại vương theo Tỳ-lam thưa học kinh điển, lại cũng khuyên bảo tám vạn bốn ngàn vua tiểu quốc cùng quần thần, thái tử và tất cả dân chúng, ai ai cũng phải theo Tỳ-lam cầu học kinh điển để phát sinh trí tuệ.

Các vua, thần dân không ai là không vui vẻ theo Tỳ-lam học hỏi kinh điển. Họ đều nói: “Đây là vị Phạm thiên đến giáo hóa chúng ta làm những việc tốt đẹp, không phải là người thường.” Trong lúc đó, tám vạn bốn ngàn tiểu vương thọ học, trí tuệ được khai ngộ, tất cả đều rất đỗi vui mừng.

Tám vạn bốn ngàn tiểu vương ấy đem theo một con voi trắng, một con ngựa hay, một con bò lớn, tất cả đều được trang sức với đây bằng vàng, bằng bạc. Ngoài ra còn đem theo một ngọc nữ hình dung đoan chánh tuyệt vời, lại dùng chuỗi anh lạc bằng thất bảo trang sức đẹp đẽ lạ thường, một bát bằng vàng đựng đầy lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa vàng, bát lưu ly đựng đầy lúa vàng, bát bằng pha lê đựng đầy lúa vàng, dùng vàng làm xe, dùng bảy báu trang sức… Mỗi tiểu vương đều như vậy, tổng cộng mỗi thứ gồm tám vạn bốn ngàn cũng đem hiến dâng cho đạị sư Tỳ-lam.

Đại vương Ba-đà-bạt-ninh nghe các tiểu vương hiến cúng cho Tỳ-lam như vậy, thì vui mừng không kể xiết và thầm nghĩ: “Ta cũng hiến cúng cho đại sư Tỳ-lam tài sản quý báu như vậy”. Tức thời đem đồ phục sức bằng thất bảo, châu báu, chuỗi anh lạc đẹp đẽ lạ thường trang điểm cho tám ngàn ngọc nữ, dùng toàn dây bằng vàng trang sức cho tám vạn bốn ngàn con bạch tượng, cũng dùng dây bằng vàng bạc trang điểm cho tám vạn bốn ngàn con ngựa, dùng dây toàn bằng vàng trang điểm cho tám vạn bốn ngàn con bò, tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy lúa gạo, tám vạn bốn ngàn bát bằng lưu ly đựng đầy lúa vàng, tám vạn bốn ngàn cổ xe dùng toàn bằng vàng trang điểm… Đại vương đem tất cả những thứ đó hiến cúng cho Tỳ-lam.

Đại sư Tỳ-lam nhận lãnh rồi, tự nghĩ rằng tất cả tài sản mình có được như: châu báu, voi, ngựa, xe cộ… này, tất cả đều là vô thường, không có gì bền chắc. Rồi tâu với đại vương:

-Tất cả tài sản mà tôi có được đều thuộc pháp vô thường lần lần bị tiêu diệt. Tôi không dùng nó, ý muốn đem giúp đỡ những kẻ nghèo khổ.

Đại vương nghe lời này trong lòng rất phấn khởi, liền ra lệnh cho quân thần đánh trống truyền khắp cõi Diêm-phù-đề: “Những người nghèo cùng, côi cút, già cả đơn độc, những vị Bà-la-môn Phạm chí, tất cả đều hội về”.

Đại sư Tỳ-lam liền lập một đàn chẩn thí lớn, dân chúng nghe lệnh rùng rùng kéo nhau tụ tập. Già trẻ khỏe yếu dìu dắt lẫn nhau tề tựu đông đúc.

Lúc ấy, Tỳ-lam muốn rửa tay theo phép Bà-la-môn, nhưng nghiêng, bình mà nước chẳng chảy ra nên rất lo buồn, thầm nghĩ: “Ta nay thiết lập đại lễ không biết có lỗi lầm gì chăng? Ý chẳng thanh tịnh, hay vật bố thí chẳng phải đồ tốt? Do duyên cớ gì mà nước chẳng chảy?”

Lúc đó, chư Thiên ở trên hư không nói với Tỳ-lam:

-Việc bố thí của ông ngày hôm nay hết sức tốt đẹp không ai sánh bằng! Tâm ông thanh tịnh không chút ô nhiễm, công đức của ông là bậc nhứt, trong thiên hạ không ai vượt lên trên được. Chỉ có người thọ thí, tất cả đều là những hạng người có tà kiến giả dối điên đảo, chẳng phải là bậc Thượng sĩ thanh cao, nên không thể lãnh thọ của cải bố thí với sự rửa tay cung kính của ông. Vì lý do đó, mà nước trong bình không chảy ra.

Tỳ-lam nghe chư Thiên nói như thế, ý ông khai ngộ, liền phát khởi thệ nguyện: “Nguyện đem công đức bố thí ngày hôm nay, cầu thành đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu đúng như lời nguyện này, thì khiến rót nước sẽ chảy vào bàn tay tôi!”.

Phát lời thệ nguyện rồi, liền nghiêng bình rót nước, tức thời nước chảy ra rơi vào bàn tay Tỳ-lam.

Chư Thiên ở trên hư không ca ngợi:

-Hay thay! Hay thay! Đúng như sở nguyện, chẳng bao lâu ông sẽ thành Phật.

Lúc ấy, Đại sư Tỳ-lam bố thí áo quần, mùng mền, thực phẩm… theo nhu cầu của tất cả những người nghèo cùng. Trong mười hai năm như vậy, tất cả ngọc nữ, voi, ngựa, châu báu đều dùng vào việc bố thí, không còn cất giữ một vật gì.

Đức Phật bảo Tu-đạt:

-Bà-la-môn Tỳ-lam lúc ấy là thân Ta ngày nay. Lúc ấy Ta bố thí với tâm lành, vật bố thí cũng tốt đẹp, chỉ có kẻ thọ thí là tâm họ không thanh tịnh, nên tuy vật bố thí nhiều mà thọ phước báo rất ít.

Còn ngày nay đệ tử chân chánh, ở trong giáo pháp chân thật nhiệm mầu thanh tịnh của Ta làm việc bố thí, thì vật bố thí tuy ít mà thọ hưởns phước báo rất nhiều.

Đối với công đức bố thí của Tỳ-lam trong mười hai năm như vậy, cùng với mọi công đức bố thí cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề, gồm hai công đức này lại không bằng công đức cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn. Công đức này rất nhiều, vượt hơn phước đức trước.

Dầu cúng dường cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, cộng với sự bố thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì phước đức có được do sự cúng dường và bố thí đó, không bằng cúng dường cho một vị Tư-đà-hàm. Phước đức này rất nhiều, vượt hơn phước đức trước.

Giả sử như cúng dường cho một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị Tu-đà-hoàn, cộng với sự bố thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì phước đức có được do sự cúng dường và bố thí đó không bằng cúng dường cho một vị A-na- hàm. Phước đức này nhiều gấp bội phước đức trước.

Ví dầu cúng dường cho một trăm vị A-la-hán, một trăm vị A- na-hàm, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị Tu-đà-hoàn, cộng với sự bô thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì phước báo có được do sự cúng dường và bố thí đó không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán. Phước đức này rất nhiều, vượt hẳn phước đức trước.

