KINH BÌNH-SA VƯƠNG NGŨ NGUYỆN
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng năm trăm vị Tỳ-kheo ở tại núi Kê thuộc nước Vương xá.

Khi đó, vua nước Vương xá hiệu là Bình-tỷ-sa, lúc nhỏ còn làm thái tử thường nguyện năm điều:

  1. Tôi nguyện làm vua lúc còn trẻ.
  2. Trong nước tôi có Phật.
  3. Tôi thường được ra vào qua lại ở chỗ Phật.
  4. Thường nghe Phật giảng nói kinh.
  5. Được nghe kinh, tâm mau hiểu rõ, đắc quả Tu-đà-hoàn. Năm nguyện đó của vua Bình-tỷ-sa đều được thành tựu.

Bấy giờ, phương Bắc nước Vương xá có nước tên là Đức Soa-yla, vua nước đó tên là Phất-ca-sa, trong đời quá khứ vô cùng cao đẹp, vua đã từng yết kiến Phật và được nghe Phật giảng dạy kinh nói về sáu phần trong thân. Những gì là sáu?

  1. Trong thân có đất.
  2. Trong thân có nước.
  3. Trong thân có lửa.
  4. Trong thân có gió.
  5. Trong thân có không (hư không).
  6. Trong thân có tâm.

Đó là sáu phần trong thân.

Vua Bình-tỷ-sa cùng vua Phất-ca-sa trong đời này chưa từng gặp nhau, nhưng lại thương yêu kính mến như anh em, thường có thư từ qua lại thăm hỏi không gián đoạn. Vua Bình-tỷ-sa thường nghĩ: “Ta mong được vật quý tuyệt hảo để tặng Phất-ca-sa.” Vua Phất-casa cũng thường nghĩ: “Ta mong được vật quý tuyệt hảo để tặng vua Bình-tỷ-sa.” Trong nước vua Phất-ca-sa bỗng nhiên sinh ra một hoa sen, có ngàn cánh hoa màu vàng ròng. Vua sai sứ giả đem hoa tặng vua Bình-tỷ-sa. Thấy hoa, vua Bình-tỷ-sa rất hoan hỷ, nói:

–Vua Phất-ca-sa tặng ta vật này thật là hiếm có.

Vua Bình-tỷ-sa viết thư gởi cho vua Phất-ca-sa:

–Trong nước tôi có rất nhiều vàng bạc, châu báu, nhưng tôi không cho là quý. Nay trong nước tôi có một hoa người, hoa người này hiệu là Phật, thân có ba mươi hai tướng tốt, toàn thân màu vàng ròng.

Vua Phất-ca-sa đọc thư nghe tiếng Phật, rất vui mừng, vô cùng xúc động. Do đời trước vua đã từng gặp Phật nên xúc động như thế. Vua Phất-ca-sa viết thư gởi cho vua Bình-tỷ-sa, nói là mình muốn được nghe đầy đủ lời Phật dạy bảo và sẽ theo đó phụng hành. Tôi mong chờ thư đáp của bạn.

Vài ngày sau, vua Phất-ca-sa tự nghĩ: “Mạng sống không thể biết, chỉ tồn tại trong khoảng hơi thở, ta không thể chờ thư đáp của Bình-tỷ-sa, chi bằng ta tự đến gặp Phật.” Vua Phất-ca-sa ra lệnh cho quốc vương chín mươi nước nhỏ đến triều kiến, rồi Phất-ca-sa lại hạ lệnh cho vua các nước nhỏ cùng bá quan quần thần, binh lính, tất cả chuẩn bị xa giá khởi hành đến chỗ Phật ở nước Vương xá. Trên đường đi, vua Phất-ca-sa nhận được thư của vua Bình-tỷ-sa, trong thư viết: “Phật dạy người xuất gia bỏ vợ con, đoạn trừ ái dục, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, làm Sa-môn. Vì sao? Vì người ngu si làm điều không nên làm, đó là si. Do si sinh hành, do hành sinh thức, do thức sinh danh sắc, do danh sắc sinh lục nhập. Những gì là lục nhập?