Giả sử cúng dường cho một trăm vị A-la-hán, một trăm vị A- na-hàm, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị Tu-đà-hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì công đức có được do sự cúng dường và bố thí ấy không bằng cúng dường cho một vị Bích-chi-phật. Phước đức này rất nhiều, vượt hơn phước đức trước.

Giả sử cúng dường cho một trăm vị Bích-chi-phật, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị Tu-đà-hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ-lam cho dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì phước đức có được do sự cúng dường và bố thí đó không bằng xây tháp, cất nhà cho chúng Tăng, lập tinh xá, cúng dường áo, mền, giường nằm, đồ ăn uống. Cung cấp sự cần dùng cho chư Tăng, Sa-môn, Đạo sĩ khắp bốn phương, cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Gồm những công đức này thì vượt hẳn những công đức trước.

Tuy xây tháp, cất nhà cho chúng Tăng, lập tinh xá như trên, cùng với sự cúng dường Bíhì-chi-phật, A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà- hàm, Tu-đà-hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì phước đức do sự cúng dường và bố thí đó không bằng cúng dường cho một Đức Phật. Công đức của sự cúng dường cho một Đức Phật rất nhiều, không thể kể xiết.

Tuy cúng dường Đức Phật, xây tháp cất nhà cho chúng Tăng, lập tinh xá, cúng dường Bích-chi-phật, A-la-hán, A-na-hàm. Tư-đà- hàm, Tu-đà-hoàn cộng với sự bố thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, thì bao nhiêu công đức của sự cúng dường và bô” thí đó, không bằng có người ở trong một ngày thọ ba pháp tự quy y và bát quan trai giới. Nếu giữ được năm giới sẽ có công đức vượt hơn công đức cúng dường và bố thí vừa kể trên, gấp trăm ngàn lần không thể ví dụ.

Lại đem công đức trì giới này hiệp với tất cả công đức cúng dường Đức Phật, Bích-chi-phật, bốn quả Sa-môn cộng với phước đức bố thí của Tỳ-lam cho tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề nói ở trước, không bằng một người tọa thiền với tâm từ bi nghĩ đến chúng sinh trong chừng một bữa ăn cũng được công đức vượt hơn công đức bố thí của Tỳ-lam đối với tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề và sự cúng dường bốn quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật, xây tháp, cất nhà cho chúng Tăng, cho đến cúng dường Đức Phật đã nói ở trước, hơn gấp trăm lần.

Bao nhiêu công đức trì giới, tọa thiền với tâm từ bi nghĩ đến chúng sinh, không bằng công đức nghe pháp, ghi nhớ trong tâm, tư duy về bốn đế lý, biết các pháp vô thường, khổ không, vô ngã, để chứng cảnh giới Niết-bàn tịch diệt. Đem công đức này so với tất cả công đức của những việc làm ở trước, thì công đức này là to lớn bậc nhất, không có một công đức nào vượt hơn được.

Lúc ấy, Tu-đạt nghe pháp, hết sức vui mừng, thân tâm thanh tịnh, chứng quả A-na-hàm, trong mình chỉ còn có năm đồng tiền vàng, mỗi ngày đem một đồng cúng cho Đức Phật, một đồng cúng cho Pháp, một đồng cúng cho chúng Tăng, một đồng tự ăn còn một đồng làm vốn. Ngày nào cũng như vậy, rốt cuộc trong mình lúc nào cũng còn lại một đồng không bao giờ hết.

Tu-đạt thọ năm giới cấm, quỳ mọp bạch Đức Phật:

-Ngày nay tâm ái dục của con đã dứt hẳn, sống tại gia con nên làm những việc gì?

Đức Phật bảo:

-Này Tu-đạt, như ông ngày nay tâm ý đã được thanh tịnh, ái dục lại không phát sinh, ông trở về nhà bảo các người vợ của ông: “Ta nay tâm ái dục đã diệt, các người tùy theo chỗ nào mình ưa thích, ai cần có chồng tùy ý theo nơi nào mình muốn. Nếu còn ở lại đây, ta sẽ cung câp cơm ăn áo mặc”.

Tu-đạt vâng lời Phật dạy, lễ Phật rồi lui về nhà bảo các người vợ:

-Ta nay tâm ái dục đã diệt sạch, vĩnh viễn không còn tái sinh, không còn làm việc dâm dục. Các người nếu muốn tạo lập cuộc đời mới, thì mỗi người tùy ý chọn nơi nào mình ưa thích, còn ai muốn ở lại đây, ta sẽ cung cấp áo cơm đầy đủ.

Các người vợ Tu-đạt đều tùy theo ý nơi mình ưa thích để lập gia đình. Lúc ấy, có một người vợ đang sấy gạo xay bột, bỗng có đàn dê húc nhai ùa vào mang đồ gạo sây, nàng ta tức giận không biết tính sao, liền cầm cây củi đang cháy đánh bầy dê kia. Đầu cây củi có lửa chạm nhằm lông nơi cổ con dê, lông dê gặp lửa bốc cháy và cháy luôn cả voi nhà vua, thân voi da bị cháy rụi, nên phải giết khỉ, vượn lấy da đắp vào thân voi.

Khi đó, chư Thiên ở trên hư không nói kệ:

Sân hận gốc tranh giành
Chẳng nên cùng nó sống
Bầy dê húc lộn nhau
Trong đó mòng muỗi chết.
Tỳ nữ ngăn dê húc
Vượn khỉ chết vô cớ
Người trí lìa hiềm nghi
Chớ cùng người ngu sống.

Vua Ba-tư-nặc vì vậy bảo quần thần ra lệnh hạn chế việc đốt lửa. Lệnh rằng:

-Từ nay trỡ đi, ban đêm dân chúng không được đốt lửa và thắp đèn đuốc, kẻ nào vi phạm phạt một ngàn lượng vàng.

Bấy giờ Tu-đạt tu tập đạo pháp ở tại nhà ngày đêm tọa thiền. Đầu hôm khi nhập định thì thắp đèn thiền tọa, nửa đêm dừng nghĩ, đến gà gáy lại thắp đèn thiền tọa. Quân canh tuần bắt gặp, thâu lấy đèn và giải ông ta về triều, tâu lên chúa thượng, bắt phải phạt.

Tu-đạt tâu với đại vương:

-Nhà tôi nghèo khó, ngày nay tài sản không được một trăm tiền, biết lấy gì nộp phạt cho đại vương.

Nhà vua nghe nói, thì tức giận, nên sai lính đem nhốt trong ngục kín. Tức thời quân lính giải Tu-đạt giao cho quản ngục giam giữ.

Đêm đó, Tứ Thiên vương thấy Tu-đạt bị giam giữ trong ngục, nên đầu hôm hiện đến, thưa với Tu-đạt.

-Tôi sẽ cúng ông số tiền dùng vào việc nạp phạt cho nhà vua, để được thả ra.

Tu-đạt đáp:

-Nhà vua sẽ tự ý hoan hỷ thả ta ra, chẳng cần phải dùng tiền bạc.

Tu-đạt vì Tứ Thiên vương thuyết pháp. Tứ Thiên vương nghe pháp xong liền lui về. Tới nửa đêm Thiên đế Thích lại đến. Tu-đạt lại thuyết pháp. Đế Thích nghe xong liền lui về. Cuối nửa đêm, lại có Phạm thiên đến yết kiến Tu-đạt. Tu-đạt vì Phạm thiên mà thuyết pháp, Phạm thiên nghe xong liền lui về.

Nhà vua đêm ấy quán sát nhìn thấy ở trên lao ngục có ánh lửa xuất hiện. Sáng hôm sau nhà vua sai người nói với Tu-đạt:

-Ông đốt lửa nên bị giam, không biết hổ xấu lại còn tiếp tục đốt lửa?

Tu-đạt trả lời:

-Ta không đốt lửa, nếu như ta đốt lửa thì nơi chỗ này sẽ có khói tro.

Người kia lại hỏi Tu-đạt:

-Đầu hôm có bốn ngọn lửa, đến nửa đêm lại có một ngọn lửa lớn gấp bội phần ngọn lửa trước. Rồi cuối đêm có ngọn lửa lớn gấp bội phần ngọn lửa hồi nửa đêm. Ông nói không đốt lửa thì những thứ đó là gì?

Tu-đạt đáp:

-Đó không phải là lửa. Đầu hôm có bốn vị Thiên vương đến yết kiến ta. Nửa đêm thì vị Thiên đế thứ hai đến thăm ta và cuối đêm là vị Phạm thiên thứ bảy đến thăm ta. Đó là ánh sáng trên thân của chư Thiên chiếu ra, chẳng phải là lửa.

Người này nghe nói như vậy, liền về tâu lại đại vương. Nhà vua nghe qua lòng rất kinh hãi chân lông đều dựng ngược, nói: “Người này có phước đức đặc biệt nên mới được như vậy. Ta nay tại sao lại hủy nhục vị ấy!”

Liền bảo kẻ hầu cận:

-Mau mau thả người này ra, không được dần dà.

Lính được lệnh liền đến thả Tu-đạt. Tu-đạt được thả ra bèn đi đến tinh xá, đầu mặt lễ sát đất, rồi lui ra ngồi một bên nghe Đức Phật thuyết pháp.

Vua Ba-tư-nặc cũng lập tức ngự giá tới tinh xá. Dân chúng trong pháp hội thấy nhà vua đi đến đều đứng dậy thủ lễ, chỉ còn Tu- đạt vì tâm đang say sưa trong hương vị Phật pháp nên thấy nhà vua đến mà không đứng dậy. Nhà vua trong tâm hơi ngầm giận, nghĩ rằng người này là dân của ta mà mang tánh khinh mạn, thấy ta không chịu đứng dậy. Nhà vua càng nghĩ càng tức giận.

Đức Phật biết được ý của vua Ba-tư-nặc, nên ngừng thuyết pháp.

Đại vương bạch Phật:

-Nguyện mong Đức Phật giảng kinh pháp.

Đức Phật bảo đại vương:

-Nay không phải thời vì nhà vua mà thuyết pháp.

Đại vương hỏi:

-Vì sao chẳng phải thời?

Đức Phật đáp:

-Vua nay tâm sân hận uất kết chưa nguôi, cũng như khởi tâm ái dục đam mê nữ sắc, tâm kiêu mạn tự thị, tâm tự đại không cung kính. Đem những tâm cấu uế như vậy để nghe diệu pháp thì không thể nào lãnh thọ được. Vì lý do đó, nên nay không phải đúng thời vì nhà vua thuyết pháp.

Vua Ba-tư-nặc nghe Đức Phật nói như vậy, trong lòng tự nghĩ: “Do người đang ngồi này mà nay khiến ta bị hai việc thiệt hại: một là sinh tâm sân hận, hai là không được nghe Phật pháp”. Nghĩ như thế rồi nhà vua đảnh lễ Phật lui về. Nhà vua ra đến bên ngoài tinh xá nói với quan cận thần:

-Người ngồi đó nếu ra khỏi nơi đây ta sẽ chặt đầu. Ngay khi nhà vua vừa dứt lời, tức thì bốn phía các loài thú dữ như hổ, sói… ùa ra bao vây. Nhà vua thấy vậy nên hết sức sợ hãi, bèn quay trở lại giảng đường nơi Đức Phật đang thuyết pháp.

Đức Phật hỏi:

-Vì cớ gì đại vương trở lại đây?

Vua bạch:

-Con thấy thú dữ ùa ra bao vây như vậy nên trở lại đây.

Đức Phật nói:

-Nhà vua có biết người ngồi này là ai không?

Vua thưa:

-Không biết.

Đức Phật lại bảo:

-Người này đã chứng đạo quả A-na-hàm. Cớ gì nhà vua bỗng sinh ác ý với ông ta! Đó là lý do khiến nhà vua gặp sự khủng bố. Nếu không trở lại, nhà vua sẽ bị tai họa quyết không thể nào cứu được.

Vua nghe lời Đức Phật dạy lòng rất sợ sệt, liền hướng về Tu- đạt làm lễ sám hối bằng cách trải tấm da dê, ở trước chỗ Tu-đạt. Nhà vua khiêm tốn thành thật trình bày:

-Hiền giả là thần dân của tôi, mà nay tôi hướng về Hiền giả khuất phục, nhẫn nhục, đó là điều thật khó làm.

Tu-đạt lại nói rằng:

-Ta thật nghèo thiếu mà làm việc bố thí, lại cũng là việc rất khó làm.

Trong pháp hội có người tên là Thi-la Sư Chất tự nói:

-Ở trong nước, tôi là người công bình, chánh trực, khi bị giặc bắt dẫn đi, tướng giặc bảo tôi nói thế này: “Nói không thấy ta, thì ta sẽ thả ông ra. Không nói lời như vậy, ta sẽ giết ông”. Ta tự nghĩ: “Ta nay nói lời không thật tức là làm việc phi pháp, sẽ đọa vào địa ngục, ai là người sẽ cứu vớt ta?”. Suy nghĩ như thế rồi, liền trả lời với tướng giặc: “Thà ngươi chặt đầu ta, ta không bao giờ phạm tội vọng ngữ”. Tướng giặc nghe nói liền thả ra, nên khỏi nguy hại. Không phạm vọng ngữ, thuận theo chánh pháp thật là việc làm rất khó.

Lại trong pháp hội có một vị Thiên tên là Thi-ca-lê tự nói:

-Khi ta thọ bát quan trai giới, nằm một mình ở trên lầu cao, có một ngọc nữ ở cõi trời đến chỗ ta nằm. Ta vì giới cấm mà không thọ sắc dục với nàng, đó là việc rất khó giữ.

Bốn người ở trước Đức Phật đều nói về chỗ khó làm của mình rồi, Đức Phật đọc bài tụng:

Nghèo cùng bố thí khó
Hào quý nhẫn nhục khó
Nguy hiểm giữ giới khó
Tráng niên bỏ dục khó.

Đức Phật nói kệ xong, lại giảng tiếp kinh pháp. Nhà vua, thần dân đều rất hoan hỷ, lễ Phật lui về.


Nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Thế Tôn trụ tại tinh xá Trúc lâm bên cạnh thành Vương xá.

Tại làng Ưu-liên có một dòng suối, trong suối có một con rồng độc tên là Toan-đà-lê hết sức hung dữ, thường gây ra những trận mưa đá, tuyết, phá hoại năm thứ lúa gạo hoa màu, khiến mùa màng thất thu, dân chúng đói khát.

Lúc đó, có một vị Bà-la-môn dùng thần chú ngăn chận rồng độc nên mưa đá không xuất hiện, trong mấy năm ấy mùa màng thuận hợp, ngũ cốc dồi dào. Chẳng bao lâu, vị Bà-la-môn này già yếu, lụm cụm không đọc thần chú được nữa.