  1. Mắt.
  2. Tai.
  3. Mũi.
  4. Lưỡi.
  5. Thân.
  6. Ý.

Đó là sáu. Sáu căn này đều hướng ra bên ngoài: mắt hướng sắc, tai hướng tiếng, mũi hướng mùi, lưỡi hướng vị, thân hướng vật mịn màng, ý hướng dục. Đó là sáu hướng. Do sáu hướng sinh nghiệp, do nghiệp sinh khổ vui, do khổ vui sinh ái, do ái sinh thọ, do thọ sinh hữu, do hữu sinh sinh, do sinh sinh già, chết lo buồn khổ não không được như ý. Đó là sự kết hợp nhóm tụ của đại khổ ấm. Những điều khổ này kết tập lại gọi là người. Người trí tự trừ bỏ ngu si, ngu si chấm dứt thì các điều ác tiêu trừ, điều ác tiêu trừ thì hành chấm dứt, hành chấm dứt thì thức chấm dứt, thức chấm dứt thì danh sắc chấm dứt, danh sắc chấm dứt thì lục nhập chấm dứt, lục nhập chấm dứt thì hợp chấm dứt, hợp chấm dứt thì khổ vui chấm dứt, khổ vui chấm dứt thì ái chấm dứt, ái chấm dứt thì thọ chấm dứt, thọ chấm dứt thì hữu chấm dứt, hữu chấm dứt thì sinh chấm dứt, sinh chấm dứt thì già chết chấm dứt, già chết chấm dứt thì ưu bi khổ não không như ý cũng chấm dứt. Như vậy là sự kết hợp nhóm tụ của các ấm đại khổ chấm dứt, không sinh trở lại, không sinh tức là đắc đạo Niết-bàn vô vi.”

Vua Phất-ca-sa đọc thư xong rồi suy nghĩ: “Vào ban đêm, sau khi mọi người yên nghỉ, ta sẽ ra đi.” Quần thần bá quan khi ấy đều ngủ, vắng lặng không một tiếng động, vua lén bỏ đi vào trong bãi tha ma, tự mình cạo tóc, mặc pháp y, làm Sa-môn. Không co bình bát đựng thức ăn, vua liền lấy sọ người chết đã lâu trong bãi tha ma, cạo rửa sạch sẽ, dùng làm bình bát. Vua mang bát ấy đi đến nước Vương xá của vua Bình-tỷ-sa. Vua dừng lại ngoài thành, nhìn mặt trời rồi nghĩ: “Bây giờ đi đến chỗ Đức Phật thì đã muộn, nên để ngày mai.”

Vua Phất-ca-sa đến trước nhà làm gạch ngói xin ngủ nhờ một đêm. Chủ nhà nói:

–Rất tốt, nhà tôi rộng rãi có chỗ cho ông nghỉ qua đêm.

Vua Phất-ca-sa ra ngoài lấy tấm đệm cỏ nhỏ, vào một chỗ khuất trải ra ngồi trên đó, tự tư duy về năm điều bên trong.

Từ trong núi Kê, Phật dùng Thiên nhãn từ xa thấy vua Phất-casa đến nghỉ ở nhà làm gạch ngoài thành nước Vương xá. Phật nghĩ: “Ngày mai vua Phất-ca-sa sẽ qua đời, sợ không gặp được ta.” Vì vậy, Đức Phật hiện đến ngoài cửa nhà làm gạch, xin chủ nhà:

–Cho tôi ngủ nhờ một đêm.

Chủ nhà đáp:

–Nhà tôi rộng lớn, Ngài có thể ở chung với một vị Sa-môn mới đến, cũng xin ngủ nhờ qua đêm. Ông hãy báo cho thầy ấy biết về việc hai người có thể ở chung với nhau qua đêm.

Đức Phật đến chỗ vua Phất-ca-sa nói:

–Tôi được chủ nhà cho ngủ nhờ qua đêm, tôi báo cho thầy biết.

Thầy có bằng lòng cho tôi cùng nghỉ qua đêm chăng?

Phất-ca-sa nói:

–Tôi chỉ có đệm cỏ nhỏ, chỉ đủ để ngồi, nhà này rộng rãi, ông cứ tự nhiên an nghỉ.

Phật liền quan sát rồi lấy tấm đệm cỏ nhỏ ngồi một chỗ. Đức Phật ngồi yên quá canh ba, Phất-ca-sa cũng đang đoan tọa. Đức Phật nghĩ: “Phất-ca-sa đang ngồi thật tĩnh lặng bất động, ta muốn đến trước để hỏi: Vì sao thầy làm Sa-môn? Thọ kinh giới gì? Thích những kinh gì?”