Khi ấy, lại có một vị Bà-la-môn trẻ tuổi thông hiểu chú thuật, cất tiếng tụng chú, khiến mây mù tan biến, nạn mưa đá chấm dứt, mùa màng tươi tốt, dân chúng hết sức vui mừng. Họ mời vị Bà-la-môn này ở ngay nơi làng, dân làng sẽ đóng góp, cung cấp không thiếu một vật gì.

Bà-la-môn nói:

-Ta có thể ở lại đây, các ông phải luôn luôn cùng nhau đóng góp.

Dân chúng chung nhau dâng cúng các vật dùng cho Bà-la-môn luôn đầy đủ. Nhưng từ ngày Đức Phật du hóa, hoằng dương chánh pháp đến nước này, dân chúng lớn nhỏ đều thọ giáo, người đắc đạo rất nhiều. Tất cả loài Rồng, Quỷ, Thần đều làm việc thiện, không còn nhiễu hại, mưa thuận gió hòa, năm thứ lúa thóc hoa màu dẫy đầy, nhưng dân làng không còn cung cấp theo nhu cầu cho vị Bà-la- môn nữa. Bà-la-môn này đến đòi hỏi dân chúng, dân cư trong làng đã không cung cấp, lại còn mắng nhiếc, nên Bà-la-môn nổi tâm sân hận, nói:

-Các người nhờ ân lực của ta nên mới no nê đầy đủ, đã chẳng cung cấp lại còn mắng nhiếc ta, ta sẽ tiêu diệt cả dân chúng và đất nước này.

Bà-la-môn lại hỏi các người trong làng:

-Muốn đạt được sở nguyện thì phải làm gì?

Dân làng trả lời:

-Cúng dường thức ăn cho bốn vị đại đệ tử của Đức Phật, sẽ được toại nguyện.

Bà-la-môn lập tức bày biện trai diên, cung thỉnh vị Tôn giả là Đại Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và A-na-luật đến cúng dường. Khi bốn vị Tôn giả đang thọ trai, Bà-la-môn chí tâm đảnh lễ, bày tỏ sở nguyện của mình: “Tôi nay đem công đức cúng dường này nguyện thành con rồng độc, hết sức mạnh mẽ để tiêu diệt đất nước này, xin cho tôi quyết được toại nguyện.”

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất dùng đạo nhãn quan sát tâm ý của thí chủ Bà-la-môn cầu nguyện những gì, biết rố tâm ý của người ấy mong cầu trở thành rồng độc để tiêu diệt cả đất nước này, nên bảo:

-Ông chớ nên phát nguyện làm thân rồng rắn độc ác! Nếu muốn cầu là Chuyển luân thánh vương, hoặc Thiên đế Thích, Ma vương, Phạm vương… tất cả đều có thể được. Chớ nên dùng loại thân độc ác ấy làm gì. Sở nguyện đó không tốt.

Bà-la-môn đáp lại lời Tôn giả Xá-lợi-phất:

-Tôi quyết cầu cho được nguyện này, đây là điều ước mong duy nhất, ngoài ra không nguyện cầu gì khác.

Lúc ấy, Bà-la-môn giơ năm ngón tay lên, nước liền từ đó chảy ra. Tôn giả Xá-lợi-phất chứng kiến lòng kiên quyết của Bà-la-môn, nên chỉ còn biết im lặng. Vị Bà-la-môn ấy cùng vợ và hai con đều phát nguyện làm rồng.

Sau khi ông ta chết liền đầu thai làm thân rồng có thần lực lớn, lại rất độc ác, liền đến giết rồng Toan-đà-lê và đoạt chỗ ở. Rồi nổi phong ba bão chướng trút một trận mưa đá tuyết dữ dội, khiến bao thứ lúa thóc hoa màu đều bị thiệt hại, chỉ còn những nắm rạ hoặc thân lá xơ xác. Do đó người ta đặt tên rồng này là A-ba-la-lợi, vợ rồng tên là Tỳ-thọ-ni. Rồng có hai con cùng một tên là Cơ-thiện-ni. Trong thời gian này dân chúng cơ cực, chết đói rất nhiều, lại thêm bệnh tật khiến người bỏ mạng cũng vô số.

Khi ấy, vua A-xà-thế đi đến tinh xá, đảnh lễ Đức Phật, đầu mặt sát đất, quỳ mọp thưa:

-Dân chúng nơi nước con bị rồng độc và dịch bệnh gây tai vạ đau thương, người chết vô số. Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng đại Từ đại Bi thương xót tất cả chúng sinh, mong được sự cứu giúp, trừ diệt tai hại.

Đức Phật liền nhận lời. Tờ mờ sáng hôm sau Đức Thế Tôn đắp y mang bình bát vào thành khất thực, rồi đến bên bờ dòng suối có rồng độc ngồi thọ trai, xong xuôi thì rửa bát, trút nước rửa bát ấy xuống dòng suối. Rồng rất tức giận, liền xuất hiện trên mặt nước, phun độc khí và hà lửa vào mình Đức Phật. Trên thân Đức Phật lại phun ra nước tiêu diệt lửa và khí độc. Rồng lại ở trên hư không mưa tuôn đá tuyết, thì đá tuyết ấy lại biến thành hoa trời. Rồng lại mưa bằng những tảng đá lớn, thì đá này lại biến thành ngọc quý và đồ trang sức. Rồng lại tuôn mưa đao kiếm tức thì đao kiếm biến thành bảy thứ châu báu. Rồng lại hóa làm quỷ La-sát, Đức Phật lại hiện làm Tỳ-sa-môn vương, La-sát bị tiêu diệt. Rồng lại biến thành con voi khổng lồ, vòi cuộn lấy kiếm nhọn, Đức Phật lại hiện ra hình sư tử chúa khiến voi liền biến mất. Rồng lại hiện chính thân mình, Đức Phật bèn hiện làm chim đại bàng cánh vàng, rồng liền chạy trốn.

Rồng đem hết thần lực mà không thể hại được Đức Phật, liền chui trốn vào trong dòng suối, lúc ấy lực sĩ Mật Tích cầm chày kim cang đập núi, núi vỡ một nửa, lấp dòng suối, rồng muốn chạy thoát, Đức Phật liền biến tất cả nước trong dòng suối thành đám lửa lớn, rồng vội vã vụt chạy, Đức Phật bèn dùng bàn giẫm lên đầu rồng, rồng không thể đi được, mới quy phục, nên quỳ mọp bạch Phật:

-Ngày nay con chỉ thấy việc làm của mình toàn là cảnh đau khổ, khốc liệt.

Đức Phật hỏi:

-Tại sao ngươi ôm lòng độc ác, gây bao khổ não cho chúng sinh?

Rồng liền cung kính đảnh lễ, đầu mặt lạy sát chân Phật, quỳ mọp, bạch:

-Mong Phật cho con được thả ra, bất cứ Thế Tôn dạy điều gì, con đều vâng lãnh.

Đức Phật bảo:

-Ngươi nên thọ giới cấm, làm người cận sự nam.

Rồng và vợ con thảy đều thọ năm giới cấm, làm người hộ pháp tại gia, trở thành người nhân từ, làm các điều lành, lại không bao giờ mưa tuyết nữa.

Bấy giờ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, lúa gạo dẫy đầy, các loài quỷ dữ gây bệnh tật đều chạy về nước Tỳ-xá-ly. Dân chúng nước Ma-kiệt-đà có đời sống vật chất đầy đủ, các thứ bệnh dịch đều được tiêu trừ, hưởng cảnh an lạc.

Lúc ấy, dân chúng nước Tỳ-xá-ly lại bị tật bệnh, người chết rất nhiều. Nghe Phật ở nước Ma-kiệt-đà đã hàng phục độc long, bệnh dịch được tiêu diệt, vua nước Tỳ-xá-ly liền sai sứ đến tinh xá Trúc lâm, thỉnh Phật.

Sứ giả đến nơi, tiến tới trước Đức Phật cung kính đảnh lễ sát chân, quỳ mọp thưa:

Nhà vua dốc lòng cho con đến đảnh lễ vấn an Đức Như Lai là Bậc Đại Thánh. Nước con đang bị bệnh dịch khiến người chết rất nhiều, cúi mong Đức Thế Tôn rủ lòng đại từ thương xót, giáng lâm che chở cho nước chúng con, tuy nhọc đến uy quang nhưng cũng mong cho muốn dân được cứu vớt.

Hai nước Tỳ-xá-ly và Ma-kiệt-đà vốn có mối thù xưa, nên vua A-xà-thế nghe nước Tỳ-xá-ly đang bị bệnh dịch hoành hành, trong lòng lấy làm thích thú.

Bấy giờ, Đức Phật bảo sứ giả nước Tỳ-xá-ly:

-Trước Ta đã nhận lời mời của vua A-xà-thế ở đây chín mươi ngày, nay chưa mãn hạn, ông phải đích thân đến thỉnh ý đại vương A-xà-thế.

Sứ giả bạch Phật:

-Thưa Thế Tôn, vốn hai nước có mối thù xưa, nếu nay con đến đó chắc chắn sẽ bị giết.

Đức Phật báo sứ giả:

-Ông nay làm sứ giả cho Ta, chắc chắn sẽ không có ai giết ông đâu.

Đức Phật lại bảo sứ giả đến đó nói như thế này:

-Vua A-xà-thế đã tạo tội đại nghịch là giết cha, do hướng về Như Lai sám hối sửa đổi, nên tội bị đọa vào địa ngục, một ngày bằng năm trăm ngày trên dương thế của nhà vua, nay đã thoát khỏi.

Sứ giả nhận chỉ giáo liền đi đến cửa thành Vương xá Vua A- xà-thế và quần thần nghe có sứ giả của nước Tỳ-xá-ly đã đến ngoài cửa thành thì ai nấy đều nổi giận cùng nhau bàn tính là sẽ chặt đầu, xẻo tai, xẻo mũi cùng nghiền nát thân xác người này thành tro bụi.

Sứ giả nước Tỳ-xá-ly đến trước bệ rồng, cất to tiếng tâu:

-Tôi được Đức Như Lai sai đến gặp đại vương.

Nhà vua và quần thần nghe nói là sứ giả của Đức Thế Tôn nên tất cả đều vui mừng. Đại vương hỏi sứ giả:

-Đức Thế Tôn sai ngươi đến đây có dạy bảo ta điều gì chăng?

Sứ giả tâu:

-Đức Phật bảo cho đại vương biết, tội ác nghịch giết cha của đại vương, do hướng về Đức Như Lai sám hối, nên tội bị đọa vào địa ngục trong một ngày bằng năm trăm ngày trên thế gian của đại vương nay đã thoát khỏi. Phật dạy đại vương cần phải tự cải bỏ những lỗi lầm trong quá khứ, không được tái phạm trong vị lai, chớ nên sầu muộn.

Nhà vua nghe nói như vậy, không sao kiềm chế được nỗi vui mừng, liền xoay mặt từ xa trông về hướng Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, bạch:

-Con đã tạo tội nghịch ác phải ở trong địa ngục, nay được ra khỏi.

Rồi nhà vua quay lại nói với sứ giả:

-Nay nhà ngươi vì ta đem đến tin vui này thật không sao diễn tả hết! Tùy ngươi muốn những gì ta sẽ ban cho.

Sứ giả tâu:

-Nước Tỳ-xá-ly của chúng tôi đang có tật dịch hoành hành, muốn cung thỉnh Đức Thế Tôn quang lâm đến để cả nước được nhờ ân tế độ. Cúi mong đại vương vui lòng để Đức Phật ra đi.

Nhà vua liền tùy hỷ và bảo sứ giả:

-Ngươi trở về tâu với vua của nhà ngươi: Ta từ cửa thành cho đến bến sông Hằng, lo tu bổ đường sá, dùng hoa rải trên mặt đường, hai bên cờ phướn thẳng hàng tới bờ sông, quân lính cả nước đứng hầu, tiễn đưa Đức Phật đến tận bến sông. Nước ông cũng phải từ thành Tỳ-xá-ly cho đến bờ sông Hằng, lo sửa sang đường sá, rải các hoa hương và hai bên đường đều có cờ phướn chỉnh tề, tất cả thần dân, binh lính toàn nước phải ra tận bờ sông Hằng để cung nghinh Đức Thế Tôn. Nếu đúng như vậy ta sẽ hoan hỷ để Đức Phật ra đi, còn không được như thế thì ta nhất định sẽ xin Phật ở lại.

Sứ giả nước Tỳ-xá-ly nghe lời chỉ bảo của vua A-xà-thế thì hết sức vui mừng, liền cáo từ nhà vua trở lại tinh xá, đầu mặt sát đất đảnh lễ thưa lại với Đức Phật đầu đuôi như vậy. Đức Thế Tôn liền chấp nhận. Sứ giả lễ Phật rồi vội vã ra về.

Sứ giả về tới thành Tỳ-xá-ly, đem mọi sự tâu lên vua mình. Nhà vua nghe qua thì vô cùng vui mừng và nghĩ: “Trong nước ta cũng nên gieo giống phước đức”. Tức thì ra lệnh cho tu bổ đường sá từ cửa thành Tỳ-xá-ly tới bến sông Hằng, tất cả đều được sạch sẽ, rải các hoa thơm, xông hương thơm, hai bên đường bày la liệt cờ phướn thẳng hàng. Nhà vua Tỳ-xá-ly lại lệnh cho thần dân đánh chuông trống và tấu các thứ kỹ nhạc đến tận bờ sông Hằng để nghinh rước Phật. Nhà vua đem năm trăm chiếc lọng báu dâng cúng Đức Thế Tôn.

Vua nước Ma-kiệt-đà cũng ra lệnh tu bổ đường sá, tất cả đều được sạch sẽ, rải các hoa thơm, treo các cờ phướn đến tận bờ sông, quân lính cả nước cùng các dân chúng còn đánh chuông, thúc trống, tấu các thứ kỹ nhạc vang rền khắp trời đất cùng đứng hầu tiễn Đức. Nhà vua đem năm trăm chiếc lọng báu ra tận sông Hằng cúng dường Đức Thế Tôn.

Vua cõi trời Tứ thiên, vua cõi trời Đao-lơi, vua cõi trời Hóa ứng thinh, mỗi vị cùng vô số chư Thiên cõi mình, đều đem theo các thứ ngọc quý cõi trời đẹp đẽ lạ thường cùng các thứ hoa hương, vô số kỹ nhạc và năm trăm lọng báu đến dâng cúng Đức Thế Tôn.

Vua cõi trời Phạm thiên thứ bảy cho đến cõi Thủ-đà-hội thiên, các Thiên vương này cùng các Thiên tử, mỗi vị đều đem theo các thứ hoa hương, kỹ nhạc và năm trăm chiếc lọng báu của cõi trời đến dâng cúng Đức Thế Tôn.