Nghĩ rồi, Phật đến trước Phất-ca-sa hỏi:

–Đạo sư của thầy là ai? Vì sao thầy làm Sa-môn?

Phất-ca-sa đáp:

–Tôi nghe có Phật họ Cù-đàm, con của vua Bạch Tịnh tự là Duyệt-đầu-đàn. Ngài cạo bỏ râu tóc làm Sa-môn đã đắc quả Phật. Đó là thầy của tôi. Tôi vì pháp Phật mà làm Sa-môn. Kinh Phật đã giảng nói thâm nhập tâm tôi, tôi rất vui mừng.

Đức Phật hỏi:

–Thầy đã thấy Phật chưa?

Phất-ca-sa đáp:

–Chưa từng thấy.

–Giả sử thầy thấy Phật có biết được Phật không?

Phất-ca-sa đáp:

–Nếu thấy cũng không thể biết.

Đức Phật nghĩ: “Hiền giả đây vì ta mà làm Sa-môn, ta sẽ vì người này tiếp tục giảng nói kinh đời trước ông ấy đã nghe, như vậy mới mau hiểu.”

Đức Phật nói với Phất-ca-sa:

–Tôi sẽ vì ông giảng nói kinh, lời nói đầu, lời nói giữa, lời nói cuối đều thiện. Vì ông ta giảng nói sáu phần trong thân, hãy lắng nghe.

Phất-ca-sa nói:

–Thật quý hóa!

Phật nói:

–Hợp sáu phần này là thành thân người, thân người gồm đủ sáu phần thì có sự hiểu biết. Người dụng tâm thì ý chuyển động thành mười tám việc. Có bốn việc người học đạo cần phải phụng hành, phụng hành rồi tâm không lay chuyển, người tâm không chuyển động thì liền đắc đạo quả, đắc đạo quả rồi thì không sinh trở lại, không già, không bệnh, không chết ở đời này, cũng không chết ở đời sau, cũng không sầu não, không ưu phiền, không phẫn nộ, cũng không suy nghĩ, không ái. Đó là đạo vượt khỏi thế gian.

Phất-ca-sa thưa:

–Xin Ngài giải rõ sáu phần hợp lại thành người.

Đức Phật nói:

–Ông hãy lắng nghe cho kỹ:

  1. Đất.
  2. Nước.
  3. Lửa.
  4. Gió.
  5. Không.
  6. Tâm.

Những gì là đất? Đất có hai loại: Đất trong thân và đất ngoài thân. Đất trong thân là những gì? Đó là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, lá lách, thận, gan, phổi, ruột, dạ dày. Các thứ cứng trong thân đều là đất. Đất trong thân, đất ngoài thân đều gọi là đất. Đất trong thân, đất ngoài thân chẳng phải đất của ta. Người biết như vậy thì không có gì để tham ái, nên suy nghĩ chín chắn để tự hiểu rõ.

Những gì là nước? Nước có hai loại: Nước trong thân và nước ngoài thân. Nước trong thân là những gì? Đó là: nước mắt, nước dãi, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, tủy, não, nước tiểu. Những thứ mềm trong thân đều gọi là nước. Nước trong thân, nước ngoài thân đều gọi là nước. Nước trong thân, nước ngoài thân chẳng phải là nước của ta. Người biết như vậy thì không có gì để tham ái, nên suy nghĩ chín chắn để tự hiểu rõ.

Những gì là lửa? Lửa có hai loại: Lửa trong thân và lửa ngoài thân. Lửa trong thân là những gì? Đó là hơi ấm trong thân, hơi nóng trong bụng tiêu hóa các thức ăn. Các hơi nóng trong thân đều là lửa. Lửa trong thân, lửa ngoài thân đều gọi chung là lửa. Lửa trong thân, lửa ngoai thân chẳng phải là lửa của ta. Người biết như vậy thì không có gì để tham ái, nên suy nghĩ chín chắn để tự hiểu rõ.

Những gì là gió? Gió có hai loại: Gió trong thân và gió ngoài thân. Gió trong thân là những gì? Đó la hơi đi lên, hơi đi xuống, hơi trong xương, hơi trong bụng, hơi trong tay chân, hơi thở ngắn, dài. Các thứ hơi khởi động trong thân đều là gió. Gió trong thân, gió ngoài thân đều gọi chung là gió. Gió trong thân, gió ngoài than chẳng phải là gió của ta. Người biết như vậy thì không có gì để tham ái, nên suy nghĩ chín chắn để tự hiểu rõ.