Vua loài A-tu-la là Tỳ-ma-tỳ-la cùng vô số dân A-tu-la đem các ngọc quý, các thứ hoa hương, vô số kỹ nhạc và năm trăm lọng báu đến dâng cúng Đức Thế Tôn.

Long vương Ta-kiệt-la cùng vô số rồng quyến thuộc, mỗi vị đều đem theo vô số hương thơm, trổi các thứ kỹ nhạc và năm trăm lọng báu đến dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn.

Tổng cộng số lọng báu cúng dường cho Đức Thế Tôn là ba ngàn chiếc. Đức Phật để lại một chiếc, còn bao nhiêu thì thọ nhận. Chiếc lọng báu để lại với dụng ý che chở cho hàng đệ tử sau này khiến họ được cúng dường.

Ngay lúc ấy, vô số chư Thiên, muôn dân, rồng, A-tu-la, nhiều không thể kể xiết, cùng nhau kéo đến tinh xá Trúc lâm, nơi Đức Phật đang ngự. Vua nước Tỳ-xá-ly và các thần dân đều nói:

-Ngày nay Đức Phật sẽ vượt qua sông Hằng, chúng ta cùng nhau dùng năm trăm chiếc thuyền để đưa Đức Phật qua sông.

Vua và thần dân nước Ma-kiệt-đà cũng nói:

-Ngày nay, Đức Phật sẽ qua sông, chúng ta phải dùng năm trăm chiếc thuyền để đưa tiễn.

Chư Thiên mỗi tầng trời cũng đều sấm sửa năm trăm chiếc thuyền quý. Các loài A-tu-la cũng cùng nhau tạo ra năm trăm thuyền quý. Lúc ấy, loài rồng bèn tự đem thân mình bện thành năm trăm chiếc cầu, muốn Đức Thế Tôn giẫm trên thân mình để qua khỏi sông.

Bấy giờ, Đức Phật nhận thấy tất cả chư Thiên, dân chúng, rồng, A-tu-la. Mỗi loài đều có tâm hoan hỷ cúng dường, nên để cho tất cả chúng sinh đều được phước, Đức Phật đã dùng hóa thân biến hiện khắp trên các thuyền. Chư Thiên, dân chúng, rồng, A-tu- la, mỗi loài đều tự thấy Đức Như Lai Thế Tôn chỉ ở trên thuyền của mình, còn các thuyền khác thì không có. Với cách thức như thế, Đức Như Lai đã đi qua khỏi sông.

Vô số chư Thiên đầy trong hư không rải các hoa quý, đốt các hương thơm vi diệu lạ thường, trổi các kỹ nhạc. Dân chúng, rồng, A- tu-la đều cũng rải các hoa quý, xông các hương thơm và tấu các kỹ nhạc được gặp Thế Tôn nên lòng vui mừng vô hạn.

Lúc ấy, Đức Như Lai quán biết chư Thiên, muôn dân trong ba cõi đều đem tâm vui mừng, hớn hở cúng dường Đức Như Lai.     Đức Như Lai muốn nêu bày về nhân nơi đời trước của mình khi còn tu hạnh Bồ-tát, nên liền mỉm cười, hào quang ngũ sắc từ nơi kim khẩu phóng ra, mỗi đạo hào quang phát xuất vô số tia sáng, mỗi tia sáng hiện một hoa sen báu, trên mỗi hoa sen có hóa thân Phật. Tất cả hào quang chia làm năm phần:

Phần hào quang thứ nhất chiếu sáng rõ cõi Dục, cõi sắc và Vô sắc. Chư Thiên trong ba cõi thấy hào quang ấy và các vị Hóa Phật, tất cả đều hoan hỷ, xa lìa dục lạc, hướng về Đức Hóa Phật nghe thuyết kinh pháp. Vô lượng chư Thiên nghe kinh pháp, lòng vô cùng vui mừng, đều chứng được các quả vị, có người chứng quả Tu-đà- hoàn, có người chứng quả Tư-đà-hàm, có người chứng quả A-na- hàm, có người chứng quả A-la-hán, có người phát tâm cầu đạt đạo quả đại Bồ-đề, chứng bậc Bất thoái chuyển.

Phần hào quang thứ hai chiếu vào loài người trong Tam thiên đại thiên thế giới, chư vị Hóa Phật trong hào quang biến khắp các thế giới. Tất cả dân chúng khi thấy được ánh sáng đó thì cũng đều thấy được Hóa Phật. Đối với những kẻ nào lòng đầy sân hận thì tâm sân hận ấy liền được tiêu diệt và đều phát tâm từ bi. Đối với những kẻ lửa dâm dục hẫy hừng thì tâm dâm dục ấy liền được tiêu trừ, nhận thức được sự bất tịnh. Đối với những kẻ tối tăm ngu si thì họ đều được tỉnh ngộ, rõ được bốn pháp vô thường. Đối với những ai bị giam cầm trong ngục thì đều được phóng thích. Đối với kẻ mù thì được sáng, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ chân tay què quặt thì được hoàn hảo, người tàn tật hay mắc phải một trăm thứ bệnh cũng đều được lành khỏi. Tất cả dân chúng không một ai là không vui mừng, đều lìa bỏ sự đam mê dục lạc, hướng về Hóa Phật. Lúc đó, mỗi vị Hóa Phật đều thuyết pháp khiến tâm ý nơi mọi người đều được khai mở. Hoặc có kẻ dự vào Thánh đạo, có kẻ chứng quả Bất lai, có kẻ chứng quả Bất hoàn, có kẻ chứng bậc Vô trước (A-la- hán). Hoặc có kẻ phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh chân, trụ vững nơi pháp Đại thừa không còn thoái chuyển. Số ấy không thể kể xiết.

Phần hào quang thứ ba chiếu khắp cõi ngạ quỷ, tất cả các vị Hóa Phật trong hào quang đều biến hiện khắp cảnh giới ngạ quỷ. Bao nhiêu ngạ quỷ trông thấy hào quang của Phật thì tự nhiên no nê không còn đói khát, thân tâm thanh tịnh dứt hết phiền não, nghe các vị Hóa Phật thuyết pháp đều hoan hỷ, tâm hạ tiện bỏn sẻn được tiêu trừ, sau khi mạng chung được sinh về cõi trời.

Phần hào quang thứ tư chiếu vào cảnh giới súc sinh trong đại thiên thế giới, tất cả loài cầm thú trông thấy hào quang của Phật, đều hết sức vui mừng, tâm lành tự động phát sinh, trái lại tâm độc ác của các loài cọp, sói, rồng, rắn, sư tử. Đều được tiêu diệt, ngay tức thì các loài ấy đều đem tâm yêu thương đối với nhau chứ không còn sát hại nhau nữa. Sau khi mạng chung, đều được sinh lên các cõi trời.

Phần hào quang thứ năm chiếu khắp cảnh địa ngục trong đại thiên thế giới, những chỗ tối tăm trong núi Thiết vi không đâu là không sáng tỏ. Tất cả các chúng sinh trong tất cả các địa ngục khi trông thấy ánh hào quang này thì liền thấy Hóa Phật; nên vô cùng vui mừng hớn hở, như lửa tắt, nước nóng trở thành mát, những cảnh khảo tra độc ác đều được dừng nghỉ. Địa ngục Hàn băng bỗng nhiên ấm áp. Chúng sinh trong địa ngục đã dứt được cảnh đau khổ nên vui mừng không thể kể xiết. Lúc ấy, các vị Hóa Phật, mỗi vị đều vì chúng sinh trong địa ngục mà thuyết pháp, khiến tâm họ được khai ngộ, ngay khi xả bỏ thân mạng được sinh lên các cõi trời.