Những gì là không? Không có hai loại: Không trong thân và không ngoài thân. Không trong thân là những gì? Đó là khoảng không ở mắt, khoảng không ở mũi, khoảng không ở tai, khoảng không ở miệng, khoảng không ở cuống họng, khoảng không ở bụng, khoảng không ở dạ dày, khoảng không ở chỗ thức ăn ra vào. Đó là không ở trong thân. Không trong thân, không ngoài thân đều gọi chung là không. Không trong thân, không ngoài thân chẳng phải là không của ta. Người biết như vậy thì không có gì để tham ái, nên suy nghĩ chín chắn để tự hiểu rõ.

Người trí học đạo thường tự biết phân biệt năm phần trong thân, trừ một phần là tâm. Tâm thanh tịnh vô dục, tự nghĩ ta thanh tịnh như vậy, hoặc nguyện muốn sinh lên cõi trời thứ hai mươi lăm là Không tuệ, trên cõi trời này tuổi thọ ngàn kiếp thì sợ không giải thoát; hoặc nguyện sinh lên cõi trời thứ hai mươi sáu là Thức tuệ, tuổi thọ gấp đôi cõi trời thứ hai mươi lăm, sợ không giải thoát; hoặc nguyện muốn sinh lên cõi trời thứ hai mươi bảy là Vô sở niệm tuệ, tuổi thọ gấp đôi ở cõi trời thứ hai mươi sáu, sợ không giải thoát; hoặc nguyện muốn sinh lên cõi trời thứ hai mươi tám là Vô tư tưởng, tuổi thọ tám mươi bốn ngàn vạn kiếp, lại sợ không giải thoát; tuoi thọ lâu dài nhưng không giải thoát, tâm nhàm chán khổ nên chọn lấy đạo Niết-bàn.

Những gì là sáu sự hợp?

  1. Mắt hợp với sắc.
  2. Tai hợp với tiếng.
  3. Mũi hợp với mùi.
  4. Lưỡi hợp với vị
  5. Thân hợp với xúc.
  6. Tâm hợp với cái biết.

Đó là sáu sự hợp.

Mười tám sự làm dao động tâm người là những gì? Đó là mắt bị sắc đẹp làm dao động, bị sắc xấu làm dao động, bị sắc bình thường làm dao động. Tai bị âm thanh êm dịu làm dao động, bị âm thanh bi thảm làm dao động, bị âm thanh chát chúa làm dao động. Mũi bị mùi thơm làm dao động, bị mùi hôi làm dao động, bị vô vị làm dao động. Lưỡi bị vị ngon làm dao động, bị vị dở làm dao động, bị vô vị làm dao động. Thân bị vật mềm mịn làm dao động, bị vật thô cứng làm dao động, bị nóng lạnh làm dao động. Tâm bị việc thiện làm dao động, bị việc ác làm dao động, bị thế sự làm dao động.

Đó là mười tám sự làm dao động tâm.

Bốn việc điều chế bền chắc của hành giả là gì?

  1. Chí thành.
  2. Thương yêu bình đẳng.
  3. Trí tuệ.
  4. Tiêu diệt các ác.

Đó là bốn việc kiên chí.

Nhân dục lạc đưa đến tham ái của mắt, người lìa bỏ dục lạc thì tự rõ biết quá khứ. Từ khổ mà mang đến khổ có thể biết là khổ, khổ tiêu mất rồi thì tự biết là thoát khổ. Người mang theo khổ khó được an vui, nên suy nghĩ đoạn trừ các việc ác. Vì sự không khổ không vui thì tự biết đã xa lìa các khổ. Ví như lấy hai thanh gỗ ma sát phát sinh ra lửa, nếu tách riêng hai cây, mỗi cây để một chỗ thì lửa diệt mất, cây cũng lạnh. Tham ái hợp nhau liền sinh ra khổ, từ bỏ tham ái tự biết là giải thoát. Ví như người thợ gọt giũa vàng ngọc được vàng tốt thì tự theo ý muốn chế tạo. Những vật hiếm như vòng xuyến, bông tai, vòng đeo chân, hoa quang cùng trăm thứ, người thợ đều có thể làm được. Người học đạo giữ tâm nên như người thợ vàng tùy ý thật sự, muốn sinh lên cõi trời thứ hai mươi lăm, cõi trời thứ hai mươi sáu, cõi trời thứ hai mươi bảy, cõi trời thứ hai mươi tám, nhưng thẩm xét lại đều là hữu vi, tuy được sống lâu nhưng sẽ hoại diệt, đều sẽ qua đi không thường còn. Biết vậy nên bỏ qua, ý không hướng tới, không nhớ nghĩ, không tư duy, không ưa thích, đó gọi là vô vi.