Ngay vào lúc các vị Hóa Phật trong hào quang biến hiện đầy khắp trong cõi Tam thiên đại thiên thế giới thì chúng sinh trong năm đường đều được giải thoát.

Phàm hào quang của Đức Như Lai phát ra và nhập vào một chốn nào thì đều có chỗ tương ứng:

Như Hóa Phật muốn nói về việc địa ngục, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ lòng bàn chân Đức Thế Tôn để đi vào cõi kia.

Như Hóa Phật muôn nói về việc súc sinh, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ trên bàn chân Đức Thế Tôn để đi vào cõi ấy.

Như Hóa Phật muốn nói về việc ngạ quỷ thì hào quang Hóa Phật phát ra từ mắt cá và ống chân Đức Thế Tôn để đi vào cảnh giới đó.

Như Hóa Phật muốn nói về việc nơi cõi người, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ bắp vế Đức Thế Tôn để đi vào.

Như Hóa Phật muốn nói về việc của Chuyển luân thánh vương, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ rún Đức Thế Tôn để đi vào.

Như Hóa Phật muốn nói về việc A-la-hán, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ kim khẩu Đức Thế Tôn để hội nhập.

Như Hóa Phật muốn nói về việc Bích-chi-phật, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ chặng giữa hai hàng lông mày Đức Thế Tôn để hội nhập.

Như Hóa Phật muốn nói về việc Bồ-tát, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ trên đảnh đầu Đức Thế Tôn để hội nhập.

Như Hóa Phật muốn nói về việc quá khứ, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ phía sau lưng Đức Thế Tôn để hội nhập.

Như Hóa Phật muốn nói về việc hiện tại và vị lai, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ phía trước Đức Thế Tôn để hội nhập.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện đại thần thông biến hóa, hào quang chiếu khắp mười phương thế giới. Trong toàn cõi đại thiên mưa xuống các thứ hoa trời, vô lượng các thứ kỹ nhạc không người điều khiển mà tự nhiên hòa tấu. Đại chúng, chư Thiên, muôn dân không ai là không vui mừng, hớn hở.

Khi ấy, Đức Thế Tôn thu nhiếp thần túc, tất cả Hóa Phật trong hào quang liền xoay về nhiễu quanh Đức Thế Tôn ba vòng, rồi nhập vào sau lưng kim thân. Vô lượng chư Thiên cùng tất cả đại chúng đồng ca ngợi Đức Như Lai:

-Công đức của Như Lai thật vòi vọi, không thể nghĩ bàn, tính toán!

Lúc ấy, Tôn giả A-nan chắp tay quỳ mọp trước Đức Phật bạch:

-Đức Phật không bao giờ cười suông nên khi Ngài cười là có duyên cớ. Nụ cười hoan hỷ của Đức Phật ngày hôm nay như vậy, ắt là sẽ nói về các việc làm nơi đời trước của mình chăng?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan và đại chúng:

-Vào thuở quá khứ lâu xa vô lượng vô số kiếp, tại cõi Diêm- phù-đề này có một vị Chuyển luân thánh vương tên là Tu-đà-lê Thiện Ninh trì vị bốn châu thiên hạ. Cõi Diêm-phù-đề này có tám vạn bốn ngàn vua tiểu quốc với tám vạn bốn ngàn thành. Nhà vua có bảy thứ báu:

Thứ nhất là kim luân, bánh xe này có một ngàn tăm, đường kính bốn mươi dặm, chu vi khoảng một trăm hai mươi dặm. Khi nhà vua muốn ra đi, thì kim luân dẫn đường đi trước, không cần sức người, trên đầu kim luân tự nhiên xoay suốt, khi muốn đứng lại thì tự nhiên dừng nghỉ, không cần vật ngăn cản.

Thứ hai là ngọc Ma-ni, nếu treo ngọc trên đầu cây phướn, thì suốt ngày đêm ánh sáng chiếu xa đến một ngàn sáu trăm dặm.

Thứ ba là voi trắng, thân nó rất dài, đẹp đẽ lạ thường, sắc trắng như tuyết. Nhà vua cỡi trên mình thì tự nhiên bay đi khắp bốn châu thiên hạ chỉ trong khoảng thời gian một bữa ăn.

Thứ tư là ngựa màu xanh biếc, lông bờm và lông đuôi màu đỏ tươi, nhà vua cỡi lên mình, thì nó phi khắp cõi thiên hạ chỉ trong khoảng thời gian một bữa ăn.

Thứ năm là quan thống lãnh binh lính, như ý nhà vua cần có trăm ngàn vạn hùng binh, thì tự nhiên quân lính kéo đến.

Thứ sáu là quan quản thủ kho tàng, nếu nhà vua muốn dùng vàng, bạc, bảy báu, quần áo, mùng mền, đồ ăn uống… thì hai tay của quan liền mang đầy đủ bảy báu, tài sản, tất cả nhu cầu cần thiết đến ngay, rồi tùy theo ý của nhà vua, các vật dụng cứ hiện ra trong hai tay không bao giờ cùng tận.

Thứ bảy là ngọc nữ, hình dung tươi đẹp không ai sánh kịp, giống như Tiên nữ cõi trời, không chút cấu uế, bất tịnh như những người nữ bình thường khác, thân thể trong lành như hoa sen xanh tỏa hương thơm ngào ngạt. Khi ý nhà vua muốn được mát mẻ, thì thân người nữ tự nhiên mát rượi, khi nhà vua muốn ấm áp thì thân người nữ tự nhiên ấm áp, tiếng như Phạm âm, thường khiến nhà vua hoan hỷ vô cùng, gọi là ngọc nữ bảo.

Nhà vua có một ngàn người con, dũng mãnh phi thường, khi vua sắp ra đi thường có lọng bảy báu luôn che trên đầu, bảy thứ báu kia và vô số quần thần hộ vệ trước sau, một trăm, một ngàn kỹ nhạc cùng hòa tấu, âm thanh vi diệu, trang nghiêm, oai vệ không sao kể xiết.

Thái tử nhỏ nhất trong số một ngàn người con của nhà vua, thấy vua như vậy nên thưa hỏi mẫu hậu:

-Đây là vị quốc vương nào mà oai phong như thế?

Mẫu hậu đáp:

-Đó là đại Chuyển luân vương Tu-đà-lê Thiện Ninh, trị vì bốn châu thiên hạ, là cha của con, sao con lại không biết?

Thái tử lại hỏi:

-Con chừng nào sẽ được làm vua?

Mẫu hậu đáp:

-Phụ vương có một ngàn người con, con là đứa con út nên không được làm vua.

Thái tử lại nói:

-Nếu không được làm vua, ở tại gia làm kẻ bạch y làm gì?

Liền quỳ mọp trước mẫu hậu thưa:

-Cúi xin mẫu hậu cho con được phép xuất gia làm Sa-môn, vào trong núi sâu, đầm vắng tu học đạo Tiên.

Mẫu hậu liền đồng ý và nói:

-Nếu con tư duy chứng được trí tuệ, quyết phải trở về cho ta biết.