Người trí tự suy nghĩ như vậy mới là cao thượng, người xa lìa các điều ác mới là người trí. Nhìn thấy vạn vật đều trôi qua không thường còn, đó mới là vô vi, cũng không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Người học đạo biết vậy liền tin ở đạo vô vi rất mực chí thành. Khi chưa đắc đạo thì mọi thứ ham thích yêu mến từ thân tâm sinh ra, đắc đạo rồi đều bỏ hết, người bỏ hết tham ái gọi đó là vô vi.

Người để tâm nơi dâm dật nên không giải thoát, để tâm nơi sân hận nên không giải thoát, để tâm nơi ngu si nên không giải thoát. Người học đạo biết vậy nên bỏ tâm dâm dật, bỏ tâm sân hận, bỏ tâm ngu si, nhổ rễ tham ái, trảy rụi cành nhánh, chặt đào hết gốc rễ không để phát sinh trở lại, đó là vô vi.

Tự nghĩ có ta, tâm bị dao động; không ta, tâm cũng bị dao động; ta đoan nghiêm, tâm bị dao động; ta không đoan nghiêm, tâm cũng bị dao động. Người tự gắn liền với những niệm như vậy là bệnh, là bệnh quá nặng, là thống khổ, là không giải thoát. Đây là điểm chính yếu của các khổ, vì vậy không được vọng niệm lung tung.

Phất-ca-sa trước không biết Đức Phật, khi đắc quả thứ ba A-nahàm thì mới biết là Đức Phật, tức thời liền đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, thưa:

–Con thật ngu si không biết hình tướng nên đã thất lễ cung kính.

Phật liền thị hiện oai thần sáng rực, Phất-ca-sa liền ăn năn sám hối thưa:

–Con là người ngu si.

Phật nói:

–Nếu có thể tự sám hối thì đó là điều tốt, khiến cho tội tiêu trừ.

Phất-ca-sa thưa:

–Xin Ngài chấp nhận cho con làm Sa-môn!

Phật hoi:

–Nếu ông làm Sa-môn y bát đủ chưa?

Phất-ca-sa thưa:

–Dạ chưa đủ.

Phật nói:

–Sa-môn mà y bát không đủ, không được làm Sa-môn.

Phất-ca-sa thưa:

–Dạ, con xin đi thỉnh đủ.

Phật nói:

–Thật quý hóa!

Phất-ca-sa đảnh lễ Phật, đi nhiễu Phật ba vòng.

Sáng ra, Phất-ca-sa liền vào thành, đi chưa được bao xa, trong thành có con trâu nghé chạy sổng ra dùng sừng húc phải Phất-ca-sa. Các thầy Tỳ-kheo nghe lời đồn liền về bạch Phật:

–Ngày hôm qua, Phật đã ở nhà làm gạch giảng nói kinh cho Sa-môn đó. Sa-môn đó đi thỉnh y bát cho đủ đã bị trâu húc chết. Như vậy Sa-môn ấy sẽ sinh vào chốn nào?

Phật nói:

–Đó là đại Trưởng giả! Ta đã giảng nói kinh cho ông ấy. Ông ấy đã hết lòng thọ trì phụng hành, lập tức đắc ba quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, liền xả bỏ năm triền cái:

  1. Dâm dật.
  2. Sân hận.
  3. Thùy miên (ngủ nghĩ).
  4. Hỷ lạc.
  5. Tâm bất chánh, nghi hối.

Nay chứng quả A-na-hàm, sinh lên cõi trời thứ mười sáu, rồi ở cõi trời ấy đắc quả A-la-hán, đi giáo hóa độ đời. Nay, các ông hãy cùng nhau đem thân Phất-ca-sa chôn cất tử tế, rồi xây tháp.

Lãnh thọ lời Phật dạy, các thầy Tỳ-kheo liền xây tháp.

Phật giảng nói kinh rồi, các thầy Tỳ-kheo đều chắp tay đảnh lễ Phật.