Thái tử đồng ý, liền xuống tóc, mặc áo hoại sắc, vào trong đầm núi tinh tấn tọa thiền, tư duy về trí tuệ. Trong hiểu rõ về ngũ ấm, ngoài biết muôn vật tất cả đều vô thường, tất cả thọ thân đều là sự chứa nhóm của các khổ. Như Chuyển luân thánh vương là bậc hào kiệt, tài giỏi hơn người, làm chủ cõi đời, được tam giới tôn vinh nhưng cũng như trò ảo thuật không có chủ tể. Duyên hợp thì có, duyên tan thì không, đều từ nhân si ái mà có các hành nghiệp. Do các hành nghiệp mà thọ tất cả thân nên chịu quả khổ trong năm đường, nếu không có các si ái thì không có các hành nghiệp, không có hành nghiệp thì không có năm đường, do không có năm đường thì không có thọ thân, do không có thân thì các khổ liền diệt. Tư duy như vậy, bỗng nhiên tâm trí được khai ngộ, chứng đạo quả Bích-chi- phật, sáu phép thần thông thấu triệt không gì ngăn ngại, rồi bay vọt lên hư không, biến hóa đủ cách.

Bích-chi-phật nhớ lời hứa cũ liền trở về thăm mẫu hậu, hiện thần túc thông bay trên hư không, lúc đi kinh hành, lúc thiền tọa, lúc thì nằm, trên thân phun ra nước, dưới thân phun ra lửa, trên thân phun ra lửa, dưới thân phun ra nước, một thân phân ra làm trăm ngàn vạn cho đến vô số thân, rồi trăm ngàn vạn thân hiệp lại thành một thân. Mẫu hậu thấy sự biến hóa như vậy, trong lòng rất vui mừng liền đảnh lễ đầu mặt sát đất.

Mẫu hậu lại hỏi:

-Thái tử sinh sống bằng cách nào?

Đáp:

-Khất thực để tự sống.

Mẫu hậu lại nói:

-Chớ nên khất thực, hãy nhận lời mời của ta, từ nay về sau Tôn giả sẽ ở trong vườn này, nguyện ngày ngày sẽ nhận đồ ăn uống do ta cúng dường, cũng để cho ta có cơ duyên làm chút phước đức.

Bích-chi-phật nhận lời mời của mẫu hậu, ở lại trong Thượng uyển. Bà ta ngày ngày tự mình mang thức ăn đến dâng cúng cho Bích-chi-phật. Trải qua được vài năm, một hôm, tự nghĩ: ‘Thân này nhơ nhớp, không chút trong sạch, thân là món đồ chưa các thứ đau khổ, dùng nó làm gì?”, liền xả bỏ thân mạng, nhập vào tịch diệt đạt đến Niết-bàn vô dư. Mẫu hậu làm lễ trà-tỳ, thâu xá-lợi, xây tháp dùng hoa hương cúng dường.

Một hôm nọ, nhà vua dạo chơi trong khu thượng uyển, thấy bảo tháp ấy liền hỏi quan cận thần:

-Nguyên vườn này không có bảo tháp, ai là người xây cất?

Mẹ Bích-chi-phật liền tâu:

-Đây là bảo tháp người con út trong số các thái tử của nhà vua. Một hôm trông thấy nhà vua ngự giá người con ấy đã hỏi thiếp: “Đây là đại vương nào mà oai nghiêm như thế?”

Thiếp đáp: “Chuyển luân thánh vương Tu-đà-lê Thiện Ninh, là cha của con.”

Người lại hỏi tiếp: “Con chừng nào sẽ được làm vua?”

Thiếp đáp: “Con là thái tử nhỏ nhất trong một ngàn thái tử, nên không được làm vua.”

Người lại thưa: “Nếu không được làm vua thì ở tại gia làm bạch y làm gì? Nên xin phép mẫu hậu cho con từ biệt, xuất gia học đạo.”

Thiếp đã đồng ý, nhưng với lời giao ước: Nếu con đắc đạo thì nhất định sẽ về thăm mẹ. Người liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc vào tận chốn núi sâu đầm vắng tinh tấn thiền tọa, chứng được đạo quả Bích-chi-phật. Người đã giữ lời hứa nên trở về thăm thiếp. Thiếp mời ở lại trong vườn Thượng này, ngày ngày cúng dường cơm nước và những vật cần dùng. Trải qua nhiều năm như vậy, rồi nhập Niết-bàn. Thiếp đã làm lễ trà-tỳ và xây tháp thờ tại đây. Chính là tháp của Bích-chi-phật, con ta.

Nhà vua nghe hoàng hậu tâu qua, trong lòng buồn vui lẫn lộn, rồi bảo với hoàng hậu:

-Sao khanh lúc ấy không nói cho ta biết! Ta sẽ đem ngôi Chuyển luân thánh vương truyền trao cho người. Ta lấy làm hối tiếc là đã không được nghe lời tỏ bày. Nhưng nay người tuy nhập Niết-bàn rồi, ta vẫn đem vương vị trao cho thái tử út của ta.

Nhà vua liền cởi chiếc thiên quan bằng bảy báu cùng những đồ phục sức tốt đẹp đắp lên trên bảo tháp, đầu mặt sát đất đảnh lễ, dùng hoa hương, kỹ nhạc cúng dường, lòng rất vui mừng.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Chuyển luân Tu-đà-lê Thiện Ninh lúc ấy là thân Ta ngày nay. Con Ta lúc ấy thành Bích-chi-phật, Ta cúng dường nơi bảo tháp của Bích-chi-phật ấy, rồi đem ngôi vua dâng lên, cùng chiếc lọng lớn bằng bảy báu che trên tháp báu. Do nhân duyên của công đức đó, vô lượng số kiếp, Ta làm Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ và bảy thứ báu luôn có bên Ta, thường có ba ngàn lọng bằng bảy báu tự nhiên hiện đến. Vô lượng vô sốkiếp làm Thiên đế hay Phạm vương. Cho tới ngày nay, nếu Ta không thành Phật thì ba ngàn lọng bảy báu vẫn có đến vô tận, không bao giờ chấm dứt.

Cúng dường tháp một Bích-chi-phật đạt được công đức không thể cùng tận, huống gì là cúng dường nơi sắc thân của Như Lai và sau khi Phật diệt độ, xây tháp thờ xá-lợi, hay tạo tượng Phật để cúng dường… thì công đức này vượt hẳn công đức cúng dường nơi tháp Bích-chi-phật kia gấp trăm ngàn lần, không thể tính kể, không thể ví dụ.

Bấy giờ, tất cả đại chúng hết sức vui mừng, tâm được khai ngộ, có người chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la- hán. Hoặc có người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh chân, hoặc có người trụ nơi quả vị Bất thoái chuyển, số ấy không thể kể xiết.

Tất cả đại chúng đều hết sức hoan hỷ, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, đầu mặt sát đất đảnh lễ, mỗi người lần lượt trở về chỗ ở của mình.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn tiến vào thành Tỳ-xá-ly, khi đến cửa thành, Ngài nói kệ:

Thiên thần trên mặt đất
Chư Thiên tại hư không
Những ai đến chỗ này
Đều phải phát Từ tâm.
Ngày đêm sinh hoan hỷ
Thực hành theo chánh pháp
Độc hại chớ để lòng
Quấy nhiễu các dân chúng.

Pages: 1 2 3